Công viên và các công trình điêu khắc bằng thủy tinh

Những tấm ảnh bạn xem dưới đây là ảnh chụp công trình nghệ thuật điêu khắc làm bằng thủy tinh của nghệ sĩ Dale Chihuly (sinh năm 1941). Đây là cuộc trưng bày điêu khắc ở công viên, vườn bách thảo New York Botanical Garden. Ông Chihuly trở lại trưng bày điêu khắc thủy tinh ở Hoa Kỳ sau nhiều năm trưng bày công trình của ông trên thế giới.  Sau khi bị tai nạn xe hơi, ông bị mất một mắt và bị kính xe hơi cắt vào bả vai, ông không thể tự tay sáng tác các tác phẩm bằng thủy tinh nữa, do đó ông giữ vai trò chỉ huy. Làm việc dưới quyền ông là một nhóm nghệ sĩ tài hoa. Thủy tinh được nấu chảy, thổi, đúc khuôn, hoặc uốn nắn bằng tay. Những quả cầu màu sắc tôi gọi là những giấc mơ được ông Chihuly học từ cách thổi những quả cầu thủy tinh để làm phao (Niijima floats) trong làng chài ở Nhật. Tuy là thủy tinh, nhưng có lẽ được pha thêm một hỗn hợp nào khác nên chúng khá rắn chắc. Tôi thấy những chiếc bình rỗng, hay phao rỗng được chính ông Dale Chihuly ném lên trên mặt nước nghe chạm đánh “ình” mà không vỡ.

Bảng kính màu phản chiếu ánh sáng thiên nhiên
Những tấm kính màu dùng ánh sáng tự nhiên
blue polivitro crystal
Blue glass (polyvitro crystal)
hoa tulip
Uất kim hương
sâu xanh ốc xanh
Ốc len xanh
những chiếc lá sen đủ màu
Lá hoa sen đủ màu
tháp màu vàng và đỏ
Như một cái hoa bàn chải xúc chai khổng lồ
màu sắc
Giấc mơ đầy màu sắc
chiếc xuồng chở những giấc mơ
Chiếc thuyền chở những giấc mơ
bảng kính màu
Bảng kính màu
Saphire star
ngôi sao màu xanh của đá saphire
Red reeds on logs
những cây lau (lau như lau sậy, cây reeds, chứ không phải lao như cây lao) đỏ cắm trên gỗ
lá xanh hay rắn xanh
vũ khúc rắn xanh
những đóa hoa thủy tinh xanh dương
những đóa hoa alien màu xanh
rắn xanh
rắn xanh theo điệu kèn phakia
những cây lao thủy tinh màu tím và xanh
những cây lao khổng lồ màu tím
tháp thủy tinh trắng và hồng
cây màu trắng và hồng
neon
những cái đèn neon để trang trí cho dạ tiệc
art park
bảng kính màu dựng trong hồ hoa súng
lá sen bằng thủy tinh
lá sen bằng thủy tinh màu
lá sen
lá sen
như những con chim trắng
bầy chim bằng thủy tinh trắng
lá sen đỏ
lá sen đỏ
hạc xưa về khép bóng ta
những con hạc màu xanh
chandelier treo ngược
như một dandelier (đèn chùm treo trên trần) treo ngược
sea form
vỏ sò bằng thủy tinh
những món đồ trang trí bằng thủy tinh
bộ vỏ sò thủy tinh
opaline and rose quartz seaforms
những con sò dị dạng bằng thủy tinh hồng
vỏ sò hồng
bộ sò thủy tinh

Đọc là duyên

Trái ngược với nhà văn, nhiều người than phiền bị bế tắc. Vì không là nhà văn nên tôi không bao giờ có cảm giác viết … không ra. Khi tôi im lặng, không viết gì, chỉ đăng hình chụp đi chơi vớ vẩn, hay những cái gọi là “filler” cho đỡ trống trải, đó là vì tôi bận quá. Tôi bận nhiều thứ, trong đó có cái gọi là bận đọc. Nhiều khi tôi chỉ muốn đọc chứ không muốn viết gì cả. Tôi như một cô bé học trò, đến cuối mùa phải thi, chợt nhận ra có nhiều bài vở quá, nếu không học sẽ không được lên lớp. Cũng có khi vì tôi có quá nhiều đề tài muốn viết mà không đủ thì giờ dành riêng cho một chủ đề nào để viết cho đàng hoàng tươm tất.

Tôi đọc vì tò mò. Thí dụ như tôi xem phim Trumbo, về một nhà viết phim ảnh tài ba, phim của ông được nhiều giải thưởng, trong đó có Roman Holidays (người nào ngày xưa đọc Tuổi Ngọc ắt phải biết truyện này, được dịch ra và đăng từng kỳ, ai dịch thì tôi không nhớ), tôi tự hỏi vì sao một số các nhà văn của Hoa Kỳ, sống trong chế độ tư bản, lại tham gia đảng Cộng Sản. Chỉ từ cái thắc mắc này tôi đọc vài cuốn sách loại biên khảo. Rồi lan man qua vài câu hỏi khác tôi đọc một số chủ đề khác. Đọc xong thấy không có gì đáng viết ra vì vẫn còn thắc mắc một số điều nho nhỏ khác. Sau đó, quên gần hết những điều mình đã đọc. Bây giờ ngồi đây chẳng còn nhớ mình đã đọc gì, đã thắc mắc những gì.

Càng ngày càng nhận thấy, ngay cả chuyện đọc cũng là duyên. Đăng cái ảnh cánh cổng đỏ torii xong, lại tình cờ nhặt được một quyển sách nhỏ trong thư viện bỏ túi. Quyển sách nói về tôn giáo Shinto (Thần đạo) của Ian Reader. Mở ngay trang đầu tiên có mục lục tôi thấy trang 16 có torii – The Shinto Gateway nên mang về đọc tiếp. Nhờ quyển sách bé này tôi thấy thêm vài chi tiết về văn hóa Nhật, mà lúc trước tuy nhìn nhưng không thấy.

Torii thường được sơn màu đỏ sậm (vermillion) nhưng cũng có khi sơn đen, thường được làm bằng gỗ, nhưng cũng có khi làm bằng xi măng (concrete). Torii là biểu tượng phổ thông nhất và được chụp ảnh nhiều nhất. Ở Nhật Bản có lẽ có cả mấy chục ngàn cái torii, xuất hiện khắp nơi. Ai đến thăm Nhật Bản có lẽ đều nghe danh nếu không tận mắt nhìn thấy torii của đền thờ Itsukushima, mọc lên từ giữa biển duyên dáng chào mừng du khách.

Như đã nói ở phần trước, cổng đỏ torii là biểu tượng của Shinto, cứ thấy cổng đỏ là biết gần đó có ngôi đền thờ Thần Đạo. Torii cũng nói lên mối quan hệ chặt chẽ của Thần Đạo với nền văn hóa nông nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên torii không chỉ xuất hiện ở thôn quê, mà hầu hết ở tất cả mọi nơi, từ thâm sơn cùng cốc đến biển cả đến núi non, cả những nơi hoang phế, và ngay cả trong trung tâm thành phố.  Torii được xây trên nóc của tòa nhà tổng hành dinh của công ty mỹ phẩm Shiseido, Ganza – trung tâm của Tokyo.

Cánh cổng màu đỏ

Thỉnh thoảng xem phim Nhật tôi thường thấy có cái cổng màu đỏ. Tò mò không biết nó có ý nghĩa gì, tìm kiếm tôi biết đây là torii có lẽ đọc theo Hán Việt là điểu ngự hay điểu cư, có nghĩa là nơi cho chim đậu.

Torii thường thấy ở gần đền Thần Đạo (Shinto) hay đầu làng. Biết vườn Nhật Bản ở Brooklyn có torii nên tôi sang xem. Được biết Brooklyn Japanese Garden là một trong 25 vườn Nhật Bản đẹp hàng đầu nước Mỹ.

Từ nhà tôi sang Brooklyn khá gần chỉ có ba mươi lăm dặm (35 miles) mà bận đi mất hai giờ đồng hồ (đi lúc 9 giờ rưỡi) bận về mất ba tiếng (kẹt xe ở New York nhất là ở Holland Tunnel).

Tết và tuyết

mênh mông là ơi

Thế nào cũng có người thắc mắc, người Việt ở hải ngoại ăn Tết như thế nào.

Ở Mỹ có hai Tết, dương lịch và âm lịch. Mùa xuân đến hai lần, Tết và khi hoa anh đào nở. Ăn thì bắt đầu từ lễ Halloween, đến Thanksgiving, đến Giáng sinh, đến Tết Tây, đến Tết Ta. Sau đó là tập thể dục mãi đến tháng Bảy tháng Tám để đi biển dám mặc đồ tắm.

Tết âm lịch thường rơi vào tháng Hai là tháng cao điểm của những cơn bão tuyết. Ở Mỹ từ năm 1981, tôi không nhớ những lần ăn Tết, mà chỉ nhớ những cơn bão tuyết.

Không còn nhớ năm nào, tôi ở Philadelphia, có cơn bão tuyết rất lớn. Thời ấy còn ở nhà thuê. Căn apartment ấy có ba tầng, tầng trệt, tầng lầu thứ nhất và tầng thứ hai. Các tay chủ nhà cho thuê luôn luôn là các tay trọc phú, làm giàu bằng mọi cách gian ác. Thường thường, sau khi bão tuyết nhiệt độ xuống thật lạnh, đặc biệt là cuối tuần và cộng thêm ngày lễ, các lão chủ nhà thường cúp sưởi của người thuê nhà. Viện cớ hết dầu đốt lò nước nóng, và phải chờ đến sau lễ mới có xe chở dầu. Viện cớ máy hư, phải sửa và chưa xong. Nhiều lý do lắm. Lạnh đến độ cửa sổ đóng băng. Ở trong nhà chúng tôi thở ra khói. Có điện, nên hễ ai có tiền, để trả tiền điện thêm cộng vào tiền điện nước hằng tháng, và phải mua cái sưởi điện, thì có thể sưởi ấm những lúc ấy. Tôi tiếc tiền nên ráng chịu lạnh. Người thuê nhà ở tầng thứ hai là một người đàn bà có con nhỏ, người Mỹ. Cô nàng gọi chủ nhà mắng trơ trất, còn tôi gọi năn nỉ mở sưởi cho chúng tôi bằng giọng nói ngập ngừng phát âm sai trớt quớt. Bây giờ nghĩ lại, anh chàng sinh viên của Dostoevsky ghét chủ nhà đến độ có thể giết người thì cũng phải. Chúng tôi đi chợ bằng xe buýt. Bão tuyết nhiều xe búyt ngưng. Chợ Ý bán lộ thiên, rau cải thức ăn giá rẻ hơn siêu thị bị bão tuyết cũng tạm ngưng. Tủ lạnh nhà tôi chẳng còn gì để ăn. Tết năm đó gần như phải nhịn đói.

Sau đó tôi dọn sang New Jersey, có một năm vào dịp Tết có bão tuyết to mà tôi không biết. Đâu có theo dõi tivi đài khí tượng, đâu biết nghe tin tức gì đâu mà biết. Sáng sớm vẫn đi học như thường lệ nhưng đến nơi thì trường đóng cửa. Tôi ngồi ở cafeteria học bài đến trưa tuyết đổ nhiều quá nên đón xe buýt đi về chung cư. Lúc đó tôi ở khu housing project, đón xe buýt số 1 từ trạm xe buýt gần trường. Xe buýt số 1 chạy ba tuyến đường. Một tuyến chạy thẳng từ gần trường tôi (Newark) về chung cư ở Ivy Hill. Một tuyến chạy từ Newark đến trạm A (nửa chặng đường và thả khách xuống). Một tuyến nữa chạy Newark, đến trạm A đón thêm khách, mang về Ivy Hill. Bão tuyết lớn quá, xe chết máy đầy đường, kể cả xe buýt cũng bị chết máy. Tôi chờ mấy tiếng đồng hồ không lên được xe buýt vì xe nào cũng đông nghẹt. tôi lạnh cóng giữa trời tuyết vì không mặc áo khoác dài, chỉ có ấm nửa người, chờ mãi lên được xe buýt thì nhằm chuyến chỉ chạy đến trạm A. Từ trạm A tôi phải chờ thêm mấy tiếng đồng hồ mới lên được xe buýt về Ivy Hill. Về đến nhà thì đã sáu giờ chiều.

Lúc còn đi học, nhóm sinh viên Việt có tổ chức Tết, trường cho một số tiền, chúng tôi hùn thêm tiền làm chả giò, tổ chức dạ hội dạ vũ. Sau đó đi làm, tôi không dùng âm lịch (và vì không có lịch âm lịch) nên cũng chẳng biết khi nào là Tết. Tết chỉ là một ngày bình thường. Thoáng nhớ đến khi thấy người ta bán bánh mứt và bao lì xì đỏ.

Khoảng mười năm sau này, khi gia đình bên chồng sang Mỹ ở đông, có người nhớ tập tục tổ chức cúng ông bà, đưa ông táo, gặp nhau ăn tiệc chứ riêng tôi cũng thấy già thấm mệt, sợ phải nấu nướng. Trong gia đình bên chồng, có nhà nấu bánh tét bánh chưng, cho một ít, thêm dưa món chứ tôi cũng ít khi mua bánh chưng ở tiệm. Một phần vì tôi không ăn được nếp. Ăn vào không tiêu.

Tết cũng như Giáng sinh làm tôi cảm thấy stressful, mệt mỏi, chỉ mong cho chóng qua để tôi trở lại với cuộc sống ngày thường. Và năm nay, cũng như bao năm trước, bão tuyết đến, tuyết tan, ngày mai ngày kia lại có bão tuyết. Một lần Tết qua, ngày mỗi già, tôi còn 940 ngày là có thể được chính thức về hưu (non). Nhớ một câu mà tôi tâm đắc khi đọc quyển Tuesday with Morris. Nếu mà tập tục văn hóa làm khổ bạn thì bạn hãy quên cái tập tục văn hóa ấy đi. Tôi muốn quên Tết nhưng chung quanh ai cũng vui mừng đón Tết làm tôi cảm thấy mình phản văn hóa và mất gốc quá. Vui Tết không được, không vui Tết cũng không được. Tôi là người trôi lơ lửng giữa hai dòng văn hóa chẳng bám rễ vào đâu.

Lại nghĩ lan man một chút, những người Việt sống chui (ở Anh chẳng hạn) họ đón Tết như thế nào. Hay là “tôi có chờ đâu, có đợi đâu. Mang chi xuân lại, chỉ thêm sầu…”

Halloween

Ở một xứ sở giàu có và thanh bình, người ta có đủ thứ lễ hội để ăn mừng vui chơi. Halloween, không chỉ là ngày của trẻ em đi “trick or treat” xin kẹo của láng giềng, mà còn là ngày hội khiêu vũ hóa trang, tiệc tùng của người lớn. Tuần trước đi hiking ngang qua Ghost Village đã thấy người ta chuẩn bị tiệc. Hôm qua thấy ở công viên gần chỗ làm người ta chuẩn bị diễn hành chung quanh thành phố để chào đón Halloween. Có mấy tấm ảnh đăng lên mời các bạn xem.

Jazz in the garden 4

Sở dĩ có mấy cái post jazz là gì, rồi jazz trong phim ảnh và văn học là tại vì tôi đi xem Jazz in the garden hằng tuần. Đây là tuần thứ tư, mới xem hồi thứ Năm vừa qua. Tôi đến trễ, không còn chỗ trong bóng mát. Thấy có chỗ trống ngồi vào thì bà cụ bên cạnh nói, người ta bỏ ghế này vì bị cây cột chống lều, và cái máy khuếch đại âm thanh án ngữ. Bạn đọc tha thứ cho những tấm ảnh này. Tôi nhận ra cái shyness của tôi làm tôi trở nên què quặt nhiều mặt. Tôi không dám đứng ra giữa sân để chụp ảnh như những người chụp ảnh. Ngay cả đứng lên để chụp ảnh tại chỗ tôi cũng thấy ngượng ngùng, có cảm tưởng người ta nhìn mình, nhìn cái búi tóc bạc giấu sau cái mũ, nhìn cái lưng đã bắt đầu có dáng hơi còng.
toàn ban nhạc Cocomama
Đây là ban nhạc Cocomama. Ban nhạc có chín người, nhưng người chơi đàn bass bị che khuất sau các nhạc sĩ, ca sĩ, và cái loa. Tôi nghe tiếng bass đệm và đôi khi độc tấu nhưng không thấy người, ban đầu ngỡ là người chơi piano đệm theo bắt chước tiếng bass. (Tại không rành âm nhạc nên muốn tưởng sao thì tưởng) 🙂
quả bầu làm nhạc cụ
Ban nhạc này được giới thiệu là All female Latin Jazz group. Nửa phần đầu họ trình diễn nhạc Cuba. Sau đó họ hát nhạc của Peru và có bài nhạc tiếng Anh. Có lẽ đây là bản nhạc rất phổ biến nên tôi nghe khán giả phía sau lưng tôi hát theo. Vì là nhạc Cuba và châu Mỹ Latin nên họ có vài loại trống. Ảnh này là quả bầu được dùng làm nhạc cụ. Sau lưng người ca sĩ này là một cặp trống có chiều cao đến bụng. Tôi nghĩ thiếu tiếng trống chắc khó truyền đạt âm nhạc châu Mỹ Latin. Tôi rất yêu tiếng trống trong âm nhạc, cố gắng phân biệt tiếng trống của các quốc gia Ả Rập, nghe thì có thể phân biệt nhưng diễn tả bằng ngôn ngữ thì bất khả.
drummer and percussionist
Đây là hai nữ nghệ sĩ đánh trống. Ban nhạc toàn nữ này mang cho tôi cảm giác rất đặc biệt. Khâm phục họ và họ đáng tự hào. Và nhận ra thế giới ngoại quốc có dành chỗ cho nữ giới. Không được rộng rãi như chỗ của nam giới, nhưng họ cũng tạo ra một chỗ đứng cho họ. Cô gái đánh trống này thật là xinh đẹp, và tôi yêu cái mũ đàn ông của cô.
volunteer dancers
Hôm ấy là một ngày mùa hè đẹp tuyệt vời. Không nóng lắm và có gió hiu hiu. Trời xanh với những cụm mây trắng lười biếng bay. Tôi không muốn trở về chỗ làm. Ngồi nghe nhạc và nghĩ đến những câu thơ.

Dẫu rằng người có phụ tôi.
Thì mây vẫn trắng thì trời vẫn xanh.

Được hai câu thì bí rồi nên tiếp tục nghe nhạc. Tôi yêu nhạc vùng Caribbean và tiếng trống kể từ khi tôi nghe bài Kiss The Girl trong The Little Mermaid. Tiếng trống rộn ràng, rạo rực. Những nhà nghệ sĩ của ban nhạc Cocomama, chơi những bản nhạc nhanh vui theo điệu Salsa nên nhiều người ngứa ngáy đôi chân. Khi họ được khuyến khích ra sân khiêu vũ thì họ ra ngay. Đây là những người khiêu vũ với những bước rất đẹp mắt. Cách họ uốn éo di chuyển chứng tỏ có một thời họ làm chủ sàn nhảy nào đó. Nhìn cái lưng của người phụ nữ áo đen và mái tóc cắt ngắn rất khéo tôi có cảm tưởng nàng là người Á châu. Nhảy đẹp lắm.
một cặp khiêu vũ
Đứng chật sân nhưng chỉ toàn là phụ nữ. Khi ông này lên khiêu vũ với bà này, khán giả vỗ tay um sùm. Sau lưng tôi là một ông cụ. ông hát theo ca sĩ và tiếng đàn, giọng trầm hơi khàn, mỗi lần nghe một đoạn nhạc hay ông kêu lên Ô lê, Ô lê, Ô lê, đôi khi ông “hum” (âm thanh ngậm lại trên môi không phát ra thành tiếng) ông sành âm nhạc lắm a.

Tôi hoàn toàn không biết nhạc lẫn lời. Chỉ ngồi đó nghe âm thanh và giai điệu. Khi họ hát những bản nhạc jazz chậm, tôi đoán lời hát chắc phải não nuột lắm, nhưng âm thanh điệu nhạc vẫn dồn dập rộn rã. Nhạc vẫn vui dù lời hát có buồn. Với âm nhạc, một buổi trưa hè như thế này, dù có bị tình phụ thì trời vẫn xanh, mây vẫn trắng, mình vẫn sống nhăn. Tình phụ, đó là sự tưởng tượng của một người ôm mộng làm dzăng sĩ. Chứ tình phụ xảy ra hồi mấy chục năm về trước kia.

Jazz trong phim ảnh 2

Hôm qua tôi thắc mắc không biết phim The Great Gatsby, version 1974, hai diễn viên chính là Redford và Farrow, có phản ánh đúng với nhạc jazz vào thập niên 1920 hay không. Thắc mắc thì tự đi tìm câu trả lời.

Những năm 1920, Hoa Kỳ đang hồi phục sau thế chiến thứ nhất chấm dứt thời kỳ đại khủng hoảng kinh tế (Great Depression). Đó là thời kỳ jazz age, nhạc jazz đang hồi hưng thịnh, không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở Anh và Pháp. Không những jazz mà văn học thời ấy cũng huy hoàng. Cuộc sống ở Hoa Kỳ đắt đỏ hơn ở Pháp. Người da đen ở Hoa Kỳ thời bấy giờ vẫn còn bị kỳ thị chủng tộc nên các hoạt động nghệ thuật vẫn còn gò bó với các nghệ sĩ trình diễn. Rất nhiều văn nghệ sĩ Hoa Kỳ sang sống ở Pháp như Ernest Hemingway, Francis Scott Fitzgerald, Gertrude Stein, Josephine Baker, … Josephine Baker là nữ nghệ sĩ trình diễn, bộ môn hát và khiêu vũ. Cảm thấy bị gò bó qua phong cách trình diễn, và không được quí trọng vì bà là người da đen, bà sang Paris sống. Nơi đây tên tuổi của bà trở nên lẫy lừng khắp thế giới. Cole Porter là nhạc sĩ jazz, đồng tính luyến ái cũng sống ở Paris. Có lẽ còn nhiều nhạc sĩ jazz nữa nhưng tôi không biết. Tất cả những tên của các văn nghệ sĩ tôi vừa nhắc qua đều được nhắc đến trong phim Midnight in Paris.

Chiều qua tôi đến thư viện mượn phim The Great Gatsby năm 1974. Thêm một chút thất vọng vì phim này bị chê là không tôn trọng đúng mức tinh thần nhạc jazz trong thời đại vàng của nhạc này. Nếu tôi có thất vọng vì không tìm thấy nhạc jazz của thập niên 20 trong hai phim The Great Gatsby thì tôi được đền bù trong phim Midnight in Paris. Toàn cái soundtrack của Midnight in Paris là các nhạc phẩm được trình bày bởi các nhạc sĩ jazz (người da đen) nổi tiếng như Duke Ellington, Billy Strayhorn, … Phim này làm tôi hầu như có cảm tình với Woody Allen trở lại, một phần nào. Phim của Allen có nét lãng mạn, nhưng tôi không ưa cách đối thoại “lắp bắp” của ông.

Có hai phim tôi đã xem, đưa cuộc đời của các nhạc sĩ jazz vào phim, “Young Man With A Horn” và “Paris Blues.” Cả hai phim đều nói về nhạc sĩ Jazz người da trắng, nhưng phim Paris Blues có Sidney Poiter là nhạc sĩ người da đen. Young Man With A Horn do Kirk Douglas đóng vai chính, phim dựa trên cuộc đời của Bix Beiderbecke. Phim ra đời năm 1950 có lẽ vào thời kỳ ấy người ta không dãm nghĩ đến việc làm phim về nhạc sĩ da đen. Mãi đến năm 1961 khi phim Paris Blues ra đời chúng ta mới thấy sự xuất hiện của diễn viên Sidney Poiter đồng thủ vai chính với Paul Newman. Trong phim Paris Blues tôi thấy có Louis Amstrong và một vài nhạc sĩ người da đen khác. Sound track của Paris Blues được Duke Ellington đảm nhiệm kiêm trình tấu.

Tạm ngừng để đi làm.

Jazz trong phim ảnh 1

Hôm qua tuyên bố sẽ viết về Jazz trong văn học và phim ảnh. Sáng nay tự hỏi mình biết gì về chủ đề này mà tuyên bố như vậy. O Gió chắc biết tật của tôi. Để bắt buộc mình tập trung về một chủ đề nào đó, tôi thường tuyên bố trước, rồi bắt mình phải giữ lời hứa. Cũng có một đôi lần thất hứa, nhưng thường hễ đã hứa thì tôi cố gắng làm với tất cả những giới hạn và khiếm khuyết của mình.

Hôm qua tôi nói nhạc Jazz phát xuất từ người da đen nghèo, nhạc của họ buồn. Sáng nay nói thêm. Nhạc jazz ban đầu phát xuất từ miền Bắc châu Phi Congo và Savannah khu vực lòng chảo của rừng nhiệt đới. Nhạc cụ là những khúc gỗ được biến thành trống. Người Bắc Phi đã từng xâm lấn Spain và từ đó mang tiếng kèn (rồi sau nữa là guitar, dương cầm và vĩ cầm) vào nhạc jazz. Nhạc jazz ở Hoa Kỳ (nhạc jazz có khắp nơi trên thế giới, đặc biệt lớn mạnh ở Pháp) biến chuyển theo thời gian, từ ban nhạc nhà nghèo với vài ba cây kèn và guitar, đến giàn nhạc đại hòa tấu, vài chục cây kèn, dương cầm vĩ cầm, có nhạc sĩ biểu diễn solo, vào những đại hí viện. Tôi không muốn gọi đây là nhạc sang trọng nhưng rõ ràng là muốn thưởng thức thì phải có tiền nhiều. Tôi vẫn tin (đầy vẻ ngây thơ ngớ ngẩn) là, người biểu diễn, người nghe, và nơi biểu diễn, có thể nghèo nàn hay giàu có nhưng tự âm nhạc thì không dành riêng cho ai cả. Âm nhạc giàu có ở âm thanh và giai điệu và miễn là đừng điếc thì ai cũng có thể nghe và thưởng thức nó với chính cảm quan của mình. (Ngay cả điếc như Beethoven mà còn viết được bản dương cầm bất hủ For Elise). Nhạc jazz có khi chậm buồn có khi nhanh vui (swing) có khi ồn ào cuồng loạn (rock’ n ‘ roll). Mình thích hay không thích một giai điệu có thể bắt nguồn từ tâm thức, kinh nghiệm, hay thói quen, nhiều hơn là vì kinh tế.

Khi nghĩ đến jazz trong phim ảnh, tôi không nhớ ra phim nào ngay lập tức, ngoại trừ The Great Gatsby. F. Scott Fitzgerald là nhà văn của thời kỳ nhạc jazz hưng thịnh, do đó có lẽ nhạc jazz sẽ xuất hiện tràn đầy trong phim. Tôi xem lại phim này, mới làm năm 2013 của đạo diễn Baz Luhrmann. Thú thật khi xem phim này lần đầu tôi đã có chút thất vọng. Tôi thích cái hào nhoáng giàu có, thích màu sắc của thời trang, thích cái mới mẻ của phim nhưng tôi cũng chính những khía cạnh này mà tôi không thích phim The Great Gatsby của Luhrmann. Phải công nhận, khó mà làm vừa lòng khán giả xem phim này, bởi vì họ đã được xem quá nhiều phim bản (1926, 1949, 1955, 1974, 1999 opera, 2000 phim truyền hình) cũng như đã đọc quyển tiểu thuyết này từ năm xửa năm xưa. Xem lại phim này với ý định tìm hiểu nhạc jazz trong phim, cốt truyện xảy ra năm 1922, quyển tiểu thuyết được xuất bản năm 1925, thế nhạc jazz trong phim có thể hiện nhạc jazz của thời đại ấy không? Tôi thất vọng thêm lần nữa. Luhrmann đưa hip hop, rap vào phim, đây có thể là biến thể của jazz nhưng vài chục năm sau. Tôi sẽ tìm xem những phim bản trước đó và sẽ trở lại với bài blog này. Tôi đã xem phim năm 1974 Robert Redford đóng, nhưng không còn nhớ chi tiết đặc biệt là soundtrack của phim.

Thôi để hôm khác viết tiếp. Đang viết ngon trớn nhưng tôi phải chuẩn bị đi làm.

Nhạc Jazz là gì?

Mấy năm trước, tôi đăng bản nhạc hòa tấu cổ điển, một bạn đọc đi ngang, đã lên tiếng. Theo ý bạn loại nhạc này sang trọng, là nhạc nhà giàu, thời thượng. Bạn ấy chỉ nghe và thích nhạc cổ điển dân tộc Việt Nam, những điệu hò, điệu lý, đàn bầu, đàn tranh. Tôi cũng thích nhạc này nhưng không luôn tìm được để nghe.

Là một người khá nhạy cảm, hay quan sát nội tâm, tôi tự hỏi có phải mình nghe bằng chính cái thành kiến của mình không. Tôi có cảm tưởng bạn nghĩ tôi là người vọng ngoại, tôn thờ văn hóa nước ngoài, chỉ là một thứ học làm sang.

Mới đây khi tôi kể chuyện đi xem nhạc jazz, có bạn cho rằng cần phải có chút tinh tế và nghệ sĩ tính để thưởng thức nhạc jazz. Tôi lại cẩn thận nhắc mình, đừng nghe bằng thành kiến của mình. Tôi không (luôn luôn) vọng ngoại, không học làm sang, không (tuyệt đối) tôn thờ văn hóa nước ngoài. Tôi đang từng ngày và từng bước, tìm hiểu cuộc sống chung quanh mình, mở cửa tâm hồn để tiếp nhận văn học nghệ thuật nơi tôi đang sống. Mấy mươi năm quanh quẩn với cơm áo gạo tiền, bây giờ tôi mới có dịp để ý đến nền văn hóa hiện diện chung quanh tôi.

Jazz có phải là loại nhạc dành cho những người giàu có sang trọng, hay đặc biệt chỉ dành cho những nhà nghệ sĩ tinh túy không? Tôi muốn kêu to rằng, không! Nhạc jazz phát xuất từ người Mỹ gốc châu Phi làm sao là nhạc nhà giàu cho được.

Người châu Phi, bị bắt sang châu Âu và châu Mỹ làm nô lệ, đời sống của họ đầy những bất hạnh, nghèo khó, đau khổ, và tối tăm. Nhạc của họ là những bài hát nói về những cuộc tình tan vỡ, bội bạc, và họ nhận chìm đau thương trong men rượu. Nhạc cụ của họ thường chỉ có một cây đàn guitar hay một cái kèn đồng. Ngay cả sau khi bãi bỏ chế độ nô lệ cuộc sống của những người nghệ sĩ da đen vẫn nghèo khó rày đây mai đó, từ hộp đêm này sang hộp đêm khác. Dăm ba người nghệ sĩ, vài ba cây kèn đồng, giàn trống về sau họ có thêm piano gia nhập. Nhạc jazz làm tôi nghĩ ngay đến những quán rượu về đêm, khói thuốc mù mịt, tiếng kèn khàn khàn, giọng ca sĩ nhừa nhựa mụ mị. Đó là những hình ảnh tôi nhìn thấy trong phim chứ nhạc jazz trong phòng trà hộp đêm có từ thời tôi chưa ra đời và từ khi sống ở Hoa Kỳ tôi chưa hề biết cái hộp đêm nó ra làm sao. Tôi đoán bạn cũng như tôi, nhiều khi nghe nhạc jazz mà không biết đó là nhạc jazz.

Nhạc jazz là gì? Tôi nghĩ nghe một bản nhạc tôi có thể nói một cách do dự, bản này, cách trình tấu này nghe giống như nhạc jazz. Tôi không chắc là nếu bạn cho tôi nghe một bản nhạc lạ, tôi có thể nhận ra đó có phải là nhạc jazz hay không. Nhận biết một bản nhạc jazz, với tôi không dễ, nhưng vẫn dễ dàng hơn định nghĩa nhạc jazz. Ngay cả đối với những người chuyên nghiệp, định nghĩa nhạc jazz là gì, không phải dễ dàng.

Để tìm hiểu nhạc jazz tôi tham khảo quyển “Why Jazz? – A Concise Guide” của Kevin Whitehead. Đây là một quyển sách mỏng, dễ hiểu, bởi vì tác giả không viết theo lối hàn lâm. Ông đặt ra những câu hỏi ngắn, và câu trả lời cũng ngắn gọn, đơn giản, để thỏa mãn tò mò của độc giả (không chuyên về nhạc) như tôi. Sau đây là phần tôi trích dịch trong quyển sách. Tuy ông viết rất dễ hiểu, nhưng tôi thấy khó dịch, vì tôi không có đủ từ Việt về âm nhạc. Tôi chỉ dịch theo cách tôi hiểu, và dịch thoáng, thêm chữ hay bớt chữ để câu văn viết dễ đọc và xuôi tai.

Trang 5. Jazz là gì?

Jazz có nhiều loại, nhịp điệu khác nhau, nên khó có một định nghĩa đơn giản để mọi người đều đồng ý. Người sành điệu có thể không chấp nhận một số nhạc sĩ, bảo rằng những người này không phải là nhạc sĩ jazz vì loại nhạc họ trình diễn không phải là nhạc jazz. Tuy nhiên để bắt đầu cuộc tìm hiểu chúng ta có thể tạm chấp nhận rằng: jazz là một loại nhạc có nhịp điệu trái ngược nhau, chú trọng việc phô trương kỹ thuật trình diễn cá nhân, thường là do sự tự cải biến trong lúc trình diễn. Jazz là một hỗn hợp gồm nhiều khía cạnh của nhạc dân ca và nhạc hòa tấu nghệ thuật. Đặc tính (cái hay cái đẹp) của jazz là bộc lộ rõ rệt cá tính của người Mỹ da đen, bất kỳ người trình diễn là ai hay trình diễn ở đâu.  Đối với nhạc sĩ jazz, loại nhạc cụ họ sử dụng không quan trọng bằng cách họ sử dụng nhạc cụ: tác phẩm được cải biến bằng cách “bóp méo” (một cách nghệ thuật) nhịp điệu (rhythms), âm điệu (melodies), ngay cả hình thức (forms) của bản nhạc.

Trang 1. Tại sao nghe nhạc jazz?

Vì nhạc jazz thú vị. Sau đó mới đến các lý do khác. Jazz hấp dẫn vì loại nhạc này được xem là một cách thử thách tài năng của nhạc sĩ và cũng là một khía cạnh văn hóa, tiếng nói của người Mỹ gốc Phi châu với thế giới. Nhưng tất cả những điều này chẳng có nghĩa lý gì nếu nhạc jazz nghe không thú vị. Jazz là một thế giới âm nhạc riêng biệt, bao gồm loại nhạc jazz truyền thống vùng New Orleans và nhạc jazz tự do không theo thể loại nhất định, nhạc swing cuồn cuộn của Kansas City và loại bebop dồn dập, nhạc jazz được trình diễn bằng đàn guitar điện âm thanh dòn dã, những đoạn nhạc được viết theo khuynh hướng hậu hiện đại, loại nhạc jazz quí phái, quyến rũ dục vọng, khôi hài, loại nhạc thưởng thức bằng trí óc và nhạc để nhảy múa, nhạc blues, nhạc Viễn Tây (country music), rock’n’roll. Tất cả đều gọi chung là jazz.

Trang 2. Tôi có cần phải thích tất cả loại nhạc jazz không? Tôi có cần phải biết lịch sử nhạc jazz để thưởng thức nhạc không?

Giới hâm mộ nhạc phản ứng theo bản năng. Họ nghe nhịp điệu hòa quyện với âm thanh của nhạc cụ hoặc là giọng hát của ca sĩ và họ thích ngay lập tức. Đối với một số thính giả, chỉ cần biết một loại nhạc jazz là đủ rồi. Họ có thể nghĩ là chỉ có một loại jazz đó là quan trọng thôi.

Nhưng jazz lại quan trọng về sự thay đổi: cách mà nhạc sĩ “riff”[1], ý tưởng, hoặc phong cách trình diễn đã biến bản nhạc gốc thành một bản nhạc khác. Với những người nghe jazz kinh nghiệm, họ biết những chỗ hay, hoặc lạ, đặc biệt đến độ buột miệng kêu à há, khi họ nhận ra những âm thanh thay đổi, mới lạ và độc đáo, từ bản nhạc cũ. Để biết nhận ra những cái hay đó, biết về lịch sử âm nhạc có thể giúp ích – một vài khái niệm về dáng dấp âm nhạc.

***Đặt cục gạch làm dấu ở đây – Ngày mai sẽ viết jazz trong phim ảnh và văn học.


[1] Cách nhạc sĩ trình diễn, thường là một chuỗi nốt nhạc được lập lại với một vài nốt nhạc được biến đổi.

Jazz in the garden 3

David Gibson người thổi kèn trombone
David Gibson người thổi kèn trombone

Thứ năm tuần trước, trời đẹp, gió hiu hiu. Tôi không ăn trưa, giờ ăn trưa tôi quơ vội mắt kính đen và cái mũ fedora, đi nghe nhạc jazz.

Điểm thú vị của mùa hè là trời nóng, các cô gái trẻ mặc quần áo rất ít vải, đi đâu cũng thấy những đôi chân đẹp đều như những đôi đũa ngà, những bờ vai trần, và những cổ áo cắt thật sâu để lộ vùng ngực thật là quyến rũ. Tôi thích mùa hè ở chỗ tôi được mặc đồ bằng vải trắng, vải cotton không pha nylon hay vải soa. Tôi thích cái mỏng, thô, mềm của vải.

Vừa băng qua đường, trước mặt tôi là một nơi trưng bày mỹ thuật của các nhà mỹ thuật trẻ tuổi. Người đàn ông đứng ở cửa, nhìn thấy tôi xăm xăm băng qua đường, có lẽ tưởng nhầm tôi là du khách đi xem triễn lãm mỹ thuật, ông vội vàng mở cửa mời. Khi thấy tôi đi ngang mà không vào, ông cười khen: “Cái mũ của bà rất đẹp.” Tôi vừa đi vừa cúi người nói cảm ơn ông. Và thấy sung sướng được khen, dù chẳng phải khen mình mà là khen cái mũ. Khoe ở đây thôi, chứ không dám kể lại với ông Tám. Các đấng ông chồng Việt Nam, chẳng những chẳng bao giờ khen cái mũ của vợ đẹp, người khác khen cũng chẳng hài lòng.

Không thể nghe nhạc đến cuối chương trình, tôi phải ra về sau khi nghe được 45 phút, vì phải đi làm. Tôi có thể ở trễ một chút, chẳng ai kiểm soát hay rầy mắng gì, nhưng tôi không muốn như thế. Tôi áy náy, cảm thấy mình bất nhã khi bỏ về giữa chừng. Ra khỏi chỗ hòa nhạc, đói bụng, tôi mua một cái hot dog, vừa đi vừa ăn, cố cẩn thận để không dính catchup vào áo trắng.

Hôm trước có bạn bảo rằng nhạc jazz là nhạc khó thưởng thức. Trong bài này tôi kiếm được cái link nhạc Việt Nam trình diễn theo kiểu nhạc jazz. Đây là những bài quen thuộc như Đêm Đông, Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội. Có lẽ nhờ đã biết lời (lyrics) của các bản nhạc này, và nhạc (melody) cũng quen thuộc, mà jazz dễ nghe, dễ thích hơn.

Jazz in the garden 2

Chương trình nhạc jazz này tôi xem từ hồi tuần trước, cũng vào ngày thứ Năm. Người trình diễn buổi nhạc hôm ấy là Akiko. Tấm ảnh đầu tiên là nàng. Họ Tsugura. Vì không biết nhiều về nhạc jazz tôi đo lường tài năng của nàng qua mức độ phấn khích của khán giả. Nhìn những cái gật đầu, đánh nhịp, lắc lư, vỗ tay vào những lúc nàng riff hoặc improvise. Tôi đoán sự sành điệu của khán giả qua cách ăn mặc rất jazzy của họ.

Vì trời mưa, nên buổi trình diễn được dời vào bên trong thư viện. Bức ảnh chụp khán giả mờ, một phần vì tôi để iso thấp quá, quên chỉnh máy trước khi chụp, một phần vì khán giả lắc lư kích động quá. Akiko hay nói đùa, nhưng giọng của nàng có accent nặng quá nhiều khi tôi không hiểu nàng nói gì, thấy người ta cười khi nàng cười có cái răng khểnh rất duyên.

Xem nhạc xong tôi ra ngoài chụp mấy tấm ảnh ở khu vườn sau thư viện. Những cái cửa vườn hoang phế luôn có cái gì đó mời gọi hấp dẫn tôi. Cũng như những căn cottage, tường đá phủ đầy dây ivy (trường xuân).

Jazz in the garden 1

desktop-jazz_0  
Ảnh này lấy từ website của mạng Thư viện Newark. Mấy tấm ảnh dưới là của Tám.
Jazz in the garden
  005  007
Mấy tấm ảnh này chụp từ hồi thứ Năm tuần trước. Mùa hè, thành phố tôi làm việc trở nên sống động, tưng bừng náo nhiệt. Thứ Năm vừa qua là ngày mở đầu chương trình nhạc Jazz trình diễn trong khu vườn nhỏ phía sau thư viện chính của thành phố Newark. Tôi ngồi ở khoảng giữa của hàng ghế khán giả. Không đông khách lắm, độ 150 người, vẫn còn nhiều chỗ trống, có lẽ khu vườn này có đủ chỗ cho ba trăm khán giả.

Hôm ấy là buổi biểu diễn của Gary Bartz, ông hát và thổi kèn đồng saxophone. Cùng trình diễn với ông là một dương cầm thủ, một đại hồ cầm (chẳng biết gọi là gì, cello hay bass?), và giàn trống. Ở phía tay trái có một người điều khiển một giàn nhạc bằng computer (tôi đoán thế vì không rành kỹ thuật của âm nhạc). Khán giả gồm nhiều nhóm, khoảng sáu mươi tuổi hay hơn, đã về hưu, họ ăn mặc khá thoải mái. Nhóm trẻ chừng hơn hai mươi là những người làm việc chung quanh lấy giờ ăn trưa đến nghe nhạc, ăn mặc đẹp, có cả com lê dù trời mùa hè khá nóng. Có những người có vẻ như từ nơi xa đến, New York chẳng hạn. Đa số là người địa phương. Tôi có gặp lại một đồng nghiệp cũ đã về hưu ở nơi này.

Tôi không rành nhạc jazz, chỉ nghe chút đỉnh, biết tên một vài nhạc sĩ nổi tiếng. Hễ có dịp là tôi muốn được đắm mình vào văn hóa nhạc jazz nhạc blue. Loại nhạc này rất dễ nghe, nhiều bài hát Việt được biểu diễn theo lối jazz. Đừng kể Hạ Trắng và Đêm Đông, những bài như Ảo Ảnh của Y Vân, hay Kiếp Nghèo, Quán Nửa Khuya biểu diễn theo lối jazz nghe nhức nhối lắm.

Vé vào cửa để gây quỹ giúp Thư Viện Newark chỉ có ba tì. Buổi trình diễn bắt đầu thừ 12:15 pm và kết thúc lúc 1:45 pm. Tôi chỉ có thể nghe được nửa giờ đồng hồ là phải trở lại chỗ làm. Thứ Năm này tôi sẽ được nghe đàn organ.

Những điều thú vị chung quanh chuyện ăn thịt chó

Cún Bơ của Bảo Bình - Blog Những Dòng Thương Nhớ
Cún Bơ của Bảo Bình – Blog Những Dòng Thương Nhớ.

Người châu Âu, có nhiều đồng cỏ nên chuyên về nuôi bò, cừu, và dê. Chó khỏe, chạy nhanh, khôn ngoan, có thể giúp chủ rất nhiều trong việc lùa đàn thú về trại hay săn tìm những con thú đi lạc. Do nhiều năm tiếp xúc với chủ nhân nên tình cảm thân thiện giữa thú và người phát triển. Đây có thể là nguyên nhân vì sao người phương Tây không ăn thịt chó. Tuy nhiên, ra luật bảo vệ súc vật nói chung, chó nói riêng, người ta chưa chắc đã nhân từ và người ăn thịt chó không hẳn là người dã man. Vài người trong họ hàng nhà tôi, bằng cấp đầy mình, văn minh văn hóa hết mực, tính tình hòa nhã tử tế, thích ăn thịt chó, bảo rằng “nhất trắng, nhì vàng, tam khoang, tứ mực.” Ai đã từng xem phim Điệp Viên 007 chắc còn nhớ ông trùm SPECTRE, tay luôn luôn ôm con mèo nhưng giết người như giết ngóe. Thủ hạ của ông ta nếu không thực hiện nhiệm vụ thành công thì ông hạ thủ chẳng lưu tình.

Cún của gia đình chủ bút Gió O
Cún của gia đình chủ bút Gió O

Từ năm 1986, người Đức cấm bán hay ăn thịt chó. Tuy nhiên, vào những năm có chiến tranh hay thiếu thốn, thịt chó được bán công khai. Từ năm 1898 cho đến năm 1925, The New York Times đăng nhiều tin dân Đức bán và ăn thịt chó[1]. Những bài báo này, làm tôi tự hỏi, liệu đây có phải là một hình thức người Mỹ kỳ thị người Đức vì họ là phe đối nghịch với Hoa Kỳ. Năm 1933 cho đến năm 1938, đảng Nazi cho ban hành bộ luật bảo vệ thú vật soạn thảo rất qui mô. Bộ luật này bao gồm luật sát sanh theo phép Kosher, luật cấm săn bắn, luật chuyên chở thú vật từ nơi này đến nơi khác bằng xe  hay tàu hỏa. Arnol Arluke và Boria Sax cho rằng Nazi soạn bộ luật này với âm mưu sẽ xem loài người như súc vật chứ không xem súc vật như con người.[2] Nếu bạn đọc trang Dog Meat của Wikipedia sẽ thấy những người ăn thịt chó ở Hoa Kỳ, vào thời rất xa xưa, khoảng hơn hai chục năm gần cuối thế kỷ mười chín, và đầu thế kỷ 20, đều là người da đỏ. Người Hoa-kỳ thuở xưa, chiếm đất người da đỏ, tàn sát một số lớn, đẩy số còn lại vào xó rừng, không có điều kiện để nuôi cừu dê bò, nên họ ăn thịt chó. Dễ hiểu thôi.

Cún của face book Lilac Tran. Ngồi sẵn trong nồi đây này.
Cún của face book Lilac Tran. Ngồi sẵn trong nồi đây này.

Ở Hoa Kỳ, chữ dog được dùng để chỉ sausage (thịt dồi, xúc xích). Vào năm 1845 người ta phát hiện trong thịt dồi có pha lẫn thịt chó từ đó phát xuất chữ hot dog. Việc bắt trộm chó không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác, Nhật Bản và Hoa Kỳ chẳng hạn. Những năm người ta dùng phương pháp vivisection mổ động vật có xương sống lúc đang sống để quan sát hoạt động nội tạng của động vật vẫn còn đang tiếp nhận tín hiệu của não bộ, chó thường bị bắt trộm đem bán cho các phòng thí nghiệm. Năm 1891, ở tiểu bang Indiana, môn thuốc dùng để trị bệnh lao phổi là thịt chó.

Người ta có đủ thứ niềm tin để lý luận ăn thịt chó là cần thiết. Người Ba Lan dùng mỡ chó để trị bệnh. Người Trung quốc tin là trong thịt chó có vị thuốc. Mùa Đông ăn thịt chó làm cho người ấm. Ngược lại, người Hàn quốc tin là ăn thịt chó có thể điều tiết nhiệt độ trong người, hoặc giải nhiệt.  Họ ăn thịt chó nhiều nhất vào ba ngày nóng nhất trong năm.

lassie
Lassie – Chó của nhà văn Đặng Đình Túy

Đa số người Nam Hàn không ăn thịt chó, nhưng có một số ít người có quan niệm chọn món ăn là quyền tự do cá nhân. Năm 1984 họ cấm bán thịt chó nhưng không kiểm soát nghiêm ngặt ngoại trừ lúc tổ chức Thế Vận Hội ở Seoul. Tháng 3/2008 một nhóm người vận động đòi được quyền công khai bán thịt chó, mở nhà hàng thịt chó nhưng không được chấp thuận. Loại chó người Nam Hàn nuôi để ăn thịt là loại chó đặc biệt thuộc giống Nureongi hay Hwangu, không phải pet.

hôn nhau – ảnh của Bà Tám

Người miền Bắc Việt Nam ăn thịt chó nhiều hơn người miền Nam. Người ta tin là ăn thịt chó sẽ được cường dương và giải xui nhất là vào dịp cuối năm và cuối tháng âm lịch. Một con chó độ 20 kg có thể bán được 100 Mỹ kim, tương đương với một tháng lương trung bình của công nhân vì thế chó ở VN thường hay bị trộm. Không có tài liệu để kiểm chứng cụ thể, người ta nói rằng giới Công giáo thường hay ăn thịt chó nhất là vào dịp Giáng sinh. Tôi, người viết bài này, nghĩ rằng rất có thể đây là sự biến thể của nghi thức tế lễ từ thời xa xưa của người Celtic sống ở Anh đến Việt Nam theo các nhà truyền giáo. Người ta thường tế lễ bằng dê và cừu, nhưng sang đến Việt Nam thì dê và cừu biến thành nai đồng quê.

Do ảnh hưởng của Phật giáo, Thiền giáo, và Thần đạo, người Nhật không ăn thịt chó. Tuy nhiên, thịt chó rất phổ biến ở Nhật-bản mãi cho đến năm 675 sau Công Nguyên khi hoàng đế Temmu ra lệnh cấm ăn thịt chó từ tháng 4 cho đến tháng 9. Vị Hoàng đế này ra trận thường xuyên, khi đi đánh giặc ông thường mang theo con chó. Ông cho rằng ăn thịt chó sẽ mang sự xui xẻo đến cho ông. Năm 2008 Nhật Bản nhập cảng 5 tấn thịt chó từ Trung quốc trong khi chỉ mua vào 4, 714 tấn thịt bò.

nhìn cái gì
Nhìn cái gì? Ảnh của bà Tám.

Bạn đọc thích xem phim, thế nào cũng biết phim Hachiko. Phim dựa vào câu chuyện có thật và đẹp như huyền thoại. Chủ của Hachiko là giáo sư dạy ở đại học Tokyo. Hằng ngày Hachiko theo chủ ra nhà ga Shibuya đưa ông đi làm và buổi chiều ra nhà ga đón ông về. Ông đột ngột qua đời trong lúc giảng bài (vì thế không về bằng tàu hỏa). Hachiko đợi chủ ở nhà ga hằng ngày cho đến khi qua đời, nhất định không rời nhà ga này dù vợ con của ông giáo sư tìm cách đưa chó về và dời chỗ ở. Phim này về sau được quay lại bởi đạo diễn Lasstrom và diễn viên là Richard Gere. Người ta ngưỡng mộ Hachiko đến độ đúc tượng đồng con chó này. Phim làm tôi tưởng tượng tất cả mọi người đàn ông Nhật đều đẹp trai và yêu chó như Gere vì thế hơi ngỡ ngàng khi thấy người Nhật nhập cảng thịt chó nhiều hơn thịt bò. Sau khi người Nhật đầu hàng vào năm 1945, toàn nước Nhật chỉ còn lại 16 con chó giống Akita. Đây là loại chó săn, mõm ngắn, tai vểnh, lông dày, sống ở miền bắc của Nhật, nơi gọi là xứ tuyết, rất khôn ngoan và trung thành. Vào những năm chiến tranh, thực phẩm khan hiếm, chính quyền và quân đội Nhật kêu gọi toàn dân bán chó, nộp chó, để phục vụ trong chiến tranh. Để thuyết phục người dân, tượng chó Hachiko bị hạ xuống và đem dấu đi. Bộ da chó được dùng làm lớp lót bên trong áo khoác của quân phục. Ai có chó mà không chia sẻ thịt với láng giềng bị xem là ích kỷ. Trong thời gian này chó thường bị ăn trộm hay bắt cóc.[3]

hóng chuyện
Hóng chuyện. Ảnh của bà Tám

Tin một người ăn trộm một con chó hai lần để đem bán cho người ta giết lấy thịt khiến dân cư mạng bàn tán và chia thành hai phái, một bên đòi giết tên trộm, bên kia kêu lên dù gì cũng không thể lấy mạng người để trả thù cho chó. Chó có quý hơn mạng người hay không? Chó không biết nói nên mình không biết câu trả lời của nó. Giữa loài người, dù bạn đứng ở phía nào, nếu là một người có lòng nhân, trả lời câu hỏi này thế nào cũng có chút áy náy xót xa. Dĩ nhiên, tôi không đồng tình với chuyện giết người đòi mạng nhưng trộm chó là một hành động sai lầm cần phải được xét xử bằng pháp luật. Sự giận dữ của đám đông đòi xử tử người trộm chó có thể là một cách biểu lộ là người dân không còn tin tưởng vào pháp luật của nhà cầm quyền đương nhiệm. Mức độ trừng phạt phải xứng đáng với tội phạm pháp nhưng như thế nào thì xứng đáng? Giá một con chó bằng một tháng lương, phạt tiền gấp đôi hay gấp ba cộng thêm phí tổn tòa án? Còn nỗi đau đớn của người bị mất con thú mình nuôi và yêu thương thì phải bồi thường bao nhiêu? Mấy thằng trộm ấy làm gì có tiền mà phạt! Nhà tù ở đâu có nhiều đủ để chứa và nuôi cơm mấy tên trộm chó chứ! Ngay cả ở Hoa Kỳ, tội hành hạ súc vật cũng khó được xử lý theo đúng luật pháp vì không đủ tiền và nhân lực. Xử chuyện người còn không xuể ai hơi sức đâu mà quan tâm đến chuyện chó!

đối diện
đối diện – Ảnh của bà Tám

Không phải chỉ có nước nghèo và người nghèo mới ăn thịt chó. Hàn quốc và Nhật bản là hai nước giàu mạnh về kỹ nghệ, và Nhật có truyền thống văn hóa lễ độ bậc nhất thế giới cũng tiêu thụ thịt chó. Người Mỹ không ăn thịt chó nhưng không có quyền áp đặt lên các quốc gia khác quyền tự do ăn uống. Người Việt ăn thịt chó không phải vì bắt chước người Hàn, người Nhật, hay người Trung. Cũng không phải vì người Tây phương không ăn, mình không ăn. Cái ý tưởng, nuôi chó như nuôi cừu dê heo bò lấy thịt và thịt chó ở Việt Nam sẽ là một trong những món ngon nhất thế giới, là một ý tưởng hay và có thể là một hình thức kinh doanh đắc lợi. Loài người từ bấy lâu nay vẫn quan niệm thú vật sinh ra là để phục vụ con người. Người ta giết gấu lấy lông làm áo khoác, lấy mật làm thuốc, lấy bàn tay làm món ăn quí; giết voi giết tê giác lấy ngà; giết trăn và cá sấu lấy da lấy thịt. Nuôi thú vật hay giết thú vật đều là một kỹ nghệ lớn, chẳng những nuôi sống mà có khi còn đưa loài người đến chỗ giàu có và đầy quyền lực. Ngay cả khi yêu thú vật người ta cũng vô tình hành hạ thú vật, như nhốt chim trong lồng, thiến chó thiến mèo để đoạn sản, thậm chí có người còn thuê bác sĩ thú y rút móng mèo để khỏi cào phá nệm ghế nệm giường. Thương yêu chó nhưng chán thì đem bỏ. Chó bị bỏ thì bị đem vào trại nuôi thú hoang, lâu ngày không người nhận cũng bị đem giết. Ngày xưa người ta xem chó là một cái máy không biết đau, nhưng ngày nay chúng ta thấy chó biết đau và biết buồn khi mất chủ. Chó vắng chủ không buồn ăn. Lâu không gặp, gặp lại vẫn nhận ra chủ. Chó vẫn muốn được sống hoang hơn là bị bắt vào trại nuôi chờ bị giết. Ở trại nuôi thú hoang, những con chó không đẹp không có cơ hội được có người nhận nuôi bị hóa kiếp sớm hơn những con chó đẹp khác. Người ta giết chó thay vì để cho chó sống hoang để tránh trường hợp chó bị bệnh điên và cắn người. Có nghĩa là, chung qui cũng chỉ vì lợi ích của loài người.

Cho chó uống nước - Ảnh của bà Tám.
Cho chó uống nước – Ảnh của bà Tám.

Sau khi ngâm cứu loạt bài về thịt chó này tôi cũng hiểu rõ tôi hơn. Nếu thật sự yêu thú vật thì người ta nên ăn chay. Tôi không ăn chay vì vẫn còn thích ăn thịt. Tôi chưa hề ăn thịt chó nên không biết thịt chó ngon như thế nào. Có được thử món chân lợn giả cầy nhưng không thấy hấp dẫn lắm. Không thể nào biết được, trước khi lâm chung tôi lại không gào thét đòi ăn một miếng thịt chó, giống như một nhân vật ni cô suốt đời ăn chay lại đòi húp một chút nước mắm trước khi qua đời. Với tôi, một chàng trai ôm con chó nhỏ trên tay, hay cúi người rót nước vào cái đĩa cầm trên tay cho chó uống, thấy đáng mến hơn là nhìn thấy những người mặt đỏ lựng hô hào hò hét “dzô, dzô” trước đĩa thịt chó và mắm tôm. Nếu tôi đi ngang một cửa hàng thịt chó, gia vị thơm lừng, và tôi đang đói meo thì có thể tôi sẽ cầm lòng không đậu. Bạn đọc đến đây sẽ cười bảo rằng tôi (một bà già rỗi hơi) là người ba phải, nhiều trang chữ chẳng đưa đến một kết luận nào, hay đứng hẳn về phía nào. Thế viết bài này để làm gì? Để thỏa mãn tính tò mò, để biết vì sao người ta ăn hay không ăn thịt chó. Biết để làm gì. Chẳng làm gì cả. Biết thôi, bộ chẳng đủ hay sao?

Bạn nỡ lòng nào ăn thịt những con chó đáng yêu như thế này!


[1] http://en.wikipedia.org/wiki/Dog_meat

[2] http://en.wikipedia.org/wiki/Animal_rights

[3] Sherrill, Martha, “Dog Man” – An Uncommon Life on a Farwaway Mountain, New York, The Penguin Press.

Để trả lời một câu hỏi – tại sao người Mỹ không ăn thịt chó?

Tại sao người Mỹ không ăn thịt chó?

Người Mỹ, không ăn thịt chó (và mèo) vì họ xem đó là một hành động dã man, và độc ác. Họ xem chó, mèo là bạn, là người thân trong gia đình. Ăn thịt chó (mèo), ở Mỹ và một số nước Tây phương, là một điều cấm kỵ (taboo), một thứ luật vô hình của xã hội mà ai cũng muốn tuân theo nếu không sẽ bị xã hội tẩy chay.

Mấy quyển sách tôi mang về từ thư viện[1] không trực tiếp trả lời cho tôi hai câu hỏi đơn giản, vì sao người Mỹ không ăn thịt chó và có luật cấm ăn thịt chó hay không. Đọc lướt qua những quyển này tôi có cảm tưởng tôi là một người muốn tìm cách giải một bài toán nhân lại gặp sách toán về phương trình vi phân hay đại số tuyến tính. Tìm trên mạng tôi thấy blog của luật sư Matt Pfau. Ông cho biết, có 44 tiểu bang người ta có thể làm thịt chó (một cách nhân đạo), ăn thịt chó, và mời cả láng giềng cùng nhậu. Tuy nhiên, có 6 tiểu bang cấm ăn thịt chó; đó là Virginia, New York, California, Georgia, Michigan và Hawaii. Cùng là ngăn cấm, nhưng cách cấm của mỗi tiểu bang mỗi khác. Virginia cấm giết thú vật nếu không cần thiết, ngoại trừ thú vật dùng trong nông nghiệp. Và chó không phải là thú nông nghiệp. New York bảo rằng giết hay chặt mổ chó (pet) để làm thực phẩm cho người hay súc vật là bất hợp pháp. California cấm giết pet. Georgia cấm bán chó (hay mèo) để ăn thịt. Michigan không thẳng thừng cấm ăn thịt chó nhưng bán thịt chó hay ngựa phải để nhãn hiệu cho minh bạch. Vi phạm sẽ bị tội (misdemeanor). Hawaii ra luật giết hay bán chó (và mèo) cho người ta tiêu thụ là bất hợp pháp. Luật này có hiệu lực cho đến năm 2100.[2]

Năm 1989, hai người gốc Cambodia sống ở miền nam của tiểu bang California bị bắt tội độc ác với thú vật. Họ làm thịt một con chó con loại German Shepherd. Tòa không kết tội hai người này, với lý do, giết chó cũng giống tương tự giết thịt thú vật nuôi trong ngành nông nghiệp. Hội bảo vệ thú vật ra sức vận động, sau đó, California ban hành luật cấm ăn thịt chó hay mèo.  Tiếp theo, luật được nới rộng ra, bao gồm tất cả các loại pet khác. Dân Mỹ có những hội thiếu nhi, thí dụ như hội 4-H, trong đó trẻ em tham gia nuôi thú nông nghiệp như bò, heo, dê, thỏ, v. v… . Đến mùa, các em đem gia súc đi thi lấy giải thưởng. Vì nuôi những con thú nông nghiệp này nhiều năm, các em xem những con thú này như là pet. Các nhà thi hành luật pháp phải làm ngơ khi những con thú, vừa là thú nông nghiệp vừa là pet, này bị đem bán và đưa vào lò sát sinh.[3]

Tuy chỉ có sáu tiểu bang Hoa Kỳ ra luật tương đối rõ ràng, cấm ăn thịt chó (và mèo), người Tây phương có luật bảo vệ súc vật từ xa xưa.

Năm 1822, Richard Martin, người Anh (1754 – 1834), đã vận động đưa ra luật Martin cấm đánh đập, hành hạ, bỏ đói, đối xử tệ với các loại thú dùng trong nông nghiệp như lừa, ngựa, trâu, bò, cừu… Người nào vi phạm sẽ bị phạt năm bảng Anh hoặc là 2 tháng tù.[4] Tuy nhiên luật này không mấy khi được thực hiện nghiêm túc.

Cũng trong năm 1822, New York ban hành luật cấm hành hạ súc vật, tuy nhiên không trừng phạt nặng.

Năm 1835 Cruety to Animal Act được ban hành, cấm đá gà, cá độ, đấu chó.

Năm 1850, Pháp ra luật Loi Grammont cấm đối xử độc ác với gia súc. Luật này gây tranh luật sôi nổi vì người Pháp thích xem đấu bò, do đó họ không biết bò đấu có bị ghép vào thành phần gia súc hay không.

Năm 1876, Anh quốc ban hành Cruelty to Animal Act 1876 cấm hành hạ độc ác, làm thú vật đau đớn, trong những cuộc thí nghiệm khoa học sau khi có một vụ mổ chó (vivisection) lúc còn đang sống để xem sinh hoạt của các bộ phận bên trong cơ thể mà không có thuốc gây mê.

Năm 1966, Tổng-thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson ban hành luật  liên bang Animal Welfare Act 1966 để quản lý tất cả các loại thú được dùng trong thí nghiệm khoa học. Và từ hơn trăm năm trước cho đến bây giờ rất nhiều đạo luật được ban hành để quản lý cuộc sống và làm giảm sự hành hạ của con người đặt lên thú vật.

Vào thế kỷ 17 ảnh hưởng bởi lý thuyết của nhà toán học kiêm triết gia René Descarte, thú vật được xem như những cái máy tự hoạt động, Nicholas Malebranche bảo rằng “Thú vật ăn không biết ngon, kêu la mà không đau, không biết là chúng đang lớn lên, không biết ao ước, chẳng biết sợ hãi, và không hiểu biết gì cả. “[Animals] eat without pleasure, cry without pain, grow without knowing it; they desire nothing, fear nothing, know nothing. — Nicolas Malebranche (1638–1715).[5]

Đến bây giờ, quan niệm của người Tây phương nói chung, và người Mỹ nói riêng, cách đối xử với pet (tôi xin được dùng chữ pet từ đây về sau, không dịch ra là thú nuôi trong nhà làm bạn được yêu mến như người trong gia đình), đã thay đổi rất nhiều, tạo một khoảng cách rất xa với cách đối xử với thú vật của người Việt Nam. Người Mỹ không còn xem thú vật là tài sản của con người nữa. Họ nâng thú vật, nhất là pet, lên địa vị gần với loài người hơn. Pet là bạn, là người đồng hành, người thân trong gia đình, thậm chí là người thừa hưởng của cải khổng lồ sau khi chủ nó qua đời. Để theo kịp cuộc sống và đối phó với sự phức tạp của đời sống con người, người Mỹ đặt ra luật xử sự quan hệ của loài người với thú vật (Animal Law). Khi hai vợ chồng ly dị nhau, ai sẽ là người được nuôi con chó. Cặp vợ chồng John Kennedy, Jr. khi chưa thành vợ chồng, có lúc hục hặc đòi bỏ nhau, báo chí bàn tán um sùm vì cả hai ai cũng dành nuôi con chó. Bà hoàng keo kiệt Hemsley khi chết để lại tài sản kếch sù cho con mèo. Còn lại 44 tiểu bang tuy không có luật rõ ràng là cấm ăn thịt chó nhưng các bạn nhậu chớ vội mừng. Họ có đủ thứ luật lệ về y tế, vệ sinh, thực phẩm để ngăn cấm người ta ăn thịt chó. Ai ăn thịt chó trong nhà, trong rừng, họ không biết thì thôi, chứ nếu họ biết được, và nhất là bạn không phải là người da trắng sinh ra lớn lên là công dân của đất nước này thì họ có đủ cách để làm bạn nhục nhã, tốn kém, khổ sở để bạn cảm thấy thà là không được ăn, dù là món ngon nhất trên đời, còn hơn phải qua cái quá trình xử tội bạn bằng luật pháp của nước này. Thí dụ như, muốn nấu thịt chó bạn phải giết chó, mà giết chó thì phạm vào tội hành hạ súc vật. Bạn có thể bị kết tội không giữ vệ sinh, gây bệnh cho mọi người, hoặc người ta chỉ nghi ngờ vết máu đó là máu người rồi điều tra tới lui thì bạn cũng chết dở, và còn biết bao nhiêu luật địa phương mà chính người địa phương cũng không biết đến.

Tạm ngưng ở đây, lần sau tôi sẽ kể các bạn một vài trường hợp đặc biệt liên quan đến chuyện ăn thịt chó.

[1] “Law 101 – Everthing You Need to Know About the American Legal System” của Jay M. Fienman, “Just A Dog – Understanding Animal Cruelty and Ourselves” của Arnold Arluke, và “The Animal Rights Debate – Abolition or Regulation?” của Gary L. Francione và Robert Garner.

[2] http://pickardparry.com/2015/02/is-it-legal-to-eat-dog/.

[3] Hopkins, Jerry, “Extreme Cuisine – The Weird & Wonderful Foods that People Eat”, Hong Kong, Periplus, 2004,  p. 19.

[4] http://en.wikipedia.org/wiki/Animal_rights.

[5] http://en.wikipedia.org/wiki/Animal_rights.

Thắc mắc chung quanh chuyện thịt chó

Hôm nọ tôi thắc mắc, tại sao người Việt ăn thịt chó. Có người nói vì nghèo. Nghĩ cũng có phần đúng. Người Việt đã trải qua nhiều thảm họa, trong đó có trận đói năm Ất Dậu, người chết đói rất nhiều. Khi thiếu thức ăn, đói trầm trọng thì ăn thịt chó thay thế thịt lợn thịt bò, người ta ăn bất cứ thứ gì có thể ăn được để sinh tồn. Tuy nhiên, tại sao sau khi hết nghèo đói người ta vẫn tiếp tục ăn thịt chó? Vì thịt chó ngon. Sau nhiều năm ăn thịt chó, người ta rút kinh nghiệm, biết chế biến nên món thịt chó ngon và đầy hương vị. Lâu dần, người ta ăn vì quen miệng. Sau đó người ta ăn, có thể, vì nhớ những kỷ niệm đi cùng với món thịt chó như tình bạn nhậu chung quanh bàn tiệc, hay những ân tình chia xẻ với nhau từ lúc hàn vi… Người ta cũng ăn thịt chó vì phong tục của xã hội Việt Nam chấp nhận, cho phép chuyện ăn cũng như mua bán thịt chó (và mèo nữa chứ.) Continue reading Thắc mắc chung quanh chuyện thịt chó

Để tự trả lời vài câu hỏi

Hôm nọ tôi có một số thắc mắc. Tại sao người Mỹ không ăn thịt chó? Có phải họ không ăn vì bị cấm không? Người Mỹ có luật cấm ăn thịt chó hay không? Chuyện không có gì là quan trọng nhưng đã thắc mắc thì tôi tự tìm câu trả lời.

Thường thường, hễ thấy nơi nào có bảng cấm thì biết là nơi ấy có sự vi phạm điều bị cấm. Thí dụ như đi hiking, đi rừng leo núi, trong rừng của địa phương (county park) hay của tiểu bang (state park) thấy có bảng cấm trượt băng trên một cái hồ cạn hay đầm lầy, tôi đoán là mùa đông người ta trượt băng ở đây, đã từng có tai nạn. Những bảng cấm như thế, là để bảo vệ người sử dụng rừng, và cũng để bảo vệ chính quyền. Nếu người ta vi phạm điều cấm, họ không thể kiện tụng chính quyền.

Có khi tôi thấy bảng cấm ngồi ăn trong xe, thường thì gặp bảng cấm này ở chung quanh tiệm fast food. Thấy vậy thì biết người ta có ngồi ăn trong xe.

Nhưng tôi chưa hề thấy bảng cấm bán thịt chó, hay cấm ăn thịt chó. Nghĩ cho cùng, khó mà cấm người Mỹ một điều gì nếu không chính đáng vì họ biết quyền tự do dân chủ dành cho mỗi cá nhân. Người ta bán thịt cừu, thịt bò, thịt heo, thịt gà vịt, cá, ngỗng, thỏ, gà tây, chim cút nhưng không ai bán thịt chó. Tại sao?

Đôi khi tôi tự hỏi người Mỹ có ăn thịt ngựa, thịt trâu không? Những người thích săn bắn chắc là ăn thịt nai. Mình không biết, nhưng thầm lén chắc thế nào cũng có người Mỹ ăn thịt chó. Người Mỹ sang Việt Nam có lẽ cũng có người ăn thịt chó. Chuyện gì cũng có thể xảy ra dưới ánh mặt trời, và kể cả khi không có ánh mặt trời. Ngay cả ăn thịt người thỉnh thoảng báo chí Mỹ cũng đăng, và tiểu thuyết Mỹ cũng có vài quyển nổi tiếng vì nhân vật ăn thịt người (thí dụ như the Silence of the Lambs). Thịt người mà còn có kẻ ăn thì nói gì thịt chó.

Có phải vì nước Mỹ giàu có, họ có nhiều thứ để ăn nên không ăn thịt chó? Họ không ăn vì chê chó bẩn hay là vì họ không đủ sành sỏi nhạy bén để khám phá cái ngon của thịt chó? Người theo đạo Hồi chê con heo bẩn không ăn. Người theo đạo Do Thái không ăn shellfish và một số loại cá. Phải chăng vì phong tục tập quán bắt nguồn từ xa xưa, và người ta sống theo thói quen nên không ăn chó? Chẳng những họ không ăn thịt chó mà họ còn yêu thương chó, mèo như những người bạn nhỏ.

Tôi đọc sơ sơ quyển Law 101 Everything You Need to Know about the American Legal System của Jay M. Feinman không thấy nói gì về luật lệ đối với thú vật, tuy nhiên Wikipedia có một trang nói về Animal Law. Animal Law xuất hiện hầu như cùng lúc với environmental law chỉ chừng ba mươi năm gần đây. Sau khi đọc trang này xong tôi tìm ở thư viện địa phương được hai quyển “The Animal Rights Debate – Abolition or Regulation?” của Gary L. Francione và Robert Garner; và “Just A Dog – Understanding animal cruelty and ourselves” của Arnold Arluke.

Tôi không chắc tôi sẽ tìm được câu trả lời cho những thắc mắc kỳ cục của tôi, tuy nhiên, đây là bước đầu để tìm hiểu về sự khác nhau trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam và Hoa Kỳ. Đặc biệt là món thịt chó.

Bận lòng

Hôm trước đọc trên blog của một bạn, thấy có một người đi ăn trộm chó. Con chó trốn thoát về nhà. Người ấy lại đến bắt trộm chó lần nữa. Lần này thì con chó bị giết làm thịt. Sau đó kết quả là người ăn trộm bị bắt bị đánh. Người ta đòi giết người ăn trộm chó.

Tôi đọc đâu như từ tuần trước, nhưng từ hôm ấy cứ thấy bận tâm. Đăng cái post tầm nhìn từ đầu gối có ảnh hai con chó cũng vì cái bận tâm chuyện con chó đã trốn thoát một lần rồi vẫn bị rơi vào cái chết. Tôi có nhiều câu hỏi nhưng câu trả lời nào cũng dẫn tôi đến chỗ bế tắc. Tôi nhìn thấy sự bất lực của tôi.

Tại sao người Việt ăn thịt chó? Tại sao người Mỹ không ăn thịt chó? Người Mỹ không ăn thịt chó vì xã hội Mỹ không cho phép ăn thịt chó? Có luật nào ở Mỹ cấm ăn thịt chó không? Tôi biết chắc chắn là ở Mỹ, nếu người ta biết được có người giết chó, ăn thịt chó, thậm chí ngược đãi, đánh đập, bỏ đói, để chó bị bẩn sẽ bị rắc rối ngay. Rắc rối cỡ nào, ai sẽ trừng phạt những người này, và mức độ trừng phạt đến cỡ nào thì tôi không biết. Thử dùng Google để tìm hiểu, tôi biết có 44 tiểu bang không cấm ăn thịt chó nhưng tôi không biết tiểu bang nào. Chỉ thấy nói là tiểu bang New York cấm ăn thịt chó. Sống ở Mỹ lâu năm, tôi nghĩ tôi chỉ biết luật giao thông rành hơn các luật khác. Biết rành hơn những thứ luật khác ở đây không có nghĩa là tôi biết hết, biết tường tận. Chỉ biết luật giao thông giới hạn trong việc sử dụng xe thường ngày.

Lúc mới qua Mỹ, đọc báo thấy có người (Mỹ) tức giận mấy con sóc (squirrel) phá hoại cây cối trong vườn đã đặt bẫy sóc. Có người nhìn thấy báo cảnh sát. Thế là người ấy bị kêu ra cảnh sát, ra tòa. Hội bảo vệ thú vật biểu tình trước nhà ông ta, làm xấu hổ. Thấy vậy mình biết là mình không được làm hại cả những con thú hoang chứ đừng nói là chó mà lại là chó của người ta nuôi. Ở Mỹ có chó hoang không? Có chứ. Có người nuôi chó một thời gian, chán ghét, hay vì hoàn cảnh nào đó, mang chó đem bỏ ngoài đường cao tốc. Con chó khôn ngoan ngỡ ngàng bị chủ bỏ rơi, chạy theo xe. Người ta quay được phim đăng lên mạng. Không biết có ai bắt phạt người chủ này hay không nhưng người xem thấy tội nghiệp con chó. Hôm nọ có người dẫn chó đi rừng, thả dây xích, con chó lồng lên chạy như điên, biến mất. Chủ ngơ ngác đi tìm mặt buồn hiu. Nếu tìm không được con chó này sẽ biến thành chó hoang. Có người sẽ gọi báo cảnh sát. Người ta sẽ bắt chó đem đến một chỗ giữ thú hoang. Nếu không người nhận, không người nuôi, rồi thì con chó sẽ bị giết chết (một cách yên thấm chứ không tàn bạo hay ăn thịt.)

Tôi còn nhiều thắc mắc về chuyện ăn thịt chó, nhưng bây giờ phải đi làm. Tôi đã mượn một quyển về luật căn bản người dân nên biết, nhưng không biết có nói gì về súc vật không. Cuối tuần mang sách về mới biết được.

Truyện dành cho trẻ em

Khi muốn đầu óc thanh thản hơn, tôi thích đọc truyện hay xem phim dành cho trẻ em. Một trong những điểm lợi khi đọc sách và xem phim dành cho trẻ em, là ít bạo động (ít nhưng vẫn có), tranh ảnh rất đẹp, lời văn đơn giản, tình dục thì hầu như không có, ngoại trừ khi đó là sách dành cho những người đang ở tuổi dậy thì (young adults) thì có nói đến tình yêu và tình dục nhưng không đến độ làm người đọc thấy khó chịu.

Lang thang trong trang mạng của thư viện địa phương, với key word là wabi sabi, tôi tìm ra rất nhiều quyển sách hấp dẫn, trong đó có một quyển dành cho trẻ em có tên là Wabi Sabi. Quyển sách này của tác giả Mark Reibstein, tranh ảnh minh họa của Ed Young. Trong quyển này Wabi Sabi là tên của con mèo. Nó không hiểu tên của nó nghĩa là gì và đi tìm nghĩa của chữ này.

Đơn giản, tác giả giải thích và đưa người đọc đến với văn hóa Nhật Bản bằng một cách hành văn giản dị dễ hiểu. Truyện có lẽ dành cho trẻ em mới biết đọc hay cần được cha mẹ đọc cho nghe. Tôi tìm thấy một số hài cú của Basho và Shiki được dịch sang tiếng Anh. Tôi thấy quyển này enjoyable. Tôi có người bạn thích post lên facebook những bài trắc nghiệm về bản tính của người đọc. Có lần tôi thử một bài trắc nghiệm của cô ấy thì thấy tôi nhìn cuộc đời bằng đôi mắt trẻ thơ. Có lẽ vì vậy tôi thích sách dành cho trẻ em, phim hoạt họa. Cũng có thể vì trẻ khôn ra, già lú lại, tôi thích truyện trẻ em vì nó dễ hiểu (và ít dùng chữ khó 🙂 ) Thêm một lý do nữa là tôi thích xem tranh, ảnh.

Nghiệm lại, từ khi còn nhỏ đến giờ, tôi vẫn tò mò về văn hóa Nhật Bản, văn học Nhật và Thiền giáo. Tôi có cả một bộ sách của Dazai Osamu tôi vẫn tự bảo mình cần phải dẹp bớt những thứ linh tinh lang tang để đọc bộ sách này. Mấy tuần nay thì tôi xem một số phim không tiếng nói của người Nhật. Qua lời giới thiệu của một bạn trẻ nào đó tôi tìm xem phim Song of the Sea (phim trẻ em có huyền thoại của người Irish, Celtic) và The Wind Rises, phim Nhật (lúc nào rảnh sẽ nói sau).

Hết tìm bên ngoài, lại tìm trong mình, một cái gì đó chưa thành hình, chưa rõ nét.

1


Ảnh 1. Một cây thông già có thể dạy cho chúng ta những sự thật quí giá. Châm ngôn Thiền.

Wabi Sabi là một cách nhìn về cuộc đời, trọng tâm của nền văn hóa Nhật Bản. Quan điểm này nhìn thấy cái đẹp và sự hòa hợp ở trong sự đơn giản, khiếm khuyết, bản chất tự nhiên, khiêm nhường, và bí ẩn. Nó có thể hơi ảm đạm, nhưng nó cũng ấm áp và dễ chịu. Có thể hiểu Wabi sabi bằng cảm nhận hơn là ý nghĩa.

2

Ảnh 2. Wabi sabi bắt nguồn từ văn hóa cổ của Trung quốc, quan niệm sống của Đạo giáo và Thiền (theo nghĩa Phật giáo) tuy nhiên nghĩa chữ này bắt đầu thay đổi khi Thiền giả Murata Shuko ở Nara (1423-1502) thay đổi nghi lễ thưởng thức trà. Ông loại bỏ những ấm tích chén tách dùng trà sang trọng bằng vàng, ngọc thạch, và sứ trắng bằng những thứ đồ dùng quê mùa, thô nhám, bằng gỗ hay đất sét nung. Vài trăm năm sau, trà sư nổi tiếng Sen no Rikyu ở Kyoto (1522-1591) mang quan niệm wabi sabi vào giới cầm quyền. Ông xây những trà thất có cửa thật thấp đến độ ngay cả hoàng đế cũng phải khom lưng để vào nhà, nhắc cho mọi người nhớ đến sự quan trọng của đức tính khiêm nhường đi trước cả phong tục cổ truyền, những điều bí ẩn, và linh hồn tổ tiên.

3

Ảnh 3. Đây là những bài hài cú được phiên âm của tác giả Basho (đánh dấu bằng chữ B) và Shiki (đánh dấu bằng chữ S) được Nanae Tamura chọn và dịch sang tiếng Anh. Tamura là một học giả chuyên về hài cú. Cô dịch và sáng tác, giám khảo chọn giải thưởng cho cuộc thi hài cú toàn quốc ở Nhật và là giáo sư phụ giảng của Trung Tâm Quốc Tế của Đại học Ehime.

4

Ảnh 4. Những bài hài cú được dịch ra tiếng Anh.

5

Ảnh 5. Một phần của tranh minh họa được cắt dán bằng giấy màu. Còn rất nhiều tranh bích họa nhưng tôi chọn phần này vì nó sáng sủa hơn những bức tranh khác. Và cũng vì tôi thích tranh tre hay trúc. Trên bức tranh có hai bài hài cú.

Xóm nhà màu sậm, nổi
trên mặt biển cát trắng. Dòng suối
cuốn trôi đá cuội, reo.

Vị sư về gom lá
vào đụn cát mới cào, cô mèo
hèn mọn có thể hiểu.

Ăn tối ở quán của người Peru

Ông Tám đi Texas từ hôm thứ Ba. Hôm qua, thứ Tư (3/18/15) tôi ra lệnh cho cô út chịu trách nhiệm về bữa ăn tối. Chịu trách nhiệm có nghĩa tìm nhà hàng nào cô muốn thử chứ tôi không bắt cô nấu ăn. Nhà còn nhiều thức ăn thừa từ bữa trước nhưng vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm nên hai mẹ con tôi tiêu hoang một chút.

Buổi chiều đi làm về, cô đưa ra một danh sách nhà hàng ăn chung quanh chỗ tôi ở. Đầu danh sách là một nhà hàng của người Peru. Người Peru tiếng Anh là Peruvian. Tiếng Việt có chữ dành riêng cho chữ Peruvian không?

Đã từ lâu tôi có phần nào chú ý đến văn hóa của người Peru. Có lẽ vì cô bé nhân viên của thư viện là người gốc Peru. Cô thường tổ chức những buổi triển lãm về văn hóa Peru, có khi cô mời người ta đến dạy nấu ăn theo kiểu người Peru. Hôm ấy tôi bận không đến được nên cô hứa sẽ tìm cho tôi cách nấu món ăn về cá của người Peru. Cô nói là ngon lắm.

Peru nằm cạnh Chile, Brazil, Ecuador, Columbia thuộc nền văn hóa Nam Mỹ. Tôi tưởng tượng đến đồ cổ Inca, bộ phim cây đàn phong cầm có cái đầu quỷ sứ, đến xứ sở của Machu Picchu, đến rừng Amazon và những phim phiêu lưu mạo hiểm tôi đã xem nhưng không còn nhớ tên. Chưa đi đến những chỗ này nhưng được thưởng thức món ăn thì cũng … đã!

Thế là tôi hồ hởi đưa cô út đến nhà hàng này. Không xa nhà chỉ độ mười phút lái xe (1.7 miles). Có chỗ đậu xe ngay trước nhà hàng. Thật ra đây chỉ là một quán ăn nhỏ, tương tự như một tiệm take out của Chinese food. Quán ăn có độ mười bàn dành cho bốn người. Trên tường có trang trí vài bức tranh màu sắc rực rỡ, những cái nón fedora và lọ gốm, và một số đồ trang trí kiểu Inca rất đẹp mắt.

Thực đơn có khoảng 5 hay 6 trang, dùng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Tôi chọn ngay món cá. Còn cô út chọn món thịt bò với mì linguini. Món cá, tôi thấy đề trong thực đơn có cá cắt thành miếng nhỏ (chunk), bắp, khoai lang, xà lách, với nước sốt chanh. Món mì của cô út ảnh chụp khá hấp dẫn. Cả tiếp viên lẫn chủ quán đều không nói rành tiếng Anh. Khi tôi đến tôi thấy gia đình của chủ quán đang ăn tối ngay trong quán. Chập sau người chồng đưa hai đứa con về. Thức uống, tôi thấy trong thực đơn có món nước bắp tím. Ở Mỹ, tôi thấy người thổ dân có trồng loại bắp hạt màu tím. Tôi tưởng tượng đây là một loại rượu ủ bằng bắp tím. Cô út thì nghĩ là một loại smoothie (bắp xay làm thành sinh tố). Tôi gọi một ly nước bắp tím.

Khi người ta mang nước bắp tím ra, nước đóng thành chai, tương tự như chai nước táo nước nho của Mỹ. Nước bắp tím, rất ngọt, không biết bao nhiêu chất ngọt là từ bắp hay chỉ là nước đường pha màu tím. Không có mùi bắp. Nước nho ít ra còn có mùi nho. Từ mấy chục năm nay, tôi không uống nước ngọt, chỉ uống trà và nước lã. Thậm chí cà phê cũng không cho đường. Wine (rượu nho) cũng chỉ thích loại dry (hơi chát và có vị chua) chứ không thích uống loại ngọt. Tôi uống một phần ba rồi thôi.

Người ta mang ra một đĩa cá thật to. Miếng khoai cắt vuông vức màu cam đậm rất bắt mắt. Cá được cắt thành miếng nhỏ độ một lóng tay, màu trắng đục, như thể trộn trong sốt mayonaise, có hai miếng lá cải xà lách xanh biếc, một khúc bắp chừng bốn phân, hạt bắp to cỡ nửa lóng tay, màu trắng gần như trong suốt. Trên cá có một lá rong biển khô màu nâu cắt lua tua đẹp mắt. Cá có trộn một loại gia vị gì đó rất cay có thể là ớt xanh. Rất ngon. Chỉ tội một điều đây là cá sống mà tôi không ăn cá sống kể cả sushi. Khi gọi tôi không biết là món cá sống. Tôi thấy có đề chữ salad, nhưng tưởng đây là loại xà lách ăn kèm. Nước sốt hơi loãng. Lỗi của mình không hỏi cho rõ ràng. Mà cũng không dám hỏi nhiều vì người tiếp viên và chủ quán đều nói tiếng Anh rất khó khăn. Đầu bếp là một anh tóc bù xù, dài quá vai, được cột thành cái đuôi, hoàn toàn không nói tiếng Anh.

Đĩa thức ăn của cô út càng to hơn. Món thịt bò dường như được giã ra làm thành một thứ như chả chiên, ăn với mì linguini có sốt màu xanh chẳng biết làm bằng gì. Thịt thơm ngon. Khai vị thì có món bắp khô rang từng hạt to như đậu phọng, không nở như pop corn, chấm với một thứ nước sốt màu xanh, hơi béo.

Về nhà, tôi hơi lo chẳng biết có bị bệnh không, nhưng ngay lúc này, bụng vẫn bình yên.

Tóm lại, tôi có phần nào thất vọng, có lẽ vì nó khác với sự tưởng tượng của tôi, và vì nó khác với thói quen của tôi. Thế, dù cho có được thưởng thức một nền văn hóa văn minh khác lạ, mới mẻ hơn cuộc sống của mình, mà mình vẫn sống vẫn thở vẫn hưởng thụ bằng một khuôn khổ cũ thì không thể nào cảm nhận được cái hay cái ngon của một đời sống khác. Tiếc là không mang theo máy ảnh, cũng ngại ngần không bảo cô út chụp vài tấm ảnh.

CON ĐƯỜNG TƠ LỤA P. 4

Tác giả: Đặng Đình Túy

Kẻ lữ hành rất ghét những con đường chia nhánh. Ngay trạm chờ xe búyt có hai người ngồi. Hỏi họ xem sao : -Xin làm ơn chỉ dùm đường về Beykoy phải quẹo phải hay trái ? Hai người kẻ nào cũng làm ra bộ thạo nhưng mỗi người chỉ mỗi đường. –Như vậy có nghĩa là cả hai đều dẫn về Beykoy ? –Không. Cả hai cùng lên tiếng. Và họ cãi nhau, người nào cũng cho là mình đúng. Có thêm hai người đi xe đạp  xen vô (ở Thổ bất cứ cuộc nói chuyện nào cũng có người xía vô) và cuối cùng một người bảo : -Tôi về Beykoy đây, hãy đi với tôi. Một trong hai đặt bị mang vai của OB lên poọc-baga. Khi họ đến Beykoy. Họ chia tay nhau; vai Bernard trở lại chịu đựng chiếc bị. Continue reading CON ĐƯỜNG TƠ LỤA P. 4