Rắn trong huyền thoại – phần cuối

Tokoyo và con rắn biển trong huyền thoại Nhật Bản. Phần 1, phần 2, phần 3, phần 4

Theo huyền thoại Nhật Bản, Tokoyo là con gái của hiệp sĩ Oribe Shima, người không hiểu vì lý do gì đó đã làm phật lòng hoàng đế và biến mất. Hiệp sĩ Oribe Shima là người thành lập một làng nhỏ ở quần đảo hoang vắng Oki. Buồn bã vì nhớ cha Tokoyo bán hết tài sản đi đến Akasaki một vùng ven biển nơi đó nàng có thể nhìn thấy quần đảo Oki. Mặc dù Tokoyo hết lời năn nỉ những người dân chài vẫn từ chối không đưa nàng ra nơi quần đảo. Họ bảo rằng Oki ngăn cấm tất cả mọi người không được ra vào.

Một đêm, Tokoyo trộm một chiếc thuyền và một mình chèo thuyền ra đảo. Mệt mỏi nàng ngủ quên trên bờ biển và sáng hôm sau nàng bắt đầu đi tìm cha. Đi được một đỗi Tokoyo gặp một người dân chài, nàng hỏi ông ta có gặp bố của nàng không. Anh dân chài trả lời không và dặn nàng muốn đi tìm cha thì không được nhắc đến tên bố nếu không nàng sẽ gây tai họa cho nhiều người. Vâng lời, nàng đi khắp nơi trên đảo để tìm kiếm nhưng tuyệt nhiên không nhắc nhở đến tên bố.

Một buổi chiều sẩm tối, nàng đến gần bệ thờ đức Phật và sau khi cầu nguyện, nàng ngủ quên. Nhưng ngay sau đó nàng bị tiếng khóc đánh thức. Ngước mặt nhìn lên nàng thấy một đứa bé gái và một nhà sư. Nhà sư này dẫn bé gái đến bờ đá dựng và sắp sửa xô bé gái xuống biển và ngay lập tức Tokoyo chạy đến ngăn chận nhà sư. Nhà sư thú nhận là ông bị bắt buộc thi hành nghi lễ tế dâng đứa bé để làm vui lòng con ác thần Okuninushi. Nếu không cúng tế một đứa bé gái hằng năm con ác thần này sẽ nổi giận và gây bão tố lụt lội giết chết dân thuyền chài.

Tokoyo tình nguyện thế chỗ cho cô bé, nàng bảo rằng vì mất cha nàng không còn tha thiết sống nữa. Tokoyo quay sang cầu nguyện đức Phật lần nữa và nàng ngậm con dao găm rồi nhảy xuống biển. Mục đích của nàng là đi tìm săn con ác thần, giết nó để trừ hại cho dân làng.

Lặn sâu xuống đáy biển Tokoyo tìm thấy một hang sâu. Bên trong thay vì tìm thấy tên ác thần nàng thấy có một pho tượng giống như hoàng đế đương thời. Nàng định phá hủy bức tượng nhưng đổi ý nàng giắt bức tượng vào thắt lưng và bắt đầu bơi lên.  Vừa lúc nàng rời hang, nàng phát giác ra một con rắn biển khổng lồ. Không sợ hãi nàng tiến đến gần và đâm con rắn biển mù mắt. Vì mù, con rắn biển không thể vào trong hang, và nàng nhân dịp ấy mà tấn công và cuối cùng giết nó.

Khi Tokoyo lên bờ, vị tu sĩ và cô bé đưa nàng vào trong làng và hành động anh hùng của nàng lan truyền khắp nơi. Vì hoàng đế bấy lâu nay mang một chứng bệnh kỳ lạ bỗng dưng hết bệnh. Nhận ra mình vừa thoát khỏi một cơn trù ếm ông vui mừng ra lện phóng thích hiệp sĩ Oribe Shima. Hai cha con Tokoyo vui mừng trở về thành phố của họ. (Trích tự điển bách khoa huyền thoại do Arthur Cotterell và Rachel Storm biên soạn).

Tokoyo
Tokoyo

Rắn trong huyền thoại – phần 4

Rắn Jormungandr trong huyền thoại Norse. phần 1,phần 2, phần 3

Norse là vùng đất hiện nay thuộc về Bắc Âu và Đông Âu của các giống dân có gốc Đức (Đức, Hòa Lan, Thụy Điển, Na Uy) và Slav (Nga, Rumani, Bulgari, Ba Lan).

Jormungandr còn được gọi là Midgard Serpent, là con của vị nữ thần khổng lồ Angrboda và thần Loki. Odin bắt ba đứa con của Loki, gồm có Fenrir (là một con chó sói), Hel (nữ thần chủ địa ngục), và Jormungandr (con rắn khổng lồ). Odin ném Jormungandr vào vùng biển bao quanh Midgard. Jormungandr trở nên to lớn đến độ có thể quấn vòng quanh trái đất và ngậm cái đuôi của nó do đó Jormungandr còn có tên Rắn Midgard hay Rắn Địa Cầu. Khi nào Jormungandr buông cái đuôi ra thì địa cầu sẽ tan vỡ. Kẻ thù lớn nhất của Jormungandr là thần Thor vị thần tượng trưng cho sấm sét, sức mạnh, bão tố, và bảo vệ thế giới.

Có lần Thor gặp con rắn thần này và Loki dùng phép thuật biến nó thành một con mèo khổng lồ. Loki thách thức Thor nhấc con mèo lên để thử sức mạnh của Thor. Thor không thể nào nhấc con mèo lên cao (vì con rắn ôm cả quả địa cầu) nhưng đủ mạnh để dở nó lên khỏi mặt đất và thả nó xuống trên bốn chân. Khi Loki giải thích ông đã dùng thủ đoạn để thắng Thỏ, Loki cũng thán phục sức mạnh của Thor.

Lần thứ nhì Thor gặp Jormungandr khi đang đi câu với Hymir một vị thần khổng lồ. Khi Hymir không chịu đưa mồi câu cho Thor, Thor dùng một con trâu to (mục đích là dùng làm mồi câu) đập vào đầu Hymir. Cả hai chèo thuyền đến một chỗ Hymir thường ngồi câu. Nơi đây Thor câu được hai con cá voi, nhưng Thor đòi đi xa hơn. Hymir báo cho Thor biết là đi xa hơn sẽ gặp nguy hiềm.

Thor chuẩn bị một sợi dây câu thật chắc chắn, lưỡi câu khổng lồ, mồi câu là cái đầu trâu, và Jormungandr cắn câu. Thor kéo con rắn ra khỏi mặt nước hai đối thủ nhìn tận mắt nhau. Jormungandr chảy nhễu nhão máu có chất độc. Thor lấy cái búa để giết con rắn. Hymir ông khổng lồ vì quá sợ hãi nên cắt dây câu khiến con rắn chìm vào trong sóng nước.

Cuộc chiến này khiến nhiều họa sĩ điêu khắc gia này ngưỡng mộ vì thế có rất nhiều tranh ảnh và tượng điêu khắc được sáng tạo trong thời kỳ này.

Trận chiến cuối cùng giữa con rắn và Thor xảy ra ở Ragnarok khi Jormungandr bò ra khỏi biển và làm máu của nó làm nhiễm độc cả bầu trời. Thor bị Jormungandr quấn chung quanh người nhưng ông chém đứt con rắn vì thế bị máu độc của rắn dính vào người. Ông đi chín bước rồi gục chết vì máu độc của Jormungandr.

Thor vs Jormungandr
Thor vs Jormungandr

Xin xem phần cuối cùng Rắn trong huyền thoại Nhật Bản vào ngày mai Feb. 12, 2013. Ảnh tôi copy ở một trang nào đó không nhớ. Hình như là trang này. Thor vs Jormungandr

Rắn trong huyền thoại – phần 3

Rắn Hydra trong huyền thoại Hy lạp. Xem phần 1,phần 2

Hydra, nguyên tên là Lernaean Hydra (thần rắn nước), là một con rắn thần có nhiều đầu trong huyền thoại Hy Lạp.  Hydra rất nguy hiểm và khó giết chết vì trong số những cái đầu của Hydra có một cái đầu bất tử. Hydra chỉ chết khi nào cái đầu bất tử bị cắt và người cắt phải dùng mũi tên tẩm vào máu độc của nó. Mỗi khi một cái đầu (không phải cái đầu bất tử) bị chặt đứt từ chỗ cổ rắn sẽ mọc lên cái hai đầu khác. Hơi thở và máu của nó rất độc đến độ chỉ cái vết máu cũng đủ làm chết người. Con rắn này là do Hera, mẹ kế của Hercules, nuôi với mục đích dùng nó để giết Hercules.

Hercules đấu với Hydra
Hercules đấu với Hydra

Hercules bị bà mẹ kế Hera làm cho điên loạn đến độ giết chết sáu người con trai của mình. Để hối lỗi Hercules phải phục tùng Eurystheus và vị vua này ra lệnh Hercules phải thực hiên mười việc rất khó nhọc. Giết Hydra là công việc nặng nhọc thứ nhì mà Hercules phải thực hiện. Thoạt tiên Hercules không thành công phải nhờ sự giúp sức của một người cháu tên là Iolaus. Người này bày kế cho Hercules, bịt mặt để che khói độc, và cứ mỗi khi ông chém được một đầu rắn, ngay lập tức Iolaus dùng đuốc đốt chỗ cổ rắn cho khô mặt nên cái đầu mới không thể mọc lên. Còn cái đầu cuối cùng Hercules chém nó bằng cây gươm vàng của nữ thần Athena đã tặng cho ông và đem chôn cái đầu không chết của Hydra dưới một tảng đá khổng lồ trên đường vào vùng đất thánh.

Xin xem phần 4 Rắn trong huyền thoại Norse vào ngày mai Feb. 11, 2013.

Rắn trong huyền thoại – phần 2

Xem phần 1(Rắn trong huyền thoại Do Thái)  ở đây

Rắn trong huyền thoại Aztec.

Aztec là phần đất miền Trung của Mễ Tây Cơ hôm nay.

Trong huyền thoại Aztec rắn là biểu tượng chính về tôn giáo, có liên hệ đến mưa, sự phì nhiêu của đất, mặt trời và thiên đàng, với máu dùng để tế lễ, với kinh nghiệm tôn giáo và tiên đoán cho tương lai. Rắn còn là hình dáng tượng trưng của Itzamná.

Itzamná

Người Maya thờ một đấng sáng tạo tên là Itzamná, còn có tên khác là Hunab Ku. Hunab Ku là người sáng tạo ra thế giới trong ba đợt: lần đầu toàn những người thấp lùn, lần thứ nhì một loài giống bí mật được mệnh danh là “những kẻ gây rối loạn” và lần thứ ba là thế giới văn minh loài người hiện nay gồm có người Maya và Aztec, dân tộc láng giềng của họ. Hai đợt sáng tạo đầu tiên đã bị hủy diệt vì những cơn bão lụt và đợt sáng tạo thứ ba, thế giới của chúng ta ngày mai cũng được tiên đoán là sẽ bị hủy diệt bởi một cơn đại hồng thủy. Đôi khi Hunab Ku được xem như là người cha của Itzamná, vị thần tượng trưng cho mặt trăng và mang văn hóa đến cho loài người.

Itzamná dạy cho loài người biết chữ và biết dùng lịch thánh cổ truyền. Vì là người mang chữ viết cho nhân loại ông được xem là thánh tổ của tu sĩ và những nhà chép kinh. Ông thường được miêu tả bằng những hình ảnh khắc trên đá, một ông lão ngồi trên ngai, trán nhăn nheo và má hóp. Tuy nhiên cái hình thể chính của ông lại là một con rắn khổng lồ. Một cái xương có khắc chạm hình bàn tay của một nhà ghi chép kinh thánh xuất hiện từ trong mồm của một con rắn (hay rồng) người ta tìm thấy ở trong một ngôi mộ cổ ở Tikal tượng trưng cho Itzamná.

Trong huyền thoại Aztec, Cihuacoatl (người đàn bà rắn) là một trong những vị nữ thần tượng trưng cho tình mẹ và thần sinh sản. Đôi khi người ta gọi bà là Quilaztli.

Chihuacoatl đặc biệt liên quan đến những bà mụ đỡ và nơi những bà mụ thực hành. Bà được ghép thành một đôi với Quilaztli và được xem là nữ thần bảo vệ người Chalmeca và là vị thần đỡ đầu thành phố Culhuacan.  Bà giúp ông thần Quetzalcoatl cấu tạo ra nhân loại bằng cách nghiền nát xương của những thời đại trước rồi trộn lẫn với máu của ông.  Bà cũng là mẹ của Mixcoatl, đứa con mà bà phải bỏ dọc đường. Truyện xưa nhắc lại là bà thường trở lại nơi ấy để khóc thương đứa con trai bỏ rơi, mà vết tích chỉ còn lại con dao tế lễ.

Mặc dầu người ta thường miêu tả bà là một phụ nữ trẻ, chúng ta thường nhìn thấy bà được miêu tả như một người già, mặt xương vẻ khắc khổ dữ tợn, tay mang giáo mang khiên như chiến sĩ. Sinh sản đôi khi được so sánh với chiến tranh và những người phụ nữ chết khi sinh sản được tôn thờ như những người chiến sĩ vong thân. Linh hồn của Cihuateteo được miêu tả với những gương mặt trơ xương như Cihuacoatl. Cũng giống như bà, thần Cihuateteo bị người ta cho là kẻ chiếm đóng các ngả ba ngả tư đường ban đêm để trộm cắp trẻ em. Trích dịch từ http://en.wikipedia.org/wiki/Cihuacoatl

Xin xem phần 3 Rắn trong huyền thoại Hy lạp vào ngày mai Feb. 10, 2013.

Rắn trong huyền thoại – phần 1

Người ta sợ rắn bởi vì thông thường khó phân biệt loại rắn nào có nọc độc có thể giết chết người. Ngày xưa có lẽ có những con rắn khổng lồ và loài người vì sợ hãi nên biến rắn thành rồng. Người châu Á sợ rồng nên đâm ra tôn kính thờ phượng. Người châu Âu xem rồng là quái vật, có sức mạnh phi thường, độc ác và ngu ngốc, ít nhất là cũng ngu hơn người, vì thế thể hiện trong huyền thoại, truyện dân gian cổ tích, và dần dần đến tiểu thuyết của người Tây phương là những cuộc chiến đấu, chinh phục, trấn áp Rồng. Lâu dần người ta biến rồng thành bạn trong phim ảnh, thành một thứ phương tiện chuyên chở, những con rồng trong phim ảnh (như Lord of the Rings) mang hình dáng của con rắn mọc cánh. Rồng của người phương Tây như wywern là rắn có cánh, có hai chân, đuôi có răng cưa, lamton worm là con rắn khổng lồ, lindorm là con rắn có hai chân.

Rắn trong huyền thoại Do Thái

Trong kinh Thánh viết bằng tiếng Hebrew, nhiều lần đề cập đến con quái vật sống ở biển tên là Leviathan, có hình dạng giống như rắn. Leviathan xuất hiện vào ngày thứ năm khi mới khai thiên lập địa. Leviathan tượng trưng cho sự chao đảo hỗn mang nằm dưới quyền cai trị của Yahweh. Về sau Leviathan bị Gabriel, thủ lĩnh của các thiên sứ, tiêu diệt trong một trận đấu long trời lở đất. Trong buổi lễ ăn mừng cuộc thắng trận này Messiah (thiên sứ) xuất hiện trong căn lều được dùng bằng da của Leviatha

Leviathan

Aaron trong cựu kinh Thánh có cây gậy được ban phép mầu trong trận đại dịch ở Ai cập. Có lần Yahweh đã biến cây gậy của Aaron thành con rắn khổng lồ để thuyết phục pharoah cho phép người Israel rời Ai cập. Pharoah cho triệu tập tất cả nhà phù thủy, pháp thuật gia trong nước để đối phó thì tất cả những cây gậy của các nhà phù thủy pháp thuật gia đều biến thành rắn, nhưng những con rắn này đều bị con rắn (cây gậy) của Aaron ăn thịt.

Xin xem phần 2 vào ngày mai Feb. 9, 2013, Rắn trong huyền thoại Aztec.