Chuyện lạ

Ngày xưa có một nhà thơ già, môn sinh của Kaiga, tên là Hayami Shinga. Một đêm nọ ông ở trọ nhà của Nakamura, phòng ngủ gần cửa trước. Đêm ấy là đêm Mười Tám tháng Chín. Trăng rất trong và trời có sương lạnh; dế hát vang trong sân phía trước nhà. Cái hơi hướm mùa Thu thật quyến rủ nên ông không đóng cửa sổ và đi ngủ chỉ đóng cửa trước mà thôi.

Vào khoảng một giờ tình cờ ông ngẩng đầu khỏi gối và nhìn chung quanh. Mặt trăng vẫn sáng, sáng rực như thể là ban ngày, và trong mái hiên bên ngoài, có một đàn chồn ngồi một dọc thẳng hàng, vẫy mấy cái đuôi tròn lẳn xòe lông. Trăng soi bóng của chúng lên nền cửa.

Nhà thơ già sợ hãi quá, không thể nào cầm được, vụt chạy vào trong bếp, gõ mạnh vào cánh cửa căn phòng của chủ nhà đang ngủ, gọi um sùm: “Dậy đi! Mau lên nào!”

Tiếng gọi của ông đánh thức những người giúp việc, và họ bắt đầu hét truyền với nhau, “Có kẻ trộm, phải là trộm thôi!” Tiếng kêu của những người giúp việc làm Shinga bớt sợ hãi. Ông bắt đầu mở mắt ra nhìn, và nhận ra nãy giờ ông đang gõ vào cửa phòng vệ sinh, mồm kêu, “Thức dậy! Thức dậy!”

Về sau, kể lại câu chuyện đêm ấy, ông nói, “Tôi rất là xấu hổ.”

Chú thích của người dịch: Người Nhật tin rằng, chồn không phải là thần, mà chỉ là người đưa tin của thần. Đoạn này trích trong quyển “The Essential Haiku Versions of Basho, Buson, & Issa.” Robert Hass biên soạn. Tiêu đề From New Flower Picking, trang 141, trích đoạn này của tác giả Buson, nhà thơ cũng là danh họa, Yuki Sawa và Edith M. Shiffert dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh.

Tác giả nhập nhằng khiến người đọc không biết đây là giấc mơ hay sự thật. Có lẽ vì không khí mùa thu quá đẹp, đẹp đến trở nên huyễn hoặc, khiến cho nhà thơ già đâm ra mơ chuyện hoang đường. Cũng có thể đám chồn kia là những sứ giả của thần tiên, để lộ hình dáng trong đêm thu, vì đêm thu đẹp quá khiến chồn cũng bị say hương thu. Khi bị loài người phát giác, đám chồn biến mất, để lại nhà thơ già chịu nỗi xấu hổ một mình.

Kesa và Morito

Tác giả: Ryunosuke Akutagawa

Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà

Lời người dịch: Càng ngày tôi càng nhận ra tôi có khuynh hướng thích đọc truyện cổ điển. Truyện này, làm tôi nghĩ đến nhân vật A Châu trong truyện Kim Dung nửa đêm cải trang đi chết thay cho người nàng yêu. Truyện nào thì không còn nhớ. Không nhớ A Châu chết thay cho ai. Phải Lệnh Hồ Xung không? Hay là Kiều Phong (Tiêu Phong)?

Part I

Nhìn trăng một cách tư lự, Morito đi lại trên thảm lá bên ngoài hàng rào nhà của mình.

Lời Độc Thoại của Morito

Bây giờ trăng đang lên.  Tôi thường không mấy kiên nhẫn khi chờ trăng lên.  Nhưng đêm nay, trăng lên sáng rực làm rúng động tôi đến khủng khiếp.  Tôi rùng mình nghĩ rằng đêm nay sẽ phá hủy cái tôi hiện tại và biến tôi thành một tên sát nhân khốn nạn.  Hãy tưởng tượng khi đôi bàn tay này trở nên đỏ vì máu!  Tôi trở nên một hiện diện đáng bị nguyền rủa với chính tôi.  Lòng tôi sẽ không đến nỗi bị dày vò đau đớn nếu tôi chuẩn bị giết một kẻ thù mà tôi căm ghét, nhưng tối nay tôi phải giết một người đàn ông mà tôi không chút hận thù.

Tôi biết ông ấy từ lâu.  Mặc dù tôi mới chỉ biết tên ông ấy gần đây, Wataru Saemonno-jo, khuôn mặt đẹp trai của ông rất quen thuộc với tôi từ khi tôi bắt đầu có trí nhớ.  Khi tôi biết rằng ông là chồng của Kesa, nói thật, tôi ghen như cháy cả người một thời gian.  Nhưng bây giờ thì lòng ghen của tôi đã phôi pha, không còn dấu vết nào trong tôi, tim hay óc.  Do đó cho dù tranh chấp trong tình yêu, tôi không thù ghét cũng chẳng khinh bỉ.  Thật ra tôi luôn nghĩ đến ông một cách trân trọng.  Khi cô tôi, Koromogawa, bảo tôi ông ấy không sá gì đau đớn hay khổ ải để chiếm được lòng yêu của Kesa, tôi thấy thông cảm với ông.  Tôi còn biết là với tất cả tấm lòng mong ước cháy bỏng được lấy nàng làm vợ, ông ấy cố gắng hết sức mình ngay cả việc học làm thơ.  Tôi không thể nào tưởng tượng nỗi người đàn ông đơn giản và lù đù như ông ấy có thể làm thơ ca tụng tình yêu, và môi tôi nở nụ cười chế giễu chính mình.  Đây không phải là một cái cười khinh bỉ; tôi thấy cảm động bởi lòng yêu thương dịu dàng của một người đàn ông đã làm đủ mọi cách thậm chí quá độ để được lòng một người đàn bà.  Rất có thể lòng yêu cháy bỏng của ông đến nỗi ông tôn thờ Kesa yêu quí của tôi làm cho tôi khá thỏa mãn.

Nhưng tôi có thật sự yêu Kesa không?  Cuộc tình vụng trộm của chúng tôi có thể được chia thành hai thời kỳ, quá khứ và hiện tại.  Nhưng ngay lúc này nhìn thẳng vào tim mình, tôi thấy có nhiều động cơ.  Tôi muốn những gì ở nàng?  Nàng là một người đàn bà mà tôi luôn thèm muốn kể cả những ngày mà tôi phải chay tịnh.  Nếu tôi được phép lộng ngôn, tình yêu của tôi dành cho nàng chẳng khác gì một thúc đẩy hào nhoáng đã đưa Adam đến với Eve.  Dù rằng tôi vẫn nghĩ đến nàng cả ba năm kể từ khi chúng tôi không còn thuộc về nhau, tôi không dám cả quyết rằng tôi yêu nàng.  Về sau khi tôi trở nên quyến luyến với nàng, niềm nuối tiếc lớn nhất của tôi là tôi đã không tìm hiểu nàng một cách thật sâu đậm.  Tự tra tấn mình với sự bất mãn, tôi lao vào mối quan hệ hiện nay và điều này làm tôi hãi sợ cho dù tôi biết rằng đó là chuyện phải đến.  Bây giờ tôi lại hỏi chính tôi một câu hỏi mới tinh khôi “Tôi có thật sự yêu nàng không?”

Ba năm sau khi tôi gặp lại nàng trong dịp lễ hoàn tất cây cầu Watanabe, tôi đã dùng đủ mọi cách để được gặp riêng nàng.  Cuối cùng tôi thành công.  Không những tôi chỉ gặp nàng mà tôi còn chiếm đọat được thân thể của nàng, điều mà tôi ao ước từ lâu.  Lúc ấy, cái tiếc rẻ không được biết rõ thân xác nàng không mạnh mẽ lắm.  Nhưng khi tôi ngồi cạnh nàng trong căn phòng có trải nệm ở nhà của Koromogawa, tôi để ý là sự tiếc rẻ ấy đã tàn lụi.  Rất có thể cơn thèm muốn của tôi cũng yếu dần vì tôi không phải nhịn thèm.  Nhưng lí do chính là nàng không phải là người mà tôi vẫn nuôi dưỡng trong trí tưởng của tôi.  Khi tôi ngồi đối diện với nàng, tôi chợt nhận ra nàng không còn đẹp, cái đẹp của một pho tuợng nho nhỏ, mà tôi hằng tưởng tượng trong ba năm vừa qua.  Nàng thua xa cái thần tượng mà tôi hằng lí tưởng hóa trong tim tôi.  Mặt nàng, trát dày những phấn có pha chì, đã mất đi cái vẻ tươi tắn rạng rỡ cũng không còn mịn màng duyên dáng.  Dưới mắt nàng quầng thâm tụ lại.  Điều không hề thay đổi là đôi mắt nàng, vẫn trong trẻo và lóng lánh đen.  Nhìn thấy nàng lần này tôi sững sờ kinh ngạc, nhưng dù thế tôi vẫn không thể nhìn đi hướng khác.

Thế thì tại sao tôi lại có thể giao hợp với người đàn bà mà tôi không mấy quyến luyến?  Trước nhất là tôi có một mong ước kỳ cục là chinh phục được quả tim nàng.  Ngồi bên nàng, mặt đối mặt, nàng kể tôi nghe tình yêu nàng dành cho chồng, một cách cố tình phóng đại.  Câu chuyện không để lại gì ngoại trừ tiếng rung trong cái lỗ tai trống rỗng của tôi.  “Nàng thổi phồng cái lí tưởng hão huyền về người chồng,” tôi nghĩ thế.  Tôi cũng ngờ là nàng không muốn thổi cháy cái thèm muốn của tôi.  Cùng lúc ấy, cái thèm muốn được vạch trần sự dối trá của nàng trở nên càng lúc càng mạnh hơn.  Vì sao tôi nghĩ rằng nàng giả dối?  Nếu quí vị nói, bạn đọc thân mến, rằng sự giả dối của chính tôi làm cho tôi nghi ngờ lời nàng nói không phải là sự thật, thì tôi không chối cãi.  Tuy vậy, lúc đó tôi tin như vậy và bây giờ tôi vẫn còn tin lời của nàng chỉ là một lời nói dối.

Nhưng không phải chỉ có lòng thèm muốn chinh phục nàng ám ảnh tôi lúc ấy.  Tôi thật xấu hổ mà thú nhận điều này –  Tôi bị tràn ngập bởi lòng thèm muốn xác thịt.  Điều này không phải chỉ là sự tiếc nuối là tôi chưa lần nào được biết thân thể của nàng.  Nó là một cơn thèm muốn xác thịt thật hạ cấp, thèm muốn xác thịt chỉ vì thèm muốn xác thịt mà đối tượng của sự thèm khát không nhất thiết phải là một người đàn bà cố định.  Có lẽ, không một người đàn ông nào đi chơi điếm có thể hạ cấp hơn tôi lúc ấy.

Nói cho cùng, viện dẫn những lí do này khác, cũng chỉ là vì tôi có liên hệ với Kesa.  Nói đúng hơn là tôi làm nhục nàng.  Trở về với câu hỏi đầu tiên mà tôi đã đặt ra từ trước, tôi không cần hỏi tôi ngay lúc đó tôi có yêu nàng hay không.  Khi mọi chuyện đã xong, tôi nâng xốc nàng lên trong tay tôi – người đàn bà này đã nằm lăn xuống đất khóc ngất.  Lúc đó nàng có vẽ nhục nhã hơn tôi.  Tóc rối tung và mồ hôi nhễ nhại, tất cả những điều biểu lộ cái xấu xí của nàng, tâm hồn và thể xác.  Có thể nói mà không sai với sự thật là trong tôi hình thành một nỗi chán ghét thật mới mẻ, dành cho nàng ngay từ ngày hôm ấy.  Và đêm nay, tôi sẽ giết một người đàn ông mà tôi không ghét chỉ vì một người đàn bà mà tôi không hề yêu.

“Mình cùng nhau giết Wataru đi,” tôi thì thầm vào tai nàng.  Tôi chắc là phải rồ dại ghê lắm mới dám đề nghị một cách táo tợn đến thế với nàng.  Lơ đãng tôi thở vào tai nàng trước đây tôi từng mong ước được thách đấu với Wataru để chiếm lòng yêu của nàng.  Bất cứ giá nào, “mình cùng giết Wataru,” tôi thì thào và chắc chắn, tôi nghiến răng thì thào cùng nàng và cùng lúc ấy tôi muốn đả thương tôi.  Hồi tưởng lại, tôi không biết cái gì đã xui khiến tôi làm một chuyện thiếu suy nghĩ như vậy.  Tất cả những lý lẽ mà tôi nghĩ ra là tôi chỉ muốn đền bù cho cái chuyện ngoại tình lúc này, và khi tôi càng khinh bỉ và ghét bỏ nàng thì tôi càng trở nên kiên nhẫn chờ để bêu xấu nàng.  Không có gì để thỏa mãn mục đích này thích hợp hơn là giết người chồng mà nàng thú nhận là rất yêu với sự chấp thuận của nàng, một ý chí yếu mềm, dễ bị lung lạc.  Vì thế như một người trong ác mộng, tôi phải thành công trong việc dụ dỗ nàng cùng nhau phạm cái tội sát nhân mà tôi không mơ ước.  Nếu điều này không đủ để giải thích cái lý do mà tôi đề nghị giết Wataru, không có lời nào có thể thử giải thích được, ngoại trừ một quyền lực không hề biết đến đạo đức là gì (có thể là yêu tinh hay quỷ sứ) đã dẩn dắt tôi trên con đường tội lỗi.  Kiên trì tôi lập đi lập lại điều này vào tai nàng.

Cuối cùng nàng ngẩng mặt lên nói rằng, “Được rồi, nếu anh thật sự muốn giết Wataru.”  Không những sự đồng ý ngay lập tức của nàng làm tôi thật ngạc nhiên, mà tôi còn thấy một ánh nhìn thật bí mật trong mắt nàng mà tôi chưa hề để ý.  Một người đàn bà ngoại tình – nàng cho tôi cái ấn tượng ấy lúc đó.  Ngay tức thì thất vọng và khủng hoảng – và vâng, cả khinh bỉ nữa – nhoáng lên trong bộ óc đang lên cơn sốt của tôi.  Tôi có thể hủy bỏ những toan tính của tôi ngay lập tức nếu tôi thấy có thể làm được.  Xong rồi tôi có thể gán cho nàng cái tên đàn bà ngoại tình, và lương tâm của tôi có thể tìm được chổ trú ẩn trong đạo dức hợp lẽ phải.  Nhưng tôi không thể làm được chuyện ấy.  Tôi thú nhận là tôi đã nhìn thấy cái tuyệt đối bất lực của mình ngay cái phút giây mà tôi bắt gặp bất thình lình cái nhìn đắm đuối của nàng.  Thái độ của nàng thay đổi hẳn như là nàng đã nhìn thấu rõ quả tim tôi.  Tôi lỡ há miệng nên mắc quai trong việc chuẩn bị giết chồng nàng bởi vì tôi sợ nàng sẽ trả thù nếu tôi không thực hiện phần của tôi.  Bây giờ thì nỗi sợ hãi như đã có móng vấu bám chặt lấy tôi.  Cứ cười tôi là một tên hèn nhát nếu bạn muốn.  Đây là hành động của một người không biết người tình vụng trộm của hắn thấp hèn đến mức nào.  “Nếu tôi không giết chồng nàng, nàng sẽ giết tôi không bằng cách này thì cũng bằng cách khác.”  Tôi suy nghĩ một cách tuyệt vọng, nhìn vào đôi mắt như khóc mặc dù không có giọt nước mắt nào.  Sau khi tôi tuyên bố lời thề của mình, không biết tôi không có nhìn thấy nụ cười trên môi nàng, và đồng tiền trên má nàng hay không?  Ồ, bởi vì lời hứa đáng bị nguyền rủa này, tôi sẽ cộng thêm cái tội sát nhân độc ác vào trái tim đen tối nhất không ngoài sức tưởng tượng.  Nếu như mà tôi không giữ đúng lời hứa để thực hiện cái việc ấy tối nay . . . Không, lời hứa của tôi phải được tôn trọng.  Điều này quá sức chịu đựng của tôi.  Thêm vào đó, tôi rất sợ bị nàng trả thù.  Điều này khá đúng đấy.  Ngoài ra còn có một việc khác đã xui khiến tôi hành động.  Cái gì thế?  Cái gì có quyền lực thật mạnh mẽ đã thúc đẩy một tên hèn nhát như tôi đến chổ giết người?  Tôi không thể thố lộ.  Tôi không thể thố lộ.  Nhưng rất có thể . . .  Không, không thể như thế được.  Tôi khinh bỉ nàng.  Tôi sợ nàng.  Tôi ghét nàng.  Và có thể, và có thể, có thể vì tôi yêu nàng.

Morito, tiếp tục đi đi lại lại, không nói thêm gì nữa.  Lời hát của một bài hát trữ tình được viết ra từ trong đêm ấy.

Trí óc của con người trong bóng tối
Không có ánh sáng soi lên
Nó cháy một ngọn lửa mà nhân loại quan tâm
Nhưng tàn rụi chỉ trong khoảnh khắc

Part II

Ban đêm dưới ánh đèn, Kesa đắm chìm trong suy nghĩ, nàng cắn tay áo của mình, và đứng quay lưng về ánh sáng.

Lời độc thoại của Kesa.

Hắn có đến hay không hay là hắn không đến.  Tôi tự hỏi.  Chuyện hắn không đến rất khó có thể xảy ra.  Trăng đã bắt đầu lặn, nhưng không nghe tiếng bước chân, biết đâu chừng hắn đổi ý.  Nếu như mà hắn không đến? . . .  Ta sẽ sống trong nhục nhã ngày này sang ngày khác như một con điếm.  Tại sao ta có thể đánh mất chính mình trong nhục nhã và tội lỗi đến thế?  Ta chẳng khác gì một xác chết bị ném bên lề đường.  Ta sẽ bị sỉ nhục và chà đạp khi mối nhục của ta bị phơi bày ra ánh sáng.  Tuy thế ta sẽ giữ im lặng như là một con ngu.  Trong trường hợp này ta sẽ mang nỗi tiếc nuối này xuống mộ.  Ta tin là hắn sẽ đến.

Ngay từ lúc ta nhìn vào mắt hắn, khi ta chia tay hắn ngày nọ, ta đã thuyết phục hắn đồng ý làm chuyện đó.  Hắn sợ ta.  Thật thế, nếu như ta chỉ dựa vào bản thân ta, ta không tin chắc ở hắn cho lắm.  Nhưng ta phải nhờ cậy hắn.  Ta nhờ vào lòng ích kỷ của hắn.  Ta nhờ vào cái sợ hãi đốn mạt đã mọc lên từ bản chất ích kỷ của hắn.

Nhưng từ khi ta không còn chỉ tự dựa vào chính bản thân nữa thì ta khốn khổ làm sao.  Từ xưa cho đến ba năm trước đây, ta tự tin vào chính bản thân, và trên hết, vào nhan sắc của mình.  Nói chính xác là “cho đến ngày hôm ấy” hơn là nói “ ba năm trước đây.”  Hôm ấy ta gặp hắn trong phòng ở nhà người cô, chỉ cần thoáng liếc vào trong mắt hắn ta đã thấy phản chiếu sự xấu xa đê tiện trong đầu hắn.  Hắn nói những lời yêu thương êm dịu với ta như thể mọi chuyện trên đời này đều không đáng để quan tâm.  Nhưng làm sao trái tim của một người đàn bà có thể được xoa dịu một khi đã nhìn thấy sự xấu xa bỉ ổi trong chính tâm hồn nàng?  Ta sợ hãi, khủng hoảng, và hối tiếc.  Cái ánh sáng nhợt nhạt bất an của một lần nguyệt thực mà ngày còn bé ta đã xem lúc còn được bế trên tay người vú nuôi có lẽ vẫn sáng hơn, tốt đẹp hơn so với sự tuyệt vọng quái đản đã làm đen tối trí óc ta lúc ấy.  Tất cả những mơ ước viễn ảnh tốt đẹp cho tương lai trong tim ta bỗng hoàn toàn biến mất.  Cái cảm giác đơn độc của một cơn mưa vào buổi sáng bỗng lặng lẽ bao trùm ta.  Rùng mình trong đơn độc, cuối cùng ta phó mặc thân thể ta, như một xác chết, trong vòng tay của một người đàn ông ta không yêu, vào vòng tay của người đàn ông dâm đãng một kẻ vừa ghét vừa khinh ta.  Có phải tôi không chịu nổi sự cô đơn của mình bởi vì cái xấu xí của tôi bị vạch trần sống sượng đập vào mặt tôi?  Có phải tôi cố che giấu mọi thứ trong cái giây phút chất ngất ấy bằng cách dấu mặt mình vào ngực hắn?  Hoặc là tôi bị chinh phục chỉ bởi cái khao khát rất nhục nhã cũng giống như hắn mà thôi?  Chỉ cần nghĩ đến chuyện ấy tôi đã thấy tràn ngập lòng mình một nỗi nhục nhã!  Nhục nhã thật.  Nhục nhã thật!  Đặc biêt lúc tôi nhấc mình ra khỏi vòng tay của hắn, tôi xấu hổ làm sao.

Nhàm chán và đơn lẻ làm tôi rơi nước mắt triền miên cho dù tôi cố gắng không khóc hết sức.  Tôi không những chỉ hối tiếc là mình bị mất danh dự, tôi còn bị tra tấn đau đớn hơn bởi vì tôi bị rẻ rúng hơn cả con chó bị cùi hủi mà người ta ghét và đánh đập.  Tôi đã làm gì từ lúc ấy?  Tôi chỉ có một kí ức mù mờ về về việc ấy như đó là một chuyện xa xôi trong trí nhớ.  Tôi chỉ nhớ giọng nói hắn thì thào, “mình giết Wataru đi,” và bộ ria mép của hắn cọ vào tai tôi lúc tôi khóc nấc.  Ngay lập tức lúc tôi nghe những lời này, tôi bỗng dưng nghe sống động một cách kỳ lạ.  Vâng, tôi nghe mình sinh động và rạng rỡ như ánh trăng xanh, nếu ánh sáng của mặt trăng có thể được xem là rạng rỡ.  Nói cho cùng, tôi có được an ủi bởi những lời này?  Ồ! Không đâu!  Có phải đàn bà là một hiện thể chỉ sung sướng khi được đàn ông yêu cho dù nàng phải giết chồng mình?

Tôi tiếp tục khóc một hồi lâu với sự cô đơn và cảm giác sống động như ánh trăng.  Tôi đã hứa giúp một tay vào việc giết chồng mình từ lúc nào?

Ngay đến lúc ấy hình ảnh chồng tôi cũng chưa đi vào trong óc tôi.  Tôi thành thật nói rằng không, ngay cả lúc ấy.  Cho đến khi ấy, toàn bộ trí óc tôi choáng ngập bởi chính tôi và cái mất danh dự của mình.  Rồi thì tôi tưởng tượng đến bộ mặt tuơi cười của chồng tôi, cái âm mưu lóa lên trong óc tôi.  Ngay lúc ấy, tôi quyết định tìm cái chết, và tôi rất mừng mình đã quyết định như thế.  Nhưng khi tôi ngừng khóc, ngẩng mặt lên và nhìn vào mặt hắn để nhìn thấy sự xấu xí của mình phản chiếu trong đó tôi cảm thấy dường như tất cả những vui sướng trong đời tôi mờ dần đi.  Nó làm tôi nghĩ đến cái bóng tối trên mặt trăng đang bị khuyết dần trong nguyệt thực mà tôi đã xem với người nhủ mẫu.  Đó, như tự lúc nào, tự bao giờ, giải phóng tôi ra khỏi mọi tư tưởng ác độc ẩn náu dưới vẻ ngoài vui sướng của tôi.  Đó, có phải vì tôi yêu chồng mà tôi muốn chết thế cho chàng?  Không, đó chỉ vì điều này hợp lí hợp tình, chỉ vì tôi muốn chuộc tội là tôi đã ngủ với người khác.  Không có đủ can đảm tự tử, tôi có cái khao khát ác độc là muốn giữ cái bề ngoài tốt đẹp với mọi người chung quanh.  Cái lòng ác độc này của tôi có thể được tha thứ.  Dưới cái ý tưởng mình chết thế cho chồng, phải chăng chính tôi đang âm mưu trừng phạt tình nhân của tôi với cái tội là hắn đã ghét bỏ tôi, khinh bỉ tôi, và cái lòng dâm dục khả ố của hắn dành cho tôi.  Điều này được chứng minh bằng một sự thật là cái nhìn thoáng qua mặt hắn đã dập tắt mọi những ánh lửa bí ẩn và mầu nhiệm của cuộc đời như là chút ánh sáng nhợt nhạt của mặt trăng và làm tê điếng cả lòng tôi với niềm hối tiếc.  Tôi sẽ chết, không phải chết cho chồng tôi mà cho chính tôi.  Tôi sẽ chết một cái chết để trừng phạt tình nhân của tôi đã làm tổn thương trái tim tôi và để trả đũa hắn đã xâm phạm thân thể tôi.  Ồ! Không những tôi không xứng đáng trong cuộc sống của tôi, tôi không xứng đáng ngay cả trong cái chết cho mình.

Nhưng bây giờ, chết một cái chết không xứng đáng vẫn xứng đáng hơn là sống.  Cười một cái cười gượng gạo, tôi lập đi lập lại lời hứa giúp hắn giết chồng tôi.  Bởi vì hắn rất khôn ngoan nhạy bén, hắn chắc là đoán ra từ lời nói của tôi cái hậu quả hắn phải chịu nếu hắn không giữ lời hứa.  Vì thế, dường như không thể xảy ra được sau khi hứa hẹn đủ điều hắn lại phản bội lời hứa.  Đó có phải tiếng gió?   Khi tôi nghĩ rằng tất cả khốn khổ của tôi bắt đầu từ ngày hôm ấy sẽ kết thúc đêm nay, tôi cảm thấy dễ chịu.  Ngày mai sẽ không thất bại trong việc chiếu ánh sáng lạnh lẽo trên cái xác không đầu của tôi.  Nếu chồng tôi nhìn thấy cái xác, anh ấy sẽ . . . không, tôi không muốn nghĩ đến anh ấy.  Chồng tôi yêu tôi nhưng tôi không còn đủ sức đáp lại tình yêu của anh ấy.  Tôi chỉ có thể yêu một người.  Và người đàn ông ấy sắp đến giết tôi đêm nay.  Ngay cả cái ánh sáng của ngọn nến này cũng trở nên sáng quá độ đối với tôi, bị tra tấn bởi tình nhân của mình, như chính tôi.

Kesa thổi tắt ngọn nến.  Không bao lâu, tiếng động khẽ khàng như tiếng mở cửa vang lên, và ánh trăng nhợt nhạt tràn vào.

Nguyễn Thị Hải Hà dịch

Đôi Chim Bạch Yến

Tác giả: Yasunari Kawabata

Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà

Thưa Bà:

Tôi xin lỗi đã thất hứa và viết thư cho Bà, chỉ một lần này thôi.

Tôi không thể tiếp tục nuôi giữ mấy con chim bạch yến tôi nhận của bà từ năm ngoái. Vợ tôi là người săn sóc mấy con chim này. Tôi chỉ ngắm chúng – và nghĩ đến Bà khi thấy mấy con chim này.

Có phải Bà là người đã nói, “Anh có vợ, và em cũng có chồng. Thôi ta đừng yêu nhau nữa. Phải chi anh đừng có vợ. Em tặng anh mấy con chim bạch yến này là để anh nhớ đến em. Anh nhìn chúng đi. Đôi bạch yến này trông như là vợ với chồng, nhưng thật ra chủ tiệm chỉ bắt bừa một con trống và một con mái rồi nhốt chúng vào chung một lồng. Tự chúng chẳng hề quen biết nhau. Thôi thì cứ nhìn chúng mà nhớ đến em. Nghĩ ra cũng kỳ quái khi đem tặng thú vật sống làm quà, nhưng kỷ niệm của chúng ta cũng đang sống đấy thôi. Rồi một ngày nào đó, đôi bạch yến này sẽ chết. Và, khi ấy kỷ niệm của chúng ta cũng phải chết theo, xin hãy để nó chết đi.”

Giờ đây, đôi bạch yến nhìn có vẻ như sắp chết. Người săn sóc chúng đã mất rồi. Một họa sĩ, bất cẩn và nghèo túng như tôi, không thể nuôi những con chim yếu ớt này. Nói thẳng ra, vợ tôi là người chăm sóc chúng, từ khi nàng qua đời, tôi không biết đôi chim này có chết theo nàng hay không. Và nếu đôi chim này chết, thưa Bà, có phải vợ tôi là người mang đến những kỷ niệm về bà hay không?

Tôi nghĩ đến thả đôi chim này, nhưng, từ khi vợ tôi mất, đôi cánh của cặp chim dường như trở nên yếu ớt. Thêm vào đó, đôi chim này rất xa lạ với bầu trời. Chúng không có người thân hay bạn bè, trong thành phố này hay trong khu rừng lân cận, để chúng có thể nhập đàn. Và nếu một con chim tách ra bay riêng, cả hai cũng sẽ chết một cách lẻ loi. Nhưng mà, chính Bà đã nói rằng, người chủ tiệm bán chim chỉ bắt bừa hai con chim một trống một mái rồi nhốt vào chung một chuồng.

Tôi không muốn đem bán chúng cho tiệm bán chim, vì Bà đã cho tôi mấy con chim này. Tôi cũng không muốn trả lại cho Bà, bởi vì vợ tôi là người đã nuôi mấy con chim. Thêm vào đó, mấy con chim này – có lẽ Bà đã quên bẵng chúng rồi – sẽ gây trở ngại cho Bà rất nhiều.

Tôi sẽ lập lại. Nhờ có vợ tôi mà đôi chim này còn sống đến bây giờ – làm kỷ vật gợi tôi nhớ đến Bà. Vì thế, thưa Bà, tôi muốn đôi chim này đi theo vợ tôi về cõi chết. Giữ cho kỷ niệm của Bà còn sống trong tôi không phải chỉ là một việc vợ tôi đã làm. Làm thế nào mà tôi có thể yêu một người đàn bà như Bà chứ? Không phải bởi vì vợ tôi đã ở với tôi sao? Vợ tôi đã giúp tôi quên hết những nỗi đau đớn trong đời. Nàng đã từ chối không nhìn thấy phân nửa phần đời của tôi. Nếu nàng không làm như thế, tôi chắc chắn là sẽ quay nhìn hướng khác, hoặc nhìn xuống chân, trước một người phụ nữ như Bà.

Thưa Bà, chắc là không sao chứ, nếu tôi giết đôi chim bạch yến này và chôn chúng vào cùng huyệt mộ với vợ tôi, phải không?

Trích trong tập truyện ngắn The Palm-of-Hands của Yasunari Kawabata.

Đọc triết

bìa trước bìa sauforewordmaximsMấy hôm trước ra chỗ thư viện bỏ túi, tôi thấy người ta đem cho mấy cuốn sách của một số triết gia. Trong mấy cuốn sách cũ mèm, bìa mềm, loại nhỏ có thể bỏ vừa túi áo (hơi rộng một chút) tôi thấy có tác giả Emerson và Nietzche. Hồi trẻ tôi có học triết học nhập môn, cả triết đông lẫn triết tây. Học thì học cũng hơi ngán ngẩm không mặn mà cho lắm. Bây giờ khá già, thấy các bạn trẻ học triết tôi giật mình, mình cũng nên bắt đầu đọc nghiêm túc về bộ môn này, không thể làm triết gia, nhưng cũng tập suy nghĩ. Không lấy cuốn của Emerson dù rất muốn nhưng tự nhủ đừng tham lam, tôi chỉ lấy cuốn của Nietzche. Cuốn sách có tựa đề Twilight of the Idols with the Anti-Christ.

Đọc lời mở đầu, thấy tác giả cũng không có vẻ nghiêm trọng lắm. Ông bảo chỉ đọc trong lúc nhàn rỗi, giết thì giờ. Tôi thấy có mấy trang khổ nhỏ, bao gồm những câu ngăn ngắn dưới chủ đề “Maxims and Arrows.” Chẳng biết nên dịch là gì, maxim là châm ngôn, nhưng tại sao lại đi với Arrow là mũi tên. Thì đã nói, sách triết là để đọc mà suy nghĩ.

Khi tôi cần kềm cái khuynh hướng đọc nhanh, đọc lướt của tôi, tôi dịch. Tôi dịch được vài câu, có nhiều câu quen thuộc (chưa dịch) thí dụ như (trong quân đội) cái gì không giết được mình thì sẽ làm cho mình mạnh mẽ hơn. Nói ra ngoài đề tài một chút, tin tôi đọc hôm qua hôm kia, có một ông huấn luyện viên hải quân Hoa Kỳ, huấn luyện một anh tân binh, trấn nước anh ta quá làm anh ta chết. Cái chết này bị liệt vào hạng giết người.

Nói nhiều quá, sau đây là năm câu dịch.

Nietzsche – Twilight of the Idols

The Anti-Christ

page 23

Maxims and Arrows

  1. Idleness is the beginning of all psychology. What? could psychology be – a vice? Nhàn rỗi là nguồn gốc của triết tâm lý học. Nói cái gì thế? Có thể nào triết học/nghiên cứu về tâm lý lại là một – tội lỗi?
  1. Even the bravest of us rarely has the courage for what he really knows. . . Ngay cả người can đảm nhất trong chúng ta cũng hiếm khi có dũng khí thú nhận những điều họ thật sự hiểu biết. . .
  1. To live alone one must be an animal or a god – says Aristotle. There is yet a third case: one must be both – a philosopher. Thích sống một mình kẻ ấy phải là một con thú hay là thượng đế – Aristotle nói. Tuy vậy còn có trường hợp thứ ba: kết hợp cả hai điều kiện trước đó – một triết gia.
  1. ‘All truth is simple.’ Is that not a compound lie? – ‘Mọi sự thật đều đơn giản.’ Đó có phải là một lời nói dối tinh vi hơn không?
  1. Once and for all, there is a great deal I do not want to know. – Wisdom sets bounds even to knowledge. Nói một lần này thôi, có rất nhiều thứ tôi không muốn biết. Sự khôn ngoan hiểu biết nào cũng phải có giới hạn, kể cả kiến thức.

 

 

Niềm tin vững chắc của bảy phụ nữ

Tôi thường đọc sách giáo khoa môn viết văn hay văn học. Hôm qua tôi gặp bài thơ của bà Maya Angelou, thấy hay nên muốn giới thiệu bài thơ với các bạn. Bài thơ theo kiểu tứ tuyệt, bốn chữ bốn câu, chữ dùng rất đơn giản, vần điệu cũng không gò bó lắm nhưng vẫn có vần. Bài thơ nói lên suy nghĩ của bảy phụ nữ, một sự tự tin về nhan sắc của họ, dù mỗi người đều có khuyết điểm. Tâm lý phụ nữ, luôn luôn sợ già, sợ xấu, sợ béo, sợ gầy, luôn luôn bươi móc cho ra khuyết điểm của người, và của mình. 🙂

Thơ của bà như một cách giải tỏa. Dịch tạm tạm để hiểu thôi nha, tôi không biết làm thơ nên không thể từ thơ dịch ra thơ. Cáo lỗi vậy.

Seven Women’s Blessed Assurance

Maya Angelou (1928 – 2014)

 

1

One thing about me,
I’m little and low,
find me a man
wherever I go.

Một điều về tôi
Nhỏ con thấp bé
đi đâu tôi cũng
tìm được anh bồ

2

They call me string bean
‘cause I’m so tall.
Men see me,
they ready to fall.

Trêu tôi đậu đũa
vì tôi quá cao
đàn ông gặp tôi
sẵn sàng nói yêu

3.

I’m young as morning
and fresh as dew.
Everybody loves me
and so do you

Non như buổi sáng
trong như sương mai
ai cũng yêu tôi
anh cũng vậy thôi

4

I’m fat as butter
and sweet as cake.
Men start to tremble
each time I shake.

Béo như thỏi bơ
ngọt như bánh kem
Đàn ông bủn rủn
khi tôi lắc lư

5

I’m little and lean,
sweet to the bone.
They like to pick me up
and carry me home.

Tôi dáng thon thả
ăn nói ngọt ngào
các anh đòi ẵm
cõng bé về nhà

6

When I passed forty
I dropped pretense,
‘cause men like women
who got some sense

Tôi hơn bốn mươi
không còn ỡm ờ
đàn ông họ thích
đàn bà hiểu đời

7

Fifty-five is perfect,
so is fifty-nine,
‘cause every man needs
to rest sometime.

năm lăm tuổi ngọc
năm chín tuổi hồng
đàn ông nào cũng
có lúc hết gân

Cho đến khi

Tối hôm qua tôi xem phim Kate and Leopol với mục đích “nghiên cứu” chủ đề time warp, sự trộn lẫn của thời gian và không gian, mang quá khứ vào hiện tại, mang hiện tại vào tương lai, hiện tại là quá khứ của tương lai, hiện tại là tương lai của quá khứ. Tiếng Anh có thì Past Perfect, Present Perfect, và Future Perfect mà tiếng Việt không có.

Trước đây cùng cái chủ đề này tôi đã xem The Curious Case of Benjamin Button. Hôm qua trở lại với chủ đề này nhưng mục đích cũng là xem và đọc chủ đề tình yêu trong mùa hạ.

Phim Kate and Leopol cốt truyện không mấy thuyết phục, những đoạn phim lãng mạn có vẻ vội vàng và cliché thí dụ như khiêu vũ trên mái nhà trong tiếng vĩ cầm trình diễn “sống.” Một người từ quá khứ bước vào hiện tại mà có sẵn tiền, biết tiêu tiền, vân vân. Nhưng phim mà, đòi hỏi quá sao được.

Meg Ryan vốn xinh xắn và tôi thích cái vẻ gầy gần giống như con trai của cô. Chỉ tiếc là cô bơm môi lộ liễu quá trông cô già hẵn đi dường như không còn thích ứng với cái vai con gái trẻ và lãng mạn cho lắm. Anh Hughes thì vẫn đẹp trai không thể chê được.

Cuối phim có bản nhạc hay. Sting vừa là tác giả vừa là người hát.

Dịch tàm tạm ở đây vì ca từ thật là lãng mạn nhất là nó được nói ra bằng giọng đàn ông.

Cho Đến Khi – Sting

Nếu tôi nhốt quả đất vào trong chai
cùng với vạn vật vẫn còn bên dưới vầng trăng
Vắng tình em, trăng còn sáng cho tôi?
Nếu tôi sáng suốt như Aristotle
hiểu mấy cái vòng bao quanh vầng trăng
có giá trị gì các thứ ấy nếu em yêu tôi?

Trong vòng tay em, thế giới im lìm không ngờ
với triệu triệu giấc mơ chưa thành
và những giây phút mong manh cho đến khi
buổi khiêu vũ chấm dứt
Trong vòng tay em
mọi thứ dường như rõ ràng hơn
chẳng có một điều cụ thể nào làm tôi lo sợ
trừ cái khoảnh khắc
buổi khiêu vũ sắp tàn.

Nếu tôi có thể nhốt quả đất vào cái đồng hồ cát hình chữ X
Gắn yên cương lên để cưỡi mặt trăng
Cho đến khi những vì sao mờ dần
Cho đến khi …

Rồi một ngày em sẽ gặp một người lạ
trong căn phòng, rồi tất cả tiếng ồn ào đều biến mất
em cảm thấy đang tiến đến gần một sự bí mật
trong ánh trăng và mọi thứ chung quanh đều vỡ vụn
em tưởng như em đã quen người ấy suốt cả đời
Bài học lâu đời nhất của thế giới trong lịch sử

Trong vòng tay em, thế giới im lìm không ngờ
với triệu triệu giấc mơ chưa thành
và những giây phút mong manh cho đến khi
buổi khiêu vũ chấm dứt
Trong vòng tay em khi
mọi thứ dường như rõ ràng hơn
chẳng có một điều cụ thể nào làm tôi lo sợ
trừ cái khoảnh khắc
buổi khiêu vũ sắp tàn.

Nếu tôi có thể nhốt quả đất vào cái bình chữ X
Gắn yên cương lên để cưỡi mặt trăng
Cho đến khi những vì sao mờ dần
Cho đến khi ấy, thời gian vẫn đứng yên,
Cho đến khi

Sau đây là nguyên tác

If I caught the world in a bottle
And everything was still beneath the moon
Without your love would it shine for me?
If I was smart as Aristotle
And understood the rings around the moon
What would it all matter if you loved me?

Here in your arms where the world is impossibly still
With a million dreams to fulfill
And a matter of moments until the dancing ends
Here in your arms when everything seems to be clear
Not a solitary thing would I fear
Except when this moment comes near the dancing’s end

If I caught the world in an hourglass
Saddled up the moon so we could ride
Until the stars grew dim, Until…

One day you’ll meet a stranger
And all the noise is silenced in the room
You’ll feel that you’re close to some mystery
In the moonlight and everything shatters
You feel as if you’ve known her all your life
The world’s oldest lesson in history

Here in your arms where the world is impossibly still
With a million dreams to fulfill
And a matter of moments until the dancing ends
Here in your arms when everything seems to be clear
Not a solitary thing do I fear
Except when this moment comes near the dancing’s end

Oh, if I caught the world in an hourglass
Saddled up the moon and we would ride
Until the stars grew dim
Until the time that time stands still, Until…

Bonsai

Hôm trước đi thăm vườn Nhật ở Brooklyn tôi thấy vườn Bonsai. Đang đọc vài quyển sách nói về Nhật Bản nên thấy Bonsai là mắt tôi sáng lên. Định viết chi tiết một chút nhưng sao thì giờ của tôi ít quá, cứ ngồi vào bàn một lúc là đã đến giờ đi làm. Thôi thì ngắn gọn vài hàng, vài tấm ảnh, tối về viết tiếp.

Obama và bài học kỳ thị chủng tộc

Tác giả Obama.

Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà.

Lời người dịch. Tổng thống Obama, trước khi trở thành Tổng Thống, đã giỏi văn chương. Nhờ giỏi văn, ông trở thành nhà hùng biện. Không phải khi không mà ông được làm người đọc bài diễn văn quan trọng nhất trong buổi đại hội đảng Dân Chủ khi ông chỉ là Nghị Sĩ mới làm nhiệm kỳ đầu tiên. Nhờ bài diễn văn này mà người ta chú ý và đưa ông lên làm ứng cử viên Tổng Thống vì nó làm rung động hàng triệu con tim người Hoa Kỳ trong hoàn cảnh đất nước ly loạn, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa chia rẽ trầm trọng. Do đó bài diễn văn ông đọc ở Việt Nam làm rung động con tim hàng triệu người Việt Nam không phải là chuyện lạ. Ông có là một Tổng Thống vĩ đại hay không điều đó còn phải chờ lịch sử trả lời. Từ trước đến nay ít nhất trong hai nhiệm kỳ Tổng Thống không ai bêu xấu ông về đạo đức. Và những hình ảnh phim ảnh về ông đều cho thấy ông là người bình dân, hòa đồng, biết cách đắc nhân tâm. Ông cũng có những quyết định rất táo bạo về chính sách chống khủng bố thời gian sẽ cho thấy những quyết định này có đáng khen hay không. Tôi không muốn đặt hy vọng quá to lớn vào một người vì tôi sợ sẽ bị thất vọng. Tuy nhiên qua bài diễn văn với những câu thơ trích dẫn của Lý Thường Kiệt, tôi  vui mừng vì trong ban viết diễn văn cho Tổng Thống có những người là bạn tốt của Việt Nam, lắng nghe nguyện vọng bảo vệ quốc gia của người Việt Nam.

Bài này hơi dài, dịch từ năm 2011, đăng ở Da Màu. Hai tấm ảnh của trang mạng Da Màu sưu tầm. Nhân dịp chuyến đi thăm VN của Tổng Thống Obama vẫn còn dư âm mang về đây.

@

obama: những bài học kỳ thị chủng tộc của tôi

Tông thông Obama khi còn trẻ

Tổng thống Barack Obama lúc còn là sinh viên năm thứ nhất
tại Đại học Occidental College, Los Angeles, California

Barack Obama chỉ mới hai tuổi khi người bố gốc châu Phi của ông chia tay với mẹ ông. Lớn lên ở Hawaii với mẹ và ông bà ngoại gốc da trắng, ông kể lại những kinh nghiệm đã giúp xác định ông là thanh niên Mỹ da đen.

Tôi cố gắng tự nuôi dạy mình trở nên một người da đen ở Hoa Kỳ, và ngoại trừ màu da, không ai ở chung quanh tôi biết chính xác ý nghĩa của việc này. TV, phim ảnh, radio là những chỗ có thể bắt đầu. Văn hóa phổ thông[1] được đánh dấu để phân biệt bằng màu sắc, nói cho cùng, đây là trung tâm trưng bày tất cả hình ảnh mà người ta có thể bắt chước dáng đi, cách nói, bước chân hay cách trang phục. Tôi không thể cất giọng hát như Marvin Gaye[2], nhưng tôi có thể học tất cả các bước khiêu vũ của Soul Train.[3] Tôi không thể biểu diễn lắp ráp súng như Shaft hay Superfly, nhưng chắc chắn tôi có thể chửi thề ngon lành như Richard Pryor.[4]

Và tôi có thể chơi bóng rổ, với sự mê đắm luôn luôn to lớn hơn tài năng nhỏ bé của tôi. Quả bóng rổ, quà Giáng sinh của bố tôi (người bố đến thăm khi Obama lên mười) đến vào lúc đội bóng rổ của trường đại học Hawaii được xếp vào hàng quốc gia nhờ tài năng của đội viên, tất cả đều là người da đen, khởi đầu là năm đội viên trường đã được chở[5] đến từ lục địa. Mùa xuân năm ấy bà tôi đưa tôi đi xem một trong những trận đấu của họ, và tôi đã ngắm các đội viên này tập dượt trước khi vào trận, tuy họ vẫn còn là những cậu bé nhưng với tôi họ có vẻ tự tin đĩnh đạc của những người chiến sĩ, liếc mắt vượt lên trên đầu của khán giả hâm mộ để nheo mắt với các cô gái đứng ngắm ngoài lề, thong thả vờn bóng, nhồi bóng hay nhảy lên thật cao và ném bóng thành hình vòng cung đẹp mắt, cho đến có tiếng còi và những người đang ở giữa sân nhảy lên và đội viên tham gia cuộc chiến căng thẳng gay go.

Obama vơí ông ba ngoại

Obama với ông bà ngoại da trắng ngày ra trường trung học

Tôi quyết định tham gia thế giới ấy và bắt đầu chơi ở một sân chơi ở gần chung cư của ông bà tôi. Năm tôi bắt đầu vào Trung học cấp hai (14 tuổi trở lên) tôi chơi cho đội bóng Punahous và có thể đến chơi ở các sân bóng rổ của trường đại học, nơi đó có một số rất ít người da đen, có thể đếm trên các đầu ngón tay, đa số là chuột của phòng thể thao [6] hay những người đã nổi tiếng một thời, ở họ tôi học được một thái độ không liên hệ gì đến bóng rổ. Đó là, bạn được kính trọng là do kết quả bạn làm nên chứ không thể dựa vào thế lực của bố. Đó là, bạn không để cho ai lén nhìn thấy những cảm xúc – như đau đớn hay lo sợ – mà bạn không muốn cho họ thấy. Vợ tôi đang lườm tôi ra vẻ không tán thành kia kìa. Vợ tôi lớn lên với một người anh trai chơi bóng rổ nổi tiếng và mỗi khi cô ấy muốn chấm dứt cuộc thảo luận cô thường nói là giá có con trai thì cô thích nhìn thấy con trai của mình chơi đàn cello hơn. Dĩ nhiên là cô ấy nói đúng; tôi là cái thí dụ sống của bức biếm họa về thanh niên da đen, chính đó cũng là bức biếm họa tiêu biểu bản chất kiêu hãnh của đàn ông Mỹ.

Ít nhất trên sân bóng rổ tôi có thể tìm thấy một hình thức cộng đồng có đời sống tâm hồn của riêng nó. Đó là nơi tôi có những người bạn da trắng thân nhất, trên vùng đất mà màu da đen không phải là kém lợi thế. Và đó là nơi tôi gặp Ray và những người bạn da đen khác cùng trạc tuổi với tôi đã dần dần về ở trên đảo, những thiếu niên mà sự mù mờ lẫn lộn và bất mãn của họ cũng giúp tôi nhận dạng sự lẫn lộn và bất mãn của chính tôi.

“Đó là cách mà người da trắng sẽ đối với bạn,” một người trong bọn sẽ nói khi không có ai ở gần chúng tôi. Mọi người cùng cười và tôi sẽ hồi tưởng lại những lần tôi bị người ta khinh thị: năm lớp bảy, thằng bé đầu tiên gọi tôi là con chồn khoang[7]; và những giọt nước mắt ngạc nhiên của nó (“Tại sao mày làm thế chứ?” khi tôi đấm nó chảy máu mũi. Người đánh tennis chuyên môn đã bảo tôi đừng đụng vào thời khóa biểu liệt kê các cuộc tranh tài gắn trên bảng thông tin bởi vì màu da của tôi có thể làm thấm đen tờ giấy; và nụ cười trên đôi môi mỏng dính cùng khuôn mặt đỏ kè của ông ta – “Cậu không chịu được lời nói đùa hay sao?” – khi tôi đe dọa sẽ báo cáo lời ông nói.

Đó là cách người da trắng sẽ đối xử với bạn. Nhưng đó không chỉ là những chuyện độc ác; tôi biết rằng người da đen cũng đôi khi cay nghiệt và còn nhiều chuyện khác. Đó là một loại kiêu ngạo đặc biệt, một sự kém tế nhị của những người mà bình thường họ rất sáng suốt đã làm cho chúng ta phải bật cười cay đắng. Có vẻ như thể người da trắng đã không biết là họ đã ác độc. Hay ít nhất họ tin là những lời dè bỉu của họ dành cho bạn là xứng đáng. Người da trắng. Ban đầu chữ này có vẻ ngượng nghịu trong miệng tôi; tôi có cái cảm giác của một người ngoại quốc vấp váp với một câu khó phát âm. Đôi khi tôi nói chuyện với Ray người da trắng thế này hay người da trắng thế nọ, bất thình lình tôi nhớ đến nụ cười của mẹ tôi và lời tôi nói bỗng trở nên kỳ cục và giả dối. Hoặc là tôi đang giúp bà tôi lau chén đĩa sau khi ăn tối, Toot (bà ngoại của Obama) đi vào và nói bà sẽ đi ngủ, và cũng những chữ ấy – người da trắng – sẽ chớp sáng trong đầu tôi như những bảng hiệu bằng huỳnh quang sáng rực và tôi bất thình lình trở nên im lặng, như thể tôi muốn giữ bí mật.

Sau đó còn lại một mình, tôi cố gắng gỡ rối những ý nghĩ khó chịu này. Rõ ràng là có một số người da trắng có thể được nằm ngoài cái nhóm tổng quát mà chúng tôi không tin cậy: Ray luôn luôn bảo tôi là ông bà của tôi rất tốt. Cái chữ trắng đơn giản chỉ là một cách nói tắt với Ray, tôi quyết định, là danh xưng cho cái mà mẹ tôi gọi là người kỳ thị. Và mặc dù tôi nhận biết cái nguy hiểm trong cách dùng từ của Ray – Ray nhấn mạnh với tôi là chúng tôi sẽ không bao giờ nói về người da trắng như cách chúng tôi định nghĩa người da trắng trước mặt những người da trắng mà không biết chắc chắn là chúng tôi muốn nói gì; hoặc không biết là chúng tôi sẽ phải trả một cái giá nào đó. Nhưng như vậy có đúng không? Vẫn còn có một giá phải trả hay sao? Và đó là phần phức tạp nhất mà tôi và Ray dường như không bao giờ có thể cùng đồng ý.

Có những lúc tôi lắng nghe Ray nói với một cô gái tóc vàng anh mới quen về cuộc sống khắc nghiệt trên đường phố Los Angeles, hay nghe anh giải thích về những vết sẹo của chính sách kỳ thị chủng tộc với những nhà giáo trẻ hăng hái, tôi thề là bên dưới vẻ đạo mạo Ray đang nháy mắt với tôi, cho tôi được tham dự chuyện phỉnh phờ đám da trắng. Cơn phẫn nộ của chúng tôi với thế giới người da trắng không cần có đối tượng, Ray dường như bảo với tôi, không cần sự xác nhận khách quan; nó có thể hiện ra và biến đi theo ý thích của chúng tôi. Đôi khi, sau mỗi lần hắn trình diễn trước đám da trắng, tôi lại tự chất vấn mình về khuynh hướng của hắn, nếu không phải là sự thành thật của hắn ta. Chúng tôi không đang sống ở miền Nam thời Jim Crow,[8] tôi nhắc cho hắn ta nhớ. Chúng tôi không bị bẳt phải ở trong những khu chung cư ở Harlem hay Bronx. Chúng tôi đang ở Hawaii. Chúng tôi nói bất cứ chuyện gì chúng tôi thích, ăn bất cứ nơi nào chúng tôi thích; chúng tôi ngồi phía trước trên xe buýt.[9] Không có một người bạn da trắng nào của chúng tôi, những người như Jeff hay Scott trong đội bóng rổ, đối xử với chúng tôi khác biệt hơn cách họ đối xử với nhau. Họ quí mến chúng tôi và chúng tôi cũng quí mến họ. Dường như phân nửa số người trong bọn họ cũng muốn làm dân da đen – hay ít ra muốn được như Đốc tờ J.[10].

A, đúng vậy, Ray nhìn nhận. Có lẽ chúng ta có thể dẹp vị trí của thằng-đen-khó-chịu qua một bên. Để dành cho khi nào chúng ta thật sự cần dùng. Và Ray lắc đầu. Thái độ, hả? Anh chỉ nên phát biểu ý kiến của riêng anh.

Có một ngày mùa xuân, Ray và tôi gặp nhau sau khi tan học và bắt đầu đi về hướng băng đá vòng quanh cây đa trong khuôn viên trường Punahou. Những băng đá này được đặt tên là Băng Đá cho học sinh lớp cao nhất nhưng nói chung đây là nơi gặp nhau của nhóm học sinh nổi tiếng, được yêu chuộng trong trường, thành viên của các nhóm thể thao, và các cô trong đội khiêu vũ ủng hộ các nhóm thể thao và nhóm học sinh thích tiệc tùng, những người làm đám đông phấn khởi, người tham dự, những người đang đợi người yêu đang chen lấn chiếm chỗ ở những bậc thang của khuôn viên.

Một trong những học sinh đang học năm cuối, một anh chàng vạm vỡ giữ vị trí hậu vệ tên Kurt, đang hiện diện ở đấy, và anh ta hét to ngay lập tức khi anh ta nhìn thấy chúng tôi. “Này, Ray! Đại ca của tui! Mạnh giỏi?”[11] Ray đi đến và vỗ vào lòng bàn tay lật ngửa của Kurt.[12] Nhưng khi Kurt muốn lập lại cử chỉ đó với tôi, tôi xua tay từ chối. “Hắn mắc chứng gì thế?” Tôi nghe Kurt hỏi Ray lúc tôi bỏ đi. Vài phút sau, Ray bắt kịp tôi và hỏi tôi có chuyện gì không vừa ý. “Người ta đang chế nhạo mình,” Tôi nói.

“Mày nói cái gì thế?”

“Ba cái chuyện ‘em cưng, vỗ tay chào’ kỳ khôi.”

“Tự nhiên sao có kẻ bất thình lình biến thành Người Nhạy Cảm như thế này? Kurt chẳng có ý gì sâu xa cả.”

“Nếu đó là cái mày nghĩ, thì thôi . . .”

Mặt của Ray bỗng sáng rực với cơn giận dữ. “Này,” Ray nói, “Tao chỉ cố gắng hòa hợp, biết không? Cũng như tao thấy mày cố gắng hòa hợp, nói chuyện với thầy cô khi mày cần họ giúp mày. Cái kiểu của ‘Vâng, thưa cô Chảnh, em thấy quyển sách này rất thu hút, nếu em có thêm được một ngày để viết bài, thì em sẽ hôn cái mông trắng hếu của cô’. Đây là thế giới của họ, đúng không? Họ làm chủ thế giới này và chúng ta ở trong đó. Thế thì cút mẹ nó đi cho khỏi mặt tao.”

Hôm sau, cơn nóng giận trong lúc cãi vả của chúng tôi nguôi ngoai, Ray đề nghị tôi mời Jeff và Scott đến buổi tiệc ở nhà hắn cuối tuần hôm ấy. Tôi ngập ngừng một lúc – chúng tôi chưa hề mang bạn da trắng đến tiệc của người da đen – nhưng Ray cứ nằng nặc đòi, và tôi không tìm thấy lý do chính đáng để phản đối. Jeff và Scott cũng cảm thấy thế; cả hai đều đồng ý đến dự nếu tôi sẵn sàng lái xe đưa đón. Vì thế tối thứ Bảy ấy, sau trận đấu bóng rổ, cả ba chúng tôi cùng chất lên chiếc xe Ford Granada cũ của bà tôi chạy xập xình đến Schofield Baracks, chừng 30 dặm ngoài thành phố.

Khi chúng tôi đến, buổi tiệc đã bắt đầu từ lâu, và chúng tôi len lỏi đến chỗ tìm nước uống. Sự hiện diện của Jeff và Scott dường như chẳng gây phiền toái cho ai; Ray giới thiệu họ, cả hai trò chuyện với mọi người, mời vài cô gái ra sàn khiêu vũ. Nhưng tôi có thể thấy khung cảnh đã bất ngờ làm hai người bạn của tôi hơi sợ. Cả hai mỉm cười thường xuyên. Cả hai ngồi nép qua một góc riêng. Chừng một giờ sau hai người hỏi tôi có thể đưa họ về không.

“Chuyện gì thế?” Ray hét át tiếng nhạc khi tôi đến bảo Ray tôi đưa các bạn về.

“Tiệc mới vừa nóng máy thôi mà.”

“Cả hai có vẻ không hứng thú mấy, tao đoán thế.” Mắt chúng tôi gặp nhau, và một hồi lâu chúng tôi chỉ yên lặng đứng đấy, tiếng ồn ào và tiếng người dồn dập chung quanh chúng tôi.

Trong xe, Jeff quàng vai tôi, trông anh ta vừa có vẻ mặc cảm tội lỗi vừa có vẻ nhẹ nhõm. “Bạn biết không,” anh nói, “chuyện này dạy tôi một bài học. Tôi có thể hiểu được anh và Ray chắc là phải khó chịu lắm, khi tham dự những buổi tiệc trong trường chỉ có hai người là người da đen.”

Tôi khỉnh mũi. “Ừ, Đúng vậy,” Có phần nào trong tôi muốn đấm cho hắn một cái.

Chúng tôi hướng về phố, trong im lặng, trí óc tôi bắt đầu ôn lại những lời nói của Kurt ngày hôm ấy, tất cả những gì chúng tôi đã từng thảo luận trước đây, và những diễn biến dẫn đến đêm ấy. Và đến lúc tôi thả hai người bạn của tôi xuống, tôi bắt đầu thấy một bản đồ mới của thế giới, một cái bản đồ đơn giản vô cùng nhưng những điều nó ám chỉ có thể làm người ta ngạt thở. Chúng ta luôn luôn chơi trên sân của người da trắng, Ray đã nói với tôi, theo luật lệ của người da trắng. Bất cứ điều gì ông da trắng quyết định làm, đó là quyết định của ông ta chứ không phải của anh, và bởi vì cái quyền lực căn bản mà ông ta có để kềm chế anh, bởi vì nó đã dẫn trước và sống lâu hơn những động cơ thúc đẩy và khuynh hướng cá nhân của ông ta, bất cứ sự phân biệt nào giữa người da trắng tốt và người da trắng xấu không còn mấy quan trọng.

Thật ra, bạn cũng không thể biết chắc tất cả những thứ mà bạn cho là biểu hiện của tính chất đen nguyên thủy của bạn – bản tính khôi hài, âm nhạc, cái vỗ vai thân mật của người anh em đồng chủng – đã được chính bạn tự do chọn lựa. Ở mức độ tốt đẹp nhất, những điều kể trên là chỗ trú ẩn; ở mức độ xấu xa nhất, đó là cái bẫy.

Theo lối lý luận quanh quẩn này, chỉ có một điều bạn có thể chọn là của chính bạn là sự triệt thoái vào trong cái vòng phẫn nộ được xiết dần và xiết dần, cho đến lúc khái niệm da đen chỉ có nghĩa là kiến thức về chính sự bất lực của bạn, sự thất bại của riêng bạn. Và cái mỉa mai cuối cùng: liệu bạn có nên từ chối sự thất bại này và trút nó lên đầu của những người giam giữ bạn, vì trong trường hợp này họ cũng có một cái tên cho hành động mà họ cho là đổ tội này, cái tên có thể cho bạn vào tròng một cách hiệu quả: Đa Nghi. Quân phiệt. Bạo động. Mọi đen.

Nguồn:  Obama: my lessons in racism (The Sunday Times, September 6, 2007)

Chú thích:

[1] Pop culture hay popular culture bao gồm tất cả những bộ môn như nghệ thuật, thời trang, phim ảnh, TV, nói chung những bộ môn có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến xã hội và được chấp nhận bởi tập thể đa số. Trong khuôn khổ bài này xin tạm dùng chữ văn hóa phổ thông dù biết là không thể diễn tả hết ý.

[2] Marvin Gaye (1939-1984) ca sĩ kiêm nhạc sĩ, xử dụng pianist và trống, nổi tiếng thời 60 với nhạc woo-dop và là ca sĩ đơn ca có số băng nhạc bán chạy với những bài hát như The Prince of Motown và The Prince of Soul.

[3] Một chương trình âm nhạc và khiêu vũ trên TV rất nổi tiếng kéo dài 35 năm, bắt đầu từ năm 1970 chuyên trình diễn âm nhạc thể loại blue, soul, và hip hop.

[4] Richard Pryor (1940-2005) nhà văn kiêm diễn viên Mỹ, chuyên về hài kịch.

[5] Ở đây tác giả dùng chữ ship làm gợi nhớ đến người nô lệ được chở đến các quốc gia khác bằng tàu.

[6] Gym rats dùng để chỉ những người luôn luôn có mặt ở phòng thể thao

[7] Một cách nói tắt của chữ racoon là một động vật đuôi dài, lông xám gần mắt có khoang đen

[8] Đạo luật của Jim Crow (1876 – 1965) bắt buộc người da trắng và người da đen không được dùng chung những công trình công cộng.

[9] Trước kia người da đen bị bắt ngồi các băng ghế sau trên xe buýt, nhường chỗ cho người da trắng. Năm 1955 Rosa Park phản đối việc này và từ đó nảy sinh một cuộc biểu tình rất lớn đòi quyền bình đẳng.

[10] Julius Irving, người chơi bóng rổ nổi tiếng đã mang về cho đội của ông ba lần giải bóng rổ thế giới. Ông được mệnh danh Dr. J vì ông đã biểu diễn phương pháp chơi rất chính xác

[11] Trong câu này Obama đã dùng cách phát âm của người da đen.

[12] Một cách chào người da đen thường hay dùng.

@

Quyển sách này có lẽ đã được dịch ra tiếng Việt nhưng đăng ở đây thì bạn được đọc free.

Mười truyện trong thư của Flaubert

Trong lúc dịch Madame Bovary, bà Lydia Davis (giải Bookerman International 2013) đọc những lá thư nhà văn Gustave Flaubert (người Pháp) viết cho Louise Colet, người yêu của Flaubert. Những mẩu chuyện ngắn trong những lá thư này được bà Davis viết lại thành truyện rất ngắn. Trích trong “Object Lessons” The Paris Review, có mười truyện nhưng tôi chỉ chọn dịch bốn truyện thôi.

Đi nha sĩ

Tuần trước tôi đi nha sĩ, thầm nghĩ rằng ông ta sẽ nhổ răng tôi. Ông ấy nói tốt hơn là chờ ít lâu để xem có bớt đau không.

Ối chà, cơn đau chẳng giảm – Tôi đau đớn vô cùng, đau đến độ lên cơn sốt. Thế là hôm qua tôi đi nhổ nó ra. Trên đường đến gặp ông nha sĩ, tôi băng ngang một cái chợ cũ, trước kia người ta dùng nơi này để hành quyết tội nhân, cũng chẳng xa xưa gì cho lắm. Lúc ấy tôi chừng sáu hay bảy tuổi. Một hôm tôi đi về nhà sau buổi học, ngang qua quảng trường này sau khi người ta vừa chấm dứt một cuộc hành quyết. Cái máy chém vẫn còn đó. Tôi thấy vết máu tươi đọng trên lề đường. Người ta đang mang cái chậu huyết đi.

Đêm qua tôi nghĩ đến tôi sẽ phải đi ngang quảng trường này để đến gặp nha sĩ, cảm thấy lo lắng chuyện của tôi, liên tưởng đến cái cảm giác bất an, của những người bị xử án hành quyết, đã từng băng ngang quảng trường này lo sợ chuyện sẽ xảy đến với họ, dù rằng chuyện của họ thì trầm trọng hơn.

Khi chìm vào giấc ngủ, tôi nằm mơ thấy cái máy chém; chuyện kỳ lạ là cô cháu bé bỏng của tôi, ngủ ở tầng dưới, cũng nằm mơ thấy cái máy chém, mặc dù tôi đã chẳng hé lộ chút nào về chuyện của tôi. Tôi tự hỏi phải chăng ý nghĩ là một chất lỏng, chảy xuống phía dưới, từ người này sang người khác, sống trong cùng một nhà.

Vợ ông Pouchet

Ngày mai tôi đi dự đám tang ở Rouen. Bà Pouchet, vợ ông bác sĩ, chết hôm qua trên đường phố. Bà ấy đang cùng cỡi ngựa với chồng; bị đột quỵ và ngã xuống. Tôi thường bị cho rằng ít cảm xúc, nhưng chuyện này làm tôi rất buồn. Pouchet là một người đàn ông tốt, nhưng ông ta bị điếc đặc và tính tình cũng không mấy vui vẻ. Ông ấy không trực tiếp khám bệnh nhân, chỉ làm việc trong ngành động vật học. Vợ của ông là một người phụ nữ Anh tính tình vui vẻ, đã giúp ông rất nhiều trong công việc của ông. Bà vẽ hình ảnh cho ông, đọc và sửa chữa bản thảo của ông: họ đi đây đi đó chung với nhau; bà ấy thật sự là người đồng hành. Ông yêu bà ấy lắm và sẽ rất là khổ sở với sự mất mát này. Louis ở nhà đối diện với họ. Anh ta tình cờ nhìn thấy cỗ xe đưa bà ấy về, và đứa con trai của bà mang xác bà ra khỏi xe; mặt bà được che lại bằng cái khăn tay. Lúc bà được khiêng vào nhà, hai chân vào trước, một thằng bé chuyên chạy vặt đến gần. Cậu bé giao một bó hoa thật to bà đã đặt mua buổi sáng hôm ấy. Ôi Shakespeare!

Một Cuộc Hành Quyết

Thêm một truyện nữa về lòng thương người của chúng ta. Ở một ngôi làng không xa lắm, có một anh chàng đã giết một người chủ ngân hàng và vợ của ông ta, sau đó hiếp cô đầy tớ và uống hết cả hầm rượu vang. Hắn bị đem ra tòa, xử tội, và bản án là cái chết. Người ta rất thích thú với câu chuyện của gã thanh niên đặc biệt bị xử án chém đầu này nên từ  khắp nơi đổ xô về đêm trước khi hành quyết – hơn mười ngàn người. Đông đến nỗi tiệm bánh mì bán hết sạch. Và các khách sạn đầy chật người đến độ người ta phải ngủ ở bên ngoài: để xem gã thanh niên bị hành quyết, người ta ngủ ngoài trời trên mặt tuyết.

Và chúng ta lắc đầu ngao ngán vì trò giết nhau của những người giác đấu La Mã. Chán chường thay, những kẻ bất tài chuyên lừa bịp.

Người Bạn Học Của Tôi

Chủ Nhật vừa qua tôi đi viếng vườn Bách Thảo. Đó là công viên Trianon, nơi một người Anh, tính tình cổ quái, đã sống. Ông trồng hoa hồng và bán sang nước Anh. Ông có trồng một vườn hoa thược dược bao gồm những loại hiếm có. Ông cũng có một đứa con gái thường tình tự với một thằng bạn học của tôi, nó tên là Barbelet. Tại vì cô gái này thằng bạn tôi tự tử chết. Nó chỉ mới mười bảy tuổi. Nó tự bắn  bằng khẩu súng lục. Tôi băng ngang sân cát rộng trong cơn gió lộng, và nhìn thấy căn nhà của Calvert, cô con gái đã từng sống nơi này. Bây giờ cô ta ở đâu? Người ta xây gần đó một cái nhà kính trồng cây, có cả cây cọ, và một giảng đường nơi các nhà làm vườn học cách gieo mầm, ghép cây, tỉa cây, và dạy lại cho người khác – tất cả những điều cần biết để nuôi dưỡng một cái cây ăn trái! Có ai nghĩ đến Barbelet nữa đâu – người đã yêu tha thiết cô gái Anh ngày ấy. Ai còn nhớ đến người bạn đam mê mãnh liệt của tôi ngày xưa?

Mùa Giáng sinh trong ký ức

Nguyên tác A Christmas Memory của Truman Capote.

Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà

Bài này đã đăng ở Văn Chương Mới (newvietart.com) năm 2009.

TRUMAN CAPOTE  (1924 – 1984 )

Sơ lược về tác giả: Truman Capote sinh ra tại New Orleans, Louisiana ngày 30 tháng Chín năm 1924 và mất ngày 25 tháng Tám năm 1984. Có khoảng 20 tác phẩm của Truman Capote đã được chuyển thành phim và kịch bản. Tác phẩm được biết đến nhiều nhất là Breakfast at Tiffany, và Cold Blood. Ông là bạn thân của Harper Lee, tác giả quyển How to Kill a Mockingbird và bà đã dùng ông làm người mẫu cho nhân vật Dill trong tác phẩm của bà. Ông bắt đầu viết rất sớm. Vào năm mười một tuổi ông đã chuyên chú viết ba giờ đồng hồ một ngày. Khi ông được bốn tuổi, bố mẹ ông ly dị và mẹ ông gửi ông về Monroeville, Alabama với một người trong họ, bà u già Rumbley Faulk, Truman thường gọi bà là Sook. Ngày 25 tháng Tám, trước khi chết, những lời cuối cùng của ông là “Em đây mà, em là Buddy,” và “Em lạnh quá.” Buddy là tên của bà u già đặt cho Truman. Continue reading Mùa Giáng sinh trong ký ức

Món Quà Vô Giá

Tác giả: Stephanie Ray Brown

Người dịch Nguyễn thị Hải Hà

Bài này đăng ở Văn Chương Việt năm 2011

Những ai thích ca hát luôn luôn tìm thấy bài hát. Tục ngữ.

Sau khi các em học trò lớp hai của tôi chào cờ xong, các em ngồi xuống ghế. Nhưng Duane vẫn đứng. Duane là cậu học trò rất thông minh và tính tình rất dễ thương, nhưng hoàn cảnh gia đình của em không mấy tốt đẹp.

Mẹ của em không chồng một mình nuôi con và gặp phải rất nhiều vấn đề khó khăn phức tạp trong cuộc sống. Duane và ba đứa em gái thường được Ban Xã hội mang đi gửi chỗ khác mỗi khi mẹ em không thể đương đầu với cuộc sống. Cho là đêm qua lại có chuyện không hay xảy đến với em, tôi đến gần em để hỏi xem có việc gì. Lúc ấy em ngước lên nhìn tôi với đôi mắt đen láy, tôi có thể nhìn thấy trong đôi mắt đầy nỗi buồn và thất vọng. Continue reading Món Quà Vô Giá

Hai Người Chưa Gặp Mặt

Tác giả: John McNulty

Người dịch: Nguyễn Thị Hải Hà dịch

Bài đăng ở Văn Chương Việt năm 2011.

Eddie Casavan và Harry Marnix đang đi trên Đại lộ thứ Năm, đoạn đường cắt ngang đường thứ Năm Mươi, bất chợt nhận ra bầu không khí Giáng sinh đang bao trùm lấy họ. Có vẻ như tinh thần Giáng sinh kẹp ông Casavan chặt chẽ hơn là với người kia, nhưng cả hai người đều cảm nhận được lễ Giáng sinh đang bấu lấy họ. Cửa sổ các cửa tiệm, không khí lạnh giá, đèn được thắp sáng lên từ lúc xế chiều, và có lẽ, vài ly rượu mạnh họ uống khi đi dạo đã tạo nên cảm giác này.

Họ rẽ qua một con đường khác qua khỏi Đại lộ thứ Năm thì Eddie nói, “Dường như tôi không còn muốn có quà Giáng sinh nữa.” Continue reading Hai Người Chưa Gặp Mặt

Giáng Sinh ở Tokio

Giáng Sinh ở Tokio

Tác giả: Max Hill 

Nguyễn Thị Hải Hà dịch

Truyện đã đăng ở Văn Chương Việt năm 2011

Thời Trân Châu Cảng, tôi được phát cho một con số, số 867, rồi bị nhốt vào căn phòng giam có diện tích một mét rưỡi nhân ba mét ở nhà tù Sugamo, người Nhật chỉ nhạt nhẽo gọi nó là Tokio Kochisho, hay Nhà Giam Tokio. Tháng 5, khi ấy tôi vẫn còn ở Sugamo, tôi bị xử và bị buộc tội đã gửi cho báo Associated Press, ở chức vụ phóng viên, những câu truyện mà theo sự phóng đại của ông thẩm phán, đã “làm tổn hại chính sách ngoại giao của Nhật Bản.” Tôi bị án tù mười tám tháng, nhưng án tù này tạm ngưng khi chính quyền Hoa Kỳ cương quyết đòi phải bao gồm tất cả phóng viên trong đợt trao đổi đầu tiên giữa các quốc gia, và tôi thật sự rời khỏi Sugamo vào tháng 6 khi tôi được đưa ra trại tập trung nơi tương đối tự do hơn,  sau đó được tàu Gripsholm đưa về New York, vì thế toàn bộ thời gian bị ở tù của tôi là sáu tháng. Sáu tháng ở trong nhà giam Tokio rất là tẻ nhạt. Continue reading Giáng Sinh ở Tokio

Giáng Sinh

Giáng Sinh

Tác giả: Vladimir Nabokov

Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà.

Truyện Giáng Sinh đăng ở Văn Chương Việt năm 2011.

Sau khi đi bộ từ trong làng trở về trang viện băng ngang cánh đồng tuyết sáng lờ mờ, Sleptsov ngồi vào trong góc nhà, trên cái ghế bọc nhung ông không nhớ đã bao giờ dùng đến nó. Cũng giống như những chuyện chúng ta thường thấy sau một cơn đại họa. Không phải anh em mà lại là một người quen sơ, ông láng giềng ở nông thôn bạn chẳng mấy khi để ý đến lúc bình thường bạn chẳng buồn trò chuyện đến, lại chính là người an ủi bạn, rất khéo léo và hoàn toàn dịu dàng, nhặt hộ bạn cái mũ bạn đánh rơi sau khi tang lễ chấm dứt lúc bạn đang bị choáng váng trong nỗi đau khổ, răng bạn đang run lập cập, và mắt bạn đang mờ vì nước mắt. Người ta cũng có thể nói như thế về đồ vật. Bất cứ căn phòng nào, ngay cả những căn phòng ấm áp thân mật nhất và nhỏ đến không thể nào nhỏ hơn, hay trong cái chái nhà ít khi được sử dụng của một trang viện đồ sộ ở nông thôn, cũng có một góc không hề có người lui tới. Và đó là cái góc nhà Sleptsov đang ngồi. Continue reading Giáng Sinh

Ba truyện Giáng sinh hay

Giới thiệu ba truyện ngắn rất hay về Giáng sinh. Nguyễn thị Hải Hà dịch và giới thiệu. Phần giới thiệu này đã đăng trên Văn Chương Việt năm 2011.

Cả ba truyện ngắn, Giáng Sinh của Vladimir Nabokov, Hai Người Chưa Gặp của John McNulty, và Giáng Sinh ở Tokio đều được trích từ “Christmas at The New Yorker: stories, poems, humor, and art” xuất bản năm 2003. Nhiều truyện trong quyển này rất hay và của nhiều tác giả rất nổi tiếng như John Cheever, John Updike, Alice Munro, … . Continue reading Ba truyện Giáng sinh hay

Âm Thanh Và Tinh Thần Giáng Sinh

Nguyên tựa đề của bài là Âm Thanh Và Tinh Thần Giáng Sinh qua đôi tai người phụ nữ khiếm thính.

Tác giả: John E. Schlimm II 

Nguyễn thị Hải Hà dịch

Bài này đã đăng ở Văn Chương Việt năm 2011. Âm thanh và tinh thần Giáng sinh

Âm Thanh và Tinh Thần Giáng Sinh của John E. Schlimm II được trích từ A Chicken Soup for the Soul – Christmas (Cháo Gà[1] Bồi Dưỡng Tâm Hồn trong mùa Giáng Sinh). Tôi có sửa chữa nên có một vài chữ khác với bản đã đăng trên Văn Chương Việt.

Giáng sinh không chỉ xảy ra trong một ngày, một
buổi lễ để chúng ta chào đón rồi nhanh chóng lãng quên.
Giáng sinh là một tinh thần nên được thấm sâu
vào mọi mặt trong cuộc đời của chúng ta. Continue reading Âm Thanh Và Tinh Thần Giáng Sinh

Chúng ta nói gì khi nói chuyện tình yêu

Mời các bạn đọc toàn bộ bản dịch truyện ngắn “Chúng ta nói gì khi nói chuyện tình yêu” ở Gió O.

Chúng Ta Nói Gì Khi Nói Chuyện Tình Yêu

 

 

Chúng ta nói gì khi nói chuyện tình yêu, p. 3

“Em vẫn thấy tội nghiệp cho anh ấy,” Terri nói.

“Nghe như là ác mộng vậy,” Laura nói. “Nhưng chính xác chuyện xảy ra như thế nào vào lúc hắn tự sát?”

Laura làm thư ký chuyên ngành luật. Chúng tôi gặp nhau trong môi trường làm việc, chẳng mấy lâu chúng tôi yêu nhau. Nàng ba mươi lăm, trẻ hơn tôi ba tuổi. Chẳng những chỉ yêu nhau, chúng tôi hợp tính nhau và thích ở bên cạnh nhau. Nàng rất dễ hòa hợp với mọi người.

 

 

“Chuyện xảy ra như thế nào?” Laura hỏi.

Mel nói, “Hắn tự bắn vào mồm, trong phòng của hắn. Có người nghe tiếng súng báo cho người quản lý biết. Người ta dùng chìa khóa phụ mở cửa phòng, nhìn thấy chuyện đã xảy ra, và gọi xe cứu thương. Tình cờ tôi đang có mặt trong bệnh viện khi người ta mang hắn vào, hắn còn sống nhưng không còn nhớ gì cả. Hắn sống lây lất ba ngày, đầu hắn sưng to gấp hai lần cái đầu bình thường. Tôi chưa bao giờ gặp cảnh tượng như thế này, và hy vọng sẽ không bao giờ gặp lại nữa. Terri muốn vào bệnh viện ngồi cạnh hắn khi nàng biết tin. Chúng tôi cãi nhau vì chuyện này. Tôi nghĩ là nàng không nên nhìn thấy hắn trong tình trạng như thế. Lúc đó tôi nghĩ như thế và bây giờ cũng vậy.”

“Thế rồi ai thắng?” Laura nói.

“Tôi ở trong phòng bệnh với anh ấy khi anh ấy qua đời,” Terri nói. “Anh ấy chẳng hề tỉnh lại chút nào. Nhưng tôi vẫn ngồi cạnh anh ấy. Anh ấy chẳng có ai là người thân.”

“Hắn là một người nguy hiểm,” Mel nói. “Nếu em gọi đó là tình yêu thì em cứ việc yêu hắn.”

“Đó là tình yêu,” Terri nói. “Chắc chắn là như vậy, nó có vẻ bất bình thường trong mắt mọi người. Nhưng anh ấy sẵn sàng chết vì tình yêu. Và anh ấy đã chết vì tình yêu.”

“Tôi đoan chắc như đinh đóng cột, đó không phải là tình yêu,” Mel nói. “Chẳng ai biết chắc vì sao hắn tự tử. Tôi đã gặp nhiều trường hợp tự tử, và tôi không thể xác định được họ tự tử vì cái gì.”

Mel chắp hai tay đằng sau gáy và hơi ngả người ra phía sau làm cái ghế nghiêng theo. “Tôi chẳng quan tâm đến cái thứ tình yêu như thế,” anh nói. “Nếu đó là tình yêu thì em cứ yêu.”

Terri nói, “Chúng tôi sợ hãi lắm. Mel còn làm cả di chúc và viết thư cho người anh của anh ấy ở California. Anh này trước kia phục vụ trong Lực Lượng Đặc Biệt. Mel bảo anh ấy biết kẻ nào có thể là thủ phạm nếu có chuyện bất trắc xảy ra cho Mel.”

Terri uống rượu trong ly của nàng. Nàng nói. “Mel nói đúng đấy – chúng tôi sống như hai tội phạm. Chúng tôi luôn sợ hãi. Mel rất sợ, đúng không anh? Tôi còn gọi cả cảnh sát nữa đấy, nhưng họ chẳng giúp gì cả. Họ bảo họ chẳng làm gì được cho đến khi Ed thật sự phạm lỗi. Nghe có buồn cười không?” Terri nói.

Nàng rót nốt chỗ rượu trong chai rượu gin vào ly của nàng và lúc lắc cái chai không. Mel đứng lên rời bàn vào tủ lấy thêm chai rượu nữa.

Chúng ta nói gì khi nói chuyện tình yêu, p. 2

“Hỏi tôi câu đó là hỏi không đúng người rồi,” Tôi nói. “Tôi không quen biết gì với anh ta. Tôi chỉ nghe người khác nhắc đến tên của anh ta. Tôi không biết. Anh phải biết rõ một số chi tiết đặc biệt để có ý kiến. Nhưng tôi nghĩ rằng theo anh, tình yêu là một sự tuyệt đối.”

Mel nói, “Cái loại tình yêu mà tôi đang nói đến là tình yêu tuyệt đối. Trong thứ tình yêu này, người ta không tìm cách giết người.”

Laura nói, “Tôi không biết gì về Ed, cũng không biết chuyện gì đã xảy ra trong hoàn cảnh như thế nào. Nhưng ai là người có quyền phán đoán về tình cảnh của người khác chứ?”

Tôi vuốt lưng bàn tay của Laura. Nàng mỉm cười với tôi, nụ cười thoáng qua thật nhanh. Tôi cầm lấy bàn tay nàng. Tay nàng ấm áp, móng tay sơn màu, cắt giũa cẩn thận. Ngón tay tôi ôm tròn cườm tay nàng, rồi tôi giữ tay nàng trong tay tôi.

“Khi tôi bỏ đi, anh ấy uống thuốc chuột,” Terri nói. Nàng khoanh tay lại, bàn tay này đặt lên cánh tay kia. “Người ta chở anh ấy vào bệnh viện Santa Fe. Gần chỗ ở của anh ta, lúc ấy, chỉ cách khoảng mười dặm. Anh được cứu sống. Nhưng cả hai cái lợi (nướu răng) trở nên phát cuồng, dường như chúng cố chạy trốn hai hàm răng. Sau lần tự tử này, răng của anh ấy chìa ra ngoài giống như mấy cái nanh. Ôi Trời,” Terri nói. Nàng nhẩn nha một phút, xong buông tay ra và vói cầm cái ly của nàng.

“Thật là chẳng có cái gì mà loài người không dám làm!” Laura nói.

“Hắn ta chẳng còn có thể làm cái gì được nữa,” Mel nói. “Hắn ta đã chết.”

Mel đưa cho tôi đĩa nhỏ đựng chanh. Tôi lấy một miếng chanh nhỏ, vắt vào ly, và dùng ngón tay khuấy nhẹ mấy viên nước đá.

“Chuyện trở nên thê thảm hơn,” Terri nói. “Anh ấy tự bắn vào mồm. Nhưng anh ấy lại chẳng thành công. Tội nghiệp cho Ed,” nàng nói. Terri lắc đầu.

“Ed chẳng có gì đáng để tội nghiệp cả,” Mel nói. “Hắn là một người nguy hiểm.”

Mel bốn mươi lăm tuổi. Anh cao ráo, dong dỏng, và có mái tóc xoăn mềm. Da mặt và cánh tay anh màu nâu vì anh chơi tennis. Khi anh không say xỉn, cử chỉ và thái độ của anh rất chính xác, đầy thận trọng.

“Anh ấy thật tình yêu em, Mel. Cho phép em tin như thế,” Terri nói. “Em chỉ xin anh bấy nhiêu thôi. Anh ấy không yêu em giống như cái cách anh yêu em. Em không nói thế. Nhưng anh ấy yêu em. Anh có thể tin lời em chứ?”

“Chị bảo rằng anh ấy không thành công, tại sao?” Tôi hỏi.

Laura cầm ly rượu hơi nghiêng người về phía trước. Nàng đặt khuỷu tay lên bàn, ấp ly rượu bằng hai bàn tay. Nàng liếc nhanh từ Mel sang Teri và chờ câu trả lời vẻ mặt đầy thắc mắc, dường như nàng kinh ngạc khi những chuyện như thế lại có thể xảy ra cho bạn của nàng.

“Tại sao anh ta không thành công khi tự sát?” Tôi hỏi.

“Để tôi kể bạn nghe,” Mel nói. “Hắn ta lấy khẩu .22 hắn mua để đe dọa Terri và tôi. Ồ, tôi nói thật đấy, hắn luôn luôn đe dọa mọi người. Ước gì anh có thể nhìn thấy chúng tôi vào lúc ấy, chúng tôi luôn sống trong tình trạng lẩn trốn như hai kẻ phạm tội. Tôi còn mua cả súng để phòng thân nữa chứ. Anh có thể ngờ không? Một người như tôi đây? Vậy mà tôi đã làm như thế đấy. Tôi mua một khẩu súng để tự vệ và cất nó trong ngăn chứa găng tay trong xe. Đôi khi tôi phải rời căn hộ lúc nửa đêm. Để đi đến bệnh viện, anh biết mà? Terri và tôi lúc ấy chưa chính thức cưới nhau, và bà vợ trước của tôi đã lấy căn nhà, bắt mấy đứa con, con chó, tất cả mọi thứ. Tôi và Terri sống trong căn hộ này. Đôi khi điện thoại gọi lúc nửa đêm và tôi phải vào bệnh viện lúc hai hay ba giờ sáng. Ngoài bãi đậu xe trời tối đen, và tôi đã rịn mồ hôi trước khi tôi vào trong xe. Tôi sợ một lúc nào đó hắn sẽ chui ra từ bụi rậm, hay phía đằng sau xe rồi bắt đầu bắn vung vít lên. Tôi đã nói hắn ta là một thằng điên mà. Hắn còn biết quấn bom nữa đấy. Hắn gọi cơ quan nhận điện thoại và tin nhắn cho tôi bất kể đêm ngày; nói rằng hắn ta có chuyện cần thảo luận với bác sĩ, và khi tôi gọi điện thoại cho hắn, thì hắn nói. ‘Thằng chó đẻ kia, mạng của mày đếm từng ngày con ơi.’ Những chuyện vặt vãnh như thế. Cũng đáng sợ lắm. Nói cho bạn nghe.”