Tiễn năm cũ bằng những hình ảnh cũ

Chùm ảnh này tôi chụp thành phố New York năm 2011. Ảnh không thiện nghệ, nhưng nhìn chúng cũng thấy được ánh đèn lộng lẫy, dòng người nhộn nhịp ghé thăm thành phố dường như không bao giờ ngủ này. Nếu tôi còn trẻ, tôi muốn ngủ qua đêm ở đó và dậy thật sớm để nhìn thấy bộ mặt của thành phố New York lúc vắng người nhất. Đến New York City bạn sẽ có cảm giác  không ai biết mình, không ai để ý đến mình, hay mình có thể chọn cho mình một con người nào đó khác hẳn con người thật của mình. Và hòa nhập vào dòng người, tạm thời biến vào trong môt giấc mơ cho đến khi…

một nhà hàng nhỏ
phố đêm đèn mờ giăng giăng màu trắng như vì sao
đoàn múa rockettes
hoa trạng nguyên
phố giăng đèn
bó hồng
quầy hoa
Swarovski
cửa hiệu bán tie
Thành phố New York năm 2011
trước hiệu kim hoàn
hòa nhạc ở Rockefeller
cô gái bán hàng rong
trang trí
news
window shopping
trang trí trong đường hầm Rockerfeller
dàn nhạc ra khỏi đường hầm dưới Rockerfeller building
cửa hiệu bán quà
đĩa bay
văn phòng NBC
đèn ở Radio city
đường hầm dưới Rockerfeller building
bong bóng
cửa tiệm bán giày
cây thông ở Rockerfeller Center
quảng trường trước Swakovski
thời trang mùa đông
Radio City
dọc theo đại lộ America
màu sắc
người và người
khăn quàng
nóc giáo đường
074a
thiên thần 2
người đi như trẩy hội
thiên thần 5
một góc của ice skate ring
cây thông gắn đèn ở ice skate ring
deco bulb 2
thiên thần 4
tình nhân
chùm giấy treo
085a
thiên thần 3
mũ
thiên thần 1
đèn với cờ
080a
cửa hiệu Lego
đèn và người
tình nhân không còn trẻ
tượng người lính thổi kèn
deco
126a
đèn như trời sao giữa hai bức tường
deco 3
Biển quảng cáo
times square 3
Trình diễn nhạc
Times Square
New York
một người xinh xắn
Times Square 4
biển quảng cáo 2

Yêu quá đời này

Bận bịu chuyện nhà. Vì tuần này chàng về và cô út ở trường cũng về nên tôi bày nấu nướng vài ba món ăn, loay hoay thế mà hết cả hai ngày cuối tuần. Ăn cơm tối chàng mở chai chardonay trắng. Tôi uống không biết mấy ly, cô út nhà tôi hỏi mẹ tipsy (say) hả. Tôi cười. Ờ mẹ hơi say. Sao con biết? Vì mẹ cười hoài! Tôi và chàng của tôi có cái tật là hễ say là vui vẻ, cười luôn miệng và dễ dãi hơn, Tôi post cái bài này bốn năm lần mà không xong vì tôi cứ bấm nút bậy làm cho nó đóng blog mãi. Nhớ mấy câu trong bài hát. Uống rượu mà không say thì nào hay. Uống rượu mà không say thì nào vui. Xin mời anh nâng ly cùng tôi. Rồi cũng nhớ một bài hát khác. Tôi là ai? Là ai?

Mà yêu quá đời này!

1

Đây là ảnh ở một đoạn trên đường xe lửa trên không trung. Người ta làm một tấm lưới thả hoa dại bò lên.

2

Những trái đậu tím. Chưa hề thấy đậu này bán ngoài chợ nhưng trái đậu giống đậu móng chim hay còn gọi là đậu Hòa Lan chỉ có cái khác là nó màu tím. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu người ta bảo đậu này ăn rất tốt vì nó có antioxidant. Lúc sau này các nhà chuyên về thực phẩm luôn bảo người ta hay ăn các thức ăn có màu sắc như cà tím hay nho tím nho đen vì cái màu của nó có chất flavonoid hay gì gì đó chống già chống ung thư. Nói vậy thì hay vậy chứ nếu nó thật sự tốt thì sẽ không ai chết và thế giới này càng lúc càng thêm chật chội hỗn độn.

3

Hoa honeysuckle, loại đỏ. Thơm ngát. Cứ muốn ở gần mà hít lấy hít để cái mùi hương dịu dàng này. Tiếng Việt gọi là hoa kim ngân, có hai loại màu trắng và màu đỏ.

4

Để dụ chim người ta làm một số tổ chim trang trí rất đẹp mắt. Ông này đi cùng với người đàn bà mặc áo cánh màu đen. Cô nàng rất trẻ có thể trẻ hơn ông chừng hai con giáp. Cô say mê săn ảnh chim, và ông kiên nhẫn chờ nàng.

5

Những con chim se sẻ ở trong thành phố. Chúng nghĩ gì khi phải chia chỗ ở với loài người?

6

Một chú bồ câu hiu quạnh.

7

Ở một góc khác có một nàng bồ câu cũng hiu quạnh.

8

Một nàng bồ câu đứng trên đầu tượng đá. Nàng hát. Một lần chợt nghe quê quán tôi xa. Giọng người gọi tôi có tiếng rất nhu mì. Lòng chợt bình yên mà sao buồn thế…

9

Song song với đường xe lửa ở hướng Tây là con sông Hudson. Đã một thời sông này bị ô nhiễm trầm trọng. Một dân biểu thuộc dòng họ của Kennedy mà bây giờ tôi không nhớ tên không biết có phải là Patrick hay không đã vận động thải lọc những chất ô nhiễm làm con sông trở nên sạch sẽ cho dân thành phố Manhattan được hưởng thụ gió mát trên sông. Dọc theo bờ sông có nhiều công viên có đường dành riêng cho người đi xe đạp và đi bộ. Những con chim hải âu ngủ ngoan trên những cọc hư hoại còn sót lại ven bờ sông. Bay đi cánh chim biển hiền lành. Chẳng còn giấc mơ nào để giữ bước chân em…

10

Chim câu đậu trên cánh tay nữ thần trước ngõ vào công viên Central Park.

11

Hoa cúc vàng trên sân anh xinh như áo mới em ngày nào.

Trên đường đến Central Park New York

1

Cửa của một nhà thờ mà nét chữ in trên bảng thì không biết là nhà thờ Đại Hàn hay Nhật Bản. Nhà kiểu xưa, màu cửa đỏ trông rất đẹp.

Hoa trong Central Park không biết tên chỉ thấy giống hydrangia.

2

Dãy nhà trông khá giống căn hộ của một nhân vật trong Sex and the City.

3

Cách trang trí trên tường ngoài của ngôi nhà trông lạ mắt.

4

Từ dưới lá trong cây cho đến Romeo và Juliet

Bốn giờ sáng thức giấc. Nghe tiếng lá reo.  Bỗng nhớ hai câu thơ đề trên trang đầu tiên của quyển Khung Cửa Hẹp.  Không còn nhớ quyển sách ấy nói gì cũng không nhớ có đọc hết quyển sách ấy hay không.  Nhưng hai câu lục bát thì không quên.  Đêm nằm dưới lá trong cây.  Bữa hôm nay mộng thấy ngày hôm qua. Nhớ thơ nhưng không nhớ tên tác giả. Nhớ câu này vì có lá trong cây.  Không hiểu hết câu thơ chỉ đoán là vì ngày qua rồi nên hôm nay nghĩ đến hôm qua như một giấc mơ. Nếu bạn đọc trên trang này thấy vài câu thơ xin cứ mạnh dạn tin là tác giả chép của người khác.  Vì tôi rất dở, không biết làm thơ.

Bây giờ ngồi đây mộng thấy ngày hôm qua.  Trời gió làm lá reo.  Lá reo làm tôi nghĩ đến hai câu thơ.  Và tôi nghĩ đến Bùi Giáng, rất có thể ông đã dịch từ hai câu thơ ngoại quốc.  Và từ Bùi Giáng tôi nghĩ đến nhà thơ Nguyễn Đức Sơn ngày xưa có người mua trong đống sách bán ở dọc đường Lê Lợi quyển thơ của NĐS tặng tôi.  Ông này có nhiều bài thơ rất là kỳ cục vì thế hễ tôi nghĩ đến Bùi Giáng là tôi nghĩ đến NĐS và tôi nghĩ đến người bạn viết văn ngày xưa đã tặng tôi quyển thơ.  Tôi không còn nhớ những câu thơ kỳ cục của NĐS chỉ còn nhớ một bài không mấy gì đặc biệt của ông.  Ôi biết ngày nào anh trở lại.  Vườn xưa cây trái ngả nghiêng sầu.  Anh đi trong nắng tàn hoang dại.  Thấy lá sầu riêng bạc hết màu. Nhớ bài thơ này là vì đọc ở trên trang của chị CC nói về những cây sầu riêng ở nhà chị đã bị đốn.  Không biết đã bao nhiêu năm rồi tôi không được ăn sầu riêng.

Hôm qua nắng đẹp.  Buổi sáng mưa một chút đủ ướt lối đi tôi ra ngoài sân quét lối đi vì bao nhiêu là xác hoa rụng.  Có nhiều loại hoa không thơm nhưng cũng là hoa, rụng xuống những xác những cánh thành từng nùi từng nhúm khô khốc như xơ mướp như bùi nhùi.  Phấn hoa làm khổ sở những người có bệnh dị ứng như tôi. Thế mà tôi lười không đi bộ.  Đi thư viện về tôi làm công việc lặt vặt trong nhà và nằm xem phim.  Xem lại phim The Hurt Locker.  Phim chiến tranh tàn bạo quá. Chợt nghĩ đến pho tượng đồng Romeo and Juliet trong Central Park tôi lấy phim Romeo and Juliet ra xem.

1

Phim này được hai giải Oscar năm 1969.  Có lẽ chiếu ở VN năm 70 hay sau đó. Những ai ở VN sinh năm 65 hay về sau có thể chưa được xem phim này.  Chuyện tình của Romeo và Juliet thì xưa quá rồi nên có lẽ ai cũng biết.  Xưa vì nó được Shakespeare viết đâu từ năm 1591 và ngay cả đại kịch tác gia này cũng lấy từ những điển tích xa xưa.  Juliet con của gia đình Capulet lúc ấy mới 13 tuổi.  Còn Romeo con của gia đình Montague hình như 15.  Hai gia đình này thù nhau lâu đời.  Cứ hễ gặp nhau trên đường là choảng nhau.  Không bên này khiêu khích thì bên kia khiêu khích.  Thỉnh thoảng bên này giết bên kia oán thù vì thế cứ chất chồng.  Anh họ của Juliet là Tybalt giết Mercutio bạn thân của Romeo.  Romeo nổi nóng nên giết Tybalt.  Bị lưu đày nên Romeo bỏ trốn, bỏ lại người vợ trẻ sau lưng, họ mới lén kết hôn với nhau được ba ngày.  Juliet bị cha mẹ ép lấy một ông quan nên cầu cứ với một tu sĩ trong vùng.  Ông cho Juliet liều thuốc uống giả chết tạm thời và báo tin cho Romeo biết để chàng trở về đưa Juliet trốn đi.  Romeo một mặt được một người gia nhân gấp rút báo tin nên trở về trước khi nhận được thư báo tin của vị tu sĩ.  Romeo mua độc dược, uống rồi chết ngay trong nhà mồ nơi giữ xác Juliet.  Sau khi tan cơn thuốc nhìn thấy Romeo đã chết, Juliet rút gươm của Romeo tự tử chết theo.  Cái chết của hai người trẻ tuổi yêu nhau xóa oán thù của hai giòng họ.

Phim rất đẹp.  Olivia Hussey trong vai Juliet đẹp một cách trong sáng ngây thơ, tóc dài màu nâu đậm trông giống như tóc của các cô gái Việt Nam.  Cái cách quấn tóc cũng là mode một thời. Tôi mê phim này không chỉ ở truyện tình mà mê những lâu đài thành quách kiểu xưa.  Và cái nhà thờ nơi làm lễ cưới của Romeo và Juliet trời ơi làm toàn bằng đá trắng đi đâu cũng thấy sáng rực, và có vẻ rất khô rất sạch, trong khi tôi luôn tưởng tượng bên trong những ngôi nhà thờ đều tối tăm ảm đạm.

Mê nhất là những màn khiêu vũ và trang phục thời xưa.  Họ hay mặc nhung màu rêu, màu đỏ, màu tím, màu rượu vang.  Trong buổi dạ tiệc của gia đình Capulet, Romeo lẻn đến dự và gặp Juliet ở đó.  Thật ra Romeo nghe đồn đến vẻ đẹp của người chị họ của Juliet tên là Rosalyne nên tò mò muốn biết người đẹp này nhưng khi gặp Juliet thì cả hai cùng ngơ ngẩn với tiếng sét ái tình ngay lập tức.  Hai người lén gặp nhau dưới bàn thờ, trao đổi cái hôn đầu tiên trong khi ngoài kia người ca sĩ đang hát bài hát chính trong phim này.  Bài hát đã được viết lời Việt như sau: Giây phút êm đềm, ngày ta gặp nhau, mắt môi thầm trao, những câu ân tình, biết bao là âu yếm.

Bài hát có những câu tiếng Anh như thế này: What is a youth? Impetuous fire. What is a maid? Ice and desire.  The world wags on. A rose will bloom. It then will fade. So does a youth. So does the fairest maid.

Xin làm tài lanh dịch ra tiếng Việt để hiểu thôi chứ không thể hát theo. Chàng trai trẻ là gì? Là cơn lửa cháy bùng dữ dội.  Cô gái trẻ là gì? Là những rạo rực mơ ước cũng cháy bỏng nhưng là cái cháy bỏng của giá băng.  Cuộc đời phất phới lung lay vui mừng, mời gọi. Một đóa hồng sẽ nở, rồi sẽ tàn.  Tuổi trẻ cũng tàn theo.  Kể cả cô gái trẻ nhất xinh đẹp nhất.

Bài hát còn nhiều câu tiếp theo trong đó có câu Cupid he rules us all, Thần Tình Yêu là người cai trị tất cả chúng ta.  Nói thế thì cũng không sai. Chúng ta đều yêu thương và muốn được yêu thương.  Bài hát này nhạc của Nino Rota.  Lời của Eugene Wilder

Giữa những năm chiến tranh cái chết cận kề, tuổi trẻ miền Nam vẫn mắt mở tròn ngây thơ say sưa với tình yêu.  Toàn là những Romeo cầm súng bước vào chiến tranh. Trái tim ngây thơ chỉ biết yêu thương chưa biết hận thù.

Họ đứng hôn nhau muôn đời

1

Tượng Romeo và Juliet trong Central Park. Họ mãi mãi hôn nhau giữa rừng cây, chim muông, và cả ông đi qua bà đi lại, giữa bốn mùa, và tình yêu của họ muôn đời bất diệt.  Một mối tình xóa hận thù giữa hai giòng họ. Việt Nam cần có vạn vạn tình yêu như thế để xóa những cách ngăn của đôi miền, hai bờ chính trị, hai bờ đại dương.

2
3
4

Dọc theo Park Avenue có rất nhiều hàng bán tranh ảnh, đồ mỹ thuật lưu niệm.  Những người bán tranh ảnh này có thể là nghệ sĩ tự bán tác phẩm của họ.  Cũng có thể là một người bán hàng không biết gì về mỹ thuật, đi bán dạo thế thôi.  Có lẽ họ hay bị rượt đuổi nên gian hàng nào cũng có một tấm bảng nhỏ bảo rằng đừng có quấy nhiễu nghệ sĩ.

Những người đánh đàn dưới chân cầu trong Central Park

Chạy vòng quanh tâm điểm của Central Park có ít ra là hai con đường, một con đường lớn ở mức cao hơn, đường tráng nhựa có vài chỗ có đèn xanh đỏ, có lối riêng cho người chạy xe đạp và chạy bộ (thể dục thể thao), và một lối nhỏ hơn, lối mòn hay pathway, ở dưới thấp hơn cho người đi dọc theo bờ hồ.  Tôi không kể đường lớn của thành phố, chỉ nói về đường nhỏ bên trong công viên thôi.  Có những con đường nhỏ xuyên ngang phía dưới con đường lớn để dẫn đến con đường mòn ven hồ.  Ở những chỗ xuyên ngang ấy người ta làm thành những cây cầu (hay viaduct) hình dáng xinh xắn, mỗi cầu một vẻ độc đáo riêng.  Dưới gầm cầu là nơi lý tưởng cho những nhạc sĩ biểu diễn dạo.

1

Trên đường đi về từ hướng Đông sang hướng Tây tôi thấy nhạc sĩ này đang chơi violin.  Tôi thường cho rằng những người chơi violin thường là những người có của ăn của để.  Nhạc violin dường như không thích hợp để trình diễn ở những nơi công cộng.  Người ta chỉ nghĩ là nhạc này chỉ xuất hiện ở những nhà hát sang trọng, trong những buổi đại hòa tấu, nhạc giao hưởng, thính phòng.  Có lần tôi thấy người ta trình diễn nhạc vĩ cầm ở một đám cưới đã hơi ngạc nhiên, tuy nhiên không ngạc nhiên nhiều lắm bởi vì cái nhà hàng này nhìn cũng giống như một cái nhà hát nho nhỏ với những bậc thang bằng đá cẩm thạch trắng thật đồ sộ.  Kể cả ông nhạc sĩ này cũng có vẻ gì rất là, ahem, tiểu tư sản.  Trông ông ta khá sạch sẽ đẹp trai. . .

2

Ông này thì tôi nhìn thấy khi ra khỏi viện bảo tàng.  Đang đi nghe tiếng kèn đồng với bản nhạc rất hay làm tôi chú ý.  Tôi nghe một lúc rồi biếu ông tiền.  Ông vẫn tiếp tục thổi kèn nhưng hạ cái kèn xuống với dáng điệu cảm tạ. Thấy trong cái hộp đựng kèn của ông có khá nhiều bạc giấy một đô la.  Đứng phía dưới vòm cầu nghe âm thanh dội vang, rền, hay lạ thường.  Tiếng kèn đồng lẻ loi, khi không bị những âm thanh khác như dương cầm hay percussion che lấp, nghe rất hấp dẫn.  Nó làm mình liên tưởng đến giọng hát của những người da đen trình diễn ở những quán rượu về đêm, mù mịt khói thuốc.  Nó nức nở như những lời khóc than khản giọng. Tôi không biết bài hát ông đang trình diễn nhưng nó ngọt ngào quá giống như nhạc Việt Nam làm tôi có cảm tưởng như nếu tôi nghe lâu hơn ông sẽ tấu Hạ Trắng, hay Tôi Đưa Em Sang Sông.

3

Ông này thì chơi guitar.  Tôi đang vội đi đến viện bảo tàng nên không dừng lại để nghe ông.

Những nhạc sĩ này là một trong những nét đặc thù đáng yêu của Central Park.

Một góc của Central Park

1

Trên đường đi từ bên hướng Tây của công viên sang hướng Đông tôi đi ngang ngôi nhà Scottish cottage này.  Tôi rất yêu thích dáng của những ngôi nhà đá như thế này và luống Uất Kim Hương nở rộ màu sắc rực rỡ càng hấp dẫn tôi hơn.  Ngạc nhiên khi thấy một ngôi nhà đẹp như thế này được biến thành một nhà vệ sinh công cộng.

2

Buổi sáng, trời ấm áp và đẹp, người ta đẩy xe đưa em bé ra bờ hồ ngồi sưởi nắng ngắm hồ.  Đây chỉ là một cái hồ nhỏ trong góc Tây của công viên.  Tôi sẽ thám hiểm dần dần và nói về cái công viên này trong những bài kế tiếp. Dọc theo bờ Tây của hồ rất nhiều đôi tình nhân, đa số là những vị có tuổi họ đi bộ cho khỏe người.  Bởi vì tôi đi ngày thứ Sáu nên đa số chỉ có những người không còn làm việc hay những bà mẹ ở nhà chăm con.

3

Đây có lẽ là một nhân viên của công viên, chèo thuyền đi quan sát nhặt nhạnh những thứ không nên có ở dưới hồ.  Không có khiếu chụp ảnh, cũng không mang theo paranoma lense nên tôi chỉ làm được bằng ấy thôi tuy nhiên đây là một cảnh tượng rất đẹp mắt, chung quanh có những con vịt trời và ibis lượn lờ.

Tôi không biết buổi sáng như thế này (giờ của tôi New Jersey) bạn thường làm gì? Còn tôi thì từ khi thức giấc đến giờ tôi uống chưa xong ly cà phê nó đã nguội ngắt đắng ngòm, chạy từ báo mạng này sang báo mạng khác, đọc lam nham lỡ nhỡ.  Có những bài hay nhưng dài đọc lướt qua, tự hứa sẽ đọc lại.

Tôi muốn kể bạn nghe chuyến đi thăm viện bảo tàng Metropolitan Museum of Art của tôi ngày hôm qua nhưng sợ làm bạn chán.  Nói đúng ra tôi chỉ đi săn ảnh của mấy món đồ gốm cổ ở Hội An chứ cái viện bảo tàng này nó to lắm xem không hết. Với tôi chuyến đi này lạ vì tôi đi một mình, đó là một cuộc cách mạng cá nhân đấy nhé. Tôi mang giày sneaker, không trang điểm son phấn.  Buổi sáng trời hơi lạnh mặc nhiều áo quá nên suốt buổi phải khệ nệ khuân cái áo khoác jean dày cộm nặng trĩu.  Cái áo chừng một kí lô, cái máy ảnh, quyển sách Sea Dragons nói về cuộc khai quật đồ gốm dưới đáy biển gần cù lao Chàm, đem theo để đọc trong lúc chờ xe lửa hay subway, chỉ ngần ấy thứ mà sao nó nặng trĩu.  Nhớ lại cái truyện ngắn của Tim O’Brien người lính ra trận phải mang biết bao thứ nặng nề đi trong cái nóng nung người.

Hôm qua trời rất đẹp, ấm áp, người ta cởi trần chạy dọc theo bờ hồ của cái hồ trong Central Park. Tôi bị cảm sổ mũi, ho, nhưng vẫn đi.  Và dĩ nhiên là tôi thấy mệt.  Tôi mệt mỏi như thế này đã năm sáu năm nay, hậu quả của ngồi lì ở bàn viết ít vận động.

Tôi lấy xe lửa từ trạm nhà tôi vào Penn Station ở Newark, New Jersey.  Lấy một chuyến xe lửa nữa vào trạm Penn Station ở New York City.  Hai chuyến xe lửa này tôi đi không phải trả tiền vì tôi là nhân viên.  Ban đầu tôi dự định đi xe bus nhưng đổi ý đi xe điện ngầm vì nhanh hơn và dễ đi hơn.  Vì mới đi lần đầu một mình bằng phương tiện chuyên chở công cộng tôi không biết nó sẽ ra sao nhưng tự nhủ mình sống ở xứ này đã mấy chục năm thì chuyện tìm lối đi không phải là nan giải.

Chuyến xe điện ngầm tốn 2 đồng 25 xu.  Tôi chỉ hơi lớ ngớ là không biết đi uptown hay downtown tuy biết là mình phải đi chuyến xe điện ngầm C.  Tôi hỏi người trực ở cái information booth, một cô Mỹ đen môi dày mồm vẩu, vừa xấu vừa hung dữ.  Cô nói như nạt làm tôi nghĩ đến mấy bà mậu dịch quốc doanh ngày xưa. Cùng một tuyến đường có xe điện C và E, tôi hỏi một người đi xe điện họ bảo là phải để ý đừng lên xe E.  Tôi biết trạm tôi muốn xuống nhưng trước khi tôi lên xe tôi vẫn hỏi hành khách có đúng tuyến C không.  Vẻ lớ ngớ của tôi làm hai cậu bé tội nghiệp nên một cậu cố giải thích nhưng cậu nói lầm bầm vô nghĩa làm tôi có cảm tưởng cậu là một người không bình thường.  Một cậu bé khác trạc hai mươi lăm giải thích cặn kẽ hơn.  Tôi là người đi xe lửa lâu năm nên tôi có thể đọc bản đồ trên xe lửa.  Tuy nhiên tôi cũng cám ơn cậu đã nhẩm đếm bao nhiêu trạm thì sẽ đến trạm tôi muốn xuống.  Trước đó cậu hỏi tôi muốn đi đâu.  Cảm tưởng, người New York rất friendly (thân thiện, dễ dãi) ngoại trừ cái cô Mỹ đen môi dày răng vẫu, có thể cô là người New Jersey. Dân New York, nhất là giới điện ảnh tivi, hễ có cái gì xấu đều đổ thừa của New Jersey.

Tôi xuống trạm đường 81 ở phía Tây của Central Park.  Met (viện bảo tàng) ở bên hướng Đông.  Để đến đó tôi phải cắt ngang Central Park và đi bộ chừng nửa mile.  Một giờ tôi đi được ba mile.  Thế thì nửa mile chỉ tốn mười phút thôi. Tuy nhiên tôi đi đã hơn 20 phút mà không thấy gì cả nên tôi biết là đã lạc hướng.  Tôi hỏi một người đang dắt chó thì bà chỉ hướng tôi đi ngược lại.  Tôi đi quá chỗ phải rẽ mà không nhận biết vì không có tên đường và tôi ỷ y đã không mang theo bản đồ của Central Park.  Tôi đi bộ một lúc với bà dắt chó, bà bảo tôi tuy là viện bảo tàng này bắt người ta phải trả 20 đô là vào cửa, tuy nhiên đây là viện bảo tàng công cộng.  Người ta có thể donate nhiều ít tùy ý.  Người em trai của bà chỉ trả có hai mươi lăm xu thôi.  Bà bảo tôi trả chừng năm đô la hay mười đô la là hợp lý rồi.  Bà còn nói thêm nếu bà (là tôi) có nhiều tiền muốn đưa hai chục đô thì cũng tốt thôi.  Tôi hỏi mình nói làm sao, nhỡ người ta từ chối đuổi mình ra thì bẽ mặt.  Bà bảo cái trick là cứ đưa đúng số tiền mình muốn đưa.  Và tôi làm đúng y như lời bà chỉ.  Tôi cám ơn cái “tip” của
bà nhưng cũng hồi họp lắm.  Hai người đứng trước mặt tôi là hai người ngoại quốc nói tiếng Anh có accent.  Họ chỉ đưa hai đô la.  Tôi chìa tờ năm đô la với vẻ mặt lạnh lùng vô cảm, không nói không rằng, không hỏi giá.  Cô gái lặng lẽ thu tiền không hạch hỏi gì cả và phát cho tôi một cái pin gắn vào áo để biết là đã trả tiền.

Con đường đi xuyên Central Park rất đẹp.  Và tôi hy vọng sẽ trở lại đây thường xuyên hơn để viếng công viên này và viết một blog hay một bài tạp ghi chỉ về công viên này thôi.

Ra khỏi Central Park là đến ngay Park Avenue, khúc đường 79.  Nhộn nhịp rộn ràng, một vẻ đẹp rất New York, một trong những thành phố có mật độ dân số đông nhất thế giới.  Dọc đường đến viện bảo tàng là những gian hàng bán tranh ảnh mỹ thuật, mỗi người mỗi vẻ.  Quên nói là ở bên hướng Tây cũng có một viện bảo tàng, viện bảo tàng tự nhiên.

Từ sáng đến giờ tôi chưa ăn gì, và tự nhiên tôi rất thèm một miếng bánh croissant, có mùi bơ thơm ngậy, dọc đường đi tôi để ý tìm nhưng chỉ thấy các quầy hot dog.  Tôi mua một ly trà, sỗ mũi làm tôi mất nước nên thấy khát.  Ly trà nhỏ giá một đồng.  Đáng lẽ là một đồng rưỡi nhưng cô bán hàng là người Á châu thấy tôi cũng Á châu nên lấy một đồng, tôi thì nghĩ cô không tìm ra bạc cắc để thối lại cho tôi.

Không có hàng croissant nhưng có hàng bán chuối nên tôi hỏi mua một quả chuối.  Anh bán hàng bảo mua một quả thì năm mươi xu, mua một đồng thì ba quả.  Tôi đưa anh một đồng mua một quả nhưng anh chỉ thối lại có hai mươi lăm xu vì anh lơ đãng nói chuyện với một người đồng hương.  Tôi cũng lơ đãng bỏ đi nhưng chợt nhớ ra anh còn thiếu tôi hai mươi lăm xu.  tôi đổi ý đưa luôn đồng xu và lấy thêm hai quả chuổi. Trước khi vào viện bảo tàng, tôi ngồi trên bậc thềm ăn hết ba quả chuối và uống hết ly trà.  Nắng sáng thật rực rỡ và những chiếc xe bus chở đầy du khách lẫn học sinh đổ xuống trước viện bảo tàng.  Người ta ăn mặc đủ kiểu, jean, boots, xềnh xoàng như tôi và rất đỏm dáng như các bà khác.  Già trẻ lớn bé, đủ giai cấp, từng nhóm đông, cả gia đình, một cặp, và không ít những người đi một mình như tôi.  Nhìn ngắm mọi người thật là thú vị.

Tôi lấy bản đồ của viện bảo tàng và định bụng chỉ xem gốm Việt Nam thôi và sẽ trở ra đi dạo Central Park.  Có lẽ cơn cảm làm tôi đau nhức khắp người nhưng tôi vẫn cố và tôi thấy người mình đang lên cơn sốt.  Và thú thật tôi nhớ Chàng, như con ngựa nhớ thằng nài của mình.  Tôi quen lủi thủi đi theo, ai bảo đi đâu làm gì thì tôi làm theo.  Được tự do một ngày tôi có cảm giác lười, chỉ muốn vào Central park, kiếm một băng ghế hay một tảng đá nằm dài dưới bóng mát nghe nhạc.  Chợt nhớ một câu thơ của e. e. cummings.  I carry your heart within my heart.

Một góc nhìn New York

Sáng nay tôi thức dậy cổ họng đau nhói, có lẽ là đã bị cảm.

Hôm nay là 30 tháng Tư.  Ngày mai là 1 tháng Năm.  Tháng năm là May giống chữ may trong may mắn của tiếng Việt. May là tháng của mùa Xuân.  Thời tiết rất đẹp.  Ngày xưa tôi rất yêu câu hát. “Ngày ấy khi xuân ra đời một trời bình yên có lũ chim vui.  Có lứa đôi, yêu nhau rồi một ngày tuổi mới đôi mươi.  Nắm tay cùng nói vui, những câu em vui không rời vai.  Rồi lả lơi hình dáng ai…”  Đó là những câu trong một bài nhạc tiếng Anh mà bất thình lình tôi không nhớ ra chỉ nhớ là nó có liên hệ đến chữ May (tháng Năm).

Hôm nay tôi sẽ đi chơi New York một mình.  Đây là chuyện hiếm có nhưng tôi thuyết phục chàng để tôi đi một mình vì tôi chỉ cần bảo là tôi đi viện Bảo tàng là chàng ngán ngẩm.  Có ai không chán viện bảo tàng không? Tôi sẽ đi bằng xe lửa, xe bus, hay xe điện ngầm.  Thua cả chị Yến vợ của nhà thơ Trần Hoài Thư chị dám lái xe vào New York chứ tôi thì sợ lắm.  Sợ nhất là chờ vào đường hầm qua sông.  Người ta chen lấn cứ đâm bổ vào mình.  Chàng của tôi đi học  ở New York mấy năm và dạn dĩ hơn nên cứ vào New York là chàng lái.  Đi đâu chàng cũng dành lái xe cả. Tôi chỉ việc ngồi ngủ.

New York có một khẩu hiệu là “I love New York.” Du khách ở xa đến chơi khó mà không yêu thành phố này.  Tôi chưa bao giờ có một cái nhìn trọn vẹn về nó dù tôi ở tiểu bang sát bên.  Chỉ hơn nửa giờ lái xe là người ta có mặt ngay ở Manhattan, một trong những thành phố đẹp nhất, đông đảo nhất nhiều du khách nhất trên thế giới.

Tôi có một vài kỷ niệm nho nhỏ đáng yêu với New York.  Ngày còn đi học cuối khóa, sau khi thi cử xong, chàng hay chở tôi vào thành phố này ăn mì.  Lần đầu tiên tôi nhìn thấy người Mỹ ngồi trong quán Trung hoa cầm đũa thật thiện nghệ. Tuy nhiên tôi thú thật là tôi chưa bao giờ được ăn thức ăn Việt ngon miệng ở phố Tàu ở New York hay San Francisco. Chỉ có món dim sum hay điểm sấm hay điểm tâm của họ là ngon. Lần ăn mì ở New York tôi chỉ nghĩ đến lần ăn mì vịt tiềm ở Philadelphia cùng một nhóm bạn gái người Việt.

Ở New York tôi cũng có một ngày rất vui, chàng đưa tôi đến trường của chàng đại học Columbia vào mua hè khoảng chừng tháng Tám, trời nóng. Trên bãi cỏ của trường các cô cậu sinh viên nằm tắm nắng đầy cả.  Chàng chụp cho tôi những bức ảnh rất xinh xắn.  Trong đó tôi vẫn còn nhớ có tấm ảnh chàng bảo tôi ôm cổ một cái đầu sư tử bằng đồng đã bị oxidize biến thành màu xanh.  Màu xanh của đồng rỉ rất đẹp.  Tôi đã chìa má cho tượng sư tử hôn, tóc tôi ngắn, tôi mặc một cái áo sát cánh màu xanh dương rất ăn ảnh.  Một hình ảnh đẹp của những ngày nghèo khó và yêu nhau, vì chung quanh chẳng có ai khác để mà yêu. Nhiều năm sau chúng tôi có tiền nhiều hơn, không giàu hơn ai cả chỉ giàu hơn lúc mình còn nghèo, có nhiều người thân hơn, và chúng tôi trở nên xa lạ lạt lẽo với nhau hơn.  Người ta có thể gần nhau trong gang tấc nhưng cảm thấy xa như cách cả một đại dương.  Tôi đứng xếp hàng ở hàng cuối của tình thương, sau cha mẹ, anh em, con cái, may là không nuôi chó mèo chứ nếu không tôi cũng đứng phía sau chó mèo.  Cánh tay tình yêu quá ngắn để có thể quàng lên vai nhau.  Nhưng sợi dây trách nhiệm thì đủ dài để thắt cổ nhau.  Úi, nói nhảm lạc đề, đang nói chuyện New York đáng yêu.

Mấy tuần trước tôi đòi đi xem triển lãm cổ vật Việt Nam ở Hội Á châu.  Chàng chìu ý đưa đi.  Ngang Central Park chúng tôi ngồi nghỉ ngơi và tôi có chụp vài tấm ảnh của người đến New York.

1

Ảnh này chẳng có gì để nói ngoại trừ họ có vẻ là dân châu Âu đến New York chơi.

2

Ảnh này thì phải đoán là người và chó ở gần đấy.

3

Ba cha con đang chờ đèn để băng qua đương.  Chú bé ngồi trên xe có vẻ buồn chán thấy rõ.

4

Đây là những du khách lười đi bộ.

5

Xe bán hot dog, nước uống.

6

Cứt ngựa.  Cảnh sát ở New York nhất là vòng quanh Central Park thường cỡi ngựa đi tuần. Và khi ngựa phóng uế thì nó nằm đấy cho ông đi qua bà đi lại nhìn thấy và ngửi. Phải đem lên đây kẻo bạn nghĩ là tôi khoe láo rằng thành phố này cái gì cũng tốt đẹp.