Nói chưa hết chuyện nàng chủ nhà vui tính và khó tính nên lôi ra kể tiếp. Nàng nắm cổ tôi và ông Tám để nói chuyện cả tiếng đồng hồ. Hai chúng tôi lễ phép đứng nghe. Nhờ nghe nàng nói mà được khen là nàng rất vui được nói chuyện với những người có học. Trong câu chuyện dông dài từ thị trường nhà cửa đến đời sống các nước nàng đã du lịch (nàng chưa đi Á châu), thỉnh thoảng nàng chêm vào vài câu về cách ở trong bed and breakfast của nàng. Nàng than phiền tụi trẻ vào ở không ngăn nắp gọn gàng. Sau đó lại đưa lên facebook than phiền chê bai đủ thứ. “Không thích thì đừng trở lại tại sao lại mang lên mạng mà kể xấu người ta.” Nàng kể chuyện thằng cháu nào đó một ngày tắm hai lần, kết luận “thật ra người ta không cần phải tắm mỗi ngày như vậy. Chỉ có một vài chỗ cần rửa ráy thôi.” Tôi và ông Tám mỗi sáng thức giấc cũng cẩn thận xếp chăn cho ngay ngắn vén khéo. Còn những cái gối trang trí sang trọng thì mình để sang một bên không đụng đến chúng. Nói chơi cho vui, nhưng nếu ai hỏi thì tôi cũng sẽ giới thiệu chỗ ở này, vì nó rẻ bằng nửa giá của khách sạn. Đây là chỗ dành cho người ban ngày đi chơi, tối về ngủ.
Chợ Byward, phân tích ra thì chữ ward có nghĩa là một khu phố, tương tự như chữ quarter trong chữ Latin Quarter của Paris, xóm hay phố La Tinh, mà chúng tôi đám trẻ con Việt Nam khi mới lớn lên nghe trong bài hát, “hỡi em ‘người xóm học’ sương trắng hè phố đêm.” Còn chữ By là họ của một người đã góp phần tạo dựng thành phố Ottawa từ những ngày mới bắt đầu. Tên của ông là John By.
Trong những cuộc đi chơi, tôi cũng có tìm hiểu chút đỉnh về nơi tôi sắp đến, tuy nhiên bản tính lười và có nhiều thứ chi phối nên tôi không tìm hiểu nhiều. Vả lại không tìm hiểu nghiên cứu trước cũng có cái hay là nó làm mình ngạc nhiên. Tôi cốt ý muốn xem vườn thiền nên không chú ý đến mọi thứ khác, nên Byward market làm tôi ngạc nhiên và thú vị.
Vòng quanh chợ, thấy có nhiều nhà hàng của người Irish. Ngày đầu tiên tôi đến trời khá nóng, người ta đặt bàn và dù bên ngoài nhà hàng, màu sắc rất thu hút, nhiều màu đỏ, màu xanh lá cây. Nhạc sĩ trình diễn trên phố vào buổi tối đã thấy đi lang thang với kèn, đàn, hay trống. Đồ thủ công mỹ nghệ cũng được bán trên hè phố rất nhiều, tơ lụa đầy màu sắc. Đa số người ta dọn hàng khi tắt nắng, có vài cửa hàng mở trễ đến tám chín giờ tối mới thu dọn.
Tôi thấy có một nhà hàng Thái, một nhà hàng Tàu, một vài cửa tiệm bán sushi, hai nhà hàng Việt, nhiều nhà hàng Irish, tiệm café. Rất ít nhà hàng Ý, hay nhà hàng Mỹ. Đi đâu cũng thấy Tim Horton nên tôi và ông Tám vào thử, mới biết nó tương tự như McDonald. Tôi gọi một cái bánh parini thịt bò giống như hamburger nhưng gói trong tấm wrap (bánh mì mỏng như bánh tráng và mềm). Ăn khá ngon. Dù tôi không đụng đến khoai tây chiên (cắt dày và to hơn khoai tây chiên của McDonald) mà tôi no suốt buổi tối.
Beavertails là một cửa tiệm bán bánh, nổi tiếng lâu đủ để được vào sách du lịch của Frommer và có một bài trên Wikipedia. Bánh chiên thì có lẽ cũng na ná như donuts. Tôi đi ngang thấy tiệm lúc nào cũng đông khách, trang trí đẹp, nằm ngay cái góc dễ thấy nên du khách thường bấm một vài tấm ảnh về làm kỷ niệm. Mấy cái tiệm bán fastfood ngó sang một department store có tên là Rideau Centre, nhìn lên mấy cái hành lang trên cao bắt ngang đường phố để giúp người dạo tiệm không phải băng ngang đường. Trên đó nam thanh nữ tú rất nhiều. Điểm đặc biệt ở Ottawa tôi nhận thấy là số người Á châu rất đông. Chiều hôm ấy tôi thấy các cô cậu ăn mặc như tài tử Hàn quốc, rất bắt mắt. Số người lang thang, lôi thôi đi phố nào cũng có cũng gặp. Tuy họ chẳng xin xỏ nhưng thỉnh thoảng cũng có vài hành động cử chỉ làm mình e dè.
You must be logged in to post a comment.