The Chrysanthemums của John Steinbeck.

John Steinbeck ra đời ở Salinas, California (1902 – 1968) Ông dùng Salinas làm bối cảnh cho nhiều tác phẩm của ông, trong đó có East of Eden (Phía Đông Vườn Địa Đàng).  Ông theo học ở đại học Stanford nhưng không dự lớp đều, có khi nghĩ học để đi làm phóng viên kiêm thợ nề ở New York để kiếm sống.  Sau nhiều năm vất vả kiếm sống bằng nghề viết văn, ông bắt đầu được chú ý với tác phẩm Tortilla Flat (1935) nói về những công dân Mỹ gốc Mễ một cách thương xót.  Năm 1939 ông trở nên rất nổi tiếng nhờ quyển Chùm Nho Uất Hận (The Wrath of Grapes) nói về sự vất vả lạc loài của một gia đình ở tiểu bang Oklahoma vì nạn bão bụi gây mất mùa phải di dân sang tiểu bang California. Năm 1966 ông ở miền Nam Việt Nam phụ trách một cột báo tường thuật chiến tranh.  Ông được trao tặng giải văn chương Nobel năm 1962.  Tác phẩm Của Chuột Và Người của ông cũng là tác phẩm nổi tiếng.  Tuy được giải Nobel, ông không được giới văn chương Mỹ xem trọng như Hemingway và Faulkner. Tác phẩm của ông thường bênh vực người nghèo, bất hạnh, cô đơn và lưu lạc.

Câu chuyện xảy ra ở Salinas, nơi có nhiều sương mù. Salinas nằm trong một thung lũng và sương mù che kín nó giống như một cái nắp đậy nồi. Nhân vật chính là Elisa Allen, một người đàn bà, cao lớn, khỏe mạnh, xinh đẹp, thích trồng hoa.  Nàng đang ở trong vườn chăm sóc hoa còn chồng của nàng đang bàn chuyện buôn bán với vài người khách; nàng có thể nhìn thấy họ đứng cuối chân đồi cạnh cây liễu.  Henry vui vẻ báo cho Elisa biết là ông mới vừa bán 30 con ngựa và tối hôm ấy ông sẽ đưa nàng đi ăn tối và xem đánh quyền Anh.  Nhưng trước khi đưa vợ đi ăn tối Henry phải làm một vài việc trước còn Elisa tiếp tục trồng hoa cúc đại đóa.  Henry khen vợ có tay trồng hoa rồi đi.

Một lúc sau có một chiếc xe do ngựa kéo đi vào nhà nàng.  Con ngựa màu xam xám gầy còm vì thiếu ăn. Chiếc xe mui vải ọp ẹp.  Người đánh xe là một người đàn ông cao lớn, râu ria xồm xoàm.  Cùng ngồi trên xe với ông ta là một con chó cũng gầy nhom.  Tấm vải che làm mui xe có những chữ bằng sơn lem nhem.  Đó là xe của người chuyên đi sửa dạo nồi chảo dao kéo vân vân.

Người sửa dạo muốn sửa dao kéo cho Elisa nhưng nàng từ chối, ngay cả khi người đàn ông than thở là đoàn của ông không có ăn cả ngày. Cố kéo dài thì giờ ông thợ chợt nhận ra những luống hoa cúc nàng đang săn sóc. Ông thợ khen cúc của nàng đẹp và khen nàng khéo trồng.  Ông xin hạt giống để ông tặng cho bà chủ vườn ở bên cạnh.  Elisa bảo là loại cúc của nàng trồng khi nở có đường kính to đến hai tấc rưỡi và không trồng bằng hạt giống. Nàng bứng cây con cho vào những cái chậu hoa đem cho ông thợ. Trong lúc trò chuyện với ông thợ nàng so sánh cái cảm giác say sưa lúc trồng hoa cũng như nhìn thấy những ngôi sao chui vào người, nóng, bén nhọn, và rất đẹp. Khi ông bảo rằng sao đẹp không ăn nhằm gì với ông nếu ông đang đói làm nàng đổi ý cho ông sửa đồ dùng trong nhà. Tác giả cho vài chi tiết nho nhỏ như Elisa rờ cái nón của người thợ sửa dạo, khi nàng xới đất tay nàng suýt chạm ống quần của ông ta, làm độc giả thấy nàng thích người thợ sửa dạo. Khi ông đánh xe đi nàng biếu ông mấy chậu hoa.

Henry xong việc trở về, nàng chuẩn bị quần áo cho chồng tắm sau đó hai người sẽ đi ăn tối.  Nàng có vẻ hân hoan yêu đời trang điểm rất đẹp nên chồng nàng khen vẻ tươi trẻ khỏe mạnh của nàng.  Nàng nhìn ra cửa sổ và trong nền sương xám thấy ở dưới gốc liễu có một loạt màu vàng và hiểu là ông thợ đã nhổ tất cả hoa nàng cho ra khỏi chậu, ném hoa lại và chỉ lấy chậu hoa đi.  Nàng trở nên cáu kỉnh với chồng. Ngay cả khi Henry khen nàng khỏe mạnh cứng cát cũng làm nàng phật ý. Trên đường đi ăn tối Elisa quay mặt để chồng không nhận thấy những giọt nước mắt của mình, nàng co rút như một bà già yếu đuối.

Đọc lần đầu tôi không hiểu thái độ của Elisa.  Đọc lại và chậm hơn tôi mới thấy đầu đuôi câu chuyện nằm trong cái vườn hoa cúc đại đóa Elisa trồng.  Nàng yêu hoa, có tay trồng, và tự hào về thành quả của mình.  Có chồng, có cuộc sống hiền hòa, hạnh phúc.  Cuộc sống bình thường đều đặn ở một làng nhỏ tuy hạnh phúc nhưng đôi lúc trở nên nhàm chán. Lam lũ với công việc, Elisa xinh đẹp, cao lớn, khỏe mạnh và Henry chồng nàng đã quen với vẻ đẹp của nàng nên ít khi khen ngợi hay chú ý đến vợ.

Gã thợ sửa dạo, cần việc làm phải kiếm cách để bà chủ nhà đồng ý thuê hắn.  Khi Elisa không chịu thuê, hắn tìm cách nấn ná, và thấy hoa cúc đại đóa.  Không biết gì về hoa hắn nói bừa một vài câu.  Bịa đặt là có một bà hàng xóm với Elisa cũng thích trồng hoa.  Thế mà cũng gạt được nàng, đáng lẽ Elisa phải biết hàng xóm của nàng hơn gã thợ sửa dạo chứ.  Lại bịa chuyện xin hạt giống và vẫn gạt được nàng.  Chẳng những không nghi ngờ, cúc không trồng bằng hạt, nàng hăng hái chiết hoa vào chậu cho hắn.  Và vì vui lòng được chú ý đến tài trồng hoa nàng tìm đồ trong nhà cho hắn sửa. Không thể trách tên thợ sửa dạo hắn đã làm công việc theo đúng chức năng sửa dạo, sửa rẻ và tốt và nhận tiền.  Hắn đâu có yêu hoa nhưng phải dựa vào hoa cúc mà nấn ná và tìm cách để được thuê sửa đồ. Hắn chẳng cần gì hoa nên cứ nhổ quách hoa ra ném đi.  Chậu hoa thì phải giữ lại, để còn đem bán. Nếu không có hoa cúc thì mọi chuyện đã chẳng xảy ra.

Elisa buồn gì? Tác giả không nói nhưng tôi có thể đoán. Nàng giận mình nhẹ dạ dễ tin. Thật ra tên sửa dạo chẳng lừa dối nàng, nàng tự chất lên mình những ảo tưởng đó thôi. Nàng tưởng hắn yêu hoa, hắn trân trọng tài trồng hoa của nàng, được người lạ chú ý đến tài năng, nàng thấy thích thú, yêu đời, thích làm đẹp. Rồi khi vỡ lẽ tên thợ sửa dao kéo dạo chỉ muốn kiếm việc làm và kiếm tiền, ném cả hoa của nàng biếu, nàng hiểu là chẳng có bà hàng xóm nào trồng hoa, và vì thế chẳng có người chiêm ngưỡng hay ganh tị tài nghệ của nàng. Trên tất cả là nàng bị lừa.  Tuy nhiên qua đó người đọc nhận biết, Elisa không biết là cuộc sống của nàng quá đơn điệu đến nhàm chán, và nàng cũng không biết là nàng thèm được chú ý.  Sau khi nhận ra tâm lý của mình, nàng nhận biết thêm một điều là lòng nàng yếu đuối mặc dù dáng dấp cao lớn khỏe mạnh.  Tác giả không nói, nhưng nếu là tôi sau khi nhận ra mình nhẹ dạ, thì lời ông chồng khen, trông em mạnh quá, tôi sẽ tủi thân nghĩ là tôi giống một bà nông dân cục mịch.