Đạo diễn Nguyễn Phú Hữu

Nhiều khi, lang thang trong chốn giang hồ, mình gặp anh hùng (kiêm anh hiền) mà không biết. Tình cờ tôi làm bạn với ông Nguyễn Phú Hữu. Ông thấy tôi thích bàn chuyện phim ảnh, thích chụp ảnh, ông tặng cho mấy tấm ảnh và phim mùa thu tuyệt đẹp. Rồi ông chụp ảnh tuyết, ảnh nào cũng đẹp, như người rất rành về ảnh nghệ thuật. Ảnh chân dung, người mẫu cũng đẹp. Tôi xin phép được hỏi han ông vài câu. Sau đây là đoạn tôi phỏng vấn ông.

“Tôi bắt đầu chụp ảnh từ lúc còn bé khoảng 9 hay 10 tuổi. Thuở ấy tôi có ông anh rể và ông ấy có máy chụp ảnh khá tốt. Tuy có máy nhưng ông không dùng, nên đi đâu cũng chỉ có tôi chụp ảnh. Tôi sinh vào tháng 6 năm 1942, sang Pháp năm 1964, học được hai năm ngành Dược vì chính phủ không cho học mấy ngành nghệ thuật. Khoảng thời gian đó tôi có làm việc cho một Gallery tranh nổi tiếng ở Lyon và quen nhiều nhân vật trong trong hội đồng thành phố tỉnh Lyon. Năm 1968, tôi được một lúc 3 giải nhứt trong cuộc thi ảnh tổ chức hằng năm giữa các đại học Pháp và đại học thế giới. Mấy ông đó hỏi sao không theo học về phim ảnh mà học Dược. Tôi nói nếu theo học Điện ảnh thì chính phủ VN không cho phép gia đình gởi tiền… ; Do đó, họ liên lạc với Bộ Ngoại Giao Pháp xin cấp cho tôi 5 năm học bổng để theo học Nhiếp ảnh và Điện ảnh. Thế là tôi khăn gói lên Paris thi vào trường Điện Ảnh. Ra trường, tôi đi thực tập và làm việc với đài truyền hình và mấy đoàn làm phim. Mùa hè năm 1973 tôi cùng với Trần Văn Bá tổ chức đưa sinh viên Âu châu về VN trong chương trình Nối Vòng Tay Lớn, sau đó bị kẹt luôn cho đến năm 1991 mới qua được Canada theo diện đoàn tụ gia đình do gia đình của phu nhân tôi bảo lãnh.”

Rất ngạc nhiên là thời ấy VNCH cho phép du học các ngành kỹ thuật nhưng lại cấm các ngành nghệ thuật. Tôi có một số câu hỏi, tò mò về sự nghiệp điện ảnh của ông, nhưng may quá, chưa kịp hỏi thì ông đã gửi cho vài cái link. Lần theo các link này tôi biết được một số chi tiết rất hay về ông và về một cuốn phim đã trình chiếu ở “rạp chiếu bóng” trước năm 1975. Phim Chân Trời Tím.

Trung tuần tháng Sáu năm 2017, ở Toronto đã trình chiếu lại phim Chân Trời Tím của hãng phim Mỹ Vân. Phim bị hư nhiều được khôi phục lại. Qua cuộc phỏng vấn của Khánh Lan và Tôn Thất Hùng của Viet TV, ông có một vài nhận xét thú vị về phim “Chân Trời Tím.” Trước là sự thắt gút tháo gút của bức tranh khỏa thân, tranh vẽ nhân vật là một ca sĩ tên Liên do Kim Vui đóng. Sau là lời thoại hơi dài, giống văn viết hơn là văn nói.

Năm 1973 ông về nước cộng tác với Giáo sư kiêm kịch tác gia Vũ Khắc Khoan dạy các lớp Cử Nhân kịch và điện ảnh ở Đại học Tri Hành và Đại học Minh Đức. Ông cũng cộng tác với Hội Điện Ảnh Việt Mỹ phụ trách phần art graphic. Ông là phụ tá của đạo diễn Jean-Jacques Annaud, khi đoàn phim của ông Annaud sang Việt Nam quay phim “Người Tình.” Ông phụ trách việc chuẩn bị các khâu quay phim, phân cảnh, trang trí, kiến trúc, hiện trường, suốt cả năm, vì đoàn phim chỉ sang VN làm việc ba tháng một lần. Thậm chí ông còn tổ chức thuê cả xưởng may để làm bối cảnh quay phim. Việc ông tham gia làm cuốn phim này cũng thú vị. Số là đoàn phim sang VN, mất nhiều thì giờ nhưng không được việc. Các nhà làm phim bên Pháp biết tên ông, biết ông còn ở VN nên tìm đến ông mời làm việc.

Ông cũng tham gia công việc hậu kỳ của phim “Đất Khổ” nói về cuộc chiến năm 1972. Bạn nào không ái mộ Trịnh Công Sơn thì đừng chú ý đến đoạn này hay phim này.

Ông nói tiếng Việt rặc giọng miền Nam, với phong cách thật là bình dị. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm tôi xin đính kèm một vài cái links tôi đã dùng để tham khảo.

Khánh Lan phỏng vấn ông Nguyễn Phú Hữu và Tôn Thất Hùng của Viet TV. Canada

Trò chuyện với ông Nguyễn Phú Hữu. Tôn Thất Hùng phỏng vấn. Canada

Boyfriend trên tuyết

Boyfriend trên tuyết

Tấm ảnh này chụp từ mấy hôm trước. Hôm qua tuyết đã tan gần hết. Và sáng nay thì có thêm một lớp tuyết mới, rất mỏng.

Hôm qua Boyfriend đến, đi lòng vòng, lên đồi, lượn qua lượn lại nhưng không ăn thức ăn để sẵn. Chắc là có người nào đó đã cho ăn. Chân trước của nó, chỗ lông màu trắng dơ bẩn xỉn xỉn màu nâu nâu. Chẳng biết vì ẩn núp chỗ bụi bẩn hay đánh nhau với các con mèo khác mà dính máu.

Có đêm tôi nghe tiếng nó kêu gào gầm gừ, dường như có một con mèo lạ đến gần, chứ Nora thì khi biết có Boyfriend ở ngoài thì không dám ra dù rất muốn ra. Tôi chỉ e ngại Boyfriend là một con mèo cái và ít hôm lại tha con nó vào nhà tôi thì tôi chẳng biết phải xử lý như thế nào.

The Song of the Jellicles

Jellicle Cats are black and white,
Jellicle Cats are rather small;
Jellicle Cats are merry and bright,
And pleasant to hear when they caterwaul.
Jellicle Cats have cheerful faces,
Jellicle Cats have bright black eyes;
They like to practise their airs and graces
And wait for the Jellicle Moon to rise.

Mèo Jellicle có màu trắng và đen
Mèo Jellicle thường nhỏ con
Mèo Jellicle vui vẻ và khôn ngoan
Tiếng chúng nghe vui tai khi chúng kêu gào
Mèo Jellicle có bộ mặt vui vẻ
Mèo Jellicel có đôi mắt đen sáng người
Chúng nó thích luyện tập cách đi đứng thế ngồi cho duyên dáng
Và chờ vầng trăng Jellicle nhô lên.

Đây là một đoạn thơ của T. S. Elliot dựng thành vở nhạc kịch “Cats.” Elliot đặt cho mỗi con mèo ít nhất là hai tên. Jellicle là tên một loại mèo cùng dòng họ với con mèo già Deuteronomy (trưởng bộ lạc mèo) bị âm mưu bắt cóc. Mèo Jellicle chờ trăng lên là mở dạ hội Jellicle. Chắc Boyfriend thuộc dòng họ Jellicle với hai màu trắng đen.

 

Ông hàng xóm

Tôi về ở căn nhà này năm 1999. Ở cuối con đường là nhà của vợ chồng ông Steve. Vợ ông có cái tên là loài chim ức nâu báo hiệu mùa xuân. Năm ấy ông khoảng chừng ở tuổi năm mươi lăm. Cao lớn và rất đẹp người, vợ ông cũng rất có nhan sắc. Sáng Chủ Nhật, vợ chồng ông thường đi nhà thờ bằng xe Mercedes. Nhà của ông to và đẹp nhất xóm. Căn nhà có vách màu đỏ mà thỉnh thoảng bạn thấy xuất hiện trong mấy tấm ảnh của tôi là nhà của ông. Dạo ấy ông có nuôi một con chó nhỏ rất đẹp, thỉnh thoảng tôi và ông Tám đi bộ con đường trước nhà vẫn thấy ông dắt chó đi dạo. Ông là cảnh sát, về hưu non, vì bị chấn thương cột sống. Vợ ông làm nghề hầu bàn. Hai con trai và một con gái cũng đẹp người và thành đạt hết.

Vợ chồng ông chăm sóc nhà cửa rất chu đáo. Sau nhà có hồ nước rất lớn, chỗ để party những ngày lễ lớn. Ông cắt cỏ, thổi tuyết bằng máy. Ông Tám không dùng máy vì máy to rất nặng, và không chịu được sức rung của máy. Thỉnh thoảng gặp nhau trên đường chúng tôi chào và trò chuyện với vợ chồng ông. Bận rộn với cuộc sống, và mùa đông ít khi gặp nhau, rồi có lần nói chuyện với ông tôi thấy tay mặt của ông run rẩy không kiểm soát được. Ông cứ phải cho tay vào túi. Khi cơn bão Sandy (năm 2012) tàn phá xóm tôi, nói chuyện với bà vợ ông về chuyện cưa cây và mất điện, tôi biết thêm là ông bị bệnh Parkinson.

Tuần trước ông Tám nói chuyện với Steve, được biết ông thổi lá hay thổi tuyết gì đó, trượt ngã, cái máy đè lên lưng ông, phải vào nhà thương. Hôm qua buổi sáng đi làm tôi thấy ông lái xe ra đậu trên đường. Ông mở cửa xe và cốp xe để làm gì đó, ông đi loạng choạng run rẩy, rõ ràng sức khỏe của ông sa sút rất nhiều so với ông Steve của những năm tôi mới về.

Mười sáu năm, nghe trong mình, và thấy ở người hàng xóm, những tàn phai của cuộc đời.

Một giai thoại nhỏ về Thiếu-tướng Lê Minh Đảo

Tối qua tôi tình cờ gặp trên youtube chương trình nhạc kỷ niệm 30 năm của trung tâm phát hành nhạc Asia. Tôi bỏ những đoạn giới thiệu dài dòng của các MC, chỉ nghe một vài đoạn của vài bài cho đến khi gặp bài Nhớ Mẹ này. Thấy có một vị khán giả cảm động quá khóc mướt làm tôi cũng cảm động theo. Tôi quay trở lại khúc đầu và nghe giới thiệu bài hát này của Tướng Lê Minh Đảo. Kiểm lại trong Wikipedia thấy chức vụ của ông là Major General, Thiếu-tướng.

Trước khi đi ngủ tôi có nói với ông Tám về bài hát Nhớ Mẹ. Tôi ngạc nhiên là một vị Thiếu-tướng đang đi tù lại có thể viết những dòng nhạc thương nhớ mẹ như thế. Quả thật, một cách tổng quát, người lính của quân đội VNCH tâm tính hiền lành, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến yêu thương và mơ ước hòa bình. Tôi thích câu hát “… nắng sẽ về đẩy lùi bóng tối. Và yêu thương và tự do sẽ còn mãi mãi.” Ngay cả lúc tưởng chừng tuyệt vọng ông Đảo và ông Huề vẫn nuôi hy vọng.

Ông Tám kể tôi nghe. Trước ngày Sài Gòn thất thủ, khi bộ đội miền Bắc từ Phan Rang tràn xuống, đã gặp sư đoàn 18 (dưới quyền chỉ huy của Thiếu-tướng Đảo) chặn lại ở Xuân Lộc. Sư đoàn 18 bảo vệ Sài-gòn cho đến khi được lệnh đầu hàng của tướng Dương văn Minh. Trong khi những vị tướng khác đã chạy ra nước ngoài, Thiếu-tướng Đảo vẫn ở lại với sư đoàn dù ông có thể bỏ hàng ngũ đi bằng trực thăng. Sư đoàn của ông triệt thoái rồi giải tán trong trật tự. Ông anh chồng của tôi, là lính, bị mất hàng ngũ từ nơi nào đó, đã gia nhập với đoàn quân của Tướng Đảo. Ông Tám không phải là quân nhân nhưng khi kể lại giai thoại này giọng ông đầy vẻ kính phục. Tôi thường hay nghi ngờ những quyển hồi ký tự khoe chiến công chiến tích huy hoàng, nhưng những câu truyện truyền miệng từ gia đình thì tôi tin.

Nhân có hai bạn Bảo Bình và Kim Ánh hỏi, tôi ghi lại đây để trả lời chung.

Ngày tưởng niệm Mục sư King

Mục sư King

Hôm nay ngày lễ Mục sư King nên được nghỉ ở nhà. Ảnh này chụp hồi tháng 3 mùa hoa đào năm 2012. Thường thường cuối năm tôi hay ngẫm nghĩ về những thành kiến của mình, năm nay chẳng biết thì giờ chạy đi đâu mà chẳng có viết gì để thú tội của mình. Hôm trước bác Túy viết bài nhận định thành kiến về người đồng tính luyến ái một hiện tượng của xã hội trong văn học tôi cũng muốn viết vài câu về thành kiến của mình nhưng chắc bận quá nên quên luôn. Continue reading Ngày tưởng niệm Mục sư King

Phụ nữ – Chiến Tranh và Hòa Bình

Nhân ngày Phụ Nữ Quốc Tế, đăng lại bài đã đăng trên Gió O

Leymah Gbowee - Giải Nobel Hòa Bình 2011
Leymah Gbowee – Giải Nobel Hòa Bình 2011

Năm 411 trước Công Nguyên, Aristophanes, kịch tác gia Hy Lạp, cho ra mắt vở hài kịch Lysistrata; trong vở kịch này phụ nữ Athens từ chối ân ái với chồng hay người yêu của họ để đòi hỏi hòa bình. Lysistrata, có nghĩa là giải tán quân đội, là một người phụ nữ phi thường. Chán ngán cuộc chiến tranh Peloponnese, do Athens ỷ có đoàn chiến thuyền hùng hậu mang quân đi đánh Sparta; Lysistrata tụ tập nữ giới kêu gọi mọi người đặt áp lực lên nam giới buộc họ phải chấm dứt chiến tranh. Một số phụ nữ lớn tuổi đảo chánh và cướp ngân khố quốc gia vì hễ không có tiền thì không thể mua vũ khí. Kế hoạch của Lysistrata gây căng thẳng giữa hai phái nam và nữ. Phụ nữ trong khi dùng tình dục để khống chế chồng hay người yêu cũng nhận ra rằng họ đã tự trừng phạt họ. Nhiều bà viện cớ phải về nhà để giặt giũ chỉ để trải khăn giường mới mời chàng. Lysistrata bắt được ông thị trưởng khi ông đi lấy tiền trong ngân khố để mua chèo cho chiến thuyền. Nàng giải thích nàng chống chiến tranh vì không muốn trở thành gái già. Tàn cuộc chinh chiến các ông dẫu già vẫn có thể tìm được cô vợ trẻ, trong khi phụ nữ tuổi xuân chỉ có thì. Vài năm sau khi vở hài kịch ra đời, chiến tranh Peloponnese chấm dứt vì hạm đội của Athens bị Sparta đánh tan tành.

Hơn hai ngàn bốn trăm năm sau, có một người phụ nữ áp dụng phương pháp “sex strike” của Lysistrata, cổ động phụ nữ từ chối ái ân với chồng hay người yêu để đòi hỏi hòa bình. Người phụ nữ ấy là Leymah Gbowee, một trong ba người phụ nữ được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 2011. Cùng chia giải thưởng này với Gbowee là bà Ellen Johnson Sirleaf, vị nữ Tổng thống đầu tiên của Liberia và Tawakkul Karman, ký giả kiêm nhà cách mạng của Yemen.

Leymah Gbowee sinh ngày 1 tháng Hai năm 1972 ở Liberia. Năm 1989 khi cuộc nội chiến thứ Nhất của Liberia bộc phát bà đang sống với mẹ và hai người chị ở Monrovia, thủ đô của Liberia. Người ta bảo rằng cuộc nội chiến này là chiến tranh giai cấp giữa người giàu và người nghèo. Người khác lại cho rằng đây là cuộc chiến tranh của các chủng tộc. Lại có người cho rằng đây là cuộc tranh giành tài nguyên. Liberia có nhiều mỏ đá quý như hồng ngọc và kim cương. Charles Taylor, Tổng thống của Liberia đã dùng cả trẻ em từ chín đến mười lăm tuổi làm chiến sĩ. Cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài đến năm 1996, đưa đến hai trăm năm chục ngàn người chết và một phần ba dân số bị mất nơi cư ngụ. Họ chạy loạn, sống ở những trại tạm cư, trẻ em chết đói và suy dinh dưỡng rất nhiều. Gbowee theo học chương trình đào tạo nhân viên xã hội do Unicef tổ chức. Năm 1998 Gbowee tình nguyện làm việc cho tổ chức Trauma Healing and Reconciliation Program (THRP) đặt trụ sở tại nhà thờ St. Peter ở Monrovia. Tổ chức này rất có danh tiếng đã nhiều năm cố gắng vận động cho nền hòa bình ở Liberia. Đây là bước đầu tiên đánh dấu con đường chiến đấu đòi hòa bình của Gbowee.

Năm 2001, giúp chữa trị trẻ em tàn phế vì chiến tranh, nhìn thấy thảm cảnh trẻ con đi giết người và bị người giết, Gbowee bản thân bà là mẹ của bốn đứa con, nhận ra rằng những bà mẹ có thể và cần phải tích cực thay đổi thảm kịch này.

Trang bị bằng kiến thức sách vở từ phương pháp tranh đấu bất bạo động của Martin Luther King, Gandhi và các nhà triết gia chính trị học trong và ngoài nước, xin được ngân quỹ tài trợ của West Africa Network for Peacebuilding (WANEP), được sự hướng dẫn của Thelma Ekiyor, vị luật sư người Nigeria, chuyên về hòa giải thương lượng, Gbowee tham dự cuộc họp đầu tiên của Tổ chức Phụ nữ Xây dựng Hòa bình đến từ châu Phi như Sierra Leone, Guinea, Nigeria, Senegal, Burkina Faso, và Togo.

Gbowee và các bạn, kêu gọi sự hỗ trợ của phụ nữ khác biệt chủng tộc và tôn giáo, đến nhà thờ Hồi giáo chiều thứ Sáu kêu gọi phụ nữ họp nhau ở chợ cá sáng thứ Bảy và đến nhà thờ Công giáo sáng Chủ Nhật. Truyền đơn họ phát ra có những câu như: “Chúng tôi đã chán lắm rồi, chúng tôi chán cảnh con cái của chúng tôi bị giết! Chúng tôi chán cảnh chúng tôi bị hãm hiếp. Các bà các cô, hãy thức tỉnh. Chúng ta có tiếng nói trong cuộc vận động đòi hỏi hòa bình.” Đối với những người phụ nữ không biết đọc họ phát ra những hình vẽ đơn giản để giáo dục những người phụ nữ này. Trong cuốn phim Pray the Devil Back to Hell, nói về cuộc tranh đấu đòi hòa bình của Leymah Gbowee do Agigail Disney tài trợ, nhiều phụ nữ đã kể lại cảnh họ bị hãm hiếp trước mắt chồng và sau đó chồng họ bị giết ngay trước mắt họ rất là thê thảm.

Mùa hè năm 2002, Gbowee trở thành phát ngôn viên và là lãnh đạo của phong trào Women of Liberia Mass Action for Peace tạm dịch là Phụ Nữ Liberia Vận Động Hòa Bình. Tổ chức này kết hợp nhiều chủng tộc nhiều tôn giáo gặp nhau trong chợ cá, họ ca hát, nhảy múa, và cầu nguyện. Không phải lời ca nào cũng vui, bài múa nào cũng nhộn nhịp, họ có những bài ca họ hát với hai hàng nước mắt và những bước chân run rẩy hai tay ngửa lên trời để van xin. Không phải lời cầu nguyện nào cũng ru ngủ; họ cầu nguyện cho Quỷ Dữ Quay Về Địa Ngục (Pray the Devil Back to Hell). Họ biểu tình bất bạo động để chống vị Tổng thống độc tài Charles Taylor. Họ đe dọa sẽ dùng lời nguyền và kêu gọi thành viên từ chối chuyện chăn gối để gây tiếng vang. Cuộc đình công chăn gối khi có khi không trong nhiều tháng tuy không hiệu quả nhưng được giới truyền thông chú ý vì gợi nhớ đến vở hài kịch Lysistrata.

Đoàn biểu tình bất bạo động chiếm sân bóng đá bên cạnh Đại lộ Tubman, nơi Tổng thống Charles Taylor đi ngang mỗi ngày hai lần để đến thủ phủ. Các thành viên mặc áo trắng, đội khăn trắng, nón trắng có in chữ WIPNET, cơ quan tài trợ phong trào đòi hỏi hòa bình. Charles Taylor nghe Gbowee đọc thỉnh nguyện thư và đồng ý đàm phán hòa bình ở Ghana với các nhóm Liberians United for Reconciliation and Democracy (Liberia Thống Nhất cho Hòa Giải và Dân chủ) và MODEL.

Năm 2003, Gbowee dẫn phái đoàn phụ nữ đến biểu tình bất bạo động trước khách sạn nơi cuộc đàm phán hòa bình diễn ra. Khi cuộc đàm phán kéo dài từ tháng Sáu đến tháng Bảy không có tiến triển cụ thể, Gbowee dẫn hơn hai trăm phụ nữ sảnh đường của khách sạn. Họ nêu cao biểu ngữ nói rằng: “Những tên đồ tể và sát nhân dân tộc Liberia –Phải ngưng lại.” Gbowee trao thông điệp cho Đại tướng Abukabar (cựu Tổng thống Nigeria ) cho biết các thành viên phụ nữ sẽ nối vòng tay làm bức tường người và sẽ giam giữ Đại tướng cho đến khi cuộc đàm phán có kết quả. Đại tướng Abukabar vốn có cảm tình với phong trào phụ nữ đòi hòa bình đã khôi hài: “Sảnh đường hòa bình đã bị Đại tướng Leymah và đoàn nữ quân của bà chiếm đóng.”

Khi một lãnh tụ của lính du kích tham gia cuộc đàm phán tìm cách ra khỏi sảnh đường bằng cách xô ngã hay nhảy qua khỏi bức tường người, Leymah và tổ chức của bà dọa sẽ cởi quần áo để chống đối. Ở Phi châu, một người phụ nữ có tuổi tự ý phơi trần thân xác là một lời nguyền rất xấu. Đại tướng Abukabar đã khiển trách hắn ta.

Những người phụ nữ trong vở kịch Lysistrata và những người phụ nữ Liberia có một điểm tương đồng; họ cho rằng đàn ông là những người gây ra chiến tranh một cách vô trách nhiệm làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người vì không nghe lời đàn bà. Lysistrata và giới phụ nữ ở thành phố Athens dành quyền quyết định về chiến tranh. Gbowee và các thành viên muốn chiến tranh chấm dứt để không còn cảnh trẻ em cầm súng giết người và trẻ em chết đói trong các trại tị nạn.

Dĩ nhiên không ai ngây thơ đến độ tin rằng bà Gbowee và những thành viên có thể một cách đơn giản chấm dứt cuộc chiến tranh chỉ bằng ca hát nhảy múa và cầu nguyện. Hậu thuẫn vững chắc của Gbowee là bà Ellen Johnson Sirleaf, Thelma Ekiyor, và còn biết bao nhiêu người (cả nam lẫn nữ) tranh đấu trong thầm lặng, hy sinh xương máu, chịu đựng tù tội. Họ, những người tranh đấu vô danh, là cái bánh. Gbowee và ngay cả bà Ellen Johnson Sirleaf là lớp kem hoa đẹp phần nổi bật nhất trên cái bánh hòa bình.

Nhân chuyện bây giờ nhớ chuyện ngày xưa về những người phụ nữ trên thế giới qua chủ để chiến tranh và hòa bình xin mời bạn đọc giải trí bằng một đoạn kịch Lysistrata của Aristophanes.

LYSISTRATA: Lampito: tất cả các bà các mẹ các chị: hãy đến đây, đặt tay lên  bát (chứa rượu), và lập lại theo tôi: tôi sẽ không sờ đến chồng tôi, hay người yêu tôi.

KALONIKE: tôi sẽ không sờ đến chồng tôi, hay người yêu tôi.

LYSISTRATA: dù rằng anh ấy đến với tôi trong tình trạng rất đáng tội nghiệp.

KALONIKE: dù rằng anh ấy đến với tôi trong tình trạng rất đáng tội nghiệp. (Ồ, Lysistrata! Điều này quả thật là giết chết tôi!)

LYSISTRATA: Tôi sẽ ở trong nhà tôi không ai có thể đụng đến tôi.

KALONIKE: Tôi sẽ ở trong nhà tôi không ai có thể đụng đến tôi.

LYSISTRATA: Trong bộ áo bằng tơ vàng mỏng nhất.

KALONIKE: Trong bộ áo bằng tơ vàng mỏng nhất.

LYSISTRATA: Và sẽ làm cho anh thèm muốn tôi.

KALONIKE: Và sẽ làm cho anh thèm muốn tôi.

LYSISTRATA: Tôi sẽ không dâng hiến mình.

KALONIKE: Tôi sẽ không dâng hiến mình.

LYSISTRATA: Và nếu anh ấy kềm giữ bắt buộc tôi.

KALONIKE: Và nếu anh ấy kềm giữ bắt buộc tôi.

LYSISTRATA: Tôi sẽ lạnh nhạt như nước đá và im như gỗ.

KALONIKE: Tôi sẽ lạnh như nước đá và im như gỗ.

LYSISTRATA: Tôi sẽ không để mũi giày ngủ hướng lên trần nhà.

KALONIKE: Tôi sẽ không để mũi giày ngủ hướng lên trần nhà.

LYSISTRATA: Hay bò bốn chân như con sư tử cái trong tranh.

KALONIKE: Hay bò bốn chân như con sư tử cái trong tranh.

LYSISTRATA: Và nếu tôi giữ lời thề này xin rót rượu vào bát.

KALONIKE: Và nếu tôi giữ được lời thề này xin rót rượu vào bát.

LYSISTRATA: Nếu không hãy cho nước lã.

KALONIKE: Nếu không hãy cho nước lã.

LYSISTRATA: Tất cả chúng ta đều đã thề rồi chứ?

MYRRHINE: Chúng tôi đã thề.

Chân dung một người đồng nghiệp (tiếp)

Ngồi đây đã lâu nhưng mắt vẫn còn ríu lại chưa tỉnh ngủ.  Ly cà phê đắng nghét dường như chẳng làm được nhiệm vụ của nó là chẳng những đánh thức tôi mà còn làm cho đầu óc tôi sáng sủa và thông minh. Tôi đang áp dụng một lối viết gọi là viết theo stream of consciousness.  Chẳng biết dịch chữ này ra làm sao chỉ biết là ngồi vào bàn là viết một mạch nghĩ gì viết nấy.  Thật ra từ trước đến giờ những gì trên blog của tôi đều là viết theo kiểu này vì thế nó lỗi bừa ra đó và không mạch lạc gì cả.  Nhưng vì nó là blog viết để trò chuyện với bạn bè nên hy vọng các bạn bỏ qua cho.  Thường khi những bài này được sửa chữa cho gãy gọn mạch lạc rồi gửi cho báo in hay báo mạng. Đôi khi có những bài viết tử tế được in đã lâu rồi to cho lên đây.  Những bài dài quá hay nghiêm túc quá thì không cho lên blog vì đọc sợ chán.

Bây giờ ngồi đây với bốn bài viết dở dang và cả nửa tá sách đọc dở dang.  Tôi đúng là một cô bé háu ăn lọt vào lâu đài trong cổ tích đâu đâu cũng đầy món ăn độc đáo nên thấy gì cũng bóc ra gặm một miếng rồi chạy theo món khác.  Bài viết về Kawabata đã rất dài, vừa dịch vừa điểm sách, nhưng lại chưa đủ để được gọi là giới thiệu tác giả.  Bài viết về Kate Chopin cũng đã rất dài nhưng chưa đủ để gọi là giới thiệu tác phẩm, và chi tiết càng sơ sài hơn bài viết về Kawabata.  Rồi còn chú bé hầu trà, ông già bày đầu thách người đọc tham gia, chỉ có tôi là dại dột.  Tôi chờ ông viết tiếp nếu ông không viết tôi sẽ biến chú bé thành ông già đầu méo miệng méo suốt ngày ôm đầu mà kêu hét, vì đau đớn và giận dỗi.  Thế là còn lại bài viết dở dang về ông già đồng nghiệp.

Tôi vốn có tham vọng làm một bộ vẽ chân dung những người tôi đã quen hay đã gặp mà không quen.  Trông hội họa có môn vẽ này.  Trong nhiếp ảnh cũng có nhánh này.  Có lẽ trong bộ môn viết lách cũng có nhưng không ai chú ý vì người ta bận chăm chú vào những chuyện quan trọng hơn.  Tôi xem như một cách mình thu nhặt những chi tiết để xây dựng nhân vật.  Thú thật người nào tôi đã từng gặp qua tôi đều muốn đưa vào làm nhân vật nếu có lúc nào đó tôi nổi hứng hay nổi điên hay vì thời thế biến đổi tôi phải bỏ công ăn việc làm để quay qua viết văn chuyên nghiệp.  Tôi đã từng tự nhủ dù yêu thích văn chương tôi sẽ không theo nghề này vì tôi sợ viết không đủ sống. Tôi cũng yêu nghề của tôi vì tôi đủ sống nhưng có lẽ văn chương như một mối tình đầu nên mấy mươi năm sau vẫn không quên.  Có lẽ sẽ như thế đến hết cuộc đời.  bởi vì tôi sợ hễ mà mình với được cái mối tình vọng tưởng này thì mình sẽ chán nó hay là nó sẽ chán mình.

000

Ông Max là người Phi luật tân.  Hôm nay là ngày chót ông sẽ vào cơ quan chào từ giã mọi người.  Phòng làm việc của ông, ông đã dọn sạch sẽ tươm tất.  Ông lôi ra những bức ảnh cũ trong hồ sơ của ông trong đó có tôi mặc áo dài quần trắng, cỗ đeo xâu chuỗi vàng, hoa tai vàng, quà của mẹ chồng tôi cho.  Có lẽ tôi mặc áo dài vào một buổi trình diễn y phục hay Tết hay một trong những ngày lễ phụ nữ quốc tế tôi quên.

Năm nay ông đã 68 tuổi nhưng trông ông rất trẻ so với Jerry một người đồng nghiệp khác, người sẽ về hưu vào tháng 6 năm nay.  So với người Á châu ông thuộc loại khá cao lớn, lớn nhiều hơn cao.  Ông cao độ 5 feet 10 inch, nhưng ông rất mập, 210 lbs .  Đi làm ông ăn mặc chải chuốt lắm lúc nào cũng mặc suit, nguyên bộ com lê. Lúc nào ông cũng có vẻ đường bệ.  Có lần ông khoe với tôi ảnh ông chụp với con chó Jake, một loại berger ông nuôi đã lâu.  Trong hình ông ở trần và tôi hết hồn khi nhìn thấy ảnh của ông như thế.  Hết hồn là bởi vì tôi không thể nào hình dung được một người lúc nào cũng có vẽ đường bệ lại có thể xấu xí đến thế.  Da ông đen, và cái bụng của ông trông giống như cái trống màu đen.  Bình thường tôi vẫn thấy da ông đen xạm, đen hơn màu da người Việt (tôi) hay người Tàu (Steven một đồng nghiệp khác).  Ông đen cũng bằng Xavier (người Ecuador) nhưng không đen bằng Charles hay Anthony (hai người Jamaica).  Nhưng phải nói là tôi mất thiện cảm về nhân dáng của ông kể từ khi xem hình ông chụp chung với con chó.  Giá mà ông đừng ở trần thì trông đỡ xấu xí hơn.

Hehe, tôi chỉ nói lén ông (bạn) già đồng nghiệp.  Ông ta không bao giờ biết cái blog này và cũng không đọc được tiếng Việt.  thế là thấy cái tâm địa xấu xa nhỏ nhen của tôi.  Thật là sung sướng được viết về một người không bao giờ đọc bài viết của mình. Biết đâu chừng ông ta cũng có một cái blog và ông nói về tôi bằng giọng điệ trái ngược với tất cả những gì tôi biết về ông.

Như đã nói trong blog trước.  Ông là người rất khôn khéo ông được lòng tất cả mọi người.  Đi đâu ông cũng được mọi người yêu mến.  Nếu có một người không yêu mến hay hằn học với ông thì người đó là tôi.  Nhìn sâu vào tâm địa xấu xa của mình, tôi nghĩ tôi không thích ông chỉ vì ghen tị với bản tính khéo léo của ông.  Có thể nói tôi với ông là hai thái cực.  Ông nói nhiều còn tôi thì lúc nào cũng im ỉm.  Ông hay nói đùa hay cười.  Lúc nào cũng có người vây quanh ông để nói về chuyện stock market, chính trị, thể thao, ăn uống, v.v…  Đôi khi ông và bè bạn rất ồn ào, ông cười nói, dậm chân xuống đất thình thình, cười sằng sặc.  Và vì thế nên tôi không thích.  Tôi “rầy” ông , ông bảo tôi là prima donna, một người tự quan trọng hóa.  Tôi ghét ông từ đó nên không thèm ngó mặt và nói chuyện với ông có lẽ cũng phải hơn mười năm.  Tôi chỉ mới nói chuyện lại với ông mấy tháng nay sau khi ông loan báo là ông sẽ về hưu.  Ông về hưu cũng chẳng phải là lý do tôi nói chuyện lại với ông.  Tôi hết giận đã lâu, tuy nhiên tính tôi ít nói ít giao thiệp, càng ít giao tiếp càng dễ giữ thiện cảm của người ta với mình và của mình với người ta.  Tôi vẫn trao đổi với ông khi công việc đòi hỏi nhưng tôi không bao giờ xem ông như là bạn.  Tôi nghĩ điều này làm ông ứa gan lắm vì thế ông tiếp tục chinh phục cảm tình của tôi.  Có lẽ ông không chịu được một người phụ nữ không rơi vào vòng bùa mê của ông.

Ai cũng “yêu” ông hết.  bạn làm việc chung thì ông đãi ăn trưa.  Các phụ nữ thì ông tán tỉnh khen ngợi.  Cấp trên thì nhờ ông đủ thứ việc làm ở nhà riêng của họ.  Cấp trên của cấp trên của cấp trên mấy lớp cũng là bạn thân đi săn đi câu đi xem thể thao với ông.  Tôi nghĩ đây cũng là một điểm để tôi “ghét” ông vì ông có thế lực lắm.

Nói xấu người thì ngẫm ra cái nhỏ nhen của mình.  Ông đưa được nhiều người vào chỗ làm.  Cái ưu điểm của ông, people skill, là cái nhược điểm của tôi.  Tôi càng lạnh nhạt với ông, ông càng chìu chuộng tôi.  Ngày còn trẻ có một lần tôi bị giao cho một đồ án ngoài khả năng của tôi.  Số là tôi có một người đồng nghiệp da đen có hục hặc với ông xếp của tôi.  Để bỉ mặt anh đồng nghiệp da đen, ở cấp cao hơn tôi và tay nghề cao hơn, ông xếp tôi giao cho đồ án phải thiết kế một cái nền tảng cho một nhà máy chuyển điện trong một khu vực cạnh bờ sông thường hay bị ngập nước.  Tôi học về cơ khí, trong trường tôi làm luận án về kỹ nghệ điện lạnh và máy quay cầu.  Cái đồ án này cũng là một thử thách nếu tôi vượt qua được tôi sẽ được lên cấp.  Ông Max là kỹ sưu htuyr lợi nhưng biết khá khá về thiết kế cấu trúc.  Tôi hỏi một người chuyên về thiết kế cấu trúc, một ông xếp khác chuyên về xây dựng công trình lớn, và ông Max là người tận tâm chỉ dẫn tôi cách thiết kế từng mối nối của những cây rebar.  Thiết kế xong, người ta xây dựng, ông Max đi với tôi ra chỗ xây dựng cái nền này, tự tay ông khắc vào xi măng tên của tôi và ngày tôi làm xong đồ án.  Những người làm việc chung đều tận tâm chỉ dẫn giúp đỡ tôi.  Ai cũng nhìn tôi như là một đồ đệ ưng ý của họ.  Tôi kính trọng nể nang tất cả mọi người nhưng tôi không ưa ông Max là người tận tâm với tôi nhất.

Trước ngày ông nghĩ việc về hưu ông xin phép được đưa tôi đi ăn nhưng tôi từ chối.  Ông năn nỉ mãi nhưng tôi cứ cười bảo rằng “You are silly!” (Ông kỳ cục quá!).  Mỗi lần ông đi chơi đâu xa ông hay mua quà cho tôi, có khi là bánh kẹo có khi là những đồ mỹ nghệ địa phương.  Tôi luôn từ chối nhưng có khi ông nài ép quá tôi nhận rồi cho vào thùng rác.  Có lần người đổ rác nghĩ là tôi vô tình làm rơi những món đồ này vào thùng rác nên nhặt ra để riêng qua một bên gần thùng rác.  Ông nhìn thấy nên biết là tôi ném đi.  Nếu ông có giận ông cũng không để lộ ra.

Trong tất cả những chìu đãi khéo léo, ông Max đã có một lỗi lầm nghiêm trọng vì ông kể cho tôi nghe những thành công trong việc chinh phục trái tim phụ nữ làm việc với ông.  Ông cho tôi xem ảnh ông đi chơi với Dianne một cô thư ký tóc vàng, chân dài, cao hơn ông một cái đầu.  Ông kể tôi nghe những lần ông đi ăn nghe nhạc với Wendy, Chris,  Carol, v.v… Tôi hỏi vợ ông không nói gì à, ông cười đâu có biết gì mà nói.  Từ đó tôi giữ thái độ xa cách vì tôi không muốn ông nghĩ là ông cũng mua được cảm tình của tôi.  Ông thường tự hào là phụ nữ thương ông nên khi xa ông họ hay khóc.  Tôi không tham dự lễ ăn tiệc về hưu của ông.  Hôm thứ Sáu tôi chào ông, đưa tay ra bắt.  Ông xin phép được hug tôi nhưng tôi cười, bước lui lại và nói ông lại silly rồi.

Blog này đã dài và còn một chuyện liên quan đến việc tranh chấp lên cấp giữa tôi và Steven và nhờ ông mà Steven được chức principal engineer nhưng xin để lần khác.  Có một lúc nào đó tôi sẽ viết về chuyện làm việc nhiều hơn.

Chân dung một người đồng nghiệp

Tôi thức giấc lúc 4 giờ rưỡi nghĩ là nếu tôi đi xuống nhà ngồi viết một mạch cho đến 8 giờ sẽ có một blog nhưng chiếu chăn và chàng ấm quá nên tôi ôm lấy cái ấm mà ngủ mãi cho đến 6 giờ rưỡi.  Ngủ quá giấc tôi mệt nhoài bò ra khỏi giường đi xuống nhà mãi đến bây giờ là 7 giờ rưỡi sau khi uống cà phê tắm nước nóng tôi vẫn chưa tỉnh ngủ.

Sáng nay trời đẹp. Dù hàn thử biểu bảo là 2 độ dưới không độ, nắng vẫn tràn trề.  Rừng sau nhà lá trên những bụi cây nhánh khô đã mọc loáng thoáng xanh.  Nắng tràn vào nhà từ phòng khách lan vào phòng học làm ấm lưng tôi.

Ngày hôm nay tôi sẽ đưa cô bé nhà tôi đi xem một trường đại học.  Và thứ Hai tôi nghỉ để đưa cô đi xem Princeton.

Có bao giờ bạn thử liệt kê một ngày bất kỳ trong cuộc đời để xem bạn đã làm những gì?  Tôi đoan chắc là bạn sẽ ngạc nhiên vì nhiều quá không viết hết.

Liên tiếp mấy hôm nay tôi muốn vẽ chân dung một người đồng nghiệp.  Thứ Hai sắp tới là ngày chót của ông vì ông về hưu.  Tôi không thể chia tay ông vào ngày thứ Hai vì tôi xin nghĩ ngày thứ Hai để đưa con bé đi xem trường vì thế tôi chào từ giã ông hôm qua.

Max đã 68 tuổi. Ông vào sau tôi.  Ông là kỹ sư thủy lợi. Khi ông vào tôi vẫn còn ở cấp thấp nhất của một người mới ra trường.  Nói về vị trí và cấp bậc tôi vẫn còn bị những người họa viên kỹ thuật dưới quyền tôi bắt nạt.  Rồi tôi bắt kịp ông.  Nói về mặt cấp bậc tôi và ông bằng nhau nhưng lương của ông cao hơn lương của tôi cả chục ngàn.  Và ông có thế lực hơn tôi rất nhiều.  Ông là một người rất khôn ngoan khéo léo, được lòng tất cả mọi người.  Rất khó mà làm được việc của mình mà vẫn giữ được tình cảm người khác.  Tôi thường hay gật gù bảo rằng “You have a blessed working life!” bởi vì hơn bốn mươi năm trong nghề ông chưa có ngày nào mất việc.

Ông thường hãnh diện bảo rằng ở nơi nào ông làm việc, khi ông rời chỗ làm để đi chỗ khác vì chỗ mới trả lương cao hơn người ta đều thương và nhiều người phụ nữ đã khóc.  Ngày hôm qua, Jean, bà thư ký dữ dằn ôm chầm lấy ông mà khóc.  Ông nhìn tôi và nói ông cũng chờ tôi khóc.  Ông nói, “tôi muốn thấy giọt nước mắt của bà hơn bất cứ những ai!”  Tôi cười chế nhạo, “ông là một người kỳ cục!”

Sẽ viết tiếp.

Lạ Hay Quen

1

Nói là nhật ký nhưng thật ra đây là ghi chép chuyện ngày hôm qua.  Như bạn thấy ngày hôm qua ở đây nắng đẹp, trời xanh, và như thường lệ buổi trưa tôi đi bộ.  Tấm ảnh chụp ở tiểu bang New Jersey, thành phố Newark, đường Broad (Street), ngay ở công viên Washington (Park), phía trước thư viện chính của thành phố.  Thư viện này rất lớn có một số ít truyện Việt Nam viết bằng tiếng Việt và truyện của một số nhà văn Việt Nam viết tiếng Anh.

Bức ảnh tuy là ở ngay công viên nhưng chụp về hướng nhà ga Newark ở Broad Street nên trong ảnh bạn không nhìn thấy cây cối gì cả. Thường tôi chỉ đi bộ đến công viên này và quay về hôm nào đi nhanh thì 45 phút.  Hôm nào la cà chụp ảnh thì mất một giờ. Cảnh vật này tôi đã quen nhẵn nên khó tìm thấy cái gì lạ và thú vị cho chính mình, nhất là tôi luôn luôn mệt mỏi và buồn ngủ.

Cái vật nhọn kỳ lạ xấu xí màu xanh đậm có dính lủng lẳng 7 cái bong bóng tròn màu trắng giống như cột đèn là cột đèn.  Tôi không biết buổi tối có bao nhiêu bóng đèn được thắp sáng vì tôi chưa hề đến đây buổi tối bao giờ.  Người Mỹ quen sống ở ngoại ô cũng sẽ sợ hãi khi vào thành phố này buổi tối vì sợ đi lạc vào thành phố lạ nhất là thành phố nổi tiếng có nhiều tội ác nhất tiểu bang. Thật ra tôi không thấy đáng sợ đến thế và tùy theo phần nào ở thành phố người lạ vào sẽ thấy chỗ đẹp lộng lẫy và chỗ thì xơ xác điêu tàn.  Và điều mà tôi thấy hay ho nhất là không có cái bóng đèn nào bị bắn vỡ dẫu nó không mấy cao, chỉ cần một viên đá ném mạnh là rồi, tiêu tán đường.

Cây cột đèn hình dáng không mấy đẹp kia lại là một vật rất cổ xưa, có lẽ từ khi thành phố mới bắt đầu được xây cất.  Cột đèn này để tưởng niệm những người di dân đến thành phố này.  Tuy nhiên tôi sẽ thu thập tài liệu về cây cột đèn này rồi sẽ nói sau.  Bây giờ nói theo trí nhớ sợ không đúng, mà thật ra cũng không nhớ hết.

Ngay dưới chân cột đèn bạn sẽ thấy một người đàn ông, ngồi trên một tấm đệm màu xanh.  Đây là “người quen” của tôi.  Một người quen mà tôi không biết mặt, không biết tên.  Hằng ngày mỗi khi đi bộ đến đây tôi thường thấy ông ngồi đó.  Và theo chiều hướng đi của tôi, tôi chỉ thấy cái lưng của ông.  Tôi chưa hề tìm cách ngó mặt ông vì không cảm thấy cần thiết làm chuyện ấy.  Sự có mặt của ông ở cái góc đường này làm tôi có cảm giác ông là một người quen dù không quen. Có lẽ ông làm việc ở một cơ quan nào gần đấy.  Viết về ông hôm nay là một phác họa về một người tuy lạ mà quen.

Đôi khi tôi tự hỏi ông làm nghề gì. Ông ngồi đó luôn luôn im lặng một mình, đôi khi tôi thấy ông ăn trưa là một kẹp sandwich.  Ông ngồi đó với niềm vui hay nỗi buồn. Ông nghĩ gì về những người đi ngang đây mỗi buổi trưa.  Khi ông về có khi nào ông vẽ lại chân dung người đi ngang chỗ này như đi qua đời ông.  Một phần đời vài phút của một ngày trong những tháng những năm dài ông có mặt ở đây.

Tôi có một vài người quen như thế này mà tôi xin lần lượt từ từ kể.

Nói nhăng

Ông Max làm việc chung với tôi mười chín năm sắp về hưu.  Trong 19 năm có mười bốn năm tôi giận không ngó mặt, không nói chuyện với ông.  Chỉ mới cách đầy vài tháng tôi và ông mới nói chuyện lại với nhau.  Tôi ít nói.  Có khi cả ngày tôi không nói một lời với ai mà không cảm thấy buồn hay cô đơn.  Khi tôi còn nhỏ mọi người nói tôi dữ.  Bây giờ mọi người nói tôi khó tính.  Cả hai nhận xét đều đúng. Những người trong gia đình nói khó tính làm gì sao không dễ tính cho người ta nhờ cho cuộc sống dễ chịu.  Tôi không biết cách trả lời.  Tôi như thế là vì tôi như thế.  Tôi cũng không nghĩ là tôi khó tính.  Tôi để mọi người sống theo cách họ muốn sống và tôi cũng muốn được sống theo ý tôi.  Nhưng chuyện không mấy dễ dàng.  Tôi vẫn  nghĩ cái gì mình muốn mình phải chịu trả bằng một cái giá nào đó.  Đôi khi tôi thà mất lòng người còn hơn mình không vui.

Ông Max thấy tôi nói chuyện trở lại và vì sắp về hưu nên thường hay ghé chỗ tôi nói dóc tí tỉnh.  Sáng nay ông kể chuyện một người em rể 66 tuổi, bà vợ của ông ấy bị bệnh nằm trong nhà thương một thời gian rồi qua đời.  Trong lúc săn sóc vợ trong bệnh viện ông và một cô y tá 24 tuổi yêu nhau.  Bây giờ họ chuẩn bị lấy nhau.  Ông Max hỏi tôi nghĩ thế nào liệu những người  này có yêu nhau thành thật không? Tôi tin là rất có thể họ yêu nhau thành thật dù không ít người cho rằng cô gái yêu ông em rể chỉ vì tiền.  Ông Max nói ông em rể vẫn còn tráng kiện và đẹp trai.  Tôi ở cái tuổi mà mọi chuyện tôi tin là đều có thể xảy ra dưới ánh mặt trời. Tôi tin vào những mối tình chênh lệch tuổi.  Có thể nó sẽ không bền nhưng không có nghĩa là họ không yêu nhau.

Ngày còn đi học tôi không giỏi toán.  Toán là một khái niệm rất trừu tượng với tôi.  Mất một thời gian khá lâu tôi mới hiểu khái niệm dấu âm và trừ của trừ thành cộng trong toán Đại Số.  Cũng như tôi khó tưởng tượng được khái niệm về một điểm, đường thẳng, đường cong, và mặt phẳng.  Phải rất lâu tôi mới hiểu được một số điều căn bản như một đường cong là tập hợp của những đoạn thẳng.  Bây giờ thì hiểu rồi.  Và dùng cái hiểu này để hiểu trong một cuộc tình không thành (đường cong) có những lúc người ta thật sự hạnh phúc (đoạn thẳng) trong tình yêu.

Như môn thermodynamics để giải những bài toán về nhiệt động học tôi phải học khái niệm giới hạn (biên giới). Nhiệt lượng vào hay ra khỏi khu vực quan sát tùy theo mình đứng bên trong hay bên ngoài cái biên giới tưởng tượng mà mình tự rào chung quanh khu vực mình cần phải quan sát. Nói như thế để nói là có những điều tùy theo chỗ đứng mà nhìn thấy điều đó đúng hay sai, chấp nhận được hay không chấp nhận được.  Kể cả những chuyện to lớn như phong tục.  Người Trung quốc ngày xưa cho phép anh em bạn dì được quyền kết hôn với nhau.  Người Ấn Độ cho phép người anh lấy vợ người em nếu người em chết đi. Nhưng người Việt Nam thì cho đó là loạn luân.

Ai cũng nói tuy tôi khó tính nhưng lại dễ tin.  Đôi khi những người làm việc chung với tôi sau khi nói đùa họ phải đính chính vì tôi dễ dàng tin những lời nói đùa là chuyện thật. Vì bản tín dễ tin tôi ít khi nghi kỵ ai. Nhiều người cho là khờ, tôi thấy đôi khi như vậy lại dễ sống.

Rất nhiều bạn bè của tôi không tin là có một tình bạn chân thật giữa người đàn ông và người đàn bà.  Tôi thì tin.  Đôi khi tình bạn quá đẹp, bước qua cái biên giới tình bạn vào tình yêu khó mà trở lại tình bạn nếu tình yêu không thành.  Do đó người ta trân trọng giữ tình bạn.    

Tôi nói xàm đã đủ, đến giờ tôi đi ngủ.  Đêm qua ngủ không ngon nên hôm nay mệt. 

bốn con quạ đậu trên dây điện cao thế

Mùa đông, người ta thường mặc áo khoác ngoài màu đen.  Tôi không hiểu tại sao. Một, có lẽ màu đen hút nhiệt dễ hơn nên ấm hơn.  Hai, áo màu đen thi mặc hoài một cái không ai để ý.  Áo màu sặc sỡ quá người ta biết mình chỉ có một cái áo khoác ngoài mặc hoài thì kỳ quá chăng?  Nói đùa đấy, tôi không thấy ai ở Mỹ mà chỉ có một cái áo khoác ngoài.  Có một người phụ nữ làm việc chung với tôi cứ mỗi lần tôi gặp bà là thấy bà mặc một cái áo khoác ngoài màu tươi, kiểu lạ, chẳng có cái nào tương tự cái nào.

Mặc áo khoác màu đen làm chúng tôi, những hành khách đi xe lửa, tuy khác nhau mà vẫn có vẻ gì giống nhau.  Một đám đông như một bầy quạ khắc khổ vừa có vẻ buồn thảm vừa có vẻ buồn ngủ.

Thường thường, người Mỹ luôn cần có khoảng cách cá nhân.  Không nên đứng gần một người nào quá độ khoảng cách một cánh tay giữa hai người trong một phòng chờ xe lửa có thể chấp nhận được.  Nhiều người cần khoảng cách lớn hơn.  Họ chỉ cho người thật thân đến gần hơn khoảng cách tối thiểu đó.

Buổi sáng trong phòng đợi xe lửa có nhiều khuôn mặt đáng chú ý.  Tôi vẫn mong vẻ chân dung của họ bằng chữ.  Không biết để làm gì.  Mai sau viết văn tôi có thể biến họ thành nhân vật của tôi chăng?

Sáng nay, ngồi trên một băng ghế có bốn người đàn ông có vẻ như người Trung Đông, hay Ấn Độ trắng.  Họ ngồi cạnh nhau thật gần.  Gần đến độ không có một khoảng cách rộng hơn chiều dẹp của một bàn tay.  Trông họ có vẻ thật thân nhau như là đồng chí hay anh em.  Bốn người sàng sàng tuổi nhau, vóc dáng tương tự nhau, bốn cái áo màu đen, trông họ giống như bốn con quạ đậu trên dây điện cao thế.  Tuy nhiên họ không có vẻ buồn ngủ hay buồn thảm.

Tôi là một con quạ cô đơn, ngồi riêng một góc.  Buồn ngủ nhưng không buồn thảm.

Tôi chú ý đến vài khuôn mặt.

Tôi chú ý đến vài khuôn mặt.

Có một người Á châu, khoảng năm mươi, tóc bạc nhiều.  Tuy là người Á châu nhưng ông ta rất cao lớn, cao và to hơn cả người Mỹ thuộc loại cao to hơn người Mỹ trung bình.  Đi làm mỗi sáng ông mang giày sneaker, quần jean, một cái áo khoác ngắn khỏi mông, rộng và khá cũ kỹ.  Mắt lộ, mũi khoằm như mũi ó.  Miệng như mỏ nhọn của con chim, môi trên ngó quặm xuống môi dưới.  Tóm lại ông ta không mấy đẹp trai.  Tuy nhiên ông có nụ cười bẽn lẽn nên trông ông có vẻ hiền lành.  Cứ nhìn ông là tôi lại liên tưởng đến một nhân vật trong truyện ngắn của Ha Jin, căn nhà phía sau cây anh đào la đà.  Nhân vật trong truyện này là một người hiền lành, công nhân hãng may cắt quần áo, vì định mệnh đưa đẩy anh ta trở nên người đưa rước một cô điếm người Việt Nam.  Hai người trở nên yêu nhau và cùng dẫn nhau bỏ trốn khỏi New York vì cô gái thiếu nợ người cho vay ăn lời cắt cổ đã giúp cô trốn rồi ở lại New York.  Tôi không có ý nói ông Á châu này giống ma cô.  Tôi chỉ có ý muốn nói tôi liên tưởng đến nhân vật mà không hiểu tại sao, có lẽ vì cách ăn mặc, vì là người Á châu, và vì trông ông có vẻ gì hiền lành.  Ông nói tiếng Mỹ sành sõi như là người sinh ra lớn lên ở Mỹ. Ông hay ngồi gần một người Mỹ khác để đọc báo cọp.  Ông thích đọc báo mà không chịu mua báo cứ ngày nào cũng ngồi cạnh ông Mỹ, ngóng cổ ngó theo tờ báo mỗi lần ông bạn già này lật tờ báo sang trang.

Ông Mỹ này cũng vào trạc từ năm mười đến năm mươi lăm.  Ông gầy và cao, tuy nhiên đứng bên cạnh ông Á châu trông ông có vẻ nhỏ người hơn.  Ông ăn mặc chững chạc. Luôn luôn mặc nguyên bộ com plê, áo khoác dài bằng len đắt tiền, giày loafer của Ý.  Ông thường đọc tờ báo The New York Post, nhiều hình hơn tờ New York Times. Ông có vẻ khô héo khắc khổ lạnh nhạt, không nhìn đến ai.  Ông ngồi ở một góc, tréo chân.  Hễ ông Á châu đến ngồi gần để đọc báo cọp ông không hề nhìn lên, không nhích chân, không để lộ vẻ gì nhận biết người Á châu này.  Ông không tỏ ý phiền cũng không khuyến khích ông Á châu, cũng không để lộ vẻ muốn chia sẻ tờ báo.  Mỗi lần ông ngồi xuống trước khi đọc báo là hai tay ông có những cử động như một người muốn làm dấu thánh giá nhưng ngượng ngùng muốn che dấu.  Cũng có thể đó là một phản xạ không tình nguyện của những người bị bệnh như Tourette syndrome. 

Tôi tưởng hai người hoàn toàn không quen biết nhau cho đến một hôm tôi thấy hai người đi xe chung.  Người Á châu lái xe còn người mặc com lê là hành khách tuy nhiên tay lại bưng ly cà phê của người Á châu.

Có một người phụ nữ cũng trạc tuổi năm mươi.  Cao lớn, hơi đẫy đà.  Người ta có thể nhận thấy bà có thiện cảm với người Á châu.  Bà hay tìm cách ngồi gần ông này.  Đôi khi họ trò chuyện.  Có vẻ như họ biết nhau vì tôi nghe bà ta hỏi ông Á châu về một con gà mà ông ấy nướng cho một buổi tiệc nào đó.

Đôi khi tôi tự hỏi nếu bà yêu ông Á châu, và nếu ông Á châu yêu ông mặc com lê, và ông mặc com lê thì không yêu ai hết, chỉ yêu tờ báo New York Post mà thôi?  

Con chích chòe

Thường đón chung chuyến xe lửa với tôi có một cô bé Việt Nam.  Cô bé rất bé, như là một con chim chích chòe vậy.  A, đến đây tôi xin rút lời.  Tôi chưa hề thấy con chim chích chòe bao giờ nhưng tưởng tượng là nó vừa bé vừa xinh.

Chắc chắn là cô phải thấp hơn tôi.  Thấp hơn tôi là chuyện khó xảy ra, nhất là ở xứ Mỹ, người trẻ luôn luôn cao lớn hơn người già. Cô bé hơn một con bé Việt mười hai tuổi.  Cô học xong đại học và đang làm việc cho một trường đại học Y khoa trong ban nghiên cứu.  Tôi biết vì có vài lần chúng tôi nói chuyện với nhau.

Có một buổi sáng cô đứng đón xe lửa gần tôi.  Cô có một cái khăn quàng crochet màu trắng rất dài.  Tôi hỏi cô mua ở đâu cô nói quà tặng của bà ngoại ở Việt Nam.  Cô tưởng tôi là người Philippine.  Chuyện này bình thường, người Philippine hễ gặp tôi là nói chuyện bằng ngôn ngữ của họ ngay lập tức.  Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, cô chỉ mới qua Mỹ chừng mười năm nên nói tiếng Việt rất giỏi.  Trước khi ra trường đi làm cô giúp mẹ cô làm trong tiệm làm móng tay của mẹ.

Cô nói chuyện giọng nói nhỏ xíu, cái lỗ mũi nhỏ xíu của cô nhăn lên mỗi khi cô cười.  Cô ăn mặc khá xốc xếch, ngay cả những khi cô cố ý chưng diện, có lẽ vì mái tóc dài mà quăn và thường khi rối bù.  Cô thích mặc halter.  Thường, cách ăn mặc này khá lộ liễu nhưng vì cô nhỏ người quá nên cách ăn mặc này càng làm cô có vẻ bé con hơn.  Mặt mũi khá xinh.  Tôi có lúc định mời cô về nhà chơi để giới thiệu với một người cháu.  Chú bé này cần mẫn, hiền lành dễ thương, đang học lấy tiến sĩ.  Chú lận đận đường tình duyên và vì mãi mê vừa học vừa làm nên đã ba mươi mà vẫn mồ côi.  Tuy nhiên người ta thường hay nói ở đời có bốn cái ngu, làm mai lãnh nợ gác cu cầm chầu.  Làm mai là cái nghề ngu nhất, nghĩ thế nên thôi.

Tối thứ Sáu cô lên xe lửa ngồi băng ghế trước mặt tôi.  Cô cười chào nhưng không ngồi cạnh tôi.  Cùng đi với cô có một chú bé khá cao lớn, da ngăm đen như người Trung Đông hay Ấn Độ.  Chú còn trẻ mà tóc chú bạc lấm tấm vì chú húi ngắn nên tôi thấy tóc bạc rất nhiều.  Cả hai có vẻ thân mật nhưng không suồng sả.  Thỉnh thoảng chú quàng vài cô có vẻ như dọa cù lét cô. Hai người châu đầu vào nhau bàn tán gì về một quyển catalogue về một trường đại học nào đó.  Có lúc tôi nghe cô bé nói về bữa tiệc với các món ăn và chú bé hỏi “tôi có thể đến dự không?”  Cô bé nói có chứ, dĩ nhiên rồi.  Cô cười khúc khích luôn làm tôi tưởng tượng đến cái mũi nhăn của cô.

Tôi nghĩ tôi đang chứng kiến một mối tình chớm nở trên xe lửa.  Rồi có một ngày nào đó tôi sẽ viết về những chuyện tình hạnh phúc, kẻo người ta bảo rằng những cuộc tình  hạnh phúc chẳng có gì để kể.

Xavier, người làm việc chung

Hai cô tiểu thư của tôi thức giấc và đang ăn sáng.  Hai cô đòi đi Thư viện mà tôi chờ hai cô từ sáng đến giờ.  Trong khi chờ đợi tôi chẳng biết phải làm gì nên ngồi viết nhảm nhí.

Xavier người làm việc chung với tôi đã vào làm trở lại sau khi nghỉ ba ngày tang.  Người chết là em gái của ông, năm mươi mốt tuổi, chết vì stroke, để lại hai con 15 và 11.

Xavier là người Ecuador làm việc chung với tôi đã hơn hai mươi năm.  Chúng tôi không thân nhau nhưng không có gì hiềm thù mất lòng nhau.  Xavier da đen, không đen lắm.  Tóc rậm như rừng.  Tuy làm việc lâu năm với nhau tôi không biết ông có vợ không và có mấy con.  thỉnh thoảng chúng tôi nói chuyện việc làm, nói đùa bâng quơ nhưng không bao giờ nói chuyện gia đình.  chúng tôi nói đùa là Xavier có bảy bà vợ và vài chục đứa con, trong đó có vài đứa con nuôi ông gửi tiền về xứ để nuôi.

Xavier ít nói, có lẽ vì nói tiếng Anh không giỏi.  Ông làm kỹ sư giỏi về design còn tôi không giỏi về kỹ thuật nhưng mồm năm miệng mười, viết kỹ thuật khá nên làm công việc quản lý project.  Tôi vào làm sau Xavier, cùng một cấp bậc với ông.  Tuy nhiên tôi mềm mỏng, phục tùng, chìu chuộng cấp trên, trong khi Xavier cứng cỏi, ngang ngạnh, bướng bỉnh.  Ông xếp cũ của tôi đã về hưu là một người rất yếu về mặt kỹ thuật, nên như người ta thường nói người ta thường che dấu những mặc cảm thua thiệt bằng những cao ngạo quá đáng, ông xếp cũ này hay ngược đãi Xavier.  Và Xavier vì chống đối nên mất lòng ông xếp.  Tôi tránh va chạm nên tôi vượt qua mặt Xavier mấy cấp trong vòng vài năm.  Nếu Xavier là người xấu tính có lẽ ông ghét tôi ghê lắm.  Những năm sóng gió ông không để lộ vẻ ghét bỏ tôi nhưng lạnh lùng.  Sau khi ông xếp cũ về hưu rồi không khí trong chỗ làm bớt lạnh lùng bớt tranh giành hẵn đi.  Xavier mới được lên chức Senior Engineer năm ngoái hay năm kia, có lẽ thế ông bớt lạnh lùng.

Hôm trước khi nghĩ Giáng sinh cho đến New Year, ông chào từ biệt.  Và ông hôn tôi, hôn gió thôi, ở hai bên má, theo tục lệ người Tây phương.  Tôi là một trong hai người phụ nữ làm việc trong nhóm và tôi ít khi cho phép ai hôn tôi.  Tôi thường xuyên chìa tay ra bắt tuy nhiên với Xavier là một ngoại lệ.  Có lẽ làm việc với nhau lâu làm tôi dễ dãi hơn.

Thêm một ông già dễ thương

Buổi chiều đi làm về tôi phải đi bộ một quảng đường, ngắn thôi.  Ra khỏi building tôi làm việc, băng qua một con đường, vào trong một tòa nhà có đường đưa vào trạm xe lửa.  Có nghĩa là mình đi từ một chỗ này qua một chỗ khác chừng vài trăm yard mà không phải ra ngoài trời nên tránh mưa tránh tuyết.  Lên một cầu thang một bên là đi bộ lên hay xuống, còn một bên là thang tự động cuốn lên.  Người nào vội vàng thì vừa bước lên còn thang thì cứ tiếp tục cuốn.  Lên khỏi cầu thang là một cánh cửa mở ra chỗ bến xe lửa đậu.  Những cái bến này được gọi là platform, cao hơn đường rầy xe lửa chừng hai thước.  Nó như một cái sàn dài đúc bằng bê tông.  Khách chờ nơi đây khi xe lửa cập bến là bước vào xe lửa.  Cửa xe lửa mở ngang tầm với sàn chờ này.  Dọc theo sàn xe lửa người ta để nhiều băng ghế cho khách ngồi.  Mỗi băng ghế có thể ngồi bốn hay năm người.  Xe lửa của tôi đi luôn luôn chờ sẵn tại bến trong khi các tuyến đường khác khách phải chờ khá lâu xe lửa mới cập bến.  Chuyến tôi về mỗi chiều là một chuyến tốc hành.  Xe lửa chỉ đỗ ở những bến cố định.  Chuyến sau chuyến tôi đi chừng mười lăm phút là một chuyến bình thường, ngừng ở tất cả mọi trạm.  Có nhiều người đến sớm nhưng không đi được chuyến tốc hành họ chờ để đi chuyến sau và ngồi trên những hàng ghế dài trên sàn của bến xe.

Trên một trong những băng ghế ấy có một người đàn ông, chừng hơn sáu mươi.  Ông rất cao và gầy.  Tôi biết ông cao vì ông ngồi mà thấy chân ông dài lắm.  Da của ông trắng xanh, nên trông ông không có vẻ khỏe.  Ông thường đội một cái mũ len xám trông ông càng có vẻ yếu đuối hơn.

Tôi hay suy nghĩ và hay cười một mình.  Ai nói cái gì đó tôi tức cười là tôi cứ nghĩ và cười tủm tỉm.  Có một người nói cho tôi nghe ông thỉnh thoảng ra quán uống rượu.  Tôi hỏi sao không uống ở nhà bộ ở nhà không có rượu sao.  Người ấy nói ra quán có người ta hầu.  Người ta hỏi thưa ông ông uống gì.  Rồi nói chêm thêm một câu hay người ta nói, cái thằng kia mày uống gì thì bảo.  Tôi nghe bắt tức cười nên cười tủm tỉm lúc đi về.

Cái ông già (thật ra tôi không nên nói là ông già vì ông ấy còn trẻ nhưng gọi ông trẻ thì hơi kỳ, vả lại gọi là ông già để mình có tự minh bạch là không có tình ý gì với ông, hê hê, rào trước đón sau quá) da trắng xanh ấy thường hay nhìn tôi.  Tôi thỉnh thoảng bắt gặp ông nhìn tôi, vẻ thân thiện, mặt hình như muốn cười.  Và tự khi tôi thấy ông nhìn tôi, chiều nào đi ngang chỗ ông ngồi tôi cố gắng đi thẳng lưng hơn, vuốt tóc cho thẳng, kéo áo quần cho thẳng để mình không có vẻ bèo nhèo, già cọm.  Để làm gì?  Bản chất đàn bà ấy mà. Thấy đàn ông nhìn thì chỉ sợ mình xấu xí.  Mỗi lần thấy ông nhìn tôi, tôi vẫn hằng ước ao mình trẻ hơn hai mươi tuổi để làm vui mắt của ông hơn.

Rồi giữa lúc tôi đang nghĩ về câu nói mà tôi thấy tức cười và cười tủm tỉm, ông già nhìn tôi và tưởng tôi cười với ông.  Tôi ngượng ngùng quay mặt đi, và đỏ mặt.  Vâng, tôi vẫn còn đỏ mặt lãng nhách như thế.

Chiều nay đi vể, tôi nghe như mình kiệt lực.  Bước chân tôi nặng như không nhấc nổi.  Tôi đứng dưới chân cái thang cuốn mà dùng dằng chưa muốn bước lên.  Tôi chỉ muốn tìm một góc nào chúi xuống nằm và biến mất cho rồi.  Bỗng dưng tôi có cảm giác có người nhìn tôi.  Tôi quay người và bắt gặp ông già da trắng xanh.  Ông nói Hi! Và ông mỉm cười.  Tôi trả lời Hi! Nhưng dường như tôi ngại phải nói chuyện nên bước nhanh lên thang cuốn và đi một mạch lên xe lửa.  Tôi không kiêu căng, nhưng tôi ngại phải nói chuyện khi tôi bỗng dưng kiệt lực.

Những người già thường dễ thương.  Tôi cũng dễ thương bởi vì tôi cũng già.

Những ông già dễ thương và … không dễ thương

Buổi trưa đi bộ có hai ông già thường nói chuyện thủ thỉ bên tai tôi.   Nói cho đúng hai ông nói còn tôi chỉ có nghe thôi.  Hai ông đều hiền, đều triết lý lắm.  Đôi khi tôi mệt mỏi vì buồn ngủ, ông hay dụ tôi ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan.  Còn mỗi lần đi qua công viên có cây cao rợp bóng ông cứ xúi dại mai ta chết dưới cội đào.  Đôi khi tôi cũng muốn kiếm một cây đào chết thử coi có lãng mạn như thế không.  Ôi, ông thất tình cứ đòi leo lên cây bưởi khóc người rưng rưng.  Sao không leo lên cây xoài cây me cây cóc mà lại leo lên cây bưởi.  Còn ông kia thì cũng đáng yêu không kém.  Giọng hát của ông rất hom hem run rẩy.  Tôi nghe ông than thở mà đứt ruột.  Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé.  Giọng ông khản, yếu ớt.  Ông khá giàu có, người yêu nổi tiếng, ca sĩ, hát hay, trẻ đẹp, bạn bè vô số, vậy mà cũng có lúc ông thấy đời hoang vu và ông nhỏ bé vì mất người yêu.  Thương hai ông già này quá. 

Trong chỗ tôi làm việc có một người đàn ông Á châu hình như mới vào làm.  Ông không làm trong department của tôi.  Tôi cũng không biết ông làm ở đâu.  Thỉnh thoảng tôi đi lên xuống cầu thang gặp ông, cả hai chúng tôi đều làm lơ, không chào nhau.  Và điều này vẫn làm tôi áy náy.  Ông chừng 55 đến 60, cao độ thước rưỡi , rất nhỏ người.

Thường khi tôi gặp một người mới vào, nhất là một phụ nữ Á châu, tôi hay chào, tự giới thiệu; đôi khi chúng tôi hẹn nhau ăn trưa.  Dù tôi hay mang thức ăn theo, nhưng nếu có hẹn nhau trước thì tôi không mang.  Tôi muốn chào ông nhưng thấy ông ngó chỗ khác không nhìn về hướng tôi nên tôi không biết có nên chào hay không.  Tính tôi lại ít nói, nhất là với người lạ.  Có khi đi bộ tôi đi rất xa, có gặp ông lúc nửa chặn đường, ông đi bên kia đường ngó thấy tôi nhưng giả vờ không thấy và tôi thấy thế nên cũng giả vờ không thấy luôn.  Tự hỏi sao cũng người Á châu với nhau mà sao không chảo hỏi nhau, thấy không yên lòng, nhưng thôi.  Thấy ông này không dễ thương.  Nhưng đời mà, nếu ai cũng dễ thương thì đâu có chuyện gì để nói.

Những người tôi gặp

Buổi sáng lái xe đi họp với Construction Team.  Joe, đại diện của nhà thầu, cứ lải nhải đòi tiền nếu tôi làm cái này phải trả thêm tiền nếu tôi làm cái kia phải trả thêm tiền.  Tôi phát cáu nên nói nửa đùa nửa thật.  Tôi sẽ rất vui mừng khi nào cậu thôi việc.  Joe còn trẻ nhưng đã khá béo.  Hắn cao lớn khổng lồ.  Tuyên bố cuối tháng này sẽ nghỉ việc ở nhà để trông hai đứa con một đứa 3 tuổi còn đứa kia 11 tháng.  Lý do là vợ hắn làm lương cao hơn.  Không chịu gửi con cho nhà giữ trẻ.  Cũng không chịu mướn người về nhà trông con chỉ muốn tự tay nuôi con.  Tôi nói xin bái phục hắn.  Làm việc với tụi nhà thầu xây cất tôi đã ngán ngẩm lắm rồi.  Nhớ có người nói không phải lúc nào mình cũng có thể bỏ tất cả để theo đuổi một bóng hình hay một mơ ước nào đó.  Tôi còn nặng nợ trần ai nhiều lắm nên không thể nào theo đuổi văn chương.  Đôi khi nghĩ đến những đề tài mình muốn viết mà thấy nhức nhối cả người vì … khổ.  Tôi còn nhiều trách nhiệm lắm.

Họp dây dưa quá lâu khi tôi trở về đến văn phòng thì đã khá trễ.  Ăn vội vàng rồi đi bộ.  Trời nhiều mây xám, ẩm, không nóng lắm nhưng ngột ngạt.  Trước thư viện Newark ở đường Broad lại có họp chợ lộ thiên.  Năm ngoái tôi có mua cho một bà cụ da đen một phần ăn trưa vì bà đói mà không tiền.  Thế mà đã một năm trôi qua.

Đi bộ hằng ngày tôi cũng có những “người quen.”  Một ông trung niên thường đi ngược chiều với tôi.  Tôi gặp ông khi bắt đầu đi ở gần công ty của tôi và khi tôi về thì tôi gặp ông đi ngược chiều ở gần thư viện  Hình như hai chúng tôi làm việc ở hai cực của đoạn đường đi bộ.  Tôi tránh không bao giờ nhìn mặt ông ấy nên cũng không biết là ông ấy có nhìn mình hay không.  Chỉ nhìn thoáng xa xa là nhận ra dáng người.  Tuy nhiên nếu bắt tôi ngồi đối diện có lẽ là tôi không nhận ra mặt ông ta.  Trước cửa thư viện là một ông da trắng ông ngồi một chỗ cố định.  Ông dùng một tấm vải bố hay một tấm nệm mỏng màu xanh để lót ngồi.  Đều đặn như thế mấy năm nay, tôi nhìn ra dáng lưng và tấm nệm màu nhưng không biết mặt.

Cứ mỗi lần về gần đến công ty là tôi thấy hai người làm việc chung cơ quan mới bắt đầu đi.  Tôi bắt đầu buổi đi của tôi lúc 12 giờ.  Hai người đi lúc 1 giờ.  Hôm nay tôi đi trễ nên khi tôi đi được nửa đường thì thấy họ đang đi về.  Từ xa đã thấy họ nắm tay nhau.  Tôi quay mặt đi hướng khác giả vờ không nhìn thấy họ hy vọng là họ không nhận ra tôi vì tôi đã đeo kính đen.  Gặp họ mỗi ngày đi đâu cũng có đôi tôi nghĩ chuyện gì phải đến sẽ đến.  Người đàn ông chừng giữa thập niên năm mươi.  Người đàn bà tôi không thể đoán tuổi nhưng có lẽ còn trẻ hơn nhiều.  Cô này mặt mũi khắc khổ nhưng được cái dáng gầy.  Ở cái xứ này gầy là đã được xem là dễ nhìn dù mặt cô giống như chim cú.  Cô có cái tên và giọng nói của người Nga.  Còn người đàn ông tuy còn trẻ mà đầu tóc bạc trắng.  Hai người không làm việc chung một ngành nhưng có vẻ như là tình nhân đã mấy năm nay.  Đây là lần đầu tiên tôi thấy họ nắm tay.