
Nhiều thành phố lớn, trong đó có Tokyo, loài chim đóng đô thường trực là chim quạ. Nơi tôi làm việc, Newark, New Jersey nhìn đâu cũng thấy chim bồ câu. Người ta thường không thích quạ vì dị đoan cho nó là biểu tượng của tai họa. Tiếng kêu của quạ chát chúa, và màu sắc đen đủi. Bồ câu thì ngược lại. Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã có cảm tình với bồ câu nhất là loại bồ câu trắng. Tôi thường nhìn thấy qua sách báo, bồ câu với đôi tay người chắp lại để nguyện cầu; cầu cho quốc thái dân an. Bồ câu với nhành ô liu điển tích từ Thánh kinh cho đến ngày nay vẫn là biểu tượng cho sự mong ước hòa bình. Bồ câu rất thông minh. Ngày xưa, người ta huấn luyện bồ câu làm công việc đưa thư. Ngày nay chúng thường làm việc cho các nhà ảo thuật. Trong những buổi lễ cầu nguyện cho thế giới hòa bình bồ câu được phóng sinh. Năm 2015, cảnh sát Ấn Độ lùng bắt một con chim bồ câu bị gán cho cái tội làm gián điệp. Con bồ câu người ta bắt được sau khi khám xét kỹ lưỡng không tìm thấy gì nên phải thả ra. Một năm sau người ta bắt được một con bồ câu khác mang trong người cái thông điệp của một nhóm quá khích hăm dọa giết Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Có nhiều loại bồ câu. Thường gặp ở New Jersey là loại bồ câu woodpigeon. Bồ câu đẹp thanh nhã với màu tím nhạt ở cái ức, nếu có ánh sáng chiếu vào sẽ lóng lánh màu magenta, đầu và cánh màu lam, có loại có mỏ màu đỏ, thêm chút viền cổ trắng. Cái dáng đi gật gù và tiếng gáy rù rù trong cổ họng rất đáng yêu. Tôi nghĩ là ai cũng yêu thích bồ câu. Ngày còn ở quê nhà, tôi có lần nghe trẻ em hát. “Chim bồ câu trắng bay cao trên trời xanh, có đoàn thiếu nhi vui hát, mời chim đến đây chơi cùng. Chim chim ơi hãy bay vào lồng xinh xắn này đây và chim kia ngúc ngoắt đuôi con, chim không thích lồng chim bay đi.” Bài hát cho thấy những hình ảnh dễ thương của chim bồ câu, dù tôi không đồng ý với cái đoạn rủ rê chim vào lồng để giam cầm những con chim dễ thương này. Tôi cũng nghe có người hát trại đi một câu trong bài hát, thay vì bay vào lồng thì sửa thành bay vào nồi, để người ta làm món nhậu. Tôi chưa ăn nhưng vẫn thường nghe nói đến bồ câu chiên bơ, hay bồ câu nướng. Ai nỡ lòng nào ăn thịt những con chim đẹp đẽ như vầy?
Ăn trưa xong, tôi thường đi bộ loanh quanh trong thành phố. Bồ câu đậu khắp nơi. Trên dây điện. Trên mái nhà thờ. Trên sân cỏ công viên. Trước nhà lồng chợ trời ở đường Mulberry. Chợ trời này giờ đây đã bị giải tán. Nhà lồng chợ bị phá hủy, và người ta xây một vận động trường rất lớn thay vào chỗ ấy. Trong khu chợ trời Mulberry có nhiều tiệm bán thức ăn. Hôm nào không mang thức ăn trưa tôi vào chợ này gọi một đĩa mì xào, một miếng pizza, hay một cái hamburger. Người ta có thể tìm một vài hương vị món ăn quốc tế, Tàu, Ý, Mỹ gồm chung vào ở nơi đây.
Ngày còn đi học tôi có quen một cô người Việt Nam. Cô “Bic” (tên giả) nhỏ hơn tôi độ năm tuổi. Cô có vẻ như lai người da đen. Da cô có màu cà phê sữa rất đẹp. Mắt to, trang điểm rất kỹ với hai vệt bút chì màu đen kẻ đậm. Tóc cô quăn dợn sóng. Đôi hàm răng trắng thẳng rất đẹp. Bic học ngành kỹ sư điện. Đi học cô ăn mặc rất đẹp, đúng thời trang, trong khi đa số các cô học ngành kỹ sư đều ăn mặc xuề xòa đơn giản. Tôi gặp Bic lần đầu ở trong nhà vệ sinh, cô đang xịt nước hoa và ngắm dáng dấp của mình trong gương bằng cách nghiêng người quay qua quay lại. Lúc ấy tôi không biết cô là người Việt, mãi cho đến về sau đang học bài trong thư viện, tôi tình cờ nghe cô nói chuyện điện thoại với ai đó. Chúng tôi đều ngồi trong những ngăn riêng (booth) nhưng vì cô nói hơi lớn tiếng nên tôi ngẩng lên nhìn, và dù chỉ thấy mảng lưng với mái tóc tôi vẫn nhận ra Bic với mùi nước hoa khá đậm. Sau đó chúng tôi có dịp chào nhau. Dù biết nhau nhưng chúng tôi ít khi trò chuyện vì ai cũng bận. Bận trối chết luôn!
Trong một lần đi bộ buổi trưa tôi gặp lại Bic. Cô ra trường và đang làm việc ở tòa nhà Gateway. Chỗ chúng tôi làm việc chỉ cách nhau hai ba đường phố ngắn. Trao đổi số điện thoại chúng tôi hẹn nhau đi ăn trưa vào một dịp khác. Vốn ít bạn, nhất là phái nữ lại là người Việt Nam trên đất Mỹ nên gặp lại Bic tôi rất vui. Tôi gọi điện thoại và vài ngày sau chúng tôi hẹn nhau ăn trưa ở chợ Mulberry. Tôi đến chỗ Bic làm việc, chờ ngoài cửa và chỉ cần ra khỏi cửa, băng ngang chỗ đèn giao thông, đi một đoạn ngắn là đến chỗ ăn trưa, chợ trời Mulberry.
Bất thình lình có cái gì đó rơi lên tóc của Bic. Tóc Bic quăn, bới cao, phồng lên giống như một cái tổ chim. Mái tóc khiến cô có vẻ cao hơn. Rơi lên mái tóc của cô là đống phân của chim bồ câu đậu trên dây điện. Dở khóc dở cười, chúng tôi kéo nhau vào nhà vệ sinh trong chợ chùi rửa phân chim. Loài chim này ăn tạp, cái gì cũng ăn, từ bánh mì cho tới pizza, chúng chẳng thua gì loài quạ cái gì cũng ăn tuốt. Vì ăn tạp nên dù bồ câu có xinh đẹp đến đâu phân của chúng thật chẳng thơm tho chút nào. Bic ngượng ngùng, còn tôi áy náy. Chúng tôi bỏ buổi ăn trưa. Và từ đó về sau, dù biết chỗ làm và số điện thoại của nhau, chúng tôi không lần nào gặp lại.
Chuyện không vui xảy ra khiến tôi lỡ dịp thân hơn với Bic; tuy vậy, không làm tôi mất cảm tình với loài chim bồ câu. Tôi cẩn thận hơn trong lúc đi bộ sau khi ăn trưa. Tránh đi bộ dưới dây điện nếu thấy bồ câu đậu, hoặc đội thêm cái nón. Chung quanh nhà ga xe lửa có một bầy bồ câu khá lớn. Thỉnh thoảng tôi gặp một người phụ nữ rải bánh mì vụn cho chúng ăn. Bẵng đi một dạo không thấy ai cho bồ câu ăn, tôi mang theo một ít gạo để cho bồ câu ăn. Tôi rải một nắm gạo rồi nhìn bồ câu gật gù mổ lia lịa. Tôi thích ngắm chúng bay vụt lên mỗi khi có người đi đến. Một hôm tôi vừa rải xong nắm gạo, người nữ cảnh sát làm việc cho công ty xe lửa, đến gần tôi và hỏi có phải tôi là người rải gạo không? Tôi gật đầu nhận phải. Cô nói rất từ tốn nhỏ nhẹ, yêu cầu tôi đừng cho bồ câu ăn nữa. Cô giải thích vì bồ câu tụ họp đông, rải phân rất bẩn thỉu. Các nhân viên dọn dẹp chăm sóc công viên bên ngoài nhà ga xe lửa đã phải quét dọn, lau rửa vết phân của chim rất cực nhọc. Tôi ngượng ngùng xin lỗi. Tôi đã không nghĩ đến chuyện bồ câu làm bẩn đường phố dẫn vào nhà ga. Về sau khi tôi bớt “hai lúa” tôi mới biết rằng, nhiều công viên có treo bảng yêu cầu người qua lại đừng nuôi chim trong thiên nhiên. Chim thiên di được cho ăn có thể không trở về quê quán của chúng nữa và như thế là đảo lộn trật tự của loài chim. Rồi tôi nghe kể có cặp vịt mandarin rất đẹp chọn một công viên ở Philadelphia để sống. Loại chim này màu sắc rực rỡ rất được yêu chuộng. Nhiều người muốn giữ chim ở lại công viên nên đã nuôi chim bằng bánh mì. Và đôi chim đã chết.
Tôi thích chim bồ câu và muốn giúp đỡ chúng nhưng đã đặt lòng tử tế của tôi không đúng chỗ.
Nguyễn Thị Hải Hà
10 tháng Ba 2022