Lan man vài phim hay

Tôi xem và xem lại ba phim có kết cuộc giống nhau. “Love Story – Chuyện Tình,” “Sweet November – Tháng Mười Một Ngọt Ngào,” và “Autumn in New York – Mùa Thu ở New York.” Một tình yêu rất lãng mạn, say đắm, nhưng hạnh phúc bị tan vỡ nửa chừng vì người con gái mang trọng bệnh rồi qua đời. Chuyện Tình từ khi ra đời đến nay đã được nhiều quốc gia trên thế giới phóng tác.

Nếu bạn đang lập danh sách 100 phim hay của riêng bạn, tôi xin đề nghị (nếu bạn chưa có phim này trong danh sách) phim Wuthering Heights – Đỉnh Gió Hú. Phim này có nhiều kịch bản, tôi thích phim năm 1939 do Laurence Olivier đóng vai Heathcliff. Tôi hay nói về truyện và phim xưa, thường nhắc đến Anna Karenina và Gone With The Wind – Cuốn Theo Chiều Gió, không hiểu sao tôi không có dịp nhắc đến Đỉnh Gió Hú, một truyện tôi thích có thể nói là hơn cả Jane Eyre, Anna Karenina, và Gone With The Wind.

Tôi nhận ra khuynh hướng đọc của tôi, tôi thích loại truyện và phim, ngoài khuynh hướng cổ điển, còn thể hiện khía cạnh tăm tối và bản chất độc ác của con người. Có lẽ vì thế mà tôi bị cuốn hút vào quyển Wuthering Heights.

Mỗi khi nhắc đến chị em bà Brontë (để giản dị tôi chỉ dùng chữ é) người ta thường nhắc đến bà Charlotte Bronté với quyển Jane Eyre (thật ra bà còn vài cuốn nữa), Emily với Wuthering Heights, và người em út Jane làm thơ nhưng chưa nổi tiếng bằng hai người chị. Cả ba người con gái họ Bronté đều chết trẻ. Charlotte ở tuổi hơn bốn mươi, Emily hơn ba mươi, và Jane chỉ mới hai mươi sáu. Tôi không nhớ Charlotte chết vì bệnh gì, còn Emily và Jane chết vị bệnh lao phổi. Thật là đáng kinh ngạc và khâm phục, một người con gái gia cảnh nghèo khó, bệnh hoạn, yếu đuối như Emily lại có thể sáng tạo ra một tác phẩm đào sâu về khía cạnh tối tăm đầy thù hận và cũng đầy yêu thương với một tình yêu vượt ra ngoài cuộc sống vói đến cõi chết của Heathcliff và Cathy Earshaw trong Wuthering Heights.

Cũng như phim Chuyện Tình, Đỉnh Gió Hú có hằng chục bản khác nhau trên toàn thế giới. Tôi có xem một phim kịch bản khác của Đỉnh Gió Hú (1992) do Ralph Fiennes và Juliette Binoche đóng, thật là vô cùng thất vọng.

Còn hai phim tôi xem đã lâu, nhưng chưa biết tôi muốn làm gì viết gì. “The Lake House – Căn Nhà Trên Hồ” tôi ước gì có thể đọc được truyện bằng tiếng Hàn, hay bản dịch từ tiếng Hàn sang tiếng Anh hoặc tiếng Việt. “Stage Beauty – Mỹ Nhân (Trên) Sân Khấu” tôi mở ngoặc đóng ngoặc chữ (trên) vì nghĩ là chữ trên hơi thừa, nhưng giữ nó để nghe êm tai hơn thì có lẽ lúc nào đó siêng siêng một chút sẽ viết giới thiệu. Phải viết tựa đề của phim vào đây để khi quên còn có chỗ nhắc cho mình nhớ.

Đỉnh Gió Hú (1939) do Charles McArthur và Ben Hetch viết phim bản. Stage Beauty là phim kịch bản của Jeffrey Hatcher. Có lẽ bạn sẽ không thích lắm vì đối thoại trong phim giống như đối thoại trên sân khấu của kịch. Có người nghĩ là lối đối thoại cứng, màu mè lên gân, (cường điệu) nhưng nó rất văn chương, đầy ẩn ý, đòi người xem phải suy nghĩ và thấy thấm thía. Với người không thích kiểu đối thoại này, có thể họ sẽ bị ngủ quên. Nhưng tôi thích lối phim có thoại kịch như thế. Bạn sẽ tìm thấy đối thoại như thế trong các phim xưa như “Cat on a Hot Tin Roof” hay “Street Car Named Desire” chẳng hạn.

Xem Đỉnh Gió Hú, tôi nhận ra tôi chưa hề biết yêu (như những nhân vật chính trong phim) là gì, và thú thật, tôi cũng không muốn yêu hay được yêu giống như họ. Dữ dội quá. Khốc liệt quá. Đôi khi không cần yêu nhiều, yêu nhàn nhạt thôi, chỉ cần đối xử tử tế với nhau, cũng đủ sống chung mấy chục năm.

Vài cuốn phim hay

Ông Tám đi chơi xa với bạn từ Thứ Sáu đến thứ Hai mới về. Tôi rảnh rang từ chiều thứ Sáu sau khi đi làm về. Ăn thức ăn cũ còn thừa, từ hôm thứ Sáu đến thứ Hai tôi không nấu nướng gì cả. Trưa nay tôi sẽ ăn mì gói, hay oatmeal, hoặc là bánh mì sandwich với cá hộp.

Trời mưa rỉ rả, ướt át, lạnh lạnh, đủ để tôi trùm mền xem phim và ngủ. Tôi xem một loạt phim của Anthony Minghella trong đó có “Truth,” “Nine,” và “The Story Teller”. Bên cạnh mấy cuốn phim của Minghella còn vài phim khác như  “Walter Mitty,” và ba tập phim “Mushi-shi.”

“Truth” gây ấn tượng mạnh với tôi, dù phim này bị liệt vào loại ế hàng. Kate Blanchett đóng vai nhà sản xuất phim tài liệu cho chương trình “The 60 Minutes” rất hay. Robert Redford trong vai Dan Rather. Redford đến già vẫn còn nét điển trai. Không biết vẻ đẹp lão của ông có phải chỉnh sửa bằng dao kéo hay không. Cuốn phim đặt dấu hỏi, thật sự Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Bush (con) có gia nhập National Guard hay không, hay chỉ là cách trốn trách nhiệm quân sự của một ông “hoàng tử.”Vì cuốn phim này mà người sản xuất phim và ba nhân viên dưới quyền bà đều bị mất việc.

Phim “Nine” xem được, đẹp mắt, hấp dẫn với đoàn diễn viên tên tuổi lừng lẫy. Daniel Day-Lewis, Sophia Loren, Judi Dench, Kate Hudson, Penelope Cruz, Marion Cotillard. Một nhà làm phim bỗng dưng tịt ngòi sáng tạo, vướng mắc vào nhiều cuộc tình ái, cuối cùng bị vợ bỏ. Anh ta cố quay lại với nghề và hy vọng được sự tha thứ của người vợ cũ. Phim nhạc kịch, cốt truyện khá rời rạc nhưng có nhiều màn vũ đẹp mắt.

“Walter Mitty” xem lần thứ hai thấy thích hơn lần đầu. Thích mấy bản nhạc trong phim. “Mushi-Shi” là phim animé của Nhật. Tôi bắt đầu xem tập thứ Ba, rồi xem tập thứ Nhất, chưa xem tập thứ hai. Mỗi tập có chừng năm phim. Phim đầu tiên của tập thứ Nhất rất hay. Phim Nhật thường có sức tưởng tượng rất độc đáo.

Mỗi phim tôi rút ra một bài học, hay ít ra một vài điều để tôi suy nghĩ. “Truth” dựa vào một chuyện có thật. Truth nghĩa là sự thật, nhưng đôi khi sự thật không hoàn toàn là sự thật mà là một cách nhìn của người trong cuộc, một khía cạnh của sự thật được trình bày theo sự suy diễn của mỗi người. Mary Mapes là người đưa vụ tù nhân Abu Ghraib bị ngược đãi ra ánh sáng và được trao giải thưởng Peabody. Người xem phim có thể nghĩ rằng bà đã quá khích trong việc đào xới quá khứ phục vụ trong National Guard của cựu Tổng thống Bush. Nhưng cũng có thể bà đụng chạm vào quyền lực khủng khiếp của nhà cầm quyền nên bị trừng phạt. Dan Rather sau vụ tường thuật này cũng về hưu. Những người làm báo chí mong muốn đưa sự thật ra ánh sáng nhiều khi bị tổn hại rất nhiều về thanh danh, sự nghiệp, mất chức mất việc, nhiều khi mất mạng.

Ở một nước tự do dân chủ, báo chí và truyền thông có cơ hội đến gần với sự thật và đưa quan điểm của mình ra trước công chúng. Tuy nhiên sơ sẩy một li cũng bị tiêu tan sự nghiệp.

Love of Violets

Tôi thường tự hỏi mình, điều gì khiến mình nghĩ rằng quyển sách đó hay, cuốn phim đó hay. Vì nó quen thuộc với những cảm nhận của mình đã được hình thành bởi kinh nghiệm sống hay được giáo dục dần dần ngay từ lúc sinh ra. Hay vì nó rất lạ, quá lạ với những kinh nghiệm này, nó làm òa vỡ trong mình một ý thức mới, cái nhìn khác. Hay cả hai. Và còn nhiều yếu tố khác mà nếu suy nghĩ cho cặn kẽ chắc chúng ta sẽ khám phá ra chính mình, một con người mà chúng ta không nhận biết đã tiềm tàng trong chính chúng ta.

Bây giờ ở tuổi này, tôi thường tự chống chỏi với thị hiếu của người xem người đọc chung quanh tôi. Tôi cố gắng nhìn thấy cái hay của một tác phẩm bằng chính cảm nhận của mình, kinh nghiệm của mình. Điều này dễ làm, mà cũng không dễ làm. Mình phải thường xuyên cảnh giác với chính mình.

Tôi xem New York, I Love You đã mấy tuần nay. Để ý đến nó, cũng như để ý đến một vài quyển sách nhưng không có dịp suy nghĩ nhiều hơn, cũng như viết ra thành một bài ra đầu ra đuôi. New York, I Love You là một tập phim trong đó có mười một phim ngắn. Nói là ngắn chứ mỗi phim cũng khoảng hơn mười phút. Mười phút rất quí giá của một người đọc blog hay facebook. Cái gì hơn ba phút thì đã là quá dài.

Tập phim lấy bối cảnh của New York. Hôm trước tôi mời bạn xem một phim ngắn của một đạo diễn ngoại quốc, đoạn phim lấy bối cảnh mấy cái cầu tàu (piers) dọc theo sông Hudson. Hôm nay tôi mời bạn xem đoạn phim Love of Violets lấy bối cảnh khu nhà giàu ở Fifth Avenue East Side. Đây là khu phố đắt tiền dọc theo Central Park. Phim trên youtube được phụ đề Anh ngữ trong khi đoạn phim trong DVD không có phụ đề và nói nhỏ quá với accent của người ngoại quốc tôi nghe tiếng được tiếng mất nên không hiểu. Đoạn phim này dễ hiểu hơn. Tôi thích đoạn này hơn dù người ta thường hay nói đến đoạn phim có Ethan Hawke và Maggie Q.

Phim nói về một nữ ca sĩ opera về già trở lại New York. Bà thuê một căn phòng ngó xuống Central Park. Và chuyện sau đó xảy ra như một cơn mơ rất là Murakami (hay Kafka).

Tại sao tôi thích phim này, vì tôi nhận ra Fifth Avenue hay Central Park, hay vì LaBeouf là một diễn viên giỏi tôi xem nhiều phim, vì sự cô độc của người nữ ca sĩ opera già đã quá thời, vì tiếng vĩ cầm trong phim, hay vì không khí Murakami của phim. Đoạn chàng thanh niên bước ra cửa sổ, bước vào ánh sáng hình ảnh rất đẹp, tưởng như một alien trong không gian bước vào bước ra trong ánh sáng.

Bài thơ cuối cùng – Apocrypha

Mời bạn xem một đoạn phim ngắn tựa đề “Apocrypha” của đạo diễn Andrey Zvyagintsev, trong tuyển tập phim ngắn “New York, I Love You.”

Tôi không tìm được bản có phụ đề tiếng Anh, dù phim nói tiếng Anh. Tóm tắt phần đầu, những câu đối thoại tiếng Anh (dành cho một vài người bạn của tôi ở VN thích nghe tiếng Việt) cho chúng ta biết. Cậu bé cuối tuần đến nhà người bố, mượn cái máy quay phim, hứa thứ Hai sẽ mang đến trả. Người bố hỏi mẹ khỏe không. Cậu bé trả lời mẹ bình thường. Hai bố con chia tay nhau. Họ vừa có vẻ xa lạ, ngỡ ngàng, vừa có vẻ như muốn ở gần nhau thêm chút nữa, muốn nói cái gì đó, muốn bày tỏ thêm chút tình thân. Khi ra khỏi nhà, có một cô gái đến hỏi tìm một người đàn ông nào đó sống trong cái building này. Cậu bé vì không sống ở khu nhà này nên trả lời “Tôi chưa hề nghe tên ông ấy.” Điều đáng chú ý là cậu bé đã không trả lời. Tôi không sống ở đây nên tôi không biết.

Cậu bé mang máy quay phim ra bờ sông, có vẻ như là dòng sông Hudson chảy ngang qua thành phố New York. Và cậu tình cờ quay được một đoạn phim của hai người. Đến đây thì bạn có thể đoán được cốt truyện phim vì hầu hết toàn bộ phim có rất ít đối thoại. Tôi có thể đoán được một vài chữ bằng cách đọc trên môi của người đàn bà, như please vẻ van nài, năn nỉ. Và Why, đòi người đàn ông giải thích.

Trong phim có một bài thơ tiếng Anh, tạm dịch:

Chàng là hướng Bắc, hướng Nam, hướng Đông, hướng Tây của tôi,
Là những ngày làm việc trong tuần, và là ngày Chủ Nhật nghỉ ngơi,
Chàng là giờ nghỉ ăn trưa, là nửa đêm, là chuyện trò, bài hát
Tôi ngỡ tình yêu là vĩnh viễn: nhưng tôi đã lầm.
Giờ đây, những vì sao không còn được yêu mến, dập tắt từng chiếc.
Xếp xó mặt trăng, và tháo bung mặt trời;
Rót cạn đại dương và quét sạch rừng thẳm
bởi vì bây giờ không còn gì đáng giá nữa

Và sau đó là tấm ảnh của hai người, ở trang có đánh dấu đoạn thơ. Apocrypha là một đoạn văn, hay một đoạn thơ, hay một đoạn kinh thánh, không biết ai là tác giả, thường được trích dẫn trong những tác phẩm kinh điển hay thánh kinh.

 

The Big Short

the big short

Tôi muốn điểm phim The Big Short nhưng chợt nhận ra tôi không đủ tiếng Việt để viết về phim một cách chu đáo. Ngay cả chữ “Short” tôi không biết tiếng Việt trong ngành tài chánh dịch là gì. Dĩ nhiên short ở đây không có nghĩa là ngắn như bình thường. Muốn nói về phim này vì nó đánh vào nỗi lo sợ của tôi.  Tôi có một tuổi thơ nghèo khó, những năm mới sang Mỹ cũng vất vả chuyện tiền bạc, vì vậy suốt đời tôi luôn bị ám ảnh sợ nghèo, sợ đói, sợ từ đời mẹ đến đời con. Những cuốn sách, cuồn phim về giới tài chánh càng làm tôi bi quan hơn. Tôi vốn có rất ít lòng tin vào những người lãnh đạo nhưng chẳng biết làm gì hơn là theo con đường người đi trước đã đi. Tôi luôn luôn lo sợ là một ngày nào đó mình đọc trên TV cái bọn lãnh đạo tài chánh đã nuốt trọn số tiền nhỏ nhoi suốt đời làm việc tôi để dành cho tuổi già.

The Big Short, và trước đó là Wall Street, rồi đến The Wolf of Wall Street, càng làm tăng nỗi sợ của tôi. Sợ thì sợ nhưng chẳng biết làm gì chỉ biết nói về nỗi sợ của mình.

Tôi nghe đọc The Big Short trước, nghe lơ đãng, hay ngủ quên (tuổi già) nên nghe trọn quyển lúc được lúc mất không hiểu hết. Mượn quyển sách về đọc nửa chừng thì xem phim. Phim rút gọn lại nên dễ nắm được ý nhưng cũng chỉ hiểu lờ mờ. Cuốn phim hấp dẫn nhờ có nhiều tài tử nổi tiếng như Christian Bale, Ryan Gosling, Steve Carell, và Brad Pitt. Truyện có cái hay riêng. Thật tình khi đọc sách tôi không nghĩ người ta có thể làm phim vì nó rắc rối khó hiểu quá.

Đại khái là như thế này. Để mua nhà, không phải ai cũng có nhiều tiền để trả tiền mặt ngay một lúc. Do đó người ta phải vay tiền của nhà băng. Tiền này gọi là mortgage. Nhà băng có những luật lệ đòi người vay tiền phải có khoảng 5, 10, hay 20 phần trăm của giá căn nhà để đặt trước. (Tôi không muốn dùng chữ đặt cọc vì bản tính người Nam tôi sợ nói lái.) Người mua nhà phải có việc làm, có lợi tức nhất định (gọi là income), và khoảng lợi tức này phải đủ để trả tiền vay ngân hàng hằng tháng. Người mua nhà có thể chọn trả tiền vay mortgage trong 15 năm hay 30 năm. Trả 15 năm tiền lãi ít hơn 30 năm.

Thường thường người đàng hoàng trọng danh dự khi mượn tiền đều muốn trả cho đàng hoàng sòng phẳng. Không trả tiền thì sẽ bị xiết nhà. Do đó tiền cho vay mua nhà được xem là an toàn. Có người chọn trả tiền vay trong 30 năm, nhưng trả thêm vào món nợ chính (capital) nên hết nợ sớm, trong 10 năm, 20 năm. Số tiền thặng dư này nhà băng sẽ làm gì? Nếu trường hợp kinh tế trì trệ, giữ số tiền mặt to lớn mà không lãi thì coi như lỗ.

Để tránh lỗ nhà băng nới rộng luật lệ cho vay. Không xét lợi tức, không đòi tiền đặt trước, với giá lãi rất cao, cố định trong một hay hai năm đầu (fixed rate), và giá lãi tăng giảm theo thị trường (thường chỉ tăng chứ không giảm và tăng rất cao) vào những năm sau (adjustable rate). Người mua nhà không trả tiền nhà nổi bị mất nhà (default). Để tránh lỗ lã giới tài chánh nghĩ ra một trò chơi mới. Vì ai cũng tin là tiền cho vay mua nhà rất an toàn, nên giới tài chính đặt ra một thứ “bond” (không biết tiếng Việt) (công khố phiếu) có giá trị rất cao, rất an toàn, mức độ “AAA” dựa vào tiền cho vay mua nhà (bond based on mortgage securities). Nhà nước tài trợ những bond (công khố phiếu) này. Nhà nước mua bond (công khố phiếu) của Wall Street, bán cho dân với mức lãi thấp hơn. Dân tin tưởng ở những cái bond (công khố phiếu) này vì tuy lãi thấp nhưng không sợ mất tiền vì có chính phủ đứng sau lưng.

Khi số tiền vay mua nhà không trả trở nên quá lớn, giới quản lý dùng tiền vào công cuộc ăn chơi và trả lương cho các nhà tài chính quá cao, các món nợ xấu nhập nhằng chồng chất vào các món nợ tốt khiến bond cũng trở nên vô giá trị.

Có một số rất ít người nhận ra sự khiếm khuyết này. Họ đánh cược với ngân hàng, 1 ăn 10, ăn 20, ăn 200 trong một khoảng thời gian ngắn nào đó, 1 năm, 2 hay 3 năm, nếu những món nợ tốt (bond AAA) bị biến thành nợ xấu không trả nổi (default). Họ mua với giá 1 triệu lúc này thì khi thua cuộc ngân hàng phải trả cho họ 200 triệu. Sự đánh cược này gọi là “Short.” (Bây giờ thì tôi hiểu chữ short có nghĩa là bán để chạy nợ.) 22 tháng Năm 2019.

Kết quả là họ thắng cược. Năm 2008, nhiều nhà băng đóng cửa, người ta mất việc làm, nhiều người mất tất cả tiền hưu, tiền dành dụm dưỡng già.

Mở đầu phim là câu văn của Mark Twain, đại khái, “không phải cái điều mình không biết làm khổ mình, mà chính là lòng tin chắc chắn bị đặt sai chỗ mới thật là nguy hiểm.”

Sau đây là một số câu trích dẫn trong phim:

Overheard at a Washington, D.C. bar: “Truth is like poetry.  And most people fucking hate poetry.”

Nghe lóm trong quán rượu ở Washington D. C.: “Sự thật cũng như là thơ vậy.  Và phần lớn người ta rất ghét thơ.”

Phim chửi tục loạn xà ngầu, nghe riết quen tai nên không thấy tục nữa. Bạn không khỏi tự hỏi cái giới thông minh, có học, giàu có sang trọng như thế ăn mặc toàn là com lê đắt tiền mấy ngàn đồng một bộ mà sao ngôn ngữ của họ dơ dáy đến thế.

On screen quotation from Haruki Murakami’s novel “IQ84”: Everyone, deep in their hearts, is waiting for the end of the world to come.

Trên màn ảnh có một câu trích dẫn của Haruki Murakami trong quyển “IQ84”: Tự trong thâm tâm của tất cả mọi người, họ đều chờ đợi sự tận diệt của thế giới.

Thật ra câu này theo tôi hiểu là sự tận diệt của thế giới rồi sẽ đến không tránh khỏi chỉ là sớm hay muộn thôi.

Ben Rickert: If we’re right, people lose homes. People lose jobs. People lose retirement savings, people lose pensions. You know what I hate about fucking banking? It reduces people to numbers. Here’s a number – every 1% unemployment goes up, 40,000 people die, did you know that?

Ben Rickert: Nếu chúng ta đúng, điều đó có nghĩa là nhiều người sẽ bị mất nhà. Người ta mất việc làm, mất tiền để dành dưỡng hưu, mất tiền hưu bổng. Anh có biết điều làm tôi chán ghét cái bọn nhà băng mất dạy là gì không? Đó là giá trị con người bị suy giảm đến độ họ trở thành những con số. Con số là như thế này – cứ mỗi lần tỉ lệ thất nghiệp tăng 1 phần trăm, là có 40 ngàn người chết. Anh có biết điều này không?

Phim này, The Big Short, cùng với The Spotlight, và Trumbo nói lên sự khiếm khuyết, băng hoại của xã hội tư bản.

Trong nỗi lo sợ tài chánh cá nhân, tôi chỉ có một an ủi là ít ra cũng có người dám nói lên sự thật và sự thật cũng được lôi ra ánh sáng. Và xin cáo lỗi, với sự hiểu biết ít ỏi về tài chánh, và giới hạn của ngôn ngữ tôi chỉ viết đơn sơ được như thế thôi. Tôi xem phim hai lần, hiểu hơn trước khi đọc sách xem phim một chút, nhưng vẫn chưa đủ để tóm gọn cuốn sách hay giải thích nhiều hơn. Đề nghị nếu bạn quan tâm đến thị trường tài chính thì nên xem phim cho biết.

Ghi chú: Ngày 22 tháng Năm, 2019.  Bond có nghĩa là công khố phiếu.  Short sale có nghĩa là bán tống bán tháo để chạy nợ.

Vài cuốn phim hay

Tôi định viết về mấy cuốn phim này từ lâu nhưng wordpress của tôi bị hư cái gì chẳng biết mà gõ một hồi lâu mới ra chữ. Có khi tôi gõ hết câu rồi chữ  mới hiện ra. Và cũng vì tôi bận quá. Lúc rảnh thì lười hay mệt quá viết không nổi.

Về sách: Tôi nghe đọc hết quyển “City of a Thousand Dolls.” Sách dành cho các bạn trẻ (young adults) tình yêu nhẹ nhàng của một cô gái mồ côi, sống trong một thành phố dành riêng cho những cô gái bị cha mẹ bỏ rơi từ bé. Hãy tưởng tượng đến một xứ giống như Trung quốc theo chế độ một con. Cô gái tên Nisha theo dõi và truy tầm thủ phạm đã giết chết ba cô gái trong thành phố này. Cô có hai con mèo khôn ngoan (và biết nói). Nisha yêu một anh con nhà quí tộc nhưng về sau thì … . Hai con mèo thần biến thành người một nam một nữ (nghe giống Tiểu Thư và Lãng Tử hen? Tôi thề, lúc viết Tiểu Thư và Lãng Tử chưa nghe truyện này, nếu nghe rồi chắc không viết). Anh mèo thần này đẹp trai, chân chất, khỏe mạnh, bảo vệ Nisha, chỗ dựa cả thân xác lẫn tinh thần của nàng. Bạn có thể đoán được kết cục rồi chứ?

Về phim: Tôi xem rất nhiều phim hay, vì thế mà không có thì giờ để viết. Vì viết sơ sài thì bất công cho cuốn phim. Thôi thì vài chữ ghi lại. Cái gì xem sau viết trước vì còn nhớ.

Tokyo Fiancée. Truyện của Amélie Nothomb. Đây là best seller. Cô gái Bỉ sang Nhật, dạy tiếng Pháp cho một anh Nhật nhà giàu. Rinri yêu nàng nhưng Amélie vẫn còn đang tìm kiếm chính mình. Phim dễ thương, cảnh đẹp, vài ba cảnh nude chẳng che đậy chút nào. Amélie gầy, cao, và rất thu hút. Phim dễ gây cảm tình, so với Fear and Trembling thì nhẹ nhàng hơn.

Bridge of Spies. Truyện phim hấp dẫn. Tom Hank đóng vai chính thì không thể phàn nàn gì. Phim hơi cường điệu không mấy hợp lý nhưng xem cũng thu hút. Hoa Kỳ bắt được anh gián điệp Nga, ai cũng đòi giết. Tom Hank đóng vai anh luật sư bào chữa cho anh gián điệp này với tinh thần dân chủ, tôn trọng tự do và công lý.

Cinema Paradiso. Bạn nào đó đã giới thiệu tôi tìm xem. Phim xưa, được tô chỉnh lại. Không uổng thì giờ để xem. Tito cậu bé yêu phim thích làm phim, cùng ông ngoại mở lại một nhà chiếu phim cũ để chiếu cho người trên một đảo nhỏ của Ý xem. Tito yêu một cô gái con nhà giàu và đúng kiểu Romeo, đứng dưới chân cửa sổ nhà nàng hằng đêm mấy tháng trời, để chinh phục trái tim nàng. Dĩ nhiên mối tình này chết yểu vì cha mẹ nàng không ưng thuận. Tito bỏ làng ra đi và trở thành nhà làm phim nổi tiếng. Ba mươi năm sau, ông ngoại chết, chàng trở về tìm lại nàng. Phim xưa, hay lắm. Tôi nhớ mang máng một câu ông ngoại của Tito nói: “Người lớn, họ muốn làm điều tốt nhưng đôi khi họ sai lầm.”

Children of Heaven. Chẳng biết vì sao mà tôi xem phim này. Có bạn nào đó giới thiệu hay là cả hai phim này (Cinema Paradiso và Children of Heaven) có một điểm chung nào đó. Thí dụ như phim đoạt giải Cannes hay là cùng đạo diễn. Vì đang vội, sắp sửa đi làm nên tôi không thể tìm chi tiết. Phim của Iran. Hai anh em con nhà nghèo, mẹ ốm, bố mất việc. Người anh làm hầu hết mọi việc chợ búa giao dịch. Trong khi đi chợ mua khoai mua rau cậu bé đánh mất đôi giày của em gái. Mà đôi giày đã bị rách bươm rồi đem đưa ông thợ dán lại bằng keo. Vì đánh mất giày mà không dám nói với bố mẹ vì biết bố mẹ không tiền nên hai anh em dùng chung đôi giày của người anh để đi học. Xảy ra biết bao nhiêu khó khăn cho cả hai anh em (chừng tám chín tuổi) người anh tham gia dự thi chạy, vì đọat giải ba sẽ được đôi giày sneakers cho em mang đi học. Người anh thắng giải nhất, nhưng giải nhất không được đôi giày. Xem phim mà thổn thức.

Departures. Phim này lạ, đọat mười giải Japan Academy Prize Awards (tương đương Oscar của Hoa Kỳ). Ai chưa xem, mà có thể tìm được phim này, thì nên xem vì nó rất hay. Daigo Kobayashi mất công việc đàn cello cho giàn nhạc giao hưởng. Anh mang cô vợ trẻ về quê, nơi đó có căn nhà của mẹ anh để lại. Cần tiền để sinh sống anh đọc quảng cáo và tìm được công việc tẩn liệm thi hài trước khi mai táng. Truyện phim kết cấu rất chặt, mở thắt những gút mắt trong tâm lý.

Nếu có thể chấm điểm các phim này, tôi cho Bridge of Spies và Tokyo Fiancée ba sao. Tất cả các phim kia đều bốn sao.

Bây giờ tôi phải đi làm. Công ty tôi đang chuẩn bị đình công. Tôi bị đưa đi chỗ khác làm việc một thời gian mười hai giờ một ngày. Có thể sẽ không lên mạng một thời gian nếu đình công bắt đầu từ khuya thứ Bảy tuần này.

Chúc các bạn vui cuối tuần.

Cát bụi thời gian

Hay tro tàn của năm tháng?

ashes of time

ashes

Nguồn ảnh: http://www.the-other-view.com/ashes-of-time-redux.html

Không biết có bạn nào đã điểm phim này chưa. Ashes of Time Redux. Cho tôi biết ý kiến về phim này. Chẳng hiểu vì sao mà tôi lại xem phim này. Do bạn nào đó giới thiệu? Tôi đang đọc một mớ sách về kiếm. Có lẽ trong lúc tìm trong mục kiếm của thư viện mà tình cờ gặp phim này chăng?

Bạn đọc truyện kiếm hiệp chắc không quên bốn nhân vật của Kim Dung: Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, và Bắc Cái? Phim này chọn ba nhân vật Đông Tà, Tây Độc, và Bắc Cái của Kim Dung làm ba nhân vật của phim. Chỉ dùng cái tên và một vài nét chính của nhân vật thôi, ngoài ra không có dính líu gì đến truyện Kim Dung. Đây là một câu chuyện tình (chính), trong đó có vài ba mối tình (phụ) nhỏ hơn, lồng trong những nhân vật biết đánh kiếm và giết người.

Về mặt bạo động? Có giết người máu me phụt ra tùm lum. Nhân vật bị chém chết còn triết lý một câu, tôi viết lại qua trí nhớ. Khi nhát chém quá nhanh, người ta nghe tiếng máu phun ra như tiếng thở dài. Tôi không ngờ có ngày tôi (nhân vật chứ không phải bà Tám đâu nha) lại nghe tiếng thở dài này từ vết thương của tôi.

Tình dục? Rất ít. Có một đoạn rất đẹp. Cô gái nằm trên lưng ngựa, mân mê cổ ngựa, khán giả chỉ nhìn thấy khúc chân trắng nuột trên lưng ngựa. Chỉ nhìn một khúc chân thôi cũng biết đây là một cô gái rất đẹp.

Chuyện được kể qua nhân vật Âu Dương Phong (Tây Độc) về mối tình của ông ta. Về những mối tình của Hoàng Dược Sư (Đông Tà). Cả Âu Dương Phong và Hoàng Dược Sư cùng yêu một người đàn bà, không cần phải nói nhiều về người đàn bà này, người xem có thể tưởng tượng được không có người đàn bà nào đẹp hơn, trong mắt của Âu Dương Phong và Hoàng Dược Sư.

Tôi xem phim này ba lần mà vẫn chưa hiểu hết đầu đuôi câu chuyện nên sau đó phải dùng Wikipedia để đọc tóm lược. Một phần vì tôi xem sau bữa ăn tối, xem được một lúc là ngủ quên, tuổi già là như vậy, dù tôi rất thích phim này. Tôi thích phim này ở nhiều mặt. Về hình ảnh phim có ảnh rất đẹp. Tôi bị quyến rũ bởi màu vàng của cát, màu xanh của trời, vài cảnh quay phản ảnh qua mặt hồ rất đẹp mắt, tôi copy ảnh trên mạng để bạn xem. Về âm nhạc, soundtrack của phim rất hay, tiếng vĩ cầm tấu nhạc Trung quốc thật quyến rủ, và êm tai. Tôi bị ngủ gật có lẽ cũng vì tiếng nhạc. Phim do đạo diễn Vương Gia Vệ thực hiện. Những màn đánh nhau, như một bức họa mờ nhòe với độ nhanh của phim, dĩ nhiên có một vài cảnh bay múa (lúc ban đầu) rất là phim kiếm hiệp của Trung quốc. Phim có những câu độc thoại rất hay, rất triết lý, nhiều triết lý quá nên có vẻ hơi gượng vì nhồi nhét.

Ngay ở đầu phim, trích từ kinh Phật. “The flag is still. The wind is calm. It is the heart of man that is in turmoil.” Cờ yên, gió lặng. Chỉ có tâm người đang đảo điên.

uống rượu để quên

Nguồn ảnh 

Hoàng Dược Sư nói với Âu Dương Phong: ” Có một người tôi mới gặp cho tôi một bình rượu. Nàng nói rượu này có phép thần. Chỉ cần một cốc rượu là bạn sẽ quên đi quá khứ. Tôi nghĩ điều này thật vô lý. Làm gì có thứ rượu như thế trên đời. Nàng nói nguyên nhân vấn nạn của loài người là  ký ức. Nếu không còn quá khứ, mỗi ngày sẽ là một khởi đầu. Như thế quả thật là tuyệt vời, phải không?”

Âu Dương Phong: “Người ta nói rằng: khi bạn không thể sở hữu cái mà bạn muốn, thì điều tốt nhất bạn có thể làm là đừng lãng quên.”

Cả hai câu này làm tôi nghĩ đến phim Memento, nhân vật bị mất trí nhớ, chỉ có thể nhớ những chuyện trước thời điểm hiện tại chừng vài phút. Trong phim Hoàng Dược Sư uống rượu và quên quá khứ. Âu Dương Phong cũng uống rượu nhưng không quên được quá khứ. Đây thật là một chủ đề hấp dẫn. Người mình nói rằng “Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm.” Rõ ràng, rất nhiều khi chúng ta không thể kiểm soát được chuyện nhớ hay quên. Nhiều khi học muốn chết mà không nhớ, nhiều khi đã nhớ rồi thì không quên. Để học cái mới, nhiều khi phải quên cái cũ. Nhiều khi phải có một số kiến thức (data cũ) cũ mới có thể học được cái mới.

Theo tôi, phim rất hay, tuy nhiên nó là một phim thất bại về tài chánh của Vương Gia Vệ. Không thể nói đây là một phim có cái nhìn mới, nghệ thuật mới, nhưng nó vẫn hay trong cách thể hiện những tư tưởng cũ, nét đẹp cũ.

Phim

Vì có ấn tượng với phim Never Let Me Go dựa trên sách của Kazuo Ishiguro tôi tìm xem phim The Remains of The Day cũng dựa trên sách của tác giả này. Hai quyển sách ở hai lãnh vực hoàn toàn khác biệt nhau điều này càng làm tôi muốn đọc tác giả này. Vì chỉ mới xem phim nên có thể sách nói về những điều mà phim không chuyên chở hết. Qua phim The Remains of the Day, tôi nhìn thấy một mối tình câm lặng. Nếu bạn thích xem phim tình yêu, một tình yêu thật nhàm chán vì không có tình dục ngoại trừ một vài cái hôn, tuy thế vẫn có khả năng thu hút người xem (là tôi) vì những người trong cuộc đã đặt bổn phận lên trên tình cảm thì mời bạn xem phim này. Phần còn lại của cuối ngày, như mùa thu trong năm, như phần cuối đời người, chứa đựng nhiều hồi tưởng, nuối tiếc những mất mát, những khát vọng không thành, những mối tình vuột khỏi tầm tay vì định mệnh, vì thành kiến, như một lần yêu người, một lần mãi mãi bao giờ cho nguôi.

Tôi cũng xem phim The March of Penguin. Chẳng biết vì sao có phim này, mua từ bao giờ chỉ thấy trên kệ nên lấy ra xem. Loại Emperor Penguin sống ở Nam Cực, đi bộ 70 miles vào sâu trong vùng băng giá, một ngày trung bình, có mặt trời lạnh 58 độ F âm. Chim mái đẻ một trứng giao cho chim trống ấp. Khi chim trống ấp trứng, chim mái đi tìm thức ăn. Hơn ba tháng sau chim mái trở lại nuôi con bằng thức ăn dự trữ trong thân thể, thì chim trống đi ăn. Có khi vừa mới giao trứng, hai bên vụng về, trứng đóng băng và vỡ trước khi trứng được ấp ủ. Chim mẹ có khi bị làm mồi cho hải cẩu trong quá trình đi tìm thức ăn, điều đó có nghĩa là chim con cũng sẽ bị chết vì không có mẹ nuôi. Loài penguin này cũng là một loại chim di cư, trở về vùng băng giá để sinh sản rồi sau đó sống trên biển. Một phim rất hay và đòi hỏi rất nhiều công cũng như khó nhọc ở người quay phim.

Mấy cuốn phim nổi tiếng

Phim nổi tiếng. Tôi mượn ở thư viện, từ lúc đặt hàng đến lúc nhận được phim là mấy tháng. Nhưng khi đến thì chúng đến cùng một lượt. Vì chỉ được giữ một tuần nên liên tiếp mấy ngày nay tôi nằm dài xem phim.
Boyhood
Đạo diễn Richard Linklater, có những phim được giới trẻ thích như Before Sunrise, Before Sunset, Before Midnight. Phim này cũng có Ethan Hawke. Truyện phim không có gì đặc sắc, một cậu bé lớn lên trong một gia đình với những vấn đề thường thấy trong gia đình Mỹ trung lưu. Bố mẹ ly dị, bố lấy vợ khác, mẹ lấy chồng khác, xui gặp phải mấy ông chồng không mấy tử tế. Mẹ cậu vượt qua tất cả khó khăn, lấy bằng Thạc sĩ, hai chị em cậu bé học xong Trung học vào Đại học. Đám trẻ có khó khăn của đám trẻ. Người lớn có khó khăn của người lớn. Điểm đặc biệt của phim này là đạo diễn dùng một diễn viên từ lúc 6 tuổi cho đến lúc 18 tuổi.
Birdman
Phim này rất lạ. Vừa hiện thực, vừa siêu thực. Hiện thực ở chỗ khán giả có thể hình dung cuộc sống hậu trường như sự thật của các diễn viên kịch trên sân khấu Broadway. Cả Michael Keaton và Edward Norton đều có vẻ già, nhan sắc phai tàn. Siêu thực ở chỗ Keaton có thể bay như chim, nhưng khán giả suốt cuốn phim không biết chắc đó là do sự tưởng tượng của nhân vật hay nhân vật có thể bay thật. Truyện phim rất hay, thu hút người xem từ đầu đến cuối. Tác giả có thể tạo ra căng thẳng và đưa người xem từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác với những chi tiết tưởng chừng không đáng để chú ý.
Gone Girl
Truyện phim rất hay. Truyện phim gần giống với chuyện có thật xảy ra ở tiểu bang của tôi đang ở. Một anh chàng đẹp trai, vợ có mang bỗng biến mất. Ai cũng nghi anh chồng giết vợ vì tiền bảo hiểm và anh chàng đang sống nhờ vào tiền của vợ (cha mẹ vợ rất giàu). Tuy nhiên tác giả đã đẩy những chi tiết này đến cực độ và tạo thành một phim vẫn là những xung đột của vợ chồng nhưng gay cấn kịch liệt. Cô vợ có đầy đủ cái tốt của một người phụ nữ, đẹp, thông minh, dịu dàng, ngọt ngào, kỹ lưỡng, ngăn nắp, chu đáo, và khi phát hiện anh chồng của mình ngoại tình thì trở nên toan tính, độc ác, mưu mô, đến chỗ giết người.

Phim

Tôi xem một loạt phim bao gồm: “The Drop” của đạo diễn Michael R. Roskan, “The Ninth Gate” của Roman Polanski, “Capitaine Alatriste” của Antonio Cardenal, “Under the skin” của Jonathan Glazer dựa vào truyện của Michel Faber, “Whiplash” của Damien Chazelle, và “Snow Piercer” của Bong Joon-ho.

Tôi chẳng nhớ vì sao tôi xem những phim này, có thể vì đọc các blog bạn, có liên quan đến giải thưởng Oscar, hay vì thích một cuốn phim nào đó đã dựa vào một tác giả nào đó mà tôi chú ý.

“The Ninth Gate” tài tử Johnny Depp đóng. Cô út nhà tôi ghé mắt nhìn rồi phê bình, thỉnh thoảng mới thấy anh ta đóng một phim không kỳ khôi. Tôi đoán cô nói đến phim Pirates of the Caribbean có anh này và dĩ nhiên có cô Keira mà cô có một thời thích xem. Phim xem được, giải trí giết thì giờ. Tôi chẳng bao giờ muốn giết thì giờ một cách vô lý, nhưng nhiều khi phải xem thì mới biết nó hay dở như thế nào. Vả lại cái tên Polanski cũng đáng chú ý, đạo diễn của những phim tình dục táo bạo cấm phụ nữ từ 48 trở lên và 18 trở xuống. Một đạo diễn vướng vào tội ấu dâm. Dù người phụ nữ bị xâm phạm từ lúc 13 tuổi đã lên tiếng tha thứ ông, nhưng trong đầu óc những người bảo thủ thì ông vẫn là một người pervert.

“Capitaine Alatriste” do Viggo Mortensen đóng. Tôi chỉ thích anh chàng này trong phim Lord of the Rings, lúc anh chàng quay sang nói với mấy anh hobbits là “You bowed to no one!” Tôi cũng thích lúc anh ta hiệu triệu đoàn quân ma màu xanh lá cây cầm gươm xông vào trận. Phim Lord of the Rings ăn cắp ý của truyện Tàu rất nhiều chỗ, ngay cả cách ăn mặc cũng giống phim kiếm hiệp. Tôi xem nhiều phim khác có anh này đóng thấy xoàng thôi. Đặc biệt phim nào anh cũng có vẻ bẩn thỉu, tóc tai bê bết. Đây là một phim hay nhờ nhiều tình tiết ly kỳ và trang phục đẹp mắt.

“Under the skin” theo tôi thì cốt truyện không hay. Đây là một phim khoa học giả tưởng không mấy lôi cuốn hay mới mẻ, nhưng nếu nói về mặt nghệ thuật nhiếp ảnh trong phim thì đây là một phim rất đẹp.

“Whiplash” có nhiều nhạc jazz, rất hay. J.K. Simmons đóng vai Terence Fletcher được giải Oscar cho diễn viên vai phụ trong phim này. Tôi đã gặp Simmons nhiều lần trong các show truyền hình Law and Order, ông đóng rất hay rất thật và là nhân vật tốt, nhưng trong vai một giáo viên dạy nhạc của Whiplash, ông rất là tàn bạo, nhẫn tâm với học sinh, có thể nói là đến mức độ sadistic. Được giải Oscar thật là xứng đáng với sự diễn xuất trong vai này.

“Snow Piercer” là một phim bạo động đầy máu me. Phim nói về một ngày tận thế, tất cả những người sống sót ở trên một chuyến xe lửa và bên ngoài chiếc xe lửa này thế giới trở nên giá băng. Mỗi toa xe là chỗ ở của một giai cấp. Tất cả những người nghèo khó không thế lực bị dồn vào vài toa cuối cùng. Đạo diễn và những người viết phim bản cố làm cho phim có vẻ suy nghĩ, với những người anh hùng và những kẻ ác độc, nhưng nói chung, tôi không thích phim này vì nhiều lý do. Máu me giết chóc và ngu xuẩn là một vài điểm đập vào tôi trước nhất.

“The Drop” là phim tôi thích nhất trong loạt phim tôi xem gần đây. Mặc dù các nhà phê bình chân chính không quan tâm đến phim xã hội đen với nhiều tội ác, án mạng, hình sự, cướp bóc của các “bố già” nhưng tôi thích loại phim này vì cấu trúc và plot của chúng. Phim này dựa vào truyện của Dennis Lehane, nổi tiếng với Mystic River, và cũng đồng dạng với phim Mystic River. Nhân vật thuộc giai cấp trung bình  hoặc nghèo trong xã hội, dễ dàng vướng vào tội ác và tội lỗi. Gay cấn, thắt mở, người xem được mở mắt từ đầu đến cuối.

Tự hỏi khi xem phim

đàn nai trong tuyết
Sáng sớm, chưa có nắng, đứng ở cửa sổ chụp cửa kính hai lớp bụi đóng dơ nên chỉ được như vậy.trái tuyết
Tuyết đóng trên nụ hoa dâm bụt khô.
bộng cây chim làm tổ
Bọng cây này là tổ của con chim gõ kiến.

Ảnh chụp đợt tuyết cuối cùng. Chỉ dọn tuyết phía sau nhà độ nửa tiếng. Phía trước nắng lên tự động tan. Mấy hôm nay trời vẫn còn rất lạnh, buổi sáng lúc đi làm chừng ba mươi độ, buổi chiều đi làm về chừng hơn bốn mươi độ. Ngày mai nghe dự báo là sẽ lên đến 65 độ, trời mưa. Thấy mưa là có chiều hướng của mùa xuân đang khe khẽ về.

Thấy blog của một cô bé nào đó giới thiệu quyển The Shadow of the Wind, tôi mượn ở thư viện về nghe thử thấy hay nhưng nửa chừng thì lại tò mò nghe đọc quyển All Quiet on the Western Front thấy hay quá nên chưa trở lại với The Shadow of The Wind. Cũng qua giới thiệu của các blog bạn tôi tìm xem phim My Sister’s Keeper và Never Let Me Go. Cô út nhà tôi thấy tôi xem hai phim này hỏi bộ mẹ chọn phim có chủ đề tặng hiến hay thay thế nội tạng của con người à. Thật ra thì chỉ là trùng hợp thôi.

Đây là hai phim rất hay. Never Let Me Go dựa trên tiểu thuyết của Kazuo Ishiguro. Phim đặt vấn đề đạo đức cho người xem suy nghĩ. Giả tỉ như có một ngày nào đó khoa học tiến bộ đến độ dùng tế bào của một người, gọi là người chính, để cấu tạo ra một người khác, người phụ, giống y hệt người chính. Người phụ được nuôi với dụng ý sẽ dùng một phần thân thể của người phụ (thí dụ như tim phổi thận tay chân) để thay thế cho một phần thân thể tương tự của người chính nếu bộ phận này bị hư hoại. Thay thế những bộ phận hư hỏng của loài người sẽ giúp được con người sống lâu hơn. Những người phụ này chỉ có thể dâng hiến thân thể của họ chừng ba hay bốn lần là họ sẽ bị loại bỏ. Những người phụ này được nuôi dạy để chấp nhận việc này. Họ biết yêu, biết ghen, biết đau khổ giận hờn có nghĩa là có tâm hồn còn linh hồn thì không biết được. Loài người không biết là những người phụ này có linh hồn, hay tâm hồn hay không. Là con người, bạn nghĩ sao về việc nuôi robot sinh học này? Chấp nhận hay không chấp nhận? Có phản đạo đức hay không?

My Sister’s Keeper đặt ra một vấn đề đao đức khác. Một người mẹ có hai đứa con gái. Cô chị bị bệnh ung thư. Bệnh cô đến hồi nghiêm trọng, cô cần phải thay thế quả thận đã hư hỏng nếu không sẽ chết. Cô em, còn bé hình như 9 hay 10 tuổi, là người duy nhất có thể hiến quả thận cho người chị nhưng cô không chịu hiến dù bà mẹ bắt buộc. Cô bé dưới mười tám tuổi nên phải chịu sự kiểm soát của người mẹ. Cô đi tìm luật sư kiện mẹ ra tòa đòi được quyền ly dị mẹ về mặt y tế y khoa. Bạn nghĩ sao, cô bé đúng hay sai? Người mẹ có quyền lấy một quả thận của đứa em để cứu sống cô chị không?

Cả hai phim đều hay, bắt người xem phải tự hỏi lương tâm mình. Phim Mỹ (My Sister’s Keeper) ồn ào, sống động, hào nhoáng, rực rỡ, đẩy cảm xúc người xem lên đến chỗ cao độ, làm người xem có thể khóc. Phim Anh (Never Let Me Go) ảm đạm, trầm mặc, héo hon, lạnh lẽo như sương mù xứ Anh vì thế dễ làm người xem chán. Nhưng tôi thích phim này hơn phim kia có lẽ vì thích cái không khí người lớn, thích cái kết cục không có hậu, dường như nó đòi hỏi người xem phải ray rức giữa sự chọn lựa một vấn đề đạo đức. Loài người có quyền xử sự chiếm bàn tay của Tạo Hóa hay không? Tôi chẳng thích Keira Knightly chút nào. Cô này đóng phim nào tôi cũng không thích. Nói vậy xin các bạn trẻ đừng giận. Cô út nhà tôi rất thích diễn viên này nên dù tôi không thích cũng làm thinh không nói. Tôi già cả khó tính, thấy cô nàng này đẹp thì cũng đẹp nhưng diễn vô duyên.

Xem phim

Tôi xem ba phim.

Enemy, do Jake Gyllenhaal đóng hai vai, phim dựa vào truyện the Double của văn hào giải Nobel (1998) José Saramago. Giải Nobel danh tiếng đến như thế mà giờ đây có mấy người biết đến nhà văn này.

Evening, dựa vào truyện của Susan Minot. Phim có nhiều tài tử thượng thặng như Meryl Streep, Glenn Close, and Vanessa Redgrave.

All Quiet on the Western Front. Tôi hơi ngần ngại khi xem phim chiến tranh vì rất sợ cảnh giết chóc đổ máu. Nhưng vẫn xem hết phim. Phim có nhiều câu rất hay. Ở đầu cuốn phim có trích một đoạn từ quyển sách (tôi đang nghe, sách audio): “This book is to be neither an accusation nor a confession, and least of all an adventure, for death is not an adventure to those who stand face to face with it. It will try simply to tell of a generation of men who, even though they may have escaped shells, were destroyed by the war.” (Quyển sách này không nhằm để cáo buộc cũng không phải là lời tự thú, và càng không phải là một cuộc phiêu lưu, bởi vì cái chết không phải là một cuộc phiêu lưu đối với những người phải đối diện với nó. Quyển sách này, đơn giản chỉ để kể chuyện về một thế hệ của những người, dù cho họ có thoát được những trận pháo kích, vẫn bị hủy hoại bởi chiến tranh.

Xem Ratatouille nghĩ đến phê bình văn học

Chủ nhật mấy tuần trước tôi mời Ách Cơ và cậu bạn trai của nàng, về ăn phở. Ông Tám mời thêm hai người cháu trai, một kêu bằng chú, một kêu bằng cậu đến chơi. Tôi dặn Cá Linh là đừng có chọc ghẹo đời tư của mấy cậu trẻ tuổi này tại vì tôi biết tính con tôi. Coi nó hiền hiền im ỉm vậy nhưng giữa đám người cùng trang lứa nó thuộc loại mồm năm miệng mười. Tấn công chọc ghẹo không ngừng, cũng may mọi người thấy nó khôi hài nên chẳng giận.

Ách Cơ từ nhỏ đã thích nấu ăn làm bánh. Hiện nay Ách Cơ đang nấu ăn, phụ trách phần pasta cho một nhà hàng haute cuisine. Trong bữa ăn, khi Ách Cơ khoe khả năng nấu pasta của nàng được nhà phê bình ẩm thực của báo New York Times khen ngợi, người anh họ hỏi, ở đâu mà có cái tài nấu ăn này. (Ai cũng biết cả tôi và ông Tám không biết nấu ăn). Cá Linh chêm ngay vào “Where is the rat?” Con chuột đâu rồi?

Ông Tám và hai cậu anh họ, có thể có, nhưng cũng có thể không, hiểu ý Cá Linh. Tôi nghĩ chỉ có tôi và hai nàng con gái thích xem phim hoạt họa. Tôi với Ách Cơ thì biết chắc Cá Linh nhắc đến con chuột Rémy trong phim Ratatouille, ngụ ý Rémy là người chỉ dẫn Ách Cơ nấu ăn.

Tôi xem phim này nhiều lần, con tôi thường bắt gặp tôi xem lại phim hoạt họa này. Ngay cả con tôi cũng không hiểu tại sao tôi thích xem phim dành cho trẻ con. Có gì đâu, tôi thích xem phim. Với những người quen ở Việt Nam đến chơi, tôi thường quảng cáo không công, Hoa Kỳ có hai thứ rẻ tiền đáng được thưởng thức, đó là kem (ice cream) và phim ảnh. Phim của Mỹ rất hay, ngay cả phim trẻ con cũng có bài học dành cho người lớn. Nói riêng về phim Ratatouille, tôi tìm thấy ý nghĩa phê bình văn học trong phim này.

Ratatouille là tên một món ăn dân dã của người Pháp. Wikipedia nói rằng xuất phát từ vùng Nice. Dường như, đây là một món xào các loại rau cải thừa vụn trong nhà chung với xốt cà, một món ăn bình dân ở vùng thôn quê. Sẵn đây, tôi xin tóm lược phim, kẻo quí vị người lớn không biết đến phim hoạt họa dành cho trẻ em này nói gì. Ở Paris có một nhà hàng rất nổi tiếng, của một người đầu bếp trứ danh tên Gusteau làm chủ. Gusteau có một quan niệm khá đặc biệt là “bất cứ người nào cũng có thể nấu ăn” không cần phải có một tài năng thiên phú. Gusteau qua đời, nhà hàng bị xuống cấp, từ năm sao thành ba sao. Nhà hàng của Gusteau bị xuống cấp vì lời phê bình khắc nghiệt của Anton Ego, một nhà phê bình ẩm thực danh tiếng. Remy, con chuột có tài bẩm sinh phân biệt mùi vị rất tinh tế, thích thức ăn, thích ăn ngon, và đặc biệt là rất đam mê nấu ăn. Remy giúp Linguini, đứa con rơi của Gusteau, dùng món Ratatouille chinh phục Anton Ego. Không ai dám nghĩ là một món ăn bình dân ở thôn quê lại có thể được dâng hiến cho thực khách trong một nhà hàng nổi tiếng trên thế giới ở giữa lòng Paris. Thì bạn cũng biết mà, lạ miệng nên thấy ngon. Hoàng tử còn phải lòng khoai lang Dương Ngọc kia mà. Cũng không ai ngờ tận trong đáy tim của một nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng khắc nghiệt lại ẩn chứa sự thèm khát tình yêu của mẹ và nuối tiếc tuổi thơ hạnh phúc của một chú bé quê mùa.

Sau đây xin mời các bạn đọc vài đoạn trích dẫn trong phim. Đoạn đầu là lời phát biểu của đại đầu bếp Gusteau. Đoạn thứ hai là lời nói của nhà phê bình ẩm thực Anton Ego. Tôi dịch:

Văn chương cũng giống như âm nhạc bạn có thể nếm được, màu sắc bạn có thể ngửi thấy. Cái tuyệt hảo luôn có mặt chung quanh bạn. Bạn chỉ cần dừng lại và thưởng thức sự tuyệt hảo này.”

Văn chương bậc nhất không phải là thứ dành cho những người nhút nhát. Bạn phải có óc tưởng tượng phong phú, phải can đảm. Bạn phải thử nghiệm những phương pháp có thể không dẫn đến thành công. Và bạn phải tránh không để bất cứ người nào giới hạn tài năng của bạn bởi vì nơi bạn xuất thân. Cái giới hạn độc nhất của bạn chính là tâm hồn của bạn. Những điều tôi nói đây là sự thật. Người nào cũng có thể viết văn. Nhưng chỉ có những người can đảm mới có thể là nhà văn lớn.”

Dưới đây là lời nói của Anton Ego:

“Ở nhiều khía cạnh, công việc của nhà phê bình rất dễ dàng. Chúng ta chẳng mất mát gì, tuy thế chúng ta có thể hưởng thụ chỗ đứng bên trên những người đã dâng tặng tác phẩm của họ và cả cá nhân của họ nữa cho chúng ta phê phán. Chúng ta phát triển nhờ những lời chê bai chỉ trích, chuyện xấu thì dễ viết và người ta thích đọc. Nhưng sự thật cay đắng mà chúng ta, những nhà phê bình phải đối diện đó là, trong tầm nhìn rộng hơn, một tác phẩm trung bình có lẽ vẫn có giá trị hơn là những lời chê bai của chúng ta dành cho nó. Tuy nhiên cũng nhiều phen khi một nhà phê bình dám liều đánh mất thể diện hay danh tiếng, đó là khi khám phá ra và bảo vệ, người mới. Thế giới thường xuyên không mấy nhân hậu với tài năng mới hay tác phẩm mới. Người mới cần có bạn bè. […] Trước đây, tôi không hề dấu diếm sự khinh thường tôi dành cho khẩu hiệu của Gusteau: ‘Bất cứ người nào cũng có thể viết văn.’ Nhưng tôi nhận ra, chỉ bây giờ tôi mới thật sự thấu hiểu ý nghĩa câu nói của ông. Không phải ai cũng có thể trở thành một nghệ sĩ lớn, nhưng một nghệ sĩ lớn có thể xuất thân ở bất cứ môi trường nào. […]

Xin lỗi các bạn tôi đã thay đổi những chữ liên quan đến món ăn hay nấu ăn thành ra chữ văn học hay viết văn có in đậm và cắt bớt một vài câu. Bạn có thể đọc nguyên tác đoạn văn Anton Ego nói trong phim ở Wikiquote. Phần trích dẫn Chef Gusteau tôi chép từ trong phim.

1234567

Xem phim với con gái

Tôi nghỉ, kết hợp vừa ngày lễ vừa ngày vacation, bắt đầu từ ngày 24 tháng 12, 2014 và sẽ đi làm trở lại vào ngày 5 tháng 1, 2015. Kể từ hồi tháng 10 đến hôm nay tôi đã trải qua mấy bữa tiệc lớn (3 đám giỗ, hai bữa tiệc tốt nghiệp, Giáng Sinh, Tạ Ơn). Trọng lượng đã thấy tăng ba hay bốn pounds. Đang thầm hy vọng được “không ăn” lễ Tất Niên. Nói nghe bắt ghét sợ bà con mắng là chảnh. Người ta mời thì mình đừng ăn, ngồi đó ngó thôi. Ha! Tôi có cái tật thích ăn ngon, và vì nấu ăn dở nên ai nấu tôi ăn cũng ngon hết. Miễn là tôi không phải nấu. Và tôi lại lên cân rất nhanh, chỉ cần tôi ăn tự nhiên đừng kiêng cử tôi có thể lên cân mỗi tuần nửa kí một cách dễ dàng.

Hôm qua, tôi và Cá Linh đi xem phim Wild, from lost to found on the Pacific Crest Trail. Nguyên tác có cái tên dài dòng nên tôi chỉ gọi tắt là Wild. Chúng tôi mời Ách Cơ cùng đi nhưng cô từ chối. Tôi đã nghe đọc quyển Wild, đang chờ mượn của thư viện quyển sách này để có thể chép lại những câu danh ngôn của những nhà văn nhà thơ nổi tiếng như Emily Dickinson, Lord Byron, Adrienne Rich, Cheryl Strayed đã dùng để ghi vào sổ lưu chữ ký đặt trên những cột mốc đánh dấu đường mòn Pacific Crest Trail. Có nhiều câu rất hay. Sáng nay check, thấy quyển sách đang trên đường đến thư viện, thứ Bảy này sẽ có sách.

Đi xem phim này với con gái út có chỗ không hay, nhất là những sex scenes. Cheryl Strayed trong quyển sách khá cuồng loạn về mặt sex cũng như drugs. Cá Linh nói đỡ cho tôi, khi tôi bảo là tôi thấy awkward, bảo rằng chỉ ngắn và thoáng qua thôi.

Wild, ở trên danh sách best seller mấy chục tuần, có thể mang đến cho người đọc một vài suy nghĩ. Cheryl Strayed, không hẳn là một người leo núi dày kinh nghiệm, cũng không phải là một người chưa bao giờ xuất bản sách. Tôi trộm nghĩ không biết đây có phải là một tính toán cẩn thận của Strayed, kết hợp sự trải nghiệm của người leo núi và hồi ức cuộc đời của Strayed, để làm thành tác phẩm. Hồi ức của một cô gái 26 tuổi với một tuổi trẻ lạc lối có lẽ không tạo ấn tượng nhiều bởi vì có biết bao nhiêu tuổi trẻ lạc lối ở Hoa Kỳ, mà quá khứ còn nhiều đau đớn đầy ấn tượng hơn. Nếu viết về trải nghiệm đường trường của một người leo núi tay mơ cũng chẳng gây ấn tượng bởi vì đã có biết bao nhiêu quyển sách viết về chuyện leo núi, những ngọn núi cao nổi tiếng như Hy Mã Lạp Sơn, hay Kilimanjaro chẳng hạn. Tuy nhiên kết hợp cả hai, Strayed đã tạo nên một quyển sách dễ đọc và hấp dẫn.

Tôi bị thu hút bởi sự gan dạ và kiên trì của Strayed. Đi đường trường, 1 ngàn 1 trăm dặm, tương đương với 1 ngàn tám trăm cây số, một mình giữa rừng núi. Nhiều lần muốn bỏ cuộc nhưng vẫn tiếp tục đi tới. Tác giả tự xưng mình là một nhà nữ quyền. Ở quan điểm của một bà mẹ tôi thấy cô vừa ngu vừa điên. Giả tỉ như cô bị hiếp dâm và bị giết giữa rừng, chẳng ai hay biết. Có biết bao nhiêu người chỉ đi nghỉ hè, xui xẻo gặp kẻ xấu, mất mạng dễ dàng.

Nhìn về quyển sách bằng cặp mắt của một người đi tìm chủ đề để viết, tôi khâm phục Strayed ở chỗ cô nghĩ ra được đề tài và dâng hết sức lực để khai thác đề tài thành quyển sách.

Với tôi, quan trọng nhất, tôi nhìn thấy cách suy nghĩ của một cô gái trẻ, lao vào cuộc sống với tất cả nhiệt tình, cô phạm nhiều lỗi lầm nhưng tự tìm cách thoát ra, và tôi nhìn thấy quan hệ giữa mẹ và con gái.

Người ta thường bảo rằng, mẹ thường yêu con trai hơn con gái. Tôi nhìn thấy điều này qua mẹ tôi. Quan hệ của mẹ với con gái rất phức tạp. Tôi nghĩ bà mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng cũng có lúc ghét con, nhất là khi nhìn thấy con gái của mình đi vào con đường không hay, và khi nó phạm phải những lỗi lầm mà mình đã từng phạm phải vì ngu dốt. Nếu mẹ của Strayed không qua đời khi tuổi mới bốn lăm, bà sẽ nghĩ gì khi thấy con mình làm những điều không hay.

Quyển Wild cũng củng cố một niềm tin của người Hoa Kỳ. Ignorance is bless. Nếu Strayed biết trước mức độ nguy hiểm trên đường đi có thể cô không dám đi, hay ít ra không dám đi một mình, khi còn thiếu kinh nghiệm như thế. Tác giả cũng làm tôi thèm một cuộc lên đường solo, để ghi chép, tìm kiếm chính mình, tìm kiếm đề tài đủ hấp dẫn mình ngồi viết cả năm trời hay mấy tháng để làm thành một tác phẩm. Best seller càng tuyệt vời hơn nữa.

Lord Byron

Đây là một trong những bài thơ Cheryl Strayed trích dẫn trong chuyến đi.

Xem vài phim hay

Mấy hôm nay trời mát. Tháng Bảy là một trong những tháng nóng nhất trong năm thế nhưng mấy ngày nay nhiệt độ cao nhất chỉ chừng 80 độ F (chừng 27 độ C), sáng nay chỉ hơn 60 độ F, nhờ cơn bão đi ngang mấy hôm trước.

Ở Mỹ có hai món ngon nên thưởng thức, đó là kem và phim ảnh. Ở tầng hầm của thư viện địa phương, người ta có bán nhiều sách cũ, phim cũ, CD nhạc cũ. Sách bìa mềm 25 xu. Bìa cứng, 50 xu. Phim, một đồng. Thỉnh thoảng tôi tìm được những cuốn sách hay những CD phim ảnh tôi thích. Mấy tuần nay, tôi xem nhiều phim hay. Continue reading Xem vài phim hay

Điểm sơ sơ vài cuốn phim

Tôi bắt đầu nhuốm cảm hôm thứ Ba, ráng đi làm ngày thứ Tư đã thấy đau nhức mỏi mệt muốn nằm, lỡ đã đóng tiền ăn tiệc Giáng sinh ngày thứ Năm nên phải vào ăn. Bạn tôi biết chuyện chế nhạo tôi tiếc hai chục bạc mà hành xác mình. Nghĩ cũng đúng. Thứ Sáu tôi ở nhà, nằm mẹp, chập chờn ngủ suốt ngày. Hôm nay thứ Bảy lại không đi thư viện được vì trời tuyết nhiều thư viện đóng cửa. Có cuồn phim Hobbit đã đặt thư viện từ lâu, nay nó về nhưng không được xem. Thứ Hai sắp tới sẽ đi thư viện xem người ta còn giữ nó không. Continue reading Điểm sơ sơ vài cuốn phim

Nói thêm chút nữa

Và sau đây là lời dịch của đoạn phim ngắn nói trên. Thấy nó có vẻ gì giống cách suy nghĩ của người Việt Nam về số phận, nên tôi nghĩ có bạn sẽ thích. Người post đoạn này trên you tube nghĩ rằng đây là đoạn phim hay nhất.

If only one thing had happened differently: if that shoelace hadn’t broken; or that delivery truck had moved moments earlier; or that package had been wrapped and ready, because the girl hadn’t broken up with her boyfriend; or that man had set his alarm and got up five minutes earlier; or that taxi driver hadn’t stopped for a cup of coffee; or that woman had remembered her coat, and got into an earlier cab, Daisy and her friend would’ve crossed the street, and the taxi would’ve driven by. But life being what it is — a series of intersecting lives and incidents, out of anyone’s control — that taxi did not go by, and that driver was momentarily distracted, and that taxi hit Daisy, and her leg was crushed.

Nếu chỉ một chi tiết trên đây thay đổi: nếu sợi dây cột giày đừng bị đứt; hay chiếc xe tải giao hàng chạy trước lúc ấy một chút; hay gói quà đã được gói trước như đã dặn, bởi vì cô gái bán hàng không đoạn tuyệt với người yêu; hay người đàn ông để đồng hồ báo thức sớm hơn năm phút; hoặc là anh tài xế tắc xi không dừng xe để mua cà phê; hoặc là người đàn bà ấy đừng quên cái áo khoác, và lên xe tắc xi sớm hơn một chút, Daisy và bạn của nàng có lẽ đã sang bên kia đường, và anh tài xế tắc xi đã đi qua khỏi chỗ ấy. Tuy nhiên cuộc đời tự nó như thế – những cuộc đời gặp gỡ nhau, và những sự kiện xảy ra, bên ngoài khả năng kiểm soát của bất cứ ai – nếu chiếc xe tắc xi không đi ngang, và anh tài xế ấy lơ đễnh trong tíc tắc, và chiếc tắc xi đụng Daisy, và cái chân của nàng bị cán dập nát.

Toàn bộ cuốn phim được Bảo Vân mang cái link về trong comment của bài blog trước nếu có bạn nào thích xem phim thì xin mời.

So sánh truyện và phim The Curious Case of Benjamin Button

Theo quyển truyện, mối tình của Benjamin và cô nàng Hildegarde, con gái của ông Đại tướng, thật là đáng thất vọng. Cưới nàng xong, Benjamin đâm ra chán vợ, vì vợ ngày càng già, mà anh ta ngày càng trẻ ra. Thích “chim” gái, Ben chôm mấy nàng phu nhân trẻ vợ của mấy ông nhà giàu, và chĩa luôn những cô gái trẻ trong vùng. Vợ đã già lại hay cằn nhằn, nên Benjamin để vợ ở nhà, đi giang hồ. Khi Benjamin quay về thì bà vợ đã bỏ sang Ý ở từ lâu.

Phim hoàn toàn khác với truyện. Có thể nói chỉ mỗi chi tiết của truyện không thay đổi, là cuộc đời của Benjamin đi ngược dòng thời gian, bắt đầu là cụ già và chấm dứt khi Benjamin trở thành một đứa trẻ.

Tôi sẽ không bàn đến cách diễn xuất của diễn viên. Họ đều là những diễn viên danh tiếng. Tôi chỉ điểm qua những điểm khác biệt trong phim mà theo tôi đã làm phim phong phú hơn.

Truyện của phim bắt đầu về một ông thợ chuyên thiết kế đồng hồ tên là Gateau (nghĩa là cái bánh). Con ông Bánh tham gia thế chiến thứ nhất rồi bỏ thây ở chiến trường. Ông Bánh vì đau buồn đã làm cái đồng hồ chạy ngược chiều thời gian. Ông Bánh hy vọng là con ông sẽ đi ngược dòng thời gian và trở về trong vòng tay của cha mẹ. Cái ước muốn ấy gặp giờ thiêng nên vận vào Benjamin.

Truyện phim lấy bối cảnh ở Baltimore. Phim lấy bối cảnh ở New Orleans, qua Murksman (Nga), sang Paris, đến New York, sau đó chu du trên biển bằng thuyền buồm.

Trong phim, Benjamin bắt đầu là ông cụ bảy mươi biết nói, đi được. Có lẽ thấy chi tiết này vô lý quá, vì để sinh ra một “người” đã trưởng thành thì có lẽ sản phụ phải là một người khổng lồ, và xương xẩu cứng còng thế kia thì làm sao mà chui ra khỏi lòng mẹ, nên người viết phim đổi lại khi sinh ra Benjamin vẫn là một đứa bé nhưng có vẻ mặt của một người già.

Trong truyện, người cha nuôi Benjamin ngay từ lúc mới sinh nhưng trong phim thì người cha mang đứa con đem bỏ ở bậc thềm của một nhà dưỡng lão. Benjamin được Queenie một người phụ nữ da đen nuôi và xem như con ruột. Qua chi tiết này phim ca ngợi người da màu vào thời điểm người da màu ở miền Nam rất bị kỳ thị chủng tộc.

Nếu viết lại truyện dựa vào phim thì đây phải là một truyện rất dài, bởi vì chi tiết trong phim rất là phong phú. Cho Benjamin lớn lên trong nhà dưỡng lão ở New Orleans là mang nền văn hóa của miền Nam Hoa Kỳ, đậm ảnh hưởng Pháp và Cajuns, vào truyện. Ben làm bạn với người già, không biết mình chỉ là một cậu bé, chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của những người bạn này. Một trong những người cư trú trong viện dưỡng lão là một người lẩm cẩm, ông kể (nhiều lần) ông bị sét đánh bảy lần. Mỗi lần ông bị sét đánh được miêu tả bằng một đoạn phim rất ngắn rất xưa.

Nếu trong truyện mối tình của Benjamin với Hildegarde là một mối tình ngắn ngủi thì mối tình trong phim của Benjmain với Daisy là một mối tình lý tưởng trải dài mấy thập niên. Gặp Daisy khi cô bé chừng bốn năm tuổi, Benjamin đã bị tiếng sét ái tình. Ông cụ Benjamin nghe lời cô bé Daisy dụ dỗ nửa đêm chui xuống gầm bàn để chơi. Năm Daisy mười hai hay mười ba, ông già Benjamin đưa cô bé lên chiếc tàu kéo của ông chủ để ngắm cảnh sương mù trên biển. Sau đó Benjamin gia nhập quân đội nhưng vẫn thư từ liên lạc với cô bé Daisy. Nơi nào anh chàng đi qua đều gửi bưu thiếp cho Daisy và cô bé mơ mộng này giữ tất cả thư từ để về sau khi nằm chờ thần chết được nghe cô con gái của Daisy đọc lại. Benjamin lúc ấy chừng hai mươi nhưng có dáng dấp của một người chừng 65 tuổi. Ở Murksman Benjamin gặp một người phụ nữ có chồng là một nhà ngoại giao cao cấp kiêm do thám. Benjamin gặp nàng hằng đêm. Có lần nàng say kéo Benjamin đi trên đường phố mùa đông, đây là một đoạn phim đẹp và rất lãng mạn. Có lẽ đây cũng là một thứ tình yêu, tuy ngắn ngủi và không chân chính, giữa một thủy thủ lang bạc và một bà mệnh phụ danh giá.

Nếu xem phim như là một bản dịch của truyện thì các nhà phê bình có thể kêu thét lên rằng bản dịch đã hoàn toàn phản bội nguyên tác. Tuy nhiên tôi lại thấy những chi tiết trong phim hoàn toàn không có trong truyện là những điểm làm phong phú truyện. Như đã nói ở blog trước, tình yêu chỉ đẹp lúc hai bên còn vờn nhau. Tôi thấy đoạn phim giữa Benjamin và Elizabeth Abbot với những ngượng ngập lúc ban đầu, rồi nàng điểm trang để gặp chàng, rồi chàng ăn mặc tươm tất để hẹn hò với nàng là những chi tiết dễ thương, và rất duyên dáng.

Một người đã thu khúc phim lúc Benjamin sang Paris để thăm Daisy lúc nàng bị xe tông gãy chân đến độ phải bỏ nghề múa ballet và bảo rằng đoạn phim đó là đoạn hay nhất. Đoạn phim ấy giàu suy nghĩ. Cái triết lý trong đoạn phim ấy chất chứa quan niệm của người Á Đông, mỗi việc xảy ra đều do số mạng. Nhưng tôi lại thích hai đoạn phim khác. Một đoạn nói về không khí khách sạn ở Murksman nơi Benjamin gặp Elizabeth Abbot. Còn một đoạn nữa là lúc Daisy quyến rủ Benjamin và chàng từ chối. Daisy lúc ấy vừa 21 tuổi còn Benjamin đang khoảng 26 hay 27 nhưng có vẻ ngoài của một người đang ở độ tuổi 50 hay hơn. Benjamin bảo rằng sợ Daisy thất vọng dù rằng vẻ mặt của diễn viên cho thấy anh chàng rõ ràng bị mê hoặc với vẻ đẹp của một vũ nữ ballet trong ánh sáng huyền hoặc của bóng đêm.

Phim nói lên được cái triết lý của cuộc đời, sinh lão bệnh tử khổ. Phim đào sâu hơn những khía cạnh có khi tương đồng và có khi xung đột trong tình yêu của hai người có độ chênh lệch tuổi rất xa, cái điểm yếu đuối đến vô dụng và bất lực của thể xác, cái thiếu khả năng suy nghĩ và quyết định vận mạng của chính mình giữa đứa trẻ sơ sinh và một người đến mức cuối của cuộc đời.

Nếu phải vạch lá tìm sâu, tôi sẽ cằn nhằn là những người làm phim có một vài chỗ không thể duy trì đồng nhất tuổi của thân xác song song và ngược chiều với tuổi của tinh thần qua những giai đoạn trong cuộc đời của Benjamin. Khi Benjamin 13 tuổi, Benjamin đi làm thủy thủ với sức khỏe của thiếu niên 13 tuổi thay vì sức khỏe của một người 70 tuổi. Thuyền trưởng dẫn Benjamin đi nhà thổ lần đầu, Benjamin có sự ham muốn và sức khỏe của một thiếu niên mới vào đời. Benjamin gặp Elizabeth Abbot lúc chàng chưa đến 30 nhưng phải chống gậy như một người 70. Điều tôi muốn nói là nếu hình dáng đi từ già đến trẻ, sức khỏe và sự suy nghĩ cũng đi từ già đến trẻ. Đạo diễn và nhà viết phim đã tùy tiện cho sức khỏe và sự suy nghĩ của Benjamin có khi tương ứng với tuổi của thể xác (từ già đến trẻ), có khi tương ứng với tuổi của một người bình thường với thời gian (từ trẻ đến già). Tuy nhiên đây là sự tùy tiện cần thiết để cuốn phim có thể thành hình.

Mở đầu bài là một ít hình ảnh trong phim tôi copy lại bằng snipping tool.

Nói thêm về truyện The Curious Case of Benjamin Button

Truyện Benjamin Button ra đời khi tác giả Fitzgerald chừng 25 hay 26 tuổi. Năm 1860, Benjamin ra đời, có dáng dấp của một ông già bảy mươi tuổi. Vào thời ấy, bảy mươi tuổi là già lắm rồi. Benjamin nói được đi được. Bác sĩ hoảng sợ bỏ chạy. Mẹ ông mất lúc sinh ra ông. Bố ông ra tiệm mua bộ quần áo của thiếu niên về cho Benjamin mặc.

Truyện đưa ra những chi tiết khôi hài của một người khi mới sinh ra làm người già và dần dần trẻ lại. Ông bố phải ấp úng giải thích tại sao mua quần áo trẻ sơ sinh lại chọn cỡ thiếu niên. Benjamin không có bạn cùng tuổi. Khi Benjamin được 5 tuổi cậu bé có dáng dấp của người 65. Cậu hay chơi với ông nội. Trông hình dáng hai người trạc tuổi nhau.

Khi Benjamin 18 tuổi vào đại học người ta ngỡ đó là người bố đưa con vào đại học và đuổi cậu ra vì cho là cậu giả vờ mạo nhận. Benjamin 20 tuổi có dáng dấp của người đàn ông 50, trông giống như là anh em với ông bố. Benjamin yêu và cưới vợ năm 20 tuổi. Benjamin 50 tuổi giống thanh niên 20 tuổi, cậu gia nhập quân đội. Khi Benjamin 65 tuổi cậu phải đi nhà trẻ. Các bạn hăng hái tập tô màu thì Benjamin mau mệt và hay buồn ngủ.

Có cái gì đó song song đồng dạng giữa người già và trẻ con, sự yếu đuối, bất lực, cần được nuôi nấng giúp đỡ, giữa một sự sống mới bắt đầu và một sự sống đang tàn lụi. Truyện không gây ấn tượng mạnh với tôi, ngoại trừ cái ý tưởng con người bắt đầu cuộc đời lúc già và giống như trẻ sơ sinh lúc chết đi. Tôi càng thất vọng hơn khi thấy Wikipedia bảo rằng đây cũng không phải là ý tưởng do Fitzgerald nghĩ ra đầu tiên.

Tôi dịch chương 5 của truyện The Curious Case of Benjamin Button để lúc nào bạn rảnh thì đọc. Truyện tình nào cũng thế, giai đoạn đẹp nhất là lúc tình yêu mới bắt đầu, khi hai người bắt đầu vờn nhau. Trong chương này bạn sẽ thấy trong đôi mắt của người đẹp Hildegarde Moncrief, Benjamin là một người độ năm mươi, giàu có, thành công. Bạn phải nhớ “bên trong” của Benjamin, tư tưởng và tình cảm, Benjamin là một chàng trai 20 tuổi.

Nếu bạn thích đọc nguyên tác, toàn thể truyện The Curious Case of Benjamin Button đăng trên Wikipedia. Có cả truyện The Jazz Age của Fitzgerald.

Tôi dịch không theo sát nguyên tác vì muốn bản dịch gần với văn Việt. Vì thế bạn cứ sửa chữa nắn nót tùy ý sao cho phù hợp với cách đọc của bạn.

Già khi còn trẻ hay trẻ khi đã già

Bản dịch chương 5 truyện The Curious Case of Benjamin Button
Tác giả: F. Scott Fitzgerald Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà

Năm 1880, Benjamin Button được hai mươi tuổi, và chàng đánh dấu ngày sinh nhật của mình bằng cách làm việc cho bố trong công ty Roger Button – chuyên môn bán sỉ dụng cụ. Cũng trong năm này chàng bắt đầu “tiếp xúc với xã hội” –nghĩa là, bố chàng nhất định phải đưa chàng đi tham dự những buổi dạ tiệc có khiêu vũ thật “à la mode.” Roger Button đã năm mươi, hai bố con có vẻ đồng lứa và thân thiết như bạn bè –và bởi vì, Benjamin không nhuộm tóc nữa (vẫn còn màu muối tiêu) hai người có vẻ bằng tuổi với nhau, thoạt nhìn người ta có thể nhầm là anh em.
Một buổi tối tháng Tám hai người thay quần áo sang trọng, đánh cỗ xe ngựa bốn bánh và đến Shevlins để dự tiệc dạ vũ. Shevlins, nhà hàng sang trọng chuyên tổ chức những buổi tiệc huy hoàng ở ngoại ô của thành phố Baltimore. Đó là một đêm hè tuyệt đẹp. Ánh trăng tròn tắm đẫm con đường ngoại ô một thứ ánh sáng bạc, và những đóa hoa mùa hè nở muộn phả vào không khí im ắng một mùi thoang thoảng như tiếng cười rơi nửa chừng. Một cánh đồng bao la, trải thảm lúa mi sáng rực như ban ngày. Thật là không thể nào chịu nổi vẻ đẹp thuần túy của bầu trời.
“Việc buôn bán hàng hóa khô (như vải vóc, quần áo may sẵn, hay thực phẩm khô) tương lai rất là sáng sủa,” Roger Button trò chuyện. Ông không phải là người hay suy nghĩ triết lý – khả năng thưởng ngoạn của ông rất đơn sơ.
“Những người già như bố thì không thể thu nhận những kiến thức mới,” ông quan sát sâu sắc. “Chỉ có lớp người trẻ như con, năng động và đầy sức sống, mới có tương lai tươi sáng đang chờ đón.”
Ở cuối đường, họ nhìn thấy ánh đèn của biệt thự Shevlins, và dường như có tiếng thở dài len lén nhưng rất kiên trì đến với hai người – rất có thể đó là tiếng vĩ cầm hay tiếng rì rào của những cọng lúa mì màu bạc dưới ánh trăng.
Hai người đậu phía sau một cỗ xe tuyệt đẹp, độc mã, chở được bốn người, và hành khách đang bước xuống xe. Một người phụ nữ đứng tuổi bước ra, theo sau là một người đàn ông trọng tuổi, và sau cùng là một cô gái rất trẻ, có nét đẹp đầy quyến rủ. Benjamin bắt đầu thấy có một sự chuyển biến trong chàng; dường như những tố chất cũ trong cơ thể chàng tự phân hủy rồi kết hợp trở lại tạo thành một tố chất hoàn toàn mới trong chàng. Một sự cường tráng tràn ngập chàng, máu chảy mạnh dâng lên má, lên trán, và tai chàng nghe tim mình đập mạnh. Đó là cảm giác của lần đầu tiên biết yêu.
Người thiếu nữ có dáng mảnh mai, mái tóc có màu tro dưới ánh trăng và biến thành màu mật ong dưới ánh đèn đốt bằng hơi ga trên sân. Vai nàng quàng cái khăn quàng, loại khăn mỏng của người Tây Ban Nha dệt bằng đăng ten, màu vàng nhạt, phía sau có hình những con bướm màu đen; hai bàn chân nàng là hai hạt nút nhỏ lấp lánh dưới cái gấu áo dạ hội, phía sau váy phồng lên như đuôi công.
Roger Button nghiêng người nói với con trai. “Đó,” ông nói, “là con gái của Đại tướng Moncrief, tên cô là Hildegarde Moncrief.”
Benjamin gật đầu lạnh nhạt. “Một cô nàng be bé xinh xinh,” chàng đáp lời bố với vẻ hững hờ, Nhưng khi cậu bé da đen đánh cỗ xe đi đậu vào nhà chứa xe, chàng nói thêm: “Bố à, xin bố giới thiệu con với cô ấy.”
Họ tiến đến gần một đám đông, cô Moncrief đang là tâm điểm. Được nuôi nấng dạy dỗ đúng theo phong tục, nàng nhún chân cúi người chào Benjamin. Vâng, ông có thể khiêu vũ với tôi. Chàng cám ơn nàng và đi ra – lảo đảo chênh vênh.
Cái khoản thời gian chờ đợi đến phiên chàng dài vô tận. Chàng đứng dựa tường, im lặng, soi mói, quan sát bằng đôi mắt của kẻ giết người cái đám thanh niên của Baltimore đang bao vây cô nàng Hildegarde Moncrief, một vẻ si mê thờ phượng hiện trên mặt họ. Benjamin thấy bản mặt của chúng sao mà nhố nhăng quá; hồng hào trẻ trung một cách không chịu được! Mấy bộ râu mép cong của chúng mang cho chàng cái cảm giác như là ăn không tiêu.
Nhưng khi đến phiên chàng, và chàng dìu nàng lướt nhẹ nhàng trên sân với những điệu luân vũ waltz mới nhất ở Paris, sự ghen tị và những mối lo lắng của chàng tan dần như một mớ tuyết. Say sưa trong nỗi hân hoan, chàng có cảm tưởng đời chàng mới bắt đầu.
“Ông và người anh đến đây cùng lúc với chúng tôi, phải không?” Hildegarde hỏi, ngước lên nhìn chàng với đôi mắt như bằng sứ xanh sáng rực.
Benjamin ngập ngừng. Nếu nàng hiểu lầm chàng là em trai của bố chàng, thì cách nào là cách tốt nhất để chinh phục nàng? Chàng nhớ đến kinh nghiệm không vui của chàng ở đại học Yale, vì thế chàng quyết định không hành động như thế. Chống lại ý kiến của phụ nữ thì thiếu lịch sự lắm; thật là một tội ác nếu phá hủy một cơ hội tuyệt vời như thế này với cái nguồn gốc dị dạng của chàng. Về sau, có lẽ chàng sẽ nói rõ hơn. Vì thế chàng gật đầu, mỉm cười, lắng nghe, và đầy hạnh phúc.
“Em thích đàn ông ở lứa tuổi của anh,” Hildegarde nói với chàng. “Đám trai trẻ ngu ngốc quá. Họ kể em nghe họ đã uống bao nhiêu rượu sâm banh ở trong trường đại học, và họ đã đánh bài thua hết bao nhiêu tiền. Đàn ông ở lứa tuổi của anh biết cách yêu quí phụ nữ hơn.”
Benjamin có cảm tưởng như mình sắp sửa cầu hôn với nàng – với tất cả cố gắng chàng nén cảm giác này lại.
“Anh đang ở lứa tuổi rất lãng mạn,” nàng tiếp tục – “năm mươi. Hai mươi lăm thì hiểu biết thông thái về những chuyện trên thế giới nhiều quá; ba mươi thì xanh xao vì làm việc nhiều quá; bốn mươi thì là cái tuổi với nhiều chuyện để kể, phải mất cả cái điếu xì gà mới kể xong; còn sáu mươi thì – ồ, sáu mươi thì gần bảy mươi, nhưng năm mươi là cái tuổi dịu dàng ngọt lịm. Em yêu tuổi năm mươi.”
Năm mươi, đối với Benjamin chừng như là cái tuổi rực rỡ. Chàng thèm muốn được ở vào cái tuổi năm mươi một cách say mê.
“Em luôn luôn nói rằng,” Hildegarde tiếp tục, “em thà lấy một ông chồng năm mươi và được chăm sóc còn hơn là lấy một anh chồng ba mươi mà em phải săn sóc anh ta.” Đối với Benjamin, phần còn lại của buổi tối, chàng tắm đẫm trong một vùng sương mù màu mật ong. Hildegarde khiêu vũ với chàng thêm hai lần nữa và, họ khám phá ra một điều là họ rất hợp ý nhau về bất cứ những vấn đề nào họ nói đến trong ngày hôm ấy. Nàng sẽ đi du ngoạn với chàng vào Chủ nhật sắp đến và sau đó họ sẽ thảo luận những vấn đề khác.
Về nhà trong cỗ xe ngựa trước khi trời rạng đông, khi những con ong đầu tiên bắt đầu hát vo ve, và vầng trăng mờ dần trong sương đêm, Benjamin mù mờ nhận ra bố chàng đang bàn thảo việc mua bán sĩ các món hàng.
‘. . . Và con nghĩ chúng ta nên đánh giá thế nào về những món hàng mà chúng ta rất chú ý như búa và đinh?” ông bố hỏi chàng con trai.
“Yêu,” Benjamin trả lời một cách mơ màng.
“Tiêu?” Roger Button lên giọng, “Hử, chúng ta đã bàn chuyện ấy rồi mà.”
Benjamin nhìn bố bằng đôi mắt xa vắng vừa khi ấy bầu trời ở hướng đông chợt hé ánh sáng, và một con chim sơn ca ngáp dài, tiếng ngáp xuyên ngang hàng cây bắt đầu chạy vun vút…”

Nguồn:

http://en.wikisource.org/wiki/The_Curious_Case_of_Benjamin_Button/V