Tưởng niệm nhà văn Võ Hồng (1921 – 2013)

Tôi nhận được e-mail của nhà văn NLU báo tin nhà văn Võ Hồng qua đời rất sớm. Có thể nói nhà văn Võ Hồng là một trong số rất hiếm nhà văn được yêu chuộng bởi nhiều độc giả trước và sau năm 1975. Tôi biết là sẽ được đọc tin này trên hầu hết các báo mạng và blog Việt ngữ nên không nghĩ đến chuyện viết vài lời tưởng niệm. Tôi không có cơ duyên quen biết ông hay gia đình ông, tuy nhiên một bạn văn khác lại bảo, bà đã đọc Võ Hồng, nên viết theo cảm nhận của người đọc. Để tưởng niệm ông.

Thú thật tôi không phải là người đọc có đẳng cấp. Tôi yêu văn học nhưng không là nhà văn, tôi không kiếm sống bằng nghề văn, vì thế cái đọc của tôi cũng chỉ lõm bõm bạ đâu đọc đấy, cái gì vớ được thì đọc. Hôm trước chị Gió O rủ viết về chủ đề Võ Phiến nên tôi được dịp đọc nhiều tác phẩm của Võ Phiến. Tuy nhiên trước khi tôi được biết về nhà văn Võ Phiến tôi đã biết tiếng nhà văn Võ Hồng. Ở đây tôi xin thanh minh là tôi không dám so sánh về sự nổi tiếng của hai nhà văn lớn, tôi biết tiếng nhà văn Võ Hồng có lẽ là nhờ sự đa dạng của chủ đề ông chọn để khai thác trong đó có tình gia đình. Tôi cũng không có cơ hội đọc nhiều tác phẩm của ông. Hầu hết những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn của Võ Hồng được đăng tải trên trang mạng http://www.vohong.de/. Tôi tự bảo là sẽ vào trang này, đọc cho bằng hết những tác phẩm này để học viết văn, nhưng tôi vì cuộc sống đòi hỏi, và cũng vì mới bước vào làng văn chương nhìn đâu cũng thấy toàn hoa thơm cỏ lạ nên la cà mãi vẫn chưa đọc được mấy tác phẩm của ông. Truyện đầu tiên của Võ Hồng tôi đọc và nhớ mãi đến giờ là Trận Đòn Hòa Giải. Quyển này tôi nhớ được in theo lối khổ nhỏ khoảng một phần hai trang giấy 8×11, giấy mỏng, trông giống như một tập thơ.

Lần đầu tiên tôi đọc Trận Đòn Hòa Giải, tôi khóc. Mấy mươi năm sau, đầu hai thứ tóc đọc lại tôi vẫn khóc. Tôi không nhớ tôi đọc quyển này mấy lần, có thể nói ít nhất là ba lần. Lần nào cũng cảm động, mỗi lần đọc lại nhận ra một cái gì đó trong lòng mình.

Nhân vật kể chuyện (narrator) trong Trận Đòn Hòa Giải là một thiếu nữ tên Hằng. Cô có hai đứa em. Em trai kế tên Hào. Em gái út tên Thủy. Cả ba đều còn đang tuổi đi học. Cô chị là học sinh Trung học. Cô em út là học sinh Tiểu học. Mẹ mất sớm, bố gà trống nuôi con.

Những lần đọc đầu tiên tôi cám cảnh những đứa trẻ mồ côi. Tôi hình dung cô bé út nhõng nhẽo đáng yêu. Rồi tôi thấy xót xa cho ông thầy giáo mồ côi vợ. Sau đó tôi tưởng tượng đến nỗi bơ vơ của cô gái lớn đến tuổi trưởng thành không có mẹ để tâm sự hay trao đổi những thắc mắc trong sự thay đổi của thể xác. Bây giờ đọc lại tôi thấy truyện bắt người đọc nhìn lại lòng mình, nhìn lại cách cư xử của mình với người chung quanh. Có những suy nghĩ hành động của mình lúc ấy mình thấy là mình đúng mình phải nhưng về sau càng nghĩ thì càng thấy vướng víu. Không hẳn là sai nhưng mà có cái gì đó không hay, không đúng, không rộng lượng hay cao thượng. Thấy cái ghen tị, thấy cái nghĩ xấu của mình dành cho người thân, thấy cái mình bắt trẻ con phải hiểu và hành động như người lớn. Và trời ạ, cái đánh đòn, cứ nghĩ mình đánh con là mình dạy con là muốn cho con nên người. Thật ra, có phải mình dùng đòn để đạt kết quả mình muốn cho nhanh chóng, trong giây phút, để con không quấy rầy mình, để cuộc sống của mình được dễ dàng trong tạm bợ.

Tôi không được cái diễm phúc làm học trò của nhà văn. Nhưng truyện của ông, chỉ một truyện tôi đọc trong rất nhiều truyện ông viết, là một bài học cho tôi. Mấy mươi năm sau đọc lại tôi vẫn chảy nước mắt, có khi vì hối lỗi với con mình.

Văn của ông bao giờ cũng có vẻ nhân hậu. Đọc ông tôi luôn nhìn thấy sự phải trái của cuộc đời. Cám ơn ông. Ông yên nghĩ nhé.

Tìm lời phân ưu

Nhận được tin phu nhân của một nhà văn qua đời. Tương giao của ông với tôi chỉ là nhà văn và độc giả. Tôi muốn chia buồn nhưng tôi không biết nói gì. Tôi thấy những người tâm giao với ông làm thơ chia buồn và nghĩ đây là cách chia buồn rất hay nhưng trước nhất tôi phải biết mình muốn nói gì. Chưa biết nói gì thì làm sao nghĩ đến việc biến ý nghĩ của mình thành những câu thơ? Tôi chỉ có thể tìm những bài thơ của các thi sĩ danh tiếng và dùng những bài thơ này để nói lời phân ưu. 

Tôi tìm thơ tiếng Việt trước nhất và gặp bài Khóc Vợ của Nguyễn Khuyến. Mừng quá, bài thơ có cái tựa đề thật phù hợp.

Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm,
thắt lưng bó que, sắn váy quai cồng,
tất tưởi chân nam chân xiêu,
vì tớ đỡ đần trong mọi việc.
Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng,
búi tóc củ hành, buông quần lá tọa,
gật gù tay đũa tay chén,
cùng ai kể lể chuyện trăm năm ?

Đọc xong thấy bài này xưa quá. Tôi không thể nào so sánh nhà văn với cái hình ảnh khôi hài búi tóc củ hành, buông quần lá tọa như thế này nên tiếp tục đi tìm. Gặp bài Khóc Vợ Bạn của Trần Tế Xương. Tôi là hậu bối không dám xưng là bạn nhưng ông Tú Xương này khóc là phải hay. Thú thật với bạn tôi khá dốt nên có khi đã lẫn lộn tên của ông này.

Quả núi Châu Phong mới bắc cầu (1)
Thương anh về trước chị về sau!
Tên đề bảng phấn ai không tiếc
Tiếng khóc non xanh vượn cũng sầu
Có mẹ tưởng là vui gượng lại
Không chồng hồ dễ sống chi lâu!
Bắc thang lên hỏi ông cầm sổ
Thăm thẳm mù xanh ngát một màu .

(1) Bắc cầu: cầu Hàm Rồng xây dựng năm 1904.

Bài thơ hay nhưng không thích hợp. Nhất là câu Thương anh về trước chị về sau! Trời ơi nói thế chẳng khác nào trù ẻo người mình muốn chia buồn. Bỏ tiếng Việt tôi quay sang tìm thơ tiếng Anh. Dùng những từ khóa như consolation, death, loss of spouse tôi tìm thấy những bài sau đây:

Bài Consolation của
Elizabeth Barrett Browning đoạn đầu có những câu tôi thích nhưng không dịch được vì không hiểu hết ý. Đại ý bài thơ nói không phải ai cũng về trời, những người bị bỏ lại với nỗi buồn mà vẻ mặt đau buồn làm nắng trở nên một hình ảnh vui vẻ hạnh phúc và giọng nói buồn làm gió cũng buồn theo.

… If I could find
No love in all this world for comforting,
Nor any path but hollowly did ring
Where ‘dust to dust’ the love from life disjoin’d;

..
. Nếu tôi không thể tìm
tình yêu trên thế giới này làm điều an ủi,
Hay bất cứ nẻo đường nào mà chỉ là những tiếng kêu trống rỗng
Nơi “cát bụi trở thành cát bụi” tình yêu trong cuộc đời bị đứt đoạn

Bài thơ này tôi e rằng sẽ làm người đọc buồn thêm thay vì đóng vai trò chia buồn. Vả lại bài thơ này là giọng nói của một người phụ nữ tôi cho là không phù hợp với giọng của nhà thơ.

Tôi tìm thấy bài Reluctance của Robert Frost. Bài thơ nói về một người đi trong rừng thu nhìn thấy lá rụng hoa tàn làm độc giả liên tưởng đến người đàn ông đang tưởng nhớ sự phai úa của cuộc tình.

Ah, when to the heart of man
Was it ever less than a treason
To go with the drift of things,
To yield with a grace to reason,
And bow and accept the end
Of a love or a season?

A! Khi nào đối với trái tim của con người
Liệu có bị xem là phản bội
Khi người ta trôi theo dòng đời
không còn thắc mắc lý lẽ nữa
mà cúi đầu chấp nhận sự chấm dứt,
của một mối tình hay một mùa?

Bài Deaths of Flowers của Edith Joy Scovell (1907-1999) nói về cái chết và cách chết của các loài hoa tulip và iris. To One Shortly to Die của Walt Whitman, My Mother on Her Sickbed của Yehuda Amichai, Sonnet XLI của Elizabeth Barrett Browning, ba bài thơ Hope is the Thing, Because I Could Not Stop For Death, và After Great Pain, A Formal Feeling Comes của Emily Dickinson, On Another’s Sorrow của William Blake, The Cross of Snow của Henry Wadsworth Longfellow, tôi lần lượt đọc nhưng vẫn không chọn được bài nào ưng ý vì buồn quá, khó dịch quá, giọng thơ hay nhân vật trong bài thơ không phù hợp với hoàn cảnh. Tôi chợt nhớ tôi có quyển thơ The Great Enigma của nhà thơ được giải Nobel năm 2011 nên mang quyển thơ đọc suốt hai chuyến xe lửa đi làm và trong đó có hai bài có thể dùng để phân ưu.

Cuối cùng tôi nhận ra rằng, nỗi buồn mất người thân rất to lớn và rất riêng tư. Mỗi bài thơ chỉ phù hợp với hoàn cảnh của tác giả. Tôi tự biết mình thiếu khả năng dùng ngôn ngữ nhưng mạo muội chọn dịch vài bài, với tất cả những khiếm khuyết của sự không phù hợp và thiếu thốn về mặt ngôn ngữ, tôi chỉ có thể nói tôi thành thật chia buồn.

bất lực của ngôn ngữ

Tôi luôn cảm thấy bất lực với ngôn ngữ. Ngày còn trẻ tôi thuộc loại liến láu, chanh chua, tranh nói tranh cãi. Bây giờ muốn nói sao tìm chữ không ra. Từ ngày qua Mỹ tôi càng ngày càng ít nói hơn, có lẽ vì tôi mang mặc cảm ngôn ngữ, nói tiếng Mỹ dở, ngữ vựng ít, nói có “accent.”

Lúc sau này tôi ít gặp bà Carol dắt chó đi ngang trước nhà. Bà không ở cùng con đường với tôi. Nhà bà ở khu nhà bên đường Brandywine, sang hơn, phía sau nhà của bà giáp vào ngõ cụt của con đường ngang nhà tôi. Hằng ngày bà thường dắt chó đi ngõ sau cho chó bài tiết nhân tiện bà hút thuốc. Con chó nhỏ đâu chừng hai tấc mà béo ơi là béo. Trời lạnh bà cho chó mặc áo ấm. Con chó nhỏ mỗi lần gặp chúng tôi là liếng thoắng chạy vòng vòng sủa inh ỏi trông rất đáng yêu.

Bà Carol người gầy dáng cao, tóc cắt thật ngắn, ngắn đến độ nếu chỉ nhìn cái đầu tóc người ta sẽ nghĩ đó là một người đàn ông. Bà thuộc loại đẹp, không đập vào mắt người ta một cách hỗn hào, nhưng nét mặt bà có vẻ thanh tú, ưa nhìn. Chỉ có điều là bà dấu vẻ đẹp dưới lớp phấn màu da người thật dày nên trông giống như mặt nạ. Tôi đoán có lẽ bà có một cái bớt đâu đó trên mặt bà muốn che đi. Dù buổi sáng mới thức tôi thấy mắt bà vẫn kẻ viền đen trông sắc sảo càng làm khuôn mặt bà tăng vẻ giống mặt nạ.

Trước khi có dịp chào hỏi bà, tôi vẫn thường đứng ở cửa sổ nhìn bà đi ngang. Con đường trước nhà tôi khá dốc. Người đi không quen chỉ cần đi cái dốc này, hay đi con đường lái xe vào nhà để xe của tôi là thở dốc. Có một bà quen với bà chị chồng tôi đi lên con dốc này là ngồi phệt ngay trước driveway nhà tôi thở dốc, tôi sợ bà đứt hơi. Người đi dốc cao không quen hay khòm lưng, dường như khòm người như thế đỡ bị cản bởi sức ma sát trong không gian sẽ đi nhanh hơn, dễ dàng hơn. Bà Carol đi cũng khòm lưng. Có lẽ vì bà cao quá và mảnh khảnh quá nên lưng khòm tự nhiên. Bà đã ở chỗ này trước khi chúng tôi dọn về có nghĩa là bà phải quen với độ dốc nên không thể vì độ dốc mà khòm lưng.

Trông dáng bà tôi có cảm tưởng bà oằn xuống vì sức nặng của cuộc đời, như Atlas gánh cả quả địa cầu trên vai, hay như Sisyphus mang tảng đá lên núi. Không phải chỉ vì cao và gầy, bà như gánh một nỗi buồn. Rồi có một hôm sau khi ăn tối tôi với phu quân đi bộ. Đứng ngay driveway nhà tôi là Steve, ông hàng xóm. Ông bảo cho biết hôm ấy là ngày kỷ niệm con trai của bà Carol qua đời.

Con trai của bà Carol vào đại học năm trước đó. Có một nhóm sinh viên ở trường khác đến chơi, vì cãi vả với một nhóm học sinh của trường này đã nổi lửa đốt trường trong lúc các sinh viên đang ngủ. Con của bà Carol bị chết trong trận hỏa hoạn ấy. Trong lúc ông Steve kể vắn tắt về chuyện con của bà láng giềng thì bà cũng dắt chó đi ngang, điếu thuốc trên tay.

Tôi muốn nói đôi lời chia buồn nhưng không biết nói gì. Một phần vì không quen biết hay thân thiết với bà, một phần vì sự giới hạn của ngôn ngữ. Tôi không biết tôi cần phải bắt đầu từ đâu để nhắc đến nỗi đau chưa nguôi ngoai còn đè nặng trên vai bà. Người ta bảo chung vui và chia buồn. Có thật sự khi mình nói những lời phân ưu thì nỗi buồn của người mang tang khốc được chia ra vơi đi hay mình lại khơi đống tro tàn mà ngọn lửa vẫn âm thầm cháy đỏ?

Cố gắng lắm, sau khi ông Steve nói mấy lời giới thiệu mào đầu, tôi chỉ nói được “I am very sorry for your loss!” Tôi không quen bà đủ để có thể ôm bà và tôi đứng đó nghẹn ngào. Tôi tưởng tượng cái đau đớn của người mất con, nhất là mất con vì mình đã gửi con đi học ở một trường đại học danh tiếng giàu có trong tiểu bang với ý nghĩ trường đại học là nơi an toàn nhất cho con mình. Tôi biết mình không thể nói “Tôi hiểu nỗi đau đớn của bà” bởi vì đó là một điều tôi tin là người ta có thể cố gắng tưởng tượng tự đặt mình vào hoàn cảnh ấy nhưng khó mà hoàn toàn hiểu được hay cảm được nỗi đau.

Đây là một trong những lần tôi thấy sự bất lực về ngôn ngữ của tôi.

thành kính phân ưu

Vắng mấy tuần tôi không thấy trang blog của nhà văn Nguyễn
Xuân Thiệp đăng bài mới. Biết là các nhà văn tôi thường đọc đều có tuổi tôi
cũng quan tâm nhưng không dám đường đột hỏi. Sáng nay đọc trang mạng Văn Chương Việt thấy tin báo là phu
nhân của ông bệnh đột quỵ qua đời đúng ngày Giáng sinh. Thành kính phân ưu với nhà
văn và cầu chúc phu nhân an lạc nơi miền Tịnh Độ.

Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại . . .