Nghe nhạc mùa xuân

Bài thơ hoa đào
Ai lên xứ hoa đào
Đan áo mùa xuân – Lệ Thu hát
Hoa vàng mấy độ
Cánh hoa yêu
Hoa nở về đêm – Như Quỳnh hát

Ngoại trừ hai hài bát tôi nhận ra giọng người hát. Mấy bài kia tôi không nhớ, và nếu nhớ thì cũng không chắc.

Dù nơi đây mùa xuân vẫn còn xa lắm, nhưng mà, mời nghe nhạc có dính dáng chút xíu đến mùa xuân

Một ngày mùa đông cuối năm âm lịch

Colonial Park – New Jersey

Tấm ảnh này thật ra chụp vào ngày 14 tháng Giêng năm 22. Năm nay dù có những ngày khá lạnh nhưng may quá từ đầu mùa đông đến giờ vẫn chưa có trận tuyết nào nên cũng đỡ khổ.

Trời mùa đông
Dù nắng tràn
Vẫn lạnh khan.

Năm tháng trôi qua nhanh
Tôi giấu mái tóc bạc
Dưới chiếc mũ len dày.

Con mèo ngồi bên cạnh
Cùng tôi đưa tiễn ngày cuối năm
Như người trong gia đình.


Tiếng rừng

Sẻ xám. Có thể đây là Virginia winter bird hay northern mockingbird.

Rừng mùa đông không hoàn toàn im vắng.
Luôn rộn tiếng chim trên trời, trên cành.
Tiếng ngỗng trời, chim sẻ xám, mallard, vạc.
Tiếng suối chảy, gió rì rào.
Những âm thanh tự nhiên của đất trời.
Mang tĩnh lặng cho tâm hồn.

Sau một tuần lạnh gắt gao, thời tiết trở nên khá ôn hòa. Thỉnh thoảng có một ngày mưa rả rích như hôm nay. Trời tuy lạnh từ không độ đến bảy tám độ C. vẫn có thể đi bộ được. Ảnh con chim không biết tên nên gọi đại là sẻ xám. Nó không hom hem rồi qua đời lặng lẽ như con chim sẻ của Từ Công Phụng, trái lại nó béo tròn khỏe mạnh, dự trữ năng lượng cho mùa đông, và chuẩn bị sinh con vào mùa xuân sắp đến.

Ba con mèo trong nhà

Cô út nghỉ mùa đông, về nhà trước, mang theo con mèo tam thể Sandwich. Cô cả về sau mang theo con mèo tam thể Henrie. Tôi có con mèo tam thể Nora. Cũng phải nhắc lại, Nora cũng là của cô cả, sau đó của cô út, cuối cùng là của tôi. Mèo tam thể là mèo cái. Mèo thì hay tranh giành lãnh thổ với nhau.

Cùng là tam thể nhưng màu của bọn chúng hoàn toàn khác nhau. Nora có ba màu đậm, trắng đen vàng, rõ rệt. Sandwich có màu pastel, trắng, vàng nhạt, và xám. Mi mắt dưới có lằn viền màu đen như kẻ mắt trông rất xinh. Henrie hầu như chỉ có hai màu vàng và đen, như màu đồi mồi. Hai con mèo khách ở hai phòng. Nora bị mất những chỗ nằm yêu thích. Nàng đành ngủ trên ghế ở dưới bàn.

Sáng nay tôi thấy Sandwich ngồi trước cửa phòng của nó. Nora ở trong phòng ăn dùng làm phòng viết của tôi nhìn thấy Sandwich ở xa xa đã khè lên tỏ vẻ không ưa. Henrie thì khè, hét hầu hết mọi người trong nhà. Hình như đó là cách chào của nó. Thấy tôi đưa tay ra, nó lon ton chạy đến ngửi bàn tay, đó là một cử chỉ chào, khá thân thiện của loài mèo. Đột nhiên nó khè lên rồi quay đi. Tôi có cảm tưởng Henrie giống như một đứa trẻ hay sợ hãi, nhất là sợ người lạ và khung cảnh lạ, phản ứng tự vệ chỉ có cách hét lên. Sandwich thì bắt đầu quen với tôi hơn. Thỉnh thoảng nó cho tôi vuốt đầu chứ không né tránh.

Henrie phải đi xe 12 giờ đồng hồ. Sandwich phải đi bus, máy bay, và chờ đợi ở phi trường. Khi vừa bắt đầu quen với khung cảnh lạ, lại phải làm một chuyến trở về. Cũng tội nghiệp cho ba con mèo bị stress.

Nora năm nay (2023) được 14 tuổi (tương đương với người 73 tuổi)
Sandwich năm nay có lẽ 11 tuổi.
Henrie đang ngủ. Nàng này trẻ, có lẽ chừng 6 hay 7 tuổi thôi.

Ngày 6 tháng Giêng

Mấy hôm trước tôi đọc một bài thơ trên cuốn lịch cũ có tựa đề The Sixth of January của David Budbill. Bài thơ này xuất bản từ năm 1999, do đó không có liên quan gì đến January 6, ngày khởi loạn của ông Trâm.

Tôi định đăng bài thơ ngày hôm qua, nhưng quên. Sáng nay nhớ lại thấy đã lỗi thời nhưng không biết viết gì, lại thấy câu đầu tiên của bài thơ có nói đến con mèo, thôi thì đăng lên cho blog đỡ trống trải.

The cat sits on the back of the sofa looking
out the window through the softly falling snow
at the last bit of gray light.

I can’t say the sun is going down.
We haven’t seen the sun for two months.
Who cares?

I am sitting in the blue chair listening to this stillness.
The only sound: the occasional gurgle of tea
coming out of the pot and into the cup.

How can this be?
Such calm, such peace, such solitude
in this world of woe.

David Budbill

Con mèo ngồi trên lưng ghế sô pha nhìn
ra ngoài cửa sổ khi tuyết đang nhẹ nhàng rơi
trong màu xám của ánh sáng dần dần tắt.

Tôi không thể nói mặt trời đang lặn.
Chúng tôi không nhìn thấy mặt trời cả hai tháng nay.
Ai để ý điều này chứ?

Tôi ngồi trên chiếc ghế màu xanh lắng nghe sự tĩnh lặng
Chẳng có âm thanh nào ngoài tiếng nước trà
Rót từ ấm vào tách.

Sao có thể như thế nhỉ?
Một sự yên tĩnh, bình an, tịch mịch như thế
trong cái thế giới đầy hỗn loạn này.

Nguyễn Thị Hải Hà dịch

Nhật ký đọc 12 – Ganbatte

Một điểm lợi của mùa đông là trời lạnh, người làm biếng ra đường đi đông đi tây. Ở nhà đọc sách. Tôi gặp một quyển sách nhỏ, dễ đọc, chỉ trong một ngày là xong. Ganbatte! The Japanese Art of Always Moving Forward của tác giả Albert Liebermann.

Người Nhật có nhiều chữ khó dịch. Chỉ một từ nhưng chứa đựng ý nghĩa rộng lớn. Thí dụ như Tsundoku mua sách về chất đống mà không đọc. Ikigai, shirinyoku, komorebi, là vài chữ. Và Ganbatte.

Theo quyển sách cũng là lời giải thích của tác giả, ganbatte bắt nguồn từ chữ (tiếng Nhật) ganbaru, động từ. Đơn giản, chữ này có nghĩa, ráng lên chút nữa, đừng bỏ cuộc. Kiên gan trì chí. Khi động từ ganbaru dùng ở ngôi thứ hai đó là chữ ganbatte. Có thể hiểu là “hãy cố gắng đến hết mức và đừng bỏ cuộc.”

Có thể nói, đây là một loại sách self-help mà tôi vốn thường lảng tránh. Nhưng quyển này làm tôi ngạc nhiên là tôi có thể chịu được một quyển sách dạy đời. Đọc quyển này, thấy có nhiều giáo điều trái ngược với nhau. Thí dụ như quan niệm “wabi-sabi,” bảo rằng có cái đẹp trong sự bất toàn vẹn. Còn “ganbatte” thì có vẻ như khuyên chúng ta ráng thêm chút nữa, thêm chút nữa, thậm chí vượt qua sự bất toàn để đạt được kết quả toàn vẹn. Thêm một quan niệm trái ngược nữa, là “Ba năm ngồi trên một tảng đá” (Ishi no ue ni mo san nen) khuyên chúng ta kiên nhẫn, ngồi mãi trên một hòn đá thì hòn đá cũng phải tan chảy, cố gắng học, rèn luyện mãi thì sẽ đạt được kết quả. Và “Hòn đá lăn hoài sẽ chẳng đóng rêu” (Tenseki koke musagu). Đóng rêu có thể là điều tốt, vì thu nhận được kết quả là một bài học. Cũng có thể là điều không tốt, thí dụ như trở nên cùn mằn, chậm chạp, không còn mới nữa.

Quyển sách làm tôi suy nghĩ, nhiều khi không đồng ý, nhưng tò mò nên đọc tiếp. Tác giả nói đến nhiều cách áp dụng quan niệm ganbatte vào cuộc sống hằng ngày, thí dụ như các sinh viên đang viết luận án, cần cố gắng, nhiều khi chỉ một vài chi tiết nhỏ mỗi ngày. Áp dụng quan điểm của Miyamoto Musashi, khiến ý nghĩ của mình trở nên mềm mại, luân chuyển, thích hợp với hoàn cảnh như nước thay đổi trạng thái, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Làm được điều này thì cuộc sống của mình có thể trở nên bình lặng hơn.

Miyamoto Musashi là nhà võ sĩ đạo, nổi tiếng với the book of five rings (Ngũ Luân Thư). Wikipedia có một bài về quyển sách này, rất chi tiết nhưng lại bỏ qua phần quyển sách nước mà quyển này thì lại là quyển tâm đắc của Albert Liebermann.

“Hãy gột sạch tư tưởng, trở nên không khuôn khổ. Không hình dáng cố định, như nước vậy. Nếu bạn rót nước vào trong tách, nó sẽ có hình dáng của cái tách. Nếu bạn rót nước vào trong chai, nó sẽ có hình của cái chai. Nếu rót vào ấm trà, nó sẽ có dạng ấm trà. Giờ đây, nước có thể chảy, hoặc có thể tung tóe. Hãy là nước. Bạn của tôi ơi.” – Bruce Lee. (Lý Tiểu Long).

Thích hợp với hoàn cảnh là điều quan trọng để thành công.

Lạnh cỡ nào

Người ở xứ nóng rất khó mà tưởng tượng được cái lạnh của vùng ôn đới hay hàn đới. Câu hỏi cái lạnh nó ra làm sao tuy đơn giản nhưng rất khó trả lời. Khó diễn tả được cái lạnh vốn tùy thuộc vào cảm giác và mức độ chịu đựng của mỗi người.

Thật ra, hôm nay trời đã ấm lại. Nhiệt độ trong ngày được tiên đoán là sẽ lên đến 45 độ F. Bốn chục độ F. tương đương với 4 độ C. tôi nhớ mang máng như thế. Mùa đông mà nhiệt độ lên đến 4 độ C. có nắng là thấy ấm áp lý tưởng lắm rồi. Mặt kênh đào, nước chảy chậm nên đã đóng băng khá dày và cứng đủ để viên đá to không chìm. Khi bị ném xuống không phá vỡ mặt băng chỉ tạo một vết trầy. Nhìn tấm ảnh, tôi cảm thấy lạnh.

Mặt băng

Sông nước chảy xiết nên không đóng băng chỉ hai bên bờ có lớp váng trắng mỏng lóng lánh, và những chuỗi băng đóng trên cây cỏ. Nhớ hai câu thơ chẳng biết của ai. “Người sang bên ấy sao mà lạnh. Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi.” Nếu gõ Google chắc sẽ tìm ra và có lẽ sẽ thấy mình nhớ sai vài ba chữ nhưng có cần thiết phải nhớ đúng không?

The winter blast
Has its final end
In the sound of the sea
– Gonsui

Tiếng gió đông gầm rú
Cuối cùng cũng bị nhận chìm trong
Âm thanh của biển cả
NTHH dịch

Tái bút: Nói vậy nhưng tôi vẫn tìm và Google cho biết hai câu thơ tôi nhớ bên trên (và may làm sao tôi nhớ không sai chữ nào) là của Nguyễn Bính trong bài Hành Phương Nam.

Lạnh cắt da sống trong thôn nghèo

Băng đóng chung quanh chân cột bê tông

Hôm qua trời vẫn còn rất lạnh nhưng tôi vẫn (miễn cưỡng) đi bộ. Thấy có con rắn chết nằm phơi bụng trên mặt kênh đã đóng băng. Đá xanh to hơn viên gạch thẻ ném xuống mặt kênh không làm vỡ băng mà trôi tuột qua bên kia bờ. Lác đác vẫn thấy độ năm hay sáu con vạc xám đứng dọc theo bờ sông, đa số đứng trên cành cây hoặc xa trong bờ, như thể đứng phơi nắng cho đỡ lạnh. Vẫn còn vịt Mallard, ngỗng Canada, chim bufferhead, và mergansers dưới sông. Trên cây vẫn còn chim sẻ béo, gõ kiến, và blue jays. Hôm qua gặp ó bạc đầu trên cây sycamore gần tổ của nó, con hawk (diều), và con kên kên bay lượn chung quanh các ngọn cây ở nhà thờ Zarephath. Có lẽ mặt kênh đóng băng khó kiếm thức ăn hơn nên các loại chim săn mồi đang rình những con thú nhỏ như sóc. Tuyệt nhiên, không còn nhìn thấy chim cốc, kể cả con chim cốc cánh cụt.

Lạnh quá! Cơn bão vừa qua đổ tuyết xuống Buffalo, một thành phố của tiểu bang New York vốn nổi tiếng lạnh và nhiều tuyết, nhưng lần này tuyết dày 48 inches (1.22 mét) lại nhằm mùa lễ nhiều người lái xe về thăm nhà, nên nghẽn đường, và nhiều tai nạn. Hơn 28 người chết vì bão tuyết và đợt lạnh dưới không độ F.

Nhớ đến bài thơ “Thôn Cư Khổ Hàn” của Bạch Cư Dị, nhà thơ cảm thương những người ở thôn làng, nghèo khó, không đủ ấm khi trời lạnh cắt da. Bài thơ được Irving Y. Lo dịch ra tiếng Anh.

Bitter Cold, Living in the Village

In the twelfth month of this Eight Year,
On the fifth day, a heavy snow fell.
Bamboos and cypress all perished from the freeze.
How much worse for people without warm clothes!

As I looked around the village,
Of ten families, eight or nine were in need.
The north wind was sharper than the sword,
And homespun cloth could hardly cover one’s body.
Only brambles were burnt for firewood,
And sadly people sat at night to wait for dawn.

From this I know that when winter is harsh,
The farmers suffer most.
Looking at myself, during these days-
How I’d shut tight the gate of my thatched hall,
Cover myself with fur, wool, and silk,
Sitting or lying down, I had ample warmth.
I was lucky to be spared cold or hunger,
Neither did I have to labor in the field.

Thinking of that, how can I not feel ashamed?
I ask myself what kind of man am I.

Bản dịch tiếng Việt copy từ trang thivien.net nhưng không biết ai dịch.

Tháng chạp năm thứ tám
Suốt năm ngày tuyết rơi
Tre tùng đều chết lạnh
Huống hồ dân không áo
Quay nhìn các nóc nhà trong xóm
Cứ mười căn thì tám, chín nhà nghèo
Gió bắc lạnh như gươm sắc
Vải bố không đủ che tấm thân
Chỉ biết đốt cỏ, gai để sưởi tạm
Ngồi buồn suốt đêm thâu đợi sáng
Mới biết năm nào rét buốt
Người nông dân chịu nhiều đắng cay gian khổ
Nhìn lại bản thân ta những ngày đó
Ở trong nhà cỏ cửa đóng kín
Áo kép lại thêm mền bông
Ngồi hay nằm đều dư thừa hơi ấm
May mắn khỏi cảnh khổ đói rét
Không làm việc ruộng đồng vất vả
Nghĩ điều ấy mà thấy mình hổ thẹn
Tự hỏi ta là hạng người gì?

Thật tình mà nói, đọc thơ Đường mà đọc bằng tiếng Anh thì cái hay giảm đi rất nhiều. Đọc bản Hán Việt còn nhận ra được giọng bổng trầm của thơ.

A Christmas Hymn

And some of the Pharisees from among the multitude said unto him, Master, rebuke thy disciples.

And he answered and said unto them, I tell you that, if these should hold their peace, the stones would immediately cry out.

– St. Luke XIX, 39 – 40

A stable-lamp is lighted
Whose glow shall wake the sky;
The star shall bend their voices,
And every stone shall cry.
And every stone shall cry,
And straw like gold shall shine;
A barn shall harbor heaven,
A stall become a shrine.

– Richard Wilbur

Mặt nước đóng băng bị phá vỡ

Ngày lạnh

Có lẽ hôm nay là ngày lạnh nhất trong năm 2022. Và trong trí nhớ vốn đã phai mờ của tôi, là một trong những ngày lạnh nhất kể từ năm 1981 đến nay. Buổi sáng thức giấc, ông Tám nhìn ra cái hàn thử biểu to tướng treo dưới hiên nhà cửa trước, bảo rằng nhiệt độ xuống đến 1 độ F. Chừng một giờ đồng hồ sau, ông bảo xuống đến 0 độ F.

Hôm qua có tuyết rơi. Tuyết không nhiều nhưng gió rất mạnh. Tôi than thầm tội nghiệp cho mấy con mèo hoang. Tối qua chỉ thấy con mèo Già nằm trong ổ, không biết mèo Mun đi đâu. Sáng nay thì thấy hai con. Loài mèo khá khôn ngoan, hai con ngủ chung trong ổ rất hòa bình để giữ hơi ấm cho nhau. May ra bọn chúng có thể vượt qua cơn bão lạnh đang bao trùm hầu hết nước Mỹ.

Cô út về từ hôm 20 tháng 12, trước cơn bão lạnh này. Thật may. Cô mang theo con mèo của cô tên Sandwich. Sáng nay con mèo nhẹ nhàng thám hiểm khắp nhà. Nó nhảy lên bàn bếp, ngửi khắp nơi. Con mèo tam thể có chấm đen gần mũi trông giống như nốt ruồi. Trong ảnh nó đã đẹp, bên ngoài càng đẹp hơn.

Sân tuyết

Tấm ảnh chụp từ đầu năm 2022. Tuyết đêm qua chỉ phủ một lớp mỏng, đóng thành băng rất trơn. Ảnh từ cửa trước chụp ra sân. Gốc sồi bên tay trái, hàng trúc ông Tám trồng từ năm 2009. Căn nhà có chiếc xe đậu là của hàng xóm.

Và mời các bạn đọc bài thơ An Old-Fashioned German Christmas Carol của William Carlos Williams

Armed with
a bass-violin
horn

clarinet and
fiddle
go four

poor musicians
trudging
the snow

between
villages in
the cold

Trang bị với
vĩ cầm đệm bass
kèn

clarinet và
đàn dây
bốn người đi

nhạc sĩ nghèo
bước lê
trong tuyết

từ làng này
sang làng khác
trong giá băng

Nguyễn thị Hải Hà dịch

Đại hàn (Tháng Chạp)

Nguyễn Thị Hải dịch từ thơ của Nguyên Chẩn (779 – 831). Trích trong tập thơ Trước Bến – Cổ Thi Tư Cảm. Trang 155.

Hôm nay là ngày bắt đầu tháng Chạp (Âm lịch) lẽ ra đăng bài Tiểu Hàn thì hợp thời tiết hơn. Tuy nhiên Hoa Kỳ đang bị một đợt bão từ miền Bắc thổi xuống thống trị hầu như toàn khắp nước Mỹ. Nhiệt độ nhiều nơi xuống dưới zero (0) độ F tương đương với -17 hay -18 độ C. vì vậy tôi xin mời các bạn đọc bài Đại hàn để cùng cảm nhận cái lạnh.

Rót đầy ly tháng Chạp,
Châm thêm ngọn lửa lò.
Đại hàn bên bếp sưởi,
Đi đâu ngày rét to?

Đông rồi xuân đắp đổi,
Sao dời năm tháng trôi.
Một sớm âm vận đổi,
Mai liễu báo xuân ngời.

Ảnh không liên quan đến bài. Chỉ vì sắp xếp hình ảnh trong computer nhìn thấy nó.

Đèn lồng nhìn thấy ở Kiyomizu-dera (Thanh Thủy Tự) Nhật Bản

Nhật ký đọc 11

Đọc “Trước Bến – Cổ Thi Tư Cảm” của Nguyễn Thị Hải.

Sách in rất đẹp.  Giấy láng, màu ngà, tranh bìa và tranh phụ bản của Lý Tùng Niên.

Tôi biết thơ Nguyễn Thị Hải qua trang mạng Gió O.  Hải xuất bản ba tập thơ và tôi có duyên lành nên được đọc trọn vẹn cả ba.  Hải trẻ tuổi nhưng có sở thích của người già đời.  Cô thích thơ Đường, và cải lương.  Hải hát cải lương rất hay.  Rất muồi.  Khi nói chuyện cô có giọng của người miền Bắc (người Hải Phòng) nhưng giọng ca cải lương rặt miền Nam. 

Cảm mến của tôi với nhà thơ là do có sở thích giống nhau.  Thơ Đường, haiku, và cải lương.  Tôi biết cô thích thơ Đường và cải lương từ lâu.  Nhưng haiku thì tôi chỉ mới biết qua tập thơ “Trước Bến – Cổ Thi Tư Cảm.”

Tôi thích đọc thơ Đường từ những năm còn đi học Trung học, nhưng chỉ đọc được bản dịch.  Tiếng Hán Việt chỉ nhớ chừng chục chữ trong đó có ba chữ nhất nhị tam.  Tôi thích giọng trầm bổng của thơ Đường, nhất là những bài có câu đối.  Đúng như tựa đề “Cổ thi tư cảm” tập thơ bao gồm những bài tác giả cảm tác khi đọc những bài thơ Đường.  Đây là tập thơ tôi không thể (và cũng không muốn) đọc nhanh.  Tôi đọc từng câu tiếng Hán Việt và so chiếu với những câu được dịch ra.  Và đọc lại bài thơ do Hải cảm tác.  Tôi nhìn thấy sự đồng cảm của tác giả thời xưa và tác giả thời nay.  Hải có cách dùng chữ đơn giản, nhưng tôi, người đọc, nhận ra chất thơ và thấy lòng mình rung động.

Xin trích đăng một vài bài.

Trận mưa rơi xuống cánh đồng không,
Chiếc quạ sơ đông đỗ mịt mùng.
Áo tơi cởi tạm nơi quán trọ,
Lại mặc ngay vào mộng ruổi giung.
(NTH)

Bài thơ này tác giả cảm tác từ những câu haiku của nhà thơ Basho.  Tương truyền Basho đã viết những câu thơ trước khi qua đời trong một chuyến du hành, dừng chân ở Osaka. Bản tiếng Anh trích trong The Essential Haiku do Robert Hass biên soạn (tr. 54) như sau:

Sick on a journey,
my dreams wander
the wither fields.
(Basho – bản tiếng Anh Robert Bly)

Đêm xuân

Cảm tác từ câu thơ “Nguyệt xuất kinh sơn điểu” của Vương Duy. 

Chim núi kinh trăng mọc,
Khe xuân vẳng tiếng kêu.
Vườn riêng hoa quế rụng,
Nhàn nhân cũng bạc đầu
(NTH)

Điểm thú vị ở những trang này là nhà thơ có những câu bình luận rất hay.  Tôi xin trích dẫn. 

“Bài thơ ra đời vào giai đoạn thái bình hưng thịnh của triều Đường, lại là thơ của ‘Thi Phật’ nên chẳng ai hoài nghi gì tiếng chim kinh động kêu vang ngoài khe nước mùa xuân, hoàn toàn đắm chìm trong không khí thanh tĩnh, cô tịch thấm nhuần thiền vị.  Vương Duy lấy động tả tĩnh, tĩnh càng thêm tĩnh, núi non trần thế thoắt giao hòa với vũ trụ bừng sáng, vô biên…” (NTH)

Dù người ta thường có quan niệm thơ thì không thể dịch, nhưng với những người thích đọc thơ Đường mà không biết chữ Hán thì tập thơ của Nguyễn Thị Hải trở nên quí giá.  Bên cạnh những bài cổ thi cảm tác, tôi được đọc những chi tiết cần thiết về câu thơ gợi ý, vài dòng ngắn gọn về tiểu sử của tác giả, hoàn cảnh sáng tác, và thỉnh thoảng có một vài đoạn bình thơ, chẳng những thú vị mà còn giúp tôi, người đọc thơ, thêm phần hiểu biết.

Có rất nhiều bài thơ tôi muốn trích và giới thiệu với bạn đọc.  Tuy vậy tôi muốn để dành, để bạn đọc khám phá thêm.  Liễu, bạn đọc sẽ cảm động vì cuộc đời và tình yêu của Tiết Đào nhà thơ thời xưa.  Vĩnh Châu (hay Linh Lăng) và sự thông cảm với những nhà thơ ly hương với “vườn xưa mười năm biệt.”  “Bờ bụi” làm tôi ứa nước mắt thương cảm cho những nấm mộ hoang bên đường.  “Nhục thân” cảm tác từ một bài haiku của Issa.  Và “Trước Bến” tựa đề bài thơ được dùng làm tựa đề của tập thơ.  Những trích dẫn và chú thích của tập thơ đều rất hay, rõ ràng, ghi rõ nguồn và tên dịch giả, chứng tỏ một quá trình làm việc rất cẩn thận và đầy lương tâm của nhà thơ Nguyễn Thị Hải.  Quyển thơ này là một món quà xứng đáng mà tôi rất vui được nhận từ chị Lê Thị Huệ chủ trang mạng Gió O gửi với lời đề tặng của tác giả.  Xin ân cần giới thiệu với bạn đọc.

Kiếm

Nhất điều cổ thời thủy (Lưu Xoa – thời Trung Đường)

Kiếm khách phút từ ly,
Nghiêng tay trao làn nước.
Trong vắt ánh cổ xưa
Dẫu tuần bao thế cuộc.

Nằm trong vỏ là kiếm,
Rút ra là nước trôi.
Dòng nước vô thường ấy,
Soi hồn anh giữa đời.
(NTH)

“Kiếm trong văn học cổ tượng trưng cho khí khái, tài ba của hiệp khách, dũng tướng.  Kiếm chỉ là phương tiện trong tay người sử dụng nên kiếm muôn đời trong sạch như nước.  Nói kiếm là một dòng nước vô thường là chỉ mức độ sát thương, sát sinh của kiếm.  Soi vào dòng nước ấy sẽ thấy được bản tâm của người dùng kiếm, để báo tư cừu, để tranh đoạt lợi danh hay để bảo vệ công chính, chính nghĩa…” (lời bình của NTH)

Ghế đá công viên

Băng ghế đá phủ hoa đào ở khuôn viên nhà thờ Zarephath (Pillar) trên con đường tôi đi bộ hằng ngày ở Delaware and Raritan Canal Trail New Jersey. Ảnh của Nguyễn Thị Hải Hà

Khi băng ghế trong công viên của những thành phố lớn từ từ biến mất, tôi nhớ đến mấy câu trong bài hát của Trịnh Công Sơn. “Ghế đá công viên dời ra đường phố.  Người già co ro, em bé lõa lồ.” Trịnh Công Sơn miêu tả hoàn cảnh xã hội của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, nhiều người bị trôi giạt không chỗ ngủ phải ngủ trên những băng ghế. Ngày nay ở nhiều thành phố lớn, kể cả Hoa Kỳ, tuy không có chiến tranh, nhưng do hoàn cảnh nghèo khó, mất chỗ ở, nhiều người vẫn phải ngủ trên những băng ghế trong công viên. Để bài trừ chuyện này, người ta dời băng ghế đi chỗ khác, dẹp bớt số ghế, làm những băng ghế ngắn lại, hay là gắn những chỗ dựa tay chắn ở giữa chiếc ghế dài.

Chỉ khi đi bộ lâu đã mỏi, tìm chỗ nghỉ chân người ta mới chú ý đến sự cần thiết của băng ghế. Những chiếc ghế dài này, còn là chỗ đọc sách, uống cà phê, ăn bánh, ăn kem, cho chim và sóc ăn, chờ người thân và bạn bè, hẹn hò với người tình và người không quen thân, chỗ trò chuyện bâng quơ về thời tiết với người qua đường, đánh cờ với bạn già, thậm chí nó có thể là chỗ trao đổi tài liệu của các tay gián điệp.  Những ngày không biết làm gì hay không có chuyện gì để làm, băng ghế trong công viên là một chỗ có thể ngắm ông đi qua bà đi lại, cùng với quyển sách và cái ipod hay điện thoại là một nơi và cũng là một cách giết thì giờ rẻ tiền và hữu hiệu.

Băng ghế còn là nơi lưu giữ kỷ niệm.  Cả vui lẫn buồn.

Phần nhiều, băng ghế được dùng để vinh danh người đã khuất, đôi khi tưởng niệm thú cưng.  Ở vùng tôi ở, có lúc muốn tăng ngân quỹ mà không muốn tăng tiền thuế, quan chức kêu gọi người ta “bảo trợ” một chiếc ghế.  Đóng một số tiền sẽ được gắn cái bảng có khắc một số chữ ấn định, với nội dung do người bảo trợ chọn.  Có người, khi người thân qua đời, không muốn nhận phúng điếu tiền hay hoa, đã đề nghị người phúng điếu bảo trợ một chiếc ghế đặt ở công viên hay một chỗ nào đó được định trước. Số tiền bảo trợ ghế thay đổi tùy nơi chiếc ghế được đặt.  Ở công viên Central Park của thành phố New York, những nơi đông người qua lại, hoặc có vị trí “đắc địa” như trước bờ hồ, hoặc những chỗ đẹp và nổi tiếng (thí dụ như dọc theo hai bên quảng trường nơi có tượng của các nhà văn nhà thơ danh tiếng), số tiền không nhỏ, vài chục ngàn đô la là chuyện thường, đã thế mà còn không còn ghế để bảo trợ.  Thật là, từ đắc địa biến thành đắt giá.

Một nhà văn trong phim “5 to 7” đã nói: “Một số câu văn hay nhất của thành phố New York, bạn đọc sẽ không tìm thấy trong sách vở, phim ảnh, hay thoại kịch,… mà ở trên những băng ghế trong công viên Central Park.  Đọc những băng ghế này, bạn sẽ hiểu những điều có ý nghĩa xảy ra trong mỗi cuộc đời.”

Những cái bảng nhỏ gắn trên ghế cho người đọc biết những người được vinh danh là ai, làm nghề gì, tuổi tác, sở thích của họ, có liên quan như thế nào với những người bảo trợ ghế. Họ đã làm gì để được vinh danh?  Đa số, họ là những người cha người mẹ làm tròn bổn phận.  Đứa con trai cưng qua đời ở tuổi hai mươi.  Người anh cũng là bạn tốt và là người cùng chạy bộ.  

Ghế đá đặt ngay cái đập ở gần 10-mile lock gần trạm lọc nước. Ảnh của Nguyễn Thị Hải Hà

Có người bảo trợ ghế để ủng hộ tổ chức bảo tồn những cánh rừng đã bị tàn phá.  Tấm bảng “Harriet Sat Here.  Community Without Walls.  House One.  2004” khiến tôi tò mò “Community Without Walls” (cộng đồng không có vách ngăn là gì?  Hội này được thành lập với mục đích gì.  Đó là hội của các vị bô lão ở Princeton, tổ chức hỗ trợ lẫn nhau để giữ được cuộc sống tự do, có quyền tự quyết cách sống và bảo đảm sự bình an.  Có đôi vợ chồng bảo trợ ghế chỉ để tặng cho người đi bộ có chỗ nghỉ chân và thưởng thức cảnh đẹp ven bờ hồ Carnegie.  Một băng ghế, thường có hoa trồng chung quanh; Mùa xuân có uất kim hương; Mùa thu có hoa cúc; tưởng niệm một người tên Jeanne, dành tặng cho những người bất hạnh đi đứng khó khăn.  Có lần mới đây, tôi tình cờ bắt gặp một chàng trai đang quì gối cầu hôn với cô bạn gái, trong công viên bên cạnh cái băng ghế dưới mái hiên đầy hoa hồng.  Mai sau, không biết chừng sẽ có một cái băng ghế tặng cho công viên và người bảo trợ có cái bảng kỷ niệm ngày hai người đính hôn.

Cầu hôn ở Rose Garden – Colonial Park, New Jersey. Ảnh của Nguyễn Thị Hải Hà

Hình như, ngày xưa (trước năm 75) một số ghế trong công viên Tao Đàn được làm bằng đá cẩm thạch mài rất bóng.  Loại ghế này khá đắt tiền và khá nặng, do đó từ trong công viên mà đem dời ra đường phố dĩ nhiên là không phải dễ dàng. Và phải chăng những chiếc ghế đá này đã trở thành biểu tượng cho giới sáng tác âm nhạc cho nên các nhạc sĩ Việt đều dùng cả cụm từ “ghế đá công viên” dù không phải băng ghế nào trong công viên cũng là ghế đá. Những bài hát về ghế đá công viên có Mùa Thu Paris, nhạc Phạm Duy, lời thơ Cung Trầm Tưởng, “Mùa Thu âm thầm.  Bên vườn Lục Xâm.  Ngồi quen ghế đá.  Ngồi quen ghế đá.  Không em ôi buốt giá từ tâm.”  Nhạc sĩ Anh Bằng: “Anh còn nợ em. Công viên ghế đá. Công viên ghế đá. Lá đổ chiều êm.” Đây chỉ là vài thí dụ, còn nhiều nữa, bạn cứ dùng Google search sẽ tìm ra.

Ngày nay băng ghế được làm bằng nhiều loại vật liệu.  Có băng ghế vật liệu được chế biến từ những cái đầu lọc phế thải của điếu thuốc.  Có băng ghế được ghép bằng những khúc gỗ tròn từ chỗ ngồi đến lưng ghế và chỗ tựa tay.  Loại ghế này bắt chước kiểu băng ghế của những người sống ở vùng nông thôn hay rừng núi.  Gỗ được tẩm chất bảo quản để tránh mục rữa theo thời tiết.  Có băng ghế là hai khúc gỗ tròn, chỗ để ngồi là một miếng gỗ dài và rất dày đặt lên trên hai chân ghế gỗ tròn.  Đánh lớp sơn bóng thật dày, băng ghế này có thể là đồ trang trí cho một sảnh đường sang trọng tôi nhiều lần nhìn thấy, gần đây nhất là trong phòng khách của hãng sản xuất rượu bourbon Angel’s Envy ở Kentucky.  Thời kim khí, băng ghế được làm bằng sắt thép có hoa văn cầu kỳ nay trở thành ghế cổ đắt giá.

Trong Central Park, có một băng ghế vinh danh ông Waldo Hutchins (1822-1891).  Băng ghế này làm bằng đá cẩm thạch trắng, cao 1.2 mét, rộng hơn 8 mét và là chiếc ghế đá lớn nhất trong công viên Central Park.  Ông Hutchins là nghị sĩ Hoa Kỳ và trong ban Giám Đốc Điều Hành Central Park.  Ghế do con trai ông Hutchins tặng công viên năm 1932.  Trên lưng ghế có hàng chữ Latin “Alteri Vivas Oportet Si Vis Tibi Vivere,” dịch ra tiếng Anh, “You should live for another if you would live for yourself.”  Câu này của Seneca, triết gia La Mã, có nghĩa là bạn nên đối xử tử tế với người khác cũng như đối xử với chính mình.  Nếu ngồi lên băng ghế bạn sẽ nhìn thấy một hàng chữ khác ở dưới chân, “Ne Diruatur Fuga Temporum” tiếng Anh là “Let it not be destroyed by the passage of time.”  Câu này có nghĩa là “xin đừng để nó bị hư hoại với thời gian” của tác giả vô danh.  Có một giai thoại đáng yêu về băng ghế này.  Lúc thiết kế băng ghế, người ta vô tình khắc sai một lỗi chính tả, có chữ “T” đằng sau chữ “SI.”  Năm 2004, một người qua đường nhìn thấy lỗi này đã dùng bút lông bôi đen chữ “T.”  Một học giả tiếng Latin khác nhìn thấy, viết thư trình bày và giải thích lỗi chính tả này với ban điều hành Central Park và người ta đã sửa chữa.  Điều này chứng tỏ là nhiều người đọc băng ghế, kể cả học giả La Tinh.

Ghế đá trong Central Park – Tấm ảnh này tôi không nhớ chắc chắn có phải là của tôi hay không.

Một vài câu văn hay tìm thấy trên băng ghế.  “Tôi sẽ nâng niu trái tim bạn, nhẹ nhàng hơn cả trái tim tôi.”  “Em là hình ảnh của đóa hồng ngời sáng trong tim anh như ánh lửa từ bên trong cái đèn lồng” câu này được trích trong quyển “Hoàng Tử Bé.” “Chỉ sống thôi là chưa đủ, con bướm nói.  Người ta cần phải có ánh nắng, tự do, và những bông hoa nho nhỏ.”  Câu này của Hans Christian Andersen.

Băng ghế từ từ biến mất trong những thành phố lớn, bởi vì đất là vàng.  Băng ghế trong công viên được thay thế bằng những chiếc ghế trước sân hay trên vỉa hè của những quán cà phê, hay nhà hàng.  Khi muốn nghỉ chân bạn phải đến các cửa tiệm này và tệ nhất cũng phải mua ly cà phê, ly nước ngọt. Băng ghế cũng biến mất vì từ từ hư hại với thời gian và thời tiết.  Câu văn “Ne Diruatur Fuga Temporum” trở nên chí lý hơn bao giờ.  Băng ghế cũng biến mất vì bị dời đi trái phép hoặc là đánh cắp. Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy nhiều nơi ở Hoa Kỳ, băng ghế và bàn của những trạm dừng chân dọc đường cao tốc, và thậm chí trong công viên lớn, được gắn đinh ốc vào các bệ xi măng, hay gắn xiềng xích dưới chân. 

Băng ghế là một nơi rất quan trọng trong nghệ thuật phim ảnh.  Đây là một cách dựng cảnh rất dễ làm và ít tốn tiền bên cạnh cảnh ngồi trong xe hơi hay xe taxi.  Đây là chỗ lý tưởng để diễn viên độc thoại hoặc là họ phải nói với nhau những điều không dễ nói bởi vì họ không phải nhìn mặt nhau.  Bạn chắc không quên cảnh Forrest Gump ngồi kể chuyện đời mình, bắt đầu bằng câu nói đầy triết lý, “mẹ tôi nói là cuộc đời mình nhiều khi cũng giống như hộp kẹo sô cô la.  Mình đâu có biết là trong hộp kẹo có bao nhiêu mùi vị.”  Tôi thích cảnh băng ghế trong phim “Love, Actually” do Liam Nelson đóng vai Daniel, trò chuyện với cậu bé Samuel, con riêng của vợ.  Phải mất một thời gian Daniel mới có thể làm thân với Samuel, và cậu bé chừng bảy tuổi tâm sự, nỗi buồn lớn nhất của cậu, bên cạnh bị mất mẹ, là cậu yêu đơn phương với một cô bé cùng lớp.  Vẻ ngây thơ của cậu khi nói về nỗi đau rất người lớn này làm người xem vừa cảm động vừa buồn cười.  Dễ thương ở chỗ Daniel quan tâm và thông cảm nỗi buồn của cậu bé khi chính ông cũng mang nỗi buồn vợ chết.

Chiếc ghế này ở trong công viên của The Great Falls of Paterson. Đây cũng là đoạn đường Adam Driver trong vai anh tài xế xe bus của New Jersey Transit trong vai Paterson đi từ nhà đến garage xe bus. Ảnh của Nguyễn Thị Hải Hà chụp trước khi xem phim Paterson

Đoạn phim có cảnh băng ghế trong công viên tôi thích nhất là đoạn phim trong “Paterson.”  Adam Driver trong vai Paterson, anh tài xế lái xe buýt cho New Jersey Transit, ra ngồi ở băng ghế đối diện với thác Great Falls, nhìn thấy con chim cốc đậu trên gốc cây gãy, trong hồ của thác nước.  Anh đang buồn vì tập thơ anh sáng tác nhiều năm, chuẩn bị đem xuất bản, đã bị con chó cưng xé tan nát.  Nơi đây anh gặp một nhà thơ Nhật Bản đến chơi thành phố Paterson vì ông ta hâm mộ nhà thơ William Carlos Williams.  Paterson không thú nhận mình làm thơ, chỉ nói mình làm nghề lái xe buýt.  Nhà thơ Nhật là người chủ động cuộc trò chuyện.  Ông ta nhắc đến Allen Ginsberg, Frank O’Hara, là những nhà thơ địa phương đều có nghề tay trái.  Sự am hiểu về thơ của Paterson khiến nhà thơ Nhật cảm mến, ông tặng Paterson một quyển sổ chép thơ.  Nhà thơ Nhật nói tiếp.  “Đôi khi trang giấy trống lại chứa đầy cơ hội cho những điều có thể xảy ra. Thơ của tôi chỉ viết bằng tiếng Nhật.  Không có bản dịch.  Đọc thơ dịch, tôi có cảm tưởng như đi tắm mà vẫn mặc áo mưa.”  Quay lưng đi như chợt ngộ ra Paterson cũng là người làm thơ, ông Nhật ngoái lại nhìn và nói: “À há!” Nhà thơ Nhật đi rồi, vẫn còn ngồi trên băng ghế trong công viên, Paterson lấy quyển sổ mới được tặng ra và bắt đầu viết một bài thơ mới.

Băng ghế là nơi lưu trữ kỷ niệm cả vui lẫn buồn.  Đọc những hàng chữ trên băng ghế bạn sẽ nhận ra nhiều điều đầy ý nghĩa trong cuộc sống hằng ngày.

Không có gì để viết

Vạc xám đang chăm sóc bản thân

Tôi để ý thấy loài vật rất hay gãi. Có lẽ thân thể chúng luôn bị bọ chét chăng? Vạc xám vẫn còn xuất hiện dọc theo bờ sông. Mỗi lần đi bộ vẫn thấy chừng năm hay sáu con vạc đậu rải rác. Tôi thường xuyên thấy các loại chim như vịt, vạc và thú hoang như sóc, chó, mèo, gãi khắp người như thể bọn chúng ngứa ngáy lắm vậy.

Vạc xám bay trên mặt nước của cái đập của trạm lọc nước gần 10-mile lock

Nơi đây là chỗ con sông Raritan nhập vào sông Millstone. Tôi đứng trên đường trail Delaware và Raritan Canal. Một bên là sông, một bên là kênh (canal). Ở đây có một cái đập không lớn mấy, dùng để chận sức nước chảy mạnh. Có một trạm lọc nước ở đây. Mưa liên tiếp mấy hôm, dù mưa không lớn lắm nhưng nước sông chảy cuồn cuộn trào qua đập. Con vạc ở bên bờ bên kia, bỗng nhiên cất cánh bay qua bờ bên chỗ tôi đứng. Nó đứng dưới chân đê (cũng là đường trail) trong bóng tối. Thấy tôi nó lại cất cánh bay.

Cardinal

Chẳng biết nên gọi cardinal là gì. Hồng y tước, hay chỉ là hồng tước thôi. Nếu gọi là hồng y tước thì sao không gọi là hồng mao tước hay hồng vũ tước. Tôi suy nghĩ lẩm cẩm thôi chứ Wikipedia tiếng Việt gọi là hồng tước.

Đang đi thì gặp Sóc. Sóc nhìn người chăm chăm. Sao người không đi tiếp. Lại rình chụp ảnh mình
Mộc nhĩ

Nấm rừng nhiều lắm. Tươi có khô có. Chỉ có điều là không dám ăn. Thậm chí tôi cũng không dám đụng tay vào. Nhát gan.

Ngọn cây mùa đông

Chuyện mùa đông

Berries D&R Canal Trail

In the dark forest,
A berry drops
The sound of water
Shiki

Trong rừng sẫm tối
Một quả dâu rơi
Âm vang của nước
NTHH dịch

Lá phong – D&R Canal Trail

Lá phong treo mong manh
Không còn đỏ thắm như ngày nào
Mùa đông đang ngự trị

Nấm khô trên cây ảnh chụp ở Delaware and Raritan Canal Trail

Như những mảnh vỏ sò
Hay nửa chiếc cốc gắn lên cây
Hứng rượu của mùa Đông

Sông nước mùa hè

Bài này viết lâu rồi nhưng dài quá nên không đưa lên blog. Hôm nay viết về con chim cốc cụt cánh nên nhớ đến bài cũ.

SÔNG NƯỚC MÙA HÈ – Nguyễn Thị Hải Hà

Nếu bạn ở một nơi có mùa đông dài 5 tháng, và nhiệt độ ban ngày thấp hơn độ đóng băng của nước, bạn sẽ thích mùa hè.  Nhưng dù bạn có thích mùa hè đến mấy thì cũng có những ngày nóng ngộp thở.  Bạn làm gì để giải nhiệt?  Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã mời gọi: “Mùa hè năm nay anh sẽ đưa em rời phố chợ đôi ngày.”  Thật là chí lý.  Mùa hè ở trong thành phố rất nóng.  Cái nóng hắt từ mặt đường tráng nhựa và từ xe cộ thải ra rất khó chịu.  Một trong những cách giải nhiệt giản dị nhất là xa rời phố thị, đi về quê.  Còn gì sung sướng hơn “Chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê.  Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ.”[1]  Người xưa từng nói về cái khoái lạc của mùa hè là tắm ao sen, hạ thưởng lục hà trì.  Chúng ta có thể thay thế ao sen bằng hồ, sông, hay biển.  Không cần ngụp lặn nếu bạn sợ dính bùn, hay nước mặn gắt, chỉ cần bạn đi dọc theo bờ sông, bờ hồ, hưởng làn gió từ mặt nước thổi lên là thấy người khoan khoái hẳn lên.

Trên đường trail Delaware and Raritan không có hoa sen nhưng hoa súng rất nhiều.  Không phải loại hoa súng water lily của Việt Nam.  Đây là loại hoa nhỏ như một quả banh golf màu vàng, gọi là pond-lily hay cow lily.  Loại hoa súng này tôi đã gặp trong một bức tranh của Hokusai. Có nghĩa là bên Nhật cũng có hoa này. Ở đây, mùa nào có hoa nấy.  Đầu tháng Sáu hoa hồng dại và honeysuckles nở trắng hai bên đường.  Hương hoa ngan ngát quyện vào mỗi bước chân. Tháng Bảy và tháng Tám, hoa mallow, một loại hoa dâm bụt nở màu hồng thắm mỗi hoa to như cái đĩa bàn.  Hoa có mùi thơm nhẹ, nhụy có mật ngọt nên thường quyến rủ kiến và ong.  Hoa của thistle, còn gọi là hoa kế, vừa có nhan sắc lại vừa có hương thơm nhưng hiểm hóc đầy gai nhọn.  Loại hoa hoang dại này lại được chọn tô điểm cho quốc huy của Tô Cách Lan.  Hoa dại, hình như, ít khi màu đỏ.  Chỉ thỉnh thoảng tôi mới gặp sát mé nước một loại hoa, cánh hoa nhỏ hơn hoa huệ (loại huệ trắng tuberose bên mình hay chưng trên bàn thờ chứ không phải loại hoa loa kèn lily), giống như hình con hạc màu đỏ thắm gọi là hoa cardinal có nghĩa là hoa hồng y. Cùng màu đỏ tươi thắm có trái dâu tây strawberry và trái redberry.  Chừng ấy màu đỏ đủ gợi nhớ câu thơ nổi tiếng trong bài Tình Sầu của Huyền Kiêu, “Hạ đỏ vẫn chàng đến hỏi. Em thơ, chị đẹp em đâu.”

Dọc dòng sông Millstone có rất nhiều ngỗng Canada và chim nước.  Chim nước hay water fowl, water bird là loại nửa chim nửa vịt, có thể bay và đồng thời có thể bơi.  Ở đây tôi thấy có merganser, Mallard duck, wood duck, và bufferhead.  Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó, con chim màu chocolate, nó đứng trên một tảng đá giữa khúc sông cạn, giang rộng đôi cánh như chờ gió lên cho đầy cánh để bay.  Mãi về sau tôi mới biết tên chim là cormorant.  Người Việt gọi là chim cốc. Rồi đột ngột nó cất cánh nhưng không bay cao, đuôi sà xuống chạm vào mặt nước, lệt phệt vài lần như thể bay không nổi để lại trên mặt sông mấy chỗ lõm gợn sóng. Về sau, tôi mới “ngộ” ra là nó đang rình để bắt cá chứ không phải tập bay.

Chim cốc không đẹp nếu dựa trên màu sắc.  Những con chim được khen là đẹp đều có màu rực rỡ.  Chim hồng y (cardinal) có màu đỏ tươi; blue jay màu xanh với nhiều sắc đậm nhạt có điểm trắng; hoàng yến, hoàng oanh (gold finch và oriole) có màu vàng tươi; két có đủ màu xanh đỏ; hoặc nếu không màu thì phải hoàn toàn trắng, trắng tươi, trắng xóa, như thiên nga.  Chim cốc có nhiều loại, đốm vàng ở cổ, hay đốm trắng ở ngực, tuy vậy đa số đều có bộ lông màu nâu sậm. Thiếu ánh sáng trông nó đen thui.  Mỏ nó dài, nhọn, và khoằm.  Đôi mắt xanh đục, và đằng sau gáy có chùm lông dựng đứng.  Người ta nói mình chỉ nhìn thấy cái mình biết.  Khi chưa biết nó là ai, tôi không hề có cái khái niệm gì về con chim cốc.  Nhưng khi biết có con chim cốc trên cuộc đời này thì tôi gặp nó ở nhiều nơi.  Đặc biệt, nó xuất hiện rất nhiều trong văn chương của châu Âu.

Thi sĩ John Milton đã so sánh chim cốc với quỷ Satan. Trong bộ trường thi Paradise Lost (Thiên Đường Đã Mất) quyển số 4, Milton kể hai mạch truyện.  Một mạch truyện nói về Adam và Eve.  Mạch truyện còn lại nói về Satan (còn gọi là Lucifer).  Satan vốn là thiên thần, sau khi quyết định nổi loạn chống lại Chúa, đã bay đến Eden (vườn địa đàng).  Gã quỷ sứ đã đáp xuống cái cây to và cao nhất ở giữa vườn địa đàng. Đó là Cây Cuộc Đời  (Tree of Life).  Hắn ngồi trên cây giống như một con chim cốc, suy nghĩ tìm cách mang cái chết đến cho loài người[2].  

Cốc nhỏ hơn vạc xám (great blue heron), thiên nga, hoặc ngỗng Canada, nhưng to hơn vịt Mallard đầu xanh. Lớp lông bên ngoài không thấm nước, nhưng lớp lông mềm bên trong có khi ngấm nước nên chim cốc thường giang cánh để hóng gió cho khô.  Có lần nhìn hai con chim cốc há mỏ ra đối đáp với nhau, tôi thấy chúng trông có vẻ như đang cãi vã rất dữ dằn, nhưng biết đâu chừng đó là cái cách chúng nói những lời yêu thương với nhau.

Cốc lặn rất sâu và rất xa.  Đứng rình chụp ảnh, tôi thấy nhiều lần chim cốc lặn rồi biến mất luôn.  Có thể nó xuôi dòng đi rất xa và khi trồi lên lẩn vào gốc cây và rễ cây ở phía bên kia bờ sông tôi không tìm được.  Chim cốc là loài chim săn cá thượng hạng.  Cốc có thể nuốt con cá to gấp mấy lần vòng cổ của nó và có thể ăn cả chục con cá to trong chớp mắt.  Chính vì khả năng này mà chim cốc bị Geoffrey Chaucer, thi sĩ nổi tiếng vào thế kỷ 14 với tác phẩm The Canterburry Tales, gán cho tật xấu là tham ăn.  Năm trăm năm sau Bram Stoker, trong tác phẩm Dracula đã cho nhân vật của ông tự nhận là “ta có khả năng ăn nhiều như loài chim cốc.”

Từ biểu tượng của sự tham ăn, chim cốc dần dần biến thành biểu tượng của gian thương dùng mánh khóe của con buôn để bóc lột người mua, những người cho vay ăn lời cắt cổ, thậm chí là biểu tượng của những nhà sư hổ mang gian hùng và tham lam.

Cốc là loại chim mùa đông di cư.  Ở New Jersey khi trời trở lạnh là chúng biến mất.  Vào tháng Năm trời ấm lại thấy vài con lác đác bơi trên sông. Chừng tháng Bảy tháng Tám chúng đậu đầy ở những cái đập trên sông để bắt cá.  Chim cốc có mặt trên nước Mỹ, Anh, Tô Cách Lan và ở châu Á như Trung quốc và Nhật Bản.  Tôi đã nhìn thấy cốc bay thành đàn ở những cái cầu tàu chung quanh Fisherman Wharf, San Francisco.  Mấy chục con bay hàng dọc, là là sát mặt nước, bay một đỗi thật xa, theo hướng gió đánh vòng tròn quay trở lại, như là một đoàn quân diễn hành cho du khách thưởng lãm, trông rất ngoạn mục.  Tôi cũng gặp chim cốc ở Uji, ngoại thành của Kyoto, một trong 13 nơi của Nhật dùng chim cốc để săn bắt cá.  Ở gần chân cầu Kisen bắc ngang con kênh dẫn nước từ sông Uji, có trại nuôi chim cốc để đi săn.  

Trong quyển Jane Eyre[3] nhà văn Charlotte Brontë đã dùng chim cốc để báo điềm xấu trong tương lai.  Jane vẽ ba bức tranh và đưa cho Rochester xem.  Một trong ba bức tranh ấy vẽ cảnh đắm tàu Jane đã nhìn thấy cảnh này bằng dự cảm.

“Một luồng ánh sáng rọi lên cái cột buồm đã bị chìm trong nước.  Bên trên cột buồm có con chim cốc đang đậu, màu nâu sậm và to lớn, đôi cánh của nó dính đầy bọt biển; mỏ của nó đang ngậm một chiếc lắc đeo tay bằng vàng có đính nhiều viên đá quý. Tôi đã dùng loại màu sáng đẹp nhất mà tôi có thể pha, và vẽ hình ảnh một cách lung linh nhất mà nét cọ của tôi có thể diễn đạt.  Chìm bên dưới con chim cốc và cột buồm là xác của người chết đuối thấp thoáng ẩn hiện dưới làn nước biển xanh; đó là cánh tay có cái lắc vàng đã bị rơi ra.”

Con chim cốc là biểu tượng của một tương lai đen tối cho mối tình thầm lặng của Jane dành cho Rochester.

Theo huyền thoại, Vua Priam của thành Troy, có người con trai tên là Aesacus.  Vị hoàng từ trẻ tuổi đang hồi yêu say đắm thì người yêu chết.  Tuyệt vọng, Aesacus đứng trên ghềnh đá gieo mình tự tử.  Một trong những vị Titans thấy thương hại nên biến hoàng tử thành con chim cốc giữa lúc chàng đang lơ lửng trên không trung.

Năm 1900 ở Flannan Isles, một quần đảo Tô Cách Lan, đã xảy ra một vụ mất tích thật kỳ bí mà người ta không tìm ra nguyên nhân, cũng không thể giải thích được.  Trên đảo Eilean Mòr (đảo chính của Flannan Isles) có một ngọn hải đăng và một ngôi nhà nguyện đã bị hư nát.  Có ba nhân viên chăm sóc ngọn hải đăng này, James Ducat, Thomas Marshall, và Donald McArthur.  Họ được tuyển chọn, đào tạo, rất thiện nghệ và hoàn toàn được tin cậy.  Ngày 15 tháng 12 năm 1900, chiếc tàu Archtor từ Philadelphia đến Leith (Tô Cách Lan) thấy hải đăng không hoạt động, có lẽ vì thời tiết quá xấu.  Ngày 18 tháng 12 tin hải đăng không hoạt động được báo cáo với Northen Lighthouse Board.  Ngày 26 tháng 12, bão dịu xuống, mới có người đến được ngọn hải đăng và khám phá ra cả ba nhân viên chăm sóc ngọn hải đăng đều mất tích như tan biến vào thinh không.  Tất cả đồ dùng trên đảo và đồ dùng của ba người đều còn nguyên vẹn, ngoại trừ bãi cập bến ở bờ Tây bị hư hại nặng vì cơn bão. Người ta đưa ra nhiều giả thuyết, những giả thuyết này được viết thành tiểu thuyết, làm thành phim.  Một trong những giả thuyết này là ba nhân viên trông coi ngọn hải đăng đã biến thành ba con chim cốc bay ra khỏi đảo theo sự tưởng tượng của Wilfrid Wilson Gibson trong bài thơ Flannan Isles. 

Chúng tôi thấy ba con chim đen, kỳ lạ và xấu xí
Quá to, theo ý tôi
nếu so với loại chim guillemot hay là chim shag.
Chúng ngồi thẳng thớm như ba chàng thủy thủ
Trên ghềnh đá ngấp nghé mực nước biển.
Nhưng khi chúng tôi đến gần, bọn họ phóng xuống và biến mất
Không một tiếng động, và cũng không một vệt sóng.

Gần đây nhất, cuốn phim Vanishing (Biến Mất) phát hành năm 2018 với Gerad Butler là diễn viên chính, đạo diễn Kristoffer Nyholm đã đưa ra một giả thuyết để giải thích vì sao ba nhân viên hải đăng đồng loạt biến mất. (Ghi chú mới: Phim này hiện đang chiếu ở Netflix 12/12/2022)

Chim cốc xuất hiện trong văn học như một biểu tượng của ý nghĩ đen tối hay hành động xấu xa.  Ngay cả Shakespeare cũng chê chim cốc không tiếc lời.  Trong Richard II, act 2, scene 1, đại thi hào đã miêu tả chim cốc như sau:

Light vanity, insatiate cormorant,
Consuming means, soon preys upon itself.

Kiêu hãnh, chim cốc không bao giờ thỏa mãn
Phương tiện để tiêu thụ, sớm muộn gì cũng trở thành miếng mồi của chính nó.

Người Trung Hoa và Nhật Bản đều dùng chim cốc để săn bắt cá.  Người Nhật Bản không nghĩ xấu về chim cốc.  Họ nuôi và huấn luyện chim cốc để phục vụ loài người.  Lợi dụng tài săn cá cũng như tật ăn tham của chim cốc, họ cột ngang cổ cốc một cái vòng, cột dây vào chân và thả cốc xuống nước đi săn.  Sau đó họ nặn cổ chim cốc bắt nhả ra những con cá đã săn được.  Chim cốc nhiều lần làm “người mẫu” cho nhà danh họa Hokusai.  Trên mạng thấy lưu truyền một bức tranh chim cốc của Hokusai khá to và dữ dằn.  Còn một bức khác tôi gặp trong quyển Hokusai Beyond the Great Views do Timothy Clark biên soạn. Bức tranh vẽ chim cốc đậu trên một cột gỗ dưới chân cột là hoa pond-lily màu vàng.

Các nhà thơ Nhật nổi tiếng như Issa, Onitsura, và Basho cũng viết rất nhiều bài haiku về chim cốc.

Omoshirôte yagate kanashiki ubune kana

How exciting, the cormorant fishing boat!
But after a time,
I felt saddened.[4]

Thật thú vị làm sao,
chiếc thuyền săn chim cốc!
Nhưng chỉ một lúc sau
Tôi cảm thấy nỗi sầu.

Blyth, nhà chuyên môn về Zen và thơ haiku đã suy nghĩ như thế này:

Basho không nói cho chúng ta biết điều gì đã làm ông buồn.  Vì ông thương hại cho loài cá?  Hay cho chim cốc bị bắt buộc phải nhả cá ra?  Hay cho những người dân chài đã lợi dụng sự tham ăn của loài chim cốc?  Hay cho lòng thèm khát vật chất của loài người không bao giờ nguôi ngoai?  Câu trả lời đơn giản nhất và đúng nhất đó là chính Basho cũng không biết.  Thật ra những câu thơ bên trên là phiên bản thứ nhì.  Trước đó thay vào chữ buồn là chữ khóc.  Những giọt nước mắt mà Basho đã từng kêu rằng.  “Nước mắt, những giọt lệ trầm ngâm, tôi thật tình không hiểu ý nghĩa của chúng.”

Thú thật, những lời chê bai của các nhà văn châu Âu về chim cốc không thể bôi xóa được hình ảnh đẹp mà chim cốc đã mang đến cho tôi.  Tôi xem một vài cuốn phim người ta dùng chim cốc đi săn trong đêm.  Ông câu chèo phía sau, chim cốc ngồi trên thuyền như một người bạn đồng hành, bên cạnh là thùng lửa đốt để soi sáng.  Hình ảnh lửa thuyền chài trên sông đã khiến tôi nhớ đến một câu trong bài thơ cổ.  “Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.”  Thi sĩ Tản Đà đã dịch nguyên bài như sau:

Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San[5]

Bài thơ có thể tả cảnh mùa hè, ban ngày trời nóng nhưng đêm có sương.  Trước kia đọc bài thơ tôi không thể tưởng tượng được hình ảnh giang phong ngư hỏa như thế nào.  Một ngày cuối hè đứng ở bến sông Uji, bên chân cầu Kisen, nhìn những con chim cốc được nuôi trong lồng, và lửa thuyền chài trên một tấm áp phích, tôi dường như nghe được tiếng chuông chùa, không phải của Hàn San Tự mà của Byodo-in cách đó chừng vài trăm mét.  Bài thơ cổ trở nên lộng lẫy hơn nhờ hình ảnh thuyền chài đi săn cá bằng con chim cốc.

Cái đẹp về mùa hạ trên sông nước còn nhiều, thí dụ như đi câu cá fly fishing, chèo thuyền kayak, ngắm cảnh “Sóng gợn trường giang buồn điệp điệp.  Con thuyền xuôi mái lướt song song.  Thuyền về nước ngược sầu trăm ngã.  Củi một cành khô lạc mấy giòng.”[6] Nhưng bài đã dài, xin hẹn bạn đọc lần sau vậy.

Nguyễn Thị Hải Hà

2 tháng Sáu năm 2022


[1] Xuân Tâm – Nghỉ Hè

[2] Thence up he flew, and on the tree of life,
The middle tree and highest there that grew,
Sat like a cormorant; yet not true life
Thereby regained, but sat devising death.

John Milton. Paradise Lost (Kindle Locations 951-952)

[3] Nhà văn Hoàng Hải Thủy đã phóng tác tựa đề này thành cái tên rất đẹp, Kiều Giang.  Nghe rằng Kiều Giang cũng là tên của ái nữ của ông.

[4] Bản dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh của R. H. Blyth. Trích trong tập III Summer/Autumn

[5] Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô tô thành ngoại hàn san tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Phong Kiều Dạ Bạc – Trương Kế

[6] Thơ Huy Cận

Chim bỏ đường bay

Hôm kia, Dec. 10, 2022 đi đến trạm lọc nước tôi thấy nó. Con chim cốc (cormorant) chạy lên chạy xuống bờ tường xây kiểu hình tam giác, một cạnh chạy nghiêng từ trên cao xuống thấp. Hai cánh nó quạt liên tục, có vẻ như muốn vẫy cho sạch nước bám trên cánh. Mà cũng có vẻ như nó chuẩn bị để cất cánh bay lên. Nó chạy xuống rồi chạy lên nhìn rất vui mắt, nó làm tôi nghĩ đến con penguin thu nhỏ lại.

Tuy vậy nhìn kỹ thấy có gì đó không ổn. Có vẻ như một bên cánh bị ngắn hơn. Mãi khi nhìn nó qua ống kính chụp ảnh 300mm thì tôi mới biết chắc một bên cánh của nó bị cụt. Tội nghiệp, kể từ bây giờ nó là con chim phải lìa bỏ đường bay. Chim cốc là loài nửa vịt nửa chim. Trời thương nên nó vẫn còn có thể bơi được dưới nước. Cuộc sống của nó trở nên khó khăn hơn.

Chờ gió đưa lên trong tuyệt vọng

Khi đi hết chiều dài muốn đi của đường trail, quay trở lại tôi gặp lại chim cốc đậu dưới nước, trên tảng đá, ở một nơi chim cốc bè bạn của nó thường hay đậu để săn cá. Vẫn giang cánh như thuở còn đủ đôi cánh.

Phơi cánh

Một trong những lý do có thể làm chim cốc gãy cánh là bị vướng vào một cái gì đó, sợi dây câu, dây thả diều, rồi vùng vẫy để thoát thân, càng vùng vẫy thì càng bị vướng chặt hơn, cho đến lúc cố gắng bay và gãy cánh. Cũng phải thán phục trời thương loài vật cho chúng nó có khả năng tự chữa lành dù gãy cánh hay cụt chân. Tôi chỉ biết than thầm, tội nghiệp.

Trời lúc này thật lạnh. Sáng nay sàn gỗ đóng băng. Nhiệt độ ban đêm xuống đến 22 độ F. (khoảng – 5.5 độ C.) Chim cốc đã bỏ đi về miền ấm. Thỉnh thoảng chỉ gặp một con. Vạc xám vẫn còn nhiều, thường đứng trên bờ trên cây, ít thấy trầm ngâm dưới nước.

Vào Mùa Đông

Chiếc lá phong cuối cùng
Cỏ khô bên kia bờ sông
Gai của cây honey locust
Lá beech khô

Giờ thì bất cứ cái gì, cây lá cỏ đều thấy khô, ngay cả khi mưa dầm suốt ngày hai ba hôm trước. Tôi rất yêu màu lá khô, nâu óng ả, của những chiếc lá còn vương lại trên cây. Có một số cây, đặc biệt là cây sồi và cây beech, lá khô còn trên cây mãi cho đến mùa xuân. Ngay cả một số cây phong cũng thế.

“Mỗi khi bàn chân em bắt đầu cảm thấy lạnh, hằng năm, em cứ nằm mơ trở về quê nhà. Em chỉ mong được về nhà.” Trích trong truyện ngắn Vào Mùa Đông của Yasunari Kawabata Nguyễn Thị Hải Hà dịch.

Mời đọc ở link dưới đây. Và nghe giọng đọc rất êm dịu của Phan Hoàng My. My, ngoài giọng đọc thiên phú còn viết văn rất hay. Bài cô viết về người cậu hay bác, là thương phế binh, nhưng đã vươn lên, vượt qua thương tật và thành công trong cuộc sống ở nước ngoài, đầy cảm xúc. Cô được giải thưởng của cuộc thi viết Muôn Nẻo Đường Đời. Ngay từ lúc đọc bài lần đầu tôi cũng thầm nghĩ, bài này phải được giải thưởng vì hay quá. Khi tôi dịch truyện ngắn của ông Yasunari Kawabata, tôi cứ nghĩ bài này nếu được nghe qua giọng đọc của My chắc là hay lắm. Nếu có bạn nào không vào được trang mạng này nhưng muốn đọc truyện, cho tôi biết, tôi sẽ đăng nguyên truyện ở blog. Truyện ngắn thôi, chỉ chừng 5, hay 6 trang, đọc rất mau hết. Bài đăng ở Sài Gòn Nhỏ thường được kèm thêm những tấm ảnh đẹp lộng lẫy.