Lá thư từ Provence

bậc thang
Một trong những bậc thang ở Grasse

Provence, ngày… tháng… năm…

Anna, cô bạn nhỏ thân mến,

Trước nhất tôi xin lỗi Anna. Tôi gọi Anna là bạn nhỏ, mà Nora cũng là bạn nhỏ. Tôi sợ Anna phiền bảo rằng đặt Anna ngang hàng với loài vật. Cùng là bạn nhỏ nhưng tôi quí mến Anna kiểu khác, còn Nora kiểu khác. Mỗi “người” một vị trí khác nhau.

Và tôi xin lỗi đã chậm viết thư. Tôi nấn ná ở nơi đây hy vọng tìm lại được hành lý, nhưng không được như ý. Tôi điều đình với ông bà chủ quán trọ xin được lưu lại  một thời gian. Ông bà vui vẻ đồng ý với giá phải chăng, như thuê nhà trọ hằng tháng chứ không trả với giá B&B. Với ông bà, tiền thu nhập quán trọ không phải là điều chủ yếu. Ông bà mở quán cho đỡ buồn lúc tuổi già và có lẽ để duyên may đưa đẩy gặp một người dễ thương (mà chẳng ai thương) như tôi. Có tôi thuê phòng trọ như có thêm người bạn, chuyện ăn uống thì coi như thêm đũa thêm bát. Tôi ở đến khi nào muốn đi thì đi. Không biết chừng tôi sẽ như những người thời Homer, đến vùng đất lạ, gặp loại hoa sen hay củ sen, ăn vào rồi quên đường về cố hương. Hay sẽ như những người trong ca dao mà ông bà mình đã hát rủ rê:

Tới đây thì ở lại đây.
Bao giờ bén rễ xanh cây mới về.

Tôi ở VN hơn hai mươi năm nhưng gốc rễ đã bị nhổ. Ở New Jersey hơn ba mươi năm, rễ không bén, cây không xanh. Cố hương của tôi là nơi đâu? Người ta nói quê hương là nơi có người mình yêu thương ở. Thế thì New Jersey phải là quê hương của tôi vì nơi ấy có Nora.

Tôi nói như một anh chàng dẻo mồm. Nếu tôi thật sự yêu mến Nora tôi đã chẳng để người bạn già của tôi ở lại với cô mà đi chơi nước ngoài. Nora đến tháng Năm này là mười tuổi, tương đương với một người ở tuổi sáu mươi. Câu hỏi Anna đặt về tình trạng của Nora khiến tôi khó trả lời. Tôi hy vọng khi thư này đến tay Anna thì Nora đã khỏi bệnh hay bớt hẳn đi. Loài vật, trời cho khả năng tự chữa hay mau lành bệnh, bởi vậy mới tồn tại đến ngày nay dù sống một cách hoang dã. Đôi khi tôi nghĩ bác sĩ thú y cũng chỉ đoán mò chữa mò. Cứ gợi xem chủ nhân của thú vật có khả năng hay chịu bỏ tiền ra để mua lấy sự an tâm của chủ nhân. Tôi e rằng những thứ thuốc trụ sinh tống vào con vật có thể gây tổn hại nhiều hơn. Nếu cần phải mang Nora đi bác sĩ, năm ba trăm đồng tôi xin được hoàn lại Anna. Còn nếu như Nora bị bệnh nan y như ung thư chẳng hạn, thì sao? Tôi thật không thể trả lời ngay lúc này. Có người thân bị bệnh thì phải chữa cho dù biết là chữa không khỏi. Nora có một thân tình đặc biệt với tôi nhưng nàng không phải là người yêu, hay vợ. Tôi cũng không muốn phải bán nhà để chữa bệnh cho Nora vì như thế thì tôi sẽ bị mất chỗ ở, còn Anna và bé May thì… . Thôi để lúc ấy hãy tính. Cám ơn Anna đã thay tôi chăm sóc Nora.

Tôi thật không thể phân biệt rõ ràng sự khác nhau của Grasse và Provence. Grasse có nhiều con dốc cao và dài. Để ngắm cảnh thành phố ở Grasse đi bộ có lẽ dễ hơn lái xe, nếu người ta đủ sức khỏe để bước hằng trăm bậc thang. Những viện bảo tàng nổi tiếng trên thế giới lưu trữ tài liệu dụng cụ chế biến nước hoa tôi vẫn chưa đến xem. Provence thì có nhiều vườn nho bát ngát. Mùa này lá nho đã bắt đầu lên xanh. Màu xanh làm tôi nhớ đến New Jersey lúc này cũng đã xanh biếc. Và tôi nhớ đến những cơn mưa tháng Năm ở New Jersey. Mưa giữa mùa tháng Năm. Tay đan sầu kỷ niệm. Có lẽ so sánh Provence với New Jersey thì dễ hơn.

Một điểm tương đồng của Provence và New Jersey là cả hai thành phố đều có rất nhiều cây plane trồng dọc theo hai bên đường chụm đầu vào nhau thành một con đường đầy bóng râm. Cây plane ở New Jersey còn gọi là cây sycamore. Thấy rõ nhất là những vườn cây olive ở Provence mà tôi không thấy ở New Jersey. Thỉnh thoảng trên đường lái xe đi làm về tôi có nhìn thấy một vài cây người ta trồng trước nhà nhưng ở xa không biết chắc đó có phải là cây ô liu hay không. Cảnh đẹp của Provence thì dễ thấy, chỉ cần lên mạng gõ vài chữ là tìm thấy ngay. Tôi chỉ xin kể Anna nghe những gì tôi nhìn thấy ở Provence mà không nhìn thấy ở New Jersey. Màu đất đá ở đây xam xám, hơi giống như màu vách tường stucco, nhưng nhìn là biết đất đá địa phương, đặc biệt không lẫn vào đâu được. Cũng có những ngôi nhà đất đá màu đỏ hồng, nhưng rất khác loại brownstone màu hồng hồng ở New York. Và màu nắng thì tuyệt vời. Nắng ở đây, chiếu theo đường xiên xiên, những buổi chiều tà tôi so sánh thường với nắng ở New Jersey. Nắng ở đây dường như vàng hơn, dịu hơn mát mẻ hơn.

Ngõ vào nhà trọ khá hẹp. Hai bên là tường đá xám cao khỏi đầu người. Chen giữa tường đá xám là tường vôi màu vàng của vài ngôi nhà trông rất Tây. Tôi tưởng tượng đến những ngôi nhà Pháp đã xây ở Việt Nam trước năm 75. Và có lẽ Anna cũng hình dung được màu vàng của tòa nhà của Toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội. Trước nhà có một cái bơm nước giếng cổ rất “hách”. Trong sân ông chủ nhà trọ làm hồ sen nuôi chục con cá koi to bằng bắp tay. Phía sau vườn ông trồng cây chuối, cây chanh rau mùi rau húng. Cây chuối ở đây thật là quí. Ông lại có nuôi một con chó càng làm tôi nhớ con mèo của tôi. Thỉnh thoảng ông đánh trần bắc thang tỉa ngọn ô liu trông vẫn còn rất là quắc thước. Trông ông còn có vẻ trẻ và khỏe hơn tôi dù ông lớn hơn tôi gần hai con giáp.

Trong lá thư mới nhất Anna có nhắc đến một điều quan trọng: sự thông cảm nỗi uất ức, bực dọc của những người không có khả năng nói. Tôi cũng đã từng trải qua một thời gian dài không thể nghe và nói vì trở ngại ngôn ngữ của người di dân. Tôi nhớ lần đầu tiên đặt chân lên phi trường Los Angeles, vào phòng vệ sinh, nhìn thấy người ta rửa tay và hong tay dưới cái máy sấy làm cho khô. Tôi bấm cái nút, máy sây bật chạy, khi tay khô tôi không biết làm sao cho máy tắt, tôi bấm lại cái nút nhưng máy không ngừng. Cuối cùng tôi bỏ đi khi máy vẫn còn đang chạy. Không biết hỏi ai vì không thể nói. Nếu có người giải thích tôi cũng chẳng biết nghe. Tôi nhớ cảm giác sợ hãi và và bất lực của người không thể nghe và nói. Những ngày đầu tiên đến Pháp, mất hành lý, tôi sống lại cái cảm giác ấy. Tôi hiểu sự khó khăn của Anna.

Tôi không biết tôi sẽ ở đây bao nhiêu lâu. Tôi mong nhận thư nghe Anna kể chuyện New Jersey. Tôi thèm có người trò chuyện mà chẳng ai buồn trò chuyện với tôi.

Mong lắm. Thân mến.

 

An

Thư Anna gửi từ New Jersey

New Jersey, ngày… tháng… năm

Ông An thân mến, 

Anna rất vui nhận được thư ông. Xin chia buồn việc ông bị thất lạc hành lý. Anna không dám cười sự bất hạnh của ông, dẫu sao ông cũng là ông chủ của Anna. Người làm việc phải luôn luôn kính trọng ông chủ nếu muốn được giữ công việc lâu dài. Anna cũng hân hạnh được làm bạn nhỏ. Thế từ giờ trở đi Anna đổi chữ ông thành chữ bạn lớn được chứ nhỉ? 

Căn nhà của ông thật tốt, không có gì rắc rối xảy ra. Ban đầu Anna thấy hơi lạ lạ vì nó vừa hẹp vừa dài, chiều dài của hai toa tàu ghép lại. Nước vẫn chảy, sưởi vẫn ấm. Thành phố vừa có hai cơn bão tuyết rất dày, nhiều nhà bị mất điện mất sưởi, nhưng căn nhà của ông may mắn được thoát nạn. Thật là xui cho ông, Provence nổi tiếng khí hậu ôn hòa, mát mẻ, nắng quanh năm. Bây giờ đã là mùa xuân rồi thế mà vẫn có mistral. Nghe nói mistral có thể xuất hiện quanh năm ở vùng Grasse và Provence. Có lẽ nó là cái thung lũng giữa hai rặng núi cao nên gió thổi thành luồng như gió thổi luồn qua hai building? Hỏi thế vì Anna không rành chuyện khí tượng và thời tiết lắm. 

Luật sư Vinh, hướng dẫn Anna làm giấy tờ chuyển tiền trợ cấp của May sang cho Anna quản lý. Món tiền này, đối với Anna khá lớn, trước kia chồng của Anna lãnh vì anh ấy biết tiếng Anh nên khi làm giấy tờ khai báo anh ấy giữ hết tiền. Đáng lẽ khi Anna dọn ra khỏi nhà anh ấy phải đưa tiền số tiền ấy cho Anna để nuôi con, nhưng anh ta tham lam giữ hết. Khi món tiền được êm thấm sang tay Anna, chồng của Anna đã nổi giận đùng đùng. Cuộc ly dị của Anna đang hồi gay cấn. Hiện nay anh vung tiền thuê một công ty luật nổi tiếng về những trường hợp ly dị. Anh ta đang đòi tòa phải bắt Anna phải trả tiền alimony và cả tiền thuê luật sư của anh ta. 

Bé May rất thích trường học mới, nơi đây cháu có nhiều bạn mới quen. May thích ăn trưa ở trường và bữa ăn được miễn phí. Cháu rất thích Nora, luôn luôn muốn mang Nora vào giường ngủ chung, nhưng Nora không chịu. Từ ngày ông đi du lịch, Anna với May trở thành bạn mới của Nora, nhưng nàng vẫn giữ vẻ lạnh lùng không chịu làm thân. Khoảng một tuần nay, Nora đổi thái độ trở nên sợ hãi vô cớ. Nora tìm chỗ tối, nấp trong góc kẹt để trốn May và Anna. Điều đáng lo ngại là Nora bỏ ăn. Nora nhảy lên ngăn tủ trên cao gần chạm mái nhà, nơi có để nhiều quần áo vật dụng của ông, a, quên, bạn lớn. Mỗi buổi sáng Anna phải nhấc ghế, mang thức ăn đến tận chỗ Nora trốn, dâng lên nàng và dỗ dành mãi. Nora vẫn không chịu ăn. Buổi chiều Anna cũng làm như vậy, có khi Nora liếm láp một hai miếng rồi thôi. Sợ Nora làm vệ sinh ngay trên nóc tủ, Anna bế Nora xuống và mang nàng đến hộp cát. Chỉ trong chốc lát, Nora hớt hãi chạy vào, lại nhảy lên ngăn kệ rồi cố thủ ở đó. Thú thật, ngoài bé May, Anna chưa hề chăm sóc “ai” đến mức độ gần như hầu hạ như vậy. Anna nghĩ Nora trở thành cô chủ của mình, như thể Nora là bạn gái hay em gái của ông vậy. Cô chủ kênh kệu lạnh nhạt hay Nora phản ứng như thế chỉ vì nhớ người bạn lớn của nàng?

Anna rất lo lắng. Mới hôm qua, Nora tự cào cấu trầy mặt, trầy tai, đến chảy máu, bứt đứt cả mấy cọng ria mép. Nora tự cắn chân tay, và lưng đến chảy máu như thể có gì đó làm nàng khó chịu, ngứa ngáy hay nhột nhạt khắp người. Nora có bề gì Anna không biết phải giải thích thế nào với ông. Bé May nhất định Anna phải đưa Nora đi bác sĩ. Con bé đích thân gọi điện thoại làm hẹn và Anna phải đưa cháu với Nora đến gặp bác sĩ thú y. Tiền bác sĩ thú y khá đắt, hai lần cộng lại hơn ngàn đồng. Anna giữ hóa đơn ở đây để trình ông xem. Lưng của Nora bị cào tróc lông cả mấy chỗ. Anna chưa bao giờ cắt móng mèo, nhưng nghĩ rằng có lẽ móng của Nora ra dài gây ngứa ngáy và càng tự cào cấu nhiều hơn. 

Bạn lớn đi chơi, Anna không muốn kể chuyện không hay, sợ làm bạn lớn mất vui. Tuy nhiên Anna sợ nếu có gì xảy ra đột ngột ông lại trách Anna đã không nói từ đầu. Xin đừng nghĩ Anna xử tệ với Nora. Anna rất thông cảm và thương mến Nora. Nora hiểu cảm giác tức bực và tuyệt vọng của một người (giống như bị câm và điếc) không thể giải thích những nỗi đau đớn hay triệu chứng bệnh của chính mình. Nếu có người hiểu được sự khó khăn của Nora, người đó phải là Anna. 

Mong hãng hàng không tìm ra hành lý của bạn lớn sớm sớm. Anna có vài thắc mắc, ông tìm kiếm gì và tìm thấy gì trong chuyến du hành vào những nơi nổi tiếng này? Ông ở Provence nhưng chỉ kể chuyện Grasse. Hai địa danh này có gì khác nhau hay giống nhau? Cảm giác của bạn lớn khi ở một nơi nổi tiếng như vậy? Ở nước ngoài bạn lớn có nhớ nhà không? Nhớ nhà thì nhớ những gì? 

Anna thích viết thư tay, nhưng mạn phép dùng email vì Anna muốn hỏi một vài câu quan trọng và muốn biết câu trả lời càng sớm càng tốt về chuyện chữa trị cho Nora. Ông An muốn Nora được chữa trị đến mức độ nào? Nếu như bệnh của Nora mỗi ngày trở nên trầm trọng thì Anna phải làm gì?Bao nhiêu tiền thì là giới hạn chữa bệnh cho Nora? Bao giờ thì cần phải nhắc nhở bạn lớn trở về để tính chuyện mai sau cho cô bạn nhỏ Nora? 

Không biết nói gì để làm bạn lớn vui. Mong là thư sau sẽ được nghe chuyện hay đường xa của bạn lớn. Anna cũng thấy khó hiểu là tại sao phải  “đêm về thắp nến làm thơ” nghe không thực tế chút nào cả. Có lẽ ánh nến lung linh khi mờ khi tỏ khiến tình cảm của người ta trở nên mơ màng hơn chăng? Anna thấy mỗi lần ngồi bên lò sưởi hay bếp lửa trại trong lòng cũng dấy lên chút bâng khuâng nhẹ nhàng. Đó là lúc còn trẻ, mười tám đôi mươi thôi, chứ tâm hồn Anna đã trở nên dày dạn chai đá mất rồi. Bây giờ chỉ nghĩ đến chuyện nuôi con cho con đi học và đối phó với anh chồng cũ trời ơi đất hỡi này.

Thân mến,

 

Anna

 

Tái bút: Có một người phụ nữ, người da trắng,  tên là Andrea, đến tìm ông. Bà hỏi Anna là ai, làm gì trong nhà của ông An. Anna có thể hiểu được nhờ nhìn cách phát âm trên môi của bà, nhưng Anna phải giải thích bằng cách viết chữ. Rằng Anna là quản gia của ông. Bà có để lại địa chỉ và số điện thoại. Bà ấy có vẻ phật ý là Nora không được chính tay ông chăm sóc. Bà Andrea bảo ông phải gọi bà để thu xếp chỗ ở cho Nora.

Thư thì mỏng

Tác giả: Nguyễn thị Hải Hà

Bài này đã đăng ở Thư Quán Bản Thảo số 74 tháng 4 năm 2017

Ở một thành phố nhỏ ít người Việt mỗi lần muốn đi ăn nhà hàng Việt phải lái xe có khi cả tiếng đồng hồ. Đa số người Việt ở các thành phố nhỏ này tự nấu ăn, nếu là đàn ông không biết nấu thì vợ nấu. Người không vợ, hay vợ không biết nấu món ăn Việt thì ráng nhịn, riết rồi quen. Một nhà hàng nhỏ nghĩ ra cách này. Họ nhận nấu cơm tháng, giá phải chăng, giao tận nhà. Câu chuyện xảy ra như thế này.

Ông mở hộp cơm. Trong cái hộp nhỏ để đựng đũa muỗng và gia vị, có kèm một mảnh giấy. Giấy màu vàng có kẻ hàng, loại giấy đóng thành xấp thường bán trong siêu thị.

Ngày … Tháng … Năm …

Thưa ông,

Tôi tự hỏi ông có thích món ăn tôi nấu hay không. Đây là ngày thứ ba tôi để ý thấy hộp cơm của ông hết sạch. Ông có thể cho tôi biết những món ăn hợp khẩu vị để tôi phục vụ khách hàng tốt hơn.

Đầu bếp.

TB: Ông không cần phải rửa gà mên đâu. Khách hàng chẳng ai làm thế cả. Ông là người duy nhất.

-@- -@- -@-

Ngày … Tháng … Năm …

Thưa cô,

Tôi đoán người nấu cơm là phụ nữ nên gọi bằng cô. Gọi cầu may chứ ở Mỹ này người đầu bếp là đàn ông cũng khá nhiều. Nếu tôi sai, xin đừng chấp. Thú thật với cô tôi chưa bao giờ được ăn cơm phần ngon đến như thế. Món ăn của cô thật vừa miệng với tôi. Cách cô bới cơm cũng thật công phu tươm tất.

Tôi đoán cô là đầu bếp mới, bởi vì chỉ gần đây tôi mới thấy món ăn ngon đặc biệt. Cô là người đầu tiên đã viết thư hỏi ý kiến của tôi. Theo thể lệ của nhà hàng tôi không được đặt món ăn. Nếu tôi đặt món ăn, nhà hàng sẽ tính giá khác. Cô nấu ăn rất ngon nên món gì tôi cũng thích.

Cô cũng là người đầu tiên sau mấy mươi năm tôi ở nước ngoài gọi hộp đựng cơm là gà mên. Tôi rửa gà mên là vì tôi đã giao ước với ông chủ nhà hàng. Tôi không thích dùng muỗng nĩa nhựa cũng như hộp nhựa để đựng cơm. Người ta ăn xong là ném hộp nhựa đũa muỗng nhựa vào thùng rác. Tôi không muốn dùng đồ nhựa vì ô nhiễm môi trường nên tôi đề nghị được dùng gà mên. Chúng tôi thỏa thuận là tôi sẽ có hai cái gà mên. Người giao thức ăn mới sẽ lấy đi cái gà mên cũ. Tôi rửa gà mên sạch sẽ trước khi giao lại người giao cơm. Trân trọng cám ơn cô.

Khách hàng trung thành của cô,

An

TB: À, tôi xin phép được trêu cô một chút. Sao cô tài thế? Làm thế nào cô biết tôi ăn hết thức ăn trong hộp, khi tôi đã rửa gà mên sạch sẽ?

-@- -@- -@-

Ngày … Tháng … Năm …

Ông An thân mến,

Cám ơn ông đã thích món ăn tôi nấu. Nếu được nhiều khách hàng như ông tôi sẽ giữ được công việc này lâu dài. Thời buổi này tìm việc khó quá nhất là những người bị tật câm điếc, có con nhỏ còn đi học, lại không biết dùng computer như tôi.

Tôi kể ông nghe cho vui. Thật ra những món ông ăn mấy ngày hôm nay là những món đặc biệt tôi nấu cho chồng tôi. Anh ấy làm việc ca ba trong một xí nghiệp, nên giờ nghỉ giải lao ăn tối của anh ấy cũng là giờ ăn cơm tối của ông. Trong xí nghiệp có nhiều người Trung Hoa và Ấn Độ họ cũng đặt cơm tháng ở nhà hàng, món Hoa và món Ấn do người khác nấu. Tôi nhờ người giao cơm tối cho khách hàng sẵn dịp giao cơm cho chồng tôi. Đây là một việc xa xỉ, chính chồng tôi cũng nói như thế, anh có thể tự mang cơm đi, nhưng tôi muốn chăm sóc anh ấy nhiều hơn.

Tôi không thể bày tỏ bằng lời nên tôi muốn bày tỏ bằng hành động. Dường như chúng tôi không còn tình yêu của buổi ban đầu. Giữa hai chúng tôi là sự im lặng bao la. Tôi nhớ mẹ tôi thường bảo rằng nấu ăn ngon là có thể chinh phục tình yêu của đàn ông bởi vì đường vào trái tim của người đàn ông đi ngang qua cái bao tử. Tôi muốn tái chinh phục chồng tôi dù khi mới quen anh ấy, tôi chẳng phải nấu nướng nuông chìu gì cả. Tôi tìm được cuốn sổ gia chánh trong đó mẹ chồng tôi chép lại cách nấu những món ăn chồng tôi rất ưa thích. Bữa đầu tiên tôi rất hồi hộp mong chồng tôi về để xem anh ấy nói gì. Anh chẳng nói gì, còn có vẻ lầm lì hơn bình thường.

– Anh ơi, món ăn em nấu hôm nay có ăn được không?

– Được!

– Chỉ được thôi sao?

– Chứ còn sao nữa!

– Anh thích món nào nhất?

– Bông cải xào thịt bò.

Anh lẳng lặng thay đồ lên giường ngủ, quay lưng lại phía tôi. Tôi ôm cánh tay anh, anh kêu nóng và mệt. Bông cải xào thịt bò? Tôi đâu có nấu món ấy. Đến ngày thứ ba thì anh ấy mắng tôi.

– Em chỉ ở nhà nấu ăn mà chẳng làm nên chuyện. Em phải thay đổi món chứ ngày nào cũng bông cải xanh xào thịt bò anh ngán tới cổ rồi.

Tôi đoán là ông giao cơm đã giao nhầm gà mên cơm của chồng tôi cho ông. Nhưng tại sao lại bông cải xanh xào thịt bò liên tiếp ba ngày? Thật là vô ý! Nhà hàng làm việc bất cẩn như vậy sẽ mất khách hàng và tôi sẽ bị mất việc làm.

Còn ông, đã đặt cơm tháng từ bao giờ? Ông không có người nấu ăn cho ông sao? Hỏi thế nhưng ông không phải trả lời nếu cảm thấy bị xâm phạm đời tư. Chúc ông ăn ngon và ngủ cũng ngon.

Đầu bếp trung thành của ông,

Anna

-@- -@- -@-

Ngày … Tháng … Năm …

Cô Anna thân mến,

Thật đáng tiếc chuyện nhầm lẫn như thế đã xảy ra, nhưng cô cũng hiểu lỗi không phải ở tôi vì tôi chỉ là người nhận. Thật là đáng buồn khi ông nhà phải ăn bông cải xanh xào thịt bò liên tiếp ba ngày mà tôi lại được ăn ngon. Tối qua, món canh khổ qua nhồi cá thát lát thật tuyệt vời. Cái cách cô dùng lá hành để cột cho trái khổ qua đừng bị bung ra thật tỉ mỉ và đẹp mắt. Ở xứ này làm sao mà cô tìm được cá thát lát? Ở đây, người ta dùng loại cá đóng hộp không vừa dai vừa dòn như cá thát lát ở Việt Nam. Trong nước dùng lại có vài cái nấm hương đã được nấu mềm. Tôi chỉ được ăn món ngon như thế này khi mẹ tôi còn sống. Cách nấu này có lẽ đã thất truyền từ lâu, phải nói là hiếm thấy ở xứ này. Ở Hoa Kỳ một mình lâu ngày, tôi rất dễ tính trong việc ăn uống, nhưng dễ tính không có nghĩa là không “appreciate” món ăn ngon.

Còn chuyện nhà hàng xào bông cải xanh với thịt bò liên tiếp ba ngày thì tôi có thể giải thích như vầy:

Ngày thứ nhất, sau khi ăn món bún thịt nướng cô làm, tôi thích quá nên gọi điện thoại với nhà hàng khen món ăn rất ngon. Cứ tiếp tục làm như thế. Ông chủ, nhà hàng vô cùng ngạc nhiên vì có lẽ chẳng ai gọi điện thoại khen nhà hàng thức ăn ngon bao giờ. Lôi thôi họ lại tăng giá cơm tháng. Tôi ăn cơm ở nhà hàng này bao nhiêu năm đâu có bao giờ tôi khen.

Xin cô đừng trách mắng người giao cơm, và tiếp tục nấu cho tôi ăn. Tôi có thể trả giá cao hơn cho nhà hàng hoặc là góp riêng cho cô. Thú thật với cô, mấy ngày nay tôi cứ nhấp nhổm chờ ông giao cơm. Thật ra tôi chờ lá thư của cô. Tôi phải đọc thư của cô trước rồi mới có thể ăn cơm một cách chậm rãi, ăn để thưởng thức món ăn. Những dòng ngăn ngắn của cô đủ để mang cho tôi một niềm vui nhỏ trong  một buổi tối cô quạnh của tôi. Tuy nhiên, thư thì mỏng…

Đồng nghiệp của tôi thường bảo tôi là một người cô độc. Tôi không nghĩ đến sự cô độc của mình mãi cho đến lúc gần đây. Buổi tối của tôi vắng lặng và dài thăm thẳm. Chính sự vắng lặng của những buổi tối khiến tôi ngại ngần không muốn về hưu. Vâng, tôi đã đến tuổi về hưu. Thật ra tôi có thể về hưu từ hai năm trước nhưng tôi cứ chần chờ. Ban ngày tôi vui với công việc nhưng buổi tối thì… tôi thật là thèm có người trò chuyện cùng tôi.

Trò chuyện là một nghệ thuật. Người ta bảo rằng về già nên kết hôn hay kết bạn với những người biết trò chuyện. Nhưng với tôi chuyện kết hôn đã quá trễ rồi. Còn kết bạn lại càng khó khăn hơn nữa. Ở đây ít người Việt, nhưng bạn Việt hay bạn Mỹ cũng thế, chúng tôi có gặp nhau thì cũng chỉ ăn và nhậu. Chỗ làm việc lại càng ít khi tâm sự với nhau. Tôi chưa hề gặp được người nào có thể nói chuyện cho tôi nghe hay chịu khó nghe chuyện tôi nói. Có được một người có thể trò chuyện với mình, chia sẻ ý nghĩ với mình thật là quá khó. Thảo nào ông hoàng trong truyện “Một Ngàn Lẻ Một Đêm” không thể giết cô gái chăn gối với ông chỉ vì cô biết kể chuyện và nghe chuyện ông kể.

Cô hỏi tại sao tôi ăn cơm tháng. Tôi xin thưa với cô vì không có ai chịu nấu cho tôi ăn. Xưa lắm rồi, tôi có lần kết hôn với một cô gái Hoa Kỳ nhưng cuộc hôn nhân chỉ kéo dài được hai ngày. Chuyện khá phức tạp khó giải thích trong một lá thư nhưng nếu cô tiếp tục nấu ăn cho tôi thì một dịp thuận tiện nào đó tôi sẽ kể. Tôi không biết cô có tin tôi được không nhưng tôi nghiện món ăn cô nấu mất rồi. Dĩ nhiên tôi có thể ăn ngoài tiệm. Ở đây có biết bao nhiêu nhà hàng Tàu và nhà hàng Mỹ. Thức ăn bình dân thì có Ihop, McDonald, Burger King, Roy Rogers, Kentucky Fried Chicken nhưng không có ai có thể mang hương vị thức ăn VN đến tận nhà cho tôi. Cái cách nấu chỉ những bà mẹ Việt Nam thời xa xưa mới biết.

Xin được phép kể cô nghe về một cuốn phim hoạt họa, nhân vật chính là một con chuột nấu ăn ngon. Con chuột Rémy này đã chinh phục được một nhà phê bình thức ăn nổi tiếng khắc nghiệt nhất Paris; một tay ông đã làm cho bao nhiêu nhà hàng phải đóng cửa và chủ nhân nhà hàng tự tử. Cái món ăn Rémy nấu đã chinh phục được Anton lại là món ratatouille một món ăn dân dã, giống như hương vị mà bà mẹ Anton đã nấu. Như vậy chắc cô biết là tôi quí thức ăn cô nấu đến mức nào.

A! Hôm nay tôi dông dài quá mức, xin cô tha lỗi. Cô có thể cho tôi biết vì sao cô bị mất tiếng nói và không thể nghe được không? Tai nạn hay bạo bệnh? Làm thế nào cô có thể học và viết thật rành rẽ khi không thể nói và không thể nghe. Không dễ dàng để viết được như vậy. Tôi thật khâm phục cô. Thân mến.

Khách hàng trung thành của cô,

An

Tái bút: Tôi quên cảm ơn cô đã kèm theo miếng sương sa được đổ khuôn thành đóa hoa nhiều màu. Đẹp quá nên tôi không nỡ ăn, còn để dành trong tủ lạnh. Thời bây giờ tái chinh phục trái tim chồng của cô bằng món ăn thì không thực tế chút nào. Tôi nghĩ cô nên thay đổi cách trang điểm và trang phục, hẹn hò ông chồng và thử có thêm một đứa con để hâm nóng lại tình yêu thì thiết thực hơn.

-@- -@- -@-

Ngày … Tháng … Năm …

Ông An thân mến,

Con gái của Anna được sáu tuổi. Cháu thích xem phim hoạt hình. Còn Anna thì thích tất cả những gì liên quan đến thức ăn nên Anna cũng có xem phim Ratatouille cùng lúc với đứa con gái. Hai mẹ con đều rất thích phim này. Anna cảm ơn ông đã “nghiện” thức ăn Anna nấu. Hôm nay Anna trổ tài, đây là một trong những tuyệt chiêu của Anna, vịt nấu măng. Măng khô loại ngon, được ngâm cho hết chát, Anna chỉ chọn những đoạn mềm, ngọn của búp măng khi còn tươi, xào cho ngấm trước khi cho vào nước lèo. Đây là một món ăn rất nhiều công. Gỏi để ăn với bún măng có cả bắp chuối bào mỏng, toàn là những thứ nhiều công và nguyên liệu khó tìm. Nói không phải để kể công hay đòi lên giá tiền vì Anna hay kiêu ngạo nghĩ rằng tiền khách hàng trả công chẳng thể bì với tấm lòng người chăm chút món ăn.

Chồng của Anna là người sinh ra lớn lên ở Mỹ chuộng thức ăn Mỹ hơn thức ăn Việt Nam. Không hiểu tại sao mẹ chồng của Anna lại nghĩ là anh ấy thích thức ăn Việt. Hôm qua anh ấy bảo Anna nên học nấu spaghetti và các loại thức ăn Mỹ hoặc Ý. Rồi anh ấy lại bảo thôi đừng bới cơm cho người giao cơm cho anh ấy nữa vì bạn đồng nghiệp của anh chỉ ăn sandwich nên chế nhạo anh mỗi lần thấy thức ăn có muỗng đũa lỉnh kỉnh linh tinh. Lúc sau này anh về nhà rất trễ, thường khi sặc sụa mùi rượu. Và sáng nay khi anh ngủ Anna soạn quần áo đem giặt thấy quần áo anh sực nức mùi nước hoa và áo anh có vết son. Son dính bên trong lớp áo như thể người ta dở áo anh lên rồi hôn vào đó làm dấu hiệu cho Anna biết. Anna chẳng biết nói sao, làm gì cho vơi bớt nỗi buồn của mình. Có những chuyện không thể nói với người thân nhưng lại có thể giải bày với người lạ, có lẽ vì người ta chẳng biết mình là ai, lời nói hay chữ viết thả theo gió bay.

Ngày xưa anh sang Việt Nam chơi gặp Anna, đem lòng yêu đòi cưới. Anna thích lấy chồng ở ngoại quốc vì nóng lòng muốn thoát khỏi đời sống tù túng của xã hội Việt Nam. Theo anh sang Mỹ Anna có giấy tờ hợp pháp nhưng tiếng Anh vẫn chưa giỏi và không có nghề nhất định nên rất khó gia nhập xã hội Mỹ. Trước kia Anna thích nấu ăn và ở nhà nuôi con. Bây giờ thì rất nhiều khi Anna mơ được đi làm như những người phụ nữ trên tivi. Họ ăn mặc sang trọng đúng thời trang. Nếu Anna có một cái nghề được ăn mặc như thế thì Anna cũng sẽ đi làm suốt đời chứ không chịu về hưu đâu.

Sáng nay thấy trên tivi, có một người phụ nữ tự tử bằng cách lao đầu vào xe lửa. Con gái của cô ấy và con gái của Anna học chung một lớp. Mổi buổi sáng chờ xe buýt đến đón con đi học Anna thường gặp người phụ nữ này. Họ ở cùng khu chung cư nhưng ở một building khác. Đứa con bị người mẹ nắm chặt tay cố vùng vẫy khi xe lửa đến nhưng không thóat được. Nghe nói rằng gia đình cô không được hạnh phúc, quá tuyệt vọng nên cô hành động điên rồ. Anna nghĩ rằng dù tuyệt vọng, dù làm mẹ, người phụ nữ này không có quyền tước đoạt sự sống của đứa con.

Anna nghĩ ông không nên lo sợ phải về hưu. Về hưu đâu có nghĩa là ông phải ở nhà hết ngày này sang ngày khác. Ông có thể đi du lịch. Ông có thể học thêm một sở thích gì đó như chụp ảnh, đánh cờ, đọc sách, hay viết văn. À sao ông không viết văn nhỉ? Anna thấy ông có khiếu văn chương lắm đó.

Mong ông có buổi tối yên lành. Hôm nay Anna kèm thêm món chè đậu mắt đen nước dừa. Ông ăn ngon nhé.

Đầu bếp

Anna

  1. Ông viết “thư thì mỏng…” là có ý gì? Tại sao lại bỏ lửng?

-@- -@- -@-

Ngày … Tháng … Năm …

Anna thân mến,

Như thế thì cô là di dân. Di dân thường thì giàu có hơn tị nạn. Hơn ba mươi năm trước tôi bước lên đất nước này với thân phận của người dân tị nạn. Từ lúc nào tôi trở thành di dân? Có lẽ từ lúc tôi nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Tôi có người bạn thích đi du lịch. Anh ấy thăm viếng Kyoto, cố đô của Nhật Bản nhiều lần, bảo rằng thích đời sống của thành phố ấy, có cảm giác thành phố Kyoto là của anh, và anh là dân Kyoto từ tiền kiếp.

Tôi vẫn tự hỏi mình sống bao lâu ở một thành phố thì có thể xem thành phố ấy là của mình, quốc gia ấy là quốc gia là quê hương của mình? Thời gian tôi sống ở nơi nầy đã dài hơn thời gian tôi sống ở Việt Nam, không hiểu tại sao tôi vẫn không cảm thấy nơi đây, thành phố này, là quê hương xứ sở của tôi. Và đáng buồn hơn tôi cũng không còn cảm thấy Việt Nam là quê hương của tôi nữa. Tôi có cảm giác xa lạ, thất lạc, với cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ. Ngôi nhà tôi đang ở là nhà của tôi. Khi đi xa tôi vẫn muốn quay về nhà. Người ta vẫn thường dùng hai chữ đi kèm, nước nhà (hay quốc gia). Tôi có nhà mà không có nước. Quê hương tôi ở không hẳn là quê hương của tôi. Còn cô, cô có nhận nơi này là quê hương?

Có lẽ cô nên cho cháu bé đến gặp counselor của trường. Có bạn qua đời trong trường hợp như thế là một chấn động tâm lý có thể tổn thương lâu dài. Tôi tự hỏi tại sao người ta dám chết mà không dám sống. Trong chuyến vượt biển của tôi, cái chết ngay trước mặt, đói khát nhiều ngày chúng tôi vẫn cứ ôm hy vọng được cứu và được sống. Chúng tôi chống chọi với cái chết trong từng cái chớp mắt, từng hơi thở gấp. Sống trong nguy ngập đến tính mệnh vẫn cứ muốn sống. Còn người phụ nữ kia sao lại bẻ một ngọn đời xanh vứt vào đầu máy xe lửa như thế. Thật đáng thương mà cũng đáng trách.

Cấp trên của tôi lại gọi tôi vào văn phòng hỏi tôi có ý định về hưu không. Tôi bảo rằng để tôi suy nghĩ. Có những buổi sáng đi làm sớm, mùa đông tôi nhìn những hàng cây trụi lá trong sương mù chạy hun hút trên con đường. Khi về hưu chắc là tôi sẽ nhớ những hình ảnh như thế. Cửa sổ phòng làm việc của tôi ngó ra một con sông. Vắt ngang sông là một chiếc cầu quay sơn màu xanh nhạt. Buổi sáng mặt trời mọc ánh sáng chiếu lên cây cầu và dòng sông, màu hồng nhạt tím nhạt màu cam màu vàng rất đẹp. Tôi nhìn cây cầu mỗi ngày và nghĩ khi về hưu tôi sẽ không còn nhìn thấy cây cầu này nữa. Thật buồn cười, tôi sẽ nhớ quang cảnh chung quanh chỗ tôi làm rất nhiều nhưng tôi sẽ không nhớ những người đồng nghiệp. Có lẽ đúng như lời người ta nói, tôi là người xa cách và lạnh lùng, không muốn làm bạn với ai. Có lẽ người vợ hai ngày của tôi không chịu nổi tính lạnh lùng của tôi. Còn tôi suốt đời sống một mình cứ tưởng không cần bạn bè bây giờ bỗng dưng thèm có người trò chuyện.

Hôm nay tôi “nói” nhiều, mà lại nói với một người tôi chưa hề biết mặt. Mong Anna tha lỗi. Và nếu cô không có thì giờ xin cứ ném thư đi. Nhưng nếu cô có lòng nuôi bao tử của tôi, xin làm ơn nuôi thêm cái trí óc cằn cỗi của tôi, và viết cho tôi vài hàng nhé. Tôi mong được đọc thư cô còn hơn mong thức ăn nữa cơ.

Khách hàng quí của cô

An

-@- -@- -@-

Ngày … Tháng … Năm

Ông An thân mến,

Anna vẫn còn suy nghĩ đến người phụ nữ tự tử và đứa con. Ngày mới lập gia đình, Anna thắm đẫm trong tình yêu và hạnh phúc không hề nghĩ đến ngày mình phải bấu víu vào sự đùm bọc hay thương hại của kẻ khác. Bảy năm về trước chắc là Anna không hiểu được sự sợ hãi và tuyệt vọng của người phụ nữ đến độ tự tử và bắt đứa con phải chết theo cô ấy. Đó là một người phụ nữ có thể nói và nghe được, có học, có bạn bè, sống ngay trên xứ sở của cô ấy. Còn Anna chẳng có ai ngoại trừ chồng và đứa con. Anna mặc áo đẹp, thay áo ngủ sexy nói bằng sign language là Anna muốn được yêu, và có thêm đứa con nữa. Tuy nhiên anh ấy từ chối và sẵn dịp thú nhận đã hết yêu Anna. Anh ấy có người yêu mới, một người làm việc chung với anh.

Trước khi lấy chồng và có con, Anna rất thích du lịch. Anna thích những nơi chốn xa lạ Anna chỉ có thể tưởng tượng. Ông đã xem phim The Wind Journeys chưa? Anna thường mượn phim của thư viện địa phương, và chỉ xem được phim có caption cho người khiếm thính. Ông hãy xem phim này để thấy vẻ đẹp của những quốc gia vùng Nam Mỹ. Phim nói về cây đàn phong cầm, bên trên có chạm cái đầu của quỷ Satan. Người giữ cây phong cầm phải đem trả cây phong cầm này cho một tu sĩ trên ngọn núi cao ở một vùng núi hẻo lánh. Ông ta và người đồ đệ đã mang cây phong cầm đi qua 80 địa danh nổi tiếng đẹp về phong cảnh thiên nhiên. Anna đã nhiều lần mơ ước được ngồi trên một đỉnh cao giữa núi rừng xanh thẳm bạt ngàn, hay ngồi bên bờ suối đá nghe dân bộ lạc thổi tiêu. Anna nghĩ rằng sẽ cùng chồng nuôi con đến lớn khôn và sẽ cùng chồng đi chu du như vậy. Một trong những cái đặc biệt của du lịch là ông có thể không là ai hết, chỉ là một khuôn mặt vô danh trong muôn vàn khuôn mặt vô danh. Hay ông có thể tiêu hết cả tiền dành dụm hàng chục năm để tưởng tượng mình là một người triệu phú.

Ông có lần kể về một người bạn của ông yêu thích Kyoto đến độ muốn qua bên ấy ở luôn. Anna cũng thích Kyoto như vậy. Anna xem rất nhiều phim về Nhật Bản, về geisha, về samurai. Anna đọc hầu hết những quyển sách du hành về Nhật Bản. Ông có biết thiền sư Basho đi một vòng phía Bắc Nhật Bản, và sau này người ta có giả thuyết ông là người do thám cho một sứ quân thời bấy giờ đang muốn triệt hạ một sứ quân khác không. Nếu Anna có điều kiện Anna sẽ đi Nhật.

Anna cũng muốn viếng thăm Bhutan. Người phụ nữ đã tự tử có lần cho Anna mượn mấy quyển sách về Bhutan, một xứ sở đo lường sự giàu có của quốc gia bằng chỉ số hạnh phúc. Anna nghĩ nếu Anna đặt chân lên quốc gia này Anna sẽ xin được ở lại và nhận Bhutan làm quê hương. Nếu ông sợ đi máy bay thì không nên đến Bhutan, vì phi đạo của xứ này rất nhỏ, rất ngắn, ở một vị trí rất hiểm trở, chỉ có khoảng mười phi công đủ tài lên xuống phi đạo này. Và xin giấy nhập cảnh Bhutan nghe nói cũng nhiêu khê lắm.

Nói như vậy để ông thấy rằng, cuộc đời không chấm dứt sau khi hết đi làm việc. Mong ông vui khỏe, và hãy suy nghĩ thêm về việc về hưu. Phải nói là khi ông về hưu và đi du lịch thì Anna sẽ rất buồn vì không còn người thuê Anna nấu ăn và đọc những dòng tâm sự của Anna. Đó là chuyện tương lai, còn bây giờ Anna phải suy nghĩ và quyết định, nếu chồng Anna cương quyết ly dị thì Anna sẽ ở đâu, làm gì để nuôi con. Dĩ nhiên người chồng sẽ trợ cấp nhưng có lẽ chẳng thấm vào đâu. Và căn nhà thì anh ấy mua trước khi cưới Anna nên nếu anh ấy không cho Anna ở thì Anna sẽ phải dọn ra.

Chúc ông ngủ ngon, và hy vọng món chè chuối với bánh cuốn nhân thịt hôm nay vừa miệng ông.

Đầu bếp trung thành của ông

Anna

-@- -@- -@-

Ngày … Tháng … Năm …

Anna thân mến,

Nghe lời cô, tôi đã mạnh dạn xin về hưu. Tôi chỉ cần thông báo trước hai tuần hay một tháng, tuy nhiên cấp trên của tôi có vẻ đã sẵn sàng. Tôi chưa nộp giấy tờ thì đã thấy có người dự đoán sẽ thế chỗ tôi vào học việc với tôi. Tôi nghĩ nếu người ta không muốn giữ tôi nữa thì tôi cũng chẳng muốn ở lại làm việc. Việc làm chắc cũng giống như tình yêu, không thể cứ yêu một chiều mãi mãi. Phải không cô? Tôi cũng tự thấy mình mệt mỏi. Trên chuyến xe lửa về nhà buổi chiều đông người tôi phải đứng. Tôi nhìn thấy bóng tôi phản chiếu trên kính cửa sổ, lưng đã còng, tóc bạc trắng, và cặp kính trắng dày cộm làm tôi trông giống như một con cá thòi lòi. Một cậu bé đứng dậy nhường chỗ cho tôi, bảo rằng xin bác ngồi cháu còn trẻ để cháu đứng.

Tôi sẽ đi du lịch Nhật Bản, Bhutan, và Chile, để tận mắt ngắm những quốc gia này thay cô, nhưng trước khi đi tôi muốn cô giúp tôi một vài việc. Ngôi nhà tôi đang ở chẳng to lớn gì, chỉ là hai cái toa xe lửa cũ tôi mua về sửa sang thành chỗ ở. Tiền thuế đất rất thấp, điện nước cống nhà vệ sinh hẳn hoi. Đồng nghiệp của tôi thường nói bóng gió lương cao, không vợ không con, ở căn nhà bằng hai toa xe lửa, tiền chất đầy nhà băng mà không chịu về hưu.

Khoảng mười năm trước tôi là kỹ sư trưởng của một nhóm kỹ sư. Vì tôi ít nói, dễ dãi trong việc kiểm tra nhân viên, nên người phụ tá lộng hành, thuê người bổ nhiệm người một cách vô trách nhiệm. Nghe nói ông ta lạm dụng tiền quỹ sao đó. Tôi chỉ chú ý đến kỹ thuật và an toàn của thiết kế và xây dựng các đồ án. Tuy nhiên khi việc đổ bể tôi vẫn phải chịu sự trừng phạt của công ty vì tôi không làm tròn trách nhiệm quản lý. Người ta đuổi việc nhân viên của tôi, còn tôi thì chỉ bị giảm chức vụ. Nếu là người khác thì người ta đã bỏ việc về hưu sớm, tuy nhiên tôi vẫn tiếp tục làm việc. Nếu người ta để tôi đi làm không trả lương tôi cũng chịu, bởi vì ở nhà chắc tôi sẽ gục xuống chết ngày hôm sau vì nhàm chán và cô đơn.

Tuy nhiên, bây giờ cô đã thay đổi ý nghĩ của tôi. Tuy không giàu, nhưng tôi giỏi quán xuyến tiện tặn, đi chơi kiểu hà tiện tôi có thể đi vài năm không về nhà.

Tôi đi chơi xa, do đó không thể thuê cô nấu ăn, nhưng tôi muốn nhờ cô làm quản gia cho tôi. Nếu cần thiết, cô có thể mang con đến ở nhà tôi trong lúc tôi đi vắng. Tôi sẽ liên lạc với cô bằng thư từ qua địa chỉ nhà tôi. Có người ở trong nhà đề phòng hư hại hay trộm cắp. Mọi chuyện khó khăn cô cứ liên lạc với người bạn của tôi. Ông V. là bạn cũng là luật sư lâu năm của tôi. Ông có thể cố vấn cho cô nhiều vấn đề, chuyện nhỏ nhặt như thuê người sửa chữa đồ dùng trong nhà, chuyện lớn như ly dị hay giúp đỡ người có thu nhập kinh tế thấp muốn được trợ giúp về mặt pháp luật. Ở đây mấy chục năm tôi biết là người ta chỉ có thể đến với công lý hay được đối xử công bằng khi có tiền. Tôi đã yêu cầu ông giúp đỡ và hướng dẫn cô. Tôi đã mở sẵn một tài khoản ngân hàng, để trả lương cho cô. Tiền lương này, ngoài việc trông chừng nhà cho tôi, còn kèm theo tiền săn sóc con mèo (bốn chân) của tôi. Tôi nuôi nó cả chục năm nay. Nếu tôi có bao giờ yêu thương một người nào đó chắc cũng chỉ bằng với yêu thương con mèo này. Tôi ngại ngần chuyện đi du lịch cũng chỉ vì không ai săn sóc Nora. Tôi có linh tính cô là người kiên nhẫn và yêu thương thú vật. Thật tình, tôi có thể gửi con mèo cho một cơ quan nuôi thú vật, nhưng tôi muốn Nora được chăm sóc và thương yêu như một người bạn nhỏ của tôi.

Tôi có computer cô nên tìm cách học, bắt đầu ở thư viện người ta thường có lớp miễn phí. Cô cũng có thể nấu ăn cho một vài người nhưng nhiều hơn thì bếp nhà tôi không đủ sức.

Chúc cô vui khỏe và mong rằng ngày tôi trở về hoàn cảnh của cô sẽ khá hơn.

Bạn của cô

An

Có lần cô hỏi về “thư thì mỏng…” mà tôi quên trả lời. Đó là câu thơ tôi quên tên tác giả. “Thơ thì mỏng như suối đời mộng ảo. Tình thì buồn như tất cả chia ly.” Những lá thư qua lại giữa chúng ta có thể chẳng đi đến đâu. Nhưng tôi muốn giữ một tình bạn giữa tôi và cô. Người ta không tin là có tình bạn giữa một người đàn ông và một người đàn bà, nhưng tôi thì tin. Tại sao không?

Dựa theo phim “The Lunchbox” của Đạo diễn Ritesh Batra

Những mảnh vụn

Ở đây, mùa này bình minh rất đẹp. Chỗ tôi ngồi ngó ra phòng khách có cửa sổ khá rộng. Tôi có thể nhìn thấy mây hồng ở giữa những tàng cây trơ trụi. Một bức tranh nhiều màu, tím nhạt, hồng nhạt, xám nhạt. Dưới chân trời là những mảng màu sậm, đen, nâu. Có một người chia sẻ bình minh đang lên là một chuyện thú vị, đủ để mang vào phim ảnh. Tôi nhớ có xem một cuốn phim hoạt hình, rất buồn. Nhưng khi phim chưa đến chỗ buồn thì chàng trai trẻ dẫn cô bạn gái, không nói rõ đi đâu, chỉ dẫn đi mải miết đến một sườn đồi, có một chỗ đủ hai người ngồi, nhìn mặt trời lên. Chàng tặng nàng một không gian trước kia là của riêng chàng. Có những thứ tặng đi rồi nhưng không hề mất. Kỷ niệm dường như nhân đôi. Những bình minh sau không bao giờ có thể  là cái bình minh cũ. Cái riêng của một người bây giờ là cái riêng của hai người. Cũng có thể là cái chung của hai người. Chẳng nhớ tên phim, cũng chẳng cần thiết phải nhớ.

Ôi mối tình đầu
Như đi trên cát
Bước nhẹ mà sâu
(Phạm Thiên Thư)

Tôi thích những lúc yên lặng như thế này. Trong đầu tôi lóe lên hàng chục điều để viết. Không có gì hay, cũng không bắt kịp những hình ảnh này, nhưng thú vui của tôi vẫn là bắt cho được những ý nghĩ vụt ngang đầu.

Tôi thích xem phim hoạt hình. Ngày hai đứa con tôi còn trẻ, chúng tôi xem nhiều phim của trẻ em. Người lớn cũng có nhiều điều học được từ phim dành cho trẻ em. Tôi thích một đoạn trong phim Aladin và cây đèn thần. Aladin có cây đèn thần. Ông thần đèn có thể cho chàng nhiều thứ, đàn voi mấy trăm con, ban nhạc mấy trăm người, vàng bạc châu báu. Tuy nhiên, ông nói rõ, “tôi không thể bắt buộc người ta yêu ngài.” Người ta có thể làm đủ cách để mình có thể đẹp hơn, duyên dáng hơn, đáng yêu hơn, nhưng kể cả ông thần đèn với sức mạnh vạn năng cũng không thể bắt buộc người này yêu người kia.

Shakespeare, trong một vở kịch, đã cho một vị thần mang nước hoa hay hương hoa gì đó, đem bôi vào mí mắt của người đang ngủ, khi mở mắt ra người ấy sẽ yêu người đầu tiên nàng hay chàng nhìn thấy. Tai hại làm sao, bà hoàng mở mắt ra nhìn thấy một con lừa.

Trong đời, bạn đã lần nào gặp cơn bão đi ngang thành phố bạn ở không? Một cơn lốc xoáy? Một trận cháy lớn? Sau đó là hoang tàn. Nhà thơ Việt Nam hay dùng hình ảnh cơn bão để diễn tả sự hoang tàn của một tâm hồn sau một chấn động.

Chiều nào đã tạnh cơn mưa,
Mà giông tố cũ còn chưa muốn tàn.
(Nguyễn Tất Nhiên)

Hay là

Bao năm qua rồi, lòng chưa nguôi gió bão.

Chẳng nhớ của ai, truy thì sẽ ra nhưng chẳng cần thiết phải truy. Cẩn thận nha quí vị, đừng có tự gây ra gió bão cho mình.

Trông theo và ngoảnh lại

Đang ngủ tôi bỗng thức giấc và tự dưng nghĩ đến câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc.

“Đoái trông nay đã cách ngăn,
Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh.”

Rồi tôi không ngủ lại được, trời lạnh, nhà vắng tôi nằm suy nghĩ cho đến sáng. Tại sao. Đào bới trong trí óc mãi tôi đành cho rằng tại vì tôi xem phim “Five centimeter per second.” Tôi xem phim này từ hồi tuần trước lận mà. Tại sao bây giờ lại trăn trở. Từ hai câu này tôi đi ngược lại trong trí nhớ.

“Lúc ngoảnh lại trông màu dương liễu,
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.”

Ngoảnh lại chẳng còn thấy bóng người chỉ thấy màu dương liễu và ngàn dâu xanh ngắt.

“Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.”

Chúng ta, những người đã từng yêu, từng chia xa một (hay đôi ba … chục) cuộc tình chắc cũng có đôi lần trông theo hay ngoảnh lại. Có khi cái ngoảnh lại này không để nhìn thấy người yêu mà nhìn về quá khứ của chính mình.

Five centimeter per second (năm phân mỗi giây) là tựa đề một phim hoạt hình Nhật Bản. Hai đứa bé chừng tám chín tuổi đi xem hoa đào nở. Cô bé nói hoa đào rơi với vận tốc năm phân một giây. Hoa rơi như tuyết rơi. Cô bé đi trước, vượt ngang đường rầy xe lửa. Cậu bé đi sau, thanh chắn đường rầy thả xuống, xe lửa sắp đến. Hai người cách nhau một đường rầy. Cô bé nói ước gì chúng ta có thể cùng đi xem hoa đào sang năm.

Hai đứa bé lớn lên theo năm tháng, tình yêu của hai người cũng chớm nở theo thời gian. Suốt cuộc tình cả hai đều bị ngăn cách bởi không gian. Họ cố gắng tìm đến với nhau khi có dịp. Họ viết thư hay message cho nhau nhiều khi không gửi. Nhiều lần họ chia tay nhau. Cánh cửa xe lửa khép lại, kẻ bên trong người bên ngoài. Hai bàn tay chạm lên cửa kính. Kẻ trông theo người ngoảnh lại.

Một đoạn ở cuối phim, khi cậu bé đã trưởng thành. Cô bé mới vừa lập gia đình, dĩ nhiên, với một người khác ở một thành phố khác. Khi đi lấy chồng cô viết thư báo tin. Cậu bé khi trở về thành phố cũ đi ngang đường rầy xe lửa cũ. Có một cô gái đi ngược hướng với chàng. Dáng dấp hao hao với người tình cũ. Chàng tự nhủ “nếu ta ngoảnh lại nhìn chắc là nàng cũng sẽ quay lại nhìn.” Chàng quay lại. Vừa lúc ấy thanh chắn đường rầy hạ xuống, xe lửa đến. Khi xe lửa chuyển bánh đi rồi, người thiếu nữ cũng mất dạng.

Tôi lại nhớ đến phim La La Land tôi đi xem với con gái út. Thật tình tôi không muốn làm kẻ quấy rối chọc giận các bạn. Tôi thấy phim này cũng hay, nhưng không hay đến nỗi tôi phải trầm trồ ca tụng. Khi nói thế này tôi cũng biết phim này được đề nghị tặng rất nhiều giải Oscar. Dĩ nhiên tôi là bà già chẳng có gu ghiếc gì về phim ảnh, nhưng có lẽ vì tôi đã có nhiều cơ hội xem phim hay cũng như đọc được nhiều sách hay. Cái gì nhiều quá cũng đâm ra lờn. Như người ăn ớt, càng ăn càng thấy bớt cay. Tôi cứ nghĩ lấy hết những thứ trang điểm cho cuốn phim như buổi khiêu vũ trên mui xe trên xa lộ, buổi khiêu vũ lãng mạn bay lên trời đầy sao, những bộ thời trang, tiệc tùng Hollywood, phim này còn lại gì? Có lẽ cái còn lại trong tôi là những lần trông theo hay ngoảnh lại của Seb và Mia. Hai người yêu nhau thường thích nhìn nhau, có khi nhìn mình trong mắt người kia. Những lần hẹn hò, khi chia tay, hai người đi hai hướng, đi được một quảng đường, cả hai đều ngoảnh lại nhìn nhau. Và có lẽ cái ngoảnh lại khuấy động lòng người nhất là lần cuối cùng. Mia theo chồng đi ra khỏi quán nhạc jazz của Seb. Nàng biết chàng trông theo. Chàng biết nàng sẽ ngoảnh lại. Và như thế, cả hai (và cả khán giả nữa) biết rằng họ còn yêu nhau.

Chúng ta, có lần ngoảnh lại, không thấy ngàn dâu hay dương liễu. Có khi chỉ là một lá thư, một tấm ảnh, một cái cổng đóng lại, bàn tay vẫy. Hỏi rằng:

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.

trích đoạn trong quyển Practicalities

The Black Block

When you’re writing, a kind of instinct comes into play. What you’re going to write is already there in the darkness. It’s as if writing were something outside you, in a tangle of tenses: between writing and having written, having written and having to go on writing; between knowing and not knowing what it’s all about; starting from complete meaning, being submerged by it, and ending up in meaningless. The image of a black block in the middle of the world isn’t far out. Continue reading trích đoạn trong quyển Practicalities

Người trong ngăn cách – phần cuối cùng

David Royle
Hôtel Le Pïgeonnier
Aix-en-Provence

Ngày 7 tháng 11, 1998

Hôm nay là ngày giỗ của ba tôi.
Hôm nay tôi mới hiểu là tôi không thể gặp lại em nữa.
Và tôi để tang cha, tang cho em và cho cả ba chúng ta.
Tôi sẽ đi Mỹ lại.
Kay, cái đẹp của tôi, cái ung độc của tôi, cái trắng trinh của tôi, con nhện của tôi.
Kay, tôi yêu em điên cuồng.
Kay, em nhìn quá cao nên tôi đâm chóng mặt, và muốn tự một mình đo tầm sức với đời, đối mặt với biển cả, với Holywood, với cạm bẫy, với những thần tượng giả.
Tình yêu đã trở nên quá đầy…
Nên tôi đã thả lại em trên bến
Cái hèn hạ to nhất của tôi. Continue reading Người trong ngăn cách – phần cuối cùng

Người trong ngăn cách – 20

Kay Bartholdi
Les Palmiers sauvages
Fécamp

Ngày 1 tháng 11, 1998

A, cuối cùng thì vậy. Từ bao nhiêu lâu! Tôi chỉ chờ có thế. Giòng chữ nhỏ cuối thư. David!
Hãy ký tên anh, tên thật của anh.
Cho dù anh để rơi mặt nạ; dù anh ném bỏ tên mượn mà anh đã sử dụng rất thành thạo và với cái tên đó anh ru ngủ tôi…
Vâng, David, tôi đã xem cuốn phim.
Tôi xem cuốn phim ở nhà Josepha và Laurent
Cuốn phim đã kể về chuyện thăng tiến không ngừng của một kẻ tham vọng rất quyến rũ, rất thông minh và rất phiêu lưu: Jonathan Shields.
Và tôi nhận ra anh chẳng khó khăn qua hình bóng kẻ ấy, kẻ muốn chinh phục thế giới, chẳng lùi bước trước bất cứ điều gì, kẻ quyến dụ, kẻ vận dụng quỷ quyệt đã phá vỡ bao nhiêu cuộc đời bằng hai bàn tay khao khát vì ham mê điện ảnh, vì tình yêu và vinh quang cho chính hắn. Continue reading Người trong ngăn cách – 20

Giới thiệu truyện dài

Bắt đầu hôm nay tôi sẽ đăng từng kỳ, truyện dài, dịch từ bản tiếng Pháp

Un Homme à Distance của tác giả Kathérine Pancol

Dịch giả: Chưa muốn ra mặt nên tạm thời dùng cái tên Đừng Để Tên

Đây là một truyện dài, là kết hợp của những lá thư, hấp dẫn, lãng mạn.

Mỗi ngày tôi sẽ đăng chừng một hay hai lá thư. Xin các bạn nhớ ghé đọc những lá thư tình rất dễ thương này nhé.

Chung Quanh chuyện thư tình – Kết thúc

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết 300 lá thư tình trong ba năm tính trung bình là cứ khoảng ba hay bốn ngày là một lá thư. Có nghĩa là ông đã có những khi viết thư đi mà không chờ hồi đáp. Bởi vì một lá thư mất ít ra cũng phải ba ngày để từ Huế đến Bảo Lộc. Nhưng giả tỉ như ông viết thư đi mà không hề nhận được thư trả lời, liệu ông có tiếp tục viết thư và sẽ viết cho đến bao giờ?

Pelagia, cô gái trên đảo Cephallonia đã viết hàng trăm lá thư gửi đi cho vị hôn phu trong thế chiến thứ hai. Những lá thư không được hồi đáp và nàng chờ đến mỏi mòn tưởng là vị hôn phu đã chết trong chiến tranh. Ngày vị hôn phu của nàng trở về mang theo một bó thư và yêu cầu nàng đọc cho anh nghe. Anh không thể hồi đáp thư nàng, thậm chí cũng không đọc thư của nàng vì anh bị mù chữ. (Theo phim Đại Úy Corelli và cây măng cầm)

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không phải là người nhạc sĩ đầu tiên viết thư tình. Schumann và Lizst là những nhạc sĩ danh tiếng đã từng viết những bức thư tình say đắm. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trong nền âm nhạc tiền chiến là người đã nhắc nhở rất nhiều về những lá thư tình trong bài hát Lá Thư nhẹ nhàng và lãng mạn.

Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương.
Nét bút đa tình lả lơi.
Nhớ phút ngập ngừng lòng giấy viết rằng.
Chờ đến kiếp nào.
Tình đầu trong gió mùa.
Người yêu ơi.
Em nay về đâu?
Phong thư còn đây…

Nghe kể rằng người ông yêu đã lên đường vào Nam vì thế những lá thư thường vương vấn trong tâm hồn ông. Ông nhắc đến lá thư trong bài hát Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay qua những câu:

Gửi thêm lá thư màu xanh ái ân.
Về đôi mắt như hồ thu
.

Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư.

Trong nhạc phẩm Cánh Hoa Duyên Kiếp ông viết rằng:
Đêm hôm nay chợt nhớ tới nơi xa,
Lúc anh về nhặt mấy cánh hoa.
Kèm vào thư, lá thư xanh màu yêu
cánh hoa duyên kiếp này
Tìm em trong ý thu.
Và,
rồi ngày mai nhắn mây đưa tờ thư.
Tới em đôi mắt sầu kèm theo bao ý thơ
.

Trong nhạc phẩm Tâm Sự, ít được chú ý như các tác phẩm khác ông cũng nhắc đến thư.
Trang giấy nào viết đủ nét tình si.
Để có những chiều im tắm nắng.

Không chỉ văn sĩ thi sĩ mới có thư tình. Họa sĩ Vermeer cũng có một bức thư tình độc đáo là bức họa Thư Tình của ông. Bức họa này vẽ hình một cô gái mặc áo màu vàng kim sáng đang nhận một phong thư do cô hầu gái mang đến. Những chi tiết trong tranh làm cho chúng ta đoán biết đây là thư tình bởi vì bức thư được nhận trong phòng kín, trước phòng có đôi hài là một chi tiết ám chỉ tình dục. Trên tường có treo hai bức tranh, một bức vẽ cảnh biển động là biểu tượng của mối tình nồng cháy và bức kia vẽ một người du hành có lẽ là người gửi thư. Johan Vermeer là một họa sĩ Hòa Lan nổi tiếng thế kỷ mười bảy với những bức họa nổi tiếng trong đó có bức họa Người Thiếu Nữ và chiếc hoa tai đã được Tracy Chevalier cảm hứng viết thành tác phẩm và tác phẩm này cũng được chuyển thành phim.

vermeer_johannes_-_the_loveletter
The Love Letter – Johannes Vermeer (Wikipedia)

Chuyện về thư tình còn nhiều và tôi xin hẹn trở lại đề tài này với độc giả vào một lần khác.

Chung quanh những bức thư tình phần 3

Người thường viết thư tình đã đành. Ngay cả một tướng lãnh có tài đánh trận xuất chúng, lãnh đạo biết bao nhiêu hùng binh, về sau trở nên Hoàng đế của Pháp như Napoleon, cũng viết những bức thư tình say đắm cho người tình của ông. Dưới đây là thư của ông viết cho người tình lớn hơn ông sáu tuổi. Nàng là người tình lẻ của đồng ngũ, hình như là dưới trướng của ông. Ông quá mê say sắc đẹp của nàng nên ly dị người vợ trước.

Napoleon Bonaparte to Josephine Beauharnais

Paris, tháng 12 năm 1795

Tôi thức giấc trong tôi tràn trề nỗi nhớ em. Bức chân dung của em và cái đêm say đắm chúng ta ở cạnh nhau đã làm cho tất cả các giác quan trong tôi trở nên hỗn loạn. Ngọt ngào, không có gì sánh nổi với Josephine, cũng không thể nào diễn tả được cái hiệu quả kỳ lạ mà em đã đặt lên trái tim tôi! Em có giận tôi không? Tôi thấy dường như em có vẻ buồn, phải không? Em đang lo lắng điều gì? . . . Tâm hồn tôi nhức nhối vì buồn phiền, và vì thế người yêu của em đã không thể nghỉ ngơi; không những thế còn nhiều loại cảm giác khác tràn ngập trong tôi. Từ môi em, từ tim em tôi rút ra một tình yêu làm tôi cháy bỏng? A! đêm qua tôi mới hoàn toàn nhận ra rằng bức chân dung của em đã làm người ta sai lầm về em nhiều biết chừng nào! Em đã bắt đầu lên đường lúc giữa trưa; và thế là tôi sẽ được gặp em trong ba giờ nữa. Cho đến khi gặp nhau, mio dolce amor; một ngàn nụ hôn cho em nhưng xin đừng hôn lại tôi, bởi vì nó sẽ làm cho máu trong người tôi sôi sục mất thôi.

Một lá thư nồng cháy như thế này tưởng chỉ dâng hiến cho một mối tình trọn vẹn. Thế nhưng sự thật là Josephine đã phụ tình ông và bản thân vị hoàng đế này cũng chẳng mấy chung tình. Tuy thế ông chỉ ly dị vợ và cưới vợ khác chứ không giết năm sáu bà vợ như vua Henry VIII.

Vua Henry VIII là người tài hoa, văn hay, nghệ sĩ tính, rất thông minh nhưng ông là người rất mê ăn uống trụy lạc. Người vợ đầu tiên ông cưới là Catherine of Aragon lớn tuổi hơn ông và không có con. Tôn giáo thời bấy giờ không cho phép ông ly dị vợ và bà Catherine vốn là một người giỏi ăn nói đã thuyết phục tòa án đứng về phe bà. Nhà vua tuy thế vẫn đem lòng yêu Anne Boleyn lúc ấy chỉ mười lăm tuổi. Dưới đây là lá thư tình nhà vua viết cho người yêu.

King Henry VIII to Anne Boleyn

Người tình và cũng là người bạn của tôi,

Tôi và trái tim tôi tự nguyện nằm trên bàn tay em, cầu xin được em yêu thương và sự vắng mặt của tôi sẽ không làm giảm đi lòng yêu của em. Thật là một điều đáng buồn, tôi và trái tim của tôi sẽ bị đau đớn hơn, khi sự thiếu vắng em đủ làm cho đau và nỗi đau này quá lớn đến độ tôi không tưởng tượng được. Nỗi đau nàylàm tôi liên tưởng đến một chi tiết trong thiên văn học: những ngày dài nhất là những ngày xa mặt trời nhất tuy thế lại nóng hơn những ngày khác. Tình yêu của đôi ta cũng thế, bởi vì mặc dù chúng ta ở cách xa nhau, nhưng vẫn giữ được mức độ nồng nàn, ít ra là phần của tôi và tôi hy vọng là em cũng cảm thấy như tôi. Tôi xin bảo đảm với em là trong trường hợp của tôi, tôi cảm thấy cơn đau của sự thiếu vắng em đã trở nên quá to lớn.

Khi tôi nghĩ đến sự tăng trưởng của cái đau mà tôi phải chịu đựng này, thật là không chịu nổi, nhưng tôi rất hy vọng vào tình yêu không thay đổi của em. Để em nghĩ đến tôi và vì tôi không thể gặp em, tôi sẽ gửi tặng em một món quà đang làm nhưng vì chưa xong nên không thể gửi ngay lúc này. Món quà này là, bức ảnh của tôi được nạm vào cái vòng đeo tay, với tất cả dụng cụ đính kèm mà em đã biết. Ước gì tôi có thể biến thành món quà này khi nó làm em hài lòng. Lá thư này được viết bởi: Người đầy tớ trung thành và cũng là bạn của em. H. Rex.

Lá thư này ngọt ngào nồng nàn đến thế nhưng về sau chính nhà vua đã ra lệnh chặt đầu bà vợ yêu quí này sau khi buộc cho bà tội ngoại tình và loạn luân.

Chung quanh chuyện thư tình phần 2

Thư tình là tiếng nói của trái tim, là chứng tích của cuộc tình. Khi những lâu đài trên cát đã sụp đổ những trang thư là kỷ niệm còn lại như nhạc sĩ Y Vân viết trong bài Ảo Ảnh.

Yêu cho biết sao đêm dài.
Cho quen với nồng cay.
Yêu cho thấy bao lâu đài,
chỉ còn vài trang giấy.

Những trang giấy kia trở thành một nhắc nhở đau đớn vì thế người ta muốn đốt đi, xé đi. Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân đã viết trong bài Xé Thư Tình được thể hiện qua giọng hát trầm ấm của ca sĩ Elvis Phương. 

Em xé đi thư tình tôi đã viết.
Em xé đi những gì tôi đã trao
Xé thư tình như
bôi xóa đi một đoạn đời
như thếlà
Em xé đi tim hồng tôi đã trao,
cho nát tan một nụ cười,
xé thư tình để
xô ngã tòa lầu vàng

xe cát thôi loài dã tràng
tình ta trót trao lầm

Thư tình dành riêng cho người tình. Khi thư tình viết cho người này rơi vào tay người khác có thể gây xấu hổ, bởi thế khi tình tan vỡ người ta thường đòi lại những lá thư đã viết để tự tay tiêu hủy đi. Virginia Woolf năm 45 tuổi yêu một chàng nhà văn Mỹ nhỏ hơn bà hơn hai mươi tuổi. Bà viết rất nhiều thư nhưng ít khi được hồi đáp. Cuộc tình không đi đến đâu khi đến lúc bà nhận ra tình của bà không được đáp ứng bà đòi lại những bức thư. Đó là thời xưa chứ thời bây giờ với danh tiếng của bà những lá thư ấy nếu đem bán có lẽ phải đắt giá lắm.

Không phải chỉ có nhà văn nhà thơ mới viết thư tình. Quan to hay đại phú gia cũng viết thư tình. Theo phong tục của người Nhật cách đây 1000 năm, sau một đêm ngà ngọc với người đẹp (kỹ nữ geisha chẳng hạn), một người đàn ông nếu là người tao nhã lịch thiệp phải gửi một lá thư đến người đẹp để tạ ơn. Thư dày hay ngắn, to hay nhỏ, giấy viết cũng như màu sắc của phong thư biểu hiện tình cảm của người viết thư đối với người nhận thư. Dưới đây là một đoạn văn ngắn trích từ quyển Sách Gối (Pillow Book) của Sei Shonagon. Bố và ông của bà là nhà thơ nổi tiếng về thơ waka. Bà là nhà văn Nhật sinh năm 966 và mất năm 1017, bà viết quyển Sách Gối khi bà phục vụ dưới triều của Nữ Hoàng Đế Teishi và Nữ Hoàng Đế Sadako vào khoảng năm 1000.

From the Pillow Book of Sei Shonagon viết vào thế kỷ thứ mười.

Có một người đàn ông, thường hay gửi cho tôi một lá thư sau khi trải qua một đêm với tôi, đã tuyên bố là ông ta thấy mối liên hệ của ông và tôi chẳng có ý nghĩa gì và ông ta chẳng có gì để nói với tôi nữa. Tôi không nhận được chữ nào của ông ta ngày hôm sau. Khi bình minh lố dạng mà tôi vẫn không nhận được lá thư đáp lễ nên tôi buồn bã lắm. “Thế thì thôi,” tôi nghĩ khi ngày dần trôi qua, “ông ta thật sự muốn dứt tình.”

Ngày hôm sau nữa trời mưa như trút nước. Đã giữa ngọ mà tôi vẫn không nghe thấy tin tức của ông ta: rõ ràng là ông ta đã quên hẳn tôi. Rồi hoàng hôn rơi xuống, khi tôi ngồi gần cạnh hàng hiên thì một đứa trẻ đến, một tay che dù, còn tay kia cầm phong thư. Tôi mở thư và đọc vội vã. “Cơn mưa làm nước dâng đầy tràn” là nội dung của lá thư, và tôi thấy câu nói này rất ý nhị, còn duyên dáng hơn là ông đã gửi cho tôi nguyên cả tủ sách chứa đầy các tập thơ của ông ta.

Vì nhắc đến bài Ảo Ảnh nên xin dẫn bài hát về đây. Tôi thích bài hát này vì điệu chachacha chậm của nó, nhất là nghe tiếng gõ mõ lụp cụp như gọi bò về chuồng nghe chiến lắm. Bài này có Mỹ Huyền, Thanh Thúy hát nhưng tôi chọn Hoàng Lan vì mới nghe lần đầu.

Chung quanh chuyện thư tình nhân ngày ca ngợi tình yêu

Ngày 14 tháng 2 là ngày ca ngợi tình yêu. Tôi muốn rủ các bạn cùng viết về đề tài này nếu các bạn đang ngẫm nghĩ “A! Hôm nay không biết viết gì đây?” Bạn viết gì cũng được. Văn, thơ. Vài ba câu. Kể lại một mối tình đã qua. Mơ ước một người tình tương lai. Giết người trong mộng hay giữ người trong mộng. Tôi sẽ link trang của bạn qua trang của tôi để cùng nhau đọc cho vui. Thời buổi này dường như người viết nhiều hơn người đọc. Tôi xin viết về những lá thư tình. Bài viết dài nên sẽ đăng thành 4 phần.

Thư tình là cách biểu lộ tình yêu bằng chữ viết. Thư tình có nhiều hình thức, có khi ngắn chỉ vài câu gửi qua tấm bưu thiếp, có khi dài cả mấy trang, hay là một bài thơ, hay là một bản nhạc. Thư tình được viết trên mẩu giấy xé từ trong vở nhét vào ngăn bàn, hay trên giấy hoa tiên thoang thoảng mùi nước hoa, trên những chiếc lá thả xuôi theo dòng nước, hay cánh hoa khô ép vào trong vở, hay mẩu giấy nhốt kín vào trong chai ném trên biển. Người muốn tỏ tình mà không dám nói thì viết thư dúi vào tay, hay giả vờ đụng cho rơi cặp vở rồi nhét thư vào khi giúp người nhặt sách vở lên. Hầu như ai cũng có cái rộn ràng háo hức khi nhận được thư của người mình yêu. Người yêu mến có thể là cha mẹ hay con cái hay người tình. Ngày xưa thư được gửi qua bưu điện có dán tem, ngày nay thư được gửi bằng e-mail, bằng yim hay bằng google tin nhắn. Cách đây chừng bốn chục năm người ta phập phồng đợi ông phát thư qua ngõ và nếu không có thư thì thất vọng than rằng Người phát thư vừa qua khỏi ngõ. Lòng em như dại lại như ngây. Bây giờ thư có thể đến tận hộp thư trong lúc ta đang ngủ. Cái cảm giác buồn bã thất vọng khi không có thư có lẽ cũng như nhau cho dù thư phát từ ông phát thư hay ông Yahoo hay ông Google.

Người nhận thư trước nhất là xem thư có dài hay không, dài mấy trang, khi đọc thì tim nhộn nhịp, đọc ngấu nghiến rồi bảo mình phải chậm lại để thấm thía từng câu dè xẻn từng chữ, đừng đọc nhanh vì sợ hết. Thư tình, như Virginia Woolf đã nói, có sức mạnh làm người đọc vui mừng ngây ngất, hay gây thương tích trầm trọng trong tâm hồn, thư tình quan trọng vô cùng, vì thế không bao giờ cũ hay lỗi thời.

Viết thư tình thế nào thì hay? Câu này khó trả lời vì mọi người quan niệm hay dở khác nhau. Tôi cho rằng ai cũng có thể viết được thư tình, thư tình viết hay khi người viết đang yêu và biểu lộ được tình yêu. Có lẽ tôi không chủ quan quá đáng khi cho rằng thư tình của nhà văn nhà thơ thường là thư hay, một phần vì họ là người nhiều cảm xúc và một phần vì họ biết cách mê hoặc người đọc. Thư tình viết hay khi người ta viết rất vô tư, nghĩ rằng những ý nghĩ riêng tư của mình chỉ dành riêng cho người đọc. Tôi không biết những nhà văn viết thư tình có bộc lộ ý nghĩ của họ một cách thành thật hay không nếu họ biết rằng những lá thư này có một ngày sẽ được xuất hiện trước công chúng?

Trong lịch sử loài người, không thiếu những lá thư tình tuyệt hảo. Nói về nhà văn viết thư tình có lẽ độc giả không thể không nghĩ đến J. D. Salinger. Nhà văn mới vừa qua đời này đã từng mê hoặc vài ba người tình trẻ hơn ông vài chục tuổi, trong đó có một nhà văn trẻ đã bỏ học mà theo ông. Mười bốn bức thư tình ông viết cho người tình, về sau chính nàng buộc ông tội phản bội, dùng giọng kèn tiếng uyển dụ dỗ nhiều người, đã được đem bán với giá hơn một trăm năm chục ngàn. Ngoài Salinger còn vô số các nhà văn nhà thơ đã viết những bức thư tình nổi tiếng trên thế giới như Fitzgerald, Stendhal, Joyce, Ibsen, Hawthorne và danh sách còn dài ở đây chỉ xin nêu ra một vài tên làm thí dụ. Độc giả của Tuổi Ngọc trước năm 1975 chắc cũng biết những bức thư của Tiểu Muội và nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, tác giả của Cô Bé Treo Mùng và Hình Như Là Tình Yêu. Về các nhạc sĩ lừng danh đã để lại những bức thư tình say đắm thì có Liszt, Schuman, và gần đây là chàng nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn với ba trăm bức thư tình gửi về cánh vạc bay Dao Ánh của ông. Thư tình của Trịnh Công Sơn có lẽ gây nhiều xôn xao trong giới mộ điệu bởi vì một người như tôi rất ít khi nhận được chain e-mail bỗng dưng nhận được ba bốn cái e-mail của nhiều người gửi cùng một bài viết về thư tình của Trịnh Công Sơn mà họ cóp pi đâu đó trên mạng. Tôi cho rằng thư tình chỉ hay đối với người nhận thư chứ thư ông viết cho người khác thì có lẽ không thể hay hơn những bài tình ca của ông tự chúng đã là những bức thư tình tuyệt diệu rồi.

Thư tình, là biểu tượng của sự chia xa. Ở gần bên nhau chẳng ai buồn viết thư làm gì. Người ta để thì giờ mà hò hẹn đi chơi, để cầm tay nhau, hay bạo hơn nữa thì cầm chân nhau. Thư tình được viết khi người yêu đi chinh chiến phương xa. Nàng chinh phụ của Đặng Trần Côn đã mong thư chồng và mong cả bóng dáng người chinh phu hẹn hoài mà không thấy trở về Thư thường tới người không thấy tới. Bức rèm thưa lần trải bóng dương. Bóng dương mấy buổi xuyên ngang. Người sao mười hẹn chín thường đơn sai. Người ở ngoài biên cương cũng thương nhớ người vợ, người tình ở quê nhà. Nhật Trường đã thể hiện nỗi nhớ thương của người ngoài chiến trường bằng những câu hát rất thật thà nhưng đầy lãng mạn như: Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em. Thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình. Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngaỵ Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy.

Còn tiếp

Thư Tình

Thư tình chiếm một chỗ quan trọng trong văn học Việt Nam.  Giới yêu thơ hầu như ai cũng biết Tình Thứ Nhất của Xuân Diệu.

Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Đem cho em kèm với một lá thư
Em không nhận là tình anh đã mất
Tình đã cho không lấy lại bao giờ

Ông tiếp tục than thở “thư thì mỏng như suốt đời mộng ảo.  Tình thì buồn như tất cả chia ly…” đây là sự thật trong thư tình, những người viết thư tình vì họ ở xa nhau.  Đôi khi sự xa cách do ngăn sông cách núi.  Đôi khi sự xa cách này là vực thẳm chia cách hai tâm hồn, có một người nhoài người bên triền núi cố gắng níu một bóng hình còn nằm ngoài tầm tay như những câu trong bài hát Phượng Hồng “là tờ thư nằm hoài trong vở, giữa giờ chơi mang đến lại mang về” và cuối cùng người viết lá thư tình suốt đời làm “gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ.”  Đây cũng là một chứng tích, nhà thơ và nhà văn là những người hay viết thư tình.

Thời đại bây giờ người ta không còn viết thư tình bằng tay và bút mực nữa.  Vì thế người đọc sẽ khó bắt được cái rung động của những câu thơ trong bài Lá Thư Ngày Trước của Vũ Hoàng Chương:

Màu mực tươi xanh ngát ý mong chờ
Tình hé nụ bừng thơm trong nếp giấy…

bây giờ với sự bành trướng của thư điện tử, người ta không còn cơ hội để vuốt lại nỗi buồn qua từng nếp gấp của trang thư.

Yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại mấy tờ thư

Cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương phải là người thích viết thư bởi vì ngày người yêu đi lấy chồng ông cũng viết thư:

Giờ đây phu trạm vừa đem
Lá thư anh gửi mừng em lấy chồng

Lá thư phấn đượm hương nồng
Kèm theo một bức khăn hồng anh cho

Để làm người nhận thư phải tái tê

Nhận thư ướm bức khăn hồng
Em buồn với cả tấm lòng anh ơi

Viết thư tình là một hành động bày tỏ yêu thương, bởi vì bạn hãy thử, nếu bạn không thật sự yêu thì bạn không thể viết thư tình hay.  Bạn sẽ không có những câu như

lá thư xưa màu mực úa phai rồi.
Duyên thăm thẳm ở phương trời đâu đó.

Nói gì đi nữa lá thư tình hay nhất là lá thư viết dành riêng cho mình.  Ở thời đại i meo này, người viết thư tình bằng tay và bút mực là một cổ vật vô giá sót lại từ hai ba thế kỷ trước xứng đáng được ngưỡng mộ lẫn yêu thương cho đến chết.

Ấn bản Tình Yêu – Nhà Văn và những lá thư tình

Nhà thơ Việt Nam bày tỏ tình yêu bằng thư tình thì các nhà văn Âu Mỹ cũng thế.  Cathy N. Davidson xuất bản một quyển sách rất dày có tên là “The Book of Love – Writers and Their Love Letters” (Ấn bản Tình Yêu – Nhà Văn và những lá thư tình của họ).

Cathy N. Davidson là giáo sư dạy văn chương của Đại học Duke.  Bà là tác giả hoặc là Nhà Biên Tập của khoảng 20 quyển sách.  Bà là cộng tác viên của các tạp chí như Ms. và Vogue.  Bà sống ở vùng nông thôn North Carolina.

Cathy Davidson bắt đầu bài giới thiệu quyển sách bằng cách nói về những lá thư của Edith Wharton (45 tuổi) viết cho Fullerton, người tình trẻ hơn bà 21 tuổi.  Tình yêu của Edith là tình yêu một chiều.  Cuối cuộc tình Fullerton bỏ đi không từ giã, chẳng giải thích lý do, cũng không hồi đáp thư của bà.  Thư của bà đầy nét ngậm ngùi và cũng hay như văn của bà. Tình yêu tan vỡ này là cảm hứng để Wharton viết nhiều tác phẩm nổi tiếng. Cũng có một số ít nhà văn, khi tình yêu tan rã họ viết tiểu thuyết có sắc thái tự truyện, bêu xấu nhau để trả thù. Nhà văn viết thư khi họ xa người yêu, nỗi nhớ biến thành chữ nghĩa.  Đôi khi họ tìm cách ở xa người yêu để được có cơ hội viết thư tình hay được đọc thư tình nhiều hơn.  Bà Davidson viết, “Ít nhất là cũng có một số nhà văn viết thư tình thật sự say mê chữ nghĩa, (Những say đắm cần phải có và nỗi tuyệt vọng trong tình yêu đánh dấu bằng sự thiếu vắng người yêu).” Bà cũng tự hỏi “tại sao rất nhiều nhà văn chọn yêu say đắm những người thật sự ở xa họ, xa cả không gian lẫn tâm hồn?”  Bởi vì khi bị từ chối tình yêu người ta có thể viết những lá thư tình say đắm.

Có nhà văn bị buộc tội là viết thư để dụ dỗ các cô gái trẻ đẹp yêu mình và phụ phàng người yêu trước.  Đó là trường hợp Joyce Maynard với J.D. Salinger, tác giả của Bắt Trẻ Đồng Xanh.  Mười bốn lá thư của Salinger gửi cho người yêu bé bỏng, trẻ hơn ông ba mươi lăm tuổi, đã được đem bán đấu giá 150 ngàn đô la.  Tôi rất mong được đọc những lá thư tình nhà văn này đã viết.  Có lẽ những lá thư này phải rất quyến rũ vì bà vợ đầu tiên của Salinger, Claire Douglas đã bỏ học bốn tháng trước khi tốt nghiệp đại học để kết hôn với ông, lớn hơn bà chừng 14 tuổi.

Sau khi đọc hằng ngàn lá thư bà Davidson nghi ngờ là “nhà văn cố ý chọn yêu người ở xa như một cách kết hợp đam mê và văn chương.  Thư tình dường như hoàn toàn thích hợp với những mâu thuẩn trong cuộc đời của nhà văn. Nhà văn thường cô độc lại nhận biết rất rõ tâm lý độc giả, là những người chiêm ngưỡng nhà văn. Nếu văn chương là lá thư gửi cho thế giới theo cách nói của Dickinson, thì một lá thư tình có thể là biểu tượng của một người theo đuổi cái nghề cần được yên tĩnh và cô đơn nhưng lại thèm muốn được trò chuyện.  Cũng như văn chương, thư tình là một tình yêu được ủy nhiệm cho người khác.”

Sau đây là phần trích dịch quyển The Book of Love của Kathy Davidson. Những dòng vắn tắt về tiểu sử tác giả là của NTHH.

Đối với Edith Wharton, tình yêu là bày tỏ.  Nó mở cánh cửa ngăn cơn thác lũ của chữ nghĩa.  Đang yêu nàng muốn viết thư kể tất cả mọi chuyện với Fullerton và muốn dùng chữ nghĩa biến Fullerton thành tất cả mọi thứ trong đời bà, như thể tình yêu của hai người cũng là một trong những tác phẩm của bà.  Trong tình yêu bà cũng giống như bao nhiêu người khác.  “Đối với các nhà văn chuyên nghiệp, thư tình hóa thân từ đam mê; lời văn được dùng để đo lường tình yêu.  Dường như nhà văn dùng thư tình để biến tình yêu thành một cái gì đó có thật.”  Thư tình được xem là cái phần nối liền của nghệ thuật viết văn. Nói đơn giản, văn chương không hiện hữu nếu không có ai cần bộc lộ quan điểm của họ về thế giới bằng chữ.

Trong thư tình, nhà văn có thể buông ra những câu văn bay bổng lên trời, bởi vì những câu văn ướt át và cháy bỏng có thể bị kiểm duyệt trong những bài văn bài báo bình thường và chắc chắn bị xóa bỏ hoàn toàn khi xuất bản.

Không những nhà văn viết thư nhiều hơn người thường, thư họ viết thường được lưu truyền bởi vì nhiều lý do; độc giả ái mộ, những người có liên hệ với xuất bản văn chương, con cái của nhà văn, ngay cả kẻ thù hay những người yêu cũ đã bị bỏ đều muốn để dành thư của nhà văn.  Mặc dù những lá thư thân mật cao độ thường được dấu kín, nhưng đôi khi, ngay cả những lá thư thầm kín cũng được đem in.

Có những lá thư tình được xếp hạng là thành quả lớn nhất của nhà văn, thường làm chúng ta nghĩ rằng, có một người nào đó thật đáng yêu làm người ta cảm hứng đến độ viết ra những lời thơ đẹp nhất. 

Đôi khi tôi tự hỏi cái nào quan trọng hơn, tình yêu hay lá thư? Có rất nhiều nhà văn nổi tiếng – trong đó có Kafka, Rilke, và Kleist – đã có những cuộc tình chỉ trong thư từ.  Đọc thư của họ tôi mất kiên nhẫn.  Không biết bao giờ thì các nhà văn này ngừng viết thư để bắt đầu yêu thật.  Trong quyển sách này đối với nhiều nhà văn, bị bắt buộc phải xa nhau vì thế họ thật sự đau khổ.  Tuy nhiên cũng có nhiều nhà văn khác, dường như cố giữ khoảng cách để có nhiều thư hơn. Trong trường hợp này, thư từ không phải là cách dẫn đến tình thân mà là để tránh sự gần gũi với người khác.

Văn sĩ không nhất thiết yêu nhiều hơn hay ít hơn mọi người.  Điểm đặc biệt khác người là họ viết về tình yêu này.  Có rất nhiều nhà văn đã dùng cuộc tình tan vỡ của họ làm cốt truyện.

Dĩ nhiên không phải tất cả các nhà văn đều dùng tình yêu tan vỡ làm cảm hứng để viết.  Nhiều người đã yêu rất sâu đậm và dùng thư để biểu lộ tình yêu này.  Samuel Clemens (Mark Twain) biết trước khi kết hôn ông muốn có một người vợ cũng là người “đồng hành.” Ông theo đuổi Olivia Langdon bền bỉ, tự biến mình thành một người có trách nhiệm với xã hội và là một người viết văn nhạy cảm mà bà ái mộ. Độc giả của quyển Những Cuộc Phiêu Lưu của Huckleberry Finn có thể ngạc nhiên bởi s
ự đam mê của đôi tình nhân (và văn phong cao cả của ông): “Bởi vì anh thật sự yêu em, Livy – như sương yêu hoa, như chim yêu nắng; như những giọt nước li ti yêu cơn gió nhẹ, như bà mẹ yêu con đầu lòng, như ký ức yêu những gương mặt cũ, như thủy triều yêu mặt trăng, như thiên thần yêu tâm hồn trong trắng.”

Những lá thư trong tuyển tập này là bằng chứng, thư tình xóa nhòa giới hạn sự biểu lộ “riêng tư” và “công cộng.”  Những lá thư này hấp dẫn ở chỗ là chúng giúp người đọc hiểu rõ cuộc đời của tác giả; thỏa mãn người đọc cũng như văn học, nhưng quan trọng nhất là chúng nói với tất cả độc giả, cho dù ban đầu chỉ dành cho một người.  Thư tình thỏa mãn nhu cầu được thú nhận, chứng giám, và biểu lộ những điều bình thường không được nói.  Cũng cái nhu cầu này ẩn chứa kỹ thuật viết văn. Nhà văn không những chỉ có cảm giác cao độ hay là bén nhạy về lãnh vực cảm giác (mặc dù sở hữu những tính chất này rất cần thiết).  Họ cũng bị thôi thúc (ngoại trừ những trường hợp hi hữu như Dickinson) muốn biểu lộ sự nhạy cảm này một cách công khai.  Viết tiểu thuyết hay làm thơ là một hình thức đặc biệt của sự biểu lộ tư tưởng, thân thiết mà cũng xa cách. Nó gần gũi ở chỗ đó là thân tình giữa nhà văn và độc giả rất đậm đà –như tình yêu.  Nó xa cách ở chỗ nhà văn ít khi gặp gỡ độc giả thật thụ, và khi họ gặp nhau thường thì cả đôi bên đều thất vọng.  Nhà văn không phải là những nhân vật chính mà độc giả nhận ra bóng dáng của họ trong những nhân vật này.

Với những lá thư tình, nhà văn biểu lộ tài viết của họ trước một khán giả thật sự (và thường khi yêu mến họ).  Độc giả là người yêu đặc biệt.  Có độc giả nào được nhà văn tán thưởng và yêu mến hơn là người yêu? Người ta cũng không thể tách rời tình yêu riêng tư trong văn chương phục vụ công chúng. Những nhà văn có bản sắc hoàn toàn khác biệt nhau như Robert Burns, Charles Baudelaire, Paul Laurence Dunbar, Lady Augusta Gregory, Carl Sandburg, Wallace Stevens, và Pablo Neruda đã đính kèm những bài thơ của họ vào những lá thư tình, nhấn mạnh cùng một lúc nguồn cảm hứng và sự sáng tạo.  Những nhà văn này công khai ghi lại cái quan hệ giữa đam mê (tình yêu) và sáng tạo (bài thơ), cách tình yêu gợi cảm hứng cho tác phẩm và sự nhung nhớ đã cản trở chuyện viết lách như thế nào.  Đối với họ, người yêu vừa là nàng thơ vừa là độc giả.  Khi thi sĩ xuất bản thư tình, độc giả thay thế cho người yêu; khi nhà thơ có dụng ý xuất bản những lá thư tình ngay từ lúc mới yêu nhau, người yêu thay thế cho độc giả.

Đối với một số nhà văn, thư tình có thể là một hành động văn chương tối hậu. Kỹ thuật văn chương dạy người ta cách quyến rũ bằng chữ, làm sao cho độc giả tán thành quan điểm của nhà văn về thế giới. Như Ros Chambers đã nhắc nhở, văn chương là một hình thức quyến rũ.  Như có một người yêu, đọc văn chương là một lạc thú được giữ kín, thực hiện một cách riêng tư và đòi hỏi thời gian.  Nó là một chỗ để ẩn náu hay là cuộc nổi loạn chống lại những đòi hỏi của cuộc sống bình thường.  Nhà văn biết điều này. Họ biết, tranh giành sự chú ý và cảm mến của độc giả là một việc khó khăn.  Đối với một vài nhà văn, thư tình là phương tiện toàn vẹn để trau dồi và thử thách tài quyến rũ bằng chữ. “Viết văn,” như Jean Cocteau đã nói, “là một hành động của yêu thương. Nếu không, nó chẳng có nghĩa lý gì ngoài những hàng chữ nghệch ngoạc.” Trong một lá thư tình văn chương, hành động yêu có thật; sự quyến rũ bằng một bài viết là văn chương hóa. Phần thưởng của sự sáng tác trở nên hiện thực có thể sờ nắm được.  Độc giả trở có thân thể.  Chữ nghĩa là thịt da.

Thư của Brenda Venus viết cho Henry Miller

Henry Miller (1891 – 1980) nhà văn kiêm họa sĩ Hoa Kỳ, nổi tiếng là người phá vỡ cấu trúc của văn học truyền thống, tiên phong trong việc phát triển một thể loại văn học mới bằng cách kết hợp văn học với tiểu sử, phê bình xã hội, suy ngẫm triết lý của cuộc đời, người theo chủ nghĩa siêu thực không liên kết với tổ chức nào, và chủ nghĩa tâm linh. Tác phẩm tiêu biểu của ông là Tropic of Cancer, Tropic of Capricorn, và Black Spring.  Ông cũng viết du hành ký, hồi ký, tiểu luận phân tích và phê bình văn học (Wikipedia).

Năm 1976, có một người nữ diễn viên vô danh có cái tên mà không ai có thể chứng mình được là của một người thật sự, tên là Brenda Venus viết thư cho Henry Miller, lúc ấy đã được tám mươi bốn tuổi, đang đau yếu.  Miller thời còn trẻ nổi tiếng là một người theo chủ nghĩa tự do luyến ái và tình dục và là người tiên phong trong địa hạt văn học miêu tả tình dục của đàn ông.  Venus bày tỏ nguyện vọng được gặp ông và gửi cho ông một số ảnh của nàng.  Miller, không bao giờ bỏ qua cơ hội được chia sẻ không gian và thời gian với người đẹp, trả lời rất hớn hở. Ông viết hai lá thư ngày 9 tháng 6 năm 1976, và được Venus đáp ứng với rất nhiều lá thư sau đó.  Đây là lúc bắt đầu của bốn ngàn trang thư qua lại cho đến khi Miller qua đời năm 1980.

Những lá thư của Miller to Brenda Venus cho thấy ông vẫn còn rất tươi trẻ sống động, nhất là trong lúc ấy sức khỏe của ông đang suy thoái trầm trọng.  Trong mối quan hệ này, ông đã lần lượt đóng những vai người cha, người thầy, người hướng dẫn, và căn bản là một ông già thích yêu.  Những vai trò này có lẽ vừa làm Venus thích thú vừa có vẻ vô hại với nàng, một người đang định hướng đi của mình trong một thế giới rất khắc nghiệt và khó thành công cho một ngôi sao điện ảnh nhỏ bé. Nàng nói trong một lá thư chúc mừng sinh nhật thứ tám mươi sáu của Miller, “anh đã dẫn em đi trên con đường đầy ắp tin tưởng và yêu thương, và em rất sung sướng theo anh.” Nàng đã hãnh diện đóng vai trò nàng thơ cuối cùng cho một trong những nhà văn khêu tình gợi dục nhất của Mỹ.  Riêng Miller, ông cảm thấy mình có được một tình yêu vô bờ bến và rất hàm ơn người đàn bà này.  Nếu không có nàng, ông có lẽ bị “bắt buộc nhận chìm những năm cuối cùng trong đời mình trong cơn lê mê của thuốc ngủ và cô đơn không người thăm viếng.”

Tháng Giêng 22, 1980

Henry mãi mãi của em ơi,
Anh dạy em nhiều ơi là nhiều.  Anh giúp em hiểu cuộc đời.  Anh toàn hảo gần như là một đóa hoa hồng.  Ý chí của anh, tinh thần của anh, những cái tốt của anh thật là đáng kinh ngạc.  Anh luôn làm em thảng thốt.  Anh ở cương vị đàn ông là một người đặc biệt nhất trong thế giới này.  Em có cảm tưởng tất cả những chuyện may mắn vui vẻ trong đời em có được là nhờ anh.  Anh thật sự chiếm một chỗ lớn và vững chắc trong tim em, trong óc em, trong linh hồn em. Một đóa hoa hồng không bao giờ tàn.  Một ánh sáng không bao giờ tắt.

Bây giờ, nhờ anh, em có thể để mọi chuyện diễn tiến theo cách của nó. Đây đúng là em đã leo lên một nấc thang cao hơn, phải không?

Nhờ anh, em sẽ chỉ sống với giây phút này, ngày hôm nay.  Em sẽ không lo lắng về ngày mai, em biết nó sẽ đến không mấy chốc.  Mỗi ngày là một ngày quí giá, đặc biệt là khi em được nhìn thấy anh, nắm tay anh và nhìn sâu vào mắt anh.

Tony và Val yêu anh rất nhiều.  Em nhìn Tony ngắm anh hôm qua và em có thể nhìn thấy lòng yêu thương mà Tony dành cho anh.  Em biết tình cảm của cha mẹ và con cái đôi khi không dễ bày tỏ, bởi vì luôn luôn ý kiến về thái độ của mỗi người khác nhau.  Tức cười là ở chỗ cái mà cha mẹ ghét nhất ở con cái thường là cái mà người ta ghét ở chính mình và ngược lại.  Tony sẽ về nhà mai chiều đây thôi, anh đã nói cho Tony biết là anh thương yêu cậu ấy chưa?  Đâu có gì khó khăn khi nói bố thương con, bố thương con, bố thương con.  Khi em bày tỏ lòng thương yêu với người thân em thấy sung sướng lắm.  Em không biết người khác có thấy thế không.

Từ khi ở Paris, em thấy lòng em có nhiều biến đổi mà em không thể giải thích, ngoại trừ là có thể nói rằng tất cả những năm tháng dường như kết tụ lại trong óc em. Mọi chuyện trở nên trong trẻo như pha lê.  Đặc biệt là cái quan trọng của sự hiện hữu, của mình là chính mình ở mức độ toàn vẹn nhất.

Anh mang đến cho em nụ cười, anh làm em chảy nước mắt, đấu tranh cho niềm tin của mình và không thắc mắc về những điều em không thay đổi được, chỉ chấp nhận chúng với bản chất như thế, nhất là với con người.

Em hy vọng bác sĩ sẽ tuyên bố là anh có sức khỏe khả quan. Và em mong anh sẽ ăn nhiều món súp thịt gà em nấu.  Em biết nếu anh ăn được anh sẽ thấy khỏe trong vòng vài ngày.  Em biết.

Lá thư này có lẽ dài quá đã làm anh mỏi mắt vì thế em xin ngừng.

Những bức tranh vẽ bằng màu nước của anh càng lúc càng đẹp hơn, em là người ái mộ nhất.

Tất cả tình yêu của em bây giờ và mãi mãi.

Lá thư của Henry Miller gửi Brenda Venus

Tháng 9 ngày 29, năm 1980

Và bây giờ, tôi, ông già 87 tuổi, yêu say mê điên cuồng một cô gái trẻ đã viết cho tôi những lá thư phi thường, người yêu tôi đến chết, giữ mạng sống cho tôi, và giữ tình yêu cho tôi (một tình yêu toàn vẹn lần đầu tiên), người viết cho tôi những lời thâm thúy và đầy tình cảm làm cho tôi vui sướng và ngây ngất như một gã thiếu niên.  Nhưng hơn thế nữa tôi mang ơn em, tôi may mắn lắm.  Tôi có xứng đáng nhận lãnh những lời khen tặng em chất chồng lên tôi không?  Em làm tôi tự hỏi tôi thật ra là một người như thế nào?  Tôi có thật sự biết tôi là ai và tôi là cái gì hay không?  Em bỏ tôi bơi lội trong bí ẩn, và vì thế tôi càng yêu em hơn. Tôi sẽ quì xuống và cầu nguyện cho em.  Tôi chúc phúc cho em với tất cả tư cách thần thánh bé mọn còn sót lại trong tôi.  Chúc em nhiều điều may mắn, Brenda yêu quí của tôi, và đừng bao giờ hối tiếc mối tình này trong cuộc đời em.  Cả hai chúng ta đều may mắn.  Chúng ta không thuộc về thế giới này.  Chúng ta là những vì sao và là cả vũ trụ ngoài kia.
Chúc em sống thật lâu nhé, Brenda Venus.
Xin chúa ban cho nàng niềm vui, thỏa nguyện và tình yêu vĩnh cữu!

Henry

Thư của Zelda Sayre gửi cho F. Scott Fitzgerald

Francis Scott Key Fitgerald (1896 – 1940) nhà văn nổi tiếng của Hoa Kỳ được xem là cây bút nổi bật nhất của Thời Đại Jazz (Jazz Age) và Thế Hệ Lạc Loài (The Lost Generation). Ông hoàn thành bốn truyện dài This Side of Paradise, The Beautiful and Damned, Tender is the Night, và nổi tiếng nhất là The Great Gatsby.

Zelda Sayre (1900 – 1948)

Câu chuyện của Scott và Zelda là một trong những câu chuyện quen thuộc nhất trong lịch sử văn chương Mỹ.  Chàng trẻ tuổi đẹp trai gốc Minnesota làm ngơ ngẩn những người xinh đẹp chàng gặp ở Princeton. Nàng xuất thân từ một gia đình cổ kính và thanh lịch ở miền Nam.  Họ gặp nhau ở một buổi khiêu vũ ở Montgomey, Alabama.  Ngày hôm ấy vào tháng Bảy năm 1918, chàng là một quân nhân đóng ở trại Sheridan gần đấy.  Nàng nghĩ chàng rất xinh đẹp trong bộ quân phục và chàng nghĩ nàng là người đẹp trong mơ của chàng.  Họ yêu nhau và Zelda bắt đầu ngập ngừng không muốn đính hôn. Tháng Sáu năm 1919, bất thình lình nàng tuyên bố hủy bỏ cuộc đính hôn, nhất định, là điều này cũng tốt cho chàng nếu hai người đừng kết hôn.  Nhưng rồi họ cũng kết hôn và linh cảm của nàng trở nên đúng đắn.  Hai người thật sự chà đạp nhau vì yêu quá độ và sống quá độ.

Ai là người có lỗi trong cuộc phá hủy cuộc đời của Fitzgeralds đã là đề tài của rất nhiều quyển tiểu sử trái ngược nhau. Ngay cả lá thư của Zelda viết từ lúc bắt đầu cuộc tình đã có dấu hiệu quan hệ này giả dối từ lúc ban đầu.  Có một cái gì đó vừa buồn bã vừa công kích trong lá thư này, như thể là Zelda đã thách thức Scott làm nàng đau đớn để cho nàng có thể chứng minh là nàng yêu chàng hơn là chàng yêu nàng.  Lá thư viết rất hay, chứng minh với cả hai người về nhiều điều khó khăn đã làm hỏng cuộc hôn nhân của hai người.  Lởi văn của nàng gợi cảm hứng cho chàng và đôi khi chàng trích cả những đoạn văn của nàng vào truyện của chàng. Nàng phóng đại và cáo buộc là chàng đạo văn của nàng trong tất cả tác phẩm của chàng.

Không thể chối cãi là cả hai đều tự phá hoại tài năng của mình, và người này trách cứ người kia. Chàng trách nàng đòi hỏi quá mức, không chung thủy, tra tấn chàng; và nàng trách chàng đã đòi hỏi quá mức, không chung thủy, và tra tấn nàng.  Cả hai xuất bản rất nhiều tiểu thuyết có khuynh hướng tự thuật cuộc đời mình.  Họ biểu lộ quan điểm về cuộc hôn nhân và cố gắng hết sức để giết chết chút tình yêu nào còn sót lại giữa hai người.

Scott chết vì bệnh tim năm 1940 lúc mới 44 tuổi, trong căn hộ của người yêu mới, Sheilah Graham.  Tám năm sau Zelda chết lúc bệnh viện bị cháy.  Bi kịch của cuộc hôn nhân của hai người làm người ta khó mà nhớ rằng đã có lần nàng viết cho chàng, “Anh đến – như mùa hạ, lúc mà em cần anh nhất.”  Họ đã có một thời gian tươi trẻ và đầy hứa hẹn với nhau. “Cái chết già thì rất đẹp – đẹp lắm,” Zelda viết mùa xuân năm 1919. “Chúng ta sẽ chết cùng lúc – Em biết thế.”

Mùa Xuân năm 1919 hay 1920

Em nhìn xuống đường rầy xe lửa thấy anh đang đến –từ không gian mù mịt và ẩm ướt, cái quần nhăn nhúm thân yêu của anh đang vội vã chạy đến với em – Không có anh, cưng nhất yêu quí nhất của em, em không thể nhìn thấy, nghe, cảm thấy, hay suy nghĩ – hay sống – Em yêu anh đến mức độ ấy và không bao giờ, trong suốt cuộc đời, sẽ cho phép chúng ta xa nhau một đêm nào nữa cả.  Nó giống như van xin được thương xót, từ cơn bão hay giết chết Cái Đẹp hay sống đến già, mà không có anh.  Em muốn được hôn anh – ở sau lưng nơi lông của anh bắt đầu và ngực của anh – Em yêu anh – và em không thể nói cho anh biết nó nhiều đến mức độ nào – chỉ nghĩ đến em sẽ chết mà anh không biết – Goofo, anh phải cố mà tưởng tượng em yêu nhiều đến mức độ nào – em thờ thẫn đến mức độ nào, khi anh đi rồi – Em không thể ghét những người đáng nguyền rủa chung quanh em – Không có người nào có quyền sống ngoại trừ hai đứa mình – và họ đang làm bẩn thế giới của chúng ta và em không thể ghét họ vì em thèm muốn anh quá – Đến Nhanh lên – Đến Nhanh lên với em – Em không thể nào sống thiếu anh nếu anh ghét em và người đầy những vết lở lói của người cùi – nếu anh bỏ trốn với một người đàn bà khác và bỏ đói em và đánh em – Em vẫn muốn có anh, Em biết-

Người yêu, Người yêu, Cưng –
Vợ của anh
Zelda

Thư của H. L. Mencken gửi cho Sara Haardt

Nhà văn và nhà thơ thường thích viết.  Và giữa những lá thư tình họ thường kèm theo tác phẩm của họ thường là một bài thơ.  Đối với các nhà văn danh tiếng đôi khi thư của họ cũng được quí như là tác phẩm của họ bởi vì trong lá thư người ta bộc lộ những điều đôi khi lãng mạn và thầm kín hơn cả tác phẩm.  Những chi tiết gợi cảm có thể bị nhà xuất bản kiểm duyệt trước khi in. Tuy nhiên khi tôi đọc thư tình của các nhà văn thì tôi không thấy hay; có lẽ thư tình hay nhất là thư viết cho riêng mình.

Sara Haardt (1898 – 1935) sinh trưởng ở Montgomery, Montgomery County. Tuy tuổi đời ngắn ngủi, tác phẩm của bà gồm có một quyển truyện, một phim bản, khá nhiều tiểu luận và hơn 50 truyện ngắn. Truyện ngắn của bà thường bao gồm cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và phong tục của miền Nam nước Mỹ đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời của phụ nữ cũng như các cô gái trẻ ở miền Nam Hoa Kỳ.  Truyện dài The Making of A Lady (1931) (Sự hình thành của một người phụ nữ ) thể hiện sức mạnh của xã hội kinh tế khống chế phụ nữ, và khả năng miêu tả tâm lý của những cô gái trẻ trong truyện ngắn Absolutely Perfect Toàn Hảo được giới văn chương chú ý đến độ bà được đề cử giải O’ Henry năm 1933.

Mencken (1880-1956) được xem là một trong những người ảnh hưởng sâu đậm đến văn học Hoa Kỳ phần đầu của thế kỷ 20. Nổi tiếng với tác phẩm The American Language, một bộ sách nghiên cứu nhiều tập nói về quá trình phát triển và biến đổi từ Anh ngữ trở thành ngôn ngữ của người Hoa Kỳ.  Là người theo chủ nghĩa tự do ông kịch liệt chống đối cuộc thế chiến thứ Nhất.  Ông có một số lượng tác phẩm không lồ về đủ thể loại và đề tài điểm sách, phê bình, âm nhạc, các chính trị gia, trí thức giả mạo, cả những thể loại động viên tinh thần cho người thất chí. Ông càng nổi tiếng hơn về những bài chống đối chỉ trích sự ngu dốt, thiếu hòa đồng, giả mạo và giả dối, các nhà tôn giáo cực đoan quá khích, phản khoa học hay mê tín dị đoan.

Wikipedia nêu khoảng hơn 30 quyển sách của Mencken.

Ít người nhớ rằng H.L. Menken, một nhà báo nhà văn có tính tình gay gắt và miệng lưỡi độc địa, là người có vợ. Mặc dù ông có nhiều bạn là phụ nữ và ông giúp đỡ rất nhiều nhà văn tài giỏi khác (nam cũng như nữ), người ta thường cho rằng ông rất ghét đàn bà.  Ông đã từng định nghĩa “tình yêu là một ảo tưởng mà mỗi người đàn bà nhìn thấy một cách khác nhau.”  Tuy nhiên khi diễn thuyết ở đại học Goucher, ông gặp Sarah Haardt, một giáo viên kiêm văn sĩ 24 tuổi ăn nói lưu loát, và trẻ hơn ông mười tám tuổi, ông bị hớp hồn ngay lập tức.  Tài viết văn của cô chinh phục ông, nhưng ông khuyên cô không nên kết hôn với ông, bởi vì ông tin rằng hôn nhân sẽ cản trở người phụ nữ không thể phát huy toàn vẹn tài năng.  Sarah vừa xinh đẹp lại thông minh, đồng ý. Cô cho rằng bất cứ người phụ nữ nào từ bỏ sự nghiệp vì hôn nhân là hy sinh mù quáng về sau sẽ hối tiếc.  Trải qua nhiều năm, họ sống riêng và tiếp tục sự nghiệp của họ, nhưng họ viết thư cho nhau hầu như mỗi ngày.  Thư của họ cho thấy đời sống tri thức cũng như tình cảm của hai người rất nồng nàn đậm đà. Thư của Mencken có vẻ kín đáo.  Ông không phải là người phơi trải đam mê trên trang giấy.  Tuy thế khi Sarah, ăn nói lưu loát, dễ thổ lộ, có một ngày nào đó đã không viết thư, Mencken thúc giục cô viết nhiều hơn và thường xuyên hơn.  Sau bảy năm và bảy trăm lá thư, đôi tình nhân vượt qua những trắc trở về triết lý sống cũng như quan niệm về hôn nhân để đến với nhau.  Tất cả mọi người mọi nguồn tin đều nói: đó là một cuộc hôn nhân hạnh phúc phi thường.

March 4th, 1925

Baltimore, Maryland

Sara yêu mến,

Tin mừng cho em, thật mà.  Đó là, tôi bị bệnh cúm. Cái chứng bệnh này tràn lan khắp nơi và trở thành bệnh dịch. Tôi lẩn trốn nó bằng cách vi phạm điều luật XVIII.  Những tờ báo y khoa hiện giờ đăng rất nhiều về cái nạn nấc nghẹn mà tôi bị từ ba tháng trước.  Hiện tượng này rất đáng tò mò và thật tức cười, nấc nghẹn liên tiếp ba ngày và đầu tôi ngứa ngáy dễ sợ.  Tạo hóa có rất nhiều trò trớ trêu và tôi thích cái lối đùa cợt như thế.

Tôi làm thinh, chẳng lên tiếng về chuyện Mercury.  Nathan ngu ngốc vướng vào chuyện ấy, nên ông ta đang bị xấu hổ mà tôi chẳng giúp gì được. Lời tuyên bố của tôi sẽ được in trong số báo tháng Bảy, ba dòng.  Chúng tôi vẫn chưa thỏa thuận với nhau.  Có lẽ sẽ có nhiều chuyện bát nháo xào xáo.  Knopf, xui xẻo thay, chỉ là một người vô tình bị vướng vào chuyện này, và không nên để ông ta bị thiệt thòi.

Về chuyện của Borglum, tôi thông cảm với nhóm học trò của Jeff Davis.  Về mặt tiền bạc, Borglum tham lam như heo, điều nay không ai cãi chối. Trong chiến tranh, hắn ta làm giàu nhờ những hợp đồng ma.

Hai mươi bảy.  Em chỉ mới bắt đầu lớn.  Phụ nữ đẹp nhất, duyên dáng nhất sau khi ba mươi, đặc biệt là một phụ nữ tóc nâu đậm.  Em sẽ rất đẹp khi tóc em bắt đầu phai màu.  Còn tôi, bắt đầu có cảm giác, ở tuổi 44 tuổi rưỡi, những người chuyên tẩn liệm người chết bắt đầu để mắt đến tôi.  Khi em đến tuổi này thì tôi sẽ được 62.  Chuyện này đáng suy ngẫm một chút.

Bài viết về người phụ nữ miền Nam là một bài hay.  Có lẽ, nên đánh bóng một chút, chẳng hại gì, nhưng tôi nghĩ vẫn có thể được tiền nhuận bút nếu cứ để yên như thế.  Thử gửi nó cho các tạp chí mà tôi đã nói cho em biết trong lá thư trước.  Các tờ tạp chí ấy trả nhuận bút khá cao.  Nếu họ không mua nó, gửi lại cho tôi để tôi đọc lại lần nữa.  Tôi nghĩ, thay đổi một vài chỗ tôi có thể dùng nó được.  Nhưng chúng tôi vẫn trả nhuận bút thấp hơn tở Century, Harper’s, vân vân. Cuối năm thứ nhất chúng tôi dư ra 2,200 đô la nhưng biên tập viên vẫn không được trả tiền.  Tồi thật.

Isaac Goldberg đề nghị viết một quyển sách về tôi có cả minh họa. Mặc dù ông ta biết về tôi nhiều hơn Coolidge, tôi vẫn phải tìm kiếm thêm tài liệu về tôi.  Công việc này té ra lại khó khăn hơn tôi tưởng. Tôi bỏ ra nguyên hai ngày để cố tìm kiếm và sắp xếp lịch sử của những người trong họ Mencken.  Sau khi làm chuyện này xong rồi tôi phải lục lại tất cả những bài báo tôi viết từ khi bắt đầu, và tuyển chọn chúng. Và tôi phải nhớ lại những chi tiết trong đời sống tâm hồn và tôn giáo của tôi – như tôi đã theo Công giáo như thế nào, thí dụ thế. Nếu tôi có thì giờ rộng rãi thì chuyện này sẽ rất thú vị, nhưng tôi lại không có thì giờ.  Goldberg sẽ tổ chức một buổi trình diễn nhưng ông ta không viết thành sách. Công việc ấy để dành cho em.  Tựa đề: “Một nhà ái quốc người Mỹ.” Tôi cho phép em được xuất bản 10 năm sau khi tôi lìa bỏ cuộc hí trường.

Bạn Sary ơi, tôi nhớ em muốn điên.  Tôi đã, dời chỗ ăn từ Marconi qua chỗ của Max ở đường Park.  Nếu em ở gần tôi thì tôi có thể bị em mắng cho vì tìm cách “bóp cổ” em.  Tôi đang tập dượt chuyện này với cái cổ của những bà béo phì.  Khi nào tôi gặp lại em tôi sẽ chỉ cho em biết vài kiểu bóp cổ.  Vì thế phải cẩn thận.

Ich kuss die Hand!

Của em

HLM

Cold Mountain

Cuối tuần tôi xem vài phim hay định viết nhưng lười.  Tối về đầu óc mệt mỏi.  Đã xem The English Patient, Cold Mountain, đang xem dang dở Doctor Zhivago, Casablanca tôi đã xem nhưng muốn xem lại.  Tất cả những phim trên đây đều là phim nói về tình yêu trong thời chiến tranh.  Mỗi phim đều là một định nghĩa của tình yêu.

Cold Mountain là phim lấy bối cảnh lịch sử cuộc nội chiến của Mỹ.  Người ta vì một thứ lý tưởng, giải phóng nô lệ, mà đánh giết nhau ghê gớm quá.  Ada, cô con gái của ông mục sư, theo bố rời bỏ miền Nam đến một vùng hoang vu hẻo lánh ở phía Bắc để truyền bá đạo. Ở đây Ada gặp một người dân làng, ít nói.  Cô gọi anh là Mr. Inman.  Vừa gặp nhau hai người đã thích nhau nhưng chỉ nói chuyện bâng quơ một vài câu.  Coi như tình yêu của họ bắt đầu chỉ có thế.

Chiến tranh bùng nổ, Mr. Inman chiến đấu cho phía Yankee.  Đoàn của anh tiến sâu xuống South Carolina.  Bố của Ada qua đời.  Vốn là tiểu thư con nhà, lại không có nuôi nô lệ, đàn ông đi lính, cô không biết làm ruộng nên khốn đốn suýt chết đói.  May thay, có một cô gái khỏe khoắn, biết làm ruộng nương nhưng nghèo không có đất, hai người kết hợp lại làm ruộng nhà, thành đôi bạn thân và đủ sống.

Ada trong một lúc tuyệt vọng đã viết thư cho Mr. Inman gọi anh trở về.  Cô viết cho Inman đâu chừng 103 lá thư nhưng chỉ có ba lá thư đến tay anh.  Thời bấy giờ bỏ hàng ngũ có thể bị bắn chết.  Người tham gia quân đội có thể chừng 15 hay 16 không chừng.  Inman trở về và khốn đốn đủ điều.  Bị thương suýt chết.  Bị tù tội.  Và trong lòng anh một thứ tình cảm chưa bao giờ được nói thành lời cháy bỏng suốt thời gian cuốn phim.  Anh nhớ về nơi anh sống, nơi có cô gái miền Nam di dân lên miền Bắc, xinh đẹp, lãng mạn, đã hôn anh lần đầu tiên, nơi ấy có một cái tên không chính thức là Cold Mountain.  Và trên con đường thiên lý, đi bộ từ miền Nam về miền Bắc, ngay cả khi nằm trong vòng tay người phụ nữ đã săn sóc và cho anh ăn cho đỡ đói, anh tự hỏi, trong cái tên đó có cái gì mà đủ làm cho trái tim anh nhức nhối.

Yêu.  Hai người chỉ gặp nhau có vài giây trong phần đầu của cuốn phim và yêu nhau bền bĩ cho đến hết cuốn phim hai giờ đồng hồ.  Một tình yêu để Mr. Inman vượt qua tất cả hiểm nguy, vượt qua tất cả những lý tưởng quốc gia, ý thức chính trị, để về với nàng.  Và Ada chung thủy chờ.  Đó là tình yêu.  Xem những phim này, khán giả, như tôi chẳng hạn, sẽ tự hỏi, có lẽ suốt cuộc đời mình chưa bao giờ biết yêu.

Yêu một phút để mang sầu trọn kiếp,
Tình mười năm còn lại những tờ thư