Xem phim Under the Tuscan Sun

Đinh Hùng than rằng “Ta từng có những buổi sầu ghê gớm.”  Với tôi thì tôi từng có những buổi lười ghê gớm.  Liên tiếp hai ngày cuối tuần tôi chẳng viết được gì, đầu óc lao đao với bao nhiêu là ý nghĩ.  Khi nào tôi có hai ba ý nghĩ trong đầu mà tôi muốn viết là tôi như chai bị nghẹt cứ rót mà nước trong chai không chảy ra được.  Và tôi chỉ nằm xem phim hay nhìn lên ngọn cây ngắm trời.  Hôm nay trời rất ấm, rất đẹp.  Tôi lười đến độ không đi bộ, chỉ ngồi đó ngắm cây.  

Continue reading Xem phim Under the Tuscan Sun

Good night, the World!

Tôi đi ngủ nhé.  Với các bạn ngày vừa bắt đầu.  Tôi ngủ như gà ấy, trời chạng vạng là gà vào chuồng.  Chỉ khoảng hai ba giờ sáng là tôi làm chuột chạy vòng quanh nhà đôi khi tìm thức ăn.  Trước khi đi ngủ xin kiểm sơ ngày hôm nay tôi đã làm gì.  Như một đào cải lương trước khi chết còn ca ba câu vọng cổ.  

Sáng tôi đi thư viện mang về một lô phim và phim tài liệu về khiêu vũ.  Tôi muốn viết một bài về tango.  Từ thư viện ra tôi đi chợ, về nhà tôi đi bộ khoảng một giờ.  Ăn tối là bánh cuốn người ta tráng sẵn mua ở tiệm Tàu tôi chỉ hấp giá, thái giò lụa, và rau thơm.  Nước mắm đã pha sẵn từ trước.  Thường thì ăn bánh cuốn người ta dùng lá quế hay húng.  Tôi vì muốn trồng một ít rau răm nên mua rau răm về ngắt ngọn, lấy gốc đem trồng, còn ngọn thì ăn bánh cuốn.  Hì hì, người lười biếng nên ăn gì cũng được miễn là không mất công mất thì giờ với chuyện ăn.  

Xem phim Love Story.  Ali McGraw và Ryan O’Neal trông rất đẹp.  McGraw có đôi chân dài như chân cò.  Bây giờ già xem lại thấy phim có vẻ cải lương quá.  Hì hì.  Yêu có nghĩa là không bao giờ phải nói rất tiếc.  Ngày xưa người ta dịch thế.  Tôi nghĩ nếu tôi dịch có lẽ tôi sẽ nói khác đi.  Yêu có nghĩa là không bao giờ phải nói lời hối tiếc.    

Hết Love Story tôi xem Girl with a Pearl Earring nói về một cô gái đẹp làm đầy tớ cho gia đình của một họa sĩ danh tiếng.  Vì cô quá xinh đẹp nên tạo cảm hứng cho họa sĩ vẽ và bẩm sinh cô cũng có năng khiếu mỹ thuật.  Và vì thế vợ của họa sĩ lên cơn ghen và đuổi cô ra khỏi nhà.  Bà vợ gào lên tại sao anh không vẽ tôi.  Trời, tại vì bà vợ sau bảy lần sinh đẻ đã hết đẹp nên không còn gợi cảm hứng nữa.  Cái đẹp khi đã bị sở hữu rồi thì không còn hấp dẫn nữa.  Và tôi lại xem phim về du lịch Turkey lần nữa.  Mỗi lần xem khám phá ra thêm một vài chi tiết mà lúc chưa đọc quyển Snow không thấy nó quan trọng. 

Hoa dại

1

Đây là hoa tường vi, có người gọi là tỉ muội vì nó thường hay mọc thành đôi, một cái lớn và một cái nhỏ hơn.   Hoa có mùi thơm hăng hăng và rất nhiều gai.  Đây là loại hoa đã được nhắc đến trong bài hát Cô láng giềng mà chúng ta có một thời yêu thích, và vẫn còn yêu thích.  “Đôi ta cùng đứng bên bờ tường vi, em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi…”  Rất dễ hiểu là người đi xa về làng từ xa chỉ nhìn thấy màu tường vi bởi vì nó chói chang sáng rực trong nắng hè.  Ở đây tường vi nở từ đầu hè cho đến cuối hè.  Đằng sau nhà tôi có vài bụi nhưng hình như không còn nữa vì khi cắt cỏ cắt nhầm.  Trên đường đi bộ, ở một khoảng đất bỏ hoang sát xa lộ 22 tôi bắt gặp vạt hoa này nên trở về nhà lấy máy ảnh đến chụp.

2

Đây là hoa honeysuckle, còn gọi là kim ngân.  Tôi đặt cho nó tên hương mật.  Hoa mọc nhanh, thân dây leo nên có thể leo bất cứ nơi nào.  Ở những nơi không có dây leo chúng bò lan trên mặt đất.  Dọc theo đường xe lửa có những bãi đất rộng bát ngát chỉ toàn hoa này.  Hoa rất thơm nhất là vào buổi tối tương tự như mùi ngọc lan nhưng dịu dàng hơn.  Hoa nở trông giống như Tinker Bell một cô tiên bé trong truyện thần tiên  Peter Pan.  Tôi thường tưởng tượng trong đêm hoa cất cánh bay theo những con đom đóm và cất tiếng hát như tiếng phong linh thoang thoảng.

3

Còn đây là hoa peony còn gọi là mẫu đơn.  Gọi là mẫu đơn vì nó được xem là mẫu nghi của các loại hoa.  Ngày xưa không nhớ là thời nào, theo trí nhớ mù mờ của tôi có thể đó là Võ Tắc Thiên, xuống chiếu ra lệnh vào ngày nghênh xuân tất cả các loại hoa trong kinh thành và trong vườn Thượng uyển đều phải nở để chào đón bậc mẫu nghi thiên hạ.   Vào đầu xuân hoa bắt đầu nở tuy nhiên năm ấy trời lạnh, và hoa mẫu đơn thường nở vào cuối xuân hay đầu mùa hè.  Các quan cuống cuồng, phải đốt lửa để cho không khí ấm hơn và kích thích cho hoa nở nhiều hơn.  Duy có mẫu đơn như để tỏ lòng bất khuất phục vẫn không chịu nở.  Võ Tắc Thiên ra lệnh đày hoa đến vùng xa xôi Hàng châu và từ đó về sau Hàng châu nổi tiếng về hoa mẫu đơn, và hoa mẫu đơn nổi tiếng là … cứng đầu.  Hoa mẫu đơn rất thơm và có lẽ vị rất ngọt nên hay bị kiến ăn.  Khó trồng vì hễ trồng sâu quá hoa sẽ không ra hoa, nhiều nắng không chịu, sau một cơn mưa là hoa sẽ bị gãy gục vì quá nặng mà cành lại yếu.

4

5

7

6

Em tôi

Mây buồn dấu nắng ở đâu
Để mưa nặng hạt em lâu chưa về
Ước gì là gió mùa hè
Xua mây mưa để nắng về em tôi
Ước gì gió thổi mây trôi
Để cho tôi ngắm mặt trời em tôi  

 

Đây là một bài hát tôi tình cờ nghe, không hiểu tôi có nó từ lúc nào chỉ biết nó ở trong ipod, không biết tên tác giả, cũng không biết tên ca sĩ.  Bài hát rất chậm, lập đi lập lại nên dễ chép lại.

Tôi đi ngủ lúc 8:30, nhìn ra cửa sổ thấy còn chút ráng sót lại.  Đến 2 giờ thức giấc, không biết làm gì nên đi viết blog.

 

Chỉ còn cỏ mọc bên trời

Buổi trưa sau khi ăn trưa tôi thường đi bộ vòng quanh phố gần chỗ làm.  Trên đường, ngang qua một bãi đất trống khá rộng dọc theo bờ sông, có lẽ người ta dự định làm bãi đậu xe nhưng chưa làm.  Ở trong một thành phố giáp với thành phố New York đất rất là mắc vì thế người ta tận dụng không chừa chỗ trống.  Tuy nhiên có một chỗ bỏ hoang cỏ dại mọc um tùm, chim chóc đậu đầy cũng là một chuyện hiếm hoi.  Và ở cái chỗ bỏ hoang này tôi đếm được hơn chục loại cỏ dại, loại nào cũng khoe hương sắc của mình nên nở hoa.

Có câu thơ:

Chỉ còn cỏ mọc bên trời
Một bông hoa nhỏ
Lặng rơi
Ướt đầm

Hoa gầy bãi đông

Ngày còn đi học tôi yêu thơ Phạm Thiên Thư.  Tôi nghĩ thơ của Phạm Thiên Thư người ta dễ thích vì thơ của ông toàn những hình ảnh đẹp của hoa bướm hạc trăng.  Cũng tương tự người ta dễ thích văn của Tolstoi hơn là văn của Dostoievski bởi vì Tolstoi thường hay viết về giai cấp giàu có với lầu đài, các phu nhân, quận chúa như trong Anna Karenina trong khi Dostoievski hay viết về thế giới nghèo khổ tội ác như quỷ ám. Tội ác và trừng phạt.

Đi bộ gặp cỏ dại chụp một lô hình toàn cỏ dại nhưng yahoo plus không thuận tiện để tải hình, vừa châm lại vừa mất connection hoài.

Chợt nhớ hai câu thơ của Phạm Thiên Thư

Nhớ đành biết mấy tầm tay
Lông chim biển Bắc, hoa gầy bãi đông

Sao Mai, sao Hôm

Tôi có những thói quen bất thường.  Chín giờ rưỡi tối, mắt ríu lại, leo lên giường ngủ tuốt.  Ba giờ rưỡi sáng giật mình thức giấc, như thể ngủ sáu tiếng là cũng đủ rồi, lò dò đi xuống nhà, không biết làm gì vào mạng đọc thư, đọc báo, sửa những lỗi lặt vặt của bài viết.  Bốn giờ lên ngủ tiếp.  Trời đổ một trận mưa to như trút nước.  Không có chữ nào diễn tả đúng hơn là mưa lũ trên ngàn.  Nằm nghe tiếng mưa trên lá rào rạt, tưởng tượng nước chảy không kịp tạo thành những con suối chảy trên đường mang theo cỏ lá và cả đá cuội.  Nhà ở đây đa số có ngăn tiếng động ít nghe âm thanh bên ngoài ngoại trừ khi mở cửa sổ.  Nếu nghe được tiếng mưa thì mưa phải to lắm.  Ngủ đến năm giờ còn muốn ngủ nữa nhưng đã đến giờ chuẩn bị đi làm. Thèm viết một cái gì đó nên viết vài dòng, ghi lại ý nghĩ cơn mưa đầu ngày.  Tháng Sáu trời mưa.  Trời mưa không dứt.  Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa.  Anh lạy trời mưa che kín lối em về…  Ối ông Nguyên Sa này vớ vẩn.  Mưa mà em mắc mưa cảm lạnh sưng phổi thì chết.  Hề hề.  Chúc mọi người một ngày vui.  Ở bên kia thì trời đang vào đêm, ở bên nay có người đang say ngủ.  Tôi làm sao Mai và các bạn làm sao Hôm nhé.

Nhớ Anh Suốt Đời

chim trong đám lá

Chú chim robin đang hót một mình “Ta ở trời Tây nhớ trời đông.  Nhớ từng sợi khói bay phiêu bồng (Thơ Kim Tuấn)”  Hay “lòng cuồng điên vì nhớ ôi đâu người đâu ân tình…”

nắng xanh

Nắng xanh.

Hôm qua nói chuyện với một người bạn lớn.  Tôi cứ giục anh thôi anh đi uống cà phê đi, sau đó tôi đi chợ mua thức ăn.  Chợ farm nối liền với một trại bán hoa nên tôi thơ thẩn vào xem hoa và chụp ảnh.  Đang đi tôi bỗng nghe giọng hai người nói chuyện với nhau ở bên kia hàng tùng rất cao, người ta đã chiết ra thành từng chậu chỉ cần mang về đào lỗ chôn gốc xuống mà trồng.  Giọng người đàn ông trầm ấm có vẻ đùa cợt “Then, you’ll forget me!” Người kia trả lời, giọng cao rất trẻ vẻ nũng nịu.  “I’ll miss you until the end of my life.”  Ha, nghe có vẻ tình tứ làm tôi tò mò muốn xem hai người đang trò chuyện.  Tôi đi vòng qua phía bên kia hàng tùng.  Hai người đã thốt lên câu nói trên là hai người già.  Tôi không thấy mặt người đàn ông, nhưng giọng nói có vẻ trẻ trung.  Còn người đàn bà là một bà cụ đâu chừng 70 hay hơn vẻ móm mém dù đã có mang hàm răng giả.  Tôi đi chỗ khác suy nghĩ và, cười.  Tôi không biết câu chuyện bắt đầu như thế nào và vì sao người đàn ông nói “Rồi em sẽ quên anh.”  Tiếng Anh có một điểm thú vị là nó không phân biệt danh xưng.  Chữ you có thể muốn hiểu sao cũng được.  Ở đây tôi xin dùng chữ em để chỉ bà cụ.  Rất có thể người đàn ông kia nhỏ hơn bà cụ chừng một con giáp.  Tuy nhiên tôi nghĩ là bà cụ nói thật khi bà tuyên bố “Em nhớ anh suốt đời.”  Vì bà đã già đến thế thì ngày cuối cùng của bà không mấy xa, có thể năm năm hay có thể đêm nay hay đêm mai.  Và vì thế chắc chắn bà sẽ nhớ người đàn ông kia đến suốt cuộc đời.  Và tôi nghĩ người đàn ông có thể cũng có nhiều dụng ý.  Rồi em sẽ quên anh.  Xem chừng trí nhớ của bà cụ cũng đang phai tàn. Tôi lẩn thẩn nghĩ đến cách dùng của tiếng Anh và tiếng Việt.  Bà cụ dùng chữ miss nên tôi dịch là chữ nhớ.  Thật ra chữ nhớ của tiếng Việt có hai nghĩa.  Nhớ có thể là remember, nhớ cũng có thể là miss.  Miss là nhớ trong đó có tình cảm, tình thân.  Thí dụ như:

Nhớ ai như nhớ thuốc lào.
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.” Hay như:

“Anh nhớ em, em hới anh nhớ em
Không gì hơn bằng những buổi chiều đêm
Mà ánh sáng lan dần trong bóng tối.”

Remember là nhớ nhưng không hẳn là có tình cảm, có thể có nhưng cũng có thể không, phần lớn được dùng như công dụng của bộ óc.  Nhớ không có tình cảm như bố bảo “Nhớ đổ rác.”

Tôi chỉ còn nghỉ hôm nay, ngày mai sẽ đi làm trở lại.  Viết xong bài này là tôi sẽ bắt đầu chăm chỉ viết bài điểm sách và rất có thể sẽ vắng mặt trên blog vài ba hôm cho đến vài ba tuần.  Blogging đối với tôi cũng giống như chơi sudoku hay chơi ô chữ.  Có thể ghiền và rất mất thì giờ.

Mộng Ngoài Cửa Lớp

Hôm qua viết bài có một chi tiết định kể nhưng lại quên, đó là vào giờ Hóa buổi chiều bên ngoài cửa sổ bên trái là hàng rào làm bằng cây hoa dâm bụt còn gọi là hoa lồng đèn.  Giờ học khó, thầy dữ nhưng tôi bản chất mơ mộng cứ ngồi ngó ra ngoài nhìn những hoa lồng đèn đỏ đong đưa trong nắng và nghĩ tới thơ Đinh Hùng nào là “hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp”  hay là “là học trò nhưng không sách cầm tay, có tâm sự đi nói cùng cây cỏ” hay là “ta bước đi chân vẫn dạo bên người, ngoài cặp sách trần ai xem cũng nhẹ.”

Thời của chúng tôi và cả thế hệ đàn anh của chúng tôi là thời của lãng mạn của mơ mộng.  Tôi đang định đổ thừa ông Duyên Anh đã làm báo Tuổi Ngọc làm mê hoặc tuổi trẻ của chúng tôi.  Nhưng chợt nhớ ra là có những người ở tuổi đàn anh, thí dụ như anh tôi lớn hơn tôi gần hai mươi tuổi, cũng lãng mạn không kém.  Anh tôi là người chép những bài thơ tình vào vở.  Nhưng ông Duyên Anh là người đổ dầu vào lửa làm cháy thêm ngọn lửa lãng mạn trong tôi và rất có thể nhiều bạn bè khác.  Những câu thơ tôi còn nhớ đến bây giờ là do đọc những bài thơ ông đã đăng hay nhắc nhở.  Chúng tôi sống giữa bom nổ đạn bay và những bài thơ tình là những viên thuốc giúp người ta quên đi thực tại.

Hai người thầy dạy Hóa học

Hôm nay trời đẹp, nắng ấm.  Một đôi lúc trong ngày trời âm u như muốn đổ mưa nhưng chỉ một lúc sau là có nắng trở lại.  Trên đường đi bộ thấy có một vuông đất bỏ hoang cỏ dại mọc đầy nhưng lẫn trong cỏ có một bụi hoa mẫu đơn nở xum xuê.  Bụi hoa mẫu đơn trước nhà tôi chỉ mới mọc vài lá, có vẻ èo uột chừng như không sống lâu.  Tôi rất thích những lần đi bộ một mình.  Khi đi bộ tôi thường nghĩ ra đề tài để viết. 

Tôi mở blog này với ý định trò chuyện với các bạn học cũ và hy vọng biết thêm bạn mới.  Thỉnh thoảng nhắc lại chuyện thời còn đi học cũng vui.  Tôi bây giờ nhớ chuyện thời xa xưa nhiều hơn chuyện hiện tại.  Mỗi buổi sáng đi làm vào trong cơ quan tôi phải cầm thẻ nhân viên kéo rà qua máy điện tử để “check in” và mười sáng thì có hết chín buổi đã vào đến bàn làm việc tôi phải trở ra để tự kiểm lại xem mình có quên check in không.  Và cứ mười lần kiểm soát như thế là có chín lần tôi đã check in mà không nhớ.  Tôi vốn đãng trí hay quên từ nhỏ nên tôi không biết có phải mình đã bắt đầu bị lẫn hay chỉ vì lơ đãng không chú ý.

Thế thì bây giờ ôn lại chuyện cũ bởi vì không biết bao giờ mình sẽ không còn nhớ.  Chuyện ngày xưa ở trường trung học thì có bạn và thầy cô.  Bây giờ nói chuyện thầy cô trước nhé.  Có rất nhiều thầy cô nhưng cô giáo tôi nhớ nhiều nhất là cô Hoàng Thị Doãn dạy toán năm lớp 8 cho đến lớp 10.  Nhớ đến cô nhiều nhất vì cô có nét mặt rất lạ, dáng người cô cao lớn, cách ăn mặc rất sang, rất đúng mốt.  Cô thích mặc áo dài không có cổ, quần lụa trắng hay lụa cùng màu với áo, da cô trắng, cô mang giày dây sandal và chân cô gót đỏ có nốt ruồi.  Tóc cô quấn cao có cái đuôi như kiểu đuôi tóc thò ra dưới khăn mỏ quạ.  Ấy chết, cô không quấn khăn mỏ quạ đâu nhé.  Tóc cô vấn quanh đầu trông rất hay.  Nhưng mà cô ác lắm.  Hề hề.  Cô ác ở chỗ là cô hay đọc bài làm kiểm tra điểm từ thấp đến cao.  Tôi cứ khẩn cầu ông bà là đừng nghe tên mình sớm quá nhưng khổ nổi tên tôi bao giờ cũng nằm trong 5 hay 6 người đầu tiên.  Đến năm lớp 10 tôi tự học toán trước ở nhà nên có tiến bộ làm cô khá ngạc nhiên.

Tôi không nhớ còn cô nào đã dạy lớp tôi không.  Chỉ nhớ có một cô hình như tên Tuyết chủ nhiệm ban báo chí đã không cho đăng bài tôi viết trong báo xuân của trường và có một bạn nào đó trong ban báo chí bỏ vào đăng đại vì thấy là bài hay.  Trời ơi, lúc đó sao mà tôi kiêu căng về văn chương hạng bét của tôi đến thế.

Tôi nhớ thầy Vui dạy vạn vật, rất nhỏ người, da ngăm đen, giọng nói rất dịu dàng.  Tôi nhớ thầy San dạy Anh văn rất đẹp trai, và thầy còn nổi tiếng nhờ đàn hay và là anh của nhạc sĩ kiêm ca sĩ Quốc Dũng.  Tôi nhớ thầy Tự dạy toán năm lớp 12 nổi tiếng nhờ thầy biết xem bói.  Thầy xem tướng tôi và bảo rằng tôi phải rất là vất vả mới thành công.  Cố gắng 10 phần thì chỉ được hưởng kết quả của mình 7 phần.  Từ khi qua Mỹ có những năm tôi cố gắng rất nhiều.  Nhớ lời thầy xem bói cố gắng 10 phần thì được hưởng 7 phần, tôi đã cố gắng 120 phần trăm.  Kết quả: đủ ăn đủ mặc.  Tôi nhớ thầy Trần dạy Sử Địa.  Mỗi lần có chi tiết nào quan trọng thầy gõ ngón tay lên đầu nhè nhẹ vào bảo các em phải cố ghi nhớ cho nó in vào trong óc của các em.

Thưở ấy tôi chỉ muốn học môn văn thôi cho nên các môn Toán, Lý Hóa, Sinh ngữ, Công dân và Sử Địa tôi rất chán không muốn học.  Vạn vật thì không đến nỗi nào nhưng tôi ghét nhất là bị bắt vẽ.  Trời ơi sao tôi chẳng có khiếu vẽ chút nào.

Trong tất cả các thầy cô, người mà tôi nhớ nhiều nhất là thầy Đinh Thế Vinh.  Nhớ ngày ấy sao thầy dữ quá.  Thầy chửi mắng học trò tàn tệ.

Giờ Lý Hóa thường vào buổi chiều.  Học buổi sáng xong các bạn ở gần về nhà ăn cơm ngủ trưa.  Tôi ở xa mãi trong ruộng Tân Qui Đông nên phải ở lại trường, giở lon gigo cơm ra ăn.  Khắp trường không có một chỗ có bóng mát để ngồi.  Trời nóng phải ngồi ngoài mé tường nắng hắt vào trong mặt.  Giờ học dường như 2 hay ba giờ chiều, giờ nóng nhất và buồn ngủ nhất.  Thầy lái xe hơi, da trắng xanh, tóc bóng dầu.  Tôi thấy cả những vết gầu dính vào trong tóc vì hình như thầy bị gầu nặng lắm.  Thầy có dáng rất thư sinh, mảnh khảnh dạy cả Vật Lý lẫn Hóa Học.  Trong lớp có nhiều học sinh giỏi… hơn tôi.  Bài kiểm tra hóa học đầu tiên không hiểu sao tôi được điểm cao.  Cùng được điểm cao với tôi có Nguyễn Mười.  Tôi vẫn còn nhớ mặt Nguyễn Mười.  Đi học Mười thường mặc áo vàng, quần nâu hay quần xanh rêu.  Nhóm của tôi có một vài bạn gái thích Nguyễn Mười học giỏi nên thường hay ghép đôi Mười với một bạn gái học cũng rất giỏi trong lớp.  Thầy Vinh có một hôm không biết cáu chuyện gì, bước vào lớp thầy đã lên lớp chửi cả lớp sa sả.  Và thầy giở sổ kiểm bài đứa nào điểm cao bị bắt lên bảng trả bài.  Chẳng có gì, thầy bắt vẽ nguyên tử hydrogen và nguyên tử helium.  Một cái thì có một hạt proton, cái kia có hai hạt.  Tôi dám cá là lúc ấy cả lớp bạn nào cũng thuộc bài cả nhưng vì thầy mắng quá và chúng tôi cũng chẳng biết ý thầy muốn gì nên ít bạn nào làm trúng.  Bị thầy đuổi về vừa sợ vừa quê.  Ấy thế mà thầy làm thơ nghe cũng mùi ghê lắm.

Em đi bỏ lại kinh kỳ
Đường xưa lối cũ anh đi một mình
Nét buồn gợn trán băng trinh
Tiễn nhau chẳng rượu ly đình cũng say.

Mấy mươi năm sau tôi vẫn nhớ cách thầy hay chửi, chửi như hát hay.

Khi qua Mỹ tôi vẫn sợ môn Hóa nên học chăm chỉ lắm.  Thầy dạy Hóa của tôi, Dr. Fox là một người da đen rất yêu học trò.  Trong lớp có một vài học trò nghèo ông nâng đở khuyến khích học.  Cách ông dạy thường là khen khi chúng tôi làm đúng và bỏ tiền riêng ra làm giải thưởng cho học sinh.  Giải thưởng không nhiều nhưng chúng tôi luôn muốn làm thầy vui lòng. Tôi thường mượn bài về học trước nên dù chưa nói tiếng Anh rành tôi vẫn theo kịp.  Có thể nói thầy Vinh có công vì nhờ thầy tôi biết môn Hóa không phải là môn khó nhưng cần phải chú tâm học kỹ.  Và tôi vẫn âm thầm so sánh hai người thầy dạy tôi môn Hóa học.   

 

Chuyện dông dài không đầu không đuôi

Tối qua tôi đi ngủ tương đối đúng giờ và ngủ khá ngon.  Thức giấc lúc 2:30 sáng nhưng chừng mười lăm phút sau ngủ lại được.  Sáng nay dậy muộn.  Tôi mở mắt thì nắng đã lên cao.  Bóng lá in vào cửa sổ thành những chùm hoa nắng nhảy múa lung linh.  Bên ngoài cửa sổ chỉ toàn hai màu, xanh lá cây và xanh da trời.  Hai màu xanh này biến dạng từ sẫm đậm đến thoáng nhạt tạo thành một bức tranh dịu mắt.

Tôi quấn mền như một con sâu nằm trong kén, lười biếng.  Tôi có cảm tưởng như mình là một đứa trẻ Home Alone không bị ai kềm kẹp, chuyện ăn ngủ không theo giờ giấc bình thường, sáng ngủ dậy không phải gấp mền, thay vì nghĩ hôm nay phải nấu món gì tôi nghĩ làm thế nào tôi có thể viết hết những điều nhảy múa trong óc tôi như những hoa nắng lung linh trên cửa sổ.  Viết, đối với tôi bao giờ cũng là một hạnh phúc, nhất là tôi không phải viết theo ý ai hay phải đắn đo tự hỏi viết như thế nào thì hay.

Tôi sống giữa những người tài giỏi và thông minh hơn tôi nên bất cứ những gì tôi làm ra tôi phải dấu nhẹm đi.  Món ăn hay viết văn hay trang điểm hay trang trí.  Lúc nào tôi cũng bị chê bai và phê phán do đó tôi không muốn cho người chung quanh biết tôi nghĩ gì làm gì.  Người viết văn cũng như ca sĩ, bao giờ cũng muốn có người nghe mình, đọc những điều mình viết.  Nhưng hễ bẩm sinh mình là loài chim biết hót thì trước sau gì cũng phải hót cho dù chẳng ai nghe.  Hễ sinh ra đời làm loại cá bay thì thế nào cũng phải bay, cho dù bay rồi rơi lên bờ, cạn nguồn sống và phải chết.  Những người trình diễn vì lời khen nếu không có tiếng vỗ tay thì họ sẽ thôi diễn.  Những người cần phải nói lên tiếng nói ứ nghẹn trong tâm hồn thì họ sẽ chờ cho có lúc nào không còn bị ai bắt mình câm nín họ sẽ nói cho thỏa lòng. 

Hôm nọ xem tin tức đâu đó thấy có một nhạc sĩ chơi violin danh tiếng ra đứng giữa nhà ga để biểu diễn một mình.  Không mấy người nhận ra tài năng của ông và ông cũng không thâu được tiền.  Chỉ có một hay hai người đủ kiến thức để nhận ra tài năng của ông và nhận ra ông là một danh cầm của thế giới.  Ông nói rằng ông không phiền là không ai biết đến ông.  Ông chỉ thấy sung sướng được chơi những bản nhạc mà ông yêu thích.  Tuy nhiên Bá Nha bao giờ cũng hạnh phúc có một Tử Kỳ.

Từ sáng đến giờ tôi lẩn thẩn với những chuyện không đầu không đuôi.  Tối qua bắt đầu gom những ghi chú để viết bài điểm sách quyển Tuyết.  Rồi thì tôi lan man đọc qua những cuộc thánh chiến, những thập tự chinh, tranh chấp của Hồi Giáo và Thiên chúa giáo, lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng vẫn chưa bắt đầu.  Bắt đầu một bài viết bao giờ cũng khó khăn.  Đáng lẽ tôi nên dùng thì giờ đi bát phố như có người đề nghị.  Tôi đã chán bát phố lắm rồi.  Tôi đã có tất cả những gì mà một người phụ nữ trung lưu thèm muốn.  Có đến độ thừa mứa và lãng phí và thấy vật chất chỉ làm cho tôi cảm thấy bị tù đày ràng buộc.  Bạn hỏi có phải tôi hạnh phúc.  Tùy theo người định nghĩa hạnh phúc.  Tôi có cái hạnh phúc của một quận chúa bị giam giữ trong luật lệ nguyên tắc.  Tôi ngồi trong lâu đài mà mơ làm một tên mục đồng cỡi con ngựa hồng rong chơi.  Tôi thèm được đến chỗ nào không còn ai biết đến mình để không ai để ý là mình già hay trẻ, xấu hay đẹp, giàu hay nghèo.  Tôi thèm một mình một ngựa (sắt) đến những nơi hoang dã chỉ có trời có biển có núi có mây.  Và phải có internet. 

Rừng Sau Nhà

1

Khách ở xa đến chơi, nhất là khách quen sống trong thành phố lớn, thường rất thích chụp ảnh rừng phía sau nhà tôi.  Đã nhiều cây cối như rừng thì rừng to hơn đi nữa cũng chỉ là rừng.  Thấy cây lá nhiều để thấm câu ca dao tạ tình, “Ngó sông sông rộng, ngó rừng rừng xa.” Hay tỏ tình, “Rừng bao nhiêu lá thương mình bấy nhiêu.”  Hay thách đố tình, “Đố ai quét sạch lá rừng để tôi van gió gió đừng rung cây.”

2

Hoa dại mọc khắp nơi, không biết là cây gì, có lẽ là một loại dâu dại hay táo dại.

3

Đây là hoa honeysuckle.  Hoa rất thơm và có vị ngọt.  Đợi cho hoa to hơn một chút nhưng chưa nở, sáng sớm ra ngắt hoa, ở cuối cuống hoa nếu vắt nhẹ sẽ tiết ra mật hoa.  Hoặc cho vào mồm, dùng lưỡi lừa vào trong cánh hoa và hút mật hoa sẽ thấy vị ngọt thanh, mát như giọt sương.  Tên việt của hoa là kim ngân nhưng tôi đặt cho nó là hoa Hương Mật dựa tựa đề bài thơ Rừng Hương mật của Vũ Hữu Định.  Người ta làm kem thoa da nhái theo mùi hương của hoa này và bán rất đắt tiền ở trong các hiệu bán đồ lót hạng sang như Victoria Secret.  Tuy nhiên mỹ phẩm hương rất nồng.  Hoa thơm sáng sớm và thơm nhất vào buổi tối.  Đi bộ buổi tối giữa ánh đom đóm lập lòe và hương của hoa thật là . . . tình tứ.

Choosing a Stone – Chọn Đá

Bài thơ của Nancy Willard cho người đọc nhìn thấy những suy nghĩ thầm kín qua hành động nhặt đá của những người trong bài thơ.  Bài thơ này trùng hợp với nhận thức của tôi khi tôi nói rằng người ta thường nhìn thấy những gì người ta biết.  Biết ở đây tôi muốn nói là nhận dạng những gì người ta đang suy tư, một ám ảnh nào đó, hay một kỷ niệm có khi thân thiết, có khi đau đớn.  Cũng như chụp ảnh vậy, chụp gì thì cũng là chụp ý nghĩ trong tâm hồn mình.  Những chọn lựa này là những chọn lựa vô thức.  Vì sao giữa bao nhiêu là đá mà người chỉ chọn viên đá này mà không chọn viên đá kia.  Giữa muôn vàn chữ nghĩa tại sao người ta viết về chuyện này mà không viết về chuyện kia? Thằng bé với sự tò mò háo hức sinh lý của thiếu niên, người đàn ông tìm cảm giác quen thuộc ẩn dụ trong hòn đá họ chọn.  Tuy nhiên thú thật tôi không hiểu cái chọn lựa của người đàn bà trong những câu cuối cùng.  Hiểu nhưng không chắc, và sợ là mình hiểu sai ẩn dụ của tác giả. 

Dịch nhất là dịch thơ là một hành động dại dột nếu không nói là điên rồ. Tại vì nếu dịch có giỏi thì bài thơ sẽ mất một phần hồn và nếu dở thì không ai hiểu bài thơ muốn nói gì.  Tôi không có năng khiếu về thơ, chỉ thỉnh thoảng đọc một bài, có thấy hay thì vì nó có âm điệu, hình ảnh đẹp hay hợp với tâm trạng của mình.  Còn bảo phân tích hay diễn giải thì tôi chịu chết.

Ở đây tôi xin lược dịch bài thơ theo lối tôi hiểu.  Nếu có ai chỉ chỗ sai thì tôi học hỏi thêm và sửa chữa lại.  

Bản dịch bài thơ Chọn Đá

Khi thủy triều rút lui rôi, để lại đá
trên bờ cát rộng.
Thằng bé chỉ chọn những phiến đá màu đen bị chia hai bằng một đường nứt màu trắng nhuyễn như sợi tóc,
như một gói đồ quá riêng tư không thể mở ra trước mặt mọi người
Mẹ của nó chỉ thu nhặt những viên đá giống như thức ăn:
những quả trứng thật to và khoai tây bằng đá đen
và ổ bánh mì có lớp vỏ bên ngoài lạnh ngắt.

Người đàn ông này săn những viên đá trắng,
nhẵn như một quả cây không tì vết
làm cho ông có cảm giác như nó dành riêng cho bàn tay của ông.
Ông nhặt một viên đã lên, sờ dọc theo đường nứt rất nhỏ.
ném nó đi.  Người đàn bà này để dành những viên đá
sắp sửa bị tận diệt.  Mỏng như tai mèo,
chúng bóng như những đồng xu đã mòn nhẵn
để lấy hên, trong chuyến vượt thoát.

Nancy Willard sinh ngày 26 tháng Sáu năm 1936, ở Ann Arbor, Michigan.  Bà là nhà văn viết cho thiếu nhi và cũng là nhà thơ.  Năm 1982 bà được giải thưởng Newberry Medal, một giải thưởng của hội Thư Viện Phục Vụ thiếu nhi.  Bà sống ở Poughkeepsie, New York và giảng thuyết ở Đại học Vassar.  Bà tốt nghiệp ở Đại học Michigan, được giải thưởng Hopwood dành cho học sinh xuất sắc về ngành văn.  Sau đó tốt nghiệp tiến sĩ ở đại học Standford.


The tide pulls back, leaving its cargo of stones
on the broad counter of sand.
A boy takes only black stones halved with a white thread,
like a parcel too private to open.
His mother gathers stones that mimic food:
two quartz eggs and a granite potato
and a loaf of bread with a cold crust.

This man hunts the white stones,
smooth as unblemished fruit
made, he feels, for his hand alone.
He picks one up, fingers a hairline crack.
Throws it back.  This woman saves stones
on the verge of extinction.  Thin as a cat’s ear,
they shine like coins rubbed faceless
for luck, for safe crossing. 

Nancy Willard

Giữa Hai Vì Sao

Lấy ý từ câu thơ “em có về ăn cưới những vì sao” của Hoàng Anh Tuấn.

Tôi nghỉ làm ngày thứ Sáu và ngày thứ Hai.  Định nói là được nghỉ nhưng thật ra là bị nghỉ.  New Jersey và một số tiểu bang thiếu ngân quỹ nên bắt buộc nhân viên (có liên hệ đến chính quyền) nghỉ không ăn lương (furlough).  California bị bắt nghỉ nhiều hơn New Jersey.  Tôi bị bắt nghỉ mỗi tháng một ngày.  Tôi lấy cuối tháng Năm đầu tháng Sáu cộng thêm hai ngày cuối tuần là được nghỉ bốn ngày.  Có nghĩa là có một tuần tiền lương của tôi bị giảm xuống 40 phần trăm.  Người Mỹ họ cằn nhằn than thở thậm chí chửi bới rất nhiều.  Tôi vốn an phận biết mình chẳng là gì nên tự an ủi, không bị đói, không bị lạnh, không bị ngủ ngoài đường, nên có nghèo thêm chút đỉnh cũng không sao.  Mất ngủ vài đêm tôi như người bị kiệt sức vì thế bị nghỉ vài ngày dưỡng sức có thể đây cũng là điều đáng mừng.  Có người hỏi nghỉ bốn ngày làm gì, tôi trả lời tôi sẽ làm biếng.  Có cơ hội được làm biếng là một hạnh phúc, phải không?

Thế là sáng nay thức dậy sớm như mọi ngày.  Thay vì vội vã chạy ra khỏi cửa, tôi mở nước nóng vào bồn tắm và nằm ngâm.  Nước nguội thì mở thêm nước nóng, cho đến khi tôi chán.  Bây giờ thì pha một ly trà nóng và như một vầng trăng soi bóng trên mặt hồ tôi soi hồn tôi trên mặt computer.  Thật là một hạnh phúc.

Trời đang mưa.  Mưa từ hồi 4 giờ sáng.  Mưa nhiều nên không nghe tiếng chim chắc là dúi đầu vào cánh của nhau mà ngủ.  Cánh rừng đằng sau nhà tôi dầy và xanh những lá che khuất hết khoảng trời không chỉ nhìn thấy lúc mùa đông.  Mưa nhiều cho giếng thêm sâu nhiều nước.  Nhà tôi dùng nước giếng.  Năm mới dọn về trời hạn hán lúc nào cũng sợ là thiếu nước để dùng. Tôi thức giấc lúc 2:30 trăn trở mãi không ngủ được, lò dò lang thang trên mạng đọc báo và đọc blog.  Cám ơn có người chúc ngủ ngon và dễ thương.  Nhận ra tính mình dễ ghét thật.  Cái tật nói thẳng luôn làm người ta phật ý.  Có lẽ nên tu hành nhiều một chút tập dễ thương để có người ca rằng may mà có em.  Cái yahoo plus này có gì trục trặc mà ăn hết cái danh sách người vào blog tôi.  Mở ra không thấy ai vào liên tiếp mấy ngày.  Chắc là không ai vào thật.  Không sao, đây chỉ là những chuyện bâng quơ mình nói mình nghe.

Tôi bắt đầu viết nhật ký năm tôi chín tuổi.  Anh tôi lớn hơn tôi mười chín tuổi mới cưới vợ.  Chị dâu tôi lớn hơn tôi mười tuổi.  Thầy giáo Nguyễn Hữu Luận dạy lớp ba bảo tập viết nhật ký để có thể làm luận văn hay.  Tôi rứt mấy tờ giấy đôi chính giữa tập, gấp lại lấy kim may thành một quyển sổ nhỏ để viết nhật ký.  Có lẽ tôi là một đứa trẻ cô đơn, vì thế những vui buồn lo âu của một đứa trẻ chín tuổi tôi đều viết vào nhật ký.  Người thích đọc nhật ký của tôi là bà chị dâu của tôi.  Tôi không muốn ai biết những thầm kín riêng tư của mình nhưng bà chị dâu của tôi khôn vàng trời, tôi dấu đâu chị cũng tìm được.  Tôi không xem blog là một dạng nhật ký bởi vì không ai dám nói những gì thầm kín riêng tư.   Ngay cả một suy nghĩ thật cũng chẳng ai dám phơi bày cho dù bên kia mặt hồ ảo không ai biết mình là ai.  Blog có cái duyên của nó.  Có lẽ vì thế mà quyển Diary of Bridget Jones là quyển sách bán chạy được quay thành phim bởi vì trong cái thú nhận những ngây ngô, lỗi lầm, mơ ước, hy vọng, và thất bại của tác giả viết dưới dạng nhật ký quyến sách làm cho độc giả tìm thấy một chút con người thật, tâm hồn thật của chính mình.

Thế là tôi có hai ngày extra để làm biếng.  Nhưng không biết phải làm biếng như thế nào đây.  Tôi đã đọc xong quyển Snow của Orhan Pamuk, nhà văn đoạt giải Nobel năm 2006.  Đọc và ghi chú cẩn thận.  Tôi có thể viết một bài điểm sách tuy nhiên muốn bài điểm sách có chất lượng tôi phải đọc một vài quyển khác cũng của Pamuk thí dụ như My name is Red, The White Castle và The Black Book.  Tuy nhiên nói thật tôi không có hứng viết về tác giả này.  Tuy là ông được giải Nobel nhưng văn ông đọc rất chán.  Khó mà nói quyển Snow là tác phẩm văn học, có nhà phê bình gọi nó là political thriller (sách trinh thám có tính cách chính trị).  Tôi chỉ thấy nó là một quyển sách thuần về chính trị như hai ba nhà chính trị sa lông ngồi đó bàn cãi với nhau nó thiếu tính chất quyến rũ lôi cuốn của một thriller.  Thriller là phải hấp dẫn như quyển Da Vinci Code hay một số sách của John Grisham, Tom Clancy, v.v…  Một người bạn của tôi cũng là người Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng bà thấy có nhiều tiểu thuyết gia người Thổ Nhĩ Kỳ viết hay hơn Pamuk.  Vì ông đã được giải Nobel, là một giải có giá trị tài chánh cao nhất và cũng quí giá nhất nếu nói về mặt phát biểu tiếng nói nhân quyền của nhân loại, không ai dám chê.  Bởi vì chê đúng thì người ta cho là minh ghen tị.  Còn chê sai thì lòi cái ngu dốt của mình.  Còn chưa hề viết quyển sách nào thì làm sao dám chê văn hào giải Nobel.  Nhưng nghĩ cho cùng, người ta không bắt buộc phải biết làm ra một chiếc xe để có thể nhận xét chiếc xe này đẹp hơn hay tốt hơn chiếc xe khác.  Dĩ nhiên cái này đẹp hơn hay tốt hơn cái khác cũng chỉ tùy theo cảm nhận của mỗi người.  Một trong những lý do truyện của Pamuk không hấp dẫn tôi là bởi vì tôi không nhìn thấy tiếng nói vận mệnh của dân tộc tôi trong đó.

Tôi đặt mua quyển The Noodle Maker nó đã đến được mấy ngày.  Alice Munro được trao giải Man Booker thế giới.  Tôi có truyện ngắn của bà.  Tôi có quyển Tân văn và Ngẫm Chuyện Nhân Sinh của nhà văn Vương Trùng Dương do chính tác giả ký tặng chưa đọc.Tôi muốn viết tạp ghi về hoa trúc đào và phù dung.  Phải chi có một vị đại ca nào đó ra lệnh hay đặt cọc viết một bài theo chủ đề gì thì chắc là tôi không phải suy nghĩ đắn đo. Làm biếng kiểu này hai ngày không thấm vào đâu.  Tôi vẫn thường ước ao được có người nuôi cơm ngày hai bữa để tôi có thể làm biếng và soi bóng mình qua mặt hồ ảo ảnh của văn chương.

Bây giờ là buổi sáng.  Những người tôi quen ở bên kia trời đang nghĩ gì làm gì?  Những người trên xe lửa đi đến cơ quan đang nghĩ gì làm gì.  Nơi tôi là buổi sáng thì ở đâu đó trên quả địa cầu hiện là bóng tối.  Tôi đang là sao Mai thì có người đang là sao hôm như trong một câu thơ mà tôi không còn nhớ tên tác giả “buổi sáng em là sao Sâm buổi chiều em là sao Thương và tôi mơ theo em suốt sáng suốt chiều”.  Hay một câu thơ khác “đang quân hoài qui nhật thị thiếp đoạn trường thì”.  Đọc thơ và nhớ đến thơ cho đời thêm thi vị chớ thật ra quân cũng chẳng hoài qui mà thiếp thì cũng chẳng có nỗi đoạn trường nào cả.  Những người đang ở bên trời đông có ai nghĩ nhớ đến những người đang ở bên trời Tây.

Cho người ở bên trời đang tối hay chưa sáng:

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương mấy trùng
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy hàng dâu
Hàng dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Quotes

“Chúng ta đọc thơ và làm thơ bởi vì chúng ta là thành viên của nhân loại, và nhân loại thì đầy đam mê.  Y học, luật pháp, thương mại, kỹ nghệ, tất cả đều đáng cho chúng ta theo đuổi và chúng rất cần thiết để duy trì cuộc sống.  Nhưng thi ca, mỹ thuật, tình yêu là lẽ sống của chúng ta.” – Tom Schulman

“Nhiệm vụ của nhà thơ là đặt tên cho những cái không thể đặt tên, vạch trần những điều giả trá, khởi xướng những cuộc tranh luận, sửa sang uốn nắn thế giới, và không để cho thế giới ngủ quên.” – Salman Rushdie

Sống Thật

Ở đây ( New Jersey ), một ngày như mọi ngày.  Hay nói theo nhạc sĩ Việt Anh, mỗi ngày là một ngày không tên. 

Nhưng ngày hôm nay hơi khác đi một chút. 

Mỗi sáng tôi vào thành phố, đi làm bằng xe lửa.  Đi sớm về tối, phần lớn thì giờ trong ngày tôi luôn luôn bị bao vây trong bốn bức tường từ nhà đến sở, ít có dịp nhìn thấy trời xanh mây trắng.  Thiên nhiên muôn đời vẫn có mặt chung quanh; nhưng loài người hình như quá bận rộn chuyện chén cơm manh áo hay lợi danh nên chẳng ai buồn để ý đến.  Còn tôi tuy chen chúc mưu cầu chén cơm manh áo, có lẽ vì bẩm sinh hơi khùng, nên thay cho nỗi thèm khát được ngắm nhìn mây trắng trời xanh, tôi quan sát người chung quanh, đặc biệt là trên xe lửa, hôm nào tôi không ngủ quên.  Tôi muốn bắt chước các vị nhiếp ảnh viên và họa sĩ, họ chụp ảnh hay vẽ chân dung người mẫu; thay vì dùng phim ảnh hay sơn, ở đây tôi xin dùng chữ viết.  Một ngày nào đó nhìn lại may ra còn nhớ chuyện gì đã xảy ra trong đời sống hằng ngày của mình.

Con người là sản phẩm của thói quen.  Điều này khá đúng với những người thường xuyên đi xe lửa.  Ngày nào cũng thế, xe lửa vào nhà ga ngừng sau lằn mức cố định.  Người người sắp hàng lên toa xe lửa ngồi vào một chỗ cố định.  Khách đi xe lửa tự chọn chổ ngồi theo một công thức riêng, âm thầm và hình như vô thức.  Người ta chọn chổ ngồi nào tiện lợi nhất và thoải mái nhất.  Có người thích ngồi gần cửa để xuống xe nhanh hơn để còn bắt kịp một chuyến xe lửa khác đến một thành phố khác.  Có người sắp đặt để ngồi cạnh một người quen nhau trên xe lửa trở nên thân nhau và yêu nhau.  Có người thích ngồi cạnh cửa sổ để được hưởng chút xíu nắng vàng vốn hiêm hoi ở xứ nầy.  Vẫn bao nhiêu người, vẫn khuôn mặt ấy, vẫn cách ăn mặc ấy.  Những thay đổi vụn vặt mỗi ngày hình như quá ít hay quá nhỏ để có thể gây chú ý.

‎Người đi vào thành phố làm việc ăn mặc tuy khác nhau, nhưng nếu nhìn quen thì chúng ta sẽ nhận thấy họ đang mặc đồng phục.  Phái nam làm việc trong văn phòng thì mặc com lê màu sậm, áo sơ mi trắng hoặc xanh.  Trang phục của phái nữ tuy  có nhiều dạng hơn nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ ngần ấy thời trang.  Họ càng theo đúng thời trang thì càng có vẻ của đồng phục. Nếu “mode” đang là micro skirt thì đi đâu cũng thấy váy mini cực ngắn.  Nếu thời trang đang thịnh hành loại quần trễ rốn thì đi đâu cũng thấy rốn phơi, thậm chí cả những cái rốn trên một vùng bụng đầy mỡ.  Buổi sáng sớm có nhiều khuôn mặt vẫn còn mệt mỏi ngái ngủ.  Mùa đông, mọi người đều mặc áo màu sậm trông giống như một đàn quạ đen di động.  Những người nói cười ong óng trên điện thoại di động nếu không phải là một cô gái mới lớn đang hớn hở vì những lời tán tỉnh thì phải là một anh da trắng sồn sồn có chừng chục người làm việc dưới quyền tha hồ cho ông xếp ra lệnh làm chuyện này chuyện kia.  Nếu người không chăm chú đọc tiểu thuyết thì người ta sẽ chăm chú gởi tin bằng điện thoại.  Nếu người ta không ngủ gục thì người ta yên lặng ngó bâng quơ.  Chắc là không ít những người tự hỏi những người kia nghĩ ngợi gì, làm gì tối hôm qua, có bao nhiêu yêu thương, và bao nhiêu buồn tủi? Tất cả mọi người đều có vẻ na ná  giống nhau như thể họ cùng là bánh mì lấy từ trong lò ra.  Những thay đổi vụn vặt màu sậm hơn hay nhạt hơn một chút vẫn không thể làm cho ổ bánh mì này khác với ổ bánh mì kia một cách rõ rệt.

Trong khi hầu như tất cả mọi người đều giống như nhau, tôi lại thấy có một người rất khác.

Thông thường người ta ít khi nhớ mặt một người có nhan sắc và càng dễ quên hơn nếu nhan sắc thuộc loại trung bình. Người ta chỉ chú ý và nhớ những người có vẻ gì đặc biệt, như một cái sẹo to trên mặt chẳng hạn.  Tôi chú ý đến một người vì người này có vẻ rất đặc biệt.  Tôi nhìn mãi nhưng không thể phân biệt được người ấy là nam hay nữ.  Có một mùa hè nào đó tôi thấy một người đi nhanh vượt qua mặt tôi rồi bước lên xe lửa.  Tôi lục tục theo sau và ngồi cùng một toa.  Từ lúc này để cho tiện viết tôi xin đặt tên cho người này là Morgan, một cái tên được người Mỹ dùng cho cả nam lẫn nữ.  Tóc Morgan màu vàng, quăn loắn xoắn từng lọn to, dài chấm vai.  Mới nhìn trông giống như kiểu tóc của những chàng ngự lâm quân thời xưa.  Ở Mỹ không thể dựa vào mức độ dài của tóc mà đoán người ta là đàn ông hay đàn bà.  Có rất nhiều phụ nữ cắt tóc thật sát thật cao, ngắn hơn tóc đàn ông.  Và có rất nhiều đàn ông để tóc thật dài, ngang vai là chuyện thường, cột lại thành đuôi gà, tết thành bím, dài chấm lưng quần, hay quấn chung quanh đầu.  Tóc dài hay tóc ngắn, người ta vẫn có thể nhận ra giới tính của họ dễ dàng.  Nhưng Morgan thì không như thế.  Luôn luôn tôi thấy Morgan mặc áo sơ mi rất rộng.  Áo sơ mi của Morgan có khi bằng vải Oxford, có khi bằng lụa rất mềm.  Morgan không đeo cà vạt như đàn ông hay chuỗi như phụ nữ.  Tôi thường thấy Morgan đeo những sợi dây quấn vào những viên đá xanh màu turquoise mà những người đàn ông da đỏ ngày xưa hay đeo và bây giờ phụ nữ cũng yêu chuộng. Áo sơ mi rộng thường được cho vào trong quần.  Tuy không đánh phấn nhưng hình như có một chút son rất nhạt trên môi.  Vì áo rộng quá nên tôi không biết chắc là Morgan có ngực hay không.  Tuy nhiên tôi cũng xin thú nhận là có nhiều người đàn ông vì quá mập nên ngực to như ngực phụ nữ.  Nếu Morgan là đàn ông thì mảnh mai quá.  Nếu là phụ nữ thì lép quá.  Chẳng những ngực lép mà mông cũng lép.

Morgan luôn ngồi một mình, không nói chuyện với ai, chẳng nhìn ai, cũng chẳng chào ai.  Có người đi xe lửa chung chỉ cho tôi biết và nói Morgan làm việc cho một hãng bảo hiểm rất lớn có cơ quan chính nằm sát bên cạnh cơ quan của tôi.  Morgan luôn mang giày thấp, không phải kiểu giày đàn bà, bước rất dài tóc bay bay.  Tướng đi của đàn ông nhưng lại phảng phất vẻ đàn bà.  Giỏ xách đựng thức ăn trưa cồng kềnh màu sắc rực rỡ đầy nữ tính.  Đàn ông đi làm dù có mang theo thức ăn trưa cũng giản dị hơn ít khi xách thức ăn đùm đề.  Có lần tôi thấy Morgan cầm chai nước ngửa mặt lên trời tu như Lệnh Hồ Xung tu rượu, tôi cho là Morgan là đàn ông.  Nhưng hai cánh tay thon dài không có bắp thịt ẻo lả như đàn bà.

Một hôm gió thổi mạnh ép sát lần áo lụa mềm và mỏng vào thân người của Morgan để lộ bộ ngực nhỏ sau lần áo nịt.  Morgan là phụ nữ.  Tôi nói điều tôi vừa khám phá với một người đồng hành và được cho biết Morgan là một người đàn ông cải giống bằng phương pháp giải phẫu và sử dụng kích thích tố nữ để phát triển bộ ngực đàn bà.

Tôi sống ở đây đã nhiều năm.  Những năm đầu ngôn ngữ bất đồng, cùng với bản tính ít nói nên tôi cô độc, dường như thế (thời còn trẻ tôi nói quá nhiều nên về già không còn gì để nói).  Lâu dần người bản xứ chấp nhận sự có mặt của tôi, nói chuyện dễ dàng hơn.  Tôi lẫn vào đám đông, như con cắc kè biến màu da lẫn vào môi trường.  Người ta dường như chấp nhận sự khác biệt về màu da và giọng nói ngoại quốc của tôi.  Nhưng xã hội có những điều quái dị lắm.  Họ chấp nhận sự khác biệt của tôi nhưng không chấp nhận sự khác biệt của Morgan.

Morgan đơn độc lắm.  Không ai muốn đến ngồi cạnh cô.  Không ai chuyện vãn với cô.  Ai cũng lảng tránh cô bởi vì cô khác biệt quá. Phái nữ không nhìn nhận cô là đàn bà.  Với họ cô vẫn là đàn ông.  Phái nam cho rằng cô không còn là đàn ông nhưng vẫn không thể xem cô đàn bà.  Tại sao cô phải trả một giá rất đắt như thế?  Ngoài chuyện trả tiền công bác sĩ và tiền thuốc uống mỗi ngày, còn một giá đắt hơn tiền là bị xã hội ruồng rẫy loại trừ cô như thế.  Có lẽ muôn đời tôi không thể nào hiểu được cái thôi thúc trong lòng của một người đàn bà mang thân xác của một người đàn ông.  Có thể Morgan không thể tiên đoán là xã hội sẽ lảng tránh mình.  Hoặc là tuy sự chấp nhận của xã hội quan trọng nhưng nếu mình được sống thật với chính con người mà định mệnh xếp đặt cho mình thì có chấp nhận cũng chẳng vui sướng gì.

Gần đây tôi có đọc quyển Catfish và Mandala của Andrew Pham (Phạm Xuân An) trong đó nhân vật có một em gái tên Chi.  Thưở nhỏ Chi thường hay bị chế nhạo vì cô không giống các thiếu nữ bình thường.  Cô dùng vải quấn bộ ngực của mình để dấu bộ ngực và mặc quần áo nam để giả làm con trai.  Chi bỏ nhà đi giang hồ về sau giải phẫu và biến thành đàn ông lấy tên Minh.  Vì không tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời cuối cùng Minh (Chi) tự tử.  Suốt đời tôi không thể nào tưởng tượng được cái thôi thúc trong lòng của một người mang thân xác đàn ông nhưng có tâm hồn và ước muốn là đàn bà hay ngược lại, có thân xác phụ nữ nhưng tâm hồn là phái nam.  

Tôi chưa lần nào nói chuyện với Morgan, cũng không định có ngày sẽ trò chuyện với cô.  Thỉnh thoảng xe lửa chật chỗ tôi vẫn cố tránh không ngồi cạnh Morgan dù tôi không hề có ác cảm với cô ta.  Hôm nay Morgan đến ngồi cạnh tôi, trông cô cũng đầy vẻ miễn cưỡng vì không tìm được chỗ để ngồi một mình. 

Tôi tự hỏi, nếu như tôi không có cái may mắn được là con người tự nhiên của mình, sinh ra là phái  nữ, biết và chấp nhận mình là phụ nữ, liệu tôi có dám sống cuộc đời của Morgan hay Chi (Minh) không?  Không phải ai cũng dám sống thật với chính con người của mình khi biết là sống thật với chính mình sẽ bị xã hội tẩy chay hay nguyền rủa. Tôi thầm phục sự can đảm của Morgan đã dám thay đổi để sống với con người thật của cô, cho dù xã hội chỉ tán thành cái con người cũ, mà đối với cô chắc là không thật.

Lâu đài Smithsonian

6 5 42 1
3Ảnh bên ngoài và bên trong cùng một vài triển lãm.  Ảnh thứ ba đếm từ trên xuống dưới là một đống kho tàng được để ngay giữa gian phòng rộng.  Đó là một thứ kho tàng mà chúng ta thường được nhìn thấy trong phim ảnh, loại kho tàng của cướp biển hay trong động sâu mà Aladin vào để tìm cái đèn thần.  Đây là một lâu đài được xây theo kiểu Medieval Revival, bên trong có phảng phất những nét của kiến trúc Gothic.

Thơ rằng
“Nhớ ai như nhớ quê nhà
Nhớ sông nhớ nước… cách xa nghìn trùng”

Ai đó có nhớ gì thì nhớ, chớ nói nhớ sông tui tưởng nói mỉa tui đó nghe.

Hôm nay mệt quá nên đi ngủ sớm.  Good night, World.

Hàng Rào Ngăn Thỏ

Năm 1859, Thomas Austin nhập cảng 24 loại thỏ và thả vào nông trại ở tiểu bang Victoria, hiện nay Melbourne là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của tiểu bang này.  Ông tin là một châu Úc rộng như thế một ít thỏ không làm hại gì mà có thể mang thêm vẻ sinh động.  Năm 1894  thỏ lan tràn khắp Úc Châu, cắn phá mùa màng.  Sau thế chiến đệ nhất, miền Tây của Châu Úc bị dịch thỏ hoành hành, nông dân phải dựng hàng rào cá nhân và dùng mồi có thuốc độc để trừ thỏ.  Năm 1901, người ta dựng một hàng rào để ngăn chận sự lan truyền của thỏ.  Hàng rào này chạy theo hướng Bắc Nam, dài hơn 1,100 dặm, bắt đầu từ Wallal gần Eighty Mile Beach ở hướng Tây Bắc, đến bờ biển phía nam Jerdacuttup. 
 
Năm 1907, hàng rào số một được dựng xong từ Starvation Harbour đến gần Cape Kedraudren.  Hàng rào này còn có tên Barrier Fence, chưa dựng xong thì thỏ đã tràn qua.  Hàng rào số hai được dựng lên năm 1905 phía Tây của hàng rào số một, 723 dặm (một dặm tương đương 1.6 km).  Hàng rào thứ ba được dựng lên chạy theo hướng Đông Tây kết hợp với hàng rào một và hai thành hình chữ T. 

Trước khi Anh chiếm Úc Châu làm thuộc địa, đa số người sinh sống ở đây là thổ dân, được gọi chung là Aborigines, thuộc giòng họ người Torres Strait Islanders.  Lâu dần, một số ít người da trắng kết hợp với dân địa phương sinh ra một số trẻ em mang hai giòng máu.  Dân số thổ dân suy giảm trầm trọng do cuộc sống không mấy phát triển về mặt kinh tế và y tế.  Nạn dịch thỏ hoành hành do đó giới chính quyền thuộc địa tin là họ cần phải bảo vệ nhóm trẻ em có mang dòng máu người da trắng.  Họ bắt gom các trẻ em này vào trại tập trung, bắt dùng tiếng Anh, dạy nghề để làm việc phục dịch người da trắng. 

Hàng Rào Ngăn Thỏ là tên của một cuốn phim phát hành năm 2002 dựa vào quyển sách cùng tên của tác giả Doris Pilkington Garimara.  Doris thuật lại câu chuyện cuộc đời người mẹ của bà.  Câu chuyện xảy ra năm 1931, dưới sự cầm quyền của A. O. Neville người lãnh đạo chương trình bảo vệ trẻ em có nửa dòng máu trắng, Molly Craig (mẹ của Doris) cùng với người em gái tên Daisy Craig, và một người em họ tên Gracie Field, bị bắt đem về trại định cư dành cho người dân tộc.  Trại định cư này được gọi là Trại Định Cư Sông Moore. 

Molly dẫn Daisy và Gracie trốn khỏi trại tập trung.  Mặc dù Neville cho người tìm bắt về, trong nhóm người đi tìm có một người da đen rất có tài trong việc lùng bắt trẻ em trốn trại, Molly dùng trí thông minh của mình đánh lạc hướng họ và trốn thoát.  Không biết đường về nhưng Molly biết là hàng rào ngăn thỏ chạy ngang qua Jigalong làng ḿnh nên dẫn hai người em đi bộ dọc theo hàng rào để về.  Cuộc hành trình kéo dài 9 tuần, 1500 dặm đường, Molly và hai em sống sót nhờ đôi khi được sự giúp đỡ của một ít người đi rừng, đa số là ăn hay uống những gì cả ba người tìm được dọc đường gió bụi.   Neville đoán biết là cả ba sẽ lần theo hàng rào, và cho người phục sẵn, nhưng một phần vì những người này không đủ kiên nhẫn ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt với cái nắng giết người trong sa mạc, một phần vì Molly rất khôn ngoan, và đôi khi may mắn, nên thoát.  Neville lại tung tin đồn thất thiệt là mẹ của Molly đã dọn về một làng khác có thể dùng xe lửa để đến làng ấy.  Gracie tin theo lời đồn đi về đường xe lửa nên bị bắt lại.  Molly dẫn em mình về làng, ngất xỉu dọc đường trong cái nắng sa mạc.  Nghe tiếng ó kêu trên trời, nhớ lại lời mẹ dặn là chim ó là thần nhân dẫn đường và bảo hộ mình.  Molly lần theo hướng chim về đến làng, gặp lại mẹ và bà.  Họ dẫn nhau vào trong núi sâu để trốn. 

Doris cũng bị bắt đem vào trại tập trung sống một thời gian, chưa bao giờ nghe mẹ kể lại chuyện quá khứ của bà.  Có lần trong cuộc họp mặt gia đình bà nghe dì Daisy kể lại.  Một người trong họ xác nhận là chuyện có thật và đưa cả xấp hồ sơ tài liệu chứng minh.  Doris viết lại chuyện đời của mẹ và của mình trong bộ truyện gồm ba cuốn: Caprice, a Stockman’s Daughter, Follow the Rabbit-Proof Fence, và Under the Wintamarra Tree.  

Đây là một cuốn phim rất cảm động, diễn viên không thuộc hàng danh tiếng trong làng phim ảnh Mỹ, không có cảnh khiêu dâm, không có giết người, không có bắn súng, không có chạy xe tông vào nhà hàng hay cao ốc, vậy mà vẫn làm mắt tôi dính cứng vào màn ảnh, và tôi cố ngăn không cho tiếng khóc của mình thoát ra khỏi môi.  Tôi nghĩ là tôi rất may khi tình cờ chọn cuốn phim này ở thư viện.  Tôi chưa hề nghe ai nói nhắc đến phim này, cũng chưa từng được đọc review về phim này.  Tôi nhận ra tên người đạo diễn.  Ông là người đạo diễn phim Người Mỹ Trầm Lặng (The Quiet American).  Có một diễn viên tôi không biết, nhưng nét mặt ông hơi hao hao giống Christopher Plummer, sau khi xem phim tôi mới biết đó là Kenneth Branagh.  Mặt ông có vẻ lạnh nhạt, khắc khổ, dễ gây ác cảm. 

Lúc người da trắng bắt ba cô bé bỏ lên xe hơi chạy đi, hai người đàn bà, mẹ của Molly và Daisy, và mẹ của Gracie nằm lăn trên đường để khóc.  Tiếng khóc của họ không phải là tiếng khóc, nó như một tiếng tru đau đớn thống thiết của người rừng, một nỗi đau mà không ngôn từ, nước mắt nào có thể diễn tả được.  Bà của Molly ngồi ở vệ đường, cầm cục đá nện vào đầu mình và nện mãi.  Đau lòng không thể nói hết. 

Người ta bảo vệ trẻ em hai giòng máu hay đó chỉ là một cách bắt người làm nô lệ trá hình?  Neville cho người chờ sẵn trong làng chỉ cần chờ Molly về tới là bắt lại.  Cho dù anh ta có súng nhưng với lòng quyết tâm bảo vệ con mình, mẹ Molly dù chỉ có một cây gậy chuốt nhọn đã làm người lính phải bỏ chạy. 

Người ta nói rằng loài người cần được thỏa mãn chuyện cần thiết như ăn ngủ trước.  Tình yêu và những cần thiết về tinh thần là thứ yếu.  Molly và câu chuyện Hàng Rào Ngăn Thỏ đã chứng minh ngược lại.  Molly đă đặt lòng yêu mẹ, yêu làng mạc, và yêu tự do lên trên những cần thiết cá nhân.

Nắng, Rượu, và Trăng

1Đi ngang một con phố thấy một hành lang tối và tĩnh lặng.  Tôi thèm có những khoảnh khắc thấy lòng mình tĩnh lặng trong bóng tối như thế.  Có ai biết chụp ảnh bên ngoài chính là chụp những phản ảnh trong lòng?

Sáng nay ngủ dậy muộn, nhìn ra cửa sổ thấy nắng xuyên qua lá màu ngọc thạch.  Thảo nào Hàn Mặc Tử đã từng buột miệng, vườn ai mướt quá xanh như ngọc.  Thật ra so màu lá với màu xanh của ngọc thạch vẫn chưa nói hết cái đẹp của màu lá non trong nắng.  Ước gì tôi có thể nắm bắt hình ảnh này qua cọ vẽ.  Có dịp nào xin người đến nơi tôi ở để vẽ màu lá non dùm tôi nhé.  Tôi mở cửa bước ra sân sau cây lá vẫn còn lướt thướt bởi cơn mưa chiều qua.  Mùi hoa black locust thơm lừng trong nắng sớm. Tôi có cảm tưởng tôi đang ở trong rừng cây cao với lên trời xanh và tiếng chim chuyền cành thật vui tai làm lòng mình nhẹ nhàng.  Ai đó bảo là nghe như Alice lạc vào xứ thần tiên.  Khách đến chơi nhà, tôi vẫn thích khoe rẻo rừng sau nhà bởi vì người ta có thể có nhiều thứ nhưng không phải ai cũng có một chút xíu thiên nhiên ngay bên cạnh.  Tôi là một người kỳ cục. Đi chơi xa bao nhiêu chỗ, cái mà tôi nhớ nhất ở Mariposa lại là mùi trái chín trong cái nắng nung người.

Tuần trước đi D.C. gặp chị và cô bạn thân của chị.  Tôi chụp nhiều ảnh người và cảnh nhưng có lẽ vì cứ mãi chìu theo ý của mọi người tôi không chụp được tấm ảnh nào ăn ý.  Dường như lúc nào tôi cũng thèm được người thân lãng quên tôi đôi chút để tôi có thể tự do nắm bắt những ý nghĩ qua những hình ảnh tôi trông thấy.

Cô bạn thân của chị  hẳn là đã có một thời nhan sắc và cũng biết và khá tự hào mình là người có nhan sắc.  Đến bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam tôi nhờ hai người làm người mẫu cho tôi chụp hình.  Tôi đạo diễn hai người cúi mặt nhìn vào trong tường đá cẩm thạch đen, ngón tay dò theo tên khắc trên đá.  Tôi muốn hai người quì gối gục đầu vào bức tường hơi nghiêng mặt để ánh sáng có thể rọi vào tường tạo ra bóng người để tôi chụp bóng nhưng . . .  khổ một nỗi hai người không hiểu ý tôi muốn.  Cả hai không biết, và lỗi của tôi là đã chẳng biết giải thích, là tôi muốn chụp nỗi buồn của một người đang tưởng niệm những người đã khuất, và vì thế hai người cứ xoay mặt ra để hình phải thấy mặt người.

Văn thi sĩ có lẽ hay tìm cảm hứng qua men rượu và có lẽ cũng thích cái cảm giác bềnh bồng lâng lâng khi mới vừa uống.  Cái cảm giác ta bước đi trong men rượu chếnh choáng, đời vỡ tan một phiến môi mời cũng khá thi vị cho người đọc nhưng người viết có lẽ đầy đau khổ .  Wine hay rượu vang, còn được gọi là bồ đào, từ thưở nào đã nổi tiếng với bài thơ Đường Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, dễ uống, ít say.  Và trích tiên Lý Bạch thưở nào đã nhào vào lòng sông để tìm trăng.  Cảm ơn bài thơ Say Trăng của Phạm Thiên Thư.

Ngày xưa trên bến mấy trăm năm
Có gã yêu trăng nhảy tự trầm
Hồn vẫn còn theo dòng nước bạc
Mò hoài chưa thấy bóng trăng ngâm.

Đọc thơ Việt Nam quen rồi có lẽ khó mà cảm được cái hay của thơ Mỹ.  Có lẽ cũng như đã quen với vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam thì khó mà thấy cái đẹp của một người phụ nữ Phi châu hay ở những bộ lạc trong rừng rậm Amazon.

“Mò hoài chưa thấy bóng trăng ngâm” nhất là chữ mò nghe thiếu chất thơ so với bài Khúc Thụy Du của Du Tử Lê.

Anh là chim bói cá
Em là bóng trăng ngà
Chỉ cách một mặt hồ
Mà muôn trùng chia xa

Hoàng Cầm đi tìm lá Diêu Bông hay chú chim bói cá của Du Tử Lê đi săn bóng trăng là hành động tuyệt vọng của người theo đuổi hạnh phúc.  Lá Diêu Bông có thể có thật trong một cõi không thật, hay có thể là một sản phẩm tưởng tượng trong cõi thật.  Bóng trăng ngà là một vật thể có thật nhưng quá xa tầm tay, và bóng trăng trên mặt hồ chỉ là ảnh.  Mà đã là ảnh thì dù có thật cho mấy thì tự bản chất của nó cũng đã là rất ảo.

Tôi nói cuội nói nhăng gì thế nhỉ.  Từ say rượu đến trăng và không biết phải kết thúc như thế nào.

Không ai trang điểm má đào
Cho ta say chết đêm nào đêm nay
Hàn Mặc Tử

Giờ này những người ở bên kia trời đang nghĩ gì, làm gì?

Ha! Có người bảo:

Nếu ta nhấm rượu hồng đào,
Cho dù say chết, như vào bồng lai

Memorial Day

Người ta đánh giết lẫn nhau.  Người thì mưu bá đồ vương.  Người thì giàu nhờ bán vũ khí.  Còn có người thì vì nước vong thân, được có tên trên vách tường tưởng niệm, hay cả trăm người được một ngôi sao vàng tượng trưng cho công ơn của mình.  Còn có người thì được nghỉ ngày thứ Hai vì là lễ tưởng niệm những anh hùng chết vì tổ quốc của họ và làm cho kẻ thù của họ chết vì tổ quốc của kẻ thù của họ.

Hình thứ nhất là 4000 ngôi sao vàng tượng trưng cho 400,000 quân nhân Mỹ đã hy sinh trong thế chiến thứ hai. 

Hình thứ hai là bức tường ghi tên 58,000 quân nhân Mỹ đã chết trong chiến tranh Việt Nam.  Nếu có thể làm bức tường để tưởng niệm quân nhân của quân đội Việt Nam Cộng Hòa bức tường này phải 8 lần dài hơn.  Bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam lần nào cũng tạo cảm xúc thật mạnh mỗi khi người xem nhìn khách viếng cúi đầu lom khom tìm tên thân nhân.  Lần nào tôi có dịp đi ngang nhìn thấy vẫn mủi lòng ứa nước mắt.  Giá mà người ta đừng đánh giết nhau, thì có lẽ người ta sẽ xây những đài kỷ niệm có đầy hình ảnh ca ngợi tình yêu nghệ thuật hay cái đẹp của đất trời.

Bức hình chót là một phần trong tượng đài tưởng niệm thế chiến thứ hai.  Mỗi trụ là một tiểu bang hay một quốc gia trong vòng bảo hộ của Mỹ đã tham gia cuộc chiến.

Hôm nay nhà tôi có party, gà nướng, sườn nướng, ăn ngoài trời.  Cả ngày nắng đẹp, chiều trời đổ cho một trận mưa to nên dọn vào ăn trong nhà.  Rất vui.  Chưa đầy một phần ba ly wine mà đã thấy "một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ."

Good night, World.