Buồn như tiếng Vượn

Tản mạn đăng trên Gió O. Buồn Như Tiếng Vượn

Monkey in Japanese culture
monkey on a plum tree của Mori Sosen

Tiếng đàn của Thúy Kiều chắc phải buồn lắm. Nàng đàn cho Thúc Sinh nghe, Thúc Sinh rơi lệ. Ối, Thúc Sinh thì nói làm gì, chàng này là một người thiếu chí khí, có khóc thì cũng chẳng lạ. Nhưng Hồ Tôn Hiến, một kẻ làm chính trị mưu mô dạn dày, khi nghe tiếng đàn của Kiều, cũng nhăn mày châu rơi:

Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu trên đầu ngón tay
Ve ngâm vượn hót nào tày
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày châu rơi

Nỗi buồn từ tiếng đàn như máu từ tim chảy ra đầu ngón tay của Kiều được Nguyễn Du so với tiếng vượn. Như thế tiếng vượn kêu (hót hay hú) ắt phải não nề thê lương lắm? Những người sống ở thành phố, hay nông thôn, ít khi nghe tiếng vượn vì chúng sống trong rừng núi. Người sống ở miền lạnh càng ít khi nghe tiếng vượn hơn vì đa số khỉ vượn sống ở vùng nhiệt đới, ngoại trừ vài địa hạt ở miền Bắc Nhật Bản có loài khỉ mặt đỏ sống vì có nhiều suối nước nóng.

Nhưng có thật tiếng vượn buồn không hay chỉ là:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

Xin mời bạn cùng với tôi, thử đi tìm nỗi buồn trong tiếng vượn trong một số bài thơ.

Ca dao Việt Nam có:

Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu

Hai câu thơ này không nói gì về nỗi buồn. Phải chăng người đọc chỉ phỏng đoán cô gái trẻ lấy chồng về nơi rừng núi hiu quạnh, nhớ mẹ ắt phải buồn và từ đó nghe thấy nỗi buồn trong tiếng vượn?

Mã Đái, một nhà thơ thời Vãn Đường (836-905)[1] không rõ tiểu sử, có bài thơ tựa đề Sở Giang Hoài Cổ nói về tiếng vượn như sau:

Lộ khí hàn quang tập,
Vi dương há Sở khâu.
Viên đề Động-đình thụ
Nhân tại mộc-lan chu.
Quảng trạch sinh minh nguyệt,
Thương sơn giáp loạn lưu.
Vân trung quân bất kiến,
Cánh tịch tự bi thu.

Cụ Trần Trọng Kim dịch là Thơ Hoài Cổ Làm Trên Sông Nước Sở:

Khí sương sáng lạnh một bầu,
Bóng dương mờ chiếu Sở khâu sớm ngày,
Động-đình vượn hót trên cây,
Thuyền lan chở khách, người ngây nỗi lòng.
Trăng soi đầm rộng sáng trong,

Núi xanh bao khắp mấy giòng nước giao.
Chúa mây lui tới rất mầu
Suốt đêm chỉ những rầu rầu cảnh thu.

(Trần Trọng Kim, tr. 223)

Ở bốn câu thơ tiếng Hán Việt, “viên đề Động-đình thụ” nghĩa là con vượn kêu trên cây ở Động đình đâu có thấy nói gì về tiếng vượn kêu nghe buồn thảm đâu nhưng khi dịch ra tiếng Việt dịch giả Trần Trọng Kim lại thêm bốn chữ “người ngây nỗi lòng.” Phải chăng vì câu chót của bài thơ “Cánh tịch tự bi thu” khiến dịch giả nhìn thấy nỗi buồn của tác giả rồi gán nỗi buồn này vào tiếng vượn? Để tham khảo, xin mời độc giả đọc thêm ở cuối bài về bài thơ Sở Giang Hoài Cổ từ  thivien.net[2]

Ngoài Mã Đái, trong khi đi tìm nỗi buồn trong tiếng vượn, tôi gặp một số nhà thơ rất danh tiếng thời Đường có nhắc về tiếng hú của loài vượn. Xin mời độc giả cùng tôi xem các thi sĩ này đã gởi gấm những gì trong tiếng vượn.

Nhà thơ Vương Xương Linh, không biết rõ năm sinh và ngày chết (?-756-?)[3], đỗ Tiến sĩ, chẳng biết ông làm lỗi gì mà bị biếm chức đến Long Tiêu. Một ngày đi ngang con sông nhìn thấy lầu Vạn Tuế, chung quanh là núi cao sông sâu, buổi chiều có mây có khói, trên núi có vượn có sóc, ông bùi ngùi nhớ về quê xưa rồi viết bài thơ Vạn Tuế Lâu, trong bài thơ có hai câu:

[…]
Viên dứu hà tằng li mộ lĩnh,
Lô tư không tự phiếm hàng châu.

Bản dịch của Trần Trọng Kim dịch là:

Núi chiều vượn khỉ yên vui
Bãi kia chim cốc tới lui từng bầy (Trần Trọng Kim, tr. 229)

Và Chi Điền dịch là:

Ngơ ngác vượn chiều lìa đỉnh núi,
Lênh đênh đàn cốc nổi ven cầu.[4] (Chi Điền Hoàng Duy Từ, tr. 129)

Một ông thì bảo rằng vượn khỉ yên vui, một ông lại nói ngơ ngác vượn chiều, đã yên vui thì chắc không buồn, còn con vượn ngơ ngác thì có buồn hay không? Vì không biết nên tôi tham khảo với thivien.net thấy dịch là:

Vượn sóc chưa từng rời khỏi đỉnh núi chiều,
Cò vạc lặng lẽ qua lại trên bãi vắng vẻ lạnh lùng.[5]

Hai câu này chỉ nói có vượn sóc trên núi và cò vạc trên bãi sông, nhưng cuối bài thơ, nhà thơ Vương Xương Linh có câu “hướng vãng mang-mang phát lữ sầu” nói về nỗi buồn của người xa nhà khi nhớ về quá khứ. Dịch giả của chúng ta dùng tiếng kêu của loài vượn để nói lên nỗi sầu ly hương của tác giả.

Đỗ Phủ mở đầu bài thơ Đăng Cao (Lên Cao) bằng câu “Phong cấp thiên cao viên khiếu ai” thì nói rõ ràng tiếng vượn kêu nghe buồn. Dịch giả Trần Trọng Kim dịch ra chỉ đơn giản là “trời cao, gió mạnh, vượn kêu”[6] nhưng không nói gì đến nỗi buồn. Đỗ Phủ dùng tiếng vượn để than thở tuổi già bệnh tật phải lên núi một mình, tóc đã bạc mà vẫn còn vất vả gian nan.[7]

Nghe tiếng vượn kêu buồn đến chảy nước mắt có nhà thơ Cao Thích[8]. Trong bài thơ có cái tựa rất dài Tiễn Lý Thiếu-Phủ Đi Giáp-Trung và Vương Thiếu-Phủ Đi Trường-Sa[9] Cao Thích viết,

[…]
Vu-giáp đề viên sổ hàng lệ,
Hành-dương qui nhạn kỷ phong thư[10]
[…]

Dịch giả Trần Trọng Kim dịch là:

Kẽm Vu tiếng vượn lệ rơi,
Hành-dương chim nhạn đem vài phong thư (TTK, trang 252)

Bài thơ tiễn hai chàng trai bị vua đày, người họ Lý đi Giáp Trung đất Thục, người họ Vương đi Trường Sa đất sở. Tiễn người bị đi đày dĩ nhiên là buồn, đến cái chỗ hẻo lánh nên nghe tiếng vượn buồn rơi nước mắt là tất nhiên.

Thêm vào những bài thơ Đường vừa kể trên, tôi còn gặp vài bài thơ Đường trong đó có câu thơ nói về tiếng kêu của con vượn như Khê Hành Ngộ Vũ Dữ Liễu Trung Dung của Lý Đoan, và riêng nhà thơ Lý Bạch có nhiều bài nhưng ở đây xin trích dẫn sơ qua hai bài Ký Thôi Thị Ngự và Trường Can Hành. Trong bài thơ của Lý Đoan, đặc biệt, tiếng vượn không buồn, mà đọc kỹ một chút độc giả có thể nhận ra sự hài lòng, thậm chí là vui ngầm của người trong cuộc.

Khê Hành Ngộ Vũ
Dữ Liễu Trung Dung

Nhật lạc chúng sơn hôn,
Tiêu tiêu mộ vũ phồn.
Nả kham lưỡng xứ túc
Cọng thính nhất thanh viên.

Cụ Trần Trọng Kim dịch là:

Mặt trời lặn, núi tối mò,
Rầu rầu chiều tối, mịt mù mưa sa.
Sao đành đôi chốn ngủ xa,
Chi bằng tiếng vượn một nhà cùng nghe.[11]

Thiết nghĩ chiều tối mưa rơi thì cảnh có vẻ buồn, nhưng đôi bạn Lý Đoan và Dữ Trung Dung, cùng ở chung một quán trọ cùng nghe một tiếng vượn ắt là phải vui vì không phải xa nhau.

Nhân vật trong các bài thơ của thi hào Lý Bạch vì xa nhà nghe tiếng vượn hú mà lòng buồn (Ký Thôi Thị Ngự). Vợ của người đi xa, nghĩ đến chồng ở nơi quan san cách trở, hai bên vách núi có tiếng vượn kêu thảm thiết vang trời (Trường Can Hành).

Đa số, những câu thơ nhắc đến tiếng vượn kêu, nếu có buồn thì chỉ vì phản ảnh tâm tư của nhà thơ. Tiếng vượn cũng như tiếng mưa rơi, buồn vì nhà thơ đã mang sẵn tâm sự buồn.

@ @ @

Sau khi tìm tiếng vượn trong thơ Đường, tôi thử tìm tiếng vượn trong thơ hài cú của Basho nhà thơ Nhật Bản. Basho trong lúc hành hương đi vòng quanh nước Nhật, đến một làng hẻo lánh cạnh bở sông, ông bắt gặp một đứa bé bị bỏ rơi. Chia cho đứa bé chút thức ăn, ông và người đệ tử lại lên đường. Sau đó, nghe tiếng vượn kêu ông liên tưởng đến tiếng khóc của đứa bé.

Poet grieving over shivering
monkeys, what of this child
cast out in autumn wind.

Thi sĩ ngậm ngùi vì con vượn
run rẩy, còn đứa bé này ra sao
khi bị bỏ rơi trong gió thu[12]

Con Vượn là một biểu tượng đặc biệt của văn hóa Nhật Bản thường tượng trưng cho vài đặc tính không tốt của loài người. Bài thơ dưới đây tôi có thể hiểu từng chữ nhưng thật tình không hiểu hết ý bài thơ. Con vượn trở nên giống cái mặt nạ, hay cái mặt nạ thay đổi cho giống tính con vượn, hay cái mặt nạ lật mặt nạ con vượn?

Year by year,
the monkey’s mask
reveals the monkey

Năm này sang năm kia,
mặt nạ của vượn
để lộ ra vượn

Winter downpour –
even the monkey
needs a raincoat

Mưa mùa đông xối xả
ngay cả loài vượn
cũng cần áo mưa

Loài vượn cũng được tôn làm thần thánh trong Phật Giáo Nhật và Shinto. Chúng ta đã từng nghe đến câu chuyện sanzaru hay Ba Con Vượn Khôn Ngoan. Sanzaru là một cách chơi chữ của người Nhật với chữ saru gần giống zaru có nghĩa là con vượn và chữ gốc –zaru trong tiếng Nhật cổ được dùng trong cách chia động từ nói về cái không có, thí dụ như mizaru, kikazaru, iwazaru có nghĩa là không thấy, không nghe, không nói. Đền thờ Tōshō-gū, ở Nikkō có khắc tượng Ba Con Vượn Khôn Ngoan. Vào thời thật cổ xưa (c. 787-824), kinh điển Phật Giáo có lưu truyền câu truyện về một nữ thánh đầu tiên bị chế nhạo là saru (con khỉ hay vượn) vì cho rằng bà chỉ giả vờ bắt chước người tu, nhưng về sau để vinh danh bà người ta đặt cho bà cái tên sari (có nghĩa là Xá Lợi của Phật).[13]

Ba con vượn khôn ngoan là: Mizaru, bịt mắt để không nhìn những điều tội lỗi; Kikazaru, bịt tai để không nghe những lời thị phi; và Iwazaru, che mồm để không nói những lời độc ác.[14] Trong văn hóa Tây phương, ba con vượn này lại bị hiểu theo nghĩa không hay tượng trưng cho những người hèn nhát, trốn tránh sự thật, giả vờ không nghe không thấy để không phải thốt lên những lời đấu tranh bảo vệ sự thật.

@ @ @

Loài khỉ hay vượn được nhắc đến rất nhiều trong văn học cũng như phim ảnh. Khán giả điện ảnh chắc chưa quên một con dã nhân khổng lồ rất khôn ngoan trong phim King Kong, hay con dã nhân khổng lồ trong Mighty Young Joe được cô chủ Jill cứu và giúp đưa về Phi châu. Nhà văn Haruki Murakami có truyện ngắn “A Shinagawa Monkey,” trong đó con khỉ biết nói đã khiến một nhân vật trong truyện bị mất trí nhớ, và nhờ đó mà quên chuyện đau lòng với người trong gia đình. Nhà văn Patricia Highsmith, người Hoa Kỳ nhưng nổi tiếng ở Anh và Pháp hơn ở nước nhà, có truyện “Eddie and the Monkey Robberies” về một con khỉ được nuôi để đi ăn trộm. Người Mỹ có rất nhiều phim trong đó khỉ là nhân vật như “Planet of the Apes” trong phim này khỉ là chủ nhân còn loài người là nô lệ vì loài người quá tiến bộ trong việc phá hủy sự sống trên trái đất, sau đó là Rises of Planet of the Apes và Dawn of Planet of the Apes. Có hai truyện ngắn về khỉ tôi rất thích đó là “The Monkey’s Paw” của W. W. Jacobs và The Monkey King của May Sharon. Trong “The Monkey’s Paw” Bàn Tay (hay bàn chân) Khỉ là một thứ bùa linh thiêng, hễ ai có nó sẽ được toại nguyện với ba điều ước nhưng phải trả giá rất đắt cho ba điều ước này. Còn The Monkey King thì nói về con khỉ đầu đàn của một đàn khỉ sống trong thời diệt chủng ở Campuchia.

Có một phim tài liệu nói về một vụ kiện rất nổi tiếng vào thập niên hai mươi đó là phim “The Monkey Trial.” Năm 1925 giáo viên John Scopes bị đưa ra tòa vì bị cáo buộc đã dạy thuyết tiến hóa Darwin. Đưa thầy giáo Scopes ra tòa chỉ là một cái cớ để vạch ra một điều luật mâu thuẫn và lỗi thời của Hoa Kỳ. Dù thuyết tiến hóa của Darwin rất phổ thông trên toàn thế giới và được đưa vào sách giáo khoa của các trường Trung học Hoa Kỳ, một số địa phương vẫn còn bảo thủ nên có luật cấm giáo viên không được dạy cho học sinh thuyết Darwin. Cuộc tranh cãi của hai bên, biện hộ và công tố viện, đại diện hai bên đều là luật sư rất nổi tiếng thời bấy giờ, kéo dài mấy tháng trời; biến Dayton, một thành phố vô danh của tiểu bang Tennesse, trở nên nổi tiếng như một thành phố du lịch vì ký giả từ trên toàn nước Mỹ tựu về thành phố này để kịp loan tin cho những tờ báo lớn. Ngay cả người dân của thành phố cũng chia thành hai phe, một bên tin vào khoa học chấp nhận khỉ là thủy tổ của loài người, còn bên kia nhất quyết chỉ tin con người là một sáng tạo của Thượng Đế.

Khỉ được xem là thủy tổ của loài người. Cynthia Ozick trong bài tiểu luận The Novel’s Evil Tongue đăng trên The New York Times diễn giải rộng hơn một chút, loài khỉ cũng chính là ông tổ của nhà văn. Theo bà Ozick, nghề văn bắt đầu từ thuở Eve nghe lời con rắn dụ dỗ ăn trái táo, sau đó đến thời loài khỉ ngồi bắt chí bắt rận cho nhau, thì thầm kể cho nhau nghe chuyện hàng xóm láng giềng. Nghề kể chuyện, cho dù là chuyện ngồi lê đôi mách, lâu ngày biến thành nghề viết văn. Bà Cynthia Ozick bảo rằng “to choose to live without gossip is to scorn storytelling,”[15] nghĩa là chọn lựa sống mà không nói chuyện thị phi là khinh bỉ nghề kể chuyện (hay viết truyện).

Cứ nghe các nhà thơ kêu ca tiếng vượn thật là ai oán, tôi dùng Google để thử nghe tiếng vượn có thật sự buồn không và nếu buồn thì buồn đến cỡ nào. Người Việt có rất ít ngữ vựng nói về giống khỉ, trong khi Anh ngữ lại có rất nhiều phân biệt từng loài. Ngoài chữ monkey còn có simian, ape (khỉ dã nhân), gibbon (vượn), macaque (khỉ mặt đỏ của Nhật), gorilla, primate, và orangutan. Tôi nghe nhiều thứ tiếng của loài khỉ nói chung, monkey, gibbon, gorilla, macaque, thật tình chỉ thấy đó là tiếng hú của loài vật. Trò chuyện với người tình của gần bốn mươi năm về trước (nay là chồng nên hết là người tình), tôi bảo rằng đúng là người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, khi buồn thì tiếng mưa tiếng gió ngay cả tiếng mèo ngao chó sủa cũng buồn, mấy ông nhà thơ chỉ vẽ chuyện. Chàng, không quan tâm thơ thẩn gì cả, bảo rằng: ngày xưa trong xóm của chàng có một người bắt được con vượn trong rừng đem về thành phố nuôi. Con vượn có lẽ nhớ rừng thường hay hú vang cả xóm. Tiếng hú của nó thật là ai oán. Có lẽ tất cả nỗi nhớ đàn nhớ rừng đều gói trọn trong tiếng hú.


 

[1] Trần Trọng Kim, Đường Thi, nhà xuất bản Đại Nam (California, Hoa Kỳ), trang xxix
[2] http://www.thivien.net/M%C3%A3-%C4%90%C3%A1i/S%E1%BB%9F-giang-ho%C3%A0i-c%E1%BB%95/poem-K4ceSkJo_U1dyPvax3W7zg
[3] Chi Điền Hoàng Duy Từ, Đường Thi Tuyển Dịch, xuất bản ở Hoa Kỳ năm 1984, bản quyền của Hoàng Tuấn Lộc, tr. 129.
[4] Chi Điền Hoàng Duy Từ, tr. 129.
[5] http://www.thivien.net/V%C6%B0%C6%A1ng-X%C6%B0%C6%A1ng-Linh/V%E1%BA%A1n-Tu%E1%BA%BF-l%C3%A2u/poem-R90JLHqIaGEjbqMZJ_yJYA
[6] Trần Trọng Kim, tr. 248.
[7] http://www.thivien.net/%C4%90%E1%BB%97-Ph%E1%BB%A7/%C4%90%C4%83ng-cao/poem-h3EvqeQvlQUxq2sceUWWYQ
[8] Cao Thích (?-765) tự là Đại Phu, quê ở Trực Lệ, 50 tuổi mới làm thơ, tỏ ra có thi tài và khí chất hơn người. Thường đến Biện Châu cùng Lý Bạch, Đỗ Phủ, uống rượu làm thơ. Trích trang 82 trong Đường Thi Tuyển Tập của Chi Điền Hoàng Duy Từ.
[9] Trần Trọng Kim, trang 252 .
[10] http://www.thivien.net/Cao-Th%C3%ADch/T%E1%BB%91ng-L%C3%BD-thi%E1%BA%BFu-ph%E1%BB%A7-bi%E1%BA%BFm-Gi%C3%A1p-Trung-V%C6%B0%C6%A1ng-thi%E1%BA%BFu-ph%E1%BB%A7-bi%E1%BA%BFm-Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-Sa/poem-WlSbS0D9s5mtpoEgdRajNw?Sort=Update&SortOrder=desc
[11] Trần Trọng Kim, tr. 335.
[12] Trích trong Basho – On Love and Barley, Haiku of Basho, bản dịch sang tiếng Anh của Lucien Stryk.
[13] https://en.wikipedia.org/wiki/Monkeys_in_Japanese_culture
[14] https://en.wikipedia.org/wiki/Three_wise_monkeys
[15] Cynthia Ozick, The Novel’s Evil Tongue, the New York Times, Dec. 16, 2015.

 

Lạnh cả không gian

Nguyên câu thơ, của ai không nhớ tên, là “lạnh cả không gian, lạnh cả lòng.” Rồi lại có người nói rằng “đất lạnh tình nồng,” hay “tay em lạnh để cho tình mình ấm.” Nói gì thì nói, thơ mấy thì thơ, nếu bạn không ở xứ lạnh thì bạn khó thể tưởng tượng ra cái lạnh chết người này. Mà lạ nhen, mấy bạn ở Canada lại ít than lạnh, còn mấy bạn ở Texas cũng ít than nóng, chỉ có một bạn ở NJ lúc nào cũng than. Lạnh cũng kêu mà nóng cũng kêu, trời dở dở ương ương càng kêu to dữ. Continue reading Lạnh cả không gian

Nghề chơi cũng lắm công phu

Hôm trước tôi viết một blog, nói về người bạn của chị tôi, đeo nhiều nhẫn kim cương. Tôi đoán ắt có người không thích sẽ bảo rằng chị ấy khoe của. Hôm qua hôm kia gì đó, một vài người bạn lôi ra một blog cũ của tôi có tựa đề “Khoe hàng xịn” (WordPress làm tổng kết cuối năm cho biết số view của blogger.) Thì đây cũng là một hình thức khoe của. Như tôi đã tẩn mẩn nghĩ, tóm lại, đâu có gì khác biệt hay đáng chê trách trong sự khoe khoang. Người đẹp thì khoe nhan sắc. Người giàu thì khoe của cải vật chất, cái này thì nhiều thứ để khoe. Người thông minh trí thức thì khoe bằng cấp, khoe sự hiểu biết thông tuệ. Nhà văn khoe tác phẩm. Họa sĩ khoe tranh. Có người khoe tủ sách. Blogger thì khoe số người đọc. Còn nhiều kể không hết. Tại sao lại phân biệt khoe khoang về tinh thần và vật chất, khoe những thành tựu về tri thức thì cao cả hơn những tích lũy về vật chất. Có phải là bất công không?

Đã có một thời người Việt chúng ta che dấu sự giàu có của mình. Ăn ngon không dám để hàng xóm biết. Tiền của lại càng không dám để lộ ra. Như thể khoe của là một việc làm nếu chẳng xấu xa thì cũng là dại dột. Bây giờ thì khác.

Gần đây, tôi gặp hai trường hợp khoe của khá thú vị.

Anh ấy khá trẻ, có lẽ độ hơn năm mươi. Hai vợ chồng đẹp đôi, xinh xắn, bặt thiệp, sự hiếu khách hiện ra rõ ràng. Tôi được đãi ăn lẩu dê. Dê mua ở chợ farm của người Amish. Vào nông trại gặp con dê con nào vừa ý là chỉ người ta giết thịt mang về, tươi rói. Cô vợ nói đùa riêng với tôi. “Ảnh thích khoe lắm. Hễ gặp người đến thăm là khoe.” Vợ A sinh ra lớn lên ở miền Nam. Quen nhau từ sau năm 75, nàng theo bố mẹ sang Mỹ trước xong trở về, cưới nhau, làm thủ tục bảo lãnh A sang Mỹ.

Để entertain khách mới gặp lần đầu chưa quen không biết sở thích của khách, A (tên giả) cho chúng tôi nghe nhạc. Anh cho chúng tôi nghe từ Abba trên màn ảnh truyền hình vĩ đại trong phòng khách, đến nhạc Pháp chúng tôi chẳng hiểu gì cả, đến nhạc cổ điển tôi có nghe chút chút nhưng chẳng mấy rành, còn những người đi chung thì càng mù mịt. Rồi chúng tôi nghe đến Lệ Quyên với những bản nhạc trước bảy lăm, những bản nhạc bị mệnh danh là sến được hát bằng một giọng hát không sến. Chúng tôi bàn đến những ca sĩ trước bảy lăm, mỗi người có một loại nhạc tủ của họ. Rồi lan man đến Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang qua giọng hát Elvis Phương, Người Tình Không Chân Dung qua giọng hát Lệ Thu,… Rồi chúng tôi được nghe cả Văn Hường hát vọng cổ với bài Văn Hường Đi Chợ Tết. Tôi có một trí nhớ khá tốt, khi nghe bài vọng cổ chưa được chủ nhà giới thiệu thì tôi đã đoán ra là giọng hát của Văn Hường. Những người đi chung hôm ấy không phải ai cũng nhận ra giọng hát của Văn Hường.

Như thế thì cũng chẳng có gì là đặc biệt. Điều đặc biệt là tôi nghe Văn Hường hát vọng cổ bài “Văn Hường Đi Chợ Tết” qua một cái máy quay đĩa, phải lên dây cót bằng tay, kim đặt trên đĩa hình như bằng nhựa (A có nói nhưng tôi quên), đang hát phải ngừng lại thay kim kẻo mòn thì sẽ hư đĩa. Cái máy quay đĩa, và cả cái đĩa nữa đều có tuổi đời già hơn tuổi tôi. Đồ cổ nha!

Ngay cả giọng ca Lệ Quyên tôi cũng được nghe từ băng gốc, có chữ ký của ca sĩ đề tặng. giọng hát của Lệ Thu và Elvis Phương trong vắt qua những băng những đĩa từ thời xưa. Thời người ta còn dùng băng AKAI, hai cuộn băng tròn quay từ băng này sang băng kia, nghe xong phải đổi mặt băng,… Phòng khách của A không chỉ có một loại máy nghe nhạc mà có đủ thứ máy, từ cổ điển đến tân thời, sắp xếp đẹp mắt. Âm thanh thì tuyệt vời lắm. Thảo nào cậu bạn màu Xám của Tsukuru Tazaki (truyện của Murakami) đã mang đĩa nhạc đến nhà Tsukuru để được nghe nhạc bằng máy tốt, bởi vì nghe nhạc với âm thanh trong vắt thì hay không thể diễn tả được. Tôi chỉ muốn tắt hết đèn, làm nghẹn hết những âm thanh khác, ngồi trong một góc để nghe những bản nhạc xưa. Âm thanh cũng như mùi hương, có thể mang người ta trở về một khoảng thời gian êm đẹp tuỵêt vời nào đó.

Rồi A dẫn chúng tôi xuống hầm. Hầm của anh cũng giống như một phần của nhà kho amazon. A có tất cả mọi loại máy nghe nhạc, phát ra nhạc, mà tôi không có đủ ngữ vựng (hay từ vựng) để diễn tả. Không phải một, hai, hay ba mà là hai ba trăm (thậm chí cả ngàn) cái đủ loại đủ kiểu tất cả được đặt trên ngăn kệ khung sắt (nếu không tưởng tượng được nhà kho Amazon, bạn hãy tưởng tượng đến Home Depot). Cùng một loại có vài ba cái. Anh có cả bàn để cưa đục khoan đẽo và sửa chữa những dụng cụ điện tử tinh vi. Có cả nhiều thứ còn để trong thùng chưa kịp khui ra. Anh và ông Tám trầm trồ thiết kế tinh vi của những cái máy quay đĩa, những bộ phận cơ khí phải mở ra đóng vào cho thật ăn khớp. Ông Tám thán phục A là một “true engineer.”

Tôi đã chẳng nghĩ đến việc viết bài này nên không chụp ảnh. Bây giờ thì ngồi tiếc là đã chẳng có ảnh của máy quay đĩa và cái đĩa “Văn Hường Đi Chợ Tết.”

Vậy đó. Khoe của cũng là một chuyện thú vị. Tôi không thể tưởng tượng được các nhà nghệ sĩ vì khiêm tốn mà đem giấu hết tác phẩm của họ. Nếu họ làm thế thì thiệt thòi cho chúng ta biết là chừng nào.

Nghe người nhà kể lại A là con của một bác sĩ ở ngoài Bắc vào Nam sau 75. A nói giọng Trung. Trước khi sang Mỹ A học ở Đại học Phú Thọ. Rõ ràng đây là một kỹ sư có tài chứ không phải vì quyền lực phe phái mà vào được Phú Thọ. A chưa hề bán những máy móc cổ của A. Chỉ để chơi thôi.

Nghề chơi cũng lắm công phu.

Tôi biết hai trường hợp khoe của thú vị. Nhưng mới kể xong một trường hợp là đã thấy đủ rồi. Trường hợp thứ hai thì để kể sau. Lúc nào vui sẽ kể tiếp.

Đôi tình nhân muôn đời hôn nhau

Romeo và Juliet

Đây là ảnh của đôi tình nhân Romeo và Juliet. Họ đứng hôn nhau muôn đời trước hí viện Delacorte Theater trong Central Park nơi trình diễn kịch của Shakespeare hằng năm vào mùa hè. Khách xem tự do không phải trả tiền. Tùy theo sự hảo tâm của khán giả ai muốn giữ truyền thống văn hóa thì đóng góp. Vì là nơi xem diễn kịch free nên không dễ gì có vé vào cửa. Người muốn xem kịch có thể đăng ký online may nhờ rủi chịu, hay xếp hàng trước cửa nhà hát từ sáng sớm (6:30 am) đến trưa thì người ta phát vé, đến tối (8:00 pm) mới diễn kịch. Hằng năm người ta đều qui tụ được những diễn viên thượng thặng để đóng kịch Shakespeare như Al Pacino, Sam Waterston, v. v… . Ai không muốn đứng xếp hàng, nhưng muốn xem kịch có thể tặng ban tổ chức kịch một số tiền trước khi mở mùa kịch, năm có Al Pacino diễn người xem chỉ cần tặng ba trăm Mỹ kim thì sẽ được hai vé vào xem kịch. Ba trăm Mỹ kim ở New York City thì không phải là một con số to tát gì. Những vở nhạc kịch ở Broadway cũng có giá tương đương. Continue reading Đôi tình nhân muôn đời hôn nhau

Người Việt Không Phải Là Người Việt

Tác giả: BS Trần Văn Tích

Đa số người đọc bài Người Việt ăn cắp ở Đức của Phạm Thị Hoài xuất hiện trên net tuần vừa qua đều hiểu rằng người Việt được nói trong bài là người Việt mới, người Việt tiến bộ, người Việt xã hội chủ nghĩa.

Phạm Thị Hoài kể rõ lai lịch của họ : họ gốc gác Nghệ an, Quảng bình; họ tụ tập sinh hoạt tại chợ Đồng Xuân Berlin. Một số người Đức cũng hiểu như thế. Dẫu vậy, vấn đề thanh minh cho công luận Đức am tường sự thực vẫn thường cứ phải đặt ra.

Chuyện con mèo Mungo

Phạm Thị Hoài kể rằng người Việt từng ăn cắp mèo. Nghe có vẻ nhân đạo. Hàng xóm Đức không chăm sóc mèo để nó đi hoang, đói khát, ta ăn cắp ta mang về nuôi nấng đúng tiêu chuẩn văn minh; thiết tưởng cũng là một cách góp phần bảo vệ súc vật. Nhưng số phận con mèo Mungo thì khác.

Tờ báo Bild là một tờ báo bình dân phổ biến rất rộng rãi. Số báo ra ngày thứ sáu19.09.2014 đăng bài tường thuật chi tiết về chuyện con người mới xã hội chủ nghĩa tên Trần Quí xử lý con mèo Mungo.

Trần Quí có năm con, sinh sống ở Andernach, một thành phố nhỏ, có lối ba vạn dân, nằm trên sông Rhein. Ông ta bắt con mèo Mungo của hàng xóm và dùng đèn khí Bunsen nướng vàng để nhậu. Đi kèm với bản tin tường thuật nội vụ, tờ Bild còn trình bày một bức ảnh minh hoạ rất lớn, chiếm gần nửa trang báo vẽ cảnh Trần Quí xách mèo Mungo nướng trên ngọn lửa. Cùng ngày, tờ DailyMail-Online cũng loan tin nướng mèo Mungo, tin loan bằng tiếng Anh. Khác với thông lệ, cả hai nguồn tin tức đều ghi trọn vẹn tên và họ thủ phạm, thay vì ghi tắt hay đổi tên đổi họ. Cả địa phương Andernach náo động khi được thông báo tin tức. Láng giềng của Trần Quí hoảng hốt đã đành mà trọn thành phố đều lo nhốt mèo thật kỹ. Hai bà hàng xóm của Trần Quí, Christina Sarwatka và Stephanie Jung kêu cứu với cảnh sát. Toàn thể cộng đồng mèo Andernach bị cấm trại một trăm phần trăm.

Ngày 22.09.2014, nhân danh Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức, tôi viết thư cho Sở Cảnh sát Andernach. Tôi trấn an giới chức công quyền địa phương là người tỵ nạn Việt Nam không có thói quen ăn thịt mèo và tôi xin hai bà hàng xóm của gia đình thủ phạm giết mèo Mungo nhận cho lời chia buồn và niềm tiếc nuối. Cảnh sát gọi ngay điện thoại phúc đáp và câu hỏi đầu tiên người Đức nêu ra là làm sao tôi biết tên con mèo bị nướng. Tôi trả lời rằng cả báo tiếng Đức tiếng Anh lẫn báo giấy báo mạng đều có đăng tên con mèo nạn nhân. Tôi cũng hỏi tình hình sở tại hiện thời ra sao. Cảnh sát cho biết còn xôn xao lắm vì thiên hạ ai cũng sợ cho số phận mèo nhà. Tôi xin số điện thoại tư gia của đồng hương thủ phạm nhưng tất nhiên cảnh sát từ chối. Tôi không biết bao lâu sau Andernach mới hết thiết quân luật đối với đội ngũ loài mãn.

Phát huy sáng kiến phạm pháp

Người Việt tiến bộ thường tham gia trồng cần sa “đại trà“ trên khắp thế giới cho nên thường bị ở tù. Tháng 10.2010, Toà án Địa phương Magdeburg kết án ba người vì tội trồng cây ma túy tại trại Atzendorf, tiểu bang Sachsen-Anhalt, thuộc lĩnh vực Đông Đức cũ. Chủ trại Petro H. lãnh bốn năm rưỡi tù giam, Tân Hoài P. ba năm rưỡi tù giam và Quốc Cường D. hai năm rưỡi tù giam. Khác với trường hợp nướng mèo, tên các can nhân trồng cây độc dược đều viết tắt.

Ngày 04.09.2011, một phụ nữ Việt Nam đến từ Berlin bị còng tay đưa ra khỏi máy bay của chuyến Vietnam Airlines số 544 sắp cất cánh ở phi trường Frankfurt am Main đi Hà nội với gần một triệu Euro chất trong hai vali. Tiền giấy cuộn chặt và giấu trong những chai nước xốt cà chua. Nữ nghi can bị xem là tham gia rửa tiền.

Ngày 19.12.2013, nhân viên quan thuế Đức chận giữ Đại sứ Việt cộng tại Thổ Nhĩ Kỳ The Cuong Nguyen – báo Đức không bỏ dấu tên họ – khi nhân viên ngoại giao này từ Ankara đến Frankfurt am Main trên chuyến phi cơ TK1619 của Hàng không Thổ mang theo trong người gần hai chục ngàn Euro mà không khai báo. Người Đức lại nghi đây là một dịch vụ rửa tiền phạm pháp. Tổng lãnh sự Việt cộng ở Frankfurt phản đối vì như vậy là vi phạm qui chế miễn dịch đối với giới chức ngoại giao. Cuối cùng, nghi can phải đóng ba ngàn năm trăm đôla tiền bảo hiểm (!) để được bay tiếp về Hà nội. Viên đại sứ ViXi bảo rằng số hiện kim mang theo người là để cứu trợ nạn nhân bão lụt ở quê nhà!

Tờ taz phát hành tại Berlin ngày 27.01.2012 loan tin Pham Toan P., chủ sự phòng tại Đại sứ quán Việt cộng nhập viện điều trị nhưng không chịu thanh toán y phí. Phát ngôn viên Bệnh viện Vivantes, cô Mischa Moriceau, cho biết đương sự bị ung thư máu cấp tính, cần được xạ trị. Phí tổn lên đến từ mười lăm đến mười bảy ngàn Euro. Ngoài ra, còn cần một ngàn Euro mua vé máy bay khứ hồi cho em gái ông P. từ Việt Nam sang Đức để tiến hành cấy tủy. Nhà thương đòi thanh toán chi phí điều trị nhưng Đại sứ quán Việt cộng cứ một mực làm ngơ khiến dư luận Đức rất bất bình.

Thường xuyên thanh minh

Việt cộng dốc lòng yểm trợ tổ chức tự xưng là Hội Liên Hiệp Người Việt toàn Liên bang Đức, Bundesverband der Vietnamesen in Deutschland e.V. (BVD) , thành lập ngày 22.10.2011. Cung cách tự mệnh danh là tổ chức của người Việt trên toàn lãnh thổ Đức quốc đương nhiên là một hình thức tiếm danh. Tổ chức này được các cơ quan ngoại giao Việt cộng yểm trợ tối đa về tài chánh. Thấy vẫn chưa đủ, nó nộp hồ sơ cho cơ quan BAMF (Bundesamt für Migration und Flüchtlinge, Cơ quan Liên bang về Di dân và Tỵ nạn) ở Nürnberg để xin tài trợ cho các hoạt động văn hoá xã hội (?). Đức nghe bùi tai nên cấp ngân khoản. Chưa được bao lâu, cả chục thành viên trong ban điều hành Hội Liên Hiệp công bố trên trang mạng thư gửi cho BAMF với nội dung không chịu trách nhiệm về thanh toán tài khoản được Đức cấp phát vì có sự lạm dụng bất hợp pháp!

Tổng Giám đốc BAMF là Tiến sĩ Manfred Schmidt. Mấy ngày nay ông ta xuất hiện nhiều lần trên tivi Đức vì vấn đề người tỵ nạn đang là thời sự nóng bỏng. Phụ tá cho Tiến sĩ Schmidt là Cô Anke Eckardt, coi như nữ Bí thư. Mấy lần tôi viết thư cho BAMF xác định rõ ràng rằng cộng đồng tỵ nạn chúng tôi không dính dáng gì đến những tội hình và tội hộ do người Việt gây ra trên đất Đức.

Ngày 12.03.2015, tôi đối diện với cả hai nhân vật, Tiến sĩ Manfred Schmidt và nữ Bí thư Anke Eckardt, tại20. Forum Migration . Cố gắng tận dụng thời gian Stehpause (nghỉ giải lao đứng), tôi trực tiếp trình bày với hai nhân vật hữu trách Đức về cục diện bất thường ở Đức với hai tổ chức qui tụ người Việt khác nhau. Tiến sĩ Manfred Schmidt yêu cầu tôi viết một thư chính thức đề địa chỉ cô Anke Eckardt nhằm mô tả tỉ mỉ thực trạng phân chia hai nhóm người Việt tại Đức. Tôi viết ngay thư theo yêu cầu với đề tựa Die zwei Organisationen von Vietnamesen in Deutschland (Hai tổ chức của người Việt tại Đức). Trong thư tôi nói rõ là chúng tôi không dính dáng gì đến Hội Liên Hiệp, trái lại vì biết rất rõ rằng đây là một tổ chức thống thuộc Đại sứ quán Việt cộng ở Berlin nên chúng tôi, vì lý do an ninh bản thân, luôn luôn tìm cách xa lánh nó. Tôi yêu cầu BAMF tiếp tay phổ biến giúp dữ kiện này đến các cơ quan hữu trách Đức.

Kết quả : cơ quan Otto Benecke Stiftung của Đức gửi thư mời tham gia hội thảo đến địa chỉ nhà riêng của tôi nhưng với tên người nhận là Ông Vũ Quốc Nam, vốn là Phó Chủ tịch phụ trách văn phòng của Hội Liên Hiệp Người Việt toàn Liên Bang Đức!

Trong khi chống cộng, cá nhân tôi lâm vào hoàn cảnh phải thường xuyên tự tách rời khỏi cộng, tự cách ly với cộng. Cố gắng của tôi nhắm vào phía Đức để làm việc này đã đạt được kết quả, tuy rằng chưa trọn vẹn một trăm phần trăm.

Một người Việt Nam chỉ không muốn làm người Việt Nam nữa mà cũng thật là vất vả quá chừng.

Nguồn: http://vuottuonglua.org/2015/08/nguoi-viet-khong-phai-la-nguoi-viet-bs-tran-van-tich/

Một giai thoại nhỏ về Thiếu-tướng Lê Minh Đảo

Tối qua tôi tình cờ gặp trên youtube chương trình nhạc kỷ niệm 30 năm của trung tâm phát hành nhạc Asia. Tôi bỏ những đoạn giới thiệu dài dòng của các MC, chỉ nghe một vài đoạn của vài bài cho đến khi gặp bài Nhớ Mẹ này. Thấy có một vị khán giả cảm động quá khóc mướt làm tôi cũng cảm động theo. Tôi quay trở lại khúc đầu và nghe giới thiệu bài hát này của Tướng Lê Minh Đảo. Kiểm lại trong Wikipedia thấy chức vụ của ông là Major General, Thiếu-tướng.

Trước khi đi ngủ tôi có nói với ông Tám về bài hát Nhớ Mẹ. Tôi ngạc nhiên là một vị Thiếu-tướng đang đi tù lại có thể viết những dòng nhạc thương nhớ mẹ như thế. Quả thật, một cách tổng quát, người lính của quân đội VNCH tâm tính hiền lành, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến yêu thương và mơ ước hòa bình. Tôi thích câu hát “… nắng sẽ về đẩy lùi bóng tối. Và yêu thương và tự do sẽ còn mãi mãi.” Ngay cả lúc tưởng chừng tuyệt vọng ông Đảo và ông Huề vẫn nuôi hy vọng.

Ông Tám kể tôi nghe. Trước ngày Sài Gòn thất thủ, khi bộ đội miền Bắc từ Phan Rang tràn xuống, đã gặp sư đoàn 18 (dưới quyền chỉ huy của Thiếu-tướng Đảo) chặn lại ở Xuân Lộc. Sư đoàn 18 bảo vệ Sài-gòn cho đến khi được lệnh đầu hàng của tướng Dương văn Minh. Trong khi những vị tướng khác đã chạy ra nước ngoài, Thiếu-tướng Đảo vẫn ở lại với sư đoàn dù ông có thể bỏ hàng ngũ đi bằng trực thăng. Sư đoàn của ông triệt thoái rồi giải tán trong trật tự. Ông anh chồng của tôi, là lính, bị mất hàng ngũ từ nơi nào đó, đã gia nhập với đoàn quân của Tướng Đảo. Ông Tám không phải là quân nhân nhưng khi kể lại giai thoại này giọng ông đầy vẻ kính phục. Tôi thường hay nghi ngờ những quyển hồi ký tự khoe chiến công chiến tích huy hoàng, nhưng những câu truyện truyền miệng từ gia đình thì tôi tin.

Nhân có hai bạn Bảo Bình và Kim Ánh hỏi, tôi ghi lại đây để trả lời chung.

Đầm nuôi chim hệ quốc gia

Đầu tiên là tôi thấy mấy tấm ảnh chim bay và hồ lá sen trên blog bạn HN. Thấy bạn để tên hồ là Gull Pond tôi tò mò tìm trên Google không để ý bạn tag nó tên là Edwin B. Forsythe Wildlife Refuge. Sau đó tôi chuyển cái link qua ông Tám. Ông nói đi thì đi. Hôm trước đó, tôi và ông Tám hiking hơn 6 miles đường núi nên tôi hơi mỏi và có ý rút lui. Nhưng ông Tám cứ muốn đi và có ý trách tôi cứ lười, đã dự định rồi lại kiếm cớ rút lui. Tôi đành đi. Continue reading Đầm nuôi chim hệ quốc gia

Giàu bao nhiêu thì đủ?

Tuần trước đọc báo The New York Times thấy một phụ nữ rất trẻ, mới hai mươi lăm tuổi có đứa con trai hai tuổi rơi vào cảnh bần cùng. Ở bên Anh mùa này mà nhà không có sưởi, không có nước nóng, không có thức ăn, nhiều hôm cô nàng và đứa con phải nhịn đói. Cô viết blog và cuộc đời đưa đẩy bây giờ đời sống của cô đã khá hơn nhiều. Cô có được hợp đồng viết văn, xuất bản sách chừng bốn mươi ngàn đồng, mỗi tuần cô lãnh được hơn ba trăm đồng đủ để nuôi con. Cô chỉ lớn hơn con tôi hai tuổi, và cô có con khi cô bằng tuổi con tôi. Đọc về cô tôi thấy lo ngại cho con tôi. Một chuỗi quyết định sai lầm có thể đưa người ta đến chỗ tận cùng trong đáy giếng của xã hội. Continue reading Giàu bao nhiêu thì đủ?

Thành kiến về ngoại hình

Đầu tuần vừa qua tôi nhận được email của một người lạ, qua cái tên tôi biết cậu này là người Việt Nam. Tôi đoán là cậu trẻ hơn tôi.

Trong thư, TK chào tôi, tự giới thiệu là sẽ được dự một khóa học dạy cách sử dụng văn bản mới để duyệt xét cách làm việc của nhân viên, hằng năm. Tôi đã đi dự khóa học này nhưng có lẽ do một thiếu sót nào đó người ta lại bắt tôi đi học lần nữa. Tôi vừa gửi email giải thích với ban tổ chức, thì nhận được email của TK. Cậu nói là cậu vào làm năm 1988, chỉ là công nhân, đến năm 95 thì trở nên supervisor. Cậu bảo là muốn chào tôi đã lâu nhưng sợ chức vụ của tôi. Cậu làm tôi phì cười. Tôi chỉ là một con cá lòng tong trong cái hồ cá hơn mười ngàn con cá lớn hơn tôi thì chẳng có gì cậu phải sợ. Tôi nói với TK là tôi đã dự khóa học này nên sẽ không gặp TK ở trong buổi học.

Email sau TK muốn đến chào tôi vào ngày học vì chỗ học nằm trên tầng thứ 9 của building tôi làm việc; tôi từ chối vì đó là ngày tôi nghỉ để đi bác sĩ.

Buổi trưa hôm sau, sau khi đi bộ tôi nhận được tin nhắn vào điện thoại ở bàn làm việc. Đó là TK nói lộn xộn nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt, có vẻ của một người bị bấn loạn, nói mà không biết mình muốn nói gì. Tôi vốn không thích dùng điện thoại nên khi phải nói vào máy của một người không quen biết tôi cũng có cái cảm giác bấn loạn như thế. TK lại gọi hôm sau nữa, cậu muốn đến chào tôi vào sáng thứ Sáu vừa qua. Tôi bảo cậu gặp tôi trong cafeteria.

TK trẻ hơn tôi độ chục tuổi. Không cao nhưng có chiều ngang, tóc điểm bạc, giống người Phi Luật Tân. Tôi từ chỗ làm việc đến cafeteria thấy TK đã đến, đang dáo dác tìm tôi. Có vẻ như cậu đoán hình dáng của tôi rất sai lầm nên cậu nhìn ngay mặt tôi mà không có vẻ tự hỏi “có phải bà này không”. Cậu thuộc diện boat people, có vợ ba con, đứa lớn 18 tuổi hai đứa nhỏ 9 và 8 tuổi, vợ ở nhà nuôi con. TK tốt nghiệp Trung học, học trường nghề hai năm, giỏi điện tử, được việc nên lên chức. Cậu tỏ ý tiếc đã không chịu học đại học vì có tài, có tham vọng, nếu có bằng đại học có lẽ sẽ lên cao nữa.

Cậu không nói thẳng, nhưng có lẽ vì lỡ lời, cậu nghĩ vì ngoại hình của tôi mà tôi chỉ ở chức vụ này chứ không làm chức vụ cao hơn. Thứ Sáu đa số mọi người ăn mặc giản dị hơn, nhưng tôi vẫn như đi làm ngày thường. Sếp của tôi bây giờ là một người phụ nữ trẻ hơn tôi. Bà ăn mặc rất giản dị. Sếp của bà cũng là người đỡ đầu kiêm bạn thân của bà, đã từng là sếp của tôi, cũng là một người ăn mặc rất giản dị. Tôi xem cách ăn mặc của sếp và sếp của sếp là một thứ đồng phục cho tôi. Ăn coi nồi, ngồi coi hướng là như thế. Con gà ghét nhau vì tiếng gáy. Tôi không muốn làm con gà bị chặt cổ vì ăn mặc hào nhoáng hơn cấp trên.

TK quan niệm phụ nữ ở cương vị lãnh đạo phải cắt tóc ngắn, ăn mặc như đàn ông. Tôi vốn thiếu chiều cao, không trang điểm, tóc chấm vai, bạc nhiều, nghe TK nói chạnh lòng. Té ra bấy lâu nay mình không đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp chỉ vì mái tóc.

Suy nghĩ một hồi nhận ra cả khối đàn ông làm việc chung, cao hơn, tóc ngắn dĩ nhiên, có người có Tiến sĩ, đa số có bằng Thạc sĩ, mà vẫn ở cùng cấp bậc với tôi, có người còn ở vị trí thấp hơn. Phải chăng TK tuy trẻ tuổi nhưng vẫn có thành kiến về ngoại hình và có phần nào sai lầm?

Đám tang

Mr. Wolfsheim, nhân vật trong truyện The Great Gatsby, nói một câu đại ý là, nếu thật sự yêu mến bạn bè hãy bày tỏ tình thân hữu khi anh ta còn sống. Gatsby nổi tiếng là người tổ chức những buổi dạ tiệc rất linh đình. Ăn uống khiêu vũ suốt đêm, ban nhạc sống với những điệu jazz swing nhộn nhịp, bia rượu tràn trề. Khỏi phải nói dông dài, những buổi tiệc như thế rất đông người tham dự, tay to mặt lớn, và cả những người dự tiệc mà không được chủ nhân mời. Thế mà khi Gatsby ngã xuống vì những viên đạn thù thì không một người bạn nào dự đám tang của ông. Fitzgerald nhấn mạnh sự chua xót này, bằng cách cho một nhân vật gọi Nick Carraway, bạn của Gatsby, nhờ người giúp việc của Gatsby gửi trả đôi giày đánh tennis anh ta lỡ bỏ quên ở biệt thự của Gatsby. Anh ta không muốn đến lấy đôi giày dù anh ta đang ở gần biệt thự của Gatsby như thể anh ta sợ bị dính líu với cái tên của người chết. Wolfsheim, bạn đồng hành trong công việc bán rượu lậu, người từng tự hào là người dạy dỗ Gatsby cách làm giàu, cũng từ chối không đến dự đám tang. Ông ta thực hiện đúng lời tâm niệm là chỉ làm bạn với người còn sống.

Continue reading Đám tang

Tìm Tình Giữa Chợ

Bài đã xuất hiện trên trang mạng Gió – O. Tìm Tình Giữa Chợ

Từ xưa đến nay, chợ búa vẫn là chuyện của phụ nữ, và binh đao vẫn là chuyện của nam nhi.  Trai khôn tìm vợ chợ đông. Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân. Người miền núi có những phiên chợ tình để trai gái gặp nhau. Muốn thành công trong việc lập gia đình phải tìm người yêu ở đúng chỗ. Trịnh Công Sơn viết: “Tìm tình, tìm tình trong nắng em gặp cơn mưa. Ô hay tìm tình giữa ngọ buồn lưa thưa về. Tìm tình, tìm tình trên núi em gặp mây bay. Ô hay, tìm tình giữa chợ tình phai mất rồi.” Té ra, chàng nghệ sĩ này, tài hoa nhưng lận đận, cũng phải đi tìm tình giữa chợ. Continue reading Tìm Tình Giữa Chợ

những giai thoại về Hemingway

Bài này đã đăng trên Văn Chương Việt.

Trích đoạn và phỏng dịch Writers Gone Wild – the Feuds, Frolics, and Follies of Literature’s Great Adventurers, Drunkards, Lovers, Iconoclasts, and Misanthropes  (Nhà Văn Đại Náo – những chuyện tranh chấp, nô đùa, và điên rồ trong văn chương của các nhà phiêu lưu, chàng say, người tình, kẻ đả phá thần tượng, và kẻ ghét người).  Bill Peschel biên soạn.

Nhà văn nổi tiếng thường được bao vây bằng hào quang của sự thành công. Người ta ngưỡng mộ tài năng của nhà văn nên quên rằng họ cũng chỉ là người, đầy tật xấu. Một trong những nhà văn nhiều tài lắm tật là Hemingway. Tôi xin tặng bạn đọc những giai thoại về Hemingway tôi trích đoạn, tóm tắt và phỏng dịch từ quyển Writers Gone Wild của Bill Peschel biên soạn. Đây là một quyển sách rất thú vị, bạn sẽ có lúc tủm tỉm cười như khi bạn đọc về các ca sĩ hay hoa hậu đánh ghen, và bạn sẽ đôi lần ngạc nhiên về sự mạo hiểm có thể đưa nhà văn vào cõi chết hay tù đày như trường hợp của Marguerite Duras, người mà bạn tưởng là chỉ viết truyện đầy nhục cảm với đàn ông châu Á. Quyển sách nhỏ này có hằng trăm giai thoại thú vị về hằng trăm tác giả nổi tiếng. Nhưng tôi không muốn dông dài lạc đề, ở đây tôi chỉ phỏng dịch những đoạn tôi trích trong quyển sách nói trên về nhà văn Hemingway.

Hemingway làm John Steinbeck nổi lôi đình (1944)

John Steinbeck thích truyện ngắn “The Butterfly and the Tank” của Hemingway nên viết thư khen ngợi và nhân dịp ngỏ ý muốn gặp Hemingway. Hẹn gặp nhau ở quán rượu Steinbeck và Hemingway tình cờ gặp nhà văn John O’Hara. O’Hara đưa cho Hemingway xem cây gậy bằng blackthorn Steinbeck đã tặng cho ông. Blackthorn là một loại gỗ nổi tiếng cứng rắn. Hemingway trề môi khịt mũi, “cái này không phải gỗ blackthorn.” Hemingway đánh cuộc năm mươi Mỹ kim với O’Hara là ông có thể bẻ gãy cây gậy bằng cái đầu của ông. O’Hara nhận lời đánh cuộc. Hemingway để gậy lên đầu dùng hai tay kéo hai đầu gậy và bẻ gãy nó. Ông ném mảnh vỡ của cây gậy vào góc quán và chế nhạo. “Cái này mà ông dám bảo là blackthorn.”

Steinbeck giận sôi gan. Không những vì cử chỉ phô trương thô lỗ của Hemingway mà còn vì cây gậy này là của ông của Steinbeck để lại. Bạn bè của Steinbeck thường giật mình khi thấy bình thường ông rất dịu dàng nhưng nổi giận khi nghe nhắc đến tên Hemingway và nỗi ghét này kéo dài hằng chục năm. Steinbeck lấy quyển sách The Sun Also Rises (Mặt Trời Vẫn Mọc) trên kệ sách và đọc một đoạn đối thoại của Hemingway bằng giọng đều đều làm nó dở đi, khó nghe, rồi bảo. “Tôi không hiểu được tại sao người ta nghĩ là Hemingway có khả năng viết đối thoại.”

Dần dần Steinbeck cũng bỏ qua. Khi ông nghe Hemingway phê bình đoạn kết của The Grapes of Wrath (Chùm Nho Uất Hận) – chỗ người đàn ông bị đói quá đã bú sữa từ ngực của một người đàn bà đang hấp hối – “không thể là giải pháp cho những khó khăn về kinh tế của chúng ta,” Steinbeck viết, “Lời phân tích của ông Hemingway không hẳn có giá trị nhưng quả là buồn cười.”

Hemingway đánh nhau với Stevens (1936)

Người Mỹ có câu nói “Sticks and stones may break my bones but words never hurt me. ” thường được dùng để biện bãi khi bị người ta dùng lời nói làm tổn thương. Câu thành ngữ này có nghĩa là “Gậy gộc và đá có thể làm gãy xương tôi nhưng lời nói thì chẳng nhằm gì.” Thật ra lời nói còn làm đau hơn gậy gộc. Giữa Hemingway và Stevens thì câu nói không phải, có thể đưa đến chỗ bị đấm vào mồm.

Ursula, em gái của Hemingway, được giới thiệu với Wallace Stevens trong một buổi tiệc ở Key West, Florida. Stevens là nhà thơ nổi tiếng, gốc gác ở Hatford thuộc tiểu bang Connecticut. Stevens bảo với Ursula, Hemingway chỉ là một kẻ giả dối, không phải là đàn ông. Sau buổi tiệc, cô nàng Ursula về nhà thuật lại với anh. Hemingway lập tức đi tìm ông nhà thơ hiện đại để cho một bài học. Đây là một cuộc đọ sức khó biết phần thắng sẽ về ai. Stevens tuy đã năm mươi sáu so với Hemingway chỉ mới ba mươi sáu, nhưng ông cao hơn, to lớn hơn. Ông cũng là một tay cừ khôi về quyền Anh. Stevens lúc ấy đang say sứa sứa và Hemingway cũng đã ngà ngà.

Hemingway bắt kịp Stevens ở bến tàu và đòi choảng nhau. Stevens chế nhạo, “chú mày tưởng chú mày là Ernest Hemingway là ngon lành lắm sao” rồi thụi cho Hemingway một cái. Hemingway đấm trả lại và sau khi tàn cuộc chẳng những bàn tay của Stevens bị bộ xương hàm của Hemingway làm gãy, ông còn bị đánh gục vài ba lần, mặt mũi và mắt bị bầm tím.

Lo ngại cho danh tiếng của mình, Stevens là Giám đốc của một hãng bảo hiểm nổi tiếng, Stevens yêu cầu Hemingway đừng thố lộ với ai việc này. Dù đồng ý, lời yêu cầu của Stevens cắn rứt Hemingway đến độ ông ta cho chi tiết này vào một truyện ông đang viết dang dở. Trong “The Short Happy Life of Francis Macomber,” sau khi Macomber sợ hãi con sư tử nên bỏ chạy, ông ta yêu cầu Wilson, một người thợ săn người da trắng rất tài giỏi, đừng kể lại với ai điều này.

“Ông ta không đoán trước được hậu quả này,” Wilson hồi tưởng. “Ông ta là một thằng tồi, một kẻ hèn nhát … Yêu cầu chúng tôi ‘đừng kể lại chuyện này’ là một hành động đáng chê.”

Stevens có lẽ không bao giờ biết vụ này. “Về Hemingway,” ông viết thư cho một người bạn, “Tôi không thể nói gì nhiều bởi vì tôi không đọc sách của ông ấy.”

Hemingway chơi khăm vợ

Hemingway là một người ích kỷ, ông cư xử xấu với nhiều người, kể cả vợ của ông. Người vợ thứ ba của Hemingway, Martha Gellhorn, kết hôn với ông từ năm 1940 đến năm 1945, là một nhà báo có tài. Bà có nhiệm vụ tường thuật ngày tổng tấn công (D-day); tuy không phải cận chiến với Phát xít Đức, bà phải đương đầu với chính ông chồng của bà.

Lấy nhau ba năm, hai người càng lúc càng lạnh nhạt với nhau. Hemingway nhậu nhiều hơn, viết ít hơn, và – trái ngược với bà – không muốn dính líu đến chuyện chiến tranh. Ông đã chán ngán thế chiến thứ nhất và cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Giờ đây ông chỉ muốn được nhậu cho đã đời với những anh Cuba đồng chí rượu của ông.

Tuy nhiên khi Hemingway nghe tin Gellhorn nhận lời tạp chí Collier’s, bà sẽ tường trình cuộc đổ quân lên châu Âu, bản tính ích kỷ muốn hơn vợ nổi dậy nên ông lập mưu chơi xấu. Trước tiên, ông thuyết phục tạp chí Collier’s thuê ông, ông cướp của vợ độc quyền tường thuật chiến tranh cho tờ tạp chí này. Sau đó ông không cho bà được cùng băng qua Đại Tây Dương với ông bằng phi cơ Không quân Hoàng gia mà bà đã sắp xếp cho ông.

Gellhorn, để đáp lại, đã thuyết phục một đoàn quân khác cho bà quá giang. Suốt hai mươi ngày bà theo đoàn tàu quanh co trên biển vừa đi vừa tránh tàu ngầm của Đức. Họ càng phải cẩn thận gắt gao hơn vì đoàn tàu này chở đầy chất nổ.

Ở Luân Đôn, sau khi ăn nhậu thỏa thuê với bạn bè và chờ hồi phục sau một tai nạn xe hơi trên đường phố tắt đèn điện để tránh bom, Hemingway được đưa tên một chiếc tàu khu trục để được tận mắt xem cuộc đổ bộ. Ông thành công trong nhiệm vụ mang tàu chuyên chở bộ quân đổ lên bãi biển Omaha. Ngày hôm sau ông quay trở lại Luân Đôn sắp xếp hồ sơ truyền tin.

Trong lúc ấy Gellhorn đến bãi biển Omaha bằng con đường khác. Được đi chung với tàu bệnh viện, bà đến bờ và nhìn thấy phi cơ Đồng Minh gầm thét trên đầu và đạn đại bác nổ tung tóe ở chân trời. Khi chiếc tàu bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân, bà tiếp tay với bác sĩ và y tá, thông dịch tiếng Pháp và tiếng Đức, mang nước, và đút thức ăn cho bệnh nhân.

Đêm ấy, bà lội nước ngập thắt lưng, đi theo các người cứu thương vào đất liền. Bà nhìn thấy chiến trận xảy ra như cơn ác mộng với đèn tín hiệu đỏ cháy lóe soi sáng những chiếc xe tăng bị thủng tả tơi, những cái bệ bê tông đặt súng đại bác vị vỡ toang, và sự vận chuyển liên tục của quân nhân và nhu yếu phẩm băng qua bãi biển. Bà ghi nhận kỹ lưỡng hàng ngũ của thiết giáp và xe vận tải tiến sâu vào nội địa rượt đuổi địch quân.

Ở Luân Đôn, bà viết hai bài tường thuật cho tạp chí Collier’s trước khi bà bị bắt và bị quân đội Hoa Kỳ đe dọa trục xuất nếu bà còn vượt ra khỏi phạm vi phóng viên. Tuy nhiên bà không tuân lệnh và lại lẻn trốn. Suốt cuộc chiến tranh bà luôn đi trước cảnh sát quân đội một bước, được các quân nhân giúp đỡ vì họ thán phục sự can đảm và nhan sắc của bà.

Khi Bá Linh thất thủ, bà đã tham dự cuộc oanh kích và tường thuật cuộc giải phóng trại tập trung Dachau. Bà cũng ly dị Hemingway, người không bao giờ tha thứ cho bà vì đã đổ bộ trước ông.

Hemingway thiết lập đường dây do thám

Hemingway đã từng giúp FBI thiết lập một đường do thám ở Cuba trong chiến tranh để thu thập tin tức về những hoạt động của Đức Quốc Xã. Ông chất đầy đạn dược và chất nổ lên chiếc thuyền đánh cá Pilar của ông, rồi long rong trên biển đi tìm tàu ngầm của địch quân. Kế hoạch của Hemingway là dụ cho tàu ngầm nổi lên mặt nước. Khi quân đội Đức Quốc Xã mở cửa tàu, Hemingway và bạn bè của ông sẽ dùng súng máy và lựu đạn tấn công kẻ địch. Tuy nhiên, không có chiếc tàu ngầm nào bị mắc bẫy của Hemingway.

Tuần trăng mật của Hemingway (1921)

Ông hai mươi mốt tuổi và là “Hasovitch” của bà; Bà hai mươi chín tuổi và là “Nesto” của ông.  Trong suốt chín tháng theo đuổi nhau, họ trao đổi hằng trăm lá thư nhưng chỉ gặp nhau có bảy lần, vì thế có lẽ Hadley Hemingway rất ngỡ ngàng khi nhìn thấy bản chất thật của ông chồng Ernest.

Hai người cưới nhau ở Vịnh Horton, miền bắc Michigan và sau lễ cưới, họ được đưa về hồ Walloon, gần hòn đảo nơi gia đình của Hemingway có nhà nghỉ mát mùa hè.

Tuần trăng mật bắt đầu không mấy suôn sẻ vì đôi vợ chồng bị ốm và trời trở lạnh. Khi Ernest không viết văn, họ ở trong nhà và dưỡng bệnh bằng rượu vang.

Một buổi sáng, Ernest qua bên kia bờ hồ và quá giang xe để mua thức ăn. Ông mua 2 kí thịt bò, gặp một người bạn trao lại cho ông bộ quân phục cũ, và ông nhậu rượu lậu với người bạn này đến khi say không còn biết trời đất gì cả.

Loạng choạng đến bờ hồ, ông “mượn” chiếc xuồng gắn máy của người bạn và hướng về nhà. Nghe tiếng hò la của Hemingway, Hadley vội vàng xuống bờ hồ vừa kịp lúc nhìn thấy ông chồng say của bà phóng xuồng trên những đợt sóng cao. Ông ném cho bà miếng thịt bò và phóng thuyền lên mạn trên của hồ.

Hadley đi bộ xuyên rừng cho đến khi bà có thể nghe tiếng của Ernest. Bà nhìn thấy ông mặc bộ quân phục, vẫn còn nửa tỉnh nửa say, và đang hát một bài quân ca Ý.

Ông cũng chẳng đáng yêu khi cứ nhất quyết mang vợ đi giới thiệu với mấy cô bồ cũ đang sống ở Petosky gần đấy. Ông giải thích là ông muốn nâng cao con người ông trong tầm mắt của bà, nhưng bà cho là hành động ấy là một cử chỉ đề cao tính khoe khoang hợm hĩnh của ông.

Tuần trăng mật, bà thú nhận, “phần lớn là sự thất bại.”

Hemingway khi trời tối (quan niệm phòng the)

Tiểu thuyết của Hemingway có thể được xem là điển hình của trường phái văn chương hiện đại nhưng thái độ của ông đối với tình dục bắt nguồn sâu xa từ thời Victoria. Ông tin rằng mỗi người đàn ông chỉ có một số lần nhất định đạt đến tột đỉnh của khoái cảm vì thế nên phân chia đều những tột đỉnh khoái cảm này trong suốt chiều dài cuộc đời. Ông cũng tin vào hôn nhân, nên đã đến bệ thờ làm đám cưới bốn lần, và luôn luôn có một người chờ sẵn trong khi ông đang làm thủ tục ly dị bà vợ trước.

William Faulkner, người luôn giữ người vợ chính thức nhưng có hàng tá những cuộc tình vụn vặt, có cách tóm tắt triết lý về hôn nhân của Hemingway tốt nhất: “Lỗi lầm của Hemingway là ông ta cứ nghĩ là ông ta phải cưới tất cả các bà tình nhân.”

Hemingway có thể là người hùng trong những cuộc đi săn, đi câu, đánh quyền, và đấu bò, nhưng dường như ông không phải là dũng sĩ trong chăn gối. Một phần của vấn đề là do tật nghiện rượu của ông đưa đến chỗ bị bất lực và càng già càng trở nên tệ hại. Tuy nhiên, Hadley,bà vợ đầu tiên, cho rằng sự bất lực này thật ra chỉ vì Hemingway quá đãng trí với việc yêu đương. Đang cơn chăn gối, ông bỗng vói lấy quyển sách trên bàn ngủ và đọc sách bên trên bờ vai của bà. Điều này đủ để làm nguội lửa lòng của bất cứ bậc nữ nhi nào.

Nhà văn và tình dục

Honoré de Balzac tin là để bảo vệ óc sáng tạo ông cần phải tiết chế tinh dục. Sau một cơn quyến rũ đưa đến kết thúc tự nhiên, ông ta kêu rêu với bạn bè năm 1831, “Tôi mất một quyển sách sáng hôm nay!” Ông bảo với Alexandre Dumas con là chẳng có người đàn bà nào xứng đáng với giá trị của hai quyển sách trong một năm.

Victor Hugo tin rằng tình dục và thiên tài có liên hệ với nhau và cả hai thứ đều cần phải thực tập càng nhiều càng tốt. Năm 1847, khi con ông nhờ can thiệp việc cô người yêu, Alice Ozy, phản bội, Hugo giải quyết vấn đề của cậu con trai bằng cách dụ dỗ cô nàng này.

Alexandre Dumas bố, cũng giống như Hugo, hoàn toàn không đồng ý với cái vô lý của Balzac. “Nếu bạn nhốt tôi vào trong phòng ngủ với năm người đàn bà, viết, giấy, mực, và một vở kịch cần phải viết,” ông ta khoác lác năm 1861, “chỉ sau một giờ đồng hồ tôi đã viết xong vở kịch và làm thịt cả năm bà.”

Cũng như tất cả những người phụ nữ đứng đắn vào thời của bà, Edith Wharton hoàn toàn mờ mịt về chuyện phòng the. Trước khi đám cưới của bà vào năm 1885, bà đã tế nhị hỏi mẹ “có gia đình thì nó ra làm sao,” mẹ bà bảo, “tao chưa bao giờ được nghe một câu hỏi kỳ cục như thế.”

Leo Tolstoy không tìm thấy sự giải tỏa bằng tình dục, và suốt cuộc đời ông luôn tự dằn vặt giữa sự thèm muốn và mặc cảm tội lỗi đến độ tự ghét bỏ chính mình. Vợ ông cũng vì thế mà khốn khổ, sau khi sinh đứa con út – đứa thứ mười ba của hai ông bà – lúc ấy bà bốn mươi bốn và ông đã sáu mươi. “Hôn nhân không thể mang lại hạnh phúc,” ông nổi cơn giận phừng phừng, năm 1899. “Nó luôn luôn tra tấn mình, đó là giá mà người đàn ông phải trả để thỏa mãn cơn thèm tình dục của hắn ta.”

Một chuyến đi xa, một cuộc gặp gỡ

Hôm Thứ Bảy chúng tôi, anh Thư, chị Yến, tôi, và phu quân đi Falls Church, Virginia để gặp nhà văn Hoàng Dược Thảo kiêm bà chủ báo Sài Gòn Nhỏ. Năm giờ đồng hồ lái xe, suốt quảng đường mưa dầm dề. Năm nay trời ấm dọc đường ở tiểu bang Maryland đã thấy những cây hoa đào hồng nở rộ.

Con đường xa trở nên ngắn lại nhờ những câu chuyện lý thú do hai ông bà Trần Hoài Thư kể. Chúng tôi cười thú vị khi anh chị nhắc đến những bài biên khảo của ông HBT viết về các luật lệ của vua, ông thường gọi những luật lệ này là đạo dụ không hề biết người bình dân thường nói lái thành ra chữ tục.

Chị Thảo năng động và trẻ hơn tuổi. Chị rất vui vẻ, niềm nở, hoạt bát, duyên dáng, quen nói chuyện trước đám đông. Chị thuộc mẫu người phụ nữ tự tin và thành công, dám nói những ý nghĩ của mình. Ở chị toát ra một vẻ thực tế, thành thật, có uy tín và rất thu hút. Khác hẳn người phụ nữ có cách viết sắc bén trong những bài nhận định ký tên Đào Nương, suốt buổi tiệc ngồi cạnh chị nghe chị nói chuyện thủ thỉ tôi có cảm giác chị là người quen rất thân. Tôi có cảm tưởng là ai nói chuyện với chị xong cũng sẽ tin cậy và muốn cộng tác với chị.

Tôi ngạc nhiên khi biết chị là nhân vật đã gây cảm hứng để nhà thơ Du Tử Lê làm ra những câu thơ để đời nhất là bài Khúc Thụy Du được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc. Tôi đặc biệt yêu thích cái hình ảnh con chim bói cá “bói” ánh trăng ngà, lãng mạn thơ mộng và không kém phần tuyệt vọng. Chị đọc một số câu thơ tự giễu tự trào về cái thời “Thụy lang thang” và những câu thơ xin lỗi con vì tình duyên của chị trắc trở rất duyên dáng nhưng vì tôi không ghi chép lại nên không còn nhớ. Chị bảo e-mail nhắc nhở chị sẽ chép cho nguyên bài nhưng nếu chờ e-mai qua lại tôi sẽ quên mất những điều tôi muốn viết nên hôm nào xin được
những bài thơ của chị tôi sẽ đăng lên sau.

Chị Thảo kể có hai vợ chồng già ở khu vực Sài Gòn Nhỏ. Hai ông bà tuyên bố chia tay sau khi kết hôn mấy mươi năm. Một thời gian sau lại thấy hai ông bà vẫn chung đường chung lối như vẫn còn chung gối chung chăn, hỏi tại sao thì được biết rằng quyết định chia tay nhưng không thể chia chân. Có một ông sư nổi tiếng là chân tu nhưng bị kiện cáo về chuyện tiền bạc. Người đời cười bảo rằng ông sư là người chân tu nhưng tay không tu vì còn bận đếm tiền.

Chị Yến là mẫu người phụ nữ hiếm có. Chị luôn luôn nhỏ nhẹ với chồng, trân trọng đam mê hoài bão của chồng. Phải lì, có nghĩa là chịu đựng và nhẫn nại, lắm mới chịu nổi những công việc “lấy công làm lỗ” của anh Thư. Hai ông bà gửi một hai chục quyển sách để tặng mà không đòi hỏi tiền bạc là chuyện xảy ra rất thường.

Chuyến về chị đã rất mệt mỏi nhưng khi đến chỗ nghỉ anh Thư vì chân bị gout nên đi khập khễnh, tôi nghe chị nói giọng nhỏ như muỗi kêu “anh vịn vai em kẻo té.” Trông bà nhỏ bé liêu xiêu và ông lêu khêu hom hem tôi cảm động với mối tình già này.

Thế là một lần đi xa, với tôi là một hạnh ngộ, được tiếp xúc với hai người phụ nữ thành công đáng nể. Chị Thảo và chị Yến là hai người đàn bà tuyệt vời đã nuôi con nên người. Nhân ngày phụ nữ quốc tế xin viết vài lời chúc mừng hai chị.

tha hương ngộ cố tri

Người xưa có bài thơ nói về bốn niềm vui lớn trong đời:
Cửu hạn phùng cam vũ.
Tha hương ngộ cố tri.
Động phòng hoa chúc dạ.
Kim bảng quải danh thì.

Xem chừng, cái vui mừng khi đi xa mà gặp người quen trước kia ở quê nhà, chỉ đứng sau cái vui của hạn hán chín năm gặp trời mưa; và còn vui hơn cả đêm động phòng hay bảng vàng ghi tên. Tôi nghĩ, tùy theo thời theo lúc theo hoàn cảnh, sự quan trọng của những niềm vui này có thể thay đổi thứ hạng. Thí dụ như ở một nước giàu có trong sa mạc, Saudi Arabia chẳng hạn, quanh năm ít mưa, nước ngọt được lọc từ nước biển hoặc được mua và dẫn về từ các quốc gia láng giềng, nước mưa không hẳn là thứ tối cần thiết đối với họ như với những người làm nghề nông; mưa chưa chắc đã gây niềm vui lớn vì thế không thể so với niềm vui của một anh chàng học trò trung học mới được nhận vào Havard hay của một đại gia mới cưới một đại minh tinh. Còn tha phương mà nếu mình đang là một tên ăn mày gặp một cố tri khác cũng là ăn mày giống như mình; thì có lẽ, vui ít hơn tủi phận. Continue reading tha hương ngộ cố tri

Stein vs. Hemingway

1

Stein qua nét vẻ Picasso

Ảnh lấy từ Wikipedia. Chân dung của Gertrude Stein qua nét cọ của Pablo Picasso.

Có thể nói, trong số các nhà văn Mỹ tôi đọc Hemingway nhiều nhất. Lý do vì ông là một trong những nhà văn được đưa vào chương trình học tiếng Anh ở Trung học và Đại học. Thêm một lý do nữa là văn ông viết giản dị, dễ đọc. Truyện đầu tiên tôi đọc là The Snows of Kilimanjaro. Lúc ấy tôi thấy truyện này chán, có lẽ vì lúc ấy còn trẻ, thiếu kinh nghiệm sống, và thiếu vốn ngữ vựng.

Khi nhắc đến Hemingway, người ta thường nhắc thêm Gertrude Stein. Bà là người mở đường đưa ông đến chỗ nổi tiếng, bà lớn tuổi hơn ông, rồi hai người giận nhau đến độ không nhìn mặt nhau, làm tôi cứ ngỡ rằng giữa hai người ắt có một mối tình éo le. Tôi ngỡ vì bà già và xấu nên bị phụ bạc và vì thế họ thù ghét nhau. Té ra không phải thế. Gertrude Stein là người đồng tính luyến ái. Người bạn đời của bà tên là Alice Toklas. Chuyện gấu ó giữa Stein và Hemingway là chuyện gấu ó về văn học. Nhà văn mà, giỏi chữ nghĩa nên khi chửi nhau thì chửi dai chửi dài và rất văn vẻ, in thành sách vở đàng hoàng. Trong văn giới không chỉ riêng Stein và Hemingway gấu ó với nhau, mà còn rất nhiều trận duel khác, thí dụ như Mark Twain với Bret Harte, Sinclair Lewis với Theodore Dreiser, Edmund Wilson với Vladimir Nabokov, Truman Capote với Gore Vidal, và cận đại nhất là Tom Wolfe với John Updike. Hôm nay chỉ nói về Hemingway với Stein thôi nhé.

Tháng Hai năm 1922, khi Stein và Hemingway gặp nhau lần đầu, Stein 48 tuổi và Hemingway được 22 tuổi. Hai người không ai nói gì nhiều về cuộc gặp gỡ đầu tiên nhưng về sau họ có rất nhiều chuyện để nói xấu nhau và những người liên quan cũng có rất nhiều chuyện chẳng đẹp gì để nói.

Stein là con nhà giàu. Anh chị em bà thừa hưởng của cải của bố mẹ; là những người đầu tư vào ngành xe hỏa. Lúc ấy, sống ở Paris vật giá rẻ hơn là sống ở Buffalo, một vùng vắng vẻ của New York Hoa Kỳ, người ta đổ xô qua Paris để sống nhất là giới văn nghệ sĩ vốn không giàu có dư dả. Gertrude và Leo Stein, anh trai của bà, sống ở Paris . Leo Stein đầu tư vào ngành hội họa thành công. Họ trở nên giàu có và rất có thế lực trong giới văn nghệ sĩ. Phòng triển lãm tranh của anh em bà Stein là nơi tựu tập của những người nổi tiếng như Matisse, Cocteau, Eliot, Pound, Bertrand Russell, Picasso, và Sherwood Anderson. Theo lời của Hemingway thì người ta đến phòng tranh của anh em nhà Stein vì nơi ấy luôn có thức ăn và rượu ngon thượng hạng. Stein giới thiệu Hemingway với bạn bè của bà và Hemingway kết thân với đám bạn văn nghệ sĩ nổi tiếng này (tôi còn quên chưa nhắc đến tác giả của The Great Gasby). Người Mỹ luôn luôn quan niệm, sự thành công không chỉ nhờ vào tài năng mà còn nhờ vào sự giao tiếp và móc nối với đúng người.

Mặc dù có nhiều người khen ngợi sự thông minh và văn tài của Gertrude Stein, cũng có nhiều người, Anthony Arthur tác giả quyển Literary Feuds là một, không tin Getrude là người có tài về văn học. Lúc bấy giờ Gertrude có nhiều tác phẩm không xuất bản được. Arthur cho rằng Gertrude chỉ giỏi tự thổi phồng mình. Bà luôn đặt những lời tự khen bản thân vào mồm của Toklas.  Chính bà đã cho Toklas phát biểu trong quyển Tự thuật của Alice Toklas xuất bản năm 1933 rằng Toklas có cái hân hạnh được quen với ba thiên tài trong cuộc đời bà đó là Stein, Alfred Whitehead, và Picasso. Stein ưa thích tâng bốc. Những văn nghệ sĩ không tâng bốc bà như James Joyce, Ezra Pound, T.S. Eliot, William Carlos Williams không được bà tiếp đón ân cần hay mời đến phòng tranh. Ngay cả John Malcolm Brinnin, người viết tiểu sử và rất có thiện cảm với bà, đã nhận xét là Stein không mấy chú ý đến tác phẩm của những nghệ sĩ bà không quen biết. Bà chỉ chú ý đến những tài năng đã chết hay cách bà cả thế hệ.

Hemingway lúc ấy là ký giả đang vất vả kiếm sống, ông cưới Hadley Richardson lớn hơn ông tám tuổi, và hai người có một con trai đầu lòng được Stein nhận lời làm mẹ đỡ đầu. Nếu bạn nhìn ảnh sẽ thấy Hemingway là một chàng trẻ tuổi cao ráo, vai rộng, rất đẹp trai, có cặp mắt nâu mơ màng, ăn nói dịu dàng. Nghe đồn rằng khi ông nói chuyện với ai ông tập trung vào người đối diện một cách say sưa và đó là lời khen ngợi gián tiếp. Nhiều người khen ông có cặp mắt đáng chú ý, đáng yêu, rất thú vị. Một trong những truyện ngắn đầu tay của Hemingway được Stein góp ý cắt bỏ những rườm rà vô vị và được Sherwood Anderson chú ý. Anderson, lúc ấy là tác giả của một quyển sách ăn khách, đã giúp Hemingway ký một hợp đồng với nhà xuất bản Boni & Liveright để xuất bản ba tác phẩm của Hemingway.

Hemingway cũng biết ơn sự giúp đỡ của Gertrude Stein. Ông khen ngợi bà hết lời công khai trên tờ báo ông làm ký giả. Ông còn tự tay chép hằng trăm trang bản thảo của bà và đốc thúc Ford Madox Ford xuất bản một phần lớn bản thảo The Making of Americans của Stein.

Hemingway cũng kết bạn với Wilson Edmund, nhà phê bình rất được quí trọng. Edmund khen ngợi một số truyện ngắn của Hemingway trong đó có Indian CampBig Two-Hearted River. Wilson cũng so sánh Hemingway với Anderson và Stein, tuy nhiên ông nhấn mạnh Hemingway có tài hơn hai người kia. Hemingway là người rất kiêu ngạo; ông không vui vì lời so sánh này vì ông cho là tài năng của ông hơn hẳn. Mặc dù Anderson là người giúp ông ký được hợp đồng  xuất bản ba tác phẩm với Boni & Liveright, Hemingway không vừa ý với sự tiến hành chậm chạp của nhà xuất bản. Để có cớ rút tên ra khỏi hợp đồng ông viết bài chế nhạo diễu cợt Anderson trên báo. Anderson là ngôi sao sáng của Boni & Liveright, vì thế để bênh vực Anderson, nhà xuất bản hủy bỏ hợp đồng. Hemingway ký hợp đồng khác với Scribner, to hơn mạnh hơn nổi tiếng hơn. Hemingway cũng chế nhạo Stein, với cách viết lập lại trong các bài thơ của bà A rose is a rose is a rose.

Mãi đến tám năm sau Stein mới trả lời những câu chế nhạo của Hemingway dành cho bà và Anderson. Vào năm 1933, quyển Tự Thuật của Alice Toklas là sách bán chạy và Gertrude Stein càng nổi tiếng hơn. Stein qua giọng đối thoại với Toklas đã nói về nhà văn nổi tiếng Hemingway “đẹp trai vô cùng nhưng đôi mắt ấy là đôi mắt để ngắm chứ không phải là đôi mắt thông minh.” Theo lời của Toklas, Gertrude luôn luôn nói là “tôi chắc chắn là dễ bị mềm lòng vì Hemingway. Nói cho đúng, vỏn vẹn chỉ có hắn là chú bé đẹp trai đến gõ cửa nhà tôi và hắn quả là đã xui Madox Ford in bản đầu tiên của quyển The Making of Americans.” Nhưng Toklas lại nói thêm vào. Tôi không chắc đấy là công của hắn. Tôi chẳng biết chuyện đầu đuôi như thế nào nhưng tôi chắc là có nhiều lý do khác kèm theo. Những đoạn tiếp theo càng làm cho Hemingway điên tiết. Nào là Hemingway không biết ơn với Anderson , Hemingway trở nên nhà văn nổi tiếng là nhờ Anderson và Stein, cả hai đã sinh ra quái thai và họ vừa tự hào vừa xấu hổ vì sản phẩm trí tuệ của họ. Còn nói về sự độc đáo chủ nghĩa hiện đại của Hemingway thì đó là đồ giả, ông ta giả vờ là nhà văn theo chủ nghĩa hiện đại vì đó là cái vỏ ngoài thích hợp cho ông ta chứ thật ra trong thâm tâm ông ta chỉ là một nhà văn theo lề thói cổ truyền. “Ông ta trông giống người hiện đại nhưng sặc sụa mùi của viện bảo tàng.”

Thế còn cái chuyện Hemingway cổ võ viết sự thật, sự thật sẽ làm cho câu truyện hay. Stein chế nhạo Hemingway không phải là người dám viết sự thật bởi vì sự thật của ông ta chỉ là leo bậc thang, tăng tiến trên đường sự nghiệp. Ông ta không phải là mẫu người hùng, dũng cảm đi săn và đấu bò, ông ta chỉ là những tên đủ sức chống bè trên sông Mississippi như Mark Twain miêu tả. Ông ta không phải là người khỏe mạnh có cú đấm thần tốc như ông ta hằng khoe khoang, ngay cả học trò học quyền Anh của ông ta cũng đấm ngã được ông ta. Gertrude nói ông ta là học trò ngoan, nhưng rất mong manh dễ bị vỡ. Đụng đến là ông ta gãy tay, gãy chân, và vỡ đầu óc (bà nói kháy là phát điên). Rằng hai bà chán không muốn mời ông đến nhà của hai bà nữa.

Chuyện gấu ó của Stein với Hemingway còn dài. Hemingway thì khỏi nói, tài viết văn của ông không cần phải học ở Stein, nhưng bạn cũng thấy là người có máu phản bội. Không chỉ phản bội Stein và Anderson. Cứ mỗi lần ông bắt đầu một quyển sách mới thì ông lấy một bà vợ mới, sang một quốc gia khác. Ban đầu lấy vợ già hơn tám tuổi, rồi sau đó lấy vợ trẻ hơn rồi trẻ hơn. Độc giả nếu tò mò muốn biết thêm chuyện gấu ó của hai nhà văn này xin đọc quyển Literary Feuds của Anthony Arthur. Ban đầu tôi định dịch bài biên khảo này nhưng ngại vi phạm tác quyền và cũng sợ bị lôi ra tẩm quất tội dịch sai dịch dở (nói đùa đấy, bài này dài quá dịch mất thì giờ mà tôi thì đang bận, nếu tôi sợ bị tẩm quất thì tôi đã chẳng dám tự xưng là Lì),vì vậy tôi chỉ tóm tắt một vài ý chính viết để các bạn đọc giải trí. Kê khai nguồn đàng hoàng để các các quan không quở là tôi ăn cắp văn người khác, nhé.

về chuyện dịch

Quyển Please Look After Mom có giọng kể tự nhiên, chữ dùng đơn giản theo cách nói chuyện hằng ngày, cách viết này dễ dịch. Tuy nhiên, ngay trang đầu tôi đã gặp một cái khó.

Trích nguyên văn:

It’s been one week since Mom went missing.

The family is gathered at your eldest brother Hyong-chol’s house, bouncing ideas off each other. You decide to make flyers and hand them out where Mom was last seen.

Vì tôi đã đọc xong quyển này nên biết người kể chuyện ở đây là cô con gái lớn, nhà văn nổi tiếng, thường đi du lịch nhiều nơi. Nhưng với tôi cái khó dịch ở đây lại là chữ You. Có vẻ như cô con gái tự quan sát và nói về cô, như một lời trách phiền.

Thế là đã một tuần kể từ ngày Mẹ đi lạc.

Cả gia đình họp lại ở nhà anh cả Hyong-chol góp ý với nhau. You (Cô, Bạn) đề nghị làm giấy in rời và phân phát cho mọi người nơi người ta nhìn thấy Mẹ sau cùng.

Dùng Cô hay Bạn thì đều được nhưng tôi thấy dường như không lột tả được cái tự trách của nhân vật. Dùng “mày” hay “mi” có nặng lắm không?

Giả tỉ như người kể chuyện ở đây không phải là cô con gái, mà là bà mẹ? Nếu như là mẹ ở đâu đó nhìn thấy cô con gái đang tìm kiếm mình thì chữ You này có thể dịch là con. Ban đầu tôi tin chắc nhân vật kể chuyện là cô con gái. Chỉ đến cuối truyện tôi mới nghĩ đây có thể là giọng của bà mẹ. Cho dù tôi có biết chắc đây là giọng của bà mẹ thì tôi phải chọn từ danh xưng sao cho độc giả không thể khám phá ngay từ đầu ai là người kể.

Mỗi khi gặp một quyển sách hay tôi thường nghĩ cần phải dịch để chia sẻ với bạn đọc. Chuyện dịch hay hay dở tuy quan trọng nhưng chuyện giới thiệu với những người cùng thích truyện hay cũng là một việc cần thiết. Đời người quá ngắn ngủi, nhiều khi người ta không thể chờ đến lúc mình thật giỏi hay “hoàn hảo” để có thể làm những việc người ta thích làm. Nếu bạn già cở tuổi tôi bây giờ bạn sẽ thấy chữ “hoàn hảo” thật ra chỉ là một khái niệm chưa hoàn hảo chút nào. Cái hoàn hảo có thể chỉ hoàn hảo trong mắt một số người hay chỉ trong mắt của chính bạn mà thôi.

Khi đọc quyển này, tôi thấy tình cảm của người Đại Hàn có nhiều nét giống tình cảm của người VN. Họ cũng hiền lành, dịu dàng, chịu đựng, và tốt bụng như người mình. Khó mà tưởng tượng được những người lính Đại hàn đã từng được gửi sang VN chiến đấu cũng có người tàn bạo làm hại người dân VN cũng như những người chồng Hàn đã giết cô vợ Việt mới cưới một cách độc ác. Bà cụ Park So-nyo thì khỏi phải nói, giống bà mẹ VN vô cùng. Hiền lành, dịu dàng, luôn phục vụ chồng, đi sau ba bước nhưng lại là trụ cột trong gia đình con cái no ấm là nhờ một tay bà cày cấy. Luôn luôn hy sinh tận tụy với các con, rất ham học nhưng không được đi học bà nhất quyết bằng đủ mọi cách để các con được đến trường và tất cả đều thành công. Tưởng yếu mềm nhưng lại cứng rắn, luôn dấu mình sau bóng chồng con nhưng lại là người quyết định chuyện trong nhà, chinh phục người trong kẻ ngoài không bằng trí tuệ hay miệng lưỡi mà bằng tình cảm chân thành, bà là mẫu người mẹ và vợ Á châu của thế kỷ 20 mà con cái thường vô tâm đẩy vào bóng tối bởi vì chúng bận theo đuổi công danh, sự nghiệp, và tình cảm lứa đôi. Nói nhiều không bằng mời bạn đọc.

Cùng vẽ với các họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng

“Tôi đã nói, với (hội họa) Ấn Tượng không phải chỉ có nhại cho giống với vẻ bên ngoài. ‘Không ai là họa sĩ’, Monet nói, ‘trừ khi anh ta mang trong đầu một bức tranh trước khi vẽ nó ra, và đã biết chắc cách thức anh ta muốn vẽ và sự phối hợp nội dung của bức tranh. Kỹ thuật có thể thay đổi, nhưng nghệ thuật thì bất biến.”

Tôi ở đây là Jonathan Stephenson, tác giả của quyển Paint With the Impressionists.

Câu nói của Stephenson làm tôi ngẫm nghĩ. Nếu một họa sĩ  có một bức tranh trong đầu, màu sắc, ánh sáng, bố cục của bức tranh đã được biết trước khi họa sĩ vẽ ra. Thì nhạc sĩ cũng luôn có âm thanh réo rắt trong đầu, và văn/thi sĩ cũng có những câu văn/thơ chờn vờn trong óc? Tôi luôn luôn tò mò về quá trình sáng tác của các họa sĩ, nhạc sĩ, và văn/thi sĩ. Làm thế nào để họ có những tác phẩm cho người ta thưởng thức?

Xem tranh ấn tượng thú vị ở chỗ là nhìn gần nó chỉ là những mảng màu nhưng đứng xa thì nó lại là những bức tranh có đường nét khá rõ ràng.

17 tháng 3

Hôm nay là ngày 17 tháng 3, ngày lễ thánh Patrick của quốc gia Irish. Thảo nào hôm nay nhiều người mặc quần áo màu xanh lá cây tươi. Một vài người đeo huy hiệu có câu nói đùa Hôn tôi đi vì tôi là người Irish. Hôm nay có diễn hành trước nhà thờ thánh Patrick ở thành phố New York . Có năm những người ủng hộ giới đồng tính luyến ái tổ chức diễn hành nhập chung vào cuộc diễn hành tôn vinh thánh Patrick này. Những người diễn hành thế là gặp may bởi vì hôm nay là một ngày rất đẹp trời. Buổi sáng sớm tôi đã can đảm không đội mũ vì không thấy lạnh.

Buổi trưa, tôi ăn trưa sớm hơn thường lệ để được đi bộ. Mặt trời chiếu trên lưng tôi thật ấm. Dọc đường đi những cây mơ cây táo đã có nụ hoa thật bụ bẫm. Trời trong xanh và những con chim hải âu bay lượn đầy trong sân nhà thờ thánh John, nơi đây người ta vẫn tổ chức phát chẩn, thức ăn trưa cho người nghèo năm ngày một tuần. Hôm qua đọc báo thấy thành phố nơi tôi đang làm việc, Newark, là một trong 10 thành phố khó tìm việc làm nhất nước Mỹ.

Đi ngang hí viện thành phố thấy rất nhiều xe buýt chở học sinh Trung học đến xem trình diễn. Hình như có buổi trình diễn về các bộ môn nghệ thuật dành riêng cho học sinh các trường Trung học. Thấy trên các tấm bích chương có rất nhiều cuộc trình diễn âm nhạc, ca vũ, nhạc kịch, hòa tấu, và độc tấu từ bây giờ cho đến cuối năm. Đâu như tuần lễ cuối tháng ba sẽ có trình diễn vở nhạc kịch Monty Python’s Spamalot. Những người yêu thích các vở nhạc kịch của Broadway thỉnh thoảng có thể tìm thấy những buổi trình diễn những vở nhạc kịch nổi tiếng ở hí viện này.

Tôi thong thả đi dạo cho đến thư viện chính của thành phố rồi quay trở về. Lúc về thì mặt trời chiếu ấm áp trên ngực và trên mặt tôi. Những ngày như thế này tôi thấy nếu được mang thức ăn đi nuôi chim bồ câu hay xách máy ảnh đi lang thang chụp hình thật là tuyệt.

Liên tiếp mấy hôm stock market xuống đùng đùng. Hôm nay giá stock tăng trở lại. Đàn ông Mỹ mê bóng rổ tiếp tục kháo nhau về March madness. Buổi chiều đi làm về trời đã đủ ấm để các cô gái Mỹ đi dự diễn hành mừng ngày Irish mặc quần shorts ngắn ơi là ngắn để thấy đôi chân dài vô tận. Chung quanh tôi có vẻ như mọi việc đều yên ổn bình thường. Vậy mà tôi có cảm giác có cái gì đó không bình thường cũng không yên ổn.

Chồng Việt, chồng Mỹ

Hôm trước có người hỏi tôi có đọc bài của ông Nguyễn Hưng Quốc trên báo VOA không, bài nói về đàn ông Việt. Hôm ấy ông Quốc nói đến bài của ông Trương Duy Nhất và tôi thấy ý kiến của ông Quốc không có gì quá khích, đọc cũng vui vui. Ông Quốc có nói là để cho các nhà văn nữ có ý kiến về đàn ông Việt. Có ý kiến thì ai cũng có thể có ý kiến, không cứ gì phải là nhà văn. Tôi thì chắc chắn không phải là nhà văn rồi. Tôi nói về đàn ông Việt hay đàn ông Mỹ thì chỉ nói cái kiểu người mù sờ chân voi. Đàn ông Việt ở Mỹ tôi quen biết thì toàn là người trong gia đình, chồng, anh chồng, em chồng, anh rể, em rể. Tất cả đều là gia đình bên chồng.

Tôi là con út, người thân tôi đều đã qua đời. Tất cả những người chung quanh tôi càng biết ít hơn. Gia đình chồng tuy đến Mỹ sau tôi đều quen biết người Việt nhiều hơn tôi. Tôi sống khép kín lắm, rất ngại tiếp xúc. Những gì tôi biết ở người chung quanh đểu là những mảnh vụn nhỏ nhặt, lờ mờ, phiến diện. Và vì thế xin giới hạn chỉ nói những gì tai nghe mắt thấy.

Anh rể và em rể (chồng của chị chồng và em chồng) là hai người đàn ông siêng năng rất thương vợ con. Anh rể là lính VNCH đi cải tạo mười mấy năm. Em rể là người ngoài Bắc vào Nam, đi bộ đội, mẹ của chú (em) là cán bộ tập kết, chú đi lao động bên Đức và theo gia đình vợ sang Mỹ. Hai người khác chiến tuyến nhưng trở nên người trong một nhà. Cả hai người đều quý (và sợ) vợ   , tại vì phải công nhận chị chồng tôi và em chồng tôi là hai người đàn bà rất đáng sợ (nói giỡn nghe) ở chỗ rất đảm đang, quán xuyến, khôn ngoan, hết lòng chăm lo cho gia đình. Hai ông này đều biết nấu ăn và nhất là chú em, nấu ăn ngon hết xẩy (vì đã có thời đi làm nhà hàng Tàu ở Đức). Làm công việc nhà răm rắp, nấu cơm rửa chén giặt quần áo đi chợ, đi làm về đưa tiền cho vợ giữ hết. Anh chồng tôi và em chồng tôi thì không siêng bằng. Ông nhà tôi (thường được mọi người tôn sùng cho đứng hàng ngoại lệ) nếu cần thì cũng làm được, nhưng ông nấu thì chỉ có ông ăn được cả nhà ai cũng chê, ngoại trừ món cải chua ông làm ngon lắm. Ông chăm hai đứa con tốt hơn là tôi chăm. Ngày hai cô còn bé ông là người cho con ăn, cho con bú bình, chở đi nhà trẻ. Còn bây giờ thì ông lo chuyện giấy tờ học hành.

Đàn ông ở VN thì tôi  không biết. Tôi về VN lần cuối là 2005 chỉ gặp người cháu rể một lần. Thấy cháu rể tôi nhàn nhã hơn. Chuyện nhà thì vợ quán xuyến và nhà có một người giúp việc đối đãi như người thân trong nhà. Còn ở ngoài đường thì thấy các ông ngồi quán cà phê sáng trưa chiều tối. Người ngoại quốc thường hay nói về đàn ông VN là những người được cưng chìu hầu hạ chẳng phải làm gì. Có lẽ đó là thành kiến nhưng tôi cũng lờ mờ có cảm tưởng như thế.

Nói như thế không có nghĩa là không có người hư hỏng. Tôi biết có hai vợ chồng Việt, vợ làm thợ may sửa quần áo, chồng làm thợ máy, người chồng đánh vợ đến độ lôi nhau ra tòa, báo đăng um sùm. Một cô bạn trẻ, cả hai vợ chồng đều là người Việt, làm chủ tiệm móng tay, giàu có nhưng chồng đánh bạc thua mỗi lần mấy chục ngàn. Có người Việt lấy vợ Mỹ, đánh vợ, con chung của hai người kêu cảnh sát bắt bố vào tù.

Có vài người đàn ông Mỹ tôi làm việc chung với họ hơn hai mươi năm nhưng không thể nói là “biết” họ. Như đã nói, tôi khá khép kín. Đời sống ở đây rất kín đáo, đèn nhà ai nấy sáng. Một vài người thân của tôi ngỏ ý muốn lập gia đình với người ngoại quốc và hỏi tôi đời sống bên này. Người Mỹ thế nào. Chuyện này thì mông lung thiên địa, người thế này người thế khác. Có một vài điểm quan trọng, các bà các cô muốn lập gia đình với người Mỹ nên cẩn thận tìm hiểu; tìm hiểu bằng cách nào thì tôi chịu thua, không biết. Tôi nghĩ, thực tế nhất và quan trọng nhất là chuyện tiền, dĩ nhiên là phải sau khi đã yêu.

Hai người làm việc chung với tôi có cho biết chuyện tiền bạc họ thu xếp trong gia đình họ. Một người là ông xếp cũ của tôi. Vợ ông làm y tá. Tiền của ai nấy giữ. Còn ông kia thì giữ hết tiền. Vợ ông là người nội trợ, ông đưa credit card cho vợ cho phép tiêu xài. Cuối tuần ông đi chợ, bà vợ ông ít khi đi đâu hay giao thiệp. Có khi ông than phiền là bà cho ông ăn hamburger hay hot dog (là những món ăn giản dị không cần phải chăm sóc bỏ công nấu) hay bỏ bát đĩa dơ qua đêm. Điều đó có nghĩa là bà nấu ăn và rửa chén.

Nếu phụ nữ người Việt có quan niệm mình là người giữ tiền thì có lẽ sẽ không vui bởi vì không phải người Mỹ nào cũng đồng ý việc này. Ông sếp của tôi hiện nay có lần bảo rằng ở trong gia đình ông, ông là người nấu nướng và làm bánh. Ông sếp này là Kỹ sư trưởng của một ban kỹ sư công chánh cầu đường, dưới tay ông ngót ngét trăm nhân viên, lương của ông có lẽ phải 150 ngàn mỹ kim. Một người bạn Mỹ của ông nhà tôi, là luật sư về bằng phát minh sáng kiến, sang VN cưới vợ. Cô vợ nhỏ nhắn có lẽ bằng phân nửa sức nặng của ông chồng. Cô biết nói tiếng Anh và thấy hai người rất hạnh phúc. Đến nhà tôi ăn tối thỉnh thoảng tôi thấy cô nắm tay chồng. Một cô bạn người Trung quốc của tôi lấy chồng Mỹ. Anh chồng mảnh khảnh hơn cả người Trung quốc chuyện tài chánh bạn tôi nắm hết, cô nấu ăn còn anh thì rửa bát. Hai người không có con với nhau nhưng cô bạn tôi có con riêng. Người yêu trước cũng là người Mỹ. Nhìn chung thì họ cũng vui vẻ hạnh phúc. Những bất đồng trong gia đình dĩ nhiên là phải có. Tiền bạc là một nguyên nhân. Cá tính khác biệt nhau cũng là một nguyên nhân rất quan trọng. Còn nếu bất đồng vì sự khác biệt về văn hóa và liên hệ với gia đình hai bên cũng không kém phần quan trọng có khi còn quan trọng hơn. Chuyện sứt mẻ hôn nhân vì chuyện in-law cũng thường xảy ra. Phụ nữ Việt lấy chồng ngoại quốc cần nhất là phải biết tự bảo vệ mình về nhiều phương diện. Ông bà mình đã từng nói:

Mẹ thương con mẹ còn thơ.
Lấy chồng xứ lạ bơ vơ một mình.

Xứ lạ của ông bà mình là lấy chồng ở làng khác, tỉnh khác, vẫn còn nói chung một ngôn ngữ mà đã thấy khó khăn. Lấy chồng về một cái xứ nào mà mình không nói được tiếng xứ ấy, không độc lập về tài chánh, không có hậu thuẫn của gia đình, người thân, thì càng khó khăn hơn gấp bội lần.