Trích dẫn Kurt Vonnegut

Sau ngày Giáng sinh tôi vào tiệm sách thấy nhiều quyển sách hạ giá. Như các cô còn trẻ thấy quần áo giày dép đẹp hạ giá thì cầm lòng không đậu, tôi thấy sách rẻ là mua ôm về một lô sách. Sáng nay ngồi lật quyển The Best American Non-Required Reading 2008 (Những bài tiểu luận không bắt buộc đọc của nhà văn Hoa Kỳ hay nhất trong năm 2008) thật là ngạc nhiên và thú vị khi thấy trích dẫn rất nhiều tác phẩm của nhà văn quá cố Kurt Vonnegut. Cuộc đời của ông khá ly kỳ, khi ông bị Đức bắt làm tù binh đang bị giam ở Đức thì thành phố bị đánh bom lửa. Khi ông ra khỏi tù thì thành phố cháy tan hoang. May mà ông không bị chết cháy trong tù.Tôi rất thích văn của ông vì ông viết rất dí dỏm, và hay chỉ trích những chuyện không tốt của người Mỹ. Ông đã chỉ trích người Mỹ khi người Mỹ đang ở đỉnh vinh quang sau thế chiến thứ Hai. Tôi nghĩ ông là một trong những nhà văn Mỹ xứng đáng được giải Nobel.

A Man Without a Country (2005)
Do realize that all great literatue – Moby-Dick, Huckleberry Finn, A Farewell to Arms, The Scarlet Letter, The Red Badge of Courage, The Iliad and The Odyssey, Crime and Punishment, The Bible, and “The Charge of the Light Brigade” are all about what a bummer it is to be a human being? (Isn’t it such a relief to have somebody say that?)

Một Người Vô Tổ Quốc (2005)
Có phải tất cả những tác phẩm văn chương vĩ đại – Moby-Dick, Huckleberry Finn, Giã Từ Vũ Khí, Mẫu Tự Đỏ, Huân Chương Đỏ của Lòng Can Đảm, The Iliad and Cuộc Viễn Du, Tội Ác và Hình Phạt, Thánh Kinh, và “The Charge of the Light Brigade” đều chỉ để nói cho chúng ta biết rằng làm con người là một điều không mấy sung sướng? (Và có phải thật là nhẹ nhõm khi nghe có người nói thẳng ra điều này?)

If you want to really hurt your parents, and you don’t have the nerve to be gay, the least you can do is go into the arts. I’m not kidding. The arts are not a way to make a living. They are a very human way of making life more bearable. Practicing an art, no matter how well or badly, is a way to make your soul grow, for heaven’s sake. Sing in the shower. Dance to the radio. Tell stories. Write a poem to a friend, even a lousy poem. Do it as well as you possibly can. You will get an enormous reward. You will have created something.

Nếu như bạn thật sự muốn làm cho bố mẹ buồn lòng, mà bạn không đủ can đảm để làm người đồng tính luyến ái, ít nhất bạn có thể theo học ngành nghệ thuật. Tôi chẳng đùa đâu. Nghệ thuật không phải là một cách kiếm sống. Nghệ thuật là một cách rất là nhân bản để làm cho cuộc đời dễ chịu đựng hơn. Tập tành một thứ nghệ thuật, không cần biết khéo hay dở, là một cách làm cho tâm hồn của bạn lớn khôn hơn. Hát trong khi tắm. Nhảy múa theo điệu nhạc trên radio. Kể chuyện. Làm thơ tặng bạn cho dù bài thơ ấy dở. Làm những điều này bằng tất cả khả năng của bạn. Bạn sẽ được một phần thưởng to lớn vô cùng. Đó là bạn sẽ làm công việc sáng tạo ra một tác phẩm nào đó.

Vài câu ca dao trong tập Văn xuất bản lần cuối cùng

Trước Giáng sinh ông THT có cho tôi một bản in lại tập Văn phát hành này 4 tháng 3 năm 1975, tức là số báo cuối cùng trước ngày 30 tháng 4. Trong tờ báo này có phần đặc biệt đăng tác phẩm được xem là triển vọng của văn học miền Nam lúc bấy giờ. Phần chính có Tám Bài Ngẫu Chiếm của Vũ Hoàng Chương, Thư Thi của Hoàng Ngọc Tuấn (ông này là tác giả của Hình Như Là Tình Yêu, Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau, Cô Bé Treo Mùng, v.v..), Những Hư Tự của Võ Phiến và Trên Tay Mối Chỉ của Du Tử Lê. Ông THT có một truyện ngắn Khung Cửa Bên Giòng Sông Hương đăng trong số này. Truyện lãng mạn nhưng độc giả thấy được cái không khí hoang mang của chiến tranh, quân nhân tràn ngập trong thành phố nhỏ. Có hai điều tôi để ý. Một là bài thơ dài của HNT mà nhà văn NQT có lần bình luận gì đó bị người ta mắng um sùm. Tôi phải công nhận là bài thơ này có rất ít giọng văn của HNT nhưng có rất nhiều giọng văn của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Minh. Cảm nhận riêng tư thì ai cũng có nhưng nếu phát biểu những điều mà không có bằng chứng thì người ta mắng chết. Để ý chuyện này vì bản tính tọc mạch tò mò của đàn bà, muôn đời không thay đổi. Điều thứ hai tôi để ý chỉ vì ý thích riêng. Đó là gần 6 trang ca dao do Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, và Phan Lạc Phúc ghi chép lại với sự đóng góp của nhiều nhà văn nhà thơ như Võ Phiến, Ngụy Ngữ, Nguyễn Thị Ngọc Minh (à sẵn đây xin khai thêm một chút, tôi rất mê văn của nhà văn này, chỉ tiếc là chị viết truyện ngắn ít quá). Những Bài Ca Dao này được đặt cho cái tên là Những Bài Thơ Tình Việt Nam Hay Nhất.

Buồng nhà trong mắc dở chăn tằm
Buồng nhà ngoài chứa khách, anh biết nằm nơi mô

Rượu nằm bên trạo chờ nem
Anh nằm phòng vắng đợi em đôi ngày

Nghĩa Tào Khang ai mà vội dứt
Đêm nằm tấm tức lụy nhỏ muốn rơi
Biết bao giờ tạc được bóng người
Để đêm khuya canh vắng vui cười giải khuây

Nước ròng chảy thấu Tam Giang
Sầu đâu chín rụng, sao chàng biệt tăm

Ra về đã nửa đổi đồng
Nón che, tay ngoắc, cực lòng phải lui

Mẹ thương con lên ngồi cầu Ái Tử
Gái thương chồng đứng núi Vọng Phu
Bao giờ bóng xế trăng lu
Nghe ve kêu mùa hạ, biết mấy thu chàng về

Trăm năm dù lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò vẫn đưa
Cây già bến cũ còn lưa
Con đò đã thác, năm xưa tê rồi

Chim buồn, chim bay về núi
Cá buồn, cá chúi ao sâu
Chàng buồn dở áo xem bâu
Thiếp buồn thiếp ngó đâu đâu cũng buồn
Chầu rày chắc lẽ xa luôn
Én nam nhạn bắc biển nguồn hai nơi

Còn nhiều câu hay lắm để mai mốt đăng tiếp.

Thấy đời mình thèm những chuyến xe

Đêm qua thức sớm xem nguyệt thực. Thấy mặt trăng màu nâu ưng ửng đỏ chứ không đỏ cái kiểu trăng huyết. Mặt trăng cũng không lớn lắm. Xong tôi đi ngủ lại. Thức giấc lần nữa thì trăng đã rụng xuống phía dưới rừng cây khô trụi lá. Liên tiếp mấy đêm liền mặt trăng sáng rọi vào cửa sổ làm tôi cứ tưởng để quên đèn ở nhà bếp hay phòng học. Ngạc nhiên là mình không còn cái cảm giác buồn bã, buôn buốt, nhức nhối như trước kia. Không lẽ mình khô kiệt cảm xúc đến như thế? Buổi sáng đọc báo thấy yahoo có rất nhiều ảnh rất đẹp của nguyệt thực. Mặt trăng to treo trên đỉnh cái obelisk thấy rõ cả nét của tường. Thức giấc nửa khuya làm gì cho nhọc xác mà cũng đâu có thấy được trăng đẹp như ảnh người ta chụp.

ảnh nguyệt thựcẢnh của AP đăng trên Yahoo.

Người ta hay nói tiền nào của ấy. Thường thì nó cũng đúng nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ. Thí dụ như tuần trước tôi cần một tấm lịch treo tường. Vào Borders tôi chọn một cuốn lịch của Audubon có ảnh chụp thiên nhiên rất đẹp, không đắt lắm chỉ độ mười đô la cộng thêm tiền thuế 7 phần trăm. Hôm qua vào Target mua mấy chai compressed air để thổi bụi computer. Tôi không định mua thêm lịch nhưng trong lúc tìm mua một quyển để làm sổ tay ghi chép những đề tài tôi muốn đọc thêm và nếu có thể sẽ viết bài biên khảo đọc chơi cho vui, tôi thấy một cuốn lịch treo tường mà vừa thấy nó là tôi muốn mua ngay tức khắc. Nghĩ thầm ở chỗ làm việc tôi chưa có lịch. Mấy năm nay các consultants chẳng buồn tặng lịch cho tôi vì không lấy được contract nào. Không muốn phí tiền tôi định bụng nếu nó mắc tôi sẽ không mua. Hỏi người đứng quầy thu tiền người ta nói giá của nó là một đồng. Không thể tưởng tượng được một bộ lịch như thế mà giá bán chỉ một đồng. Chỉ tiền công in có lẽ cũng phải cả chục đô la. Tôi mua ngay, đem về so ra thấy giấy của quyển lịch này chất lượng không bằng nhưng tôi yêu hình ảnh của tấm lịch này không kém gì hình ảnh của lịch Audubon. Thật ra phải nói là tôi yêu hơn.

Tháng Hai, ảnh chụp con đường lót đá, những bậc thang bằng đá bên tay trái dẫn đến một cánh cửa màu đen sẫm. Con đường đá chạy bên dưới một viaduct bằng đá. Ngoài kia cuối con đường đá là bức tường trắng của một ngôi nhà có hai cánh cửa nâu nắng rọi sáng. Ảnh chụp ở Trogir, Split-Dalmatia, Croatia.

Tháng Sáu, ảnh của những căn nhà giống như những cái hộp mái ngói nâu, tường đóng rêu, sắp hàng thoai thoải xuống theo triền núi như những bậc thang. Bên ngoài xa là những cánh đồng xanh màu mạ non, lẫn trong những thửa ruộng lúa mì đã chín màu vàng ngã sang nâu. Ảnh chụp ở Shaftesbury, Dorset, Anh.

Tháng Tám. Ảnh chụp mặt tiền của những căn phố được xây cất lắp ghép bằng những thanh gỗ hẹp. Ảnh dùng loại lense đặc biệt làm có chiều ngang có vẻ hẹp lại và dài chiều cao dài ra tạo thành một bức tranh lạ mắt với những ô chữ nhật màu trắng và những viền nâu trên vách tường khác màu. Ảnh chụp ở Baden-Wurttemberg, Đức. Thử google để tìm half-timbered fascias nhưng không tấm ảnh nào đẹp bằng tấm ảnh này.

Cứ nhìn những bức ảnh như thế này lòng tôi lại cháy bỏng muốn được đến những miền đất xa lạ ấy, ngửi không khí, ngắm người, nghe tiếng động chung quanh. Tự nhủ, chưa chắc mình đến tận nơi thì sẽ nhìn thấy cái mà người nghệ sĩ đã thu lại trong ống kính của họ. Không có đôi mắt xanh chắc gì nhìn thấy được cái đẹp. Đâu cứ thức khuya thì sẽ được nhìn trăng nguyệt thực đẹp đâu. Nói thế nhưng vẫn thèm được làm một chuyến đi xa.

Hương vị quê nhà

Hôm trước được tặng tập thơ trong đó có mấy câu rất giản dị.

Nhớ nhà không cần châm điếu thuốc
Mà cắn vào cánh lá quế thơm
Vị ngây ngây đầu lưỡi – quê hương. (Trần Hoài Thư)

Câu đầu tiên gợi nhớ thơ Hồ Dzếnh. Hai câu sau nói về vị của rau thơm. Ông bà mình đã nói từ ngày xưa, hương gây mùi nhớ. Mùi hương đánh thức ký ức và hương thường đi đôi với vị. Nếu có lúc nào mũi không còn cảm nhận được mùi hương thì vị giác sẽ không còn tinh nhạy, người ăn sẽ không nhận biết được cái ngon của thức ăn.

Nói đến rau quế người Nam nhớ ngay đến canh chua thơm nấu với cá lóc và dĩ nhiên cũng nghĩ đến phở. Thay thế hoặc ăn kèm với quế là lá ngò tây. Rau thơm dùng làm gia vị xuất hiện khá thường xuyên trong văn học dân gian của Việt Nam. Khi nhà thơ Đoàn Phú Tứ (không biết có nhớ đúng hay không) cầu kỳ gán cho thời gian màu xanh xanh, thì một nhà thơ nào đó cho biết, tình yêu có vị cay và mặn.

Tay bưng dĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau

Có người thì cho là tình yêu có vị đắng của trái khổ qua. Hôm trước tôi đã viết về bài hát có câu đường vào tình yêu có nhiều trái đắng mang tên khổ qua. Nhưng khi mới vào yêu, người ta cho là tình yêu có vị ngọt ngon như là trái táo chíntình thì được cho không biếu không.

Rau quế làm cho nhà thơ Trần Hoài Thư nhớ quê xưa. Còn nhà văn Bùi Ngọc Tấn trong quyển Chuyện Kể Năm 2000 đã kể lại những năm tháng trong tù, buổi chiều sau khi đi lao động về ông lén hái rau thơm gói vào cái khăn lau mặt mang vào trại. Ông bị khám, quản trại bắt được, nhưng không trừng phạt chỉ thắc mắc các người tù không có gì để ăn với rau thơm tại sao lại hái mang về. Nhà văn giải thích qua nhân vật Nguyễn văn Tuấn, rau thơm gợi ông nhớ cuộc sống tự do ở bên ngoài và không khí gia đình. Với ông, rau thơm là hình ảnh của tự do.

Rau thơm dùng làm gia vị trong ca dao nói rõ ràng rau gì ăn với món gì.

Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi mẹ hỡi mua tôi đồng riềng

Củ riềng không thể nào thiếu trong mắm thái và trong món rựa mận, tuy nhiên nói thật tôi chưa hề ăn thịt chó bao giờ, kể cả món giả cầy nêm  bằng củ riềng. Lá chanh không những chỉ ăn với thịt gà luộc; nếu đem nấu nước gội đầu, mùi thơm làm mái tóc càng đáng yêu quyến rũ hơn. Hôm trước tôi thấy lá chanh bán trong siêu thị, giá 160 đô la một kí lô. Chỉ vài cái lá chanh, người ta đòi người mua phải trả với giá năm đô la để được thưởng thức hương vị quê nhà. Rau răm không những chỉ dùng trong gỏi vịt hay trứng vịt trứng gà lộn mà còn được dùng để ví von với thân phận của người góa phụ.

Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay

Đang viết dang dở nửa chừng bị bế tắc ý tưởng thì cô nhớn nhà tôi đi đâu về mang theo ba loại rau thơm người Mỹ hay dùng:  parsley: mùi tây, sage: cây xô thơm, thyme: cây húng tây. Chỉ thiếu một thứ rosemary: lá hương thảo. Bốn thứ rau thơm này đã được nhắc đến trong bài hát dân ca nổi tiếng Scarborough Fair. Phạm Duy viết lời khác đặt tên Giàn Thiên Lý đã xa. Thiên Lý một loại hoa màu xanh lá cây nhạt ngã sang màu vàng, có mùi thơm, cũng được dùng để nấu canh hay xào. Lời hát của Phạm Duy dìu dặt lãng mạn Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà. Giàn thiên lý đã xa mãi ngàn xa. Đấy cũng mùi hương thiên lý hay vị hoa thiên lý gợi người ta nhớ quê nhà. Nhà văn quá cố Duyên Anh trong truyện ngắn Hoa Thiên Lý đã nói, rất cảm động, về bà mẹ ở miền quê ngoài Bắc dáng gầy dưới dàn hoa thiên lý tìm hái hoa để nấu canh cho con ăn. Lời hát của Phạm Duy đã đi xa bản gốc của bài hát Scarborough Fair chỉ còn duy nhất một câu này này nàng hỡi nhớ may áo cho người là còn phảng phất giống một câu trong bài hát chính. Xin độc giả tha lỗi, tôi không có ý phê bình bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy. Ông chỉ dùng nhạc còn lời hát ông viết đã thành một bài hát khác. Bởi vì dịch lời hát mà vẫn còn giữ nhạc điệu là một chuyện vô cùng khó khăn, nếu cố cho mằng được có thể làm mất đi nhạc tính và thi tính.

Bài hát Scarborough Fair  là bài hát đã dùng cả bốn loại rau thơm.

Are you going to Scarborough Fair?
Parsley, sage, rosemary and thyme,
Remember me to one who lives there,
She once was a true love of mine.

Bài hát theo tôi hiểu như thế này Có phải bạn đang trên đường đi chợ phiên nhóm ở Scarborough. Ở đấy chắc chắn là sẽ có những loại rau thơm như mùi tây, xô thơm, hương thảo, và húng tây. Nơi ấy có một người tôi đã từng yêu. Yêu thật tình.

Scarbourough Fair là một phiên chợ ở Anh thời Trung cổ (1253 dưới thời vua Henry đệ tam), kéo dài 45 ngày. Phiên chợ này nằm ở một vị trí giao thông tiện lợi cho các quốc gia trong vùng như Anh quốc, Đan Mạch, Na uy và các quốc gia lân cận. Phiên chợ này ngày nay không còn nhưng bài hát Scarborough Fair là một trong những di tích nổi tiếng còn lại. Qua nhiều năm, bài hát được thay đổi, biến thành nhiều phiên bản.

Bốn loại rau thơm được lập lại trong mỗi phiên khúc đầy vẻ bí ẩn. Hai người yêu nhau không rõ vì lý do gì, có thể vì kiêu hãnh và thành kiến, nên xa nhau.

Nhân vật trong bài hát, một thanh niên, nói với người nghe, nhắn với người tình của anh ta, bảo cô gái thực hiện một số công việc rất khó khăn không thể nào thực hiện được, để được tình yêu của anh. Cô phải may một cái áo không có đường may không có mũi kim, giặt ở một cái giếng khô (không nước). Nếu cô làm được việc này thì anh sẽ yêu cô, hay nói đúng hơn, anh sẽ nhận cô trở lại với tình yêu của anh. Thường thì bài hát này được song ca. Người nữ ca sĩ cũng nêu ra nhiều công việc rất khó khăn và hứa với người tình sẽ dâng cho anh cái áo mà anh đòi hỏi nếu anh thực hiện được những công việc mà nàng đòi hỏi ở anh.

Tương truyền rằng bài hát này nói về một trận dịch khủng khiếp ngày xưa, và bốn loại rau thơm này được người dân thời bấy giờ tin là có thể dùng để đẩy lui bệnh dịch. Ngay cả cái áo Cambric cũng có vẻ là một cái áo tang dùng để tẩn liệm người chết vì thế không có đường may.

Bốn loại rau thơm này, có người cho rằng, có thể là một loại bùa yêu. Ngày xưa có một hiệp sĩ trẻ được một vị phu nhân tên là Scarlett tặng cho một chai bùa yêu trong đó có bốn loại rau thơm. Parsley (mùi tây) tượng trưng cho tình dục, sage (cây xô thơm) tượng trưng cho sự khôn ngoan, rosemary (hương thảo) tượng trưng cho tưởng nhớ và thyme (rau húng tây) tượng trưng cho sự hấp dẫn không thể tự kềm chế được. Trong phiên bản này, đôi tình nhân hẹn gặp nhau ở chợ phiên Scarborough nhưng gặp nhiều trắc trở cuối cùng với tình yêu chân thành họ vượt qua nhiều trở ngại để đến với nhau. Tôi rất yêu giọng hát đôi của Simon và Garfunkel nên mời các bạn nghe. 

Vài quyển sách của Joyce Carol Oates

Tôi vẫn thường mong ước được có thêm thì giờ để đọc nhiều hơn và đọc có hệ thống hơn. Mỗi khi mệt mỏi hay tư tưởng không yên tĩnh tôi không đọc được. Ngay từ đầu năm tôi cũng đã có ý định sẽ đọc tác giả Mỹ nhiều hơn vì mình ở ngay xứ Mỹ sách vở ê hề đọc miễn phí. Định bụng là thế nhưng cứ sa đà hết quyển nọ đến quyển kia và tôi thấy mình thích các nhà văn Canada và Nhật hơn là nhà văn Mỹ.  Có lẽ bụt nhà không thiêng chăng?

Mới lôi vê từ thư viện một đống sách của George Steiner và Joyce Carole Oates. Steiner là tại vì ông già hưu trí nhắc đến. Còn Oates là tại ông Gấu trích dẫn. Hễ mấy ông này nói đến nhà văn nào thì tôi ráng đọc nhà văn đó.

Đọc được hai quyển của bà Oates là The Faith of a Writer và Uncensored Views and (Re)views. Quyển Niềm tin của nhà văn khá hay trong đó có vài chương có thể dịch cho nhiều người cùng đọc, nhất là chương To a Young Writer.  Đứng về mặt viết thì tôi chỉ là người mới bắt đầu nên thấy chương này rất bổ ích. Quyển Uncensored Views and Reviews thì tôi đọc nhảy cóc nhảy nhái vì hầu hết những tác giả bà điểm sách tôi chưa đọc đến, thật là xấu hổ cho sức đọc kém cỏi của tôi. Mấy chục năm làm nghề sửa cầu xe lửa tôi chỉ có kiếm cơm và nuôi con nên không đọc quyển sách nào chỉ đọc Reader’s Digest và National Geographic Society Magazine. Có lẽ hai tờ tạp chí này ảnh hưởng đến lối viết của tôi nhiều nên văn tôi không bay bướm.

Ngày mai tôi sẽ bắt đầu đọc quyển Woman Writer Occasions and Opportunities. Mới lật quyển sách ra đã nhằm ngay trang này.

“It may be that, after a certain age, our instinct for anonimity is as powerful as that for identity; or, more precisely, for an erasure of the primary self in that another (hitherto undiscovered?) self may be released…”

Có lẽ, đến một tuổi nào đó, cái bản năng mong muốn được là một người vô danh cũng mãnh liệt như cái mong ước được biết đến, hay nói cho đúng hơn, muốn xóa tan cái bản thể mà ai cũng nhận ra để một cái bản thể (chìm ẩn) khác được phóng thích…

Đó, bà đang nói về tôi đó.  Tôi luôn luôn muốn có người đọc mình đồng thời tôi không muốn ai biết tôi là người viết. Tôi thấy tôi đang mất sự vô danh của mình, từng chút từng chút tôi có cảm tưởng Vua Lì đang bị lột mặt nạ và khó mà viết những điều tôi muốn viết một cách trung thực không bị self-conscious.

Nhân đọc một bài nói về thơ của Thanh Tâm Tuyền

Ngày còn ở Việt Nam tuy không trẻ lắm nhưng tôi không đủ kiến thức và lịch lãm để đọc thơ Thanh Tâm Tuyền.  Tôi nghe danh ông và biết một hay hai câu nổi tiếng của ông. Biết có nghĩa là nghe nhắc đến nhiều lần nhưng không hiểu, thí dụ như, tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ,” “buồn chết như buồn nôn,” “lệ khóc không rơi ngoài hồn.”  Có một câu trong bài hát mà tôi không biết nó có khác với nguyên văn của câu thơ hay không là “ôi những người khóc lẻ loi một mình.” Còn một câu nữa cũng giống câu này cũng từ một bài hát. “Tôi biết những người khóc lẻ loi. Sầu không nguôi.” Hình như đó là một bài hát của Cung Tiến.

Rồi được đọc một bài nói về thơ Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ viết cho cô con gái tên Th. nhắn nhủ cô Th. nên nghe lại tấu khúc (The Four Seasons) của Vivaldi phần Summer (Hạ khúc) Presto* và nên đọc lại bài thơ của Shakespeare,The Phoenix and the Turtle, và cả bài thơ của Samuel Beckett.

Thú thật khả năng hiểu và cảm nhận về thơ của tôi rất yếu, mà nhà thơ lại đưa ra ba cái ẩn dụ toàn là của ngoại quốc, thì tôi càng mù mịt hơn. Hôm nay không đi làm, tôi lấy ngày nghỉ phép nghỉ luôn một hơi từ hôm nay cho đến hết ngày thứ Hai là ngày lễ Độc lập của Hoa Kỳ. Chàng đi vắng, cô lớn đi chơi, cô út ở nhà một mình mà tôi cưng cô út lắm nên lấy ngày nghỉ ở nhà chơi với con, làm việc vặt trong nhà. Sáng sớm tôi nghe lại bài vĩ cầm Bốn Mùa của Vivaldi đoạn Presto.  Tôi có khoảng chục bài vĩ cầm Bốn Mùa này được trình tấu bởi nhiều người nhiều ban nhạc khác nhau.  Tôi sẽ nói về bài vĩ cầm này sau khi nói về bài thơ của Shakespeare. Nhưng trước nhất là tôi xin thắc mắc về bài thơ của Samuel Beckett. Bài thơ như thế này, bằng tiếng Pháp, mà tôi không biết tiếng Pháp! Bản dịch không phải của tôi, tôi dùng google translation.  Quý vị nào có thể dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh hay tiếng Việt cho tôi thì tôi xin cám ơn nhiều.

Je voudrais que mon amour meure
Et qu’il pleuve sur le cimetière
Et sur les ruelles où je vais
Pleurant celle qui crut m’aimer

Dịch ra tiếng Anh là:

I want my love die.
And it rains on the cemetery.
And on the streets where I.
Crying one who thought love like me.

Dịch ra tiếng Việt là

Tôi muốn tình tôi chết
Và mưa trên bãi tha ma
Và trên những phố nơi tôi
Người than khóc cho những người suy nghĩ giống như yêu tôi.

Dịch đại như thế xin tha thứ bản dịch của tôi chỉ để hiểu nghĩa đen của bài mà thôi.  Ai có thể dịch bài này cứ comment cho tôi tôi xin trang trọng đưa lên blog của tôi.

Je voudrais que mon amour meure
qu’ il pleuve sur le cimetière
et les ruelles où je vais
pleuvant celle qui crut m’aimer
Samuel Beckett

Bản tiếng Anh của chính tác giả:

I would like my love to die
and the rain to be raining on the graveyard
and on me walking the streets
mourning her who thought that she loved me

Xin dịch đại để như sau:

Tôi ước gì tình tôi chết đi
và cơn mưa, mưa rơi trên nghĩa trang
và mưa trên người tôi đang đi trên phố
thương tiếc nàng, người tin rằng đã yêu tôi.

Update: Nhà văn kiêm dịch giả NQT đã gửi cho bản tiếng Anh cũng của Samuel Beckett. Xin post cho các bạn xem.

Bài thơ The Phoenix and the Turtle của Shakespeare làm tôi khốn khổ. Nhưng tôi muốn hiểu nhà thơ Thanh Tâm Tuyền muốn nhắn nhe gì với cô con gái qua bài thơ ông viết trong tù nên tôi lục lọi trên internet.  Shakespeare nổi tiếng tự bao đời nên tìm bài thơ của ông là chuyện dễ dàng nhưng tôi đọc bài thơ muốn chết luôn mà vẫn không hiểu.  Cứ vài ba câu lại có một chữ khó phải tra tự điển.  Có chữ tự điển cũng không có thí dụ như chữ precurrer. Bỏ chữ pre ra đi tìm chữ currer cũng không có.  Đọc hết bài thơ hiểu lõm bõm chỗ được chỗ mất tôi đành phải đọc Wikipedia để hiểu chung chung đại ý bài thơ nói gì. Đây là trang web tôi viếng nhiều nhất, một ngày tôi đọc nó phải vài lần vì cứ mỗi lần đọc một cái gì lạ tôi lại chạy vào đây để tham khảo. Sau đây là phần tóm lược bài thơ Phượng hoàng và chim câu. Turtle ở đây là chim turtle dove một loại chim rất xinh xắn cùng loại với bồ câu.

Đây là một bài thơ ngụ ngôn nói về cuộc hôn nhân lý tưởng. Tuy nhiên, bài thơ này cũng được xem là bài thơ nói về sự liên hệ giữa sự thật và cái đẹp, hay một thứ tình yêu thương làm người ta cảm thấy mãn nguyện.  Trong bài thơ này Shakespeare cũng nhắc đến tên của nhiều loại chim, dựa vào một bài trường thi đã được xuất bản trước của Goeffrey Chaucer có tên là Parliament of Birds hay Quốc Hội của Loài  Đàn Chim, để diễn tả cái chết của đôi tình nhân cũng giống như cái mất mát của một lý tưởng mà người ta chỉ có thể ngậm ngùi than thở.

Tác phẩm này được xem là tác phẩm bí ẩn nhất của Shakespeare do đó có nhiều thuyết diễn dịch khác nhau đến độ trái ngược nhau. Bài thơ có những câu rất đẹp mà tôi có thể hiểu nhưng không có khả năng dịch được như:

Beauty, truth, and rarity
Grace in all simplicity
Here enclos’d in cinders lie.

Xin tạm dịch như thế này:

Vẻ đẹp, sự thật, và sự hiếm quí
Vẻ trang nhã trong tất cả những điều đơn giản
Được bao kín trong than hồng
nằm nơi đây

Chữ grace bao giờ cũng giết tôi, vì tôi không tìm thấy chữ thật sự thích hợp để dịch chữ này. Grace tùy theo ý nghĩa của bài, có khi dùng để chỉ lòng can đảm, đức độ, sự bình tĩnh chấp nhận cơn giông bão của chính trị của thời thế, hay thái độ yên lặng đương đầu với khó khăn.

Bài cũ đăng lại.

*Vivaldi: Violin concerto, in G minor, Op. 8/2, RV 315, “The Four Seasons (Summer)” 3. Presto.

Sửa chữ Quốc Hội của Loài Chim thành Đàn Chim, ngày 22 tháng Chín năm 2017.

Nói thêm

Tối qua con bé nhà tôi xem quyển ba trong bộ phim Lord of the Rings là The Return of a King, xem lại không biết lần thứ mấy.  Đã nhiều lần tôi tự bảo mình phải viết điểm sách và điểm phim này.  Nhưng đây là bộ sách rất dày với nhiều điển tích khá xa lạ với độc giả Việt Nam nên viết sẽ rất nhọc nhằn.  Bộ phim tuy ra đời đã lâu nhưng thỉnh thoảng xem lại vẫn thấy hay, nhất là những trận đánh nhau vẫn làm tôi tưởng tượng đến trận đánh Xích Bích trong Tam Quốc Chí.  Người ta đánh nhau chí chóe, giết nhau như giết ngóe, thê thảm dường ấy chỉ để người đọc và người xem phim thưởng ngoạn và mê mẩn.

Có một câu hay.  Aaragorn một chiến sĩ, có nhiệm vụ tuần hành bảo vệ lãnh thổ quốc gia của chàng, đang tìm cách khôi phục ngai vàng dưới quyền cai trị của người chú.  Trước khi lên đường thuyết phục đạo quân ma, trước đây phục vụ dưới quyền vua cha của chàng vì thất trận và không thực hiện lời cam kết với vị vua cha nên đạo quân ma này bị bắt sống kiếp ma, không được siêu thoát.  Aaragorn cần sự giúp sức của đạo quân ma và chàng sẽ giải lời nguyền giúp cho họ.  Nhưng đêm đó cũng là đêm đạo quân của kẻ thù Mordor sẽ tấn công vua Theoden, một đồng minh với Aaragorn.  Eowyn là cháu của Theoden, vị quận chúa này đã từ lâu thầm yêu Aaragorn, van nài chàng ở lại. Aaragorn nhận biết mối tình thầm lặng của nàng quận chúa vừa xinh đẹp vừa can đảm này, nhưng lòng chàng đã hướng về Arwen, một nàng tiên, nên nói với Eowyn: “what you love is only a shadow and a thought.” có nghĩa là “nàng ơi, cái mà nàng yêu chẳng qua chỉ là cái bóng và ý nghĩ.”

Sáng nay đọc thêm một câu khác ở trong một quyển sách chưa được xuất bản: “phải già thì người ta mới biết làm nũng.  Khi còn bé thì người ta chỉ biết vòi vĩnh. Phải yêu thương âu yếm ghê lắm mới có thể nâng niu quá khứ của kẻ khác được.”

Sáng Chủ Nhật đẹp trời

Liên tiếp hai ngày nắng nhiều.  Sáng hôm qua tôi ngồi nhìn ra cửa sổ ở phòng học, ngắm nắng lên từ từ nhuộm hồng rừng cây sau nhà.  Sau lưng tôi nắng xuyên qua cửa sổ rộng phía phòng khách rọi lên lưng tôi làm khắp người tôi nhuộm nắng.  Tóc tôi sáng rực như tỏa hào quang.

Trưa qua tôi đưa hai cô bé đi chợ.  Trong khi cô lớn đi chọn quần áo tôi vào trong Borders mua sách.  Tôi nghĩ nếu tiệm Borders này không có nắng tràn vào như thế này có lẽ nó chẳng quyến rũ tôi đến thế.

Đọc hết quyển Ngàn Cánh Hạc, đọc lại và ghi chép, tôi thấy bức rức vì mất thì giờ khi viết tay khi dùng computer.  Sách của thư viện nên tôi không thể ghi chú thẳng vào quyển sách.  Vì thế tôi định bụng vào Borders sẽ mua cả hai quyển Ngàn Cánh Hạc và Xứ Tuyết.  Có thể nói tôi không phải là người thuần túy yêu sách.  Những người yêu sách họ tâng tiu quyển sách lắm, giữ cho mới cho đẹp cẩn trọng.  Tôi thì khác.  Nếu tôi mà thích quyển sách cần phải đọc lại hay ghi chú tôi thường ghi thẳng vào quyển sách.  Có những quyển tôi ghi chi chít đến độ phải dùng keo ghép thêm vài tờ giấy trắng ở bìa sau, cảm nghĩ riêng, đoạn nào có thể trích dịch nếu tôi viết bài nhận định, hay điểm sách.  Một quyển sách hay có thể nói lên cùng lúc nhiều chủ đề nên trang nào có thể dùng cho chủ đề nào.

Ở Borders tôi không tìm thấy Ngàn Cánh Hạc mà chỉ thấy Xứ Tuyết.  Quyển sách mỏng dính cùng với coupon giảm giá 30 phần trăm tôi mua với giá hơn 11 đồng.  Và tôi cũng mua một quyển sách về nhiếp ảnh để… xem hình.  Công nhận là ở Mỹ này có nhiều thứ quyến rũ tôi vô cùng.  Sách về nhiếp ảnh trong thư viện nhiều lắm nhưng tôi muốn có một quyển để đọc thêm.

Thật ra tôi muốn tìm một quyển sách về kiến trúc để xem nó nói về những ngôi nhà kiểu xưa, thời Tudor chẳng hạn.  Không hiểu sao tôi rất yêu kiến trúc của những ngôi nhà, chỉ thích nhìn thôi chứ không thèm muốn có nó.  Chỉ nhìn thấy bên ngoài nay dự định viết một truyện ngắn dùng bối cảnh là ngôi nhà tudor tôi lại tự hỏi bên trong của nó ra thế nào, dĩ nhiên trang trí nội thất thì mỗi người có mỗi gu khác nhau.  Tôi vốn kém mắt thẩm mỹ nên không tự tưởng tượng được vì thế muốn tìm hình để xem. Có nhiều sách về kiến trúc nhưng không có loại nhà tôi muốn tìm và có nhiều kiểu trang trí nội thất sang trọng quá không giống như trí óc tôi phác họa.

Có người mách bảo nên tìm xem phim Cherry Blossom nếu có thể được và tôi tìm được phim này qua hệ thống thư viện vùng tôi ở.  Không biết đây có đúng là phim mà người giới thiệu nhắc đến hay không.  Nội dung của phim nói về một người đàn ông Đức tên là Rudi.  Vợ ông, Trudi, được bác sĩ báo cho biết là Rudi bị bệnh nan y và ông sắp chết trong một thời gian rất ngắn.  Bác sĩ bảo là bà nên cùng với ông làm một chuyến phiêu lưu và bà đề nghị ông đưa bà đi thăm các con đang sinh sống làm việc ở xa.  Đây là một điểm yếu về mặt hợp lý của phim bởi vì bác sĩ không thể nói cho vợ của bệnh nhân biết là bệnh nhân sắp chết trong khi bệnh nhân mù tịt về tình trạnh sức khỏe của mình.  Phim có phụ đề tiếng Anh và thỉnh thoảng nhân vật nói tiếng Anh.  Tuy nhiên trước khi Rudi chết thì Trudi lại chết trong giấc ngủ lúc hai ông bà đang viếng người con cả. Vốn được vợ yêu thương săn sóc chu đáo nay bất thình lình bà qua đời nên ông trở nên hụt hẩng trong đời sống.  Người con cả có vợ con nên không thể ông bố sống chung và ông đi qua Nhật ở với người con trai kế chưa có vợ trong một căn chung cư nhỏ hẹp.  Hằng ngày ông vào phố đang lúc mùa anh đào nở.  Hoa anh đào nở tượng trưng cho sự vô thường của cuộc đời, chỉ xuất hiện trong chừng một tuần với tất cả cái đẹp của nó rồi sau đó tàn rụi.  Trong vườn anh đào ông gặp một cô bé trình diễn điệu múa Futo là một kiểu khiêu vũ mà vợ ông rất thích.  Bà muốn trở thành một vũ công Futo nhưng ông không cho phép.  Vũ công của điệu vũ này đánh phấn trắng trên mặt lối trang điểm trông lạ và đáng sợ.  Qua điệu vũ họ truyền tâm tình, nỗi lòng với những người thân đã mất như cô bé muốn tỏ lòng thương nhớ người mẹ đã qua đời.  Cô bé mười tám tuổi này là một người không nhà sống trong một túp lều ở một công viên trở thành bạn của ông. Khi ông muốn đi thăm núi Phú Sĩ cô đưa ông đi.  Những ngày đầu trời sương mù nhiều nên không thấy núi.  Trong lúc ở khách sạn ông ngã bệnh và cô gái tên Yu đã săn sóc ông. Tất cả tiền bạc ông mang theo ông để lại cho Yu.  Phim kết thúc lúc con trai ông đến đem tro thiêu của ông về và chôn vào chỗ đã chôn tro của Trudi.  Bộ phim cho thấy sự khác biệt của hai nền văn hóa Nhật Đức.  Người xem có cảm tưởng văn hóa Nhật đối đãi tử tế với người già hơn là người Đức đối đãi với cha mẹ già của họ.

Còn quyển Ngàn Cánh Hạc tôi sẽ kể cho bạn Gió nghe vào lúc khác khi tôi có thì giờ nhiều hơn và có lẽ sau khi tôi đọc quyển Xứ Tuyết.

Những mảnh đời kỳ lạ

Đêm qua ăn tối xong, đâu như chỉ mới hơn 7 giờ tôi đã đi ngủ bởi vì đêm hôm kia tôi ngủ chỉ hai giờ đồng hồ.  Tinh thần tôi dễ bị xáo trộn nên chỉ cần một chuyến đi ngắn là tôi lao đao khốn khổ.  Cái cảm giác mình là người hạnh phúc mới hôm nào tràn ngập trong tôi mà bây giờ nó biến đâu mất để lại cảm giác mỏi mệt rã rời.

Buổi sáng lang thang đọc báo đọc blog trên mạng, tôi thấy có cái blog này của một ông có lẽ cũng là nhà văn từ trước năm 75.  Xin giới thiệu với mọi người về loạt bài viết này.  Tôi thấy đây là một sáng kiến hay, ông ghi lại vài dòng ngắn gọn về những người, có khi nổi tiếng có khi chỉ là dân thường, nhưng đời sống của họ có những điểm đặc biệt đáng nhớ, có khi may mắn có khi bất hạnh.

http://nguyenmienthao.blogspot.com/2010/02/mong-nam-tet-cao-huy-khanh-viet-nam-ho.html

Tìm hiểu về sách báo khiêu dâm và nữ quyền

Tôi muốn tìm hiểu thêm về chủ đề nữ quyền, sách báo khiêu dâm, tình dục, và văn chương để xem bốn chủ đề này ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào.  Các nhà nữ quyền vào những năm 60 đến 80 chia ra hai phái, một bên chống sách báo khiêu dâm kịch liệt (anti-pornography), bên kia đòi quyền hưởng thụ tình dục, tự do nghề nghiệp có liên quan đến tình dục (phong trào này được gọi là sex-positive feminism), và cũng chống kiểm duyệt.  Tôi cũng muốn tìm hiểu tình dục xuất hiên trong văn chương như thế nào.  Để hiểu biết cho tường tận có lẽ phải bỏ ra ít nhất là sáu tháng để đọc một số sách căn bản quan trọng, chứ còn đọc sơ sơ hai ba quyển thì không thể gọi là hiểu biết.  Tuy thế tôi cũng làm le đi vào thư viện bê về mấy quyển dày như là:

1.      Feminism: The Essential Historical Writings bao gồm nhiều tác giả gạo cội như Abigail Adams, Wollstonecraft, Stanton, etc.

2.      The Politics of Women’s Liberation – Jo Freeman

3.      Banishing The Beast – Lucy Bland

4.      Working it Out – 23 Writers, Artists, Scientists, and Scholars talk about their lives and work  (Edited by Sara Ruddick and Pamela Daniels

5.      It Changed My Life – Betty Friedan

Thú thật mấy quyển này đọc không trôi.  Tuy tôi rất cảm phục các nhà nữ quyền đã tranh đấu nên cuộc sống của tôi dễ thở hơn thời của các bà nhưng các sách này khô khan khó đọc quá.  Công nhận mức độ đọc của tôi không mấy cao nên chỉ đọc được các tác phẩm văn chương còn các tác phẩm nghiên cứu tôi đọc mà ngủ gục lên ngủ gục xuống.  Quyển Banishing The Beast tôi mang đi mang về cả tuần lể mà chỉ mới đọc được hơn chục trang.  Đọc vài dòng là trí óc tôi đã bắt đầu đi hoang.  Tuy nhiên giờ ăn trưa tôi cũng đã đọc và viết được một số định nghĩa về tình dục và sách báo khiêu dâm.  Khám phá ra một điều thú vị những bài báo hay hình ảnh hay tranh ảnh và phim ảnh nói về tình dục diễn tả chuyện tình dục thì nằm trong định nghĩa pornography, trong trường hợp này gọi là dâm thư.  Còn nếu trình diễn sống các màn tình dục hay vũ khỏa thân thì không nằm trong định nghĩa của pornography.

lẳng lặng mà nghe họ chửi nhau

Frank Pope, trong quyển Dragon Sea, một quyển sách nói về cuộc khai quật chiếc tàu chứa đầy đồ gốm cổ của Việt Nam đã chìm dưới đáy biển gần Hội An từ thế kỷ 15, đã nhận xét về người Việt Nam, tôi không nhớ nguyên văn, cũng không có quyển sách trong tay, nên xin phép lập lại trong trí nhớ, như thế này:

Người Việt Nam rất quật cường, rất tự hào.  Họ phải chiến đấu với người ngoại quốc hết đời này đến đời khác để tồn tại, nên bản chất chiến đấu luôn có sẵn trong người họ.  Đáng buồn thay khi họ không chiến đấu chống ngoại xâm, họ quay ra đánh lẫn nhau. Continue reading lẳng lặng mà nghe họ chửi nhau

Vẫn chỉ là nói tào lao

Hôm qua thấy đâu đó trên mạng một người phụ nữ VN bị chồng trói quặt tay ra phía sau lưng, cột chân, bịt mồm bắt nằm giữa đường.  Đứa con trai một tuổi chạy ra với mẹ bị cô cháu gái còn rất trẻ, chừng mười sáu mười bảy, ra bế vào.  Cô cháu gái như để hành hạ người phụ nữ đã ngồi lên thân hình của bà khi bế đứa bé trai vào.  Tôi thấy xót xa quá.

Ngày xưa, cạnh nhà tôi có hai vợ chồng cãi nhau.  Má tôi lúc ấy cũng khá lớn tuổi có lẽ cũng đã hơn sáu mươi nghe tiếng ồn ào chạy qua can thiệp.  Bà vợ đang lúc nóng nảy cầm cái đồng hồ để trên bàn loại đồng hồ bằng kim loại lớn hơn quả cam sành một chút ném ông chồng.  Dĩ nhiên là trúng má tôi, chảy máu đầu.  Tôi lườm nguýt hai vợ chồng tuổi trung niên, nói cạnh khoáy, tự nhiên khi không má xen vô chuyện nhà người ta làm gì để bị thương tích.  May mà bà không chết.

Nhưng đó là chuyện mấy mươi năm về trước khi những chuyện xào xáo trong nhà láng giềng vẫn có người can thiệp còn xã hội bây giờ thì người ta đi ngang chụp hình nhưng không ai giúp dùm người đàn bà bởi vì sợ gia đình của anh chồng thưa kiện.  Sợ như thế thì cũng phải thôi, không ai muốn mất thì giờ công ăn việc làm đi đối phó những chuyện chẳng liên can đến gia đình mình đôi khi lãnh vạ vào thân.  Tuy nhiên công an, cảnh sát, những người có thẩm quyền cũng có thể lên tiếng với lý do làm mất trật tự an ninh công cộng.  Thường những vụ bạo hành như thế sẽ dần dần tăng lên đến lúc người ta sẽ giết người vợ hay là có nhiều trường hợp đối đế người vợ sẽ giết người chồng.

Cũng không thể nói là xã hội xứ mình không tiến bộ bởi vì chuyện này cũng xảy ra rất nhiều ở Mỹ.  Người ta có những tổ chức giúp đỡ những người đàn bà nằm trong hoàn cảnh bi đát này.  Đôi khi cho ở tạm qua đêm hay một hai tuần chờ cho chuyện lắng xuống.  Đôi khi giúp tìm công việc làm và chỗ ở khác.  Người ta cũng tìm cách dấu tông tích những người phụ nữ muốn trốn hoàn cảnh này.  Tuy không mấy thành công vì họ thường tìm cách quay trở về, vì yêu chồng, mình không khỏi thở dài yêu gì mà ngu thế, hay vì những ràng buộc vô hình nào khác mà người ngoài không biết.  Những người bị đánh đập bạc đãi như thế lâu dần họ có một tâm lý bệnh hoạn là tại vì họ có lỗi nên bị người chồng đánh đập, và họ cam chịu như thế.  Đôi khi họ nghĩ là họ cần phải chịu đựng như thế để con họ có cha.  Rất là nhiều lý do tuy nhiên lý do lớn nhất có thể là lý do tài chánh, họ không có tiền bạc hay nghề nghiệp nên đành phải chịu cái khổ này.

Những đứa bé lớn lên rất có thể sẽ cho là đánh phụ nữ, đánh vợ là chuyện bình thường.  Ông cha mình đã làm như thế, và tục ngữ ca dao cũng có câu thương cho roi cho vọt, hay, dạy vợ dạy thưở bơ vơ mới về, hay xuất giá tùng phu, vân vân và vân vân.

Người phụ nữ lớn lên trong một ý thức hệ như thế không biết là mình có thể tự vươn lên thoát ra khỏi hoàn cảnh này.  Rằng họ không nên tùng phu để bị đánh đập hạ nhục một cách tàn nhẫn như một con vật.  Rằng thương không phải cho bằng roi vọt mà bằng dạy dỗ thuyết phục.  Rằng người phụ nữ cần phải tự trang bị cho mình những vốn liếng để không phải lệ thuộc ai đến mức độ rơi vào hoàn cảnh như thế.  Nền văn hóa của Việt Nam ở những thế hệ trước ca ngợi và cổ vũ đức tính quên mình để phục vụ chồng con của người phụ nữ Việt Nam.  Ở mức độ vừa phải, và hoàn cảnh thích hợp điều này có lợi cho gia đình và cho xã hội.  Tuy nhiên người phụ nữ không thể chỉ thương người mà không thương mình.  Trong trường hợp người phụ nữ bị trói bắt nằm trên đường, chị phải tự thương mình bằng cách thoát ra khỏi hoàn cảnh mà chị đang sống. Phải nhờ sự giúp đỡ của láng giềng, của xã hội, của pháp luật.  Nhưng trước hết là chị phải tự chủ động.  Xã hội VN sẽ không thể tiến bộ nếu những người chung quanh và đặc biệt là những người có thẩm quyền không quan tâm đến cuộc sống của người dân, nhất là những phụ nữ bị bạc đãi như thế.

Ối, tôi là một bà già lẩm cẩm.  Tôi ngồi đây trong cuộc sống thoải mái chõ mồm nói bâng quơ.  Tôi đã làm được việc gì thiết thực đâu.

Một ngày không may

Buổi sáng tôi ngồi hí hoáy với cái bài viết tôi vất vả cả ba tuần nay vẫn chưa biết bắt đầu như thế nào.  Chàng của tôi bảo sáng nay có đi đâu thì lo mà đi sớm kẻo tuyết đến.  Từ hôm qua mọi người đã bảo nhau tuyết đến chiều thứ bảy và sẽ kéo dài đến hết ngày chủ nhật.  Con bé út thường khi vẫn cùng đi với tôi đến thư viện còn ngái ngủ nên từ chối không đi.  Mười giờ tôi đi một mình; còn một block là đến thư viện tôi nghe tiếng máy kỳ lạ và xe chạy chậm hẳn lại.  Tôi lái xe vào bãi đậu xe của thư viện rồi khám xét thấy bánh xe sau bên phải bị xẹp. Không mang cell phone tôi dùng điện thoại công cộng gọi về nhà báo cho biết là xe bị xẹp bánh.  Sợ sẽ bị chàng cằn nhằn, may sao chàng nhẹ nhàng nói để anh đến xem.  Tôi vào thư viện chọn sách, chọn phim và chờ.  Thời gian trôi qua thật chậm trời thì càng lúc càng xám đậm hơn. 

Chàng đến, tôi nghĩ thế nào cũng bị gắt gỏng nên không dám nói sao mà lâu thế.  Nghĩ cho cùng xe bị xẹp bánh cũng chằng phải lỗi của mình.  Chẳng biết có thằng cóc chết nào rải đinh ra đường cho mình cán không?  Giả tỉ như mình đi trễ hơn may ra không cán đinh vì có người đi trước mình cán cái đinh đó rồi chăng?  Chàng rất khó tính hay cằn nhằn rầy rà nên tôi lo ngai ngái phen này chắc là chàng sẽ bảo tôi làm khổ chàng.  Mặt chàng không vui nhưng không rầy chỉ giải thích vì sao chậm đến.  Té ra chàng đến mang theo bánh sơ cua thì bánh sơ cua cũng bị xẹp.  Cả cái bánh sơ cua có sẵn trong xe của tôi đi cũng bị xẹp.  Chàng tháo bánh xe, mang cả bánh sơ cua đi bơm, thì cái xe chàng đi không chịu nổ máy.  Chàng gọi người em đến mang theo bình ắt qui để giúp jumpstart thì cái xe vẫn không nổ máy.  Thế là chàng gọi xe tow kéo cái xe chết máy đến chỗ sửa xe.  Tôi vào trong thư viện đọc sách tiếp.  Trong thư viện rất ấm mà chàng thì ngồi ngoài xe chịu lạnh để chờ xe tow. 

Tôi ngồi trong thư viện đọc được mấy truyện ngắn được giải thưởng O’Henry trong đó có truyện ngắn Touch của Alexi Zentner hay độc đáo.  Truyện làm tôi chảy nước mắt ràn rụa.  Đây là một truyện nên dịch cho nhiều người đọc.  Mới hôm qua hôm kia tôi đã nói với một người bạn là từ rày trở đi tôi sẽ tạm ngưng tham gia trường văn trận bút chỉ để dành thì giờ đọc một cách có hệ thống, có rất nhiều nhà văn Mỹ tôi nghe danh tiếng đã lâu nhưng chưa có dịp nghiên cứu cách viết của các nhà văn này.  Mấy hôm nay tôi không viết được nhưng đọc rất nhiều bài có giá trị.  Có một quyển sách học cô con gái lớn của tôi mang về có đề cập đến cách đọc (như một người viết văn) và cách viết (như một người đọc) và tôi đọc say sưa cách phân tích, cách viếtcho thuyết phục, cách chọn chủ để, v.v… càng đọc thì càng bí viết.  Có ai bảo con rết bò nhịp nhàng chân nào trước chân nào sau thì nó sẽ lăn kềnh ra vì không bò được.

Chàng chở tôi về nhà thì đã ba giờ.  Khoảng gần năm giờ tôi nhận được điện thoại của Hoalan chúc mừng Giáng Sinh.  Chúng tôi nói chuyện rất vui.  Mới đầu Hoalan hỏi có cô soandso ở nhà hay không thì giọng của anh ề à nghe già lắm.  Nhưng khi anh nói chuyện một hồi anh cười thì nghe giọng trẻ hẳn lại.  Nhà tôi hễ có điện thoại ít khi là của tôi nên được nói chuyện với anh là tôi vui lắm.  Giáng sinh như thế là lộng lẫy lắm nhé.  Nói chuyện điện thoại xong tôi đi làm cơm, soạn quần áo để đi giặt. 

Tuyết đã rơi rất dầy.  Khi tôi về đến nhà suýt tí nữa là tôi không vào garage được vì con dốc vào nhà rất cao.  Chỉ cần một lớp tuyết mỏng là xe lên không nổi.

Lâu rồi bạn Gió có nhắc một truyện ngắn của Pearl Buck nên tôi tìm đọc.  Vì không biết tựa truyện ngắn nên tôi mượn một tuyển tập truyện ngắn trong đó có The Lovers và The Kiss.  Cũng không phải là truyện mà Hoàng Anh đã kể nhưng tôi cũng đọc được một vài truyện ngắn của nhà văn được giải Nobel này.  Bà Pearl Buck viết rất nhiều.  Văn của bà rất hiền và rất đứng đắn.  Tuy hay nhưng khó mê hoặc tôi.  Tôi thường thích cách viết của những nhà văn nam hơn và nếu là nhà văn nữ thì phải hơi naughty một chút.

Tóm lại ngày khá xui tuy nhiên nếu tôi bị thủng bánh xe lúc đi làm ngày thứ hai hay nếu tôi dùng cái xe kia và nó không nổ máy thì sẽ rất là khốn khổ.

Những ý nghĩ rời

Tôi thức giấc vào lúc 4 giờ sáng, nằm nghe tiếng máy sưởi chạy kêu o o liên tục.  Điều này chứng tỏ trời bên ngoài rất lạnh.  Hôm qua mưa suốt ngày có lẽ nước trên đường đã biến thành băng.  Tôi trăn trở lao đao không viết được nên xem hết phim The Bitter Moon của đạo diễn Polanski, rồi xem phim The Clearing (Robert Redford), The City of Joy (Patrick Swayze). 

The Bitter Moon nếu nói về tình dục thì chẳng kém The Lover chút nào thật ra còn có phần hơn về mức độ loạn và nhiều cách.  The Bitter Moon nói nôm na là Trăng Đắng để phản nghĩa với chữ Trăng Mật của những người mới kết hôn và đang thời kỳ … trăng mật.  So với The Lover phim này có cốt truyện rõ ràng, tình tiết éo le, tâm lý nhân vật tối tăm hơn, đau đớn, thù hận lẫn vào với yêu thương.  Tôi xem phim và tự bảo rằng nếu người ta, các nhân vật trong phim, có lúc nào đó biết dừng lại, không trả thù, không tấn công, không theo đuổi, chấp nhận những mất mát đã có trong đời thì lòng họ sẽ không đau đớn đến thế.  Điều đó có nghĩa là vẫn đau đớn một cách khác, ở mức độ ít hơn.  Tuy nhiên lấy cái gì để đo lường mức độ đau đớn trong tâm hồn ngoại trừ mình đo lòng người khác bằng cây thước của lòng mình.

Buổi tiệc tối qua tôi ngồi, chỗ đối diện với cái kệ sách của mình.  Tuy là chủ nhà tôi thường được ngồi chỗ ít ra vào để nhường chỗ cần ra vào cho những người nấu bếp.  Và trong khi mọi người bàn chuyện khi về hưu thì sẽ ở đâu tôi ngồi nhìn sách trên kệ.  Tôi còn vài ba quyển của Orhan Pamuk, vài quyển của Coetzee, có lẽ tôi nên tập trung vào việc đọc, đọc một cách có hệ thống, chừng vài năm rồi sau đó hãy bắt đầu viết, với hy vọng là tôi vẫn còn sống thêm vài năm nữa.  Tôi bị chết hụt vài lần lúc còn nhỏ nên bao giờ tôi cũng sợ mình sẽ chết, chiều nay, hay ngày mai, hay tuần sau tháng sau.  Tôi sống ham hố, chụp giựt từng cảm giác bay thoáng qua, từng cái đẹp của không gian sợ khi chết mà vẫn chưa được hưởng những cái hay cái đẹp của đời sống.

Cô gái trong phim The Lover (Người Tình) đi từ Sa Đéc lên Sài Gòn giữa đường gặp một anh chàng trẻ tuổi đẹp trai người Trung hoa, lúc ấy cô mười lăm tuổi.  Người ta chọn cô diễn viên gần mười tám tuổi để đóng vai này.  Anh chàng Michael Berg trên đường từ trường về nhà, bị ốm, gặp Hanna Schmitz rồi yêu cô nàng, Lolita của Nabokov, the melancholy whore của Marquez (cô bé này còn trẻ hơn, mới 14 thôi), tất cả các nhân vật này đều được đặt vào cái tuổi 15.  Ông thi sĩ nào đó cũng bảo rằng em là cô gái trời cho đẹp từ thưở mười lăm đã đẹp rồi.  Cô bé đi chùa Hương của Nguyễn nhược Pháp cũng mười lăm.  Tại sao các nhà văn đều như bị đóng cứng vào cái tuổi này, vì đây là tuổi cơ thể bắt đầu rạo rực?  Người ta bắt đầu nhìn về người khác phái với những rung động mới bắt đầu khám phá?  Nếu ông thầm phán Bernhard Schlink không hề muốn “deal with” những phức tạp của luật pháp thì tại sao lại để nhân vật Michael Berg có quan hệ tình dục với một người đàn bà lớn hơn cậu bé đến 21 tuổi.  Đặt một nhân vật vào vị trí của Michael Berg, dù nhân vật đó 15 hay 35 hay 55 (mỗi ngày đến gặp nàng, đọc sách, tăm nước nóng, rồi yêu nhau) thì mức độ ảnh hưởng, ấn tượng của tình cảm và cảm giác có lẽ vẫn có hậu quả lâu dài khó quên, hay không quên như nhau.

Á, đến giờ phải chuẩn bị đi làm.  Không hẹn sẽ viết tiếp.

Chúc mừng sinh nhật bạn Gió

Vài hôm nay không vào blog được không biết gì lý do gì.  Nhưng trước khi viết những chuyện bâng quơ xin được chúc mừng sinh nhật bạn Gió.  Chúc bạn thêm một tuổi, thêm nhiều bạn, thêm nhiều người yêu thương, thêm vẻ đẹp, thêm trẻ trung, thêm yêu đời, thêm sức khỏe.  Muốn chúc bạn có thêm tiền nhưng xin bạn mua vé sổ xố hay mua số đề chứ tôi không biết làm sao để có thêm nhiều tiền một cách dễ dàng.  Tuy nhiên nếu khỏe mạnh thì cũng đỡ tốn tiền mua thuốc và đi bác sĩ.  Gởi bạn cái e-card qua e-mail.  Không biết bạn có thì giờ check mail không.  Các bạn khác ai có muốn chúc sinh nhật December 7 thì tôi nhắc dùm cho nhớ đấy.  Nếu lỡ quên thì chịu tội đi là vừa.

Sáng nay

Nằm nướng trong giường dù đã thức từ lâu.  Gió hú mãnh liệt chung quanh nhà.  Gió luồn vào đâu không biết mà tạo thành những tiếng rên rùng rợn, nghe như tiếng coyote hay tiếng ma rên quỷ khóc.  Tôi nhớ đến một nhân vật tôi đọc ở đâu đó đã không chịu được những cơn gió mạnh.  Gió ảnh hưởng đến thần kinh ông ta một cách kỳ quặc.  Ông ta chỉ muốn thu người cho bé lại, nằm co rút cho ngón tay vào mồm như một thai nhi.  Không biết gió quanh nhà tôi như hôm nay sẽ làm nhân vật ấy phản ứng ra sao.  Phải thú nhận, cái yếu đuối, dễ bị thương tổn, tâm lý của nhân vật này làm tôi chạnh lòng thấy xót thấy thương, đánh thức trong tôi cái tình cảm dịu dàng nhưng đầy che chở của người mẹ.

Hôm trước đọc một câu trong the english patient, nhân vật tự hỏi có phải sự phản bội lòng tin đối với người chung quanh ông ta là bởi vì một mơ ước sâu xa được sống một đời sống khác.  Mơ một đời sống khác, một hiện tượng sân cỏ hàng xóm, thật ra cũng khá bình thường, phổ biến trong cuộc đời.  Buổi sáng nằm trên giường bỗng nhớ đến một phim trên TV cách đây chừng hai chục năm.  Người nữ diễn viên là Stephanie Powers, đóng hai vai, chị em sinh đôi.  Cô chị lấy chồng sống ở một tỉnh lẻ, có hai con.  Cô em là một nữ tài tử có cuộc sống xa hoa lộng lẫy, nhiều người yêu, nhưng không yêu ai.  Cả hai đều thấy cuộc đời của mình tẻ nhạt và mơ ước một đời sống khác.  Cả hai đồng ý đánh tráo cuộc sống của mình.  Cô em chán ngán cuộc sống phồn hoa đang chạy trốn sự săn đuổi của danh vọng.  Cô chị cảm thấy đời sống tỉnh lỵ và những đòi hỏi của chồng con đang đè ngạt tâm hồn nàng.  Khi tráo vai, cô chị vì đơn sơ chân thật nên bước sẩy một bước bị kẻ xấu giết chết.  Cô em bị cái tâm hồn và trí thức của ông chồng nhà văn hay giáo sư gì đó quên mất, chinh phục.  Ông chồng bỗng dưng thấy người vợ nhàm chán của mình sao bỗng trở nên lạ lùng quá lôi cuốn quá, quen mà vẫn lạ.  Cô em rơi chới với vào tình yêu, yêu chồng và con của chị. 

Đấy, cái mơ ước được sống một cuộc đời khác hẳn cuộc đời mình đang sống. 

Vẫn là chuyện bâng quơ

Đang ngủ giật mình thức giấc, thấy đồng hồ chỉ bốn giờ rưỡi.  Tôi thầm nhủ  chẳng có việc gì cần phải thức sớm, nên cố nằm nướng thêm chút nữa.  Rồi tôi lại tự hỏi, sáng nay nên viết gì.  Sau mấy ngày chộn rộn, chộn rộn vì có nhiều người lạ trong nhà chứ thật ra tôi cũng chẳng làm gì vất vả quá đáng, óc tôi dường như là một khối bùn không hoạt động.

Suốt ngày hôm qua tôi đọc quyển sách Winged Migration.  Quyển sách này do các chuyên viên nghiên cứu về chim cùng với những người cộng tác thực hiện phim Winged Migration viết, dựa vào tài liệu và hình ảnh trong lúc làm phim.  Đã từ lâu tôi muốn viết một bài về các loại chim thiên di và dùng phim này làm tài liệu.  Tôi đặt mua cuồn phim trên amazon.com nhưng lỡ chọn một hiệu sách quá nhỏ.  Tôi chờ cả hai tuần nay cuối cùng nhận được e-mail cho biết là hết hàng.  Trước đây tôi đã mượn ở thư viện phim này, nhưng vì tôi xem nó lâu quá mà vẫn chưa viết được bài, quá hai tuần hết hạn mượn nên tôi phải trả lại cho thư viện.  Thế là tôi lại đặt mua phim, lần này cẩn thận hơn tôi mua trực tiếp từ amazon.com.

Sáng nay nhận được e-mail của vị phụ trách báo SG nhỏ cho biết hôm nay ông đăng bài tôi viết đã lâu về màn Tango trong phim Scent of a Woman.  Trong bài viết này tôi có nhắc đến bài hát To be by Your Side do chính Nick Cave, tác giả, trình bày.  Bài hát này là bài hát chính trong phim Winged Migration.  Cảm động là vì vị phụ trách tờ báo này vẫn còn nghĩ đến bài viết.  Xem layout thấy mấy tấm tranh vẽ điệu khiêu vũ tango rất đẹp.  Bài báo là một trùng hợp tình cờ (hay có lẽ đó là số mệnh) nhắc tôi nên cố gắng hoàn tất bài tạp ghi về chim thiên di này chứ đừng bỏ nửa chừng.

Tôi cũng đọc đến trang 20 của quyển The Unbearable Lightness of Being.  Tôi đọc quyển này một phần là do lời giới thiệu của một người quen, một phần là một nỗ lực vượt qua thành kiến của chính mình.  Tôi là người có thành kiến rất kỳ cục.  Hễ tôi nghe người ta ca ngợi một quyển sách, hay một cuốn phim, thật nhiều; tôi thường lảng tránh nó, như thể tôi cố gắng tránh bị tập thể ảnh hưởng cách suy nghĩ của tôi, như thể nếu tôi không đụng đến “nó” thì tôi có thể giữ được ý nghĩ của mình mà không bị đồng hóa với tập thể hay bị tập thể thay đổi ý kiến của mình.  Nhưng nghĩ như thế thật là điên, là bởi vì không xem không đọc những quyển sách hay cuồn phim nổi tiếng được người ta khen ngợi hay ca tụng này không có nghĩa là tôi thật sự có một suy nghĩ, một tư duy độc lập, về một lý thuyết, nghệ thuật, hay chính trị gói ghém trong quyển sách hay cuốn phim ấy.  Tuy nhiên, điều may mắn cho tôi là tôi nhận ra mình có thành kiến.  Có lẽ, nếu tôi khôn ngoan chính chắn hơn, tôi nên đọc và tự so sánh xem cách suy nghĩ của mình về quyển sách hay cuốn phim này này có giống như những người đã đọc trước tôi.

Phải công nhận là quyển sách mở đầu thật hấp dẫn.  Những trang đầu đã đặt ra một dấu hỏi, nếu như những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, đã rơi vào lãng quên, cứ trở về, lại xảy ra, bất biến, bất diệt, liệu nó có thể thay đổi được tình thế không? Nếu người ta đi đến cuối đường, và được bắt đầu đi trở lại đoạn đầu của con đường, liệu người ta có thể thay đổi được những gì đã xảy ra trên đoạn đường đã đi, làm cho nó tốt đẹp hơn, làm cho nó hạnh phúc hơn?  Nếu như sau khi kết hôn, kết hôn vì thấy cần phải kết hôn, người ta chợt gặp, hay gặp lại, người trong mộng, thì làm sao, làm gì?  Đây chỉ là một chuyện nhỏ, dễ giải quyết nếu người ta dám chọn lựa theo cái kiểu hễ được người thì mất ta.  Trở lại với điều đã đặt ra trong quyển sách.  Những điều quan trọng của lịch sử vì đã rơi vào quá khứ nên nó trở thành vô nghĩa, không quan trọng như thể nó chỉ là một cái bóng không có và không còn sức nặng.  Nhưng giả tỉ như nó lại xảy ra, rồi lại xảy ra, thì những diễn biến đã từng xảy ra đó có thay đổi không?

Ôi sáng sớm mà tôi đã lắm điều, tôi cũng không biết là mình đang nói cái gì.  Chuẩn bị đi làm, xin chúc các bạn một ngày thứ Sáu vui vẻ, và cuối tuần hạnh phúc với những hẹn hò.  Tôi sẽ cố gắng tìm sự an ổn trong tâm hồn để đọc (the Unbearable Lightness Of Being) và viết (bài tạp ghi về những cánh chim thiên di) bởi vì với tôi nó là niềm vui.

Đây là một tấm ảnh hiếm có

đây là một tấm ảnh hiếm có

Không phải vì “nó” đẹp mà vì ở chỗ nó chỉ xuất hiện một thời gian rất ngắn.  Xin nói cho rõ ràng một chút.  “Nó” ở đây là cái bóng của cái tượng đồng xanh phản chiếu trong vũng nước.

Tượng đồng xanh này để ghi nhớ ông nào đó tôi quên mất tên.  Tượng nằm trong một công viên có tên Washington (Park) ở ngay trên đường Broad trong thành phố Newark, thành phố lớn nhất của tiểu bang New Jersey.  Hằng ngày tôi đi bộ từ cơ quan đến công viên rồi này quay trở lại.  Cứ thủng thẳng mà đi nhưng không ngừng lại chụp hình chỗ này chỗ nọ thì một vòng như thế mất khoảng 45 phút.

Mưa hôm trước mấy trận to, nước ứ đọng trong công viên, ngày hôm sau có nắng nên tôi kịp nhìn thấy bóng của tượng in xuống mặt vũng nước đọng.  Ngày hôm sau đi ngang vũng nước đã cạn nên không còn thấy bóng của tượng nữa.  Học được lẽ còn mất của cuộc đời.

Và liên tưởng đến những cơn mưa bất chợt trong sa mạc.  Khi gặp nhiều mưa hoa dại trổ bông và cây cối mọc xanh um cho đến khi nước bốc hơi hết; cái ốc đảo xanh um như thiên đàng bỗng nhiên biến mất.  Lưu Nguyễn về sau trở lại tìm cảnh bồng lai chỉ còn thấy sa mạc chói chang.

Trăng buổi sáng

trăng buổi sáng 4

trăng buổi sáng 3

trăng buổi sáng 1

Buổi sáng dậy sớm, chưa đến năm giờ.  Nhìn ra cửa sổ thấy trăng sáng quá, sáng đến độ nao lòng.  Không hiểu tại sao, ánh trăng bao giờ cũng làm tôi có cảm giác bâng khuâng, với một chút nhức nhối buôn buốt trong lòng, dù tôi chẳng có chuyện gì để buồn cả.

Trăng thu đã được nói đến rất nhiều.  Không biết khi nhìn trăng sáng các bạn nghĩ gì, bài thơ nào, bài hát nào bạn nhớ đến trước nhất?  Riêng tôi cứ mỗi lần nhìn trăng sáng tôi luôn có cảm giác khổ sở dịu dàng, và bài thơ tôi nhớ trước nhất là:

Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần
Đàn buồn đàn chậm trong hiu quạnh
Mỗi giọt tơ buồn như lệ ngân

Và giọng hát của Anh Ngọc cất lên run rẩy trong bài hát Nguyệt Cầm của Cung Tiến.  Đêm mùa trăng úa, làm vỡ hồn ta.  Đấy, có phải câu hát này làm tôi thấy khổ sở nhẹ nhàng, nó làm tan vỡ hồn tôi.  Trăng có úa không, có phai màu không?  Bùi Giáng đã hỏi Nhìn trăng có thấy phai màu hay không?

Nói thật có đôi khi ánh trăng làm tôi muốn chết cho rồi như thể tôi là người đàn bà trong bài thơ Trăng Thiếu Phụ của Quách Thoại

Đã mấy đêm trường tôi không ngủ
Nằm thao thức nhớ mảnh trăng thu
Đã biết bao lần tôi tự nhủ
Rằng cho tôi chết giữa âm u.

Đến trạm xe lửa trăng vẫn còn lơ lửng trên trời nhưng đã bắt đầu nhạt màu.

bài đọc cho vui

Liên tiếp mấy hôm liền tôi bị mất đường dây internet.  Có cảm giác như mình đang sống trở lại với thời đại dùng đồ đá.  Công nhận không, chúng ta dễ dàng quen với tiện nghi của kỹ thuật mới, computer, điện thoại, rồi cell phone, nước nóng vặn từ vòi nước mà không phải nấu, nấu ăn thì dùng ga dùng điện không còn phải chụm củi nhóm lò.  Internet trở thành tiện nghi để liên lạc với bạn bè, phát biểu tư tưởng, ngay cả nói bâng quơ một mình cũng có hy vọng có người “nghe,” một ngày thiếu nó là thấy mất mát và đôi chút khốn khổ.  Thế tôi làm gì những ngày không có internet?  Tôi xem phim lu bù.  Phim Australia dài gần ba giờ đồng hồ phải xem làm nhiều đợt.  Lolita, Love in the time of cholera, Artic Tale, Frost/Nixon.  Tôi không đọc nhiều nhưng viết được một vài bài lẻ tẻ. 

Giáng sinh sắp đến, có người kêu viết một bài về chủ đề Giáng sinh nhưng tôi không nghĩ ra được chuyện gì để viết.  Tuy nhiên, tôi tò mò về một phong tục của người Mỹ là hễ hai người nam nữ đứng dưới chùm mistletoe thì phải hôn nhau.  Hôn kiểu nào thì họ không nói.  Đã đọc, thôi thì sẵn đó tóm tắt lại đăng lên blog chơi.  Tự nghĩ, tôi sống ở nước ngoài mấy chục năm, còn lâu hơn thời gian tôi sống ở Việt Nam, nếu tôi không biết về cái phong tục này, tò mò tìm hiểu, thấy khá thú vị, thì chắc cũng có người cùng tâm trạng với tôi.  Thế thì đây coi như là một bài đọc cho vui.