Truyện ngắn Cơn Bão nói về Calixta, chồng và con của nàng đi chợ phiên và bị mắc kẹt trong cơn bão. Trong khi cơn bão ập đến, Alcée Laballière, tình cờ đi ngang, vào nhà nàng để tránh bão. Trước khi lấy chồng Alixta và Alcée đã một thời yêu nhau. Hai người ôn lại chuyện cũ và trong cơn bão hai người ân ái với nhau. Cái đặc biệt của truyện ngắn này không phải chỉ là một câu truyện ngoại tình mà là cách bà Chopin tiếp cận và phân tích dục tính của phụ nữ, viết về tình dục một điều cấm kỵ với văn hóa xã hội thời bấy giờ, lại càng cấm kỵ hơn nếu đó là nhà văn nữ. Bà trình bày câu chuyện ngoại tình cách thản nhiên không phê phán. Bà kết cục bằng cách cho Alcée vui vẻ viết thư bảo vợ mình cứ tiếp tục cuộc sống ở xa không cần phải gấp rút trở về. Alixta vui vẻ đón chồng và con trở về sau cơn bão. Cuộc sống lại tiếp diễn không ai lo lắng hay bận tâm về chuyện vi phạm thuần phong mỹ tục đã xảy ra. Không có gì phải lên án, chỉ là, vui thôi mà.
Hai người chẳng chú ý đến cơn mưa như thác đổ, và tiếng gầm của bão làm nàng cười to khi nàng nằm trong cánh tay chàng. nàng là một hình ảnh đẹp lồ lộ trong cái khung cảnh mờ ảo của căn phòng; trắng như cái ghế dài nàng đang nằm bên trên. Thịt da săn chắc của nàng, lần đầu tiên từ khi ra đời nàng nhận biết, như đóa hoa lily trắng sữa mà ánh nắng đã làm tăng hơi thở thơm tho cho cuộc đời trường sinh bất tử.
Cơn mê đắm tràn trề của nàng, không ác tâm hay lừa dối, như ngọn lửa trắng xâm nhập vào và tìm thấy câu trả lời trong tận cùng sâu thẳm của cảm giác từ trước đến này chàng chưa bao giờ được thụ hưởng.
Khi chàng mơn trớn ngực nàng cả hai cùng thả hồn mê đắm vào đôi môi run rẩy mời mọc của chàng. Miệng nàng là nguồn suối của khoái lạc. Khi chàng chiếm hữu nàng cả hai cùng tan loãng vào ranh giới bí mật của cuộc đời.
Trong truyện ngắn này Kate Chopin đã diễn tả khéo léo cái chuyển biến của hai người từ trạng thái ngượng ngập cho đến cởi mở, ôn lại tình cũ nghĩa xưa, và dần dần bước vào cơn mê tình ái rất dễ dàng và hợp lý, chỉ trong thời gian một cơn bão đi ngang.
Sau khi tác phẩm Thức Tỉnh được phát hành, Kate Chopin bị xã hội tẩy chay. Người ta bảo rằng văn của bà đáng ghê tởm. Thư viện không lưu trữ tác phẩm của bà. Bạn bè xa lánh bà. Xã hội ruồng bỏ bà thậm chí những Câu Lạc Bộ cũng từ chối không nhận bà làm thành viên vì bà đã phiêu lưu vào địa hạt nhục cảm của phụ nữ, đã miêu tả, cái run rẩy của một nụ hôn mềm, làn da ấm của cho người tình (trong Thức Tỉnh), màu trắng của da thịt, lọn tóc tơ của hai người tình cũ bị giam trong một căn phòng khi người hôn phối của họ không có mặt (trong Cơn Bão). Cái gọi là cú sốc về tình dục trong tác phẩm của bà Chopin thời ấy còn hiền hơn cả phim PG 13 bây giờ. Điều làm tôi thấy sốc là cái mơ ước được tự do tuyệt đối của nhân vật Edna. Edna bảo rằng nàng có thể đổi mạng sống để bảo vệ các con nhưng không vì các con mà tự đánh mất bản thân. Ở đây tôi không hiểu rõ ý của tác giả. Có lẽ bà muốn ám chỉ là bà sẽ chọn sự tự do sáng tạo của một nghệ sĩ dù phải mất quyền nuôi con? Bởi vì nếu dám cho mạng sống cho con mình là đã dám cho tất cả. Không còn mạng sống thì khó mà thực hiện được lý tưởng. Dù cô bạn thân của Edna đã hết sức ngăn cản nàng đừng bỏ các con, nàng vẫn khăng khăng theo đuổi tự do của mình. Quyết định này là một hành động quá đáng tuy không phải là một chuyện không thể xảy ra. Độc giả thời ấy đã quá khắc khe phê phán Kate Chopin qua cách bà khai triển về quan điểm tình dục của phụ nữ nên không chú ý việc bà đã dùng nhân vật Edna và Reisz là biểu tượng của những tài năng và tuổi trẻ bị lãng phí vì không được sống và sáng tạo như họ mong ước. Lòng yêu tự do và và nhất quyết sống cho mình của Kate Chopin, một trăm năm sau được Ayn Rand, tác giả của Atlas Shrugged lập lại qua câu nói: “Tôi sẽ không sống cho ai và cũng không muốn ai sống cho tôi.” Nói về Kate Chopin có lẽ không gì chính xác hơn mượn lời nói của chính bà khi phát biểu ý kiến về Maupassant: “Đây là một người đã vượt thoát lề lối cổ truyền và quyền hành đã áp đặt, người đã quay vào trong chính con người của mình, quan sát cuộc đời qua chính bản thân mình, bằng chính cặp mắt mình, thẳng thắn và đơn giản kể lại cho chúng ta biết những gì người ấy nhìn thấy.”