Thật là thú vị khi người Mỹ nói viết thơ, nhưng người Việt lại nói làm thơ. Viết văn nhưng làm thơ. Chúng ta không nói viết thơ và làm văn, ngoại trừ khi còn ở Tiểu học chúng ta có “tập làm văn.”
Chẳng qua là do quen tai. Ai viết không thuận tai mình thì mình cho là sai.
Tôi có một cuốn lịch, từ hồi năm xửa năm xưa nào đó, mỗi ngày (mỗi tờ lịch) có in một bài thơ hay một câu phát biểu về thơ của một tác giả có tiếng. Tờ lịch ngày 19 tháng Chín, tôi lựa ra để có thể đăng lên blog mãi cả tháng sau mới có dịp dùng. Đoạn văn sau đây của tác giả Anne Stevenson. Đọc tiểu sử của bà trên Wikipedia bà sinh năm 1933. Bố mẹ người Mỹ sang Anh làm việc. Bà sinh ra ở Anh, sang Mỹ sống làm việc, sau đó trở về Anh. Thuở nhỏ bà học văn và nhạc. Về sau bà bị mất khả năng nghe nên trở thành nhà văn (và thơ).
Tôi vẫn tự hỏi người ta đã làm thế nào để có thể viết thành một bài thơ. Trong vòng quen biết trên mạng tôi rất muốn phỏng vấn các nhà thơ để các vị chỉ bảo tôi nhưng bản tính tôi hay ngần ngại, nhất là với những người mình không quen biết hay không quen thân. Nhân thấy đoạn văn của bà Anne Stevenson nên tôi đưa lên đây để suy nghĩ tiếp.
“Writing a poem is like conducting an argument between your unconscious mind and your concious self. You have to get unconsciousness and consciousness line up in some way. I suspect that’s why working to a form, achieving a stanza, and keeping to it – deciding that the first and third and fifth lines will have to rhyme, and that you’re going to insist on so many stresses per line – oddly helps the poem to be born. That is, to free itself from you and your attention to it and become a piece of art in itself. Heaven only knows where it comes from!
I suppose working out a form diminishes the thousands of possibilities you face when you begin. And once you’ve cut down the possibilities, you can’t swim off into the deep and drown.” – Anne Stevenson
Làm một bài thơ cũng giống như điều khiển một cuộc tranh luận giữa sự vô thức và ý thức của chính mình. Bạn phải làm sao để có thể kết hợp cả hai thứ. Tôi đoán đó là lý do tại sao phải dùng một hình thức nào đó, viết thành một khổ thơ và tiếp tục giữ thể loại này – quyết định câu thứ nhất và thứ ba và thứ năm phải gieo vần với nhau, và bạn sẽ nhất định giữ mỗi câu có bao nhiêu chỗ nhấn giọng (tôi đoán để có thể giữ cho câu thơ lên bổng xuống trầm) lạ lùng thay lại có thể giúp cho bài thơ được ra đời. Có nghĩa là giải thoát bài thơ ra khỏi bàn tay cùng với sự chú ý của bạn dành cho nó để nó trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Có trời mới biết là bài thơ bắt đầu từ đâu!
Tôi cho rằng khi bạn chọn một thể loại cho bài thơ thì đã giúp giảm đi nhiều điều kiện bạn phải chọn lựa. Loại bỏ những sự chọn lựa này rồi bạn không thể nào bơi xa bờ ra chỗ sâu rồi bị chết đuối.” – Anne Stevenson

Hôm nay 2 tháng 12 2021, một lần nữa tôi bắt gặp tvvn.org lấy bài tôi đăng lên trên mạng nhưng không đề tên tác giả. Chẳng đáng gì nhưng tại sao lại làm như thế? Tôi đọc bài, thấy ngờ ngợ quen quen. Lục lại trên blog thấy bài cũ đăng từ 15 tháng Mười năm 2017.
Nói làm thơ Anh ngữ thì đúng cái em đang học rồi, mà học mới thấy khác thơ văn phương Đông mình lắm.
Em bắt đầu học lớp Poetry trước khi bắt đầu viết thơ tiếng Anh, và càng học thì càng thấy có quá nhiều loại và quá nhiều dạng thơ, quá nhiều cách tính vần true rhyme, half rhymes, bởi vì khác với tiếng Việt, cách phát âm tiếng Anh đa dạng nên tìm vần cũng khó khăn, hầu hết đều chỉ là nửa vần, hoặc vần na ná. Bên này học thơ người ta khuyến khích tự mình đọc diễn cảm, nhìn vào gương đọc hay đọc cho cả lớp cũng được, người viết phải tự đọc người nghe mới biết nhấn ở đâu, ngắt nghỉ thế nào, hàm nghĩa ra làm sao. Nói chung rất khác ở Việt Nam. Mà ở VN thì cũng không có lớp dạy bài bản làm thơ, không có chỉ dẫn về bằng trắc lên xuống, cái này thì em hi vọng là tương lai sẽ có thêm 🙂
Thơ tự do cũng có quy luật của nó, như sonnet quy luật là iambic pentameter (thi thoảng là tetrameter) và vần cuối dòng xen kẽ, hai dòng cuối vần cho nhau hay villanelle mười chín dòng, chỉ vần hai âm và lặp câu nhưng yêu cầu mỗi lần lặp đều phải mang một nghĩa khác. Quy luật thơ tự do nằm ở ngắt nghỉ, xuống dòng, rồi còn có thể loại visual poetry, tức thơ tự do dùng cách cắt câu và sắp xếp các dòng tạo thành hình miêu tả hay tạo một cái hiệu ứng nào đó lên người đọc, rồi còn cả prose poetry, về cơ bản thì chỉ là một đoạn văn xuôi, nhưng dùng hình ảnh ẩn dụ để người ta đọc vào là biết đó là thơ.
Có lần em dịch một đoạn thơ prose poetry, nhưng không nhận ra đó là thơ mà dịch luôn thành văn xuôi nữa cơ 🙂