Hai đứa con mùa hè về chơi. Cô lớn về một tuần. Cô nhỏ về sáu tuần. Mới đưa cô nhỏ lên máy bay về Illinois hôm qua. Cô lớn tự lái xe về Kentucky từ hồi tuần trước. Tuần lễ có mặt cả hai đứa con, tụi nó đưa tôi đi New York vì tôi bảo muốn xem viện bảo tàng Mỹ Thuật (the Met, Metropolitian Museum of Art). Thật ra tôi chỉ muốn có thì giờ chơi vui với con, một hình thức vá víu những thiếu hụt trong bổn phận làm mẹ khi các con còn nhỏ.

Cô nhỏ dẫn tôi đi ngang vườn Shakespeare (đây là lần thứ hai), ngang sân cỏ phía trước của lâu đài Belvedere nơi các cô gái và chàng trai đang tắm nắng cho bớt trắng. Chúng tôi cũng đi ngang Delacorte Theater, nơi mỗi mùa hè đều trình diễn kịch Shakespeare, vào cửa miễn phí. Mùa hè này trình diễn hai vở kịch. Julius Cesar và Midsummer Night’s Dream. Vở kịch Giấc Mơ Đêm Giữa Mùa Hạ sẽ bắt đầu vào ngày mai, thứ Hai 10 tháng Bảy 2017.




Dù đã viết về vở kịch Giấc Mơ Trong Đêm Giữa Mùa Hạ hình như hồi tuần trước, nhưng sẵn đây xin viết tiếp. Đây là một vở hài kịch dài với rất nhiều nhân vật. Đoạn trước tôi chỉ viết sơ qua về loại hoa thần tiên viola (violet) khi bị mũi tên của thần ái tình Cupid bắn trúng trở thành thần dược ái tình. Thoa nước hoa này lên mắt người đang ngủ thì khi thức giấc người ấy sẽ yêu si mê người (hay vật) người ấy nhìn thấy đầu tiên.
Như các bạn đã biết. Người La Mã chiến thắng người Hy Lạp, chiếm trọn vẹn sự giàu có sung túc và nền văn minh của quốc gia này. Họ biến rất nhiều thần thoại Hy Lạp thành thần thoại La Mã, chỉ đổi tên các vị thần. Cupid là vị thần ái tình của La Mã. Tên Hy Lạp của thần này là Eros. Theo thần thoại La Mã, Cupid là con của Venus (Vệ Nữ) nữ thần của tình yêu và nghệ thuật và Mars, thần Chiến Tranh. Từ lâu tôi nghĩ rằng vì Venus và Mars yêu nhau, nên chúng ta thường có những truyện trái ngang của tình yêu xảy ra trong chiến tranh (thí dụ như Chinh Phụ Ngâm Khúc).
Trong vở kịch Giấc Mơ Trong Đêm Giữa Mùa Hạ, Shakespeare có một đoạn thơ như sau:
How happy some o’er other some can be!
Through Athens I am thought as fair as she.
But what of that? Demetrius thinks not so.
He will not know what all but he do know.
And as he errs, doting on Hermia’s eyes,
So I, admiring of his qualities.
Things base and vile, holding no quantity,
Love can transpose to form and dignity.
Love looks not with the eyes, but with the mind,
And therfore is wing’d Cupid painted blind.
Nor hath Love’s mind of any judgment taste;
Wings, and no eyes, figure unheedy haste.
And therefore is Love said to be a child,
Because in choice he is so oft beguiled.
Đây là đoạn thơ mà nhân vật Helena đã than thở khi bị Demetrius (người yêu của nàng) phụ bạc, để chạy theo Hermia, cô bạn gái thân nhất của Helena.
Dịch tạm:
Có người được hạnh phúc hơn nhiều người khác
Ở cả thành phố Athens, người ta nghĩ là tôi cũng xinh đẹp như bạn ấy
Nhưng điều này không quan trọng, bởi vì Demetrius không nghĩ như thế.
Chàng không phải là người hiểu biết tất cả mọi chuyện trên đời, nhưng chàng biết chắc một điều (là Hermia rất xinh đẹp, nhất là đôi mắt).
Và chàng đã sai lầm (vì phụ bạc Helena), khi mê mẩn đôi mắt Hermia,
Còn tôi thì sai lầm khi say mê tính tốt (tưởng lầm) của chàng.
Chuyện thấp hèn và sa đọa, không đếm hết.
Tình yêu có thể biến đổi thành hình dáng trở thành cụ thể và trang trọng.
Tình yêu không nhìn bằng đôi mắt mà bằng tâm hồn.
Vì thế chàng Cupid có đôi cánh thường được miêu tả là mù quáng;
Và tâm hồn của Tình Yêu cũng không có những phán xét bằng thành kiến
Có cánh (để bay bổng), nhưng không có mắt (để nhìn), tượng trưng cho sự vội vã dẫn đến sai lầm.
Vì thế Tình Yêu bị cho là một đứa trẻ.
Bởi vì trong sự chọn lựa, cậu bé dễ bị dụ dỗ.
Bài thơ dài, nhưng tôi chỉ muốn nhắm đến phần Shakespeare nói rằng Cupid, thần Ái Tình, chỉ là một cậu bé có cánh, mắt thì mù, không mù thì cũng lòa, nên có cung tên cứ bắn vào tim loài người để họ rơi vào (cạm bẫy) của tình yêu (fall in love) nhưng vì mù nên cứ bắn trật, nên người này yêu mà người kia không đáp lại, vì thế nhân loại cứ khốn khổ “khi theo nhau, khi theo mãi tình yêu” và “tình thì cứ theo người như chiếc bóng, người thì không bắt được bóng bao giờ.” Không nhớ tên tác giả.


Theo thần thoại La Mã, Cupid là một cậu bé bụ bẫm có cánh. Nhưng theo thần thoại Hy Lạp thì Eros là một chàng thanh niên mảnh mai. Tôi cũng đã kể chuyện tình của Cupid với Psyche rồi, ở đây nhắc lại một chút để bạn nào chưa đọc bài cũ thì đọc ở đây.
Psyche là một cô gái rất đẹp bị bắt đem tế thần. Thần là một con quái vật thích ăn thịt người. Psyche bị mang đến một tảng đá to trên một hòn núi cao, trói ở đó chờ quái vật đến bắt. Thần Gió mang Psyche đến một lâu đài rực rỡ. Hằng đêm có một chàng thanh niên che mặt đến yêu nàng. Đến lúc đêm khuya, yêu trong bóng tối. (“Chẳng phải là sương, chẳng phải hoa. Nửa đêm chàng đến, sáng ra về. Đến như giấc mộng, khuya không đợi. Đi tựa mây trời không định nơi.” Viết lại theo trí nhớ một đoạn thơ không biết là của ai, chỉ biết được tác giả Quỳnh Giao đặt ở lời tựa quyển Cánh Hoa Chùm Gửi) Tình yêu của hai người càng ngày càng thắm thiết. Cứ gần sáng là chàng biến đi mất. Chàng căn dặn nàng không được tìm cách nhìn mặt chàng. Psyche không ngăn nổi sự tò mò nên một đêm kia đốt đèn soi mặt người tình và dầu trong đèn bị nghiêng đổ lên da chàng, hơi nóng của dầu đánh thức chàng. Psyche nhận ra đó là Cupid, và Cupid nổi giận nên bỏ đi. Nụ hôn đầu tiên của Cupid dành cho Psyche được giới văn nghệ sĩ ghi chép lại, bằng văn chương và điêu khắc, vì đây là biểu tượng đánh mất sự trong trắng của tuổi thơ ngây và đánh thức khoái lạc của nhục dục.
Hằng năm, cứ vào mùa hè, là tôi lại nghĩ đến đi xem kịch Shakespeare trong Central Park. Vé thì phát không, nhưng ai cũng muốn xem nên không dễ có vé. Tặng ban tổ chức 500 USD thì sẽ có vé xem theo ý mình chọn bất cứ ngày nào. Muốn đi xem kịch này thì phải thuê khách sạn ở qua đêm trong New York nếu không muốn lái xe vào thành phố sợ chen lấn chật chội. Kịch bắt đầu lúc tám giờ, tan kịch, lấy xe xong cũng phải mười một giờ. Nghĩ đến đó là tôi thấy mệt rồi. Thôi thì để nó là một giấc mơ chưa thành, và như thế mỗi mùa hè lại mày mò xem năm nay vở kịch gì sẽ được trình diễn và tìm đọc vở kịch ấy.
Bạn nào thích nghe nhạc thì mời nghe Midsummer Night’s Dream của Mendelssohn.
You must be logged in to post a comment.