cây cherry (anh đào) trước nhà nở hoa trắng lấm tấmCây eastern redbud trước nhà nở hoa lưa thưasân sau nhà tôi trơ trụi thế mà cỏ dại cũng nở hoahoa đầu xuân nở bên cạnh hàng rào của thư việnở một góc bệnh viện thấy cây hoa nàybầy nai ở rừng sau nhà, sau lưng là hoa đầu xuân loáng thoáng vànghoa dại nở ở sân sauBuổi sáng đi làm trên xe lửa, ngồi cạnh cửa sổ thấy cây anh đàohoa lily the valley ở bên cạnh bệnh việnhoa tím trong sân bệnh việnSân đầy hoa tím
Hôm qua tôi xin nghỉ một ngày đưa ông Tám đi khám bệnh. Không có gì trầm trọng, chẳng qua là đến tuổi, hết khám cái này thì khám cái khác. Chúng ta đều hy vọng là chận đứng được những chứng bệnh, nếu có thể, không cho chúng trở nặng. Và thế là tôi được hưởng thụ một ngày, nhìn cây cỏ chung quanh.
Cây anh đào (cherry) trước nhà nở hoa trắng lấm tấm. Cây eastern redbud cũng ra nụ hoa tim tím hồng hồng lưa thưa. Năm 2012 cơn bão sandy làm ngã hai cây cherry, đây là loại cherry có trái ăn được. Nhờ vậy cây eastern redbud có ánh sáng để mọc lên cao hơn.
Đàn nai thường tụ lại ngủ sân sau nhà tôi, màu lông lẩn vào màu lá khô, khó nhìn thấy. Chỉ có con nai lông trắng là nhìn rõ rệt. Thấy mấy chú nai ăn lá non ngấu nghiến. Sống khó khăn thế mà chúng vẫn sinh sôi tràn lan.
Hoa lily the valley màu trắng nở thành chùm như những chuỗi ngọc trai. Tôi sợ không dám ngửi xem hoa có thơm không vì tôi bị dị ứng với đủ thứ. Cứ đến mùa là sụt sùi và ngứa ngáy mặt mũi vì phấn hoa. Buổi sáng uống một viên thuốc cầm cự với chứng dị ứng, thuốc làm tôi buồn ngủ. Buổi trưa ngủ một giấc dài thấy người tỉnh táo hơn.
Mấy hôm rày tôi được xem khá nhiều phim hay. The Spotlight, phim đưa ra ánh sáng vụ các vị giám mục xâm hại tình dục trẻ em ở Boston. Trumbo, một trong những nhà văn gia nhập đảng Cộng Sản Mỹ, bị giới làm phim ảnh đưa vào danh sách đen.
Khi tôi giới thiệu phim Trumbo với bà quản thủ thư viện, bà thấy tôi trả quyển The Revenant, tôi mượn ở thư viện nhưng trả lại vì biết là không có thì giờ để đọc (vì đang đọc The Big Short) bà hỏi tôi có xem phim này chưa.
“Chưa, tôi đang chờ chắc phải mấy tháng.”
“Phim đẹp tuyệt vời. Tôi chắc bà sẽ thích.”
“Vâng. Thảo nào anh tài tử Leo DiCaprio được giải Oscar.” Tôi nói.
“Bà đã xem the Danish girl chứ?”
“Cũng chưa, tôi đang ở trong danh sách chờ xem phim. Chắc cũng phải cả tháng nữa mới đến phiên tôi.”
Đến đây thì có một bà khách đến đứng sau lưng tôi chờ được phục vụ. Tôi tránh sang một bên nhưng chưa chịu ra về. Khi bà Pat, quản thủ thư viện, xong với bà khách, tôi hỏi bà hình như bà chưa nói hết ý mà muốn nói.
“Eddie Redmayne đóng vai này còn khó diễn hơn. Phim đẹp lắm.” Bà nhấn mạnh chữ beautiful, lập lại mấy lần. Tôi tạm dùng chữ đẹp, nhưng nghĩa của nó lại là rất hay, rất tuyệt, rất sâu sắc,… “Tôi nghĩ Redmayne xứng đáng đọat giải Oscar, dù anh kia cũng tài năng không kém.”
Tôi cám ơn bà chia sẻ ý nghĩ. Tôi nói tôi háo hức chờ xem phim. Và như có phép mầu, phim đến với tôi ngay ngày hôm sau. Tôi xem được cả hai cuốn phim The Danish Girl và The Big Short.
Bây giờ thì phải đi làm, chắc phải vài hôm nữa mới có thể nói chuyện phim. Chúc các bạn một ngày vui vẻ và cuối tuần nghỉ ngơi. Mùa xuân trời đẹp bạn có thể làm một chuyến đi chơi xa.
Bão hôm qua, gió thổi lồng lộng. Con mèo nghe tiếng gió mạnh sợ quá chạy vào phòng tìm tôi rồi chui vào chăn của tôi lủi vào người tôi đi trốn.
Hai người làm việc chung nhóm với tôi về hưu, cách nhau chưa đầy một tháng.
Fear and Trembling của Amélie Nothomb xuất phát từ quan niệm cũ của người Nhật, khi gặp vua thì phải kính trọng (đến mức gần như khiếp sợ và có phần nào run rẩy). Quyển này cũng được làm thành phim.
Fear and Trembling của Soren Kierkergaard xuất phát từ Kinh Thánh, Philippians 2:12 (…continue to work out your salvation with fear and trembling) và Psalms 55:5 (Fear and trembling came upon me…). Quyển sách nhỏ nhưng nặng nề. Không phải là khó hiểu cho lắm, nhưng cách viết làm người đọc khó tập trung vào nội dung của quyển sách. Tôi nghĩ có lẽ dịch giả cố gắng dịch theo cấu trúc ngôn ngữ của người Đan Mạch. Đọc tóm tắt truyện này ở Wikipedia thấy có nhiều đoạn trích dẫn đơn giản dễ hiểu hơn. Thêm vào sự khó hiểu của tư tưởng (triết học), có lẽ vì tác giả viết quyển sách theo cảm hứng của người làm thơ, ý nọ tràn qua ý kia, nhiều khi lập lại và đặt câu dài khiến cho tôi đọc đoạn sau quên đoạn trước nói gì, phải đọc đi đọc lại. Tôi đọc được chừng 60 trang rồi thôi. Chịu thua. Cái ý quan trọng nhất trong 60 trang tôi đọc là, cái nhìn của nhân vật (đi theo Abraham) cho chúng ta một cách nhìn khác về câu chuyện trong Kinh Thánh. Abraham mang con trai Isaac lên núi Moriah theo lời Chúa dặn. Khi đi ông dấu không cho ai biết mục đích chuyến đi và lời dặn của Chúa. Kierkergaard cho chúng ta biết thêm ý nghĩ của Isaac sau khi nhìn thấy cha mình, Abraham chuẩn bị giết con để làm lễ tế dâng, và ý nghĩ của Abraham trước và sau khi vâng lời Chúa. Ông phải sống chuỗi ngày còn lại với cái quyết định và sự chọn lựa của ông trong cái nhìn của người con. Đặt hết niềm tin và lòng trung thành vào Chúa nhưng lại phản bội tình yêu và lòng tin của con (và vợ). Người đọc thời sau suy nghĩ thêm về khái niệm người đàn ông cao cả (hero).
Bìa của quyển sách tôi mượn từ thư viện là bản copy bức tranh “The Sacrifice of Isaac” cùa Michelangelo.
Nguyên câu thơ, của ai không nhớ tên, là “lạnh cả không gian, lạnh cả lòng.” Rồi lại có người nói rằng “đất lạnh tình nồng,” hay “tay em lạnh để cho tình mình ấm.” Nói gì thì nói, thơ mấy thì thơ, nếu bạn không ở xứ lạnh thì bạn khó thể tưởng tượng ra cái lạnh chết người này. Mà lạ nhen, mấy bạn ở Canada lại ít than lạnh, còn mấy bạn ở Texas cũng ít than nóng, chỉ có một bạn ở NJ lúc nào cũng than. Lạnh cũng kêu mà nóng cũng kêu, trời dở dở ương ương càng kêu to dữ. Continue reading Lạnh cả không gian
Hôm qua trời u ám, không lạnh, cỡ 50 độ F (10 độ C). Tôi đi rừng cho tiêu bớt thức ăn dồn vào bao tử liên tiếp mấy ngày. Mấy tấm ảnh này là dùng thử cái fone mới Samsung Galaxy 6. Dùng chưa quen, thấy có nhiều cái bất tiện nhưng được cái nó nhẹ.
Từ tháng Mười đến nay tôi ăn tiệc quá nhiều. Giỗ hai đám, có người thân đến viếng, đi chơi nhà người quen, lễ Giáng sinh hai ba nhà luân phiên tổ chức tiệc vì nhà nào cũng có con ở xa về, ăn nhiều và toàn là thức ăn béo bổ. Ngay cả tiệc chay cũng bổ béo với dầu chiên, dầu mè, cộng thêm đường và bột ngọt. Bạn có để ý là người ta nấu thức ăn chay hay bỏ thêm đường nên món nào cũng ngọt. Thêm nữa là thức ăn chay lại nhiều chất bột nên không phải cứ ăn chay là tốt. Bây giờ ngồi đây, tôi thầm mong là sẽ tránh được tiệc Tất Niên. Continue reading Thử cái phone
Chị tôi ở Houston Texas lên thăm miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Dùng chữ lên là vì trên bản đồ, tiểu bang của chị nằm mãi ở cuối xứ Hoa Kỳ rộng lớn. Sẵn chị lên chơi, tôi và ông Tám đưa chị đi thăm vài người thân. Bạn thân của chị ở Virginia, đến Virginia phải đi ngang Baltimore là nơi cô út của tôi đang ở, nên sẵn đó tôi đi thăm con. Thả chị xuống nhà bạn, chị ngủ đêm ở đó, tôi quay lại chỗ con tôi, ngủ đêm. Nhà bạn chị rất giàu, có phòng ngủ cho khách, một phòng cho chị, còn một phòng nữa cho chúng tôi. Phòng rộng, trang trí lộng lẫy, có bathroom riêng, thật là tiện nghi và thoải mái, nhưng tôi từ chối vì muốn đến thăm con gái út.
Trước đó đã điện thoại xin phép trước. Bố mẹ có thể ở qua một đêm với con không? Nó bằng lòng mới dám đến. Lại hối lộ trước là bố mẹ sẽ mang bánh mì và thức ăn cho con. Bạn của chị gửi cho bún bò. Bánh mì mua người ta làm sẵn ở chợ. Cũng như mấy đứa Tây, Mỹ trẻ, chúng nó thích ăn bánh mì, phở. Bún bò thì phải có cái khẩu vị Việt Nam hơn. Continue reading Đi thăm con
Cỏ cattail trên đồng khi bị sương giáChơi đùa với bạn trên mặt hồLãng tử cô đơnBa loại chim vịt sống hòa bình trên hồTrái đẹpĐang gắp trái hoangĂn tráiNhìn ai?
Trời cuối thu rồi em ở đâu. Nằm bên đất lạnh chắc em sầu.
Bài thơ Gửi Người Dưới Mộ của Đinh Hùng còn dài nữa. Buồn. Liêu Trai. Bài thơ u ám quá tôi không muốn chép thêm. Nghĩ đến bài thơ này vì trời đã cuối thu, và cũng vì bà chị tôi ở Houston, chị vừa trở thành góa phụ hai tháng nay, đến nhà tôi chơi. Giá mà có thể đổi được chữ em thành chữ anh, để dùng bài thơ tưởng tượng đến tâm sự của chị. Continue reading Rừng tàn thu
Cả gia đình của mấy anh em họp mặt. Cô lớn, Ách Cơ nướng gà, làm stuffing, và mang về một chai wine rất ngon nói là của boss tặng. Tôi nấu cháo vịt, và các anh chị em mang gỏi, bánh apple pie, bánh chuối nướng, bắp, sốt cranberry, xôi đậu đen, … Thức uống thì có bia, wine, apple cider, và mấy loại nước trái cây có hơi ép.
Mỗi lần tôi có ý kiến thế này thế nọ, thì con gái bảo rằng “mẹ, con biết nấu mà, con là người kiếm sống bằng nghề nấu ăn.” Thế là mẹ im ngay, ra khỏi bếp cho con rộng chỗ.
Nhà đông người, con mèo chạy trốn vào trong tủ áo của ông chủ, nằm trong cái giỏ chứa quần áo bẩn. Con gái út chế nhạo mẹ, “mẹ hãy cám ơn trời mẹ có con ngoan và mèo ngoan.” “Ừ, cám ơn trời cho con mèo nên mẹ có cơ hội hốt phân mèo.” “Con mèo nó cũng cám ơn trời cho mẹ cơ hội hốt phân mèo lâu hơn.” Chắc là nên giao con mèo cho nó để nó mang mèo về căn hộ bé xíu của nó và để nó gần gũi với (mùi phân) mèo nhiều hơn cho nó hết dám chọc quê mẹ. Nó photobom tôi mấy lần đến độ tôi phải dọa nó, uýnh chết bây giờ.
Sáng nay thấy trời đầy sương mù, có lẽ nhờ thế mà trời ấm, hay là vì trời ấm mà có sương mù? Chẳng biết, chỉ biết là hễ thấy sương mù là nhớ thơ Nguyên Sa, bài Paris có gì lạ không em. Paris, thành phố mới vừa bị tai nạn bắn giết. Vì tai nạn đó khiến người ta đâm ra thương mến Paris hơn, và là nguyên nhân khiến quyển Moveable Feast của Hemingway trở thành best seller.
Anh về giữa một dòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?
Em có đứng ở bên bờ sông? Làm ơn che khuất nửa vầng trăng Anh về có nương theo giòng nước Anh sẽ tìm em trong bóng trăng
Anh sẽ thở hơi trong sương khuya Mỗi lần tan một chút sương sa Bao giờ sáng một trời sao sáng Là mắt em nhìn trong gió đưa. . .
Ảnh chụp rừng sau nhà. Giữa những cành cây khô và màn sương là mặt trăng tròn chưa lặn. Tôi không cố gắng chụp bắt một hình ảnh nằm ngoài khả năng nhiếp ảnh của tôi nên … thôi, không chụp.
Mấy bụi cây Eastern Redbud sau khi cây cao rụng hết lá không còn bị bóng cả che khuất, hưởng thụ chút mặt trời muộn màng chuyển thành màu đỏ. Loại cây này, sau vài ngày đỏ lá sẽ nhạt màu dần biến thành hồng và hồng nhạt hơn đến độ gần như màu trắng, lá dường như mỏng hơn, rồi rụng.
Tôi gọi điện thoại cho Cá Linh, thăm con gái út vì thấy nó buồn. Công việc khó khăn hơn cô nàng dự đoán, lại ở xa nhà, thiếu bạn. Con nhỏ này giống mẹ ở chỗ ít khi dùng điện thoại để nói chuyện nên con không gọi thăm mẹ thì mẹ gọi thăm con.
“Suýt tí nữa là nhà mình có một con chó để nuôi.” “Nghĩa là sao? Tại sao lại suýt tí nữa?”
Tôi kể vắn tắt cho Cá Linh nghe. Chủ Nhật qua, như thường lệ tôi và bố cô đi rừng. Hai ngày cuối tuần mỗi ngày chúng tôi đi chừng khoảng năm tiếng đồng hồ.
Tùy theo hướng đi, chỗ chúng tôi dừng lại để nghỉ chân thường là hai trạm. Hôm ấy chúng tôi ngừng ở Sky Top Picnic Area. Tôi ngồi nghỉ không lâu thì có một nhóm ba người, trẻ, Á châu đến ngồi ở bàn bên kia, khá xa. Họ bày fast food ra ăn. Hai người ăn trước, gọi người thứ ba, là một phụ nữ chừng hơn ba mươi. Cô này đến ăn sau vì mãi trông chừng một cậu bé nào đó. Tôi nghe cô gọi Bobby, Bobby, đến đây. Tôi ngồi quay lưng về hướng cậu bé nên nhìn thấy người đàn bà mà không nhìn thấy Bobby. Ăn xong chúng tôi thu dọn và đi tiếp. Ông Tám đi trước, tôi đi sau. Lấn quấn bên chân ông Tám là con chó nhỏ màu trắng. Bobby là tên của con chó này đây, tôi đoán ra. Mặc cho mẹ Bobby kêu réo, Bobby cứ đeo theo ông Tám, ngửi tay ngửi chân, và chạy lon ton dẫn đường. Bobby ngừng chỗ này một chút, chỗ kia một chút, thỉnh thoảng nhấc chân lên tè vào gốc cây này gốc cây kia như để đánh dấu. Khi chạy trước ông Tám, khi chạy sau, khi chạy bên trái, lòn qua bên phải.
Đoạn đường từ Sky Top Picnic Area sang Nature Trail Science Center đang lúc xuống dốc, tương đối dễ đi, cây cối không chằng chịt lắm, có khá nhiều cây thông cao. Mẹ Bobby đi theo vài bước cứ gọi Bobby comeback nhưng nó chẳng buồn đếm xỉa tiếng mẹ gọi mà cứ tung tăng chạy theo ông Tám. Bobby hoàn toàn chẳng chú ý đến tôi đi phía sau. Thỉnh thoảng Bobby chạy ngược hướng về phía tôi, tôi đoán nó sẽ chạy về với mẹ, nhưng không, nó lại đánh vòng, đuổi theo ông Tám. Ai nuôi chó thì cũng biết, cứ trông cái dáng của một con chó con chạy thật nhanh, đuôi cong tai cụp, dễ thương lắm.
Cuối con dốc qua khỏi rừng thông, con đường mòn rẽ tay mặt. Quẹo tay trái sẽ dẫn ra đường lớn. Quẹo một nhánh khác cỡ 45 độ bên trái thì sẽ dẫn về Felt Village. Đến đây tôi vẫn không thấy đám người đi tìm Bobby. Tôi đâm ra lo ngại. Bobby chạy về hướng Felt Village. Nếu nó đi lạc, nó sẽ khó mà tìm lối về, bởi vì nó chỉ là con chó con, chưa phát triển đủ khả năng săn hay đánh hơi đường về. Ông Tám tỉnh bơ dấn bước. Tôi ngồi xuống, đưa tay ra gọi con chó. Bobby Bobby come here. Bobby đã chạy khá xa sang hướng Felt Village nhưng nghe tiếng tôi và không nhìn thấy ông Tám nên chạy ngược lại. Nó không ngừng ở chỗ tôi mà lại chạy quấn bước ông Tám. Tôi nói.
“Mình mang con chó trở lại cho ba người đó đi. Chứ nếu nó đi lạc trong rừng này thì chỉ có chết. Trời lạnh rồi.” “Chó của người ta thì để người ta lo. Đường mình đi thì đi. Sao lại lo chuyện của người. Chó của họ mà họ chẳng đi tìm, chẳng chạy theo thì thôi.”
Tôi không đồng ý với ông Tám, nhưng không nói gì. Chúng tôi lẳng lặng đi. Bobby tung tăng chạy theo dường như thấy cuộc đi chơi rất thú vị. Thỉnh thoảng tôi bế nó lên vì sợ nó mỏi. Ở cổ Bobby có tấm lắc có số điện thoại số vùng (area code) khác số vùng của tôi cũng như khu vực hiking.
“Có số điện thoại của chủ nó, mình gọi họ đi.” Tôi nói. “Dù gì cũng phải đến Nature Science Center, đến đó rồi gọi họ đến nhận con chó. Ở đây giữa rừng có gọi họ cũng chẳng biết đường mà đến.”
Bobby bé lắm, nhỏ hơn cả Nora của tôi. Khi tôi bế nó lên tay nó liếm mặt liếm tay tôi, cũng không có vẻ gì đòi xuống đất. Tôi bế nó đi một chút thì thả nó xuống. Nó tung tăng chạy theo ông Tám, thỉnh thoảng ngừng, cào lá, ngửi, đào bới, phục người như rình, tôi kiên nhẫn đứng chờ. Thỉnh thoảng gọi nó nhắc chừng nó đi theo sợ nó lạc vào rừng. Bobby chỉ chạy theo đường mòn chứ không nhào vào bụi rặm như tôi lo ngại. Ông Tám nói, thấy nó khôn chưa, nó biết đường mòn mà.
Từ Picnic Area đến Trail Center đi bộ thong thả chừng một giờ đồng hồ. Tôi đi được nửa giờ thì nghe tiếng gọi la hét um sùm. Một người đàn ông Mỹ có con chó chạy xổng vào rừng. Ông tìm không thấy, kêu réo um sùm. Hỏi chúng tôi có nhìn thấy con chó con màu đen không. Con chó tên Molly. Chó khi vào rừng thường hay xổng chạy mất. Không hiểu tại sao, vì mùi rừng đánh thức bản năng săn bắn hoang dã hay vì nhiều người nhiều chó qua lại trên đường mòn làm tràn ngập khả năng đánh hơi của chó? Một lúc sau tôi nghe có tiếng chân phía sau, nhìn lại thấy hai người có vẻ là vợ chồng rất trẻ có dẫn một con chó loại pitbull cao lớn có dây xích cổ. Tôi nói với hai người.
“Ông bà giữ dùm con chó của ông bà. Phía trước có con chó nhỏ tôi sợ con chó của ông bà quật chết con chó nhỏ ấy.” “Vâng. Vâng. Không sao đâu, con chó của chúng tôi thân thiện lắm.” Nói thế nhưng họ cũng giữ chặt dây xích. Bobby nhảy bổ lại sủa con chó pitbull inh ỏi. Hai vợ chồng mỉm cười. Cả hai người đều rất trẻ, tuổi hơn ba mươi. Người chồng cao lớn như dân chơi football. “Con chó không phải của chúng tôi. Nó bỏ rơi chủ của nó và chạy theo chúng tôi cả tiếng đồng hồ.” “Thế à? Tôi cứ tưởng con chó là của ông bà.”
Cô vợ đưa dây xích chó cho anh chồng giữ. Cúi xuống bế Bobby lên tay, giọng cô trìu mến. “Con đi lạc đấy à?”
Cô rút điện thoại ra, gọi số điện thoại đeo trên cổ Bobby, rồi bảo chúng tôi.
“Ông bà có thể đi trước, chúng tôi sẽ lo cho Bobby.” Cô nói. “Dự tính của ông bà như thế nào?” Tôi hỏi. “Chúng tôi sẽ mang nó đến Trail Center và chủ của Bobby sẽ đến đón.”
Chúng tôi đi, họ cũng đi. Cô vợ dắt con chó lớn. Anh chồng bế Bobby như bế một đứa con. Trông cái cách họ quán xuyến chuyện con chó tôi thấy cảm động. Hai người rất trẻ, có lòng nhân, thương thú vật. Họ biết ngay họ cần phải làm gì, và chẳng ngại ngần phải làm những công việc nằm ngoài kế hoạch của một ngày Chủ Nhật. Họ đi rồi tôi tự hỏi mình. Họ mang con chó đến Trail Center, cũng cùng đường với mình, tại sao mình không làm chuyện này.
“Thấy chưa. Họ cũng làm đúng như anh nghĩ.” Ông Tám nói.
Chắc chắn là tôi không bao giờ có thể bỏ Bobby trong rừng. Tôi có nghĩ đến chuyện gọi người chủ của Bobby nhưng bản tính của tôi rất ngại tiếp xúc với người không quen. Tôi sợ, nếu như họ cố tình bỏ Bobby vào rừng vì không muốn nuôi nữa, họ sẽ không trả lời điện thoại, hoặc trả lời mà không nhận đó là con chó của họ. Tôi sẽ làm gì với con chó? Khi tôi bế Bobby lên tay, nó liếm má tôi, tôi đã có ý nghĩ là giữ con chó để nuôi, đúng là một thứ tà tâm.
“Tưởng là có duyên nợ với con chó nhưng té ra không có.” Tôi nói. “Nợ nhiều hơn duyên.” Ông Tám nói.
Đã nhiều lần tôi nhìn thấy tôi mê mẩn nhìn những con chó nhỏ. Nora sẽ phản ứng như thế nào nếu tôi mang Bobby về. Tôi muốn đi chơi mà không ai trông chừng Nora, nếu có thêm Bobby thì sao. Bốn giờ sáng Nora đánh thức tôi, cho Nora ăn, cho Boyfriend ăn. Rồi tôi phải dẫn Bobby đi đồng. Khi bế Bobby trên tay, một chút xíu là tôi bảo tôi phải thả Bobby xuống đất. Nó chỉ cần hôn tôi vài ba cái là tôi sẽ phải lòng nó và tôi sẽ trở thành một bà già ăn trộm chó.
Kể Cá Linh nghe, một chút điểm tô cho một ngày Chủ Nhật yên lặng.
Cái ảnh cậu bé con, Aylan Kurdi, nằm úp mặt trên bờ biển, và cũng ảnh của cậu bé ấy khi cậu được “múc” lên, nằm gọn trong cái lõm của cánh tay người kiểm tra bờ biển, làm nao lòng những trái tim chính trị cứng rắn khô khan nhất. Đủ mềm lòng để họ tiếp nhận người tị nạn. Cậu bé với cái quần màu xanh dương đậm và áo màu đỏ làm tôi nghĩ đến Pinochio, một trong những cậu bé đáng yêu nhất trong cổ tích. Nghĩ đến Pinochio, vì nhờ lòng yêu thương chân thành của ông thợ làm đồ chơi, và của chính Pinochio cùng với phép mầu của Thượng Đế, con búp bê bằng gỗ biến thành người. Pinochio cũng bị chìm thuyền, nhờ là gỗ nên không chết đuối, vào bụng cá, cứu được cha. Aylan bất hạnh, nhỏ bé và bất động như một con búp bê bằng gỗ trôi giạt vào bờ biển. Lòng nhân của loài người đến không kịp để cứu cậu bé, anh của cậu bốn tuổi, mẹ của cậu và còn bao nhiêu người vô danh nữa. Chúa đâu, Phật đâu. Phải chăng “Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người?”
Bài báo đăng trên The New Yorker mở đầu bằng chuyến vượt biển của thuyền nhân người Việt. Tôi nghĩ thế giới đang chú ý đến số phận hẩm hiu của những người lánh nạn sang châu Âu, mình không nên viết bài cái kiểu ăn theo sự chú ý này. Tuy nhiên tôi vẫn thấy xót xa đến độ muốn nhắc lại chuyện xưa. Hay là mượn câu thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên, một lần kể lại để rồi thôi.
Bài báo của Philip Gourevitch nói rằng ước tính có ba người đi thì một người chết. Gia đình tôi đi năm người, chia làm hai đợt, hai người mất tích. Tỉ lệ như thế là hai phần năm, lớn hơn một phần ba. Không phải đợt sóng nào cũng đưa người chìm trong biển vào bờ. Hai người mất tích trong gia đình tôi là cô cháu gái gọi tôi bằng dì với đứa con gái của cô. Chồng cô đi trước cùng lúc với em trai của cô và tôi. Đáng lẽ cô đi cùng chuyến, nhưng chiếc xe đò chở cô và đứa con gái, lúc ấy ba tuổi, bị bể bánh xe hai lần, và bể cả bốn bánh. Cô bị trễ xe nên lỡ chuyến đò. Cô đi chuyến sau, và vài lần sau nữa, cuối cùng, cô đi mãi mãi và không bao giờ đến. Nói thì nghe vô duyên. Không may như Aylan chết vẫn tìm được xác. Gia đình tôi nhiều năm cố tìm kiếm tông tích hai mẹ con cô cháu của tôi. Hằng năm lấy ngày ra đi làm ngày giỗ.
Bài báo nói chiếc ghe của người Việt vượt biên năm 1988 gặp rất nhiều tàu lớn nhưng họ không cứu. Ghe tôi đi năm 1980, sau ba ngày chạy ngon lành, gặp giàn khoan, họ cho thức ăn hộp, nước uống, và chỉ đường đi. Thẳng hướng này, chừng hai ngày hay một ngày rưỡi sẽ đến bờ Mã Lai, chỉ còn một trăm năm mươi hải lý nữa thôi. Chúng tôi không cần thức ăn nước uống vì chẳng ai ăn uống được gì những ngày đầu, ói đến mật xanh mật vàng, và thức ăn nước uống mang theo vẫn còn đầy ăm ắp. Chúng tôi muốn được cứu, được chở vào đất liền bằng tàu lớn vì đêm trước thuyền chúng tôi gặp bão tưởng chìm. Nhưng đời không như là mơ.
Chạy được nửa ngày, hay một ngày, tôi không nhớ hay nói đúng hơn trong cơn say sóng vật vã, tôi không có khái niệm về thời gian, thuyền tôi bị thuyền hải tặc đuổi theo. Ghe nhỏ làm sao chạy thoát thuyền hải tặc vốn là tàu sắt, máy lớn, đánh cá ngoài khơi. Thuyền của hải tặc đâm thẳng vào ghe tôi cốt ý đâm lủng thuyền. Anh tài công của ghe tôi nhanh trí lách lệch chiếc ghe qua một bên. Tàu sắt lúc ấy đã tắt máy, chỉ cái trớn của nó cũng đủ đâm bể cái máy đuôi tôm. Sau khi cướp, bọn hải tặc lùa 22 người Việt đã bị cướp, bắt nhốt từ trước trên tàu của chúng, sang ghe chúng tôi đã có sẵn 79 người. Chiếc ghe loại buôn bán trên sông, dài cũng chỉ chừng 15 mét như chiếc ghe Gourevitch nhắc đến trên báo The New Yorker. Và trên chiếc ghe không máy, chúng tôi 101 người trôi giạt lênh đênh không nhớ là mấy ngày.
Không phải đợt sóng nào cũng đưa ghe hay người chết đuối vào bờ. Có khi thuyền tôi thấy đảo rất gần, tưởng chừng có thể lội nước biển đi bộ vào. Nhưng nhìn thì biết là đảo hoang, vào có sống được không? Vào rồi làm sao ra? Nghĩ như vậy nhưng đâu phải muốn vào là có thể vào. Ghe chúng tôi lại bị cuốn ra ngoài biển khơi. “Ngó trông ra biển mù chong. Thấy người thiên hạ sao không thấy chàng.” Từ trong bờ ngó ra biển thì không thấy chàng mà mình mơ mộng. Ở ngay trên biển ngó chung quanh thì chỉ thấy biển muôn trùng, sóng chập chùng, biển nối vào chân mây. Có lần thấy tàu to, loại tàu chở hàng thương mại to như mấy tòa nhà lầu cao ngất đi ngang, tưởng chừng chỉ quăng cuộn dây là có thể kéo chúng tôi vào bờ nhưng không ai nhìn thấy chúng tôi. Thật ra không ai muốn nhìn thấy chúng tôi. Không phải một chiếc tàu to, mà nhiều chiếc. Hết chiếc này đến chiếc khác. Chúng tôi đi từ thất vọng này đến thất vọng khác. Chúng tôi như một đàn kiến loi nhoi giữa biển khơi trên một chiếc bao diêm. Đám đàn ông bắt đám đàn bà leo lên mui thuyền khóc la vái lạy, với hy vọng họ thấy đàn bà trẻ con họ sẽ cứu. Hừm, người đang cơn tuyệt vọng lúc nào cũng tưởng bở. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao họ không cứu người tị nạn.
Chuyện cậu bé Aylan, cùng với mẹ và anh trai đều chết đuối, khi theo bố lội nước vào bờ, không phải là chuyện mới. Người ta chết đuối khi vào gần đến bờ rất thường xảy ra. Vì sóng lớn, phụ nữ và trẻ em sức yếu bị nhận chìm. Người đàn ông cần phải bảo vệ họ thì không thể bảo vệ nổi. Có khi đang nắm tay con hay cõng con trên vai thì té, vuột tay, sóng cuốn đi. Những cuộc đổ bộ thường vào lúc tối trời, đi chui mà, làm gì dám đổ bộ công khai vào lúc có ánh sáng. Không khéo lại bị tàu của người trong nước kéo ngược ra biển khơi như người Việt tị nạn trước kia.
Người đọc thường tự hỏi, tại sao họ, những người vượt biển không chuẩn bị, như đeo phao, làm thuyền cho thật chắc thật tốt, chẳng hạn. Tại vì đây là những cuộc chạy trốn. Họ ra đi trong lúc giả vờ đi đâu đó, và nếu bị chận lại họ không thể chối cãi nếu tang vật bị bắt gặp. Họ không thể xây cất thuyền, mua thuyền công khai. Họ không biết được chuyến đi ở đâu, bao nhiêu người, lên tàu lúc nào. Những điều người ta bảo với họ nhiều khi chỉ là gian dối. Người đọc mắng thầm, cứ mơ mộng hão, đi tìm ảo vọng của thiên đàng, thật ra phần lớn họ chỉ lo chạy cho thoát khỏi địa ngục trần gian.
Tôi thường nghĩ vượt biên mà còn sống là đại phúc rồi. Chuyến vượt biên thay đổi tôi rất nhiều, biến tôi thành một người rất “neurotic.” Chuyện của tôi không có gì đáng kể. Những chuyện đáng kể đã nằm dưới lòng đại dương. Có lần tôi dịch một bài của Matt Steinglass (hay tên gì đó tôi không nhớ chắc, lười tra cứu lại) anh này phỏng vấn một giáo sư kiêm học giả trẻ ở Hà Nội. Tiếng là phỏng vấn, thật ra anh ta đang viết bài để promote quyển sách của O’Brien được in lại sau một thời gian xuất bản khá lâu. Anh chàng than phiền vì sao người Việt Nam không đọc sách về chiến tranh Việt Nam. Không ai nói thật cho anh hiểu là người Việt Nam sống thở và chết trong chiến tranh, họ chán ngấy chiến tranh rồi. Không có tác phẩm hư cấu nào có thể nói hết được cái bi thảm tàn khốc độc ác của chiến tranh, biết quá rồi đọc rất chán. Chuyện vượt biên cũng vậy. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Nhàm!
Tôi tự hỏi, hình ảnh nào của người Việt vượt biên đã làm động lòng Mã Lai, Phi Luật Tân, Úc, Canada để họ cứu giúp chúng tôi. Những người như tôi khi ra đi rất ngây thơ, có lẽ những người Syria cũng ngây thơ không kém. Họ không biết là nước biển sóng biển đẹp đẽ thơ mộng hùng vĩ như thế cũng có thể tàn bạo lấy đi mạng người, mấy trăm mạng cùng lúc không thương tiếc. Họ chạy trốn cơn tuyệt vọng này để phải đương đầu với cơn tuyệt vọng khác như người Việt đã từng đương đầu. Họ cũng không nghĩ đến sự có mặt của họ sẽ gây tốn kém nhức đầu với nhiều vấn đề cho những người phải nuôi phải chứa họ. Họ chỉ muốn tìm một nơi để sống bình yên, có cơm ăn áo mặc, con cái được đến trường, họ không phải sống trong bom đạn và cái chết. Họ sống trong cái chết bao chung quanh. Họ đi vào chỗ chết để mong tìm cái sống.
Chúa ở đâu? Phật ở đâu? Lòng nhân của con người ở đâu? Họ cần Chúa, Phật, lòng nhân của loài người hơn bao giờ hết.
Liên tiếp mấy tuần, tôi đi nghe nhạc jazz vào ngày thứ Năm. Tuần này trời nóng quá tôi lười đi bộ, và hôm ấy tôi ra hơi trễ nên thay vì đến chỗ nghe nhạc tôi ngừng ở khu chợ lộ thiên. Một tuần hai ngày, thứ Ba và thứ Năm, người ta tổ chức chợ lộ thiên. Bán nông phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ. Có nhiều gian hàng màu sắc nhưng tôi sợ chụp hình người ta sẽ mắng nên chỉ đứng xa xa mà ngắm. Đây là quảng trường của công ty điện lực, lúc trước có ngân hàng, mỗi lần chụp ảnh là bảo vệ ra đuổi. Sợ làm hại tài sản của công ty.
Tôi thấy một gian hàng bán đồ mỹ nghệ. Gỗ được khắc thành những cái giỏ, tôi gọi là lẵng hoa vì hình dáng của nó, nhưng nó không được để chứa hoa mang hoa. Xếp lại, nó đẹp như một bức tranh gỗ với vân hoa. Mở ra nó biến thành cái giỏ. Tôi nghĩ đến những tính toán trong công nghệ, độ clearance và interference, cái kiên nhẫn của người khắc gỗ.
Thỉnh thoảng tôi muốn ghi lại những chuyện hằng ngày, nhỏ nhặt thôi, nhưng đánh dấu cuộc sống của mình.
Đi rừng.
Không thể nói là leo núi vì độ cao rất ít. Đường đi, đi mãi trở nên quen thuộc. Mùa nóng đi trong rừng có nhiều bóng cây nên ít nóng nhưng những hôm độ ẩm cao đi rất mệt. Hồ Surprise trong rừng Watchung có rất nhiều loại chim, chụp được một con cò trắng và một con cò xám (hình như là heron, không biết tên nên gọi đại là cò xám), còn hai ba loại chim cổ dài màu nâu hay xám sậm bay nhanh quá chụp không kịp. Có nhiều loại hoa lạ nhưng không lẽ đứng lại chụp hoài bắt ông Tám chờ sợ ông phiền. Trên đầu ngọn cây tiếng ve đã râm ran.
Monkey Mind.
Cũng nhờ các blog bạn giới thiệu, tôi mượn được quyển A History of Reading của Alberto Manguel. Quyển sách dày, tôi chỉ mới đọc một chương The Translator as Reader. Rất hay. Đủ để tôi đặt mua sách cũ trên Amazon. Trang 276 có một đoạn như thế này. Tôi dịch tạm tạm thôi nhé, lúc nào rảnh sẽ gõ nguyên văn vào sau.
“Năm 1836, học giả người Đức Alexander Von Humboldt gợi ý rằng mỗi ngôn ngữ chứa đựng một ‘inner linguistic shape’ (dáng dấp ngầm của ngôn ngữ) và cái ngôn ngữ ngầm này biểu hiện một thế giới (ngôn ngữ) đặc biệt của những người sử dụng nó. Điều này ám chỉ rằng, không có một ngôn ngữ nào có chữ đồng nghĩa thật chính xác (như là sinh đôi) so với một ngôn ngữ khác, và vì thế biến việc dịch thành ra một chuyện khó có thể thực hiện, như thể ghi khắc lên mặt của cơn gió, hay thắt một sợi dây bằng cát. Dịch chỉ có thể hiện hữu như một công việc không theo đúng nguyên tắc cũng không hoàn toàn chính thức, qua ngôn ngữ của dịch giả để giúp đọc giả hiểu biết nguyên tác…”
Chỉ là một đoạn ngắn thôi, nhưng có hai câu ngắn tôi không hiểu hết ý. Ghi ra đây để bạn nào vớ được quyển này thì giúp tôi dịch. Một câu là “coining in the face of the wind” và câu kia ở phần chót của đoạn văn “that which lies irretrievably concealed within the original.” Tôi bị nghẹn ở chữ which. Tôi đoán câu này có nghĩa là ý nghĩa chính xác toàn vẹn (của văn bản gốc) có khi hoàn toàn bị chôn vùi không thể nào thể hiện hết bằng bản dịch.
Tôi đọc cùng một lúc nhiều quyển nên không thu thập được gì. Lang thang trong văn học Nhật, tôi nghe nói nhiều đến Yukio Mishima. Đọc xong quyển “The Sound of Waves” của ông, tôi đọc qua tập truyện “Acts of Worship.”
“The Sound of Waves” là một quyển truyện tình yêu của những người mới lớn. Dễ đọc. Dễ mến. Dấu ấn của Mishima là thích khai thác khía cạnh tình dục. Quyển này hiền nếu so với “The Thirst of Love.” “Acts of Worship” khô khan hơn. Tôi chưa đọc hết chỉ mới đọc bốn truyện ngắn “Fountain in the Rain”, “Sword”, “Acts of Worship” và “Martyrdom”. “Fountain of Rain” nói về hai người trẻ yêu nhau, giận nhau, cãi nhau trong suốt một cơn mưa. Sau đó kết thúc nửa chừng, họ dường như làm hòa hay vẫn tiếp tục lưng chừng. “Sword” nói về một hiệp sĩ, tài ba, chính trực, đáng kính, nhưng vì đòi hỏi tuyệt đối sức lực ở chính mình nên chết bất ngờ giữa lúc đang luyện kiếm. “Acts of Worship” nói về một ông giáo sư học giả, muốn đưa thanh danh của mình vào huyền thoại nên đòi hỏi sự phục vụ tuyệt đối của một người nữ tì. Ông vì danh mà lãng quên hạnh phúc thật của cuộc đời. “Martyrdom” kể chuyện hai cậu học trò đồng tính, truyện táo bạo, kết thúc bất ngờ. Truyện Nhật thời của Yukio Mishima luôn làm tôi nhận thấy cái bất hạnh của người phụ nữ Nhật Bản.
Chủ đề jazz
Tôi tò mò về chủ đề này, nên gom được một số tài liệu, nhạc, phim, và sách. Như đã nói trước đây, những bản nhạc jazz hay lưu truyền từ trước đến nay rất nhiều. Có vài bản tôi đã nghe như Nature Boy, If I Didn’t Care, và mới đây là How long has this been going on? Phim đã xem, Chicago, Blues Paris, Man With a Horn, and Round Midnight. Sách thì chỉ mới bắt đầu “Why Jack Kerouac Matters” của John Leland. Tôi mua quyển sách này lúc Borders bị sập tiệm, để mấy năm chưa đọc, nhân dịp tìm về chủ đề Jazz nhớ lại lục tìm nó ra, chỉ đọc phần jazz thôi là thấy trúng tủ rồi, đúng ngay cái mình muốn biết mà không cần phải đọc “On the Road.” Tôi thử đọc “On the Road” mấy lần, không cảm được. Với tôi, “On the Road” is overrated.
Hôm trước, hỏi mình nhạc jazz là gì. Nhiều khi nghe nhạc jazz mà không biết là nhạc jazz. Sáng nay sực nhớ ra có hai bài, mình biết là nhạc jazz, đã đăng lên blog để nghe, nhưng quên nhắc đến. Đó là bài “Nature Boy” và “If I Didn’t Care.”
“Nature Boy” có nhiều người hát. Nat King Cole và sau này Celine Dion. Tác giả là eden ahbez, ông này nhất định viết tên mình bằng chữ lower case. Nhạc sĩ viết tiếng Yiddish Herman Yablokoff kiện ahbez cáo buộc tội đạo nhạc, hai bên thỏa thuận một số tiền bên ngoài tòa án. Ngoài ra có người bảo rằng ahbez mượn đỡ một đoạn nhạc của Antonin Dvorak – Piano Quintet No. 2 in A, Op. 81. Bài này xuất hiện ở nhiều phim The Talented Mr. Ripley và Moulin Rouge.
“If I Didn’t Care” xuất hiện trong phim “Miss Pettigrew Lives for a Day” và “The Shawshank Redemption.”
Còn nhiều nữa nhưng tôi chỉ ghi chú lại đây một chút để dành cho mai mốt.
Không biết bạn thì sao, chứ tôi thì thích được lười biếng. Không có gì tuyệt vời hơn, khi chung quanh mình mọi người đang ngủ, rừng sau nhà lá xanh biếc, trời mát dịu, và tiếng chim reo vang vọng khắp nơi; Và tôi sau mấy tuần lễ bận rộn với chuyện tốt nghiệp đại học của cô út, đi tìm thuê nhà ở tiểu bang khác để cô có thể dọn đến đi làm; hôm nay tôi được lười biếng, ngồi đây thả trí óc đi rong. Cô được đại học John Hopkins nhận vào làm trong phòng thí nghiệm của trường. Hôm qua tôi làm tiệc mừng lễ ra trường cho cô.
Mấy hôm gần đây, có một con mèo lạ màu trắng đen lảng vảng chung quanh nhà tôi. Cá Linh bảo đó là con mèo đực. Có thể lắm, vì Nora là mèo cái nên mèo đực đến tìm. Tuy nhiên Nora đã bị trung tính rồi nên nó nhìn con mèo trắng đen như một kẻ muốn xâm phạm lãnh thổ của nó chứ không như một người tình. Lâu dài rồi hai đứa nó làm bạn có được không? Maybe.
Boyfriend aka Lãng Tử
Con mèo kêu to lắm, như hú vậy. Tiếng gào của mèo hoang đôi khi nghe rợn cả người. Vì tiếng gào của nó mà tôi muốn đặt cho nó tên Howl hay Allen Ginsberg. Cô út đặt cho nó cái tên gì đó khó nhớ nên cuối cùng hai chúng tôi quyết định gọi con mèo là Boyfriend. Không hẹn mà cả tôi và Cá Linh đều đem thức ăn để ở ngoài sân cho con mèo, dường như trong thâm tâm chúng tôi đều muốn dụ con mèo. Để làm gì? Nuôi thêm một con mèo nữa ư? Cô bạn tôi, hôm qua đến chơi, nghe kể chuyện Boyfriend bảo rằng mèo thường là con nuôi của vài ba gia đình, lê la các nhà khác để ăn xin, ăn chực. Bản năng của con mèo là đòi ăn, chỉ muốn được ăn. Thật không? Có thể lắm. Nora đã béo lắm rồi, nhưng vẫn năn nỉ kèo nài đòi ăn thêm. Cứ nhìn nó chồm lên ghế, khều chân tôi mà thấy thương lắm.
Boyfriend không mấy đẹp trai, nhưng nếu nó muốn tôi cũng sẽ rước nó vào nhà nuôi chung với Nora cho hai đứa có bạn. Nora nhút nhát ít khi lang thang sang nhà hàng xóm. Boyfriend có vẻ mập mạp, có lẽ là con mèo của nhà láng giềng nào đó.
Hồi cuối tuần đi thư viện tôi tha về hai quyển “A Cat, a Man, and Two Women” của Jun’ichiro Tanizaki và “The Sophisticated Cat” do Joyce Carol Oates và Daniel Harlpen tuyển chọn. Bà quản thủ thư viện cười bảo rằng, tuần trước thì chó, bây giờ đến mèo.
Tối qua, cắm cái ipod vào máy để sạc điện. Đi ngủ nên bỏ quên ipod. Sáng thức dậy thấy ipod trống trơn một màu trắng đục. Bấm nút nào cũng không nhúc nhích. Chẳng biết tôi mày mò làm sao mà khi nó nhúc nhích được nó hiện ra chữ toàn là characters giống tiếng Trung (hay Đại Hàn Nhật Bản gì đó chẳng biết). Vậy thì chỉ cần setting thôi. Nhưng setting ở chỗ nào, làm sao tìm cho ra. Lại lay hoay đi tìm user guide, đọc một hồi chẳng biết tìm cái setting chỗ nào. Phải tìm trên mạng cái user guide có ảnh của mấy cái button, rồi đếm trên menu cái button setting nó nằm ở hàng thứ mấy. Lỉnh kỉnh mấy tiếng đồng hồ mới mang cái ipod về tình trạng cũ có setting bằng tiếng Anh. Muốn viết cái gì bây giờ quên mất cả rồi.
Trường của cô út có tổ chức hội chợ hằng năm. Năm ngoái đã đi, vui. Năm nay đi nữa thì hơi chán nhưng ông Tám muốn đi, nên tôi vâng lời. Ngoan đến thế là cùng. Trời xuân lành lạnh nhưng có nắng nên buổi chiều ấm dần. Đi chán, mệt, mỏi chân, chúng tôi ngồi bệt trên bãi cỏ chờ cô út đến gặp. Gần chỗ ngồi là một cái lều trình diễn nhạc của người Irish bằng dàn nhạc vĩ cầm, âm thanh rất vui vẻ nhộn nhịp. Nhìn chung quanh, vì đang ngồi trên cỏ nên tầm nhìn giới hạn từ mặt đất trở lên.
Ở khuôn viên này có rất nhiều chó. Chàng trai này dẫn chó đến hội chợ. Gần bãi cỏ này có một khu đất rộng để cho chó dự thi, về hình dáng (sắc đẹp), trí thông minh và tài năng (biết thi hành mệnh lệnh của chủ). Chó dễ bị nóng nên chủ cho chó uống nước bằng cách rót nước vào một cái đĩa cầm trên tay.
Chó bảo bà muốn chụp ảnh tôi thì đây, tôi nằm im và nhìn vào ống kính cho bà chụp.
Một gia đình khác dẫn một anh cún đến ngồi bên cạnh. Tôi biết là anh cún vì tên của anh là Napoleon. Một người bạn của gia đình đến chào hello và trò chuyện vui vẻ. Mọi người ngước nhìn, và Napoleon cũng hóng chuyện.
Napoleon nhìn tôi tò mò, bà làm gì mà nhìn tôi chăm chăm như thế. Tôi biết là tôi xinh xắn nhưng bà nhìn tôi như thế làm tôi phát ngượng.
Cuối cùng hai con chó gặp nhau, chào nhau thân thiện.
Tự dưng tôi mất cảm hứng viết. Sau một ngày làm việc, buổi tối tôi xem phim được một chút rồi đi ngủ. Cuộc sống vẫn trôi qua hằng ngày, bề mặt vẫn bình lặng và tôi với những âu lo của công việc và cuộc sống. Tuy nhiên tôi vẫn đọc đều đặn. Có thể nói đọc nhiều hơn bình thường dù những thứ tôi đọc không có gì đáng để nhắc tới. Ở tuổi này, tôi có cơ hội học những thứ tôi muốn học. Qua thư viện địa phương, tôi mượn được rất nhiều sách để nghe. Mấy tuần nay tôi nghe về triết học Đông Phương, tìm hiểu về Zen, Phật giáo, Ấn độ giáo, Lão giáo, Đạo giáo.
Đây là ảnh của một cái đập ngăn nước ở hồ Seely, thuộc Watchung Reservation, tôi đi hiking cuối tuần. Trời hôm ấy lên đến 80 độ (F) khá nóng nên đi chỉ có ba giờ đồng hồ mà cả hai chúng tôi thấy mệt dù không mỏi. Mới vào xuân mà đã có muỗi mòng ở những nơi nước đọng. Mùa hè đi hiking chắc không chịu nổi.
Chẳng những lười viết, tôi lười cả chụp ảnh. Đây là cây đào của nhà hàng xóm, ở sát nhà tôi. Tôi lười đến độ không bước ra sân, đến gần mà chụp ảnh. Chỉ đứng xa xa dùng zoom chụp đại một tấm. Đây là loại anh đào rũ, gọi là weeping cherry. Dáng cây đào này rất đẹp, ngay cả khi hoa tàn, cành nó ra lá rũ lê thê trên mặt đất rất mềm mại. Mỗi khi có gió là nó chuyển mình ẻo lả thướt tha.
Còn đây là vài cây đào mới chớm nở ở công viên Military. Ở đây chẳng có cơ quan quân sự gì, chỉ có một pho tượng điêu khắc tưởng niệm trận chiến (lúc khác sẽ nói thêm).
Đây là người của Newark. Thấy người ta đã có người của New York rồi người của Hà Nội. Thì đây là người của Newark. Tôi đang ngắm nghía mấy cây đào, thì ông kêu lên. “I am ready! I am ready!” (Tôi sẵn sàng rồi đây!) Ông dang hai tay ngầm bảo tôi chụp ảnh ông. Tôi chụp ngay. Ông nói đùa không ngờ tôi chụp thật. Bạn đồng hành của ông mắc cở nên cúi đầu.
Cây đào này ở trước đại hí viện của thành phố. Hoa đào nở đến lúc tàn, mỗi cơn gió mang theo cánh hoa rơi vương đầy mặt đất. Mai ta chết dưới cội đào, là ám chỉ những cánh hoa, chứ người ta thì làm gì được cái hân hạnh chết dưới cội đào này. Ngay cả loài chim đáng yêu rủi có chết ở đây thì cũng bị nhặt xác đem đi chỗ khác.
Đây là một chút wabi-sabi, cái đẹp phù du bên cạnh cái xù xì thô nhám, quê mùa dân dã nhưng vẫn có vẻ thanh tịnh ung dung.
Bắt đầu trơn ngón tay muốn tiếp tục gõ thêm, nhưng đến giờ tôi phải đi làm. Hẹn lúc khác sẽ siêng viết thêm.
Âm nhạc VN có nhiều câu nhìn về bản thân. TCS có “tôi chợt nhìn ra tôi” và “nhìn lại mình đời đã xanh rêu.” Còn một câu nữa tôi không nhớ của ai, “và khi thức dậy tôi tìm thấy tôi.” Thỉnh thoảng không cố ý nhưng tôi nhìn thấy tôi, qua đám đông.
Ông Tám được mời dự tiệc, mừng sinh nhật tám mươi của một người quen. Ông này là nhà thơ, viết cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, được nhiều giải thưởng, có một giải thưởng tiền năm ngàn Mỹ kim và nhiều cúp được trưng trong tủ kính. Tôi được đi theo với tư cách là bà Tám. Ở Mỹ lâu năm, ảnh hưởng suy nghĩ độc lập của phụ nữ Tây phương, tôi ngạc nhiên và thú vị nhận ra, mình là một phụ thuộc của ông chồng, như một cái cánh hay cái bẹ sườn. Ở buổi tiệc, tôi được giới thiệu chung với ông Tám, vợ chồng (nghề nghiệp của) ông Tám.
Trước khi đi tôi trang điểm. Chẳng biết tôi bỏ trang điểm từ bao lâu, mà bàn phấn đóng bụi một lớp dày, đèn trên bàn phấn đã đứt bóng, phấn son khô cứng, mở ra kiểm soát và ném đi một số. Còn một số son phấn mới chưa dùng nên khui ra mở ra dùng. Ông Tám nói đã lau bụi một lần rồi nếu không là bụi còn dày nữa. Chợt nhận ra, khi bạn mình mừng tuổi tám mươi thì mình cũng “up there.” Đa số người dự tiệc đều ở tuổi cổ lai hy. Nhớ ngày nào mình đi dự tiệc, bạn bè ở tuổi ba mươi bốn mươi, mình nhìn ngó áo quần son phấn dép giày. Bây giờ mình ngó nhìn “tóc nào hãy còn xanh,” nụ cười nào có hàm trăng trắng khác thường, giữa những người nhiều tuổi hơn thì mình cũng chẳng còn “cho ta chút hồn nhiên.”
Bữa tiệc sinh nhật tám mươi chỉ là cái cớ phụ. Nguyên do chính là buổi họp mặt của quí vị đã từng ở tù cải tạo. Họ gặp nhau lần này là lần thứ bảy. Giữa tháng Tư, với cái nỗi buồn cuối tháng Tư sắp đến, buổi họp mặt tạo nhiều cảm xúc trong tôi. Tổ chức trong lều ở sân sau, hôm qua nắng vàng tràn trề nhưng gió vẫn còn khá lạnh. Đầu tiên là chào quốc kỳ Hoa Kỳ, tôi ở Mỹ mấy chục năm vẫn không thuộc bài quốc ca Hoa Kỳ, và bao giờ cũng vậy, mỗi khi nghe chào cờ VN, với bài VN, VN nghe từ vào đời, VN hai câu nói trên vành môi VN nước tôi, là tôi chảy nước mắt. Cúi đầu để nước mắt chảy không dám lau, sợ người ta thấy mình mít ướt. Tôi thấy thương cho những người thế hệ trước tôi. Những người bị tù đày ít là 6 năm, thường là 9 năm, và không ít người bị tù cả 12 năm. Họ đến từ Boston, California, Washington DC. và dĩ nhiên NJ. Một điều rất vui là các ông và quí phu nhân tuy đã cao tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe. Đi đứng nhanh nhẹn, trí óc minh mẫn, vẫn khôi hài dí dỏm. Họ gặp nhau không hỏi chuyện giàu nghèo mà nhắc lại thời ở tù, người nào ăn gián, ăn cào cào châu chấu.
Ông Tám đi Texas từ hôm thứ Ba. Hôm qua, thứ Tư (3/18/15) tôi ra lệnh cho cô út chịu trách nhiệm về bữa ăn tối. Chịu trách nhiệm có nghĩa tìm nhà hàng nào cô muốn thử chứ tôi không bắt cô nấu ăn. Nhà còn nhiều thức ăn thừa từ bữa trước nhưng vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm nên hai mẹ con tôi tiêu hoang một chút.
Buổi chiều đi làm về, cô đưa ra một danh sách nhà hàng ăn chung quanh chỗ tôi ở. Đầu danh sách là một nhà hàng của người Peru. Người Peru tiếng Anh là Peruvian. Tiếng Việt có chữ dành riêng cho chữ Peruvian không?
Đã từ lâu tôi có phần nào chú ý đến văn hóa của người Peru. Có lẽ vì cô bé nhân viên của thư viện là người gốc Peru. Cô thường tổ chức những buổi triển lãm về văn hóa Peru, có khi cô mời người ta đến dạy nấu ăn theo kiểu người Peru. Hôm ấy tôi bận không đến được nên cô hứa sẽ tìm cho tôi cách nấu món ăn về cá của người Peru. Cô nói là ngon lắm.
Peru nằm cạnh Chile, Brazil, Ecuador, Columbia thuộc nền văn hóa Nam Mỹ. Tôi tưởng tượng đến đồ cổ Inca, bộ phim cây đàn phong cầm có cái đầu quỷ sứ, đến xứ sở của Machu Picchu, đến rừng Amazon và những phim phiêu lưu mạo hiểm tôi đã xem nhưng không còn nhớ tên. Chưa đi đến những chỗ này nhưng được thưởng thức món ăn thì cũng … đã!
Thế là tôi hồ hởi đưa cô út đến nhà hàng này. Không xa nhà chỉ độ mười phút lái xe (1.7 miles). Có chỗ đậu xe ngay trước nhà hàng. Thật ra đây chỉ là một quán ăn nhỏ, tương tự như một tiệm take out của Chinese food. Quán ăn có độ mười bàn dành cho bốn người. Trên tường có trang trí vài bức tranh màu sắc rực rỡ, những cái nón fedora và lọ gốm, và một số đồ trang trí kiểu Inca rất đẹp mắt.
Thực đơn có khoảng 5 hay 6 trang, dùng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Tôi chọn ngay món cá. Còn cô út chọn món thịt bò với mì linguini. Món cá, tôi thấy đề trong thực đơn có cá cắt thành miếng nhỏ (chunk), bắp, khoai lang, xà lách, với nước sốt chanh. Món mì của cô út ảnh chụp khá hấp dẫn. Cả tiếp viên lẫn chủ quán đều không nói rành tiếng Anh. Khi tôi đến tôi thấy gia đình của chủ quán đang ăn tối ngay trong quán. Chập sau người chồng đưa hai đứa con về. Thức uống, tôi thấy trong thực đơn có món nước bắp tím. Ở Mỹ, tôi thấy người thổ dân có trồng loại bắp hạt màu tím. Tôi tưởng tượng đây là một loại rượu ủ bằng bắp tím. Cô út thì nghĩ là một loại smoothie (bắp xay làm thành sinh tố). Tôi gọi một ly nước bắp tím.
Khi người ta mang nước bắp tím ra, nước đóng thành chai, tương tự như chai nước táo nước nho của Mỹ. Nước bắp tím, rất ngọt, không biết bao nhiêu chất ngọt là từ bắp hay chỉ là nước đường pha màu tím. Không có mùi bắp. Nước nho ít ra còn có mùi nho. Từ mấy chục năm nay, tôi không uống nước ngọt, chỉ uống trà và nước lã. Thậm chí cà phê cũng không cho đường. Wine (rượu nho) cũng chỉ thích loại dry (hơi chát và có vị chua) chứ không thích uống loại ngọt. Tôi uống một phần ba rồi thôi.
Người ta mang ra một đĩa cá thật to. Miếng khoai cắt vuông vức màu cam đậm rất bắt mắt. Cá được cắt thành miếng nhỏ độ một lóng tay, màu trắng đục, như thể trộn trong sốt mayonaise, có hai miếng lá cải xà lách xanh biếc, một khúc bắp chừng bốn phân, hạt bắp to cỡ nửa lóng tay, màu trắng gần như trong suốt. Trên cá có một lá rong biển khô màu nâu cắt lua tua đẹp mắt. Cá có trộn một loại gia vị gì đó rất cay có thể là ớt xanh. Rất ngon. Chỉ tội một điều đây là cá sống mà tôi không ăn cá sống kể cả sushi. Khi gọi tôi không biết là món cá sống. Tôi thấy có đề chữ salad, nhưng tưởng đây là loại xà lách ăn kèm. Nước sốt hơi loãng. Lỗi của mình không hỏi cho rõ ràng. Mà cũng không dám hỏi nhiều vì người tiếp viên và chủ quán đều nói tiếng Anh rất khó khăn. Đầu bếp là một anh tóc bù xù, dài quá vai, được cột thành cái đuôi, hoàn toàn không nói tiếng Anh.
Đĩa thức ăn của cô út càng to hơn. Món thịt bò dường như được giã ra làm thành một thứ như chả chiên, ăn với mì linguini có sốt màu xanh chẳng biết làm bằng gì. Thịt thơm ngon. Khai vị thì có món bắp khô rang từng hạt to như đậu phọng, không nở như pop corn, chấm với một thứ nước sốt màu xanh, hơi béo.
Về nhà, tôi hơi lo chẳng biết có bị bệnh không, nhưng ngay lúc này, bụng vẫn bình yên.
Tóm lại, tôi có phần nào thất vọng, có lẽ vì nó khác với sự tưởng tượng của tôi, và vì nó khác với thói quen của tôi. Thế, dù cho có được thưởng thức một nền văn hóa văn minh khác lạ, mới mẻ hơn cuộc sống của mình, mà mình vẫn sống vẫn thở vẫn hưởng thụ bằng một khuôn khổ cũ thì không thể nào cảm nhận được cái hay cái ngon của một đời sống khác. Tiếc là không mang theo máy ảnh, cũng ngại ngần không bảo cô út chụp vài tấm ảnh.
Đây là lần đầu tiên tôi dùng từ hệ lụy. Tôi đoán đây là chữ ghép từ quan hệ và liên lụy. Vì đoán nên rất có thể sai, xin bạn đọc đến đây hiểu dùm tôi muốn dùng từ hệ lụy theo nghĩa trên.
Bạn thấy nhiều rồi, trên blog này và nhiều blog khác. Tuyết đẹp. Nhưng sau đó là trơn trợt. Người ta ngã gãy tay chân, xương chậu, nằm nhà thương. Một nhân viên của công ty tôi trượt ngã trước công ty đệ đơn thưa, sau đó được đền tiền, nghe nói rất nhiều. Cả chục năm sau vẫn đi khập khiễng chống gậy.
Cái đẹp của tuyết, có khi chụp được vào ảnh, nhiều khi không. Mấy hôm nay trời ấm, sáng qua có sương mù dày đặc. Cái hồ trắng nằm giữa cánh rừng trắng hôm qua vẫn là hồ trắng bị bao phủ bởi lớp sương trắng, dày như lớp thạch, tưởng chừng có thể cắt bằng dao. Xe lửa chạy vụt qua, tôi ngó ngoái lại, thấy cánh rừng đã trở thành màu đen vì tuyết không còn bám trên cây.
Enter a captionEnter a captionEnter a captionEnter a captionEnter a captionEnter a captionEnter a captionEnter a captionEnter a captionEnter a captionEnter a captionEnter a captionEnter a caption
Liên tiếp mấy ngày, tôi đi bộ vào lúc giữa trưa. Những công viên vẫn còn phủ lớp tuyết mỏng, lối đi chưa được dọn sạch, ướt át, bẩn thỉu. Sau khi lớp tuyết trắng tinh khôi phủ cả bề mặt của thành phố tan, tất cả những cái xấu tệ bẩn dần dần lộ ra. Lon nhôm, chai nhựa, bao thuốc, rác đủ loại, tuyết tan thành nước, bụi khói xe, đất nhão biến thành bùn đen bám đầy trên tuyết đóng nham nhở hai bên vệ đường. Ổ gà trên đường sau mùa đông biến thành ổ voi hay ổ khủng long, suốt cả chiều dài con đường, vô số không thể đếm hết.
Vậy đó, mấy hôm tuyết trắng tôi cứ nghĩ đến một đoạn thơ của Nguyễn Bính. Đoạn thơ buồn nói về đám tang của một cô gái trẻ, sợ viết ra bạn đọc không vui. Nhưng đoạn thơ cứ trở đi trở lại mãi trong đầu tôi, nhất là khi tôi nhìn thấy màu đen xỉn của bùn đất ô uế đóng trên tuyết.
Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh Tơ liễu kéo nhau chạy xuống hồ Tôi thấy quanh tôi và tất cả Châu thành Hà Nội chít khăn sô. … Có một chiếc xe màu trắng đục Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi Theo sau một cỗ quan tài trắng Với những bông hoa trắng lạnh người Theo gót những người khăn áo trắng Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi.
Chép theo trí nhớ, bài thơ được phổ nhạc, tôi nhớ theo ca từ, nên có thể không đúng với nguyên bản. Tôi cũng không chắc là của Nguyễn Bính. Nhớ bài thơ vì cái màu trắng. Mà đám tang ở Tây phương người ta mặc toàn đen.
Trên đường đi bộ, tôi ghé một chợ bán nông phẩm của người Hàn. Chủ nhân cứ nhìn mình với đôi mắt cú vọ vì sợ mình ăn cắp, chẳng kể đó là người Á hay Mỹ, da màu vàng hay màu xanh lá cây hay màu tím ngắt. Tôi mua ba trái táo vàng, và một hộp blue berries. Ra khỏi chợ khoảng chục bước, bên kia đường tôi gặp một người phụ nữ trạc năm mươi, hay trẻ hơn. Bà nhìn tôi, vừa nói vừa chỉ vào mồm. “Bà có gì cho tôi ăn không?” Tôi lắc đầu, đi được dăm bước chợt nhớ ra trong túi xách của mình có thức ăn mới mua. Tôi quay trở lại đưa cho bà quả táo. Bà lắc đầu, nói: “Ưm, tôi không thích táo. Nếu có quả cam thì tốt hơn.” Tôi nghĩ thầm, người Mỹ có câu “a beggar can’t choose” thế mà bà này kèn cựa với mình. Tôi đoán có thể vì táo cứng, và răng bà yếu. Tôi đưa bà hộp blue berries, mặt bà sáng lên.
Tôi đang ở trong trạng thái chẳng suy nghĩ gì được. Cuộc sống bình thường trôi qua, không có gì để kể. Hôm trước thấy ở một blog nào đó có nhắc đến Shadow of the Wind, tôi mượn sách audio về nghe. Quyển sách hấp dẫn nhưng buổi chiều đi làm về tôi cứ ngủ gục, thức dậy thì đã mất mấy chương trong sách. Tôi cũng cố đọc Slaughter House Five của Vonnegut nhưng đầu óc cứ la đà đi hoang. Dự định đọc xong quyển này sẽ đọc Catch-22 và một quyển của Thucydides để có khái niệm người ta viết gì về chiến tranh, nhưng ngó bộ không xong. Tôi có mấy quyển sách đọc dang dở rồi nhảy qua quyển khác. Trong đó có một quyển mới mua là Japanese dolls, và một quyển về phim cua Wes Anderson tha ở thư viện về từ hồi mấy tuần trước gần hết hạn mà chưa đọc xong.
Ha, tôi đi từ tuyết bẩn sang đến sách chưa đọc, lan man quá, xin bạn đừng chấp.
You must be logged in to post a comment.