Đây là ảnh của đôi tình nhân Romeo và Juliet. Họ đứng hôn nhau muôn đời trước hí viện Delacorte Theater trong Central Park nơi trình diễn kịch của Shakespeare hằng năm vào mùa hè. Khách xem tự do không phải trả tiền. Tùy theo sự hảo tâm của khán giả ai muốn giữ truyền thống văn hóa thì đóng góp. Vì là nơi xem diễn kịch free nên không dễ gì có vé vào cửa. Người muốn xem kịch có thể đăng ký online may nhờ rủi chịu, hay xếp hàng trước cửa nhà hát từ sáng sớm (6:30 am) đến trưa thì người ta phát vé, đến tối (8:00 pm) mới diễn kịch. Hằng năm người ta đều qui tụ được những diễn viên thượng thặng để đóng kịch Shakespeare như Al Pacino, Sam Waterston, v. v… . Ai không muốn đứng xếp hàng, nhưng muốn xem kịch có thể tặng ban tổ chức kịch một số tiền trước khi mở mùa kịch, năm có Al Pacino diễn người xem chỉ cần tặng ba trăm Mỹ kim thì sẽ được hai vé vào xem kịch. Ba trăm Mỹ kim ở New York City thì không phải là một con số to tát gì. Những vở nhạc kịch ở Broadway cũng có giá tương đương. Continue reading Đôi tình nhân muôn đời hôn nhau
Category: Sống và Viết
Chuyện nhảm đầu tuần
Nhận được báo Tân Văn cả tuần rồi, đọc xong rồi, hôm nay xin cảm ơn Tòa soạn báo Tân Văn, và Đại ca. Số báo này có bài Soi Tìm Hiện Tượng Xã Hội của bác Túy và bài Giữa Ngựa và Người của Nguyễn thị Hải Hà.
Đọc bài Giữa Ngựa và Người, phần Ann Patchett bàn luận về thái độ của con ngựa trắng Mollie trong Trại Súc Vật (Aninal Farm) của George Orwell, tôi nhận ra sự ngoan ngoãn ngây thơ của tôi, một phụ nữ lớn lên trong xã hội Á Đông. Tôi thấm nhuần lối suy nghĩ phải hy sinh cho xã hội, hy sinh cho tha nhân, gói mình trong khuôn khổ đạo đức xã hội của người khác đặt ra cho mình. Phụ nữ Tây phương họ suy nghĩ khác. Ai mà bắt họ hy sinh hạnh phúc hay lạc thú cá nhân vì quyền lợi của người khác là họ đặt dấu hỏi ngay tức khắc. Continue reading Chuyện nhảm đầu tuần
Vĩnh Long và Hà Nội trong hồi tưởng của Marguerite Duras
Vĩnh Long
Người dịch: Bà Tám
Trích từ tác phẩm Practicalities của Marguerite Duras
Có Vĩnh Long, và còn có Hà Nội. Tôi đã nói về Vĩnh Long, nhưng chưa hề nói đến Hà Nội. Như tôi đã nói trước đây, Vĩnh Long là một vùng biên giới hẻo lánh của vùng Đông Nam Á. Bạn đã ở ngay trên Tràm Chim, một cánh đồng có nhiều sông ngòi dẫn nước lớn nhất thế giới, theo ý tôi. Continue reading Vĩnh Long và Hà Nội trong hồi tưởng của Marguerite Duras
Tìm Tình Giữa Chợ
Bài đã xuất hiện trên trang mạng Gió – O. Tìm Tình Giữa Chợ
Từ xưa đến nay, chợ búa vẫn là chuyện của phụ nữ, và binh đao vẫn là chuyện của nam nhi. Trai khôn tìm vợ chợ đông. Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân. Người miền núi có những phiên chợ tình để trai gái gặp nhau. Muốn thành công trong việc lập gia đình phải tìm người yêu ở đúng chỗ. Trịnh Công Sơn viết: “Tìm tình, tìm tình trong nắng em gặp cơn mưa. Ô hay tìm tình giữa ngọ buồn lưa thưa về. Tìm tình, tìm tình trên núi em gặp mây bay. Ô hay, tìm tình giữa chợ tình phai mất rồi.” Té ra, chàng nghệ sĩ này, tài hoa nhưng lận đận, cũng phải đi tìm tình giữa chợ. Continue reading Tìm Tình Giữa Chợ
Blog và Tôi – p. 2
Blog và Tôi – Nguyễn thị Hải Hà
Bài đã đăng ở Thư Quán Bản Thảo số 57. Bạn đọc có thể đọc toàn tạp chí TQBT 57 pdf ở blog Phay Văn và Gió O.
Năm 2009 Hoàng Anh, bạn học thời Trung học với tôi mở blog trên yahoo. Để đọc blog và xem ảnh trên yahoo tôi cũng mở blog yahoo. Cùng bị rủ rê với tôi có “ông già hưu trí” và một người bạn học khác lấy tên Hoalan. Anh bạn này ghép tên của bà xã với tên anh và từ đó tôi bắt đầu viết blog bằng tiếng Việt. Ông già hưu trí trong một dịp về thăm Việt Nam và quen với Hoàng Anh. Khi trở lại Pháp Hoàng Anh ông vẫn giữ liên lạc bằng thư từ. Lúc ấy tôi không biết, ông già hưu trí đã viết rất nhiều, đã có sách xuất bản, và có cả một trang riêng đăng truyện của ông. Còn tôi chỉ viết blog lèng èng.
Ở yahoo blog tôi viết bằng tiếng Việt. Từ lúc bắt đầu viết tiếng Việt, tôi không còn thích viết tiếng Anh nữa. Dù tôi tiến bộ rất nhiều trong việc viết tiếng Anh nhưng tôi e rằng người ta đọc tôi viết tiếng Anh sẽ thấy những ngượng nghịu vấp váp như ông Mỹ viết tiếng Việt. Và sự thật, tôi chỉ có thể bày tỏ ý nghĩ của mình một cách tự tin bằng tiếng Việt. Tôi không thể viết bằng ngôn ngữ khác khi tôi cứ tự “second guess” chính mình. Viết tiếng Việt được vài năm, khả năng viết tiếng Việt của tôi không biết có tăng hay không nhưng khả năng viết tiếng Anh của tôi suy giảm hơn phân nửa.
Hoàng Anh mở blog đăng vài tấm hình của nàng rồi bỏ blog. Hoalan viết được vài blog cũng bỏ. Yahoo blog đóng cửa, chuyển sang yahoo 360 plus, lại đóng cửa. Ông già hưu trí cũng bỏ blog chỉ có một mình tôi là bị mắc lưỡi câu. Tôi chọn WordPress vì chẳng có ai quen ngoại trừ ông Trần Hoài Thư mà ông cũng không phải là người năng hoạt động trên blog. Tôi muốn giữ được sự vô danh vì khi mình mang một thứ persona rồi sẽ khó mà bộc lộ tư tưởng một cách tự do. Thật cũng lạ khi một mặt tôi cần sự vô danh còn một mặt tôi lại muốn tham gia cộng đồng văn học. Có cách nào để mình giữ được cái vô danh mà vẫn được nhiều người đọc mình và được giới văn học biết đến và chấp nhận mình?
Nếu hỏi tôi rằng tại sao tôi viết blog. Trước khi bàn chuyện viết tôi muốn nói sơ qua chuyện đọc blog. Tôi thích đọc những blog mang tính cá nhân. Tôi thích cách viết, quan điểm, ý nghĩ riêng tư, và muốn biết đời sống cũng như cách sống của người viết blog. Tôi lang thang dạo blog đọc rất nhiều blog vô danh hễ thấy hợp ý là tôi thêm vào reader để tiếp tục đọc. Tôi thích đọc blog của những người rất trẻ vì họ viết rất tự nhiên và tôi nhận ra nhiều sự thật của xã hội. Và hấp dẫn tôi nhất vẫn là những ý nghĩ chân thật, chân thật đến trần trụi. Tôi luôn luôn tự hỏi người đang ở trước mặt tôi, trên xe lửa, trong chợ, ngoài công viên, nghĩ gì ngay trong cái giây phút chớp nhoáng ấy? Blog, nhất là những blog rất ngắn có thể cho người ta cái ánh lóe của tư tưởng một giây phút nhất thời.
Ngày còn trẻ tôi có người bạn. Tường cận thị nặng, qua cặp mắt kính dày, đôi mắt của anh như lồi ra. Anh có bệnh tâm lý hay não bộ thần kinh gì đó mà tay anh luôn run rẩy và rịn mồ hôi, thỉnh thoảng anh cứ rút khăn tay ra lau tay. Tôi thường hay hỏi Tường, anh nghĩ gì, để phá vỡ sự im lặng. Anh luôn luôn trả lời, không nghĩ gì cả. Anh bảo là trong đầu của anh luôn luôn là khoảng trống.
Tại sao lại có thể như thế được nhỉ? Trong đầu tôi luôn luôn là trăm ngàn ý nghĩ, chuyện nọ xọ chuyện kia, chuyện vui chuyện buồn, chuyện năm xưa chuyện hôm qua, chuyện hôm nay và những dự tính ngày mai. Làm thế nào để người ta không nghĩ gì hết?
Lang quân của tôi có lần hỏi tôi khi người ta ngồi Thiền thì người ta nghĩ gì? Tôi nhớ một quyển sách về Thiền của một anh người Hòa Lan sang Nhật tu trong Thiền viện ba năm để học Thiền bảo rằng người ta tập không suy nghĩ gì cả trong lúc ngồi Thiền. Bước đầu để đạt đến chỗ không suy nghĩ gì cả người ta tập trung tư tưởng vào Công án Thiền. Đạt đến mức không suy nghĩ gì cả chắc khó hơn là nói cho hết ý nghĩ luôn luôn quay cuồng trong đầu của một người bình thường như tôi.
Tôi thích nói về những ý nghĩ bâng quơ của tôi, những chuyện thượng vàng hạ cám mình nói mình nghe, niềm vui, nỗi buồn, lo âu trong cuộc sống, nói lén sếp, nói cho hả cơn giận chồng, than thở chuyện con. Tôi thích ghi chép lại những giấc mơ chẳng biết để làm gì. Tôi thích những tấm ảnh tôi chụp lại cuộc sống ở quanh tôi. Một cách để tôi nhắc nhở mình hạnh phúc của mình là mình có tay chân mắt mũi đầu óc vẫn còn dùng được.
Sáng nay 29 tháng Bảy năm 2013 tôi đọc được những giòng này của Diệu An: “Thỉnh thoảng mình muốn viết một lá thư tay kể lể những chuyện anh ơi anh à, hôm nay trời mưa to lắm, em đứng trú dưới một tán cây, đinh ninh rằng làm sao mà ướt được cho đến khi em chợt nhớ ra rằng trong trăm cái dại, cái dại trời mưa mà trú gốc cây là cái dại đáng cho chết. Em bèn chui xuống núp dưới cái cầu tuột trẻ con thì cái cầu tuột ấy nó đục lủng lổ chổ, bao nhiêu nước mưa và cát nó ào lên đầu em hết. Rồi thì em chợt nhận ra đôi dép của em, em để quên nó ngay giữa đường, tới lúc nhận ra thì nó đã chèm nhẹp rồi.” Tôi thấy những đoạn văn như thế rất đáng yêu, hồn nhiên, và rất thật. Tôi không thể nào viết được như thế. Khi đã qua tuổi yêu người ta không thể viết hay về tình yêu, cũng như qua khỏi tuổi đam mê tình dục người ta khó mà viết hay về tình dục.
Ngày 25 tháng Năm 2013, tôi đi lạc vào nhà của Khoa, đọc được đoạn văn này: “Chuyện là vậy đó. Trong truyện, tôi còn viết cả một bài hát. Tôi hát cho 5 người nghe. Đứa nào cũng bảo lời thì hay, mà điệu thì ngang phè phè. Tôi đã cố sửa, mà vẫn không sao hay hơn được. Thôi thì cứ để đấy, tối buồn buồn đánh đàn như đánh cái bàn và hát cho dân tôi nghe. Dân tôi thì cũng nhân đây giới thiệu với các bạn. Có tất cả là ba thằng. Một thằng mặt ngu, một thằng chém gió và một thằng im lặng. Thằng mặt ngu thì ngu nhất, cái gì cũng hỏi. Thằng chém gió thì biết thì ít mà nói phét thì nhiều. Thằng im lặng thì biết tuốt, mà ít nói lắm. Lâu lâu thấy hai thằng kia ngu quá mới chịu nhảy ra phát biểu. Ba thằng này tạo thành con người tôi.” Cậu quan sát bản thân cậu tinh tế quá chắc cậu phải là nhà văn, hay ít nhất là có ước muốn trở thành nhà văn.
Đó là hai thí dụ vì sao tôi thích đọc blog. Tôi còn nhiều thí dụ nữa nhưng nhớ đâu nhắc đấy. Luôn luôn tôi định bụng lúc nào có thì giờ sẽ viết một bài về những đặc tính của từng blog tôi vào đọc thường xuyên.
Tôi vẫn nghĩ, phải có khuynh hướng thích viết, thèm viết, có cái gì đó thôi thúc cần phải viết người ta mới viết. Nhất là viết mà có rất ít người đọc và những người đọc thường chỉ là bạn bè chứ không phải là người trong giới văn học.
Blog cho người ta cái phương tiện được tự do tự xuất bản, không phải chờ được xác nhận bài có đáng đăng lên báo hay không? Người ta có thể tự do nói ý nghĩ thật của mình mà không sợ trả thù. Nghĩ thế nhưng thật ra tôi vẫn không thoát được những biên giới tư tưởng của chính tôi. Tôi không thể viết những gì vượt ra khỏi những phong tục luân lý đã vạch sẵn cho phụ nữ. Tôi vẫn ước được viết một cái gì đó thật nổi loạn, thật khùng điên, thật bạo nhưng tôi không dám. Tôi muốn viết chuyện hoang đường, hoang tưởng, để vượt ra khỏi sự giới hạn của chính bản thân tôi, khác hẳn con người thật ngày đi làm tối về nhà nấu cơm rửa chén, nhưng vẫn sợ; sợ bị hiểu lầm, chê trách và ảnh hưởng đến gia đình, làm xấu hổ chồng con. Tóm lại tôi vẫn không thể là người viết tự do như tôi muốn.
Nếu một ngày nào đó không có blog nữa thì sao? Tôi không biết. Có thể tôi vẫn sống nhưng đầy thiếu thốn về tinh thần. Tôi có nghiện blog không? Nghiện quá đi chứ, nghiện trầm trọng không chắc thuốc nào chữa được.
Hồi Tết năm nay, tháng Hai năm 2013, gia đình tôi đi Texas ăn Tết. Tôi được xếp ngủ chung với cô em chồng. Năm giờ sáng, ở NJ là giờ tôi đọc và viết blog. Năm giờ ở New Jersey là bốn giờ ở Texas. Tôi rón rén thức dậy, ngồi trên nền nhà mở computer trong bóng tối, vì sợ đánh thức cô em chồng. Sợ bị quở là làm gì mà mê computer đến như vậy. Ừ thì tôi mê tôi nghiện nhưng có làm hại ai đâu ngoại trừ hại cho bản thân tôi. Ngồi mãi nên bụng đã béo phệ ra, người trở nên bệu bã. Tôi chỉ có một giờ buổi sáng và một giờ buổi tối. Buổi sáng đầu óc còn khỏe khoắn tỉnh táo tôi viết thật nhanh một ý nghĩ thoáng qua trong đầu. Buổi tối về nếu không mệt thì sửa chữa lỗi chính tả. Thỉnh thoảng có được vài comment của độc giả đi lạc. Sau vài năm, hơn một ngàn bài trên blog (từ năm 2009 đến nay) nhìn lại toàn là đầu thừa đuôi thẹo những mảnh vụn của tư tưởng không đáng gọi là văn chương. Thế nhưng từ khi viết blog tôi tập quan sát mình, nhìn ngắm cây cỏ thiên nhiên, chú ý đến niềm vui nỗi buồn của người trên mạng. Bạn có nhớ một năm về trước bạn làm gì, nghĩ gì, yêu ai, ghét ai, nhìn thấy gì, ăn món gì hay không? Nếu bạn bắt đầu viết blog hôm nay thì có thể năm sau hay mười năm sau bạn có cơ hội nhìn lại cái nhìn của bạn, xét lại tư tưởng, quan điểm của bạn. Qua blog tôi có dịp trao đổi ý nghĩ với những người tôi chưa bao giờ gặp nhưng quí mến như bạn lâu năm. Nếu họ từ chối họ không là nhà văn thì với tôi họ đều là người viết. Tất cả đều là writer.
Blog và tôi – p.1
Blog và Tôi – Nguyễn thị Hải Hà
Bài đã đăng ở Thư Quán Bản Thảo số 57. Bạn đọc có thể đọc toàn tạp chí TQBT 57 pdf ở blog Phay Văn và Gió O.
@ @ @
Năm 2004, Ách Cơ con gái đầu lòng của tôi đang học lớp 9. Trường của Ách Cơ khuyến khích học sinh luyện cách viết bằng cách mở một blog và viết bất cứ cái gì học sinh muốn. Ách Cơ bị xung đột gay gắt giữa cách nuôi dạy của bố mẹ Việt, nghiêm khắc và gò bó, và môi trường văn hóa Hoa Kỳ nghiêng về sự phát triển cá nhân đòi hỏi nhiều tự do đã có chiều hướng nổi loạn. Cô nàng muốn được như bạn bè muốn có “boyfriend,” được đi “mall,” được “go out” và những chuyện tương tự.
Với người Mỹ, ở tuổi ấy các cô các cậu tổ chức “group date” gặp nhau đi xem phim rồi đi ăn pizza hay hamburger là chuyện bình thường. Một vài cô cậu đặc biệt hơn thì đi chơi riêng gọi nhau là boyfriend girlfriend. Tôi thấy Ách Cơ thường hay “chat” trên mạng và sau khi tìm hiểu gạ gẫm tôi khám phá ra blog của Ách Cơ. Blog, ban đầu là một thứ nhật ký mở trên mạng, nhưng Ách Cơ và một số bạn dùng blog để viết Fan Fiction. Lúc ấy truyện Harry Potter rất nổi tiếng và học sinh dựa vào truyện này để khai triển thêm. Một hôm sau khi bị phạt nặng Ách Cơ viết trên blog mấy chục chữ FUCK in đậm, màu đỏ để bày tỏ cơn giận dữ. Tôi lo ngại nên theo dõi cô nàng, xem đám bạn của Ách Cơ là ai, viết gì. Tôi khám phá nhiều điều về những “bi kịch thời đại” trong cái xã hội Trung học Hoa Kỳ. Tôi tập tễnh hiểu tâm trạng của con tôi, vì sao nó luôn giận dữ, phản kháng. Tôi hiểu nhưng vì tư tưởng tôi đóng cứng trong nền văn hóa Việt Nam, chính tôi cũng phải tự đương đầu với những xung đột văn hóa trong tôi nên quan hệ mẹ con có nhiều cắng đắng. Dần dần tôi nhận ra blog là nơi con tôi “xả hơi trong nồi áp suất.” Tôi cũng nhận ra ai cũng cần có một khoảng cách cá nhân, một cái phòng riêng của tư tưởng, để nổi loạn hay để tự xoa dịu những nỗi đau riêng tư.
Ách Cơ thường cãi nhau Jimmy Ho, cha mẹ Jimmy gốc Đài Loan. Cậu bé này rất mê truyện anime và cậu thiết kế blog của cậu bằng những tranh ảnh, nền anime rất đẹp. Có một blog của một cô bé rất mực tôn sùng Jimmy. Với cô, Jimmy là thần tượng cô ca tụng “chàng” bằng những lời nồng cháy. Ách Cơ và đám bạn học thường thắc mắc con bé này là ai, tại sao nó có thể mê một thằng đáng ghét đến thế.
Ách Cơ quen trên mạng với một nhóm thiếu niên người Việt ở Boston. Một trong các cậu này có một cậu bé thích chơi game Fantasy và rất yêu bài hát “Suteki da ne.” Tôi bị bài hát thu hút nên để ý đến cậu bé Fantasy này. Tôi đoán cậu hiền lành, lãng mạn và ủy mị. Một hôm cậu kể rằng cậu bị bạn chọc phá trêu ghẹo, xô cậu xuống hồ tắm. Fantasy bị ướt, lạnh, lại mắc mưa trên đường về, và những trêu ghẹo hất hủi của các bạn làm cậu buồn bã, tự ghét mình. Cậu muốn tự tử. Tôi hết hồn khuyên can cậu (trên blog) và tự hỏi làm cách nào để có thể báo cho gia đình cậu biết để ngăn ngừa. Tôi mở blog để có thể can ngăn cậu bé. Tôi bảo với cậu bé tôi là người Việt và tôi quan tâm đến cậu. Tôi xin cậu đừng làm liều. Tôi bị hút vào cái bi kịch ấy nên theo dõi blog của cậu hằng ngày. Cậu chẳng đáp lời tôi. Cùng an ủi cậu có một cô bé người Việt, lớn hơn cậu hai tuổi. Cái bài sau đó cho thấy cậu ngưng ý định tự tử.
Một hôm tôi thức giấc nửa khuya không ngủ lại được. Trăng sáng quá và mùi hương kim ngân nồng nàn làm tôi nhớ bài thơ Trăng Thiếu Phụ của Quách Thoại. Đã mấy đêm trường tôi không ngủ. Nằm thao thức nhớ mảnh trăng thu. Đã biết bao lần tôi tự nhủ. Rằng cho tôi chết giữa âm u. Tôi bỗng thèm viết nhật ký. Một thứ nhật ký không cho người quen biết của mình đọc nhưng lại muốn những người không biết mình là ai biết những suy nghĩ của mình. Tôi bắt đầu viết blog.
Tôi bắt đầu làm quen với những blogger khác và tìm ra một blogring người Việt nhưng viết bằng tiếng Anh. Tôi chưa biết là trên net có những phần mềm giúp người ta viết tiếng Việt. Tôi không biết có báo, tạp chí mạng viết bằng tiếng Việt. Chỉ một năm sau tôi đã rất thông thạo về blog, biết một ít HTML codes để thiết kế blog, biết theo dấu chân những người vào blog, biết IP của họ phát xuất từ đâu. Tôi khám phá ra cô bé tôn thờ Jimmy Ho chẳng ai khác hơn là chính cậu bé. Chàng ta làm ra cái blog mang tên con gái để có thể tự tôn sùng mình. Cứ nhìn cách thiết kế là có thể đoán là cùng một chủ nhân.
Năm 2007 tôi theo dõi cuộc biểu tình phản đối chính quyền của người Miến Điện trên blog của một cô gái Miến Điện. Nhà cô ở gần nơi người ta biểu tình và qua khe cửa sổ cô nhìn thấy và viết trên blog. Lúc ấy tất cả tivi truyền thông chính thức đều bị cấm, nhà báo ngoại quốc bị bắn chết trên đường phố.
Tôi quen với blog ông Mỹ. Ông là người Mỹ, từng đi lính ở Việt Nam, có học và biết chút ít tiếng Việt. Ông thường viết blog bằng tiếng Việt trong khi tôi là người Việt nhưng blog bằng tiếng Anh. Ông trở lại Việt Nam và sau chuyến đi ông Mỹ bày tỏ cảm tình với nước Việt người Việt rồi gửi lên báo Lao Động. Báo sửa chữa và đăng bài của ông. Từ đó ông chỉ thích viết tiếng Việt. Ông bảo rằng tiếng Việt nghe hay hơn chim hót, tiếng Việt nghe hay hơn bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới. Ông Mỹ có hai cô con gái Amanda và Betty (tên giả) sống ở tiểu bang khác với tiểu bang ông ở. Họ biết tin tức của nhau qua blog. Tôi không đọc Amanda nhiều. Betty là một họa sĩ. Cô thích hình xâm và trên người cô xâm rất nhiều hình ảnh. Qua blog của Betty và ông Mỹ tôi biết một chuyện rất đau buồn.
Amanda có chồng và hai con. Họ sống gần bờ sông. Mùa hè, hai vợ chồng và hai đứa con được mời đi câu cá. Nước lớn, chiếc thuyền câu có thể cập bến đón bốn người đi câu. Khi về nước ròng, xuồng câu không cập bến được nên thả bốn người ở trên cồn ở giữa sông. Chồng của Amanda rất cao lớn khỏe mạnh. Amanda cũng thế. Đứa con gái lớn biết bơi nên từ cồn bơi vào mé sông bên kia không hề hấn gì. Amanda cũng tự bơi vào. Người chồng cõng cậu con trai 11 tuổi trên vai “đi” vào vì cậu bé không biết bơi. Nước ngập đầu, người bố nín thở đi vào đuối sức, kịp đẩy cậu bé vào bờ nhưng ông ta đuối sức, chìm xuống. Amanda thấy chồng chìm trở ra tìm chồng. Cô con gái lớn kéo em lên bờ, gọi cấp cứu. Amanda cũng chìm. Hai vợ chồng chết đuối trước cặp mắt của hai đứa con.
Tuần trước
Tuần trước tôi đi làm sưu (tình nguyện) ba ngày. Thứ Ba buổi sáng ngồi chờ xe lửa, trăng tròn vàng sậm, ở hướng Tây, to như một cái nia. Thấy hối tiếc là đã bỏ cái máy ảnh ở nhà. Thứ Tư, vẫn bỏ máy ảnh ở nhà, thấy có con sóc gầy, bước từng bước đến gần, ngồi trước mặt tôi và đi tè. Xong rồi nó chạy ra thùng rác gần đấy hai tay ôm một mẩu thức ăn màu vàng nhắm nháp. Nguyên tắc đầu tiên của những người học nhiếp ảnh là đi đâu cũng phải mang máy ảnh theo. Thứ Năm, có máy ảnh, trời nhiều mây, không thấy mặt trăng. Chờ mãi không thấy chú sóc đã tè trước mặt mình hôm trước.
Công việc làm sưu của tôi là phát cho người đi xe lửa một cái thẻ nhỏ như tấm danh thiếp trên đó có địa chỉ của website hướng dẫn người trả lời những câu hỏi nghiên cứu để phục vụ hành khách đi xe lửa cho tốt hơn. Có một cô gái trẻ, ăn mặc rất sang trọng, than phiền là chúng tôi làm việc bê bối, để người không nhà ngủ dưới những bậc thềm của sàn xe lửa. Tôi chẳng biết nói gì hơn là cười trừ và bảo rằng cô hãy bày tỏ ý kiến qua trang nghiên cứu để những người có thẩm quyền giải quyết tốt đẹp hơn. Một bà hành khách khác, hai ba lần bảo tôi là nên vào trong nhà ga để thấy cái xấu. Bà có vẻ rất hằn học với người bán vé xe lửa.
Ngày đầu tiên tôi phát được một số thẻ, nhưng ngày thứ hai và ngày thứ ba thì không ai chịu nhận thẻ nữa. Hành khách ở trạm này nếu họ đi vào thành phố lớn thì họ dùng computer. Một số hành khách đi ngược lại về thành phố nhỏ hơn ở hướng Tây đa số họ không dùng computer. Có người bảo rằng họ không biết tiếng Anh nhưng may quá thẻ có in cả tiếng Spanish. Cạnh trạm xe lửa là một căn nhà lâu đời thuộc vào hàng nhà cổ. Phía sau ngôi nhà là một nghĩa địa lâu đời, hình như thời người da màu còn bị xem là nô lệ.
Ba buổi sáng tôi đi làm sớm. Ra khỏi nhà lúc chưa sáu giờ, làm việc đến tám giờ và đáp xe lửa đến chỗ làm. Thành phố nhỏ này nằm cạnh thành phố tôi đang ở. Vào những năm sáu mươi đây là một thành phố giàu có và rất đẹp. Sau một cuộc nổi loạn của người da màu bị kỳ thị thành phố bị hư hại nặng và những cơ sở thương mại dọn đi chỗ khác. Thành phố này trở nên suy sụp, nhà cửa chung quanh trạm xe lửa bị bỏ hoang khá nhiều và trở nên địa điểm quyến rủ những người nghiện ngập không nhà. Hành khách than phiền trạm bị rác rến nhất là dưới sàn xe lửa là nơi ngủ của một vài người. Buổi sáng tôi ngồi ngắm vẻ yên tĩnh của thành phố chưa hoàn toàn tỉnh giấc ngủ. Một cửa hiệu có chữ open bán báo, cà phê, bagel và muffin (thức ăn sáng gọn nhẹ) không mấy người ra vào. Những ngôi nhà hoang tàn này đã một thời vang bóng thuộc loại nhà có kiến trúc thời Victoria với màu sắc rực rỡ phải theo đúng luật lệ kiểu mẫu nếu cần sửa chữa. Bây giờ hoang phế đến độ người ta dùng gỗ để che những cửa sổ tránh bị hư hại thêm vì người ta và thời tiết. Và mãi rồi chú sóc cũng thức dậy, lần này thì không hỗn láo tè trước mặt tôi. Chú lao vào thùng rác và chặp sau đã thấy hai tay ôm thức ăn đưa vào mồm say mê thưởng thức.
Sóc ơi, sóc ăn gì thế? Phải chăng đây là
Bạn thường thấy người ta sang Mỹ chơi một vài tuần về VN viết thành sách về danh lam thắng cảnh của nước Mỹ.
Nước Mỹ là một con khổng tượng khổng lồ, mỗi cuốn sách là một cái nhìn về một góc nhỏ hay nhiều góc nhỏ của con khổng tượng. Tôi mời bạn nhìn một góc nhỏ của một thành phố nhỏ và suy tàn tôi thường đi ngang nhưng ít khi ngắm nghía nó một cách lặng lẽ như thế này. Chỉ cần đi bộ vài khúc phố tôi có thể chụp được ảnh những ngôi nhà thờ rất cổ và rất lạ mắt. Nhưng xin chờ dịp khác.
Và tiếp theo là một số ảnh chụp chung quanh trạm xe lửa.
Thư viện chưa xây
Hôm trước blog về một thư viện xây cất lâu đời (thế kỷ 19) bên Anh quốc, được kết hợp với khách sạn để dụ dỗ những con mọt sách đi du lịch. Nói về thư viện thì ở Hoa Kỳ có rất nhiều thư viện nổi tiếng, vì kiến trúc đẹp, nhiều sách, nhiều tài liệu cổ có giá trị. Một trong những thư viện ấy là Thư viện Quốc hội ở Washington DC. Còn ở gần chỗ tôi ở thì có thư viện của thành phố New York. Cả hai thư viện này tôi đều có ảnh nhưng muốn tìm phải mất một ít thì giờ, mà tôi thì đang lười. Tất cả những thư viện tôi vừa nhắc đến đều là những thư viện có lối kiến trúc cổ.
Bây giờ sẵn đây thì nói về một thư viện rất mới, chưa được xây cất mà chỉ còn là một cái trứng đang thời kỳ thai nghén. Thành phố New York đang dự định xây một chi nhánh mới để thay thế một chi nhánh cũ có tên là Donnell Library Center. Thư viện mới sẽ có ba tầng nằm trong một cao ốc. Hai tầng của thư viện sẽ nằm dưới mặt đất. Giá xây cất ước tính là 20 triệu.
Thư viện mới này không còn mang tính chất thư viện cổ truyền, nơi đến để học, nghiên cứu, nghiêm trang, im lặng. Thư viện mới sẽ mang tính chất vui chơi, một trung tâm văn hóa để gặp gỡ bàn thảo giải trí và dĩ nhiên cả nghiên cứu nghiêm túc. Người dùng thư viện khi bước vào sẽ gặp những bậc thềm để ngồi chơi, những bậc này cũng là bậc thang dẫn xuống tầng hầm, kết hợp thành một hí viện có 144 chỗ ngồi, người ta sẽ xem phim hay kịch hay trình diễn nhạc. Và cũng là nơi người ta trò chuyện, viết lách, hay đọc sách.
Hai tấm ảnh phía trên là thư viện đang thành hình.
Nguồn: The New York Tímes
Tưởng niệm nhà văn Võ Hồng (1921 – 2013)
Tôi nhận được e-mail của nhà văn NLU báo tin nhà văn Võ Hồng qua đời rất sớm. Có thể nói nhà văn Võ Hồng là một trong số rất hiếm nhà văn được yêu chuộng bởi nhiều độc giả trước và sau năm 1975. Tôi biết là sẽ được đọc tin này trên hầu hết các báo mạng và blog Việt ngữ nên không nghĩ đến chuyện viết vài lời tưởng niệm. Tôi không có cơ duyên quen biết ông hay gia đình ông, tuy nhiên một bạn văn khác lại bảo, bà đã đọc Võ Hồng, nên viết theo cảm nhận của người đọc. Để tưởng niệm ông.
Thú thật tôi không phải là người đọc có đẳng cấp. Tôi yêu văn học nhưng không là nhà văn, tôi không kiếm sống bằng nghề văn, vì thế cái đọc của tôi cũng chỉ lõm bõm bạ đâu đọc đấy, cái gì vớ được thì đọc. Hôm trước chị Gió O rủ viết về chủ đề Võ Phiến nên tôi được dịp đọc nhiều tác phẩm của Võ Phiến. Tuy nhiên trước khi tôi được biết về nhà văn Võ Phiến tôi đã biết tiếng nhà văn Võ Hồng. Ở đây tôi xin thanh minh là tôi không dám so sánh về sự nổi tiếng của hai nhà văn lớn, tôi biết tiếng nhà văn Võ Hồng có lẽ là nhờ sự đa dạng của chủ đề ông chọn để khai thác trong đó có tình gia đình. Tôi cũng không có cơ hội đọc nhiều tác phẩm của ông. Hầu hết những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn của Võ Hồng được đăng tải trên trang mạng http://www.vohong.de/. Tôi tự bảo là sẽ vào trang này, đọc cho bằng hết những tác phẩm này để học viết văn, nhưng tôi vì cuộc sống đòi hỏi, và cũng vì mới bước vào làng văn chương nhìn đâu cũng thấy toàn hoa thơm cỏ lạ nên la cà mãi vẫn chưa đọc được mấy tác phẩm của ông. Truyện đầu tiên của Võ Hồng tôi đọc và nhớ mãi đến giờ là Trận Đòn Hòa Giải. Quyển này tôi nhớ được in theo lối khổ nhỏ khoảng một phần hai trang giấy 8×11, giấy mỏng, trông giống như một tập thơ.
Lần đầu tiên tôi đọc Trận Đòn Hòa Giải, tôi khóc. Mấy mươi năm sau, đầu hai thứ tóc đọc lại tôi vẫn khóc. Tôi không nhớ tôi đọc quyển này mấy lần, có thể nói ít nhất là ba lần. Lần nào cũng cảm động, mỗi lần đọc lại nhận ra một cái gì đó trong lòng mình.
Nhân vật kể chuyện (narrator) trong Trận Đòn Hòa Giải là một thiếu nữ tên Hằng. Cô có hai đứa em. Em trai kế tên Hào. Em gái út tên Thủy. Cả ba đều còn đang tuổi đi học. Cô chị là học sinh Trung học. Cô em út là học sinh Tiểu học. Mẹ mất sớm, bố gà trống nuôi con.
Những lần đọc đầu tiên tôi cám cảnh những đứa trẻ mồ côi. Tôi hình dung cô bé út nhõng nhẽo đáng yêu. Rồi tôi thấy xót xa cho ông thầy giáo mồ côi vợ. Sau đó tôi tưởng tượng đến nỗi bơ vơ của cô gái lớn đến tuổi trưởng thành không có mẹ để tâm sự hay trao đổi những thắc mắc trong sự thay đổi của thể xác. Bây giờ đọc lại tôi thấy truyện bắt người đọc nhìn lại lòng mình, nhìn lại cách cư xử của mình với người chung quanh. Có những suy nghĩ hành động của mình lúc ấy mình thấy là mình đúng mình phải nhưng về sau càng nghĩ thì càng thấy vướng víu. Không hẳn là sai nhưng mà có cái gì đó không hay, không đúng, không rộng lượng hay cao thượng. Thấy cái ghen tị, thấy cái nghĩ xấu của mình dành cho người thân, thấy cái mình bắt trẻ con phải hiểu và hành động như người lớn. Và trời ạ, cái đánh đòn, cứ nghĩ mình đánh con là mình dạy con là muốn cho con nên người. Thật ra, có phải mình dùng đòn để đạt kết quả mình muốn cho nhanh chóng, trong giây phút, để con không quấy rầy mình, để cuộc sống của mình được dễ dàng trong tạm bợ.
Tôi không được cái diễm phúc làm học trò của nhà văn. Nhưng truyện của ông, chỉ một truyện tôi đọc trong rất nhiều truyện ông viết, là một bài học cho tôi. Mấy mươi năm sau đọc lại tôi vẫn chảy nước mắt, có khi vì hối lỗi với con mình.
Văn của ông bao giờ cũng có vẻ nhân hậu. Đọc ông tôi luôn nhìn thấy sự phải trái của cuộc đời. Cám ơn ông. Ông yên nghĩ nhé.
Bánh Mì
Thức ăn Việt Nam nổi tiếng trên thế giới đã lâu đời. Từ người Pháp, người Mỹ, và cả nhiều quốc gia trên thế giới nếu thử qua đều bị phở, chả giò, gỏi cuốn chinh phục. Hồi còn đi học, chị bạn tôi có lần ca tụng chả giò của tiệm Tàu; cái thứ chả giò úng dầu ngán ngậy, bên trong có lèo tèo mấy con tôm bóc vỏ làm sẵn của siêu thị và bắp cải thái nhuyễn. Bạn tôi có tổ chức một bữa tiệc, tôi muốn khoe thức ăn Việt Nam nên cuốn chả giò, chiên tại nhà bạn, đem ra ba đĩa to đầy vun; thế mà nhoáng một cái là sạch béng. Ban đầu họ cầm cuốn chả giò lên, ngại ngùng. Cắn một miếng, nóng quá, xuýt xoa, tợp miếng nữa, rồi tiếp tục. Một cuốn chả giò lớn của người VN mình, cắn làm ba miếng là hết. Cuốn nhỏ, cắn làm hai. Cuốn chả giò của người Tàu to còn hơn cổ tay tôi, nhìn đã bắt ớn. Một cậu bé chừng bảy tám tuồi ăn một hơi hai ba cuốn chả giò rồi nhìn người mẹ và hỏi, tại sao mẹ không làm món ăn như thế này.
Rich, một người bạn học, dẫn vợ đi lang thang trong phố Tàu New York, thấy nhà hàng VN, vì biết tôi là người VN nên dẫn vợ vào ăn thử. Thích gỏi cuốn, nhưng với món bánh cuốn anh bảo rằng nước mắm ăn ngon nhưng cái mùi của nó “funny.” Tuy funny có nghĩa là tức cười, nhưng trong trường hợp này anh bảo nó kỳ kỳ.
Ông boss cũ của tôi có lần tôi đãi tiệc cho ông ăn phở và lần khác cho ông ăn bún riêu, ông thích phở nhưng không mặn mà cho lắm với món bún riêu. Khi ăn, dù tôi đã cẩn thận mang thìa và nĩa cho ông, ông vẫn đòi dùng đũa. Và khi ăn hết bánh phở ông nhất định bưng tô nước lèo lên húp chứ không dùng thìa. Không biết ông lấy từ đâu cái ý nghĩ là ăn phở hay bún có nước đúng kiểu Việt Nam là phải bưng tô lên để húp chứ không dùng thìa. Đúng là vớ vẩn. Nhưng cái ông boss này cứ nghĩ ông là người đầy văn hóa, hiểu biết, ông ương ngạnh và có tunnel vision, cái gì ông cũng nghĩ là ông giỏi hơn, hiểu biết hơn, nên ông chẳng bao giờ biết ngoài cái giới hạn thiển cận sai lầm của ông, nên tôi cứ để ông bưng tô mà uống. À còn quên nói là ông này đặc biệt rất thích nước mắm pha ngọt, ông cứ bưng chén nước mắm lên sì sụp húp.
Con tôi, vẫn thường nổi dóa khi mấy đứa bạn của tụi nó hỏi “mày Việt Nam hả, mày có biết phở không?” Mỗi lần rủ nhau đi ăn cơm hàng cháo chợ chúng lôi con tôi theo để được “tám” về phở. Con tôi thỉnh thoảng dẫn bạn về cho ăn phở mẹ tao nấu. Tôi nấu phở cũng thanh đạm giản dị như phở nhà nghèo, thường là bò tái, thỉnh thoảng có sách, hay bò viên. Vớt bớt nước béo, gia vị thường chỉ có gừng nướng, hành nướng và hồi. Hành ngò rau quế ngò tây tương đen ớt đỏ. Nhưng trẻ con ở Mỹ mà, làm sau đủ tinh tế để khám phá sự vắng mặt của những gia vị làm món ăn trở nên đặc biệt, những gia vị mà chúng không hề biết có mặt ở trên đời. Tôi cũng không thiết tha lắm với những gia vị “exotic” này, tôi chỉ tha thiết với cái mùi vị ám ảnh trong trí nhớ của tôi.
Những ngày ấy, người ta chưa khám phá ra món bánh mì. Bây giờ thì các báo Mỹ, những báo danh tiếng như New York Times hay Wall Street Journal cứ nhắc mãi đến món bánh mì. Họ còn sáng chế ra đủ kiểu bánh mì, đôi khi tương tự như bánh mì của Mỹ. Bánh mì thịt heo băm có sốt sữa chua ở đây.
Với tôi món bánh mì ngon nhất là bánh mì trong trí nhớ. Ổ bánh mì chợ Cũ da
vàng, mỏng, dòn rụm, ruột thơm nở mềm. Tôi đi tìm cái vị bánh mì chợ Cũ ở Mỹ mấy chục năm chưa hề gặp. Bánh mì Ý, bánh mì Tây, bánh mì Tây Bán Nhà, Bố Đào Nhà, quảng cáo mấy mua về ăn thử vẫn không bằng bánh mì chợ Cũ. Bánh mì ở đây vỏ dày, cứng, ruột cũng cứng, không thơm, không ấm, không làm tôi chảy nước miếng khi nghĩ đến. Tôi đến cả những tiệm bánh mì, mua bánh mới ra lò vẫn không tìm được cái vị bánh mì năm cũ. Tôi đi tìm bánh mì như tìm lá Diêu bông. Một sự hoàn hảo chỉ có trong trí nhớ đã kết hợp với kỷ niệm cộng vào chút thần thánh hóa. Ở những nhà hàng Bồ Đào Nha, khu vực Ironbound của New Jersey, món khai vị thường là ổ bánh mì tròn như quả bưởi cắt thành lát mỏng, hay những cái bánh mì nhỏ như nắm tay của trẻ con, nóng ấm ủ dưới khăn để giữ độ nóng và độ ẩm, để cho khách nhấm nháp với bơ trong khi chờ món chính. Loại bánh mì này là loại hảo hạng của nhà hàng, và cũng may, họ không mang bánh mì chợ Cũ nếu không có lẽ tôi chỉ ăn bánh mì rồi ra về.
Tôi không bao giờ nghĩ là tôi khó tính nhất là về mặt ăn uống. Ngay cả so sánh về bánh mì Việt và bánh mì Mỹ tôi cũng chưa hề bộc lộ công khai với người ngoài gia đình. Tôi chỉ có nói riêng với các con tôi là bánh mì ở Việt Nam rất ngon, ngon hơn bánh mì của tất cả các nước Pháp, Ý, Tân Ban Nha, Bồ Đào Nha) được sản xuất ở Mỹ. Hình như người Mỹ hễ họ nhúng tay vào cái gì đó là đều làm mất bản chất, cái hay cái đẹp thuần túy của của cái đó. Ngay cả Panera là hiệu bánh mì nổi tiếng ở Mỹ có chi nhánh ở nhiều tiểu bang bán đủ loại bánh mì, có bán thức ăn như súp, xà lách, cà phê bánh ngọt, có internet; tôi và các con thỉnh thoảng đến ăn, tôi vẫn nghĩ bánh mì hiệu này dở họ nên gửi thợ đến Việt Nam học cách làm bánh mì. Có lẽ có những nghệ thuật bí quyết không thể bắt chước được vì đòi hỏi nhiều công quá, thực hiện được thì bán không có lời nữa? thí dụ như muốn làm bánh mì ngon phải tùy thuộc vào cách xây lò nướng, gạch đá xây lò, độ nóng, độ ẩm tùy thuộc vào không khí? Tùy thuộc vào bàn tay nhồi bột? Chắc có mồ hôi đổ vào bột chăng? Hy vọng là không ai ghét khách hàng đển độ phun nước miếng

!
Mấy chục năm ở Mỹ, tôi vẫn thèm ổ bánh mì thịt có đồ chua ở đầu hẻm. Bánh mì có ủ than nóng dòn. Vị thịt mỡ ba rọi beo béo. Dưa leo, miếng ớt, cọng ngò. Bánh mì gà tôi cũng thấy ngon nhưng vẫn thích bánh mì thịt. Chồng tôi về Việt Nam bao giờ cũng ăn bánh mì ở đầu ngõ, sáng sớm gần Tết bánh mì vẫn còn ủ bằng than, nóng giòn. Ông cũng mê món bánh mì ăn với phó mát ngày xưa thời còn đi học không có tiền ăn như thế gọi là sang trọng với ông. Mấy chục năm sau ở Mỹ thỉnh thoảng ông vẫn ăn bánh mì kẹp phó mát để nhớ hương vị cũ. Nhớ thôi. Cái trí nhớ đã được tôn thờ lên ngôi thần tượng thì có sự thật trần trụi nào sánh bằng.
Người Mỹ họ cũng thích biến chế món ăn. Gỏi cuốn, vào trong các nhà hàng sang trọng họ biến chế thay vì cuốn với tôm thịt họ cuốn với quả bơ, dưa leo và càng cua giả. Còn bánh mì Việt Nam thì bây giờ họ mới có một món bánh mì tương tự như bánh mì xíu mại nhưng thịt không được vò viên. Trái lại họ xào và cho chút mayonaise theo bài báo tôi mới đọc trên tuần trước trong The New York Times. Không hiểu sao đọc bài này không thấy cái ngon của bánh mì nữa mà thấy ớn đến cổ.
Làm sao tôi có thể nói cho họ hiểu là bánh mì ngon không cần có thịt béo và
mayonaise thì nó vẫn ngon. Tôi thèm ruột bánh mì chấm sữa đặc. Sữa đặc có thể mua được, nhưng mấy chục năm nay tôi vẫn còn đi tìm bánh mì ngon tôi đã in sâu vào trong trí tưởng (tượng).
Thấy trên mạng có ảnh bánh mì nên dẫn về đây.Bánh mì Việt. Còn đây là Bánh Mì Mỹ
Ignorance
Chiều nay đi làm về nhận được mấy tờ báo Sài Gòn Nhỏ. Cám ơn Đại Ca VTrD và quí vị phụ trách tờ báo này đã gửi báo cho. Mỗi thứ hai tờ, chia cho ông anh đi lính truyền tin hồi xưa ông đọc cho đỡ ghiền tiếng Việt.
Trời lạnh tóe khói. Cái kiểu lạnh mà người Mỹ gọi là crispy, nghĩa là dòn rụm. Bước lên tuyết nghe nghiến rau ráu, tuyết vỡ dòn dưới chân. Nước đóng ở mái nhà nhỏ xuống thành những
cây nước đá, đánh một cái nó vỡ tan tành rơi xuống đất. Coi chừng cái lỗ tai và lỗ mũi nhé. Lạnh quá dám đông thành đá, đụng vào là rơi cả tai lẫn mũi. Hôm nay chỉ lên đến -7 độ C.
Nuôi mèo kiểu Mỹ thật là khổ. Cô út nhà tôi, mang cái chậu cát sỏi cho mèo đi ị xuống hầm để cạnh cái cầu tiêu. Thường là cô xúc phân mèo gói cho vào thùng rác. Nhưng lâu dần cô lười biếng cô đổ phân mèo vào cầu tiêu. Cô bảo là chỉ có phân nhưng tôi ngờ là có cát sỏi nên nhà tôi bị nghẹt cống. Tôi đi ngủ sớm nên không biết, chỉ nghe hai cô báo cáo là đã thông cống rồi không sao. Bố hai cô đi làm xa về tối thứ Sáu lại thấy nghẹt cống và nghẹt nhiều hơn. Thứ Bảy ông phải kêu người thông cống. Loay hoay mất cả ngày và mấy trăm đồng tiền trả cho thợ và tiền thuê máy thông cống. Các cô yêu mèo, nhưng bố mẹ phải trả giá. Tôi dọa đuổi con mèo đi.
Những người mạnh miệng chế riễu người khác không biết giữ lời ắt có ngày sơ sẩy. Đấy người ta tát vào mặt chú một cách công khai, có mời chú đến chú cũng không dám ló mặt. Chú mồm năm miệng mười, thế nào cũng có người bỏ thì giờ moi móc những chỗ chú dịch sai, làm gì tránh khỏi, hí hí, chú đến là người ta nện cho chú phù mỏ. Nhớ nhé, chú bé lắm mồm! Từ nay chỉ nên phê bình văn học, phê một lượt ba bốn cuốn đọc nhanh như là không đọc. Chú giỏi tài khoe mẽ với các em nhưng gặp đàn chị là chết. Hê hê!
Tiếng Pháp thì không biết nghĩa thế nào có khác nhiều lắm so với tiếng Anh không chứ người Mỹ dùng chữ ignorance với nghĩa là không biết nếu nhẹ lời, nặng lời một chút nó có nghĩa ngu dốt. Tự điển Anh Việt của Viện Ngôn Ngữ Học giải thích ignorance là không có hiểu biết, thiếu hiểu biết, hoặc không biết gì. Khi bảo người nào hãy ignore những lời lảm nhảm của một kẻ nào đó có nghĩa là đừng có để ý đến hắn.
Xem phim trước đọc sách sau
Tôi có thói quen xem phim trước đọc sách sau. Thì giờ ít ỏi, tôi không muốn đầu tư thời gian vào một quyển sách mà tôi không biết là tôi có thích hay không. Người ta chỉ chọn quyển sách hay, để làm phim. Tôi nghĩ thế. Người xem chỉ mất chừng hai giờ đồng hồ để biết nội dung một quyển sách mà nếu đọc có thể mất cả tuần. Tôi dùng phim để loại những quyển sách có thể không hợp với tạng của mình. Tôi tưởng như thế là khôn, là sành điệu lắm rồi. Thật ra tôi sai nhiều lắm. Người ta thường nói đừng bao giờ xét đoán một quyển sách bằng cái bìa của nó. Nay tôi đề nghị thêm một điều đừng bao giờ xét đoán một quyển sách bằng cuốn phim dựa vào quyển sách.
Ngôn ngữ của phim khác với ngôn ngữ của sách. Phim là cách cảm nhận và biểu lộ quan điểm của người làm phim về quyển sách và có thể người đọc, không đồng ý với cách nhìn của người làm phim. Cũng vì thành kiến mà tôi đã vài lần suýt hụt mất không đọc được những tác phẩm hay. Tôi đã từng nghe đến quyển The Unbearable Lightness of Being của Milan Kundera.
Bản tính của tôi thường hay cưỡng lại ảnh hưởng của đám đông, vì thế khi báo chí ồ ạt khen ngợi về một tác phẩm hay một cuốn phim nào tôi thường ngại ngùng lảng tránh. Tôi nghe rất nhiều người khen ngợi phim Titanic, có nhiều cô cậu bảo rằng xem phim này bốn năm lần mà mãi đến bây giờ tôi vẫn ngại ngần chưa xem. Một phần tôi sợ bị thất vọng vì đặt kỳ vọng vào những lời khen ngợi của người khác. Có lần tôi vào thư viện thấy cuồn phim The Unbearable Lightness of Being ở trên kệ ngay trước mắt. Tôi thích cái tựa đề của quyển sách. Nó có cái gì đó rất xung đột giữa cái nhẹ và cái nặng nề đến độ không thể chịu đựng được, có vẻ rất Thiền. Thường thì người ta không chịu được sức nặng đè lên họ, không chịu được cái nhẹ thì nghĩa là gì? Tôi tò mò mượn đĩa phim về xem. Không đầy năm phút tôi không chịu được cái cảnh anh chị yêu đương rầm rộ, như một thứ phim khiêu dâm rẻ tiền. Nhân vật chính, tôi đọc trên hộp chứa đĩa phim, là bác sĩ. Trong phim trông anh giống một anh đĩ đực đẹp trai. Tôi chán quyển phim nên không đọc quyển sách. Tôi không nhớ vì một tình cờ nào đó tôi đọc được vài trang của quyển sách này trên mạng. Tôi bị quyển sách cuốn hút nên đọc hết quyển này. Đáng lẽ nên dè dặt hơn với cái thành kiến của chính mình tôi vẫn cái kiểu ngựa quen đường cũ.
Có người nhắc đến cuốn phim Người Tình dựa trên quyển sách của Marguerite Duras được chiếu ở VN và đoán rằng có lẽ phim bị cắt mất một số hình ảnh táo bạo. Tò mò, muốn biết cái táo bạo của phim tôi vào thư viện mượn phim này. Tôi có cảm tưởng mình đang xem phim porn mặc dù với hình ảnh có vẻ nghệ thuật hơn. Và lại thêm một lần nữa vì không thích cuốn phim tôi đã không đọc quyển sách.
Tôi thường vất vả đi tìm một cái mũ cho vừa cái đầu nhỏ bé của tôi và nảy ra ý định viết một bài về cái mũ. Chợt nhớ đến cái mũ đàn ông cô bé Marguerite đã đội trong phim Người Tình. Cái mũ đã tạo ấn tượng đặc biệt làm anh chàng công tử con nhà giàu người Hoa Bắc phải chú ý đến cô bé. Tôi tìm đọc quyển sách để xem tác giả nói gì về cái mũ. Ngạc nhiên, lại thêm một lần nữa tôi đã suýt bỏ qua một quyển sách hay vì thành kiến của mình. Tác giả viết quyển này khi bà đã bảy mươi. Nếu khi tôi bảy mươi tuổi mà tôi viết được một quyển truyện như thế tôi sẽ rất sung sướng mà chết.
Người ta thường hay nói rằng, nếu đọc truyện trước khi xem phim khán giả thường thích truyện hơn phim. Vì khi đọc truyện người đọc đã tự tạo ra trong tư tưởng mình một khúc phim riêng. Họ sẽ không thích nếu cuốn phim này khác với cuốn phim trong đầu của họ. Trong trường hợp của tôi, tôi xem The Unbearable Lightness of Being (Đời Nhẹ Khôn Kham) và The Lover (Người Tình) trước khi tôi đọc sách và vì không thích phim tôi đã suýt bỏ lỡ hai quyển sách hay. Dĩ nhiên là tôi đã có sẵn thành kiến, có thể nói là khá nặng nề, về phim sexy. Sau khi xem phim và trước khi đọc quyển Người Tình tôi đã có thành kiến (sai lầm) như sau: Một người phụ nữ Pháp viết về một quốc gia nhược tiểu. Mảnh đất này là nơi thích hợp làm bối cảnh cho một chuyện tình thơ mộng nhưng ngang trái giữa người bản xứ và người thuộc giai cấp đô hộ. Các cô gái bản xứ thường là những cô gái điếm vì nghich cảnh, những người thuộc giai cấp đô hộ là những người ra tay cứu vớt cánh hoa rơi trong vũng bùn, và những cuộc ăn chơi bất tận cùng với những màn làm tình nẩy lửa. Người đọc, đọc những quyển sách như thế này để chạy trốn cuộc sống bình thản đến nhàm chán của họ và để xem những người đồng bào thực dân của họ đã có cuộc sống hấp dẫn đầy phiêu lưu như thế nào. Vâng, tôi có quan niệm này sau khi tôi xem phim Người Mỹ Trầm Lặng (The Quiet American) và vì thế mà tôi đã không đọc quyển sách vì tôi không chịu được cái ý nghĩ một anh Mỹ ví von Việt Nam như một cô gái vì nghèo mà bán thân. Nhận ra tôi đã hai lần sai lầm với quyển Đời Nhẹ Khôn Kham và Người Tình, rất có thể tôi lại sai lầm khi gạt quyển Người Mỹ Trầm Lặng ra ngoài danh sách những quyển sách nói về VN mà tôi nghĩ là tôi nên đọc.
John le Carré nói rằng: “Nhìn thấy quyển truyện của bạn biến thành cuốn phim chẳng khác gì nhìn thấy con bò bạn nuôi bị biến thành nước lèo rồi cô đọng lại thành những viên bột nêm.” Câu nói này cũng làm tôi suy nghĩ. Tôi đã đọc nhiều quyển sách trước khi xem phim. Đôi khi tôi thích quyển sách hơn phim như trường hợp Anna Karenina, Nước Hoa: Chuyện của một kẻ sát nhân, à quên, Người Tình và Đời Nhẹ Khôn Kham nữa chứ! Đôi khi tôi thích phim hơn quyển sách như trường hợp E.T., The Sound of Music. Đôi khi tôi thích cả sách lẫn phim, vì mức độ sáng tạo rất khác biệt của hai thể loại thí dụ như Lord of the Rings hay Gone With The Wind. Ngẫm nghĩ lại cái kiểu dùng phim để chọn sách đọc không phải là sai lầm. Nhờ cách này mà tôi được đọc ba quyển sách tôi rất thích đó là The English Patient, The Reader và Perfume: Story of a Murderer. Và từ những quyển sách này tôi đã đọc thêm vài quyển sách về biên khảo về nước hoa, về nạn diệt chủng Do Thái, và rất nhiều chi tiết trong tự điển bách khoa Wikipedia.
Điều tôi muốn nói là tôi cần phải luôn luôn để ý đến cái thành kiến của tôi khi chọn xem phim hay đọc sách.
Viết
Write. Remember, people may keep you (or me) from being a published author but no one can stop you from being a writer. All you have to do is write. And keep writing. While you’re working at a career, while you’re rising children, while you’re trout fishing – keep writing! No one can stop you but you. Katherine Neville
Viết. Hãy nhớ rằng, người ta có thể ngăn bạn (hoặc là tôi) trở thành một tác giả có tác phẩm đã được xuất bản nhưng không ai có thể ngăn bạn viết văn. Tất cả việc cần thiết phải làm chỉ là viết thôi. Và tiếp tục viết. Trong khi bạn đi làm để kiếm sống, khi bạn nuôi con, hay khi bạn câu cá – tiếp tục viết! Không ai có thể ngăn bạn ngoại trừ chính bạn.
Một vài câu đáng để ý trong On Writing – Stephen King
Hôm qua tẩn mẩn đọc lại quyển On Writing của Stephen King, thấy có một vài câu hấp dẫn ông nói về nghệ thuật viết văn.
In my characters, a kind of wildness and a deep conservatism are wound together like hair in a braid.
When you write a story, you’re telling yourself the story. When you rewrite, your main job is taking out the things that are not in the story.
Write with the door closed, rewrite with the door open.
Writing is a lonely job. Having someone who believes in you makes a lot of difference. They don’t have to make speeches. Just believing is usually enough.
Háo danh hay không?
Có một người tên là To Vo không bỏ dấu nên không biết là Tò Vò hay Tô Võ hay Tô Vỡ hay Tơ Vò hỏi một câu khá xách mé trên blog của Nguyễn Xuân Hoàng. Câu hỏi dành cho tôi nhưng ngụ ý khích bác với ông Nguyễn Hưng Quốc. Câu hỏi đại khái là vì sao tôi lại chui vào yahoo plus chỗ bị kiểm duyệt không được viết tự do. Còn phần phê phán thì ngụ ý tôi cũng như ông Nguyễn Hưng Quốc vì háo danh đăng hai chỗ để có nhiều người đọc. Háo danh như thế có thể phản tác dụng.
Cái gì dành cho Nguyễn Hưng Quốc thì nên qua blog của ông ấy mà nói. Còn phần của tôi thì tôi không dám so sánh với ông Quốc hay với ai cả. Còn về phần háo danh, thú thật tôi chỉ là con người tôi cũng bon chen danh lợi, tôi thích được chú ý, thích được khen, thích có nhiều người đọc mình và chia sẻ cảm nghĩ với mình. Nhưng tôi dùng blog yahoo plus và đăng lại bài viết trên Voa trên blog mình thì, chỉ nói riêng về việc này, không phải vì háo danh. Vì ToVo không đọc blog của tôi, chỉ muốn chửi đổng cho sướng miệng, chứ tôi mang bài trên VOA về vì có một người bạn không vào được VOA, hay vì một lý do riêng nào đó không muốn vào VOA. Tôi là người viết, tôi cần người đọc, phục vụ cho một người cũng là phục vụ. Ai đã là người viết tất hiểu, đôi khi chỉ một người đọc thôi là đủ vui rồi, huống hồ gì người đọc yêu mến mình và mình cũng yêu mến người đọc. Tôi không biết vì sao ông Quốc đăng lại bài trên Voa ở Tiền Vệ, tuy nhiên, tôi có thể suy đoán bằng cách suy nghĩ của tôi. Có nhiều độc giả, tôi là một, chỉ đọc một số website nhất định, ít đi lang thang trên mạng. Vì thế có thể người ta đọc Tiền Vệ mà không đọc Voa hay đọc Voa mà không đọc Tiền Vệ. Tôi có thể có bạn bè tôi muốn đọc bài của tôi nên tôi đăng cả hai bên. Háo danh, trong trường hợp này, đâu có gì hại đến ai đâu khi người viết tích cực mang tác phẩm của mình đến với người đọc? Bảo là tôi bất tài thì OK, tôi có bao giờ vỗ ngực xưng tôi có tài đâu. Chỉ ngạc nhiên tại sao ToVo lại chiếu cố đến người bất tài như tôi. Ai mất thì giờ đi đá một con chó chết?
Còn tại sao tôi dùng yahoo plus. Tôi viết blog từ năm 2004. Đã sử dụng nhiều loại blog, mỗi chỗ có cái hay riêng. Yahoo plus vì mới nhất nên yếu nhất, nhất là về mặt âm nhạc và hình ảnh. Xanga nơi tôi dùng trước kia có thể upload nhạc, và hình ảnh có thể collage, nhạc hay ảnh hay bài viết đều có thể sắp xếp thành một thư viện. Có một bài trên blog tôi viết đâu chừng hai hay ba năm trước không hiểu tại sao bài này lại rất được chú ý, có lẽ vì được nhà văn Nguyễn Ngọc Tư để comment, hehe, nên bài ấy đã được gần 20000 views, chỉ riêng mỗi bài ấy thôi còn vài ba bài khác được vài trăm view là hết cỡ. Và tôi bỏ những cái blog tôi viết, bắt đầu có vài người đọc, chỉ vì tôi muốn ẩn danh.
Nói thì nghe vô lý, tôi thích có người đọc nhưng tôi không muốn người ta biết tôi là người viết. Tôi vẫn còn đang struggle với chính tôi đi tìm một giọng văn thích hợp, đi tìm một chủ đề mà tôi có thể đam mê lâu dài để viết, vẫn còn đang cố gắng thoát khỏi những hạn chế trong chính tư tưởng của mình, vẫn còn đang vơ vét chút thì giờ hạn hẹp để đọc và đào xới trong tâm hồn mình một đề tài để viết. Vì thế viết ở đâu không phải là điều quan trọng nhất. Tôi chọn yahoo plus chính vì nó mới, trẻ, yếu, an underdog cũng như tôi. Và vì nó vẫn còn ít người dùng tôi không bị người quen khám phá.
Tôi thường hay tâm sự, thích nói xấu chồng con nên sợ bị chồng con biết sẽ rầy rà. Còn về mặt kiểm duyệt, ai nói VOA không kiểm duyệt. Bài tôi đăng trên blog của tôi có rất nhiều đoạn VOA không đăng. Dùng blog có cái hay là tôi có thể nói những chuyện lẩm cẩm, muốn đăng lúc nào cũng được. Có cái website nào chịu đăng bài của tôi thượng vàng hạ cám, làm ràm vu vơ, ngày nào cũng đăng, một ngày đăng hai ba lần không? Kiểm duyệt? Hơi sức đâu mà đi kiểm duyệt những cái blog quèn như blog của tôi. Tôi không thích nói chuyện chính trị, biết quái gì mà nói, tôi không nói chuyện Việt Nam, biết quái gì mà nói. Tôi cũng không nói chuyện văn chương, tôi chỉ là con mọt sách, gặm vài ba chữ, nói bâng quơ một mình. Có người nào đi ngang tạt lại nói vài câu cho vui, thì tại sao ToVo lại có vẻ chỉ trích nhỉ? Muốn nhắn nhe với ông Quốc ư? Bộ tưởng ông ấy đi đọc bài viết của tôi à?
Tôi không sợ tiếng háo danh. Tôi nghĩ háo danh, ham tiền, ham quyền ở một mức độ nào đó là điều cần thiết. Nó là động cơ giúp người ta đạt đến mục tiêu của họ. Tuy nhiên, ở trong trường hợp này, với tôi, không phải là háo danh. Cũng may là ToVo không kê khai cả cái URL chứ nếu không là tôi sẽ đóng cửa dọn nhà, lần nữa. Tôi đóng cửa dọn nhà mấy lần rồi nên có làm dân du mục cũng không sao.
Viết Cho Ai? (tiếp theo và hết) – Orhan Pamuk
Nhưng ngày nay viết tiểu thuyết hay đọc tiểu thuyết mang một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Sự thay đổi đầu tiên đến vào phân nửa đầu của thế kỷ hai mươi, khi sự gắn bó của một tác phẩm văn học với chủ nghĩa hiện đại giúp tác phẩm này chiếm được địa vị trong sự cao quý của nghệ thuật. Cũng quan trọng như những thay đổi trong ngành truyền thông chúng ta đã nhìn thấy trong khoảng ba mươi năm vừa qua: trong thời đại truyền thông toàn cầu, nhà văn không còn là người lên tiếng đầu tiên cũng không là giai cấp trung lưu độc nhất trong quốc gia của họ, mà chỉ là những người có thể nói, và nói tức khắc, với độc giả “văn chương” trên toàn thế giới. Độc giả văn chương hôm nay chờ một quyển sách mới của Garcia, Marquez, Coetzee, hay Paul Auster cũng giống như thế hệ trước họ đã chờ những quyển sách mới của Dickens – như chờ đợi tin tức mới nhất. Lượng độc giả trên thế giới dành cho những nhà văn danh tiếng này thật là nhiều hơn số lượng độc giả biết đến sách của họ trong chính quốc gia của họ.
Nếu chúng ta tổng quát hóa câu hỏi – Nhà văn viết cho ai? – Chúng ta có thể nói rằng họ viết cho một độc giả lý tưởng, những người thân yêu, cho chính họ, hay không viết cho ai cả. Đây là một sự thật nhưng là sự thật không toàn vẹn bởi vì nhà văn hiện đại cũng viết cho những người đọc tác phẩm của họ. Từ điều này chúng ta có thể suy ra rằng nhà văn thời bây giờ dần dần ít viết cho độc giả trong quốc gia của họ hơn là viết cho độc giả trên toàn thế giới. Vì thế mà chúng ta có nó: Cái câu hỏi châm chích, và vẻ nghi ngờ về dụng ý của nhà văn, phản ảnh một sự bất an về trật tự của nền văn hóa mới đã tham gia hiện trường trong ba mươi năm qua.
Những người cảm thấy bị xáo trộn nhiều nhất là những người hay phát biểu ý kiến và những cơ quan văn hóa của những quốc gia không thuộc về cộng đồng Tây phương. Không biết rõ vị trí của mình trên thế giới, cũng không sẵn sàng thảo luận về những khủng hoảng của quốc gia hay những vết đen trong lịch sử của quốc gia trước quảng trường quốc tế, những thành phần chính trị như thế thường cảm thấy cần phải nghi ngờ các nhà văn, những người đã nhìn lịch sử và chủ nghĩa quốc gia từ một quan điểm không nằm trong chủ nghĩa quốc gia. Trong quan điểm của họ, các nhà văn không viết cho một độc giả trong nước, những người đã “thần thánh hóa, lý tưởng hóa” quốc gia của họ cho “sự tiêu thụ của người ngoại quốc” và bịa đặt ra những vấn đề không có căn bản thực tế. Ở Tây phương cũng có một sự nghi ngờ tương tự, nơi nhiều độc giả tin rằng văn học địa phương nên được giữ trong vòng địa phương, tinh chất, và xác thực với cội nguồn quốc gia họ; nỗi sợ hãi thầm kín của họ là khi trở nên một nhà văn của thế giới, người rút chất sống để viết từ những tập tục và truyền thống bên ngoài văn hóa của quốc gia họ sẽ làm cho nhà văn đánh mất đi cái tính chất độc đáo của họ. Người cảm nhận được nỗi sợ hãi này nhạy bén nhất thường là một độc giả; một người rất muốn khi mở một quyển sách và bước vào một quốc gia bị cắt rời khỏi thế giới, được nhìn thấy những dằn xé vật lộn bên trong quốc gia này, cũng nhiều như một người được chứng kiến gia đình bên cạnh đang gây gổ với nhau. Nếu một nhà văn, diễn thuyết với một khán giả rộng lớn, bao gồm cả độc giả của nhiều nền văn hóa với nhiều loại ngôn ngữ, thì cái mơ ước hoang đường này cũng sẽ chết.
Đó là vì tất cả những người viết văn đều có cùng một mơ ước thâm sâu được là chính mình, trung thực và độc đáo, cho nên – trải qua bao nhiêu năm, bây giờ – tôi vẫn thích được người ta hỏi tôi là tôi viết cho ai. Nhưng khi mà sự trung thực và độc đáo của một nhà văn tùy thuộc vào khả năng lôi cuốn cái thế giới mà hắn đang sống, nó cũng tùy thuộc vào cái khả năng hắn có thể hiểu được sự thay đổi của vị trí của chính hắn trong thế giới này. Không có cái gọi là một độc giả lý tưởng được giải thoát khỏi những cấm đoán của xã hội và những huyền thoại của quốc gia, cũng như không có cái gọi là một nhà văn lý tưởng. Tất cả các nhà văn đều viết cho một độc giả lý tưởng – cho dù hắn ta là người quốc gia hay quốc tế – trước nhất bằng cách tưởng tượng độc giả này là một người có thật, và sau đó bằng cách viết những tác phẩm với độc giả này trong trí tưởng của nhà văn.
Viết Cho Ai? (p1) – Orhan Pamuk
Ông viết cho ai? Hơn ba mươi năm lẻ – từ khi tôi trở thành nhà văn – đây là câu hỏi tôi nghe nhiều nhất, từ cả hai giới ký giả và độc giả. Động cơ của câu hỏi này tùy theo thời điểm và nơi chốn, cũng như mức độ tò mò, nhưng tất cả đều có chung một giọng nghi ngờ khinh khỉnh.
Vào giữa thập niên bảy mươi, khi tôi quyết định trở thành người viết văn, câu hỏi này phản ảnh một quan điểm khá phổ thông, nghệ thuật và văn chương là thứ xa xỉ mà một quốc gia nghèo nàn, không nằm trong cộng đồng Tây phương, đang gắng gượng gia nhập thời hiện đại, không đủ sức trang trải. Cũng có người đề nghị “một người có học vấn và văn hóa như ông” có thể phục vụ tổ quốc hữu hiệu hơn bằng cách làm bác sĩ để chống bệnh dịch hay làm kỹ sư để xây dựng cầu. (Jean-Paul Sartre đã củng cố quan niệm này vào đầu thập niên bảy mươi khi ông tuyên bố ông chẳng tham gia chuyện văn chương nếu ông có thể làm một nhà trí thức đấu tranh dành độc lập cho xứ Biafra.)
Về sau, những người nêu các câu hỏi này thường chỉ cố tìm hiểu là tôi hy vọng thành phần nào trong xã hội sẽ đọc và yêu thích tác phẩm của tôi. Tôi biết những câu hỏi này rất “nguy hiểm”, bởi vì nếu tôi không trả lời là, “tôi viết cho những người nghèo khổ nhất và kém may mắn nhất trong xã hội!” tôi sẽ bị cáo buộc là bảo vệ quyền lợi của giới địa chủ và giới trung lưu tiểu tư sản của Thổ Nhĩ Kỳ – dù rằng tôi vẫn luôn được nhắc nhở là bất cứ nhà văn nào có tư tưởng trong sạch và một tâm hồn nhân hậu tuyên bố là viết cho nông dân, công nhân, và những người cùng khổ có nghĩa là viết cho những người hầu như mù chữ. Những năm bảy mươi khi mẹ tôi hỏi tôi viết cho ai, qua giọng nói đầy vẻ buồn bã và lo lắng bà thật sự muốn hỏi tôi là, con sẽ làm gì để tự nuôi sống bản thân? và khi bạn tôi hỏi tôi viết cho ai, vẻ mỉa mai nhạo báng trong giọng nói của họ ngầm bảo chẳng có ai đi đọc một tác giả như tôi.
Trải qua ba mươi năm, tôi càng được nghe câu hỏi này thường xuyên hơn bao giờ. Điều này xảy ra là vì sách của tôi đã được chuyển ra bốn mươi ngôn ngữ. Đặc biệt là mười năm gần đây, những người phỏng vấn tôi, càng lúc càng nhiều hơn xưa, đã lo ngại là tôi có thể hiểu lầm ý của họ, vì thế họ có khuynh hướng hỏi thêm, “ông viết bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, có nghĩa là ông chỉ viết cho dân tộc của ông hay hiện nay ông hướng đến thị trường đọc rộng lớn hơn bằng bản dịch tác phẩm của ông?” Cho dù chúng ta đề cập vấn đề này trong nước hay ở hải ngoại, câu hỏi này luôn luôn được đi kèm bằng một nụ cười đầy vẻ nghi ngờ và khinh khỉnh, làm tôi phải đi đến kết luận là, nếu tôi muốn tác phẩm của tôi được chấp nhận là trung thực và chân chính, tôi phải trả lời, “Tôi chỉ viết cho dân tộc tôi.”
Trước khi chúng ta mổ xẻ câu hỏi này – bởi vì nó không chân thật mà cũng chẳng nhân đạo – chúng ta phải nhớ rằng một tác phẩm văn học được biết đến cùng lúc với sự xuất hiện và vươn lên của một quốc gia. Khi những tác phẩm lớn của thế kỷ thứ mười chín được viết ra, nghệ thuật văn học được trân trọng như là nghệ thuật của toàn quốc. Dickens, Dostoyevsky, và Tolstoy viết cho một giai cấp trung lưu vừa mới xuất hiện, người trong những tác phẩm của các tác giả này, có thể nhận ra mỗi thành phố, đường phố, nhà cửa, phòng ốc, ghế ngồi; nó (giai cấp trung lưu này) tận hưởng những lạc thú như thể đã hưởng thụ trong đời sống thật và thảo luận những ý tưởng giống nhau. Vào thế kỷ thứ mười chín, tác phẩm của những tác giả lớn xuất hiện trước tiên trong phần nghệ thuật và văn hóa đính kèm với tờ báo, để những tác giả này nói với toàn thể quốc gia. Qua giọng nói bằng văn học của họ chúng ta có thể nhận thấy sự bất an của những người yêu nước quan tâm đến vận mệnh quốc gia, mơ ước sâu đậm nhất của họ là làm cho quốc gia được thịnh vượng. Vào cuối thế kỷ mười chín, đọc và viết truyện là tham gia vào cuộc thảo luận của toàn quốc về những vấn đề quan trọng liên quan đến quốc gia.
Trị bệnh nghẹn của nhà văn
Viết văn, tôi nghĩ cũng tương tự như nấu ăn, đánh võ, hay làm tình .
Phải nhào vô, thật sự làm việc, rồi rút kinh nghiệm chứ không phải cứ đọc sách nấu ăn rồi sẽ nấu ăn ngon, đọc sách nghiên cứu võ học rồi sẽ đánh được những chiêu thượng thừa và cứu được bản thân mình khi lâm nguy, và không thể cứ mở sách karma sutra ra rồi biết bẻ người thành vòng cung hay thắt nút thân người thành hình số tám. Thấy Vương Ngọc Yến không, ai đánh thế võ gì nàng cũng tả vanh vách, biết chiêu nào của môn võ nào có thể chế ngự chiêu này của môn này mà bản thân nàng chỉ có biết chạy theo kiểu Lăng Ba Vi Bộ thôi chứ chẳng đánh được ai cũng chẳng cứu được mình. Biết thế nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn tò mò muốn biết người ta học cách viết văn ra thế nào. Có nhiều người nấu ăn không dùng recipes. Tôi cũng biết nấu một vài món thông thường và chưa bao giờ tôi dùng sách dạy nấu ăn. Viết quọt quẹt năm ba bài tôi mới bắt đầu mở sách dạy viết văn ra đọc. Nhân có người than thở vụ writer’s block tôi đọc phần này và hôm nay sẽ kể cho bạn nghe (ai không phải bạn hay là không muốn nghe thì thôi) làm cách nào để trị cái bịnh này.
Những người viết văn, đôi khi người ta tắc tị không viết được. Có khi không nghĩ ra đề tài, có khi viết nhưng không vừa lòng nên cứ xóa bỏ. Nhiều lý do lắm. Tôi đang đọc quyển The Writer’s Little Helper của James V. Smith, Jr. Tôi không biết ông này là ai nên thử google, ông là nhà văn chuyên viết truyện quân sự có nhiều hoạt động táo bạo. Tôi chưa đọc quyển nào của ông nhưng thấy ông xuất bản năm sáu cuốn được liệt vào hạng military action nên xin bạn đọc chơi, nghe được thì theo, không được thì đừng theo.
Ông nói ông không bao giờ bị writer’s block cả. Những người bị bịnh này là tại vì lười, hê hê, xin tha lỗi, đừng mắng tôi nhé. Ông bảo là sự sáng tạo thì không có xáng vào người mình như bị sét đánh. Không phải cứ đi lang thang những chỗ có cảnh vật lý tưởng thì sẽ có ý tưởng thần sầu để viết. Viết văn thì không phải chỉ cần có nghĩ về những điều mình muốn viết. Mà chỉ có ngồi dính vào ghế và viết thì mới có văn.
Dụng cụ giúp cho sự sáng tạo trôi chảy hiệu quả nhất chỉ cần một cây viết và xấp giấy. Những tia sáng sáng tạo lóe lên bằng cách dùng viết viết lên giấy. Viết cái ý tưởng ấy ra. Khai triển ý tưởng ấy. Khai thác ý tưởng từ trong ra ngoài từ trên xuống dưới từ trước ra sau. Từ đó sẽ nảy sinh ra sự sáng tạo.
Lời khuyên:
Đừng bao giờ đưa bài viết của bạn cho người nào không yêu thương bạn đủ để nói với bạn lúc nào bài viết không hay.
Ô, và bất cứ người nào nói với bạn là “Hay lắm, cưng,” họ thật sự nói là “Nó chẳng hay chút nào, cưng.”
Bạn muốn viết? VIẾT.
Đừng chờ đợi nàng thơ. VIẾT
Ngồi lên ghế và viết.
Tôi dùng chữ ngồi thật ra ông ấy bảo đặt cái đít của mày lên ghế.

Mười nguyên tắc viết văn của Neil Gaiman
Tôi thấy trên tờ báo Guardian có một bài về mười qui luật viết văn. Các nhà văn nói cho độc giả biết một số kinh nghiệm họ đã rút ra trong quá trình viết văn của họ. Bài rất dài và chia làm hai đợt. Đợt đầu hình như đã xuất hiện từ năm ngoái năm kia. Đợt hai mới xuất hiện. Có nhiều qui luật khá khôi hài, có nhiều cái khá thực dụng. Tôi chọn qui luật của nhà văn Neil Gaiman vì thấy nó khá thành thật.
Mười nguyên tắc viết văn của Neil Gaiman.
1. Viết.
2. Chữ nọ nối tiếp chữ kia. Tìm cho đúng chữ và viết xuống.
3. Hoàn tất bài bạn đang viết. Làm bất cứ điều gì bạn cần phải làm để có thể hoàn tất bài viết, phải viết cho xong.
4. Để bài viết qua một bên. Đọc như bạn chưa bao giờ đọc bài viết này. Đưa bài viết cho người thân hay bạn bè đọc giùm, những người bạn quí trọng ý kiến của họ và họ cũng thích loại bài này.
5. Hãy nhớ là: khi người ta nói với bạn những điều họ nghĩ là không hợp với họ, thường là họ đúng. Khi họ nói với bạn thật chắc chắn cái mà họ nghĩ là bạn sai và chỉ bạn cách sửa chữa, thường thường là họ sai lầm.
6. Sửa chữa bài viết. Nhớ là, sớm muộn gì, trước khi nó trở nên hoàn hảo, bạn cũng phải chia tay với nó, quên nó đi, và bắt đầu viết bài khác. Đi tìm sự hoàn hảo cũng giống như rượt đuổi đường chân trời. Chạy hoài không đến.
7. Mình cười những lời khôi hài mình viết.
8. Qui luật chính của viết văn là nếu bạn viết một cách tự tin, bạn được quyền viết bất cứ cách nào bạn thích. (Đây có thể cũng là một qui luật sống, nhưng chắc chắn nó áp dụng nhiều hơn cho công việc viết văn.) Vì thế hãy viết câu chuyện của bạn như là nó cần phải được viết ra. Viết chân thật và kể câu chuyện bằng cách nào mà bạn kể hay nhất. Tôi không chắc còn qui luật nào đáng chú ý và có giá trị hơn.
Sáng nay tôi nhìn
Một trong những tật xấu của tôi mà chính tôi cũng có khi ghét nó đó là tôi tự biến tôi thành một con mọt sách. Thật ra ở xứ lạnh này rất dễ bị biến thành con mọt sách. Trời lạnh đến độ ai cũng lười ra đường. Ở ru rú trong nhà thì rốt cuộc sẽ dẫn đến chuyện xem tivi hay đọc sách.
Hôm qua tôi không đọc thêm chút nào tập truyện ngắn Run Away của Alice Munro. Tôi chán những chuyện có vẻ tủn mủn của giới phụ nữ. Và diễn tiến trong truyện của bà xảy ra thật chậm. Bà tả trời tả đất tả tay chân. Đến cuối truyện người đọc nhận ra cái tinh túy của nó, như một giọt nước hoa lẫn vào trong mùi của người ta và của trời đất. Rất thoảng nhưng vẫn có thể nhận ra. Tôi có rất ít kiên nhẫn với cách viết truyện như thế. Nhà văn của một nước giàu có, có cuộc sống giàu có, cái nhìn của họ quay vào trong nội tâm của nhân vật với cuộc sống hằng ngày êm ả bình lặng, cái đau cái vấn nạn của họ thật là nhỏ nhặt đến nhàm chán so với đời sống của những dân tộc có cuộc sống khó khăn trên thế giới, Việt Nam, Ấn Độ, các nước châu Phi, Đông Âu, và Afghanistan chẳng hạn.
Sáng nay tôi nhìn quyển Wolf Hall của Hillary Mantel dày 600 trang mà ngao ngán. Đây là quyển sách mà tôi phải ghi tên và chờ được mượn từ hồi tháng 10 hay 11 gì đó ngay khi tôi đoán (và đoán trúng) là nó sẽ được giải thưởng. Liệu tôi có cần phải biết thêm về cuộc sống của Hoàng gia Anh thế kỷ 15 hay 16 gì đó thời vua Henry thứ tám chém đầu mấy bà vợ và cánh tay mặt của vua, Thẩm phán Thomas Cromwell đã sửa đổi luật lệ đưa ra cải cách tôn giáo chỉ để giúp vua được phép lấy vợ khác. Chuyện lịch sử thì ai cũng biết, tuy nhiên bà tác giả đã viết như thế nào biến hóa Cromwell như thế nào để được giải thưởng Booker. Đây là một giải thưởng giá trị những tác phẩm được giải thưởng trước đây đều là những tác phẩm hay, cho nên có lẽ tôi sẽ làm nhiệm vụ mọt sách của tôi. Run Away của Alice Munro đành bị xếp lại để đó.
You must be logged in to post a comment.