Mùa Giáng sinh trong ký ức

Nguyên tác A Christmas Memory của Truman Capote.

Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà

Bài này đã đăng ở Văn Chương Mới (newvietart.com) năm 2009.

TRUMAN CAPOTE  (1924 – 1984 )

Sơ lược về tác giả: Truman Capote sinh ra tại New Orleans, Louisiana ngày 30 tháng Chín năm 1924 và mất ngày 25 tháng Tám năm 1984. Có khoảng 20 tác phẩm của Truman Capote đã được chuyển thành phim và kịch bản. Tác phẩm được biết đến nhiều nhất là Breakfast at Tiffany, và Cold Blood. Ông là bạn thân của Harper Lee, tác giả quyển How to Kill a Mockingbird và bà đã dùng ông làm người mẫu cho nhân vật Dill trong tác phẩm của bà. Ông bắt đầu viết rất sớm. Vào năm mười một tuổi ông đã chuyên chú viết ba giờ đồng hồ một ngày. Khi ông được bốn tuổi, bố mẹ ông ly dị và mẹ ông gửi ông về Monroeville, Alabama với một người trong họ, bà u già Rumbley Faulk, Truman thường gọi bà là Sook. Ngày 25 tháng Tám, trước khi chết, những lời cuối cùng của ông là “Em đây mà, em là Buddy,” và “Em lạnh quá.” Buddy là tên của bà u già đặt cho Truman. Continue reading Mùa Giáng sinh trong ký ức

Món Quà Vô Giá

Tác giả: Stephanie Ray Brown

Người dịch Nguyễn thị Hải Hà

Bài này đăng ở Văn Chương Việt năm 2011

Những ai thích ca hát luôn luôn tìm thấy bài hát. Tục ngữ.

Sau khi các em học trò lớp hai của tôi chào cờ xong, các em ngồi xuống ghế. Nhưng Duane vẫn đứng. Duane là cậu học trò rất thông minh và tính tình rất dễ thương, nhưng hoàn cảnh gia đình của em không mấy tốt đẹp.

Mẹ của em không chồng một mình nuôi con và gặp phải rất nhiều vấn đề khó khăn phức tạp trong cuộc sống. Duane và ba đứa em gái thường được Ban Xã hội mang đi gửi chỗ khác mỗi khi mẹ em không thể đương đầu với cuộc sống. Cho là đêm qua lại có chuyện không hay xảy đến với em, tôi đến gần em để hỏi xem có việc gì. Lúc ấy em ngước lên nhìn tôi với đôi mắt đen láy, tôi có thể nhìn thấy trong đôi mắt đầy nỗi buồn và thất vọng. Continue reading Món Quà Vô Giá

Hai Người Chưa Gặp Mặt

Tác giả: John McNulty

Người dịch: Nguyễn Thị Hải Hà dịch

Bài đăng ở Văn Chương Việt năm 2011.

Eddie Casavan và Harry Marnix đang đi trên Đại lộ thứ Năm, đoạn đường cắt ngang đường thứ Năm Mươi, bất chợt nhận ra bầu không khí Giáng sinh đang bao trùm lấy họ. Có vẻ như tinh thần Giáng sinh kẹp ông Casavan chặt chẽ hơn là với người kia, nhưng cả hai người đều cảm nhận được lễ Giáng sinh đang bấu lấy họ. Cửa sổ các cửa tiệm, không khí lạnh giá, đèn được thắp sáng lên từ lúc xế chiều, và có lẽ, vài ly rượu mạnh họ uống khi đi dạo đã tạo nên cảm giác này.

Họ rẽ qua một con đường khác qua khỏi Đại lộ thứ Năm thì Eddie nói, “Dường như tôi không còn muốn có quà Giáng sinh nữa.” Continue reading Hai Người Chưa Gặp Mặt

Giáng Sinh ở Tokio

Giáng Sinh ở Tokio

Tác giả: Max Hill 

Nguyễn Thị Hải Hà dịch

Truyện đã đăng ở Văn Chương Việt năm 2011

Thời Trân Châu Cảng, tôi được phát cho một con số, số 867, rồi bị nhốt vào căn phòng giam có diện tích một mét rưỡi nhân ba mét ở nhà tù Sugamo, người Nhật chỉ nhạt nhẽo gọi nó là Tokio Kochisho, hay Nhà Giam Tokio. Tháng 5, khi ấy tôi vẫn còn ở Sugamo, tôi bị xử và bị buộc tội đã gửi cho báo Associated Press, ở chức vụ phóng viên, những câu truyện mà theo sự phóng đại của ông thẩm phán, đã “làm tổn hại chính sách ngoại giao của Nhật Bản.” Tôi bị án tù mười tám tháng, nhưng án tù này tạm ngưng khi chính quyền Hoa Kỳ cương quyết đòi phải bao gồm tất cả phóng viên trong đợt trao đổi đầu tiên giữa các quốc gia, và tôi thật sự rời khỏi Sugamo vào tháng 6 khi tôi được đưa ra trại tập trung nơi tương đối tự do hơn,  sau đó được tàu Gripsholm đưa về New York, vì thế toàn bộ thời gian bị ở tù của tôi là sáu tháng. Sáu tháng ở trong nhà giam Tokio rất là tẻ nhạt. Continue reading Giáng Sinh ở Tokio

Giáng Sinh

Giáng Sinh

Tác giả: Vladimir Nabokov

Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà.

Truyện Giáng Sinh đăng ở Văn Chương Việt năm 2011.

Sau khi đi bộ từ trong làng trở về trang viện băng ngang cánh đồng tuyết sáng lờ mờ, Sleptsov ngồi vào trong góc nhà, trên cái ghế bọc nhung ông không nhớ đã bao giờ dùng đến nó. Cũng giống như những chuyện chúng ta thường thấy sau một cơn đại họa. Không phải anh em mà lại là một người quen sơ, ông láng giềng ở nông thôn bạn chẳng mấy khi để ý đến lúc bình thường bạn chẳng buồn trò chuyện đến, lại chính là người an ủi bạn, rất khéo léo và hoàn toàn dịu dàng, nhặt hộ bạn cái mũ bạn đánh rơi sau khi tang lễ chấm dứt lúc bạn đang bị choáng váng trong nỗi đau khổ, răng bạn đang run lập cập, và mắt bạn đang mờ vì nước mắt. Người ta cũng có thể nói như thế về đồ vật. Bất cứ căn phòng nào, ngay cả những căn phòng ấm áp thân mật nhất và nhỏ đến không thể nào nhỏ hơn, hay trong cái chái nhà ít khi được sử dụng của một trang viện đồ sộ ở nông thôn, cũng có một góc không hề có người lui tới. Và đó là cái góc nhà Sleptsov đang ngồi. Continue reading Giáng Sinh

Ba truyện Giáng sinh hay

Giới thiệu ba truyện ngắn rất hay về Giáng sinh. Nguyễn thị Hải Hà dịch và giới thiệu. Phần giới thiệu này đã đăng trên Văn Chương Việt năm 2011.

Cả ba truyện ngắn, Giáng Sinh của Vladimir Nabokov, Hai Người Chưa Gặp của John McNulty, và Giáng Sinh ở Tokio đều được trích từ “Christmas at The New Yorker: stories, poems, humor, and art” xuất bản năm 2003. Nhiều truyện trong quyển này rất hay và của nhiều tác giả rất nổi tiếng như John Cheever, John Updike, Alice Munro, … . Continue reading Ba truyện Giáng sinh hay

Âm Thanh Và Tinh Thần Giáng Sinh

Nguyên tựa đề của bài là Âm Thanh Và Tinh Thần Giáng Sinh qua đôi tai người phụ nữ khiếm thính.

Tác giả: John E. Schlimm II 

Nguyễn thị Hải Hà dịch

Bài này đã đăng ở Văn Chương Việt năm 2011. Âm thanh và tinh thần Giáng sinh

Âm Thanh và Tinh Thần Giáng Sinh của John E. Schlimm II được trích từ A Chicken Soup for the Soul – Christmas (Cháo Gà[1] Bồi Dưỡng Tâm Hồn trong mùa Giáng Sinh). Tôi có sửa chữa nên có một vài chữ khác với bản đã đăng trên Văn Chương Việt.

Giáng sinh không chỉ xảy ra trong một ngày, một
buổi lễ để chúng ta chào đón rồi nhanh chóng lãng quên.
Giáng sinh là một tinh thần nên được thấm sâu
vào mọi mặt trong cuộc đời của chúng ta. Continue reading Âm Thanh Và Tinh Thần Giáng Sinh

Cũng ngày này sáu năm về trước

Sáng nay ngồi nghĩ sáu năm về trước, ngày 5 tháng 1 có gì lạ, tôi lục ảnh cũ ra xem.

Tôi đưa cô út và hai đứa cháu gọi tôi bằng bác đi xem phim trong một thương xá cách nhà chừng 20 phút lái xe. Thương xá ở Mỹ có cách thiết kế giống nhau. Thường thương xá cỡ lớn có một rạp chiếu phim, mỗi rạp có nhiều phòng chiếu có thể chiếu năm hay bảy phim cùng một suất. Mỗi thương xá có những cửa hiệu danh tiếng như Macy, Bloomingdale, JC Penny trấn ở mỗi cửa. Khách có thể đi từ đầu này của thương xá sang đầu kia của thương xá mà không cần phải đi ra ngoài. Những cửa hiệu lớn thường có hai hay ba tầng. Thương xá là nơi du khách đến viếng nhiều, cũng tương tự những chỗ nổi tiếng như viện bảo tàng, vườn bách thảo, v.v…

Đi mall (thương xá) là chuyện thường, giải trí, của nhiều người, trẻ lẫn già. Vì ngoài rạp chiếu phim cửa hàng bán nhiều đồ rất đẹp mắt, trang trí mỹ thuật, còn có nhà hàng, quán ăn, chỗ gặp nhau của nam thanh nữ tú. Trẻ con có thể viếng những cửa hàng bán đồ chơi. Ngay cả đồ chơi cũng có những thứ hấp dẫn, mở mang kiến thức. Tôi thì thích vào tiệm sách, gọi miếng bánh, ly cà phê và đọc những tạp chí có nhiều hình ảnh mỹ thuật hiện đại hay cổ điển. Continue reading Cũng ngày này sáu năm về trước

Mười hai câu chuyện Giáng sinh kỳ lạ nhất – Kết thúc

sedaris

11) David Sedaris, “Nhật Ký SantaLand” (1992)

Sedaris, đóng vai elf trong thương xá Macy, tặng cho chúng ta những lời cường điệu. Hai mươi ngàn người đến SantaLand mỗi ngày. Họ đánh nhau, họ ói mửa, và ăn vạ; và nếu như họ thật sự kém may mắn, họ sẽ được đón chào bằng những lời chế nhạo của một tên elf quỷ quái. Khi các bà mẹ kêu gọi Macy sa thải gã, Sedaris chỉ có câu nói này: “Đuổi tôi đi, thế là giúp tôi đấy. Tôi đang mặc bộ quần áo bằng nhung màu xanh lá cây. Chẳng có gì có thể tồi tệ hơn chuyện này.” Ồ, nhưng mà có đấy. Một tên elf đang lợi dụng sờ mó những người elf khác và cả Santa cũng chẳng được buông tha. Một đứa bé hư đang dỗi hờn ở quầy tính tiền, vậy mà lại được (với lời đòi hỏi của người mẹ) tiếp đãi bởi một vị elf tốt tính tên là Sedaris, người này đã cấy nỗi sợ Santa vào đứa bé. Không phải chỉ có vài thỏi than hay không được quà, đồ chơi. Chúng tôi nói về một Santa chuyện trộm cắp lường gạt cao cấp, trộm máy truyền hình, đồ dùng chạy bằng điện, trộm xe của gia đình – một sự trả thù bằng óc tưởng tượng chỉ ngưng khi bà mẹ của đứa trẻ kêu lên, “đủ rồi.” Nhưng điều này chính là quan điểm của Sedaris trong bài tiểu luận nói về cá nhân: khi nói đến những trò thương mãi trong dịp Giáng sinh, khi kêu lên đủ rồi thì đã là quá độ.

12) Charles D’Ambrosio, “Bài hát  Giáng sinh” (1994) 

Vào ngày thứ mười ba của lễ Giáng sinh, người yêu của Popper tặng cho chàng – một nỗi buồn sâu đậm. Trong khi chàng lắng nghe những bài thánh ca trong ngày sau lễ Hiến Linh, mẹ chàng gọi điện thoại, lo lắng, nhắc nhở chàng thánh magi đã hoàn tất chuyến du hành. Trong một trò chơi thời thơ ấu, mẹ và chàng đã di chuyển các pho tượng nhỏ bằng sứ của ba vua tiến về máng lừa, nơi chúa sinh ra đời trong 12 ngày. Không ngủ được, Potter cho vào trong túi những quả khoai tây nướng, dự tính sẽ ăn dọc đường trong khi đi bộ, sau đó chàng tặng những củ khoai nướng này cho một người không nhà đang sống trên đường phố. Tuyết bắt đầu rơi nặng, bình minh sắp lên, chàng đến nơi chàng muốn. Rung chuông cửa nhà người vợ cũ, chàng thoáng nghe tiếng đàn ông vọng ra khi nàng trả lời tiếng chuông kêu cửa của chàng qua hệ thống intercom, và Popper tỉnh giấc – một ngày sau ngày chúa xuất hiện – nhìn thấy điều mà chàng nghi ngờ từ trước đến nay.

R. Clifton Spargo là tác giả của quyển Beautiful Fools, The Last Affair of Zelda and Scott Fitzgerald (2013).

Ghi chú của chủ blog.

Tác giả dùng chữ elf có thể dịch là tiên nhưng tiên này không giống khái niệm tiên ở Việt Nam. Elf theo huyền thoại Norse là những người có phép thuật, có thể giúp người và cũng có thể hại người. Được biểu hiện trong phim Lord of the Rings họ là người cao lớn, da trắng, tóc bạch kim, rất đẹp. Elf trong khái niệm của Thiên Chúa Giáo là những người bé nhỏ, nghịch ngợm, tinh quái.

Tác giả cũng dùng chữ weird để nói về tính chất của mười hai truyện ngắn Giáng sinh này. Chữ weird thường mang tính chất khác thường, khác biệt, kỳ cục, không giống bình thường. Mười hai truyện ngắn này, khác với truyện Giáng sinh truyền thống kêu gọi lòng hảo tâm, tha thứ, vị tha, yêu thương, lạc quan, nhấn mạnh khía cạnh không mấy tốt đẹp trong cuộc sống. Chúng nhắc lại những buồn phiền, thất vọng, lo lắng do mùa lễ mang đến. Tôi không thể truyền đạt hết nghĩa chữ weird, nên chỉ dùng chữ kỳ lạ, mà thật tình muốn dùng chữ kỳ cục.

Mười hai câu chuyện Giáng sinh kỳ dị nhất – Phần 5

Tolstoi

9) Leo Tolstoy, “Ngày Giáng Sinh Đặc Biệt của Bố già Panov” (1890)

Một ông thợ đóng giày góa vợ, con cái lớn lên rời khỏi gia đình, cảm thấy cô đơn trong đêm Chúa Giáng sinh, ông đọc lại câu chuyện Chúa ra đời trong thánh kinh, và tin rằng ông sẽ chia sẻ chỗ ở với chúa Hài đồng và gia đình của Chúa. Buồn ngủ, ông nhớ là ông có một đôi giày nhỏ bé làm bằng da, ông đã cất để dành, đôi giày đẹp nhất ông đã làm ra, và thề là sẽ tặng đôi giày cho Chúa hài đồng. Chúa xuất hiện trong giấc mơ nói rằng ngài sẽ đến thăm ông lão trong ngày lễ Giáng sinh. Buổi sáng, đường phố vắng vẻ, chẳng có ai ngoại trừ người phu quét đường. Panov mời người phu quét đường vào nhà, một mặt vẫn ngóng chờ người khách đặc biệt. Chập sau, ông lão rước vào nhà một người mẹ trẻ với đứa con gái mới sinh, và ông pha sữa cho đứa bé. Cô bé cần giày, nhưng mẹ của đứa bé nghèo quá không có tiền mua; bố già Panov phải quyết định là sẽ để dành đôi giày cho Chúa Hài đồng hay mang đôi giày tặng cho cô bé không giày.

10) Laura Farmer, “Đêm Giáng Sinh” (2006)

Về thăm nhà trong mấy ngày lễ nhiều khi làm người ta thấy căng thẳng thần kinh. Nếu như những lo lắng này làm bạn bị nổi ngứa một vệt to như trứng ngỗng? Nhân vật chính trong câu truyện này về thăm bố mẹ già ở một thị trấn nhỏ ở Iowa, nhưng phát hiện mình bị nổi ngứa, lớp da dường như sắp bị bong ra. Buổi chiều Giáng sinh, nàng vào bệnh viện. Bác sĩ trấn an nàng là vết ngứa sẽ lặn mất trước khi nàng về đến nhà bố mẹ. Người yêu cũ đến đón nàng, và họ lái xe vòng quanh thành phố nhỏ, và đến một quán rượu chui thưởng thức vài ly rượu chui (qui lệ của quán rượu chui) và xem một cuốn phim về ngày lễ Giáng sinh do Susan Lucci đóng (loại phim này cũng là một qui lệ ở quán rượu chui). Ảnh hưởng bởi không khí ngày lễ giáng sinh, bởi những nỗi buồn và nhớ lại ngày xưa, nàng định làm một việc táo bạo, ngoại trừ khi cái chỗ bị ngứa đỏ có thể phát biểu ý kiến.

 

Mười hai câu chuyện Giáng sinh kỳ dị nhất – Phần 4

Oates

7) Joyce Carol Oates, “Đêm Giáng Sinh 1962″

Một cô gái hồi tưởng về Giáng sinh như một cơn ác mộng. Sau một ngày ở nhà ông bà, bạo động trong gia đình xảy ra rất ồn ào. Người bố tấn công người mẹ chỉ vì ông ta nghĩ là bà vợ có giọng cười quỷ quyệt. Chẳng hiểu trong cuộc xung đột chuyện gì xảy ra mà cô bé và con búp bê cũ kỹ tả tơi của cô (quà tặng của bà) bị xô mạnh qua phía bên kia của căn phòng. Cây Giáng sinh bị ngã nhào, những món đồ trang trí treo trên cây bắn tung tóe khắp nơi. Chân của cô bé bị gãy. Con búp bê bị chảy máu đầu. Người mẹ bắt người bố phải rút lui bằng cây súng của bà, và trong cơn say tí bỉ bà chạy ào ra khỏi cửa, lái xe trong cơn bão tuyết, chiếc xe nhích từng phân xuyên qua những bông tuyết đang rơi, như đang tham dự cuộc thi trượt tuyết có chướng ngại trên con đường đóng băng. Ở nhà thương, đồ trang trí Giáng sinh rực rỡ và chung quanh cây Giáng sinh là những gói quà gói giấy rất đẹp nhưng bên trong rỗng không, người mẹ tuyệt vọng vì không có giấy tờ bảo hiểm y tế, lo sợ sẽ bị người ta đối xử như những người da trắng nghèo bị xem là cặn bả của xã hội, chỉa súng và đòi hỏi người ta, ai cũng được, phải cứu đứa con bị gãy chân của bà.

8) Alice Walker, “Mặt Tôi Hướng Về Ánh Sáng: Ý Nghĩ về Giáng Sinh” (1988) 

Trong khi hồi tưởng kỷ niệm sự thay đổi các quan niệm đã gắn bó với ngày lễ Giáng sinh, Walker nhớ lại thời bà lớn lên ở vùng đồng quê, nơi cộng đồng người da đen miền Nam cư ngụ, bà đã tin rằng Santa Claus một người da trắng duy nhất đã tử tế hào phóng với người da đen. Tuy thế, bà tự hỏi có bao nhiêu người da trắng có thể vui vẻ chào đón “một người đàn ông da đen to lớn lẻn” vào nhà của họ. Cuối cùng, bà gạt bỏ Santa Claus, xem Santa Claus là biểu tượng sự tôn thờ “một người da trắng lý tưởng,”như một niềm tin đặt không đúng chỗ của cha mẹ bà, trong khi họ cố gắng xây dựng đức tin trong các người con, là, những thay đổi mầu nhiệm có thể xảy ra trong vòng bản tính của con người. Để thỏa hiệp với ngày lễ Giáng sinh, Walker quyết định, ý nghĩa chân chính nhất của ngày lễ này gắn liền với ngày Đông chí, cái ngày mà mặt trời bắt đầu trở lại với Bắc Bán Cầu. Niềm tin về sinh nhật của Chúa vẫn được giữ nguyên vẹn nhưng tuyệt đối không còn cái ông lão vui vẻ người da trắng phân phát những tiếng reo vui giả tạo.

Mười hai câu chuyện Giáng sinh kỳ dị nhất – Phần 3

Willa

5) Willa Cather, “Giáng sinh của tên trộm” (1896)

Có một chàng tuổi trẻ lang thang khu vực phía nam thành phố Chicago trong đêm Giáng sinh, cũng là đêm sinh nhật của chàng. Sau khi cắt đứt liên hệ với gia đình rất giàu có, chàng đi làm ký giả vặt ăn huê hồng từng bài viết, làm diễn viên phụ trội đóng những vai nhỏ nhặt, hoặc làm thuê trên tàu ăn công theo ngày. Bây giờ không nhà sống lang thang, đói và buồn bã vì thất bại, chàng làm nghề trộm và nhất quyết phải thành công với nghề này. Nuôi kỷ niệm buồn về những buổi tiệc sinh nhật của mình cũng chính là ngày lễ Giáng sinh lúc trước, chàng đột nhập vào một gia đình giàu có, vơ vét nữ trang cho vào túi. Giữa lúc ăn trộm chàng chợt nhận ra một cái tách bằng bạc rất quen thuộc. Ngay lúc ấy một người đàn bà xuất hiện ở khung cửa rồi ôm chầm lấy chàng. Đó là mẹ của chàng. Đúng vậy: bị bắt quả tang, ăn trộm ngay chính căn nhà cha mẹ chàng dọn về sau khi chàng bỏ nhà cũ ra đi. Khi người mẹ vui mừng tột độ cố giúp đứa con tài ba của bà phục hồi sức khỏe, thì chàng trai cố gắng bù đắp cái nghèo khó mà chàng đã biết mùi dùng cơ hội này để sống lại cuộc sống hưởng thụ ngày xưa.

6) Mark Costello, “Ngày lễ Giáng Sinh của Murphy” (1969)

Hôn nhân và nghề gõ đầu trẻ của Murphy đang có nguy cơ sụp đổ vì tật nghiện rượu của chàng, Murphy vẫn lái xe đưa vợ và đứa con trai về thăm gia đình. Nhưng căn nhà ở dưới Illinois, nơi chứa đầy các pho tượng tôn giáo và các pho tượng hình con voi, biểu lộ sự tin tưởng vào Thiên chúa giáo cùng với chủ nghĩa Cộng hòa của gia đình chàng, cho dù hiện tại có trắc trở đến đâu, hoàn cảnh vẫn có thể đưa đẩy đến chỗ tồi tệ hơn – điều đó có nghĩa là dù gì đi nữa chàng vẫn có thể về thăm nhà. Tuy chàng cố giữ cho những khốn khổ của hiện tại cách xa với những khốn khổ của quá khứ, chàng không thể lẩn tránh nó – mặc dù chàng lại ở trong cái xe ấy khi câu chuyện chấm dứt, lái xe làm chàng có cảm tưởng như một người phạm tội đang chạy trốn – cái quá khứ mà trái tim chàng không chịu lãng quên.

Mười hai câu chuyện Giáng sinh kỳ dị nhất – Phần 2

3) F. Scott Fitzgerald, “Santa Claus kém may mắn” (1912)

Thời bây giờ người lớn đọc không biết chán truyện dành cho thiếu niên, đọc ngốn ngấu từ The Hunger Games đến Divergence. Thế thì mùa lễ này tại sao không làm một tiệc linh đình với những truyện hay dành cho thiếu niên trong quá khứ, như truyện do Fitzgerald viết khi còn là một cậu thiếu niên. Một cô gái trêu vị hôn phu của cô, con nhà giàu trẻ tuổi đẹp trai, nhắc cậu nhớ rằng cậu chưa có ngày nào thật sự làm ra tiền để kiếm sống, và cô còn thách thức là cậu sẽ không thể thành công trong việc đem tặng số tiền hai mươi lăm đô la cho dù cậu cố gắng. Nhận lời thách thức của vị hôn thê – chàng phải đem tặng tiền mặt cho người lạ, và không được cho hơn hai đô la mỗi người – nhưng đem tiền đi cho té ra không phải là chuyện dễ dàng. Chàng tiến đến gần một cặp vợ chồng giàu có trên đường phố New York, nhưng thay vì có thể cho tiền chàng lại bị họ tặng tiền. Hai người sống lang thang không nhà trên đại lộ thứ Ba nghi ngờ chàng có âm mưu lường gạt. Lần lượt hết trường hợp này đến trường hợp khác đôi khi buồn cười hay lố bịch, chàng trai học được một bài học, đó là đem tiền đi biếu mà không có sự hiện diện của tinh thần Christmas thì đó món tiền ấy không được xem là quà.

Untitled

4) Grace Paley, “Giọng To Nhất” (1959)

Một cô bé Do Thái vào năm thập niên 1930 ở Coney Island được chọn làm người đọc vở kịch Giáng sinh cho cả lớp nghe bởi vì cô có giọng nói rất to và ngân vang. Cô tham gia thực tập đọc vở kịch rất chăm chỉ, và cô rất can đảm chỉ huy các bạn cùng lớp để giúp vị giáo viên đạo diễn của vở kịch. Trong khi đó, mẹ của cô, vốn là người di dân, đã rất lo lắng về đám trẻ con Do Thái có cha mẹ tham dự lễ mừng Giáng sinh. Một ông bố vô lễ nào đó đã nhắc nhở vợ ông ta là cho phép trẻ con tham dự buổi trình diễn kịch mừng lễ Giáng sinh dường như chỉ là một cái giá rất nhỏ để tránh sự tàn sát ở châu Âu. Vào ngày trình diễn mừng lễ Giáng sinh, cô bé tuyên bố Chúa đã hy sinh tử nạn vì tình yêu nhân loại, chẳng hề ngại ngùng vì xung đột tôn giáo chút nào cả. Cô chỉ không hài lòng buổi trình diễn tuyệt vời của cô bị tước đoạt vinh quang vì bố mẹ cô với hàng xóm đã cãi nhau bằng tiếng Yiddish. Họ thắc mắc là họ có làm chuyện đúng hay không bởi hành động của các con của họ.

Mười hai câu chuyện Giáng sinh kỳ dị nhất – Phần 1

Note của chủ blog: Từ bây giờ đến ngày Giáng sinh còn 6 ngày. Tôi sẽ chia mười hai câu chuyện Giáng sinh kỳ dị nhất thành 6 phần mỗi ngày đăng hai chuyện. Xin mời các bạn đọc phần 1.

Tác giả: R. Clifton Spargo

Đã chán đọc đi đọc lại câu chuyện cũ mèm, như thể đó là truyện duy nhất viết về lễ Giáng sinh? Câu chuyện về một ông nhà giàu bẳn tính có trái tim keo kiệt cười khẩy nói “Vậy à” khi người ta kêu gọi giúp đỡ người nghèo, không cho nhân viên được nghĩ một ngày được ăn lương để anh ta đón lễ? Những bóng ma của Bài Ca Giáng Sinh đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần quá rồi. Orson Welles đã dùng giọng nói của mình đóng vai Ebenezer Scrooge trên đài truyền thanh từ năm 1930; Jim Backus đã dùng cách nói trong bụng để diễn vai lão già có trái tim băng giá, trong phim hoạt họa chiếu lần đầu trên chương trình truyền hình, Mister Magoo’s Christmas Carol; và các diễn viên từ Kelsey Grammer đến Jim Carrey đều đã lần lượt đóng vai này trên truyền hình và màn ảnh lớn. Như chúng ta đã biết, cơn ác mộng của Scrooge đã đánh thức ông ta đi tìm sự cứu rỗi. Trong cơn chấn động tình cảm, ông ta đã để tinh thần hào phóng của Giáng sinh mở cửa trái tim ông.

Nhưng không phải lúc nào Giáng sinh cũng mang đến niềm vui bất tận. Nhiều khi, mùa lễ cũng mang đến cảm giác buồn bã hay nói đơn giản, khá kỳ dị. Bởi thế tôi sưu tập mười hai câu chuyện Giáng sinh – cho đồng nhịp với mười hai ngày lễ Giáng sinh – và một chuyện trong số những chuyện này chấm dứt vào ngày thứ mười ba – được sáng tác bởi các tác giả nổi tiếng trong quá khứ lẫn đương thời. Bởi vì cả mười hai câu chuyện đều nghiêng về những chi tiết rất khác thường, có lẽ chúng ta nên nghĩ về chúng như mười hai câu chuyện Giáng sinh kỳ dị nhất, không giống như truyện của Charles Dickens.

1) Fyodor Dostoyevsky, “Một Buổi Tiệc Giáng Sinh và Cái Đám Cưới” (1848)

Một nhà quí tộc tham lam hy vọng cưới cô bé mười một tuổi cùng với số tiền hồi môn trong khi cô đang chơi đùa với các trẻ em khác chung quanh cây Giáng sinh. Vài đứa trẻ nhà giàu phách lối đã tẩy chay cậu bé tóc đỏ con của cô giáo dạy tư gia, khiến cậu bé phải rút lui vào một góc nhà, sau đó cô bé đến chơi với cậu. Tuy nhiên niềm vui của cậu bé đáng thương này tan vỡ nhanh chóng, bởi vì niềm vui này làm cho một thằng bé phì nộn con nhà quí tộc ghen ghét cậu. Thằng ấy đã cố gắng xua đuổi cậu bé đối thủ mười một tuổi đi chỗ khác chơi, nhưng sau đó thì thật sự rượt cậu bé. Bây giờ thì độc giả đã bắt đầu bênh vực cậu bé tóc đỏ hết mình (có lẽ còn cầu nguyện cho cậu bé nữa, trong tinh thần giáng sinh) ai cũng muốn con mèo mập kia bị đánh bại. Nhưng đây là một câu chuyện của Dostoievski nên bạn cần phải bỏ cái tinh thần lạc quan, cầu chúc hạnh phúc cho toàn thế giới, ở nhà và chuẩn bị một cái kết thúc lắt léo dễ sợ trong tiếng reo vui của ngày lễ.

2) Sandra Cisneros, “Ba Gã Khôn Ngoan” (1986)

Cisneros

Một gia đình người Mễ Tây Cơ sống gần con sông, phần bờ thuộc tiểu bang Texas, nhận một món quà Giáng sinh to cồng kềnh do ông hiệu trưởng của mấy đứa con gửi tặng. Món quà này được giao đến nhà mấy tuần trước ngày Giáng sinh. Lũ trẻ con hiếu kỳ muốn biết món quà to đùng ấy là cái gì nhưng bà mẹ nhất định theo phong tục của người Mễ chờ cho qua lễ Feast of the Epiphany (6 tháng Giêng) mới được mở quà. Thế là gói quà cứ ngồi đó mà chờ, trong phòng khách, trước cái TV bị hỏng, trong khi đứa con trai và đứa con gái, đồng thời cả ông bố lẫn bà mẹ và kể cả mấy người láng giềng đều cố tưởng tượng về món quà: cái máy giặt, cái TV mới, hình màu, máy hát quay đĩa, một cái tủ lạnh chứa đầy bia, hay là một cái tủ chứa đầy đồ chơi. Giáng sinh trôi qua: ông bố và bà mẹ tổ chức một buổi tiệc mừng Năm Mới, tất cả mọi người phải làm ngơ món quà khổng lồ trong phòng. Khi đến lúc món quà được mở, liệu nó có chút cơ hội nào để thi đua với sự tưởng tượng mà mọi người đã hình thành trong trí óc của họ?

Merry Christmas

Ở đây bây giờ là 7 giờ sáng ngày 24 tháng 12 năm 2009.  Với các bạn blog của tôi thì đã có nơi đang chuẩn bị đón Giáng sinh vì đã buổi chiều (ở VN), buổi trưa, hay có nới mới năm giờ sáng.  Còn ở Cali thì mọi người vẫn còn ngủ, hoặc là chỉ mới đi ngủ.

Xin chúc các bạn và gia quyến một mùa Giáng sinh an bình và hạnh phúc.  Mong là các bạn có mỗi ngày ít nhất là một niềm vui.  Và có nhiều điều như ý nguyện.  Chúc sáng tác dồi dào, được viết tự do, được yêu thương, và sức khỏe dồi dào.

Tôi không theo đạo nhưng thích cái không khí nhộn nhịp của người Tây phương.  Họ mừng Giáng sinh như mình ăn Tết.  Cứ trông họ mua sắm mà mình cảm thấy stressful.  Với tôi, chọn quà là một điều rất khó khăn, nhất là với những người mà vật chất có phần thừa mứa.  Còn tinh thần, khó mà biết thật sự người ta mơ ước những gì trong thâm tâm.  Đôi khi người ta chỉ mơ ước được yêu thương; nhưng phải làm cái gì, phải nói cái gì để biểu lộ lòng yêu thương?  Có những người không cần phải nói gì, không cần phải làm gì, sự hiện diện của họ trong cuộc đời của mình đã nói lên được lòng yêu thương.  Và có những người sự hiện diện của họ đánh thức lòng yêu thương tưởng đã ngủ yên (hay chết giấc) trong tâm hồn mình.  Xin trân trọng tình bạn.

Tôi không có kỷ niệm nào đặc biệt về Giáng sinh.  Truyện về Giáng sinh tôi thích suốt đời là một truyện rất ngắn, rất buồn, Cô Bé Bán Diêm.  Tôi đọc hằng bao nhiêu truyện cứ mỗi giáng sinh nghĩ đến truyện Cô Bé Bán Diêm là lòng tôi lại quặn thắt thương cho nhân vật.  Ở xứ lạnh này mới thấy cái cô bé bán diêm đi chân đất không giày là một khổ sở vô cùng và chỉ khi chết đi cô mới tìm lại được tình thân với người bà mà cô thương nhớ mỗi ngày.  Oliver Twist hay cô bé Annie là những nhân vật có một kết cục hạnh phúc nhưng cô bé bán diêm của Anderson khổ đến lúc cuối cùng.

Tạp Ghi – Huyền thoại về Mistletoe

Vào lễ Giáng sinh, chúc tụng khi gặp nhau, Người Mỹ có phong tục là hễ một người đàn ông và một người đàn bà tình cờ (hay cố ý) đứng bên dưới một chùm mistletoe thì phải hôn nhau.

1

Mistletoe là một loại chùm gửi, thường mọc trên cây sồi (oak), cây tần bì (ash), hay cây du (elm).  Gọi chung là mistletoe nhưng thật ra chúng có nhiều loại.  Thường chịu được lạnh dai hơn cây đại thụ mà nó tầm và gửi thân, loại chùm gửi giống Âu châu có lá hình bầu dục và trái nhỏ màu trắng,   Loại mistletoe sống ở Bắc Mỹ có trái màu đỏ và lá cũng hình bầu dục nhưng to hơn, thường được dùng trang hoàng lúc Giáng Sinh.  Tục lệ trang hoàng bằng mistletoe bắt đầu vào khoảng thế kỷ mười tám  Có một số người cho rằng trái của nó có thể chữa được chất độc tuy nhiên trái của nó thường có chất độc có thể gây đau bụng, dữ dội, ói mửa, và đi tiêu chảy.

Theo huyền thoại của Scandinavia (Na Uy), vị thần Baldr đã bị giết bằng mistletoe.

2
Tương truyền Baldr là một vị thần rất trẻ và xinh đẹp; tóc, lông, kể cả chân mày đều màu trắng, người chàng tỏa ra ánh sáng.  Chàng thông minh, duyên dáng, và ăn nói bặt thiệp đứng vào hạng nhất trong thời ấy; tuy nhiên người ta không biết nhiều về Baldr ngoại trừ cái chết của chàng đã đưa đến sự diệt vong của các vị thần khác ở Ragnarok rồi sau đó chàng tái sinh vào một thế giới mới.  Baldr nằm mơ thấy cái chết của chàng và mẹ chàng cũng có một giấc mơ tương tự.  Thấy Baldr lo sợ, bà Frigg, mẹ của Baldr, bắt tất cả vạn vật phải hứa với bà là sẽ không làm hại Baldr.  Tất cả vạn vật đều hứa, chỉ còn lại mistletoe, vì bà Frigg đã cho rằng loài chùm gửi này quá trẻ thơ, nhỏ bé, không quan trọng, chẳng có khả năng hãm hại ai nên bà không buồn hỏi xin nó.

Loki, vị thần chuyên môn gây rối loạn, nghe thế ông ta bèn dùng loại cây này chuốt thành một mũi lao (có truyền thuyết khác bảo là cây gươm).  Loki đưa cây lao cho Hoor, em của Baldr, và vị thần này vô tình giết chết anh mình.

Vào cuối thế kỷ 12, một sử gia người Đan mạch tên là Saxo Grammaticus viết lại truyền thuyết này làm sử liệu.  Balderus (trước gọi là Baldr) và Hotherus cùng theo đuổi tranh giành Nanna con gái của Gewar, vua của Na Uy.  Balderus có nửa giòng máu của thần, và thân hình cứng rắn sắt thép đâm không thủng.  Hai người chiến đấu dữ dội nhưng Balderus bị thua nên bỏ chạy.  Nana thuộc về Hotherus.  Chưa chịu bỏ cuộc hẳn Balderus lại tấn công Hotherus  nhưng lần này càng thua nặng hơn.  Hotherus giết chàng bằng một thanh gươm thần có tên là Mistletoe.

Một truyền thuyết của La Mã đã tin rằng mistletoe là nguồn gốc của sự may mắn vì nó có vị thuốc đã được dùng để chữa bệnh cho dân ở vùng thôn dã..  Các giáo dân Công giáo cũng có một truyền thuyết là mistletoe trước đây là loại cây thân mộc cứng được dùng làm cây thánh giá, sau khi Chúa bị đóng đinh lên cây thánh giá, loại cây này đã bị héo và ngắn lại rồi biến thành loại tầm gửi.

Phong tục nam nữ hôn nhau dưới mistletoe bắt nguồn từ một phong tục của cổ xưa Scandinavia. Mãi từ thời cổ xưa mistletoe tượng trưng cho hòa bình.  Nếu đối phương của hai bên tình cờ gặp nhau trong rừng dưới bụi mistletoe, họ hạ bỏ vũ khí và giữ hiệp ước hòa bình cho đến hôm sau.  Làm thế nào mà phong tục giữ hòa bình tạm thời giữa hai người chiến sĩ (ngầm hiều cùng là phái nam) trở thành nụ hôn của hai người khác phái thì tôi chịu không thể giải thích.

Nguồn Wikipedia và nhiều website khác nhau.