Hoa trên đường trail tháng 6

Thời tiết rất đẹp. Gió nhẹ, mát. Buổi sáng tôi cần mặc áo dài tay. Bên trong mặc áo ngắn tay, để khi trưa trời nóng thì cởi áo ngoài. Hai bên đường trail, cỏ và hoa dại mọc đầy, lấn cả lối đi. Hôm qua, tôi mang theo một cái kéo và cái túi nylon. Trên đường về tôi hái những loại hoa dại mọc ven đường. Được một bó hoa rất to. Đem về tặng cô em út, cô chia thành hai bình. Còn khá nhiều loại tôi chưa hái, để dành lần sau. Hoa cô út cắm, ảnh cô út chụp. Tôi chỉ là người hái hoa. Có loại hoa gọi là wild rose, thơm bát ngát, nhưng nhiều gai, tôi không đụng đến.

Hoa dại mọc trên đường trail D&R bình hoa số một

Trong bức ảnh bình hoa số một có một số hoa tôi nhận ra, đó là diên vỹ vàng, hoa cúc thạch thảo, goldenrod, glover, winter honeysuckle, dame’s rocket. Có hoa forget-me-not nhưng nó nhỏ quá không nhìn thấy.

Hoa dại mọc trên đường trail bình hoa số 2

Trong bình hoa số 2 có hoa cây hemlock, hoa và lá catalpa, hoa cây milkweed, hoa củ hành (hay củ tỏi) dại, có một loại trái nhìn giống như trái thù lù nhưng không biết có phải không. Có một số loại cỏ khô rất đẹp tôi thích lắm, nhưng không muốn hái vì không muốn để dành. Có một bình cỏ khô như thế chưng trong nhà, trông rất đẹp, nhưng nó mong manh lắm, dễ hư gãy và sẽ trở thành rác.

Đã cuối mùa hoa Dame’s rocket, winter honeysuckle, diên vỹ. Đang mùa catalpa, (summer) honeysuckle, cúc thạch thảo. Tôi chỉ cần hái riêng một loại cúc thạch thảo cũng được một bó to ôm không hết. Goldenrod cũng vậy. Còn hemlock thì vô số bạt ngàn, cây cao cỡ 7-8 ft. nếu nói cao quá đầu người thì phải nói là đàn ông Mỹ chứ cao khỏi đầu tôi thì chẳng thể nói là cao. Giá mà có một cái gùi nhỏ giống như gùi của người miền cao nguyên Việt Nam để hái hoa dại.

Diên vỹ trắng và tím mọc dọc đường trail, chụp mấy hôm trước
Honeysuckle chụp ở sau nhà.
Hoa bìm bìm, người Mỹ gọi là morning glory, có người dịch sang tiếng Việt là triêu dương

Viết là hoa dại mọc trên đường trail nhưng thêm một loại trái mọc hoang. Strawberry có hoa màu vàng.

Strawberry mọc hoang lẫn trong cỏ, trái nhỏ xíu lớn hơn đầu chiếc đũa một chút.

Bài hát #14

Hôm nay 3 tháng 6, 2023 trời mát, nhưng hai hôm trước trời khá nóng. Nhiệt độ trong ngày lên đến 91 độ F. Chiều hôm qua có lúc nhiệt độ kế ở dưới hiên nhà tôi chỉ 95 độ F. Tuy vậy nhà tôi vẫn chưa phải mở máy lạnh. Chỉ cần mở quạt trần với tốc độ thấp đã thấy mát, dễ chịu.

Tôi lấy ngày nóng nhất đầu tiên trong năm 23 để đánh dấu mùa hè. Mời bạn nghe với tôi bài hát Đưa Em Vào Hạ qua giọng hát Duy Khánh. Ngày xưa tôi không thích giọng hát này bởi vì chịu ảnh hưởng của giới hàn lâm nghe nhạc VN. Người ta chê nhạc lính, nhạc bị cho là nhạc cải nhạc sến. Má tôi thích giọng hát này. Bà không ưa giọng Thái Thanh. Giờ nghe lại giọng hát này, bài hát này, thấy Duy Khánh có giọng rất khỏe và truyền cảm. Còn bài hát, mang một nỗi buồn dịu dàng về thân phận con người trong đất nước chiến tranh.

“Quê hương đau nắng hạ cũng buồn.” Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng

Đưa Em Vào Hạ – Duy Khánh hát

Ba em bé trên đường trail

Mấy con ngỗng Canada bé con từ những quả trứng nở đầu tháng Năm giờ đã khá lớn. Chưa đến tuổi thiếu niên, chưa có lông cánh mọc tua tủa, nhìn vẫn có vẻ ngây thơ bé bỏng đáng yêu.

Ngỗng Canada

Đang đi trên đường trail, ngày 28/05/23, trời khá nóng 82 độ F. mà tôi có cảm tưởng như 92 độ F. Khá mệt mỏi, uể oải, trời nắng chói chang. Nhìn từ xa tôi thấy bóng một con nai con. Nó đi ra từ bụi rậm, thoáng một chút lại chen vào bụi rậm. Nhìn nắng lóa và bóng râm của các bụi cây tôi tự biết là tôi sẽ không chụp được một tấm ảnh tốt. Một phần vì khá xa, một phần vì nai không đứng yên, và một phần vì tôi canh ánh sáng khá dở. Ngày nào tôi cũng có cả chục tấm ảnh tối quá hoặc nhiều ánh sáng quá nên cháy cả chi tiết của ảnh. Nhìn thấy tôi từ xa con nai con biến mất vào bụi rậm. Đến chỗ con nai con đứng lúc nãy, tôi nhìn vào bụi rậm, bóng cây. Thấy con nai lớn, đoán là nai mẹ. Nó nhìn tôi chăm chăm, có vẻ lưỡng lự, không biết có nên chạy không. Một hồi sau, thấy con nai con từ một bụi rậm khác chui ra, đi theo mẹ. Con nai con rất bé, đi chưa vững lắm, lông còn đầy chấm sao trắng. Con nai giống như con Bambi trong phim hoạt họa tôi xem mấy chục năm về trước.

Cứ trẻ con là nhìn thấy đẹp, dễ thương. Tại sao vậy?

Rùa rất cần hơi ấm để tạo năng lượng. Khi phơi nắng, nó duỗi dài tất cả những bộ phận trong cái vỏ của nó ra ngoài để phơi, cả cái đuôi cũng được phơi.

Một con rùa rất bé đang nằm phơi nắng

Nhìn thấy trong ngày 5/23/23

Hai đàn ngỗng Canada nhập chung vào với nhau vì vậy có bốn ngỗng cha mẹ canh chừng 7 ngỗng con. Cả đàn ở trên sân cỏ Canal Park nơi có cái lock số 11. Nhắc đến ngỗng Canada lại nhớ đến con ngỗng đẻ và ấp trứng bên trong cái vòng bánh răng cưa (gear) trước là bộ phận của máy quay cầu. Tưởng là nó bỏ tổ năm nay không về nơi này nữa, nhưng nó đã về nằm trong tổ từ tuần trước. Con ngỗng này làm tổ nơi đây nhiều năm nên dân địa phương đều biết và để nó yên. Cây cầu trước là cầu quay cho thuyền bè chở than đi đến cửa biển Newark, giờ là cây cầu dành riêng cho người đi bộ. Một đầu bắt vào đường trail, khoảng từ South Bound Brook đến Landing Lane; đầu kia dẫn vào khu chung cư khá lớn.

Hai đàn ngỗng nhập chung vào nhau nên có con bé con lớn.
Con vạc xám lang thang trên đường trail

Con vạc này đang chăm chỉ rình bắt cá. Thấy chúng tôi đến gần nó bay đi một quãng ngắn rồi lại đậu vào đường trail lập đi lập lại bốn năm lần mới chịu bay hướng ngược lại. Có một lần, lâu rồi, chắc cả tháng hay hơn, tôi cũng gặp một con vạc xám tương tự, cũng bay đi đậu vào mấy lần. Nó có vẻ như quen với người nên không sợ hãi.

Con rùa rất bé, bằng đồng xu 25-cent thôi.

Rùa trên dòng kênh bây giờ rất nhiều. Lang thang trên đường trail cũng nhiều. Mấy lần chúng tôi phải thả nó xuống dòng kênh. Gặp hai ông bà Huey và Carol đẩy xe đưa cháu ngoại đi dạo trên đường trail, bà kể ông mới cứu một con rùa đi lang thang trên đường xe chạy. Lâu ngày không gặp hai ông bà đi bộ hay đi xe đạp, thầm hỏi không biết ông bà ấy có khỏe mạnh không. Té ra hai ông bà bận giữ cháu. Tôi thấy bà gầy đi, đoán là do bận trông chừng cháu ngoại đầu lòng. Ông Tám lại thấy bà béo hơn, đoán là vì ít đi bộ. Kỳ lạ ha, cũng một người suốt mùa đông không gặp; giờ gặp lại, một người cho là người ấy gầy đi, người khác thấy ngược lại.

Hoa dại không biết tên
Thêm một hoa dại nữa
Honeysuckle còn gọi là kim ngân

Hoa kim ngân đầu mùa mọc trên đường trail, nhìn giống như hai cái kiệu hoa nho nhỏ cho các cô tiên bé ngồi.

Giữa tháng Năm trên đường trail

Hôm qua đi bộ trên đường trail D&R, đoạn đường từ Canal Park đến Landing Lane. Người ta đang sửa cái kè đá ở gần Landing Lane. Đoạn đường này ít người đi, nên có nhiều thú hoang và hoa dại hơn. Lúc này đã thấy Baltimore Oriole xuất hiện, bay thấp thoáng trong cành lá, hót véo von. Tiếc là bọn chúng không đứng yên một chỗ nên canh mãi chưa chụp được con nào. Đi đoạn đường này, nhìn thấy chim oriole tôi nghĩ đến vợ chồng ông Huey và bà Carol. Hai người này chúng tôi gặp trên đường trail từ năm 2021. Từ khoảng giữa năm 2022 đến nay không gặp hai ông bà nữa. Mùa hè năm ngoái (2022) ông Huey bị ngã xe motorcycle. Lần gặp cuối thấy ông đi chậm, vì chân vẫn chưa khỏe hẳn. Sau đó gặp bà Carol đi xe đạp vài lần nhưng bà ít khi ngừng lại để nói chuyện. Lâu ngày không gặp không biết hai người ra sao.

Gia đình ngỗng có bố mẹ và bảy ngỗng con

Bảy ngỗng con làm tôi nghĩ đến The Seven Samurai và The Magnificent Seven. Xem phim tôi thường gặp anh hùng nữ kiệt đi hiên ngang trong những khúc phim quay chậm, rất thú vị. Chỉ tiếc là bảy anh hùng ngỗng này đi quay lưng lại với tôi.

Ba em bé
Một chàng nai tơ với cặp sừng mới nhú.

Hoa dại của mùa xuân

Những tấm ảnh này toàn là hoa dại cả, chẳng có hoa nào khôn. Mùa xuân, hoa mọc ven đường trail tôi đi bộ.

Hoa forget-me-not còn gọi là hoa lưu ly
Lily the Valley – còn gọi là Đồng Thảo
thuộc họ Aster người ta có tên gọi cho nó nhưng tôi không nhớ.
Rocket’s Dame không biết có tên Việt hay không. Thường gặp hai loại màu trắng và màu tím

Hôm qua

Ngày nào với tôi cũng là ngày bình thường. Nhưng hôm qua, 11 tháng 5 năm 2023, với đứa con út của tôi là một ngày đặc biệt. Nhỏ út đã bảo vệ luận án tiến sĩ thành công. Viết vào đây để nhớ. Bạn đừng ngạc nhiên vì người già rất mau quên.

Hôm qua chắc nhiệt độ lên đến 80 độ F. Hôm nay sẽ nóng hơn một chút. Một ngày có thể coi như chớm hè. Hè vội quá. Tôi muốn kéo dài mùa xuân thêm chút nữa vì ở đây, New Jersey, đang có những ngày đẹp nhất trong năm.

Bạn nghĩ sao nếu mỗi ngày bạn thức giấc trong tiếng chim? Chung quanh nhà tôi có rất nhiều cây cao vì thế có thể nói chim hót quanh năm. Nhưng khi trời bắt đầu ấm áp, mở cửa sổ nhiều hơn vì vậy nghe chim hót nhiều hơn. Tiếng bổng tiếng trầm. Tiếng khoan tiếng nhặt. Tiếng đục tiếng trong. Tiếng du dương. Và có cả tiếng chim không mấy du dương.

Bạn đừng ngạc nhiên khi tôi nói tiếng chim không mấy du dương. Hôm qua khi tôi nói chuyện điện thoại với nhỏ út, nó hỏi tôi mẹ đang ở ngoài sân à, tôi biết nó hỏi thế vì nó nghe tiếng chim blue jays kêu chát chúa. Không phải là người hiểu biết nhiều về chim, nhưng vì nghe tiếng chim thường xuyên tôi phân biệt được một số âm thanh. Nghe thì nhận ra, nhưng không thể diễn tả bằng chữ viết, vì cần phải viết dài, mà vẫn không thể truyền đạt được đến người đọc.

Mỗi loài chim có âm thanh khác nhau. Cùng một loại chim, tiếng kêu của chúng cũng thay đổi tùy theo trường hợp. Kêu lúc báo động, sợ hãi. Kêu lúc thủ thỉ tâm tình. Và tiếng kêu như trò chuyện, bảo nhau có thức ăn hay gọi đàn. Blue jay là loại chim đẹp, nhưng tiếng của nó rất chát chúa. Đi trong rừng, mà tiếng kêu của nó ở cuối rừng vẫn còn nghe lồng lộng. Tiếng quạ cũng ồn ào, nhất là lúc báo tin có kẻ xấu, nhưng mùa xuân khi chúng tỏ tình với nhau tiếng của chúng rất hiền lành.

Chim dậy sớm. Thường nghe tiếng chim là vào lúc khoảng 5 hay 6 giờ sáng. Chẳng biết loại chim gì chung quanh nhà tôi hay hót vào lúc ấy. Tiếng của chúng nghe tíu tít, ríu rít, bay chuyền chung quanh lá, có khi nghe gần như ở dưới hiên nhà bên cạnh cửa sổ phòng ngủ. Có khi nghe như ở những cây cao phía sau rừng. Có khi nghe như chim đang vừa nhún nhảy vừa hót chung quanh những chiếc lá trúc ngoài sân trước. Tiếng chim làm tôi nhớ hai câu thơ:

Hồn tôi là một vườn hoa lá.
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.

Nói vậy nhưng tôi chắc là không phải ai cũng thích nghe tiếng chim. Con tôi, ngày còn ở nhà, và sau này mỗi lần về nhà chơi, thường phàn nàn, chim kêu um sùm quá không ngủ được.

Mùa nào hoa nấy. Chung quanh nhà tôi, mấy cây black locust đã ra đầy hoa. Những chùm hoa trắng giống như những hạt đậu trắng. Chúng làm tôi nghĩ đến tử đằng, nhưng tử đằng là loại dây leo, còn black locust là loại cây cứng, mọc nhanh, chẳng mấy chốc trở thành đại thụ với những chùm hoa lúc lỉu, trắng cả cây. Buổi sáng sớm ngửi thấy mùi hương nhẹ nhàng quanh nhà nhưng không chắc có phải từ những chùm hoa trắng này không.

Hoa tử đằng

Màu hoa của tử đằng thường được so sánh với màu hoàng hôn.

Trong một chuyến du hành, sau khi đi bộ suốt ngày đến Yoshino, Basho và Tokoku (học trò và cũng là người đồng hành của Basho) cố tìm một chỗ ngủ giá phải chăng để nghỉ ngơi.  Đến ven làng, tình cờ, họ bắt gặp bụi hoa màu tím nhạt.  Có lẽ chiều xuống cùng với sự mệt mỏi đang tràn ngập cơ thể ông.  Basho viết bài haiku như sau:

Over wearied,
And seeking a lodging for the night, –
These wisteria flowers!
[1]

— Basho

Mệt mỏi tột cùng
Tìm lữ quán trú ngụ qua đêm
Nhìn thấy chùm tử đằng. [2]

Ghi chú:

[1] Trích trong Haiku: Spring của R. H. Blyth. 
[2] Nguyễn Thị Hải Hà phỏng dịch từ những bài haiku tiếng Anh.

Tử đằng nhìn thấy dọc bờ kênh Delaware và Raritan
Nụ hoa giống như những hạt đậu màu tím, do đó Tử Đằng còn được gọi là cây đậu tía.

Chữ tía, giống như trong chữ tía tô, có nghĩa là màu tím.

Nhà nguyện St. Paul

Hôm Chủ Nhật (7 tháng Năm 2023) tôi vào thành phố New York đi xem Harlem. Đại học Columbia nằm trong Harlem. Ông Tám tốt nghiệp Cao học ở đây. Mấy chục năm về trước ông có đưa tôi đến đây, chụp cho tôi tấm ảnh với tượng con sư tử rất đẹp. Đi vòng vòng khuôn viên trường tôi chợt nhìn thấy nhà nguyện. Tôi thích kiến trúc nhà thờ cổ, nhà nguyện cổ, cửa sổ bằng kính màu, nên ghé vào, chụp vài tấm ảnh. Về nhà xem ảnh, thầm trách mình, làm việc gì cũng không tập trung tư tưởng, không hết mình với việc mình đang làm, tấm ảnh nào cũng méo mó, mất đầu mất đuôi.

Không research trước về chỗ mình muốn đi xem nên tôi không biết nhà nguyện St. Paul là kiến trúc đẹp nhất của đại học Columbia. Nếu biết trước chắc tôi sẽ chụp được nhiều tấm ảnh đẹp hơn. Bên ngoài nhà nguyện có kiến trúc Northern Italian Renaissance Revival. Bên trong có kiến trúc Byzantine. Nhà nguyện có giàn organ rất đẹp. Nơi đây được Simon and Garfunkel thu âm một phần bài hát The Boxer, và Judy Collins thu âm bài hát Amazing Grace vì hiệu quả âm thanh và tiếng ngân trong nhà nguyện rất tốt.

Nhà nguyện St. Paul trong khuôn viên đại học Columbia.

Pro Ecclesia Dei tiếng Latin, có nghĩa tiếng Anh là For the Assembly of God, không biết dịch ra tiếng Việt nơi thờ kính Chúa có ổn không. Ở tầng hầm của nhà nguyện có phòng tranh Postcrypt Art Gallery, rất tiếc là vì không biết trước nên không xuống tầng hầm để xem tranh.

Bên trong nhà nguyện St. Paull với giàn organ ở hai bên.
Nhìn lên trần, giàn đèn treo, và nóc nhà nguyện.
Trụ đèn bằng đồng trước nhà nguyện
Phía sau nhà nguyện. Nơi đây là một cái cầu nhìn xuống đường Amtersdam. Cầu này là nơi các sinh viên tụ tập và đi đến nơi nhận văn bằng chứng chỉ tốt nghiệp

Bài hát #10

Nhớ một chiều xuân. Nhạc của Nguyễn Văn Đông. Hà Thanh hát.

Gia đình

Năm nay ít thấy ngỗng con mới nở trên đường đi bộ. Mới mấy bữa trước tôi đã tự hỏi không biết năm nay ngỗng đẻ và ấp trứng chỗ nào. Năm nay, con ngỗng hằng năm đẻ và ấp trứng dưới cầu trong vòng gear của máy quay cầu (đã bị bỏ hoang, nay chỉ dành cho người đi bộ) cũng không trở lại. Năm ngoái nó đẻ sáu trứng, nở được ba con, ngỗng bố mẹ dẫn đi bỏ lại ba trứng. Người địa phương cũng khá tử tế, họ để ngỗng ấp nở chỗ đó mà không quấy rầy. Thỉnh thoảng thấy có người đến nhìn nhưng không chọc phá lấy trứng. Những chỗ mấy năm trước thấy ngỗng nằm ấp trứng, năm nay ít chỗ còn thấy. Có lẽ năm ngoái từ đầu mùa xuân người ta sửa đường trail, làm ngỗng sợ bỏ đi, và cũng vì người qua lại đông, người ta lấy trứng. Ngỗng rút kinh nghiệm năm nay không trở lại.

Mấy năm trước đầu tháng Năm đã thấy vài ba đàn ngỗng, có khi ba bé, có khi năm bé. Đôi khi ngỗng nhập đàn có cả 11 hay 12 bé ngỗng. Độ một hai tuần trước tôi thấy ngay trên bờ kênh gần sát mặt nước có một trứng nằm chơ vơ. Trứng nhỏ nên tôi đoán là trứng vịt Mallard. Cách hai hôm, đi trở lại thì thấy trứng đã biến mất. Biết thế nào cũng bị mất trứng nhưng tôi không muốn lấy trứng. Tôi thật không nỡ ăn những cái trứng ngỗng và vịt đẻ dọc theo bờ kênh này.

Hôm kia đi bộ thấy ngỗng bố mẹ dẫn ba con xuống dòng kênh. Mỗi lần nhìn bầy ngỗng bé xíu, tôi thấy chúng thật đẹp, thật dễ thương. Thấy trong lòng có cảm giác dịu dàng, hân hoan, thấy cuộc đời thật đẹp.

Hôm qua, và hôm nay, nhiệt độ lên hơn 70 độ F. một chút xíu. Bạn có thể tưởng tượng khí hậu giống như Đà Lạt. Trời ấm áp. Nắng chan hòa. New Jersey đang có những ngày đẹp nhất trong năm.

Hôm qua tôi ôm mấy cái mền lớn và dày đem ra tiệm giặt. Tiệm có máy lớn có thể bỏ hai ba cái mền vào chung một máy mà vẫn còn chỗ và máy đủ sức quay.

Nghệ thuật là gì?

Trong phim The Fabelmans, cậu bé Sammy, người về sau trở thành Steven Spielberg, được giới thiệu đi gặp thần tượng đạo diễn phim John Ford. Sau khi chờ đợi khá lâu, John Ford bước vào phòng, và Sammy đứng dậy chào. Ông Ford là người chỉ có một mắt, một bên mắt được che bằng một miếng vải đen, trông giống như một tên cướp biển trong điện ảnh thời xưa. Ông ta trông khá quạu cọ. Một ông già khó chịu. Ông hỏi Sammy:

“Cậu có biết nghệ thuật là gì không?”

Sammy ngập ngừng ấp úng một lúc vì không hiểu ông Ford muốn gì. Ông Ford chỉ vào hai tấm ảnh trên tường hỏi Sammy cậu nhìn thấy gì. Một tấm, tôi không còn nhớ trong tấm ảnh có gì, hình như một cỗ xe ngựa đang leo lên dốc nên đường chân trời ở phía trên tấm ảnh. Tấm ảnh còn lại có đường chân trời ở cuối tấm ảnh. Thấy Sammy không trả lời được hai tấm ảnh này cho thấy quan điểm về nghệ thuật như thế nào. Ông Ford vẫn bằng giọng nói gắt gỏng quạu cọ giải thích cách ghi nhận hình ảnh, trình bày ảnh trong mỗi khung phim. Tôi không nhớ nguyên văn, chỉ nhớ đại ý của câu chuyện, ông Ford nói.

Tấm ảnh thứ nhất có đường chân trời ở tít trên đầu tấm ảnh. Tấm ảnh thứ hai có đường chân trời ở dưới chân của tấm ảnh. Nếu đường chân trời nằm ở giữa tấm ảnh thì chẳng có gì hay ho, trông rất tầm thường, rất chán. Đó là nghệ thuật.

Đoạn này ở cuối phim, rất đáng tiền. Cả một bài học về framing bao gồm trong một đoạn phim ngắn ngủi. Phim khá hấp dẫn. Thu hút người xem từ đầu đến cuối chứ không phải là phim ca tụng thiên tài Steven Spielberg.

Từ dưới dốc nhìn lên thấy vạt hoa buttercups.

Dưới cội hoa đào

Dưới cội hoa đào

Behind me,
Old and weak,
Flowers are scattering*
— Buson

Ở đằng sau lưng tôi,
Già cỗi và yếu đuối
Hoa tản mác khắp nơi.
**

I came to the cherry-blossoms;
I slept beneath them;
This was my leisure.*
— Buson

Tôi đến cây hoa đào
Rồi ngủ dưới tán hoa
Hạnh phúc tôi nhàn hạ.
**

Thảm hoa đào

Hoa đào cánh nhỏ và mỏng. Vì cây có quá nhiều hoa nên khi hoa rơi mà trời lặng gió, cánh hoa gom lại thành một thảm dầy dưới cội đào. Gặp gió, hoa bay tan tác giống như mưa hạt to, hay hoa tuyết. Mưa hoa. Hoa rất nhẹ nên nếu chỉ một vài hoa, tai người bình thường sẽ không nghe được tiếng hoa rơi vì lẫn vào tiếng gió hay tiếng lá rơi. Nhưng nếu hoa rơi thật nhiều, cùng một lúc, nếu trời không mưa và lặng gió, có thể, nghe được tiếng hoa rơi. Một thứ âm thanh có thể do người tưởng tượng, như tiếng thở dài, tiếng cười khẽ, hay là một âm thanh của tịch lặng, của vô thanh. Nếu hoa rơi mà nghe được tiếng thì loại hoa phải to, to như hoa gạo, hay magnolia – mộc lan, hay mẫu đơn.

Cánh hoa bay

*Cả hai bài trích trong Haiku II Spring của R. H. Blyth biên soạn. Không biết ai dịch ra tiếng Anh. Ông Blyth có ghi chú một chỗ nào đó chương nào, đoạn nào ai dịch từ tiếng Nhật ra tiếng Anh nhưng tôi lười đi tìm. Tạm xem như bản dịch ra tiếng Anh là của ông Blyth.

** Nguyễn Thị Hải Hà dịch theo bản tiếng Anh.

Chòm lông sau đầu vạc xám

Phía sau đầu vạc xám có chòm lông

Trong phim Where the Crawdads Sing, nhân vật nam chính đã tặng cho nhân vật nữ chính một cọng trong chòm lông phía sau đầu chim vạc xám (great blue heron). Cô ấy là một cô bé lớn lên một mình trong vùng đầm lầy. Anh ấy là con trai của ông chủ tiệm trong vùng. Tôi không nhớ rõ truyện lấy bối cảnh South hay North Carolina hay Louisiana. Cô nàng hoang dại như một thứ Tarzan thời đại. Anh chàng cũng lớn lên trong vùng đầm lầy, có tâm hồn nhân hậu, giúp cô gái rất nhiều, và dạy cô gái cho biết đọc. Quà tặng của anh toàn là những món quà đặc biệt, khá hiếm, và phải là người có kinh nghiệm sống ở vùng đầm lầy mới nhận ra cái hiếm của món quà. Không phải ai nhìn cọng lông chim cũng biết là từ chòm lông phía sau đầu chim vạc xám. Một trong những chi tiết rất giá trị trong nghệ thuật viết truyện, hay làm phim.

Crawdad là loại tôm còn gọi là crayfish. Trông giống như tôm hùm, nhưng rất nhỏ. Ở Louisiana và những vùng lân cận, loại tôm này khá rẻ. Nấu chung với bắp trái còn nguyên hạt, thêm gia vị kiểu Creole, là món nhậu hấp dẫn. Con tôm không có nhiều thịt, chỉ có thân hình cỡ hai lóng tay. Còn lại toàn là vỏ tôm. Loại tôm này nếu xay nhuyễn, lọc lấy nước, nấu bún riêu hay canh rau đay chắc là ngon.

Khi cả vùng đầm lầy ngoài xa chỉ toàn là crawdads, chúng thở, hơi thở biến thành bong bóng vỡ, búng nước, quẫy mình, và có lẽ cùng với tiếng gió tiếng cỏ hay lau sậy phất phơ chạm vào nhau, tất cả những tiếng động này tạo thành âm thanh rì rào nghe như tiếng hát. Trong phim hoạt họa The Little Mermaid có con tôm đất crawdad/crayfish hát lúc chàng hoàng tử chèo thuyền chở cô gái cá đã biến thành người, đổi giọng nói để lấy đôi chân, đang cần hoàng tử hôn mình để được ở lại với loài người. Không được hôn, cô gái cá sẽ biến thành bọt biển. Tôm đất dùng hết sức thần giao cách cảm truyền qua câu hát “kiss the girl” nhưng anh hoàng tử u mê không biết nghe. Bài hát rất hay, có âm điệu của người Jamaica với tiếng trống vỗ theo, và tiếng sáo chung vào tiếng gió.

Ngày đầu tháng Năm

First of May – Bee Gees

First of May – Bee Gees

When I was small and Christmas trees were tall
We used to love while others used to play
Don’t ask me why but time has passed us by
Someone else moved in from far away

Now we are tall and Christmas trees are small
And you don’t ask the time of day
But you and I, our love will never die
But guess we’ll cry come first of May

The Apple tree that grew for you and me
I watched the apples falling one by one
And I recall the moment of them all
The day I kissed your cheek and you were gone

Now we are tall and Christmas trees are small
And you don’t ask the time of day
But you and I, our love will never die
But guess we’ll cry come first of May

When I was small and Christmas trees were tall
Do-do-do-do-do-do-do-do-do
Don’t ask me why but time has passed us by
Someone else moved in from far away

Songwriters: Maurice Ernest Gibb, Robin Hugh Gibb, Barry Alan Gibb.

Bài hát #9

Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng qua giọng hát và ngâm thơ của Nga Mi và Trần Lãng Minh

Hạc xưa về khép cánh tà,
Tiếng rơi thành hạt mưa sa tần ngần.
Em về hong tóc mùa xuân,
Trăng trầm hương tỏa dưới chân một vành.
Em nằm hóa cội thu xanh,
Môi hương đào lý một cành đôi mươi
Về em vàng phố mây trời,
Tay đơm nụ hạ, hoa dời gót xuân

Thì thôi tóc ấy phù vân,
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương.
Thì thôi mù phố xe đường,
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi.

Ta về rũ áo mây trôi,
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan.
Rằng xưa có gã từ quan,
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say.

— Thơ Phạm Thiên Thư

Ten-mile lock

Đáp xuống
Bữa ăn trưa

Trên đường tôi đi bộ có một nơi gọi là Ten-mile Lock. Con đường này dọc theo con sông Millestone và ngay chỗ này là nơi chi nhánh của sông Raritan chảy vào. Con đường này cũng chạy dọc theo dòng kênh Delaware và Raritan Canal. Nó nằm giữa, một bên là sông, một bên là kênh. Dòng kênh này rất dài, khoảng 37 miles tức là ngấp nghé 60 kilometers. Tôi chỉ đi một đoạn ngắn chưa đến 8 miles (đi và về). Khoảng 2.2 miles từ điểm bắt đầu (Canal Park, South Bound Brook) đi về hướng Trenton có một nơi gọi là 10-mile lock. Dòng kênh này người ta còn gọi là towpath.

Ngày xưa, người ta dùng thuyền bè chở hàng hóa trên kênh này. Có lẽ người ta dùng lừa hay ngựa kéo bè. Cứ vài dặm (mile) người ta xây một cái lock (khóa) dùng để ngăn nước lại hay tháo nước ra. Khóa khi đóng lại trở thành một cái đập. Người ta dùng đập làm cho nước đoạn kênh hạ nguồn dâng cao lên cùng mực nước với đoạn kênh thượng nguồn. Chiều sâu của hạ nguồn đủ để thuyền bè di chuyển. Mỗi chỗ có đập này đều được đặt tên, nhưng tôi không hiểu tại sao lại đặt là Ten-mile Lock. Nếu bảo rằng 10 dặm tính từ điểm gốc, thì không giải thích được tại sao khoảng cách giữa Ten-mile Lock và Five-mile Lock không đủ năm dặm.

Bên cạnh những cái đập này thường có căn nhà nhỏ dành cho người canh gác, trông chừng mở nước khóa nước cho thuyền bè đi trên kênh. Những căn nhà này giờ đã được xem là nhà cổ. Đa số bị hư hại vì bỏ hoang. Ở ngay Ten-mile Lock có căn nhà khá to. Phía bên hông nhà có cây magnolia màu tím sậm. Để đề phòng nước dâng cao quá độ, người ta có những cái kè đá để cho nước tràn ra sông. Ở Ten-mile Lock người ta không để nước tràn tự nhiên mà xây một cái cống rất to, nước chảy cuồn cuộn như một cái thác.

Và ở chỗ này, tôi thỉnh thoảng thấy một con vạc xám (great blue heron). Từ bắt đầu mùa xuân đến nay, ít khi gặp vạc xám. Cormorant đã trở lại rất đông. Có khi thấy cả chục con đậu trên cây một nửa cây chìm dưới nước. Hôm kia (04/26/23) thấy một con vạc xám chăm chú săn mồi, và nó có một bữa ăn trưa ngon lành.