Một giai thoại nhỏ về Thiếu-tướng Lê Minh Đảo

Tối qua tôi tình cờ gặp trên youtube chương trình nhạc kỷ niệm 30 năm của trung tâm phát hành nhạc Asia. Tôi bỏ những đoạn giới thiệu dài dòng của các MC, chỉ nghe một vài đoạn của vài bài cho đến khi gặp bài Nhớ Mẹ này. Thấy có một vị khán giả cảm động quá khóc mướt làm tôi cũng cảm động theo. Tôi quay trở lại khúc đầu và nghe giới thiệu bài hát này của Tướng Lê Minh Đảo. Kiểm lại trong Wikipedia thấy chức vụ của ông là Major General, Thiếu-tướng.

Trước khi đi ngủ tôi có nói với ông Tám về bài hát Nhớ Mẹ. Tôi ngạc nhiên là một vị Thiếu-tướng đang đi tù lại có thể viết những dòng nhạc thương nhớ mẹ như thế. Quả thật, một cách tổng quát, người lính của quân đội VNCH tâm tính hiền lành, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến yêu thương và mơ ước hòa bình. Tôi thích câu hát “… nắng sẽ về đẩy lùi bóng tối. Và yêu thương và tự do sẽ còn mãi mãi.” Ngay cả lúc tưởng chừng tuyệt vọng ông Đảo và ông Huề vẫn nuôi hy vọng.

Ông Tám kể tôi nghe. Trước ngày Sài Gòn thất thủ, khi bộ đội miền Bắc từ Phan Rang tràn xuống, đã gặp sư đoàn 18 (dưới quyền chỉ huy của Thiếu-tướng Đảo) chặn lại ở Xuân Lộc. Sư đoàn 18 bảo vệ Sài-gòn cho đến khi được lệnh đầu hàng của tướng Dương văn Minh. Trong khi những vị tướng khác đã chạy ra nước ngoài, Thiếu-tướng Đảo vẫn ở lại với sư đoàn dù ông có thể bỏ hàng ngũ đi bằng trực thăng. Sư đoàn của ông triệt thoái rồi giải tán trong trật tự. Ông anh chồng của tôi, là lính, bị mất hàng ngũ từ nơi nào đó, đã gia nhập với đoàn quân của Tướng Đảo. Ông Tám không phải là quân nhân nhưng khi kể lại giai thoại này giọng ông đầy vẻ kính phục. Tôi thường hay nghi ngờ những quyển hồi ký tự khoe chiến công chiến tích huy hoàng, nhưng những câu truyện truyền miệng từ gia đình thì tôi tin.

Nhân có hai bạn Bảo Bình và Kim Ánh hỏi, tôi ghi lại đây để trả lời chung.

Làm thế nào để nhận ra – Tim O’Brien part 4 of 4

Mitchell Sanders nói đúng. Đối với một người lính bình thường, ít nhất, chiến tranh có cái cảm giác – những sớ da của tư tưởng – của một màn sương mù rộng lớn và ma quái, dày đặc và không bao giờ tan. Không bao giờ rõ ràng trong suốt. Tất cả mọi chuyện xoáy trộn lẫn nhau. Những luật lệ cũ không còn hiệu lực, những sự thật cũ không còn là sự thật. Cái phải đổ tràn vào cái sai trái. Trật tự tan vào trong hỗn loạn, yêu thương tan vào trong thù ghét, cái xấu xa tràn vào cái tươi đẹp, luật pháp tan vào vô luật pháp, văn minh tan vào man rợ. Bạn bị hút vào làn sương mù. Bạn không biết mình đang ở đâu, hay tại sao bạn có mặt ở nơi này, và chỉ có một điều chắc chắn là một sự mù mờ tràn ngập xâm chiếm bạn.

Trong chiến tranh bạn đánh mất cảm giác cố định chắc chắn, vì thế bạn cũng đánh mất cái ý thức về sự thật, và vì thế rất an toàn để nói rằng trong một câu chuyện thật về chiến tranh, không có gì hoàn toàn tuyệt đối là sự thật.

Rất thường xuyên, một câu chuyện về chiến tranh có thật, không có ý nghĩa gì cả. Hay bạn không nhận ra ý nghĩa của câu truyện cho mãi đến hai mươi năm sau, trong giấc ngủ, và khi bạn thức giấc và bạn lắc vợ bạn và bắt đầu kể cho nàng nghe câu truyện, ngoại trừ khi đến cuối truyện bạn lại quên bẵng cái ý nghĩa của câu truyện. Bạn nằm đó rất lâu nhìn thấy câu chuyện xảy ra trong đầu của bạn. Bạn lắng nghe tiếng thở của vợ. Chiến tranh chấm dứt. Bạn nhắm mắt. Bạn mỉm cười và suy nghĩ, Christ, ý nghĩa của câu truyện này là gì?

Truyện này đã đánh thức tôi

Trong rặng núi ấy ngày hôm ấy, tôi nhìn Lemon xoay nghiêng. Hắn cười và nói cái gì đó với Chuột Kiley. Rồi hắn bước nửa bước đặc biệt, di chuyển từ bóng tối ra ngoài ánh sáng mặt trời rạng rỡ, một cái bẫy làm bằng đạn đại bác 105 ly nổ tung làm bắn anh ta vào trong gốc cây. Tất cả thân thể dính trên cây vì thế Dave Jensen và tôi được lệnh ra sân và lột gỡ hắn ra. Tôi nhớ cái xương trắng của cánh tay. tôi nhớ những mảnh da và một chất nhờn nhờn màu vàng có lẽ là gan ruột. Những mảnh thịt vụn thật là khủng khiếp và luôn luôn ám ảnh tôi.  Nhưng điều đánh thức tôi hai mươi năm sau là Dave Jensen đang hát bài “Lemon Tree” (cây chanh) lúc chúng tôi thảy xuống những mảnh vụn da thịt dính trên cây.

Bạn có thể nhận biết một câu chuyện chiến tranh có thật bằng câu bạn hỏi. Có người nào đó kể một câu chuyện, thí dụ thế, và sau đó bạn hỏi, “Chuyện này có thật không?” và nếu câu trả lời đáng tin với bạn, thì bạn đã có câu trả lời.

Thí dụ. Chúng ta đều đã nghe câu truyện này. Có bốn gã đi xuống một con đường mòn. Một quả lựu đạn được ném ra. Một gã nhào ra nằm lên nó và nhận cú nổ nhờ thế cứu được ba người bạn của gã.

Có thật không?

Câu trả lời rất quan trọng.

Bạn cảm thấy bị lừa dối nếu chuyện này chưa từng xảy ra. Nếu không lấy thực tế làm căn bản, đây chỉ là những câu chuyện vụn vặt lảm nhảm cái kiểu tưởng tượng của Hollywood , không có thật như tất cả những câu truyện không có thật. Tuy thế, nếu như nó thật sự xảy ra – và có lẽ nó đã thật sự xảy ra, tất cả mọi thứ trên đời đều có thể – ngay cả lúc ấy bạn biết là nó không thể có thật, bởi vì một câu truyện chiến tranh có thật không thể tùy thuộc vào loại sự thật như thế này. Xảy ra một cách tuyệt đối thì không phải là điểm người ta muốn chú ý. Một chuyện có thể xảy ra và hoàn toàn là điều dối trá; một chuyện khác có thể không xảy ra nhưng có thật còn hơn cả sự thật. Thí dụ khác: Bốn người đi xuống núi. Một quả lựu đạn được ném ra. Một người nhào đến đè lên quả lựu đạn.  Nhưng quả lựu đạn này là một thứ giết người vì thế tất cả mọi người đều bị giết/ Trước khi chết, tuy thế, một trong những người chết nói, “Mày làm cái chuyện này để làm cái chó gì?” và người nhảy ra ôm quả lựu đạn nói, “Câu chuyện của đời tao đấy, mày,” và gã khác bắt đầu mỉm cười nhưng gã chết ngay lúc ấy.
Đó là một câu chuyện thật nhưng chưa bao giờ xảy ra.

Hai mươi năm sau, tôi vẫn còn có thể nhìn thấy ánh mặt trời chiếu sáng trên mặt của Lemon. Tôi thấy hắn quay người, nhìn ngoái lại Chuột Kiley, rồi hắn cười và bước nửa bước đặc biệt từ bóng tối vào ánh nắng, mặt hắn thình lình trở nên nâu và sáng ngời, và khi chân hắn chạm mặt đất, ngay lúc ấy, có lẽ hắn nghĩ chính ánh sáng mặt trời đã giết hắn. Không phải ánh nắng giết hắn. Đó là quả đạn 105 ly địch gài làm bẫy. Nhưng nếu như tôi có thể kể câu truyện một cách trung thực, ánh mặt trời dường như gom tụ chung quanh hắn như thế nào và nhặt lấy hắn rồi nâng hắn lên cao bay bổng lên cây, nếu tôi có thể bằng cách nào đó tái tạo cái màu trắng chết chóc của ánh sáng, một ánh lóe nhanh chóng, một sự hiển nhiên của nguyên nhân và hậu quả, thì bạn có thể sẽ tin vào cái chuyện cuối cùng mà Curt Lemon đã tin, đối với hắn đây là sự thật cuối cùng.

Thỉnh thoảng, khi tôi kể câu chuyện này, có người sẽ đến gần và nói với tôi là bà ấy thích nó. Luôn luôn đó là một người phụ nữ. Thuờng là một phụ nữ có tuổi với vẻ nhân hậu. Bà sẽ giải thích là trên nguyên tắc bà không thích chuyện chiến tranh; bà không hiểu được tai sao người ta lại muốn hiến mình trong những chuyện đẫm máu như thế. Nhưng truyện này thì bà thích. Cái chi tiết về con nghé, làm bà buồn bã. Đôi khi, có cả những giọt nước mắt nho nhỏ. Điều mà tôi nên thực hiện, bà sẽ nói, là bỏ tất cả lại phía sau lưng tôi.  Tìm những chuyện mới mà viết.

Tôi không nói ra nhưng tôi sẽ nghĩ về lời đề nghị này.

Tôi hình dung ra khuôn mặt Rat Kiley, nỗi niềm của hắn, và tôi sẽ nghĩ, là mụ ngốc.

Bởi vì bà ta đã không lắng nghe.

Đây không phải là truyện chiến tranh mà là truyện về tình yêu.

Nhưng bạn không thể nói thế. Bạn chỉ có thể kể lại câu truyện một lần nữa, kiên nhẫn, thêm vào và bớt ra, đặt điều vài chi tiết để có thể kể sự thật. Không có Mitchell Sanders, bạn bảo cho bà ta biết. Không có Lemon, không có Chuột Riley. Không có chỗ đường mòn nối tiếp vào nhau. Không có trâu nghé. Không có dây leo, hay rêu, hay những đóa hoa rừng màu trắng. Bắt đầu sự chấm dứt  , bạn bảo bà ta, tất cả chỉ là chuyện bịa đặt. Tất cả những chi tiết quái quỉ – những ngọn núi, và con sông và đặc bi
ệt con nghé đáng thương khốn khổ kia. Tất cả những điều này đã chẳng xảy ra. Không một chi tiết nào trong số những chi tiết kể trên đã xảy ra. Và ngay cả như nếu mà chúng thật sự xảy ra thì nó đã chẳng xảy ra trên núi ấy, nó xảy ra trong làng nhỏ trên bán đảo Batangan và nó mưa như điên cuồng , và một đêm có một gã tên là Stink Harris nửa đêm thức giấc kêu rú um sùm vì có một con đỉa đang đeo trên lưỡi hắn. Bạn có thể nhận biết một câu truyện về chiến tranh có thật nếu bạn cứ tiếp tục kể.

Và rồi khi cuối cùng, dĩ nhiên, một câu truyện về chiến tranh có thật thì không bao giờ là câu truyện về chiến tranh.  Mà đó là câu truyện nói về ánh nắng. Nói về cái cung cách rất đặc biệt mà hừng đông trải rộng trên sông và bạn biết bạn phải vượt qua sông và hành quân tiến vào trong núi để làm những việc mà bạn rất sợ phải làm.  Đó là về tình yêu và ký ức.  Đó là nỗi thương tiếc.  Đó là về những cô em gái đã không bao giờ hồi âm và về những người không bao giờ biết lắng nghe.

Làm thế nào để nhận ra – Tim O’Brien part 3 of 4

Sau đó, tận trong núi, chúng tôi gặp một con nghé của VC. Nó làm gì trong này tôi không biết – không có ruộng lúa hay nông trại – nhưng chúng tôi rượt đuổi theo nó và cột dây dẫn nó về một làng vắng vẻ nơi chúng tôi trú qua đêm. Sau khi ăn tối Chuột Kiley đến và vuốt mũi con nghé.

Hắn mở một phần thức ăn, thịt heo nấu với đậu, nhưng con nghé không thèm ăn.
Chuột nhún vai.

Hắn bước lùi lại và bắn cái đầu gối bên mặt. Con nghé không kêu tiếng nào. Nó ngã vật xuống, rồi gượng đứng lên, và Chuột lại nhắm cẩn thận rồi bắn đứt một lỗ tai. Hắn bắn vào phần sau của con nghé ngay chỗ gần khối u. Hắn bắn hai phát vào sườn. Không cố ý bắn cho chết, chỉ làm cho đau đớn. Hắn nâng nòng súng lên nhắm vào mồm và bắn bay cả cái mồm. Không ai nói lời nào. Cả trung đội đứng nhìn, trong óc nghĩ đủ thứ đủ loại cảm giác, nhưng không ai để lộ vẻ thương xót con nghé. Curt Lemon đã chết. Chuột Kiley đã mất người bạn thân trên cõi đời này. Vài ngày sau hắn viết lá thư bộc bạch tâm sự rất dài cho cô em gái của người chết, cô ta chẳng trả lời, nhưng bây giờ là vấn đề đau đớn. Hắn bắn rớt cái đuôi. Hắn bắn nát phần thịt phía dưới xương sườn. T ất cả chung quanh chúng tôi là mùi khói súng và mùi dơ bẩn và mùi rừng xanh, buổi tối hôm ấy trời rất ẩm và nóng. Chuột chuyển sang dùng súng tự động. Hắn bắn một cách nhát gừng, thỉnh thoảng lia một tràng thật ngẫu nhiên, vào bụng và mông của con nghé. Rồi hắn nạp đạn trở lại, ngồi chồm hỗm và bắn vào đầu gối bên trái. Con nghé khụyu xuống rồi lại gượng đứng lên nhưng lần này không còn đứng nổi. Nó loạng choạng rồi ngã xuống nằm nghiêng. Chuột bắn vào mũi nó. Hắn chồm người lên nói nho nhỏ cái gì đó vào tai con nghé, như thể nói chuyện với con vật hắn nuôi, rồi bắn vào cổ con nghé. Từ nãy giờ con nghé hoàn toàn không kêu rên, ngoại trừ tiếng bong bóng thoát ra từ lỗ mũi của con nghé. Nó nằm bất động. Toàn thân con nghé bất động ngoại trừ đôi mắt rất to, tròng mắt đen sáng lánh và đầy vẻ ngu muội.

Chuột Kiley khóc. Hắn cố nói điều gì đó, nhưng ôm lấy cây súng và bỏ đi một mình.

Tất cả chúng tôi đứng tụm lại thành một vòng tròn méo mó chung quanh con nghé. Rất lâu không ai nói lời nào. Chúng tôi đã chứng kiến một chuyện rất căn bản, cần thiết, một chuyện hoàn toàn mới lạ và sâu sắc, một phần nhỏ của cuộc đời rất đáng sợ mà chúng tôi chưa biết gọi nó là gì.

Có kẻ nào đó đá con nghé.
Nó vẫn còn sống, ngắc ngoải, chỉ có đôi mắt còn động đậy.
“Lạ lùng quá,” Dave Jensen nói. “Suốt đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy chuyện nào giống như chuyện này.”
“Chưa bao giờ?”
“Chưa. Dẫu một lần.”
Kiowa và Mitchell Sanders khiêng xác con nghé, kéo ra chỗ trống, nâng nó lên, và ném nó xuống giếng trong làng.
Sau đó chúng tôi ngồi chờ cho Chuột hồi tỉnh lại.
“Thật là lạ lùng,” Dave Jensen cứ nói đi nói lại. “Tôi có một nếp nhăn mới. Tôi chưa hề thấy nó lần nào.”
Mitchell Sanders lấy cái yo-yo của hắn ra. “Thế, đây là Việt Nam ,” hắn nói. “Vườn Địa ngục. Ở đây, tất cả những tội lỗi của con người nơi đây đều mới tinh và chưa hề lập lại.”

Bạn tổng quát hóa chiến tranh như thế nào?

Chiến tranh là địa ngục, nhưng điều này chưa nói được phân nửa, bởi vì chiến tranh cũng là bí mật, và khủng khiếp và phiêu lưu và can đảm và khám phá và thánh thiện và thương xót và thất vọng và nhớ nhung và yêu thương.  Chiến tranh độc địa; chiến tranh cũng vui vẻ.  Chiến tranh hấp dẫn; chiến tranh mê muội. Chiến tranh làm bạn trở nên con người.  Chiến tranh giết bạn chết.

Sự thật luôn mâu thuẫn. Nó có thể tranh luận, thí dụ như, chiến tranh đáng ghê tởm. nhưng sự thật chiến tranh cũng là cái đẹp. Trong tất cả những chuyện khủng khiếp, bạn không thể nào không kinh ngạc đến há hốc trước cái vĩ đại đáng sợ của sự chiến đấu. Bạn nhìn chằm chặp dấu vết của những loạt đạn chạy ngằn ngoèo xuyên qua bóng tối như những sợ dây nơ màu đỏ sáng loáng.  Bạn co người phủ phục trong khi phục kích như là một mảnh trăng lạnh thụ động trồi lên trên những cánh đồng bàn đêm. Bạn chiêm ngưỡng sự đối xứng nhịp nhàng của đội quân đang di chuyển, sự hòa hợp của âm thanh và hình dáng và cân xứng, những loạt đạn từ súng máy bắn vải ra như những tấm giấy kim loại thật to, những lọat đạn chiếu sáng, màu trắng phosphor, màu cam tím sáng rực của napalm, ánh sáng choang của đạn pháo.  Nó không xinh đẹp, nói cho đúng.  Nó làm kinh ngạc.  Nó đong đầy cái nhìn. Nó điều khiển bạn. Bạn ghét nó, vâng, nhưng mắt bạn thì không. Như một trận cháy rừng tàn bạo, như ung thư dưới kính hiển vi, bất cứ trận đánh nào hay những cuộc đánh bom hay những bức tường pháo đều có một vẻ đẹp tinh khiết của sự hững hờ về đạo đức – một cái đẹp rất mạnh mẽ và không thể nào thay thế – một câu chuyện chiến tranh có thật sẽ nói thật về điều này, mặc dù sự thật thì xấu xa.

Tổng quát hóa chuyện chiến tranh thì cũng giống như tổng quát hóa chuyện hòa bình.  Hầu như tất cả mọi chuyện đều đúng. Hầu như không có cái gì đúng.  Từ cốt lỏi, có lẽ, chiến tranh chỉ là một cái tên khác của cái chết, tuy thế bất cứ chiến sĩ nào, cũng sẽ bảo với bạn, nếu anh ta nói thật, là cận kề với nỗi chết cũng mang đến cảm giác tương đương với cận kề với sự sống. Sau một trận bắn nhau kịch liệt, luôn luôn hiện diện trong bạn một sự sung sướng rất sống động và bao la. Cây cối cũng sống động. Cỏ, đất – tất cả mọi thứ. Tất cả mọi thứ chung quanh bạn đều là tinh túy, là sự sống, và bạn ở trong đó, và toàn thể sự sống động này làm cho bạn run rẩy. Bạn nhận biết rất mạnh mẽ, rất tinh tế về cái bản thân đang còn sống của bạn – cái bản ngã thật nhất, cái con người mà bạn muốn mình như thế, và cái mong muốn được là con người tốt được tạo nên bởi chính sức sống này.  Ngay khi ở giữa loài quỉ sứ bạn muốn là người tốt. Bạn muốn những điều tốt đẹp nhất cho loài người. Bạn muốn có sự công bằng và lịch thiệp và những điều nhã nhặn hòa hợp của con người, những điều mà bạn không hề biết là bạn muốn. Có chút gì vĩ đại trong đó, chút gì thánh thiện. Mặc dù nói ra có vẻ kỳ dị, bạn chưa bao giờ cảm thấy sự sống mạnh mẽ hơn là khi bạn đến gần với cái chết (hay nói cách khác khi đối diện với cái chết bạn mới thấy mình đang sống và ham sống). Bạn nhận ra những gì quí giá và thật sự có giá trị. Tươi mát, như thể lần đầu tiên, bạn yêu thích cái gì tốt đẹp nhất trong con người bạn và trên thế giới, tất cả những điều đó đều có thể bị mất đi. Khi hoàng hôn rơi, bạn ngồi trong hố cá nhân và nhìn ra con sông rộng nhuộm màu hồng rồi chuyển sang đỏ, nhìn rặng núi rồi nhìn xa hơn rặng núi, và mặc dù ngày mai bạn sẽ phải vượt sông vào trong núi làm những chuyện động trời và rất có thể sẽ bị mất mạng, cho dù chuyện sẽ đến mức ấy, bạn thấy bạn đang ngắm nghía màu sắc tươi đẹp trên sông, bạn cảm thấy rúng động đến sững sờ vẻ đẹp của hoàng hôn, và tràn ngập trong tâm hồn bạn một cảm giác nhức nhối như một tình yêu tan vỡ về thế giới có thể tốt đẹp như thế nào và đáng lẽ nó phải luôn luôn tốt đẹp như thế nhưng hiện tại thì không được như ý.

Làm thế nào để nhận ra – Tim O’Brien part 2 of 4

Nó đã xảy ra, với tôi, gần hai mươi năm về trước. Tôi vẫn còn nhớ chỗ nối vào con đường mòn và những cái cây to khổng lồ và tiếng nước nhỏ giọt nhẹ nhàng ở một nơi nào đó bên ngoài mấy cây to này. Tôi nhớ không khí có mùi rêu. Trên tàng cây tít trên cao có nhiều hoa màu trắng, nhưng không có chút ánh nắng nào, và tôi nhớ bóng tối tỏa ra dưới những cái cây nơi Curt Lemon và Chuột Riley đang chơi tung hứng quả lựu đạn khói. Mitchell Sanders ngồi thảy cái yo-yo của hắn. Norman Bowker, Kiowa và Dave Jensen đứa đang ngủ say gật gù, đứa ngủ lơ mơ và chung quanh chúng tôi toàn là những ngọn núi xanh chớm chở.

Ngoại trừ tiếng cười, tất cả đều im lặng.

Vào một lúc, tôi nhớ, Mitchell Sanders quay sang nhìn tôi, không hẳn gật đầu, như thể báo cho tôi biết một điều gì đó, như thể hắn ta đã biết, sau một lúc ngần ngừ, hắn cuốn cái yo-yo lại và tránh xa ra.

Khó mà kể lại câu chuyện sắp xảy ra.

Hai đứa tụi nó đang chơi đùa. Có tiếng động. Tôi đoán đó là tiếng ngòi nổ, vì thế tôi liếc phía sau tôi và nhìn Lemon bước từ trong bóng mát ra ngoài nắng.  Mặt của hắn bỗng trở nên nâu và sáng ngời. Một chú bé đẹp trai, thật đẹp. Đôi mắt màu xám thật sáng, người thanh mảnh, eo nhỏ, và khi hắn chết cái chết cũng có thể gọi là đẹp, như ánh mặt trời bao bọc chung quanh hắn và nâng hắn lên cao và hút hắn lên ngọn cây cao đầy rêu và dây leo và hoa rừng màu trắng.

Trong bất kỳ câu truyện chiến tranh nào, nhưng đặc biệt là một câu truyện có thật, khó phân biệt chuyện gì thật sự xảy ra hay chỉ dường như xảy ra. Cái dường như xảy ra trở nên chuyện đã xảy ra và phải được kể lại như thế. Cái góc độ nhìn bị lệch lạc. Khi một cái bẫy nổ tung, bạn nhắm mắt và cúi đầu để trốn tránh và bềnh bồng trôi nổi trong chính bản thân.  Khi có một người chết, như Curt Lemon, bạn quay nhìn chỗ khác và nhìn lại mình trong giây phút rồi lại quay nhìn sang chỗ khác. Những hình ảnh trở nên rối loạn; bạn quên đi nhiều chỗ. Và sau đó, khi bạn kể lại câu chuyện này, luôn luôn có cái gì thật là siêu thực trong những điều hình như đã xảy ra làm cho câu chuyện giống như là không có thật, nhưng thật ra nó tượng trưng cho một sự thật đau lòng và chính xác như cái có vẻ như thế của nó.

Trong nhiều trường hợp, một câu chuyện chiến tranh có thật không thể tin được. Nếu bạn tin nó cũng phải giữ mức độ hoài nghi. Đó là một sự hoài nghi về tính chất có thể có thật.  Rất thường xuyên những chuyện có vẻ điên rồ lại là chuyện có thật và những chuyện có vẻ bình thường lại không có thật, bởi vì những chuyện bình thường sẽ làm bạn tin những chuyện điên rồ đến mức độ phi thường.

Còn nhiều trường hợp khác bạn không thể biết câu chuyện chuyến tranh có thật hay không.  Đôi khi nó nằm ngoài khả năng bạn có thể nhận biết.

Tôi nghe Mitchell Sanders kể chuyện này. Lúc ấy đã xế chiều, và chúng tôi ngồi trong hố cá nhân dọc theo bờ sông nước đục ngầu phía Bắc của Quảng Ngãi. Tôi nhớ hoàng hôn dịu dàng làm sao. Một màu đỏ sậm có lẫn chút màu hồng đổ lên trên sông, chảy lan không tiếng động, và buổi sáng hôm sau chúng tôi sẽ băng sông đi về hướng tây để vào trong núi.  Thời điểm này rất thích hợp cho một câu truyện hay.

“Sự thật của Chúa,” Mitchell Sanders nói. “Một đội tuần hành sáu người đi lên núi chỉ để làm công việc quan sát và lắng nghe. Mục đích là ở đấy một tuần, chỉ nằm đó và lắng nghe những chuyển động của phe địch. Họ có mang một cái máy truyền tin, vì thế nếu họ nghe thấy gì đáng nghi ngờ – bất cứ cái gì – họ phải gọi pháo binh hay máy bay, cái gì cần thì dùng. Nếu không thấy gì họ phải giữ tuyệt đối luật thám thính. Tuyệt đối im lặng. Chỉ lắng nghe.

Sanders liếc mắt nhìn tôi để biết chắc là tôi hiểu tình hình. Hắn đang chơi với cái yo-yo của hắn, làm cho cái yo-yo nhún nhảy những đoạn ngắn bằng chuyển động của cổ tay.

Mặt hắn trơ trơ vô cảm trong hoàng hôn.

“Chúng ta theo đúng nguyên tắc khi ở địa điểm thám thính. Sáu thằng, chẳng mở mồm nói một lời cả tuần.  Chúng nó không có lưỡi, chỉ có tai.”
“Ừ,” tôi nói.
“Hiểu tôi nói gì không?”
“Vô hình.”
Sanders gật đầu.
“Chắc chắn rồi, “ hắn nói. “Vô hình. Mấy thằng này, nằm im trong bụi rặm, giả trang, nằm và chờ, chỉ làm có thế thôi, không làm cái gì khác, tụi nó nằm đó suốt bảy ngày chỉ có lắng nghe thôi. Và này, tôi nói cho anh biết – ma quái lắm. Đây là núi. Anh không biết thế nào là ma quái trừ khi anh đã đến nơi ấy. Rừng sâu, ở cao tuốt mãi trên mây và luôn luôn có sương mù – như mưa, nhưng không phải mưa – tất cả mọi thứ đều ẩm ướt và quyện vào nhau và người này không thể nhìn thấy người kia, anh không thấy cả cái đầu con cu khi đi tiểu. Như thể anh không có cả thân hình.  Thật sự ma quái. Anh chỉ đi theo hơi nước – làn sương mù như nuốt lấy anh. . . Và cái âm thanh, nó cứ nheo nhéo suốt. Anh nghe những tiếng mà không ai nghe bao giờ.”

Sanders im lặng một vài giây, tiếp tục chơi với cái yo-yo. Rồi hắn mỉm cười với tôi.

“Sau vài ngày bọn họ nghe một âm thanh thật nhỏ như một loại nhạc rất lạ.  Những tiếng vang dội lạ thường, như tiếng máy phát thanh hay cái gì đó giống như tiếng máy phát thanh nhưng không phải thế. Cái loại nhạc này như thoát ra từ trong đá. Rất xa mà cũng rất gần. Bọn họ cố tảng lờ nó đi. Nhưng đây là địa điểm lắng nghe mà, phải không. Và hằng đêm họ cứ nghe tiếng hòa nhạc điên khùng của tụi gook. Tất cả những tiếng chimes tiếng xylophones, tôi nghĩ, đây là nơi rừng rú hoang dã – không thể nào có thật – nhưng mà nó có đó, như thể những ngọn núi này đã biến thành đài phát thanh Hà Nội. Lẽ tự nhiên là họ lo lắng. Một thằng lấy kẹo cao su trét vào lỗ tai. Thằng khác suýt điên. Khổ nỗi là họ không thể báo cáo về căn cứ là họ nghe tiếng nhạc. Họ không thể nói vào trong máy và truyền về căn cứ mà nói rằng, “Hê, nghe đây, chúng tôi cần yểm trợ, chúng tôi cần bắn cho bay cái ban nhạc đá của tụi gook.” Họ không thể làm như thế. Chuyện sẽ chẳng êm xuôi. Vì thế bọn họ nằm trong sương mù và im mồm. Và càng tệ hơn, là mấy thằng con dại đã không thể long nhong đùa giỡn như bình thường. Không thể nói đùa một câu. Không thể thể trò chuyện với nhau ngoại trừ một đôi câu rầm rì, xì xào, và điều này càng làm khó chịu hơn. Họ chỉ có thể lắng nghe.”

Làm thế nào để nhận ra – Tim O’Brien part 1 of 4

Truyện ngắn How to tell a true war story (Làm thế nào để nhận ra đó là  một câu chuyện chiến tranh có thật) trong tuyển tập truyện ngắn The Things They Carried (Những Điều Họ Đeo Mang).

Đây là chuyện có thật.

Tôi có một người bạn khá thân lúc tôi đi lính ở Việt Nam . Tên anh là Bob Kiley, nhưng tất cả mọi người đều gọi anh là Chuột.

Người bạn của anh mới chết. Một tuần sau Chuột ngồi xuống và viết một lá thư gửi cho cô em gái của người chết. Chuột nói, cô có một người anh rất ngon lành, rất chiến, một người khá vẹn toàn, người bạn và là người đồng chí số dách. Một quân nhân của tất cả quân nhân. Để chứng minh anh kể một số chuyện nho nhỏ, như anh của cô luôn tình nguyện làm những chuyện mà người khác chẳng bao giờ làm, những chuyện nguy hiểm, như canh gác đi tuần khi chung quanh toàn là kẻ địch nguy hiểm. Mình đồng gan sắt, Chuột nói với cô ta. Anh của cô là một anh chàng khá điên, ai cũng biết điều này, nhưng anh ấy điên kiểu tốt, một người thật can đảm, chịu được khó khăn, anh ấy thích vượt qua những thử thách, cái cách của một người chiến đấu với gook (tiếng lóng chỉ người VN với nghĩa xấu). Một người thật là hết sẩy, hết sẩy lắm, Chuột nói.

Nói chung, đó là một lá thư viết rất hay, rất tình cảm, bộc bạch cả tấm lòng. Chuột suýt khóc òa khi viết lá thư này. Nước mắt anh đong đầy khi anh kể lại những mẩu chuyện vui kỷ niệm của anh và người bạn; anh bạn luôn làm cho mọi chuyện có vẻ hứng thú, luôn làm những chuyện động trời như đốt làng và làm khói bốc um trời. Anh cũng có máu khôi hài rất tợn. Một lần ở một khúc sông nọ, anh ta đi câu cá bằng một thùng lựu đạn. Đây có lẽ là chuyện khôi hài nhất trong lịch sử thế giới, Chuột nói, tất cả những mảnh thịt vụn, có chừng hai chục tỷ cá chết nổi lêu bêu. Anh của cô, luôn có thái độ đúng đắn. Anh ấy biết cách vui chơi. Đêm Halloween, nóng bức và ma quái, hắn ta lấy sơn đủ thứ màu vẽ đầy lên người rồi đeo một cái mặt nạ thật quái đản và đi đến một làng xa để xin kẹo. Anh chàng trần như nhộng, chỉ có mang giày, xách dái, và cây súng trường M-16. Một người rất là người, Chuột nói. Rất điên, nhưng bạn có thể tin cậy anh ta sẽ giữ an toàn cho bạn.

Lá thư chuyển sang giọng buồn bã và nghiêm trang. Chuột thố lộ tâm tình. Anh nói anh rất yêu mến người bạn này. Anh ta là bạn thân nhất trên đời của Chuột. Hai người là tri kỷ, tâm hồn giống nhau ý nghĩ giống nhau như thể là anh em sinh đôi, họ có rất nhiều điểm giống nhau. Anh nói sẽ tìm đến thăm cô gái khi cuộc chiến chấm dứt.

Thế rồi sao?

Chuột gửi lá thư. Anh chờ hai tháng. Con nhỏ ngu ấy chẳng trả lời.

Một câu chuyện về chiến tranh có thật không bao giờ có là một câu chuyện có ý nghĩa. Nó không giảng dạy điều gì cũng chẳng khuyến khích đức hạnh, cũng chẳng đưa ra được những mẫu mực chính đáng đúng đắn cho hành vì của loài người, cũng chẳng kềm giữ loài người làm những điều xấu xa con người luôn luôn phạm phải. Nếu có một câu chuyện có vẻ có ý nghĩa, bạn đừng tin. Nếu như cuối một truyện về chiến tranh mà bạn thấy vui và phấn khởi, hay nếu như bạn cảm thấy phần nào chấn chỉnh được những sai trái, gìn giữ được phần nào những thứ tưởng đã bị phế thải, thì bạn đã bị biến thành nạn nhân của một điều gian dối rất cổ xưa và độc ác. Không bao giờ có cái gọi là sửa sai hay chấn chỉnh.  Không có cái gọi là đức hạnh; vì vậy, điều căn bản nhất, là bạn có thể nhận ra một câu chuyện chiến tranh có thật trong cách nó nói về những kẻ đồng minh với chiến tranh, tuyệt đối và không nhân nhượng, đó là tục tằn và tội ác. Chuột Riley nói. Con nhỏ ngu. Hắn đã tử tế lắm nên chẳng mắng cô ta là đồ đĩ chó. Hắn chắc chắn chẳng gọi cô ta là bà, hay em. Hắn gọi cô ta là con nhỏ ngu. Rồi hắn phun nước bọt, mắt gườm gườm. Hắn chỉ mới mười chín tuổi – chuyện này quá sức chịu đựng của hắn – vì thế hắn nhìn bạn bằng đôi mắt hiền lành của tên sát nhân và chửi con nhỏ ngu, bởi vì bạn của hắn đã chết, và bởi vì chuyện quá buồn và hoàn toàn có thật; cô ta đã chẳng hồi âm.

Bạn có thể nhận ra một chuyện chiến tranh có thật nếu nó làm bạn xấu hổ. Nếu bạn không bận tâm đến chuyện chửi thề tục tằn, thì bạn không sẽ màng đến sự thật; nếu bạn không quan tâm đến sự thật, thì bạn hãy cẩn thận đến chuyện bỏ phiếu.  Gửi bọn trẻ đi đánh nhau, khi chúng nó trở về chúng nó sẽ là một lũ chửi bậy.

Hãy nghe Chuột nói: Jesus Christ, mày ạ. Tao viết lá thư mắc toi ấy rất hay, tao khổ cực mày mò viết nó, rồi mày biết không? Cái con nhỏ ngu đó không hề viết một chữ trả lời thư tao.”

Gã bị chết tên là Curt Lemon.  Chuyện như thế này, chúng tôi băng qua một con sông nước đục ngầu đi hướng tây vào trong rặng núi, và ngày thứ ba chúng tôi nghỉ ngơi nơi nối vào đường mòn lên núi. Ngay khi vừa được nghỉ Lemon và Chuột Kiley bắt đầu chơi đùa với nhau. Hai thằng nhóc này không để ý gì đến cái vẻ ma quái đáng sợ của rừng. Chúng nó chỉ là mấy thằng con nít; nên chúng chẳng biết sợ. Cứ tưởng như đây là một cuộc leo núi cắm trại bình thường, cũng chẳng nhớ là chúng đang đi đánh nhau, vì thế hai thằng mon men vào bóng mát của những tàn cây khổng lồ – to và rậm rạp gấp bốn lần bóng cây bình thường, không có ánh nắng xuyên qua chút nào – chúng nó cười rúc rích, gọi nhau là mẹ da vàng và chơi một trò chơi dại dột mà tụi nó đặt ra. Trò chơi dùng lựu đạn khói. Thật ra đây là một trò chơi vô hại ngoại trừ khi bạn làm chuyện ngu xuẩn. Tụi nó rút cái chốt của quả lựu đạn khói ra, đứng cách xa nhau chừng vài mét, tung qua hứng lại quả lựu đạn khói với nhau dưới bóng cây khổng lồ.  Đứa nào vì sợ mà rút lui trước thì sẽ bị gọi là mẹ da vàng. Nếu không ai sợ và rút lui, quả lựu đạn sẽ nổ một tiếng nhỏ và cả hai sẽ bị khói bao trùm. Tụi nó sẽ cười ha hả và nhảy múa chung quanh một hồi rồi tiếp tục bắt đầu một màn khác.

Tất cả những điều này hoàn toàn có thật.

Những Điều Họ Đeo Mang, P. cuối – Tim O’Brien

Vào buổi sáng sau khi Ted Lavender qua đời, Thiếu úy Jimmy Cross nằm phục dưới đáy hố cá nhân và đốt hết những lá thư của Martha.  Sau đó anh đốt hai tấm ảnh. Mưa rơi đều làm khó khăn thêm, nhưng anh dùng viên nguyên liệu nhóm lửa và hộp nhiên liệu Sterno để nhóm một ngọn lửa nhỏ, dùng thân hình của mình che ánh lửa, ngón tay nhón cầm những tấm ảnh để hơ phía trên đốm lửa nhỏ màu xanh.
Anh nhận ra đây chỉ là một cử chỉ tượng trưng.  Ngu ngốc, anh nghĩ.  Ủy mị nữa, nhưng phần lớn là cái ngu ngốc.
Lavender đã chết. Mi không thể nào đốt cháy cái tự trách mình.
Thêm vào đó, những lá thư đó đã in sâu trong đầu anh. Và bây giờ ngay cả khi không có những tấm ảnh, Thiếu úy Cross vẫn nhìn thấy Martha chơi bóng chuyền trong cái quần soóc thể thao trắng và cái áo thun màu vàng.  Anh có thể nhìn thấy nàng di động trong mưa.
Khi đốm lửa tàn, Thiếu úy Cross trùm cái poncho qua vai và ăn sáng bằng thức ăn trong hộp.

Trong những lá thư bị đốt cháy, Martha không bao giờ nhắc đến chiến tranh, ngoại trừ câu nói, Jimmy, bảo trọng.  Nàng không vương vấn.  Nàng ký cuối thư với chữ Thương, nhưng đó không phải là tình yêu, và tất cả những lời hàm chứa hay lý lẽ chẳng quan trọng chút nào.  Tiết trinh không phải là chuyện chính.  Anh ghét nàng.  Vâng.  Anh đã.  Anh đã ghét nàng.  Và cũng yêu, nhưng đó là một tình yêu cứng rắn có lẫn cái ghét.
Buổi sáng ướt át và mờ mịt.  Thiếu úy Jimmy Cross lấy bản đồ ra.  Anh lắc đầu thật mạnh, như để giúp đầu óc tỉnh táo, và cúi xuống bắt đầu đặt kế hoạch hành quân trong ngày.  Trong mười hay hai mươi phút, anh sẽ đánh thức thuộc cấp của anh và họ phải chuẩn bị quân trang quân cụ tiến về hướng tây; nơi bản đồ cho thấy vùng đất này xanh mướt đầy mời mọc.  Họ sẽ làm chuyện họ vẫn làm.  Cơn mưa có thể khiến mọi vật trở nên nặng nề hơn, nhưng mặt khác sẽ có thêm một ngày mới chồng chất lên những ngày đã qua.
Anh rất thực tế về việc này.  Có một sự cứng rắn mới mẻ trong tâm hồn anh.  Anh yêu nàng nhưng anh cũng ghét nàng.

Kể từ khi ấy, mỗi khi anh nghĩ về Martha, anh sẽ nghĩ nàng thuộc về một nơi khác.  Anh sẽ dập tắt những mơ mộng.  Đây không phải là Mount Sebastian, mà là một thế giới hoàn toàn khác biệt, nơi đây không có những bài thơ đẹp hay những cuộc thi giữa khóa, đây là nơi người ta chết vì bất cẩn và ngu ngốc. Kiowa nói đúng.  Bùm-gục xuống, và anh chết toi chết tiệt, không bao giờ chết nửa mùa.
Trong một thoáng, trong màn mưa, Thiếu úy Cross nhìn thấy đôi mắt xám của Martha nhìn anh đăm đắm.
Anh hiểu.
Rất buồn, anh nghĩ.  Những điều người ta mang trong lòng.  Những điều họ đã làm hoặc cảm thấy họ cần phải làm.
Suýt tí nữa anh đã gật đầu chào nàng, nhưng đã không làm thế.

Thay vì tiếp tục suy nghĩ, anh trở lại với cái bản đồ của anh.  Anh nhất quyết sẽ thực hiện nhiệm vụ của anh một cách nghiêm túc và không sơ suất. Điều này đã quá trễ để có thể bảo toàn mạng sống của Lavender, anh biết thế, nhưng từ lúc này anh sẽ chỉ cư xử ở cương vị một người sĩ quan. Anh sẽ loại bỏ viên cuội bùa hộ mạng của anh.  Nuốt nó, có lẽ, hoặc dùng cái ná của Lee Strunk, hay chỉ cần đánh rơi nó trên đường mòn.  Trong cuộc hành quân anh sẽ bắt thuộc cấp thực hành nghiêm chỉnh qui luật chiến trường.  Anh sẽ cẩn thận khi dàn quân bảo vệ hai bên hông, để ngăn ngừa lạc hướng, hay dồn chụm vào nhau, giữ cho trung đội của anh tiến với mức độ vừa phải ở một khoảng cách thích hợp.  Anh sẽ bắt họ phải lau chùi vũ khí.  Anh sẽ tịch thu tất cả các thứ thuốc an thần ma túy của Lavender.  Chút nữa trong ngày, có lẽ, anh sẽ tập họp trung đội và sẽ nói với họ một cách rất đơn giản.  Anh sẽ nhận cái chết của Lavender là do lỗi của anh.  Anh sẽ có chí khí đàn ông khi nhận lỗi.  Anh sẽ nhìn thẳng vào mắt họ, giữ cho cằm của anh ở mức độ quân bình, anh sẽ đọc bản mới của nguyên tắc hoạt động bằng một giọng bình tĩnh, không để lộ xung đột tư tưởng qua giọng nói, giọng nói của anh là giọng nói của một Thiếu úy, không chừa chỗ cho cãi lệnh hay thảo luận.  Bắt đầu ngay bây giờ, anh sẽ bảo họ, họ sẽ không được bỏ dụng cụ dọc đường hành quân.  Họ phải tự kiểm tra hành động của họ.  Họ phải đàng hoàng, gọn ghẽ, sạch sẽ và sẵn sàng để được sử dụng.
Anh sẽ không bỏ qua những sự cẩu thả.  Anh sẽ chứng tỏ bản lĩnh, không gần gũi với thuộc cấp.

Giữa bọn họ với nhau, họ sẽ càu nhàu, dĩ nhiên, và có thể còn tệ hơn thế, bởi vì ngày của họ dường như dài hơn, những thứ họ đeo mang trở nên nặng nề hơn, nhưng Thiếu úy Cross tự nhắc nhở mình, nhiệm vụ của anh không phải để được yêu thương mà lãnh đạo.  Anh sẽ ra lệnh bằng sự thương mến; nhưng chuyện ấy bây giờ không phải là một yếu tố chính.  Và nếu có người nào cãi vã hay cự nự, anh sẽ mím môi, ưỡn vai với tư thế chỉ huy.  Anh có thể sẽ khẽ gật đầu.  Có thể không.  Anh có thể nhún vai và bảo, Tiếp tục, rồi họ sẽ sắp xếp và xếp hàng một rồi đi về hướng các làng ở phía Tây của Than Khe.

Những Điều Họ Đeo Mang, p. 7 – Tim O’Brien

Thường xuyên, họ mang vẻ tự hào nghiêm túc. Thỉnh thoảng, tuy thế, có khi họ hoảng hốt, khi họ la hét và khi muốn la hét nhưng không thể la hét, khi họ vặn vẹo và rên rỉ và ôm đầu và kêu Chúa ơi và nằm xuống đất và bắn bừa và nhăn nhó và nức nở và van nài cho những tiếng nổ kia chấm dứt đi và trở nên điên cuồng và hứa những lời ngu xuẩn với chính mình và với Chúa và với mẹ và với cha, và hy vọng không bị chết. Nói cách khác, điều này xảy đến với tất cả mọi người. Sau khi ngừng bắn, họ nhấp nháy mắt rồi len lén nhìn lên.  Họ rờ rẫm khắp người, cảm thấy nhục nhã, rồi nhanh chóng che dấu đi.  Họ bắt buộc họ phải đứng lên.  Như một diễn tiến chậm chạp, từng khung ảnh rồi từng khung ảnh, thế giới thay thế những điều hợp lý cũ – sự im lặng tuyệt đối, rồi cơn gió, rồi ánh sáng mặt trời, và giọng nói.  Đó là nỗi nhọc nhằn của việc còn sống. Vụng về, họ tập hợp, ban đầu nhóm nhỏ, rồi thành nhóm đông, và trở lại thành quân nhân.  Họ lau nước mắt. Họ kiểm soát số tử thương, phủi bụi, châm thuốc, cố gượng cười, dặng hắng cổ, khạc, và bắt đầu lau chùi vũ khí.  Sau đó một hồi, một kẻ nào đó chợt lắc đầu và nói, Không dóc đâu nghe, suýt nữa là tao ị trong quần, rồi một kẻ khác cười to, điều đó có nghĩa là không tốt, đúng rồi, nhưng thằng cha ấy rõ ràng là không ị trong quần, thế thì không đến nỗi tệ, và dù có thế nào đi nữa không ai làm chuyện như thế rồi đi rêu rao cho mọi người biết.  Họ nheo mắt nhìn vào trong ánh mặt trời dày đặc và dữ dội.  Hồi lâu họ rơi vào im lặng, châm một điếu cần sa rồi theo dõi đường di chuyển của nó từ người này sang người kia, hít vào, giữ cái hèn kém ở bên trong. Toàn là thứ đáng sợ, một người trong bọn nói. Thế rồi có kẻ sẽ nhăn nhở cười hay nhướng mày và nói, Roger-dodger[1], suýt nữa tao bị khoan thêm một cái lỗ đít nữa, suýt thôi.
Có đủ thứ tư thế ngồi đứng.  Có người mang vẻ bỏ cuộc, còn các người khác mang vẻ tự hào hay vẻ nghiêm trang cứng ngắc của lính hay khôi hài hay hung hăng anh hùng.  Họ sợ chết nhưng họ sợ để lộ vẻ sợ chết hơn.
Họ tìm những câu chuyện khôi hài để kể.
Họ dùng những lời cứng rắn nhưng chứa tình cảm mềm mại dịu dàng. Thoa mỡ[2] họ sẽ nói như thế.  Tiêu tùng, cháy, bị xì nẹt lúc đang kéo dây quần rẹt rẹt. Không phải họ độc ác, họ chỉ vờ đóng kịch như trên sân khấu.  Họ là diễn viên.  Khi có người chết, mà cái chết chầm chậm từ từ, thì cái chết này khá lạ lùng như là diễn kịch. Và bởi vì họ đã thuộc lòng câu nói trong vở kịch, cái khôi hài mỉa mai pha lẫn với bi kịch, họ gọi cái chết đó bằng những tên khác nhau như muốn bao bọc cái chết và biến nó thành một khối u để hủy diệt sự thật về cái chết.  Họ đá xác chết.  Họ cắt ngón tay cái.  Họ càu nhàu cằn nhằn. Họ kể chuyện về những thứ thuốc an thần của Ted Lavender, anh chàng đáng thương này không cảm thấy đau đớn chút nào cả, và anh ta ra đi thanh thản nhẹ nhàng làm sao.
Có một bài học ở đây.  Mitchell Sander nói.
Cả trung đội đang chờ máy bay đến chở xác Lavender.  Cả đội chia nhau dùng ma túy của anh ta.
Bài học này rõ ràng quá.  Sander nói, và nháy một bên mắt. Phải tránh xa ma túy.  Nó phá hỏng mất ngày giờ của bạn mỗi khi dùng.
Nói nghe dễ thương lắm, Henry Dobbins nói.
Làm hư hoại tinh thần, biết không?  Nói chuyện say sưa nghiện ngập.  Chẳng còn gì, chỉ có máu và não.
Họ bắt buộc họ phải cười.
Nó đây rồi, họ sẽ nói.  Lập đi lập lại mãi – Nó đây rồi, bạn ta ơi, nó đây rồi – như thể sự lập lại là một hành động đàng hoàng chững chạc, một cân bằng giữa cái điên và cái suýt điên, biết mà chẳng làm được gì, nó đây rồi, điều này có nghĩa là hãy bình tĩnh, để cho nó đi, bởi vì, ừ hứ, bạn ạ, bạn không thể thay đổi những gì không thể thay đổi, nó đây rồi, nó thật sự và chắc chắn và chó má đây rồi.
Họ dữ dằn.
Họ mang tất cả những hành trang tình cảm của những người biết có thể một lúc nào đó mình sẽ chết. Tiếc nuối, sợ hãi, yêu thương, nhớ nhung – đó là những điều không cụ thể, nhưng những điều không cụ thể cũng có thể chất, trọng lực riêng, chúng có sức nặng cụ thể. Họ mang trong lòng những ký ức nhục nhã. Họ mang chung nỗi hèn nhát thầm kín chỉ được kềm giữ sơ sài, cái bản năng bỏ chạy hoặc chết đứng hoặc ẩn trốn, trên nhiều khía cạnh đây là một gánh nặng lớn nhất của tất cả mọi người, bởi vì người ta không thể nào đặt nó xuống, nó đòi hỏi sự cân bằng tuyệt hảo và tư thế toàn hảo. Họ mang tiếng tăm của họ. Họ mang nỗi lo sợ lớn nhất của một quân nhân đó là sợ bị đỏ mặt vì thẹn thùng.  Người ta giết chóc, và bị giết chết bởi vì người ta hỗ thẹn nếu không làm chuyện này. Đó là những điều đầu tiên đã mang họ đến với chiến tranh, chẳng có gì tốt đẹp cả, không có những mơ ước vinh quang hay danh dự, chỉ để lãng tránh nỗi hổ thẹn bị mất danh dự.  Họ chết, để không phải bị chết vì hổ thẹn.  Họ bò vào trong đường hầm và giữ những vị trí lộ liễu, sơ hở nhất, và tiến công dưới lằn đạn.  Mỗi sáng, mặc dù có bao nhiêu điều không thể lường trước, họ vẫn bắt buộc chân họ phải bước.  Họ chịu đựng.  Họ tiếp tục khuân.  Họ không chịu thua hay chấp nhận những phương tiện có ngay trước mắt, chỉ cần nhắm mắt và ngã xuống.  Rất dễ dàng, thật thế. Duỗi người rồi nhào xuống đất để cho bắp thịt dãn ra và không nói không rằng cũng không cử động cho đến khi đồng đội đỡ bạn lên và đưa bạn lên trực thăng; và nó, cái trực thăng, sẽ rồ máy chúi mũi xuống rồi bay lên và đưa bạn lìa xa thế giới.  Chỉ cần một cái ngã thôi, thế mà không ai ngã cả.  Đó không phải là gan dạ, thật ra; mục đích của họ không phải là lòng can đảm.  Nói một cách thật chính xác, họ quá sợ hãi để có thể hèn nhát.

Nói chung, họ mang những thứ này trong lòng, bên ngoài họ đeo lớp mặt nạ thản nhiên. Họ dè bĩu những người báo cáo bị bệnh.  Họ mỉa mai những kẻ đã được thả về bằng cách bắn vào ngón chân hay ngón tay của họ.  Đồ đàn bà, họ chê.  Đó là những lời nhạo báng dữ dội, chỉ loáng thoáng chút ganh tị hoặc nể nang, nhưng chuyện này cũng nhanh chóng tàn phai.

Họ tưởng tượng nòng súng chĩa vào da thịt.  Thật dễ dàng; bóp cò và bắn vỡ ngón chân cái. Họ tưởng tượng cái đau nhanh chóng và ngọt xớt, rồi được rút sang Nhật, vào nhà thương với giường ấm nệm êm và những cô y tá geisha xinh xắn.

Họ mơ ước cánh chim tự do.

Ban đêm, khi canh gác, nhìn vào trong bóng tối, họ được mang đi bằng phi cơ phản lực khổng lồ.  Họ sung sướng phấn khởi khi máy bay cất cánh. Thoát rồi! Họ hét to. Rồi tiếp theo là vận tốc – cánh phi cơ và động cơ – cô tiếp viên hàng không mỉm cười – nhưng đó không chỉ là cái máy bay, đó là con chim thật, một con chim bạc sáng loáng sang trọng với lông cánh và móng vấu và tiếng kêu lảnh lót.  Họ đang bay.  Những gánh nặng rơi mất; chẳng còn gì để gánh chịu.  Họ cười to, và đeo chặt, cảm thấy gió lạnh tạt vào mặt và chiều cao, và bay vút, nghĩ rằng Xong rồi, Ta thoát rồi – họ trần truồng, nhẹ nhàng và tự do – tất cả chỉ còn lại cái nhẹ thênh thang, sáng lạng và nhanh nhẹn và sôi nổi, sáng như ánh sáng, đầu óc lâng lâng, cái vui mừng sung sướng như sùi lên trong phổi, như họ được mang lên cao vượt qua khỏi mây trời và chiến tranh, vượt qua khỏi bổn phận, bên ngoài trọng lực và cái chết và những rối rắm của thể giới – Sin loi! (xin lỗi) họ kêu to.  Xin lỗi nhé, mấy thằng con dại, nhưng tao khùng rồi, tao đang chơi đùa, tao đang lang thang trong vũ trụ, tao thoát rồi! – và đó là một cảm giác thảnh thơi, không vướng bận, chỉ có cưỡi lên những sợi sóng ánh sáng, rong buồm trên con chim bạc khổng lồ tự do vượt lên trên núi non và biển cả, lên trên nước Mỹ, lên trên nông trại và những thành phố say ngủ và những nghĩa địa và xa lộ và những cái vòng cung màu vàng của tiệm McDonald’s, đó là một chuyến bay, một cách chạy trốn, một cách rơi, rơi từ chỗ cao hơn và cao hơn, quay cuồng từ bên bìa của quả đất và vượt cao hơn mặt trời và xuyên qua một khoảng không to lớn im lặng nơi không có những gánh nặng và là nơi mà tất cả mọi vật đều không có trọng lượng – Thoát rồi! Họ hét.  Tao xin lỗi nhưng tao thoát rồi! – và vì thế ban đêm, không hẳn là nằm mơ, họ buông thả cho cái nhẹ tênh, họ được khiêng đi, họ thật sự được sinh ra đời. 


[1] Ngôn ngữ trong quân đội.  Roger là chữ dùng để xác nhận mệnh lệnh hay tin tức nghe qua máy truyền tin.  Dodger là tiếng đệm.  Tuy nhiên nguyên câu Roger-Dodger, you old codger có một giai thoại khác đi kèm.
[2] Tiếng lóng có nghĩa là bắn chết

Những Điều Họ Đeo Mang, p. 6 – Tim O’Brien

 

Sau khi máy bay trực thăng chở Lavender đi rồi, Thiếu úy Jimmy Cross dẫn trung đội của mình trở lại Than Khe. Họ đốt cháy tất cả mọi thứ. Họ bắn gà và chó, họ đổ rác xuống giếng làng, và họ gọi pháo binh nã đạn vào làng và ngắm nhìn sự tàn phá, rồi họ hành quân vài giờ trong nắng chiều nóng hực và khi hoàng hôn xuống, khi Kiowa giải thích cái chết của Lavender, Thiếu úy Cross thấy mình run rẩy.

Anh cố nén khóc.  Với dùng cụ đào hố, nặng 2.2kg anh bắt đầu đào một cái lỗ trong đất.

Anh cảm thấy nhục nhã.  Anh tự ghét mình. Anh yêu Martha nhiều hơn thuộc cấp của anh, và đó là hậu quả tại sao mà Lavender chết, và đó là điều mà anh phải mang như viên đá nằm trong bao tử anh cho đến suốt cuộc chiến tranh.

Anh chỉ có thể đào đất thôi chứ chẳng làm gì khác được.  Anh dùng cái dụng cụ đào hố như là một cái rìu, chặt đứt, cả yêu thương lẫn ghét bỏ, rồi sau đó, khi trời tối hẳn, anh ngồi trong hố cá nhân và khóc. Mãi rất lâu anh cứ khóc như thế. Một phần anh thương tiếc Lavender. Một phần cho Martha, và cho chính mình, bởi vì nàng thuộc về một thế giới khác, không hoàn toàn có thật, và bởi vì nàng là một sinh viên năm thứ ba đại học Mount Sebastian ở New Jersey, nhà thơ và trinh nữ và không liên hệ vương vấn, và bởi vì anh nhận biết rằng nàng chẳng yêu anh và sẽ chẳng bao giờ yêu anh.

Như bao xi măng, Kiowa nói thì thầm trong bóng tối.  Tao thề có trời – bùm, gục xuống.  Không một lời.

Tao đã nghe câu này rồi, Norman Bowker nói.

Thằng đi đái, mày biết không? Nó còn đang kéo cái cái dây kéo lên. Bị xì nẹt lúc đang kéo quần rẹt rẹt.

Được rồi, đủ rồi.

Biết thế nhưng tao không thể chịu được, cái thằng chỉ mới vừa –

Tao nghe rồi, mày thật là…  Bao xi măng.  Sao mày không câm mồm dùm đi?

Kiowa lắc đầu buồn bã và liếc nhìn cái hố nơi Thiếu úy ngồi nhìn đêm.  Không khí đặc sệt hơi nước.  Một cơn sương mù dày đặc bao trùm lên cánh đồng và cái im ắng đến trước cơn mưa.

Sau một đỗi rất lâu Kiowa thở dài.

Có một điều chắc chắn, hắn nói.  Thiếu úy đau lòng lắm.  Tao muốn nói cái chuyện ông ấy khóc – cái cách mà ông tiếp tục – không giả dối hay gì gì, nó là một cái đau đớn nặng nề thứ thiệt.  Ông ấy đúng là quí mến thuộc cấp.

Chắc chắn rồi.  Norman Bowker nói.

Nói cái gì mày định nói đi, ông ấy thật sự quan tâm.

Chúng ta đều có những chuyện không vui.

Lavender thì không.

Không.  Tao cũng đoán thế.  Bowker nói.  Mày làm ơn dùm tao một chút được không?

Câm mồm?

Đúng là một thằng In-điêng khôn ngoan.  Câm mồm.

Rùn vai, Kiowa cởi đôi giày bốt ra.  Hắn muốn nói thêm, cho nhẹ người dễ ngủ, nhưng thay vào đó hắn mở quyển kinh Tân ước và xếp nó dưới đầu như cái gối.  Sương mù làm mọi vật có vẻ trống rỗng và không tình cảm. Hắn cố không nghĩ đến Ted Lavender, nhưng rồi hắn lại nghĩ, cái chết đến sao nhanh quá, không bi thảm, chỉ gục xuống chết, và sao mà khó nghĩ đến những chuyện gì khác, ngoại trừ nỗi ngạc nhiên.  Nó có vẻ gì đó không đúng theo tinh thần Thiên chúa. Hắn ước gì hắn có thể cảm thấy buồn vô tận, hay nổi giận, nhưng hắn không có cảm xúc và không thể cấu tạo cảm xúc.  Hắn chỉ vui mừng là mình còn sống.  Hắn thích cái mùi quyển Tân ước phía dưới gò má hắn, mùi da và mực và giấy và keo, hay bất cứ thứ chất hóa học nào.  Hắn thích nghe âm thanh của đêm.  Ngay cả khi mệt mỏi, hắn vẫn cảm thấy sung sướng, những bắp thịt đau nhức và hắn quan sát thân thể rất tinh tế, một cảm giác bềnh bồng. Nằm đấy, Kiowa thán phục là Thiếu úy Jimmy Cross biết thương tiếc.  Hắn muốn chia sẻ nỗi buồn với Thiếu úy.  Hắn muốn yêu mến đồng đội như Jimmy Cross đã yêu mến thuộc cấp. Tuy thế khi nhắm mắt lại, hắn chỉ có thể nghĩ đến cái Bùm- gục xuống, và hắn thấy dễ chịu vì được tháo đôi giày bốt ra và sương mù đang bao phủ hắn và mùi đất ẩm ướt và mùi của quyển thánh kinh và cái yên ấm dễ chịu của ban đêm.

Sau một hồi lâu, Norman Bowker ngồi bật dậy trong bóng đêm.

Anh ta nói.  Mày muốn nói, thì nói đi.  Nói.  Kể cho tao nghe.

Quên chuyện đó đi.

Không, thằng nỡm, nói đi.  Có một điều mà tao ghét nhất, đó là một thằng In-điêng im lặng.

 

Những Điều Họ Đeo Mang, p. 5 – Tim O’Brien

Có những thứ họ mang theo vì dị đoan. Thiếu úy Cross mang hòn cuội làm lá bùa hộ mạng.  Dave Jensen mang một cái chân thỏ,  Norman Bowker, bình thường là một người chân chất hiền lành, mang một ngón tay cái, đó là món quà của Mitchell Sanders tặng cho hắn. Ngón tay cái màu nâu sậm, trơn bóng, nặng chừng 110g là nhiều nhất. Nó được cắt từ cái thây của một chú bé VC, chừng 15 hay 16 tuổi.  Họ tìm thấy chú ở dưới rãnh ruộng, cháy đen, ruồi bu đầy mồm và mắt. Chú thiếu niên mặc quần đùi đen và giày xăng đan.  Lúc chết chú ấy mang một bọc gạo, khẩu súng, và ba băng đạn.
Bạn muốn biết ý kiến của tôi, Mitchell Sanders nói, chắc chắn có một bài học ở đây.
Hắn đặt tay lên cổ tay người chết.  Hắn im lặng một đỗi, như thể bắt mạch, xong rồi hắn vỗ bụng của cái xác, như đầy thương xót, và dùng cái rìu đi săn của Kiowa cắt ngón tay cái.
Henry hỏi cái bài học đó là gì?
Bài học?
Chú mày biết mà. Bài học.
Sanders dùng giấy đi cầu gói ngón tay lại và đưa nó cho Norman Bowker.  Không có máu.  Mỉm cười, hắn đá vào đầu chú bé, nhìn đám ruồi bay tán loạn, và nói.  Nó giống như một chương trình TV cũ – Paladin.  Có súng, sẽ du hành.
Henry nghĩ về điều này.
Ừ, hừm. cuối cùng hắn mở miệng.  Tao chẳng thấy bài học nào cả.
Đó nó đó. Mày sao kỳ quá.
Đm mày.

Họ mang giấy USO bút chì và bút mực.  Họ mang Sterno, kim băng, đèn đánh dấu đường, đèn làm tín hiệu, cuộn dây thép, kẽm gai, thuốc lá để nhai, bó nhang rời và tượng Phật Di Lặc, nến, bút dầu, Cờ Hoa Kỳ, đồ cắt móng tay, truyền đơn Psy Op, mũ mềm (như mũ hướng đạo), cái rìu, và còn nhiều thứ.  Mỗi tuần hai lần, khi máy bay trực thăng tiếp tế đến, họ mang thức ăn tươi nóng trong những cái thùng nhựa hai lớp màu xanh lá cây (mermite cans). Họ mang những thùng nhựa chứa chừng 8 lít nước.  Mitchell mang một bộ đồ trận rằn ri như da cọp để dành cho những buổi đặc biệt.  Henry Dobbins mang thuốc trừ sâu bọ Black Flag.  Dave Jensen mang những cái bao không để có thể nếu cần thì ban đêm đổ cát vào để tăng cường chuyện bảo vệ.  Lee Strunk mang kem chống nắng.  Có nhiều thứ họ chung nhau mang.  Thay phiên nhau họ mang cái máy PRC-77 thật to để phá tín hiệu, cái này cân nặng 13.5 kg với bình điện của nó.  Họ mang chung kỷ niệm ký ức.  Họ gánh vác cái mà người khác không mang nổi nữa.  Rất thường xuyên họ khiêng nhau, những người bị thương và những kẻ yếu sức.  Họ mang những vết thương bị nhiễm độc và bệnh tật. Họ mang bộ cờ, bóng rổ, tự điển Việt Anh, phù hiệu của cấp bậc, huy chương đồng và huy chương Trái tim màu tím, những cái thẻ nhựa có in những qui luật đạo đức. Họ mang những chứng bệnh như sốt rét và tiêu chảy.  Họ mang chí, ghẻ chốc, đĩa, rong và nhiều loại rau rễ rữa thối mốc meo. Họ mang mặt đất-Việt Nam , nơi chốn, đất đai- một thứ bụi khô màu cam đỏ bám đầy giày bốt, quần áo, và mặt mày.  Họ mang bầu trời.  Cả không trung khí quyển, họ mang nó, hơi ẩm, mưa dầm, mùi thối của nấm và những thứ rữa nát, tất cả những thứ ấy, và trọng lực.  Họ di chuyển như những con lừa. Ban ngày họ bị bắn sẻ, ban đêm họ bị pháo kích, nhưng đó không phải là trận chiến, đó là những cuộc hành quân vô tận, hết làng này sang làng khác, không có mục đích, không có gì thắng cũng không bị thua cái gì.  Họ đi hành quân chỉ để đi hành quân.  Họ nối nhau đi chậm chạp, ngu ngốc, chúi đầu về phía trước để chống lại hơi nóng, không suy nghĩ, với tất cả máu xương, chịu đựng khuân những thứ đơn giản, thực hiện công việc lính tráng bằng đôi chân, ráng leo lên đồi và xuống ruộng, băng sông rồi lại leo lên và leo xuống, chỉ cố mà khuân, một bước, thêm một bước, rồi bước nữa, nhưng không có sự chọn lựa hay quyết định nào cả, không có ý thức, bởi vì bước như tự động, như phản xạ, và chiến tranh hoàn toàn chỉ là vấn đề của tư thế và những thứ họ đeo mang, những thứ họ khuân vác là tất cả, một thứ trọng lượng trì trệ, một thứ rỗng tuếch, cái cùn mằn của mơ ước và trí thức và lương tâm và hy vọng và sự nhạy bén cảm giác của con người.  Nguyên tắc của họ là đôi bàn chân của họ.  Những toan tính của họ hoàn toàn thuộc về thể xác.  Họ không có ý thức về chiến thuật và nhiệm vụ.  Họ lùng xét làng mạc mà không biết cần phải tìm kiếm điều gì, không quan tâm hay tử tế gì cả, đá đổ tỉnh gạo, đe dọa trẻ em và ông già, phá nổ đường hầm, có khi đốt phá và có khi không, xong rồi chỉnh đốn hàng ngũ và tiếp tục qua làng bên cạnh, rồi các làng khác, nơi mà chuyện lại tuần tự xảy ra như trước.  Họ mang mạng sống của chính họ.  Sự căng thẳng khổng lồ.  Trong hơi nóng của buổi chiều, họ cởi nón sắt, và áo giáp, đi trần trụi như thế, nguy hiểm nhưng đỡ nhọc nhằn.  Họ thường ném bớt mọi thứ dọc đường hành quân.  Hoàn toàn để được dễ chịu họ thường ném bỏ phần ăn, phá nổ mìn Claymore và lựu đạn, không có gì gọi là vấn đề bởi vì khi đêm xuống máy bay trực thăng tiếp tế sẽ mang đến cũng những thứ đó, rồi một ngày hay hai ngày sau vẫn cùng những thứ đó, dưa hấu và những thùng đạn dược và mắt kính đen và áo len – nguồn cung cấp thì thật là đáng kinh ngạc – pháo bông mừng ngày 4 tháng Bảy, trứng màu Phục sinh – đó là cái tủ trưng bày chiến tranh Mỹ vĩ đại – thành quả của khoa học, của ống khói, loài chim cannery, kho đạn dược ở Hartford, rừng Minnesota, xưởng cơ khí, những cánh đồng bao la bắp và lúa mì – họ mang (đủ thứ trên người họ và trong người học) như những toa xe lửa chở hàng; họ mang trên lưng vác trên vai – và cho tất cả những điều mù mờ của Việt Nam, tất cả những huyền thoại có tên và vô danh, chắc chắn một điều là họ không bao giờ thiếu mất những thứ mà họ phải mang theo.

Những Điều Họ Đeo Mang, p. 4 – Tim O’Brien

Những thứ họ mang theo tùy thuộc vào nhiệm vụ.

Khi nhiệm vụ bắt họ lên núi, họ mang theo màn che muỗi, mã tấu, những tấm bạt để che, và mang thuốc chống muỗi nhiều hơn.

Nếu nhiệm vụ có vẻ cực kỳ nguy hiểm, hay nó xảy ra ở địa điểm nổi tiếng là chết chóc, họ mang tất cả những gì họ có thể mang. Chắc chắn là phải mang mìn loại nặng AO, nơi mà mặt đất đầy dẫy với Toe Poppers Bouncing Betties họ thay phiên nhau khuân máy dò mìn nặng 12.6kg. Với dụng cụ bảo vệ tai và cái bảng dò mìn thật to, dụng cụ này quá nặng gây đau lưng và mỏi vai, khó xoay trở lúc sử dụng, thường khi vô dụng bởi vì có vô số mảnh kim loại dưới mặt đất, tuy thế họ vẫn mang nó theo, một phần để bào vệ an toàn, một phần vì cái ảo tưởng an toàn nó mang đến.

Khi phục kích, hay thực hiện nhiệm vụ trong đêm, họ mang theo những thứ lặt vặt đặc biệt.  Kiowa luôn luôn mang theo quyển Tân uớc và một đôi giày da mềm để đi không có tiếng động.  Dave Jensen mang thuốc bổ có chất carotene trợ giúp mắt nhìn ban đêm.  Lee Strunk mang cái ná và bì để bắn, hắn tuyên bố là sẽ chẳng bao giờ có chuyện không lành.  Rat Kiley mang rượu brandy và kẹo M&M.  Cho đến khi bị bắn Ted Lavender mang cái viễn vọng kính để nhìn sao, cái này cân nặng 2.85kg với cái hộp chứa bằng nhôm.  Henry Dobbins quấn chung quanh cổ anh ta đôi tất bằng nylon của người yêu để thấy dễ chịu.  Tất cả đều mang trong lòng những bóng ma.  Khi màn đêm rơi xuống, họ đi hàng một băng ngang đồng ruộng đến chỗ phục kích, nơi ấy họ đặt mìn Claymore, rồi nằm chờ suốt đêm.

Những nhiệm vụ khác phức tạp hơn và đòi hỏi những dụng cụ đặc biệt.  Vào giữa tháng Tư, nhiệm vụ của họ là tìm kiếm và phá hủy hệ thống đường hầm rất tinh vi ở Than Khe phía Nam Chu Lai.  Để phá tung hệ thống đường hầm này họ mang theo những khối chất nổ pentrite rất mạnh nặng chừng nửa kí, mỗi người mang bốn khối, tất cả là chừng 30kg.  Họ mang theo dây thuốc nổ, ngòi nổ, và những cái bật lửa bằng pin.  Dave Jensen mang theo đồ bịt lỗ tai.  Thường xuyên trước khi đánh nổ đường hầm, cấp trên ra lệnh họ phải khám xét. Đây là chuyện không hay tuy nhiên họ vẫn nhún vai hứng chịu và thi hành mệnh lệnh.  Bởi vì anh ta là một người to béo, Henry Dobbins được miễn cho nhiệm vụ khám đường hầm. Những người còn lại phải rút thăm.  Trước khi Lavender chết ở đó, 17 người trong trung đội và người nào bị rút trúng số 17 phải cởi hết đồ trang bị, chui đầu vào đường hầm mang theo cái đèn bấm và khẩu súng lục .45 của Thiếu úy Cross.  Nhóm người còn lại phải tản mác để bảo vệ an toàn.  Họ sẽ ngồi hoặc quì, không đối diện với đường hầm, lắng nghe tiếng động dưới mặt đất dưới chân họ, tưởng tượng đến mạng nhện và ma, hay bất cứ cái gì dưới ấy – đường hầm rất bé hẹp – cái đèn bấm trở nên nặng vô cùng và ánh sáng ấy trong đường hầm không thể nhìn xa, người ta dễ cảm thấy bị vây bủa đè ép từ bốn phía, ngay cả thời gian cũng không về phe bạn, và bạn phải nhúc nhích từng chút để chui vào – cả mông đít lẫn cùi chõ – một cảm giác bị nuốt chửng – và bạn thấy mình lo sợ đủ thứ kể cả những chuyện không đâu vào đâu.  Liệu cái đèn bấm có sẽ tắt ngấm không?  Chuột có mang bệnh dại không? Nếu bạn kêu gào tiếng vang sẽ đi xa đến đâu? Đồng đội của bạn có nghe không? Liệu họ có đủ can đảm kéo bạn ra khỏi đường hầm không? Ở vài khía cạnh, dù không nhiều lắm, sự chờ đợi kinh khủng hơn là chính cái đường hầm.  Sự tưởng tượng là kẻ giết người.

Ngày 16 tháng Tư, khi Lee Strunk rút trúng số 17, hắn cười phá lên, nói lầm bầm cái gì đó rồi nhanh chóng xuống đường hầm.  Buổi sáng mà trời đã nóng và không gian rất yên lặng. Không tốt.  Kiowa nói. Hắn nhìn miệng hầm rồi nhìn băng qua cánh đồng khô hướng về phía làng Than Khe.  Im lìm không một bóng di động.  Không mây, chim chóc, hay người ta.  Lúc chờ đợi, đám lính hút thuốc, uống Kool-Aid, không nói gì với nhau chỉ cảm thấy tội nghiệp cho Lee Strunk nhưng cũng mừng là mình đã chẳng bắt trúng thăm.  Được cái này, mất cái kia. Mitchell Sanders nói, và đôi khi bạn phải chịu hẹn đến lần sau. Đó là một câu nghe mãi đến nhàm chẳng ai cười.

Henry Dobbins ăn một thỏi sô cô la ở xứ nóng.  Ted uống một viên thuốc an thần và đi tiểu.

Sau năm phút, Thiếu úy Jimmy Cros đến gần đường hầm, nghiêng người xuống, khám xét bóng tối.  Không yên tâm, anh nghĩ –cái hầm có thể bị sụp.  Bất thình lình, ngoài ý muốn, anh nghĩ đến Martha.  Những chấn động, những rạn nứt, sự sụp đổ nhanh chóng, cả hai người bị chôn dưới sức nặng. Dày cứng, tình yêu đè bẹp dày xéo. Quì gối nhìn cửa hầm, anh cố gắng tập trung tư tưởng về Lee Strunk và chiến ttranh, tất cả những nỗi hiểm nguy, nhưng anh không chịu nỗi tình yêu này, anh cảm thấy tê bại, anh muốn được ngủ trong lồng phổi của nàng và thở trong máu của nàng và anh muốn được đè ngạt.  Anh muốn nàng là trinh nữ và không là trinh nữ, cùng một lúc.  Anh muốn biết nàng.  Biết những bí mật rất thân thiết: như tại sao lại yêu thơ? Tại sao hay buồn? Tại sao có màu xám trong đôi mắt? Tại sao thường đơn độc? Không cô đơn, chỉ một mình – đạp xe băng ngang khuôn viên của trường hay ngồi một mình trong cafeteria – ngay cả khi khiêu vũ nàng cũng khiêu vũ một mình – và tất cả những chuyện đơn độc ấy trở thành tình yêu lấp đầy trong anh. Anh nhớ có lần nói với nàng trong một buổi tối.  Cách nàng gật đầu rồi nhìn lảng ra chỗ khác.  Và sau đó, khi anh hôn nàng, cách nàng nhận cái hôn mà không hôn đ
áp lại, mắt nàng mở to, không sợ hãi, không phải là đôi mắt của một cô gái trinh nguyên, chỉ vô cảm và không lưu luyến vương vấn gì cả.

Thiếu úy Cross nhìn đường hầm trân trối.  Nhưng anh không có mặt ở đấy. Anh đang được vùi lấp chung với Martha dưới cát trắng của bờ biển Jersey .  Họ ghì chặt lấy nhau, và viên cuội trong miệng anh là lưỡi nàng.  Anh mỉm cười.  Mù mờ, anh nhận biết cái im vắng của ngày hôm ấy, cánh đồng im lìm như dỗi hờn, tuy thế anh đã chẳng thể nào chú tâm vào việc bảo vệ an toàn.  Anh ở bên ngoài điều ấy. Anh chỉ là một đứa bé đang chơi trò chơi chiến tranh, đó là tình yêu.  Anh chỉ mới hai mươi bốn tuổi.  Anh không thể tự kềm chế mình.

Một ít lâu sau, Lee Strunk bò ra khỏi đường hầm.  Hắn cười nhe răng, bẩn thỉu nhưng vẫn sống nhăn.  Thiếu úy Cross gật đầu và nhắm mắt lại trong khi những người kkác vỗ lưng Strunk và nói đùa về việc chết đi sống lại.

Giun.  Rat Kiley nói.  Xuất hiện từ trong cái mộ này.  Đồ ma trơi khốn nạn.

Mọi người cười.  Họ cảm thấy nhẹ nhõm.

Lee Strunk nhại một tiếng hú ma quái để đùa, một thứ tiếng rên, nhưng vui vẻ hơn, và ngay lúc ấy, khi Strunk phát ra tiếng hú ma quái mà vui vẻ, khi mà hắn kêu ahhhuuu, ngay lúc ấy Ted Lavender bị bắn ngay vào đầu khi hắn đi tiểu xong và quay trở lại. Hắn nằm, miệng mở toác.  Hàm răng của hắn bị vỡ nát. Dưới con mắt bên trái có một vết sưng bầm đen. Xương gò má biến mất. Ô, cứt thật, Rat Kiley nói, cái thằng ấy chết rồi.  Cái thằng ấy chết rồi.  Hắn tiếp tục lập lại, như thể đây là điều sâu sắc lắm – Cái thằng ấy chết rồi.  Tôi nói chết thật là chết mà.

Những Điều Họ Đeo Mang, p. 3 – Tác giả: Tim O’Brien

Những thứ họ mang theo một phần tùy theo cấp bậc của họ, và một phần tùy thuộc sở trường của họ trên mặt trận.

Là Thiếu Úy và cũng là trung đội trưởng, Jimmy Cross mang một la bàn, bản đồ, sách mật mã truyền tin, ống nhòm, và một khẩu súng lục nòng .45 cân nặng 1.3 kg và trách nhiệm sự sống còn của thuộc cấp.

Là nhân viên truyền tin, Mitchell Sanders mang cái dadio PRC-25, một cái máy giết người, gần 12 kg tính luôn bình điện.

Là nhân viên cứu thương, Rat Kiley mang một cái túi vải chứa đầy mọt phin và huyết thanh và thuốc chống sốt rét và băng giải phẩu và sách tranh ảnh và tất cả những thứ một người cứu thương cần phải mang, ngay cả kẹo sô cô la M&M đặc biệt cho những người bị thương nặng, tất cả sức nặng chừng 9kg.

Là một người to béo nên được chân thủ cây súng máy, Henry Dobbins mang M-60, nặng hơn 10 kg lúc chưa nạp đạn.  Dobbins mang khoảng 4.5 kg cho đến 6 kg đạn như thắt dây lưng quàng ngang ngực và trên vai.

Là binh nhì, họ khuân những thứ nặng nề thông thường theo tiêu chuẩn. M-16, vũ khí này nặng khoảng 3.3 kg khi chưa có đạn và khoảng 3.7 kg khi có một băng đạn chừng 20 viên đạn.  Tùy theo nhiều yếu tố, thí dụ địa thế và tâm lý, những người dùng súng trường mang từ 12 cho đến 20 băng đạn chứa trong bao vải, ít nhất là 3.8 kg và nhiều nhất khoảng chừng 6.3 kg. Khi có sẵn đồ, họ cũng mang theo dụng cụ để lau chùi M-16 – que và bàn chải sắt và vải lau và các ống dầu LSA – tất cả các thứ này cộng lại chừng nửa kí lô.  Bên cạnh các thứ nặng nề, có người khuân súng phóng lựu M79, khi chưa nạp đạn nặng 2.7 kg, tương đối khá nhẹ ngoại trừ lựu đạn rất nặng.  Mỗi một trái đạn nặng đến 280 g. Mỗi một băng lựu đạn thường có 25 quả.  Nhưng Ted Lavender, người có tính hay sợ hãi, đã mang 34 quả. Khi anh bị bắn chết ở bìa làng Than Khe, và ngã xuống trong lúc mang một trọng lượng vượt quá mức bình thường, hơn 9 kg đạn dược, cùng với cái áo giáp, và mũ sắt, và phần ăn và nước uống và giấy đi cầu và thuốc cần sa và tất cả các thứ còn lại cùng với một nỗi sợ hãi không thể cân được.  Anh ta là một sức nặng chết. Không vặn vẹo hay co giật.  Kiowa, người đã chứng kiến cái chết của Ted, nói anh ta ngã xuống như một hòn đá rơi, hay một túi cát hay một cái gì đó – chỉ có bùm, rồi gục xuống – không giống như trong phim ảnh khi mà người chết lăn vòng vòng và quay mòng mòng và rơi lên trên ấm trà – không giống như thế, Kiowa nói, thằng con dại chỉ sụm xuống.  Bùm. Gục xuống. Không có gì khác hơn.  Đó là một buổi sáng tháng Tư đầy nắng.  Thiếu úy Cross cảm thấy đau đớn. Anh tự trách.  Họ cởi hết, lột hết bình nước và đạn được của Lavender, tất cả những thứ nặng nề, và Rat Kiley nói một chuyện hiển nhiên, cái thằng ấy chết rồi, và Mitchell Sanders dùng radio báo cáo một lính Mỹ chết trong lúc làm nhiệm vụ xin gởi máy bay trực thăng.  Rồi họ quấn Lavender bằng cái poncho của hắn.  Họ khuân hắn ra chỗ đồng khô, thiết lập vòng đai an toàn, và ngồi đó hút cho hết tất cả những thứ ma túy của hắn cho đến khi máy bay trực thăng đến.  Thiếu úy Cross giữ im lặng một mình.  Anh ta tưởng tượng đến gương mặt mịn màng non trẻ của Martha, nghĩ rằng anh yêu nàng hơn tất cả mọi thứ trên đời và không thể nào ngừng nghĩ đến nàng. Khi máy bay trực thăng đến họ mang Lavender lên máy bay.  Sau đó họ đốt cháy rụi làng Than Khe.  Họ hành quân cho đến chạng vạng tối, rồi đào hố cá nhân, và đêm ấy Kiowa cứ tiếp tục giải thích lý do sự hiện diện của bạn ở chỗ này, nó nhanh làm sao, cách thằng đáng thương ấy ngã xuống như là bao xi măng.  Bùm-gục xuống, hắn nói.  Như bao xi măng.

Bên cạnh ba loại vũ khí căn bản – M-60, M-16, và M-79 – họ còn mang theo bất cứ thứ gì chúng tự giới thiệu về sự hiện diện của chúng, hay bất cứ những gì thích hợp dùng để giết người hay để tự cứu mạng sống của mình. Họ mang những gì họ gặp, những gì có sẵn. Vào những lúc khác nhau, ở những tình huống khác nhau, họ mang M-14 và CAR-15 và K Thụy điển và mỡ dầu dùng để lau súng và AK 47 được tịch thu và Chi-com và RPG và súng các bin Simonov và súng chợ đen Uzis và súng lục .38 Smith & Wesson và 66 mm LAW và súng shotguns có hãm thanh và blackjacks và dao găm và chất nổ plastic C-4.  Lee Strunk mang theo cái ná, hắn gọi là loại vũ khí cuối cùng khi không còn phương tiện nào khác.  Mitchell Sanders mang cái dùng để bọc nắm đấm có dát đồng.  Kiowa mang cái rìu có gắn lông chim của ông nội.  Mỗi người (third man) thứ ba, hay thứ tư (fourth man) mang mìn Claymore – 1.6 kg cùng với ngòi nổ.  Họ mang lựu đạn – mỗi trái gần 400g. Họ mang ít nhất là một trái lựu đạn khói màu – 680g.  Có người mang CS hay lựu đạn cay.  Họ mang bất cứ thứ gì họ có thể mang nổi, và với một số người, những thứ họ mang bao gồm cả một sự sửng sốt có phần sợ hãi  về cái sức mạnh khủng khiếp của những thứ họ mang.

Tuần đầu tiên trong tháng Tư, trước khi Lavender chết, Thiếu úy Jimmy Cross nhận một món quà nhỏ, bùa hộ mạng, do Martha tặng.  Đó là một hòn cuội trơn nặng lắm là 28g, nhẵn nhụi, màu trắng sữa lấm tấm những đốm màu cam và tím, hình bầu dục, như một quả trứng con con. Trong lá thư kèm theo, Martha viết là nàng nhặt được hòn cuội ở bờ biển New Jersey, ngay chỗ nước thủy triều lên cao giáp bờ biển, nơi những thứ gặp nhau nhưng vẫn xa nhau.  Và chính vì cái tính chất bên nhau mà vẫn xa nhau này, nàng viết, đã xui khiến nàng nhặt hòn cuội và giữ nó trong túi áo trên ngực vài ngày. Ở trong túi áo trên ngực nàng hòn cuội dường như không có sức nặng. Sau đó nàng gửi nó kèm theo trong thư, theo đường hàng không, như là một bằng chứng về cái tình cảm chân thật nhất nàng dành cho anh. Thiếu úy Cross thấy chuyện này thơ mộng quá.  Nhưng anh tự hỏi không biết tình cảm chân thật nhất của nàng, nói cho chính xác, là cái gì, và cũng không hiểu nàng có ý gì về cái ở bên nhau mà vẫn xa nhau.  Anh tự hỏi thủy triều dâng làm sao và những ngọn sóng lăn tăn thế nào vào buổi chiều hôm ấy, trên bờ biển Jersey, khi Martha nhìn thấy hòn cuội, cúi xuống nhặt và cứu nó ra khỏi vùng đất này. Anh tưởng tượng đôi chân trần.  Martha là một nhà thơ, bản tính thi sĩ, đôi chân nâu trần, móng chân không sơn phết, đôi mắt lạnh giá và buồn bã như mặt đại dương của tháng Ba, và tuy đau đớn anh cũng tự hỏi nàng đã đi dạo biển cùng ai chiều hôm ấy.  Anh tưởng tượng đôi bóng bước dài theo dải cát nơi mọi vật bên nhau nhưng vẫn xa nhau.  Đó là một cơn ghen bóng gió, anh biết, nhưng anh không thể tự kềm chế.  Anh yêu nàng nhiều quá. Trong lúc hành quân, qua những ngày nóng bức đầu tháng Tư, anh ngậm hòn cuội trong mồm, dùng lưỡi đảo nó, nếm mùi muối biển và vị ẩm ướt.  Tâm hồn anh đi hoang. Anh khó lòng tập trung tư tưởng vào cuộc chiến tranh này.  Thỉnh thoảng anh la mắng lính của anh phải đi cách xa ra, chú ý đến chung quanh, nhưng chính anh rồi cũng rơi vào cơn mơ mộng, tưởng tượng, đi chân trần dọc bờ biển, với Martha, không mang gì trên người.  Anh cảm thấy mình đang lên, mặt trời và sóng biển và gió mơn man, chỉ có tình yêu và một nỗi nhẹ thênh thang.

Những Điều Họ Đeo Mang, p. 2 – Tác giả: Tim O’Brien

 

Những thứ họ mang theo một phần tùy theo cấp bậc của họ, và một phần tùy thuộc sở trường của họ trên mặt trận.

Là Thiếu Úy và cũng là trung đội trưởng, Jimmy Cross mang một la bàn, bản đồ, sách mật mã truyền tin, ống nhòm, và một khẩu súng lục nòng .45 cân nặng 1.3 kg và trách nhiệm sự sống còn của thuộc cấp.

Là nhân viên truyền tin, Mitchell Sanders mang cái radio PRC-25, một cái máy giết người, gần 12 kg tính luôn bình điện.

Là nhân viên cứu thương, Rat Kiley mang một cái túi vải chứa đầy mọt phin và huyết thanh và thuốc chống sốt rét và băng giải phẩu và sách tranh ảnh và tất cả những thứ một người cứu thương cần phải mang, ngay cả kẹo sô cô la M&M đặc biệt cho những người bị thương nặng, tất cả sức nặng chừng 9kg.

Là một người to béo nên được chân thủ cây súng máy, Henry Dobbins mang M-60, nặng hơn 10 kg lúc chưa nạp đạn.  Dobbins mang khoảng 4.5 kg cho đến 6 kg đạn như thắt dây lưng quàng ngang ngực và trên vai.

Là binh nhì, họ khuân những thứ nặng nề thông thường theo tiêu chuẩn. M-16, vũ khí này nặng khoảng 3.3 kg khi chưa có đạn và khoảng 3.7 kg khi có một băng đạn chừng 20 viên đạn.  Tùy theo nhiều yếu tố, thí dụ địa thế và tâm lý, những người dùng súng trường mang từ 12 cho đến 20 băng đạn chứa trong bao vải, ít nhất là 3.8 kg và nhiều nhất khoảng chừng 6.3 kg. Khi có sẵn đồ, họ cũng mang theo dụng cụ để lau chùi M-16 – que và bàn chải sắt và vải lau và các ống dầu LSA – tất cả các thứ này cộng lại chừng nửa kí lô.  Bên cạnh các thứ nặng nề, có người khuân súng phóng lựu M79, khi chưa nạp đạn nặng 2.7 kg, tương đối khá nhẹ ngoại trừ lựu đạn rất nặng.  Mỗi một trái đạn nặng đến 280 g. Mỗi một băng lựu đạn thường có 25 quả.  Nhưng Ted Lavender, người có tính hay sợ hãi, đã mang 34 quả. Khi anh bị bắn chết ở bìa làng Than Khe, và ngã xuống trong lúc mang một trọng lượng vượt quá mức bình thường, hơn 9 kg đạn dược, cùng với cái áo giáp, và mũ sắt, và phần ăn và nước uống và giấy đi cầu và thuốc cần sa và tất cả các thứ còn lại cùng với một nỗi sợ hãi không thể cân được.  Anh ta là một sức nặng chết. Không vặn vẹo hay co giật.  Kiowa, người đã chứng kiến cái chết của Ted, nói anh ta ngã xuống như một hòn đá rơi, hay một túi cát hay một cái gì đó – chỉ có bùm, rồi gục xuống – không giống như trong phim ảnh khi mà người chết lăn vòng vòng và quay mòng mòng và rơi lên trên ấm trà – không giống như thế, Kiowa nói, thằng con dại chỉ sụm xuống.  Bùm. Gục xuống. Không có gì khác hơn.  Đó là một buổi sáng tháng Tư đầy nắng.  Thiếu úy Cross cảm thấy đau đớn. Anh tự trách.  Họ cởi hết, lột hết bình nước và đạn được của Lavender, tất cả những thứ nặng nề, và Rat Kiley nói một chuyện hiển nhiên, cái thằng ấy chết rồi, và Mitchell Sanders dùng radio báo cáo một lính Mỹ chết trong lúc làm nhiệm vụ xin gởi máy bay trực thăng.  Rồi họ quấn Lavender bằng cái poncho của hắn.  Họ khuân hắn ra chỗ đồng khô, thiết lập vòng đai an toàn, và ngồi đó hút cho hết tất cả những thứ ma túy của hắn cho đến khi máy bay trực thăng đến.  Thiếu úy Cross giữ im lặng một mình.  Anh ta tưởng tượng đến gương mặt mịn màng non trẻ của Martha, nghĩ rằng anh yêu nàng hơn tất cả mọi thứ trên đời và không thể nào ngừng nghĩ đến nàng. Khi máy bay trực thăng đến họ mang Lavender lên máy bay.  Sau đó họ đốt cháy rụi làng Than Khe.  Họ hành quân cho đến chạng vạng tối, rồi đào hố cá nhân, và đêm ấy Kiowa cứ tiếp tục giải thích lý do sự hiện diện của bạn ở chỗ này, nó nhanh làm sao, cách thằng đáng thương ấy ngã xuống như là bao xi măng.  Bùm-gục xuống, hắn nói.  Như bao xi măng.

Bên cạnh ba loại vũ khí căn bản – M-60, M-16, và M-79 – họ còn mang theo bất cứ thứ gì chúng tự giới thiệu về sự hiện diện của chúng, hay bất cứ những gì thích hợp dùng để giết người hay để tự cứu mạng sống của mình. Họ mang những gì họ gặp, những gì có sẵn. Vào những lúc khác nhau, ở những tình huống khác nhau, họ mang M-14 và CAR-15 và K Thụy điển và mỡ dầu dùng để lau súng và AK 47 được tịch thu và Chi-com và RPG và súng các bin Simonov và súng chợ đen Uzis và súng lục .38 Smith & Wesson và 66 mm LAW và súng shotguns có hãm thanh và blackjacks và dao găm và chất nổ plastic C-4.  Lee Strunk mang theo cái ná, hắn gọi là loại vũ khí cuối cùng khi không còn phương tiện nào khác.  Mitchell Sanders mang cái dùng để bọc nắm đấm có dát đồng.  Kiowa mang cái rìu có gắn lông chim của ông nội.  Mỗi người (third man) thứ ba, hay thứ tư (fourth man) mang mìn Claymore – 1.6 kg cùng với ngòi nổ.  Họ mang lựu đạn – mỗi trái gần 400g. Họ mang ít nhất là một trái lựu đạn khói màu – 680g.  Có người mang CS hay lựu đạn cay.  Họ mang bất cứ thứ gì họ có thể mang nổi, và với một số người, những thứ họ mang bao gồm cả một sự sửng sốt có phần sợ hãi  về cái sức mạnh khủng khiếp của những thứ họ mang.

Tuần đầu tiên trong tháng Tư, trước khi Lavender chết, Thiếu úy Jimmy Cross nhận một món quà nhỏ, bùa hộ mạng, do Martha tặng.  Đó là một hòn cuội trơn nặng lắm là 28g, nhẵn nhụi, màu trắng sữa lấm tấm những đốm màu cam và tím, hình bầu dục, như một quả trứng con con. Trong lá thư kèm theo, Martha viết là nàng nhặt được hòn cuội ở bờ biển New Jersey, ngay chỗ nước thủy triều lên cao giáp bờ biển, nơi những thứ gặp nhau nhưng vẫn xa nhau.  Và chính vì cái tính chất bên nhau mà vẫn xa nhau này, nàng viết, đã xui khiến nàng nhặt hòn cuội và giữ nó trong túi áo trên ngực vài ngày. Ở trong túi áo trên ngực nàng hòn cuội dường như không có sức nặng. Sau đó nàng gửi nó kèm theo trong thư, theo đường hàng không, như là một bằng chứng về cái tình cảm chân thật nhất nàng dành cho anh. Thiếu úy Cross thấy chuyện này thơ mộng quá.  Nhưng anh tự hỏi không biết tình cảm chân thật nhất của nàng, nói cho chính xác, là cái gì, và cũng không hiểu nàng có ý gì về cái ở bên nhau mà vẫn xa nhau.  Anh tự hỏi thủy triều dâng làm sao và những ngọn sóng lăn tăn thế nào vào buổi chiều hôm ấy, trên bờ biển Jersey, khi Martha nhìn thấy hòn cuội, cúi xuống nhặt và cứu nó ra khỏi vùng đất này. Anh tưởng tượng đôi chân trần.  Martha là một nhà thơ, bản tính thi sĩ, đôi chân nâu trần, móng chân không sơn phết, đôi mắt lạnh giá và buồn bã như mặt đại dương của tháng Ba, và tuy đau đớn anh cũng tự hỏi nàng đã đi dạo biển cùng ai chiều hôm ấy.  Anh tưởng tượng đôi bóng bước dài theo dải cát nơi mọi vật bên nhau nhưng vẫn xa nhau.  Đó là một cơn ghen bóng gió, anh biết, nhưng anh không thể tự kềm chế.  Anh yêu nàng nhiều quá. Trong lúc hành quân, qua những ngày nóng bức đầu tháng Tư, anh ngậm hòn cuội trong mồm, dùng lưỡi đảo nó, nếm mùi muối biển và vị ẩm ướt.  Tâm hồn anh đi hoang. Anh khó lòng tập trung tư tưởng vào cuộc chiến tranh này.  Thỉnh thoảng anh la mắng lính của anh phải đi cách xa ra, chú ý đến chung quanh, nhưng chính anh rồi cũng rơi vào cơn mơ mộng, tưởng tượng, đi chân trần dọc bờ biển, với Martha, không mang gì trên người.  Anh cảm thấy mình đang lên, mặt trời và sóng biển và gió mơn man, chỉ có tình yêu và một nỗi nhẹ thênh thang.

 

Những Điều Họ Đeo Mang, p. 1 – Tác giả: Tim O’Brien

Tim O’Brien (1946 – ) là người được trao giải văn học National Book Award năm 1979 với quyển Going After Cacciato.  Ông cũng là tác giả của quyển In the Lake in the Woods, được Tạp chí Time mệnh danh là Tác Phẩm hay nhất trong năm 1994; The Things They Carried, là tác phẩm vào chung kết của giải Putlizer và được giải National Book Critics Circle Award; quyển If I Die in a Combat Zone, hồi ký về chiến tranh Việt Nam, và hai tác phẩm khác.

Thiếu úy Jimmy Cross cất giữ những lá thư từ một cô gái tên là Martha, sinh viên năm thứ ba Đại học Mount Sebastian College ở New Jersey .  Những lá thư này không phải là những lá thư tình, tuy nhiên Thiếu úy Cross vẫn nuôi hy vọng, vì thế anh gấp chúng lại gói bằng bao nhựa và xếp tận ở dưới đáy ba lô. Những buổi chiều, sau một ngày hành quân, anh đào hố cá nhân, rửa tay bằng nước chứa trong bi-đông, mở cái bao nhựa có những lá thư, cầm nhón những lá thư đưa chúng ra dưới ánh sáng một cách trịnh trọng vờ là những bức thư tình. Anh tưởng tượng những buổi cắm trại lãng mạn ở trong núi White Mountains ở tiểu bang New Hampshire .  Anh cũng thỉnh thoảng liếm nắp phong bì, biết là cô nàng cũng đã liếm bì thư.  Hơn tất cả, anh muốn được Martha yêu như anh đã yêu nàng, tuy nhiên những lá thư chỉ nói chuyện bâng quơ, không đề cập gì đến tình yêu.  Nàng vẫn còn là một cô thiếu nữ trinh nguyên, anh chừng như có thể cam đoan điều này. Nàng học ngành văn chương ở Đại học Mount Sebastian và nàng viết những lá thư rất hay nói về các vị giáo sư, các bạn học, và những kỳ thi giữa khóa.  Nàng nói nàng rất nễ phục nhà văn Chaucer và rất yêu thích nhà văn Virginia Woolf.  Nàng thường trích dẫn thơ nhưng tuyệt nhiên không đả động gì đến chiến tranh, ngoại trừ câu nói, Jimmy anh phải bảo trọng lấy thân.  Lá thư cân nặng 10 ounces (283g), cuối lá thư được ký tên với Thương, Martha, nhưng Thiếu úy Cross hiểu rằng chữ Thương ở đây chỉ là một thói quen người ta chấm dứt lá thư chứ không có nghĩa thương yêu như anh vẫn đôi khi giả vờ với chính mình là nó có nghĩa thương yêu thật sự. Khi chiều buông, anh cẩn thận cất những lá thư vào ba lô.  Thong thả, hơi lơ đễnh, anh đứng lên di chuyển giữa đội ngũ, kiểm soát chung quanh, và khi trời hoàn toàn tối đen anh trở về hố cá nhân nhìn đêm tối, tự hỏi có thật Martha vẫn còn là một thiếu nữ trinh nguyên không.

Những thứ họ đeo mang phần lớn được xác định bởi vì sự cần thiết. Giữa những thứ cần thiết có những thứ ít cần thiết như đồ mở hộp P-38, dao con loại bỏ túi, nguyên liệu làm thành viên để đốt lửa, đồng hồ đeo tay, thẻ bài, thuốc chống muỗi, kẹo cao su, kẹo viên, thuốc lá, muối viên, mấy gói bột Kool-Aid để pha nước uống, bật lửa, diêm quẹt, kim chỉ, thẻ lãnh lương, thẻ lãnh phần thức ăn, hai hay ba bi-đông nước. Tổng cộng những thứ này cân nặng từ 6.5 kg cho đến 9 kg, tùy theo thói quen và sức tiêu thụ nhiệt lượng của mỗi người. Henry Dobbins, là một anh chàng to béo, đã mang theo thức ăn nhiều hơn mức cố định, hắn đặc biệt rất yêu thích loại đào hộp ngâm nước đường thật ngọt để trên mặt bánh bông lan.  Dave Jensen người rất quan tâm việc vệ sinh cho mồm và răng mang theo bàn chải đánh răng, dây tơ xỉa răng, và vài thỏi xà bông nho nhỏ loại người ta hay dùng trong khách sạn hắn đã trộm trong R&R ở Sydney , Australia .  Ted Lavender, người hay sợ hãi, luôn luôn mang theo cần sa cho đến khi hắn bị bắn vào đầu phía bên ngoài làng Than Khe vào giữa tháng Tư.  Bởi vì cần thiết và cũng bởi vì tiêu chuẩn hoạt động của quân đội, tất cả đều phải đội nón sắt nặng khoảng 250 g kể cả vải lót và vải bọc.  Họ phải mặc áo lính và quần lính.  Một vài người mang theo quần lót. Họ phải mang giày bốt, nặng một kg – và Dave Jensen mang theo ba đôi vớ với một chai bột trừ mùi hôi trong giày.  Cho đến khi hắn bị bắn, Ted Lavender mang theo khoảng chừng 2 g cần sa loại tốt nhất, bởi vì đối với hắn những thứ này thật cần thiết.  Mitchell Sanders, chuyên viên truyền tin, mang theo condom. Norman Bowker mang nhật ký. Rat Kiley mang truyện tranh.  Kiowa, một người rất tin đạo Baptist, mang quyển thánh kinh Tân Ước quà của ông bố, người từng dạy tôn giáo mỗi Chủ nhật ở thành phố Oklahoma thuộc tiểu bang Oklahoma . Như dùng để làm hàng rào chắn ngăn ngừa chuyện không hay, Kiowa mang theo trong lòng cái nghi kỵ người da trắng hắn đã thừa hưởng của người bà với cái mã tấu đi săn của người ông.  Bởi vì đó là những điều cần thiết. Bởi vì mặt đất thì bị cài mìn và đặt bẫy, tiêu chuẩn hoạt động bắt buộc mỗi quân nhân phải mặc áo giáp bên ngoài là vải ny lông bên trong có lót thép. Cái áo giáp này nặng 3kg, nhưng trong những ngày nóng bức dường như nó nặng nề hơn.  Bởi vì bạn có thể chết rất nhanh, mỗi người mang theo ít nhất là một một tấm băng lớn có sức ép thật mạnh, thường thường được cất trong mũ sắt để tiện dùng.  Bởi vì ban đêm thường khá lạnh và mùa mưa rất ướt át, mỗi người phải mang một cái poncho màu xanh lá cây vừa có thể che mưa vừa có thể dùng làm cái lều tạm trú.  Với tấm vải lót kèm theo, cái poncho nặng khoảng 900g nhưng công dụng rất đáng kể.  Trong tháng Tư, thí dụ, khi Ted Lavender bị bắn, họ dùng cái poncho của hắn để gói thân thể hắn, rồi khiêng hắn băng đồng, để đưa lên phi cơ trực thăng chở hắn đi.

Họ gọi những thứ đó là legs hay grunts.  Tiếng lóng dùng để chỉ những thứ nặng nề nhọc nhằn ngoài sức diễn tả.

Mang một vật gì thì gọi là khuân, như khuân của nợ hay như con lạc đà khuân cái bướu trên lưng của nó. Như Thiếu úy Jimmy Cross đã khệ nệ khuân cái tình yêu dành cho Martha lên đồi và qua đầm lầy.  Chữ khuân ở đây ám chỉ một sức trì trệ ray rức nặng nề hơn nghĩa của nó.

Hầu như người nào cũng khuân theo một vài tấm ảnh.  Trong ví, Thiếu úy Cross đã giữ hai tấm ảnh của Martha.  Tấm ảnh đầu là một tấm ảnh màu Kodac có viết chữ Thương, dù anh biết là nó không chứa đựng cái nghĩa như thế. Nàng đứng tựa vào một tường gạch.  Đôi mắt xám không biểu lộ vui buồn, môi hé mở khi nàng nhìn thẳng vào máy ảnh.  Đôi khi trong đêm tối Thiếu úy Cross tự hỏi ai đã chụp cho nàng tấm ảnh ấy bởi vì anh biết nàng có nhiều bạn trai, bởi vì anh yêu nàng quá, và bởi vì anh nhìn thấy cái bóng của người chụp ảnh trải lên trên tường gạch.  Tấm ảnh thứ hai được cắt từ quyển niên giám của trường Mount Sebastian năm 1968.  Đó là một bức ảnh chụp trong lúc di động – đội bóng chuyền nữ – và Martha đang cúi người nằm rạp song song với mặt đất, nhoài người vói quả banh, lòng bàn tay của nàng thật rõ nét, lưỡi mím chặt giữa đôi môi, nét biểu hiện rất thật và đầy tranh đua.  Không thấy rõ những giọt mồ hôi. Nàng mặc quần thể thao ngắn màu trắng.  Đôi chân của nàng, anh nghĩ, chắc bẩm là đôi chân xử nữ, khô và nhẵn, đầu gối bên trái hơi co lại và chịu toàn thể sức nặng của nàng, chừng hơn 45 kg. Thiếu úy Cross nhớ là đã từng sờ vào cái đầu gối này.  Trong bóng tối của một rạp chiếu phim, anh còn nhớ, phim Bonnie and Clyde, Martha đã mặc một cái váy bằng vải tuýt xô, phim đang chiếu màn cuối, khi anh sờ đầu gối nàng, nàng quay lại nhìn anh bằng cái nhìn vẻ buồn bã nhưng rất tỉnh táo làm anh phải rút tay về. Tuy nhiên anh nhớ mãi cái cảm giác của cái váy và cái đầu gối dưới làn vải và tiếng súng đã giết chết Bonnie cùng với Clyde, anh đã hổ thẹn như thế nào, chậm chạp và dồn nén như thế nào.  Anh nhớ đã hôn nàng đêm ấy, lúc chào từ giã ở cửa phòng nội trú của sinh viên.  Ngay lúc ấy, anh nghĩ, anh nên làm một cái gì thật gan dạ.  Anh nên bế nàng leo những bậc thang vào phòng cột nàng vào giường và sờ cái đầu gối bên trái ấy suốt đêm.  Đáng lẽ anh nên mạo hiểm làm chuyện ấy. Rồi mỗi khi anh nhìn tấm ảnh anh lại nghĩ thêm nhiều điều mới mà anh nên làm.