Con đưa mẹ đi chơi

Ngày xưa con còn bé thì mẹ dẫn đi chơi. Bây giờ thì ngược lại, mẹ già được con đưa đi chơi. Tôi nghe và nhìn thấy về hiện tượng empty nest. Nhiều người bạn quen biết với tôi thấy cô đơn khi tuổi già vì con cái đã rời khỏi gia đình. Rồi tôi cũng sẽ đến lúc ấy, nhưng bây giờ thì chưa. Biết con mình ngày càng lớn, càng đi xa, ít có dịp gặp con, nên tôi rủ con tôi đi chơi New York. Đây là một thành phố rộng lớn có rất nhiều thứ để xem, đi xem cả tháng cũng còn những thứ mình chưa xem chưa biết. Nội cái viện bảo tàng thiên nhiên ở New York, đi xem một ngày cũng chỉ được một phần nhỏ mà thôi. Còn viện bảo tàng nghệ thuật và Cloisters và MOMA và nhiều thứ nữa. Cô út hỏi tôi có muốn đi xem viện bảo tàng Cooper Hewitt không, tôi ừ ngay lập tức. Thứ Sáu tôi nghỉ một ngày, đi theo con. Tôi thích nhìn theo tầm nhìn của một người trẻ tuổi, bởi vì nó rất khác biệt với cái nhìn của mình. Đây là một chuyến đi rất thú vị, tôi học hỏi nhiều thứ hoàn toàn nằm ngoài sự hiểu biết hằng ngày của tôi.

Cô hoàn toàn tổ chức chuyến đi, từ chuyện đi xe lửa chuyến nào, giờ nào. Đi hướng nào đường nào, y như bố cô vậy. Nhưng bố cô lái xe còn hai chúng tôi không ưa chuyện phiền toái lái xe vào New York, chật chội, tìm chỗ đậu v.v…

Đi xe lửa vào New York, đi xe điện ngầm uptown tuyến C, xuống trạm 86, băng ngang Central Park.

Central Park đi chục lần vẫn còn muốn đi ngang. Tôi hẹn mình sẽ trở lại Central Park chụp cho hết ảnh những cái cầu. cầu thứ 24

Trước khi vào Cooper Hewitt (C. H.) chúng tôi đi ăn brunch ở một quán ăn kiểu Úc. Quán là một cái “chái” nhà thờ, chẳng biết gọi là alcove có đúng không. Nó là một cái phòng rất nhỏ trước khi vào phần chính của giáo đường. Cái chái này là cái phòng nhỏ của nhà thờ “Heavenly Rest.” Biến cái phòng nhỏ này thành một thứ café, có wifi, tôi sạc điện cho cái điện thoại ở đây, đề phòng tôi sẽ dùng hết điện vì chụp ảnh.

Tôi đã ăn sáng ở nhà, nhưng thấy cô ăn tôi cũng ăn. Gọi món giống như món cô gọi. Bánh mì nướng, bên trên là một lớp trái bơ thật dày. Phần ăn của cô có thêm quả trứng, phần của tôi không. Một chút nước sốt chua chua ngọt ngọt, vài miếng cà chua nhỏ như trái anh đào rất ngọt, vài cọng giá alfalfa và một ít cheese. bánh mì với avocado kiểu Úc

Ngay từ lúc ở ngoài cửa bảo tàng tôi đã thấy rất hứng khởi vì thấy bảng giới thiệu phim của Pixar. Viện bảo tàng khá nhỏ so với các viện bảo tàng khác. Đây là một viện bảo tàng của tư nhân, chuyên về design, thiết kế, mẫu quần áo, đồ trang sức, các mẫu vẽ sáng tạo như giấy dán tường, vải, kiến trúc, v.v… nhiều thứ lắm không thể nào gồm lại trong một câu. Bảo tàng là một nhánh của Smithsonian. Người trẻ, học sinh trung học, đại học, hai mươi ba mươi tuổi, đi xem chỗ này nhiều hơn người lớn tuổi.

Ấn tượng đậm nhất của tôi là khoa học kỹ thuật được áp dụng vào thiết kế sáng tạo. Đầu tiên chúng tôi được giao cho mỗi người một cây bút điện tử. Cây bút có hai đầu, đầu lớn có cái nút nhấn bên trên đóng dấy chữ thập. Đầu nhỏ nhọn giống như đầu cây bút. Khi gặp một vật đang được trưng bày, nếu muốn ghi nhận tài liệu về vật này, tôi ấn cái đầu chữ thập vào cái chữ thập trên bảng giới thiệu vật đang trưng bày. Tất cả chi tiết về vật trưng bày sẽ thu về một account của tôi, về nhà tôi chỉ cần gõ mã số bảo tàng dành cho tôi, sẽ tìm thấy những điều tôi đã ghi nhận.

Cái đầu nhỏ của cây bút có công dụng khác. Rất nhiều nơi trong bảo tàng có những cái bàn điện tử. Cây bút được dùng để chọn những đề tài người xem muốn tham khảo, bằng cách chọn một cái bong bóng đang bay trên mặt bàn có hình ảnh và chi tiết gói trong bong bóng. Kéo cái bong bóng bằng cây bút đến chỗ mình đang đứng, trước mặt trên bàn có một ô vuông dành riêng cho người sử dụng. Người xem có thể thêm bớt chi tiết, tự vẽ mẫu mã, chọn màu sắc, vật liệu để thiết kế thành một món đồ và nhìn thấy món đồ trong không gian (3D).

Cách kể chuyện bằng hình ảnh của hãng phim Pixar và các họa sĩ chuyên vẽ ảnh làm phim biểu lộ quan điểm nghệ thuật của họ.

13 đồng một bao nhang

Ghé tiệm bán đồ kỷ niệm của bảo tàng, thấy hộp chứa mấy bao nhang có chữ Việt. Không biết một gói nhang bán bao nhiêu ở VN nhưng ở bảo tàng giá là 13 Mỹ kim.

Đây là một thiết kế đặc biệt của Jenny E. Sabin. Một loại chỉ tơ có thể hút ánh sáng và tỏa ra ánh sáng. Nhẹ và mềm có thể cuốn lại, trong tương lai có thể được dùng làm lều cắm trại vì nó hút ánh sáng mặt trời và tỏa ra ánh sáng vào buổi tối.

Còn nhiều hình ảnh lắm, kể không hết, chỉ thêm vài tấm ảnh thú vị. Từ trái qua phải, trên xuống. Thủy tinh nấu chảy, làm thành cái lọ bằng từng lớp thủy tinh. Ánh sáng rọi qua lọ lung linh thành hình những đóa hoa ánh sáng.

Mấy cái lồng chim được thiết kế mỹ thuật, đồ sưu tầm của những vị chủ nhân, vốn là cháu (ngoại) của ông Cooper Hewitt, chủ cái gia tài đồ sộ này. Lúc khác tôi xin được viết thêm về một vài món trưng bày thật là thú vị trong bảo tàng này.

Một ngày rất gần tôi sẽ trở lại xem tiếp. Giá vào cửa khá rẻ. Con tôi mua vé cho tôi với giá senior, và vé của cô giá học sinh. Tôi nhớ cô bạn ở Austin lợi dụng mái tóc bạc của tôi và của cô mua vé senior cho chúng tôi. Chẳng ai kiểm sóat xem mình có nói láo không, vì làm thế là mất lịch sự, và chẳng ai muốn công nhận là mình già hơn tuổi bao giờ. Phải không?

Tôi nói với con bé, về sau mình sẽ khó có dịp đi chơi chung như thế này, vì con càng lớn càng (đi) xa, mẹ càng lúc càng già. Rồi sẽ có lúc con có gia đình riêng, cuộc sống riêng. Rồi mẹ sẽ già lụm cụm đi không nổi. Cô nói, mẹ ngồi xe lăn con đẩy mẹ đi. Không, không, mẹ không muốn làm phiền con như thế. Con nhỏ này đã từng hứa là khi nào con lớn con sẽ mua cho mẹ xe hơi loại thể thao màu đỏ mui trần đây. Ngày xưa, mình mà hứa với tụi nó cái gì thì phải lo mà giữ lời. Bây giờ mình tự nhủ đừng có vin vào lời hứa của con mà đâm ra mơ mộng hão.

Có đứa con chịu đưa mình đi chơi là tuyệt vời quá chừng rồi, phải không?

Thêm vài tác phẩm điêu khắc ở viện Bảo Tàng Mỹ Thuật ở Baltimore

Cái đầu
Joan Miro, người Spanish, (1893-1983), Tựa đề Cái Đầu (Head), sáng tác năm 1974, bằng đồng.

Louis Nevelson, người Mỹ gốc Ukraine, (1900-1988), tác phẩm làm từ năm 1971-1976, bằng nhôm sơn đen
Louis Nevelson, người Mỹ gốc Ukraine, (1900-1988), Tựa đề Seventh Decade Forest (Tình trạng của rừng vào lúc bảy mươi năm sau) tác phẩm làm từ năm 1971-1976, bằng nhôm sơn đen

Tác giả: Pablo Gargallo, người Spanish, (1881-1939), Tựa đề Nhà Tiên Tri (Thánh John The Baptist), sáng tác năm 1933, bằng đồng
Tác giả: Pablo Gargallo, người Spanish, (1881-1939), Tựa đề Nhà Tiên Tri (Thánh John The Baptist), sáng tác năm 1933, bằng đồng

Tác giả: Max Bill , Người Thụy Sĩ, (1908-1994), tựa đề Endless Ribbon (Dải nơ vô tận), sáng tác 1953, mẫu ban đầu làm năm 1935, làm bằng đá granite
Tác giả: Max Bill , Người Thụy Sĩ, (1908-1994), tựa đề Endless Ribbon (Dải nơ vô tận), sáng tác 1953, mẫu ban đầu làm năm 1935, làm bằng đá granite

Tác giả: Alexander Calder, người Hoa Kỳ (1898-1976), tựa đề 100 Yard Dash, sáng tác năm 1969, làm bằng thép, sơn đỏ
Tác giả: Alexander Calder, người Hoa Kỳ (1898-1976), tựa đề 100 Yard Dash (Chạy Nước Rút 100 yard hay là 91 mét), sáng tác năm 1969, làm bằng thép, sơn đỏ

Nghệ Thuật Điêu Khắc

Lâu rồi hồi mùa đông, khoảng tháng 2, tôi không đi bộ ngoài đường phố được vì trời quá lạnh, vì thế tôi đi bộ trong concourse. Concourse là một dãy hành lang nối liền nhiều tòa nhà với nhau để người ta có thể đi từ tòa nhà này sang tòa nhà khác mà không phải đi bên ngoài trời quá nóng hoặc quá lạnh. Đường đi không dài lắm, tôi đi hết một vòng chỉ độ hai mươi phút. Giờ ăn trưa có thể đi ba vòng là vừa đủ một giờ. Tuy nhiên tôi mắc cỡ nếu đi nhiều vòng, chẳng hiểu tại sao mà mắc cỡ nữa, có lẽ vì ít người chịu khó đi nhiều vòng như thế. Continue reading Nghệ Thuật Điêu Khắc

Thư viện chưa xây

thư viện 2

thư viện 1

Hôm trước blog về một thư viện xây cất lâu đời (thế kỷ 19) bên Anh quốc, được kết hợp với khách sạn để dụ dỗ những con mọt sách đi du lịch. Nói về thư viện thì ở Hoa Kỳ có rất nhiều thư viện nổi tiếng, vì kiến trúc đẹp, nhiều sách, nhiều tài liệu cổ có giá trị. Một trong những thư viện ấy là Thư viện Quốc hội ở Washington DC. Còn ở gần chỗ tôi ở thì có thư viện của thành phố New York. Cả hai thư viện này tôi đều có ảnh nhưng muốn tìm phải mất một ít thì giờ, mà tôi thì đang lười. Tất cả những thư viện tôi vừa nhắc đến đều là những thư viện có lối kiến trúc cổ.

Bây giờ sẵn đây thì nói về một thư viện rất mới, chưa được xây cất mà chỉ còn là một cái trứng đang thời kỳ thai nghén. Thành phố New York đang dự định xây một chi nhánh mới để thay thế một chi nhánh cũ có tên là Donnell Library Center. Thư viện mới sẽ có ba tầng nằm trong một cao ốc. Hai tầng của thư viện sẽ nằm dưới mặt đất. Giá xây cất ước tính là 20 triệu.

Thư viện mới này không còn mang tính chất thư viện cổ truyền, nơi đến để học, nghiên cứu, nghiêm trang, im lặng. Thư viện mới sẽ mang tính chất vui chơi, một trung tâm văn hóa để gặp gỡ bàn thảo giải trí và dĩ nhiên cả nghiên cứu nghiêm túc. Người dùng thư viện khi bước vào sẽ gặp những bậc thềm để ngồi chơi, những bậc này cũng là bậc thang dẫn xuống tầng hầm, kết hợp thành một hí viện có 144 chỗ ngồi, người ta sẽ xem phim hay kịch hay trình diễn nhạc. Và cũng là nơi người ta trò chuyện,  viết lách, hay đọc sách.

Hai tấm ảnh phía trên là thư viện đang thành hình.

Nguồn: The New York Tímes

tản mạn về Andrew Wyeth

Nói trước kẻo bạn trách và mắng. Những cái link có hình khỏa thân, nếu không thích xem ảnh khỏa thân xin đừng nhấp vào.

Andrew Wyeth (1917 – 2009) là con út của danh họa Newell Convers Wyeth. Từ lúc bé Andrew rất yếu ớt nên không được đến trường, bố mẹ ông mời giáo viên đến dạy riêng cho ông. Andrew bắt đầu vẽ từ khi còn rất bé nhờ quan sát ông bố họa sĩ, tuy nhiên mãi đến khi ông bố chết (xe của Newell đụng phải xe hỏa) ông mới thật sự phát huy nét vẽ riêng độc đáo của ông.

Tranh của Andrew Wyeth thường được vẽ màu tối như nâu, vàng cháy của cỏ khô, ảm đạm, buồn thảm. Thời ấy có nhiều người chê tranh của Andrew Wyeth xấu xí. Người ta thường xếp Andrew Wyeth vào trường phái chủ nghĩa hiện thực, tuy nhiên Andrew tự cho mình thuộc trường phái trừu tượng. Đối tượng vẽ của ông thường là thiên nhiên, phong cảnh mùa thu và mùa đông của Pennsylvania và Maine là nơi ông ở. Ông cũng vẽ rất nhiều chân dung là những người láng giềng của ông. Rất nhiều bức tranh của ông trông giống như ảnh chụp của một góc nhà, mái ngói, nhà kho, khoảng vườn, cửa sổ, là những hình ảnh bình thường nhìn thấy mỗi ngày.

Một trong những người mẫu nổi tiếng của ông là Christina Olson. Người mẫu đã đi vào lịch sử hội họa qua bức tranh Christina’s World được Andrew Wyeth diễn tả qua dáng ngồi ẻo lả trên cánh đồng cỏ khô, xa xa là ngôi nhà của người mẫu. Christina Olsen là do Betsy James, về sau Betsy trở thành vợ, giới thiệu làm người mẫu cho họa sĩ Andrew Wyeth. Betsy là bà vợ có tài quán xuyến, bà là người đảm nhiệm việc tổ chức, sắp xếp, ghi chép thứ tự các họa phẩm của chồng. Bà cũng là người đại diện cho công cuộc triển lãm cũng như mua bán tranh ảnh. Tất cả chuyện lớn chuyện nhỏ gì có liên quan đến nhà họa sĩ lớn này đều phải đi qua tầm kiểm soát của bà. Bà đã tuyên bố một cách tự hào, “tôi là giám đốc và trong tay tôi là người diễn viên tài giỏi nhất thế giới.”

Andrew Wyeth bảo rằng ông là họa sĩ theo trường phái trừu tượng là có lý do. Tranh của ông dễ bị ghép vào trường phái hiện thực tuy nhiên người xem tranh nếu hiểu Andrew Wyeth sẽ nhận ra những điều ông thể hiện không nằm trong bức tranh. Người xem chỉ nhìn thấy cái lưng của Christina, người có thân hình mềm mại với thế ngồi gợi cảm trên cánh đồng cỏ khô nhổm người nhìn về cuối chân trời sẽ phải tự hỏi Christina tìm gì, nhìn thấy gì, mơ ước gì?

Tôi không nhớ tôi đã đọc ở đâu và bây giờ thì khó truy tìm nguồn gốc bài biên khảo về tranh của Andrew Wyeth, có thể là một bài viết trên National Geography hay một tạp chí nào đó vì tôi nhớ bài viết không dài lắm và có ảnh minh họa. Tôi đã rất ngỡ ngàng khi biết Christina là người bại liệt, bà không đi được chỉ có thể bò lết, và gương mặt của bà rất xấu xí đến ghê rợn. Một phần vì những bắp thịt trên mặt của Christina bị tê liệt nên ánh mắt có vẻ dữ tợn. Tác giả của bài viết này còn viết rõ là hôm ông đến phỏng vấn bà Christina đã phải nằm trên nền đất để nói chuyện và trong khi nói chuyện, nước tiểu của bà chảy lênh láng vì bà bị tê liệt không kiểm soát được bàng quang.

Có lẽ Betsy, bà vợ của họa sĩ, đã cố ý chọn Christina làm người mẫu cho chồng là bởi vì bà rất ghen và độc đoán. Bài viết cũng nói rằng người mẫu trong bức tranh Christina’s World chính là bà Betsy do họa sĩ Andrew Wyeth tái hiện sau khi ông nhìn thấy Christina bò lết về nhà của bà từ cửa sổ nhà ông.

Ghen tuông như thế, canh giữ như thế, mà ông vẫn thoát khỏi sự kềm kẹp của bà vợ. Tôi không nhớ bằng cách nào nhưng Andrew tìm cách quen được với một cô gái rất trẻ tên là Siri Erickson và đã vẽ nàng hoàn toàn khỏa thân trong bức tranh Indian Summer. Bạn cũng biết Indian Summer là những ngày hè muộn màng, khi trời đã gần cuối thu bỗng có những ngày ấm áp như cái hồi xuân của tuổi già. Trong trí nhớ của tôi bài viết tôi đọc từ năm 2009 có nhắc đến một cô bé rất trẻ đâu chừng 13 hay 14 tuổi làm người mẫu trong một hay hai bức họa rồi sau đó không tiếp tục nữa. Tuy nhiên những người mẫu trẻ tuổi này không phải là người gây chấn động như Helga Testorf.

Từ năm 1971 đến năm 1985 Andrew Wyeth đã bí mật vẽ 247 bức tranh đa số là khỏa thân rất chi tiết và không che dấu bất cứ phần nào trên cơ thể của một người phụ nữ tên là Helga Testorf. Helga có thể bị xem là nhan sắc tầm thường so với quan niệm người mẫu thời trang hiện đại. Nàng là người gốc Đức, có thể nói là gân guốc và vạm vỡ với nét mặt khắc khổ. Andrew Wyeth bảo rằng ở nàng toát ra một vẻ sạch sẽ rất thô sơ, không son phấn trau chuốt. Helga là người giúp việc lặt vặt cho người chị của Andrew và có lẽ nhờ thế mà cả họa sĩ lẫn người mẫu thoát khỏi cặp mắt kiểm soát hoài nghi của bà vợ. Andrew có thói quen không bao giờ cho vợ xem tranh của ông đang vẽ và ông thường hay lang thang ngoài đồng để vẽ. Để vẽ Helga khỏa thân ông vẽ trong một nhà kho của chị và cất tranh ở một nơi khác. Toàn bộ 247 bức tranh được triệu phú Leonard Andrews mua và giữ trong một viện bảo tàng. Nếu bạn thích xem tranh khỏa thân của Helga xin tìm trên google images sẽ tìm thấy rất nhiều, nổi tiếng nhất là bức tranh Lovers.

Vì Andrew Wyeth quá nổi tiếng nên rất dễ tìm thấy tranh của ông. Tôi cũng có nhiều lần tình cờ nhìn tranh mà biết ngay là của Wyeth là nhờ màu tranh ảm đạm của ông. Tôi thích nhất là bức tranh Wind From The Sea (Gió Thổi Từ Ngoài Biển) vẽ tấm màn the bay tung trong gió bên ngoài là cánh đồng màu vàng sẫm với những vệt nâu cuối chân trời. Đây là một trong những bức mà tôi cho là tượng trưng cho khuynh hướng trừu tượng của Andrew Wyeth. Gió vô hình nhưng tác giả vẫn vẽ được gió và từ bức tranh người xem tha hồ tưởng tượng. Bạn nhìn thấy gì? Một người trong phòng nhìn ra ngoài trời, bệnh? Cô đơn? Giam hãm? Buồn bã? Mơ ước gì? Sợ hãi gì? Tại sao bầu trời bao la như thế mà không có chút màu tươi sáng? Không có cánh chim! Đồng cỏ như thế mà sao không có lá xanh? Cửa sổ rộng như thế sao không có cánh hoa nào? Bạn nhìn thấy gió, bạn có nhìn thấy người trong phòng? Ánh mắt và tâm sự?

Tất cả những bức tranh tôi nhắc tên trong blog này bạn đều có thể tìm thấy trên internet vì thế không đăng lên đây. Còn bức tranh Christina’ World xin mời bạn xem trên blog này.

Hôm nọ trong một blog có tấm ảnh đồng cỏ cháy tôi bảo là vì đồng cỏ này thuộc tiểu bang tôi ở gần với tiểu bang Pennsylvania nên đồng cỏ khô cháy có màu giống nhau. Hôm nay khi viết bài về Andrew Wyeth xem lại tài liệu tôi nhận ra mình sai. Christina Olson ở Maine vì thế đồng cỏ có màu nâu này ở Maine chứ không phải Pennsylvania. Thôi thì cau bảy bổ ba, chữa lại là vì cùng miền Đông Bắc của Hoa Kỳ nên đồng cỏ cháy có màu giống nhau. Sẵn viết nên nói thêm một chút về nàng Christina Olson. Nàng sống với người em trai tên Alvaro trong căn nhà gỗ của ông cố để lại cất trên một rẻo đất của mũi Hathorne thuộc bãi biển Maine. Al là một người nhỏ thó nhưng có lỗ mũi khá to đã ngồi làm mẫu cho Andrew Wyeth vẽ trong bức tranh Oil Lamp (Đèn Dầu) nhưng về sau ông từ chối không chịu làm người mẫu cho Andrew Wyeth vẽ nữa. Căn nhà Christina ở đã có thời được dùng làm lữ quán cho thủy thủ những người làm việc trên tàu đến từ Newfoundland trong đó có ông cố của nàng gốc người Thụy Điển. Khi không còn vẽ Alvaro nữa Andrew Wyeth chuyển sang vẽ những thứ có liên quan đến gia đình Olson như nhà cửa, chỗ phơi bắp ở tầng lầu, giỏ chứa trái dâu blueberry treo trong nhà kho. Trong bức tranh Hay Ledge Andrew Wyeth vẽ chiếc canoe không còn được dùng nữa vì Al phải săn sóc Christina nên cất trong nhà kho. Lợi tức của hai chị em thu nhập từ cánh đồng blueberry mọc hoang trên triền đồi sau nhà của họ. Hai chị em Christina và Alvaro chết cách nhau một tháng, Alvaro mất vào Christmas năm 1967. Khi đám tang của Christina tháng Giêng năm 1968, họa sĩ đã vẽ một bức tranh đơn giản màu đen trắng thật ảm đạm. (Đoạn cuối cùng trích trong bài báo A Visit to Wyeth Country của Brian O’Doherty in trong quyển The Art of Andrew Wyeth).

chung quanh bức tranh The Scream

1Tấm tranh này thì khỏi nói bạn đã biết rồi, tuy nhiên có vài chi tiết có thể bạn (cũng như tôi) chưa biết. Edvard Munch không chỉ vẽ một bức tranh “The Scream,” mà ông vẽ tất cả là bốn bản gần như hoàn toàn giống nhau. Bức đầu tiên được vẽ năm 1893 bằng tempera (bột màu pha với trứng). Có lẽ vì sự thành công to lớn của bức tranh đầu ông vẽ bức thứ hai bằng crayon (sáp màu) cũng vào năm 1893. Tấm tranh thứ ba ông vẽ bằng phấn thỏi pastel vào năm 1895. Năm 1910 ông lại vẽ “The Scream” bằng tempera. Continue reading chung quanh bức tranh The Scream

Đàn Khỉ Vói Trăng – Từ Băng (Xu Bing)

1

2

3

4

5

6

7
8
9
10
11

 

“Monkeys Grasping for the Moon (Đàn Khỉ Vói Trăng),” là tên tác phẩm điêu khắc của Xu Bing (Từ Băng). Tác phẩm này được dành riêng cho Sackler Gallery và là một phần trong tổng số tác phẩm với đề tài “Word Play: Contemporary Art by Xu Bing (Đùa với Chữ: Nghệ Thuật Đương Đại của Từ Băng)” của ông được triển lãm vào tháng Mười năm 2001. Tác phẩm Đoàn Khỉ Vói Trăng sẽ được lưu giữ mãi mãi cho công chúng thưởng ngoạn ở viện Bảo Tàng Sackler.

Tác phẩm Đàn Khỉ Vói Trăng là sự kết hợp của hai mươi mốt miếng gỗ birchwood cắt thành chữ khỉ của nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Những chữ này được nối liền với nhau theo chiều thẳng đứng, treo hơn 80 feet, từ tầng trên cùng gần mái nhà có lắp kính soi sáng suốt chiều cao ba tầng lầu đến tầng thứ ba là hồ tĩnh tâm. Trông giống như đàn khỉ chuyền tay nắm đuôi nhau soi bóng trên mặt hồ.

Tác phẩm này dựa vào một câu chuyện Phật Giáo Trung Quốc kể lại câu chuyện một đàn khỉ muốn với lấy mặt trăng. Chuyền tay và nắm đuôi nhau đàn khỉ thả người từ cành cây xuống mặt hồ lóng lánh phản chiếu ánh trăng, rồi chợt nhận ra công việc khó nhọc mà chúng cố gắng đạt đến chỉ là một ảnh ảo.

Tác phẩm của Từ Băng là món quà của Phu Nhân Chiang Kai-shek (Chiang Soong Mayling 1898-2003) lưu niệm cuộc thăm viếng nổi tiếng trong lịch sử khi bà tham dự buổi họp với Quốc Hội năm 1943 và quay lại lần thứ nhì năm 1995. Trong buổi thuyết trình vào ngày 18 tháng Hai năm 1943, phu nhân Chiang đã để lại một câu nói vẫn còn được nhắc nhở là: “Chúng tôi ở Trung Hoa, cũng như quí vị, muốn thế giới tốt đẹp hơn, không phải chỉ dành riêng cho chúng tôi, nhưng cho nhân loại, và chúng ta cần phải đạt được điều ấy.”

Từ Băng sinh năm 1955, sau vụ Thiên An Môn đã rời bỏ xứ sở Trung Hoa đến sống ở Hoa Kỳ từ năm 1990. Tác phẩm của ông thường nghiêng về chủ đề truyền thông giữa các nền văn hóa khác biệt ngôn ngữ, luôn mang hình dáng chữ viết trong ngôn ngữ. Các bạn nào muốn biết thêm tiểu sử của Từ Băng có thể xem trên Wikipedia, có cả bản tiếng Việt dù không đầy đủ bằng bản tiếng Anh.

Vào thập niên 1980, tác phẩm của Từ Băng tạo nên nhiều dư luận. Tác phẩm “A Book From the Sky (Sách từ Trời)” năm 1988 bao gồm những quyển sách in bằng tay, vẽ lên tường, hay viết lên những cuộn giấy dài treo từ trên trần, thoạt trông giống như nét chữ của ngôn ngữ cổ nhưng đó chỉ là những chữ giả, ngoằn ngoèo vô nghĩa. Cho rằng đây là một hình thức phê phán đường lối tuyên truyền của chính quyền một cách khéo léo, tác phẩm của ông đã gây xôn xao trong dư luận khi nó được trưng bày trong Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật của Quốc Gia ở Bắc Kinh. Vào năm 1989, ông là một giáo sư rất nổi tiếng trong giới giáo dục, lúc ấy đang là thời điểm sinh viên học sinh đang than phiền về sự khống chế của chính quyền trong việc tự do sáng tạo và tự do ngôn luận.

Khi cuộc biểu tình ở Thiên An Môn xảy ra năm 1989, nhiều sinh viên và giáo sư trẻ đã tham gia, thậm chí còn làm những tượng Nữ Thần Tự Do bằng plastic foam và giấy. Những bức tượng Nữ Thần Tự Do này trở nên dấu hiệu của phong trào đòi tự do dân chủ của sinh viên học sinh ở Thiên An Môn.

Trong phần ảnh post trong blog này có vài tấm tôi lấy từ trang mạng của Xu Bing, từ phần ảnh chữ Khỉ của các ngôn ngữ khác trở xuống. Còn phần trên là ảnh tôi chụp. Hôm đi Washington DC tôi ghé vào Freer để thử xem bộ đồ cổ gốm sứ Hội An có còn được trưng bày không (tôi xem bộ gốm này từ năm 2010) nhưng không còn. Đi từ Freer sang Sackler tôi không để ý tác phẩm Đàn Khỉ Vói Trăng này nhưng ông nhà tôi lại rất thích, nhờ thế mà có ảnh.

Viện Bảo Tàng Sackler do Arthur M. Sackler thành lập, mở cửa năm 1987. Bác sĩ Sackler (1913–1987) cũng là tác giả của các tác phẩm trong lĩnh vực y tế. Chính phủ Nhật và Nam Hàn cũng đóng góp vào công việc xây dựng viện bảo tàng này.

Viện Bảo Tàng Sackler nối liền với Viện Bảo Tàng Freer bằng con đường ngầm. Cả hai viện bảo tàng này đều trưng bày các tác phẩm nghệ thuật Á châu. Năm 2010 tôi đã được xem triển lãm gốm sứ Hội An khai quật từ ngoài khơi Hội An. Gốm sứ này thuộc thế kỷ 14 và 15.

Viện Bảo Tàng Freer mở cửa cho dân chúng thưởng ngoạn từ năm 1923 và trở thành viện bảo tàng nghệ thuật đầu tiên của Smithsonian. Người thành lập viện bảo tàng Freer, ông Charles Lang Freer (1854-1919), là một thương gia ở Detroit. Ông bắt đầu sưu tập tác phẩm nghệ thuật của Hoa Kỳ từ thập niên 1880 trước khi quay sang sưu tập tác phẩm nghệ thuật châu Á. Viện bảo tàng này tự hảo với bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật của Trung Hoa, Ai Cập, Nhật Bản, Đại Hàn, Nam và Đông Nam châu Á, các tác phẩm cổ xưa của các quốc gia lân cận với Đông Á, và cả những tác phẩm nghệ thuật của các quốc gia Hồi giáo. Viện bảo tàng Freer nổi tiếng với bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật của Hoa Kỳ, kể cả Phòng Chim Công của Whistler (Whistler’s Peacock Room).

 

12

13

Chữ Khỉ được Từ Băng trình bày theo lối chữ viết của người Ả Rập và Trung Hoa.

1415

Chữ Khỉ Từ Băng phác họa theo cách viết của người Nhật và người dùng tiếng Anh

16

17

monkeys_grasp_the_moon_3a

Những Bài Hát ngày thứ hai khi (họa sĩ) tắm

Hôm trước tôi có đăng những tấm ảnh họa sĩ Leanne Shapton vẽ cây cối trong công viên mỗi Chủ Nhật bà đi dạo. Lần này tôi mời  bạn xem ảnh bà vẽ những chai lọ chứa xà phòng, kem tắm, kem dưỡng da trong phòng tắm. Bà không nói rõ là ai tắm nhưng xin bạn hãy tưởng tượng một người nào đó đang tắm, nghe nhạc và nhìn những chai lọ có màu thật đẹp. Xin bạn click vào full screen và chờ cho ảnh hiện ra, hơi chậm nhưng xin kiên nhẫn. Click vào mũi tên để xem ảnh kế tiếp. Dưới mỗi tấm ảnh đều có mấy câu thơ và có tên của bài hát. Ảnh thứ nhất có 3 cái chai (hai chai màu xám và một chai màu đỏ) và một cái dao cạo màu hồng trên phông nâu và xanh. Dưới bức tranh có hai câu: I don’t want to set the world on fire. I just want to start a flame in your heart. Xin tạm dịch là Tôi không muốn nổi lửa đốt cháy thế gian. Tôi chỉ muốn nhóm ngọn lửa trong tim anh/em. Bức tranh vẽ lúc 8:10 sáng ngày 12 tháng Bảy năm 2010. Tựa bài hát là I don’t want to set the world on fire do ban nhạc Ink Spots (ca sĩ Eddie Durham, Sol Marcus, Edward Seiler, và Bennie Benjamin) trình diễn.

flame in your heart

told me to stop

Xem link ở đây. 

Một Tháng Đi Dạo Ngày Chủ Nhật của LeAnne Shapton

đi dạo ngày chủ nhật

LEANNE SHAPTON, đã từng là Giám đốc ban hội họa của báo Times. Bà vẽ tranh minh họa và là tác giả của các quyển như  “Những vật quý giá và tài sản riêng của  Lenore Doolan và  Harold Morris bao gồm cả Sách, Thời Trang, và Nữ Trang,”  “Cây Cối Đặc Sản của Canada”, và  “Cô ấy có xinh đẹp không?”

Bà xuất thân từ Ontario, Canada. Hiện nay bà đang sống ở New York. Bà là một trong những người sáng lập J&L Books, một cơ sở ấn loát không vị lợi chuyên in sách về hội họa và nhiếp ảnh. Mỗi Chủ Nhật bà đi dạo và chú ý đến cuộc sống hằng ngày cùng với cỏ cây rồi vẽ lại. Cứ mỗi cuối tháng bà cho ra mắt bộ tranh này.

Tối qua đăng ảnh những bức họa của LeAnne Shapton được collage lại thành một bức tranh lớn xong, tôi ngồi ngắm mãi. Tôi mơ ước có một ngày nào đó tôi có thể vẽ được những bức tranh về cây như thế.

Sáng nay thức sớm như lệ thường nhưng tôi nằm nướng. Ngoài cửa sổ lờ mờ những bóng cây khô, ngọn cây với những cành lá chằng chịt đan vào nhau. Cây cũng giống như loài người. Rừng biết bao nhiêu là cây nhưng chẳng có cây nào giống cây nào. Mỗi cây mỗi vẻ.

Tôi ở một nơi nhiều cây cối. Tôi nhìn cây mãi hết năm này đến năm nọ mà đến bây giờ vẫn yêu vẻ đẹp của cây cối qua bốn mùa. Một trong những bức họa của Shapton có một bức gồm màu trắng đen xám, có nâu nhưng không nổi bật nét nâu, giống như cảnh chung quanh nhà tôi hiện bây giờ. Cứ mỗi lần tôi nhìn thấy nền đất phủ tuyết trắng và bóng cây lờ mờ trong đêm, tôi vẫn mơ ước có khả năng vẽ lại cảnh này. Tôi yêu vẻ khô cằn trơ trụi của mùa đông. Buổi sáng đi làm ngồi cạnh cửa sổ trên xe lửa ngó ra ngoài, thấy tuyết trắng dọc bên đường xe lửa, những đồng lau khô màu nâu lắt lay trong gió, thấy những ngọn cỏ khô mỏng manh trên nền tuyết trắng. Chúng đẹp, lãnh đạm, khô héo, lạnh lẽo, nhưng đẹp. Cũng như những bụi lau sậy khô, những cây sim biển mọc dài theo bờ biển mùa hè nắng lóa, khô khan trần trụi như oằn mình chịu nóng. Tôi thấy chúng đẹp.

Biết là mình yêu vẻ đẹp nhưng không yêu đủ để đi ra ngoài trời lạnh mà săn ảnh. Nóng quá tôi cũng không dám ra đường. Cơ thể tôi càng ngày càng yếu ớt, kém chịu đựng.

Trời lạnh quá. Mấy hôm trước có một hôm nắng ấm lên được đến 45 độ F. Buổi trưa tôi đi bộ một giờ. Thành phố bị phủ tuyết bắt đầu tan chảy. Tuyết được gom thành từng đống cao ngất chảy nước ướt át đen ngòm. Hôm qua trời lại lạnh, gió mạnh như cắt xuyên qua bốn năm lớp quần áo. Từ bây giờ trời sẽ ấm dần, ngày sẽ dài hơn, buổi chiều đi làm về đã có ánh sáng buổi chiều.

Chiều qua đón thang máy, một người đồng nghiệp nữ đã đầy vẻ hy vọng, chỉ còn chưa đầy một tháng là đến mùa xuân.

Triển lãm tranh của Đinh Cường và Nguyễn Đình Thuần

Có người báo tin cho tôi biết hai họa sĩ Đinh Cường và Nguyễn Đình Thuần tổ chức triễn lãm tranh từ thứ Năm 28 tháng 10 đến thứ Bảy 6 tháng 11 năm 2010 ở Annam Heritage ở bên Tây. Dù không hiểu biết về hội họa tôi cũng thích xem tranh, xem sắc màu, bố cục, và thỉnh thoảng tìm hiểu tư tưởng của họa sĩ nếu có người giải thích. Nhưng mà trời ơi, làm sao có thể qua Paris để ngắm tranh của hai ông?

Đinh Cường nổi tiếng đã lâu đời. Viết về ông lại sợ người ta cho là mình dựa hơi người có danh tiếng nếu không chẳng ai đọc mấy bài tạp ghi ấm ớ này. Ông là bạn thân của Trịnh Công Sơn, mỗi người làm chủ một giang sơn. Ngu khờ nhưng tôi thấy trong nhạc của Trịnh Công Sơn có tranh của Đinh Cường và tranh của Đinh Cường
phảng phất những hình ảnh rất thơ.

Theo bài viết của Phan Anh Dũng đăng trên đặc san Cỏ Thơm, Đinh Cường sinh năm 1939 ở Thủ Dầu Một. Ông sống ở Sài Gòn, Đà Lạt, Huế là những nơi ông dùng làm bối cảnh cho tranh vẽ của ông. Hiện ông đang sống ở Virginia, Hoa Kỳ. Ông tổ chức triễn lãm rất thường xuyên hầu như hằng năm hay đôi ba năm một lần ở các thành phố lớn ở Việt Nam và nhiều nơi ở Mỹ và Pháp.

Tranh của Đinh Cường là kết hợp của trường phái lập thể, lãng mạn, và trừu tượng thể hiện trong Heaven and Earth, Standing on the Other Side of  Life, Golden City. Màu sắc và quang cảnh trong tranh của ông thường tĩnh mịch, lắng đọng. Phụ nữ trong tranh là những cô gái mảnh mai. Dáng dấp họ càng mềm mại hơn kín đáo hơn với những khăn quàng cổ vì trời lạnh và các cô yếu đuối không chịu được lạnh. Đôi khi cái khăn quàng cổ được thay thế bằng cái khăn che tóc (Nỗi Nhớ, Sen Mùa Hạ, Thiếu Nữ Trên Đồi Domaine de Mrie, Thiếu Nữ Trong Thành Nội, Huế – Dòng Sông Bay Trong Trí Nhớ). Họ phải che kín thân thể của họ nếu không che ở chỗ này thì phải che ở chỗ khác. Đôi khi ông vẽ một cô gái khỏa thân, như bức Rêu Phong, màu xám xịt như chìm dưới dòng sông tối. Tranh của ông đòi hỏi người xem một sự suy ngẫm về cuộc đời, sự sống và cái chết, thiên đàng và dương thế (Hành Hương). Như bức Khung Cửa Hẹp làm tôi tự hỏi người ta ép mình qua khung cửa hẹp đó để tìm thấy gì.

Trịnh Công Sơn đã nói về người bạn thân quí của mình như thế này: “Có một kẻ lì lợm đam mê kỷ niệm. Nơi tâm hồn hắn, tôi sững sờ bắt gặp đứa bạn trẻ trung ngày xưa. Trên mảnh đất riêng tư, âm vang hơn mười năm kia vẫn còn tươi tắn. Nếu biết khóc, hãy yếu lòng vào những phút này, nơi mà lòng ngưỡng vọng còn nguyên vẹn về một đóa qùy, một loài chim lạ, một con đường hiu hắt sương mù… Ðinh Cường chính là kẻ không chịu lãng quên đó. Cường vừa ra đi vừa ở lại. Uống chén rượu hôm nay mà nhớ chén rượu ngày xưa: Nhớ không Sơn rượu chiều Ðơn Dương bạn cùng ta uống cạn… Biết trở về cũng là cách tri ân những hội ngộ trong đời.

Khung Cửa Hẹp - DC

Khung Cửa Hẹp – DC

 

Cầm Xanh - DC
Cầm Xanh – DC

Họa sĩ Đặng Phú Phong cho biết “Nguyễn Đình Thuần sinh năm 1948 tốt nghiệp Viện Mỹ Thuật Huế năm 1973 và triển lãm tranh cũng trong năm này tại Hội Việt Mỹ Đà Nẵng.”  Ông bắt đầu băng khuynh hướng siêu thực (surrealism) chuyển sang khuynh hướng trừu tượng.

Tranh của ông Thuần là những mảng mầu rực rỡ nhưng rất hài hòa trên nền xanh xám. Như những đóa hoa nở giữa trời ảm đạm, trong sương mù sáng sớm hay chiều hôm, hay những con cá màu bơi trong biển tối. Bức âm dương dùng mầu nâu nhạt và hoàng kim làm nền, người xem có thể nhìn thấy những thiên thần nho nhỏ lẫn lộn trong dòng người, và những đốm màu sậm có thể làm người xem liên tưởng đến những gì tối ám, như một cái đầu lâu chẳng hạn. Dòng Sông Ký Ức là bức tranh tả cô gái đẹp, tóc thề bay trong gió như câu ca dao, tóc dài sao vội cắt ngang, thả bay trong gió hai hàng lụy sa. Bức Nhật Nguyệt là bức tranh lõa thể của cô gái thật đẹp với những cắt nối của các mảng mầu tạo nên vẽ nửa kín nửa hở rất đẹp mắt mà không tục tằn. Khán giả cần nấn ná lâu hơn để tự hỏi cái gì làm người ta lãng quên khi vào Vườn Quên Lãng, và có phải trong Hoài Niệm Xanh có rất nhiều nắng vàng?

Dòng Sông Ký Ức NDT

Dòng Sông Ký Ức – NDT

Nhật Nguyệt NDT
Nhật Nguyệt – NDT

 

Âm Dương NDT
Âm Dương – NDT

Tôi có thể kể cho các bạn nghe về tranh của hai họa sĩ này nhiều hơn nhưng tôi phải mua vé số để nếu may thì có tiền qua Paris xem cuộc triển lãm này. Bạn nào ở bên Tây mà gần Paris thì có thể xem tranh được đấy. Xem rồi nhớ kể cho tôi nghe với nhé.

Kỳ cục hay ngộ nghĩnh

1

Tượng của một phụ nữ trẻ, ngồi giữa vườn sen, chung quanh hơi nước được phun thành khói mù mịt.  Đôi khi hơi nước lắng dịu lại người xem sẽ thấy tượng đang ngồi đi… tiểu. Nếu bạn click vào cho hình to hơn sẽ thấy dòng nước đang chảy.

Gốm cổ Hội An

1

Năm 2007, tôi đi chơi ở San Francisco.  Nơi tôi đến viếng đầu tiên là Viện Bảo Tàng Á châu. Đây là một building rất rộng lớn và triển lãm rất nhiều bảo vật của các nước Á châu.  Tôi hỏi người trong viện bảo tàng có triển lãm đồ gốm sứ của Việt Nam hay không thì người ta chỉ tôi đến một chỗ rất lớn nhưng chỉ có mấy món đồ gốm Việt Nam để ở một chỗ khuất mà khi vào tôi không để ý. Tất cả chỉ có ngần ấy thứ.  Đây là những món người ta khai quật ở dưới biển chỗ một chiếc tàu bị chìm khoảng năm trăm năm trước, gần cù lao Chàm, ngoài khơi của Hội An.

2

Bình chứa rượu, toàn bộ của nó có cái bình và bốn cái chung nhỏ.  Có lẽ tôi quên chụp ảnh của bốn cái chung, hay có lẽ chụp nhưng không còn, vì sau đó computer của tôi bị crashed nên rất nhiều hình ảnh bị mất.  Còn một số ít ảnh giữ lại được vì tôi upload lên một cái website khác.  Bình rượu này màu xanh ngã sang màu xám, có hình con két trên cây ăn trái trên khoảng trắng ở bụng của bình trông giống như một tấm crochet. Cổ quai vòi và cả màu sắc của bình làm người ta có cảm tưởng như bình được nhái theo kiểu bình làm bằng kim loại của những nước Hồi Giáo, bình cao khoảng 25 cm, làm từ thế kỷ 16..

3

Bình rượu có hình trái bầu nậm, khoảng thế kỷ 15 hay 16. Gốm ở lò Chu Đậu

4

Hũ có hình chuột, dưới cạnh đáy có hình hoa sen, khoảng thế kỷ 15 – 16.  Trên miệng cũng có hình cánh hoa sen, đường kính chừng 20 cm.

5

Chén có tay cầm chiều cao chừng 13 cm, thế kỷ 15-16.

6

Ngư dân vùng Hội An dùng lưới và cào để thu thập những món đồ gốm sứ bị chìm theo chuyến tàu do không có kỹ thuật nên rất nhiều đồ gốm bị vỡ.

Từ khi nhìn thấy những món đồ gốm ở Hội An được triển lãm ở San Francisco đi đến viện bảo tàng nào tôi cũng để ý đi tìm đồ gốm sứ của Việt Nam.  Do trải qua nhiều cuộc chiến tranh, tài sản bảo vật cổ của Việt Nam bị thất thoát hủy hoại rất nhiều.  Những món gốm sứ của vua chúa thời xưa phần lớn được tìm thấy ở các viện bảo tàng ngoại quốc hay là tài sản của tư nhân.  Hôm khác tôi sẽ post gốm sứ ở viện bảo tàng Á châu ở Washington D. C.

Ngày mai tôi sẽ đi viện bảo tàng nghệ thuật ở New York và tôi sẽ tìm xem mỹ nghệ gốm sứ của Việt Nam.  Tôi sẽ đăng một ít hình gốm sứ Hội An tôi thấy ở viện bảo tàng Á châu tôi đi viếng cách đây mấy tuần.  Điều ngạc nhiên thú vị là tôi nhìn thấy ở Viện Bảo tàng Á châu New York cái bình chứa rượu màu xanh xám mà tôi đã nhìn thấy ở San Francisco.

Hội Mỹ Thuật Á châu

Vắng mặt mấy hôm không blog mà chẳng thấy ai nhớ mình tí tỉnh nào.  Hic hic, buồn tí tí. Thứ Bảy cô nhớn về, bày nấu ăn tùm lum, đi chợ mua mấy quyển sách chưa đọc xong. Chủ Nhật nhờ chàng đưa đi đến thành phố New York để tôi xem triển lãm đồ gốm Chu Đậu chìm ở ngoài khơi Hội An, trống đồng ở Đông Sơn và cổ vật ở Sa Huỳnh, và một số tượng cổ của người Chàm ở vùng biển Việt Nam.  Các món cổ vật này đã được trưng bày ở Houston, Texas hồi tháng 2 nhưng tôi hụt xem.  May quá cuộc triển lãm này được mang đến New York.  Tôi chỉ có thể chụp ảnh bên ngoài viện Mỹ Thuật Á Châu chứ không được chụp ảnh cuộc triển lãm bên trong. Cuộc triển lãm có tên là Arts of Ancient Viet Nam From River Plain to Open Sea tôi dịch đại là Mỹ thuật thời cổ xưa của Việt Nam từ đồng bằng châu thổ cho đến ngoài biển khơi.  Các cổ vật này được tác giả Nancy Tingley chụp ảnh và in thành một catalog cùng với sự đóng góp của Kerry Nguyễn Long và Nguyễn Đình Chiến.  Tôi sẽ viết về những cổ vật này khi rảnh hơn.

1

2
3

4
5

Đi một hồi đói bụng chúng tôi qua một quán cà phê bình dân bên cạnh tôi ăn bagel uống trà còn chàng ăn English muffin uống hot chocolate. Chung quanh là những ngôi nhà cao chừng ba hay bốn tầng có dây leo hoa trèo trên tường rất đẹp và khá yên lặng.  Hôm nào tôi sẽ post thêm ảnh của những ngôi nhà xinh xắn này.

6

Chụp tấm bích chương quảng cáo để chứng tỏ là mình đã đến và xem triển lãm này.