Truyện và tạp ghi của Nguyễn Âu Hồng

Nhận được và xin giới thiệu tập truyện và tạp ghi cực ngắn của tác giả Nguyễn Âu Hồng. Một giọng văn tuyệt duyên dáng và thông minh sắc sảo.

NAH bìa trước

NAH bìa sau

 

Lời Con Chim Chân Chính
(Phỏng dịch)
“Chim bay chim nhảy có chừng
Anh đi có chuyện em đừng có trông”
(Ca dao)

Ca dao mới I
(Phổ biến ở Bình Định và Quảng Ngãi trong hai thập niên 1980-1990)
“Nhà nước chia tỉnh Nghĩa Bình
Riêng em có một cửa-mình chia sao?”

Ca dao mới II
(Lan truyền trong quần chúng Bến Tre từ năm 2012 đến nay – 2018)
“Ba La là cái cửa mình
Trung ương đem lấp dân tình ngẩn ngơ.”

 

Nhận được và giới thiệu tập thơ

Tập thơ Để Nhớ Để Thương của tác giả Trần Thị Quế và các bạn.  Tác giả Trần thị Quế có trang mạng ở đây. Ngọt ngào, dịu dàng, thật dễ thương.

để nhớ để thương bìa trước
Bìa Trước
để nhớ bìa sau
Bìa Sau 

Bút hiệu Dã Thảo. Học ở Trần Quý Cáp, Hội An.

Thư Quán Bản Thảo số 80

Một quyển Thư Quán Bản Thảo rất đặc biệt do nhà văn Trần Hoài Thư thực hiện. Dày 326 trang với rất nhiều bài nhận định về thơ Cao Đông Khánh của những cây bút nổi tiếng từ bao nhiêu năm nay. Bên cạnh những bài tùy bút, sáng tác, nhận định, phê bình thơ, còn có rất nhiều bài thơ của Cao Đông Khánh được các nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc.

TQBT số 80

Điều Sảng Khoái của Vô Nghĩa Chữ

Điều sảng khoái của Vô Nghĩa Chữ - Lê thị Huệ
Lê thị Huệ viết về thơ Cao Đồng Khánh trang 173 TQBT số 80

Nhạc phẩm “Chẳng Ai Ngờ Em Đã Ngủ Quên” Thơ Cao Đông Khánh, nhà thơ kiêm nhạc sĩ Ngu Yên phổ nhạc.

Chẳng Ai NgờEm Ngủ Quên

Xin trân trọng giới thiệu với các bạn.

Bài điểm sách “Mùa Chinh Chiến Ấy” (tác giả Đoàn Tuấn) của nhà thơ Võ Thị Như Mai.

Như Mai và tôi quen nhau qua blog. Mai gửi bài này nhằm vào lúc tôi mới vừa đọc xong quyển sách hôm qua. Tôi có xóa vài chữ Mai khen tôi rộng rãi quá làm tôi thấy mình không xứng. Xin mời các bạn đọc bài điểm sách của Võ Thị Như Mai.

Continue reading Bài điểm sách “Mùa Chinh Chiến Ấy” (tác giả Đoàn Tuấn) của nhà thơ Võ Thị Như Mai.

Ba cuốn sách

Tác giả: Đoàn Minh Tuấn

mùa chinh chiến

Lý luận kịch bản

Viết kịch bản

Tôi nhận quà Giáng sinh khá sớm. Ba quyển sách từ Việt Nam đến từ thứ Tư tuần trước. Santa là nhà văn kiêm Giáo-sư trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội. Xin cám ơn nhà văn Đoàn Minh Tuấn.

Tôi tò mò về môn kịch bản phim đã lâu, một phần vì thích phim, một phần vì thích viết và dịch, tôi muốn biết thêm từ vựng Việt về điện ảnh và kịch bản.  Hai quyển sách về kịch bản thật là đúng như sự mong ước.

Hôm qua tôi bắt đầu đọc quyển “Những Vấn Đề Lý Luận Kịch Bản Phim” lúc ngồi trên xe lửa chừng sáu trang. Buổi chiều cô nàng người Mỹ ngồi cạnh tôi nói chuyện điện thoại ồn quá, và nói rất lâu, khiến tôi không đọc được (vì nổi giận, tự hỏi sao có người nói chuyện điện thoại vừa to vừa dai thế).

Tôi định đọc xong sẽ giới thiệu, nhưng tôi có một số việc cần làm ngay từ bây giờ cho đến Giáng sinh, nên xin post ảnh trước đọc sau. Lúc nãy scan mấy quyển sách, tôi lật sơ qua quyển “Mùa Chinh Chiến Ấy” chợt nhớ một vài câu hát trong bài “Hướng Về Hà Nội” đại khái như sau “một ngày tàn chinh chiến ấy, lửa khói đắm chìm, tìm về nơi bờ bến. Một ngày tả tơi hoa lá, ngóng trông về xa, tiếc thương hình bóng qua…” Có thể bạn sẽ kêu lên nhạc có liên quan với sách đâu. Tôi chỉ liên tưởng bới mấy chữ (mùa) tàn chinh chiến ấy.

Lật đại một trang trong “Mùa Chinh Chiến Ấy”, nhằm trúng cái trang nói về xác anh Hùng nằm đó nhưng mất cái đầu, máu chảy tràn lan. Khiếp đảm quá. Tôi trượt ngón tay, mất cái trang ấy, tìm lại không thấy nữa.

Tôi vốn sợ sách và phim ảnh chiến tranh nhưng có lẽ nghiệp duyên (không lành) tôi hay gặp sách và phim chiến tranh. Mượn phim Mười ngàn ngày chiến tranh VN mượn rồi trả rồi mượn lại hai ba lần, chỉ xem được một hai tập rồi thôi. Mượn phim Vietnam War, mới đây của Ken Burn, xem được ba CD thấy nổi giận vì không công bình với những người thất trận, không xem nữa. Mượn phim Hamburger Hill giữ ba tuần lễ trả lại thư viện không hề xem. Nhưng có lẽ đến lúc tôi phải đối đầu với cái sợ hãi của tôi. Xin hứa sẽ đọc quyển sách chiến tranh này, với Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy, và đọc lại quyển sách của Bảo Ninh vào ngày 30 tháng 4 năm 2018. Các bạn có ai đề nghị thêm quyển sách chiến tranh nào nữa không?

Tối qua, trong lúc lang thang trên mạng, tôi gặp một bức ảnh không biết báo nào, hình như trong chuỗi 25 tấm ảnh đáng xem. Đó là tấm ảnh một người lính Á châu trẻ tuổi, và có một câu tôi nhớ mang máng như sau: Tôi sợ những cuộc chiến tranh mấy ông già mơ mộng vẽ vời và mấy cậu trai trẻ như chúng tôi hy sinh mạng sống của mình vì cuộc chiến tranh ấy.

Chiến tranh thời nào cũng có, tôi không thể chạy trốn mãi nỗi sợ hãi của tôi.

Tôi đã đọc hồi ký chiến tranh của nhà văn Đoàn Minh Tuấn một lần, qua trang của nhà văn Lê Minh Quốc. Điểm gây ấn tượng trước nhất với tôi là Đoàn Minh Tuấn có giọng văn rất trong sáng, giản dị, thật ra tôi muốn nói, giọng văn rất giống văn người miền Nam. Có lẽ vì tôi lớn lên với văn của người miền Nam, nên tôi dễ có thiện cảm với giọng văn này. Sách in rất đẹp. (Bạn nên chạy ra nhà sách mua ngay kẻo trễ. Haha. Nói đùa một chút, xin đừng trách tôi lên giọng quảng cáo bán hàng.)

Giới thiệu sách của Thư Quán Bản Thảo

 

Đọc “Những Người Không Gặp Nữa” của Đoàn Tuấn

Đọc “Những Người Không Gặp Nữa” của Đoàn Tuấn.

Quyển hồi ký ngắn này do nhà xuất bản Trẻ thực hiện và cũng được đăng trên trang của nhà văn Lê Minh Quốc.

Tôi bắt đầu đọc Những Người Không Gặp Nữa vào lúc gần 8 giờ tối ngày thứ Sáu. Dự định đọc chừng 1 giờ đồng hồ rồi đi ngủ nhưng quyển sách quá hấp dẫn nên tôi đọc một mạch cho đến hết quyển sách. Chủ Nhật tôi đọc lại lần nữa, thong thả hơn. Tôi không được quen biết với Đoàn Tuấn. Tất cả những điều tôi biết về tác giả là do những chi tiết tôi thu thập trong quyển hồi ký ngắn này. Tác giả sinh vào khoảng năm 1960. Vào bộ đội năm 1978. Được giải thơ hạng A của Văn Nghệ Quân Đội năm 1983-1984.

Tôi thường tránh việc đọc những gì liên quan đến chiến tranh, nhất là chiến tranh Việt Nam vì loại tác phẩm này làm tôi thấy buồn. Khi tôi được giới thiệu quyển hồi ký này tôi cứ tưởng đây là một loại sách dạy về viết kịch bản hay kịch bản của phim. Cái lầm tưởng này là một cái duyên khiến tôi được đọc quyển hồi ký này.

“Những Người Không Gặp Nữa” là hồi ký chiến tranh của nhà văn Đoàn Tuấn, trong đó ghi lại những kỷ niệm về cuộc sống và cái chết của đồng đội của nhà văn trong cuộc chiến ở Kampuchia. Đoàn Tuấn muốn nhấn mạnh đến khía cạnh tâm linh của những người lính khi dấn thân vào hiểm nguy. Nhà văn tin rằng những người đồng đội có linh cảm cái chết sẽ đến với họ và anh chứng minh bằng những mẩu ký ức anh thu thập, tự anh chứng kiến, hay nghe người khác kể lại. Đây là một điều thú vị vì Việt Nam theo chủ nghĩa duy vật thế mà một nhà văn sinh ra và lớn lên trong chế độ này lại viết về khía cạnh duy tâm của đồng đội.

Thêm vào đó tác phẩm giúp tôi hiểu biết thêm cuộc chiến tranh của Việt Nam với Kampuchia từ năm 1978 cho đến 1989, cuộc sống gian khổ của những người thanh niên Việt Nam và những cái chết phi lý do chiến tranh gây ra. Tôi không dám dùng chữ hay để nói về quyển sách vì nó gây cho tôi mặc cảm tội lỗi như thể tôi đang thưởng thức những tình huống đưa đến cái chết của những người trẻ tuổi.

Tôi thích cách viết của Đoàn Tuấn; trong sáng, ngắn gọn, không đào sâu vào tình tiết khổ đau thê thảm từ cái chết của đồng đội nhưng anh cũng không tránh né khi cần phải đề cập đến những điều khốn nạn của chiến tranh. Ở một vài nơi anh có cái nhìn của một nhà thơ, ghi lại những hình ảnh đẹp và lãng mạn bên cạnh cái tàn khốc của chiến tranh.

Trong phần viết về Phạm Văn Khai[1] tác giả tả cảnh đạn pháo bắn qua bắn lại của hai bên:

“Say mê ngắm nhìn chiếc cầu vồng đỏ rực do pháo ta bắn sang bờ bên kia và pháo địch phản lại sang bờ sông bên này. Một cầu vồng lộng lẫy ngang trời đêm, một cầu vồng dưới đáy dòng sông đang cuộn xiết. […]”

Anh tả lại không gớm ghê cuộc chôn cất cái xác của một người đồng đội mà anh yêu mến tên là Hà Huy Lan. Cái xác đã rửa nát sau khi cả tuần lễ mưa dầm chưa kịp chôn, đụng đến đâu vỡ ra đến đó, tróc cả tóc và da đầu để lộ hộp xương sọ trắng hếu. Ruồi nhặng bám cả vào mặt mũi của anh.

Tôi không khỏi so sánh quyển hồi ký ngắn này với một vài truyện ngắn của Tim O’Brien, tác giả của tập truyện ngắn “The Things They Carried.” Điểm giống nhau của Đoàn Tuấn và Tim O’Brien là nhân vật của họ chiến đấu ở đất nước người, như cá bơi lạc vào dòng nước lạ. Nhân vật của cả hai chiến đấu với những bãi mìn và là nạn nhân của những cú bắn tỉa (bắn sẻ)*. Điểm khác nhau là Đoàn Tuấn viết hồi ký về sự thật còn Tim O’Brien thì viết truyện ngắn mang tính sáng tạo. Tôi không nói sáng tạo thì hay hơn hồi ký, mỗi thể loại có điểm mạnh riêng. Tuy nhiên vì tôi là người Việt tôi thích truyện của Đoàn Tuấn viết về người Việt hơn truyện của O’Brien viết về người Mỹ.

Đoàn Tuấn có tâm sự ở phần cuối quyển hồi ký là anh đã thử dùng một hai phương pháp để sáng tạo nhưng theo anh là chưa thành công. Tôi cho rằng nếu anh dùng một vài chi tiết có thật, biến Nguyễn Xuân V. thành nhân vật phản diện, khai thác sự xung đột giữa những người trong cuộc dẫn đến cái chết của Nguyễn văn Huyên và Hà Huy Lan, nhấn mạnh cá tính của mỗi người, vẽ ra tình huống trớ trêu. Để tránh tội xúc phạm đến đồng đội đã ra người thiên cổ hãy đổi tên tất cả những người liên hệ. Tôi tin anh có thể biến thành mẩu hồi ký này thành truyện ngắn, phim hay kịch.

Thêm một điểm thú vị nữa, hơn mười tám nhân vật được nhắc đến, mỗi người đều là một nhân vật có cá tính đặc biệt. Nhà văn có thể chọn một vài người, biến mỗi người thành nhân vật chính của một truyện ngắn và những truyện ngắn này có liên hệ với nhau như một chương trong quyển tiểu thuyết.

Trở lại với chủ đề những người ra trận có linh cảm là họ sẽ chết mà nhà văn Đoàn Tuấn nêu ra. Tôi không dám bác bỏ chủ nghĩa duy tâm vì điều mình không thấy không hẳn là không có. Tôi cho rằng những người vào sinh ra tử trong chiến tranh, ai cũng quan sát, phân tích, loại trừ và tổng hợp chi tiết của tình huống chung quanh, những kinh nghiệm rút ra từ quá trình quan sát và phân tích, tổng hợp cũng như loại trừ biến thành cái gọi là linh cảm. Những linh cảm này có khi đúng có khi không. Thí dụ như Đoàn Tuấn khi qua sông đã vốc nước rửa mặt nghĩ rằng nếu mình có chết thì cái mặt mình cũng được sạch sẽ. Anh đã có ý nghĩ là ở giữa trận mạc người ta có thể chết bất cứ lúc nào, đó là một phần của linh cảm. Nhưng anh may mắn vẫn còn sống sót để viết nên quyển hồi ký này. Và như thế là linh cảm của anh đã sai.

Một ngày trước khi tôi đọc “Những Người Không Gặp Nữa” tôi tình cờ đọc một hồi ký có tựa đề War (Chiến Tranh) của Sebastian Junger. Nói là tình cờ vì hồi ký này được in chung trong một tập truyện không hư cấu (non-fiction) về rất nhiều đề tài; khi bắt đầu đọc tôi cũng không biết là sẽ có chuyện chiến tranh. Điểm chung của các truyện này là truyện có thật. Junger bắt đầu tham gia cuộc chiến của một quốc gia không phải là quốc gia của anh ta với tư cách phóng viên chiến trường khi anh ta được ba mươi mốt tuổi. Anh chủ động chọn lựa đi vào chỗ nguy hiểm chết người. Anh sinh ra lớn lên trong một gia đình khá giả. Những năm hai mươi tuổi anh viết văn. Anh đi làm phóng viên chiến trường để có cảm giác mình là đàn ông, và trưởng thành. Những người đồng đội đã chết trên chiến trường của Đoàn Tuấn hoàn toàn không có được sự chọn lựa. Họ không đi tìm cảm giác mạnh để khẳng đính chất khí khái nam nhi của họ. Junger có một người bạn phóng viên chí thân cùng sống chết bên nhau nhiều lần. Và lần cuối cùng, Junger không thể đi cùng với người bạn này, và anh ta đã chết. Điểm giống nhau của Junger với Đoàn Tuấn là họ cùng nhận ra một sự thật khắc nghiệt. “Vấn đề chính không phải là bạn sẽ chết trong chiến tranh, mà chắc chắn là bạn sẽ bị mất người anh em, người đồng đội của bạn.”

[1] Đề nghị tác giả kiểm chứng lại. Ở phía dưới đoạn này lại viết tên liệt sĩ là Phạm Xuân Khai

* Thêm vào ngày 12 tháng Năm, 2017.

Thư Quán Bản Thảo 73

Hôm nay (Chủ Nhật 15 tháng 01 năm 2017) trời ấm 41 độ F, có nắng. Tuyết hôm qua rơi một lớp mỏng hôm nay đã tan hết. Tối qua Boyfriend trở về ổ ngủ suốt đêm. Sáng tôi cho chàng ăn, ăn xong chàng đi mất.

Không làm gì ngoài làm biếng, tôi xem phim và ngủ gà ngủ gật. Buổi chiều nằm đắp mền đọc Thư Quán Bản Thảo số 73. Cuốn sách nhỏ, không dày lắm, nằm đọc không sợ mỏi tay. Đọc một hơi hết quyển tạp chí mỏng và vì nhà văn Trần Hoài Thư cằn nhằn sách in lúc này không tranh được độc giả với blog, facebook, và ebook. Sách gửi người nhận không đọc. Tôi viết vài hàng để nói rằng, tôi có đọc đây nha.

tqbt73

Có nhiều bài đọc thật thú vị như bài “Một Cách Đi Về” của ông Tô Thẩm Huy, bài “Văn Hóa Đình Làng” của ông Nguyễn Đăng Thục, “Giai Thoại Về Văn Học của Phạm Nguyễn Du” của Hồng Liên Lê Xuân Giáo, “An English Memoir on Vietnam” của Nguyễn Thế Anh, “Lịch sử và Giai thoại bưu trạm Việt Nam” của Hương Giang. Còn nhiều nhưng kể nữa e bạn đọc mất hứng. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm về Văn Hóa Nguyệt San có thể e-mail trực tiếp nhà văn Trần Hoài Thư.

tranhoaithu16@gmail.com

Giới thiệu sách

ngay-do-oi

Đây là tờ chương trình của đêm kỷ niệm 15 năm sinh nhật trang mạng văn học nghệ thuật Gió O. Được in bằng giấy dó rất trang nhã, với sự thiết kế của Khuyên và Nat, hai cô cậu thật đẹp đôi. Tài hoa và nghệ sĩ.

thi-si-thi-ca-paul-celan

Thật là vinh hạnh. Gặp nhà văn Đào Trung Đạo, tôi được ông tặng cho quyển biên khảo thơ của thi sĩ Paul Celan, vừa xuất bản mới tinh khôi. Ông cho biết sách tự in. Sách rất đẹp. Tôi đọc mới được vài trang, ông có cách viết rất dễ hiểu nhưng không kém phần trí thức. Vài hôm nữa, khi trở lại nếp sống cũ, hết cơn say du lịch, tôi sẽ chậm rãi thưởng thức quyển này. Ông có vẻ giản dị niềm nở hơn là tôi tưởng tượng.

tqbt-72

Về đến nhà thì nhận được quyển TQBT số 72 của nhà văn Trần Hoài Thư gửi tặng. Sinh nhật thứ 15 của đặc san văn chương này qua đi trong thầm lặng nhưng bài vở vẫn phong phú, rất dày số trang lẫn nghĩa tình văn chương.

Sách của mình in mà mình không biết

Có một bạn nào đó thật là giỏi, đã đem một số truyện ngắn, và truyện dịch của tôi làm thành e-book với những cái bìa thật là xinh xắn. Tôi thật ngỡ ngàng khi nhận ra đây là truyện của tôi. Nghĩ đến lúc đem in truyện thành sách, cầm trên tay chắc là vui lắm.

Cám ơn bạn nào đó đã đọc, nhận thấy có chút giá trị nào đó, làm bìa gắn vào, và đem bán (nhưng miễn phí). Bạn có nói đã xin phép và được tác giả đồng ý, điều này thì tôi chẳng nhớ và tôi cũng chẳng biết bạn là ai. Giá mà bạn nói cho tôi biết thì tôi vui hơn nhiều. Tôi nhớ lại, có đồng ý cho một bạn (không nhớ tên) dùng một bài, nghĩ là đăng trên mạng, nhưng nghĩ là chỉ một bài. Tuy nhiên, nhấn mạnh, tôi không phiền, chỉ tiếc không có thì giờ sửa chữa lại cho truyện/tùy bút/tản mạn được tươm tất hơn.

Bạn này chắc thường đọc Gió O bởi vì có một số bài chỉ đăng ở Gió O mà không đem về trang nhà. Cám ơn công của bạn, nhờ bạn chắc tôi nổi tiếng hơn một chút. Thật ra công bạn đọc mấy cái truyện xoàng xoàng của tôi và làm bìa thật đẹp thì thật là hơn đứt cái tội không nói cho tôi biết 🙂 Tuy nhiên, nếu mai sau tôi có trở thành nhà văn nổi tiếng và nếu bạn có bán được sách của tôi thì xin bạn giữ năm chục phần trăm, số còn lại xin tặng cho các em bé nghèo, mồ côi nhé.

Vài cuốn phim hay

Tôi định viết về mấy cuốn phim này từ lâu nhưng wordpress của tôi bị hư cái gì chẳng biết mà gõ một hồi lâu mới ra chữ. Có khi tôi gõ hết câu rồi chữ  mới hiện ra. Và cũng vì tôi bận quá. Lúc rảnh thì lười hay mệt quá viết không nổi.

Về sách: Tôi nghe đọc hết quyển “City of a Thousand Dolls.” Sách dành cho các bạn trẻ (young adults) tình yêu nhẹ nhàng của một cô gái mồ côi, sống trong một thành phố dành riêng cho những cô gái bị cha mẹ bỏ rơi từ bé. Hãy tưởng tượng đến một xứ giống như Trung quốc theo chế độ một con. Cô gái tên Nisha theo dõi và truy tầm thủ phạm đã giết chết ba cô gái trong thành phố này. Cô có hai con mèo khôn ngoan (và biết nói). Nisha yêu một anh con nhà quí tộc nhưng về sau thì … . Hai con mèo thần biến thành người một nam một nữ (nghe giống Tiểu Thư và Lãng Tử hen? Tôi thề, lúc viết Tiểu Thư và Lãng Tử chưa nghe truyện này, nếu nghe rồi chắc không viết). Anh mèo thần này đẹp trai, chân chất, khỏe mạnh, bảo vệ Nisha, chỗ dựa cả thân xác lẫn tinh thần của nàng. Bạn có thể đoán được kết cục rồi chứ?

Về phim: Tôi xem rất nhiều phim hay, vì thế mà không có thì giờ để viết. Vì viết sơ sài thì bất công cho cuốn phim. Thôi thì vài chữ ghi lại. Cái gì xem sau viết trước vì còn nhớ.

Tokyo Fiancée. Truyện của Amélie Nothomb. Đây là best seller. Cô gái Bỉ sang Nhật, dạy tiếng Pháp cho một anh Nhật nhà giàu. Rinri yêu nàng nhưng Amélie vẫn còn đang tìm kiếm chính mình. Phim dễ thương, cảnh đẹp, vài ba cảnh nude chẳng che đậy chút nào. Amélie gầy, cao, và rất thu hút. Phim dễ gây cảm tình, so với Fear and Trembling thì nhẹ nhàng hơn.

Bridge of Spies. Truyện phim hấp dẫn. Tom Hank đóng vai chính thì không thể phàn nàn gì. Phim hơi cường điệu không mấy hợp lý nhưng xem cũng thu hút. Hoa Kỳ bắt được anh gián điệp Nga, ai cũng đòi giết. Tom Hank đóng vai anh luật sư bào chữa cho anh gián điệp này với tinh thần dân chủ, tôn trọng tự do và công lý.

Cinema Paradiso. Bạn nào đó đã giới thiệu tôi tìm xem. Phim xưa, được tô chỉnh lại. Không uổng thì giờ để xem. Tito cậu bé yêu phim thích làm phim, cùng ông ngoại mở lại một nhà chiếu phim cũ để chiếu cho người trên một đảo nhỏ của Ý xem. Tito yêu một cô gái con nhà giàu và đúng kiểu Romeo, đứng dưới chân cửa sổ nhà nàng hằng đêm mấy tháng trời, để chinh phục trái tim nàng. Dĩ nhiên mối tình này chết yểu vì cha mẹ nàng không ưng thuận. Tito bỏ làng ra đi và trở thành nhà làm phim nổi tiếng. Ba mươi năm sau, ông ngoại chết, chàng trở về tìm lại nàng. Phim xưa, hay lắm. Tôi nhớ mang máng một câu ông ngoại của Tito nói: “Người lớn, họ muốn làm điều tốt nhưng đôi khi họ sai lầm.”

Children of Heaven. Chẳng biết vì sao mà tôi xem phim này. Có bạn nào đó giới thiệu hay là cả hai phim này (Cinema Paradiso và Children of Heaven) có một điểm chung nào đó. Thí dụ như phim đoạt giải Cannes hay là cùng đạo diễn. Vì đang vội, sắp sửa đi làm nên tôi không thể tìm chi tiết. Phim của Iran. Hai anh em con nhà nghèo, mẹ ốm, bố mất việc. Người anh làm hầu hết mọi việc chợ búa giao dịch. Trong khi đi chợ mua khoai mua rau cậu bé đánh mất đôi giày của em gái. Mà đôi giày đã bị rách bươm rồi đem đưa ông thợ dán lại bằng keo. Vì đánh mất giày mà không dám nói với bố mẹ vì biết bố mẹ không tiền nên hai anh em dùng chung đôi giày của người anh để đi học. Xảy ra biết bao nhiêu khó khăn cho cả hai anh em (chừng tám chín tuổi) người anh tham gia dự thi chạy, vì đọat giải ba sẽ được đôi giày sneakers cho em mang đi học. Người anh thắng giải nhất, nhưng giải nhất không được đôi giày. Xem phim mà thổn thức.

Departures. Phim này lạ, đọat mười giải Japan Academy Prize Awards (tương đương Oscar của Hoa Kỳ). Ai chưa xem, mà có thể tìm được phim này, thì nên xem vì nó rất hay. Daigo Kobayashi mất công việc đàn cello cho giàn nhạc giao hưởng. Anh mang cô vợ trẻ về quê, nơi đó có căn nhà của mẹ anh để lại. Cần tiền để sinh sống anh đọc quảng cáo và tìm được công việc tẩn liệm thi hài trước khi mai táng. Truyện phim kết cấu rất chặt, mở thắt những gút mắt trong tâm lý.

Nếu có thể chấm điểm các phim này, tôi cho Bridge of Spies và Tokyo Fiancée ba sao. Tất cả các phim kia đều bốn sao.

Bây giờ tôi phải đi làm. Công ty tôi đang chuẩn bị đình công. Tôi bị đưa đi chỗ khác làm việc một thời gian mười hai giờ một ngày. Có thể sẽ không lên mạng một thời gian nếu đình công bắt đầu từ khuya thứ Bảy tuần này.

Chúc các bạn vui cuối tuần.

Snow, tác phẩm của Maxence Fermine

snow - Maxence Fermine

The lời giới thiệu của một bạn trẻ, đọc nhiều, tôi đọc quyển Snow của Maxence Fermine. Chris Mulhern dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh. Quyển sách mỏng, thú vị, dễ đọc, có thể đọc xong trong vài tiếng đồng hồ. Một bonus cho bạn nào đang học tiếng Anh, có thể bắt đầu đọc bằng quyển này vì không đòi hỏi phải lật từ điển. Quyển sách không vì dùng chữ đơn giản mà mất hay. Nếu bạn thích không khí Nhật Bản, thơ haiku, tình cảm nhẹ nhàng, sẽ thích quyển sách, tuy thể loại của nó được xếp vào hàng văn (tiểu thuyết) nhưng nó rất đậm chất thơ. Bạn bắt đầu học làm thơ ư? Sẽ thấy thú vị với ý nghĩ của tác giả, người ta cần biết những gì để làm một bài thơ hài cú hay. Và trong tinh thần ngày lễ Valentine’s vốn được tin là ngày ca tụng tình yêu, quyển này cũng nói thêm là không có bài thơ nào hay bằng tình yêu đôi lứa. Nếu tôi tóm tắt cốt truyện bạn sẽ không còn gì hứng thú để đọc quyển sách rất mỏng này. Mấy chương ngắn phần đầu của quyển sách, mỗi chương được mở đầu bằng một bài thơ haiku.

Winter wind
– a monk, walking
in the wood
ISSA

Frozen in the night
the water-jar cracks
wakes me
BASHO

So cold
the white petal
I bring to my lips
SOSEKI

The skin of woman
the skin they conceal
how warm it is
SUTEJO

“You are a poet. but what do you know of the other arts? Do you know how to dance, or to paint, to write in calligraphy, or to compose musics?”

Yukio did not know what to say. He could feel his face turning red.

“I am a poet. I write poems. This is the only art that matters to me.”

“That is where you are wrong. For poetry is the music. the dance, the painting and the calligraphy of the soul. If you wish to become a master poet you will have to have the gift of the absolute artist. Your poems are marvellously beautiful, they flow, they have music. But they are white like the snow. You are not a painter, Yuko. Your poems have no color. And without it, they will remain invisible to the world.”

“Ngươi là thi sĩ, nhưng ngươi đã biết gì về những bộ môn nghệ thuật khác kia chứ. Ngươi có biết múa không, hay biết vẽ, biết viết thư pháp, hay sáng tác âm nhạc?” 

Yukio chẳng biết trả lời như thế nào. Chàng có cảm tưởng như mặt mình trở nên đỏ như gấc. 

“Tôi là thi sĩ. Tôi viết thành thơ. Chỉ có nghệ thuật này là quan trọng với tôi thôi.” 

“Đây cũng là khởi điểm mà người đã sai lầm. Bởi vì thơ chính là âm nhạc, là điệu múa, là tranh vẽ và thư pháp của tâm hồn. Nếu ngươi muốn trở thành một nhà thơ có tên tuổi ngươi phải có tài năng của những bậc nghệ sĩ thuần túy. Những bài thơ của ngươi rất hay, rất đẹp, nó trôi chảy và có nhạc điệu. Nhưng nó trắng bệt bạt như tuyết vậy. Ngươi không phải là họa sĩ. Yukio. Thơ của ngươi không có màu sắc. Và vì không màu sắc, nó sẽ mãi mãi vô hình với loài người.”

 

 

Đọc Fear and Trembling

Đọc Fear and Trembling và The Character of Rain của Amélie Nothomb

Tôi đọc The Character of Rain trước, được hơn ba mươi trang tôi thấy chán. Thấy trên bìa của quyển The Character of Rain có giới thiệu Amélie Nothomb là tác giả của quyển sách đắt khách của nhiều quốc gia trên thế giới; đó là quyển Fear and Trembling. Tôi liền đọc quyển này và tạm gác quyển kia qua một bên.

Fear and Trembling xin dịch là Sợ hãi và Run rẩy. Còn quyển kia thì không biết dịch như thế nào. Đơn giản đó là Mưa, hay Vũ. Mỗi chương đều mở đầu bằng chữ Vũ viết theo tiếng Trung-hoa (đơn giản). Còn chữ character thì phải giải quyết sao đây? Những nét của chữ mưa, hay tính chất của mưa, hay chỉ mưa thôi là đã có bao gồm chữ character trong đó?

Sợ hãi và Run rẩy là một quyển sách thú vị. Bằng giọng văn khá hài hước, giống như nói đùa mà mặt nghiêm không nhếch môi cười, tác giả nói lên cái nhìn của một cô gái người Bỉ, hai mươi hai tuổi, về người Nhật bản trong nền văn hóa của thời thương mại toàn cầu (corporate culture). Tôi thật không biết dịch chữ corporate culture sao cho ngắn gọn và đầy đủ. Đối thoại của bà rất sắc bén, và khôi hài. Tôi rất thích cách viết đối thoại chửi bới mà vẫn thanh lịch, người nghe chửi (đáng lẽ phải nhào vào đấm đá, ghịt tóc, và cào cấu) vẫn bình thản đối đáp, lạnh như băng nhưng cũng đốt cháy ghê gớm như lửa. Quyển sách mỏng thôi. Tôi đọc nhẩn nhơ chỉ một ngày là xong. Amélie người kể chuyện sang Nhật làm việc dưới quyền một cô gái Nhật rất đẹp, Fubuki Mori, “cao và gầy như một cây cung.”

Tôi chưa hề sống ở Nhật ngày nào, chưa hề tiếp xúc với người Nhật, tất cả những gì về văn hóa Nhật tôi chỉ biết qua phim ảnh và sách vở. Liệu người viết và người đọc có thoát khỏi những thành kiến tốt cũng như thành kiến xấu về người Nhật. Chắc có thể nhận định khách quan một cách tương đối.

Quyển sách được viết xong vào năm 1999. Dịch ra tiếng Anh (dịch giả Adriana Hunter) năm 2001. Vào thập niên 90, Amélie Nothomb cho thấy tính tình và cách cư xử của đàn ông Nhật không mấy khác với hình ảnh người Nhật trong trí tưởng tượng của tôi dựa trên những cuốn phim Nhật (của thập niên 30 cho đến 50) mà tôi đã xem. Họ có thể rất lễ độ (với cấp trên và người lạ) nhưng cũng rất độc tài thô lỗ  (với cấp dưới). Trong chỗ làm việc, họ cũng giả dối, cướp công, trả thù, đòn ngầm. Về mức độ giả dối, họ là cao thủ có lẽ chẳng thua gì giới thương mại Hoa Kỳ.

Phụ nữ Nhật, thời nào cũng vậy, ở những năm 90 vẫn lép vế đến tận cùng. Họ ít khi đi làm dù có học vấn cao. Nếu đi làm họ thường giữ những chức vụ rất thấp (ở Hoa Kỳ thì khá hơn, tuy phụ nữ vẫn ít khi ở trong giới lãnh đạo cao cấp). Amélie ban đầu là coffee girl, mang cà phê phục vụ người làm việc. Do bản tính của người phụ nữ Tây phương, tự tin, xông xáo, giỏi tiếng Nhật, cầu tiến, phát biểu tư tưởng, mà càng ngày cô càng gặp rắc rối. Cô xuống cấp dần dần, và tuột dốc không phanh, đến độ trở thành người canh gác phục vụ người dùng phòng vệ sinh cả nam lẫn nữ. Hợp đồng làm việc của Amélie là một năm. Sếp trực tiếp của cô, Fubuki Mori, ban đầu cũng là coffee girl, phải làm việc mười năm mới lên được chức vụ hiện tại. Amélie trước khi rơi xuống đáy vực của nền văn hóa văn phòng trong công ty, cô có giúp Tenshi, giám đốc của một ban khác, viết một bản báo cáo thương mại. Nhờ là người Bỉ, cô thương thuyết và liên lạc với công ty ở Bỉ, nên bản báo cáo rất vừa ý ông Tenshi. Tenshi muốn đưa Amélie giữ chức vụ tương đương với chức vụ của Fubuki. Rồi từ đó Amélie bị đẩy thẳng vào địa ngục (cầu tiêu) bằng bàn tay của người phụ nữ cô yêu mến và tôn thờ, Fubuki Mori. Còn ai trồng khoai đất này chứ.

@ @ @

Trang 36. Sau khi Tenshi dự tính thăng cấp cho Amélie không thành công, Amélie muốn nói chuyện cho ra lẽ với Fubuki.

“Vâng, Người Tàu đã chẳng phải chờ có chế độ Cộng sản để xem hành động tố giác là một việc đáng khen ngợi. Cho đến bây giờ, người Tàu ở Singapore vẫn còn khuyến khích con cái họ mách lẻo về mấy đứa bạn của chúng. Tôi cứ nghĩ rằng người Nhật Bản tôn trọng danh dự lắm chứ.”

Tôi đã làm nàng nổi giận. Một chiến lược sai lầm.

Nàng mỉm cười.

“Em nghĩ là em ở vị trí có thể dạy tôi về đạo đức à?”

“Thế chị nghĩ tại sao tôi lại muốn nói chuyện với chị chứ, Fubuki?”

“Tại vì em không biết suy nghĩ.”
“Thế chị không nghĩ là tôi muốn giảng hòa à?”

“Tốt lắm. Em xin lỗi và chúng ta sẽ làm hòa với nhau.”

Tôi thở dài.
“Chị nhanh trí và thông minh. Tại sao chị lại giả vờ không hiểu chứ?”
“Đừng có tự cao. Tôi biết tõng ruột em đấy.”

“Hay lắm. Thế là chị hiểu tại sao tôi rất căm phẫn.”

“Tôi có thể nhìn thấy lý do và tôi không tán thành. Tôi mới là người có quyền căm phẫn thái độ của em. Em nhắm nhía vào một cuộc thăng quan tiến chức mà em không có quyền làm như thế.”

“Ừ, thì cứ coi như là tôi không có quyền làm thế. Nhưng chị có bị mất mát gì đâu? Cơ hội tiến thân của tôi chẳng cướp đoạt cái gì của chị cả.”

“Tôi hai mươi chín tuổi. Em chỉ mới hai mươi hai. Tôi mới nhận chức này hồi năm ngoái. Và tôi tranh đấu để được chức này cả chục năm. Em nghĩ là có thể đoạt một chức vụ tương đương với chức vụ của tôi chỉ sau vài tuần làm việc trong công ty này?”

“Thì ra thế. Chị chỉ muốn tôi khốn khổ. Chị không thể chịu được khi nhìn thấy người khác có cơ hội. Thật là trẻ con.”

Nàng tặng tôi một tiếng cười khinh bỉ.

“Và em cho là hành động biến tình thế của em trở nên tệ hại hơn là dấu hiệu của sự trưởng thành à? Tôi là cấp trên của em. Em nghĩ là em có quyền hỗn với tôi như thế sao?

“Chị nói đúng. Chị là cấp trên của tôi. Tôi không có quyền. Tôi biết. Nhưng tôi muốn chị biết là tôi đã thất vọng biết chừng nào. Tôi rất xem trọng chị.”

Nàng cười thật quí phái.

“Tôi thì không thất vọng. Tôi đã chẳng xem trọng em chút nào.”

@ @ @

Sợ Hãi và Run Rẩy là cuốn sách hay, giúp ích cho những cô gái mới bước vào ngưỡng cửa làm việc. Bổ ích cho người làm việc cho hãng Nhật hay dưới quyền của người Nhật. Bổ ích cho cả người làm việc cho và với người Tây phương. Bởi vì khi lọt vào vòng danh lợi, hãng nào công ty nào cũng có những tranh chấp hãm hại đòn ngầm như nhau cả. Khi đi làm cần phải hiểu corporate culture, cách làm việc, thể thức, cá tính, hệ thống báo cáo ngoài mặt và đường ngầm, những luật lệ giao tiếp không có ghi trong văn bản. Nhiệt tình và ý kiến thổ lộ không đúng nơi đúng lúc có thể gây họa cho bản thân. Tuy là tác phẩm hư cấu nhưng độc giả có thể nghiệm ra rất nhiều sự thật khi Amélie Nothomb cho hai nền văn hóa Đông Tây chạm trán với nhau trong văn phòng của một công ty Nhật Bản.

Quyển Mưa có nhiều chương đáng chú ý, cũng là cái nhìn về văn hóa Nhật Bản. Mấy chương đầu Nothomb viết chuyện không đâu. Tôi nghĩ sao bà may mắn quá, viết như thế mà cũng được in thành sách, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Quyển này bà viết về tuổi thơ của nhân vật Amélie trong nền văn hóa Nhật. Cha của nhân vật là một nhân viên làm việc cho tòa đại sứ, hay chính là nhà Đại Sứ, tôi đọc không kỹ nên không chắc chắn. Amélie có hai người hầu. Một người nhan sắc trung bình là con nhà nghèo, xem con chủ như là con trời. Một người xinh đẹp tuy già có gốc gác quí tộc, thù ghét người da trắng vì cho rằng họ là nguyên nhân của sự suy sụp của gia đình bà (sau hai trái bom nguyên tử). Amélie kể chuyện người bố đi làm ca sĩ cho hí viện chuyên trình diễn kịch Noh, học hát và múa với một vị thiền sư chỉ vì muốn chứng tỏ mình là một người yêu văn hóa Nhật Bản. Có một đoạn người thông dịch viên dịch sai, cố ý dịch sai, rất hay. Tôi gặp nhiều lần về việc cố ý dịch sai. Bởi vì dịch sai đôi khi là một điều cần thiết. Điều này để đó có dịp tôi sẽ nhắc lại kỹ hơn, bởi vì nó rất vui.

Tóm lại, tôi không biết Fear và Trembling đã được dịch ra tiếng Việt chưa. Đây là quyển sách thú vị cho những người muốn tìm hiểu thêm về phong tục và cuộc sống của người Nhật, bằng con mắt quan sát của người phụ nữ Tây phương. Hai quan điểm của hai thái cực. Rất hay. Đáng đọc. Tôi vẫn chờ một cuộc đột phá văn học nữ quyền ở Nhật Bản và Nam Hàn. Họ bị dồn nén lâu ngày quá mà sao chưa thấy họ làm cách mạng văn học. Còn Bắc Hàn, không biết bao giờ mớ có một nhà văn trốn ra khỏi xứ này để được trao giải Nobel về văn chương?

Xin lỗi bạn đọc, tôi lại lang thang qua những câu hỏi chẳng dính líu gì với hai quyển sách tôi đọc.

Đọc “Cuối Đêm Dài”

Mấy hôm nay, mỗi ngày một chút trên xe lửa tôi đọc hết quyển Cuối Đêm Dài của chị Nguyễn thị Thanh Bình. Gọi là chị vì lễ phép. Gọi là Bà thì e là bạn đọc tưởng Thanh Bình già, dù chữ Bà là để gọi (theo lối Mỹ) những người phụ nữ đã lập gia đình. Tôi không biết gì về tuổi tác và thân thế chị Thanh Bình, thấy trên mạng thì sự nghiệp văn học của chị cũng lừng lẫy lắm. Dáng dấp chị rất trẻ trung chắc là nhỏ tuổi hơn tôi.

Cũng xin bạn đọc đừng nghĩ đây là bài phê bình văn học, thật tình là tôi không dám phê bình. Quyển sách ra đời quá lâu (copy right từ năm 1993) nên cũng không thể nói là giới thiệu. Thế thì gọi là gì. Không biết. Tôi có thói quen mỗi buổi sáng, hôm nào đầu óc tỉnh táo, không lười biếng quá độ, thì nghĩ gì viết nấy. Gọi là nhật ký, tản mạn, free writing, hay chuyện bâng quơ, gì cũng được. Đây là nhận định của người vẫn còn đang tự học viết văn, thích đọc, đọc rồi tự chiêm nghiệm tự hỏi mình rút ra được gì học được gì. Hay coi như là cái nhìn của người đi sau về thành quả của người đi trước.

Dài dòng quá, phân bua mãi. Nói gì thì nói đại cho rồi. Bà ơi là bà. Tôi nghe tôi nói thầm với tôi như thế.

Cầm quyển sách trên tay tôi thầm nghĩ, người viết văn nào cũng nên, hay cần phải, in sách; dù in sách trong thời kỳ mạt sách này coi như huề vốn đã là lời. Lời ở chỗ sách đến tay người thích đọc sách. Nên in sách vì sẽ được đọc nhiều hơn kỹ hơn, được biết đến, được chú ý nhiều hơn là tác phẩm của tác giả chỉ xuất hiện trên mạng. Tôi để ý dù tôi là người đọc trên mạng nhiều hơn đọc sách in, tôi vẫn chú trọng, đọc kỹ hơn, trân trọng hơn khi đọc sách in. Một thành kiến, một thói quen đã thành hình nhiều năm rồi. Khó bỏ.

Quyển sách ra đời từ năm 1993. Cứ đoán bừa thì khi quyển sách ra đời chị phải ở lứa tuổi ba mươi.

Thanh Bình có giọng văn của người lớn, ngay cả khi nhân vật của chị đóng vai trò bé bỏng, gọi ông xưng em. Qua giọng văn, tác giả là có chút nam tính.  Trong văn của Thanh Bình, không có những chuyện tình của những cô gái mới lớn sướt mướt và làm dáng.  Tôi chúa ghét phải đọc những chuyện tình mới lớn bắt đầu yêu như thế. Và may mắn hơn nữa, chị cũng không viết về chuyện tình của những người đàn bà không còn trẻ nhưng vẫn còn sướt mướt và làm dáng vì tưởng mình còn trẻ.

Thanh Bình viết nhiều về tình yêu và những vấn đề của phụ nữ. Người chồng giết vợ phải đối diện với lương tâm. Lương tâm lại là giọng của một cô gái trẻ trong “Như Hình Với Bóng.” Khi đọc truyện đầu tiên trong tuyển tập truyện ngắn này là “Những Gặp Gỡ Bất Ngờ” tôi đã tự hỏi sao chị không cho nhân vật đàn ông là một người Mỹ? Tại sao “Người Khách Đêm Trừ Tịch” phải là người đàn ông Việt cho người đàn bà Việt. Giả tỉ như một trong hai người là người Ý, thì sao? Chị có gặp phản kháng không nếu đây là chuyện xác thịt của một người đàn bà người Việt và người đàn ông khác dòng giống? Những năm 90 còn quá sớm để viết về tình yêu Việt và người Âu? Thanh Bình có viết thoáng qua về tình dục, không sống sượng tục tằn quá cũng không bay bướm hoa mỹ quá. Tôi thích thế.

NTTB Cuối Đêm Dài

Tôi thấy chất nữ quyền trong rất nhiều truyện của chị. Đàn bà trong truyện của Thanh Bình là những người tự chọn lựa, tự quyết định, và chấp nhận hậu quả của những sự chọn lựa và quyết định này. Những người đàn bà này, trong sự yếu ớt, cô đơn của họ đã một mình cố gắng một cách tuyệt vọng đi ngược lại quyền lực của chế độ, của xã hội. Người đàn bà yêu một người tê liệt, đã làm theo lời yêu cầu của người tình, giải thóat cho anh bằng cách đẩy xe lăn của anh ta xuống vực (Tháng Mười Hai Cuối Cùng). Người đàn bà sống trong chế độ một con đã tìm cách giữ đứa con thứ hai trong bụng mẹ (Khát Vọng). Người đàn bà yêu một nhà sư hằng năm tìm gặp người yêu (Mùa Xuân ở Trần Gian). Người đàn bà trả thù chồng bằng cách giả câm giả điếc (Nửa Nụ Cười). Người đàn bà tự đi tìm đến nhà người đàn ông nàng thầm yêu (hay chỉ mới thích thích vậy thôi) lúc nửa đêm (Những Gặp Gỡ Bất Ngờ).

Với mười sáu truyện ngắn trong “Cuối Đêm Dài” tôi nhìn thấy một giọng văn khác với dòng văn học trước năm 75. Khác ở cách chọn chủ đề, khác ở cách xây dựng nhân vật. Tôi tự hỏi khi viết chị có cố ý lồng ý thức nữ quyền vào nhân vật hay không, nhưng nhân vật nữ của Nguyễn thị Thanh Bình là những người muốn làm chủ bản thân và ý thức của họ. Từ sự chọn lựa và quyết định của nhân vật, tôi nhìn thấy ý thức nữ quyền của chị Thanh Bình. Nhân vật của chị thất bại trong cuộc đi ngược dòng văn hóa, nhưng họ là những người đàn bà can đảm, trong cô đơn họ chọn lựa và dầu biết là mình sẽ bị thiệt thòi.

Giới thiệu tác phẩm văn thơ và nhạc

tản mạn văn chươngTQBT 67 trong lớp khói màuTQBT 66 Sài GònLữ Quỳnh Mây Trong Mơ

PCH Đất Còn Thơm

DRAN, NGÀY VỀ

tặng anh Đinh Cường

khi trở về chàng đứng ngẩn ngơ
giọt nước mắt rơi trên nền đất cũ
đêm Dran
nhớ tiếng xe thổ mộ
về hướng Kado về phía Lạc Lâm
đêm Dran
nhớ quá tiếng đàn
và giọng hát của bạn bè một thời bạt xứ
đêm Dran
nhớ những mảng màu của một thời tuổi trẻ
chiếc giá vẽ gian nan và năm tháng sương mù
khi trở về
Dran không còn mùa thu
bên kia đèo và nơi kia Đà Lạt
nhớ Schubert và Serenade
chiều rất buồn chiều trên đồi thông
đêm rất buồn đêm ở đường Hoa Hồng
đêm và những bức tranh
vẽ hoài vẫn còn dang dở

khi trở về chàng đứng ngẩn ngơ
giọt nước mắt rơi trên nền đất cũ

Virginia, April 17, 2014

Tác giả: Phạm Cao Hoàng

NTTB Cuối Đêm DàiIMG_0007

Có vài quyển tôi được tặng đã lâu, tôi định bụng đọc xong sẽ giới thiệu chi tiết hơn, tuy nhiên tôi bận quá (và ham chơi lười biếng nữa) vì thế nên chậm giới thiệu. Nhà văn Nguyễn thị Thanh Bình và nhà văn Lữ Quỳnh đã gửi qua tay ông Tám nhân dịp ông Tám chở nhà văn Trần Hoài Thư đi dự đám tang họa sĩ kiêm thi sĩ Đinh Cường. Còn CD nhạc của nhạc sĩ Khánh Trân thì mới nhận được cách đây vài hôm qua đường Bưu Điện.

Xin trân trọng cám ơn nhà văn Trần Hoài Thư với ba tác phẩm, nhà thơ Phạm Cao Hoàng, nhà văn Lữ Quỳnh, nhà văn Nguyễn thị Thanh Bình, nhạc sĩ Khánh Trân. Đặc biệt cám ơn nhà thơ Phạm Cao Hoàng và hiền thê đã tiếp nhận ông Tám ở qua đêm.

Tám sẽ giới thiệu chi tiết hơn sau khi thưởng thức tác phẩm của quí vị.

Chơi với lửa

Playing with Fire Tess Gerritsen

Hôm thứ Tư tuần trước (trước thứ Tư vừa qua) tôi đi trả sách, bà quản thủ thư viện bảo tôi, “bà nên đọc quyển này, nhưng bà phải chờ sau khi tôi đọc xong.”
“Vâng, nhưng tôi có thể đặt nó trước (put on hold) và chờ bà đọc xong.”
“Quyển này nói về Holocaust, và âm nhạc. Bà đọc rồi sẽ thấy, hay lắm.”

Bà quản thủ thư viện này thích loại sách của tôi thường hay đọc, dường như chúng tôi có cùng cái taste về văn học. Thỉnh thoảng bà giới thiệu với chồng bà một trong những quyển non-fiction bà thấy tôi đọc. Bà cũng giới thiệu với tôi những quyển sách bà thấy hay. Và thứ Tư vừa qua tôi được cho mượn quyển sách này. Cùng lúc tôi mượn được nhiều phim ảnh, sách về thần thoại huyền thoại mà tôi đang tò mò tìm hiểu. Sợ phụ lòng bà quản thủ thư viện, và cũng sợ khi bà hỏi dăm ba câu (small talk) trong lúc tôi trả sách về quyển sách bà giới thiệu mà mình không biết đường trả lời, tôi đọc quyển sách ngay lập tức.

Sách hay, dễ đọc, rất hấp dẫn. Khó dịch. Tôi không có đủ từ để dịch về âm nhạc và khi đọc tôi cũng không hiểu hết. Tôi không mường tượng được tiếng nhạc bổng hay trầm, khi tác giả nói đến những cung nhạc. Nói A thì tôi không chắc nó là Đô hay Sol, nói về nhịp điệu adagio tôi không biết nó nhanh đến cỡ nào hay chậm đến cỡ nào. Có lẽ cần phải nghe và học thêm âm nhạc cổ điển của Tây phương để có thể cảm thụ văn học nhiều hơn. Còn Holocaust thì mãi đến bây giờ người ta vẫn còn khai thác nỗi đau lớn này trong văn học. Người đọc vẫn thấy cứa vào lòng những đau đớn của phận người nhỏ nhoi trước sự độc ác của những người có quyền lực.

Tôi đọc liên tục vào những lúc có thể đọc từ thứ Tư đến Thứ Sáu thì xong. Truyện nói về mối tình của hai nhạc sĩ trẻ, lồng vào bản nhạc viết cho violin và cello. Bài ca dành cho người đang hấp hối, đang đau đớn. Một người cùng với gia đình bị bắt đưa vào trại tập trung. Một người ở lại cố chờ nhưng … . Một người nhạc sĩ vĩ cầm tìm được bản nhạc xưa khi đang du lịch bên Ý và từ đó đảo lộn cuộc sống của nàng. Câu chuyện được thắt mở theo lối viết truyện trinh thám, vì đây cũng là một câu chuyện trinh thám, cộng thêm mạch truyện của liên hệ mẹ con, vợ chồng, tình gia đình, tình yêu, v.v… .

Nếu độc giả có chừng hai ngày không có gì trói buộc gấp gáp, đọc quyển này cũng rất thú vị.

Nhận được

Nhận được nhưng bận mấy hôm rày nên chưa đọc Tân Văn. Nhật Ký Thằng Điên thì đọc được đến trang 60. Người tỉnh thường sợ người say và người điên, bởi vì người ta thường lợi dụng cơn say và cơn điên để nói về những chuyện mà bình thường người ta không thể nói. Nhật Ký Thằng Điên nói về băng hoại của xã hội.

tv93 NKND