Con đom đóm

Đây chỉ là vài trang trích đoạn truyện ngắn “Firefly” (Con Đom Đóm) trong tuyển tập truyện ngắn “Blind Willow, Sleeping Woman” của Haruki Murakami. Truyện của Murakami thì rất có thể là đã được dịch ra đăng lên ở đâu đó từ lâu rồi, bởi một dịch giả nổi tiếng nào đó. Tuy nhiên, tôi đang đọc một số truyện thơ về mùa hạ, và trong mùa hạ thì có đom đóm. Và thơ văn về đom đóm ở Hoa Kỳ này có khá nhiều. Sẵn gặp thì tôi dịch, mời bạn đọc chơi. Giải trí.

be1bb93n-nc6b0e1bb9bc-vc3a0-sic3aau-trc483ng

Trong truyện, ông Murakami có nhắc đến cái tháp nước. Tôi tưởng tượng cái tháp nước ở Nhật đẹp hơn mới hơn, nhưng chắc cũng giống na ná như cái tháp nước này. Có thể nó tròn hơn, sơn màu xanh hay màu trắng. Nhưng đại khái là nó có thang để leo lên và nó khá cao. Đây là cái tháp nước gần trạm xe lửa tôi đi mỗi ngày, không biết có còn dùng không. Đăng ảnh để minh họa, tiếc là tôi không chụp được ảnh đom đóm. Dưới đây là truyện Con Đom Đóm của Haruki Murakami.

@ @ @

Vào cuối tháng, người bạn ở chung phòng nội trú cho tôi một con đom đóm trong cái lọ chứa cà phê. Bên trong lọ có cọng cỏ và chút nước. Hắn đục vài cái lỗ nhỏ trên nắp lọ. Bên ngoài trời vẫn còn ánh sáng nên trông đom đóm chẳng khác gì một con bọ đen bạn có thể thấy trên bờ biển. Tôi ghé mắt nhìn vào lọ và biết đó chính là con đom đóm. Nó cố bò lên thành lọ thủy tinh trơn bóng, mỗi lần leo lên đều bị tuột xuống. Đã lâu lắm rồi tôi mới lại được nhìn tận mắt con đom đóm.

“Tôi thấy nó ở ngoài sân,” bạn chung phòng của tôi nói. “Cái khách sạn ở cuối đường thả một bầy đom đóm để được sự chú ý của mọi người, và có lẽ nó đã bay lạc đến đây.” Hắn vừa nói vừa nhồi nhét quần áo và tập vở vào trong cái va li nhỏ. Chúng tôi chuẩn bị nghỉ hè một vài tuần. Tôi thì không muốn về nhà còn hắn thì bận một số việc bên ngoài trường, vì thế hai chúng tôi là những người còn sót lại trong nội trú. Công việc xong, hắn sẵn sàng về nhà.

“Sao bạn không tặng con đom đóm cho một cô nào đó?” hắn hỏi. “Các cô thích mấy thứ này lắm.”

“Cám ơn bạn, ý kiến rất hay,” tôi nói.

@ @ @

Sau khi mặt trời lặn, nội trú trở nên im lìm. Cờ đã hạ xuống và đèn được thắp sáng ở các cửa sổ của căng tin. Chỉ một số ít học sinh còn ở lại, vì thế chỉ có một nửa số có đèn. Bên phải của căng tin đèn bị tắt đi chỉ có đèn bên trái được mở. Bạn có thể ngửi thấy mùi thức ăn thoang thoảng bay ra từ căng tin.

Tôi mang lọ cà phê có chứa con đom đóm lên mái nhà. Chung quanh rất vắng vẻ. Một cái áo sơ mi trắng ai đó bỏ quên trên dây phơi, phất phơ trong gió như một miếng da bị bong ra. Tôi leo cái thang rỉ sét ở một góc nhà lên tận điểm cao nhất của cái tháp nước. Cái tháp nước hình trụ vẫn còn ấm áp vì hấp thụ hơi nóng mặt trời lúc ban ngày. Tôi ngồi xuống trong một góc chật hẹp, dựa vào hàng rào và nhìn xuống mặt trăng ở phía trước mặt tôi, chỉ còn một hay hai ngày là sẽ trở nên tròn đầy. Ở bên phải, tôi có thể nhìn thấy đường phố của Shinjuku, bên trái là Ikebukuro. Đèn ô tô tạo thành một dòng ánh sáng, rực rỡ chảy từ bên này thành phố sang bên kia. Như đám mây trôi lơ lửng trên đường phố, tiếng động trong thành phố là tổng hợp của âm thanh, như một tiếng ngân nga dịu dàng.

Con đom đóm nhấp nháy ở đáy lọ nhưng ánh sáng của nó yếu ớt, và màu sắc mờ nhạt quá. Trong trí nhớ của tôi, đom đóm phát ra một ánh sáng khá mạnh, có thể xuyên qua bóng tối của đêm hè. Con đom đóm này tỏa ánh sáng yếu ớt quá, có thể là nó sắp chết. Tôi đoán thế. Cầm cái miệng lọ, tôi lắc vài lần, để nhìn. Đom đóm cất cánh bay lên một đôi lần, va vào thành thủy tinh. Nhưng ánh sáng của nó vẫn mờ nhạt.

Có thể vấn đề không phải là ánh sáng của nó, mà là trí nhớ của tôi. Có lẽ đom đóm không có ánh sáng rực rỡ. Có lẽ nó chỉ sáng trong óc tưởng tượng của tôi. Hoặc là, khi tôi còn bé, bóng tối chung quanh tôi dày đặc hơn. Tôi không thể nhớ nổi. Tôi không còn nhớ lần cuối cùng tôi được nhìn một con đom đóm là từ lúc nào.

Điều tôi có thể nhớ là tiếng nước chảy trong đêm. Cái cổng tháo nước cũ kỹ, có quả nắm bạn có thể xoay vòng để mở ra hay đóng lại. Một dòng suối  nhỏ, với cây cỏ mọc trên mặt nước. Chung quanh trời tối đen, và hằng nghìn con đom đóm bay lượn trên mặt nước yên tĩnh. Một chùm ánh sáng màu vàng như bụi phấn chiếu sáng cả mặt suối, và phản chiếu xuống dòng nước.

Bao giờ đấy nhỉ?  Và ở đâu chứ?

Tôi không biết.

Tất cả mọi thứ trở nên lẫn lộn.

Tôi nhắm mắt, hít thở mấy hơi dài để tự trấn tĩnh. Nếu tôi tiếp tục nhắm đôi mắt, không chừng thân thể của tôi sẽ bị cuốn hút vào trong bóng tối của đêm hè. Đây là lần đầu tiên tôi leo lên tháp nước vào buổi tối. Tiếng gió thổi nghe rõ ràng hơn bao giờ. Gió không mạnh, tuy nhiên nó để lại ấn tượng khi thổi ngang người tôi. Rất từ tốn, bóng đêm bao trùm quả đất. Ánh đèn của thành phố có thể rực rỡ nhất, nhưng dần dà và rất chậm rãi, bóng đêm luôn luôn là kẻ chiến thắng.

Tôi mở nắp lọ, thò tay bắt con đom đóm ra ngoài, đặt nó lên cái mé thềm của tháp chứa nước, mảnh kim loại dư ra ngoài chừng bốn hay năm phân. Dường như con đom đóm ngù ngờ không biết mình đang ở đâu. Sau khi bay loạng choạng va vào cái đinh ốc, nó duỗi một chân lên trên một mảnh sơn bị tróc. Nó cố tìm cách đi về bên phải nhưng bị cùng đường nên quay sang bên trái. Nó chậm chạp leo lên trên cái đầu của đinh ốc, nằm rất lâu, có vẻ chết nhiều hơn là sống. Dựa vào hàng rào, tôi nhìn đăm đăm con đom đóm. Rất lâu, cả hai chúng tôi cùng ngồi đó, bất động. Chỉ có gió, như một dòng suối, lướt qua chúng tôi. Trong bóng tối, hằng ngàn chiếc lá Zelkova rì rào, cọ xát với nhau.

@ @ @

Tôi chờ đến vô tận.

@ @ @

Một thời gian rất lâu, sau đó, đom đóm cất cánh bay đi. Như thể sực nhớ ra một chuyện gì đó, thình lình nó xòe cánh và một chốc sau bập bềnh đến trên hàng rào và thoát vào bóng tối. Có lẽ cố lấy lại thời gian đã mất, rất nhanh chóng nó vẽ một vòng cung ánh sáng bên cạnh tháp nước. Nó ngừng lại một vài giây, đủ để lằn ánh sáng bắt đầu nhòe đi rồi bay về hướng Đông.

Mãi rất lâu sau khi con đom đóm mất dạng, dấu ánh sáng của nó còn đọng mãi trong tôi. Bên trong cái bóng tối dày đặc phía sau đôi mắt nhắm của tôi, cái ánh sáng mờ nhạt ấy, giống như một linh hồn thất lạc nào đó, tiếp tục bay lang thang.

Một lần rồi thêm một lần nữa, tôi xòe bàn tay ra hướng về bóng tối. Nhưng ngón tay tôi không cảm thấy gì cả. Và đốm sáng ngời nhỏ bé ấy luôn luôn nằm ngoài tầm với của tôi.

 

Đọc Men Without Women của Haruki Murakami

Đọc Men Without Women của Haruki Murakami

Tôi không thích truyện dài của Murakami nhưng rất thích cách viết truyện ngắn của ông. Ý thích này vẫn còn khi tôi đọc quyển Men Without Women (Đàn Ông Không Có Đàn Bà). Tập truyện này được dịch ra ở VN đã lâu nhưng chỉ mới xuất bản ở Mỹ. Tôi thường ngạc nhiên vì bao nhiêu thứ tôi đặt và phải chờ hằng mấy tháng ở thư viện vẫn chưa đến trong khi truyện mới nhất của Murakami đến tay tôi trong vòng một tuần như thể chẳng ai buồn chú ý hay dành đọc truyện của ông với tôi. Tập truyện (ĐÔKCĐB) này bao gồm bảy truyện, tôi đọc được năm truyện thì thấy đủ rồi, không muốn đọc tiếp nữa. Trong hai truyện còn lại có truyện ngắn mang cùng tựa đề với quyển sách. Truyện ngắn của Murakami có cấu trúc rất giống với phim bản của Hoa Kỳ. Năm truyện tôi vừa đọc, có thể biến thành bất cứ truyện nào trong số này thành một phim tình cảm xã hội dễ dàng. Truyện nào cũng có thể gọi là truyện tình. Murakami vẫn thích viết về tình dục. Không biết có nên đưa tên ông vào danh sách để bình chọn những nhà văn viết “bad sex” hay không. Ông có thể biến sự quan tâm về những vết thương, và vết sẹo, bỏng thuốc lá thành một cuộc foreplay để đưa đến cuộc tình một đêm, giữa người chủ tiệm rượu với người đàn bà đến quán để uống rượu, thật tài tình.

Truyện đầu tiên trong tập truyện là “Drive My Car” (Lái Xe Của Tôi). Nhân vật chính là Kafuku. Vợ mất, mắt yếu, uống rượu nhiều nên không còn muốn tự lái xe, ông thuê một cô gái không đẹp làm tài xế cho ông. Ông Kafuku là diễn viên, sở trường đóng vai những nhân vật đặc biệt (character actor). Vợ cũng là diễn viên, khi còn trẻ bà thành công hơn ông. Ông rất yêu vợ nhưng ông khám phá vợ ông ngoại tình, với nhiều người. Người tình của bà thường là diễn viên nam, trẻ tuổi hơn bà, và thường khi cuộc tình chỉ kéo dài trong thời gian họ đóng chung với nhau. Ông biết nhưng giả vờ không biết. Cái đau đớn đối với ông là tuy biết vợ ngoại tình nhưng phải giả vờ không biết và giữ gìn sao cho bà vợ không biết là ông biết. Ông thắc mắc, cuộc hôn nhân của ông bà tốt đẹp đến thế, sao bà lại có tình nhân. Ông muốn biết bà tìm gì và được gì trong những người tình ấy.

Để tìm hiểu lý do vì sao vợ ông phản bội, Kafuku làm bạn với người tình sau chót của bà vợ. Hai người cùng có sở thích uống rượu. Trong lúc cô tài xế Misaki Watari lái xe, ông tâm sự với cô những điều bí mật trong cuộc sống của vợ chồng ông. Misaki cũng bày tỏ những điều trong gia đình cô.

Trong tập truyện này các nhân vật của Murakami có hành động khá khó hiểu. Trong khi ông diễn viên già đi làm bạn, uống rượu với tình nhân của vợ, thì Akiyoshi Kitaru, trong truyện ngắn Yesterday (Hôm Qua) lại kiếm cách đẩy người yêu, cô bạn gái thanh mai trúc mã, của mình vào vòng tay của Tanimura, một người bạn sơ giao. Qua sự dàn xếp hầu như nài nỉ của Kitaru, Erica Kuritani, đồng ý gặp Tanimura (cũng là người kể chuyện). Hai người ăn tối uống wine nhưng không tiến xa hơn dù Tanimura nhận ra là Erica rất đẹp, phải nói là quá đẹp, đến độ chàng cho rằng nàng nằm ngoài tầm với của chàng. Erica đi chơi với một người bạn trai khác thường hay chơi tennis với nàng và ngủ với anh ta. Ngay sau đó Akiyoshi cắt đứt mọi liên lạc với Tanimura và Erica. Akiyoshi bỏ học đi làm đầu bếp bên Mỹ, thỉnh thoảng gửi một tấm bưu thiếp cho người bạn thời thơ ấu của mình. Tôi, cứ tự hỏi không hiểu vì sao Akiyoshi lại đẩy Erica ra khỏi cuộc đời anh ta như thế. Vì yêu nàng, tôn thờ nàng quá độ, hay vì anh chàng phân vân không xác định được giới tính của anh chàng. Anh chàng bỏ đi sau khi đoán biết Erica ngủ với một người con trai khác, vì ghen? Truyện này cũng lấy tên một bài hát của ban nhạc Beatles “Yesterday” làm tựa đề. Truyện kia thì bạn biết rồi, “Norwegian Wood.” Trong truyện này, có một đoạn Murakami tả lại giấc mơ trong đó có vầng trăng khổng lồ làm bằng nước đá (ice) rất lãng mạn. Nửa vầng trăng nằm trong biển. Trong giấc mơ Erica cứ lo sợ là vầng trăng sẽ tan. Và khi thức giấc thì không có vầng trăng.

Truyện thứ Ba là An Independent Organ (Nội Tạng Độc Lập). Theo cách hiểu của tôi thì trái tim có lý lẽ của nó mà lý trí không bao giờ hiểu được. Tokai Tanimura, bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, đẹp trai, và có rất nhiều người tình. Chàng không muốn kết hôn, chỉ muốn có người tình. Các người tình của chàng đều rất đẹp, cả người độc thân lẫn người có chồng. Quan hệ tình cảm của chàng với người tình có khi chỉ một thời gian ngắn có khi lâu dài. Chấm dứt khi người tình đi lấy chồng hay vì một lý do nào khác. Cuộc đời chàng êm đẹp cho đến khi Tokai thật sự yêu một người đàn bà có chồng. Chàng muốn kết hôn với nàng mà nàng thì không muốn bỏ chồng. Cho đến một ngày Tokai khám phá là nàng vẫn (và đã) bỏ chồng nhưng không lấy chàng mà đi lấy một người khác. Tokai rơi vào cơn trầm cảm tuyệt vọng đến độ mất ý chí muốn sống. Trong phần này, qua giọng của anh chàng thư ký riêng của ông bác sĩ, Murakami đã kết tội, bản tính của đàn bà là gian dối.

Mỗi truyện là một nhân vật rất đặc biệt có lẽ ông phải research rất công phu. Biến tài liệu biên khảo thành một nhân vật biết đi đứng nói cười suy nghĩ đòi hỏi tài nghệ của một nhà văn lớn. Cô đơn, quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, tình yêu và tình dục là những chủ đề nổi bật trong truyện của Haruki Murakami.

Nghĩ về tựa đề của một quyển sách

Tôi nghe đọc hết quyển sách Colorless Tsukuru Tazaki and His Years of Pilgrimage, có một vài đoạn tôi thấy hay, tò mò dịch thử, đến cái tựa đề của quyển sách thì thấy khó dịch quá.

Tsukuru Tazaki, nhân vật chính trong truyện, có bốn người bạn rất thân. Mỗi cái họ của bốn người bạn này đều có mang một màu sắc. Thí dụ như Kei Akamatsu, Kei là tên, Akamatsu là họ. Trong chữ Akamatsu có chữ Aka có nghĩa là màu đỏ. Akamatsu có nghĩa là red pine, hay thông đỏ. Tsukuru Tazaki là người độc nhất trong nhóm năm người tên không ẩn chứa màu sắc vì thế gọi là colorless. Một người colorless cũng có nghĩa là người nhàn nhạt, không có gì đáng chú ý đặc biệt hay gây ấn tượng, bình thường, hay bình dị. Một người nếu được miêu tả là colorful thì chúng ta có thể hiểu là một người sống động, hào nhoáng, hay làm những chuyện khiến người khác chú ý đến mình. Nếu dịch Tsukuru Tazaka không màu thì không thể nói được bản chất của nhân vật.

Haruki Murakami là một trong những tác giả hay chơi chữ với tên của nhân vật. Ông phân tích, chơi chữ, và qua cái tên của nhân vật, người đọc có thể nhìn thấy cá tính của nhân vật. Trong quyển này, Murakami dường như cho rằng, cái tên của con người có thể ảnh hưởng đến cuộc đời của họ. Cái ảnh hưởng này có thể là định mệnh, cũng có thể vì người ta chú ý đến cái tên, mãi rồi nó nhập tâm. Một cách vô thức, người ta có những chọn lựa có thể ảnh hưởng đến cuộc đời, chỉ vì cái tên. Tsukuru vì có cái tên không màu, trong khi bốn người bạn thân của nhân vật đều có tên có màu, khiến Tsukuru chỉ có vẻ chơi thân chứ không thật sự là một thành phần của nhóm. Một người ở gần nhưng vẫn thuộc vòng ngoài. Chữ Tsukuru có hai cách viết, dùng chữ Trung quốc ghép vào để phát âm, một chữ có nghĩa sáng tạo (tinh thần), chữ kia có nghĩa là làm ra, xây dựng, xây cất nên (vật chất). Murakami cho độc giả cái ý nghĩ, nhân vật của ông, Tsukuru, chọn ngành kỹ sư vì cái tên (do bố đặt cho) có nghĩa là xây dựng, dù Tsukuru (như cái bóng của Murakami), có óc sáng tạo.

Years of Pilgrimage là tên của một bản nhạc của Franz Liszt. Liszt có những năm du hành ở châu Âu. Ông viết bản nhạc này là một bộ bao gồm ba “suite” (tôi không biết dịch là gì), chỉ biết đại khái suite là một loại nhạc được viết cho dương cầm hay vĩ cầm (hay một loại nhạc cụ nào đó). Suite có thể là một bản giao hưởng được trình diễn trong những buổi đại hòa tấu, cũng có thể là một bài hát để trình diễn trên sân khấu theo dạng opera. Một người bạn gái trong nhóm có tên Yuzuki Shirane, nghĩa là White Root hay rễ trắng, thích chơi bản số một trong bộ ba bản của Liszt, có tiêu đề “năm đầu tiên đi du hành ở Thụy Sĩ.” Liszt là một người rất lãng mạn, yêu thích văn thơ. Ông thường trích dẫn một đoạn văn hay đoạn thơ của một tác giả nổi tiếng đã gợi cảm hứng cho ông viết nhạc. Years of pilgrimage lấy từ ý một quyển truyện của Goethe, có nghĩa là những năm tháng lang thang.

Bốn người bạn thân bỗng dưng cùng một lúc đoạn tuyệt với Tsukuru Tazaki không một lời giải thích. Tsukuru trải qua những năm dài đau đớn và thắc mắc. Years of Pilgrimage nói lên cuộc hành trình trở về quá khứ của Tsukuru đi tìm lý do vì sao cả bốn người bạn đều cùng lúc tuyệt giao với mình. Chọn nghĩa hành trình của Tsukuru thì mất cái tên bản nhạc mà người bạn gái rất đẹp, Tsukuru thầm yêu, thường đánh đàn dương cầm. Bản nhạc này nằm trong tiềm thức của Tsukuru suốt mười mấy năm và người bạn gái thường trở về trong những giấc mơ của chàng.

Quyển này khi ra đời đã bán được hơn một triệu ấn bản trong tháng đầu tiên. Một nhà điểm sách trên báo New York Times đã tự hỏi vì sao một anh chàng, mọi nhân vật nam chính của Murakami đều như thế, lù khù chẳng có gì hấp dẫn lại có thể lôi cuốn người đọc đến hết quyển truyện. Tôi không nghĩ tôi là người si mê tiểu thuyết của Murakami, nhưng tôi tò mò muốn biết ông viết gì viết thế nào mà lôi cuốn nhiều độc giả như thế. Điểm đặc biệt của Murakami là ông tạo một bí mật, độc giả muốn biết ông sẽ khai mở bí mật này như thế nào, như một truyện trinh thám vậy. Truyện của Murakami đầy tình dục và bạo động. Đó cũng là một thu hút. Murakami cấu tạo nhân vật rất kỹ. Mỗi nhân vật đều có cá tính, cách ăn mặc, cách suy nghĩ riêng. Tôi thì đặc biệt thích cách viết siêu thực của ông. Ông mang những tình huống ma quái, thần bí, vào khung cảnh thực tế qua hình thức giấc mơ, lời kể, hay là sự tưởng tượng của một người bị bệnh tâm lý một cách dễ dàng và hợp lý.

Bạn nào thích đọc truyện, không ngại dài thì đọc ở đây

Dưới đây là bản nhạc mà Shiro (nghĩa là màu trắng, tên gọi tắt của Yuzuki Shirane,) thường hay đàn. Có người nào đó, chắc là fan của Murakami, đã upload lên youtube.