Thác Bản Giốc – Việt Nam Byodo-in Temple – Nhật BảnSonoma Mission – California USA
Mấy hôm nay tôi xem ảnh cũ. Thấy tiếc là mình chụp ảnh thật dở. Tấm nào cũng lem nhem. Nhưng xem ảnh cũ làm tôi có cảm tưởng mình đi du lịch lần nữa cùng một chỗ. Thác Bản Giốc của VN đẹp lẫy lừng xứng đáng là kỳ quan trên thế giới. Tôi muốn được lần nữa đứng trước thác để nhớ lại cảm giác sững sờ mỗi khi chiêm ngưỡng một cái đẹp thật hùng vĩ.
Why make so much of fragmentary blue In here and there a bird, or butterfly, Or flower, or wearing-stone, or open eye, When heaven presents in sheets the solid hue?
Since earth is earth, perhaps, not heaven (as yet) – Though some savants make earth include the sky; And blue so far above us comes so high, It only gives our wish for blue a whet
Robert Frost
Mảnh vụn màu xanh
Sao lại phải nhiều lời về những mảnh màu xanh trên một con chim, bướm, Trên đóa hoa, đá quý đính trên người, hoặc đôi mắt, Khi bầu trời trải rộng một màu xanh biêng biếc?
Bởi vì đất là đất, có lẽ, không (hay chưa) là trời – Dù các nhà thông thái gôm cả trời vào đất; Màu xanh xa vời vợi trên đầu Chỉ làm cho ta thêm phần ao ước
Tôi thường đánh dấu mùa đông đến bằng cơn tuyết đầu mùa. Năm nay đã qua lễ Tạ Ơn nhưng mùa thu vẫn còn nấn ná. Đường đi bộ vẫn còn một vài cây phong lá chưa kịp vàng, có lẽ vì bị mấy cây to che khuất nắng và gió. Như vậy là mùa đông chưa đến.
Ngày 23 tháng Mười Một 2022 vẫn còn nhìn thấy một con chim cốc (cormorant) đậu gần bờ trong bóng tối. Nhưng ngày 26 và ngày 28 tuyệt nhiên không còn thấy bóng con chim cốc nào. Trời khá lạnh, có hôm dù mặc nhiều lớp áo nhưng vẫn không đủ ấm vì gió mạnh, tôi định chỉ đi chừng 2 miles là quay lại. Tuy nhiên sau đó nắng lên, trời bớt gió, và nhờ đi một hồi người ấm dần tôi đi nốt quảng đường còn lại cũng gần 2 miles.
Ngỗng Canada vẫn còn thấy từng đàn khá đông, không biết là từ nơi khác đến hay là ngỗng thường trú. Rất nhiều con đã leo lên bờ, trên những bãi cỏ rộng, có lẽ để bớt lạnh? Mấy con vạc cả xám lẫn trắng đều đứng trên bờ chứ không trầm mình dưới nước như hồi mùa hè. Đứng khá xa trên bờ chứ không ven mé nước. Sợ ướt lông? Loài vạc có vẻ nhàn hạ, không có vẻ kiếm ăn ráo riết, ngụp lặn, tìm tòi như loài ngỗng Canada.
Wood ducks
Cây ven bờ trút hết lá, nên khi có nắng tôi có thể nhìn thấy mấy con wood ducks từ xa. Một phần cũng nhờ bầy ngỗng Canada đi chỗ khác chứ nếu có ngỗng chúng che khuất hết mấy con wood ducks. Loài này nhỏ bé, nhỏ hơn cả vịt mallard, lại rất nhút nhát thường ở tít bên kia bờ sông. Hình như mallard và wood duck chịu lạnh giỏi hơn cả ngỗng Canada nên thấy bọn này chơi đùa giỡn sóng rất vui. Và vẫn còn rất nhiều trên sông, có vẻ nhiều hơn hồi mùa hè. Loài rùa đa số đã trốn biệt, thỉnh thoảng có một hay hai con trồi lên những gốc cây lều bều trên kênh nằm sưởi nắng.
Đàn nai ở đường trail Delaware and Raritan Canal, đoạn đường đi từ Canal Park đến 5-mile-lock
Đàn nai khá đông 7 hay 8 con đứng lố nhố trong bóng tối. Có chút nắng hửng lên nhưng tôi để thiếu ánh sáng nên ảnh không rõ. Đi lên xa một chút nữa gặp con nai to, đầu có gạc khá lớn, chẳng hiểu vì sao mà nằm chết trên sông, bị vướng vào chỗ bãi đá nước cạn, trông rất tội nghiệp. Mùa đông, sự sống trở nên khắc nghiệt. Thú chết nhiều.
Ảnh chụp ở ruộng bắp trong khuôn viên nhà thờ PillarCây khô
Ai là người yêu cây nhất “Yêu cây nhất chính là ta.” Mùa Đông nổi tiếng khắc nghiệt “Ta cho cây nghỉ dưỡng già!”
Mời nghe một bài hát hay. Bài này ở trang Nhạc Của Tui. Cảm ơn chủ web đã cho người nghe download free. Đây là một trong những bài hát tôi thích nghe qua giọng Lệ Thu nhất. Và Đan Áo Mùa Xuân.
Sương Thu – Tác giả Văn Phụng – Giọng hát của Lệ Thu
Mùa thu tàn rồi. Tuần vừa qua ngày nào cũng lạnh, đêm xuống dưới độ đông của nước đá. Tuần này, bắt đầu từ hôm nay và có lẽ cho đến cuối tuần, trời ấm hơn. Bây giờ, gần 10 giờ rưỡi sáng, nhiệt độ bên ngoài đã hơn 50 độ F. Coi như ngày lễ Tạ Ơn người đi dự lễ hay thăm thân nhân sẽ không đến nỗi co ro cóm róm khi đi ra trời lạnh.
Có mấy tấm ảnh chụp cảnh tàn thu. Không còn màu đỏ vàng cam, chỉ có màu nâu đậm và nhạt. Tuy vậy có một số cây lá, và cỏ, vẫn còn xanh.
Thu muộnChim gõ kiến còn trẻ, chưa có đốm đỏ trên đầuChẳng biết trái gì, chỉ thích cái màu đỏ của nóVạc xám chắc ở luôn ở New Jersey không đi về miền nắng ấm. Hễ sông còn cá, chưa bị đóng băng trên mặt thì chúng vẫn có thể bắt cá.
Tuần trước có những ngày nắng ấm, nhiệt độ trong ngày lên đến 74 độ F. Ngày hôm qua và hôm kia lạnh, tôi có cảm giác mùa đông đến rồi. Hôm kia đi bộ, trời khá lạnh, gió mạnh, buổi sáng chỉ có 27 độ F. dưới nhiệt độ đóng băng rồi còn gì, trong ngày lên đến 47 độ F. (cỡ 8 độ C.) Đi bộ tôi đội mũ, đeo găng, mặc áo khoác mùa đông. Đi một hồi thì thấy ấm người nhưng vẫn không cởi bớt mấy lớp áo mỏng bên trong lần áo khoác. Vẫn còn vạc, chim cốc, merganser, ngỗng Canada, rùa.
Hôm qua tôi thấy một đàn chim Eastern Blue bird. Loại này thiên di hằng năm, giờ là lúc đi, khoảng tháng Năm sẽ trở lại New Jersey. Gọi là đàn nhưng chỉ chừng chục hay vài chục chứ không hằng ngàn như sterling. Loại chim này khi bay, cái lưng nó xanh biếc, ngực màu cam giống như chim robin.
Eastern Blue bird
Sáng nay mưa rả rích nhưng đỡ lạnh hơn hôm qua. Tội nghiệp mấy con mèo hoang. Con Mun, lúc trước không biết nó ở đâu, nhưng khoảng mấy tháng nay nó chỉ ở sân sau nhà tôi. Chơi thơ thẩn một mình, ngủ lăn trên sàn gỗ, có khi leo lên trên bàn, phía dưới bàn ông Tám để cái hộp lót vài miếng giẻ thỉnh thoảng nó vào nằm trong hộp tránh mưa. Ông Tám cũng để thêm một cái bóng đèn nhỏ dấu bên trong cái hộp để che ánh sáng nhưng hy vọng cũng có chút hơi ấm ở cái hộp kế bên nhưng con mèo chưa thấy nằm trong hộp này. Nếu mưa nhỏ, Mun ngồi sát vào cửa sau, bên trên có cái mái che, nếu mưa to sẽ bị ướt. Cứ mỗi mùa đông là tôi lại thấy áy náy, muốn mua một cái hộp có cách nhiệt, để cho nó ngủ trong mùa đông. Hộp kín đáo, không bị mưa ướt hay tuyết, hơi ấm của nó sẽ được giữ trong hộp nhờ có cách nhiệt. Tuy vậy, loài mèo khó dạy lắm. Có hộp chưa chắc nó đã vào, chỉ sợ mấy con thú khác như opossum hay skunk vào làm tổ.
Có khi thấy chúng khôn ngoan, có khi tôi cũng tự hỏi sao mà tụi nó ngu quá. Hai con mèo vàng giống hệt nhau, nhìn mãi tôi và ông Tám cũng phân biệt được con nào già, con nào trẻ. Sáng nay con Già đến ăn trễ hơn Mun. Hai con thường đến chờ sẵn trên sàn gỗ, sáng sớm kêu um sùm tôi sợ kinh động hàng xóm vốn không ưa thú hoang. Thức ăn tôi để dưới bàn tránh mưa, nhưng mà con Già có lẽ không biết, không đánh hơi được, thấy tôi hé cửa sau ra nhìn nó sấn sổ chạy tới, người ướt nhem. Mèo có lông tơ nên dễ ướt, lông nó quện lại trông xơ xác. Tội nghiệp.
Tự hỏi mình thu đã tàn chưa để hát bài Buồn Tàn Thu.
Sterling bay trên cánh đồng bắp
Cây trong rừng rụng đã gần hết lá. Dọc đường trail vẫn còn vài cây cao to đang đổi từ màu xanh qua màu vàng sáng rực. Mấy cây này đổi màu trễ, nhờ các cây kia đã rụng hết lá nên có ánh mặt trời để sáng lên và đổi màu. Lá khô trên đường dậy mùi hương. Như thế có nghĩa là mùa thu đang qua đi từng ngày.
Các loại chim đã bay về miền ấm. Lác đác dọc theo sông vẫn còn vạc trắng, vạc xám, vịt Mallard, ngỗng Canada, và rùa. Loại rùa vẫn trồi lên, nằm trên những thân cây để sưởi nắng. Một trong những đặc điểm của mùa thu là chim di cư. Trong các loại chim di cư có loại sterling di cư thành đàn rất lớn, hàng ngàn con. Sterling nhỏ cỡ chim én, màu đen tuyền, lóng lánh ngũ sắc dưới nắng, nhỏ hơn chim quạ rất nhiều. Khi hằng ngàn con sterling bay cùng một lúc tạo ra hình ảnh rất ngoạn mục. Chúng lượn lên lượn xuống, bay ngược chiều nhau thành luồng, vậy mà không đụng chạm nhau. Tiếng kêu của nguyên đàn sterling nghe như tiếng giông bão, líu ríu nhưng inh ỏi. Chúng đậu đầy kín trên ngọn cây, đầy kín dưới mặt đất, rồi vụt cất cánh bay như gió bão.
Ở khuôn viên nhà thờ Pillar, có một cánh đồng bắp. Tôi thích nhìn những cánh đồng rộng (meadow) vào mùa thu. Đồng gì cũng được, đồng cỏ lau hay đồng bắp. Mùa thu, cánh đồng màu nâu rất đẹp. Đôi khi đằng sau những cánh đồng, được viền bằng một hàng cây khô, là những ngôi nhà màu trắng. Cảnh thu này giống như một bức tranh. Mà có lẽ, chúng chính là những bức tranh được vẽ lại bởi một họa sĩ nào đó. Hôm qua nhìn thấy một đàn sterling bay sà trên đồng bắp. Chúng đậu khuất dưới chân những cây bắp, không vụt bay lên mà chỉ di chuyển nhẹ nhàng bên trên đầu cây bắp. Không thể thu được đàn chim vào một tấm ảnh, vì chỉ thấy những đốm đen li ti trên màu vàng. Hôm qua tôi lại không mang máy thường dùng, chỉ dùng cái camera bỏ túi. Không hiểu tại sao cứ để máy tốt ở nhà là gặp những cảnh muốn ghi vào ảnh và vì thế ảnh chụp được lại gây thất vọng.
Đậu chi chít trên những cành câyGặp con chim gõ kiến đang nhô đầu ra khỏi tổ, ngược nắng
Nhìn những con chim sterling trên đồng bắp cũng làm tôi liên tưởng đến những con quạ trên cánh đồng lúa mì trong tranh của van Gogh. Trong tranh hình như có bảy con chim (hay chín, hay mười một, tôi không nhớ rõ) nhưng khi làm phim người ta chắc phải thả ra nhiều hơn.
Đi trên đường trail, tôi để ý thấy đa số ngỗng Canada biến mất, chỉ còn lại dăm ba con. Vạc xám, cormorant, và vịt Mallard vẫn còn. Loại này ở đoạn sông này không nhiều nên số lượng ở hay bay về miền ấm áp không gây ấn tượng mạnh. Nhờ số lượng ngỗng Canada giảm khiến tôi thấy số lượng vịt Mallard nhiều hơn lúc mùa hè. Đang đi tôi để ý con vịt Mallard này nhờ cái chân màu cam của nó. Có thể nó đứng trên một mảng lá màu cam vướng trên thân cây. Tôi mang ống kính 55-200mm, nên chỉ chụp đại, một phần vì phía trên có một mảng lá vàng sáng lóa trông bắt mắt. Khi về nhà mở computer xem ảnh thì có chút vui khi nhìn thấy mấy con wood duck núp dưới mớ rễ cây. Loại wood duck màu sắc nhiều hơn mallard, và rất nhát, ít khi bơi trên kênh hay những chỗ có người qua lại. Chắc bị loài người săn bắt nhiều nên đâm ra phòng thủ kỹ hơn.
Wood duck
Phóng lớn ảnh ra thì thấy có ít nhất là hai con wood duck trống. Có thể là ba con. con thứ ba núp sau con bên tay phải. Có lẽ có con wood duck mái núp đâu đó, nhưng vì nó màu nâu nên khó nhìn thấy hơn. Loại này vừa nhỏ vừa nhát nên ở xa mãi bên kia sông ít khi chụp được ảnh rõ.
Lá phong Có cái gì đó rơi xuống, hay một bọt nước do cá thả ra, tạo thành một vòng khoắn.Lá cây redbud nắng rọi vàoCô sóc đang nghịch ngợm trên cây sycamore
Nhân đi trả sách cho thư viện tôi lại ghé Washington Rock. Nắng một giờ trưa chói chang. Từ trên cao nhìn xuống thấy màu thu rực rỡ. Lá thu rụng đã nhiều. Hai buổi chiều ông Tám thổi lá, gom lá lại thành đống cao nghệu dọc theo con đường trước mặt. Mỗi lần bước ra sân là ngửi thấy mùi lá sồi khô rất thơm. Hương mùa thu. Khi tôi đang ngắm nghía chụp ảnh, một người đàn ông to béo, trạc bốn mươi hay hơn, trên tay bế một đứa bé, nói: “mỗi buổi sáng có nhiều người đến nơi này để chụp ảnh mặt trời lên.” Tôi nghĩ mình thuộc loại lười biếng. Cứ bảo mình đi chụp ảnh mặt trời lên và trăng lên nhưng đã bao nhiêu năm vẫn chưa thực hiện.
Con nai vàng ngơ ngác. Đạp trên lá vàng khô
Sáng hôm qua, mặt trời đang lên, màu sắc rực rỡ trong cánh rừng sau nhà. Lá lúc này rụng đã khá nhiều nên nhìn thấy một đàn nai khá đông. Mấy con nai con tung tăng chạy nhảy và biến mất mau chóng. Mấy con nai lớn dạn dĩ hơn nên nấn ná đủ lâu cho tôi bấm vài tấm. Bạn đã thấy lá vàng khô giờ thấy thêm con nai vàng ngơ ngác.
Anh nai
Ít khi gặp được nai đực, đầu có gạc. Hôm nọ đi bộ trên đường trail, gặp một anh chạy bộ, người dong dỏng, đầu cạo trọc, tôi đặt tên là anh thầy tu. Anh này chạy thường xuyên nên ông Tám và tôi quen mặt. Anh hỏi chúng tôi có thấy con nai thật to đầu đầy đủ sừng gạc không. Trước đó chúng tôi nghe tiếng động lớn nhìn ngoái lại nhưng không thấy nai. Anh chạy sau chỉ mấy chục bước mà được nhìn thấy con nai đứng giữa đường gần như sát cạnh anh. Tiếc là không có duyên gặp nai nhưng cũng đỡ sợ, bởi vì nai to có thể vì sợ chạy tán loạn húc vào người mình có thể gây thương tích.
Đứng trên đồi trong Watchung Reservation nhìn xuống chân tôi thấy một nhánh cúc mọc hoang. Hoa nhỏ li ti, cả hoa lẫn nhụy gồm lại chỉ cỡ cái cúc áo. Có người gọi là cúc mối, có người gọi là cúc thạch thảo. Hoa này thuộc loại aster.
Chrysanthemum – cúc vàng
Hoa này gọi là cúc đại đóa. Hôm đi chùa Giác Lâm ở Philadelphia chụp được ảnh hoa cúc trong sân chùa. Nhớ câu hát “hoa cúc vàng trong sân anh, xinh như áo mới em ngày nào.” Hồi còn đi học buổi chiều đi bộ dọc theo con đường trước trường Nhà Bè với cô bạn Hoàng Anh, thấy trong sân nhà ai đó có cây cúc đại đóa màu vàng. Mới đó mà đã năm mươi năm.
White chrysanthemums, Yellow chrysanthemums, Would there were no other names! Ransetsu
Cúc trắng Cúc vàng Sẽ chẳng có tên nào khác!
At Nara The smell of chrysanthemums The ancient images of Buddha
Ở Nara Hương hoa cúc Hình ảnh cổ xưa của Phật
Có lẽ nhà thơ Ransetsu muốn nói rằng chỉ cần gọi là cúc trắng nếu hoa màu trắng, cúc vàng nếu hoa màu vàng. Tự vẻ đẹp của đóa hoa, của màu sắc đã làm thành tên, không cần phải đặt tên gì nữa.
Cách Canal Park, chỗ tôi đậu xe để vào đường trail Delaware and Raritan Canal, chừng 2 miles hướng về phía Ten-Mile Lock, có một trạm lọc nước. Đây cũng là chỗ nhánh sông Raritan nhập vào sông Millstone. Ở đây có một cây hồng persimmon mọc hoang. Trái của nó rất bé, cỡ chừng trái crabapple. Có một bữa sáng đi ngang thấy cây hồng đã rụng hết lá. Trên cây chi chít những trái hồng.
Cây hồng mọc hoang
Khổ một nỗi là trái trên cành thấp nhất, nhìn từ xa tưởng như là đà sát mặt đất, đến gần thì biết là nó vẫn nằm ngoài tầm với của tôi. Trái của nó chín mọng, mùi thơm thoang thoảng. Đã đôi ba lần cố hái trái, đem về ăn, với sự giúp sức của ông Tám dùng cây khoèo cái nhánh xuống rồi hái nhặt lia lịa, tôi biết là trái của nó tuy ngọt nhưng rất chát. Ngâm trong nước rất lâu mà vị chát vẫn còn rất đậm. Ăn không nổi. Mà hễ ai cố gắng ăn là coi chừng, sẽ bị táo bón kinh hồn. Vậy mà những lần đi ngang tôi đều nhìn cây hồng thật tiếc rẻ. Có lần ăn trái chín thật chín thấy chịu được vị chát nên vẫn mong tìm được trái chín như vậy. Nghĩ mình khùng, ra chợ mua quách về ăn cho dễ dàng. Hồng ở chợ vừa dòn vừa ngọt. Lần đi Nhật, thấy họ bán hồng quả to gấp hai ba lần quả hồng mua ở chợ Á châu. Quả hồng còn khá cứng nhưng rất ngọt. Nhà thơ Nhật Shiki có bài thơ
Write me down As one who loved poetry, And persimmons
Ghi tên tôi Là người thích thơ Và trái hồng
Shiki thích ăn trái hồng đến độ
Ill, From overeating Persimmons
Ốm Vì ăn nhiều quá Trái hồng
Bản tiếng Anh trích trong tập thơ Haiku của R. H. Blyth. Nguyễn thị Hải Hà dịch ra tiếng Việt.
Lá phongLá beechCanal Park, cửa vào đường trail Delaware and Raritan
Hồng ở trên cây, đẹp Ở dưới đất chín muồi, rất thơm Ngọt chát như cuộc đời NTHH
Tôi thấy bức rức khó chịu khi nhìn những bức ảnh tôi chụp. Cảnh thu rất đẹp nhưng những tấm ảnh tôi chụp đường nét loạn xạ, sáng quá, tối quá, màu đậm quá, nhạt quá, mờ quá. Biết vậy. Nhưng mà.
Ảnh 1
Tấm ảnh 1, tôi đứng ở một trạm dừng chân của tiểu bang Delaware, được mang tên vị nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ đương nhiệm, Biden Welcome Center, nhìn ra đường cao tốc.
Ông Tám lái xe đưa cô con lớn của tôi đi đến phía nam của Washington DC. Suốt 220 miles (350km), viền hai bên đường cao tốc là chuỗi màu sắc rực rỡ như thế này. Như hai bức tường màu đỏ cam vàng và xanh nối tiếp nhau trùng trùng điệp điệp.
Ảnh 2
Ảnh 2 chụp ở New Jersey, bên trong Watchung Reservation, trên đường trail nhìn ra đường 527 thấy một chỗ đang khai thác đá. Bên trên là rừng, bên dưới là mỏ đá.
Gần Nature Center trong Watchung ReservationỞ bìa rừng trong Felt Village thuộc Watchung ReservationMột đoạn đường Delaware and Raritan trail
Buổi chiều hôm qua (10/27/22) tôi đi thư viện để trả sách và mượn thêm sách. Sẵn thuận đường tôi ghé Washington Rock Park chụp vài tấm ảnh mùa thu. Không đem máy ảnh nên dùng phone để chụp ảnh. Sáng nay ngồi tiếc đã không mang máy ảnh theo.
Mưa liên tiếp mấy ngày, hôm qua nắng rực rỡ. New Jersey chỗ tôi ở đang hồi cao điểm chuyển màu lá mùa thu. Washington Rock Park ít có cây lá đỏ, đa số là lá vàng. Sau nhà tôi màu sắc cũng rực rỡ nhưng cây rừng chằng chịt lắm, vào ảnh chỉ thấy màu sắc loạn xạ, không đẹp. Có những lúc tôi nhìn thấy cảnh thu, nghĩ là nếu gom vào tấm ảnh chắc vừa mắt. Thí dụ như lái xe lên đoạn đường đèo Warrenville nhìn thấy màu sắc và ánh sáng với những cung đường ôm vòng với khoảng trời xanh biếc. Hoặc lúc lái xe xuống dốc nhìn thấy sau hàng thông xanh là một vạt màu đỏ như một tà áo cùng chiều dài với hàng thông nhưng phần lớn bị che khuất. Phía sau vạt màu đỏ là vạt màu vàng nắng chiếu lóng lánh. Ba vạt màu này lại bị một hàng cột điện và dây điện chắn phía trước, nếu lấy vào trong ảnh sẽ bị bớt đẹp. Nghĩ thế nhưng tôi đang lái xe không muốn dừng lại để chụp ảnh. Bởi vì đổi vị trí, khác ánh sáng tấm ảnh không còn như trong sự tưởng tượng của mình nữa.
Mùa thu thật kỳ diệu. Mới tháng trước, tuần trước, vẫn ngần ấy cây lá, thế mà vài ngày trở lạnh, cây lá trở màu, nắng lên, vạn vật bừng sáng, đời là một khung trời nắng đẹp (câu hát nào đó tôi quên tên tác giả). Thảo nào có nhà văn nhận xét. Mùa thu là mùa xuân thứ nhì trong năm, màu lá là màu hoa.
Một góc Washington Rock Park nhìn xuống Green Brook và xa hơn nữa.Đứng ở sân trước thư viện Warren Township nhìn băng qua đường có cái đồng hồ kiểu cổ
Dây điện chằng chịt, nhưng hàng cây màu vàng sáng rực phía xa là cảnh mùa thu ở vùng này. Hầu như khắp nơi, nhìn lên đồi thấy hằng lớp cây với màu lá vàng, thỉnh thoảng chen vài cây màu đỏ. Vậy đó, tuần tới chắc là sẽ không còn rực rỡ nữa. Thu đến rồi thu đi. Chưa đi, sẽ đi, nhưng lòng người thì đã tiếc.
Phim này đang chiếu trên Netflix. Truyện của Stephen King. Không uổng danh tiếng nhà văn chuyên về truyện kinh dị đầy tính sáng tạo, ông King đưa cell phone vào tác phẩm của ông. Cell phone trở thành phương tiện giao tiếp giữa người sống và kẻ chết. Câu chuyện về tình bạn của tỉ phú Harrigan với cậu bé Craig, người được Harrigan thuê đọc truyện cho ông ấy nghe. Trong lúc xem phim tôi gặp nhiều câu trích dẫn khiến tôi tò mò hơn về những cuốn sách mà Craig đọc. Dombey and Son của Charles Dickens. Mới vào phim đã có một câu của Oscar Wilde, một tác giả có nhiều truyện tôi đọc và rất thích, tuy nhiên quyển sách này Craig không đọc cho Harrigan nghe. Tôi ghi lại những câu trích dẫn này, để dành đọc lại. Rất tiếc tôi chưa dịch.
“When the Gods wish to punish us, they answer our prayers.” – Oscar Wilde
Một trong những truyện nổi tiếng của Wilde là truyện bức chân dung của Gray được làm thành phim.
“…For passion alone is awake to it. And when passion is dead or absent, then the magnificient throb of beauty is incomprehensible and even a little despicable. Warm, live beauty of contact, so much deeper than the beauty of wisdom.” – Lady Chatterly’s Lover
“What is money, after all? I mean, Papa, what can it do? Mr. Dombey drew his chairback to its former place and patted him on the head. ‘You’ll know better by and by, my man,’ he said. Money, Paul, can do anything.” – Dombey and Son
Tôi chưa đọc Dombey and Son nhưng đọc sơ lược quyển truyện này ở Wiki. Dombey rất giàu, muốn có con trai để truyền sự nghiệp. Khi vợ ông sinh đứa con trai thì bà qua đời. Dombey thuê người nuôi cậu bé. Ông có con gái tên Florence nhưng vì con gái không thể nối truyền sự nghiệp của ông nên ông không để ý đến. Về sau ông và Florence có quan hệ cha con tốt đẹp hơn.
“Did he live his life again in every detail of desire, temptation, and surrender during that supreme moment of complete knowledge? He cried in a whisper at some image, at some vision. He cried out twice. A cry that was no more than a breath. The horror. The horror.” Heart of Darkness Conrad
Quyển Heart of Darkness tôi cố đọc vài lần nhưng không thấy muốn đọc tiếp.
“The true value of money is not measured in worth. The true value of money is measured in power.” Câu trích dẫn này và câu kế tiếp “Money can be cruel if use properly.” phát xuất từ nhân vật Harrigan trong phim. Tôi có mượn quyển sách về để tìm xem những câu trích dẫn từ những quyển sách nhưng không thấy trong những trang đầu tiên khiến tôi mất kiên nhẫn. Giá trị của tiền không phải là tiền mà là quyền lực. Khó mà tách rời sự liên hệ giữa tiền và quyền. Thường thường, có quyền là có thể kiếm ra tiền, và có tiền là có thể có quyền. Tuy vậy, sự liên hệ này có khi không bổ túc cho nhau mà đâm ra có hại cho một bên. Có tiền mà không có quyền rất dễ bị bắt bỏ tù để chiếm đoạt tài sản. Có quyền mà không có tiền thì lệnh ban ra nhưng không được tuân theo. Ở Nhật thời xưa, những người kiếm sĩ samurai không tiền phải chịu lép vế giới thương gia. Thời nào cũng vậy, chuyện có quyền nhưng chưa có tiền cũng dễ chữa, cứ bắt dân nộp thuế hay đi chiếm đất.
“All right, kids, Rocky said into the microphone. A little sprint before the rest of the period. “Give,” he said to the orchestra, clapping his hands together and stamping on the platform, keeping time to the music. In a moment, the customers were clapping their hands together and stamping too. We were all milling around in the middle of the floor, all of us watching the minute hand of the clock, when suddenly, Kid Kamm, of couple number 18, began slapping his partner on the cheek. He was holding her up with his left hand, slapping her backeards and forwards with his right hand. But she did not respond. She was dead to the world. She gurgled a couple of times… the slid to the floor. The floor judge blew his whistle, and all the customers jumped to their feet, excited. Customers at a marathon dance do not have to be prepared…” – They Shoot Horses, Don’t They?
Quyển sách này, nói về những con ngựa khi bị tổn thương quá nặng, người ta sẽ giết ngựa đi, coi như đây là hành động nhân đạo. Nhưng đối với loài người, khi cuộc sống đã trở nên đau đớn cực độ, tàn tật, quằn quại không còn sống an lành được mà không được phép nhận món quà nhân đạo là cái chết.
Lá phong
Ảnh không liên hệ gì đến bài tại có sẵn nên đưa lên.
Đứng ở thềm nhà bỏ hoang trong Duke Farms nhìn ra cánh đồng trống, được Duke Farms gọi là the great meadow. Hàng cây ginko (bạch quả) vẫn còn xanh. Màu cỏ hồng khiến tôi nhớ đến bài hát Cỏ Hồng của Phạm Duy, cả một bài dài mà chỉ có chữ cỏ hồng ở cuối bài. Tôi cũng nhớ đến bài Cỏ Úa của Lam Phương. Tôi thích bài Cỏ Úa dù lời ca buồn thê thiết. “Một chiều trên đồi em làm thơ. Cỏ biếc tương tư vàng úa.” Sau đó lại kêu lên “Cứ cúi mặt đi để nghe đời lầm lỡ. Đừng níu thời gian cho thêm sầu vương mang.”
Tháng Mười qua nhanh. Buổi chiều chừng 5 giờ đã tối. Sáng bảy giờ mặt trời vẫn còn khuất dưới chân trời. Mưa hai ba hôm nay khiến trời càng lâu sáng và mau tối. Sương mù dày đặc. Trời ấm hơn tuần trước. Buổi sáng sớm mà đến 60 độ F. Mưa làm lá rụng đầy. Lá đã bắt đầu rụng nhiều từ tuần trước. Hôm leo núi xem hồ Sunfish đã thấy những đợt lá rụng, không thể nói là mưa lá bởi vì trời nắng rực rỡ. Trông những đợt lá rụng giống như một đàn bướm vàng từ trên cao nhẹ nhàng đáp xuống.
Lá khô rất thơm. Hôm đi Watchung Reservation tôi cứ hít hà khen mùi thơm của lá. Thật ra không biết lá nào thơm. Trước nhà tôi có một hàng bốn cây sồi rất cao, lá to. Mùa thu lá rụng đầy, có mùi lá khô thơm đặc biệt. Tôi cứ bảo đó là mùi lá sồi. Cây sồi có mùi riêng của nó. Người uống wine, whisky, có thể cảm nhận được mùi sồi. Nhưng người uống phải biết mùi sồi trước khi uống các loại rượu này. Chúng ta không thể nào nhận ra cái mùi mà chúng ta chưa hề biết. Chúng ta có thể đoán, nhưng không biết chắc, cho đến khi có thể kiểm chứng những điều chúng ta đoán. Lần đi Kentucky con gái tôi dẫn đi nếm rượu bourbon tôi cảm nhận được mùi sồi trong vị rượu. Sở dĩ rượu có mùi sồi là vì người ta dùng các thùng gỗ sồi để chứa rượu. Riêng loại rượu bourbon, người ta đốt bên trong các thùng gỗ sồi cho cháy xém, một (có lẽ) là để diệt khuẩn hay nấm, hai là để tạo màu và mùi. Rượu bourbon sóng sánh màu vàng nâu rất đẹp.
Cái mùi trên đoạn đường trail dẫn từ Nature Science Center ngang qua Watchung Stable có mùi thơm khác. Đoạn đường này thường có nhiều ngựa đi ngang nên rất nhiều phân ngựa. Loại mùi phân ngựa ra, chắc chắn là phải thế rồi, có một loại lá khô nào đó có mùi thơm rất ngọt, rất dịu; ngọt dịu hơn và nữ tính hơn mùi lá sồi. Đoạn đường này có nhiều loại cây. Cây sassafras có mùi thơm ngay cả lúc tươi. Thật ra, lá và trái cây, khi khô đều có mùi thơm riêng, riêng lá, khi còn tươi có thể người ta không nhận ra mùi thơm.
Những người đi xe đạp trên đường trail Delaware and RaritanĐường cắt ngang đường trail trong Watchung ReservationMột góc hồ Surprise trong nắng Suối Blue BrookGeneral Store được dùng làm viện bảo tàng của Felt VillageCon đường ngập lá vàng
Có một con đường hai bên trồng cây ginko (bạch quả). Đứng ở Ginko Lane nhìn về hướng nền lâu đài bỏ hoang. Chung quanh nền lâu đài được cắt cỏ cẩn thận. Hàng rào được xây bằng đá cẩm thạch trắng vẫn vững chắc. Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt mà. Ở phía bên kia hàng rào có đài phun nước bằng đá trắng lâu rồi không hoạt động.
Nhìn từ meadow
Từ nền lâu đài đi xuống là một chuỗi bậc thang, hai bên trồng cây red bud, mùa xuân nở hoa màu hồng chi chít rất đẹp. Giữa Ginko Lane và nền lâu đài bỏ hoang là một khoảng đồng cỏ, meadow, có vài tổ chim nhân tạo.
Giếng cổ
Ở một góc khác của Duke Farms có một cái giếng cổ xây bằng đá. Trên sân cỏ trước giếng là một cái tượng đồng, hình một thiếu niên không mặc quần áo, chăm chú ngó vào lòng bàn chân. Tôi đoán, đó là tượng miêu tả một thiếu niên có lẽ tắm sông lên, chân bị đạp gai nên ngồi lấy cái gai ra.
Sắc màu
Cách nhà tôi độ 20 phút lái xe có một khu rừng nho nhỏ gọi là Duke Farms. Đây thật ra là tư thất của một nữ đại gia họ Duke. Thừa hưởng gia tài của bố năm 15 tuổi, bà Doris Duke thiết kế khu nhà này bao gồm nhiều lâu đài. Tất cả có chừng 27 hồ nhân tạo với hệ thống bơm nước tạo thành thác nước, đài nước phun, suối. Rất nhiều rừng và núi. Tôi đi học lớp dạy trồng và săn sóc lan trong khuôn viên này. Ông thầy dạy trồng lan bảo rằng ngay cả đồi núi cũng là nhân tạo. Điều này thì tôi nghi ngờ ông thầy nói không đúng lắm. Có một số ngọn đồi nhân tạo nhưng núi thì… có vẻ là núi thật. Đào núi làm sông suối dễ hơn đào đất đá để làm thành núi. Núi ở đây toàn là đá tảng và chẳng có kỹ sư, nhà thiết kế nào lại đi làm chuyện ngược đời như thế.
Giữa khuôn viên có nền tảng (foundation) của lâu đài bỏ hoang. Trước kia là một lâu đài xây nửa chừng thì bỏ dang dở. Lâu ngày chỉ còn lại cái hầm (basement) của lâu đài với một số vách tường, cột kèo. Chẳng hiểu vì sao người ta không xây tiếp, nếu chịu khó tìm hiểu thêm chắc hẳn đây là một bi kịch trong một gia đình giàu có, vốn đã có nhiều bi kịch. Ông bố là đại gia chuyên về điện lực, thuốc lá, hầm mỏ. Khi ông chết, con gái kiện mẹ để được quyền quản lý tài sản. Tiền nhiều quá bà Doris tiêu xài mãi không hết. Một số cơ ngơi bà dành tặng cho công chúng thí dụ như Duke Farms. Một số tiền lớn rơi vào sự kiện tụng tranh giành xâu xé tài sản của bà. Một số rơi vào tay những người đào mỏ. Bà còn dính líu vào một vụ án giết người nhưng không bị buộc tội.
Tấm ảnh cuối là một trong cả trăm tấm ảnh tôi chụp ngày hôm đó, chẳng biểu lộ được nét đặc thù của Duke Farms nhưng đó là một trong những nét chung của mùa thu vùng Đông Bắc nước Mỹ. Màu sắc. Xanh vàng cam hồng đỏ tím nâu.
You must be logged in to post a comment.