Bồ của tôi

Tôi nuôi Bồ đã được vài năm. Bồ đến lần đầu còn nhỏ xíu. Xông xáo, xục xạo. Giữa ngày đông tháng giá, Bồ ngồi ngay cửa sau, ngó chăm bẳm vào nhà, chờ cho ăn. Có lần tôi bắt gặp Bồ lục lọi cái thùng đựng chai và báo (recycle). Cái mặt Bồ khá dữ tợn, nhưng nhìn hoài bỗng thấy dễ thương.

Làm cho Bồ cái ổ, Bồ đến ngủ. Bồ bị thương tích vài lần, sợ Bồ chết nhưng đều qua khỏi. Lúc sau này Bồ quyến luyến với một cô bé xinh xinh. Rồi cũng có vài đứa con trai giống Bồ đến sau sân nhà tôi. Bồ đánh nhau với một đứa trẻ hơn Bồ và dữ hơn Bồ. Cái thằng ấy khỏe và nhanh nhẹn hơn, nhưng trông nó cũng giống như lần đầu tôi gặp Bồ. Trẻ và khỏe.

Đi chơi mấy ngày, tôi e ngại, không ai cho Bồ ăn. Ông chồng tôi nạt tôi, cứ lo lắng tầm phào. Kệ nó. Đàn ông sao hay nhỉ, chẳng nhiều tình cảm vớ vẩn như mình.

Có một buổi tối, tôi đi ăn tiệc về, thấy trên sàn gỗ sân sau đầy lông. Mấy cái chén thức ăn nước uống đổ vung vãi ngổn ngang như một bãi chiến trường. Không biết đó là lông chim hay lông chipmunk hay là những mảnh vụn da thịt của Bồ. Tôi nghĩ Bồ gặp chuyện không may, tuy nhiên sáng hôm sau Bồ vẫn đến ăn sáng. Tôi thấy Bồ mệt mỏi, xơ xác. Mỗi lần nghe tiếng đánh nhau trong rừng đêm khuya tôi vẫn lo lắng cho số mạng của Bồ. Buổi chiều tuần trước tôi nghe tiếng kêu gào thất thanh. Chạy vội ra sân thì chẳng thấy manh mún nào. Anh chàng trẻ tuổi, con của Steve đang làm vườn cũng hỏi vọng sang.
“Bà có thấy con chồn cắn cổ con mèo không?”
“Không! Tôi chỉ nghe tiếng gào không thấy gì cả.”

Rồi Bồ biến mất. Ngày nào tôi cũng trông ngóng. Một ngày. Hai ngày. Ba ngày. Cả tuần ngày nào tôi than thở với con gái của tôi.
“Mẹ nghĩ Bồ bị giết chết rồi.”
Con tôi nói.
“Con rất tiếc. Con cũng buồn mẹ ơi. Nhưng dù sao mẹ cũng giúp cho cuộc sống của nó đỡ vất vả một thời gian. Ít ra cũng kéo dài mạng sống của nó.”

Buổi chiều đang ngồi xe lửa trên đường về nhà. Tôi nhận được text của con tôi. Tôi tưởng tượng như con bé đang liến thoắng trong message.

“Boyfriend còn sống mẹ ơi. Nó đến ăn. Và trông nó rất khỏe, chẳng có vẻ gì mệt mỏi đau yếu hay thương tích gì cả. Nó còn giết cả con chipmunk nữa.” Tôi thấy mừng vô cùng, nhưng cũng len lén có chút buồn. Mừng là Bồ chưa chết. Nhưng buồn là Bồ phản bội mình.

Tôi nhớ đến nhân vật trong “Life of Pie” đã nói một câu, đại khái là thú vật nó không có tình cảm, nó đến hay đi chỉ vì thức ăn chứ không phải vì yêu mến người cho nó ăn. Nói thêm để giải thích cho bạn nào mới quen. Boyfriend là con mèo hoang trắng đen. Bồ là nghĩa tiếng Việt của Boyfriend. Đáng lẽ phải gọi là thằng Bồ, hay anh Bồ, nhưng gọi thằng thì nghe hạ bệ quá, còn anh thì lại trang trọng quá. Vì thế nên chỉ gọi là Bồ.

Nghĩ cũng lạ, con mèo hoang không phải của mình. Thế thì tại sao vắng nó tưởng nó bị chồn cáo giết chết lại thấy buồn. Rồi biết là nó không chết lại thấy mừng. Rồi biết là nó không đến là vì nó không cần ăn thì lại buồn (tí xíu thôi).

Quả đúng là mình có trái tim trắc nết.

Boyfriend

Viết tiếp sáng Chủ Nhật 2 tháng Bảy, 2017. Con mèo Ginger, bạn của Boyfriend vẫn đến ăn, chờ được cho ăn. Lúc sau này có thêm con mèo đen tuyền, mắt xanh (hay vàng) đến ăn. Con mèo này trẻ, gầy, nhanh nhẹn, bắt chim rất giỏi, không thua gì Nora lúc còn trẻ, đến ăn. Nhưng tôi không cho ăn. Ông Tám vẫn cho mèo ăn còn tôi thì không muốn cho mèo hoang ăn nữa. Tôi vẫn không gặp lại Boyfriend. Có lẽ là đâu đó, các nhà láng giềng, hoặc chủ cũ của Boyfriend đã nuôi giữ nó hay đem nó đi nhà thương. Có nghĩa là có một người nào đó thương mèo hơn tôi thương. Người Mỹ, bạn không biết, có nhiều người thương thú vật hơn cả thương người.

Tôi thì không còn muốn yêu thương thêm một con mèo nào nữa.

Anh hát cho em bài tình ca thiết tha

Boyfriend

Sáng nay thức dậy, tôi nghe tiếng hát áo não cô đơn của chàng. Gọi là chàng vì đã có bằng chứng.

Từ lâu, tôi và mấy cô con gái, nghĩ rằng nó là một đứa con trai. Tại vì nhà có Nora là con gái nên con trai đến tìm. Nghĩ vậy thôi nhưng không chắc, và vẫn cứ đặt tên là Boyfriend.

Nhỏ út về mấy bữa nay, chúng tôi đồng ý là Boyfriend có vẻ bệnh hoạn, yếu ớt, xơ xác, nằm nhiều, và không đi đứng chạy nhảy nhanh nhẹn. Boyfriend có lẽ cùng tuổi với Nora. Nhưng vì Nora sống trong nhà, (tính lười biếng, ngủ nhiều hơn ăn, béo ụ ra) nên chúng tôi không nghĩ là có bệnh. Boyfriend thì thương tích đầy mình. Cả bốn chân, lúc này khi khác, đều đã có lần bị thương. Tôi đi Ottawa về thấy chân trước bên phải của chàng có vết thương, tróc cả lông thấy một mảng trống không, nhưng không thấy chảy máu và cũng không đi cà nhắc. Chúng tôi đồng ý sẽ thuê cái bẫy, bắt Boyfriend mang đi bác sĩ, nhưng chưa làm. Hôm qua thấy chàng có vẻ khỏe hơn, dù vẫn ăn ít.

Sáng nay nghe Boyfriend kêu bên ngoài, giọng rất khắc khoải. Tôi nghĩ chàng đói nên hâm thức ăn cho ấm rồi mang ra.  Không thấy chàng đâu, đến gần chỗ để thức ăn thì thấy Boyfriend và Ginger (Củ gừng) chạy vụt ra. Boyfriend chậm hơn. Ginger vẫn trẻ trung nhanh nhẹn.

Chập sau, tôi thấy Ginger đến ăn. Boyfriend đứng phía sau âu yếm hôn Ginger và thấy Ginger làm thinh chàng mon men cưỡi lên lưng Ginger. Ginger bỏ chạy.

Boyfriend đứng tần ngần, lại kêu lên những tiếng kêu buồn thảm. Có lẽ Boyfriend muốn nói:

“Anh hát cho em nghe, bài tình ca thiết tha.”

Hai con mèo

 

Boyfriend

Nora

Người xưa có câu thơ, thiếp trong khung cửa chàng ngoài chân mây. Hai con mèo của tôi thì thiếp trên bàn học, chàng nằm sân sau.

Boyfriend lúc này hầu như ăn ở ngoài sân sau. Tuy bớt nhút nhát nhưng vẫn bỏ chạy mỗi khi tôi ra sân sau. Nó nằm ngủ thẳng cẳng, nằm chơi, vờn cỏ, rượt chipmunk một cách hời hợt. Mấy con chim blue jays đến ăn thức ăn của nó, nó chẳng buồn đuổi xua.

Nora thì tuyệt nhiên không còn dám ra ngoài sân sau từ khi Boyfriend đến ngự trị. Có lần tôi cho nó ra cửa trước, được một lúc Boyfriend mon men đến gần. Nora nép vào cửa gào thét giận dữ, tưởng như bị Boyfriend bóp cổ. Ông Tám hỏi có nên đuổi Boyfriend đi chỗ khác và không cho nó ăn để nó không đến nữa. Tôi nghĩ tại Nora nhút nhát không quen với loài vật khác chứ Boyfriend không có ý tấn công mà chỉ muốn làm quen.

Ông Tám hỏi thế chứ rất quyến luyến con mèo hoang này. Hôm trước tôi làm cá, túm mớ ruột cá vụ vằn vào bao nylon gói kỹ để bỏ thùng rác. Ông bảo để cho ông dùng. Sau đó ông đem nấu chín để không bị ươn và cho Boyfriend ăn. Mỗi lần có xương gà gân gà ông để dành, có khi còn chặt nhỏ để Boyfriend dễ gặm. Con mèo dường như chờ được ăn ngon nên có khi cho thức ăn nó chỉ nhìn ngửi mà không ăn.

Bây giờ mỗi lần muốn đi đâu chơi một hai tuần là lại lo lắng ai sẽ chăm sóc hai con mèo.

TGIF

Nếu bạn hỏi TGIF là cái quái gì đây, xin thưa nó có nghĩa là Cám ơn Trời, hôm nay thứ Sáu rồi, viết tắt của chữ Thank God, It’s Friday.

Mấy ngày qua, báo đưa tin một đứa bé ba tuổi chui hàng rào len vào chuồng của con dã nhân tên là Harambe. Để cứu đứa bé, người ta bắn chết Harambe đã mười bảy tuổi. Loại dã nhân thuộc loại hiếm đang dần dần thất truyền. Ông Giám Đốc Sở thú Cincinnati, người cho phép bắn Harambe, bị cộng đồng phản đối dữ dội. Người ta cho rằng quyết định của ông là vội vàng và sai lầm. Hiện Cảnh Sát đang mở cuộc điều tra để xem có cần phải đưa cha mẹ đứa bé ra tòa để xử tội hay không. Trước nhất là tội bất cẩn có thể làm hại đến mạng sống đứa con. Có nhân chứng bảo rằng nghe đứa bé nói đùa sẽ chui vào chuồng Harambe. Ai là người có lỗi trong cái chết của Harambe?

Tội nghiệp ông Giám Đốc. Đặt tôi ở vị trí của ông có lẽ tôi cũng sẽ quyết định như thế. Dẫu yêu thương loài vật và Harambe là tài sản quí giá của thiên nhiên cũng như công chúng, bảo vệ sinh mạng con người vẫn ưu tiên. Nhiều người, kể cả chuyên gia, cho là Harambe không cố ý làm hại đứa bé, có lẽ còn bảo vệ đứa bé nữa, nhưng làm sao biết được Harambe không vô tình làm chết đứa bé. Chỉ cần Harambe lối đứa bé đi đụng vào viên đá hay gốc cây cũng đủ vỡ đầu hay dập nội tạng mà chết. Đứa bé mà lỡ chết thì cha mẹ nó sẽ thưa kiện lôi thôi, còn Harambe chết thì sao? Nhưng tại sao không bắn thuốc mê thôi? Không có thuốc mê sẵn sàng?

Giả tỉ như rơi vào chuồng Harambe không phải là đứa bé mà là một người đại gian ác, có tội tiêu diệt một chủng tộc, hay tàn sát rất nhiều người đối lập chính trị, như Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, và tương lai là họ Tập, thì sao?

Thú vật có yêu loài người không? Yêu chủ không. Tôi nhớ một nhân vật trong quyển Life of Pi, hình như ông nội của nhân vật, bảo rằng con thú nó không có tình yêu thương giống như con người, chỉ xem con người như nguồn thức ăn của nó. Bởi thế, con người, nhất là nhân vật trong truyện hãy tập cho quen với ý nghĩ này, để mai sau có mất con thú yêu thương của mình thì cũng không bị choáng.

Thỉnh thoảng tôi tự hỏi, con mèo hoang Boyfriend có nhớ tôi không. Những ngày lạnh nhất trong mùa đông vắng mặt nó tôi vẫn tự hỏi không biết nó còn sống không. Bây giờ thì tôi vững tin là nó có chủ nuôi, mùa đông lạnh nó được vào nhà. Mùa hè ấm áp thì bị đuổi ra ngoài. Mỗi lần chúng tôi ăn thịt gà hay thịt vịt ông Tám để dành xương (còn dính rất nhiều thịt) cho nó. Còn Nora thì vẫn được cho ăn vài miếng thịt nạc nho nhỏ. Không tiếc gì với Nora chỉ sợ nó béo phì.

Boyfriend là một con thú rất khôn và không ngoan. Nó ranh mãnh, lém lỉnh, và khôn ngoài sức dự đoán của chúng tôi. Ông Tám có đặt câu hỏi, tại sao Nora không bao giờ nhảy lên bàn ăn thức ăn, hay khui nắp hộp chứa thức ăn của nó. Thức ăn cho Nora tôi mua một bao 7lbs,  cho vào cái hộp có nắp đậy. Mỗi ngày chỉ cho hai muỗng nhỏ, thế mà nó vẫn béo. Nora đẹp, khá đài các và rất yểu điệu. Boyfriend thì hoang dã, và khá du đãng 🙂

Có một buổi tối trời nóng, chúng tôi để cửa cho Nora có thể ra vào. Buổi sáng thức giấc tôi thấy chén thức ăn của Nora đã hết, chén nước dính đầy bụi bẩn, dấu chân mèo đầy trong phòng, và hộp thức ăn ngã đổ tung tóe. Tôi đoán ngay là Boyfriend đã biết mở cửa sổ lưới dành cho Nora, biết cách vào và biết lối ra, biết mở cả hộp thức ăn. Đoán là Boyfriend vì Nora không bao giờ làm dơ chén nước của nàng và không bao giờ lục lọi hộp thức ăn. Tôi cho Boyfriend ăn đầy đủ, ăn nhiều hơn Nora, trước khi đi ngù bao giờ tôi cũng cho Boyfriend ăn. Và chén nước dành riêng cho Boyfriend bao giờ cũng rơi đất cát vào rất bẩn.

Ngày nào Boyfriend cũng đến nằm ngó chăm chăm vào cửa sổ. Lúc sau này Nora sợ Boyfriend đến độ không còn dám ra ngoài nếu có Boyfriend lảng vảng sau nhà. Và cái chén thức ăn của Nora từ khi bị Boyfriend chạm vào thì Nora không chịu ăn nữa. Tôi phải đem rửa cho sạch thì Nora mới ăn.

Có lẽ thú cũng giống như người, hoàn cảnh khó khăn thường làm cho con người khôn hơn, biết tìm cách sống giỏi hơn. Phải vậy không?

20160601_190543 (360x640)

Viết ra thì đã là quá khứ

 

Trời ấm vô cùng. Hôm qua nhiệt độ ngoài trời lên đến gần 80 độ F, khoảng 27 độ C. Buổi trưa đi bộ nóng quá chịu không nổi. Tôi e rằng năm nay không có mùa hoa đào đẹp. Hoa đào nở ở nhiệt độ năm mươi đến sáu mươi. Nóng quá hoa tàn nhanh.

Buổi sáng đi làm đã nghe chim hót inh ỏi chung quanh nhà. Thấy có một đàn chim đậu trên cây, vừa lấy máy xong thì chỉ còn có hai con chim be bé đậu trên cành.

Đi bộ đến một công viên khác, bãi cỏ chưa mọc cỏ nhưng đã có người nằm phơi nắng. Ở xứ lạnh, những ngày đầu xuân có nắng ấm áp, không khí tuyệt vời. Cái cảm giác gió ấm, nắng ấm, mơn man trên mặt rất dễ chịu, thường làm tôi có cảm giác “sống lại.” Tuy nhiên chỉ đi một chút đã thấy nắng rát cả lưng.

Mới kể chuyện mèo hôm kia nhưng hôm nay xin bạn đừng chán cho tôi kể chuyện mèo lần nữa. Thật tình viết lách làm gì nếu mình không được viết về những thứ kề cận yêu thương với mình? Như bạn biết, tôi phải lòng một con mèo hoang, tên Boyfriend.

Giữa mùa đông, lạnh dưới không độ F, có những hôm tuyết rơi đầy, tôi thấy Boyfriend đi ba chân, một chân bị đau. Tưởng nó hết đau nhưng có lúc vẫn thấy nó đi khập khiễng. Rồi nó bẵng đi một thời gian không đến. Bây giờ thì tôi đã bớt lo ngại về Boyfriend vì biết nó có thể tự sống qua mùa đông. Và tôi cũng nghĩ là nó có chủ nuôi, hôm nào lạnh quá chủ cho vào nhà, cho ăn. Trời ấm thì bỏ nó ra ngoài.

Mấy hôm nay trời ấm, Nora ở ngoài suốt ngày. Độ hơn ba giờ sáng là Nora đánh thức tôi. Nằng nặc, kiên trì, ai có nuôi mèo trong nhà chắc biết. Nó leo lên người, lấy hai chân trước nhồi lên người mình như nhồi bột. Nó liếm tay liếm mặt, nhỏ nhẻ dịu dàng. Cách biểu lộ tình cảm của mèo rất kín đáo nhiều khi mình tưởng nó vô tình. Buổi tối đến giờ tôi xem phim thì nó lắng quắng như nhắc nhở. Hễ tôi mở phim là nó leo lên ghế nằm bên cạnh, xem phim, rất yên tĩnh. Nora không hay kêu thành tiếng. Nó chỉ kêu thành tiếng mỗi lần nó muốn “nói” cái gì đó.

Nora rất nhạy. Hễ có loài vật nào khác ở ngoài sân là nó bồn chồn băn khoăn. Có khi là nai, có khi là con mèo Tabby, có khi là Boyfriend. Nora không đánh nhau với Boyfriend nhưng hễ Tabby đến thì nó rượt đuổi cắn dữ lắm. Sáng nay, thấy thái độ của Nora tôi biết là Boyfriend đến. Nhìn ra cửa sau thấy Boyfriend nằm phục ngay cửa, mặt ngước nhìn vào nhà. Có lẽ nó cũng dùng thái độ này với chủ của nó để được cho vào nhà khi trời lạnh nhiều vì trông nó đáng thương quá làm sao từ chối cho được.

Người nó bẩn vàng xỉn những chỗ lông trắng. Và nó hôi mùi ẩm ướt của những tấm nhựa ủ lâu ngày, hay là nó ẩn náu trong những tấm nhựa này?

Tôi thấy tôi thương nó, xót xa cho nó, như một bà mẹ, hay bà nội ngoại thương một đứa cháu không hợp tính với gia đình, bỏ nhà đi thì sống rất khó khăn, mà ở nhà thì cũng chẳng dễ dàng.

Rồi, xong chuyện con mèo hôm nay. Cám ơn bạn đã để cho tôi nói.

Thú tội

Người ta nói nhà báo nói láo ăn tiền. Đó là thời báo chí thịnh hành viết báo còn có thể kiếm tiền, chứ ngày nay thì khó kiếm sống bằng nghề nói láo. Nói viết báo là nói láo, thì đúng là bôi bác. Đa số họ đều thành thật với nghề. Tuy nhiên ở câu tục ngữ này, chữ nghề báo được bao trùm cả nghề viết tiểu thuyết, truyện. Và chữ nói láo này ngầm ý nghĩa sáng tạo, hư cấu. Có lẽ chúng ta, người đọc đều chấp nhận, đọc một quyển truyện tức là đọc những lời hư cấu (tưởng tượng) của tác giả. Và vì giống như sự thật lại không phải hoàn toàn là sự thật nên cũng không sai cho lắm nếu bảo rằng viết văn là nói láo.

Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật. Tôi xin thú thật là tôi đã nói dối với các bạn khi tôi viết loạt truyện về hai con mèo của tôi bỗng dưng đi hoang và biến mất. Và khi có một vài bạn trẻ, những người bạn tôi rất quý mến trong đó có Boo, bày tỏ sự quan tâm bằng cách hỏi thăm con mèo đã về chưa, tôi đã chủ ý nói dối. Lý do tôi nói dối là tôi nghĩ giữ sự quan tâm của người đọc để người đọc tiếp tục đọc truyện tôi viết. Tôi biết tôi hay bỏ dở dang truyện tôi viết nên tôi tìm đủ mọi cách để buộc tôi phải tiếp tục. Loạt truyện về Tiểu Thư Nora và chàng Lãng Tử vẫn còn một phần đối với tôi là quan trọng nhất tôi muốn hoàn thành, nhưng chưa bắt đầu. Nếu tôi nói là hai con mèo chẳng bao giờ biến mất, vẫn ở bên tôi ăn ngày hai bữa thì tôi sẽ mất cái động cơ khiến tôi hoàn thành phần truyện. Tôi định viết xong, sẽ xin lỗi, nhưng tôi đa đoan sa đà vào chủ đề khác. Chẳng biết bao giờ tôi mới có thể quay lại và liệu khi muốn quay lại có còn cảm hứng hay không thì khó biết. Càng để lâu ý muốn hoàn thành càng phai nhạt.

Vì vậy, xin lỗi và xin lỗi.

Nora mùa hè lười biếng, không vận động. Suốt ngày nằm bẹp dưới sàn nhà, như thở thoi thóp. Chỉ khi trời mát mới chịu ra ngoài. Tuy ăn rất ít nhưng béo ra.

Boyfriend vẫn đến ăn thường xuyên, trừ những ngày mưa lớn. Vẫn nhút nhát nhưng có bớt đi phần sợ hãi. Lúc này bộ lông của hắn mướt ra, và trông rất khỏe mạnh, lên cân. Có lần Boyfriend nằm hướng chân về phía cửa, tôi nhìn và đâm ra suy nghĩ có lẽ mình đoán sai về giống phái của Boyfriend. Hai cô con gái của tôi cho rằng vì Nora là mèo cái nên mèo đực đến tìm. Do đó chúng tôi đoán Boyfriend là mèo đực. Tuy nhiên nhìn gần và nhìn kỹ khi Boyfriend nằm ưỡn bụng, không có gì ám chỉ đây là con mèo đực. Cô út nhà tôi phán ngay cho một câu, dẫu là mèo cái vẫn cứ gọi là Boyfriend.

Đây là ảnh của Boyfriend chụp hồi giữa tháng Tám. Ảnh chụp qua khung cửa lưới vì Boyfriend nhát lắm, cứ thấy mở cửa là chạy biến đi. Chập sau thấy yên tĩnh mới quay trở lại. Hôm nào Boyfriend không đến tôi chờ hoài, chỉ để cho nó ăn. Người ta bảo là tôi mắc nợ Boyfriend. (Nghe có tình tứ đến chết người không. Chỉ sợ ông chồng tôi mắng cho là bà già không nên nết.)

boyfriend qua khung cửa lưới
Nora is trying to sleep

Nora đang bắt đầu ngủ tối qua thì bị chụp ảnh. Nàng khôn ngoan lắm, cứ hễ thấy giơ máy ảnh lên là nàng quay mặt đi chỗ khác hay thủng thỉnh bỏ đi.

Coi chừng nghe lầm

Con gái lớn của tôi năm nay hai mươi lăm tuổi. Cái tuổi có nhiều thay đổi, thậm chí đổ vỡ, về tình yêu và nghề nghiệp. Cô đang ở giai đoạn khó khăn trong cuộc đời. Còn tôi đang ở giai đoạn về chiều, mọi cơ quan đều bắt đầu thoái hóa. Cái mũi thì vẫn còn dùng được, thỉnh thoảng bị dị ứng bụi, mốc, phấn hoa thì sổ mũi, nhưng mấy hôm nay thì rất khỏe (cái lỗ mũi thôi chứ toàn thân thì cũng có cái dở dở ương ương). Cái lỗ tai thì nghễnh ngãng (từ lâu) rồi. Ai nói nhỏ không nghe. Tivi bật nhỏ chỉ nghe tiếng thầm thì rì rào mà không biết họ nói gì. Bây giờ thì nhớ lại mình hay cằn nhằn với đấng phu quân của mình là cặp hàng xóm, nhất là ông chồng sao nói chuyện to tiếng quá, cứ như cãi nhau. Chắc là họ cũng bị lãng tai.

Nói vậy, nhưng có nhiều khi ngồi gần, nói lớn, mà vẫn nghe sai; bởi vì mình không nghe tiếng của người ta nói mà nghe chính tiếng nói trong tư tưởng của mình. Tôi bắt gặp tôi một vài lần như vậy.

Mới tuần rồi, ngày Chủ Nhật tôi đón cô lớn về nhà chơi. Chúng tôi nói chuyện bâng quơ rồi bỗng dưng cô hỏi.

– Mẹ có muốn con đặt bẫy bắt một anh bồ rồi mang anh ta… (cô nói một tràng liến thoắng nhưng tôi chưa nghe hết đã kêu lên.)

– Không, không, không (lưỡi tôi líu lại, ngồi trong xe mà tôi la lớn át cả tiếng của cô). Đừng làm như vậy con. Mẹ không muốn con phải làm như vậy. Đâu có đáng gì. (Tôi nói thêm một tràng nữa mà không biết là mình nói gì).

Cô nhìn tôi vẻ ngạc nhiên. Tôi trở lại công việc lái xe. Tôi ít khi lái xe đi xa, chỉ quanh quẩn từ nhà đến nhà ga xe lửa, đi chợ rồi về. Tốc độ trong thành phố nhỏ từ 25 dặm một giờ trong đường nhỏ cho đến 50 dặm một giờ trên đường lớn. Garden Parkway và đường cao tốc 78 người ta chạy 70 dặm một giờ là thường. Đa số là chạy 80 dặm một giờ làm tôi phát khiếp. Tôi chỉ chạy có 60 dặm nên thường chọn làn bên trong để người ta dễ qua mặt. Vả lại tôi thường sợ bị phạt, tốn tiền. Có lần bị phạt tốn cả bốn trăm Mỹ kim đau quá xá, người ta nói đồng tiền nối liền khúc ruột mà. Tôi chăm chỉ, cẩn thận lái xe. Cô nói tiếp.

– Ý con muốn nói là con sẽ mang một cái bẫy, bắt anh bồ, sau đó mình đem anh bồ đi thiến. Con đã nói chuyện với mẹ của Pat…

Tôi muốn nói với con tôi, chuyện kết hôn với một người đàn ông không có ý nghĩa gì nếu mình phải mưu mẹo đánh bẫy. Vợ chồng lấy nhau cả đời nhiều khi có những lúc không thấy vui lòng, mà bổn phận làm vợ làm mẹ cứ đè nặng lên vai mình. Thật tình, tôi không muốn con tôi phải trải qua cảnh mang nặng đẻ đau, hay đến lúc vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt, bỏ nhau. Tôi có phần nào ích kỷ sợ con mình dẫn con của nó về mình lại phải nuôi con nuôi cháu.

Pat là bạn học với con tôi từ hồi tiểu học. Chung con đường, nhưng nhà của Pat ở bên kia con đường lớn cắt ngang con đường chung dẫn vào nhà tôi. Pat chính chắn, lại rất đẹp trai. Hai đứa chơi thân với nhau, nhiều khi tôi ước hai đứa thành đôi với nhau, nhưng cả hai đều có người yêu.

– Mình để thức ăn vào cái bẫy bắt anh bồ rồi đưa đi bác sĩ thú y.

Tôi chợt vỡ lẽ. Mẹ của Pat có thể được gọi là cat lady. Ở VN mình không có mẫu người này, một người đàn bà nuôi rất nhiều mèo. Bà ấy, tên là Mary, chuyên cứu trợ những con mèo hoang, gọi là feral cat. Để chận đứng mức độ phát triển của mèo hoang người ta đem giải phẫu (có thuốc tê). Mary có dụng cụ để bẫy mèo. Con tôi đang nói đến con mèo hoang mà cả nhà đồng ý gọi là Boyfriend. Cô nói bằng tiếng Anh, mà tôi nghe chớp nhoáng, bằng cái lỗ tai nghễn ngãng nên không biết là “a boyfriend” hay là “the Boyfriend.” Thầm nghĩ con mình còn trẻ đâu có gì mà đến nỗi “desperate” phải chộp cổ anh bồ như thế. Trong thời gian chở con đi, nghĩ đến những nỗi niềm của con mình, tôi không nhớ đến con mèo hoang, nên con nói tên con mèo, mà tôi cứ nghĩ đến một anh bồ nào đó. Con muốn đặt bẫy bắt mèo đem đi bác sĩ, nhưng tôi lại nghĩ bắt một anh đàn ông con trai bắt làm chồng.

Nghe lầm, không phải vì lỗ tai già không nghe rõ, mà mình nghe bằng định kiến đã xây dựng sẵn trong lòng.