Bài điểm sách “Mùa Chinh Chiến Ấy” (tác giả Đoàn Tuấn) của nhà thơ Võ Thị Như Mai.

Như Mai và tôi quen nhau qua blog. Mai gửi bài này nhằm vào lúc tôi mới vừa đọc xong quyển sách hôm qua. Tôi có xóa vài chữ Mai khen tôi rộng rãi quá làm tôi thấy mình không xứng. Xin mời các bạn đọc bài điểm sách của Võ Thị Như Mai.

Continue reading Bài điểm sách “Mùa Chinh Chiến Ấy” (tác giả Đoàn Tuấn) của nhà thơ Võ Thị Như Mai.

Ba cuốn sách

Tác giả: Đoàn Minh Tuấn

mùa chinh chiến

Lý luận kịch bản

Viết kịch bản

Tôi nhận quà Giáng sinh khá sớm. Ba quyển sách từ Việt Nam đến từ thứ Tư tuần trước. Santa là nhà văn kiêm Giáo-sư trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội. Xin cám ơn nhà văn Đoàn Minh Tuấn.

Tôi tò mò về môn kịch bản phim đã lâu, một phần vì thích phim, một phần vì thích viết và dịch, tôi muốn biết thêm từ vựng Việt về điện ảnh và kịch bản.  Hai quyển sách về kịch bản thật là đúng như sự mong ước.

Hôm qua tôi bắt đầu đọc quyển “Những Vấn Đề Lý Luận Kịch Bản Phim” lúc ngồi trên xe lửa chừng sáu trang. Buổi chiều cô nàng người Mỹ ngồi cạnh tôi nói chuyện điện thoại ồn quá, và nói rất lâu, khiến tôi không đọc được (vì nổi giận, tự hỏi sao có người nói chuyện điện thoại vừa to vừa dai thế).

Tôi định đọc xong sẽ giới thiệu, nhưng tôi có một số việc cần làm ngay từ bây giờ cho đến Giáng sinh, nên xin post ảnh trước đọc sau. Lúc nãy scan mấy quyển sách, tôi lật sơ qua quyển “Mùa Chinh Chiến Ấy” chợt nhớ một vài câu hát trong bài “Hướng Về Hà Nội” đại khái như sau “một ngày tàn chinh chiến ấy, lửa khói đắm chìm, tìm về nơi bờ bến. Một ngày tả tơi hoa lá, ngóng trông về xa, tiếc thương hình bóng qua…” Có thể bạn sẽ kêu lên nhạc có liên quan với sách đâu. Tôi chỉ liên tưởng bới mấy chữ (mùa) tàn chinh chiến ấy.

Lật đại một trang trong “Mùa Chinh Chiến Ấy”, nhằm trúng cái trang nói về xác anh Hùng nằm đó nhưng mất cái đầu, máu chảy tràn lan. Khiếp đảm quá. Tôi trượt ngón tay, mất cái trang ấy, tìm lại không thấy nữa.

Tôi vốn sợ sách và phim ảnh chiến tranh nhưng có lẽ nghiệp duyên (không lành) tôi hay gặp sách và phim chiến tranh. Mượn phim Mười ngàn ngày chiến tranh VN mượn rồi trả rồi mượn lại hai ba lần, chỉ xem được một hai tập rồi thôi. Mượn phim Vietnam War, mới đây của Ken Burn, xem được ba CD thấy nổi giận vì không công bình với những người thất trận, không xem nữa. Mượn phim Hamburger Hill giữ ba tuần lễ trả lại thư viện không hề xem. Nhưng có lẽ đến lúc tôi phải đối đầu với cái sợ hãi của tôi. Xin hứa sẽ đọc quyển sách chiến tranh này, với Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy, và đọc lại quyển sách của Bảo Ninh vào ngày 30 tháng 4 năm 2018. Các bạn có ai đề nghị thêm quyển sách chiến tranh nào nữa không?

Tối qua, trong lúc lang thang trên mạng, tôi gặp một bức ảnh không biết báo nào, hình như trong chuỗi 25 tấm ảnh đáng xem. Đó là tấm ảnh một người lính Á châu trẻ tuổi, và có một câu tôi nhớ mang máng như sau: Tôi sợ những cuộc chiến tranh mấy ông già mơ mộng vẽ vời và mấy cậu trai trẻ như chúng tôi hy sinh mạng sống của mình vì cuộc chiến tranh ấy.

Chiến tranh thời nào cũng có, tôi không thể chạy trốn mãi nỗi sợ hãi của tôi.

Tôi đã đọc hồi ký chiến tranh của nhà văn Đoàn Minh Tuấn một lần, qua trang của nhà văn Lê Minh Quốc. Điểm gây ấn tượng trước nhất với tôi là Đoàn Minh Tuấn có giọng văn rất trong sáng, giản dị, thật ra tôi muốn nói, giọng văn rất giống văn người miền Nam. Có lẽ vì tôi lớn lên với văn của người miền Nam, nên tôi dễ có thiện cảm với giọng văn này. Sách in rất đẹp. (Bạn nên chạy ra nhà sách mua ngay kẻo trễ. Haha. Nói đùa một chút, xin đừng trách tôi lên giọng quảng cáo bán hàng.)

Truyện dành cho trẻ em

Khi muốn đầu óc thanh thản hơn, tôi thích đọc truyện hay xem phim dành cho trẻ em. Một trong những điểm lợi khi đọc sách và xem phim dành cho trẻ em, là ít bạo động (ít nhưng vẫn có), tranh ảnh rất đẹp, lời văn đơn giản, tình dục thì hầu như không có, ngoại trừ khi đó là sách dành cho những người đang ở tuổi dậy thì (young adults) thì có nói đến tình yêu và tình dục nhưng không đến độ làm người đọc thấy khó chịu.

Lang thang trong trang mạng của thư viện địa phương, với key word là wabi sabi, tôi tìm ra rất nhiều quyển sách hấp dẫn, trong đó có một quyển dành cho trẻ em có tên là Wabi Sabi. Quyển sách này của tác giả Mark Reibstein, tranh ảnh minh họa của Ed Young. Trong quyển này Wabi Sabi là tên của con mèo. Nó không hiểu tên của nó nghĩa là gì và đi tìm nghĩa của chữ này.

Đơn giản, tác giả giải thích và đưa người đọc đến với văn hóa Nhật Bản bằng một cách hành văn giản dị dễ hiểu. Truyện có lẽ dành cho trẻ em mới biết đọc hay cần được cha mẹ đọc cho nghe. Tôi tìm thấy một số hài cú của Basho và Shiki được dịch sang tiếng Anh. Tôi thấy quyển này enjoyable. Tôi có người bạn thích post lên facebook những bài trắc nghiệm về bản tính của người đọc. Có lần tôi thử một bài trắc nghiệm của cô ấy thì thấy tôi nhìn cuộc đời bằng đôi mắt trẻ thơ. Có lẽ vì vậy tôi thích sách dành cho trẻ em, phim hoạt họa. Cũng có thể vì trẻ khôn ra, già lú lại, tôi thích truyện trẻ em vì nó dễ hiểu (và ít dùng chữ khó 🙂 ) Thêm một lý do nữa là tôi thích xem tranh, ảnh.

Nghiệm lại, từ khi còn nhỏ đến giờ, tôi vẫn tò mò về văn hóa Nhật Bản, văn học Nhật và Thiền giáo. Tôi có cả một bộ sách của Dazai Osamu tôi vẫn tự bảo mình cần phải dẹp bớt những thứ linh tinh lang tang để đọc bộ sách này. Mấy tuần nay thì tôi xem một số phim không tiếng nói của người Nhật. Qua lời giới thiệu của một bạn trẻ nào đó tôi tìm xem phim Song of the Sea (phim trẻ em có huyền thoại của người Irish, Celtic) và The Wind Rises, phim Nhật (lúc nào rảnh sẽ nói sau).

Hết tìm bên ngoài, lại tìm trong mình, một cái gì đó chưa thành hình, chưa rõ nét.

1


Ảnh 1. Một cây thông già có thể dạy cho chúng ta những sự thật quí giá. Châm ngôn Thiền.

Wabi Sabi là một cách nhìn về cuộc đời, trọng tâm của nền văn hóa Nhật Bản. Quan điểm này nhìn thấy cái đẹp và sự hòa hợp ở trong sự đơn giản, khiếm khuyết, bản chất tự nhiên, khiêm nhường, và bí ẩn. Nó có thể hơi ảm đạm, nhưng nó cũng ấm áp và dễ chịu. Có thể hiểu Wabi sabi bằng cảm nhận hơn là ý nghĩa.

2

Ảnh 2. Wabi sabi bắt nguồn từ văn hóa cổ của Trung quốc, quan niệm sống của Đạo giáo và Thiền (theo nghĩa Phật giáo) tuy nhiên nghĩa chữ này bắt đầu thay đổi khi Thiền giả Murata Shuko ở Nara (1423-1502) thay đổi nghi lễ thưởng thức trà. Ông loại bỏ những ấm tích chén tách dùng trà sang trọng bằng vàng, ngọc thạch, và sứ trắng bằng những thứ đồ dùng quê mùa, thô nhám, bằng gỗ hay đất sét nung. Vài trăm năm sau, trà sư nổi tiếng Sen no Rikyu ở Kyoto (1522-1591) mang quan niệm wabi sabi vào giới cầm quyền. Ông xây những trà thất có cửa thật thấp đến độ ngay cả hoàng đế cũng phải khom lưng để vào nhà, nhắc cho mọi người nhớ đến sự quan trọng của đức tính khiêm nhường đi trước cả phong tục cổ truyền, những điều bí ẩn, và linh hồn tổ tiên.

3

Ảnh 3. Đây là những bài hài cú được phiên âm của tác giả Basho (đánh dấu bằng chữ B) và Shiki (đánh dấu bằng chữ S) được Nanae Tamura chọn và dịch sang tiếng Anh. Tamura là một học giả chuyên về hài cú. Cô dịch và sáng tác, giám khảo chọn giải thưởng cho cuộc thi hài cú toàn quốc ở Nhật và là giáo sư phụ giảng của Trung Tâm Quốc Tế của Đại học Ehime.

4

Ảnh 4. Những bài hài cú được dịch ra tiếng Anh.

5

Ảnh 5. Một phần của tranh minh họa được cắt dán bằng giấy màu. Còn rất nhiều tranh bích họa nhưng tôi chọn phần này vì nó sáng sủa hơn những bức tranh khác. Và cũng vì tôi thích tranh tre hay trúc. Trên bức tranh có hai bài hài cú.

Xóm nhà màu sậm, nổi
trên mặt biển cát trắng. Dòng suối
cuốn trôi đá cuội, reo.

Vị sư về gom lá
vào đụn cát mới cào, cô mèo
hèn mọn có thể hiểu.

Sách chiến tranh

Như đã nói trong một blog trước, tôi đang tìm hiểu về chiến tranh qua sách vở và văn học. Vừa đọc vừa nghe, cuối cùng đã xong quyển All Quiet on the Western Front. Có nhiều đoạn đáng nhớ nhưng chỉ xin ghi lại một đoạn ngắn ở đây.

” I am young, I am twenty years old; yet I know nothing of life but despair, death, fear, and fabulous superficiality cast over an abyss of sorrow. I see how peoples are set against one another, and in silence, unknowingly, foolishly, obediently, innocently slay one another. I see that the keenest brains of the world invent weapons and words to make it yet more refined and enduring. And all men of my age, here and over there, throughout the whole world see these things; all my generation is experiencing these things with me.” 

Tôi trẻ lắm, chỉ mới hai mươi tuổi; thế mà tôi chẳng biết gì về cuộc đời ngoại trừ nỗi tuyệt vọng, cái chết, sự sợ hãi và cái bề ngoài đẹp đẽ bao trùm lên nỗi ngậm ngùi sâu thẳm. Tôi nhìn thấy loài người bị đưa đẩy đến chỗ hận thù nhau, và trong im lặng, thật vô tình, mù quáng, tuân lệnh, rất ngây thơ giết hại lẫn nhau. Tôi nhìn thấy những bộ óc thông thái nhất đã chế tạo vũ khí và dùng chữ nghĩa để làm cho nó (sự giết chóc) có vẻ tốt đẹp hơn và kéo dài hơn. Và tất cả đàn ông ở tuổi của tôi, bên này và bên kia, cùng với cả thế giới đều nhìn thấy điều này; cả thế hệ của tôi đều trải qua những kinh nghiệm này với tôi.”

war talk

Rồi tôi ngó lên một trong những kệ sách của tôi và tìm thấy quyển War Talk của Arundhati Roy. Bà này nổi tiếng với quyển The God of Small Things, tôi chưa đọc, nhưng phải nói quyển War Talk của bà gây ấn tượng mạnh trong tôi. Một giọng nói mạnh mẽ và can đảm vạch trần sự giả dối của chính quyền Hoa Kỳ trong nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Sách

tủ sách
Không tốn tiền

Một hôm nắng ấm, chắc cũng gần 60 độ F tôi đi bộ một vòng. Chọn con đường khác với đường đi lúc trước tôi rất vui gặp lại tủ sách trao đổi này. Lúc trước tủ sách đặt ở công viên Washington, bị phá hư hoài nên người ta gỡ tủ sách. Lúc ấy độ cuối mùa thu, tôi đi bộ hằng ngày ngang công viên thấy mất tủ sách hơi buồn. Bây giờ người ta dời tủ sách về ngay phố chính gần khu tài chánh thương mại. Chỗ này có lẽ tủ sách ít bị phá hư hơn. Nhìn vào tủ sách, không thấy có sách hay, toàn là tiểu thuyết nhảm nhí, nhưng đây là một sự bắt đầu, lại bắt đầu thì đúng hơn.

Sách

Lúc người ta có thể hưởng thụ thú vui học hỏi nhất, là khi về già, như tôi lúc này. Tôi thích học văn, nhưng cũng như bao nhiêu học sinh khác của tất cả những ngành học khác không phải môn nào trong văn học tôi cũng thích. Nếu bạn là học sinh, bạn bị bắt học những môn mà bạn rất chán, những môn này chính là những môn có thể làm bạn bị điểm thấp, thi rớt, bị mắng, bị phạt đủ thứ. Có nhiều khi tôi chỉ muốn học một lớp nào đó thôi và trốn tất cả các lớp khác. Học như tôi bây giờ, chỉ để cho thỏa mãn sự hiếu kỳ hay để cho đầu óc có cơ hội suy nghĩ tự vấn. Không còn sợ điểm hạng hay bị rầy mắng nữa. Lại càng không sợ phải đóng tiền học.

Tôi đang tìm hiểu hai nhánh cùng một lúc. Văn học với bối cảnh chiến tranh, và những vấn đề có liên quan đến mẹ con. Tôi chưa biết tôi muốn biết gì về chiến tranh hay mẹ con vì hai chủ đề này rộng lớn bao la quá. Mù mờ, tôi muốn biết truyện viết về chiến tranh như thế nào là truyện hay. Tôi đang nghe All Quiet on the Western Front (Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh) và bị thu hút bởi giọng đọc của Frank Muller, như một người kể chuyện xưa, vừa đủ nghe, đầy suy nghĩ, đôi khi như nói chuyện một mình. Tuy sách rất hay, hấp dẫn, nhưng ngồi trên xe lửa tôi cứ ngủ quên khi tỉnh giấc lại quay trở lại đoạn đã nghe, nên nghe hoài vẫn chưa hết. Tôi bị ốm mấy tuần nay, già cả bệnh dây dưa lâu khỏi, cảm ho thôi, nhưng thuốc ho làm tôi ngủ triền miên. Về tình mẹ con, tôi muốn đi ra ngoài giới hạn chữ hiếu, tôi muốn biết về những tình mẹ con bị đứt đoạn, hủy hoại, tình ghét nhiều hơn tình thương. Tôi cũng muốn thử tìm hiểu nếu xã hội hay quốc gia này được điều khiển (govern) bởi những bà mẹ thay vì là những nhà chính trị thì nó sẽ ra làm sao. Với chủ đề này, tôi đã đọc một số sách.

Mothers Who Think, Camille Peri và Kate Moses, biên tập.

Women Leaders of Nations của Don Nardo

Of Women Born của Adrienne Rich

Female Advantage của Sally Helgesen

Ghi lại mấy cái tựa này vì hôm qua cô út nhà tôi hỏi mẹ lúc này đọc gì. Khựng một hồi lâu vì tôi chẳng nhớ tôi đã đọc gì, mọi thứ tôi đọc như nước đổ lên đầu vịt, không thấm, không đủ cho mình suy nghĩ hay rút ra một bài học. Dẫu sao, nó để lại vài dấu vết lờ mờ, giả tỉ về sau có một chủ đề nào đó tôi quan tâm có thể những chi tiết mơ hồ này có thể trở lại và tôi sẽ tìm hiểu thêm.

Đôi khi tôi nghĩ mình không nên viết cái gì để đăng lên mạng hay in thành sách báo. Vì nghĩ đến chuyện ấy dường như mình đóng khung ý nghĩ, khó viết vì sợ bị chê hay không đăng, hoặc là trong vô thức mình cố gắng viết gò mình cho phù hợp với chủ trương của chủ biên, hay phải viết cho đàng hoàng người lớn. Tôi chỉ nên viết cho vui bản thân mình, đơn giản, kể những mẩu chuyện thời thơ ấu về một vùng đất mình đã sống, nhớ gì kể nấy, đụng đâu nói đó, không quan tâm đến hay dở, không sợ người đọc nhướng mày hỏi, nhà văn gì mà chỉ viết được có thế thôi.

Nói chuyện sách mới nhớ. Trong sở tôi có một kệ sách gọi là book swap. Ai có sách muốn tặng cứ đem cho lên kệ. Tôi thấy một bộ 50 shades of grey mới tinh, dấu dưới đáy kệ. Dường như có người nào đó không muốn người ta thấy mình đem bộ sách này để cho. Ngay cả tôi muốn lấy, dù không muốn đọc, cũng sợ người ta nhìn thấy mình với bộ sách “hư đốn” này.

Tôi lượm được một quyển sách mới keng của Oliver Sacks, Musicophilia nói về những mẩu chuyện liên quan giữa âm nhạc và não bộ. Tôi đã đọc trên mạng một vài đoạn rất thú vị trước đây nên thật là vui. Bây giờ thì phải coi lúc nào có thì giờ để đọc.

Hệ lụy của tuyết

Đây là lần đầu tiên tôi dùng từ hệ lụy. Tôi đoán đây là chữ ghép từ quan hệ và liên lụy. Vì đoán nên rất có thể sai, xin bạn đọc đến đây hiểu dùm tôi muốn dùng từ hệ lụy theo nghĩa trên.

Bạn thấy nhiều rồi, trên blog này và nhiều blog khác. Tuyết đẹp. Nhưng sau đó là trơn trợt. Người ta ngã gãy tay chân, xương chậu, nằm nhà thương. Một nhân viên của công ty tôi trượt ngã trước công ty đệ đơn thưa, sau đó được đền tiền, nghe nói rất nhiều. Cả chục năm sau vẫn đi khập khiễng chống gậy.

Cái đẹp của tuyết, có khi chụp được vào ảnh, nhiều khi không. Mấy hôm nay trời ấm, sáng qua có sương mù dày đặc. Cái hồ trắng nằm giữa cánh rừng trắng hôm qua vẫn là hồ trắng bị bao phủ bởi lớp sương trắng, dày như lớp thạch, tưởng chừng có thể cắt bằng dao. Xe lửa chạy vụt qua, tôi ngó ngoái lại, thấy cánh rừng đã trở thành màu đen vì tuyết không còn bám trên cây.

Đóa hoa đơn độc
Enter a caption
Khoác áo tuyết
Enter a caption
nẻo tuyết
Enter a caption
Cây tùng đầu ngõ
Enter a caption
Chờ người
Enter a caption
cottage
Enter a caption
Tịch liêu
Enter a caption
soi bóng
Enter a caption
tuyết vẫn còn vương
Enter a caption
hàng tùng cạnh rào
Enter a caption
Vẫn tuyết
Enter a caption
viền quanh
Enter a caption
tùng mâm xôi
Enter a caption

Liên tiếp mấy ngày, tôi đi bộ vào lúc giữa trưa. Những công viên vẫn còn phủ lớp tuyết mỏng, lối đi chưa được dọn sạch, ướt át, bẩn thỉu. Sau khi lớp tuyết trắng tinh khôi phủ cả bề mặt của thành phố tan, tất cả những cái xấu tệ bẩn dần dần lộ ra. Lon nhôm, chai nhựa, bao thuốc, rác đủ loại, tuyết tan thành nước, bụi khói xe, đất nhão biến thành bùn đen bám đầy trên tuyết đóng nham nhở hai bên vệ đường. Ổ gà trên đường sau mùa đông biến thành ổ voi hay ổ khủng long, suốt cả chiều dài con đường, vô số không thể đếm hết.

Vậy đó, mấy hôm tuyết trắng tôi cứ nghĩ đến một đoạn thơ của Nguyễn Bính. Đoạn thơ buồn nói về đám tang của một cô gái trẻ, sợ viết ra bạn đọc không vui. Nhưng đoạn thơ cứ trở đi trở lại mãi trong đầu tôi, nhất là khi tôi nhìn thấy màu đen xỉn của bùn đất ô uế đóng trên tuyết.

Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh
Tơ liễu kéo nhau chạy xuống hồ
Tôi thấy quanh tôi và tất cả
Châu thành Hà Nội chít khăn sô.

Có một chiếc xe màu trắng đục
Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi
Theo sau một cỗ quan tài trắng
Với những bông hoa trắng lạnh người
Theo gót những người khăn áo trắng
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi.

Chép theo trí nhớ, bài thơ được phổ nhạc, tôi nhớ theo ca từ, nên có thể không đúng với nguyên bản. Tôi cũng không chắc là của Nguyễn Bính. Nhớ bài thơ vì cái màu trắng. Mà đám tang ở Tây phương người ta mặc toàn đen.

Trên đường đi bộ, tôi ghé một chợ bán nông phẩm của người Hàn. Chủ nhân cứ nhìn mình với đôi mắt cú vọ vì sợ mình ăn cắp, chẳng kể đó là người Á hay Mỹ, da màu vàng hay màu xanh lá cây hay màu tím ngắt. Tôi mua ba trái táo vàng, và một hộp blue berries. Ra khỏi chợ khoảng chục bước, bên kia đường tôi gặp một người phụ nữ trạc năm mươi, hay trẻ hơn. Bà nhìn tôi, vừa nói vừa chỉ vào mồm. “Bà có gì cho tôi ăn không?” Tôi lắc đầu, đi được dăm bước chợt nhớ ra trong túi xách của mình có thức ăn mới mua. Tôi quay trở lại đưa cho bà quả táo. Bà lắc đầu, nói: “Ưm, tôi không thích táo. Nếu có quả cam thì tốt hơn.” Tôi nghĩ thầm, người Mỹ có câu “a beggar can’t choose” thế mà bà này kèn cựa với mình. Tôi đoán có thể vì táo cứng, và răng bà yếu. Tôi đưa bà hộp blue berries, mặt bà sáng lên.

Tôi đang ở trong trạng thái chẳng suy nghĩ gì được. Cuộc sống bình thường trôi qua, không có gì để kể. Hôm trước thấy ở một blog nào đó có nhắc đến Shadow of the Wind, tôi mượn sách audio về nghe. Quyển sách hấp dẫn nhưng buổi chiều đi làm về tôi cứ ngủ gục, thức dậy thì đã mất mấy chương trong sách. Tôi cũng cố đọc Slaughter House Five của Vonnegut nhưng đầu óc cứ la đà đi hoang. Dự định đọc xong quyển này sẽ đọc Catch-22 và một quyển của Thucydides để có khái niệm người ta viết gì về chiến tranh, nhưng ngó bộ không xong. Tôi có mấy quyển sách đọc dang dở rồi nhảy qua quyển khác. Trong đó có một quyển mới mua là Japanese dolls, và một quyển về phim cua Wes Anderson tha ở thư viện về từ hồi mấy tuần trước gần hết hạn mà chưa đọc xong.

Ha, tôi đi từ tuyết bẩn sang đến sách chưa đọc, lan man quá, xin bạn đừng chấp.

Kỷ niệm nhỏ về sách miền Nam

Những tiếng vỗ tay rầm rộ về cuộc hội thảo hai mươi năm văn học miền Nam khiến tôi nhớ hai kỷ niệm nhỏ.

Không nhớ rõ là năm nào chỉ biết chắc là sau năm 75. Sách được tuôn ra bán trên vỉa hè. Sách bán trên vỉa hè đường Lê Lợi, trước nhà sách Khai Trí trước năm 75 là chuyện bình thường. Tôi nhớ đã mua mấy cuốn sách toán Đại số trên vỉa hè mang về nhà tự học. Nhưng sau năm 75, sách bán vỉa hè rầm rộ hơn. Những người bán sách đựng sách trong một cái thùng giấy carton, hay đổ sách ra trên một tấm bạt vừa bán vừa ngó dáo dác, chuẩn bị tóm gọn đồ hàng để chạy.

Continue reading Kỷ niệm nhỏ về sách miền Nam