Đi Thăm New York University

Cô út nhà tôi chẳng biết bàn tính với bạn bè thế nào bỗng một hôm đòi đi viếng đại học New York (NYU). Ừ thì đi, hôm qua đại học New York có open house, mở cửa chào đón tất cả phụ huynh và học sinh tương lai muốn vào đại học này. Chương trình đón tiếp lúc 9 giờ rưỡi. Từ nhà đến NYU có lẽ hơn một giờ ba mươi phút nhưng để chắc ăn con bé bị đánh thức lúc bảy giờ; mà đêm qua chắc là cô nàng thức khuya lắm nên bảy giờ sáng dậy nó không mở mắt nổi, quạu cọ thấy rõ. Đi viếng trường đại học với con bé này rất bực mình, lần nào đi cũng không vui dù là đi vì tương lai vàng ngọc của nó.

Cổng ở công viên Washington gần trường đại học. bắt chước kiểu của Pháp
Cổng ở công viên Washington gần trường đại học. bắt chước kiểu của Pháp

Trường ở ngay cạnh một công viên nhỏ khá xinh xắn. Ngay ở một đầu công viên có cái cổng chào to tướng, nhìn có giống cảnh ở châu Âu không? Mỹ vì không có được nền văn hóa lâu đời của châu Âu nên thường hay bắt chước những kiến trúc của Hy lạp và La Mã.

grand father clock
grand father clock

Con bé đi, nửa ngủ nửa thức, nhăn nhó. Vào đến phòng chờ của khách đến thăm trường, tôi ngồi ngắm cái đồng hồ cổ lỗ sĩ gọi là grandfather clock. Bên ngoài cửa sổ là một góc của thành phố New York, cái nhịp sống ồn ào rào rạt đang chảy bất tận. Nơi đây biết đâu chừng sẽ là nơi con bé cư ngụ bốn năm đại học? Tôi lấy máy ảnh chụp hình cửa sổ và cái đồng hồ thì tôi bị con tôi rầy; đi đâu cũng chụp hình, giọng nó quạu cọ làm tôi phát sùng nhưng làm thinh. Ở xứ này lâu năm nên quen, biết điều hơn, con đặt đâu cha mẹ phải ngồi đấy.

Từ trên tầng cao của đại học nhìn xuống công viên
Từ trên tầng cao của đại học nhìn xuống công viên

Chúng tôi được đưa đi thăm những building khác, thư viện của trường đại học này khổng lồ, kiến trúc tân kỳ. Trường đại học này không có một campus theo kiểu truyền thống. Cả trường đại học bao gồm nhiều building rất to nhiều tầng trông như một cái khách sạn đồ sộ hay một cái department store, có mới có cũ. Trong một building cũ thì phòng vệ sinh cũng cũ kỹ tồi tàn, sứt tay gãy gọng nhưng vẫn còn dùng được và không đến nỗi dơ bẩn. Ảnh này chụp công viên và quảng trường Washington ở tầng lầu thứ chín của một building mới xây của NYU.

Người đánh đàn guitar
Người đánh đàn guitar
Sáng hôm nay đầy mây xám, điển hình của một ngày đầu thu. Trời hơi lạnh, các cô gái đã mặc áo choàng, quấn khăn, đeo găng. Tôi thấy một sinh viên nam đã đội mũ trùm kín tai. Xong buổi họp trời đã trưa, cô bé đói bụng đòi mua một cái hot dog, trong khi cô xếp hàng tôi ngó quanh và lại bấm máy dù mới bị con rầy lúc nãy vẫn không chừa. Trong một buổi sáng xám ngoét, rét mướt, cái đàn guitar của ông này màu sáng rực, bắt mắt. Ở New York, du khách bắt gặp nghệ sĩ khắp nơi, chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp đi một vòng công viên là đếm được bao nhiêu cây vĩ cầm và bao nhiêu tây ban cầm lẫn kèn và sáo. Suốt chuyến đi chỉ có tấm ảnh chụp lén này là xem được, rõ ràng, ngay ngắn, dù vẫn là chụp trộm. Nhìn vào lòng mình rõ ràng tôi chỉ thích đi du lịch một mình để tự do nhìn ngắm thu thập và hồi tưởng.
Trồng hoa trên vuông đất hiếm
Trồng hoa trên vuông đất hiếm
Vì hơi xa ngay trung tâm thành phố, công viên này là nhà ngủ cho những người sống ở lề đường hè phố. Không nhiều hoa nhưng cũng có một rẻo đất trồng hoa mào gà vạn thọ vàng cam và vàng chanh.
Hoa mào gà và chú chim bé bỏng ngồi trên sợi dây xích
Hoa mào gà và chú chim bé bỏng ngồi trên sợi dây xích
Ngay bên cạnh cây cột màu đen là cô chim sẻ xinh xắn. Chim đậu đầy trong các khóm hoa nhưng chúng không ngồi yên cho tôi chụp ảnh.
một người không nhà "đánh giấc bên đồi dạ lan"
một người không nhà “đánh giấc bên đồi dạ lan”

Một người vẫn còn ngủ.

nuôi bồ câu
nuôi bồ câu

Trong khi một người khác đang cho bồ câu ăn.

chiếc xe được vây trong một hàng ròa trong một vuông đất rất bé trước căn hộ
chiếc xe được vây trong một hàng rào trong một vuông đất rất bé trước căn hộ

Tôi đi New York nhiều lần gần đây. Mỗi lần đi thấy rung động khác nhau. Giữa thành phố náo nhiệt thỉnh thoảng xe đi ngang một con đường hẹp, vắng, hai hàng cây chụm đầu vào nhau, nhà cửa đóng kín im ỉm, những dãy cửa đều nhau, cùng kiểu đôi khi khác màu. Cứ mỗi góc người ta bắt gặp một hình ảnh vừa lạ mắt lại vừa ấm cúng. Những con phố sống ngay trong thành phố náo nhiệt vẫn giữ một vẻ khép kín im lặng dường như xa lạ với tất cả mọi người, như một cô gái hay một bà cụ già lặng lẽ quay vào bên trong tâm hồn mình, vui hay buồn chỉ mình người ấy biết.

Trường Đại học Temple

Khu nhà gần Đại học Temple
Cờ hiệu của Temple
Trường có những building cổ kính với tường đá và dây leogiống như những trường được gọi là ivy league
một công viên nho nhỏ của trường

Ngày thứ Năm và nửa ngày thứ Sáu tôi đến trường Đại học Temple để nghe thuyết trình. Trong một phòng họp nhỏ xíu tôi được gặp rất nhiều vị đã là Tiến Sĩ và còn rất nhiều vị đang học để trở thành Tiến Sĩ. Thời còn đi học những người dạy tôi học cũng có nhiều người có học vị Tiến Sĩ nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp nhiều người có học vị cao tụ lại một nơi. Có cả bác sĩ, luật sư, và một số vị đại diện cho chính quyền. Buổi nói chuyện rất hấp dẫn. Thuyết trình viên tuy học cao hiểu rộng nhưng lại rất khiêm tốn nhã nhặn rất đáng quí. Tôi học hỏi nhiều dù cái hiểu biết thêm này chỉ làm cho tôi thấy thêm phần buồn phiền vì thấy cái bất lực của mình

Tôi có học ở Temple 2 semester trước khi chuyển qua trường khác, nhưng lần này nhìn lại Temple tôi chỉ nhớ được cái sculpture hình trụ có xoắn một cái thắt ở gần gốc dựng ở trước building. Cái trụ sơn màu cam nay đã phai màu. Tôi nhớ thư viện nhưng không nhớ cái tháp chuông. Người đi chung bảo là tháp chuông đã có mặt từ đời kiếp nào và tôi cũng tin là như thế nhưng trí nhớ của tôi không ghi lại hình ảnh cái tháp chuông này.

Những năm ấy là những năm mới bắt đầu cuộc sống ở Mỹ. Đi học thì lấy xe điện vào đến trường, xuống xe đi thẳng vào lớp học, tan học thì đi làm để kiếm sống. Quá khứ chỉ còn những hình ảnh mù mờ trong tôi những ngày đông lạnh lẽo tối âm u, nghèo nàn, vất vả. Những building bằng đá thật đẹp có khắc chữ theo lối gô tích và dây ivy leo kín trên tường dường như tôi chưa hề đi ngang trong những ngày còn đi học ở đây. Lối đi lối về ngày ấy là những con đường đã được vạch sẵn và tôi vất vả bận bịu đến độ không nhìn thấy gì chung quanh mình kể cả những kiến trúc đẹp.

Tôi cũng không còn nhớ chỗ ở của mình ngày trước. Chỉ nhớ đó là một khu apartment ba tầng: tầng trệt và hai tầng lầu và tôi ở tầng lầu thứ hai. Phía dưới là cặp vợ chồng thỉnh thoảng họ cãi nhau. Mùa đông, những ngày cuối tuần hay lễ hai ba ngày, máy sưởi và nước nóng thường hay bị tắt. Cặp vợ chồng ấy cuối cùng chán quá bỏ đi. Và một gia đình nghèo da trắng con đông dọn đến. Tôi nghèo mà xem chừng họ còn nghèo hơn. Có hôm họ sai đứa con trai chừng mười tuổi mang chén lên xin đường. Lần khác xin củ hành. Có lần họ bảo đến mùa nhập học không có tiền mua quần áo sách vở, họ hỏi mượn hai trăm đô la. Dĩ nhiên là tôi từ chối vì không có tiền. Ở tầng trệt là một người đàn ông da trắng. Có lần ông ta nói chuyện với tôi lập đi lập lại một câu mà tôi không hiểu được. Mãi rất lâu tôi mới nhận ra ông nói bằng tiếng Việt chào cô tôi đã từng đi lính ở Việt Nam. Ông ta ở với cô bạn gái và cô bạn gái có con mèo con một bên mắt màu xanh như viên bi. Con mèo bị bỏ đói và nhớ mẹ nên cứ nhìn tôi mà kêu meo meo nghe đứt ruột thỉnh thoảng tôi cho nó chút sữa nếu họ nhốt nó bên ngoài. Một thời gian sau tôi dọn từ Philadelphia qua New Jersey, kỷ niệm trong quá khứ chỉ còn lại những hình ảnh nhạt mờ.

University of Princeton

4 3 2 1

Mưa suốt, ướt át từ nhà đến đại học Princeton.  Dọc đường xa lộ 206 hoa forsythia vàng rực trong bầu trời ảm đạm.  Princeton có rất nhiều tòa nhà cổ kính thật đẹp.  Mưa quá ướt ống kính nên nhiều tấm ảnh bị lốm đốm nhòa bởi những giọt mưa.  Thế nào tôi cũng phải trở lại nơi này một hôm nắng đẹp bởi vì tôi mê những tòa nhà cổ kính này quá.  Cứ tưởng tượng mình là một trong những đứa học trò bạn với Harry Potter vào học trường dạy phép phù thủy.  Đăng vài tấm ảnh xem cho vui.

College of New Jersey

Con bé út nhà tôi đang học lớp 11.  Lúc này là lúc bắt đầu bị hỏi là chọn ngành nào và trường nào.  Con chị của nó vào năm lớp chín lớp mười gì đó học một môn gốm sứ rồi đâm ra mê nhất định đi học cái ngành nắn đất sét.  Con hư tại mẹ.  Bản chất của tôi cũng yêu thích nghệ thuật dù không có tài về bộ môn này.  Thế là con chị trời long đất lở một hai đi học cái ngành này.  Tôi thì sợ về sau nó chết đói nhưng cũng phải chịu thua nên nó đã học sắp hết năm thứ hai.  Ngày xưa má tôi cũng chịu thua tôi lu bù, tội nghiệp bà già.  Con em này thì bé bỏng, học hành đàng hoàng nhưng chưa biết thích gì lại càng không biết muốn học ở đâu. Không biết nấu ăn chỉ có biết nấu mì gói, chiên trứng thôi.  Còn con chị thì nấu đủ thứ món ăn Mỹ Mễ, biết cuốn chả giò gỏi cuốn, chẳng biết học với ai và học lúc nào.  Mỗi lần ở trường về là tôi lại dụ nó làm cơm để tôi được lười biếng. Nhưng hễ nó nấu là tôi dọn rửa ngất ngư luôn. Ông già nó thì đang dụ dỗ nó đi học ngành y dược hay nha.  Tôi thì không muốn con mình cực khổ chuyện học hành nên nghe tới ngành y thì tôi ê ẩm lắm.  Nhưng coi bộ con bé không mặn mòi chuyện dược vì mấy đứa anh chị họ học dược rồi nó không muốn theo đuôi.  Nha thì nó bảo không muốn xem người ta há mồm nhổ răng suốt đời. Cũng không chịu học kỹ sư dù toán nó cũng điểm khá.  Chắc chắn là khá hơn mẹ của nó.  Thế thì đưa đi xem trường này, nổi tiếng là có chương trình dự bị cho y khoa.  Nó rủ một cô bé bạn học cùng lớp đi theo nên có bạn cũng vui vẻ tuy nhiên hễ nói chuyện với bố mẹ thì nó dấm dẳng vì không muốn đi học y khoa. Đã bảo chỉ đi xem thôi có chắc được người ta nhận vào học đâu mà dấm dẳng.  Rõ là có nhiều người sung sướng quá mà không biết được số phận đãi ngộ mình đến mức nào.  Phải có lúc đổi đời khổ như chó như bố mẹ nó thì nó mới biết.  Nhỉ?

Trường này thích trang trí bằng những quả cầu.  Trước mặt cái building dạy nhạc là mấy trái cầu thật to, màu vàng kim nhũ, màu xanh, màu tím magenta.

Quả cầu tím trên sân  đại học  College of New Jersey
Quả cầu tím trên sân đại học College of New Jersey

Hàng tùng rất xinh.

Hàng tùng
Hàng tùng

Hàng cây đào hoa chớm nở dọc đường từ building này sang building khác

Những cây hoa đào còn phong kín
Những cây hoa đào còn phong kín

Nóc của một building.  Một thiết kế của những ngôi nhà kiểu cũ.

5

Nóc của một building cổ
Nóc của một building cổ

Thư viện mới xây bên trong rất đồ sộ và đẹp.

Thư viện mới xây cất
Thư viện mới xây cất

Khoảng sân rộng nơi sinh viên ăn trưa, trước cafeteria.  Cái căng tin này ra vào phải có thẻ an toàn.

Bên ngoài cafeteria
Bên ngoài cafeteria

Bên trong cafeteria
Bên trong cafeteria

Tôi bảo với bố con bé, “tiền học có lẽ rất đắt vì phải trả tiền cho cái căng tin sang trọng như thế này.”  Chàng bảo tiền học bằng với những trường đại học công lập của tiểu bang.  Tuy nhiên rất khó vào.  Chỉ những học sinh thật giỏi mới được vào đây.  Dĩ nhiên rồi, trường dành cho y khoa mà lị.  Gặp một cô bé VN họ Đỗ học ở đây được năm thứ ba rồi.