Một điểm lợi của mùa đông là trời lạnh, người làm biếng ra đường đi đông đi tây. Ở nhà đọc sách. Tôi gặp một quyển sách nhỏ, dễ đọc, chỉ trong một ngày là xong. Ganbatte! The Japanese Art of Always Moving Forward của tác giả Albert Liebermann.
Người Nhật có nhiều chữ khó dịch. Chỉ một từ nhưng chứa đựng ý nghĩa rộng lớn. Thí dụ như Tsundoku mua sách về chất đống mà không đọc. Ikigai, shirinyoku, komorebi, là vài chữ. Và Ganbatte.
Theo quyển sách cũng là lời giải thích của tác giả, ganbatte bắt nguồn từ chữ (tiếng Nhật) ganbaru, động từ. Đơn giản, chữ này có nghĩa, ráng lên chút nữa, đừng bỏ cuộc. Kiên gan trì chí. Khi động từ ganbaru dùng ở ngôi thứ hai đó là chữ ganbatte. Có thể hiểu là “hãy cố gắng đến hết mức và đừng bỏ cuộc.”
Có thể nói, đây là một loại sách self-help mà tôi vốn thường lảng tránh. Nhưng quyển này làm tôi ngạc nhiên là tôi có thể chịu được một quyển sách dạy đời. Đọc quyển này, thấy có nhiều giáo điều trái ngược với nhau. Thí dụ như quan niệm “wabi-sabi,” bảo rằng có cái đẹp trong sự bất toàn vẹn. Còn “ganbatte” thì có vẻ như khuyên chúng ta ráng thêm chút nữa, thêm chút nữa, thậm chí vượt qua sự bất toàn để đạt được kết quả toàn vẹn. Thêm một quan niệm trái ngược nữa, là “Ba năm ngồi trên một tảng đá” (Ishi no ue ni mo san nen) khuyên chúng ta kiên nhẫn, ngồi mãi trên một hòn đá thì hòn đá cũng phải tan chảy, cố gắng học, rèn luyện mãi thì sẽ đạt được kết quả. Và “Hòn đá lăn hoài sẽ chẳng đóng rêu” (Tenseki koke musagu). Đóng rêu có thể là điều tốt, vì thu nhận được kết quả là một bài học. Cũng có thể là điều không tốt, thí dụ như trở nên cùn mằn, chậm chạp, không còn mới nữa.
Quyển sách làm tôi suy nghĩ, nhiều khi không đồng ý, nhưng tò mò nên đọc tiếp. Tác giả nói đến nhiều cách áp dụng quan niệm ganbatte vào cuộc sống hằng ngày, thí dụ như các sinh viên đang viết luận án, cần cố gắng, nhiều khi chỉ một vài chi tiết nhỏ mỗi ngày. Áp dụng quan điểm của Miyamoto Musashi, khiến ý nghĩ của mình trở nên mềm mại, luân chuyển, thích hợp với hoàn cảnh như nước thay đổi trạng thái, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Làm được điều này thì cuộc sống của mình có thể trở nên bình lặng hơn.
Miyamoto Musashi là nhà võ sĩ đạo, nổi tiếng với the book of five rings (Ngũ Luân Thư). Wikipedia có một bài về quyển sách này, rất chi tiết nhưng lại bỏ qua phần quyển sách nước mà quyển này thì lại là quyển tâm đắc của Albert Liebermann.
“Hãy gột sạch tư tưởng, trở nên không khuôn khổ. Không hình dáng cố định, như nước vậy. Nếu bạn rót nước vào trong tách, nó sẽ có hình dáng của cái tách. Nếu bạn rót nước vào trong chai, nó sẽ có hình của cái chai. Nếu rót vào ấm trà, nó sẽ có dạng ấm trà. Giờ đây, nước có thể chảy, hoặc có thể tung tóe. Hãy là nước. Bạn của tôi ơi.” – Bruce Lee. (Lý Tiểu Long).
Thích hợp với hoàn cảnh là điều quan trọng để thành công.
hay quá cô 🙂 con cám ơn cô đã chia sẻ.
LikeLiked by 1 person
Dạ
LikeLiked by 1 person