Không nhớ lý do nào mà tôi mượn quyển sách “People from My Neighborhood” của Hiromi Kawakami bản dịch của Ted Goossen. Tôi thong thả đọc và thật sự enjoy quyển sách mỏng này. Quyển sách có ít nhất hai điều tôi cho rằng đáng được học, và học được. Thứ nhất tất cả các truyện của tập truyện này đều khá ngắn, độ chừng 3, hay 4 trang. Dễ cho người đọc tập trung vào đọc và không kịp chán hay ngán. Thứ hai, đây là thể loại truyện fantasy, có thể liệt vào nhóm truyện ma, một thứ truyện ma tân thời, không kinh dị. Truyện có thể rất vô lý, nhưng tác giả bất cần phải có lý. Độc giả, như tôi, chấp nhận sự vô lý như một cách nhìn khác, cách viết khác với khuôn mẫu có sẵn. Rất ít khi tôi bình tâm đọc, và enjoy, trọn vẹn một quyển sách. Và muốn đọc lại. Tác giả trẻ hơn tôi vài tuổi, nhưng xứng đáng làm thầy dạy tôi viết văn.
Chỉ tính viết vài hàng về quyển sách, nhưng lại muốn viết thêm vài hàng về cuốn phim, coi như xem phim cũng là một cách đọc. “Coda” (2019) nói về một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng nhưng ông bị chứng bệnh sợ hãi, lo lắng quá độ, mỗi khi trình diễn trước khán giả dù đó là một đại thính đường với vài ngàn khán thính giả, hay ở một sảnh đường của cửa hiệu bán dương cầm. Ông có một người bạn gái trẻ hơn ông khá nhiều đã tìm cách giúp ông vượt qua nỗi sợ này. Helen Morrison là phóng viên cho New Yorker. Có hai đoạn trong phim tôi chú ý. Đoạn Henry Cole, dương cầm thủ, qua một vùng cao nguyên, tỉnh nhỏ của Thụy Sĩ để tịnh dưỡng, chữa bệnh. Ông vui với thiên nhiên, tập xếp đá thành chồng cao, và ngồi trên một băng ghế gỗ để suy nghĩ. Tôi thích cái băng ghế gỗ này, một trong những park bench moments, một loại setting của phim. Tôi thường chú ý đến park bench moment. Và đoạn thứ hai, là đoạn khiến tôi muốn ghi lại như một thứ nhật ký đọc, đó là lúc Henry hỏi Helen tại sao cô viết. Nếu bạn là người viết, chăm chỉ và nghiêm túc, hay bạn chỉ là một nhà văn tài tử, hoặc tập sự, câu hỏi tại sao bạn viết thế nào cũng có một lần bạn gặp, nếu không do người khác hỏi, thì cũng do chính mình đặt ra.
Helen trả lời, “tôi viết để tôi tìm hiểu mình.” Đó là một câu trả lời hầu như tất cả người viết đều đồng ý.

Ảnh không liên quan gì đến bài viết. Tôi đăng ảnh vì nhớ bữa trước mừng rơn vì chụp được ảnh một con hạc trắng. Tôi cho là hôm ấy gặp hên vì dọc theo con sông này thấy hạc xám thôi chứ ít khi thấy hạc trắng. Vậy mà hôm kia (07/30/22) lại thấy một bầy hạc trắng ít nhất là 8 hay 9 con đậu làm hai chỗ. Một chỗ có 3 con đậu, còn chỗ trên tấm ảnh thì có năm con trắng, và một con xám. Có một hai chỗ hạc trắng đứng một mình. Người đi xe đạp trên đường trail cũng ngừng lại để nhìn. Họ đi đường trail này nhiều lần, chỉ lần này mới thấy nhiều hạc trắng như vậy. Hạc xám khi săn cá ít khi rời chỗ, chỉ lò dò chậm chạp tìm. Có khi đứng ở một khúc sông, bờ ao vài tiếng đồng hồ là chuyện thường. Hạc trắng ít gặp nhưng đậu một chỗ cũng khá lâu.
Ủa cô ơi không biết con nhìn lộn không mà con thấy 2 con xám lận. Ảnh đẹp, mỗi con đứng một kiểu cho cô chụp 😃
Thỉnh thoảng có nhật ký đọc ngăn ngắn như vầy độc giả của cô cũng thích ❤️
LikeLiked by 1 person
Cám ơn cháu đã đọc. Cô có thấy đốm xám ở phía dưới, nhưng nhìn không rõ, sợ đó chỉ là miếng rác.
LikeLike
Con không theo nghiệp bán chữ, nhưng thật sự khi viết con hiểu được bản thân rất nhiều nên con thấy đồng cảm với đoạn giữa cô viết, tôi viết để tôi hiểu chính mình, và còn là để hiểu người nữa cô ạ. Nếu không được viết ra những điều mình nghĩ, mình lo sợ, mình vui mừng, mình hạnh phúc, con thấy cuộc đời con thật rối nùi. Gọi tên được từng cảm xúc, và học được cách kể chuyện đời bằng câu chữ, có lẽ là điều thành công nhất trong cuộc sống của con đến giờ phút này dù chỉ dừng lại ở đôi ba dòng nhật kí.
LikeLiked by 1 person
Cô mừng gặp một bạn trẻ thích viết.
LikeLiked by 1 person