Sợ tốn thì đừng yêu

Nora

Đã bảo có mèo tốn kém lắm
Ai mà sợ tốn thì đừng yêu
Bác sĩ thú y thẳng tay chém
Bụng héo dạ teo vẫn cứ liều

Ngày thứ Tư mọi chuyện vẫn bình thường. Nora vẫn mon men đi lên đồi, rượt con mèo sọc vàng Ginger, lần dọc theo chiều dài của những khúc cây đổ mục, thám thính dọ dẫm. Buổi tối đi ngủ vẫn nhảy lên giường nằm cạnh tôi. Sáng thứ Năm Nora vẫn thức sớm, đòi ra ngoài, trời rất lạnh khoảng hơn ba mươi độ F một chút. Được năm mười phút lạnh đòi vào, chút xíu lại đòi ra. Trước giờ tôi đi làm lại đòi ra nhưng tôi không cho ra. Ông Tám bận công việc đi xa không có ai mở cửa cho vào. Chiều thứ Năm tôi đi làm về thấy lông mèo vương vãi đầy sàn nhà bếp. Mặt Nora bị cào xước chảy máu, nhất là ở bên trên mắt (chỗ người ta có chân mày). Nàng ói khắp nơi trong nhà. Thứ Sáu, thứ Bảy ói. Quằn quại đến thương, cuối cùng ói ra hai khúc cỏ chừng một tấc. Sau đó không ói nữa, nhưng cũng không ăn. Bỏ ăn luôn Chủ Nhật, Thứ Hai. Nằm một chỗ không ra ngoài lên xuống. Sáng thứ Ba đòi ra ngoài một chút vào nhưng cũng không ăn. Tôi xin nghỉ ngày thứ Ba đưa mèo đi Bác sĩ.

Hẹn mười giờ mười lăm, đến 11 giờ Nora mới được khám. Người ta mang chó đến rất nhiều, nhưng chỉ có hai người mang mèo. Khi tôi ra về thì người mang mèo thứ hai đến, con mèo 14 tuổi gầy, cân nặng chỉ cỡ phân nửa Nora. Bác sĩ bảo để mèo ở đó ba giờ rưỡi trở lại.

“Thử máu 150 đồng.”
“Ok.”

Bác sĩ khám qua loa, có gắn ống nghe. Nắm đuôi mèo nhấc lên nhét nhiệt độ kế vào hậu môn. Nora nằm im thin thít không dám thoát ra một tiếng meow than thở.

“Nora bị sốt, nhiệt độ 104.5 độ F. Tim nó bị murmur, khi nó ngủ nó có thở phì phò (wheeze) không?”
“Không, sức khỏe nó tốt lắm cho đến ngày thứ Tư vừa qua.”
“Chụp quang tuyến cho nó, giá 250 đồng.”
“Không. Mắc tiền quá, tôi không muốn.”

Tôi có cái tật hay nghi ngờ bác sĩ (trị người ta) vẽ chuyện. Thí dụ như cứ bắt người ta uống thuốc cho hạ cholesterol. Hạ cholesterol bằng thuốc chẳng khác gì lấy đồ che bịt ống dẫn khói khi xe thả ra nhiều khói carbonic. Bác sĩ thú y tôi càng nghi ngờ nhiều hơn. Thân nhiệt của mèo cao hơn của người nên 104 độ cũng không sao. Khi tôi  mang Nora về, tổng cộng số tiền tôi phải trả là 547 đồng không kể tiền lẻ. Trong số tiền 547 đồng có 30 đồng là tiền thuế. Phần còn lại là tiền thuốc trụ sinh (thuốc nhỏ giọt) để trị chỗ cào xước bị chảy máu đề phòng vết thương bị làm độc, tiền trị bọ chét, trị sán lãi, thử nước tiểu, đủ thứ, “the whole nine yards.”

“Không tìm thấy bịnh gì nguy nan cả, thận và gan tốt lành, nước tiểu không có máu. Bà nên cho chụp quang tuyến để thử tìm ra nguyên nhân.”

Hôm nay Nora đã ăn một chút, ra ngoài nhiều hơn, buổi tối lại leo lên giường ngủ với tôi. Mấy hôm trước bị bệnh nó tự động kiếm chỗ khác ngủ riêng. Tôi vốn không tin là mèo cần tắm, nhưng nghĩ là có thể nó bị vướng poison ivy, hay bị burr (cỏ hạt) vướng vào mặt làm ngứa ngáy khó chịu nên cào cấu và nó ăn cỏ nên phát ói. Tôi pha nước ấm vào bồn ẵm mèo đi tắm, luôn luôn nhẹ nhàng cẩn thận cho nó bớt sợ, nhớ mấy chục năm về trước tắm con cũng như thế.

Ông Tám nhìn cái bill bác sĩ, nói số tiền này có thể giúp một em sinh viên ở VN đi học cả năm. Còn tôi, cả đời chưa biết làm thơ, nhờ ẵm mèo đi bác sĩ thú y nên làm được bài thơ. Đừng có ai nói nó là thơ con cóc nhen. Thơ con cóc là thơ hay. Bài này còn thua thơ con cóc mấy bậc.

Noraa

Mèo ốm

rừng cây trên đồi phía sau Target ở Watchung

Ảnh chụp hồi thứ Tư vừa qua Nov. 8, 2017. Sườn đồi phía sau Target ở Watchung. Ở ngoài đẹp hơn trong ảnh. Và ảnh chẳng có liên hệ gì với bài viết nhảm của tôi.

Nora bị ốm. Chẳng biết ra ngoài sân ăn trúng cái gì mà suốt từ hôm qua đến sáng nay nàng ói liên miên. Tôi dọn hoài đến phát sợ luôn. Đầu nàng trầy xước lung tung, tự cào cấu đến chảy máu, tối qua tôi phải ôm nàng lại để bôi thuốc.

Trời rất lạnh, thế mà Nora cứ đòi ra ngoài, nhất là mỗi khi Inkie, con mèo đen thui như màu mực, đến. Nora chẳng làm gì chỉ leo lên cái bàn cạnh cửa sổ, có vẻ rất sợ Inkie, chỉ chực phóng vào nhà để trốn. Mỗi khi Ginger, con mèo vàng sọc nâu, đến ăn là Nora đòi ra ngoài và đuổi cắn Ginger. Mèo cùng giống với nhau thường đánh nhau để bảo vệ chủ quyền của lãnh thổ. Inkie rất yêu thương và bảo vệ Ginger. Tôi thấy những vết trầy xướt trên người Nora nghĩ là do bị Inkie cắn, nhưng cũng có thể nàng bị những bụi gai cào khi rượt đuổi Ginger. Con mèo đen lẫn trong bóng tối nên rất khó nhìn thấy nó. Có lần trời tối, tôi bước ra sân tìm Nora, không thấy con mèo nào cả nhưng thấy trong bóng đêm đôi mắt sáng lấp lánh, đó là đôi mắt của Inkie.

Mấy con mèo hoang này, có lẽ có người nuôi, nên con nào cũng béo tốt, lông mướt rượt. Ginger nhỏ bé thùy mị hơn. Còn Nora thì béo quá, sáng nào thức giấc đi xuống cầu thang trông nó phục phịch đến tội nghiệp.

Ba con mèo, hai con mèo hoang, một con mèo nhà, tôi nuôi. Tôi định viết chuyện ba con mèo, lại nghĩ xa xôi đến chuyện ba người. Đã nói lâu rồi, nhắc lại câu hát,
Một người đi với một người,
Một người đi với nụ cười hắt hiu.
Hai người vui biết bao nhiêu,
Một người lặng lẽ buồn thiu đứng nhìn.
Ai chê sến kệ họ. Tôi thấy mấy câu này đáng được gọi là thơ. Cái ý nghĩ một người “đi với” nụ cười hắt hiu mà chẳng hay sao? Còn chữ buồn “thiu” hay buồn “hiu.” Chữ thiu mà không hay à. Thức ăn thiu là thức ăn bỏ đi, chứ còn gì nữa.

Mèo đen phải gọi là mèo mun, chó đen mới là chó mực. Nhưng chữ mun, như gỗ mun tiếng Anh là gì?

Mèo có sống thành từng đàn hay không? Có như cọp, có thể ở chung ở gần, nhưng kiếm ăn, đi săn mồi thì đi riêng. Thế còn những con mèo hoang tụ họp ở bãi đất trống như bài thơ của T. S. Eliots có thể gọi là đàn mèo không?

Nora có vẻ như thèm sự có mặt của bạn bè bởi vậy khi nàng đánh hơi được có mấy con mèo hoang đến là nàng thắc thỏm ra mặt. Nàng sợ Inky ghét Ginger nhưng vẫn thích ở xa xa gần gần với chúng.

À, Nora cũng canh chừng đàn nai. Mỗi lần nai đến là nàng nhất định phải mở cửa cho nàng ra. Sáng nào tôi đi làm, nàng cũng nhìn theo với vẻ ảm đạm.

Complaints about my cat

First, she is not mine. It is my fault that she becomes mine because I fall in love with her. I love her but that doesn’t mean she is perfect. She is a brat. An annoying bratty cat.

A few nights ago, I was asleep since eight o’clock. Around midnight, my mister got on bed, pulled the comforter, then, jumped out of bed, like a flash. Perhaps he had touched a snake, I thought. I was laying on my left side, legs pulled up, in fetal position. In the nook between my knees and my chest was Nora, my cat. Being exposed, she stood up, stretched, walked over my body, jumped down, and left. I did not know when Nora got on the bed, snucked in and went under the comforter, especially on mister’s side. Normally I only has allowed her to be on my side and at the edge of the bed.

Since that night, Mister still grumbles every time he sees the cat near the bed.

Mister does not want the cat to get on his bed. That is reasonable. Both of us suffer cat allergy. He mumbles somethings about the cat’s fur that gets into his nose. I sneeze and sniffle if I don’t take allergy pills. I know being with the cat will shorten my life. I will go sooner than when I suppose to leave. For heaven, of course, where else I choose to go?

My cat is a writer cat although I keep telling her, I am not a writer. She wakes me up at three in the morning just because she wants me to get up and write. If I don’t, she goes down, sits at the bottom of the stairs, and screams for me. She comes back at four with her mousy toys, leap on the bed, walks on over me, my head, my face. She kisses me if she can find my face, I like to think she kisses me but maybe she just like the taste of salt in my sweat.

She wants to go out, in the cold. She sits at the door, meows as if to say: “Humans, let me out, please.” When we open the door, she sniffs, hesitates, if she finds something dangerous like the howl of wind, rumble of car, or rustle of leaves, she runs back inside. Seconds later, she repeats the whole thing.

If I take a shower, she barges into my bathroom. If I sit on a chair, a couch, or even a bed, she tries to climb onto my lap. Perhaps, she thinks she owns my lap, or it is her throne. If she wants to look outside windows, she will hop on table. Her former owner installed a perch for her, couple months ago so she could sit and watch whatever interested her but she hardly used it. Sometimes I picked her up, positioned her on the perch, and bribed with a treat only to find out she would just sit there about a minute or two. Lately, perhaps she is getting old, or too heavy, she has missed her steps occasionally. If she wants to jump up, she pauses a few seconds to calculate the distance.

I think about to put her up for adoption; but then, I will not have anything to complain about. It will be boring, without her, won’t it?

Hai con mèo

 

Boyfriend

Nora

Người xưa có câu thơ, thiếp trong khung cửa chàng ngoài chân mây. Hai con mèo của tôi thì thiếp trên bàn học, chàng nằm sân sau.

Boyfriend lúc này hầu như ăn ở ngoài sân sau. Tuy bớt nhút nhát nhưng vẫn bỏ chạy mỗi khi tôi ra sân sau. Nó nằm ngủ thẳng cẳng, nằm chơi, vờn cỏ, rượt chipmunk một cách hời hợt. Mấy con chim blue jays đến ăn thức ăn của nó, nó chẳng buồn đuổi xua.

Nora thì tuyệt nhiên không còn dám ra ngoài sân sau từ khi Boyfriend đến ngự trị. Có lần tôi cho nó ra cửa trước, được một lúc Boyfriend mon men đến gần. Nora nép vào cửa gào thét giận dữ, tưởng như bị Boyfriend bóp cổ. Ông Tám hỏi có nên đuổi Boyfriend đi chỗ khác và không cho nó ăn để nó không đến nữa. Tôi nghĩ tại Nora nhút nhát không quen với loài vật khác chứ Boyfriend không có ý tấn công mà chỉ muốn làm quen.

Ông Tám hỏi thế chứ rất quyến luyến con mèo hoang này. Hôm trước tôi làm cá, túm mớ ruột cá vụ vằn vào bao nylon gói kỹ để bỏ thùng rác. Ông bảo để cho ông dùng. Sau đó ông đem nấu chín để không bị ươn và cho Boyfriend ăn. Mỗi lần có xương gà gân gà ông để dành, có khi còn chặt nhỏ để Boyfriend dễ gặm. Con mèo dường như chờ được ăn ngon nên có khi cho thức ăn nó chỉ nhìn ngửi mà không ăn.

Bây giờ mỗi lần muốn đi đâu chơi một hai tuần là lại lo lắng ai sẽ chăm sóc hai con mèo.

TGIF

Nếu bạn hỏi TGIF là cái quái gì đây, xin thưa nó có nghĩa là Cám ơn Trời, hôm nay thứ Sáu rồi, viết tắt của chữ Thank God, It’s Friday.

Mấy ngày qua, báo đưa tin một đứa bé ba tuổi chui hàng rào len vào chuồng của con dã nhân tên là Harambe. Để cứu đứa bé, người ta bắn chết Harambe đã mười bảy tuổi. Loại dã nhân thuộc loại hiếm đang dần dần thất truyền. Ông Giám Đốc Sở thú Cincinnati, người cho phép bắn Harambe, bị cộng đồng phản đối dữ dội. Người ta cho rằng quyết định của ông là vội vàng và sai lầm. Hiện Cảnh Sát đang mở cuộc điều tra để xem có cần phải đưa cha mẹ đứa bé ra tòa để xử tội hay không. Trước nhất là tội bất cẩn có thể làm hại đến mạng sống đứa con. Có nhân chứng bảo rằng nghe đứa bé nói đùa sẽ chui vào chuồng Harambe. Ai là người có lỗi trong cái chết của Harambe?

Tội nghiệp ông Giám Đốc. Đặt tôi ở vị trí của ông có lẽ tôi cũng sẽ quyết định như thế. Dẫu yêu thương loài vật và Harambe là tài sản quí giá của thiên nhiên cũng như công chúng, bảo vệ sinh mạng con người vẫn ưu tiên. Nhiều người, kể cả chuyên gia, cho là Harambe không cố ý làm hại đứa bé, có lẽ còn bảo vệ đứa bé nữa, nhưng làm sao biết được Harambe không vô tình làm chết đứa bé. Chỉ cần Harambe lối đứa bé đi đụng vào viên đá hay gốc cây cũng đủ vỡ đầu hay dập nội tạng mà chết. Đứa bé mà lỡ chết thì cha mẹ nó sẽ thưa kiện lôi thôi, còn Harambe chết thì sao? Nhưng tại sao không bắn thuốc mê thôi? Không có thuốc mê sẵn sàng?

Giả tỉ như rơi vào chuồng Harambe không phải là đứa bé mà là một người đại gian ác, có tội tiêu diệt một chủng tộc, hay tàn sát rất nhiều người đối lập chính trị, như Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, và tương lai là họ Tập, thì sao?

Thú vật có yêu loài người không? Yêu chủ không. Tôi nhớ một nhân vật trong quyển Life of Pi, hình như ông nội của nhân vật, bảo rằng con thú nó không có tình yêu thương giống như con người, chỉ xem con người như nguồn thức ăn của nó. Bởi thế, con người, nhất là nhân vật trong truyện hãy tập cho quen với ý nghĩ này, để mai sau có mất con thú yêu thương của mình thì cũng không bị choáng.

Thỉnh thoảng tôi tự hỏi, con mèo hoang Boyfriend có nhớ tôi không. Những ngày lạnh nhất trong mùa đông vắng mặt nó tôi vẫn tự hỏi không biết nó còn sống không. Bây giờ thì tôi vững tin là nó có chủ nuôi, mùa đông lạnh nó được vào nhà. Mùa hè ấm áp thì bị đuổi ra ngoài. Mỗi lần chúng tôi ăn thịt gà hay thịt vịt ông Tám để dành xương (còn dính rất nhiều thịt) cho nó. Còn Nora thì vẫn được cho ăn vài miếng thịt nạc nho nhỏ. Không tiếc gì với Nora chỉ sợ nó béo phì.

Boyfriend là một con thú rất khôn và không ngoan. Nó ranh mãnh, lém lỉnh, và khôn ngoài sức dự đoán của chúng tôi. Ông Tám có đặt câu hỏi, tại sao Nora không bao giờ nhảy lên bàn ăn thức ăn, hay khui nắp hộp chứa thức ăn của nó. Thức ăn cho Nora tôi mua một bao 7lbs,  cho vào cái hộp có nắp đậy. Mỗi ngày chỉ cho hai muỗng nhỏ, thế mà nó vẫn béo. Nora đẹp, khá đài các và rất yểu điệu. Boyfriend thì hoang dã, và khá du đãng 🙂

Có một buổi tối trời nóng, chúng tôi để cửa cho Nora có thể ra vào. Buổi sáng thức giấc tôi thấy chén thức ăn của Nora đã hết, chén nước dính đầy bụi bẩn, dấu chân mèo đầy trong phòng, và hộp thức ăn ngã đổ tung tóe. Tôi đoán ngay là Boyfriend đã biết mở cửa sổ lưới dành cho Nora, biết cách vào và biết lối ra, biết mở cả hộp thức ăn. Đoán là Boyfriend vì Nora không bao giờ làm dơ chén nước của nàng và không bao giờ lục lọi hộp thức ăn. Tôi cho Boyfriend ăn đầy đủ, ăn nhiều hơn Nora, trước khi đi ngù bao giờ tôi cũng cho Boyfriend ăn. Và chén nước dành riêng cho Boyfriend bao giờ cũng rơi đất cát vào rất bẩn.

Ngày nào Boyfriend cũng đến nằm ngó chăm chăm vào cửa sổ. Lúc sau này Nora sợ Boyfriend đến độ không còn dám ra ngoài nếu có Boyfriend lảng vảng sau nhà. Và cái chén thức ăn của Nora từ khi bị Boyfriend chạm vào thì Nora không chịu ăn nữa. Tôi phải đem rửa cho sạch thì Nora mới ăn.

Có lẽ thú cũng giống như người, hoàn cảnh khó khăn thường làm cho con người khôn hơn, biết tìm cách sống giỏi hơn. Phải vậy không?

20160601_190543 (360x640)

If you miss me, I miss you more

Nora đang ngồi trên đầu chỗ dựa lưng của cái sô pha ngắn. Cái sô pha dài ba chỗ ngồi được kê sát dựa lưng vào cửa sổ. Cái sô pha ngắn, hai chỗ ngồi, được kê 90 độ với cái sô pha dài. Cái bàn cà phê thấp được đẩy sát vào cạnh lò sưởi cho rộng chỗ. Nhà tôi bừa bãi luộm thuộm chẳng giống ai nên tôi rất sợ phải tiếp khách. Mỗi lần có khách là mỗi lần tôi dọn dẹp cho sạch sẽ hơn thường ngày. Một chút thôi. Lông mèo dĩ nhiên là vương vãi khắp nơi 🙂

Cái sô pha này mua từ khi chưa sinh cô con gái lớn. Chắc cũng đã hai mươi bảy năm rồi. Chọn màu nâu để phòng khi con mình vẽ bậy đổ nước thức ăn thì cũng đỡ thấy bẩn. Vậy mà sau hơn hai mươi sáu năm hai cái ghế vẫn lành lặn. Cũ đi sờn đi nhưng không có dấu vết dơ. Té ra hai cô con gái của tôi không phá hoại đồ đạc trong nhà.

Có lần đi làm về tôi thấy cô lớn nhà tôi, lúc ấy chừng năm tuổi, múc nước bằng cái pitcher khá lớn, để cái pitcher đầy nước dựa lưng vào ghế, may mà không ngã đổ nước lên ghế. Hỏi lấy nước từ đâu cô nói vặn vòi nước trong bồn tắm.

Nora là con của một con mèo hoang. Mèo mẹ sinh con, tha con vào nhà bếp của anh bạn của cô lớn. Anh bạn cho Nora. Sinh ra tháng 2 năm 2008, sống tạm ở nhà một người bạn khác của cô lớn, về nhà tôi vào năm 2009. Và từ đó Nora trở thành con cháu của tôi.

Viết ra thì đã là quá khứ

 

Trời ấm vô cùng. Hôm qua nhiệt độ ngoài trời lên đến gần 80 độ F, khoảng 27 độ C. Buổi trưa đi bộ nóng quá chịu không nổi. Tôi e rằng năm nay không có mùa hoa đào đẹp. Hoa đào nở ở nhiệt độ năm mươi đến sáu mươi. Nóng quá hoa tàn nhanh.

Buổi sáng đi làm đã nghe chim hót inh ỏi chung quanh nhà. Thấy có một đàn chim đậu trên cây, vừa lấy máy xong thì chỉ còn có hai con chim be bé đậu trên cành.

Đi bộ đến một công viên khác, bãi cỏ chưa mọc cỏ nhưng đã có người nằm phơi nắng. Ở xứ lạnh, những ngày đầu xuân có nắng ấm áp, không khí tuyệt vời. Cái cảm giác gió ấm, nắng ấm, mơn man trên mặt rất dễ chịu, thường làm tôi có cảm giác “sống lại.” Tuy nhiên chỉ đi một chút đã thấy nắng rát cả lưng.

Mới kể chuyện mèo hôm kia nhưng hôm nay xin bạn đừng chán cho tôi kể chuyện mèo lần nữa. Thật tình viết lách làm gì nếu mình không được viết về những thứ kề cận yêu thương với mình? Như bạn biết, tôi phải lòng một con mèo hoang, tên Boyfriend.

Giữa mùa đông, lạnh dưới không độ F, có những hôm tuyết rơi đầy, tôi thấy Boyfriend đi ba chân, một chân bị đau. Tưởng nó hết đau nhưng có lúc vẫn thấy nó đi khập khiễng. Rồi nó bẵng đi một thời gian không đến. Bây giờ thì tôi đã bớt lo ngại về Boyfriend vì biết nó có thể tự sống qua mùa đông. Và tôi cũng nghĩ là nó có chủ nuôi, hôm nào lạnh quá chủ cho vào nhà, cho ăn. Trời ấm thì bỏ nó ra ngoài.

Mấy hôm nay trời ấm, Nora ở ngoài suốt ngày. Độ hơn ba giờ sáng là Nora đánh thức tôi. Nằng nặc, kiên trì, ai có nuôi mèo trong nhà chắc biết. Nó leo lên người, lấy hai chân trước nhồi lên người mình như nhồi bột. Nó liếm tay liếm mặt, nhỏ nhẻ dịu dàng. Cách biểu lộ tình cảm của mèo rất kín đáo nhiều khi mình tưởng nó vô tình. Buổi tối đến giờ tôi xem phim thì nó lắng quắng như nhắc nhở. Hễ tôi mở phim là nó leo lên ghế nằm bên cạnh, xem phim, rất yên tĩnh. Nora không hay kêu thành tiếng. Nó chỉ kêu thành tiếng mỗi lần nó muốn “nói” cái gì đó.

Nora rất nhạy. Hễ có loài vật nào khác ở ngoài sân là nó bồn chồn băn khoăn. Có khi là nai, có khi là con mèo Tabby, có khi là Boyfriend. Nora không đánh nhau với Boyfriend nhưng hễ Tabby đến thì nó rượt đuổi cắn dữ lắm. Sáng nay, thấy thái độ của Nora tôi biết là Boyfriend đến. Nhìn ra cửa sau thấy Boyfriend nằm phục ngay cửa, mặt ngước nhìn vào nhà. Có lẽ nó cũng dùng thái độ này với chủ của nó để được cho vào nhà khi trời lạnh nhiều vì trông nó đáng thương quá làm sao từ chối cho được.

Người nó bẩn vàng xỉn những chỗ lông trắng. Và nó hôi mùi ẩm ướt của những tấm nhựa ủ lâu ngày, hay là nó ẩn náu trong những tấm nhựa này?

Tôi thấy tôi thương nó, xót xa cho nó, như một bà mẹ, hay bà nội ngoại thương một đứa cháu không hợp tính với gia đình, bỏ nhà đi thì sống rất khó khăn, mà ở nhà thì cũng chẳng dễ dàng.

Rồi, xong chuyện con mèo hôm nay. Cám ơn bạn đã để cho tôi nói.

Những người bạn của tôi

Thỉnh thoảng tôi muốn viết về những người bạn của tôi. Chẳng có gì quan trọng, chỉ là một cách đánh dấu một ngày, một khoảng thời gian, một chuyện gì đó xảy ra trong cuộc sống của tôi.

Nora và Boyfriend

Đây là Nora và Boyfriend. Nàng Tiểu Thư ngồi bên ngoài cửa lưới còn “chàng” Lãng Tử thì ở dưới gầm ghế chứ không đứng dựa tường hoa. Boyfriend là tại vì lỡ đặt tên cho nó chứ thật ra đến giờ vẫn không chắc nó là gái hay trai. Nora ra ngoài sân chơi, đang mon men ngửi hết gốc cây đến tảng đá thì chợt thấy Boyfriend từ xa tiến đến. Nora sợ hãi rút lui ngay lập tức, leo lên ngồi trên cái máy lạnh gắn trên tường, cạnh cửa sổ để có thể nhảy vào trong nhà để trốn cho nhanh.

Nora to béo hơn Boyfriend nhưng lại rất sợ con mèo này. Tôi cho Boyfriend ăn, Nora mon men đến gần Boyfriend gầm gừ nhe nanh là Nora rút lui khiếp sợ. Boyfriend tuy thế lại rất nhút nhát, cứ hễ thấy tôi đến gần cửa, nghe tiếng máy chụp ảnh là bỏ chạy ngay. Giá mà tôi có thể nói được ngôn ngữ của mèo để nói với con mèo hoang là tôi không đáng sợ đến thế. Chiều nào trời ấm không mưa là nó nằm trên sàn gỗ chờ tôi đi làm về để cho nó ăn. Hôm nào mưa nhiều nó không đến, là sáng sớm, có khi nửa khuya nó đến tìm thức ăn trong cái chén để dưới gầm bàn. Tôi bắt đầu lo ngại không biết nó có chỗ trú ẩn mùa đông không. Tôi đang nghĩ đến việc mua một cái nhà dành cho chó rồi gắn bóng đèn sưởi ấm để trên cái sàn gỗ cho nó có chỗ ở mùa đông. Nó nhát quá tôi không thể đến gần, hay mang nó vào nhà, dạy cho nó cách dùng cửa sổ như các con tôi dạy Nora.

Nàng Tiểu Thư của tôi thì đáng yêu lắm. Ông Tám vắng nhà mấy tuần nay. Cô nàng làm ổ trong cái giỏ chứa quần áo bẩn của ông Tám. Buổi tối đi ngủ, tôi vỗ nhẹ lên giường là cô nàng nhảy phóc lên giường, lân la đến gần, cổ kêu rù rù, đòi tôi mở chăn cho nàng rúc vào lòng như trẻ nhỏ vậy.

Tôi đi thư viện trả sách, xong đi ra. Nghe có tiếng người gọi ngoái lại thấy một người bạn cũ. Lâu rồi, tôi có viết về một người phụ nữ không nhà, thường hay ngồi ở trạm xe lửa tôi đón xe lửa để đi làm. Rồi cô ấy biến mất. Tôi biết trước sau gì cô cũng sẽ bị cảnh sát đuổi đi. Nay tình cờ gặp lại ở thư viện địa phương. Lần này gặp cô không quấn đùm quấn đụp như mùa Đông. Mặt cô cũng bớt vẻ trang điểm lòe loẹt, trông đơn giản hơn. Cô bảo nhớ mặt tôi. Dĩ nhiên là tôi nhớ mặt cô. Tôi hỏi cuộc sống của cô như thế nào. Lần trước cô cố tìm việc làm nhưng chắc là không thành công. Cô bảo bị cảnh sát đuổi. Họ hăm dọa là nếu họ gặp lại cô họ sẽ bỏ tù và lập biên bản đưa vào hồ sơ. Cô sợ có hồ sơ của cảnh sát cô sẽ không tìm được việc làm nên bỏ trạm xe lửa. Cô nói thế thì tôi nghe thế, còn có gì sâu xa hơn thì tôi không biết. Cạnh trạm xe lửa là một thư viện. Nếu một người ăn mặc sạch sẽ, không hôi hám hay nói năng lảm nhảm, họ có thể ngồi ở thư viện đọc sách từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, ít nhất là năm ngày một tuần. Thứ Bảy mở cửa từ 9 giờ đến năm giờ. Có nhà vệ sinh. Miễn là đừng làm phiền những người quản thủ thư viện. Đây cũng là một chỗ rất tốt cho người đọc cũng như người viết. Tôi hỏi cô có cần tôi giúp gì không? Cô lắc đầu từ chối quầy quậy, nhưng tôi đoán là cô cần tiền. Để tránh bị người khác biết, tôi nói cô đi theo tôi ra xe, và tôi xếp nhỏ tờ giấy bạc đưa cho cô. Cô cảm ơn, xin phép được ôm tôi. Ngày xưa cô từ chối nói tên cô khi tôi hỏi. Bây giờ cô giải thích nếu cô nói tên cô, tôi sẽ vô tình mà gọi tên cô, nếu tôi tình cờ gặp lại cô. Cô nói vì cô không nhà, có lẽ phải ở trọ nhà cứu trợ chung đụng với nhiều người, trong đó có đàn ông bất hảo. Nếu họ biết tên cô, họ gọi tên cô, giả vờ như người quen, có thể lợi dụng cô.

Chia tay, cô hớn hở nói rằng món tiền nhỏ tôi biếu cô sẽ rất được việc. Tôi nói cô có thể mua thức ăn, hay cái gì đó ấm nóng mà thưởng thức. Cô cười nói sẽ dùng tiền này để đi giặt quần áo. Tôi thấy có chút vui, chút ái ngại cho cô. Trong cách nói chuyện cô có vẻ hiền lành, tỉnh táo, lanh lợi. Tôi hy vọng cô có thể tìm được việc làm để sống dễ dàng hơn.

Thú tội

Người ta nói nhà báo nói láo ăn tiền. Đó là thời báo chí thịnh hành viết báo còn có thể kiếm tiền, chứ ngày nay thì khó kiếm sống bằng nghề nói láo. Nói viết báo là nói láo, thì đúng là bôi bác. Đa số họ đều thành thật với nghề. Tuy nhiên ở câu tục ngữ này, chữ nghề báo được bao trùm cả nghề viết tiểu thuyết, truyện. Và chữ nói láo này ngầm ý nghĩa sáng tạo, hư cấu. Có lẽ chúng ta, người đọc đều chấp nhận, đọc một quyển truyện tức là đọc những lời hư cấu (tưởng tượng) của tác giả. Và vì giống như sự thật lại không phải hoàn toàn là sự thật nên cũng không sai cho lắm nếu bảo rằng viết văn là nói láo.

Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật. Tôi xin thú thật là tôi đã nói dối với các bạn khi tôi viết loạt truyện về hai con mèo của tôi bỗng dưng đi hoang và biến mất. Và khi có một vài bạn trẻ, những người bạn tôi rất quý mến trong đó có Boo, bày tỏ sự quan tâm bằng cách hỏi thăm con mèo đã về chưa, tôi đã chủ ý nói dối. Lý do tôi nói dối là tôi nghĩ giữ sự quan tâm của người đọc để người đọc tiếp tục đọc truyện tôi viết. Tôi biết tôi hay bỏ dở dang truyện tôi viết nên tôi tìm đủ mọi cách để buộc tôi phải tiếp tục. Loạt truyện về Tiểu Thư Nora và chàng Lãng Tử vẫn còn một phần đối với tôi là quan trọng nhất tôi muốn hoàn thành, nhưng chưa bắt đầu. Nếu tôi nói là hai con mèo chẳng bao giờ biến mất, vẫn ở bên tôi ăn ngày hai bữa thì tôi sẽ mất cái động cơ khiến tôi hoàn thành phần truyện. Tôi định viết xong, sẽ xin lỗi, nhưng tôi đa đoan sa đà vào chủ đề khác. Chẳng biết bao giờ tôi mới có thể quay lại và liệu khi muốn quay lại có còn cảm hứng hay không thì khó biết. Càng để lâu ý muốn hoàn thành càng phai nhạt.

Vì vậy, xin lỗi và xin lỗi.

Nora mùa hè lười biếng, không vận động. Suốt ngày nằm bẹp dưới sàn nhà, như thở thoi thóp. Chỉ khi trời mát mới chịu ra ngoài. Tuy ăn rất ít nhưng béo ra.

Boyfriend vẫn đến ăn thường xuyên, trừ những ngày mưa lớn. Vẫn nhút nhát nhưng có bớt đi phần sợ hãi. Lúc này bộ lông của hắn mướt ra, và trông rất khỏe mạnh, lên cân. Có lần Boyfriend nằm hướng chân về phía cửa, tôi nhìn và đâm ra suy nghĩ có lẽ mình đoán sai về giống phái của Boyfriend. Hai cô con gái của tôi cho rằng vì Nora là mèo cái nên mèo đực đến tìm. Do đó chúng tôi đoán Boyfriend là mèo đực. Tuy nhiên nhìn gần và nhìn kỹ khi Boyfriend nằm ưỡn bụng, không có gì ám chỉ đây là con mèo đực. Cô út nhà tôi phán ngay cho một câu, dẫu là mèo cái vẫn cứ gọi là Boyfriend.

Đây là ảnh của Boyfriend chụp hồi giữa tháng Tám. Ảnh chụp qua khung cửa lưới vì Boyfriend nhát lắm, cứ thấy mở cửa là chạy biến đi. Chập sau thấy yên tĩnh mới quay trở lại. Hôm nào Boyfriend không đến tôi chờ hoài, chỉ để cho nó ăn. Người ta bảo là tôi mắc nợ Boyfriend. (Nghe có tình tứ đến chết người không. Chỉ sợ ông chồng tôi mắng cho là bà già không nên nết.)

boyfriend qua khung cửa lưới
Nora is trying to sleep

Nora đang bắt đầu ngủ tối qua thì bị chụp ảnh. Nàng khôn ngoan lắm, cứ hễ thấy giơ máy ảnh lên là nàng quay mặt đi chỗ khác hay thủng thỉnh bỏ đi.

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 10

Buổi sáng tôi đọc báo địa phương, thấy có hai tin quan trọng xảy ra ở Wagnutch, thành phố bên cạnh cách nhà tôi chừng nửa giờ lái xe. Đây là một khu vực của những người giàu có. Tin một cô gái Việt chạy trần truồng ra đường ban đêm, vừa chạy vừa khóc. Vì cô nói tiếng Anh không mấy trôi chảy nên cảnh sát tìm người thông dịch. Cảnh sát đang điều tra và kêu gọi ai có biết thêm chi tiết gì thì gọi đến vào số đặc biệt. Có hai người làm việc trong nhà hàng vào giờ cô gái cáo buộc bị chủ xâm phậm. Chưa có tin chính thức từ Cảnh Sát nhưng phóng viên dọ hỏi chung quanh tìm ra một số chi tiết. Cô gái cáo buộc người chủ nhà hàng Thành Đô 1 tìm cách cưỡng bức cô và có hai người Việt làm chung chứng kiến. Hai người Việt lúc đầu từ chối phỏng vấn nhưng khi Cảnh Sát điều tra thì họ xác nhận điều cô gái khai báo. Phóng viên cũng xác nhận là chủ nhà hàng Thành Đô 1 đang được điều trị ở bệnh viện vì nhiều vết trầy xước do mèo cào.

Tin thứ nhì là một tin giết người. Người quản lý của nhà hàng Cây Liễu Mù trong khu rừng Great Oaks đã trộm cắp tiền của nhà hàng. Qua hình ảnh thu được từ máy thu hình tự động, người ta cho tháo nước hồ nhân tạo để tìm xác nhân viên giúp việc của nhà hàng. Người giúp việc trong nhà hàng đang quét dọn đóng cửa nhà hàng tình cờ đi ngang chỗ cất giữ tiền vào đúng lúc gã quản lý đánh cắp tiền. Vì sợ bị tố cáo nên gã cướp bắt người giúp việc uống rượu say rồi bắt buộc anh ta xuống hồ để anh ta vì say mà chết chìm. Trong phim có hình ảnh của hai con mèo. Máy thu hình đã được tắt nhưng có lẽ mấy con mèo vô tình bật nút máy quay phim.

Tờ báo nói thêm, có vẻ như mèo hoang đang làm lộng ở thành phố Wagnutch. Người ta tìm bắt hai con mèo để đưa vào trại nuôi mèo hoang nhưng chúng biến mất.

@ @ @

Tin cô gái Việt bị gã Tàu xâm phạm tiết hạnh làm tôi thấy buồn. Dù người Việt sống ở nước Mỹ mấy mươi năm, rất nhiều người trở nên giàu có, thế mà không có tổ chức người Việt nào đứng ra giúp đỡ những người Việt nghèo, ít học, kém tiếng Anh về mặt pháp lý. Tôi cũng nghĩ đến việc gắn một ít tờ rơi có hình Nora để xem có ai nhìn thấy con mèo của  tôi, à nói nhầm, của con tôi.


Ghi chú: Truyện ngắn này đã đăng trên Gió O, chia thành 2 phần.  Tiểu Thư Nora và Chàng Lãng Tử phần 1, phần 2. Tôi thấy dài quá nên cắt thành ra nhiều đoạn với hy vọng độc giả không thấy dài quá mà ngán.

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 9

Rồi có một ngày Tiểu Thư bỗng dưng đổi ý. Nàng cảm thấy hối tiếc là đã quá chính chắn, không biết yêu một cái gì đó hay thèm một cái gì đó đến độ say đắm điên cuồng như những con mèo khác. Nàng cảm thấy cuộc sống của nàng quá đầm ấm nên trở thành nhàm chán như một ao nước đọng. Khi Lãng Tử kể những chuyến phiêu lưu, chạy hết tốc lực băng qua đồng cỏ để rượt sóc và nai, Tiểu Thư tự hỏi đồng cỏ là cái gì, hình dáng ra làm sao. Khi Lãng Tử nói về những ngôi nhà cao tầng, những chuyến xe lửa, đi máy bay đến một thành phố khác, qua cầu, băng ngang đường cao tốc, xem người ta ca hát đánh đàn giữa đường phố, Tiểu Thư muốn biết đường cao tốc, nhà cao tầng, thành phố, tất cả những danh từ này rất xa lạ với Tiểu Thưể hình dung ra những điều xa lạ này và vì thế nó trở nên hấp dẫn với nàng.

Lãng Tử nói:

– Những khi sợ hãi tột độ, anh biết cách tàng hình. Anh có thể đứng trước mặt loài người mà họ không nhìn thấy anh.

Khi Tiểu Thư đòi xem chàng biểu diễn cách tàng hình thì Lãng Tử bảo rằng chờ gặp lúc thuận tiện. Tiểu Thư cười, thầm bảo rằng anh này nói khoác. Bây giờ Tiểu Thư rủ rê Lãng Tử đưa nàng đi xem thế giới thì chàng từ chối. Lãng Tử đã bắt đầu thấy yêu cuộc sống dễ dàng này. Muốn ăn, chàng không còn phải đi đào bới thùng rác nữa. Chỉ cần nằm chờ dưới cái bàn thủy tinh trên sàn gỗ, liếm mép liếm mồm ra vẻ đói khát là bà cụ cho chàng ăn. Chỉ cần chàng dậy sớm đứng ca hát nghêu ngao dưới cửa sổ là bà cho chàng ăn. Mãi đến khi cô chủ của Tiểu Thư đi làm ở xa, Tiểu Thư muốn đi tìm cô chủ để thăm cho đỡ nhớ và cũng để biết một đời sống khác với cuộc đời sống nàng đang sống. Một buổi tối, sau khi ăn, Lãng Tử chạy về ổ của chàng để ngủ, Tiểu Thư lén chạy theo.

Lãng Tử sống chung với một bầy mèo hoang ở trên một bãi đất hoang gần tiệm bán gạch men bóng xây tường và nền nhà. Đa số mấy con mèo tụ tập ở đây đã từng có chủ, tuy nhiên chủ nuôi một thời gian đâm chán rồi đuổi chúng ra khỏi nhà. Loài mèo thường rất sợ tiếng động nên chủ chỉ cần không cho ăn, tạo tiếng động lớn, lấy chổi lấy cây đánh dọa vài ba lần là mèo sợ không dám trở về. Sống chung với nhau ở bãi hoang, ban ngày lũ mèo tự đi kiếm ăn, tối tụ tập nhau trò chuyện ca hát, làm tình, chửi bới nhau. Trời nóng khô thì dễ, cứ đụng đâu nằm đó. Trời mưa lạnh thì mỗi con tự tìm chỗ trú và không con nào khai thật chỗ ăn chỗ ngủ của mình. Không muốn Tiểu Thư khám phá ra chỗ ở của mình, cũng không muốn những con mèo hoang khác biết Tiểu Thư và chỗ ở của nàng, và cũng vì Tiểu Thư cương quyết đi theo mùi hương của cô chủ Lãng Tử đồng ý đi với nàng. Lòng thầm nhủ đi được một đoạn đường ngăn ngắn sẽ tìm cách dẫn nàng quay trở lại. Tuy nhiên mưa lớn quá làm trôi mất mùi hương và hai đứa lạc đường. Và bây giờ Tiểu Thư nằm đây, bất động.

@ @ @

Lái xe trở lại vào đến sân nhà hàng, gã da trắng nhìn thấy con mèo trắng đen ngồi gần cửa hầm dẫn vào nhà hàng. Cửa vẫn còn mở toang. Tên bồi bàn người Mễ sau khi bị bắt uống thật say đã chìm dưới lòng hồ nên chẳng còn ai đóng cửa. Gã vào nhà hàng đến chỗ gắn cái máy quay phim tự động. Ban quản trị nhà hàng đã gắn cái máy này mấy tháng trước vì nhà hàng cứ bị mất trộm tiền, nhất là sau một tiệc lớn như đám cưới hay dạ vũ mừng sinh nhật. Con mèo trắng đen nhìn thấy gã đàn ông nhưng không có ý gì sợ hãi muốn bỏ chạy. Dường như nó muốn bảo vệ xác của một con mèo tam thể nằm lấp ló dưới bụi hoa rhododendron. Gã da trắng thấy ghét mấy con mèo hoang này. Gã bước đến gần, chộp cổ con mèo trắng đen. Ông sẽ xé xác mày, gã thầm nghĩ. Con mèo chờn vờn rồi nhảy bổ vào tấn công hắn làm hắn điên tiết. Hắn chụp lấy con mèo dùng hết sức lực vặn cái đầu của con mèo từ trước ra sau. Tiếng xương cổ gãy nghe răng rắc. Cùng với tiếng kêu răng rắc, có tiếng nổ nhỏ bụp bụp, như tiếng pháo lép, con mèo tự nhiên biến mất như một làn khói. Sững sờ. Gã đàn ông xòe hai bàn tay ra nhìn rồi ngơ ngác tìm kiếm chung quanh. Cho là mình mệt mỏi và thần kinh bị căng thẳng quá độ nên nhìn thấy ảo tưởng. Hắn cúi người nắm hai chân sau của con mèo tam thể. Đột nhiên con mèo oằn người nhỏm dậy khi hai chân vẫn còn trong bàn tay của hắn. Đôi mắt mèo đỏ rực như bốc lửa. Kẹp con mèo vào giữa hai chân hắn vặn xiết cố bẽ gãy lưng con mèo. Con mèo tam thể khá béo tốt nên hắn dùng hết sức lực mà con mèo vẫn còn cựa quậy mãnh liệt. Bộp. Bộp. Hai tiếng nổ nhỏ như tiếng mấy cái bọc cao su bị bóp vỡ ra, con mèo tam thể cũng biến mất. Có lẽ tại vì mình không uống thuốc trị thần kinh mấy tuần nay nên mức độ nhìn thấy ảo tưởng càng lúc càng tăng. Bây giờ ma có hiện ra đầy nghĩa địa gã cũng chẳng tin là có thật, tất cả là ảo tưởng phát sinh từ trong đầu của gã. Mấy con quỷ mèo này không thể làm hại mình.

Gã quay trở lại cửa hầm vào bên trong để kiểm soát và phi tang cuồn phim trong máy thu hình tự động. Nhưng chưa đến cửa thì đã thấy hai con mèo ngồi hai bên như canh giữ cửa hầm. Chỉ trong chớp mắt, hai con mèo to lên như hai con sư tử, và nhà hàng teo nhỏ lại. Hắn đứng khựng trố mắt nhìn hai con mèo càng lúc càng to lên như hai căn nhà cao tầng và ngôi nhà hàng càng lúc càng nhỏ nằm giữa hai con mèo như một món đồ chơi. Sau lưng hai con mèo và ngôi nhà hàng bỗng dưng xuất hiện một vầng sáng như một mặt trăng vĩ đại to gấp bốn năm lần hai con mèo. Vầng sáng tỏa ra một màn khói đỏ như lửa cháy. Hai con mèo đứng lên bước tới. Gã da trắng hớp không khí giống như một con cá mắc cạn. Gã quay đầu ù té chạy, lên xe, phóng bạt mạng. Chập sau có tiếng xe thắng rít và một tiếng động lớn như tiếng xe tông vào rào cản trên đường cao tốc. Lửa bốc cháy và sự im lặng trở lại với khu rừng.

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 8

Boyfriend aka Lãng Tử
Boyfriend aka Lãng Tử

Khi Lãng Tử khen Tiểu Thư đẹp, Tiểu Thư tin là chàng nói thật. Ít có cô gái nào đẹp mà không biết là mình đẹp. Nàng biết mình có bộ lông ba màu, trong khi đa số loài mèo lông chỉ có một hay hai màu. Nhưng khi Lãng Tử bảo rằng chàng yêu văn hóa Việt và thích có người yêu Việt thì Tiểu Thư nghi là chàng chỉ muốn cưỡi lên lưng nàng. Gia đình người chủ nuôi Tiểu Thư là người Việt, nhưng điều đó không có nghĩa Tiểu Thư cũng là người Việt, hay nói cho đúng là mèo Việt. Có thể nói ngoài cái bộ lông có chút xíu màu vàng, Tiểu Thư chẳng có chút gì là thuộc về giống da vàng cả. Tiểu thư ăn thức ăn Mỹ, thở không khí Mỹ, kêu theo lối Mỹ, meow meow, chứ không ngao ngao hay meo meo như mèo Việt. Khi một con mèo Mỹ nói yêu văn hóa Việt, thì hãy cảnh giác. Rất có thể chàng mèo mặc bộ áo tuxedo có cái nơ đen trên cổ áo trắng này chỉ muốn được ân ái một con mèo Việt. Ân ái với mèo Việt có khác với ân ái với mèo Mỹ không? Ai mà biết! Mèo nhà Mỹ nhiều khi là giống mèo sang trọng, lông trắng như tuyết, hoặc là loại mèo Xiêm, quí phái kiêu kỳ; một con mèo mả gà đồng trôi sông lạc chợ như Lãng Tử dễ gì chạm vào cành vàng lá ngọc. Lãng Tử cố gắng chinh phục Tiểu Thư bởi vì theo chàng, nàng như một đóa hoa nở gần mặt đất dễ hái hơn.

Tiểu Thư không chút rung động trước những lời tán tỉnh của Lãng Tử. Cô chủ lớn Ách Cơ, từ lúc Tiểu Thư chưa đầy tuổi, đã mang Tiểu Thư đến bác sĩ để đoạn sản. Cũng vì đã đoạn sản nên đầu óc Tiểu Thư rất tỉnh táo, không bị những chất kích thích tố nữ trong người hành hạ làm nàng thèm muốn ái tình. Lãng Tử thì khác, vì là mèo hoang chưa giải phẫu chấm dứt đường tình ái nên Lãng Tử còn mê gái đến phát cuồng. Bất kể nửa đêm hay giữa trưa, lên cơn động tình là Lãng Tử mon men đến nhà nàng tán tỉnh. Không thấy bóng dáng nàng ngoài sân, Lãng Tử đến ngồi dưới chân tường, ngẩng đầu về phía cửa sổ, serenade Tiểu Thư bằng cái giọng của mèo hoang. Lãng Tử chọn một bài hát tiếng Việt:
– […] Rồi hết một mùa đông. Gió bên sông thổi mãi. Qua rồi mùa ân ái. Qua rồi mùa ân ái. Em ngồi trong song cửa. Anh đứng dựa tường hoa. Nhìn nhau mà lệ ứa.[…].
Lãng Tử ngồi chồm hổm, hai chân trước lông trắng toát chống thẳng, đầu ngẩng cao, cái đốm đen trên mặt dường như lan ra to hơn, bộ râu trắng dày mỗi bên có cả sáu chục cọng râu, múa may, cao giọng mèo ngao. Tiểu Thư nhẹ nhàng nhổm dậy, vuơn vai dãn lưng, thật ẻo lã. Thò đầu ra ngoài vuông cửa lưới, nàng nói khẽ:
– Im nào! Ai lại đi kêu gào giữa trưa như thế này, Nghe khiếp quá đi thôi. Đằng ấy hát gì mà chỉ nghe mấy chứ quaaaaa, nhauuuu, muaaaaa, thảo nào loài người chẳng chế nhạo chúng ta hát như mèo gào. Tiểu Thư nhẹ nhàng vuốt má, lau mồm, và dịu dàng xoa lỗ tai của nàng. Điệu đàng và đỏm dáng như những cô thiếu nữ vuốt tóc và xoắn xoắn mấy sợi tóc bay lạc.
– Gì mà chê rậm rề như thế cưng. Các cô mê anh nhất là giọng hát. Đặc biệt là khi anh hát bài tủ của anh. “Memory turn your face to the moonlight…” Chưa hết bài này Lãng Tử tiếp tục sang bài khác. “Did you see the lights. As they fell all around you. Did you hear the music. Serenade from the stars.”
– Thôi, chàng làm ơn để hàng xóm nghỉ ngơi. Không khéo họ lại gọi cảnh sát than phiền chúng ta dùng âm thanh quấy rầy hàng xóm. Anh có serenade cho mấy thì em cũng chẳng bỏ nhà theo anh đâu. Chi bằng anh ở lại đây với em cho rồi. Bà chủ của em xem chừng đã mê anh tít thò lò kia kìa.
– Anh không hiểu vì sao em cứ bám víu vào cái gia đình này. Nhìn thì tưởng cuộc sống của họ êm đềm hạnh phúc lắm, nhưng thật ra tâm hồn của họ khô cạn lắm rồi. Họ sống bao nhiêu năm trời không có tình yêu. Họ là những người không biết yêu thương là gì.
Tiểu Thư nhỏm dậy vuơn vai ngáp.
– Tình yêu là cái gì? Bà chủ cho em ăn một ngày hai lần. Em muốn ngồi vào lòng bà lúc nào cũng được. Cô chủ luôn tìm cách bế em lên tay và em cứ phải né tránh cô nàng vì em không thích bị nhấc lên khỏi mặt đất. Ông chủ thì kiên nhẫn mở cửa cho em, nếu em lưỡng lự đổi ý không ra khỏi cửa thì ông im lặng đứng chờ. Gia đình chủ không cãi nhau đánh nhau, dù ít khi trò chuyện với nhau. Không đánh nhau thì có yêu nhau không? Yêu nhau là phải như thế nào?
– Yêu hả? Yêu thì giống như anh yêu em vậy. Lúc nào cũng muốn có em bên cạnh để nhìn em ngắm em, để được ôm em vào lòng, để em cõng anh lên lưng. Yêu phải được diễn tả bằng hành động.
– Em không cần có một tình yêu giống như tình yêu của anh. Yêu là cách loài người, gia đình chủ của em, nuôi nấng chăm sóc em. Họ đối xử với em rất dịu dàng và luôn nâng niu em.
– Họ nuôi em, săn sóc em, nâng niu em, không phải là vì họ yêu em, mà là họ cố chinh phục tình cảm của em để được em yêu họ.
– Nhưng chinh phục em được em yêu thì họ có lợi gì cơ chứ?
– Chẳng có lợi gì cả, may be là giảm stress thôi, nhưng họ là loài người vì thế họ cần được yêu thương. Càng ngày cuộc sống càng đẩy họ xa nhau, họ ít khi bày tỏ tình cảm với nhau, vì thế được một con mèo bày tỏ lòng yêu thương với họ, họ vui mừng lắm.
– Em không tin là loài người không biết thương yêu. Chỉ có những người không biết bày tỏ tình yêu của họ thôi. Và mỗi người có một cách bày tỏ tình yêu khác nhau. Mình không nhận thấy không có nghĩa là họ không có.
Tiểu Thư nghe Lãng Tử nói thao thao bất tuyệt, trong lòng nghi ngại chẳng biết có nên tin lời chàng ta hay không. Lãng Tử nằm duỗi dài trên sàn gỗ, sưởi ấm dưới ánh nắng chiều. Trông chàng thoải mái dễ chịu như cái sàn gỗ này chính là nhà của chàng.
Trầm giọng, Lãng Tử nói thêm, giọng chàng nghe rù rù như tiếng chim bồ câu kêu trên mái nhà.
– Thấy bà chủ của em không, già nua, quê mùa, trong gia đình này bà là người cần được nhận nhiều cử chỉ yêu thương mà chẳng ai ban phát cho bà. Bởi vậy anh chỉ cần ra công dụ bà một chút là bà xiêu lòng ngay. Bà thức khuya dậy sớm, cứ trông ngóng anh đến để cho anh ăn, để được anh ban phát cho một chút ân tình. Anh biết bà muốn anh đến gần để bà được vuốt ve nựng nịu anh. Bà làm thế để mua chuộc trái tim anh. Anh cẩn thận, mỗi ngày chỉ ban phát cho bà một ít yêu thương. Càng kéo dài sự cút bắt tình yêu, bà càng cho anh ăn nhiều món ngon. Nhưng anh không cần tình yêu của bà. Anh cần tình yêu của em. Thế giới loài người, chủ của em, khô cằn chật hẹp quá. Anh đi nhiều nơi, qua nhiều chỗ lạ, học được nhiều văn hóa, ăn được nhiều món ngon, xem được nhiều cảnh đẹp, nhờ thế anh là người có văn hóa cao, xứng đáng để tự xưng mình là nhà trí thức.
Tiểu Thư nở một nụ cười thật đẹp:
– Xin kính chào nhà trí thức mèo hoang. Tuy ăn nhờ ở đậu vào lòng nhân của người khác nhưng lúc nào cũng cảm thấy mình vênh vang sang trọng.

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 7

Lãng Tử quan sát căn nhà của Tiểu Thư rất lâu. Đó là một căn nhà sơn trắng cũ và xấu nhất trong xóm. Trước nhà có một bụi thông ở gần cửa ra vào và một bụi trúc nhỏ ở cuối đường dẫn vào nhà xe. Sau nhà có cái sàn gỗ thấp rất cũ, đóng đầy rêu sắp mục rã, chiều cao cách mặt đất chỉ một bước chân. Trên cái sàn gỗ này có một cái bàn, mặt bàn làm bằng thủy tinh và bốn cái ghế chân sắt lưng dựa bằng lưới nhựa mỏng màu trắng. Màu trắng là lúc mới mua, chứ bây giờ thì nó có một màu xám xỉn xỉn của rêu bám. Cái bàn để đó mà chẳng có ai ngồi. Cạnh cái sàn gỗ là hai ba cái thùng đất để trồng rau thơm, và một cái thùng recycle (chứa chai thủy tinh, chai nhựa, lon nhôm, giấy báo để được chế biến thành sản phẩm tái sử dụng). Trước kia, thùng recycle là loại thùng thấp không có nắp đậy nên thỉnh thoảng tôi nhảy vào thùng lục lọi tìm thức ăn thừa. Bây giờ thành phố bắt phải dùng thùng cao có nắp đậy hẳn hoi. Thùng cao, từ trên sàn gỗ tôi có thể nhảy lên nắp thùng dễ dàng, nhưng nếu lỡ rơi vào trong thùng thì có thể bị giam luôn trong ấy. Hừ! Hừ! Lãng Tử rùng mình sợ hãi cái viễn ảnh bị giam cầm.

Lãng Tử nhìn thấy Tiểu Thư nhiều lần trong nhà này. Có khi nàng nằm dưới bụi thông phía sau cái băng ghế nhỏ, có khi nằm trong bụi trúc, để tránh nóng và để bắt chim. Lúc ấy có một con mèo mướp, lông màu xám nhạt có sọc màu xám đậm cũng hay lởn vởn quanh nhà này và lần nào Tiểu Thư nhìn thấy cũng sửng cồ sẵn sàng tấn công. Lãng Tử cũng nhìn thấy Tiểu Thư nằm ở khung cửa sổ phía trước nhà, lơ đãng nhìn ra đường. Thường khi nàng uyển chuyển yểu điệu ra vào từ khung cửa sổ phía sau. Nói thì thành ra mèo khen mèo dài đuôi nhưng Lãng Tử thích dáng đi của loài mèo, thong thả, nhẹ nhàng, và quí phái. Người không thích mèo có thể cho là mèo có vẻ thâm hiểm luôn luôn rình rập giấu diếm móng vuốt sau bàn tay mềm mại. Nhưng Lãng Tử là loài mèo, thích dáng dấp một con mèo khác phái thì cũng là bình thường thôi.

Ngay bên ngoài cửa sổ là phần nhô ra của cái máy lạnh nhỏ gắn trên tường. Tiểu Thư thường ngồi trên cái máy lạnh, ngắm tuổi xuân của nàng trôi theo đám mây lờ lững bên trên khu rừng nhỏ sát sân sau. Tiểu Thư, như Jenifer Lopez trong phim Shall We Dance, ở bên trong cửa sổ nhìn ra, và Lãng Tử giống như chàng tài tử đẹp trai Richard Gere từ ngoài nhìn vào. Một người dường như tìm kiếm cái gì đó ở cuộc đời bên ngoài để lấp đầy sự trống vắng đơn độc bên trong tâm hồn mình. Một người đứng ngoài nhìn vào thế giới bên trong cố tìm kiếm một sự thân thiết đầm ấm để bôi xóa cảm giác lạc lõng xa lạ trong xã hội mình đang sống. Nhà này có ba bốn người vào ra. Buổi tối có nhiều người thức khuya, ông chủ và cô chủ. Chủ ở đây là chủ nhà chứ Lãng Tử là người sống lang bạt không tôn thờ ai là chủ nhân cả. Tiểu Thư thường xuất hiện ở khung cửa sổ trên lầu, ẩn sau chậu hoa quỳnh rậm lá. Nàng Tiểu Thư này nằm khắp nơi, hầu như bệ cửa sổ nào nàng cũng có thể nằm được. Còn bà chủ thì xuất hiện những giờ bất thường trong đêm khuya.

Sau khi quan sát nàng cẩn thận trong một thời gian, Lãng Tử băng ngang sàn gỗ ở sân sau, tiến sát đến cửa sổ, cất giọng ngọt ngào:
– Hello cưng!
Đúng như dự đoán của chàng, Tiểu Thư sừng sộ, lông cổ nàng dựng đứng, nhe nanh, mồm phát ra tiếng khè khè sssiiìì, sssiiìì, giận dữ. Chàng đã từng nhìn thấy nàng phản ứng với con mèo mướp như vậy và nàng chỉ hung dữ một thời gian ngắn lúc ban đầu thôi. Sau cơn giận dữ thì nàng hay làm ra vẻ dửng dưng. Đã biết thế nên chàng không nao núng.
– Ai là cưng? Ở đâu đến đây, có quen biết không mà cưng với không cưng.
– Thôi mờ Tiểu Thư, lên mặt với anh làm chi?
– Hử? Ai là Tiểu Thư. Chủ tôi gọi tôi là Nora.
– Nora là cái quái gì?
– Cô chủ lớn của tôi, người mang tôi về nhà này nuôi, tự xưng mình là nhà nữ quyền. Nora là tên của một nhân vật trong The Doll House.
– Chà, gia đình này văn vẻ quá heng. Hợp ý với anh lắm đó nhen. Anh thích giới trí thức, giòng họ nhà anh toàn là dân trí thức không à! Gọi em là Tiểu Thư vì nhìn em giống tiểu thư, đài các, có bộ lông mượt mà. Nhìn bộ lông của em là biết nhà này cưng em lắm. Mà nè em ơi, Nora là một phụ nữ không tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân nên cuối cùng bỏ nhà ra đi. Em có muốn bỏ nhà ra đi với anh không?
– Trời trời, gan cùng mình. Tự nhiên dám rủ người ta trốn nhà bỏ đi. Anh thử đưa ra một lý do tốt nhất đáng để tui bỏ nệm ấm chăn êm mà đi với anh.
– Lý do duy nhất là anh yêu em. Yêu vẻ đẹp Việt Nam của em. Và nhất là yêu nền văn hóa Việt Nam. Anh muốn em thuộc về anh suốt đời để anh được làm sở hữu chủ của một vẻ đẹp đài các như nét đẹp của cưng.
Tiểu Thư co hai bàn chân lại dịu dàng dấu cả hai chân dưới ngực, nghiêng đầu dựa lên cửa lưới, mặt hướng vào phía kệ sách, như để tránh ánh sáng chói chang từ bên ngoài. Nàng lim dim nhắm mắt mặc kệ Lãng Tử ngồi dưới chân tường như một chàng Romeo ngóng vọng lên lầu tìm Juliette.

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 6

Lãng Tử đến gần liếm nhẹ má Tiểu Thư để lay tỉnh nhưng Tiểu Thư vẫn nằm bất động. Không, nàng không thể chết được. Loài mèo có chín kiếp, nên chết đi có thể sống lại chín lần, nếu biết cách. Tiểu Thư vì sống với loài người từ lúc mới sinh ra đời không được học bí quyết này, vì bí quyết này chỉ được lưu truyền qua loài mèo hoang. Lãng Tử tha miếng thịt gà đến thả gần mũi Tiểu Thư, nàng vẫn không tỉnh dậy. Nàng chết đi thì mình là người có lỗi vì mình là người đã đưa nàng đi giang hồ. Lãng Tử gào lên. Tiếng mèo ngao của chàng vang lồng lộng trong đêm đầy vẻ ai oán. Chính cái tiếng mèo ngao này đã giúp chàng chinh phục Tiểu Thư.

@ @ @

Gã da trắng lao xe vào đêm đen. Sắp ra khỏi khu rừng vắng đến chỗ bắt vào đường cao tốc, gã chợt nhớ ra trong lúc đánh đuổi con mèo gã thấy đôi mắt con mèo lấp lánh ánh sáng màu đỏ. Chẳng lẽ đây là con mèo quỷ, nếu không tại sao mắt nó màu đỏ? Gã tự trấn an, mình chỉ bị căng thẳng thần kinh quá đó thôi. Mèo hoang ấy mà. Thời buổi khoa học này làm gì có chuyện ma quỷ. Chiếc xe chạy vun vút trong đêm, hai bên đường cao tốc là hàng cây tăm tắp đầy bóng tối. Ánh sáng từ đèn xe chỉ đủ soi sáng một khoảng đường gần.

Gã bỗng nhìn thấy hàng chục đôi mắt màu xanh trong bóng tối. Đến gần gã nhận ra đó là những đôi mắt của đàn nai đang băng qua đường. Ánh đèn xe làm đàn nai sợ hãi đến độ bất động. Cần phải thoát khỏi khúc rừng này càng sớm càng tốt, không giảm tốc độ gã lao vào con nai nhỏ nhất. Con nai nhảy hoảng lên nhưng tránh xe không kịp nên bị góc phải của xe đâm trúng, văng vào vệ đường. Cái kính chiếu hậu bên phải bị gãy, rơi xuống mặt đường. Tiếng động khá lớn nên dù ngồi trong xe cửa kính đóng kín gã vẫn nghe thấy tiếng vang. Cũng may đường khuya vắng vẻ không có xe nào chạy ở phía sau hay ngược chiều. Vì va chạm mạnh xe của gã lủi qua làn xe ngược chiều, quay đầu về hướng ngược lại. Thắng xe lại. Gã xuống xe để kiểm soát sự hư hại của xe, và cũng để lấy lại sự bình tĩnh. Bóng đèn xe bị vỡ một bên. Gã lấy khăn tay ra lau trán, áo hắn ướt đẫm mồ hôi, vì sợ hãi.

Mắt đỏ. Mắt đỏ. Không phải mắt mèo màu đỏ, mà là ánh đèn của cái máy camera trong nhà hàng. Đây là lại máy tự động, nhưng gã đã tự tay tắt máy trước khi mở két tiền của nhà hàng. Nhưng tại sao cái máy lại khởi động trở lại?

Hắn lái xe trở lại hướng nhà hàng. Nếu thật sự đúng như hắn nghi ngờ cái máy thu hình hoạt động trở lại thì hắn phải tìm cách lấy cuộn phim và phá hủy tang chứng.

@ @ @

Đừng bỏ anh một mình. Đừng bỏ anh một mình. Trời lạnh quá. Trời lạnh quá. Sao đành, bỏ anh một mình. Đừng bỏ anh một mình. Đừng bỏ anh một mình. Đường vào nghĩa trang mông mênh. Đừng bỏ anh. Vừa kêu gào, Lãng Tử vừa ngóng nhìn về cái nghĩa trang mộ cổ của người Do Thái. Người ta bảo mèo có họ hàng với quỷ ma nhưng Lãng Tử vẫn thấy sờ sợ dòng họ của chàng. Ngồi chồm hổm bên thân thể chưa lạnh của Tiểu Thư, Lãng Tử ứa nước mắt nhớ lại ngày mới quen.

Coi chừng nghe lầm

Con gái lớn của tôi năm nay hai mươi lăm tuổi. Cái tuổi có nhiều thay đổi, thậm chí đổ vỡ, về tình yêu và nghề nghiệp. Cô đang ở giai đoạn khó khăn trong cuộc đời. Còn tôi đang ở giai đoạn về chiều, mọi cơ quan đều bắt đầu thoái hóa. Cái mũi thì vẫn còn dùng được, thỉnh thoảng bị dị ứng bụi, mốc, phấn hoa thì sổ mũi, nhưng mấy hôm nay thì rất khỏe (cái lỗ mũi thôi chứ toàn thân thì cũng có cái dở dở ương ương). Cái lỗ tai thì nghễnh ngãng (từ lâu) rồi. Ai nói nhỏ không nghe. Tivi bật nhỏ chỉ nghe tiếng thầm thì rì rào mà không biết họ nói gì. Bây giờ thì nhớ lại mình hay cằn nhằn với đấng phu quân của mình là cặp hàng xóm, nhất là ông chồng sao nói chuyện to tiếng quá, cứ như cãi nhau. Chắc là họ cũng bị lãng tai.

Nói vậy, nhưng có nhiều khi ngồi gần, nói lớn, mà vẫn nghe sai; bởi vì mình không nghe tiếng của người ta nói mà nghe chính tiếng nói trong tư tưởng của mình. Tôi bắt gặp tôi một vài lần như vậy.

Mới tuần rồi, ngày Chủ Nhật tôi đón cô lớn về nhà chơi. Chúng tôi nói chuyện bâng quơ rồi bỗng dưng cô hỏi.

– Mẹ có muốn con đặt bẫy bắt một anh bồ rồi mang anh ta… (cô nói một tràng liến thoắng nhưng tôi chưa nghe hết đã kêu lên.)

– Không, không, không (lưỡi tôi líu lại, ngồi trong xe mà tôi la lớn át cả tiếng của cô). Đừng làm như vậy con. Mẹ không muốn con phải làm như vậy. Đâu có đáng gì. (Tôi nói thêm một tràng nữa mà không biết là mình nói gì).

Cô nhìn tôi vẻ ngạc nhiên. Tôi trở lại công việc lái xe. Tôi ít khi lái xe đi xa, chỉ quanh quẩn từ nhà đến nhà ga xe lửa, đi chợ rồi về. Tốc độ trong thành phố nhỏ từ 25 dặm một giờ trong đường nhỏ cho đến 50 dặm một giờ trên đường lớn. Garden Parkway và đường cao tốc 78 người ta chạy 70 dặm một giờ là thường. Đa số là chạy 80 dặm một giờ làm tôi phát khiếp. Tôi chỉ chạy có 60 dặm nên thường chọn làn bên trong để người ta dễ qua mặt. Vả lại tôi thường sợ bị phạt, tốn tiền. Có lần bị phạt tốn cả bốn trăm Mỹ kim đau quá xá, người ta nói đồng tiền nối liền khúc ruột mà. Tôi chăm chỉ, cẩn thận lái xe. Cô nói tiếp.

– Ý con muốn nói là con sẽ mang một cái bẫy, bắt anh bồ, sau đó mình đem anh bồ đi thiến. Con đã nói chuyện với mẹ của Pat…

Tôi muốn nói với con tôi, chuyện kết hôn với một người đàn ông không có ý nghĩa gì nếu mình phải mưu mẹo đánh bẫy. Vợ chồng lấy nhau cả đời nhiều khi có những lúc không thấy vui lòng, mà bổn phận làm vợ làm mẹ cứ đè nặng lên vai mình. Thật tình, tôi không muốn con tôi phải trải qua cảnh mang nặng đẻ đau, hay đến lúc vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt, bỏ nhau. Tôi có phần nào ích kỷ sợ con mình dẫn con của nó về mình lại phải nuôi con nuôi cháu.

Pat là bạn học với con tôi từ hồi tiểu học. Chung con đường, nhưng nhà của Pat ở bên kia con đường lớn cắt ngang con đường chung dẫn vào nhà tôi. Pat chính chắn, lại rất đẹp trai. Hai đứa chơi thân với nhau, nhiều khi tôi ước hai đứa thành đôi với nhau, nhưng cả hai đều có người yêu.

– Mình để thức ăn vào cái bẫy bắt anh bồ rồi đưa đi bác sĩ thú y.

Tôi chợt vỡ lẽ. Mẹ của Pat có thể được gọi là cat lady. Ở VN mình không có mẫu người này, một người đàn bà nuôi rất nhiều mèo. Bà ấy, tên là Mary, chuyên cứu trợ những con mèo hoang, gọi là feral cat. Để chận đứng mức độ phát triển của mèo hoang người ta đem giải phẫu (có thuốc tê). Mary có dụng cụ để bẫy mèo. Con tôi đang nói đến con mèo hoang mà cả nhà đồng ý gọi là Boyfriend. Cô nói bằng tiếng Anh, mà tôi nghe chớp nhoáng, bằng cái lỗ tai nghễn ngãng nên không biết là “a boyfriend” hay là “the Boyfriend.” Thầm nghĩ con mình còn trẻ đâu có gì mà đến nỗi “desperate” phải chộp cổ anh bồ như thế. Trong thời gian chở con đi, nghĩ đến những nỗi niềm của con mình, tôi không nhớ đến con mèo hoang, nên con nói tên con mèo, mà tôi cứ nghĩ đến một anh bồ nào đó. Con muốn đặt bẫy bắt mèo đem đi bác sĩ, nhưng tôi lại nghĩ bắt một anh đàn ông con trai bắt làm chồng.

Nghe lầm, không phải vì lỗ tai già không nghe rõ, mà mình nghe bằng định kiến đã xây dựng sẵn trong lòng.

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 5

Thỉnh thoảng tôi vào phòng Cá Linh đảo mắt tìm Nora. Tôi hy vọng nhìn thấy nó lim dim ngủ ở góc giường, nghe tiếng chân tôi nó sẽ ngẩng đầu lên nhìn. Mặt nó bên trái màu đen bên phải có một vệt trắng, đôi mắt to lóng lánh như hai hòn bi  và ngây thơ như đôi mắt trẻ con. Hai tai nó vểnh lên, nghe ngóng. Tôi vuốt lên mặt giường chỗ Nora nằm lâu ngày lõm xuống vẫn còn dính đầy lông, lòng bâng khuâng.

Vài ngày ngay sau khi Nora biến mất, một buổi sáng lái xe đi làm trên đường 22 tôi nhìn thấy xác một con thú bị xe tông, lông nó màu vàng sậm có đốm đen như màu mèo tam thể. Cần đi cho kịp giờ chuyến xe lửa tôi không tiện quay lại nên buổi chiều về ngang chỗ xác con thú tôi có ý tìm, lòng phập phồng lo sợ đó là Nora. Tuy nhiên khi đến nơi thì thấy người ta đã dọn xác thú rồi. Thường thường, nai bị xe đụng chết, xác bị bỏ đó có khi cả tuần lễ nhưng có lẽ lúc này trời ấm người ta dọn nhanh để tránh xác thú bị sình chương. Có khi tôi ngồi đọc hay viết, nó nằm trên bàn, khoảng trống ở giữa tôi và màn ảnh computer, ngủ ngon lành. Tại sao tôi lại có thể quyến luyến một con mèo, như vậy?

Còn con mèo hoang Boyfriend tại sao không đến để xin ăn nữa? Mỗi chiều đi làm về tôi lại nhìn vào bát thức ăn khô dành cho Boyfriend tôi để dưới gầm bàn picnic ở sàn gỗ sân sau xem nó có vơi đi không. Tôi nhớ cái vẻ lấm lét của Boyfriend, luôn ngó dáo dác giống như một đứa trẻ bụi đời bị đánh đập bạc đãi nên lúc nào cũng chuẩn bị chạy trốn. Hôm kia lục lọi xem ảnh cũ trong computer, tôi thấy có một tấm ảnh Boyfriend đang lục thùng rác nhà tôi. Có lẽ một người nào đó trong nhà đã chụp nên tôi không biết là có tấm ảnh này. Chợt nhớ đã lâu rồi, có một đêm không ngủ được tôi trờ dậy, ngồi vào bàn viết. Nghe tiếng động ở cửa sổ tôi nhìn ra, giật mình nhìn thấy một con mèo ngồi cạnh cửa sổ nhỏ chỗ Nora thường hay ngồi nhìn cuộc đời. Tôi định thần chưa kịp nhìn cho kỹ thì con mèo chạy mất. Có lẽ đó là Boyfriend. Dần dần, Boyfriend bớt sợ hãi. Có một buổi chiều, trời ấm, sau khi ăn, Boyfriend nằm duỗi dài người trên sân, như tận hưởng hơi ấm của mặt đất thấm vào từng sớ thịt trên người nó. Chập sau Boyfriend ngủ say sưa khiến tôi nghĩ nó bắt đầu xem sân sau nhà tôi là đất nhà của nó. Nghĩ đến một ngày nào đó Nora và Boyfriend cùng trở về mang theo vài ba con mèo con tôi thấy vui vui, nhưng điều này không thể nào trở nên hiện thực vì tôi biết con tôi đã mang Nora đến bác sĩ thú y đoạn sản.

Từ khi vắng mặt hai con mèo, chứng mất ngủ của tôi trở nên nặng hơn. Tôi thức giấc lúc nửa đêm, rồi hai giờ sáng, rồi bốn giờ sáng lắng nghe tiếng động quanh nhà như một bà mẹ lo lắng con đi chơi khuya chưa về. Thỉnh thoảng đang ngủ tôi bỗng nghe như có tiếng mèo gào, dường như có hai con mèo đang cắn nhau. Có khi tôi nghe như có tiếng mèo nhảy qua cửa sổ, xuống nền nhà như tiếng Nora thường hay ra vào cửa sổ. Tôi lại lò dò từ từ tầng trên đi xuống tầng dưới, mở đèn ở sân sau để nhìn xem có phải Nora trở về và Boyfriend lại đến tìm thức ăn. Mèo của mình thì nhớ đã đành, tôi lại nhớ cả con mèo hoang thường hay chờ để được cho ăn. Không phải con mèo hoang chờ tôi về, nó chỉ chờ được ăn. Người ta nói rằng loài mèo dù có chủ hẳn hoi cũng có thể la cà sang nhà hàng xóm để được cho ăn thêm. Có lẽ Boyfriend về với chủ của nó hay có người nào đó cho nó thức ăn ngon hơn nên nó không đến nữa? Sự vắng bóng của hai con mèo làm tôi nhận ra trong tâm hồn tôi dường như có một chỗ lõm xuống, in dấu hai con mèo. Nhớ hai con mèo như nhớ hai đứa con đã ra khỏi nhà. Như nhớ một người bạn bỗng dưng bặt tin không biết còn sống hay đã chết. Tôi mong chờ mà không biết mình mong chờ cái gì. Những đứa con ra đi lập nghiệp không có thì giờ quay lại căn nhà xưa, lời thăm hỏi của những người thân quen trong quá khứ?

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 4

Bị ném ra khỏi hầm gạo, Tiểu Thư và Lãng Tử chạy thục mạng. Cố gắng để không lạc nhau, tuy đói và đau, cả hai mừng là mình vẫn còn sống. Trời về khuya dày đặc sương mù. Những giọt sương li ti, bắt đầu thấm ướt lông của hai đứa. Nép mình dưới một bụi cây thấp và rậm rạp sương đọng thành giọt chảy xuống đầu. Đói, lạnh, và khốn khổ. Lãng Tử nhích lại gần Tiểu Thư tìm hơi ấm.

Tiểu Thư gầm gừ:

– Không được lộn xộn nghen.

Lãng Tử nhỏ nhẹ:

– Dựa vào nhau cho ấm thôi. Anh chẳng làm gì đâu.

– Anh hay leo lưng em bắt em cõng em không thích.

Lãng Tử thầm nghĩ, con mèo này kỳ cục. Mình theo đuổi cô ả đã lâu mà thấy cô ả hình như không biết thèm phái nam. Thật là ngược thiên nhiên. Bụng Lãng Tử cồn cào. Chợt, cả hai cùng nhổm dậy. Trong gió thoảng mùi thức ăn. Mùi thịt bò, mùi cá hồi, có cả mùi thịt gà nữa chứ.

Trước mặt hai đứa là một cái hồ mông mênh. Bên kia hồ là một ngôi nhà vẫn còn thấp thoáng ánh đèn mờ mờ trong sương. Không có cách nào khác hơn là chạy vòng theo bờ hồ để đến ngôi nhà. Cả hai chạy thật nhanh, thật lâu, đỡ lạnh nhưng không đỡ đói. Cái đói nhân lên gấp đôi gấp ba lần sau khi ngửi thấy mùi thức ăn. Tưởng tượng tìm thấy thức ăn trong ngôi nhà làm cả hai phấn chấn. Băng qua một nghĩa địa nhỏ chừng hơn chục ngôi mộ, cả hai nấp sau những bia mộ dò xét trước khi tìm cách vào ngôi nhà. Đây là nghĩa địa của những người Do Thái đến vùng lập nghiệp ở vùng này, bây giờ được xem là di tích lịch sử. Ngôi nhà cả hai nhìn thấy từ bên kia bờ hồ thật ra là một nhà hàng Ý có tiếng trong vùng. Nhà hàng không mở cửa nhiều giờ, kín đáo trong vùng khá hoang vắng, không có nhiều khách hàng lắm. Đêm đã khuya, quá giờ đóng cửa nhưng vẫn còn đèn sáng. Tiểu Thư và Lãng Tử mon men chung quanh ngôi nhà hàng. Cửa hầm, nơi giao hàng nhận hàng, mở toang. Giờ này, chẳng còn ai dám bén mảng đến những nơi vắng vẻ như thế này, nhất là bên cạnh nghĩa địa. Mùi thức ăn càng lúc càng rõ dần.

Tiểu Thư và Lãng Tử nhẹ nhàng len theo bậc đá chung quanh cửa hầm và đi vào bóng tối. Từ dưới chân cầu thang nhìn lên, Tiểu Thư nhìn thấy bức tường màu ngà đầy ánh sáng. Bóng người đàn ông hắt trên nền tường như một khúc phim. Người đàn ông mở két tiền, hốt hết tiền cho vào túi. Bất thình lình có một bóng người khác, thấp hơn, mập hơn xuất hiện trên nền tường. Hai bên nói chuyện với nhau, giọng người cao lớn giận dữ quát tháo. Giọng người thấp mập có vẻ phân bua. Nghe toàn những chữ sí sí no no soldi, rubare, uccidere. Tiểu Thư thầm thì hỏi Lãng Tử.

– Họ nói gì thế?

– Em biết nhiều ngôn ngữ lắm mà không hiểu sao?

– Em chỉ biết tiếng Anh và tiếng Việt. Anh đi nhiều nơi mà không biết tiếng này sao?

– Họ nói tiếng gì giống như tiếng Ý. Anh chỉ nghe được chữ yes, no, tiền, ăn cắp, giết.

– Còn thức ăn thì ở đâu?

– Có lẽ còn thừa trên những đĩa thức ăn mà họ chưa dọn rửa.

– Họ làm gì kệ họ, mình kiếm cái gì bỏ bụng đi rồi tính.

– Phải cẩn thận kẻo họ thấy mình thì bất tiện lắm.

Cả hai rón rén lên cầu thang. Mắt vẫn dán vào bóng hai người đàn ông in trên tường. Ở trên đầu cầu thang, Tiểu Thư và Lãng Tử thấy người đàn ông cao lớn cầm cây súng nhỏ trên tay. Đây là một người da trắng tuổi trạc năm mươi. Người kia là một người da sậm, giống như người Mễ, vẻ sợ hãi. Nhìn thấy Tiểu Thư, người da trắng đá một cái rất mạnh, Tiểu Thư văng ra ngoài cửa nằm bất động. Lãng Tử nhanh chân nhảy vụt lên bàn và nhảy vụt lên trên một trong những kèo nhà, lên một cái máy đen treo lơ lửng trên trần nhà. Người da trắng rót rượu đưa cho người da sậm, nói cái gì đó, ra hiệu uống đi. Người da sậm sợ hãi vâng theo uống hết. Rót tiếp. Uống tiếp. Cả chục ly như thế người da sậm đã loạng choạng. Người da trắng bảo anh ta cởi hết quần áo ra. Xong, hất cây súng ra hiệu người da sậm đi ra cửa sau. Lãng Tử loay hoay trên cái máy, vô tình khiến ống kính của cái máy quay theo hướng người da trắng và người da sậm. Máy có ánh đèn đỏ nhấp nháy. Lãng Tử nhảy xuống chạy vào bếp theo mùi thức ăn.

Ngoài sân, Tiểu Thư hồi tỉnh, bò lết vào bụi hoa bên góc tường. Người da trắng chĩa súng bắt người da sậm đi xuống hồ. Nước lên đến bụng người da sậm, đến ngực, đến cổ. Người da sậm liểng xiểng và lè nhè cái gì đó không rõ. Rồi ngã chìm xuống nước. Rất lâu không xuất hiện. Người da trắng quay trở vào ôm quần áo người da sậm ném vào trong hồ.

Hắn ta lái xe đi, không để ý đến hai con mèo. Và cái máy quay hình vẫn còn nhấp nháy cháy đèn.

Lãng Tử xuất hiện, mang theo một miếng xương gà còn thịt. Tiểu Thư nằm im không nhúc nhích.

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 3

Suốt mấy ngày qua Lãng Tử và Tiểu Thư không có một bữa ăn đủ no. Đang mùa mưa nước uống tìm không khó mấy. Một vũng nước bằng bàn tay cũng đủ đỡ khát. Ngày đi đêm nghỉ, ồ không nói nhầm, ngày nghỉ đêm đi, băng rừng lướt bụi, lướt phố vượt xa lộ, hai con mèo không tìm được thức ăn. Mưa làm trôi tất cả mùi hương cũ nên chúng nó hoàn toàn không ngửi ra phương hướng nữa. Bây giờ muốn đi tới thì không biết đi đâu, muốn quay về cũng mất nẻo.

Lúc băng rừng, Tiểu Thư bắt được con rắn lớn hơn chiếc đũa, da vàng. Nàng vật chết con rắn và chia đôi với Lãng Tử. Sau đó Tiểu Thư bắt ốc sên, mối, dế, cào cào ăn đỡ đói. Loại thức ăn này, khi còn ở nhà Tiểu Thư bắt vờn chơi, chơi chán rồi bỏ chứ không ăn. Thậm chí cả chim và chipmunk Tiểu Thư bắt vật chết rồi bỏ. Bây giờ trên đường rong ruổi, đói quá, Tiểu Thư muốn dừng lại ở trong rừng để bắt chim nhưng Lãng Tử không chịu. Thậm chí, Lãng Tử cũng không chịu chường mặt ra ngoài lúc ban ngày, chỉ dám đi ban đêm.

– Ban ngày không đi xa thì cũng phải kiếm thức ăn chứ. Ở trong bóng mát hoài làm sao có thức ăn. Mình có làm gì phạm pháp luật đâu mà trốn chui chốn nhủi thế này. Tiểu Thư cằn nhằn.

Nghe là biết nàng quạu lắm rồi, vì nàng nói trống không, không chịu xưng tên hay xưng em. Người ta bảo dạy vợ từ lúc ban sơ mới về. Nhưng Tiểu Thư chưa là vợ, cũng chưa hẵn là người tình, hai đứa chỉ trốn đi giang hồ chung thôi.

– Đi lạng quạng ra ngoài nắng, loài người thấy mèo hoang như chúng mình nguy hiểm lắm. Loài người, không phải người nào cũng dễ dạy dễ thương như người chủ của em. Đám người này, họ có thể tạt nước sôi vào người mình. Thậm chí bắt mình để ăn thịt nữa.

– Dóc tổ hoài. Ở đây ai mà ăn thịt mèo? Cũng chẳng ai đánh đuổi mình làm gì. Mình có làm gì họ đâu. Thôi đi kiếm cái gì ăn đi.

Lãng Tử nhảy vào một cái thùng rác nhỏ, bươi tứ tung chập sau nhảy ra mang theo một gói nhỏ bằng giấy. Chàng mọp người ăn ngấu nghiến, vừa ăn vừa gầm gừ, vừa ngó dáo dác chuẩn bị vác thức ăn bỏ chạy nếu có người xuất hiện. Trông chàng giống hệt như lúc đầu mới đến nhà Tiểu Thư làm quen. Thỉnh thoảng chàng ngẩng đầu lên nhìn, nhe răng nanh gầm gừ, và liên tục liếm mép. Tuy thế chàng chẳng mời Tiểu Thư cùng ăn. Tiểu Thư tức giận. Khi nàng bắt được con rắn, dù đang rất đói, nàng có thể ăn một lúc cả hai con rắn nhỏ như thế, nhưng nàng vẫn chia đôi thức ăn với chàng. Còn Lãng Tử, vốn quen tật bao nhiêu năm là mèo hoang, thường xuyên đói khát, chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện nhường. Miếng ăn là chuyện cá nhân. Hễ chàng tìm được thức ăn là chàng bảo vệ thức ăn đến cùng.

Tiểu Thư ngồi bên cạnh buồn bã.

– Người gì mà tham ăn và vô tình.

– Hử? Hử? Cưng nói gì? Thì cưng phải nhảy vào trong thùng rác mà tìm thức ăn. Anh vừa mới ăn một cái hot dog có cả ketchup nữa. Ngon tuyệt vời.

– Không. Em không ăn được thức ăn trong thùng rác. Từ nhỏ đến giờ em chưa bao giờ sống hèn hạ như thế. Em chỉ ăn thức ăn dành riêng cho mèo, thỉnh thoảng em được ăn sữa chua, sốt cà, cá tuna, có khi được ăn cả tôm luộc. Em nghe lời dụ dỗ đi theo chàng nên khổ như thế này. Em tưởng anh sẽ bảo bọc nuôi nấng em khi em hầu hạ phục vụ anh.

– Đừng có lắm chuyện. Lãng Tử gắt gỏng. Trên đời mèo này làm gì có chuyện nuôi nấng bảo bọc, mạnh ai nấy kiếm sống, nếu không phải dạy loài người nuôi nấng mình. Ở đây nam nữ bình đẳng mà cưng.

– Thôi anh đưa em về với mấy người chủ của em. Họ tử tế với em, nâng niu nuông chìu em. Anh dụ em theo anh rồi bỏ đói em. Làm sao mà em nhảy vào thùng rác cho được. Mà nhảy vào được thì chưa chắc đã nhảy ra được. Anh xem em bệ vệ như thế này. Tiểu Thư khóc rưng rức.

– Nói vậy mà nói được. Ai dụ em hồi nào, chính em mới là người rủ anh bỏ trốn mà. Chứ anh thì muốn ở lại nhà em. Bà chủ của em rất ngoan, anh huấn luyện bà rất chăm nên bà biết cứ đến giờ cho Tiểu Thư ăn là bà cũng cho anh ăn. Thật ra bà cho anh ăn gấp đôi phần ăn của em. Bà cho em ăn ít vì bà sợ em béo phì. Còn anh thì gầy gò như thế này nên bà cho ăn nhiều để vỗ béo. Giá mà đừng nghe lời em, ở lại thì đâu đến độ bị đói như thế này.

– Thì tại anh nói anh đi khắp năm châu bốn biển làm em muốn biết thế giới bên ngoài nên mới rủ anh đi.

– Thôi, nếu em không chịu lục thức ăn trong thùng rác thì anh sẽ đưa em đến chỗ này. Em có thể bắt chuột được không?

– Chuột nhỏ cỡ con chipmunk thì được. Còn chuột cống to bằng cái đùi thì nó sẽ nuốt em mất.

– Bây giờ thì em nắm đuôi anh, đi trong im lặng, không được khóc. Anh ghét nhất là nước mắt đàn bà.

Tiểu Thư và Lãng Tử chui vào một lỗ dưới chân tường, rơi vào một hầm tối. Nhờ đôi mắt mèo và có bóng đèn nhỏ trên tường nên chúng nhìn thấy lối đi.

– Đây là đâu vậy?

– Hầm của một nhà hàng Tàu không mấy đắt khách. Hễ vào nhà hàng Tàu thì chắc chắn là có chuột.

– Nếu một trong hai bắt được chuột thì chia nhau nhé? Tiểu thư muốn có một hợp đồng với Lãng Tử, dù chỉ là bằng lời.

– Không, em bắt chuột em ăn. Anh không ăn chuột. Ai mà vào nhà hàng để ăn chuột chứ? Lãng Tử gạt phắt đi.

Không ăn chuột thì ăn gì? Tiểu Thư thắc mắc nhưng không muốn hỏi e cãi vã thêm. Từ khi trốn đi với nhau, Lãng Tử ngày càng nạt nộ nàng nhiều hơn. Lãng Tử nghĩ thầm, mấy con mèo được chủ nuôi cho ăn đến béo phì thật là khờ khạo. Nhà hàng Tàu thường có cá chiên. Hễ đầu bếp ngó lơ thì mình ngoạm cá chạy đi. Không dễ gì nhưng không phải là không làm được, nhiều khi còn dễ hơn bắt chuột.

– Em ngồi ở đây, góc này, núp sau mấy bao gạo, dễ nhin thấy chuột và loài người khó nhìn thấy em.

Đói meo và lạnh, Tiểu Thư im lặng nghe ngóng. Tiệm đã vắng khách, chỉ còn lại hai cô gái hầu bàn và hai người rửa chén. Tiểu Thư nghe giọng nói hách dịch dường như là ông chủ:

– Cô xuống hầm lựa bao gạo thơm mang lên đây để chuẩn bị cho ngày mai.  Xuống cầu thang rẽ bên tay trái, ở tận trong cùng của lối đi.

Có một giọng nói khác đàn ông. Giọng người Việt.

– Ở dưới tối lắm, góc đó không có đèn, cô cần có cây đèn pin mới thấy đường. Cô chờ một chút tôi tìm đèn.

Ông chủ gằn giọng:

– Rửa chén cho xong đi để tôi còn đóng cửa. Việc của mình chưa xong là lo việc của người. Cô đi ngay cho tôi.

Người đàn ông rửa bát quay sang nói nhỏ với một người nào đó.

– Cô bé này ở Việt Nam mới sang, còn khờ lắm. Có lẽ cha mẹ không khá lắm nên cô xin chân hầu bàn kiếm thêm tiền. Thằng chủ Tàu này lúc trước mướn mấy cô Tàu không có giấy tờ hợp pháp, cô nào chả cũng làm thịt hết. Mấy cô gái kia không dám thưa kiện…

– Mình tìm cách nào giúp cổ đi, tội nghiệp. Cũng là người Việt với nhau.

– Thẳng chả đuổi mình làm sao?

Cô gái đi xuống hầm, cố tìm bao gạo trong bóng tối. Lối đi rất hẹp, chỉ vừa cho một người đi, xoay trở không dễ dàng. Tiểu Thư lùi vào trong hốc, thu người nhỏ lại. Trong bóng tối Tiểu Thư nhìn thấy dễ dàng, nhưng cô gái mới từ ngoài sáng vào nên mắt chưa điều tiết kịp. Cây đèn bấm nhỏ xíu, gần hết pin lóe ánh sáng vàng vọt. Suýt tí nữa cô soi trúng Tiểu Thư.

Gã đàn ông ở ngay phía sau cô gái. Hắn đè cô gái lên mấy bao gạo chất chồng. Tay trái hắn chặn cổ, khuỷu tay gối lên mái tóc cô gái làm cô đau đớn kêu lên. Gã cao lớn, bề ngang gấp đôi cô gái cao hơn cô một cái đầu. Cô gái vóc dáng nhỏ nhắn, rất trẻ, chừng mười sáu. Tay phải hắn giật mạnh đứt tung cúc quần vải mềm. Cô phải mặc quần vải mềm và áo khoác khi hầu bàn. Dây kéo tụt xuống, cái quần rơi xuống đến mắc cá chân. Cô gái không kịp kêu la, chân hắn đã chèn vào giữa hai chân cô gái. Đã chuẩn bị trước, hắn chỉ mặc có cái quần đùi boxer. Đầu gối hắn ghìm thúc vào bụng cô gái. Cô khóc nức nở, hai tay cố níu kéo cái quần lên như sợ mình lõa lồ thay vì chống cự tên chủ. Hắn thò tay vào móc dương vật, cố bẹt chân cô để nhét dương vật của hắn vào cửa mình cô. Tiếng khóc của cô gái, tiếng vật huỳnh huỵch của tên chủ, làm Tiểu Thư hoảng sợ. Tiểu Thư tìm đường chạy trốn. Nàng nhảy lên đầu gã đàn ông, bị trượt, nàng níu lại. Móng vuốt của Tiểu Thư cào lên đỉnh đầu sói sọi của hắn, rồi cào lên cổ, và lên vai hắn. Trong cơn đau đớn, hắn thét lên, nắm lấy Tiểu Thư ném ra xa. Tiểu Thư vói tay chụp nhằm mũi và mắt hắn trước khi rơi xuống đất. Hắn loạng choạng ngã người xuống đất.

Cô gái thừa dịp, nhảy lên trên người hắn bỏ chạy. Hai người đàn ông nhân viên rửa chén, chạy xuống. Ban đầu họ giả vờ tìm bao gạo và khiêng lên giúp cô vì nặng. Họ hy vọng gã chủ thấy có người sẽ buông tha cô gái. Nhưng gã chủ xem hai người như nơ pa. Hắn định bụng sẽ đuổi luôn một lúc cả ba người sau khi hiếp dâm cô gái. Một trong hai người nhân viên rửa chén trông thấy Lãng Tử đang rình trong bếp chờ ăn cắp cái đầu vịt quay, nên chộp cổ Lãng Tử. Người kia chạy xuống hầm khi đến gần gã chủ nhân đang ôm mặt kêu rên, nhìn thấy Tiểu Thư đang tìm cách chạy ra khỏi hầm, anh ta nắm cổ Tiểu Thư. Sau đó cả hai người ném hai con mèo ra ngoài cửa. Hai người nhân viên rửa chén trở vào đỡ ông chủ dậy mồm liên tục chửi rủa hai con mèo chết toi chết tiệt. Mặt gã chủ đẫm máu, cả hai gọi xe cứu thương. Không khéo móng mèo làm trầy mắt thì gã chủ nhân dám bị mù lắm à.

Tiểu Thư và Lãng Tử cắm đầu chạy thục mạng ngoài kia. Bụng cả hai vẫn còn đang đói meo.

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 2

Kể từ khi Nora biến mất, con mèo Boyfriend cũng không đến nữa. Lúc sau này, tôi cho Boyfriend ăn mỗi ngày hai lần. Hễ cho Nora ăn thì tôi cũng mang thức ăn để ngoài sân cho Boyfriend. Hôm nào tôi quên là Boyfriend kêu gào um sùm. Trời mưa tôi để chén thức ăn dưới gầm bàn để Boyfriend không bị ướt. Có khi mưa lớn Boyfriend không đến. Buổi chiều đi làm về tôi thường để ý tìm con mèo này, coi vậy mà cũng nhớ cái mặt có đốm đen với hai cái răng nanh nhọn hoắc trông rất xấu xí và dữ tợn của nó. Boyfriend cẩn thận lắm, chỉ đứng ở xa xa rình rập. Nó nằm bên hông nhà, hễ nghe tiếng Nora kêu nho nhỏ đòi ăn, và tiếng mở nắp hộp thức ăn thì nó chờ sẵn. Nó ngồi rình từ xa, chỉ sau khi tôi quay vào nhà, cửa đóng rồi nó mới đến ăn. Vừa ăn vừa ngó dáo dác, chuẩn bị chạy.

Có một buổi chiều nắng ấm, Nora nằm ở một góc sân, Boyfriend nằm ở một góc khác xem chừng quen thuộc thoải mái với sân nhà tôi, chẳng ai nhìn ai. Nora nhìn Boyfriend ăn một cách lãnh đạm. Có lần tôi cho thức ăn vào chén của Boyfriend, Nora mon men đến gần, tôi để ngón tay ngang miệng chén và nói. “No. Con!” Nora thong thả đi chỗ khác. Riết rồi nó cũng hiểu được hai thứ tiếng. Tôi có cái tật nói lộn xà ngầu, nghĩ một đàng nói một nẻo, thỉnh thoảng nói tiếng Việt với người Mỹ, và nói tiếng Mỹ với người Việt theo thói quen. Chắc Nora nghe mãi nên quen.

Thỉnh thoảng tôi vào phòng của Cá Linh, với hy vọng nhìn thấy Nora đã về và nằm chờ sẵn. Chỗ nằm của nó vẫn đầy vết lông; trước đó tôi cằn nhằn con tôi, “không khéo lông mèo bám đầy phổi thì chết!” Có lẽ nào Nora đi tìm cô chủ của nó? Từ đây đến Baltimore lái xe nhanh thì cũng bốn tiếng đồng hồ. Một con mèo đánh hơi đi tìm chủ sẽ mất bao nhiêu ngày, bao nhiêu tuần? Qua bao nhiêu rừng, bao nhiêu cầu, bao nhiêu xa lộ, bao nhiêu chướng ngại gian truân. Nora không phải là con mèo khôn ngoan xuất chúng nên tôi không tin nó đi tìm Cá Linh. Tôi định gọi điện thoại hỏi con tôi có thấy con mèo không nhưng hỏi thì nó sẽ biết con mèo mất tích. Tôi chưa muốn nói cho Cá Linh biết sự mất tích này.

Tôi sang nhà hàng xóm hỏi có ai nhìn thấy con mèo Nora của tôi không. Ở đây không ai bắt trộm mèo để ăn thịt. Những loại mèo hiếm quí có thể bị bắt trộm đem bán, nhưng Nora chỉ là con mèo tam thể bình thường chẳng ai trộm làm gì. Và hàng xóm tôi chẳng ai có vẻ dữ tợn hành hạ thú vật để có thể bắt giết con mèo rồi ném xác.

Tôi sang nhà vợ chồng Patti và John hỏi có nhìn thấy Nora không? Nhà này có nuôi một con chó màu nâu đặt tên là Hershey, cùng tên với một loại kẹo chocolat nổi tiếng. Patti nói: “Chẳng nhớ chính xác hôm nào, nhưng tôi thấy Nora nắm đuôi con mèo hoang loại tuxedo, băng qua đường Mountain Parkway để ra đường 22.”

Giữa Nora và Boyfriend dường như không có tình ý mặn mà gì cho lắm, thế mà. Tôi tự hỏi những lúc hai đứa nằm quay lưng lại với nhau trên cái sân sau nhà tôi, chúng đã thầm thì gì với nhau mà cùng một lúc cả hai biến mất.

Còn tiếp