Mùa Xuân và Con Mèo của Onna

Công chúa Onna và con mèo

Bức tranh Công Chúa Thứ Ba (Onna) và Con mèo. Tranh cuộn vẽ trên lụa của Hokusai.

Bức tranh bên trên miêu tả một đoạn văn trong chương 34, Wakana: Jo, trích trong truyện dài Truyện Hoàng Đế Genji – The Tale of Genji.  Tùy theo dịch giả, có sách dịch Wakana Jo là Spring Shoots, hay New Herbs.  Wikipedia tiếng Việt dịch là Cỏ non, phần 1.  Bức tranh này được nhìn thấy trong quyển Hokusai của Tim Clark.

Truyện Hoàng Đế Genji của tác giả Shikibu Murasaki tương truyền là tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới.  Genji là con của Hoàng Đế Kiritsubo với một người phi tần tuy nhan sắc tuyệt trần nhưng lại là con nhà dân dã.  Genji có một vẻ ngoài xinh đẹp phi thường, toàn thân ông như tỏa ra một thứ ánh sáng diệu kỳ nên còn được gọi là Quang Nguyên Thị.  Bên cạnh vẻ ngoài tuấn tú, Genji lại rất thông minh nhạy cảm, kiếm cung đều giỏi, nên rất được mọi người, nhất là phái nữ, yêu mến. 

Bức tranh vẽ một thiếu nữ đứng sau rèm, tay nắm sợi dây giữ con mèo nhỏ đang vụt chạy.  Bụi hoa trắng đang nở rộ dưới góc phải của bức tranh cho biết thời tiết đang mùa xuân.  Bức tranh đơn giản, nhưng con mèo nhỏ bé kia là nguyên nhân dẫn đến một thâm cung bí sử rất ly kỳ.

Ngày xuân, nhân dịp sinh nhật thứ bốn mươi của hoàng đế Genji, lễ hội xuân được tổ chức linh đình, bốn mươi tấm thảm tatami trải ra, trên đó trưng bày bốn mươi lẳng hoa và trái cây tươi, rượu trà và yến tiệc.  Một buổi tranh tài đá bóng được tổ chức giúp vui hoàng thượng Genji, lúc này đã về hưu.  Tuy tuổi đã bốn mươi nhưng ngài vẫn rất tuấn tú như thuở đôi mươi.  Genji vừa mới cưới thêm thứ phi, Onna San no Miya, thường được gọi là Công Chúa Ba (con thứ ba của hoàng đế Suzaku người cũng đã về hưu).  Công chúa Ba còn rất trẻ, tuổi chừng mười ba hay mười lăm.  Cùng xem buổi bóng đá có Kashiwagi, vị quan cai quản đoàn quân bảo vệ cửa thành bên phải, tuổi chừng hai mươi lăm.  Vị quan này cũng rất điển trai, tuy không nổi tiếng đẹp như Genji nhưng chắc chắn là trẻ hơn hoàng đế.  Kashiwagi là con cả của Tō no Chūjō, quan Tể Tướng và là bạn thân của Genji.  Kashiwagi cưới công chúa Hai, chị của công chúa Ba, do đó là anh em cột chèo với Genji.  Chuyện cung đình, quan hệ khá rối rắm.  Người ta gã vợ gã chồng cho những người thuộc dòng dõi vua chúa và quan lớn, để bảo vệ địa vị và gây thêm vây cánh vì thế họ hàng gia đình gã cưới lẫn nhau.  Có chỗ nói Kashiwagi là cháu gọi Genji bằng cậu.  Không tìm được chỗ ngồi thuận tiện để xem, Kashiwagi cùng với một vị quan khác, ngồi trên bậc thềm lầu Tây, cung điện của công chúa Ba.

Cuộc đấu bóng đang độ gay go, thì có tiếng xôn xao ở trong lầu.  Con mèo Kara Neko, còn gọi là mèo Trung quốc, của công chúa Ba, vì còn lạ với chỗ mới nên rất sợ hãi.  Nó lại bị một con mèo khác to lớn hơn rượt đuổi nên vụt chạy ra hàng hiên.  Con mèo có sợi dây cột ở cổ khi chạy vướng vào tấm rèm cửa và kéo rèm sang một bên.  Do đó Kashiwagi nhìn thấy một cô gái trẻ đứng sau rèm. 

Sau tấm rèm là một bức màn.  Giữa tấm rèm và bức màn có một thiếu nữ mặc kimono lộng lẫy.  Ở chỗ đó, ai cũng có thể nhìn thấy nàng dễ dàng.  Chiếc áo lụa dài quét đất nàng mặc có nhiều lớp, từ màu sậm đến màu nhạt – màu hoa hạnh hồng đậm trên nền lụa có thêu hình những đóa hoa đào.  Mái tóc nàng, đen nhánh và thật dầy, được chăm sóc cẩn thận, thả dài phủ xuống nền nhà cả hai tấc.  Dáng người mảnh mai, thon thả, cái váy kimono cũng rất dài, mái tóc đen thả sau lưng dựa vào chiếc áo kimono càng làm dáng dấp nàng thêm quý phái và thanh thoát.  Tuy vậy, trời dần sụp tối, Kashiwagi thất vọng vì không thể nhìn thấy rõ ràng hơn bóng người trong phòng. Các cô hầu của nàng có lẽ đang say mê xem các chàng trai trẻ đá bóng nên chẳng ai buồn chú ý đến những cánh hoa đào đang rơi, bởi vì các cô cũng chẳng chú ý là họ đã bị người ta nhìn thấy.  Ánh nhìn và cử chỉ của nàng lúc quay người để nhìn con mèo đang miu mao, đầy vẻ khả ái và ngây thơ của một cô gái trẻ. [1]

Thứ phi Onna vì còn quá trẻ nên chưa theo đúng nề nếp.  Thông thường, theo đúng tục lệ, Onna phải đứng sau cả bức màn để không bị nhìn thấy.  Để được xem trận đấu bóng rõ hơn nàng chỉ đứng sau tấm rèm.  Và nhan sắc, vẻ quí phái, đầy nét ngây thơ của Onna làm Kashiwagi mang bệnh tương tư. 

Kashiwagi dùng nhiều cách để gặp Onna, thậm chí mượn cả con mèo của nàng để có cớ gặp nàng.  Kashiwagi mua chuộc người hầu gái thân tín nhất để được đưa vào phòng riêng của Onna.  Chàng nấp sau bức màn phía trước giường và chiếm đoạt nàng.  Cuối cùng, Onna có thai với Kashiwagi nhưng ngoại trừ đôi tình nhân trẻ, ai cũng tưởng đứa con là của Genji.  Điều này được xem là quả báo cho Genji vì vị vua này đã từng chiếm đoạt mẹ kế vốn là thứ phi của vua cha, Lady Fujitsubo, và có được đứa con trai tên Reizei, về sau cũng lên làm hoàng đế. 

Con mèo xuất hiện khá nhiều trong văn chương và nghệ thuật Nhật Bản, từ thế kỷ thứ 11 trong Truyện về Hoàng Đế Genji đến thời hiện tại trong truyện của Haruki Murakami.  Trong haiku của Yaso và Issa.  Từ cổ tích hoang đường đến kịch kabukai (The Cat Stone).  Trong tranh của Hokusai và các bức biếm họa khắc trên gỗ của Utagawa Kuniyoshi.  Công chúa Onna San no Miya và con mèo là đề tài cho vô số họa sĩ tranh gỗ trong đó có Hiroshige, Yōshū (Hashimoto) Chikanobu, Kuniyoshi, Suzuki Harunobu chỉ là một vài thí dụ.

Mấy ai ngờ con mèo nhỏ bé của công chúa thứ ba, Onna San no Miya lại là nguyên nhân dẫn đến một chuyện tình say đắm, táo bạo, và ly kỳ trong thâm cung bí sử của Nhật Bản.

Nguyễn Thị Hải Hà


[1] Shikibu, Murasaki. The Tale of Genji: (Penguin Classics Deluxe Edition) (p. 620). Penguin Publishing Group. Kindle Edition.  NTHH dịch từ bản tiếng Anh của Royall Tyler.

6 thoughts on “Mùa Xuân và Con Mèo của Onna”

  1. tính ra quần áo vẫn ít lỗi thời hơn mặt mũi. bộ kimono đó thời nay vẫn xem là đẹp, còn mặt mũi thì nay khác hẳn xưa rồi.
    cô viết hay ghê. 👍

    Liked by 1 person

    1. Cái gì qua thời gian cũng thay đổi. Kimono hay nét mặt người. Chỉ có đổi nhiều hay ít. Kể cả quan niệm về nét mặt người hay kimono. Thay đổi chưa hẳn là tốt hơn hay xấu hơn. Cám ơn cháu có lòng.

      Like

  2. Tranh cuộn trên lụa của Hokusai thật tuyệt vời mà truyện cô Hà kể còn lôi cuốn hơn nữa. Đừng khiêm tốn nói “chỉ dịch thôi đó” nghe vì dịch, nói cho cùng, khó hơn tự viết vì bị gò bó bởi nguyên tác. Chúc cô Hà sức khỏe.

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s