



Đi ngang công viên thấy trái thông trên cành và trái thông rơi dưới đất. Nhặt được vài quả thông mang về làm đồ chơi. Đây là ảnh chụp của một ít đồ chơi trên kệ ngay bàn làm việc của tôi.
Đi ngang công viên thấy trái thông trên cành và trái thông rơi dưới đất. Nhặt được vài quả thông mang về làm đồ chơi. Đây là ảnh chụp của một ít đồ chơi trên kệ ngay bàn làm việc của tôi.
Thỉnh thoảng tôi đổi hướng đi một lần. Thay vì băng ngang xa lộ 21 đi về hướng nhà văn hóa nghệ thuật của thành phố, tôi đi dọc theo xa lộ này. Trên lề dĩ nhiên. Dọc theo lề đường người ta để băng ghế, loại ghế đôi, dọc theo bờ sông như thể cho những đôi tình nhân. Tôi tự hỏi ai mà dám ngồi dọc theo bờ sông mà cũng dọc theo đường xa lộ như thế này, để mà ngửi khói hay sao? Và cũng dọc theo con đường này có những cây không biết loại cây gì mà nó ra trái màu đỏ rất đẹp. Tôi lượm một trái đã rơi trên lề đường, lấy giày đạp dí lên nó rồi nắm nhéo cái cuống đưa lên mũi ngửi nó có mùi hơi chua và chát.
Lúc chiều đến nhà cô em ăn tiệc, thấy trên computer có cái background screen hình hoa hyacinth rất đẹp. Tôi khen. Ở đâu có cái hình xinh xắn thế. Cô em nói, hình bác chụp đấy thế bác không nhớ à? Bác chụp xong, bác load ngay vào trong computer của em. Thế à? Không ngờ tôi chụp ảnh quấy quá thế mà cũng có người dùng làm background screen. Về nhà xem lại ảnh trong computer của mình. Ảnh chụp ngày 12-04-09.
Hoa hyacinth thường nở lúc đầu xuân khoảng tháng Tư. Hoa rất thơm. Ngày xưa có một người mang từ Bình Dương đến nhà tôi ở Vĩnh Hội cho mấy giò hyacinth lúc ấy tôi cứ ngỡ là lan. Hyacinth chỉ nở vài ngày rồi tàn. Củ của nó có khi không dùng lại được cho mùa sau. Thế mà khi hoa tàn tôi cứ buồn rũ cả người vì tin đó là điềm xui. Như thể hoa tàn thì mối tình âm thầm của mình cũng chết theo. Ây mà nó chết thiệt. Có ai đó đã nói những mối tình thơ dại thì có số phận chết lãng nhách bởi vì nếu nó sống thì làm sao? Hêhê. Tôi nghĩ đến câu nói ấy mà ngồi cười tủm tỉm một mình như một con bé hơi ngô ngố. Tính tôi thường như thế, ngồi một mình giữa đám đông nghĩ chuyện tào lao để tự làm mình vui. Bởi vì nếu tôi cứ lắng nghe những người chung quanh tôi nói những chuyện quan trọng, đối với họ, thì tôi chắc lăn ra chết vì … hãi quá và cũng vì chán quá.
Người đi xe lửa cần phải tôn trọng một số điều lệ của hãng xe lửa đặt ra. Những điều lệ này được dán trên vách tường xe lửa, ở những nơi dễ thấy, ngắn, chữ to dễ đọc. Không ăn uống trên xe lửa. Không để chân lên ghế. Không làm ồn. Hãng xe lửa có đội cảnh sát riêng. Các ông soát vé xe lửa có quyền đuổi hành khách hay tóm cổ giao cho cảnh sát. Họa hoằn lắm mới có người làm mất trật tự. Tuy nhiên vi phạm điều lệ là chuyện thường. Có người dùng điện thoại nói chuyện ong óng đến độ người ta phải than phiền với những người soát vé. Tôi sợ phải ngồi gần những người dùng cell phone nhiều như thế. Nếu ồn quá tôi thường nghe nhạc hay bỏ đi chỗ khác. Còn một cái phiền nữa là ngồi gần những người thích ăn uống trên xe lửa.
Cùng đi chuyến xe lửa buổi sáng với tôi có một người phụ nữ người da trắng. Cô trạc tuổi bốn mươi. Người cô rất gầy, không phải kiểu gầy như cánh hạc về chốn xa xôi. Cô ta gầy như những cành cây mùa đông đã trơ trụi lá. Đi xe lửa lâu năm riết rồi quen mặt dù không biết tên. Hôm nào đi xe lửa không nhìn thấy cô ta tôi thường hay kín đáo tìm. Tóc của cô tuy thắt bím nhưng rối bù. Có vẻ như cô đi ngủ với cái bím và sáng thức dậy không chải đầu. Cô ăn mặc màu sắc như chửi nhau và chửi rất to. Vớ cao đến đầu gối, sọc ngang đủ màu rực rỡ. Loại vớ người ta có thể nhìn thấy trên những hình nộm đứng trong tủ kính của tiêm bán quần áo mắc tiền Bennetton. Nhìn có vẻ ngộ nghĩnh trên cặp chân dài của một cô bé Đại Hàn tóc tém mắt một mí, nhưng trên cặp chân xương xẩu của một người đàn bà tuổi bước vào thu coi hơi kỳ. Cô hay mặc váy ngắn. Mùa hè cô mặc áo dây mỏng như cọng mì xốc xếch nhăn nheo trên bộ ngực lép kẹp như một cái bàn ủi đồ. Màu áo màu vớ màu váy mỗi thứ một màu khác nhau, hình vẽ, sọc, hoa, tất cả đều như cất tiếng hét “nhìn tôi đây này.” Cứ mỗi khi nhìn cô tôi lại cố gắng đoán nghề nghiệp của cô. Rất có thể cô là học viên môn vũ ở một nhà hát nào đó ở New York và khi đến đấy cô sẽ thay trang phục.
Trên tay cô xách nhiều túi. Loại bao ni lông người ta dùng để chứa hàng ở siêu thị cho người đi chợ mang về. Cô có vẻ vui vẻ, thân thiện, hay nói chuyện với người chung quanh. Vì quá gầy nên cô có vẻ khắc khổ, mặt có nhiều nếp nhăn. Chút son phấn nhạt làm mặt cô có vẻ dễ nhìn nếu cô ăn mặc tươm tất một chút có thể nói cô là một phụ nữ khá xinh.
Tôi ít khi ngồi gần cô theo thói quen. Tuy nhiên sáng nay không có chỗ nên khi tôi ngồi vào ghế trong sát với cửa sổ, cô đến ngồi bên cạnh. Sợ phải trả lời những câu nói vụn vặt tôi chúi đầu vào quyển The Noodle Maker của Ma Jian, lấy bút ra ghi chú đầy trang sách. (Tôi có thói quen rất xấu là khi tôi đọc một quyển sách nào tôi ghi chú những suy nghĩ đầy trang. Còn nếu tôi không thích quyển sách thì chỉ chừng vài chương là tôi bỏ cuộc và thường là không ghi chú gì cả). Cô ngồi cạnh tôi khoảng 5 phút thấy tôi không ngẩng mặt lên, cô quay ra nói chuyện với một người đàn ông ngồi đằng sau lưng. Được dăm ba câu, cô lấy lọ yogurt trong cái bao ny lông ra ăn. Loay hoay tìm cái thìa, cô khom người xuống lục lọi trong cái bao. Rồi cô ăn, nhăm nhi, nhắm nháp. Cũng may là yogurt không có mùi tỏi hành. Cô có vẻ như đói lắm nên ăn xong cô cứ vét cái lọ yougurt nghe xoèn xoẹt. Cô liếm cả cái thìa.
Cô lại lom khom cúi người xuống bỏ lọ yogurt không vào trong bao. Tôi úp mặt vào trong sách mải mê (giả bộ). Cô lại nói chuyện với người ngồi đằng sau chừng năm phút cô đi đến đầu toa xe lửa lấy nước uống. Trở về chỗ ngồi cô đi nghiêng ngả theo nhịp xe lửa chạy. Tôi sợ cô bắt chuyện với tôi nên càng đọc say mê hơn. Xe lửa bỗng trở nên im ắng. Tất cả mọi người nếu không đọc sách hay nghe nhạc thì họ nhắm mắt lim dim. Người thiếu phụ này lấy một xấp giấy tờ có cột bằng một sơi dây thun từ trong một cái bao ny lông ra, đó là những chi phí về tiền điện hay nước hay tiền bác sĩ gì đó theo lời cô lẩm nhẩm một mình và cả tờ báo cũ của ngày hôm qua. Được đâu chừng năm phút cô đứng lên đi lấy nước uống lần nữa. Đống chi phiếu rớt xuống sàn xe lửa vung vãi tung tóe.
Viết theo lời thách của một blogger. Đề tài thức ăn và giấy tờ.
Mất điện hôm qua là vì có một cái generator phát nổ và bốc cháy. Sau khi bị cúp điện tôi đi bộ và có chụp được mấy tấm ảnh cảnh sát và xe chữa lửa đậu đầy đường, thấy có khói bốc lên từ xa xa.
Hôm nay đi bộ thấy trong công viên Washington trước thư viện của thành phố Newark đã có tổ chức chợ ngoài trời. Chụp tấm hình mấy quả cà chua trông ngon mắt quá.
Có việc đi xa vài ngày. Chúc các bạn vui vẻ. Nếu gặp chuyện gì lạ khi về sẽ kể. Tôi xin để lại những cái links của một số truyện ngắn và tiểu luận tôi đã dịch. Đây là những bài rất hay và khi nào có dư thì giờ tôi sẽ sửa chữa để đọc cho giống tiếng Việt nhiều hơn. Tôi bị chê là dịch đọc giống tiếng Mỹ nhưng thật tình nếu có bị Mỹ hóa tôi cũng không biết nó thấm từ lúc nào. Có lần tôi về nhà nói hí hửng là có một bầy chim rất to ngồi loạn xạ trên đường xa lộ không hiểu chúng từ đâu đến. Tôi dùng chữ chim ngồi tự nhiên như người ta nói chim đậu, mà tôi không thấy có gì là sai cả.
5 bài viết về Tango sẽ được đăng lại. Hai bài vào lúc chín giờ ngày 28 và ba bài vào lúc chín giờ ngày 29, giờ Việt Nam. Bài chưa sửa chữa giống như những ghi chép vội vàng. Còn hai bài về Tango khi về tôi sẽ viết tiếp để làm tài liệu lưu trữ và sau đó sẽ viết thành một bài tạp ghi (nếu rảnh và có cảm hứng). Hai bài này là phim Tango một phim ngoại quốc, và phim Cây đàn măng đô lin của Đại úy Corelli. Phim Cây đàn dựa vào một quyển tiểu thuyết đã được giải Putlitzer. Giải này rất giá trị và tôi thường công nhận những tác phẩm được giải này đọc rất hay. Ngoại trừ tác phẩm vừa được phát giải năm nay tôi không thấy thích. Có thể tôi nhận xét hơi vội vàng. Vì lúc sau này, tôi đọc và viết với một thể chất cực kỳ mỏi mệt do mất ngủ trầm trọng. Có thể vì cơ thể mỏi mệt tinh thần cũng không thư thả nên tôi thiếu kiên nhẫn khi đọc một tác phẩm mà diễn tiến xảy ra thật chậm và nghiêng vào sự suy nghĩ về những tình cảm riêng của những nhân vật. Một xã hội nông cạn thường sản sinh ra những nhà văn nông cạn. Tôi vốn không thích những suy nghĩ vụn vặt của những con người có cuộc sống cũng bình thường vụn vặt giống như cuộc sống của tôi. Dường như thế giới bên ngoài (nước Mỹ) đang quá thống khổ, quá sôi động, đầy khổ đau chết chóc. Những suy nghĩ dằn vặt của những người không biết có nên làm cái gì đó bậy bạ, như ngoại tình chẳng hạn, thì có viết cũng không nên viết dài (làm mất thì giờ của những người thiếu kiên nhẫn như tôi). Hoặc là cho nhân vật phạm tội, còn nếu không cho hắn phạm tội thì chỉ nên trong vòng vài trang thôi. Tôi sợ đọc cả tiếng đồng hồ mà nhân vật cứ vẫn còn contemplating thì tôi thiếu kiên nhẫn lắm.
Đọc Sex and The City đến chương thứ Năm, và đây là lần thứ nhì tôi thấy tôi không muốn tiếp tục đọc quyển sách này, vì nó không hấp dẫn tôi. Tôi nhớ lại lý do vì sao tôi bỏ dở nửa chừng. Bắt đầu The noodle maker của Ma Jian. Đọc một hơi trong một ngày đã được nửa cuốn. Quyển sách ngắn bao gồm 9 truyện ngắn. Hấp dẫn, lạ, đây là một quyển sách dễ đọc và là một quyển sách nói về những cuộc đời bất hạnh, buồn thảm, trong một xã hội mà nếu mình sống trong xã hội này, và đủ thông minh tinh tế để nhận ra cái xã hội mình đang sống là một thứ địa ngục trần gian thì quả thật, mình là người bất hạnh. Đọc xong 5 truyện và so far truyện nào cũng hay cả. Bao giờ về sẽ tóm tắt và viết vài dòng về tiểu sử người viết. Tuy giận đám Tàu lăm le nuốt sống quốc gia tôi, tôi cũng phải công nhận là họ có nhiều nhà văn rất giỏi.
Buổi chiều đi làm về, ngồi xe lửa mắt đã líu ríu muốn ngủ thì nghe Trịnh Công Sơn hát Giọt Lệ Thiên Thu có hai câu này:
Sống có bao năm vui vui buồn buồn, người người ngợm ngợm
Sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non.
Ông nhạc sĩ quá cố này có giọng hát cũng run rẩy, còm cõi, hom hem giống như bộ vó của ông. Lần đầu nghe ông hát cứ cho là ông hát sao dở quá. Nghe vài lần thấy giọng của ông có cái hay riêng.
Tôi thích cỏ dại, hoa dại. Chúng dạy cho tôi một bài học là dù hèn mọn gì đi nữa chúng vẫn sống giữa đất trời, vẫn nở hoa trang điểm cuộc đời. Trải qua một trận gió chướng mưa cuồng, cây ngã hoa trốc gốc, cỏ dại vẫn tiếp tục cuộc đời bé mọn của nó. Nếu trời sinh phận mình là hoa dại cỏ hèn thì cứ mọc đầy núi non, khoe sắc hương bé mọn của mình. Đất trời không của riêng ai.
Nấm dại
Hoa màu xanh lơ, tên là chicory, tiếng Việt là cam thảo. Hoa ở sau hàng rào giống như người đẹp bị giam vậy.
Buổi chiều về đến trạm xe lửa, mưa một trận thật to, nước như xối, đường sá ngập vì nước chảy không kịp, một hiện tượng gọi là flash flood. Mưa nhưng lại có nắng chói chang. Mưa chừng 15 phút thì tạnh ráo trở lại. Chụp lén người ta đứng vì mắc mưa.
Michael Jackson vừa qua đời.
Hồi đâu như năm 1983, từ trong lớp bước ra một cô bạn cũng tên Hà họ Đỗ nói líu lo về Michael Jackson, tôi ngây ngô hỏi Michael Jackson là ai. Một ca sĩ đang lên nức tiếng mà tôi không hề biết chỉ lo học thôi. Hỏi một câu ngố quá ai cũng cười. Không biết bây giờ cô bạn này ở đâu. Lúc còn đi học cô mang cơm với thịt kho măng, trong khi tôi lười nấu ăn và nấu dở nên cứ gạ mua pizza đổi lấy cơm. Thế mà cô cũng chịu.
Hôm qua viết bài có một chi tiết định kể nhưng lại quên, đó là vào giờ Hóa buổi chiều bên ngoài cửa sổ bên trái là hàng rào làm bằng cây hoa dâm bụt còn gọi là hoa lồng đèn. Giờ học khó, thầy dữ nhưng tôi bản chất mơ mộng cứ ngồi ngó ra ngoài nhìn những hoa lồng đèn đỏ đong đưa trong nắng và nghĩ tới thơ Đinh Hùng nào là “hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp” hay là “là học trò nhưng không sách cầm tay, có tâm sự đi nói cùng cây cỏ” hay là “ta bước đi chân vẫn dạo bên người, ngoài cặp sách trần ai xem cũng nhẹ.”
Thời của chúng tôi và cả thế hệ đàn anh của chúng tôi là thời của lãng mạn của mơ mộng. Tôi đang định đổ thừa ông Duyên Anh đã làm báo Tuổi Ngọc làm mê hoặc tuổi trẻ của chúng tôi. Nhưng chợt nhớ ra là có những người ở tuổi đàn anh, thí dụ như anh tôi lớn hơn tôi gần hai mươi tuổi, cũng lãng mạn không kém. Anh tôi là người chép những bài thơ tình vào vở. Nhưng ông Duyên Anh là người đổ dầu vào lửa làm cháy thêm ngọn lửa lãng mạn trong tôi và rất có thể nhiều bạn bè khác. Những câu thơ tôi còn nhớ đến bây giờ là do đọc những bài thơ ông đã đăng hay nhắc nhở. Chúng tôi sống giữa bom nổ đạn bay và những bài thơ tình là những viên thuốc giúp người ta quên đi thực tại.
You must be logged in to post a comment.