Tango

Gần đây tôi có thấy trên mạng một đoạn phim, trong đó có Steve Carell và Anne Hathaway, hai tài tử này đang biểu diễn màn khiêu vũ tango, với đào và kép khác. Cả hai tuy khiêu vũ với người khác nhưng mắt luôn luôn hướng về nhau, dù là hướng về một cách tức tối. Đoạn phim ấy trích từ phim “Get Smart.” Bản nhạc trong đoạn phim ấy có tên là Tango của Mad Manoush (có thể cũng do chính Mad Manoush trình diễn). Xin mời bạn thưởng thức. Nơi bạn ở có thể đã về chiều hay sắp vào đêm thứ Bảy, bắt đầu cho cuộc hưởng thụ cuối tuần. Ở đây thì chưa sáng, nhưng có hề gì, cứ thả tâm hồn mình theo điệu nhạc. Tango luôn luôn rộn ràng cho dù lời có não nề đến mấy. Ban nhạc tango bắt đầu tấu lên. Trong tâm hồn bạn dấy lên niềm khát khao cháy bỏng…

Tango – Mad Manoush

The lights are low the night is young
And stars light up the latin sky
The tango band begins to play
In your heart a burnin’ desire

A certain magic in her eyes
Seems to tell you: have no fear
You are dancin’ skin to skin
And she whispers so smooth in your ear

Come dance with me the tango all night long …
Come dance with me the tango ’till the break of dawn …

She makes you slowly loose your mind
And you are fixed as if by glue
And you will dance the night away
Tonight all your dreams will come true

Come dance with me the tango all night long …
Come dance with me the tango ’till the break of dawn …
Come on let’s tango come on let’s tango …

Take her to the dance floor by the hand
She’ll guide you this night to a foreign land
Your skin feels tight, a sudden urge within
You and she begin to tango skin to skin
Come on let’s tango come on let’s tango …

Feel the drama rise, look deep in her eyes
The temperature rises higher, you feel the burnin’ desire
Lost in love time just flows where it’s ending nobody knows
Come on let’s tango come on let’s tango …

Come dance with me the tango all night long …
Come dance with me the tango ’till the break of dawn …

Lyrics powered by http://www.musixmatch.com

Có tuổi

Ảnh chẳng liên hệ đến bài. Chỉ ghép vào cho đỡ trống trải.

Lịch Sử Tango

Tango là tên của một loại nhạc và cũng là tên của một cách khiêu vũ áp dụng với loại nhạc này.  Ngày nay Tango nổi tiếng khắp nơi trên thế giới, được biểu diễn ở những viện ca kịch âm nhạc hay những sân khấu nổi tiếng trên toàn cầu, tuy nhiên Tango xuất thân từ xóm nghèo lao động ở Buenos Aires , thành phố lớn nhất và thủ đô của Argentina . 

Đầu thế kỷ hai mươi, một số ban nhạc và  nghệ sĩ Tango sang Âu châu trình diễn.  Ngay lập tức họ chinh phục dân Paris , sau đó đến London và Berlin .  Vào cuối năm 1913 họ đến New York . 

Tango trải qua những thời kỳ khi thịnh vượng khi suy thoái theo thời thế và biến cuộc chính trị ở Argentina , một trong những lý do rõ rệt nhất là chính quyền cấm dân chúng tụ họp đông đảo.  Năm 1983, sau khi chương trình khiêu vũ Tango Argentino được Claudio Segovia và Hector Orezzoli thực hiện ở Paris ,  Tango nổi tiếng và trở nên thịnh hành khắp nơi trên thế giới. 

Năm 1990, vũ sư Miguel Angel Zotto and Milena Plebs thành lập đoàn vũ Tango X 2 kết hợp với những bước Tango tân kỳ đầy sáng tạo với Tango Milongas cổ truyền dựa vào những công trinhd nghiên cứu và thu thập rất nhiều kiểu Tango.

Có rất nhiều chương trình Tango được trình diễn khắp nơi trên thế giới, trong đó có các chương trình ca nhạc ở Broadway như Tango Argentino, Forever Tango, Tango X 2, và Tango Pasion.

Tango có rất nhiều cách bởi vì môn nghệ thuật khiêu vũ này đã được phát triển và tiến hóa từ rất nhiều quốc gia bởi nhiều giai cấp do đó có nhiều màu sắc văn hóa khác nhau, trong đó có trang phục biễu diễn.  Tuy nhiên, nghệ thuật biễu diễn có thể đơn giản hóa bằng hai cách trình diễn.  Biểu diễn mở (lead and follow), người nam sẽ là người dẫn bước và người nữ sẽ đi theo, giữa hai người sẽ có một khoảng cách.  Trong biểu diễn kín, thân thể giữa hai người sẽ tiếp xúc với hoặc là ở phần ngực (Argentino tango), hoặc là tiếp xúc ở vùng hạ bộ và đùi (thịnh hành ở Hoa Kỳ và thế giới).

Một vài loại tango thịnh hành là :  Tango Argentino, Tango Oriental (uruguayo), Tango Milonguero (Tango Apilado), Ballroom Tango, và Finnish Tango. 

(Nguồn Wikipedia) 

Tango – Shall We Dance

Điểm đặc biệt của Tango là rất gợi cảm, và âm nhạc Tango rất lãng mạn trữ tình có thể chuyển từ lẳng lơ đến than thở tuyệt vọng.  Có rất nhiều phim của Hoa Kỳ có lồng vào một đoạn Tango.  Ở những bài trước đây tôi đã nói đến các phim như Scent of a Woman, Moulin Rouge, và bây giờ là Shall We Dance.  

Shall We Dance, là một cách mời khiêu vũ.  Nếu nói theo cách người Việt Nam mình thì câu nói có thể sẽ là “Xin phép cho tôi mời cô bài này nhé.” Tôi không biết phụ nữ Việt Nam đã có đủ “gan” để mời người ta khiêu vũ với mình chưa.  Thời của tôi con gái bị cấm đi khiêu vũ.  “Vũ nữ” bị xem là thành phần thuộc “xóm nhà lá”!  Điều này xem ra cũng rất bình thường so với xã hội xem chuyện trình diễn ca hát là “xướng ca vô loài.” 

Shall We Dance dựa vào một phim của Nhật đã thắng giải Masayuki Suo năm 1996.  John Clark (Richard Gere) là một luật sư chuyên lo việc kiện tụng cho một công ty.  Chàng có vợ đẹp con ngoan, đời sống hạnh phúc.  Chàng đã bắt đầu thấy chán công việc đều đặn hằng ngày, đời sống dường như trống vắng một điều gì không rõ rệt.  Chàng thường tự nhủ là mình đã có quá nhiều hạnh phúc, đòi hỏi một cái gì đó để hạnh phúc hơn sẽ bị xem là tham lam quá đáng.  Mỗi chiều đi làm về bằng xe lửa chàng ngồi ngó ra cửa sổ và có một ngày chàng nhìn thấy một cô gái rất đẹp đứng ngó bâng quơ ở khung cửa sổ của một trường dạy khiêu vũ.  Cô có cái vẻ sầu muộn mông lung mà chàng thấy phản ảnh tâm trạng của chàng.  Cô từ bên trong nhìn ra thế giới bên ngoài tìm kiếm một cái gì đó thiếu vắng trong cuộc sống của cô.  Còn John từ bên ngoài nhìn vào thế giới nội tâm của mình đi tìm một thứ hạnh phúc nào đó mà chàng chưa có đủ. 

John tìm đến lớp học khiêu vũ và được biết cô gái đó tên là Paulina (Jennifer Lopez) là người phụ tá dạy khiêu vũ cho một bà giáo già, Mitzi.  Khác hẳn với tình trạng thực tế ở các trường dạy khiêu vũ, luôn luôn thiếu nam vũ sinh, ở trường của bà giáo Mitzi, nhiều nam sinh hơn nữ sinh.  Đẹp trai, hào hoa, và giàu có, John chinh phục tình cảm của nhiều vũ sinh, nữ lẫn nam.  Paulina trước đây là người đã từng tranh giải khiêu vũ mức độ quốc tế cùng với người yêu của nàng. Trong lúc tranh tài, Paulina và người yêu trượt ngã vì thế họ bị loại.  Người yêu của Paulina đổ lỗi cho nàng và bỏ rơi nàng.  Đoán biết John đến học khiêu vũ một phần vì thích vẻ đẹp của mình Paulina nói thẳng là nàng không muốn có quan hệ tình cảm với học sinh khiêu vũ.  Nếu John muốn dùng việc khiêu vũ để tìm cách làm quen với nàng, điều này chỉ làm phí thì giờ của chàng. Tuy nhiên John trở nên thật sự đam mê và rất có năng khiếu vì thế mọi người thuyết phục John nên tham gia tranh giải khiêu vũ cho những người mới bắt đầu.  Vì vắng nhà thường xuyên và có nhiều cử chỉ bất thường nên vợ chàng Beverly (Susan Sarandon) nghi ngờ chồng ngoại tình nên thuê thám tử theo dõi.  Khám phá ra John dối mình, Beverly lẳng lặng dẫn con gái đến nơi John tranh giải khiêu vũ.  Nhận ra vợ và con đang xem mình biểu diễn John mất tập trung và đạp lên váy áo của người khiêu vũ với mình làm cho cô nàng đứng trần truồng trên sân khấu.

Vì có rất ít thời gian để John tập dượt,  Paulina bảo John đến lớp sau giờ học và cô sẽ dạy riêng cho John một giờ.  Đó là một bài Tango có tên Santa Maria (Del Buen Ayre).  Đây là một đoạn phim rất khó diễn đạt.  Jennifer Lopez ngoài việc phải trình diễn những bước tango rất khó rất đẹp, cô còn phải diễn đạt tâm hồn của cô đi từ chỗ tưởng nhớ đến quá khứ trình diễn với người yêu cũ, một mặt phải chống đối với sự cám dỗ sự quyến rũ của một người đàn ông lịch thiệp đẹp trai và cô biết là ngưỡng mộ dung nhan lẫn tài hoa của cô.  Đoạn tango này là tango của Mỹ, ở đoạn mở đầu vùng giao tiếp của hai người là phần dưới của thân hình.  Chân của họ đan vào nhau.  Khán giả có thể nghe được tiếng thở gấp như tiếng rên khẽ của Paulina khi chân của John luồn vào giữa hai chân của nàng.  Phần thân trên của hai người cách xa nhau với những cái quay đầu thật nhanh , rất sắc sảo.  Dường như để chống chọi với sự giao động mãnh liệt trong tâm hồn lẫn thể xác, cô bỏ chạy vào bên trong.  Phần thứ nhì hai người trình diễn tango theo lối mở, Agentino tango thường đi những bước như thế này.  Vẫn còn bị giao động cô rời sàn khiêu vũ lần nữa và lần thứ ba thì hai người tuyệt đối thả hồn theo điệu nhạc.  Vẻ mặt của Paulina đầy mê đắm, gợi cảm, dường như trong thân thể cô là một dòng lửa đang cháy bỏng và cô dường như tâm hồn cô sống lại theo điệu nhạc tango.  Khi điệu nhạc chấm dứt cô dặn John ‘be this alive tomorrow’ (Ngày mai cố mà giữ cảm giác sống động như thế này khi trình diễn)

Beverly hiểu chồng mình chỉ đam mê khiêu vũ chứ không phản bội.  Hai người trở lại với hạnh phúc ban đầu và Paulina thì sẵn sàng quay trở lại với nghệ thuật khiêu vũ.  Cô đã gạt những đau buồn về phía sau lưng và hướng đến tương lai.

Cell Block Tango

Nếu nói về mức độ tối tăm độc ác tội lỗi của thế giới sân khấu, Chicago tối tăm, độc ác, tội lỗi hơn Moulin Rouge.  Trong Moulin Rouge khi ghen tuông người ta dằn dỗi, khóc lóc.  Trong Chicago người ta không ngần ngại giết người.  Tuy nhiên Moulin Rouge là bi kịch, trong khi Chicago người ta biến bi kịch thành hài kịch vì thế phần thú vị có phần tăng lên vì người ta không còn cảm thấy giết người là một tội lỗi ghê gớm nữa!

Velma Kelly (Catherine Zeta-Jones) sau khi bắn chết người đi lên sân khấu diễn tuồng như không có gì xảy ra.  Roxie Hart (Renee Zellweger) đứng xem mà mơ ước được diễn xuất trên sân khấu như Velma.  Ước mơ được làm diễn viên đã đẩy Roxie và chỗ bị lợi dụng.  Fred Casely dụ dỗ Roxie ngủ với hắn thì hắn sẽ giới thiệu người quen để Roxie được diễn xuất như Velma vậy.  Khi phát giác là Fred chỉ dối gạt và hắn lại ruồng rẫy đánh đập Roxie, cô lấy súng của chồng bắn Fred chết.  Khi vào tù Roxie gặp Velma, thần tượng của mình ở chung tù ở County Cook.  Đêm đầu tiên ở trong tù Roxie bị nhốt chung với 6 người đàn bà mang tội sát nhân.  Có người đã bị tuyên án và nếu kháng án không thành công sẽ bị tử hình.  Sáu người này ở trong nhóm gọi là Cell Block Tango.  Và màn biễu diễn tango được dùng để kể lại câu chuyện họ đã giết người như thế nào.

Họ bắt đầu bằng những tiếng hầu như vô nghĩa Pop, Six, Squish, Uh-Uh, Cicero, và Lipschitz.

Tất cả những người này đều có chung một câu chuyện được diễn tả bằng một bài hát chung.

“Hắn biết chuyện sẽ xảy ra như thế.  Hắn chỉ có thể tự trách mình mà thôi. Nếu mà bạn ở vào lúc ấy.  Nếu mà bạn nhìn thấy chuyện xảy ra.  Bạn cũng sẽ làm như chúng tôi thôi.”

Liz là người giải thích chữ Pop.  Bernie, chồng hay người yêu của cô, hay ăn kẹo chewing gum và thổi miếng gum nghe pop.  Có một ngày cô đi làm về mệt mỏi, khó chịu mà anh ta cứ nằm ườn trên ghế sô pha tay cầm lon bia, miệng thổi kẹo cao su nghe pop pop.  Cô tức mình hăm dọa anh mà còn làm thế thì sẽ biết tay tôi.  Khi anh ta pop, cô với tay lấy cây súng trường treo trên vách tường.  Cô bắn hai phát dọa thôi nhưng vào đầu anh ta.

Annie giải thích chữ six.  Cô gặp Ezekiel Young ở Salt Lake Ciyt hồi hai năm về trước.  Anh ta nói anh ta độc thân.  Hai người thích nhau và bắt đầu sống chung với nhau.  Cô phát giác là anh có sáu vợ vì thế cô cho anh uống thuốc độc.

June giải thích chữ squish.  Cô đang đứng trong nhà bếp thái thịt, thì anh chồng ở đâu chạy về và lên cơn ghen bóng gió.  Anh ta buộc tội June đã ngoại tình với anh bán sữa xong rồi anh ta chạy lủi vào con dao thái thịt của June mười lần.

Hunyak là một người Hungary nói uh-uh.  Cô là vũ nữ ballet.  Cô nói tiếng Hung nên không ai hiểu cô nói gì chỉ biết cô khóc và trả lời là cô không có tội khi có người hỏi cô có giết người hay không.

Velma giải thích chữ Cicero.  Velma có người em gái tên là Veronica, thường hay diễn chung với cô trên sân khấu.  Chồng của Velma tên là Charlie thường đi chung với đoàn diễn.  Họ diễn chung nhiều vở kịch trong đó có nhào lộn nhiều thế có tên là tách rời, dang tay chân như con ó đang xòe cánh, lộn người ra phía sau, v.v…  một hôm họ đang ở trong khách sạn Cicero, Velma đi lấy thêm nước đá, khi trở về cô thấy Charlie và Veronica đang làm động tác số 17 và ó bay.  Cô giận đến độ cô quên tất cả mọi việc chỉ khi cô rửa tay dính máu cô mới biết là hai người kia đã chết. Họ là những người đã ngắt một cánh hoa đang hồi đẹp nhất và vùi dập nó thế thì tại sao người ta lại bảo tôi là kẻ sát nhân chứ?

Mona là người giải thích chữ Lispchitz.  Cô yêu anh ta nhiều hơn cô có thể nói thành lời.  Anh ấy là một người rất nghệ sĩ, một họa sĩ rất  nhạy cảm.  Nhưng anh ta đang cố gắng tìm kiếm chính bản thân mình.  Đêm nào anh ấy cũng đi để tìm chính mình và trên đường anh gặp Ruth, Gladys, Rosemary và Irving (ba người đàn bà và một người đàn ông)  Tôi đoán là chúng tôi nên chia tay vì chúng tôi không có cùng quan điểm nghệ thuật.  anh ấy nhìn thấy anh ấy còn sinh động trong khi tôi nhìn thấy anh ta đã chết.

Phần Ba trong loạt bài Tango.  Còn tiếp.

Moulin Rouge – El Tango De Roxanne

Moulin Rouge hấp dẫn tôi khi tôi tình cờ nghe Ewan McGregor hát một câu trong một bài hát quen thuộc của phim The Sound of Music.  “The hills are alive, with the sound of music.”  Giọng hát rất mạnh tuy không ngọt ngào bằng giọng của Julie Andrew, thế là tôi ngồi xuống ghế và xem cho đến hết phim.  Đây là một loại phim tình cảm lãng mạn sướt mướt như cái kiểu Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài xảy ra ở Paris vào năm 1899, trong khu phố Montmartre nơi qui tụ nhiều nghệ sĩ và họa sĩ đang vất vả kiếm sống.  Christian là nhà văn người Anh rất nghèo đang cố tìm cách gia nhập các đoàn hát Bohemien với mục đích viết kịch bản cho họ để kiếm sống.  Định mệnh đẩy đưa, Christian (Ewan McGregor) gặp Saltine (Nicole Kidman) một nữ nghệ sĩ rất đẹp và rất nghèo đang làm việc cho một đoàn hát sắp sập tiệm của ông bầu Zilder chủ nhân của đoàn hát Moulin Rouge.  Saltine có nhiệm vụ phục vụ một tên nhà giàu Duke làm cho hắn vui lòng để hắn bỏ tiền ra đầu tư vào đoàn hát.  Tuy nhiên Christian và Saltine yêu nhau làm cho Duke lên cơn ghen.  Hắn ra lệnh Saltine phải ngủ với hắn và Christian phải bỏ đi thật xa nếu không Duke sẽ cho người giết chết.  Để bảo vệ Christian, Saltine bảo với Christian là nàng chọn Duke vì hắn ta có thể cung cấp vật chất cho nàng.  Đồng thời Saltine cũng được Zilder bảo cho biết là nàng bị lao phổi trầm trọng.  Christian đã viết một vở nhạc kịch về một nhà nhạc sĩ sita rất nghèo yêu một cô diễn viên người Ấn rất đẹp là đối tượng của một ông hoàng maharaja.  Vì ghen tuông Duke ra lệnh vở kịch phải thay đổi theo ý hắn, có nghĩa là người nữ diễn viên phải lấy ông hoàng maharaja.  Christian vì hiểu lầm tình yêu của Saltine nên xuất hiện trong đêm trình diễn mang tiền đến thóa mạ Saltine bảo rằng để trả tiền những lần hai người ân ái.  Điều này làm đau khổ tổn thương Saltine vô cùng nhưng Toulouse một người nghệ sĩ diễn chung biết được tình yêu chân thật của hai người và biết người của Duke đang tìm cách giết Christian.  Từ trên giàn kéo màn Toulouse hát to là “điều làm cho người hạnh phúc nhất trên đời là khi yêu mà được đền đáp tình yêu.”  Câu hát này làm Saltine và Christian tỉnh ngộ và cả hai cùng hát bài hát tình yêu hai người đã bí mật tập dượt từ trước để chống lại lệnh của Duke.  Kiệt sức vì bệnh lao và tổn thương tâm hồn, Saltine qua đời đêm trình diễn trong sự hoan nghênh nhiệt liệt của công chúng.  Sau nhiều ngày đau đớn vật vã vì mất Saltine, một hôm Christian ngồi vào trước cái máy đánh chữ cà tàng của anh rồi bắt đầu viết lại chuyện tình đầy nước mắt.

Trong phim này có lồng vào một đoạn tango.  Khi Saltine đến gặp Duke ở lâu đài của hắn để hiến thân và thuyết phục Duke cho vở kịch được diễn tiến.  Tất cả những diễn viên ca múa trong đoàn Moulin Rouge ngồi chờ tin với tâm trạng nóng nảy khắc khoải.  Christian thì đang ghen điên cuồng khi nghĩ đến Saltine thuộc vào vòng tay của Duke.  Một diễn viên trong đoàn khuyên Christian không nên yêu một người đàn bà bán thân mình vì trước sau gì họ cũng gây đau khổ cho mình bằng cách phản bội, bởi vì khi không có sự tin tưởng vào nhau thì sẽ không có tình yêu.

Trong khi chờ đợi họ kéo nhau ra sàn khiêu vũ Tango.  Khiêu vũ cũng là một cách để cho vơi bớt những uất ức lo lắng đang chồng chất trong tâm hồn của họ. Tối qua khi viết đoạn trên tôi buồn ngủ quá và cũng chỉ muốn tóm tắt ngắn gọn cho hợp với blog, nên không nói là để phục vụ đam mê diễn xuất và trở nên nữ diễn viên chính thống, Saltine phải làm điếm.  Trong phim người ta dùng chữ courtesan.  Và cũng có nhiều cô cũng làm như thế.  Trong đó có Roxanne là người ghen tị với Saltine khi thấy nàng được Duke chú ý và Christian yêu si mê.  Roxanne là người đã vạch ra cho Duke thấy là vở kịch chỉ là một cách đôi tình nhân thể hiện tình yêu của họ.  Bởi vì rất vô lý khi một nữ diễn viên chịu đi theo một anh chơi đàn sita mà từ chối ông hoàng.  Qua lời hát thì Roxanne cũng hành nghề làm điếm và người yêu của cô cũng đang mang tâm trạng như Christian.  Anh van nài Roxanne đêm nay đừng thắp đèn đỏ báo hiệu mình sẵn sàng tiếp khách.  Đừng mặc cái áo hở hang đi trong đêm để gọi mời.  Anh bảo rằng cô không nên bán thân bất kể lẽ phải trái.

Màn Tango trong phim này đầy phẫn hận, đau đớn, dày xéo chứ không nhẹ nhàng pha tí ngượng ngập tươi trẻ như màn tango trong phim Scent of a Woman. Những bước tango trong bài này cũng thể hiện sự giận dữ thù hằn bằng những cú xô mạnh bạo nhưng những cái vuốt ve cũng thật loạn cuồng, đầy đam mê, hận thù. Một cô điếm và một chàng trai yêu nhau.  Ban đầu là ước ao, rồi mê đắm, rồi ghen tương, rồi thù hằn rồi mất lòng tin.  Hễ không còn lòng tin tình yêu rồi cũng mất.  Bài hát là tiếng gào nhức nhối của một người đang yêu và đang lên cơn ghen tuyệt đỉnh. 

Đây là phần thứ nhì trong loạt bài nói về những phim có Tango.  Vì tôi chưa biết rõ là tôi muốn viết gì về Tango nên tạm thời xem như mình đang điểm phim vậy.

Tango – Scent of a Woman

Suốt ngày hôm qua tôi chẳng làm gì (có ích lợi).  Đọc tiếp (lần thứ nhì, ghi chú đầy chừng mấy chục cái index card) quyển Snow, chỉ còn vài trang nữa là đọc xong.

Nghe nhạc.  Nhạc Việt Nam nghe rầu rã ruột.  Một bài của Trần Quảng Nam “Chờ người đến cơn mưa dường như không dứt, mùa mưa vẫn còn.”  Mưa ở đây cũng không dứt, dây dưa mãi chừng như sắp làm cho … thối đất.  Nghe bài To be by Your Side của Nick Cave do chính tác giả hát.  Bài này là một bài hát đệm trong phim Winged Migration. Một phim tài liệu về các loài chim làm những cuộc thiên di hằng năm, bay cả ngàn dặm, có khi cả chục ngàn dặm, vượt đại dương, và dĩ nhiên có nhiều khi chết giữa chuyến đi.  Những lần xem chim hay bướm thiên di tôi vẫn hay liên tưởng đến dân tộc tôi cũng vượt biển đi tìm cuộc sống. Bài hát quyến rũ tôi bằng tiếng khánh dạo đầu, tiếng gõ nhịp nghe như tiếng tim đập mạnh của loài chim bay kiệt sức, và lời hát như lời của người (tình) hứa sẽ về hay.  Vượt vạn dặm chỉ để ở một đêm bên cạnh người để hỗ trợ tinh thần và ngày mai sẽ lên đường dung rủi với định mạng. “For I know one thing, love comes on a wing, for to night I will be by your side, but tomorrow I will fly.”  Bởi vì tôi biết một điều, tình yêu đến trên đôi cánh, và đêm nay tôi sẽ ở bên em/anh, nhưng ngày mai tôi sẽ bay đi.

Xem phim.  Đã xem, thật ra là xem lại, Moulin Rouge (Nhà máy xay bằng gió màu đỏ).  Scent of a Woman (Mùi đàn bà).  Hiện có trong tay những phim sau đây đang chờ xem lại: Captain Corelli’s Mandolin (Cây đàn Măng đô lin của đại úy Corelli), Shall We Dance (Chúng ta khiêu vũ nhé), Tango, Chicago, The Last Tango in Paris (Bài Tango Cuối Cùng ở Paris).  Tất cả những phim này tôi đã xem.  Một điểm chung của chúng là phim nào cũng có một màn Tango rất … “hot.”  Còn một phim nữa cũng có Tango đó là một phim của về Điệp viên 007 James Bond, Never Say Never, nếu tôi nhớ không lầm, trong đó diễn viên Kim Bassinger và Sean Connery làm một màn Tango cũng khá đẹp mắt, nhưng tôi quên không mượn ở thư viện.  Tuy tất cả đều có xen vào một màn Tango nhưng không bài Tango nào giống bài Tango nào cả.

Xem Moulin Rouge trước, nhưng lại muốn nói về phim Scent of a Woman trước.  Cả hai phim đều rất hay.  Mouline Rouge là một phim tình cảm lãng mạn, rất có nhiều màn hấp dẫn, trang phục hào nhoáng của giới trình diễn trên sân khấu và các màn vũ can can rất đẹp mắt.  Tuy nhiên Scent of a Woman thu hút tôi nhiều hơn vì phim chất chứa nhiều loại tình cảm trong đó có phẫn hận, tiếc nuối, ăn năn, lỗi lầm, cao ngạo, tình người, lòng nhân hậu, phẩm cách, etc.

Scent of a Woman, dịch sát nghĩa là Mùi của một người đàn bà.  Mùi thì không nhất định phải thơm.  Một hàm ý rất trần tục, đầy nhục dục, và rất thực tế.  Tôi muốn dịch là Mê Hương nghe nhẹ nhàng hơn nhưng lại thiếu cái tính chất rất thực tế, rất … người.  Mùi đàn bà là một thứ mùi rất quyến rũ.  Đã biết là mê.  Xin lỗi bạn đọc nào tình cờ đi ngang đây vì những lời sống sượng này nhé.

Người mê mùi đàn bà trong phim là Frank Slade một Lieutenant Colonel (cấp bậc này là Trung tá phải không?) do Al Pacino thủ vai.  Frank là một quân nhân đã về hưu, nghiện rượu, tính tình cộc cằn, khó chịu, dở dở điên điên.  Ông hiện đang sống chung với gia đình của một người cháu gái.  Cô cháu cần phải đi về thăm gia đình chồng nhân dịp lễ Tạ Ơn và vì thế cần có người trông chừng ông.  Sau một tai nạn trong khóa huấn luyện quân sự mắt ông dần dần bị mù.  Bị mất thị giác nên cách ông thưởng thức cái đẹp của một người phụ nữ chỉ còn lại khứu giác.  Dĩ nhiên là còn xúc giác nhưng đâu phải lúc nào người ta cũng được phép đụng vào người đàn bà.

Charlie Simms do Chis O’Donnel, một diễn viên có gương mặt rất ngây thơ, nhân hậu, và rất đẹp trai, thủ vai; là một học sinh nghèo.  Đang học ở một trung học gần đấy, vì muốn có tiền về thăm nhà vào dịp Giáng sinh, Charlie nhận lời trông chừng ông Trung tá mù rất khó tính, rất quậy, chửi thề như phu bến tàu, ngạo mạn, nóng nảy, hung hăng.  Charlie đến làm việc trong tâm trạng rối bời do một việc mới xảy ra trước đó.  Charlie tình cờ cùng với George một bạn học tình cờ chứng kiến một nhóm học sinh tổ chức trò quấy rối để chọc giận và hạ nhục vị hiệu trưởng tên Trask.  Ba học sinh đã cho plaster (một loại bột gồm có thạch cao và cát vôi dùng để tô lên vách tường) vào bong bóng treo lên cột đèn ngay bên trên chỗ đậu xe của hiệu trưởng) trên bong bóng có hình ảnh tục tĩu chế nhạo Trask là một người ham quyền thế, cao ngạo, thượng đội hạ đạp, học sinh tuy sợ nhưng không kính trọng.  Đây là một trung học rất danh tiếng đa số là học sinh là con nhà giàu có chức phận.  Charlie được học trong trường này nhờ học bổng.  Ba học sinh này chờ cho Trask lái xe đậu vào chỗ dành riêng cho ông ta, cho bơm bong bóng phồng lên, và dùng loa phóng thanh của nhà trường đọc những câu thơ rất tếu để trêu ngươi ông hiệu trưởng.  Mác kế đám học sinh quỷ quái, Trask leo lên thành xe, dùng chìa khóa đâm thủng bong bóng và vì thế plaster đổ tung tóe lên xe, lên đầu ông hiệu trưởng.  Biết là Charlie và George có thể nhận dạng ba học sinh này, Trask dùng áp lực bắt George và Charlie phải khai.  Bố của George là người có thế lực nên có thể giúp con của ông ta thoát khỏi áp lực của Trask.  Charlie là học sinh nghèo, sống với mẹ và bố dượng, nếu không khai thì sẽ mất học bổng và bị đuổi học, nếu khai thì sẽ bị bạn học tẩy chay.

Frank Slade không báo trước, bắt Charlie phải hộ tống ông ta đi thăm gia đình người anh của ông trong dịp lễ tạ ơn.  Vì thái độ thô lỗ cộc cằn của ông cả gia đình anh ông trong đó có vài người con trai của người anh đã không nhịn lời.  Qua những lời phản pháo của Randy, cháu của Frank, Charlie được biết Frank bị mù vì tai nạn do ông biễu diễn lựu đạn trong cơn say và vì bản tính kiêu ngạo của ông.  Lời qua tiếng lại chỉ có Charlie lên tiếng bênh vực Frank vì bản tính nhân hậu và có lẽ cũng do lối giáo dục gia đình, Charlie quan niệm trong lễ tạ ơn, mọi lỗi lầm nên được tha thứ và tình gia đình phải được tôn trọng.

Những diễn biến xảy ra dần dần giúp Charlie, một thanh niên rất nhạy cảm, nhận thấy Frank không phải là người xấu.  Thái độ không hay của Frank là do bởi ông bị trầm cảm với sự tật nguyền của mình và những ray rức vì những điều đáng tiếc xảy ra do bản tính kiêu ngạo của ông.  Frank dự định hưởng thụ lần cuối cùng sau đó sẽ tự tử vì thế trong chuyến đi để thăm người anh lần chót Frank đã dùng tất cả tiền dành dụm để sống thật xa hoa.  Đặt phòng trọ trong Waldorf-Astoria, ăn nhà hàng đắt tiền, mỗi cái hamburger trị giá 24 đô la, uống rượu whiskey như hũ chìm, đặt gái ngủ hạng sang, đặt vài bộ com lê có thợ đến tận phòng để đo, di chuyển bằng limousine và máy bay vé hạng nhất, và Frank thực hiện được một mơ ước khá điên rồ ông ấp ủ đã lâu nhưng là lái xe Ferrari một loại xe thể thao đắt giá.  Thế là ông mù lái xe làm Charlie sợ tím mặt.  Nếu không có cảnh sát chận lại chắc là Charlie đã lên thiên đàng trong khi Frank “sẽ phải cúi đầu đi vào địa ngục.”  Ngay cả anh cảnh sát lưu thông cũng bị đánh lừa nên không biết anh mù lái xe và rất nể ông Trung tá có một thời oanh liệt nay đã về hưu nên tha cho không phạt.  Frank có lối nói rất thuyết phục, rất hùng biện, đầy hiểu biết và làm người ta kính trọng lẫn tin cậy.  Biết Frank sắp đặt để tự tử, ông đã mặc cả bộ quân phục để được chết trong tư thế đáng kính trọng, Charlie cản ngăn, không kể cả an nguy của tính mạng.  Lòng can đảm và sự nhân hậu của Charlie đã cảm hóa được Frank.  Ông cảm nhận được tấm lòng phi thường của chàng thanh niên hiền lành khi ông nói rằng “Tao đã phản kháng với tất cả mọi chuyện trên đời và tất cả mọi người chỉ vì làm như thế làm tao cảm thấy mình là người quan trọng, còn chú mày, chú mày phản kháng bởi vì … chú mày tin là đó là điều phải.  Chú mày thật sự có phẩm cách, Charlie.  Tao không biết là nên bắn chú mày hay nên nhận chú máy làm con nuôi.”

Biết được sự lo lắng bị đuổi học của Charlie, Frank đến tham dự buổi họp hội đồng kỷ luật mà Trask đã lập ra như một phiên tòa để hỏi cung George và Charlie trước mặt toàn thể học sinh (để hăm dọa ngăn ngừa học sinh sợ không dám tái phạm về sau) cũng như ban giáo sư.  Frank đã dùng tài hùng biện cùng với lối nói rất thật, rất đơn giản đến tục tằn, thuyết phục cả hội đồng kỷ luật.  Charlie được hối lộ để khai tên những học sinh đã hạ nhục ông hiệu trưởng, nhưng Charlie đã không bán rẻ ai để mưu cầu tương lai của chính mình.  Frank nói ông đã từng thấy những thanh niên tuổi này, có khi còn trẻ hơn tuổi này đã bị nổ tan xác, hoặc ít ra mang thương tích và thể xác trở nên tật nguyền.  Thật đáng buồn khi nhìn một thể xác tật nguyền nhưng không có gì đáng buồn hơn là nhìn thấy những tâm hồn què quặt.  Lời nói hùng hồn của ông đã chiếm được lòng hội đồng kỷ luật.  Có lẽ mọi người đều lấy làm thú vị khi nhìn thấy đám học trò làm nhục một ông hiệu trưởng ăn hối lộ, nịnh nọt, hay bắt nạt người yếu thế nhưng không ai dám phản kháng.  Nay có một ông mù dám mắng Trask chan chát và mắng rất đúng, nên mọi người đều đồng ý tha bổng Charlie.  Phim kết thúc với vẻ thư thái của Frank, dường như ông tỉnh ngộ là những chuyện sai lầm trên đời nên được tha thứ, không phải chỉ tha thứ cho người khác mà còn phải tha thứ cho chính mình.  Và trên đời vẫn còn tình người, như tình bạn vong niên giữa Frank và Charlie.

Và bây giờ tôi xin nói về màn Tango trong phim Mùi Đàn Bà.  Frank Slade, ông Trung Tá mù, chướng đời, nói tục một cây, là mặt bên kia của một ông Trung tá đã một thời ăn chơi nức tiếng, hào hoa và đào hoa.  Trở nên tật nguyền, ông ghét đời, ghét cả chính mình, nhưng ông vẫn còn rất yêu đàn bà.  Frank không ngừng mơ ước được yêu, được ôm một người đàn bà vào trong lòng, ngủ suốt đêm và thức giấc người ấy vẫn còn bên mình.  Trong phim có một đoạn rất tục nói về những bộ phận sinh dục của người đàn bà trong đó tiếng Anh không phân biệt giữa tóc và lông rất thú vị nhưng không tiện nói ra ở đây sợ phật ý bạn đọc.  Vì khiếm thị nên ông nhận xét vẻ đẹp của người phụ nữ qua mùi nước hoa họ dùng.  Trong phim rất nhiều lần Frank Slade nói vanh vách tên mùi xà phòng hay nước hoa của phụ nữ làm họ ngạc nhiên và thú vị trước sự tinh tế của ông.  Dường như ông quan niệm mỗi người phụ nữ chỉ thích hợp với một mùi hương nào đó và rất vô thức, họ sẽ chọn nước hoa phù hợp với cá tính và nhan sắc của họ.  Khi Frank và Charlie xuống nhà hàng của khách sạn để ăn, Frank ngửi thấy mùi thơm tinh khiết của một loại xà phòng.  Frank đoán, rất đúng, người dùng loại mỹ phẩm này là một cô gái rất đẹp, vẫn còn chút ngây thơ, trong trắng.  Frank bắt Charlie cùng với mình sang xin phép được ngồi chung bàn với Donna (Gabrielle Anwar), cô đang đợi vị hôn phu của mình đến hơi muộn.  Sau khi dăm câu chào hỏi nhạc trổi lên dìu dặt và ban nhạc đang chơi Tango.  Frank hỏi Donna có thích khiêu vũ không cô trả lời cô biết ít, muốn học thêm nhưng vị hôn phu không tán thành.  Frank đề nghị sẽ dạy cho Donna vài bước.  Charlie định hướng cho Frank và chỉ cần có thế Frank dìu Donna ra sàn khiêu vũ đang trống chỉ có hai người.  Bài khiêu vũ hay ở chỗ Donna vẫn giữ những bước ngượng ngập của một người chưa quen và Frank hoàn toàn thôi miên khán giả với những bước khá điêu luyện.  Cái thú vị ở đây là bài khiêu vũ chỉ bao gồm những bước căn bản mà một người có học qua đôi chút có thể biểu diễn nhưng không ai biết người đang thống trị sàn nhảy là một người khiếm thị.  Bắt đầu bằng Tango close, Frank đã ông xoay, đẩy, bẻ ngữa, hất ra xa, cuốn Donna vào vòng tay ông rất nhẹ nhàng điệu nghệ làm Donna đi từ thảng thốt đến thán phục và người xem nhất là Charlie với vẻ mặt sáng sủa hồn nhiên như thiên thần nhìn một cách vô cùng ngưỡng mộ.  Bản nhạc kết thúc và điệu Tango chấm dứt khi một chân của Donna quấn nhẹ nhàng lên chân của Frank rất gợi cảm. Khán giả vỗ tay và người tình của Donna mới bắt đầu xuất hiện.  Anh hôn phu kéo Donna đi và cô nàng vẫn còn ngoái lại nhìn một người đàn ông rất hào hoa, gặp một lần và chắc là mãi mãi khó quên bài Tango độc đáo.

Với tôi đoạn phim này tạo ấn tượng rất mạnh ở chỗ nó nói lên tâm tình của một người phụ nữ còn rất trẻ, chưa thành hôn mà đã cô đơn vì bị lãng quên bởi vì người yêu lo bận bịu với công danh sự nghiệp.  Tôi cảm nhận được sự khao khát được tango của Donna và càng khao khát hơn được tango với người tình của nàng .
Khi Donna ngó ngoái lại dường như trong ánh mắt Donna tự hỏi mình có chọn lầm người không?  Một hạnh phúc rất nhỏ rất đơn sơ là được khiêu vũ mà không bị cấm đoán hay phê phán, được bước cùng một nhịp tango như cùng nhịp sống trong đời.  Tango là một điệu khiêu vũ rất đam mê và hai thể xác rất cận kề quấn quít.   Tango thật sự mê đắm khi hai người có thể dựa vào nhau, tin cậy thân xác của nhau.  Khi chân của Donna quàng lên chân của Frank ở cuối bản khiêu vũ, người xem có thể cảm nhận được Donna đã bắt đầu quen và cởi mở hơn với Frank, như trong vô thức tâm hồn và thể xác của nàng bắt đầu mở ngõ.  Frank đã chinh phục được sự thân thiện ấm áp trong lòng nàng.

Còn tiếp.  Đây chỉ là bản nháp của đoạn đầu trong một loạt bài bao gồm chừng bốn hay năm đoạn như thế này.  Tôi chỉ viết chơi chưa biết sẽ viết gì diễn tiến ra sao và kết thúc ở đâu như thế nào.  Tôi xem đây là một trò chơi và có thể tôi sẽ chán và bỏ dở như bản tính của tôi vẫn thế.  Tôi mê Tango, muốn viết một cái gì đó về Tango mà tôi cũng chưa biết là tôi muốn viết gì.