Silk tree

Silk tree, còn được gọi là silk plant. Tên khoa học là Albizia. Có cây thuộc dòng họ này được gọi là mimosa.

Cây cao lớn, chứ không giống như loại mimosa, hoa trinh nữ hay hoa mắc cỡ, có gai nhọn, mọc sát đất ở Việt Nam. Lá giống từa tựa lá cây hoa trinh nữ, và cũng giống lá cây me, cây điệp, cây phượng, và cây ô môi. Với con mắt người không thuộc nhóm nghiên cứu gia hay sinh vật học, thiên nhiên học, tôi nhìn thấy lá của mấy cây vừa nhắc đến giống từa tựa với nhau. Phải là mắt nhà nghề mới có thể phân tích sự khác biệt của những loại lá của các cây nói trên. Tôi chỉ tò mò muốn biết tên các loại cây trong vùng mình ở chứ không nghiên cứu về cây cỏ.

Mùa hè, đi bộ dọc theo bờ kênh, tháng Bảy là cây hoa này nở rộ. Có chừng ba hay bốn cây trên khoảng đường 9 miles (hơn 14 km.) Cứ mỗi lần đi ngang là tôi ngừng lại chụp vài tấm ảnh, hy vọng có tấm ảnh vừa ý. Tuy nhiên, như nhiều người đã bảo, nếu mình không thay đổi cách làm việc, trong trường hợp này là cách chụp ảnh, thì đừng ngạc nhiên tại sao kết quả không tốt hơn. Chụp đại thì hên xui, tùy theo ánh sáng, có khi tấm ảnh xem được, phần lớn là không.

Tôi thích chụp ảnh cây này, vì nó gợi tôi nhớ đến cây phượng, dù hai cây chẳng giống nhau bao nhiêu, ngoại trừ lá của chúng. Hoa cây phượng đỏ thắm hơn, cành nhánh thưa thớt hơn. Nó cũng gợi tôi nhớ đến cây ô môi, trước trường trung học tôi học thời xưa có trồng một cây, gần cột cờ. Lúc ấy, tôi cũng nghĩ hoa cây ô môi không đẹp bằng hoa cây phượng, vì màu của nó nhạt hơn. Giờ già, nghĩ rằng mỗi loại hoa có vẻ đẹp khác nhau. Mình quen với cái màu đỏ tươi, đập mạnh vào mắt, của cây phượng nên nghĩ rằng màu hoa không đỏ bằng thì không đẹp bằng. Giờ thì nghĩ, mỗi cái đẹp mỗi khác.

Cây có thể là biểu tượng của quê nhà. Với nhạc sĩ Chung Quân, có lẽ cây đa đầu làng là hình ảnh quê nhà của ông qua câu hát, “làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh.” Với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lẽ “đường phượng bay mù không lối vào” là hình ảnh thành phố của ông. Tôi vẫn nhớ mãi cái cây màu trắng toát khi Gandall cưỡi ngựa chở Pipping về Gondor, hình ảnh của một quê hương thuở xưa thanh bình thịnh vượng.

Còn bạn, cây nào là hình ảnh của quê nhà?

6 thoughts on “Silk tree”

      1. Lũy tre chỉ là những cây tre trồng sát vào nhau làm thành hàng rào thường thấy hai bên đường làng quê, và thường thì rất cao đổ bóng mát xuống đường, khi có gió thổi thì rì rào êm tai. Hồi còn ở Huế, Mai rất thích những con đường làng này. Cây tre cùng tiếng sáo mục đồng là quê nhà, nhưng bây giờ có lẽ đã mai một cùng với nhiều thứ thanh bình khác.

        Liked by 2 people

        1. Cám ơn Mai. Rất vui thấy Mai cũng dậy sớm. Giá mà có thể mời một ly trà, hay cà phê. Chúc ngày tươi đẹp bắt đầu cho tuần tươi đẹp.

          Like

  1. Dạ cây roi 😉 hihi
    Hồi con còn thơ, xóm con nhà nào cũng có hàng rào bằng cây này nên ai cũng gọi là cây hàng rào. Cây mọc sát sát nhau mà thẳng đứng, thân bằng nửa ngón tay người lớn, lá đẹp một mặt bóng một mặt gân, đối nhau từ gốc tới ngọn, xanh mướt. Khi mưa mùa hạ tới nó nở hoa trắng muốt, hoa thơm và mật thì ngọt. Hàng rào thường có lỗ chó, con nít lợi dụng lỗ chó khi chơi năm mười hay chơi gì đó để chạy tắt cho mau. Nhà con không có xài chổi lông gà, cần là ra hàng rào, bẻ cây, tuốt lá thành cây roi bén ngót. 😂

    Liked by 3 people

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s