Bốn ngày ở Houston

Không phải nơi tôi ở không có người Việt. Có nhiều nhưng tôi ít gặp (vì ít khi đến chỗ hội hè họp mặt) và không quen (vì kém giao tiếp). Trong bốn ngày ở Houston, tôi gặp rất nhiều người Việt. Ra đường thấy phố xá với rất nhiều cửa hàng của người Việt với những cái tên rất Việt của những năm trước 75 ở Sài Gòn, thí dụ như Phở Đa Kao. Cả đại gia đình của tôi ai cũng nhiều bạn, chỉ có tôi là ít bạn, hầu như không giữ được người bạn nào.

Lễ hóa tang của người anh tôi được chị tôi tổ chức trong chùa. Xong lễ người tham dự được mời ở lại dùng cơm chay. Vì lễ của anh tôi tổ chức cùng với nhiều gia đình khác nên bữa ăn có rất đông người. Toàn là người Việt. Chị tôi trước kia đi dạy học, nên bạn bè của chị nhiều người cũng làm nghề dạy học. Chị nhờ tôi chụp ảnh khách tham dự, nhưng tôi không quen chụp ảnh người nên tôi rất ngượng ngùng. Tôi giơ máy lên chụp chung, đứng xa xa, thì có một cô khách quay mặt đi chỗ khác. Chờ tôi bấm máy xong mới quay mặt lại làm tôi cụt hứng. Tôi chụp vội vàng vài tấm rồi thôi. Tàn tiệc chị tôi mới nhắc nhớ là tôi chụp khách mà không có chị lúc chị ngồi trong bàn tiệc. Giá mà chị nói là nhớ chụp ảnh chị chung với khách thì chắc là tôi không vô ý như thế.

Tôi ngồi chung bàn với vài người bạn của chị. Có một vài người đã hơn bảy mươi. Một chị ngồi đối diện với tôi đi với chồng, ông ấy ăn chay trường đã mấy năm. Hay thật, đàn ông mà không nhậu nhẹt lại ăn chay trường! Nghe nói trước kia ông làm Cảnh Sát. Bà làm nghề dạy, Tiểu học. Trong bữa ăn, tình cờ tôi nhìn thấy bàn tay của bà đeo cùng một ngón tay, ngón áp út, ba chiếc nhẫn hột xoàn. Một chiếc có hột xoàn rất to, loại tròn. Một chiếc gồm nhiều hạt nhỏ. Còn chiếc thứ ba thì tôi không nhớ kiểu. Chỉ nhớ ánh sáng từ cửa sổ chiếu vào ba chiếc nhẫn, hắt vào mắt tôi. Sáng lấp lánh. Tôi không nhớ bàn tay của bà có đẹp hay không, có béo ụ đến cỡ nào. Bà thuộc loại khá béo, mặt mày tô vẽ đủ thứ màu, chân mày đậm, môi đậm màu son đỏ ăn cả buổi vẫn còn màu, mí mắt chuốc mascara dày đậm. Bà nói chuyện vui vẻ, họat bát nhưng dễ thương nhã nhặn, vẫn còn phong cách của nhà giáo. Nghe nói bây giờ bà làm nghề dạy các cô học nail để lấy bằng hành nghề.

Khi ra về, tôi đi chung với chị tôi và hai bà bạn của chị. Không hiểu vì sao câu chuyện lại đi đến chỗ ba chiếc nhẫn kim cương của chị bạn tên Thật. Chắc là tại vì tôi trầm trồ ba chiếc nhẫn to. Chị Thái, bạn chị tôi, lên tiếng.
– Sao tôi chẳng bao giờ nhìn thấy nữ trang của người ta đeo nhỉ? Vào nhà người ta tôi cũng chẳng bao giờ để ý đến bàn ghế đồ đạc cả. Có người cứ than nhà tôi chưng bày sơ sài lắm, chẳng có đồ đạc gì cả. Tôi nghĩ ơ hay, tôi đến thăm có phải để nhìn ngắm đồ đạc của các bà các ông ấy đâu.
– Thì ngồi ở bàn ăn, mình lại ngồi đối diện, chị ấy dùng tay phải gắp thức ăn, nhẫn kim cương đeo ở ngón tay của bàn tay phải, mình nhìn và gắp thức ăn thì mình phải thấy kim cương trên ngón tay thôi. Chị Hậu, một người bạn khác của chị tôi, đáp lời.
Thật đúng như vậy, tôi là người hay quan sát, bản tính của những người đang học đòi viết văn, tôi nhớ nét mặt cách nói chuyện của chị Thật nhưng tôi không nhớ nữ trang trên tai hay trên cổ mà chỉ nhớ ba cái nhẫn kim cương trên ngón tay. Tôi không mê nữ trang. Tôi khá quê mùa cục mịch, tướng không sang nên kim cương càng to thì người ta càng nghĩ là đồ giả. Người sang, đeo đồ giả người ta tưởng thật. Người không sang, đeo đồ thật người ta tưởng giả. Coi như đó là điều may, càng ít ham mê càng giảm hệ lụy.

Chị tôi kể lại. Chị Thật mê kim cương từ hồi còn trẻ. Chị là cô giáo dạy con của chị tôi, cháu Q. Có lần chị than thở, buồn quá, chị mất một món nữ trang. Chị đoán có lẽ chị gói trong một miếng khăn giấy, mở ra mở vào rồi rơi mất trong lúc đi chợ. Mấy tháng sau chị tìm thấy món nữ trang này ở đâu đó trong nhà chị. Cháu Q. nói:
– Sao cô không nói sớm. Tội nghiệp con mấy tháng nay, kể từ hôm cô nói cô đánh rơi món nữ trang, ngày nào con cũng đi chợ mà không nhìn không mua gì cả vì mắt luôn luôn nhìn xuống đất.

Bốn ngày ở Houston, gặp nhiều người Việt, nghe nhiều chuyện vui để kể. Nghĩ cho cùng, có lẽ chúng ta đều mong muốn được chiêm ngưỡng, hay ngưỡng mộ. Có khác gì đâu giữa một người khoe nữ trang với một người khoe nhan sắc, hay khoe ảnh đẹp, khoe trí tuệ, khoe tài năng, khoe nghệ thuật, khoe tư tưởng. Tự trong lòng mỗi chúng ta đều có một khao khát thầm kín được người khác chú ý, yêu quí chúng ta vì một cái gì đó, được thể hiện qua một vật thể hữu hình hay trừu tượng. Có phải thế không?

 

Vài tấm ảnh ở trường đại học Johns Hopkins

Vòng tròn cắt thành tám miếng

Eight-part Circle (Granite, 1976/1987) Tác giả: Michael Heizer (American, 1944)

Sheila's song

Sheila's song phía sau

Sheila’s Song (1982, Steel). Tác giả: Anthony Caro (English, 1924)

một hành lang ở Johns Hopkins

Một trưa hè, đưa cô con út đi làm ở đại học Johns Hopkins, đi ngang một hành lang sáng sủa, trần nhà là cái vòm hình cung đẹp mắt. Trường có một vườn mỹ thuật triển lãm các hình tượng điêu khắc rất đẹp. Có một kiến trúc bằng thép gọi là Sheila’s Song, bài hát của Sheila, mình nhìn thì đoán là một loại dụng cụ để trình diễn nhạc nhưng chẳng giống kèn hay đàn. Mới nhìn lại tưởng là cái áo ngực.

Hôm nay là ngày nóng nhất của mùa hè. Tưởng đã sang mùa thu nhưng lại nóng khủng khiếp. Nhiệt độ ngoài trời 98 độ F, như thế là tương đương với thân nhiệt của loài người. Về nhà thấy trong nhà 88 độ F, mở quạt, máy lạnh chạy một hồi bây giờ là 85 độ. Ngoài trời vẫn còn 88 độ.

Lười không muốn viết

Lười quá, không muốn làm gì cả. Tôi xin nghỉ một ngày, ở nhà ngủ và xem phim. Xem hai phim Harry Potter, The Prisoner of Azkaban và The Goblet of Fire. Cả hai phim đều hay. Tôi ngạc nhiên thấy có nhiều tài tử nổi tiếng như Robert Pattinson, Emma Thompson và Ralph Fiennes. Xem phim Daisy The Hen Who Dreamed She Could Fly, Fallen Women bộ phim bốn tập của đạo diễn Kenji Mizoguchi, và phim Masquerade – The King of Façade. Phim Daisy tranh đẹp, nội dung không hấp dẫn lắm, nếu xem bằng quan điểm nữ quyền thì có nhiều điều đáng chê. Bộ phim Fallen Women đặc biệt lắm, không thể nói chỉ với một vài câu. Cả bốn phim đều nói về đời sống phụ nữ Nhật Bản, hai cuốn phim nói về thời điểm trước chiến tranh và hai cuốn sau thế chiến thứ hai. Một điểm thú vị là hai phim sau chiến tranh có nhạc jazz trong những buổi khiêu vũ ở quán rượu và nhạc jazz được nghe văng vẳng trong phim. Phim Masquerade rất hay, xem xong tôi muốn xem lại. Cốt truyện giống truyện cổ tích The Prince and the Pauper sau này được Mark Twain viết lại. Một anh kép hát được thuê giả dạng đương kim hoàng đế vì ông hoàng đang lo sợ bị người ta giết . Anh kép hát có lòng nhân từ yêu thương những người phục vụ và quyết định việc triều chính khôn ngoan đứng đắn nên được mọi người yêu mến. Anh kép hát nhập vai hoàng đế trọn vẹn nên có lúc bị đương đầu với câu hỏi, để hoàn thành nhiệm vụ hoàng đế cho trọn vẹn và tốt đẹp anh có nên chiếm lấy ngôi vua không. Phim rất đẹp, không thua gì cái đẹp trong phim của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.

Lười viết nên có mấy tấm hình đăng bạn xem cho vui.

Leo núi ở gần nhà

Tuần trước tôi đi hiking ở gần nhà. Chỗ ấy tên là Watchung Reservation. Mới vào cái trail thì gặp ngay một con chim rất to, chẳng biết là chim gì, đoán đại là heron. Tưởng là con chim mù nhưng khi về nhà zoom ảnh thật to thì thấy chim có mắt mở hẳn hoi. (Edit: đây là black-crowned night-heron, xem ảnh của quyển Field Guide to the Birds of North America – National Geographic 4th edition page 56 – 57)

Trên đường đi gặp một toán thanh niên thiếu nữ có dẫn theo hai con chó. Con chó màu trắng như tuyết cứ lẽo đẽo đi theo chúng tôi. Cô chủ của nó mỉm cười nói là con chó của tôi thích hai ông bà nên cứ đi theo. Con chó rất xinh, giống cái, tôi nghe chủ nó gọi nó Pattie. Dù đi rất gần chúng tôi nhưng nó không bao giờ nhìn thẳng vào chúng tôi, hễ tôi quay lại nhìn nó thì nó nhìn hướng khác như thể nó biết mắc cỡ, trông rất đáng yêu.

Chúng tôi đi quanh một cái hồ cạn nước. Thấy trên bản đồ của trail nói là hồ Surprise. Trên hồ có một đàn vịt đầu xanh khá đông. Có những chỗ quanh co rất gần với đường xe chạy. Watchung Reservation không có nhiều đỉnh cao. Có một chỗ cao nhất có độ cao chừng 500 feet. Chưa đi hết vòng của cái trail nên có thể sẽ trở lại đi cho hết 10 miles. Chỗ này rất gần nhà, lái xe chừng 15 phút hay 20 phút là đến nơi.

Nói thêm: Hôm trước sang blog bạn thấy giới thiệu một ca nhạc sĩ tên là Leonard Cohen. Nghe bản nhạc bạn giới thiệu rồi tôi lục trên you tube thấy có bài hát A Thousand Kisses Deep. Tôi thích the melodies và cái giọng hát rất khàn đục của ca sĩ. Lyrics của bài hát này nói về cuộc sống khá sa đọa nhưng lại biểu lộ phảng phất nét cứu chuộc (redemption) rất an ủi tâm hồn. Mời các bạn nghe bài đã post ở blog trước.