Kate Chopin – khát vọng của người phụ nữ ở thế kỷ mười chín

Kate Chopin, tên thật là Katherine O’Flaherty, sinh năm 1851 mất năm 1904, người Hoa Kỳ gốc Ái Nhĩ Lan, con của một gia đình giàu có.  Từ lúc thơ ấu bà được nuôi dưỡng theo khuôn mẫu dành cho các cô gái con nhà giàu của thời hậu nội chiến Hoa Kỳ, đi học trường Công giáo và tham dự những buổi tiệc tùng khiêu vũ.  Người ta có thể dễ dàng đánh giá bà là người hưởng thụ sách truyện hơn là người sáng tác. Mười chín tuổi bà kết hôn với Oscar Chopin, một thương gia chuyên mua bán bông vải ở vùng New Orleans.  Khi sự nghiệp của chồng suy thoái bà cùng với chồng về sống ở khu đồn điền gần Natchitoches.  Đây là nơi bà đã dùng làm bối cảnh cho nhiều truyện ngắn trong đó có Bayou Folk (1894) và Night in Acadie (1897). 

Tác phẩm của bà phản ảnh sự kết hợp phong phú của hai nền văn hóa, người Hoa Kỳ da đen và người Pháp sống ở địa phương này.  Sau khi chồng bà qua đời năm 1883 bà mang sáu người con quay trở lại St. Louis sống với mẹ, bà ngoại, và bà cố. Những phụ nữ có cá tính mạnh mẽ này và đặc biệt bà cố của bà là một người có tài kể truyện đã góp phần hun đúc Kate Chopin trở thành nhà văn chuyên nghiệp.  Tác phẩm của bà, truyện ngắn và các bài phác họa địa phương xuất hiện đều đặn trên các tạp chí danh tiếng như Vogue.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là The Awakening (Thức Tỉnh) xuất bản năm 1899 nói về một người phụ nữ cưỡng chống lại quan niệm đạo đức, hôn nhân và hạnh phúc mà xã hội đã thiết lập. Những tác phẩm cuối của bà xoay quanh chủ đề dục tính của phụ nữ bị xã hội công kích trầm trọng.  Truyện dài Thức Tỉnh đã chấm dứt sự nghiệp văn học của bà.  Hơn nửa thế kỷ hai mươi, lịch sử văn học Hoa Kỳ lãng quên bà.  Nếu có nhắc đến bà người ta xem bà chỉ là người viết về cuộc sống của những người nói tiếng Pháp Creole và Cajun ở tiểu bang Louisiana.

Từ năm 1950 bà được chú ý vì đã tiên phong trong việc miêu tả cuộc sống thôn dã của người Hoa Kỳ ở miền Nam nước Mỹ mở đầu cho một khuynh hướng văn học trong đó có tác giả William Faulkner.  Bà cũng được xem là người tiên phong biểu lộ khát vọng được tự chủ và độc lập của phụ nữ trong mọi lãnh vực như tư tưởng, tài chính, và bản thân, một nhà văn tranh đấu cho nữ quyền.

Bà có số lượng tác phẩm đồ sộ trong khoảng thời gian viết không dài. Bà cho biết bà viết rất nhanh, viết như ma ám hay ơn trên thôi thúc. Có nhiều truyện ngắn bà viết trong vòng một vài giờ. Tác phẩm được nhiều người biết đến gồm có: A Pair of Silk Stockings (Đôi Tất Bằng Lụa), A Reflection (Hồi Tưởng), A Respectable Woman (Người Phụ Nữ Đáng Kính), A Shameful Affair (Mối Tình Nhục Nhã), At the ‘Cadian Ball (Đêm Khiêu Vũ), Beyond the Bayou (Qua Khỏi Vùng Đầm Lầy), Desiree’s Baby (Đứa Con của Desiree), Ma’am Pelagie (Bà Pelagie), Regret (Hối Tiếc), the Kiss (Nụ Hôn), the Locket (Cái Mề Đay Lồng Ảnh), The Storm (Cơn Bão), The Story of an Hour (Câu Chuyện [ xảy ra trong] Một Giờ).

Rừng chiều

Dịch ngắn gọn là Rừng chiều, nếu dịch là Cánh Rừng Trong Ráng Chiều có lẽ nghe văn chương hơn.

The Grove in the Evening Sun là một truyện ngắn trong tập truyện Ngàn Cánh Hạc của Sayunari Kawabata. Trong truyện này Chikako, người đàn bà có cái bớt đen đầy lông trên ngực trái, tình nhân cũ trong một thời gian ngắn của ông bố của Kikuji, bà giáo dạy môn Trà đạo này cứ tiếp tục làm chuyện mai mối Kikuji với cô gái có cái khăn quàng đầu bằng vải sa ten màu hồng in hình ngàn cánh hạc.  Cô gái xinh đẹp và Kikuji có lẽ cũng sẽ tiến tới hôn nhân với Yukiko nếu không có sự hiện diện của bà Ota và Yumiko, con gái của bà.  Kikuji dụ dự lững lờ.  Chàng không thích sự can thiệp dàn xếp của bà Chikako và ghê tởm bà ta nhưng tính chàng không cả quyết.  Chàng thích bà Ota nhưng không có vẻ muốn tiến xa hơn.  Và chàng cũng thích vẻ đẹp của Yumiko vì cô giống bà mẹ.  Bà Chikako cương quyết ngăn cản mối liên hệ của Kikuji với bà Ota nên Chikako gọi bà Ota bảo là việc hôn nhân của Kikuji với Yukiko đã được thỏa thuận và bà Ota không được cản trở việc này.  Trước đó Fumiko cũng xin lỗi Kikuji hành động sai trái của mẹ mình.  Cô gái canh giữ không cho mẹ đi gặp Kikuji nhưng bà vẫn lén đi trong cơn mưa. Tiều tụy và yếu ớt, bà Ota khóc vùi ở ngưỡng cửa nhà của Kikuji.  Chàng dìu bà vào ngôi nhà dùng để đãi tiệc trà ở phía sau và họ pha trà uống cho ấm người.

Dưới đây là một trích đoạn trong truyện Rừng Trong Ráng Chiều của Sayunari Kawabata.

Kikuji mang những chén trà và dụng cụ pha trà ra khỏi những cái hộp ở trong góc nhà.  Chàng nhớ là cô gái họ nhà Inamura (Yukiko) đã dùng các thứ này đêm hôm trước, nhưng chàng vẫn sắp xếp tất cả mọi thứ ra.
Tay của bà Ota run rẩy.  Cái nắp chạm vào miệng ấm kêu leng keng.
Bà cúi người với lấy cái muỗng đo số lượng trà bằng tre, một giọt nước mắt của bà rơi xuống cái quai của ấm nước.
“Bố của cậu đã tử tế mua cái ấm trà của tôi để giúp đỡ tôi.”
“Thế à?  Thế mà tôi không biết.”
Kikuji không thấy xấu hổ hay phiền toái về chuyện cái ấm nấu nước này trước đây thuộc về chồng của người đàn bà.  Và chàng cũng chẳng thấy lời nói của bà có vẻ kỳ lạ, vì bà nói thật giản dị.
“Tôi không thể mang dâng trà tận tay cậu.” Bà đã pha trà xong. “Cậu đến bưng dùm tôi.”
Kikuji đến gần bếp lò, và uống trà ngay nơi đó.
Người đàn bà ngã vào lòng chàng như thể bà ngất xỉu đi.
Chàng ôm vòng ngang vai bà.  Vai bà run rẩy, hơi thở bà yếu ớt hơn.  Trong vòng tay chàng, bà mềm mại như một đứa bé.
Chàng lắc mạnh bà.
Như thể muốn bóp cổ bà, hai tay của chàng nắm lấy chỗ xương cổ và cổ.  Xương cổ của bà nhô ra lộ liễu.
“Bà không thấy sự khác biệt giữa bố tôi và tôi sao?”
“Cậu đừng nên nói như thế.”
Đôi mắt bà khép lại, giọng nói của bà thật dịu dàng.
Bà như chưa sẵn sàng quay lại từ cõi xa xôi mơ hồ nào đó.
Kikuji nói với bà ít hơn là nói với trái tim không yên tĩnh của chàng.
Chàng bị dẫn dắt vào thế giới bên kia thật dễ dàng.  Chỉ có thế giới bên kia mới không có sự phân biệt giữa chàng và bố chàng.  Cái cảm giác về thế giới bên kia thật mạnh thật rõ đến nỗi sau đó lòng chàng trở nên không yên.
Chàng tự hỏi không biết bà ta có là con người hay không.  Có thể bà ta là cái gì trước cả loài người, hay có thể bà ta là người đàn bà của nhân loại còn sót lại.
Chàng tưởng tượng ở thế giới bên kia bà Ota không phân biệt giữa ông chồng đã chết của bà với bố của Kikuji và với cả Kikuji.
“Bà nghĩ đến bố của tôi, phải không?  Bố của tôi và tôi trở nên một người?”
“Xin tha lỗi cho tôi.  Những điều tôi đã làm. Những tội lỗi tôi đã phạm.” Một giọt nước mắt đầy tràn từ nơi khóe mắt của bà.  “Tôi muốn chết.  Nếu chết được ngay bây giờ thì tốt lắm.  Cậu có vẻ như sắp bóp cổ tôi sao không tiếp tục đi.”
“Bà đừng có nói đùa những chuyện như thế.  Nhưng tôi có cảm giác như cũng muốn bóp cổ ai đó.”
“Thế à?  Cảm ơn cậu.” Bà rướn cái cổ dài.  “Cổ tôi đã gầy lắm rồi.  Cậu không gặp khó khăn đâu.”
“Thế bà có thể chết và bỏ cô con gái của bà lại à?”
“Chẳng ăn nhằm gì chuyện đó.  Tôi mòn mỏi và thế nào cũng sớm chết thôi.  Xin chăm sóc Fumiko dùm.”
“Nếu như cô ấy cũng giống như bà.”
Bất thình lình bà Ota mở mắt ra.
Kikuji cảm thấy ngạc nhiên vì những lời của mình.  Chúng phát ra một cách tự nhiên.
Không biết người đàn bà cảm thấy thế nào khi nghe chúng?
“Thấy không?  Thấy trái tim tôi đập không?  Nó chẳng đập lâu đâu.”  Bà nắm tay của Kikuji và đặt lên ngực mình.
Có lẽ trái tim của bà bắt đầu đập vì lời nói của Kikuji làm bà ngạc nhiên.
“Cậu bao nhiêu tuổi?”
Kikuji không trả lời.
“Vẫn còn ở tuổi hai mươi? Sai lầm quá.  Tôi buồn lắm.  Tôi không hiểu mình nữa.”
Chống một tay  lên nền nhà, bà nhỏm người lên nửa chừng.  Hai chân của bà xếp dưới thân hình.
Kikuji ngồi thẳng lên.
“Tôi không đến đây để làm hỏng chuyện của cậu và Yukiko.  Nhưng chuyện đã xong rồi.”
“Tôi chưa quyết định cưới cô ấy.  Nhưng sự thật là bà đã giúp tôi bôi xóa hết chuyện quá khứ – hay ít ra là nó có vẻ như thế khi bà nói thế.”
“Thật à?”
“Kurimoto cũng là người tình của bố tôi, và bà ta là người trung gian.  Tất cả những chất độc của ngày trước đã cô đọng trong người đàn bà ấy. Bố của tôi đã may mắn gặp bà là người cuối cùng trong đời ông.”
“Cậu phải gấp rút cưới Yukiko.”
“Đây là quyết định của tôi.”
Bà nhìn chàng xa vắng thẫn thờ.  Má bà trắng bệt như không có máu, và bà giơ tay sờ lên trán.
“Căn phòng như quay cuồng.”
Bà phải về nhà, bà ấy nói thế.  Kikuji gọi một chiếc tắc xi và leo vào trong xe với bà.
Bà dựa người vào một góc xe, nhắm mắt, một dáng dấp hoàn toàn yếu đuối không thể tự chăm lo cho mình.  Những hòn than cuối cùng trong lò dường như sắp tắt.
Kikuji không đưa bà vào nhà.  Khi bà ta ra khỏi xe tắc xi, những ngón tay lạnh cóng của bà nhẹ nhàng rời những ngón tay chàng.
Vào lúc hai giờ sáng, Fumiko gọi điện thoại.
“Hello.  Ông Mitani?  Mẹ tôi vừa mới . . .”
Giọng nói đứt quảng ngay lúc ấy, rồi tiếp tục vững vàng hơn. “Vừa mới chết.”
“Gì thế! Chuyện gì đã xảy ra?”
“Mẹ tôi mới mất. Bà bị đứng tim.  Bà đã uống rất nhiều loại thuốc lúc gần đây.”
Kikuji không trả lời.
“Tôi e là tôi cần ông giúp một việc, thưa ông Mitani.”
“Vâng?”
“Ông có quen thân với một vị bác sĩ nào không? Nếu có thể xin ông vui lòng mang ông ấy đến đây.”
“Bác sĩ?  Cô cần một người bác sĩ? Tôi cần phải khẩn cấp mới được.”
Kikuji rất ngạc nhiên đến thảng thốt khi nghe là chưa có ai mời bác sĩ đến. Rồi, thình lình, chàng hiểu ra.
Bà Ota đã tự tử.  Cô gái đã nhờ chàng giúp cô dấu sự thật.
“Tôi hiểu.”
“Xin làm ơn giúp tôi.”
Cô đã suy nghĩ cẩn thận trước khi gọi cho chàng, chàng biết, và như thế cô gái đã có thể nhìn thẳng vào tình thế quan trọng một cách chính xác.
Kikuji ngồi cạnh điện thoại nhắm mắt.
Chàng nhìn thấy nắng chiều như chàng đã nhìn thấy cái nắng này trong đêm chàng trải qua với bà Ota: nắng chiều xuyên qua cửa sổ xe lửa, phía sau rừng của chùa Hommonji.

Mặt trời đỏ dường như chảy xuống trên những cành cây.
Cánh rừng vẫn tối tăm vì ngược nắng.
Ánh nắng tràn qua các cành cây chìm vào trong mắt chàng, và chàng nhắm mắt lại.
Những con hạc trắng từ trên cái khăn quàng đầu của cô gái họ Inamura bay ngang nắng chiều còn vương trong mắt chàng.

Trích đoạn Ngàn Cánh Hạc

Trích đoạn 4 trong tập truyện Ngàn Cánh Hạc trong truyện ngắn cùng tên.

Bà Ota ít ra cũng đã 45 tuổi, lớn hơn Kikuji những hai mươi năm, nhưng bà làm cho chàng quên tuổi tác của bà khi họ ân ái với nhau. Chàng có cảm giác chàng đang ôm trong vòng tay một cô gái trẻ tuổi hơn chàng. Được người phụ nữ chia sẻ hạnh phúc bằng kinh nghiệm của bà, Kikuji không hề cảm thấy xấu hổ dù trong thầm lặng về sự thiếu kinh nghiệm của mình. Chàng có cảm tưởng đây là lần đầu tiên chàng biết mùi vị đàn bà, như thể đây là lần đầu tiên chàng nhận biết mình là đàn ông. Một sự thức tỉnh phi thường. Chàng chẳng thể nào đoán được người đàn bà có thể dịu dàng và tiếp nhận đến thế, một người vừa có khả năng tiếp thụ sự hướng dẫn của chàng lại vừa có thể quyến rũ chàng, người tiếp thụ đã nuốt chửng chàng trong hương thơm ấm áp của bà. Kikuji, độc thân, thường thấy nhớp nháp sau những cuộc gặp gỡ như thế; nhưng lúc này, khi đáng lẽ cảm giác bẩn thỉu ở độ cao nhất, chàng chỉ thấy mình được bao bọc bằng cảm giác ấm áp. Thường thường chàng chỉ muốn thoát khỏi tình thế càng sớm càng hay; nhưng hôm nay, như thể đây là lần đầu tiên có một người ấm áp kề cận chàng, chàng sẵn sàng lang thang rong chơi cùng với người ấy.  Chàng chưa hề nhìn thấy cái cơn sóng tình của một người đàn bà đã theo đuổi chàng như thế nào.  Thả người trôi theo làn sóng, chàng thấy thỏa mãn như say vùi trong men chiến thắng của một nhà chinh phục được nô lệ rửa chân.
Và ở bà toát ra vẻ dịu dàng của người mẹ.

“Kurimoto có một cái bớt rất to.  Bà có biết không?”  Chàng gục gặc đầu khi nói.  Không suy nghĩ trước, chàng đã nói đến một chuyện không hay. Rất có thể những tế bào ý thức của chàng đã bị dãn nở quá độ, tuy nhiên, chàng không thấy chuyện mình nói là sai lầm.  Chàng đưa một bàn tay ra dấu.  “Ở đây này, ngay trên ngực, như thế này.”

Có cái gì đó dâng lên trong lòng chàng làm cho chàng buột miệng như thế.  Một cái gì đó rất ngứa ngáy muốn trồi lên để chống lại Kikuji và làm tổn thương người đàn bà này.  Hay có lẽ nó chỉ muốn che dấu nỗi thẹn thùng dễ thương khi chàng mong ước được nhìn thấy thân thể bà, nơi có cái bớt nếu bà cũng có cái bớt.
“Nghe ghê tởm chưa!” Bà ta nhanh chóng khép áo kimono lại. Có cái gì đó mà bà không hoàn toàn chấp thuận.  “Tôi không biết chuyện cái bớt,” bà nói nhỏ nhẹ. “Cậu không thể nào nhìn thấy nó dưới lớp áo kimono đâu phải không?”
“Điều ấy không phải là bất khả thi.”
“Không thể được!  Làm sao mà cậu có thể thấy được chứ?”
“Bà có thể nhìn thấy nếu bà có nó ở chỗ này, tôi tưởng tượng thế.”
“Thôi đi nào. Cậu đang cố tìm xem tôi cũng có cái bớt hay không đấy chứ gì?”
“Không! Tôi chỉ tưởng tượng không biết bà sẽ có cảm nghĩ như thế nào nếu bà cũng có một cái bớt.”
“Ở chỗ này?” Bà Ota nhìn xuống ngực mình.  “Nhưng tại sao cậu lại phải nói đến nó?  Nó có thay đổi được gì?” Mặc dù phản đối, thái độ của bà lại không có vẻ chống cự. Chất độc do Kikuji rải ra xem chừng không có hiệu quả.  Nó chảy ngược trở vào trong Kikuji.
“Nhưng mà nó cũng có hậu quả khác biệt chứ.  Tôi chỉ nhìn thấy nó một lần thôi, khi ấy tôi chừng tám hay chín tuổi, và tôi vẫn có thể nhìn thấy nó rõ ràng ngay cả bây giờ.”
“Tại sao thế?”
“Bà cũng bị ảnh hưởng bởi cái lời nguyền rủa của cái bớt ấy.  Chứ không phải Kurimoto đã tấn công bà như là tấn công giùm cho mẹ của tôi và tôi?”
Bà Ota gật đầu rồi lăn ra xa.  Kikuji ôm bà chặt lại.
“Bà ấy luôn luôn bị mặc cảm vì cái bớt.  Nó làm cho bà ta trở nên càng lúc càng hằn học hơn.”
“Cái ý nghĩ này thật đáng sợ.”
“Và có lẽ bà ta cũng cố trả thù bố tôi.”
“Để làm gì?”
“Bà ấy nghĩ là bố tôi đã khinh thị bà chỉ vì cái bớt ấy.  Có thể bà ấy tin rằng bố tôi bỏ bà ấy cũng chỉ vì cái bớt ấy.”
“Thôi đừng nói những chuyện nhớp nhúa này nữa.” Nhưng dường như bà Ota không thể tưởng tượng ra cái bớt.  “Tôi không nghĩ là bà Kurimoto vẫn còn quan tâm đến việc này.  Nỗi đau hẳn đã phôi phai từ lâu.”
“Nỗi đau có thể phôi phai và không để lại dấu vết nào sao?”
“Đôi khi cậu có thể thương cảm vì chuyện ấy.” Bà nói như thể phân nửa ý thức của bà đắm chìm trong mơ.
“Bà có còn nhớ cô gái ở bên tay trái của bà hồi chiều không?”
“Vâng, nhớ chứ.  Yukiko.  Cô gái nhà Inamura.”
“Kurimoto mời tôi hôm nay để tôi có thể quan sát cô ta.”
“Không!” Bà nhìn chàng đăm đăm với đôi mắt mở to không chớp. “Đây không phải là một miai, buổi coi mắt, phải không?  Tôi đã chẳng chút nghi ngờ.”
“Không phải miai đâu, tôi nói thật đấy.”
“Đúng là miai rồi.  Suốt con đường về nhà từ một buổi xem mắt.” Một giọt nước mắt của bà chảy thành dòng xuống gối.  Vai bà run rẩy. “Thật là sai trái.  Sai lắm.  Tại sao cậu không nói cho tôi biết.”
Bà vùi mặt xuống gối.
Kikuji đã chẳng đoán trước thái độ dữ dội của bà.
“Nếu nó sai thì nó sai, cho dù tôi có đi suốt con đường về nhà từ một vụ miai hay không.” Chàng hoàn toàn thành thật. “Tôi không thấy được cái liên hệ giữa hai việc này.”
Nhưng dáng dấp của cô gái nhà Inamura trong buổi tiệc trà đang hiện ra trước mặt chàng. Chàng có thể nhìn thấy cái tay nãi hồng với ngàn cánh hạc.
Cái hình dáng người đàn bà khóc lóc trở nên xấu xí.
“Ô, thật là sai lầm.  Tại sao tôi lại có thể hành động như thế chứ?  Những chuyện lỗi lầm của tôi.” Bờ vai đầy đặn của bà run rẩy.
Nếu Kikuji cảm thấy hổi hận vì cuộc gặp gỡ này, chàng chắc hẳn sẽ có cảm giác hổ thẹn. Ngoài việc chàng đi xem mắt một cô gái, bà Ota còn là người tình của bố chàng.

Nhưng chàng không thấy hối hận hay hổ thẹn.

Chàng không hiểu làm thế nào mà chuyện này lại có thể xảy ra, nó xảy ra một cách tự nhiên quá.  Có lẽ bà ấy xin lỗi đã quyến rũ chàng, nhưng bà đã chẳng cố tình dụ dỗ chàng và Kikuji cũng chẳng cảm thấy mình đã bị dụ dỗ. Giữa hai người đã không ai có vẻ chống đối kháng cự.  Cũng chẳng có sự đắn đo lo lắng, chàng có thể nói như thế.

Hai người đã vào trong một lữ quán đối diện với Engakuji, và họ ăn tối, bởi vì bà nói không ngừng về bố của Kikuji.  Kikuji không nhất thiết phải lắng nghe. Thật ra chàng có một cảm giác rất kỳ lạ vì đã im lặng lắng nghe; nhưng bà Ota, rõ ràng đã chẳng nghĩ gì đến chuyện kỳ lạ này, dường như bà chỉ muốn được ôn lại quá khứ.  Lắng nghe, Kikuji có cảm tưởng như mình tử tế khác thường.  Một niềm thông cảm dịu dàng bao quanh chàng.
Chàng chợt nhận ra là bố chàng đã rất là hạnh phúc.
Đây, có lẽ, là nguồn gốc của sự sai lầm.  Cái phút giây thuận tiện để chia tay với bà ta đã trôi qua, và trong lúc trái tim của chàng dụ dự một cách dễ thương, Kikuji đã dâng tặng chính con người chàng.
Nhưng trong tận cùng trái tim của chàng vẫn còn một bóng tối.  Một cách ác độc chàng đã nói về Chikako và cô gái nhà Inamura.
Chất độc ấy mạnh quá.  Cùng với sự hối tiếc là cảm giác nhớp nhúa và tội lỗi, và một cơn sóng tự oán ghét mình tràn ngập chàng thật dữ dội, thôi thúc chàng muốn nói một câu độc ác hơn.
“Thôi hãy quên chuyện ấy đi.  Chẳng đáng gì,” bà nói.  “Chuyện chẳng có gì quan trọng.”
“Bà đang nhớ đến bố tôi phải không?”
“Cái gì!” Bà nhìn lên vẻ ngạc nhiên.  Bà đã khóc, mi mắt mọng đỏ.  Đôi mắt mờ đục và trong cái tròng mắt nở to Kikuji nhìn thấy vẻ mệt mỏi của người đàn bà.  “Nếu cậu nói thế, tôi không có câu trả lời.  Tuy nhiên tôi là một người rất bất hạnh.”
“Bà không cần phải dối tôi.” Kikuji giật mạnh tà áo kimono của bà.  “Nếu bà có một cái bớt bà sẽ chẳng bao giờ quên.  Cái ấn tượng . . .”  Chàng giật mình vì chính câu nói của mình.
“Cậu không nên nhìn tôi chòng chọc như thế.  Tôi không còn trẻ nữa.”
Kikuji lăn xả vào bà như thể muốn cắn.
Cơn sóng trước đấy đã trở lại, cơn sóng tình của người đàn bà.
Chàng rơi vào giấc ngủ thật bình yên.
Nửa thức nửa ngủ, chàng nghe tiếng chim ríu rít.  Như thể đây là lần đầu tiên chàng được đánh thức vì tiếng chim.
Sương sớm làm ướt hàng cây ngoài mái hiên.  Kikuji cảm thấy những chỗ hõm hang hốc trong tâm hồn của chàng được tẩy rửa sạch sẽ.  Chàng không nghĩ ngợi gì.
Bà Ota ngủ quay lưng về hướng của chàng. Chàng tự hỏi bà quay mặt đi từ lúc nào.  Nhỏm người chống lên khuỷu tay, chàng nhìn vào mặt bà trong vẻ lờ mờ của khung cảnh nửa sáng nửa tối.

Ngàn Cánh Hạc

Hạc là loài chim tượng trưng tinh thần của người Nhật.  Hạc có dáng thanh nhã nhờ đôi chân dài và cái cổ cao. Người ta thường xem hạc là loại chim tiên. Xếp một ngàn con hạc bằng giấy cũng là cách cầu nguyện chúc phúc cho một người bị ốm nặng, lời cầu nguyện cho hòa bình, món quà cưới hay mừng trẻ em mới ra đời.

Ngàn cánh hạc cũng là tên một quyển truyện của Kawabata. Quyển sách được viết từ năm 1948 và hoàn thành năm 1952.  Được dịch ra tiếng Anh năm 1958. Nội dung xin được tóm tắt như sau:

Continue reading Ngàn Cánh Hạc

10 qui luật viết văn của Anne Enright.

10 qui luật viết văn của Anne Enright.

1.      Mười hai năm đầu tiên là khổ nhất.

2.      Cách để viết một quyển sách là thật sự viết quyển sách ấy.  Viết tay cũng được, đánh máy cũng tốt.  Cứ tiếp tục viết hết chữ này đến chữ kia lên trang viết.

3.      Chỉ có những nhà văn tầm thường mới nghĩ là văn của mình tuyệt hay.

4.      Miêu tả rất khó.  Nên nhớ là tất cả những miêu tả đều là quan niệm về cuộc đời.  Hãy tìm một chỗ đứng.

5.      Viết bằng bất cứ cách thức nào bạn thích.  Văn, truyện là những chữ kết hợp trên trang giấy, cuộc sống thật thì được kết hợp bằng những cái khác.  Câu chuyện của bạn “thật”, hay “bịa đặt” đến độ nào không phải là điều chính yếu: điều quan trọng là sự cần thiết của nó.

6.      Cố gắng viết cho chính xác.

7.      Giả tỉ như bạn sắp chết. Nếu bạn lâm bệnh nan y thì bạn có hoàn tất quyển sách này không? Cái làm cái-tôi-sắp-chết bận tâm chính là cái làm quyển sách không hay. Thế thì phải thay đổi.  Đừng cãi nhau với chính mình.  Thấy chưa? Thật là dễ dàng.  Và không ai phải chết cả.

8.      Bạn có thể làm tất cả mọi chuyện này với whiskey.

9.      Nhớ chơi vui và giải trí.

10.  Hãy nhớ là, nếu bạn ngồi ở bàn suốt 15 hay 20 năm, mỗi ngày, không kể cuối tuần, nó sẽ thay đổi con người bạn.  Tự nhiên như thế.  Nó có thể không làm cho bạn dịu dàng kiên nhẫn hơn, nhưng nó sẽ sửa chữa những chuyện khác.  Nó giúp cho bạn được tự do hơn.

Update ngày 15 tháng 12, 2020

Tôi không nhớ đã dùng link nào ở đâu, bây giờ có bạn đọc bảo là không hiểu muốn xem bản tiếng Anh nên tôi tìm trên mạng gặp cái link này, và câu dịch của tôi không giống với nguyên tác. Có lẽ tự tôi bịa ra đoạn dịch trên nên xin lỗi bạn đọc vậy.

Anne Enright’s 10 Rules For Writing Fiction | Writers Write

Dịch lại nguyên tắc thứ 7

Imagine that you are dying. If you had a terminal disease would you ­finish this book? Why not? The thing that annoys this 10-weeks-to-live self is the thing that is wrong with the book. So change it. Stop arguing with yourself. Change it. See? Easy. And no one had to die.

Hãy tưởng tượng là bạn sắp chết. Nếu bạn mắc phải một chứng bệnh nan y, biết là mình sắp chết, bạn có tiếp tục viết cho đến khi hoàn tất quyển sách không? Tại sao không viết nốt? Cái điều làm cho cái tôi của người viết, cái tôi đau yếu bệnh hoạn chỉ còn có 10 tuần để sống, phiền lòng, đó là điểm không tốt hay không đúng của quyển sách. Vì thế bạn hãy sửa đổi nó. Đừng tự tranh cãi với chính bản thân. Hãy sửa đổi nó. Thấy chưa? Rất dễ dàng. Và không có ai phải chết cả.

Vài qui luật viết văn của Geoff Dyer

Vài qui luật viết văn của Geoff Dyer

1.      Viết nhật ký.  Điều đáng tiếc nhất trong cuộc đởi viết văn của tôi là tôi không bao giờ viết nhật ký.

2.      Có những điều sai lầm hối tiếc.  Đó là nguyên liệu, chất cháy.  Trên trang giấy chúng biến thành ao ước.

3.      Viết mỗi ngày.  Tập thói quen biến những quan sát của bạn thành chữ viết và dần dần nó sẽ trở thành bản năng.  Đây là qui luật quan trong nhất trong tất cả qui luật và, rất dĩ nhiên, tôi đã chẳng tuân theo.

Village 113 – Anthony Doerr

Anthony Doerr là tác giả của tập truyện ngắn The Shell Collector, truyện dài About Grace và quyển hồi ký Four Seasons in Rome.  Ông sống ở Boise, Idaho.  Được nhiều giải thưởng, trước truyện ngắn Village 113 ông có hai truyện ngắn khác cũng được vào O. Henry Prize.  Tác giả nhìn thấy Rome với những ngôi nhà thờ, những vòm cong của nóc của những ngôi nhà lộng lẫy nguy nga, nhà, làng xóm, gác chuông, vườn hoa, phố xá bò leo lên đỉnh đồi.  Tất cả bị bao bọc trong bầu không khí bị ô nhiểm có màu xanh lơ như thể tất cả đều bị tràn ngập dưới mặt nước hồ.  Vài tháng sau ông đọc báo biết là người ta dự định xây một đập thủy điện Three Gorge Dam.  Ông chợt nhận ra khi ông uống rượu vang Chianti và đọc truyện Pliny the Elder, thế giới, cách nơi ông ở 5000 dặm, đang thay đổi một cách vô cùng lớn lao.  Một sự thay đổi mà không thể nào có thể quay trở lại tình trạng ban đầu. Ông quyết định kết hợp hai nhận thức này, cái cung cách mà lịch sử bị nhận chìm và cái mà ông cho là sự thất bại vì ông không hiểu thấu đáo những thay đổi của thế giới rộng lớn chung quanh ông.

Li Quing là một viên chức chịu trách nhiêm việc xây đập thủy điện. Một trong những công việc của ông ta là vừa thuyết phục vửa ra lệnh dân làng sống ở hạ lưu của con sông phải di cư.  Hoặc là họ nhận một số tiền bồi thường.  Hoặc là họ nhận một công việc làm cho chính quyền.  Đa số mọi người nhận tiền và tuân theo lệnh của ông quan bốn mươi hai tuổi này.  Li Qing làm việc rất có hiệu quả và dĩ nhiên người ta rất ghét ông.  Cứng rắn lạnh lùng, tất cả vườn tược nhà cửa kiến trúc đồi núi đều được chỉ định bằng một con số.  Làng 113 là làng của mẹ ông ở.  Bà mẹ này là người chuyên môn bán hạt giống cho người ta trồng trọt.  Suốt cuộc đời bà sinh ra lớn lên ở đây.  Bà nuôi Li Qing một mình vì người chồng bị chết đuối ngay sau khi Li Qing ra đời.  Không phải ai cũng chấp nhận chuyện di cư.  Trong số dân làng có thầy giáo Ke là phản đối việc xây đập.  Nước sẽ dâng lên 64 mét ngập tất cả những cái cây cao nhất trong làng, và như thế là sẽ nhận chìm tất cả những văn hóa lịch sử của ngôi làng. 

Ông viết thư bằng tay và gửi đi khắp nơi.  Khi nước bắt đầu từ từ dâng lên, bà mẹ của Li Qing giúp thầy giáo Ke thả những con đom đóm, mà trước đây thầy giáo đã bẫy chúng bằng mật ong và nước, vào những cái lọ bà dùng đựng hạt giống.  Ngoài những con đom đóm còn có những lá thư phản kháng của thầy Ke trong lọ thả theo giòng sông. 

Li Qing đi thuyền máy về đón bà ra thành phố sống.  Truyện kết thúc bằng khung cảnh những ngọn đèn trong thành phố, của cửa hàng, phi trường, đủ các loại đèn lung linh trong gió làm người đọc liên tưởng đến những con đom đóm lập lòe.  Bà mẹ của Li Qing tự hỏi không biết thầy giáo Ke có chìm theo lịch sử hay có thể ông hòa nhập vào đoàn người đi lũ lượt trong thành phố.

Truyện rất hay nhưng tôi kể vì tôi lười dịch.

Touch – Alexi Zentner

Bạn nói tôi hay nói chuyện chết chóc.  Điều này rất đúng.  Mỗi khi tôi cảm thấy sung sướng quá tôi thường ước được chết ngay lúc đó để không còn bị những chuyện buồn phiền, lo lắng hay  đau đớn.  Có lẽ tôi nhiều lần suýt chết và gặp cái chết của người trong gia đình khi tuổi còn nhỏ nên cái chết luôn luôn ám ảnh tôi.  Ngay cả khi tôi chọn truyện để dịch hay giới thiệu những truyện có kết cục bằng cái chết cũng hấp dẫn tôi.  Nghĩ cho cùng cái chết luôn là cực điểm của những bi kịch.  Có lẽ vì thế mà truyện ngắn Touch của Alexi Zentner đã hấp dẫn tôi.

Tối qua tôi định blog về truyện ngắn Touch nhưng cơm nước xong đã thấy mệt mỏi, đầu óc không còn minh mẫn nữa nên thôi.

Alexi Zentner, sinh ra ở Kitchener, Ontario.  Truyện của ông xuất hiện ở Tin House và Southwest Review.  Ông hiện đang sống ở Ithaca, New York.

Nhân vật trong truyện là một chú thiếu niên sống với bố mẹ và em gái ở một vùng quê phía Bắc của Canada.  Bố của chú là trưởng toán đốn cây rừng làm gỗ.  Cây rừng phải được hạ xuống trước khi mùa lạnh bắt đầu và được thả xuống sông thành những bè lớn xuôi theo dòng đến những nơi nhất định và đưa đến những thành phố lớn bằng xe lửa hay xe vận tải.  Đây là một nghề rất nguy hiểm, mùa gỗ nào cũng có người chết, vì cây đè, vì máy cưa làm đứt tay chân, vì búa dội từ cây trở ra trúng thân người, vì chết chìm khi phải lái bè cây dưới sông.  Bố của chú bị mất một bàn tay vì bị hai bè gỗ đụng vào nhau chèn tay của ông ở chính giữa.  Bàn tay bị dập dính cứng vào bè gỗ đến độ không chảy máu.  Thỉnh thoảng chú theo bố ra chỗ đốn cây nhưng mẹ chú hết sức can ngăn.  Cứ mỗi mùa gỗ xong, những người thợ quay về mua quà cho vợ và con, vui với những thú vui của xứ cực lạnh như câu cá trên băng, trượt tuyết, trượt băng.  Mùa đông những con sông thường đóng băng ở bờ trước.  Ở giữa sông hay nơi hợp nhau của những giòng nước chảy xiết băng đóng chậm hơn nên mỏng hơn.  Bố của chú đưa chú và em gái ra sông trượt băng.  Ông mang giày trượt băng cho cô bé Marie, chừng bảy tuổi, trước.  Trong khi ông đang cột dây giày và nhân vật đang kể truyện cột dây giày của chú, thì Marie đã đi.  Cô rơi xuống một chỗ băng còn mỏng và người bố lao xuống để cứu cô bé.  Mọi người đều cố gắng cứu hai bố con nhưng lạnh quá không ai chịu được lâu và mặt nước bắt đầu đóng băng.  Đám tang được tổ chức nhưng không có thi hài.  Xác của hai cha con nằm dưới lớp băng trong đứng bên trên có thể nhìn thấy bàn tay của người cha sắp chạm bàn tay của cô bé, chỉ cách một khoảng thật mỏng, nhưng không chạm vào nhau.  Và do đó mà có cái tựa đề Touch có nghĩa là chạm.

Dĩ nhiên một truyện hay thì không phải chỉ có thế, phải đọc thì mới có thể cảm nhận được cái đau đớn của nhân vật và người mẹ mà tác giả đã diễn tả.  Tôi có xem một phim hoạt họa của trẻ em, cô bé tí hon Thumberlina quen, rồi yêu, một hoàng tử tiên bé tí hon cỡi một con ong bầu như cỡi một chiếc motocycle.  Thumberlina bị một con cóc bắt cóc nên chàng hoàng tử tiên tí hon này đi tìm.  Chú bị rơi xuống hồ và bị đóng trong khối băng trông thật đẹp.  Cứ tưởng tượng mình nhìn một khối băng trong vắt, trong đó có những hình ảnh người ta và cây cỏ hay cá hay chim muông thật đẹp.  Cô bé Marie và người bố đóng trong khối băng vừa đẹp vừa kinh dị vừa đau đớn.  Những người trong truyện là những người nghèo có cuộc sống rất vất vả khó khăn vô cùng vì thời tiết quá khắc nghiệt.

Người mẹ của chú bé sau đó lấy một vị mục sư vì hai mẹ con phải ra khỏi căn nhà họ đang ở.  Căn nhà đó là của công ty, người ta cấp cho người trưởng toán đốn cây.  Vì ông đã chết nên căn nhà được cấp cho một người trưởng toán khác.  Chú bé nhân vật trong truyện thử đi theo toán đốn cây một lần nhưng về sau mẹ và người bố dượng bắt đi học ở một trường đạo nên không theo nghề nữa vì mẹ chú nhất quyết không để mất người thân cuối cùng trong gia đình. Có một đêm chú bé nghe tiếng động kỳ lạ bèn trở dậy và đi lần theo tiếng động.  Chú khám phá mẹ của chú mang cái rìu đốn cây của bố chú, rất bén và được mài thật kỹ bóng loáng, ra chỗ bố và em của chú bé chết và cố sức dùng cái rìu đập bể mặt băng.  Tuy nhiên mặt băng dày và cứng quá nên sức bà chỉ có thể làm trầy mặt băng chút xíu.  Thảm kịch là ở chỗ bố của chú làm nghề nguy hiểm, rất cẩn thận để bảo vệ mạng sống của nhân viên dưới quyền.  Mùa đốn gỗ thành công, những người làm việc không chết mà cô bé và ông bố chết vì mặt băng bị nứt. Chú có trở lại nơi bố và em bị chết chìm, tìm thấy một chiếc giày trượt băng ở trong nước chưa có vết dùng lần nào.  Chú bé tự hỏi không biết dòng nước có xô đẩy cho hai bàn tay của cha con chạm vào nhau.  Chú muốn tin là bố chú sẽ nắm tay em của chú.

Trích một đoạn ngắn

Precisely because she was both close and removed in such an easy way, I didn’t want to visit her.  I had the feeling she could only be what she was to me at an actual distance.  I was afraid that the small, light, safe world of notes and cassettes was too artificial and too vunerable to withstand actual closeness.  How could we meet face to face without everything that had happened between us coming to the surface.

Nói cho thật chính xác, bởi vì nàng tuy gần gũi mà xa vắng thật tự nhiên cho nên tôi chẳng muốn đi thăm nàng.  Tôi có cảm tưởng nàng chỉ có thể thật sự là nàng khi chúng tôi ở xa nhau.  Tôi e rằng cái thế giới nhỏ bé, sáng sủa, an toàn của những lá thư ngắn ngủi và những băng thâu âm quá giả tạo và mong manh không thể tồn tại được khi phải cái va chạm với sự gần gũi thân cận thật sự.  Làm thế nào chúng tôi có thể gặp nhau, đối diện với nhau, mà kềm chế được không để cho trồi lên bề mặt những gì đã thật sự xảy ra giữa hai chúng tôi.

Trích một đoạn ngắn trong quyển The Reader (Người Đọc) của Bernhard Schlink.

Download truyện

Download truyện Laughable Love của Kundera và 100 Years of Solitude ở Scribd nhưng chưa đọc xong.  Sẵn đây mách cho bạn nào chưa biết là bạn có thể tìm được rất nhiều sách hay ở Scribd đọc không phải trả tiền.  Có người bảo tôi kể cho nghe chuyện The Reader nên tôi đang đọc lại quyển này.  Thấy khoái chí là được đòi kể chuyện.

Tôi nghĩ hóng chuyện có thể là tật xấu mà cũng có thể là tính tốt.  Trong chỗ tôi làm người ta hay tụm năm tụm ba lại kể chuyện mà thường khi loại tôi ra không kể cho tôi nghe.  Mà tôi thì lại rất ít nói, gần như lạnh lùng xa cách nên cũng không tìm cách hỏi chuyện. Tuy nhiên tôi thích kể chuyện và cũng thích nghe kể chuyện.  Điều này cũng bình thường.  Ông vua trong truyện ngàn lẻ một đêm mê nghe chuyện nên tha chết cho cô gái kể chuyện rồi cưới cô ta làm vợ.  The English Patient bảo cô y tá Hana em đọc sách cho tôi nghe, đọc sử hay truyện gì cũng được nếu không thì tôi sẽ chết.  Cũng nhờ Hana đọc sách cho ông ta nghe mà cô gái dần dần lột lớp vỏ cô độc.  Đọc sách là sự cứu rỗi linh hồn cho chính nàng. Tôi nghĩ được nằm trong vòng tay người yêu nghe kể chuyện đời cũng là một hạnh phúc lớn.

Ngày xưa má tôi rất thích nghe đọc sách.  Bà vốn là người nhà quê thời xưa, con nhà nghèo.  Cậu tôi được cho đi học nhưng lười, hay trốn học.  Má tôi thích đi học nhưng không được đi học vì ông bà ngoại tôi bảo rằng con gái cho đi học chỉ tổ viết thư cho trai.  Má tôi thèm đi học quá nên mua cuốn vần tự học, cứ hỏi cậu tôi chữ này là chữ gì nên hay bị cậu gắt gỏng.  Có khi má tôi vừa trông em vừa nấu cơm vừa học đánh vần mỗi lần ông ngoại tình cờ bước vào là phải giấu quyển vần nếu không sẽ bị mắng.  Có khi túng quá phải nhét vào lò chụm luôn.  Chữ lặn chữ mọc thế mà má tôi biết ráp vần đọc được nhưng rất chậm.  Lớn lên bà vẫn mày mò đọc truyện Phong thần, Tây du ký, v.v… Do đọc rất chậm rất khó khăn nên má tôi thường thức khuya hay dậy sớm nghe đọc truyện trên đài phát thanh.  Mỗi lần có cuốn truyện nào mới tôi vốn không thích đọc ké với má tôi vì bà đọc chậm lắm tôi đã đọc hết trang rồi mà bà đọc chưa được nửa trang nên tôi thường đọc cho bà nghe.  So với tất cả trẻ con trong nhà má tôi thích nghe tôi đọc nhất, vì tôi đọc theo đúng dấu chấm phết nên dễ nghe.

Tiếc là chữ the Reader không phân biệt đọc thầm một mình hay đọc lớn lên cho người khác nghe.  Hana Schmitz, nhân vật trong truyện, đã đòi Michael Berg, người tình của cô đọc truyện cho cô nghe vì cô mù chữ.  Mỗi ngày Michael đến đọc sách cho cô nghe, xong rồi được Hana tắm nước nóng cho, hai người yêu nhau, ngủ một giấc ngắn rồi Michael về nhà,  Tôi nghĩ đây là một hình ảnh thật lãng mạn và cũng rất gợi tình.  Một hạnh phúc tưởng chừng rất bình thường nhưng không phải ai cũng có.

Thế nhé, bao giờ tôi đọc xong sẽ kể cho các bạn nghe đầy đủ hơn.   Bài viết về chim thiên di đã xong và tôi post cho bạn nào có thì giờ hoặc tình cờ đi ngang đọc cho vui, hay ít ra đỡ buồn.

Quotes

“Chúng ta đọc thơ và làm thơ bởi vì chúng ta là thành viên của nhân loại, và nhân loại thì đầy đam mê.  Y học, luật pháp, thương mại, kỹ nghệ, tất cả đều đáng cho chúng ta theo đuổi và chúng rất cần thiết để duy trì cuộc sống.  Nhưng thi ca, mỹ thuật, tình yêu là lẽ sống của chúng ta.” – Tom Schulman

“Nhiệm vụ của nhà thơ là đặt tên cho những cái không thể đặt tên, vạch trần những điều giả trá, khởi xướng những cuộc tranh luận, sửa sang uốn nắn thế giới, và không để cho thế giới ngủ quên.” – Salman Rushdie

Nhận Xét về những nhân vật trong Nửa Mặt Trời Vàng

 

Phần cuối cùng

Thông thường trong những cuộc tình dị chủng, đa số là người đàn ông da trắng kết hợp với phụ nữ da màu. Trường hợp ngược lại, người đàn bà da trắng kết hợp với đàn ông da màu, ít xảy ra hơn. Rất thường xuyên, người đàn ông da trắng ở cương vị chủ động cung cấp tài chánh, vật chất và bảo vệ người phụ nữ da màu. Người đàn ông da trắng mang người phụ nữ da màu vào trong cái xã hội mà anh ta đã quen thuộc và người phụ nữ như loài cá sống trong nước lạ thường ở cương vị phục tùng. Trong Nửa Mặt Trời Vàng, Adichie đã cấu tạo một môi trường ngược lại. Kainene mang Richard vào thế giới của nàng, một nơi mà nàng có quyền hành và thế lực. Kainene là người che chở và bảo bọc người tình. Chẳng những Adichie đã tước đoạt tất cả sức mạnh và quyền lực của người da trắng trong xã hội da đen bằng cách khắc họa một nhân vật Richard nghèo, không vây cánh, không quyền lực, mà còn cấu tạo ra một Richard đầy thất bại; suốt thời gian ở Nigeria anh đã không xuất bản được tác phẩm nào (một bị thất lạc trong chiến tranh và một bị Kainene đốt bỏ khi cô biết Richard đã ngủ với Olanna). Adichie còn tước đoạt cả quyền làm người đàn ông của Richard bằng cách biến anh thành kẻ bất lực khi lần đầu hai người giao hoan. Tại sao Adichie lại sáng tạo một nhân vật nữ có cá tính rất mạnh và một nhân vật nam có  bản tính rất mềm mại, dịu dàng đến độ nhu nhược và cho hai nhân vật này yêu nhau? Tôi nghĩ nên để các bạn tự tìm câu trả lời.

Bạn đọc có thể nhận thấy Richard yêu Kainene say đắm, yêu đến độ tôn thờ và khiếp sợ bản lĩnh của cô. Tuy nhiên khó có thể khẳng định là Kainene yêu Richard. Cô vẫn còn phân vân không biết tình cảm của cô đối với Richard có phải là tình yêu hay không. Lúc cuộc nội chiến Biafra còn trong thời kỳ phôi thai, Kainene đã viết một lá thư ngắn, trong đó cô phân vân: “Có phải tình yêu là cái nhu cầu đặt không đúng chỗ mà hầu như lúc nào em cũng cần có anh bên cạnh? Có phải tình yêu là cái cảm giác an toàn em cảm thấy trong sự im lặng của hai đứa mình? Có phải là cái cảm giác chúng ta thuộc về nhau, cái cảm giác có đầy đủ mọi thứ khi chúng ta có nhau?”

Rất có thể nhân vật Richard được Adichie dùng như một phép đòn bẩy để làm nổi bật cá tính của Kainene, để người đọc thấy Kainene là một phụ nữ dám chọn lựa, cho dù đó là một hành động thách thức với xã hội Nigeria thời bấy giờ. Udodi, bạn của Madu, đã nhân cơn say để mạt sát Kainene là chỉ có điếm mới đi cặp với người da trắng. Kainene có lần đã nói với Richard, “Anh đã sai lầm khi nghĩ là tình yêu không chừa chỗ cho những chuyện khác. Rất có thể người ta yêu một cái gì đó nhưng vẫn khinh thị cái đó.” Nếu không chú ý, người đọc có thể hiểu là Richard với tư cách của một người đàn ông da trắng, đại diện cho giới cầm quyền thực dân, có thể yêu nhưng vẫn xem thường Kainene, một cô gái da đen người thuộc địa. Thật ra, Kainene, một cô gái giàu có trí thức, quản lý các nhà máy lọc dầu và nhà máy xi măng, mới là người ngấm ngầm khinh thị Richard. Và khi nói như thế, có lẽ từ thâm tâm cô bắt đầu nhận ra cô cũng yêu Richard.

Sự hiện diện của Richard là để người đọc nhận thấy một sự căm ghét chống đối tiêu cực của người Nigeria đối với người Anh được giả trang bằng sự kỳ thị. Richard cố gắng hết sức để được cộng đồng Nigeria tiếp nhận nhưng anh luôn bị tiếp đón lạnh nhạt. Thiếu tá Madu, bạn thân từ thuở thiếu thời của Kainene khinh thị Richard ra mặt, mặc dù Richard luôn luôn tìm cách học hỏi và tiếp nhận nền văn hóa của Phi châu (nói chung) và Nigeria (nói riêng). Anh yêu thích món ăn của người Nigeria trong đó có món xúp ớt, anh thích học hỏi về nghệ thuật, nhờ Ugwu dẫn anh về làng của chú bé để anh có dịp tìm hiểu lễ hội làng. Anh chịu đựng tất cả những bạc đãi và những lời khinh thị của mọi người, kể cả Odenigbo, Okeoma (nhà thơ cũng là bạn thân của Odenigbo), bố mẹ Kainene, Udodi (viên sĩ quan bạn của Madu), và Madu. Tuy thế Richard đã chung vai sát cánh với người Biafra trong cuộc chiến đấu đầy tuyệt vọng. Anh dùng ngòi bút của mình để bênh vực người Biafra, nói lên sự thật và lẽ phải của cuộc chiến Biafra đã bị báo chí Tây phương bóp nghẹt hoặc xuyên tạc. Tình yêu của Richard dành cho Kainene và sự chọn lựa đứng cạnh những người chiến đấu đã khiến mọi người chấp nhận và yêu mến anh như là người Biafra . Và sau đó anh bị chính người Mỹ, cũng da trắng như anh, dè bỉu anh. Graham Greene trong quyển The Quiet American (Người Mỹ Trầm Lặng) đã ẩn dụ Việt Nam như một người phụ nữ vì thất thế mà phải bán thân. Thì Adichie với sức mạnh ngòi bút của cô đã ẩn dụ nước Anh chỉ là một thanh niên nhu nhược không bao giờ có thể chiếm hữu hay khuất phục một cô gái Phi châu. Hy vọng trong một ngày gần đây chúng ta sẽ có một hay nhiều nhà văn tìm ra một biểu tượng dành cho các quốc gia đã giày xéo Việt Nam để đáp lại cái ẩn dụ nông cạn của Greene.

Qua quyển sách này Adichie đã vạch ra sự giả dối của những nhà lãnh đạo cuộc chiến Biafra, vị Thủ tướng hô hào chiến tranh mà không có vũ khí, lo củng cố địa vị của mình đến mức không tin cậy các sĩ quan dưới quyền. Và khi biết mình đã hoàn toàn thất bại, nhà lãnh đạo này vẫn lợi dụng lòng tin của dân đưa họ vào tình thế “tay không bắt giặc”, ngăn cản không cho dân di tản, không mở cửa cho thế giới cứu trợ nhân đạo vì sợ bị tấn công, và cuối cùng tẩu thoát để tự cứu mạng sống của mình.

Đây là một quyển sách đã nghiên cứu về lịch sử Nigeria rất chu đáo. Độc giả sẽ hoàn toàn bị hấp dẫn bởi những chi tiết sinh động và những diễn biến bất ngờ; có cả những bất ngờ được giữ cho đến phút cuối. Độc giả sẽ ngỡ ngàng một cách thú vị khi nhận ra tác giả của quyển sách có tựa đề “Thế Giới Im Lặng Khi Chúng Tôi Chết”.

Nhận Xét Về Những Nhân Vật Trong Nửa Mặt Trời Vàng, Phần 4

Trong một xã hội da màu đã từng bị đặt dưới sự bảo hộ của chính quyền thuộc địa như Anh và Pháp, người đàn ông da trắng có một vị trí khá cao. Tuy nhiên Chimamanda Adichie đã truất phế cái quyền lực của một người da trắng mà xã hội thuộc địa ưu ái dành cho Richard. Richard là một thanh niên nghèo, mồ côi, sống nhờ tình thương và sự dưỡng nuôi của người bác. Anh đẹp trai, đỏm dáng, dịu dàng, hiền lành đến độ có thể bị xem là nhu nhược. Richard có cái mơ mộng của một nghệ sĩ và không thích đua chen với cuộc đời. Ngay cả cái nghề ký giả của anh cũng do bà bác dàn xếp. Rời Anh quốc để qua Nigeria , Richard có ý muốn thoát ly và tự lập. Anh muốn tìm hiểu bản thân và định hướng cuộc đời mình. Bác Elizabeth dàn xếp cho anh gặp Susan, một phụ nữ nhiều tuổi hơn Richard. Susan ngỏ ý muốn giúp anh có chỗ ở yên tĩnh để anh có thể viết văn. Richard về sống chung với Susan và rất nhanh chóng, cô yêu anh. Tuy không có ý định nhưng vô tình Richard trở thành một “gigolo” hay trai bao của Susan. Richard khám phá nghệ thuật đúc đồng thành bình hoa có cột dây của người Igbo và vì yêu bộ môn nghệ thuật này, anh ở lại Nigeria để nghiên cứu với ý định viết sách về nó. Trong một buổi tiệc Richard đi dự với tư cách người hộ tống Susan, anh gặp Kainene và ngay lập tức anh say mê Kainene bởi vẻ đẹp kỳ lạ và cá tính độc đáo của nàng. Hấp lực của Kainene mạnh đến độ anh chỉ muốn gạt Susan ra khỏi cuộc đời anh. Anh đã không ngần ngại nói dối Susan để mình có thì giờ riêng tiếp tục trò chuyện với Kainene.   

Kainene là hiện thân của một phụ nữ mới, đi trước thời đại khoảng chừng 50 năm. Có thể nói hiện nay, số người phụ nữ thật sự nắm quyền lãnh đạo kinh tế và thương mại tuy có nhiều hơn những năm 60 của thế kỷ XX nhưng vẫn còn là thiểu số. Nigeria của những năm 60, người đàn ông là chủ gia đình. Dân Igbo có tục lệ đa thê. Người đàn ông ở gian nhà chính. Mỗi người vợ và con của họ ở trong gian nhà riêng, chung quanh căn nhà chính. Các bà vợ tự trồng rẫy, làm ruộng của mình. Đến bữa ăn họ được chia phiên người nào nấu thức ăn gì và mang đến cho chồng. Họ trọng nam khinh nữ. Tuy nhiên, Kainene vừa tốt nghiệp đại học ở ngoại quốc về đã lập tức được nắm quyền quản lý cơ sở thương nghiệp của bố và được ông bố tán dương có giá trị gấp đôi một người con trai.

Kainene là một cô gái vượt qua những giới hạn mà xã hội Nigeria đã dành sẵn cho phụ nữ. Kainene khẳng định quyền tự do chọn lựa và quyết định cuộc đời mình, cho dù sự quyết định hay chọn lựa của Kainene không được xã hội chấp nhận hay tán thành. Tính tự quyết và tự do trong việc chọn lựa thể hiện qua cách trang điểm, ăn mặc, cách chọn người để yêu và bạn giao du. Ngay cả cái quyết định tối hậu ảnh hưởng đến mạng sống của cô là vượt vòng đai cấm để đi tìm mua thức ăn cho dân tị nạn cũng là một quyết định đơn độc. Kainene không phải là một người quyết định dựa vào sự tán đồng của người chung quanh. Cô có thái độ kiên định của một người lãnh đạo, quyết đi trên con đường đã chọn cho dù phải hy sinh tính mạng. 

Độc giả có thể không thích Kainene lúc mới vừa gặp cô. Không thể nói là Kainene đẹp bởi vì cô không có vẻ đẹp mà xã hội của cô đã tạo tiêu chuẩn. Cô có hình dáng khác thường, cao bằng một người đàn ông ngoại quốc, gầy đến độ trông giống như một thanh niên. Tính khí thì kỳ quặc, tô môi son đỏ chóe, hút thuốc phì phà. Trong mắt nhìn của Richard, anh cho rằng cô giống những cô nàng “bồ nhí” của các ông lớn hơn là con gái của một Ông Trùm thầu khoán, tốt nghiệp đại học ở ngoại quốc mới về. Kainene ít nói đến lạnh lùng, hay châm biếm mỉa mai. Thế nhưng người đọc sẽ nhận ra rằng không thể nhìn hình bìa mà đánh giá nội dung của quyển sách. Càng vào sâu trong truyện, Kainene càng để lộ lòng nhân ái, biết suy nghĩ, quyết định đúng đắn. Kainene dùng tài quản lý của mình để săn sóc, nuôi nấng người tị nạn. Cô dùng sự suy xét và quyết đoán để cứu người thanh niên đào ngũ vì đói nên đi trộm khoai và bị dân tị nạn đánh đập. Cô can đảm mạo hiểm vượt tuyến để đi tìm mua thức ăn về nuôi sống mọi người trong trại tị nạn. Cô có thái độ và lòng can đảm của một nhà lãnh đạo đáng kính phục.  

Còn Tiếp

Nhận Xét Về Những Nhân Vật Trong Nửa Mặt Trời Vàng, Phần 3

 

Người đầu tiên tôi chắc chắn bạn sẽ yêu mến là Ugwu, chú bé nhà quê mười ba tuổi, ít học, mê tín dị đoan, ngô nghê, thần tượng hóa ông chủ và bà chủ của chú là Odenigbo và Olanna. Ugwu thông minh, ham học, được sự bảo bọc và thương yêu của hai vợ chồng Odenigbo – Olanna. Chú cũng yêu thương gia đình chủ như chính gia đình mình. Ugwu bị đẩy vào chiến trận và trưởng thành trong chiến tranh. Chimamanda Ngozi Adichie đã chăm sóc, “vun trồng” kỹ lưỡng nhân vật Ugwu. Ugwu là biểu tượng Nigeria mà Adichie đã gởi tất cả hy vọng từ một quốc gia nghèo nàn, kém phát triển về kinh tế và văn hóa sau cuộc nội chiến sẽ trưởng thành, có tiếng nói và chỗ đứng trên thế giới. Đây là nhân vật chính và quan trọng nhất trong quyển sách này; tôi nghĩ là nên để bạn đọc thưởng thức và nhận xét. 

Bạn cũng sẽ yêu mến đôi vợ chồng Odenigbo – Olanna. Đây là đại diện cho giới trí thức trẻ của Nigeria lúc bấy giờ. Odenigbo là một giảng sư ở Đại học Nsukka. Anh cùng với một nhóm giảng sư và sinh viên đã khởi đầu đòi hỏi được quyền thành lập quốc gia Biafra . Odenigbo, nhà trí thức trẻ tuổi, nhiệt tâm yêu nước, có ý chí cách mạng, có lòng nhân đạo, và là người bạn tốt của Ugwu. Có tài biện luận và yêu chủ nghĩa xã hội, tuy là nhà Toán học, anh dùng hết thì giờ của mình viết báo kêu gọi dân Nigeria đứng lên đòi quyền độc lập và cải tổ xã hội. Odenigbo yêu rất nồng nàn nhưng cũng dễ sa ngã. Mẹ mất trong chiến tranh, tài trí của anh bị thui chột cũng vì chiến tranh. Đứng về khía cạnh tình yêu và hôn nhân, Odenigbo là một thí dụ điển hình mà khi yêu, người phụ nữ đã đặt kỳ vọng vào tiềm năng của một người đàn ông để rồi sau khi kết hôn, người phụ nữ sẽ nhận ra rằng những kỳ vọng này là ảo vọng. Những điểm đáng yêu ban đầu, về sau trở thành những điều khó chịu. Ban đầu rượu brandy làm Odenigbo hứng chí, ánh mắt long lanh và dễ dàng trở thành nhà hùng biện xuất chúng, chỉ sau vài ly rượu. Về sau, nỗi buồn chiến tranh và cái chết của mẹ biến anh thành người bạc nhược tinh thần. Rượu trở thành chất độc giết chết khả năng suy nghĩ. Sự phấn đấu không còn, rượu được dùng để khuây khỏa nỗi buồn chiến tranh. Anh phụ lòng yêu thương của Olanna ít nhất là một lần. Còn lần thứ nhì tác giả cố tình nhập nhằng để độc giả muốn hiểu sao thì hiểu.

Olanna, một cô gái trẻ thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội, có nhan sắc của một mỹ nhân ngư. Nhan sắc của cô chinh phục tất cả mọi người từ những người đồng nghiệp của Odenigbo như bác sĩ Patel, nhà thơ Okeoma, bác sĩ Nwala anh em họ của Okeoma. Ngay cả Richard, tuy yêu thương Kainene nhưng cũng ngã lòng trước sắc đẹp của nàng. Và cả chú bé Ugwu nhà quê cũng say mê nhan sắc của cô chủ, tuy nhiên sự say mê này mang sắc thái vừa sợ vừa phục một thần tượng. Tuy là một thiếu nữ được hấp thụ nền văn hóa Tây phương, học chương trình Anh từ lúc tiểu học, tốt nghiệp đại học ngành xã hội học ở London, Olanna được Adichie chọn làm biểu tượng của người phụ nữ Nigeria truyền thống. Một mẫu người vượng phu ích tử, yêu chồng và chăm con, nhân ái với người giúp việc, hòa hợp với láng giềng và bạn bè, vâng lời cha mẹ, chiều chuộng người chị sanh đôi của mình. Là cô gái con nhà giàu lái xe hơi riêng, được chàng công tử Hausa tên là Mohammed yêu say đắm nhưng Olanna từ chối tình yêu này để chọn yêu một anh giảng viên nghèo thích làm cách mạng. Chiến tranh khiến cuộc sống của nàng trở nên nghèo khó, thiếu thốn đến độ không có cả cháo ăn với cá khô (một món ăn của dân nghèo mà Olanna có dịp chứng kiến ở nhà láng giềng của người cậu khi Olanna đến thăm cậu). Tình yêu của Olanna và Odenigbo là một tình yêu rất bình thường. Bạn đọc sẽ nhìn thấy qua Olanna hình ảnh người mẹ và người vợ Việt Nam trong chiến tranh. Một người phải lo lắng hôm nay ăn gì, phải tìm mua thức ăn ở đâu, và nhất là làm sao chi tiêu cho hợp lý. Người đọc dễ dàng cảm thấy một tình yêu chân thật, say đắm, nồng nàn của đôi uyên ương này. Và cũng qua nhân vật Olanna, người đọc cảm nhận được nỗi sợ hãi của một người dân sống trong bom đạn hằng ngày đối diện với cái chết của người thân yêu và của chính mình. Ugwu, Odenigbo và Olanna là những nhân vật mà người đọc sẽ dễ dàng yêu mến họ. Kainene và Richard cũng đáng yêu nhưng phức tạp hơn. Cái đáng yêu của họ không dễ dàng được nhận thấy bởi vì hai nhân vật này không giống mẫu người đáng yêu truyền thống.

Còn Tiếp

 

Nhận xét về nhân vật trong Nửa Mặt Trời Vàng Phần 2

 

Tháng Giêng năm 1966, một nhóm sĩ quan trẻ người Igbo đảo chính cướp chính quyền. Tháng Bảy năm 1966, sĩ quan miền Bắc đảo chính lại, chọn Yakubu Gowon, một sĩ quan Công giáo của một bộ lạc nhỏ, lên làm lãnh tụ. Gowon dùng quân đội để cai trị. Người dân chống đối đòi trở lại chế độ dân sự. Cuộc bạo động kéo dài, có khoảng tám đến mười ngàn người Igbo bị giết; cả người miền Bắc sống ở các thành phố miền Đông Nam cũng bị sát hại. Tháng Giêng năm 1967, lãnh tụ của ba miền họp mặt ở Aburi ký hiệp ước liên bang nhưng người miền Bắc không đồng ý. Obafemi Awolowo, lãnh tụ của quân đội miền Tây Nam, tuyên bố nếu miền Đông Nam rút tên ra khỏi liên bang thì miền Tây Nam cũng rút lui. Chính phủ miền Đông Nam không chấp nhận Hiệp ước Aburi. Tháng Năm ngày 26, miền Đông Nam tuyên bố ly khai và ngày 30, Chukwuemeka Odumegwu Ojukwu, lãnh tụ lực lượng quân đội miền Đông Nam tuyên bố thành lập xứ Cộng hòa Biafra vì lý do người Hausa đã giết người Igbo. Nguyên do chính là vì nhiều mỏ dầu được khám phá ở khu vực miền Nam; trong khi sự phồn thịnh của nền kinh tế Nigeria chủ yếu dựa vào việc khai thác dầu. 

Thoạt tiên Lực lượng Quân sự Liên bang xem đây là một cuộc nổi loạn nhỏ, chỉ cần lực lượng cảnh sát là có thể tái hồi trật tự nhưng Biafra đã đánh lui lực lượng cảnh sát. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau, lực lượng quân sự của liên bang đã đánh chiếm lại phần lớn lãnh thổ và vào năm 1968, Biafra chỉ còn lại một phần mười của lực lượng ban đầu. Tháng Chín năm 1968, quân đội Biafra bị kiệt lực vì thiếu vũ khí. Tháng Sáu năm 1969, chính quyền Nigeria bắt đầu phong tỏa thuốc men và lương thực. Tháng Mười năm 1969, Ojukwu kêu gọi sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc để ngưng chiến. Chính quyền liên bang Nigeria kêu gọi Biafra đầu hàng. Tháng Mười hai, quân đội liên bang cắt Biafra thành hai mảnh. Ojukwu chạy sang Ivory Coast giao quyền lãnh đạo cho Philip Effiong. Tháng Giêng năm 1970, Effiong đầu hàng. Con số người chết vì nạn đói lên đến hơn một triệu. 

Chiến tranh và những nỗi buồn do chiến tranh gây ra như chết chóc, tàn phá và đói kém, ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng có những điểm giống nhau. Người dân sống trong chiến tranh là người dân bất hạnh. Qua quyển sách này độc giả sẽ nhìn thấy nỗi bất hạnh của người dân sống trong vùng đất đòi độc lập và tự trị Biafra và tôi nghĩ độc giả có lúc sẽ đặt quyển sách xuống, thở dài, đôi khi lau giọt nước trào ra nơi khóe mắt khi liên tưởng đến những đau khổ và sự đối diện với cái chết hằng ngày của người Việt Nam. Chiến tranh là một đề tài rất rộng lớn mà tôi không hiểu biết đủ; lạm bàn có thể gây ngộ nhận. Với vai trò của một người dịch, sau vài tháng đọc từng lời từng chữ của quyển sách, tôi cảm thấy rất gần gũi và yêu mến các nhân vật mà tôi tin là sau khi đọc xong cuốn tiểu thuyết này, bạn cũng sẽ yêu mến họ.  

 

Nhận xét về nhân vật trong Nửa Mặt Trời Vàng Phần 1

Đây là một quyển sách phong phú về lịch sử lấy chiến tranh Biafra làm bối cảnh và bao gồm vài chủ đề có thể được phân tích. Chúng ta có thể đọc quyển sách này qua chủ đề kỳ thị sắc tộc, tôn giáo, giai cấp trong một quốc gia hay có thể nhìn qua một lăng kính đơn giản hơn, đó là cuộc đời và chuyện tình của hai chị em song sinh trong thời điểm chiến tranh. Tuy nhiên đối với tôi, một độc giả Việt Nam, thì điểm quan trọng nhất trong Nửa Mặt Trời Vàng chính là cuộc nội chiến Biafra có nhiều điểm tương đồng với chiến tranh Việt Nam. Một trong những điểm tương đồng này là, tuy là nội chiến nhưng lại có một hay vài cường quốc “giật dây” phía sau. Cũng giống như chính quyền Pháp đã chia Việt Nam thành ba miền và áp dụng chính sách chia để trị, chính quyền Anh đã chia Nigeria thành ba miền và lợi dụng sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, tôn giáo, sắc tộc để chia rẽ nội bộ Nigeria. Để bạn đọc tiện theo dõi cốt truyện lồng vào bối cảnh lịch sử chiến tranh Biafra , tôi xin giới thiệu sơ lược lịch sử hình thành cuộc nội chiến này.

Vào năm 1885 sau cuộc chiến tranh với Napoleon, đế quốc Anh bành trướng sang châu Phi. Năm 1901, Nigeria chính thức nằm dưới sự bảo hộ của Anh. Con sông Niger chảy từ miền Tây Bắc của Nigeria gặp sông Benue chảy về hướng Đông Nam tạo thành hình chữ Y chảy dọc xuống miền Nam , chia Nigeria thành ba miền. Miền Bắc của Nigeria có diện tích lớn nhất và dân số đông nhất, đa số là người Hausa-Fulani và theo tôn giáo Muslim. Người dân vùng này sinh sống bằng cách khai thác quặng mỏ và buôn bán. Họ tuân phục các vị tiểu vương Hồi giáo gọi là Emir. Các Emir là lãnh tụ cả về tôn giáo lẫn chính trị và áp dụng chế độ chuyên chế. Họ sống cô lập, hạn chế tiếp xúc với ngoại quốc để chống sự xâm nhập của Thiên Chúa giáo. Tước vị và của cải được lưu truyền từ đời cha qua đời con. Càng về sau miền Bắc của Nigeria càng trở nên cô lập hơn, dân nghèo khó ít học hơn. Phía Tây Nam của Nigeria , đa số là người Yoruba sinh sống. Chế độ chính trị của họ cũng gần giống như chế độ của người Hausa ở miền Bắc; họ tuân phục những vị tiểu vương Oba nhưng chế độ này ít chuyên chế hơn. Họ có thể thăng tiến trong xã hội nhờ tài nghệ hay của cải. Sự giàu có hay chức vị không bị bắt buộc phải theo hệ thống cha truyền con nối. Người Igbo sống ở vùng Đông Nam bao gồm khoảng hơn 600 bộ lạc độc lập, tự trị, và theo chế độ dân chủ. Mọi chuyện quan trọng đều được mang ra thảo luận và bình bầu ở sân làng. Người dân Igbo có quyền tham gia ý kiến vào những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh tồn của chính họ và của bộ lạc. Anh quốc áp dụng chính sách chia để trị, lợi dụng sự khác biệt về phong tục, ngôn ngữ và sự tự hào của ba miền để gây chia rẽ nội bộ. Các tiểu vương Emir nộp thuế cho chính quyền Anh để được bảo vệ chống sự xâm nhập của Thiên Chúa giáo. Vì thế các nhà truyền giáo hoạt động ở khu vực phía Nam của Nigeria . Dân Igbo và Yoruba tiếp cận với nền văn hóa mới của chính quyền bảo hộ Anh. Họ cho con đi học các trường đại học ở nước ngoài nhiều hơn và khuếch trương các hải cảng để giao dịch thương mại. Người Igbo ở vùng Đông Nam trở nên giàu có, thịnh vượng và hấp thụ văn hóa Tây phương. Người ta khám phá ra những mỏ dầu lớn ở khu vực sông Niger . Vào những năm 40 và 50, người Igbo và Yoruba là những lực lượng tiên phong giành quyền độc lập cho Nigeria . Năm 1960, người Anh trao trả quyền độc lập cho Nigeria . Họ chủ trương thống nhất quốc gia và chia làm các tiểu bang để quản trị. Người miền Bắc của Nigeria e ngại rằng dân Igbo sẽ chiếm thế thượng phong trong việc điều hành chính quyền vì họ có nền học vấn tân tiến, có khuynh hướng cởi mở với Công giáo và Tây phương, do đó cương quyết tiếp tục chia Nigeria làm ba miền như trước. Năm 1965, có một cuộc nổi loạn, khoảng 30.000 người Igbo bị giết và cả triệu người phải chạy loạn.  

Còn tiếp