Hạnh phúc của người về hưu

Giống như cây kẹo
Branch Brook Park ngày 1 tháng 11, 2018 lúc giữa trưa

Tôi dự tính mỗi ngày đăng một tấm ảnh mùa thu từ bây giờ cho đến khi lá rụng hết, có lẽ là cuối tháng.

Những người mới học nhiếp ảnh thường được nhắc nhở là nên để điểm nổi bật nhất của tấm ảnh ở vị trí một phần ba của tấm ảnh. Nguyên tắc một phần ba này gọi là rule of thirds. Tôi chụp tấm ảnh cây phong vừa chín tới này rồi không biết làm sao mà đặt nó vào vị trí một phần ba. Nó to lớn quá, tương vào ảnh nó tràn ngập cả khung hình, tuy nhiên khi nhìn ảnh sẽ không biết nó lớn hay bé cỡ nào. May sao có một người đi trờ tới.

Tôi thích cây phong này, vì nó làm tôi tưởng tượng đến một cây kẹo khổng lồ có màu đỏ, cam, và vàng.

Sáng hôm qua, tôi vào công ty cũ để nhận cái ngân phiếu. Đó là tiền của số ngày nghỉ vacation tôi chưa dùng hết. Bà thư ký không chịu gửi thư, mà cũng không chịu cho thẳng vào ngân hàng như công ty đã làm hằng bao nhiêu năm. Có lẽ bà muốn đày tôi phải vác bị xách gậy vào công ty lần nữa để đi ăn mày. Bà bảo rằng số tiền lớn quá bà sợ lạc mất. Mở cái ngân phiếu thấy đóng thuế tiền này tiền kia đủ thứ, tôi chỉ còn nhận được khoảng bốn mươi phần trăm của cái ngân phiếu.

Gặp lúc có nắng, trời lại ấm, hôm qua nhiệt độ lên đến 67 độ F (19 độ C.), chẳng bù ngày bạn tôi đến chơi mưa dầm lạnh lẽo chỉ có 47 độ F. (8 độ C.) tôi lấy xe điện ngầm đến Branch Brook Park. Đúng là cái hạnh phúc của người về hưu. Lúc còn đi làm, khó mà tìm được cơ hội đi chụp ảnh lá mùa thu. Chúng ta vẫn thường đọc trên mạng những người về hưu cô quạnh vì con cái lớn hết rồi dọn ra khỏi nhà đi xa. Lâu dài thì chắc mình sẽ thấy quạnh quẽ cô đơn, nhưng bây giờ thì như một bạn đã nói, không phải luôn luôn vội vã về nhà để kịp nấu cơm chiều. Và nếu không lười thì cứ xách bị gậy ra đường mang theo máy ảnh đi săn ảnh.

Viết đến đây thấy còn trống chỗ nên mời bạn đọc thêm một đoạn thơ, tôi chép lại lúc xem phim Autumn in New York

Oh world that I could not hold you
close enough
thy winds,
thy wide gray skies!
thy mists that roll and rise!

Ồ thiên nhiên tôi đã không thể giữ người
kề cận bên tôi
gió lộng
bầu trời xám
sương mù giăng phủ

Bài thơ God’s World của Edna St. Vincent Millay

 

The stars are as soft as flowers
and as near
the hills are webs of shadow
slowly spun

Sao trời mềm mại như hoa
vô cùng gần gũi
đồi núi là mạng lưới bóng tối
từ từ giăng

Bài Midnight – Thơ của Dorothy Parker

Nghe mùa thu tới

goldfinch
Gold Finch

Sáng nay thấy logo của Google có tấm ảnh lá cây ginko (hạnh nhân) bạch quả, màu vàng thật đẹp. Vậy là mùa thu chính thức bắt đầu. Mấy hôm nay buổi sáng có gió hiu hiu lạnh. Tôi đi bộ vòng quanh hồ và bắt gặp những hình ảnh đầu thu. Những đóa purple cones chỉ còn lại cái lõi, và một vài cái đã biến thành màu nâu đậm.

Queen Anne khô
Hoa Queen Anne’s lace khô khép lại như những ngón tay già nua

 

nhiều khi tơ giống tóc người yêu
Nhiều khi tơ giống tóc người yêu

Buổi sáng ngồi nghe nhạc Việt. Duy Trác hát. Bài gì có câu “Tơ úa như thu vàng. Tơ giống như trăng ngà. Nhiều khi tơ giống tóc người yêu.”  Khi nhìn thấy hai cái hoa Bồ Công Anh khô biến thành những sợi tơ trắng, thì có một cơn gió thoáng qua cuốn những sợi tơ trắng bay đầy trời khiến tôi chợt nghĩ đến những câu hát ấy (hình như trong bài Tơ Sầu). Mà quả thật, hoa Bồ Công Anh khô trông giống như mái tóc bạch kim cắt ngắn (của ca sĩ nhạc rock).

Cỏ khô
Hoa thistles đã khô. Thistle tiếng Việt là cây kế

Chỉ mới đầu thu nên dâm bụt tím còn rất nhiều hoa. Hoa nở khắp nơi. Ven hồ, sau khi bị người ta cắt trụi để giữ vẻ quang đãng của hồ, sót lại trên những gốc cây vẫn còn lẻ loi vài đóa hoa tím ngát. Đang từ cỏ khô màu nâu nhảy sang màu tím, post ảnh những đóa hoa màu tím để tặng những người một thời yêu màu tím, hay học trường áo tím.

bông bụp tím
Dâm bụt tím
Phalaenopsis 4
Phalaenopsis (lan hồ điệp)
Phalaenopsis 1
Lan Hồ Điệp trong quán cà phê của Duke Farms.
Lan Hồ Điệp nhụy tím
Nhánh lan được thầy giáo dạy lớp chăm sóc lan cho, đem về bây giờ đã nở toàn vẹn năm đóa hoa lan hồ điệp cánh hồng nhụy tím
Hoa tím cuối mùa
Hoa tím (quên tên) mọc ven hồ

Đầu mùa thu những quả berries màu tím và màu ngũ sắc đã bắt đầu kết trái

purple berries
Không biết tên chùm trái berries này. Chúng mọc thành chùm dính đầy trên cành cây, dày đặc màu tím magenta. (American Beautyberries Oct. 22, 2018)
trái dâu ngũ sắc
Loại trái hoang dại này lá giống như lá nho, thân cây mềm leo trên cây sycamore. Trái màu ngũ sắc pastel như màu của những quả trứng trong mùa lễ Phục sinh

Trái cấm

Quả lựu
Trái cấm

Hôm trước, chẳng nhớ là hôm nào, nhận được quà của chị chủ biên Gió O. Mấy quả lựu thật là to, chưa hề thấy trong chợ bán lựu to như thế. Lựu này ép lấy nước uống là ngon lắm. Sẵn có mấy quả lựu, tôi kể bạn nghe chuyện cổ tích.

Từ thuở xa xưa, người ta đã dùng thức ăn để cám dỗ. Bạn biết mà, ở vườn Eden, con rắn đã xúi Eva ăn quả táo. Sau đó Eva dụ dỗ Adam. “Ta ghé răng cắn vào, miếng môi ngọt đắng,” chuyện gì xảy ra sau đó bạn biết rồi, xin miễn nhắc tới. Con rắn ngày sau biết lỗi của nó nên mỗi mùa lột da để nhìn rõ bản chất của nó. Chuyện rắn lột da thì không phải là huyền thoại, tôi chỉ dùng mấy câu hát của ông Cohen để bịa chuyện cho vui.

I heard the snake was baffled by its sin.
He shed his scales to find the snake
within.

Còn một chuyện cám dỗ người ta ăn trái cấm nữa, trong huyền thoại Hy Lạp ít được chú ý hơn.

Zeus, chúa tể của các vị thần, chia thế giới làm hai cõi. Zeus kiểm soát cõi dương. Ông chia quyền cai trị cõi âm cho người em tên là Hades. Thần Zeus  tính tình lang chạ gặp nữ thần nào xinh đẹp vừa mắt là lấy làm vợ lẽ. Demeter, rất xinh đẹp có một đứa con gái với Zeus, đặt tên là Persephone. Demeter chịu trách nhiệm nuôi dưỡng cây trái mùa màng, mang lại no ấm cho cả thế giới. Persephone xinh đẹp hơn cả mẹ của nàng. Một ngày Persephone mê mải hái hoa trên cánh đồng đủ loại hoa như hồng, crocus, violets, diên vỹ, dạ hương lan đi xa hơn vùng đất mẹ nàng cho phép. Persephone vô tình không biết cánh đồng này là do Zeus biến hóa ra với mục đích làm bẫy bắt nàng đem về làm vợ của Hades. Persephone là con của Zeus và Demeter, do đó Hades là chú của nàng. Theo quan điểm đạo đức ngày nay, Zeus và Hades phạm tội loạn luân. Trước mặt Persephone là một cánh đồng hoa thủy tiên, màu hoa vàng sáng rực như mặt trời, và hương thơm ngát từ trời phủ xuống bao bọc cả cánh đồng. Khi Persephone cúi xuống hái hoa, thì mặt đất nứt ra. Từ lòng đất bay lên một vị thần và cỗ xe ngựa. Vị thần này tóm lấy Persephone,  đặt nàng lên cỗ xe rồi chở nàng đi mất dạng. Persephone kêu cứu nhưng không ai đáp lời. Tuy vậy có hai vị thần, Persaeus và Helius, nghe tiếng cầu cứu của nàng.

Demeter đi tìm con khắp nơi. Đau buồn, bà bỏ phế công việc, mùa màng chết rụi, mặt đất tắt nắng, trở nên lạnh lẽo tuyết giá. Trước nguy cơ cả thế giới bị chết đói Zeus ra lệnh Hades phải thả Persephone về trần nhưng Hades cãi lời. Hai anh em đồng ý với nhau nếu Persephone ăn bất cứ thức ăn nào của cõi âm, thì vĩnh viễn sẽ ở lại nơi đó. Nếu Demeter tìm được cô con gái trước khi nàng ăn thức ăn của cõi âm thì Hades phải giao trả cô gái về dương trần. Persephone từ khi bị bắt về âm ty, nàng tuyệt thực. Bảo rằng chỉ ăn thức ăn của mẹ trồng và sẽ nhịn đói cho đến khi nào được thả về với mẹ. Persephone không biết luật của âm ty chỉ tuyệt thực để phản đối hành vi cưỡng ép của Hades. Trước nguy cơ Persephone sẽ chết vì đói trước khi trở thành vợ của hắn, Hades tìm thức ăn của Demeter trồng để cám dỗ Persephone, nhưng vì Demeter đã biến địa cầu thành mùa đông, cây cỏ chết hết nên Hades chỉ tìm được một quả lựu đã héo khô. Hades bảo nếu Persephone không ăn nàng sẽ chết trước khi gặp mẹ. Hạt lựu cũng đã khô héo chỉ còn lại mười hai hạt. Persephone thấy quả lựu, nghĩ rằng đây là thức ăn của mẹ trồng do đó nàng nhấm nháp vài hạt lựu. Khi Demeter được lời mách bảo của Persaeus và Helius bà tìm xuống âm ty, gặp Hades để đòi lại con. Đến nơi thì Persephone đã lỡ ăn hết sáu hạt lựu. Vì thế hằng năm Persephone phải ở lại âm ty làm vợ của Hades sáu tháng và về dương trần ở với mẹ sáu tháng. Sáu tháng con gái ở xa là sáu tháng Demeter đau buồn và vì thế mặt đất giá lạnh, cây cối không trổ hoa kết trái. Từ đó về sau người trần có sáu tháng mùa thu và mùa đông, còn sáu tháng kia là mùa xuân và mùa hè.

Tóm lược theo “Clasical Mythology” 6th edition, chapter 12, “Demeter and the Eleusinian Mysteries” của Mark P. O. Morford và Robert J. Lenardon.

Mùa thu vẫn sống dài theo năm tháng

Bên bờ đập
Bên bờ đập

con đường ngập lá vàng
Con đường ngập lá vàng

đường vắng
Đường vắng

trước nhà
Đứng trước cửa nhà nhìn qua sân hàng xóm

sau nhà
Sau nhà cây lá bụi rậm chằng chịt

nai đứng nghênh chủ nhà ở phía sau nhà
Nai đứng nghênh mặt với chủ nhà ở cửa sau

bên suối
Bên suối

nhìn xuống thung lũng
Nhìn xuống thung lũng

Đi trong rừng nhiều cây lá đổi màu, nhưng chỉ chụp được ngọn cây. Có lẽ phải đi ra bên ngoài cái đẹp mới có thể nhìn thấy cái đẹp trọn vẹn.

Những bài thơ mùa thu — Thu Quan Ban thao/Tran Hoai Thu

Thu xa người

Một người đi phương Bắc
Một người về phương Nam
Lá rừng thu chưa vàng
Sao nghe buồn vời vợi

Một người đi để lại
Một người về lại mang
Mang gì, một mùi hương
Quyện trong từng mắt xích

Người đi về dưới đó
Ta đi lên trên này
Mùa thu […]

via Những bài thơ mùa thu — Thu Quan Ban thao/Tran Hoai Thu

Lại thêm một mùa thu

Với bao nhiêu đắng cay trong cuộc sống khắc nghiệt của người dân Việt vùng ngập lũ, tôi thấy xót xa. Ở đây lại thêm một mùa thu. Thiên nhiên không cần biết đến vận mạng con người, cứ vô tình đến mặc kệ niềm vui hay nỗi buồn của nhân thế.

một chiếc lá
mùa thu nhắc lại tình trong trắng 

mùa thu ở kẽ đá
Tiếng gió bay cuộn lên trong mùa thu 

trang trí Halloween
Trang trí Halloween 

vừa chín
Gợi hình ảnh xưa đã khuất xa rồi 

Vài tấm ảnh đầu mùa thu

berries 2
Trái berries mọc hoang

bóng thu
Bóng mùa thu

chùm lá đỏ
Đong đưa

dần chín
Dần chín trong nắng

dây leo
Bức tranh dây leo

lá cây eastern redbud
Lá cây Eastern Redbud trong bóng râm

một chiếc lá úa
Một chiếc lá úa

trong nắng
Chói chang

trái màu 5
Trái cây dại ngũ sắc

October – Isabel Neill

Now gypsy fires burn bright in every tree,
Now countless vagrant birds are winging south;
The white roads beckon and, unsought, yet sweet,
Old songs of nomad days are in my mouth.

Giờ đây trên cây màu sắc như lửa cháy,
Giờ đây vô số chim hoang bay về Nam;
Cây sồi trắng vẫy gọi, không ai đáp lời nhưng vẫn vui
Bài ca xưa của những ngày du mục nằm trên môi 

I burn with every tree, I fly with every bird,
And know some gypsy witch, with mystic skill,
Has traced her crooked pattern across my heart.

Tôi cháy cùng theo cây, tôi bay cùng với chim
và quen với nàng phù thủy du mục, có phép thuật
đã vẽ những nét bùa ngoằn ngoèo trên quả tim tôi.

Sắc thu

Hôm qua, ông Tám đi Philadelphia, cổ động người dân đi bỏ phiếu cho bà Hillary. Ông Tám ủng hộ bà Hillary từ khi bà còn tranh chức Tổng thống với ông Obama lận. Ngay cả xe của ông cũng có dán giấy ủng hộ bà. Thế là tôi rảnh rang được một ngày, không phải lên rừng.

Cả hai tuần nay tôi cố đi tìm ảnh thu. Những công viên lớn và đẹp tôi đi xem lúc sớm quá khi lá chưa đổi màu. Hôm qua, sau nhà trước nhà tôi là cảnh thu đẹp tuyệt vời với đủ thứ màu sắc. Tuy nhiên, rừng tự nhiên, chụp vào ảnh không đẹp vì nó nhiều cành, nhiều lá, rối rắm lắm. Tôi chụp một mớ không vừa ý. Buổi chiều, thấy tủ lạnh hết rau nên tôi đi chợ, sẵn đường tôi ghé sang hồ Watchung chụp ảnh thu. Càng chụp ảnh càng không vừa ý vì thấy những khiếm khuyết của mình. Thiếu mỹ thuật, thiếu kiên nhẫn, thiếu cẩn thận, càng chụp thấy ảnh càng tệ. Được cái hôm qua nắng đẹp, buổi chiều nắng dịu xuống. Mà tôi thì lười mang trụ ba chân nên cứ chụp bừa. Dẫu gì cũng tóm được màu đỏ màu cam và màu vàng. Màu vàng thì nhiều, màu lá úa, màu nắng chiều, màu cỏ khô.

Tôi muốn viết một cái gì đó, về mùa thu, nhưng sau khi tìm tài liệu rồi, thấy không có gì làm tôi say mê đủ để viết. Thôi mời bạn xem ảnh thiếu nghệ thuật vậy.

Khi tôi đi vòng quanh hồ Watchung chụp ảnh thu, đến một nơi có nhiều nhà trồng cây phong Nhật Bản. Loại cây này lá nhỏ, nhiều góc nhọn và màu đỏ rực rất đẹp. Có hai cha con đang dẫn cho đi dạo. Người bố khoảng sáu mươi hay hơn. Người con khoảng hơn ba mươi. Ông già hỏi tôi.
Bà là người đi do thám phải không? (Are you a spy?)
Trông tôi có giống người do thám không? (Do I look like a spy?)
Bà là người do thám có kinh nghiệm vì thế không giống người do thám (You are a good spy so you don’t look like a psy).

Tôi cười đi trước, nghĩ rằng họ sợ mình đi rình ăn trộm nhà giàu. Quả đúng như vậy. Chập sau, anh con trai xin chụp tôi tấm ảnh. Nói đùa (mà thật) để đề phòng trường hợp tôi đi dọ thám cho kẻ trộm. Tôi cảm thấy bị xúc phạm nhưng vẫn để anh ta chụp ảnh tôi. Giá mà tôi là một bà cụ người Mỹ chắc là anh ta không dám nghĩ như thế. Tôi gặp phiền toái với cái ý thích chụp ảnh của tôi rất nhiều lần như vậy.

mùa thu trong thành phố

Mấy hôm nay trời khá lạnh. Buổi sáng chỉ có hơn bốn mươi độ F (khoảng 4 độ C) có sương giá. Trong thang máy tôi nói bâng quơ, trời bắt đầu lạnh rồi. Một anh chàng trẻ tuổi lên tiếng, “vâng, tôi thích trời lạnh. Tôi có thể quên đi cái nóng của mùa hè rồi.” Bà Adrienne, có một dạo làm việc cùng tầng lầu với tôi, trong nhóm khác, nói “Tôi chọn mùa hè, tôi lấy mùa hè không cần chớp mắt. Tôi không ưa cái lạnh buốt giá của mùa đông.”

Thích hay không thích, mùa thu vẫn đến với sắc màu và giá lạnh. Bí đỏ được chưng bày khắp nơi. Bỗng dưng thời gian của tôi biến đi đâu mất. Muốn viết cái gì đó cho đàng hoàng, thơ mộng lãng mạn với mùa thu nhưng đầu óc cạn kiệt và thời gian không đủ để làm bất cứ cái gì kể cả ngủ. Trời xám của mùa thu làm tôi mệt rã chỉ muốn tìm góc tối và ấm cuộn tròn trong chăn để ngủ.

Ảnh thu 2016

New Jersey đang giữa mùa thu với sắc màu rực rỡ. Tôi mất cảm hứng chụp ảnh thu vì phong cảnh chung quanh trở nên quen thuộc quá.

Chớm thu

la-cua-burning-bush-giua-thang-10-nam-2014
Lá của cây burning bush chụp vào giữa tháng 10 năm 2014

Mới đầu tháng Mười ở đây, New Jersey, chưa thấy dáng thu. Buổi sáng đi làm trời tối thui, mấy hôm nay mưa nhẹ, trời ủ dột, tôi buồn ngủ thiếu điều gục xuống bất cứ chỗ nào, trên xe, ở bàn làm việc.

Nghe trong cái băng cassette cũ mèm, Mỹ Thể hát bài Lá Rơi Bên Thềm của hai tác giả Nguyễn Hiền và Lê Trọng Nguyễn

Lá rơi bên thềm gợi nhớ thương,
Tìm trong lá thu, vàng trên lối đi, về dĩ vãng.

Tôi thích giọng Mỹ Thể, trầm ấm và ngọt ngào và xưa thật là xưa . Chung quanh nhà tôi lá khô (vì hạn hán) và hạt acorns rụng đầy. Lá rơi cho lòng hoài cố nhân. Mùa thu luôn làm cho người ta bâng khuâng, có lẽ vì nghe trời lành lạnh, nghe ta buồn buồn, dễ mang cảm hứng cho người làm thơ. Kẹt nỗi tôi không thể nào nghĩ ra một câu thơ, ngoại trừ những câu thơ của người ta mình đọc rồi bỗng dưng thuộc. 🙂

 

Phác họa tháng Mười

Sketch in October

Tomas Tranströmer – Trích trong The Great Enigma
New Collected Poems
Dịch sang tiếng Anh: Robin Fulton

The tugboat is freckled with rust. What’s it doing here so far inland?
It’s a heavy extinguished lamp in the cold.
But the trees have wild colors; signals to the other shore.
As if someone wanted to be fetched.

On my way home I see mushrooms sprouting through the grass.
They are the fingers, stretching for help, or somone
who has long been sobbing alone down in the darkness.
We are the earth’s.

not-nhac-thang-10-nam-2011
Nốt nhạc tháng Mười năm 2011

mua-thu-o-upstate-new-york-thang-10-nam-2013
Ngày 6 tháng Mười năm 2013 ở khuôn viên trường Võ Bị Westpoint Upstate New York lá bắt đầu đổi màu

Phác họa tháng Mười

Dịch sang tiếng Việt: Nguyễn thị Hải Hà

Chiếc tàu kéo lốm đốm màu sét gỉ. Tại sao nó lại ở nơi này, quá sâu trong đất liền?
Nó giống như cái đèn tắt lửa trong không gian lạnh lẽo.
Hàng cây trên bờ màu sắc rực rỡ; ra dấu hiệu với bờ bên kia.
Như thể có người gọi tàu đón khách.

Trên lối về nhà tôi nấm mọc đầy trên cỏ
Như những ngón tay vươn dài, réo gọi, hay đó là tiếng  nức nở trong bóng tối, từ lâu.
Chúng ta là của đất.

Bản dịch thành ra thơ của Mưa Sông Hồ (Facebook)

Xác tàu gỉ sắt trên đồng
Như đèn tắt bóng tự trong lạnh lùng
Cây rộ sắc phía chập chùng
Như lời khách gọi sang vùng đam mê
Nấm hoang lối cỏ ta về
Vươn từ mộ địa hẹn thề gọi nhau
Ta cùng của đất tự lâu …

Tháng Mười

October is the month for painted leaves. . . . As fruits and leaves and the day itself acquire a bright tint just before they fall, so the year near its setting. October is its sunset sky; November the later twilight – Henry David Thoreau.

Tháng Mười là tháng của những chiếc lá đầy màu sắc… Vào lúc trái cây và lá cây và ngày theo nghĩa thời gian cũng tiếp thu được cái màu sắc rực rỡ trước khi chúng bắt đầu tàn rơi, thì một năm cũng sắp hết. Tháng Mười là bầu trời sắp hoàng hôn; trong khi tháng Mười Một trời chập choạng sắp tối.

Ảnh cũ chụp từ giữa tháng 10- 2010.

 

Rừng chưa thay lá

rung-chua-thay-la
Một khúc đường rừng lá rụng nhiều nhưng cây cối vẫn còn xanh. Anh đi rừng chưa thay lá. Anh về rừng lá thay chưa? Phố cũ bây chừ xa lạ… 

Năm nay thu về muộn. Vài ngày trước ngày chính thức của tiết thu phân trời hơi lạnh. Lá chớm đổi màu thì trời nóng lại. Ngày tôi sang Ottawa rất nóng đi bộ mệt thất thểu. Ngày hôm sau nhiệt độ rớt xuống nhiều, gió mạnh, tôi không mang khăn quàng phải lấy một cái áo mỏng dài tay quấn ngang cổ cho đỡ lạnh. Mấy hôm sau trời ấm lên, dễ chịu hơn. Tưởng sang Canada sẽ gặp mùa thu nhưng lá vẫn xanh, có vẻ ít khô hạn hơn New Jersey.

Thành phố tôi đang ở, đang mùa hạn hán. Mấy tháng nay không có cơn mưa nào đáng kể, chỉ sương sương chưa đủ ướt đất. Lá cây rụng nhiều, rụng ngay cả lúc còn đang xanh. Thì đó, người ta hát rằng, lá chết rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu. 

Thấy cúc vàng là nghĩ đến mùa thu vì câu thơ có nói mùa thu uống rượu hoa vàng. Ở đây người ta gọi cúc là mum. Có người cũng gọi mẹ là mum. Nhưng chữ mum của hoa cúc là phần cuối của chữ chrysanthemum. John Steinbeck có một truyện về hoa cúc rất hay. Có lẽ mùa nhập học là mùa thu, hoa cúc bắt đầu được bán ở nhiều trại hoa, gợi nhớ, nên học trò nhập học môn luận văn thường được bắt học, phân tích truyện Hoa Cúc của văn hào Nobel Steinbeck.

Tôi không nhớ chắc chắn, hình như nhà văn Nhật Kawabata cũng có viết một truyện về hoa cúc. Kawabata thường hay đem văn hóa Nhật vào truyện. Trong Xứ Tuyết ông viết về geisha và nhạc cụ cổ truyền. Trong Ngàn Cánh Hạc ông viết về trà đạo và chén trà quý. Trong truyện ngắn Hoa Cúc ông viết về đèn lồng và bia mộ, cũng là mấy nét đặc sắc của văn hóa Nhật. Cách ông dẫn truyện rất hay. Ông kể một câu chuyện ma, người đàn bà chờ tình nhân hay tình quân, bên cạnh tảng đá vào một ngày tuyết rơi. Người đàn ông lỗi hẹn, nàng chết vì lạnh. Từ chỗ trú ẩn của nàng bên tảng đá, có chỗ lõm vào, từ đó mọc lên đóa cúc vàng. Tác giả nhìn tảng đá nghĩ đến mộ bia và đèn lồng (lantern), cứ thế mà miên man dẫn người đi.

Tôi không chắc người đọc sẽ thấy truyện này hay, nhưng hình như tôi thuộc trường phái thích văn học cổ điển và Á châu. Hôm nào rảnh tôi sẽ lựa ra một số truyện rồi dịch.

Chớm thu

những chùm tú cầu nặng trĩu

sau một cơn mưa, nấm mọc nhiều thật nhiều

loài hoa rủ bướm

Đã thấy thu về

bắt đầu thu

mặt trái

chuyển mùa

bông súng nhưng giống như một loại cúc nước hay thủy cúc

một loại hoa dâm bụt to bằng cái đĩa bàn

rừng vắng có bao lá vàng

ửng vàng

Chỉ cần một đêm hơi lạnh đã thấy lá bắt đầu đổi màu. Dường như cố gắng tận hưởng những ngày cuối hè, trước khi học sinh bắt đầu đi học trở lại, và thời tiết mát mẻ, mọi người đi hiking. Hôm qua gặp người đi trên đường trong rừng, tôi đếm được sáu mươi lăm người, không kể số người gặp lại hai lần.

Mùa thu trên những con đường

Dù gì chúng ta vẫn phải trở lại cuộc sống bình thường. Đối với gia đình của nạn nhân thì cái bình thường này sẽ là cái bình thường mới sau một sự mất mát lớn. Mỗi lần có một biến cố như thế này, hay có sự qua đời của người thân, người quen, tôi suy nghĩ về sự sống chết nhiều hơn. Nếu tôi biết rằng tôi sẽ chết trong vòng sáu tháng, tôi sẽ làm gì? Chắc cũng chẳng có gì khác hơn nhiều so với cuộc sống hiện nay. Những lời yêu thương chưa nói? Những giận hờn còn giữ kín ở đáy lòng? Chắc là tôi sẽ cố từ bi hỉ xả hơn 🙂 Chẳng phải tử tế gì, chỉ cầu sao khi ra đi đừng còn đeo cục giận quá lớn.

Bây giờ là cuối mùa thu rồi. Đường lên rừng bây giờ chỉ toàn là xác lá khô, có nhiều nơi lá rơi nhiều quá, ngập đến tận đầu gối. Có những nơi bị ủ nước, lá đã có mùi hôi ẩm, chỉ những nơi khô ráo thì lá vẫn còn mùi thơm. Vạn vật làm một cuộc tuần hoàn, cái mới trở thành cái cũ, sự sống và sự chết luân phiên tiếp nối. Những nỗi buồn hôm nay làm người ta nghĩ rằng sẽ mãi mãi đánh mất tiếng cười, nhưng thời gian sẽ giúp cho nỗi đau dần nguôi ngoai. Khả năng quên cũng là một điều may mắn của con người.

Nghĩ đến cái chết, không thể không nghĩ đến nhạc sĩ Anh Bằng vừa qua đời. Trong số các bản nhạc của ông có một bài không được nhắc đến nhiều nhưng tôi rất thích đó là bài Kỳ Diệu thơ Nguyên Sa Anh Bằng phổ nhạc. Có bỡ ngỡ là mặt trời bỡ ngỡ. Có xôn xao là sỏi đá xôn xao. Cánh tay anh, anh đã dặn nằm yên. Để người yêu thả trôi suối tóc mềm. Và Anh trông chừng con thuyền lạ đi ngang. Sẽ chở em vào quê hương thần thoại.