Tôi xem và xem lại ba phim có kết cuộc giống nhau. “Love Story – Chuyện Tình,” “Sweet November – Tháng Mười Một Ngọt Ngào,” và “Autumn in New York – Mùa Thu ở New York.” Một tình yêu rất lãng mạn, say đắm, nhưng hạnh phúc bị tan vỡ nửa chừng vì người con gái mang trọng bệnh rồi qua đời. Chuyện Tình từ khi ra đời đến nay đã được nhiều quốc gia trên thế giới phóng tác.
Nếu bạn đang lập danh sách 100 phim hay của riêng bạn, tôi xin đề nghị (nếu bạn chưa có phim này trong danh sách) phim Wuthering Heights – Đỉnh Gió Hú. Phim này có nhiều kịch bản, tôi thích phim năm 1939 do Laurence Olivier đóng vai Heathcliff. Tôi hay nói về truyện và phim xưa, thường nhắc đến Anna Karenina và Gone With The Wind – Cuốn Theo Chiều Gió, không hiểu sao tôi không có dịp nhắc đến Đỉnh Gió Hú, một truyện tôi thích có thể nói là hơn cả Jane Eyre, Anna Karenina, và Gone With The Wind.
Tôi nhận ra khuynh hướng đọc của tôi, tôi thích loại truyện và phim, ngoài khuynh hướng cổ điển, còn thể hiện khía cạnh tăm tối và bản chất độc ác của con người. Có lẽ vì thế mà tôi bị cuốn hút vào quyển Wuthering Heights.
Mỗi khi nhắc đến chị em bà Brontë (để giản dị tôi chỉ dùng chữ é) người ta thường nhắc đến bà Charlotte Bronté với quyển Jane Eyre (thật ra bà còn vài cuốn nữa), Emily với Wuthering Heights, và người em út Jane làm thơ nhưng chưa nổi tiếng bằng hai người chị. Cả ba người con gái họ Bronté đều chết trẻ. Charlotte ở tuổi hơn bốn mươi, Emily hơn ba mươi, và Jane chỉ mới hai mươi sáu. Tôi không nhớ Charlotte chết vì bệnh gì, còn Emily và Jane chết vị bệnh lao phổi. Thật là đáng kinh ngạc và khâm phục, một người con gái gia cảnh nghèo khó, bệnh hoạn, yếu đuối như Emily lại có thể sáng tạo ra một tác phẩm đào sâu về khía cạnh tối tăm đầy thù hận và cũng đầy yêu thương với một tình yêu vượt ra ngoài cuộc sống vói đến cõi chết của Heathcliff và Cathy Earshaw trong Wuthering Heights.
Cũng như phim Chuyện Tình, Đỉnh Gió Hú có hằng chục bản khác nhau trên toàn thế giới. Tôi có xem một phim kịch bản khác của Đỉnh Gió Hú (1992) do Ralph Fiennes và Juliette Binoche đóng, thật là vô cùng thất vọng.
Còn hai phim tôi xem đã lâu, nhưng chưa biết tôi muốn làm gì viết gì. “The Lake House – Căn Nhà Trên Hồ” tôi ước gì có thể đọc được truyện bằng tiếng Hàn, hay bản dịch từ tiếng Hàn sang tiếng Anh hoặc tiếng Việt. “Stage Beauty – Mỹ Nhân (Trên) Sân Khấu” tôi mở ngoặc đóng ngoặc chữ (trên) vì nghĩ là chữ trên hơi thừa, nhưng giữ nó để nghe êm tai hơn thì có lẽ lúc nào đó siêng siêng một chút sẽ viết giới thiệu. Phải viết tựa đề của phim vào đây để khi quên còn có chỗ nhắc cho mình nhớ.
Đỉnh Gió Hú (1939) do Charles McArthur và Ben Hetch viết phim bản. Stage Beauty là phim kịch bản của Jeffrey Hatcher. Có lẽ bạn sẽ không thích lắm vì đối thoại trong phim giống như đối thoại trên sân khấu của kịch. Có người nghĩ là lối đối thoại cứng, màu mè lên gân, (cường điệu) nhưng nó rất văn chương, đầy ẩn ý, đòi người xem phải suy nghĩ và thấy thấm thía. Với người không thích kiểu đối thoại này, có thể họ sẽ bị ngủ quên. Nhưng tôi thích lối phim có thoại kịch như thế. Bạn sẽ tìm thấy đối thoại như thế trong các phim xưa như “Cat on a Hot Tin Roof” hay “Street Car Named Desire” chẳng hạn.
Xem Đỉnh Gió Hú, tôi nhận ra tôi chưa hề biết yêu (như những nhân vật chính trong phim) là gì, và thú thật, tôi cũng không muốn yêu hay được yêu giống như họ. Dữ dội quá. Khốc liệt quá. Đôi khi không cần yêu nhiều, yêu nhàn nhạt thôi, chỉ cần đối xử tử tế với nhau, cũng đủ sống chung mấy chục năm.
Viết vài dòng để không quên. Gần đây tôi xem hai phim có cốt truyện hay. “Wakefield” và “Birth.”
“Wakefield” là một phim lạ. Nhân vật nữ chính là Jennifer Gardner, nổi tiếng, quen thuộc. Nhân vật nam chính là Bryan Cranston dường như tôi mới gặp lần đầu. Phim dựa vào truyện ngắn của E. L. Doctorrow. Phim nói về mặt trái (hay bóng tối) của tình yêu. Howard Wakefied có vợ đẹp. Diana là nhân viên của bảo tàng viện và đã từng là vũ công. Hai người lấy nhau 15 năm có hai con. Wakefield yêu vợ nhưng ghen. Trong cơn ghen ông tạo ra cuộc mất tích của chính mình. Thật sự ông trốn trong nhà xe (loại tách rời với gian nhà chính) để lén quan sát vợ. Chịu đói khát, lạnh, bỏ cả công việc, lục thùng rác để kiếm ăn, sống cuộc đời tệ như cuộc sống của người hành khất. Toàn phim là diễn tiến suy tưởng của Wakefield chung quanh sự mất tích của ông và sự quan sát thái độ của vợ con ông.
“Birth” do Nicole Kidman đóng vai chính. Tôi xem nhiều phim do cô đóng, nhưng không có cảm tình với cô và những vai nữ do cô đóng. Không dở, nhưng tôi không thích nếu so cô với Cate Blanchet. Anna (Kidman) có chồng mất sớm. Mười năm sau có người cầu hôn, Anna nhận lời dù vẫn còn thương nhớ người chồng. Ngày lễ đính hôn, có cậu bé tên Sean (cùng tên với người chồng đã chết) xuất hiện. Cậu bé chừng mười tuổi và cậu tự xưng cậu là người chồng cũ của Anna. Cậu biết rất nhiều chi tiết trong quá khứ của Anna, kể cả thói quen, và người thân của cả hai vợ chồng. Anna dần dần tin rằng Sean là người chồng cũ của cô đầu thai trở lại. Truyện thắt gút mở gút rất hay.
Cả hai phim đều nói về những khía cạnh phức tạp của tình yêu.
Trích đoạn đầu tiên trong bài thơ “From a Notebook” của James Merrill
The whiteness near and far.
The cold, the hush . . .
A first word stops
The blizzard, steps
Out into fresh
Candor. You ask no more.
Màu trắng xóa từ gần đến xa.
Không khí lạnh, s…u…ỵ…t . . .
Âm thanh đầu tiên chận lại
Cơn bão tuyết, những bước chân
dẫm lên sự tinh khôi
Chân thật. Bạn không hỏi gì thêm.
Bữa ăn quan trọng nhất trong ngày là bữa ăn tối. Cùng ăn bữa tối với nhau hằng ngày là cách giữ hạnh phúc gia đình rất hữu hiệu. Bữa ăn tối quan trọng nhất trong năm xảy ra vào Lễ Phục Sinh, Lễ Tạ Ơn, hay Lễ Giáng Sinh. Còn nhiều ngày lễ lớn của các tôn giáo khác bữa ăn tối rất quan trọng nhưng vì không biết chắc nên tôi không nhắc đến. Đôi lứa yêu nhau khi cảm thấy có thể tính chuyện lâu dài thường đưa ý trung nhân về nhà ăn tối vào những dịp lễ lớn kể trên. Alvy và Annie trong phim “Annie Hall” đã ăn tối vào lễ Phục Sinh với gia đình Annie. Woody Allen đã dùng bữa ăn này để so sánh sự khác nhau trong cách sống và cách suy nghĩ của người trong hai gia đình. Đôi khi bữa ăn trọng đại của gia đình xảy ra vào một dịp khác, có lẽ còn đặc biệt hơn những buổi tiệc trong ngày lễ, chẳng hạn như đám cưới trong phim “Meet The Parents – Gặp Bố Mẹ Người Yêu” hay đám tang trong phim “August: Osage County – Tháng Tám ở Quận Osage.” Cả gia đình và họ hàng tụ họp nên người ta có nhiều chuyện để nói như: ôn lại chuyện quá khứ, chúc mừng sự thành công hiện tại, bàn tính việc sắp tới, hay bày tỏ lòng thương yêu với nhau. Và xin đừng ngạc nhiên, những bữa ăn quan trọng, cũng là nơi có thể xảy ra những cuộc tranh chấp, gièm siểm, thậm chí đến đánh nhau. Trong phim “The Dinner – Bữa Ăn Tối” phim Ý năm 2014, của đạo diễn Ivano De Matteo, hai anh em gặp nhau hằng năm ở một nhà hàng Pháp sang trọng. Người anh là luật sư nổi tiếng và giàu có. Người em là kiến trúc sư, không giàu bằng người anh, nhưng cũng không nghèo. Người anh có một đứa con gái trang lứa với đứa con trai của người em. Hai người trẻ tuổi, một đêm đi chơi về khuya đã cố ý giết một người không nhà. Bữa ăn hằng năm là dịp để hai anh em gặp nhau hàn huyên tâm sự, biến thành thời điểm thích hợp để bàn cách đối phó với chuyện giết người của hai đứa con: nên cho chúng nhận tội hay chối tội. Bữa ăn trong nhà hàng được đạo diễn Ivano De Matteo khai triển khéo léo, khán giả nhìn thấy sự mâu thuẫn ngấm ngầm giữa hai anh em, từ sự ganh tị của kẻ giàu người nghèo, đến quan niệm về công lý và luật pháp, từ cách đối xử với vợ đến cách nuôi nấng dạy dỗ con cái. Khi sự xung đột đến tột độ thảm kịch xảy ra.
Băng đảng Mafia thường dùng bàn ăn ở nhà hàng làm nơi bàn luận chuyện thanh toán đối phương. Và thanh toán đối phương ở bàn ăn trong nhà hàng. Bạn đọc chắc chưa quên phim “The Godfather – Bố Già,” Al Pacino trong vai Michael Corleone, là công dân mẫu mực, từng đi lính Thủy quân lục chiến, trước nguy cơ dòng họ bị băng đảng khác tiêu diệt, đã đi vào hang cọp, một nhà hàng ở Bronx, địa điểm do đối phương chọn. Đang giữa bữa ăn, viện cớ cần đi tiểu, Michael vào phòng vệ sinh, lấy cây súng được “phe mình” dấu trong bình chứa nước, ra bàn ăn giết chết đối phương, sau đó chuồn sang Ý.
Trong phim “Shadow of a Doubt – Bóng Tối Nghi Ngờ” của Hitchcock, có hai nhân vật vốn là bạn của nhau, Joseph Newton và Herbie Hawkins. Cả hai có cùng ý thích, sưu tầm và thảo luận về cách thức giết người được dùng trong tiểu thuyết trinh thám. Herbie thường tìm gặp Joseph lúc ông bạn đang ăn tối với gia đình, có khi Herbie cũng tham dự bữa ăn và vì thế những phương pháp giết người được bàn luận ở bữa ăn. Nghe thì có vẻ rùng rợn, thật ra những thủ đoạn giết người họ bàn với nhau chỉ là chuyện nghiên cứu của hai nhà thám tử dởm, trong khi ấy Charles, em vợ của bà chủ nhà, đang lập mưu giết cô cháu gái (con của Joseph Newton) vì cô này biết được quá khứ của người cậu, thế mà hai thám tử dởm hoàn toàn không biết.
Bữa ăn làm tôi căm giận nhất là bữa ăn trong phim “The Return of the King – Ngày trở về của Vua,” phim cuối trong bộ phim ba tập “The Lord of The Rings – Nhẫn Chúa” của đạo diễn Peter Jackson, người vừa lên tiếng “đả thương” Harvey Weinstein, kẻ ngã ngựa vì bị cáo buộc đã uy hiếp, lạm dụng, và tấn công tình dục cả chục (hay hơn) nữ minh tinh thượng thặng trên màn ảnh Hoa Kỳ.
Denethor và dòng rượu trên cằmPippin đứng hầu trong lúc Denethor ăn
Denethor, là vị quan chấp chính đang trấn thủ thành Condor. Ông có tham vọng soán ngôi nên sai người con trai lớn, Boromir, đi tìm nhẫn chúa mang về cho ông. Boromir có tài lại rất hợp tính bố, nhưng chẳng may bị giết trong lúc bảo vệ chiếc nhẫn đang được Frodo mang đi hủy diệt. Faramir là con thứ hai của Denethor, tài năng chẳng kém gì người anh, nhưng bản tính nhân từ nên không được lòng bố. Bắt được Frodo, biết chàng hobbit này đang giữ nhẫn chúa nhưng Faramir thả Frodo đi để phá hủy nhẫn chúa mang lại hòa bình cho nhân loại. Quyết định của Faramir làm Denethor nổi giận. Khi quân đội của Sauron bao vây thành với số quân đông gấp nhiều lần, Denethor ra lệnh cho Faramir ra quân để chuộc tội, dù biết làm như thế là thí mạng con mình. Trong khi sắp sửa nước mất nhà tan, Denethor ra lệnh dọn tiệc cho ông, và còn bắt hobbit Pippin phải hát hầu trong lúc ông ta đang ăn. Bữa ăn gồm có thịt, cà anh đào, và nho tươi. Bài hát của Pippin là bài hát buồn thảm than khóc cho vận mệnh nước nhà sắp rơi vào tay quỷ dữ. Sauron nhai rau ráu. Nước của những quả cà tươi, và rượu chảy thành dòng đỏ đậm như màu máu trên môi trên cằm Denethor. Bữa ăn của Denethor là bữa ăn sang trọng, trong mùa đông, giữa lúc chiến tranh đến lúc cực độ, dân đang đói khổ mà quan cai trị vẫn còn có thịt nướng, rau quả tươi, và rượu. Đạo diễn Jackson cho luân phiên hình ảnh ứa lệ của Pippin và giọng hát thê lương, cái nhai rau ráu của Denethor với giòng rượu đỏ nhễu nhão xuống cằm, và đội quân Faramir đang phi ngựa hứng lằn tên của Orcs. Ông đã dùng “setting” bữa ăn, và cách ăn để nói lên sự kém sáng suốt và thiếu đạo đức của nhân vật một cách tuyệt diệu. Vì tôi ngưng từng khung ảnh để lấy cho được ảnh của Denethor với giòng rượu trên cằm, tôi khám phá ra một điều thú vị. Đó là khi thu cận cảnh thì miếng gà màu nâu vì nướng, nhưng trên bàn tiệc thì miếng gà màu vàng như gà luộc. Có lẽ vì đoạn phim được quay ít nhất là hai lần ở thời điểm khác nhau.
Hẹn lần sau sẽ đưa bạn đến với hai bữa ăn được dùng để nói lên thảm kịch của gia đình.
Diễn viên trong ảnh là Emma Bell trong vai Emily Dickinson khi còn trẻ
Mới xem qua một lần, chưa kịp ghi chú, tìm và đọc thêm tài liệu để có thể review hay giới thiệu với các bạn phim A Quiet Passion (Mối Đam Mê Thầm Kín). Và tôi đang bận rộn với một số công việc dở dang, thêm nữa là con gái út tối nay về và sẽ ở chơi cho đến hết lễ Tạ Ơn. Con về thì vui, và phải nấu cho con ăn tươm tất hơn, nên không biết bao giờ mới có thể viết về phim này một cách chỉnh chu. Tôi ghi lại vài nét chính, để cho nhớ về sau có thể quay trở lại với phim này.
Tôi đặt phim này ở thư viện, có ngay lập tức. Có nghĩa là không ai dành với tôi, và như thế có nghĩa là phim không thuộc loại “đắt hàng.” Sự thật là, cũng đúng như tôi nghĩ. Nếu bạn có khuynh hướng thích xem phim sôi động, hấp dẫn, éo le, thì đây không phải là một phim cho bạn mong đợi. Phim này kén người xem. Bạn phải có sở thích đặc biệt, hiểu biết và thẩm thấu nghệ thuật phim ảnh hơi nằm ngoài thị hiếu bình thường.
Phim khô khan, cách diễn xuất cứng ngắc, gần như kịch trên sân khấu, lời đối thoại rời rạc như đọc chứ không nói (với cách lên giọng xuống giọng như người ngoài đời bình thường). Đó là những nhận xét (gần như thiếu thiện cảm) về phim này. Để thích nó bạn phải đặt mình ở một vị trí khác, như sống trong thời đại nghiêm khắc của bà Dickinson để cảm được cuộc sống cũng như tâm hồn nhân vật. Tôi nghĩ đạo diễn Terence Davies cố ý làm phim như thế. Cynthia Nixon thì khỏi phải nghi ngờ gì về tài diễn xuất của nàng. Bạn sẽ không nhìn thấy dấu vết gì về nhân vật Miranda Hobbes trong “Sex and the City.” Tôi có cảm tưởng Cynthia Nixon chính là Emily Dickinson trong trí tưởng tượng của tôi.
Tôi thích quần áo của nhân vật. Đẹp và sang. Những tấm vải the, những vạt đăng ten, màu xanh lục, xám, xanh rêu trang nhã; và ước gì tôi có những cái áo trắng mà Cynthia Nixon mặc trong lúc đóng vai Emily Dickinson vào lúc gần cuối đời để mặc đi làm. Tôi thích mặc đồ trắng nhưng thường chỉ mặc lúc mùa hè. Tuy cách đối thoại khô cứng nhưng lời thoại rất hay, “witty,” thông minh, hiểu biết, ý nhị, thâm trầm cả trong lúc khôi hài hay đối chọi nhau chan chát.
Dickinson không dễ dịch vì không dễ đọc. Nhiều bài đơn giản nhưng mình vẫn phải tự hỏi là mình có hiểu đúng ý của bà không. Năm 2018 tôi sẽ đi thăm viện bảo tàng Emily Dickinson. Coi như đây là một cái New Year resolutions vậy nhé.
Buổi chiều hôm qua đi làm về, trong lúc chờ thang máy, tôi nghe bà đưa thư và ông lao công quét dọn cãi đùa với nhau. Bà đưa thư người Hispanic mới nhập cư, nói tiếng Anh còn bập bẹ với giọng ngoại quốc đặc sệt. Ông lao công người Mỹ nói hơi ngọng và biết đọc rất ít. Bà hỏi, Who do you think you are? Ông trả lời, I am nobody! (Bà hỏi, ông nghĩ ông là ai chứ, ngầm bảo ông chẳng có quyền hành gì đừng có lớn lối). Ông trả lời, tôi chẳng là ai cả, chỉ là một kẻ vô danh. Nghe ông bà cãi nhau tôi chợt nghĩ đến một bài thơ của Emily Dickinson.
I’m Nobody! Who are you?
Are you – Nobody – too?
Then there’s a pair of us!
Dont tell! they’d advertise – you know!
How dreary – to be – Somebody!
How public – like a Frog –
To tell one’s name – the livelong June –
To an admiring Bog!
Trong phim này, Emily Dickinson đọc bài thơ khi đang bế đứa bé, con của người anh trai. Tôi đoán chắc, rất nhiều người trong các bạn, kể cả tôi, ít nhất cũng một lần nghĩ về mình qua câu thơ. I am a Nobody!
Tôi xem bốn phim. “Silence,” “Light Between Oceans,” “Nocturnal Animals,” và “Sea of Trees.” Cả bốn phim tôi đều ngần ngừ không muốn xem nhưng xem xong rồi thì thấy phim nào cũng hay. Nếu phải chấm điểm tôi cho ba phim nhắc đến đầu tiên bốn điểm trên năm. Riêng phim Sea of Trees tôi cho bốn điểm rưỡi vì ý thích cá nhân. Chẳng hiểu duyên cơ gì, tôi cứ đọc sách xem phim nếu không của người Nhật thì cũng nói những chuyện liên quan đến Nhật.
“Nocturnal Animals” do Tom Ford đạo diễn nên phim có thiết kế theo kiểu đương đại, diễn viên ăn mặc theo thời trang rất sang, đẹp lộng lẫy. Amy Adams trong phim này trông khác hẳn cô nàng khoa học gia về ngôn ngữ học trong phim Arrivals.
“Silence” do Martin Scorsese đạo diễn dựa vào truyện “Silence” của Shūsaku Endo. Quyển truyện này tôi mượn ở thư viện, đọc vài ba trang, đem trả, mượn lại, vẫn không thể đọc. Trước đó tôi đọc một truyện ngắn khác của Endo, thấy thích, nghĩ là có thể đọc tiếp. Bây giờ thì không nhớ ra truyện ấy nói gì, tựa đề là gì. (Tuổi già thật là khó ưa. Thậm chí những điều tôi viết ra trong hai ba ngày là đã quên.) Cuối cùng tôi xem hết cuốn phim và tôi mừng là tôi đã xem. Có lẽ tôi sẽ mượn lại quyển sách và lần này sẽ đọc cho đến hết. Ông Scorsese khi làm cuốn phim này đã xin gặp Đức Giáo Hoàng, có lẽ vì những chi tiết trong phim, làm cho đạo diễn e ngại bị xem là phỉ báng tôn giáo. Một trong những lý do khiến tôi muốn xem phim là vì, có lẽ, có một diễn viên tôi thích. Liam Neeson. Well, Andrew Garfield is also a plus.
Trong “Sea of Trees” tôi suýt không nhận ra Matthew McConaughey. Hoàn toàn mất vẻ sáng láng hào hoa phong nhã, trong vai Arthur Brennan, trông anh chàng tàn tạ khắc khổ. Arthur chán đời, mua vé máy bay một chiều sang một khu rừng đặc biệt ở gần núi Phú Sĩ, để tự tử. Aokirahara Forest, còn được gọi là suicide forest, là khu rừng nổi tiếng là nơi hoàn hảo để tìm cái chết. Khu rừng này rất rộng lớn, như một cái biển và nước biển được thay thế bằng cây của rừng. Do đó phim có tựa đề “Sea of Trees.”
Thoạt tiên thấy có diễn viên Nhật, Ken Wantanabe, đóng chung với Matthew McConaughey, và bối cảnh trong phim là rừng của Nhật tôi đoán do người Nhật viết phim bản. Tuy nhiên vào phim một lúc tôi nhận ra đây là cách viết phim bản của người Mỹ. Làm cho người ta quan tâm hay yêu mến nhân vật. Nhiều chi tiết được đưa vào phần đầu trong phim (thắt gút) về sau dùng thật tài tình (mở gút), đúng dịp, đúng lúc. Tạo chướng ngại vật, đẩy nhân vật vào trong tình trạng gian nan. Mỗi nhân vật đều có xung đột của họ. Sau khi giải quyết xung đột, mỗi nhân vật đều thay đổi, “trưởng thành.”
Arthur Brennan khi vào rừng, ngoài ống thuốc tự tử còn có một phong thư. Phong thư này gửi đến Joan, người vợ của Arthur. Joan vừa mới qua đời và là một trong những nguyên nhân đưa đến chuyện tự tử của Arthur. Về sau chúng ta biết trong phong thư là quyển sách thiếu nhi mà Joan thích nhất. Arthur chăn gối với Joan bao nhiêu năm, không biết vợ thích màu gì, thích quyển sách nào. Nhiều người trong chúng ta cũng như vậy. Vợ chồng sống với nhau mấy mươi năm thật ra người này không hề biết ý nghĩ của người kia.
Cuốn phim này không được khán giả yêu thích. Trong liên hoan phim (hình như ở Cannes) đạo diễn Gus van Sant đã bị “boo” (la ó để chê bai). Sách báo review phim cũng chê. Khán giả nói chung không thích phim có khuynh hướng u ám. Phim cũng có những chỗ không được lô gích và cường điệu hơi quá đáng. Tuy nhiên, tôi không chê phim vì những chi tiết này, nó phải có để được sự chú ý của khán giả rồi sau đó truyền tải những điểm quan trọng mà người viết phim bản và đạo diễn muốn truyền đạt.
Tôi thích phim này có lẽ vì tôi hay suy nghĩ chuyện sống chết. Như đã nói trước đây, tôi chết hụt nhiều lần nên rất quan tâm đến sự sống và cái chết. Bạn đã thấy tôi tự hỏi sống là gì. Tôi không muốn nghĩ rằng sống “chỉ” là nuôi dưỡng, kéo dài (càng dài càng tốt) sự sống mà chúng ta được ban cho từ lúc chào đời.
Khi Arthur vào rừng, uống hai viên thuốc màu xanh, chưa kịp uống hết cả ống thuốc, thì bắt gặp Takumi đang lảo đảo tìm đường đi ra khỏi rừng. Ông lạc lối đã hai ngày, cổ tay ông đẫm máu vì những vết cắt. Thay vì nằm chờ cái chết đến ông bỗng đâm ra nhớ vợ con và muốn tìm đường về nhà. Thấy ông quẩn quanh một cách tuyệt vọng Arthur tìm cách giúp ông, nhưng cũng bị lạc luôn. Takumi tự tử vì bị giáng chức. Arthur không hiểu được tại sao người ta lại muốn chết chỉ vì bị giáng chức trong công việc làm. Takumi nói “Tôi không muốn chết. Tôi chỉ không muốn sống!” Arthur hỏi, như thế thì có khác gì? Suy ngẫm một chút tôi thấy động từ sống và động từ chết có cái chủ động và tích cực của nó. Dĩ nhiên chúng ta thừa hiểu rằng người Nhật tôn trọng danh dự hơn là mạng sống.
Sự u ám của phim được làm dịu bớt bởi một chút dí dỏm. Buổi tối để sưởi ấm, hai người đốt lửa trong rừng. Ở bìa rừng có nhiều sợi dây màu được cột để đánh dấu phòng hờ người đi tìm cái chết, sau khi suy nghĩ, đổi ý và muốn trở về. Ngày xưa, truyện cổ tích của anh em nhà Grimms, Hansel và Gretel, hai đứa bé nhà nghèo bị bố và mẹ ghẻ mang vào bỏ trong rừng, đã rải đá cuội và bánh mì vụn để tìm dấu trở về. Arthur bảo rằng anh là người sử dụng mẩu bánh mì chứ không dùng dây màu (vì anh không muốn trở về.) Takumi nói “You are handsome!” Đây là một cách chơi chữ mà tôi không thể truyền đạt ngắn gọn. Câu nói có nghĩa là “anh rất đẹp trai” làm Arthur ngỡ ngàng. Takumi nói “Handsome and Gretel” khiến Arthur chợt hiểu ra, Takumi muốn nhắc đến nhân vật Hansel, cậu bé trong truyện cổ tích đã dùng vụn bánh mì để đánh dấu đường về. Là người Nhật, Takumi có thể nhớ lầm, hoặc là phát âm sai chữ Hansel. Arthur đã bật cười. Còn tôi cười to hơn vì nó gợi tôi nhớ những lần phát âm sai làm xấu hổ muốn chết luôn cho rồi của tôi. Chưa bao giờ tôi xem một phim có không khí nặng nề lại làm tôi cười to như thế.
Tôi ngưng ngang ở đây vì thấy không muốn viết tiếp. Cũng không muốn xui các bạn nên xem phim này. Tôi viết chỉ vì nó gợi tôi suy nghĩ về chuyện sống nhiều hơn là chuyện chết, chuyện quan hệ giữa vợ chồng, người ta ở với nhau lâu năm, có thật là bởi vì tình yêu không?
Post trước sửa sau. Bây giờ tôi phải chuẩn bị đi làm.
Tuần vừa qua tôi mượn rất nhiều phim ở thư viện có nhiều phim thuộc loại lãng phí thì giờ. Thí dụ như hai tập phim Brakhage. Đây là loại phim avant-garde tôi xem không nổi, càng xem càng hoa mắt chẳng biết nó nói gì. Một phim ngoại quốc của nước nào không nhớ “The Short Story of Love” xem được nhưng nếu kể ra thì hơi kỳ cục. Có hai phim đáng nhắc đến là “1984” và “The Artist and the Model.”
“1984” xem lâu rồi giờ xem lại. Xem lại vì báo chí cứ nói vào thời đại của Tổng thống Trâm nên xem lại phim này. Tôi thấy nếu so “1984” với chính sách cai trị của ông Trâm ngay lúc này thì hơi quá đáng. Xem “1984” tôi tưởng tượng đến VN trong những năm sau 1975 nhiều hơn. Nhất là ở chỗ hai nhân vật chính hẹn hò nhau lần đầu nàng mang tặng chàng cà phê, đường, sữa, và trà. Còn ở bất kỳ thời đại nào ở bất kỳ quốc gia nào, có một ý tưởng của Orwell trong quyển “Animal Farm” có thể rất gần gũi với người xem và người đọc, đó là, tất cả thú vật đều bình đẳng, tuy nhiên có vài con thú được quyền bình đẳng nhiều hơn mấy con thú khác.
“The Artist and the Model” dịch là “nghệ sĩ và người mẩu” là phim của đạo diễn Fernando Trueba. Cùng viết phim bản với Trueba là Jean-Claude Carrière. Chuyện xảy ra vào mùa hè năm 1943, Pháp bị Đức chiếm đóng. Ở gần biên giới Pháp và Tây Ban Nha, có một điêu khắc gia; Marc Cros đã lâu không còn nắn tượng nữa. Một buổi sáng bà vợ của ông, Léa Cros, ra chợ gặp một cô gái Tây Ban Nha, tay chân trầy trụa, người có vẻ mệt và đói. Nhìn thấy vẻ đẹp của nàng bà nghĩ có thể chồng bà sẽ muốn dùng nàng làm người mẩu khỏa thân.
Phòng sáng tác của Marc ở trên đồi cao, rừng vắng. Mercè, cô người mẩu, được trả lương và trú ngụ ngay trong studio này. Nàng phát hiện có một người du kích Tây Ban Nha chống Đức và nàng giúp đỡ che dấu anh chàng. Nét trẻ trung và vô tư của nàng làm sống lại sức sáng tạo và cả những cảm giác trần tục của nhà điêu khắc. Ông nắn bức tượng khỏa thân của nàng và đó cũng là tác phẩm cuối cùng của ông.
Phim trắng đen rất đẹp. Cốt truyện không mấy thuyết phục tôi. Phim đưa ra một vài câu hỏi để người xem suy nghĩ. Thí dụ như nhà điêu khắc bảo rằng hai bảo bối tuyệt vời nhất của Thượng Đếlà vũ trụ và đàn bà. Bà Eva là người yêu của Thượng Đế và là mẹ của Adam. Khi người nghệ sĩ không thể sáng tác được nữa thì đi tìm cái chết. Còn một điểm quan trọng nữa vậy mà tôi quên không nhắc. Carriere cho rằng, người nghệ sĩ không nhất thiết phải theo một khuynh hướng chính trị nào cả, tất cả chỉ dành cho cái đẹp của nghệ thuật, mà cái đẹp của người đàn bà, người mẩu là cái đẹp của nghệ thuật.
Tóm lại, tôi đang bí đề tài, nên viết nhảm.
“The Short Story of Love” (Tình Yêu Ngắn Ngủi thôi để dịch cho văn hoa thì dịch là Tình Trong Phút Giây) nói về một cậu bé nhà nghèo, yêu một cô gái điếm rất đẹp. Cô điếm này tuổi có thể gấp đôi tuổi cậu bé, nhưng tình yêu thơ ngây của cậu làm rung động trái tim cằn cỗi đầy hoài nghi của của nàng. Nhưng rốt cuộc đó cũng chỉ là một thứ tình ngắn ngủi.
Bức họa của họa sĩ (trước khi là đạo diễn) Akira Kurosawa
Đăng ảnh trước viết bài sau. Ảnh lấy từ Wikipedia. Bức họa nhỏ xíu nhờ chị Huệ Gió O làm cho lớn lên. Đây là bức họa khi ông Kurosawa đã phác ra khi ông đạo diễn phim Ran, một phim nổi tiếng của ông đã khiến các nhà làm phim Tây phương xếp ông vào nhóm đạo diễn có khuynh hướng Shakespeare. Phim Ran phỏng theo vở kịch King Lear nhưng nếu người xem chưa hề biết đến King Lear sẽ không nhận ra nét Tây phương trong phim này vì ông đã dùng sự sáng tạo thay đổi nhân vật và Nhật Bản hóa phim. Để xây dựng quang cảnh cho phim ông đã phác họa tấm tranh này. Ban xây dựng dựa theo bức họa để xây thành triều đình cho vị vua già trở nên mất trí trong phim.
Tôi đi trên con đường ở một vùng núi non hẻo lánh. Trời đang mùa thu, cây cối khô héo và bầu trời ảm đạm. Trên sườn núi xa xa, có phủ một lớp tuyết mỏng. Đường đi ướt át lầy lội. Nước đọng thành vũng ở một vài nơi; có lẽ do tuyết tan. Khi thả tôi ra người ta trả lại bộ đồ tôi mặc lúc trước khi bị bắt. Tước bỏ huy hiệu và chức vụ, tôi vẫn còn đôi ủng, cái mũ kết, và nhất là cái áo khoác trây di khá tốt. Cái “náp sắc” khoác vai trong đó có vài thứ đồ dùng cần thiết và một ít tiền lẻ (tôi ngạc nhiên là người ta không tịch thu) khiến tôi giống một chàng trai trẻ du hành theo kiểu nghèo hơn là một quân nhân.
Trước mặt tôi là một đường hầm tối thăm thẳm. Không biết chỗ này ở đâu, tên làng là gì, và từ bao giờ người ta xây được một cái đường hầm bê tông kiên cố như thế. Cứ nghĩ mình phải đi xuyên qua đường hầm tối tăm này đã khiến tôi cảm thấy ớn lạnh ở xương sống, nhưng tôi không thể không đi. Sau lưng tôi là chặng đường hoang vắng, không hàng quán nhà cửa. Tôi cũng đã đói lắm rồi, cần tìm chỗ ăn và tạm trú qua đêm. Tôi không thể quay lại nên đành phải đi tới. Vắng vẻ đến nỗi không có cả tiếng chim hay tiếng côn trùng. Bước chân tôi khua vang như tiếng trống.
Cộp! cộp! cộp!
Tiếng chân tôi gõ đều trong im vắng. Thình lình, có tiếng chó tru từ xa. Từ trong bóng tối lao ra một con chó thật hung dữ. Con chó này không phải loại chó thường mà là loại chó được dùng để ra trận. Nó có mặc một cái áo nịt. Phủ xuống hai bên sườn của nó là túi dụng cụ chứa chất nổ dùng để chống chiến xa. Ánh sáng nhá nhem của cái đèn đỏ gắn ở đầu đường hầm chiếu xuống làm con chó ánh lên một màu đỏ như nhuộm máu. Con chó rất hung dữ. Bộ răng nanh của nó khiến nó giống quỷ hơn là giống chó nhà người ta nuôi và rất yêu mến. Nó gầm gừ, dường như muốn xé xác tôi ra thành những mảnh vụn. Tôi không có gì để tự vệ nếu cần phải đánh nhau với con chó; vì vậy tôi chỉ thủ thế, không cử động đột ngột khiến nó nghĩ là tôi tấn công. Tôi nhẹ nhàng bước lui, từ từ rời xa nó, có nghĩa là dấn bước sâu hơn vào đường hầm. Rất may, con chó không đuổi theo mà ngồi trấn ở ngay đầu đường hầm như ngăn chận không cho tôi trở ra.
Càng đi đường hầm càng tối, tiếng chân tôi càng vang to, át hẳn tiếng tim đập của tôi. Tôi muốn tìm đường về nhà, về quê hương, nhưng chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà. Đường vào địa ngục có lẽ cũng chỉ hoang vu đến như thế này thôi.
Bùm! Bùm! Bùm! Tiếng gót giày của tôi nện trên nền đường bê tông. Mười bước. Hai chục bước. Rồi trăm bước. Đường hầm dài như vô tận. Càng đi càng thấy lạnh, có lẽ do thiếu ánh sáng lâu năm. Cũng có thể là do âm hồn lẩn khuất đâu đây. Hơi thở tôi biến thành đám khói mờ trước mặt. Hơi nước đọng cả lên mi mắt tôi. Tôi đi như người mù cứ hướng phía trước mặt mà bước.
Rồi tôi cũng ra khỏi đường hầm. Trước mặt tôi là một vũng sáng lờ mờ. Mặt trời đã bắt đầu khuất bóng chỉ còn lại ánh sáng chạng vạng. Thứ ánh sáng của hai vùng âm dương giao nhau.
Tuy không phải là người nhát gan, nhưng phải nói là từ lúc bước vào đường hầm tôi luôn luôn thủ thế, bước chân chậm rãi vì dè dặt. Tôi luôn luôn liếc nhìn ở hai bên và thỉnh thoảng quay về phía sau lưng nghe ngóng. Tôi linh cảm là có một điều gì đó sẽ xảy ra.
Rồi tôi nghe, từ sau lưng, trong bóng tối thăm thẳm của đường hầm. Ban đầu nhỏ sau lớn dần. Tiếng bước chân. Độc hành, giống như tôi. Khi tôi ngừng lại lắng nghe thì tiếng bước chân im bặt. Mình chỉ tưởng tượng thôi. Tự nhiên sao mình lại đâm ra nhát cáy như thế này. Tôi tiếp tục bước đi xa đường hầm. Tiếng chân lại vọng ra, như đang bước theo tôi. Tôi dừng lại. Tiếng bước chân nhanh hơn, rõ hơn. Từ trong bóng tối bước ra một người. Bóng người rõ dần. Tôi giật mình, thảng thốt.
“Noguchi!”
Anh lính, binh nhì, đang bước mạnh dạn, thấy tôi vội vàng buông súng, đứng nghiêm. Chào.
“Xin chào. Đại úy!”
Giọng anh ta sang sảng như vẫn còn đang ở trong hàng ngũ quân đội.
“Cậu đã…”
“Thưa Đại úy, em đã… Có phải em đã chết trong khi chiến đấu hay không?”
Noguchi bước đến gần tôi. Tôi sợ hãi lùi lại. Noguchi đứng đó, hình hài nguyên vẹn nhưng da anh ta trắng bệch, đôi mắt là hai hố đen ngòm, dáng vẻ của một xác chết biết đi. Tôi lùi thêm hai ba bước. Noguchi lại bước tới. Giọng của anh ta đầy vẻ uất ức.
“Em không thể tin là em thật sự đã chết. Em đã được giải ngũ và về đến nhà. Em ăn bánh nếp mẹ em làm dành riêng cho em. Em nhớ rõ ràng như thế.”
Anh ta bước tới, nói như hét. Tôi lại bước lùi xa hơn, bị dí vào chân tường của đường hầm. Khi không còn thể lùi được nữa, tôi cố lấy giọng bình tĩnh nói chuyện với Noguchi.
“Cậu đã kể tôi nghe chuyện này. Cậu bị bắn, và cậu ngất xỉu. Trong lúc tôi đang săn sóc vết thương cho cậu thì cậu tỉnh dậy rồi cậu kể chuyện được ăn bánh của mẹ làm.”
Vẫn trong tư thế đứng nghiêm, Noguchi hơi nghiêng nửa thân người phía trên về hướng của tôi, chăm chú lắng nghe.
“Đó chỉ là giấc mơ cậu thấy trong lúc bị bất tỉnh. Câu chuyện nằm mơ của cậu sống động quá gây ấn tượng thật mạnh nên tôi không thể nào quên. Nhưng chỉ năm phút sau đó cậu trút hơi thở cuối cùng.”
Noguchi đứng thẳng người, trong tư thế báo cáo, dõng dạc nói:
“Em hiểu rồi. Đại úy! Nhưng bố mẹ em vẫn không chịu tin là em đã chết.” Nói dứt câu cậu binh nhì mím môi như muốn khóc.
Tôi nghẹn ngào, không nói nên lời. Các sớ thịt trên mặt tôi co giật mạnh. Noguchi nhấc nhẹ súng lên, hai tay ôm súng vào ngực, hướng về phía núi xa xa, bước thẫn thờ về phía bên phải của anh ta, hai hố đen ở vùng mắt có ánh sáng lấp lánh.
Phía trước tầm nhìn của Noguchi, có ánh đèn thấp thoáng, chắc là của một làng sơn cước nào đó. Quay lại đối diện với tôi, tay chỉ về hướng ánh đèn, vẻ mặt thiểu não, giọng Noguchi thiết tha:
“Chỗ ấy là nhà em. Bố mẹ em ở nơi ấy vẫn hằng tin và mong chờ em về.”
Noguchi nghẹn ngào. Tôi bước đến gần. Chúng tôi đứng cách nhau không đầy một sải tay. Bóng lá của cây rừng phất phơ trong gió. Tôi lạnh, không biết vì gió thu hay hơi sương. Hay hơi lạnh của tử khí bốc ra từ Noguchi. Ánh mắt cậu ta như dại hẳn đi.
“Nhưng, sự thật là cậu đã chết. Tôi rất là đau lòng dù rất vụng về tôi vẫn phải nói sự thật. Cậu đã chết trên cánh tay tôi.”
Môi Noguchi run bần bật, cố kềm tiếng nấc. Cậu quay nhìn tôi bằng một vẻ thê lương tôi không thể nào tả được. Tôi nghĩ chỉ cần tôi đưa tay ra là cậu ấy sẽ ôm chầm lấy tôi và khóc trên vai tôi. Tay ghì cây súng Noguchi nhìn về hướng làng. Mím môi. Cúi đầu. Noguchi quay người hướng vào bóng tối trong đường hầm. Bộ quân phục, phía sau lưng của Noguchi vẫn còn đẫm vết máu. Noguchi thất thểu lê bước. Tôi gọi vọng theo.
“Noguchi.”
Noguchi quay lại bồng súng chào.
Tôi ném cái náp sắc xuống đường. Giơ tay ngang vành mũ chào đáp lễ. Noguchi buông súng xuống. Sự im lặng giữa hai chúng tôi dài như hằng tiếng đồng hồ. Noguchi quay đi, tôi nghẹn ngào nuốt nước mắt. Noguchi mờ nhạt dần, khuất xa trong bóng tối.
Tiếng chân của Noguchi chưa mất hẳn thì tiếp theo là tiếng bước chân sầm sập của một đoàn quân sắp hàng như chuẩn bị lên đường ra trận. Tôi sợ hãi bước lùi mấy bước. Định thần nhìn cho kỹ đó là một đoàn quân xếp hàng ngang, mỗi hàng có sáu quân nhân, vừa đủ chật đường hầm. Tôi không biết có bao nhiêu hàng vì họ đứng khuất trong bóng tối của đường hầm. Theo mắt tôi có thể nhìn được thì toàn thể đại đội này đang sắp hàng có ít nhất là chín hàng, nghĩa là năm mươi bốn quân nhân cộng thêm người đại đội trưởng.
Đại đội trưởng cất giọng, quát to: “Tất cả chuẩn bị. Chào Tiểu Đoàn Trưởng. Chào!”
Tất cả bồng súng lên chào. Đại đội trưởng giơ ngang thanh gươm chỉ xuống đất.
“Hạ súng! Xuống!”
Đại đội trưởng và tất cả quân nhân đều hạ súng đứng nghiêm.
“Đại đội Ba. Tất cả có mặt. Trình diện thượng cấp.”
Tôi nghẹn lời, nước mắt chực trào ra.
“Tất cả các bạn hãy nghe tôi nói!”
Tôi cố nuốt nước mắt.
“Tôi hiểu lắm. Suy nghĩ và cảm giác của các bạn. Tuy nhiên, toàn thể Đại đội Ba đã gục ngã trên chiến trường. Xin các bạn hãy tha thứ cho tôi. Tôi đã bảo toàn mạng sống của tôi. Tôi rất hổ thẹn đến độ không thể nhìn thẳng vào mắt các bạn, vì tôi đã không hoàn thành trách nhiệm bảo vệ sinh mạng của các quân nhân tùy thuộc quyền chỉ huy của tôi. Tôi có thể đổ thừa vào sự phi lý của chiến tranh hay sự nhẫn tâm của quân đội. Nhưng chối bỏ, lỗi lầm, sự do dự không dám quyết định, hay quyết định không chính xác của tôi, là một hành động hèn nhát.”
Tôi hít một hơi dài, cố nén cơn đau trào ra từ trái tim. Tôi đứng nhưng thật ra tôi muốn quì xuống trước mặt những người đã chết. Xin tạ tội. Và bày tỏ lòng kính phục sự hy sinh của họ.
“Tôi bị kẻ địch bắt, bị cầm tù. Đời sống trong tù đã cho tôi nếm đủ đòn đau đớn, cũng gần như cái chết. Và. Bây giờ. Khi tôi nhìn các bạn tôi lại trải nghiệm lần nữa những điều đau đớn ấy.”
Nước mắt tôi trào ra và chảy xuống mũi. Tôi nói để lấp đi tiếng nấc.
“So với cái chết của các bạn nỗi đau của tôi thật quá tầm thường. Nhưng tôi thành thật nói với các bạn điều này. Tôi ước gì. Tôi đã cùng chết với các bạn. Xin hãy tin tôi khi tôi nói những lời này. Tôi thông cảm với những oán hờn của các bạn. Chết trong trận mạc là cái chết tồi tàn như cái chết của loài chó! Nhưng xin hãy nghe tôi. Chẳng có gì tốt đẹp khi các bạn trôi lang thang vô định trong cuộc sống của loài người. Tôi van xin các bạn. Hãy quay lại. Quay về với bóng tối và an nghỉ muôn đời.”
Tôi đứng thẳng người, chỉnh đốn tư thế và quân phục. Rồi tôi dõng dạc ra lệnh.
“Đại đội Ba! Đằng sau! Quay!”
“Đằng trước! Bước!”
Đoàn quân sầm sập bước vào trong đường hầm. Tiếng kèn nhạc quân hành đâu đó trổi lên. Vang vọng. Xa dần. Khuất hẳn. Tôi đứng nghiêm chào cho đến khi đoàn quân và tiếng kèn không còn nghe thấy nữa. Tôi kiệt sức, phủ phục người trên mặt đất. Cơn đói ban chiều trở lại hành hạ tôi. Đêm càng khuya trời càng lạnh. Nếu tôi không đứng dậy đi tiếp tôi sẽ nằm xuống đây muôn đời.
Con chó quỷ bây giờ lại xuất hiện. Nó nhe răng, đỏ thẫm màu máu, có lẽ nó đang đói cần ăn thịt người. Tôi không biết đây là con chó thật sống sót sau chiến tranh, hay nó chỉ là một hồn ma không siêu thoát. Tại sao nó cứ theo sủa tôi, như sủa một tên trộm cướp, một kẻ hèn nhát. Người ta bảo rằng chó sủa ma; thế nhưng bao nhiêu oan hồn không siêu thoát xuất hiện lúc nãy nó chẳng kêu lên tiếng nào, mà bây giờ nó lồng lộn chực chờ xé xác tôi.
Nguyễn thị Hải Hà viết lại thành văn xuôi đoạn phim ngắn “The Tunnel” trong tập phim Akira Kurosawa’s Dreams (Những Giấc Mơ của Akira Kurosawa). Đoạn phim youtube trên đây chỉ là phần cuối của đoạn phim. Rất tiếc là có rất nhiều đoạn giấc mơ của đạo diễn Kurosawa đã được upload lên youtube nhưng tôi không tìm được đoạn phim Tunnel đầy đủ, có vẻ như người xem không thích hay không chú ý đến đoạn phim này. Theo tôi đây là đoạn phim cảm động nhất trong tập phim.
Trời xuân nắng vàng rực, khá ấm. Men theo con đường mòn, lần theo tiếng nước chảy róc rách, quẹo phải quẹo trái đôi ba lần tôi lạc vào một ngôi làng nhỏ bên suối. Con suối khá rộng, trong suốt, và có rất nhiều rong lả lơi theo dòng nước chảy mạnh. Bắc ngang con suối là chiếc cầu gỗ, đơn sơ nhưng chắc chắn. Bên kia cầu có dăm ba căn nhà, mái rạ, vách gỗ, nhỏ nhắn nhưng cứng cáp và sạch sẽ. Chung quanh nhà, dọc theo bờ suối, hay ở những hòn đảo nhỏ giữa dòng suối, chỗ nào cũng có hoa nhiều màu rực rỡ. Đỗ quyên màu tím và hồng, diên vỹ nước màu vàng, babybreath màu trắng li ti nở khắp nơi. Suối rộng, có chỗ cạn chỗ sâu. Ở những chỗ sâu, được dựng lên nhiều guồng bánh xe, chạy bằng sức nước chảy. Bánh xe quay kéo theo cỗ máy bên trong, dùng để xay lúa, thóc, làm thành gạo, hay bột. Người ta gọi đơn giản là cối xay nước.
Tôi đi thong thả, qua chưa hết cầu, bên kia bờ có một đám trẻ em đang nô đùa, chạy dọc theo dòng suối. Khi tôi đến gần cuối cầu thì các em cũng vừa chạy đến. Mỗi trẻ em cúi người hái vài đóa hoa mọc ven đường đến đặt vào một phiến đá gần bên cầu. Một chú bé dường như quên đã chạy xa rồi quay trở lại hái một đóa hoa vàng đặt lên tảng đá rồi lại chạy theo các bạn. Phiến đá này ở phía trên một mô đất cao. Chân cầu chỗ tôi đứng thấp hơn phiến đá một chút. Bước chân mạnh của các em làm rung nhẹ đoạn cầu nơi tôi đang đứng. Thấy tôi các em chào “Thưa anh!” Các em vẫn còn ăn mặc theo kiểu người sơn cước, vải thô màu sậm dệt bằng tay, chân đi dép cỏ hay giày vải. Da các em rám nắng hồng hào khỏe mạnh.
Ông cụ ngồi sửa bánh xe cối xay nước trước nhà. Tôi chào.
“Chào cụ ạ!” Ông cụ mải mê làm việc chẳng nghe. Tôi lập lại, giọng to hơn. Lần này ông ngẩng đầu lên.
“Chào cháu!”
Ông đội mũ rơm còn mới, có cột dây màu đỏ. Da cụ đen xạm, nét rắn rỏi. Cụ mặc áo vải màu xanh nhạt gần giống như màu vải quần jean nhưng đây là loại vải dệt bằng tay. Râu và chân mày cụ bạc trắng như những ông tiên trong tranh. Dọc theo con suối có độ chục căn nhà, nhà nào cũng có cối xay nước.
Tôi lân la gợi chuyện.
“Làng này tên gì vậy cụ?”
Ông chậm rãi trả lời.
“Làng không có tên.” Ngừng giây lát, ông nói tiếp:
“Chúng tôi chỉ đơn giản gọi là ‘làng.’ Nhưng người sống ở ngoài làng, gọi chúng tôi là ‘Làng Có Cối Xay Nước.’ ”
Tôi nhìn chung quanh rồi nhìn vào bên trong nhà. Từ ngoài cửa nhìn vào, giữa nắng, bên trong nhà tối om. Gần bên cửa, treo lủng lẳng trên kèo nhà là một cái đèn dầu. Tôi hỏi:
“Người trong làng đều sống gần nhau cả, phải không thưa cụ?”
“Chúng tôi sống rải rác khắp nơi.”
Ông cụ trả lời nhưng vẫn chăm chỉ làm việc. Từ cổ tay đến hết bắp tay nhưng chưa đến khủyu tay ông có mặc một lớp vải màu sậm, như một loại găng tay, để chống trầy xước khi cụ sửa cỗ bánh xe gỗ của cối xay nước. Xem chừng ông không mấy hứng thú đưa chuyện, tuy thế tôi hỏi đến đâu thì cụ trả lời đến đấy. Thấy cái đèn dầu gần cửa ra vào, tôi hỏi:
“Làng mình không có điện, thưa cụ?”
Ông cụ ngước lên nhìn một thoáng lại cúi xuống với cái bánh xe, hí hoáy cột dây bện.
“Chúng tôi không cần những thứ ấy.” Ông nói chậm rãi từng câu, như nói một mình.
“Người ta dễ bị quyến rũ bởi những cái tiện lợi. Họ nghĩ rằng, ‘càng tiện nghi càng tốt,’ thế rồi họ đâm ra bỏ rơi những thứ thật sự quí giá.
Tôi nhìn ông chăm chú, không tránh khỏi thắc mắc:
“Thế cụ làm thế nào để tạo ra ánh sáng?”
“Chúng tôi dùng nến, dùng dầu thô, dầu mù u, dầu hạt cải.”
“Ban đêm như thế sẽ tối tăm lắm, phải không cụ?”
“Ban đêm thì phải tối thôi. Chúng ta sẽ khó chịu lắm nếu ban đêm sáng như ban ngày. Tôi không thích ban đêm nhiều ánh sáng quá vì tôi sẽ không nhìn thấy trời sao.”
Tôi thầm nghĩ ông cụ xem chừng lãng mạn gớm, nhưng ông cũng có lý. Thời bây giờ, ban đêm ở thành phố đèn sáng choang. Người ta làm nghiên cứu bảo rằng ở những nơi ban đêm có nhiều đèn, tỉ lệ người bị bệnh ung thư rất cao. Trong khi ông cụ nói tôi nhìn ra xa, thấy đồng ruộng xanh tăm tắp.
“Cụ ơi, cháu thấy làng mình có ruộng nhưng sao không thấy máy cày máy gặt?”
“Chúng tôi không cần dùng những thứ ấy. Chúng tôi có bò và ngựa.”
“Thế cụ dùng nhiên liệu gì?”
“Chúng tôi dùng củi. Để nấu ăn và sưởi ấm.”
Ông cụ nói giọng thân thiện, trầm ấm, nhưng vẫn chăm chỉ làm việc, thỉnh thoảng mới ngước nhìn lên.
“Chúng tôi không thấy thoải mái khi phải đốn cây còn sống, tuy nhiên cây chết ngã cũng khá nhiều. Phần lớn chúng tôi dùng những cây đã chết để làm củi. Và nếu nhốt củi làm than thì chỉ cần vài cây chết thì cũng đủ sưởi ấm như cả cánh rừng. Ngay cả phân bò cũng có thể được dùng để đốt.”
Tôi cảm thấy thật thanh nhàn khi ngồi nói chuyện với ông cụ. Chim hót ríu rít khắp nơi. Trời trong xanh, nắng ấm áp, suối chảy róc rách êm tai. Ông cụ thong thả nói tiếp:
“Chúng tôi cố gắng sống tự nhiên, như người xưa đã sống. Thời bây giờ, chúng ta quên rằng loài người là một phần của thiên nhiên. Người ta không thể sống thiếu thiên nhiên vậy mà người ta vẫn xâm phạm và phá hủy thiên nhiên. Họ cho rằng họ có thể sáng tạo ra những thứ tốt đẹp hơn, nhất là các nhà khoa học. Có thể là họ rất thông minh, nhưng đa số họ hoàn toàn không biết lắng nghe nhịp đập trái tim của thiên nhiên. Họ đã vất vả phát minh nhiều sáng kiến chỉ khiến loài người thêm bất hạnh rồi tự vỗ lưng khen mình tài giỏi. Càng tệ hại hơn là phần lớn loài người xem những sáng kiến ngu ngốc này như là phép mầu rồi tuân phục chúng. Họ không thấy rằng thiên nhiên bị giết chết và loài người tiến dần đến chỗ tự hủy diệt. Những thứ quan trọng nhất cho loài người chính là không khí sạch và nước sạch, và các loài cây cỏ để giữ cho không khí và nước trong lành. Loài người làm ô nhiễm môi trường và nó sẽ biến mất mãi mãi. Không khí bẩn và nước bẩn sẽ làm ô nhiễm tâm hồn của con người.”
Tôi lắng nghe ông cụ độc thoại, mắt nhìn cảnh đẹp chung quanh. Hoa nở đủ thứ màu sắc khắp nơi. Trông hoa tôi chợt nhớ một điều.
“Thưa cụ, lúc mới đến cháu thấy các em bé hái hoa đặt lên phiến đá. Tại sao các em làm thế?”
“Ồ, cái đó hả? Tôi nghe ông bố tôi, cụ đã qua đời, kể lại là…”
Lúc nãy tôi đã đứng lên, định tiếp tục đi thăm làng, nghe giọng ông cụ, tôi đoán là câu chuyện chắc là thú vị, nên ngồi xuống nghe tiếp.
“Hồi xưa, lâu lắm rồi, có một du khách đi ngang làng. Ông ta bệnh và chết ở bên bờ suối, ngay chỗ có phiến đá. Người làng thấy tội nghiệp nên chôn cất tử tế. Họ đặt phiến đá làm mộ bia và dâng cúng hoa. Lâu ngày điều này trở thành phong tục của làng. Không phải chỉ có trẻ em dâng hoa, ngay cả người lớn mỗi khi đi ngang cũng dâng hoa, dù lâu ngày chẳng mấy ai còn hiểu tại sao lại làm như thế.”
Ông lão xoay xoay bánh xe của cối xay nước, có vài chỗ gỗ bị hư ông thay thế bằng ống tre. Xa xa có tiếng nhạc rộn ràng. Tôi hỏi:
“Hôm nay trong làng có lễ hội gì đấy cụ?”
Ông lão lấy tay khum ở sau vành tai, cố gắng lắng nghe, rồi trả lời:
“Lễ hội gì đâu. Đám tang đấy. Chắc là cháu ngạc nhiên và cho là kỳ quái, nhưng đám tang ở đây là một ngày hội vui.”
Tôi nhìn lảng sang chỗ khác sợ bị cho là vô lễ, nhưng quả tình ông đoán trúng ý nghĩ của tôi. Ông cụ giải thích:
“Chúng ta nên sống cho đáng, làm việc chăm chỉ, sau đó tự khen mình đã làm việc tốt. Làng chúng tôi không có chùa chiền nhà thờ hay tu sĩ, vì thế dân làng cùng nhau đưa người chết lên nghĩa trang trên đồi. Dĩ nhiên nếu người chết là trẻ em thì là chuyện khác. Chúng tôi không thể xem đó là chuyện vui. Nhưng cũng may là người làng chúng tôi thường chết già, ai ra đời trước đi trước. Bà cụ qua đời hôm nay qua đời yên lành ở cái tuổi ngót nghét một trăm.”
Ông đứng dậy.
“Cháu nói nên tôi mới nhớ. Tôi phải đi dự đám tang. Cho tôi xin kiếu nhé”
Chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa, cụ quay sang mỉm cười nói với tôi:
“Nói thật với cháu, bà ấy là mối tình đầu của tôi. Nhưng bà đạp nát trái tim tôi bằng cách đi lấy người khác.”
Ông đi vào nhà, nét mặt vẫn vui tươi, vừa đi vừa ngâm nga trong cổ một điệu nhạc vui nhộn. Tôi hướng về nơi có tiếng nhạc càng lúc càng đến gần. Nghe sau lưng có tiếng nhạc tôi quay lại. Ông cụ đã thay trang phục. Phủ bên ngoài lớp áo màu xanh lam như vải jean là một cái áo khoác, gần giống như cái tạp dề của các đầu bếp hay họa sĩ, màu đỏ tươi tắn. Chân của cụ cũng mang giày bện bằng vải, chung quanh ống chân cũng cột vải. Giày cũng cùng màu với áo khoác. Trông cụ như ăn vận cho một ngày lễ hội tưng bừng.
“Cho phép cháu hỏi cụ câu này, năm nay cụ được bao nhiêu tuổi?”
“Tôi à? Tôi được một trăm lẻ ba. Tuổi này phải nói là khá thọ cho loài người. Cháu thấy đó, loài người hay than phiền là cuộc sống quá khổ ải. Toàn là nói tướng lên cho sướng mồm. Thật ra, còn sống là điều rất tốt.”
Cụ cúi xuống ngắt một nhánh hoa đỗ quyên màu hồng thắm. Tay phải của cụ đang cầm một cái lục lạc, cụ lắc leng keng, tiếng nhạc thật vui tai. Tay trái cụ phe phẩy nhánh hoa theo tiếng lục lạc.
Đoàn đám tang đã đến rất gần. Ban nhạc đám tang thật lớn, nhiều kèn, nhiều trống, nhiều lục lạc. Tiếng kèn tuba hòa quyện với tiếng trombone nghe thật hùng hồn nhưng không thể che lấp tiếng tambourine. Sáu người khiêng một cái kiệu phủ tấm khăn kết bằng vải nhiều màu. Các cô gái trong làng đội mũ có kết hoa, áo đỏ, yếm đỏ, giày đỏ, tay cầm hoa, tay rung lục lạc, vừa đi vừa hát và nhảy múa. Trẻ em dẫn đầu đoàn người đưa tang, đi đến đâu các em rải hoa đến đó. Các chàng trai cũng ăn vận sặc sỡ, người ôm kèn, kẻ mang trống. Không ai ngờ rằng đây là một đám tang. Người trong làng Cối Xay Nước, khi sống cuộc sống đầy vẻ thanh bình. Khi chết, cái chết xem chừng cũng là một niềm vui, hạnh phúc.
Ông cụ chờ đoàn người đến gần rồi nhập cuộc. Cụ đi trước, vung vẩy hoa và lục lạc theo tiếng nhạc. Tôi đứng ngẩn người nhìn theo. Khi đám tang đi rồi tôi quay trở lại ra khỏi làng. Trước khi đi, chợt nhớ ra, tôi quay trở lại dâng một đóa hoa lên bia mộ.
Rồi tôi tỉnh giấc.
Ghi chú: “Tôi” trong bài là tên của nhân vật (hay Kurosawa) trong tập phim “Dreams of Kurosawa” (Những Giấc Mơ của Kurosawa) bao gồm nhiều đoạn phim ngắn. NTHH viết lại thành văn xuôi đoạn phim ngắn tựa đề là “The Village of Watermills” (Làng Có Cối Xay Nước). Dịch là Cối Xay Nước (Watermill) để phân biệt với cối xay gió (windmills)
Chủ nhật mùa đông thì ở trong nhà không đi đâu hết. Hôm qua tuyết rơi đến tối, dày khoảng hơn một tấc. Tuyết bám đầy các cây đại thụ, cây thông trông rất đẹp. Khéo chụp ảnh có thể biến cảnh đẹp thành ảnh của lịch hay thiệp Giáng sinh. Chắc là trưa nay sẽ giúp ông Tám dọn tuyết. Không thấy hứng chụp ảnh tuyết nữa. Muốn ra ngoài là phải mặc áo ấm đội mũ đeo găng. Ở trong nhà thì cửa sổ rất bẩn làm ảnh mờ. Đêm qua Boyfriend không về chỗ ngủ có lẽ vì tuyết lấp hết lối đi.
Thứ Bảy hôm qua nhờ trời tuyết ở nhà tôi xem phim bất tận. Cô út giới thiệu mấy lần tôi không xem, nhưng cuối cùng hết phim mượn của thư viện tôi đồng ý xem với cô phim Swiss Army Man, Daniel Radcliff và Paul Dano đóng vai chính. Không biết nói sao về phim này. Phim vừa bi vừa hài. Có tính sáng tạo và avant-garde. Hài hước nhưng tục, cách tục rất ấu trĩ như là trẻ con. Có khuynh hướng đồng tính luyến ái của đàn ông. Phim cũng nói lên cái cô độc của những người trẻ tuổi không được gia đình yêu thương và xã hội chấp nhận. Dĩ nhiên bạn sẽ không còn thấy hình ảnh của Harry Potter. Radcliff cố gắng rất nhiều để trở thành một diễn viên nghiêm túc, muốn cởi bỏ hình ảnh Potter anh đã khoác lên người nhiều năm nay.
Tôi xem một phim tài liệu về những người làm phim. Một nhà làm phim nổi tiếng (tôi quên tên) đã nói, ông bỏ ra 95 phần trăm cuộc đời để đi tìm nguồn tiền cung cấp cho ông làm phim, và 5 phần trăm để thực hiện phim. Phim tập hợp những người nổi tiếng như Scorcese, Bertolucci, Alec Baldwin, và có cả Ryan Gosling trả lời phỏng vấn ở cuối phim.
Phim Chicken With Plums là một phim ngoại quốc nói tiếng Pháp phụ đề Anh ngữ. Tôi xem phim này với mục đích tìm một cái gì đó đặc biệt để viết về năm con Gà. Đây là một phim Persian (Iran). Món gà nấu với trái mơ/mận là món ăn mà một nhân vật trong phim rất thích. Phim này thuộc loại bi kịch kiêm hài kịch. Nhân vật chính Nasser-Ali chán đời nên muốn chết. Chàng thành công với việc tự tử trong tám ngày. Và trong tám ngày cuối cùng, cuộc đời của chàng được diễn ra trong cuốn phim. Một nhạc sĩ vĩ cầm có tài, được học hỏi với vị thầy giỏi, yêu một người, cưới người khác, cây đàn của vị thầy truyền từ đời này sang đời khác, bị người vợ đập vỡ trong cơn giận điên cuồng, cuộc hôn nhân không hạnh phúc, thời cuộc, nghèo khó, tài năng bị hủy hoại, đưa đến sự thất chí của nhân vật. Món thị gà nấu mơ chỉ được nhắc đến thoáng qua, khi người vợ nấu món ăn chồng ưng ý mang vào phòng cho chồng. Anh chàng nằm chờ thần chết. Và chàng nói thẳng với người vợ là anh chưa bao giờ yêu nàng, khi nàng xin lỗi chồng vì đã đập vỡ cây đàn. Phim bớt nặng nề nhờ những màn hài kịch.
Tôi xem Grand Piano và Guy and Madeleine on a Park Bench do Damien Chazelle đạo diễn. Grand Piano có cốt truyện hay, hào hứng. Hai diễn viên nổi tiếng, John Cusack và anh chàng đóng vai Frodo trong phim Lord of the Rings, quên mất tên. Phim Guy thì tôi chỉ xem nửa chừng vì chán. Cả hai phim đều là phim âm nhạc, Guy and Madelein về jazz.
Ở nhà một mình, tôi xem phim no nê. “Black Fish,” “Jiro Dreams of Sushi,” “The Men Who Tread on the Tiger’s Tail”và “The Power of Myth.”
“The Power of Myth” (Sức mạnh của huyền thoại) dịch nôm na là sức mạnh chứ nếu bạn thích thì cứ gọi là sức thu hút hay quyến rũ của huyền thoại thì chắc chẳng ai bắt bẻ gì. Đây là một bộ phim gần như là giáo dục, do Bill Moyer phỏng vấn Joseph Cambell, một Giáo sư chuyên về huyền thoại nổi tiếng với quyển Hero and the Thousand Faces.
“The Men Who Tread on Tiger’s Tail” là phim thuộc nhóm samurai (võ sĩ đạo Nhật Bản). Nếu bạn thích loại phim samurai bạn sẽ thích phim này. Sáu võ sĩ, trong đó có một thiền sư, hộ tống một vị Lãnh Chúa (Lord) vừa bị mất ngôi vượt qua một cửa ải của quân địch.
“Black Fish” là phim tài liệu về những con cá orca (whale killer) được nuôi để biểu diễn trong Disney World. Phim rất hay, và cảm động. Bạn sẽ thấy những người đàn ông ứa nước mắt khi nói về loài cá thông minh bị giam cầm và ngược đãi, đi ngược lại với cách sống tự nhiên trong biển. Cá con bị bắt đưa đi chỗ khác, cá mẹ kêu khóc thống thiết một thời gian khá lâu. Phim cũng nói về sự gian dối của những người chủ nhân Disney World khiến người tham gia diễn những chương trình với cá đi đến chỗ mất mạng.
“Jiro Dreams of Sushi” là phim tài liệu về Sukiyabashi Jiro, một bậc thầy kiêm chủ nhà hàng sushi nổi tiếng ở Tokyo. Tôi đã xem phim này từ lâu nhưng không nhớ, bây giờ xem lại thấy thú vị. Người xem sẽ được đưa đi xem chợ cá nổi tiếng nơi người ta bán cá đấu giá họ rao nghe như hát. Phim có nhiều câu nói rất hay có thể trích dẫn trong những bài báo dạy học sinh chọn ngành nghề. Ít nhất bạn sẽ chú ý đến câu này:
Jiro: “Once you decide on your occupation… you must immerse yourself in your work. You have to fall in love with your work. Never complain about your job. You must dedicate your life to mastering your skill. That’s the secret of success and is the key to being regarded honorably.”
Khi mà bạn đã quyết định chọn nghề. . . bạn phải thấm nhập vào công việc. Bạn phải yêu công việc. Không được than phiền công việc của mình. Phải dâng hiến cuộc đời mình trong việc học hỏi cho nghề nghiệp tinh nhuệ. Đó là bí quyết của thành công và là chìa khóa để được kính trọng.
Tôi thì thích một đoạn ở chương thứ Tám. Nhà phê bình ẩm thực Masuhiro Yamamoto đã nói:
“When I ate the sushi, I felt like I was listening to music. Jiro’s sushi course is like a concerto. The meal is divided into three movements. Classic items, like tuna and kohada, are presented in the first movement.
The items in the second movement are fresh catches of the day.
The second movement is like an improvisation. It’s like a cadenza.
In the third movement, sea eel, kanpyo and egg comprise a traditional finale.”
“Khi tôi ăn sushi, tôi có cảm tưởng như đang nghe nhạc. Sushi của Jiro như là một bản concerto. Bữa ăn được chia ra thành ba đoạn. Những món sushi quen thuộc như tuna và kohada được dọn trước như đoạn mở đầu.” Những món được dọn trong phần thứ nhì, đoạn chính của bài nhạc, là các loại hải sản thủy sản tươi bắt được trong ngày. Phần thứ nhì tương tự như một đoạn nhạc được tấu tùy theo hứng khởi. Một đoạn độc tấu nhấn mạnh bài nhạc. Trong phần cuối, lươn biển, kanpyo và trứng đúc nướng, là tấu khúc kết cục truyền thống.
Giữa những câu nói là tên của những món sushi được đặt trên một cái đĩa màu sậm rất đẹp. Tôi thích ăn sushi nhưng chỉ ăn được món nấu chín, không mạnh miệng với cá hay mực, bạch tuột còn sống. Nhà hàng chỉ có mười chỗ ngồi, muốn ăn phải đặt trước một tháng, hai mươi món sushi, giá chót là 30 ngàn yen, khoảng hơn 280 Mỹ kim.
Hai cái ảnh bên trên lấy từ trong phim. Tựa đề lấy từ lời kể của ông chủ nhà hàng kiêm sư tổ sushi, ông yêu nghề đến nỗi nằm mộng thấy sáng tạo ra những món sushi. Đã 85, có lần bị bệnh tim vật ngã, nhưng ông vẫn chưa chịu về hưu giao nhà hàng cho con trai cả đã năm mươi tuổi (năm cuồn phim ra đời).
Phim của đạo diễn Shohei Imamura. Kèm theo cuốn phim có lời bình của Dennis Lim. Ông Lim nói Imamura học nghề với đạo diễn Yasujiro Ozu. Cả hai đạo diễn này đều có tính chất Nhật Bản rất đậm nét, nhưng hai người ở hai thái cực trái ngược nhau.
Đây không phải là một phim dễ xem, dễ tán đồng. Có những đoạn phim làm tôi thấy khó chịu, với một chút ghê tởm. Nó làm tôi suy nghĩ về thị hiếu của tôi, về cái mức độ chấp nhận những khuôn mẩu nghệ thuật của truyền thống văn hóa phụ hệ. Cuốn phim này nếu đem phân tích theo quan điểm nữ quyền chắc chắn có nhiều điểm hay. Qua cuộc đời của nhân vật chính, Tomé Matsuji, đạo diễn đưa ra nhiều điểm cho tôi suy nghĩ về thân phận của phụ nữ Nhật Bản. Mở đầu phim là một bài hát, có lẽ là một bài dân ca.
O-wa-i-ya-re
Where, oh where
Has the baby-sitter gone?
She went to town to buy a dog
She’ll be back soon
If you don’t sleep
the mice will scamper over you
If you stay awake
the nightjars will fly off with you
O-wa-i-ya-re
Đâu, đâu rồi
Người giữ trẻ đi đâu?
Nàng đi xuống chợ để mua một con chó
Sẽ trở lại không lâu đâu
Nếu mà mi không ngủ
Con chuột sẽ bò lên người mi
Nếu mà mi thức
Con cú muỗi sẽ tha mi đi
Trong phim có nhiều bài thơ ngắn, của Tomé viết trong nhật ký. Tôi lười quay lại từ đầu để chép, (tính học làm thơ) nhưng mất thì giờ quá.
Tomé, nhân vật chính, và những người phụ nữ khác trong cuốn phim, được Imamura miêu tả yêu thích tình dục. Họ không đè nén, chay tịnh, đoan trang như đàn bà trong luân lý Khổng Mạnh. Tomé ở nơi hoang dã, rừng núi, nghèo khó, sớm biết mùi tình dục. Nàng bị hiếp, đặt tình yêu không đúng chỗ, có con hoang. Bản thân nàng cũng là con hoang được nuôi dưỡng săn sóc bởi một người đàn ông khờ khạo, tâm thần như trẻ con, tên là Chuji, là cha nuôi hay bố dượng của nàng. Khi Tomé bị một mụn nhọt trên đùi, gần hạ bộ, người thầy thuốc chữa bệnh cho nàng đã mút chất mủ trong mụn nhọt. Hành động này gây khoái cảm cho nàng, và gã đã vào giường với nàng. Tomé yêu một người có vợ. Khi hắn được lên chức phụ tá quản đốc trong hãng dệt nàng cùng làm với hắn, thì hắn bỏ rơi nàng, đồng thời nàng bị mất việc vì trước đó nàng họat động trong công đoàn để hỗ trợ hắn. Có thai, sinh con ra, nàng bỏ đứa bé lại cho Chuji nuôi còn nàng vào thành phố tìm việc làm. Cuộc đời đưa đẩy, nàng làm điếm, trở thành tú bà, nhân tình cũng là dụng cụ của một anh chủ mối (ma cô) rất giàu.
Phụ nữ trong phim Imamura rất mạnh mẽ. Trước sóng gió cuộc đời, họ chịu đựng và tìm cách trồi lên. Họ dùng mánh khóe, thủ đoạn để sống còn. Họ bị đàn ông cưỡng hiếp, lợi dụng, đánh đập nhưng khi có dịp họ cũng lường gạt, dùng nhan sắc, tuổi trẻ, bán mua thân xác, rút rỉa hầu bao, đàn ông. Họ có lúc cứu vớt những phụ nữ sắp chết chìm nhưng sau đó lại lợi dụng thân xác những người phụ nữ trong cơn tuyệt vọng như họ đã từng.
Đặt tên phim The Insect Woman, phải chăng Imamura ám chỉ số phận người phụ nữ như côn trùng, như con giun cái dế, chúi nhủi trong đất cát, phải trồi lên để thở để sống? Qua phim này người xem cũng thấy quan điểm xoay vần, hại người thì người hại, cuộc đời là một sự tiếp diễn vòng tròn. Họ giúp nhau, lợi dụng nhau, ghét nhau, yêu nhau, già nuôi trẻ, trẻ nuôi già. Lần đầu tiên tôi xem một phim Nhật mà trong đó có hai người đàn ông khờ khạo. Họ được yêu thương bởi hai người đàn bà sương gió dạn dày bởi vì chính lòng chân thành trong sự khờ khạo của họ. Hai người đàn ông đần độn lại chính là người nuôi dưỡng đứa bé không phải là con của họ để người mẹ của đứa bé có thể đi xa và tìm cách sống.
Cuốn phim còn có tên là Pigs, Pimps, and Prostitutes, được xem là iconoclast, phá hủy thần tượng, đàn ông thì dâm ô, ngược đãi phụ nữ, đàn bà thì làm điếm để nuôi thân và nuôi con. Phim nằm trong Criterion Collection, ra đời năm 1963, cho thấy một xã hội Nhật Bản với những nét khốc liệt văn hóa từ cuối thập niên thứ mười cho đến sau chiến tranh thế giới lần thứ nhì với những vay trả, trả vay của cuộc đời, trong đó người đàn bà có khi là con chốt, có khi là nữ hoàng.
Ông Tám đi chơi xa với bạn từ Thứ Sáu đến thứ Hai mới về. Tôi rảnh rang từ chiều thứ Sáu sau khi đi làm về. Ăn thức ăn cũ còn thừa, từ hôm thứ Sáu đến thứ Hai tôi không nấu nướng gì cả. Trưa nay tôi sẽ ăn mì gói, hay oatmeal, hoặc là bánh mì sandwich với cá hộp.
Trời mưa rỉ rả, ướt át, lạnh lạnh, đủ để tôi trùm mền xem phim và ngủ. Tôi xem một loạt phim của Anthony Minghella trong đó có “Truth,” “Nine,” và “The Story Teller”. Bên cạnh mấy cuốn phim của Minghella còn vài phim khác như “Walter Mitty,” và ba tập phim “Mushi-shi.”
“Truth” gây ấn tượng mạnh với tôi, dù phim này bị liệt vào loại ế hàng. Kate Blanchett đóng vai nhà sản xuất phim tài liệu cho chương trình “The 60 Minutes” rất hay. Robert Redford trong vai Dan Rather. Redford đến già vẫn còn nét điển trai. Không biết vẻ đẹp lão của ông có phải chỉnh sửa bằng dao kéo hay không. Cuốn phim đặt dấu hỏi, thật sự Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Bush (con) có gia nhập National Guard hay không, hay chỉ là cách trốn trách nhiệm quân sự của một ông “hoàng tử.”Vì cuốn phim này mà người sản xuất phim và ba nhân viên dưới quyền bà đều bị mất việc.
Phim “Nine” xem được, đẹp mắt, hấp dẫn với đoàn diễn viên tên tuổi lừng lẫy. Daniel Day-Lewis, Sophia Loren, Judi Dench, Kate Hudson, Penelope Cruz, Marion Cotillard. Một nhà làm phim bỗng dưng tịt ngòi sáng tạo, vướng mắc vào nhiều cuộc tình ái, cuối cùng bị vợ bỏ. Anh ta cố quay lại với nghề và hy vọng được sự tha thứ của người vợ cũ. Phim nhạc kịch, cốt truyện khá rời rạc nhưng có nhiều màn vũ đẹp mắt.
“Walter Mitty” xem lần thứ hai thấy thích hơn lần đầu. Thích mấy bản nhạc trong phim. “Mushi-Shi” là phim animé của Nhật. Tôi bắt đầu xem tập thứ Ba, rồi xem tập thứ Nhất, chưa xem tập thứ hai. Mỗi tập có chừng năm phim. Phim đầu tiên của tập thứ Nhất rất hay. Phim Nhật thường có sức tưởng tượng rất độc đáo.
Mỗi phim tôi rút ra một bài học, hay ít ra một vài điều để tôi suy nghĩ. “Truth” dựa vào một chuyện có thật. Truth nghĩa là sự thật, nhưng đôi khi sự thật không hoàn toàn là sự thật mà là một cách nhìn của người trong cuộc, một khía cạnh của sự thật được trình bày theo sự suy diễn của mỗi người. Mary Mapes là người đưa vụ tù nhân Abu Ghraib bị ngược đãi ra ánh sáng và được trao giải thưởng Peabody. Người xem phim có thể nghĩ rằng bà đã quá khích trong việc đào xới quá khứ phục vụ trong National Guard của cựu Tổng thống Bush. Nhưng cũng có thể bà đụng chạm vào quyền lực khủng khiếp của nhà cầm quyền nên bị trừng phạt. Dan Rather sau vụ tường thuật này cũng về hưu. Những người làm báo chí mong muốn đưa sự thật ra ánh sáng nhiều khi bị tổn hại rất nhiều về thanh danh, sự nghiệp, mất chức mất việc, nhiều khi mất mạng.
Ở một nước tự do dân chủ, báo chí và truyền thông có cơ hội đến gần với sự thật và đưa quan điểm của mình ra trước công chúng. Tuy nhiên sơ sẩy một li cũng bị tiêu tan sự nghiệp.
Tôi thường tự hỏi mình, điều gì khiến mình nghĩ rằng quyển sách đó hay, cuốn phim đó hay. Vì nó quen thuộc với những cảm nhận của mình đã được hình thành bởi kinh nghiệm sống hay được giáo dục dần dần ngay từ lúc sinh ra. Hay vì nó rất lạ, quá lạ với những kinh nghiệm này, nó làm òa vỡ trong mình một ý thức mới, cái nhìn khác. Hay cả hai. Và còn nhiều yếu tố khác mà nếu suy nghĩ cho cặn kẽ chắc chúng ta sẽ khám phá ra chính mình, một con người mà chúng ta không nhận biết đã tiềm tàng trong chính chúng ta.
Bây giờ ở tuổi này, tôi thường tự chống chỏi với thị hiếu của người xem người đọc chung quanh tôi. Tôi cố gắng nhìn thấy cái hay của một tác phẩm bằng chính cảm nhận của mình, kinh nghiệm của mình. Điều này dễ làm, mà cũng không dễ làm. Mình phải thường xuyên cảnh giác với chính mình.
Tôi xem New York, I Love You đã mấy tuần nay. Để ý đến nó, cũng như để ý đến một vài quyển sách nhưng không có dịp suy nghĩ nhiều hơn, cũng như viết ra thành một bài ra đầu ra đuôi. New York, I Love You là một tập phim trong đó có mười một phim ngắn. Nói là ngắn chứ mỗi phim cũng khoảng hơn mười phút. Mười phút rất quí giá của một người đọc blog hay facebook. Cái gì hơn ba phút thì đã là quá dài.
Tập phim lấy bối cảnh của New York. Hôm trước tôi mời bạn xem một phim ngắn của một đạo diễn ngoại quốc, đoạn phim lấy bối cảnh mấy cái cầu tàu (piers) dọc theo sông Hudson. Hôm nay tôi mời bạn xem đoạn phim Love of Violets lấy bối cảnh khu nhà giàu ở Fifth Avenue East Side. Đây là khu phố đắt tiền dọc theo Central Park. Phim trên youtube được phụ đề Anh ngữ trong khi đoạn phim trong DVD không có phụ đề và nói nhỏ quá với accent của người ngoại quốc tôi nghe tiếng được tiếng mất nên không hiểu. Đoạn phim này dễ hiểu hơn. Tôi thích đoạn này hơn dù người ta thường hay nói đến đoạn phim có Ethan Hawke và Maggie Q.
Phim nói về một nữ ca sĩ opera về già trở lại New York. Bà thuê một căn phòng ngó xuống Central Park. Và chuyện sau đó xảy ra như một cơn mơ rất là Murakami (hay Kafka).
Tại sao tôi thích phim này, vì tôi nhận ra Fifth Avenue hay Central Park, hay vì LaBeouf là một diễn viên giỏi tôi xem nhiều phim, vì sự cô độc của người nữ ca sĩ opera già đã quá thời, vì tiếng vĩ cầm trong phim, hay vì không khí Murakami của phim. Đoạn chàng thanh niên bước ra cửa sổ, bước vào ánh sáng hình ảnh rất đẹp, tưởng như một alien trong không gian bước vào bước ra trong ánh sáng.
Mời bạn xem một đoạn phim ngắn tựa đề “Apocrypha” của đạo diễn Andrey Zvyagintsev, trong tuyển tập phim ngắn “New York, I Love You.”
Tôi không tìm được bản có phụ đề tiếng Anh, dù phim nói tiếng Anh. Tóm tắt phần đầu, những câu đối thoại tiếng Anh (dành cho một vài người bạn của tôi ở VN thích nghe tiếng Việt) cho chúng ta biết. Cậu bé cuối tuần đến nhà người bố, mượn cái máy quay phim, hứa thứ Hai sẽ mang đến trả. Người bố hỏi mẹ khỏe không. Cậu bé trả lời mẹ bình thường. Hai bố con chia tay nhau. Họ vừa có vẻ xa lạ, ngỡ ngàng, vừa có vẻ như muốn ở gần nhau thêm chút nữa, muốn nói cái gì đó, muốn bày tỏ thêm chút tình thân. Khi ra khỏi nhà, có một cô gái đến hỏi tìm một người đàn ông nào đó sống trong cái building này. Cậu bé vì không sống ở khu nhà này nên trả lời “Tôi chưa hề nghe tên ông ấy.” Điều đáng chú ý là cậu bé đã không trả lời. Tôi không sống ở đây nên tôi không biết.
Cậu bé mang máy quay phim ra bờ sông, có vẻ như là dòng sông Hudson chảy ngang qua thành phố New York. Và cậu tình cờ quay được một đoạn phim của hai người. Đến đây thì bạn có thể đoán được cốt truyện phim vì hầu hết toàn bộ phim có rất ít đối thoại. Tôi có thể đoán được một vài chữ bằng cách đọc trên môi của người đàn bà, như please vẻ van nài, năn nỉ. Và Why, đòi người đàn ông giải thích.
Trong phim có một bài thơ tiếng Anh, tạm dịch:
Chàng là hướng Bắc, hướng Nam, hướng Đông, hướng Tây của tôi,
Là những ngày làm việc trong tuần, và là ngày Chủ Nhật nghỉ ngơi,
Chàng là giờ nghỉ ăn trưa, là nửa đêm, là chuyện trò, bài hát
Tôi ngỡ tình yêu là vĩnh viễn: nhưng tôi đã lầm.
Giờ đây, những vì sao không còn được yêu mến, dập tắt từng chiếc.
Xếp xó mặt trăng, và tháo bung mặt trời;
Rót cạn đại dương và quét sạch rừng thẳm
bởi vì bây giờ không còn gì đáng giá nữa
Và sau đó là tấm ảnh của hai người, ở trang có đánh dấu đoạn thơ. Apocrypha là một đoạn văn, hay một đoạn thơ, hay một đoạn kinh thánh, không biết ai là tác giả, thường được trích dẫn trong những tác phẩm kinh điển hay thánh kinh.
Tôi muốn điểm phim The Big Short nhưng chợt nhận ra tôi không đủ tiếng Việt để viết về phim một cách chu đáo. Ngay cả chữ “Short” tôi không biết tiếng Việt trong ngành tài chánh dịch là gì. Dĩ nhiên short ở đây không có nghĩa là ngắn như bình thường. Muốn nói về phim này vì nó đánh vào nỗi lo sợ của tôi. Tôi có một tuổi thơ nghèo khó, những năm mới sang Mỹ cũng vất vả chuyện tiền bạc, vì vậy suốt đời tôi luôn bị ám ảnh sợ nghèo, sợ đói, sợ từ đời mẹ đến đời con. Những cuốn sách, cuồn phim về giới tài chánh càng làm tôi bi quan hơn. Tôi vốn có rất ít lòng tin vào những người lãnh đạo nhưng chẳng biết làm gì hơn là theo con đường người đi trước đã đi. Tôi luôn luôn lo sợ là một ngày nào đó mình đọc trên TV cái bọn lãnh đạo tài chánh đã nuốt trọn số tiền nhỏ nhoi suốt đời làm việc tôi để dành cho tuổi già.
The Big Short, và trước đó là Wall Street, rồi đến The Wolf of Wall Street, càng làm tăng nỗi sợ của tôi. Sợ thì sợ nhưng chẳng biết làm gì chỉ biết nói về nỗi sợ của mình.
Tôi nghe đọc The Big Short trước, nghe lơ đãng, hay ngủ quên (tuổi già) nên nghe trọn quyển lúc được lúc mất không hiểu hết. Mượn quyển sách về đọc nửa chừng thì xem phim. Phim rút gọn lại nên dễ nắm được ý nhưng cũng chỉ hiểu lờ mờ. Cuốn phim hấp dẫn nhờ có nhiều tài tử nổi tiếng như Christian Bale, Ryan Gosling, Steve Carell, và Brad Pitt. Truyện có cái hay riêng. Thật tình khi đọc sách tôi không nghĩ người ta có thể làm phim vì nó rắc rối khó hiểu quá.
Đại khái là như thế này. Để mua nhà, không phải ai cũng có nhiều tiền để trả tiền mặt ngay một lúc. Do đó người ta phải vay tiền của nhà băng. Tiền này gọi là mortgage. Nhà băng có những luật lệ đòi người vay tiền phải có khoảng 5, 10, hay 20 phần trăm của giá căn nhà để đặt trước. (Tôi không muốn dùng chữ đặt cọc vì bản tính người Nam tôi sợ nói lái.) Người mua nhà phải có việc làm, có lợi tức nhất định (gọi là income), và khoảng lợi tức này phải đủ để trả tiền vay ngân hàng hằng tháng. Người mua nhà có thể chọn trả tiền vay mortgage trong 15 năm hay 30 năm. Trả 15 năm tiền lãi ít hơn 30 năm.
Thường thường người đàng hoàng trọng danh dự khi mượn tiền đều muốn trả cho đàng hoàng sòng phẳng. Không trả tiền thì sẽ bị xiết nhà. Do đó tiền cho vay mua nhà được xem là an toàn. Có người chọn trả tiền vay trong 30 năm, nhưng trả thêm vào món nợ chính (capital) nên hết nợ sớm, trong 10 năm, 20 năm. Số tiền thặng dư này nhà băng sẽ làm gì? Nếu trường hợp kinh tế trì trệ, giữ số tiền mặt to lớn mà không lãi thì coi như lỗ.
Để tránh lỗ nhà băng nới rộng luật lệ cho vay. Không xét lợi tức, không đòi tiền đặt trước, với giá lãi rất cao, cố định trong một hay hai năm đầu (fixed rate), và giá lãi tăng giảm theo thị trường (thường chỉ tăng chứ không giảm và tăng rất cao) vào những năm sau (adjustable rate). Người mua nhà không trả tiền nhà nổi bị mất nhà (default). Để tránh lỗ lã giới tài chánh nghĩ ra một trò chơi mới. Vì ai cũng tin là tiền cho vay mua nhà rất an toàn, nên giới tài chính đặt ra một thứ “bond” (không biết tiếng Việt) (công khố phiếu) có giá trị rất cao, rất an toàn, mức độ “AAA” dựa vào tiền cho vay mua nhà (bond based on mortgage securities). Nhà nước tài trợ những bond (công khố phiếu) này. Nhà nước mua bond (công khố phiếu) của Wall Street, bán cho dân với mức lãi thấp hơn. Dân tin tưởng ở những cái bond (công khố phiếu) này vì tuy lãi thấp nhưng không sợ mất tiền vì có chính phủ đứng sau lưng.
Khi số tiền vay mua nhà không trả trở nên quá lớn, giới quản lý dùng tiền vào công cuộc ăn chơi và trả lương cho các nhà tài chính quá cao, các món nợ xấu nhập nhằng chồng chất vào các món nợ tốt khiến bond cũng trở nên vô giá trị.
Có một số rất ít người nhận ra sự khiếm khuyết này. Họ đánh cược với ngân hàng, 1 ăn 10, ăn 20, ăn 200 trong một khoảng thời gian ngắn nào đó, 1 năm, 2 hay 3 năm, nếu những món nợ tốt (bond AAA) bị biến thành nợ xấu không trả nổi (default). Họ mua với giá 1 triệu lúc này thì khi thua cuộc ngân hàng phải trả cho họ 200 triệu. Sự đánh cược này gọi là “Short.” (Bây giờ thì tôi hiểu chữ short có nghĩa là bán để chạy nợ.) 22 tháng Năm 2019.
Kết quả là họ thắng cược. Năm 2008, nhiều nhà băng đóng cửa, người ta mất việc làm, nhiều người mất tất cả tiền hưu, tiền dành dụm dưỡng già.
Mở đầu phim là câu văn của Mark Twain, đại khái, “không phải cái điều mình không biết làm khổ mình, mà chính là lòng tin chắc chắn bị đặt sai chỗ mới thật là nguy hiểm.”
Sau đây là một số câu trích dẫn trong phim:
Overheard at a Washington, D.C. bar: “Truth is like poetry. And most people fucking hate poetry.”
Nghe lóm trong quán rượu ở Washington D. C.: “Sự thật cũng như là thơ vậy. Và phần lớn người ta rất ghét thơ.”
Phim chửi tục loạn xà ngầu, nghe riết quen tai nên không thấy tục nữa. Bạn không khỏi tự hỏi cái giới thông minh, có học, giàu có sang trọng như thế ăn mặc toàn là com lê đắt tiền mấy ngàn đồng một bộ mà sao ngôn ngữ của họ dơ dáy đến thế.
On screen quotation from Haruki Murakami’s novel “IQ84”: Everyone, deep in their hearts, is waiting for the end of the world to come.
Trên màn ảnh có một câu trích dẫn của Haruki Murakami trong quyển “IQ84”: Tự trong thâm tâm của tất cả mọi người, họ đều chờ đợi sự tận diệt của thế giới.
Thật ra câu này theo tôi hiểu là sự tận diệt của thế giới rồi sẽ đến không tránh khỏi chỉ là sớm hay muộn thôi.
Ben Rickert: If we’re right, people lose homes. People lose jobs. People lose retirement savings, people lose pensions. You know what I hate about fucking banking? It reduces people to numbers. Here’s a number – every 1% unemployment goes up, 40,000 people die, did you know that?
Ben Rickert: Nếu chúng ta đúng, điều đó có nghĩa là nhiều người sẽ bị mất nhà. Người ta mất việc làm, mất tiền để dành dưỡng hưu, mất tiền hưu bổng. Anh có biết điều làm tôi chán ghét cái bọn nhà băng mất dạy là gì không? Đó là giá trị con người bị suy giảm đến độ họ trở thành những con số. Con số là như thế này – cứ mỗi lần tỉ lệ thất nghiệp tăng 1 phần trăm, là có 40 ngàn người chết. Anh có biết điều này không?
Phim này, The Big Short, cùng với The Spotlight, và Trumbo nói lên sự khiếm khuyết, băng hoại của xã hội tư bản.
Trong nỗi lo sợ tài chánh cá nhân, tôi chỉ có một an ủi là ít ra cũng có người dám nói lên sự thật và sự thật cũng được lôi ra ánh sáng. Và xin cáo lỗi, với sự hiểu biết ít ỏi về tài chánh, và giới hạn của ngôn ngữ tôi chỉ viết đơn sơ được như thế thôi. Tôi xem phim hai lần, hiểu hơn trước khi đọc sách xem phim một chút, nhưng vẫn chưa đủ để tóm gọn cuốn sách hay giải thích nhiều hơn. Đề nghị nếu bạn quan tâm đến thị trường tài chính thì nên xem phim cho biết.
Ghi chú: Ngày 22 tháng Năm, 2019. Bond có nghĩa là công khố phiếu. Short sale có nghĩa là bán tống bán tháo để chạy nợ.
Thật ra nguyên cái tựa đề là vài câu hỏi về đạo đức, triết học nhập môn trong hai cuồn phim, Irrational Man và the Martian.
Tôi xem phim the Martian hồi tuần trước. Trong các diễn viên điện ảnh nam của Mỹ, tôi thích Matt Damon, cái vẻ thẳng thắn tốt bụng của người Mỹ, nhưng không có cái kiêu hãnh của Tom Cruise. Damon ngay cả khi đóng vai xấu (Good Will Hunting) vẫn không làm mất cảm tình, nhưng tôi không có cảm tình với tất cả các vai tốt Cruise đóng. Tại sao? Chắc phải suy nghĩ đã.
Xem the Martian xong tôi mượn quyển sách về đọc nhưng không thấy hứng vì đã xem phim, nên bỏ đó. Tôi mượn cả quyển The Revenant, mà Leo mới được giải Oscar, vì còn đang chờ đến lượt xem phim. Tôi xem nhiều phim của DiCaprio nhưng cũng không thích diễn viên này.
Không đề cập đến những chi tiết ly kì như một người có thể làm ra nước, sử dụng uranium để sưởi ấm, có gió bão trên Hỏa tinh, v.v… hấp dẫn nhưng khó tin (và vì không phải là sự thật mà chỉ là một mơ ước của loài người, một ngày nào đó sẽ biến thành sự thật, nên nó hấp dẫn), the Martian hay người Hỏa tinh để lại cho tôi vài câu hỏi. Liệu người ta có thật sự để đi cứu một phi hành gia dám hy sinh cả năm hay sáu phi hành gia? Liệu người ta có nên hao tốn bao nhiêu tài sản để thi hành mộng ước chinh phục vũ trụ trong khi thường dân đang đau khổ nghèo đói uống nước nhiễm độc, nhiều thường dân không có bảo hiểm sức khỏe, xã hội còn bao nhiêu vấn đề chưa có cơ hội và phương tiện để giải quyết?
Tôi mới xem Irrational Man (Người Phi Lý hay Kẻ Quá Khích, Kẻ Cực Đoan) tối qua. Thấy phim của Woody Allen tôi hơi ngần ngại, vì tôi không thích cách đối thoại của diễn viên trong phim của Allen. Cái dấu ấn của Allen xuất hiện trong nhiều phim, độc thoại, hay tự hỏi, nhiều suy nghĩ, dí dỏm, hóm hỉnh, thông minh, nhưng hơi … lắp bắp. Tôi không nghĩ ra chữ để diễn tả cách đối thoại của các nhân vật (nam, chính) ngay lúc này. Nhưng Joaquin Pheonix trong vai giáo sư Abe Lucas không có cái vẻ lắp bắp này. Nhân vật nam chính của Allen thường thông minh, trí thức, giàu suy nghĩ, nhưng không thích hợp với xã hội mà nhân vật đang sống, ngay lúc này tôi nghĩ đến anh chàng Gil Pender (Owen Wilson) trong phim Midnight in Paris.
Abe Lucas cũng vậy, giáo sư dạy triết, thông minh, hấp dẫn phụ nữ, nhưng hình dáng bắt đầu suy tàn, bụng phệ, chán đời. Anh chàng tìm lại được ý chí muốn sống nhờ ý nghĩ giết người. Phim đưa ra câu hỏi về đạo đức, liệu người ta có thể giết một người xấu để cứu nhiều người tốt. Lucas giết một ông chánh án thiếu lương tâm để cứu một người mẹ có hai con đang bị khốn khổ vì ông chánh án này.
Phim cũng nhắc đến tên một số triết gia, trong đó có Kierkegaard, Kant, nhưng chỉ thoáng qua nên tôi không sợ hãi chút nào.
Tôi định viết về mấy cuốn phim này từ lâu nhưng wordpress của tôi bị hư cái gì chẳng biết mà gõ một hồi lâu mới ra chữ. Có khi tôi gõ hết câu rồi chữ mới hiện ra. Và cũng vì tôi bận quá. Lúc rảnh thì lười hay mệt quá viết không nổi.
Về sách: Tôi nghe đọc hết quyển “City of a Thousand Dolls.” Sách dành cho các bạn trẻ (young adults) tình yêu nhẹ nhàng của một cô gái mồ côi, sống trong một thành phố dành riêng cho những cô gái bị cha mẹ bỏ rơi từ bé. Hãy tưởng tượng đến một xứ giống như Trung quốc theo chế độ một con. Cô gái tên Nisha theo dõi và truy tầm thủ phạm đã giết chết ba cô gái trong thành phố này. Cô có hai con mèo khôn ngoan (và biết nói). Nisha yêu một anh con nhà quí tộc nhưng về sau thì … . Hai con mèo thần biến thành người một nam một nữ (nghe giống Tiểu Thư và Lãng Tử hen? Tôi thề, lúc viết Tiểu Thư và Lãng Tử chưa nghe truyện này, nếu nghe rồi chắc không viết). Anh mèo thần này đẹp trai, chân chất, khỏe mạnh, bảo vệ Nisha, chỗ dựa cả thân xác lẫn tinh thần của nàng. Bạn có thể đoán được kết cục rồi chứ?
Về phim: Tôi xem rất nhiều phim hay, vì thế mà không có thì giờ để viết. Vì viết sơ sài thì bất công cho cuốn phim. Thôi thì vài chữ ghi lại. Cái gì xem sau viết trước vì còn nhớ.
Tokyo Fiancée. Truyện của Amélie Nothomb. Đây là best seller. Cô gái Bỉ sang Nhật, dạy tiếng Pháp cho một anh Nhật nhà giàu. Rinri yêu nàng nhưng Amélie vẫn còn đang tìm kiếm chính mình. Phim dễ thương, cảnh đẹp, vài ba cảnh nude chẳng che đậy chút nào. Amélie gầy, cao, và rất thu hút. Phim dễ gây cảm tình, so với Fear and Trembling thì nhẹ nhàng hơn.
Bridge of Spies. Truyện phim hấp dẫn. Tom Hank đóng vai chính thì không thể phàn nàn gì. Phim hơi cường điệu không mấy hợp lý nhưng xem cũng thu hút. Hoa Kỳ bắt được anh gián điệp Nga, ai cũng đòi giết. Tom Hank đóng vai anh luật sư bào chữa cho anh gián điệp này với tinh thần dân chủ, tôn trọng tự do và công lý.
Cinema Paradiso. Bạn nào đó đã giới thiệu tôi tìm xem. Phim xưa, được tô chỉnh lại. Không uổng thì giờ để xem. Tito cậu bé yêu phim thích làm phim, cùng ông ngoại mở lại một nhà chiếu phim cũ để chiếu cho người trên một đảo nhỏ của Ý xem. Tito yêu một cô gái con nhà giàu và đúng kiểu Romeo, đứng dưới chân cửa sổ nhà nàng hằng đêm mấy tháng trời, để chinh phục trái tim nàng. Dĩ nhiên mối tình này chết yểu vì cha mẹ nàng không ưng thuận. Tito bỏ làng ra đi và trở thành nhà làm phim nổi tiếng. Ba mươi năm sau, ông ngoại chết, chàng trở về tìm lại nàng. Phim xưa, hay lắm. Tôi nhớ mang máng một câu ông ngoại của Tito nói: “Người lớn, họ muốn làm điều tốt nhưng đôi khi họ sai lầm.”
Children of Heaven. Chẳng biết vì sao mà tôi xem phim này. Có bạn nào đó giới thiệu hay là cả hai phim này (Cinema Paradiso và Children of Heaven) có một điểm chung nào đó. Thí dụ như phim đoạt giải Cannes hay là cùng đạo diễn. Vì đang vội, sắp sửa đi làm nên tôi không thể tìm chi tiết. Phim của Iran. Hai anh em con nhà nghèo, mẹ ốm, bố mất việc. Người anh làm hầu hết mọi việc chợ búa giao dịch. Trong khi đi chợ mua khoai mua rau cậu bé đánh mất đôi giày của em gái. Mà đôi giày đã bị rách bươm rồi đem đưa ông thợ dán lại bằng keo. Vì đánh mất giày mà không dám nói với bố mẹ vì biết bố mẹ không tiền nên hai anh em dùng chung đôi giày của người anh để đi học. Xảy ra biết bao nhiêu khó khăn cho cả hai anh em (chừng tám chín tuổi) người anh tham gia dự thi chạy, vì đọat giải ba sẽ được đôi giày sneakers cho em mang đi học. Người anh thắng giải nhất, nhưng giải nhất không được đôi giày. Xem phim mà thổn thức.
Departures. Phim này lạ, đọat mười giải Japan Academy Prize Awards (tương đương Oscar của Hoa Kỳ). Ai chưa xem, mà có thể tìm được phim này, thì nên xem vì nó rất hay. Daigo Kobayashi mất công việc đàn cello cho giàn nhạc giao hưởng. Anh mang cô vợ trẻ về quê, nơi đó có căn nhà của mẹ anh để lại. Cần tiền để sinh sống anh đọc quảng cáo và tìm được công việc tẩn liệm thi hài trước khi mai táng. Truyện phim kết cấu rất chặt, mở thắt những gút mắt trong tâm lý.
Nếu có thể chấm điểm các phim này, tôi cho Bridge of Spies và Tokyo Fiancée ba sao. Tất cả các phim kia đều bốn sao.
Bây giờ tôi phải đi làm. Công ty tôi đang chuẩn bị đình công. Tôi bị đưa đi chỗ khác làm việc một thời gian mười hai giờ một ngày. Có thể sẽ không lên mạng một thời gian nếu đình công bắt đầu từ khuya thứ Bảy tuần này.
You must be logged in to post a comment.