Tấm ảnh này chụp từ mấy hôm trước. Hôm qua tuyết đã tan gần hết. Và sáng nay thì có thêm một lớp tuyết mới, rất mỏng.
Hôm qua Boyfriend đến, đi lòng vòng, lên đồi, lượn qua lượn lại nhưng không ăn thức ăn để sẵn. Chắc là có người nào đó đã cho ăn. Chân trước của nó, chỗ lông màu trắng dơ bẩn xỉn xỉn màu nâu nâu. Chẳng biết vì ẩn núp chỗ bụi bẩn hay đánh nhau với các con mèo khác mà dính máu.
Có đêm tôi nghe tiếng nó kêu gào gầm gừ, dường như có một con mèo lạ đến gần, chứ Nora thì khi biết có Boyfriend ở ngoài thì không dám ra dù rất muốn ra. Tôi chỉ e ngại Boyfriend là một con mèo cái và ít hôm lại tha con nó vào nhà tôi thì tôi chẳng biết phải xử lý như thế nào.
The Song of the Jellicles
Jellicle Cats are black and white,
Jellicle Cats are rather small;
Jellicle Cats are merry and bright,
And pleasant to hear when they caterwaul.
Jellicle Cats have cheerful faces,
Jellicle Cats have bright black eyes;
They like to practise their airs and graces
And wait for the Jellicle Moon to rise.
Mèo Jellicle có màu trắng và đen
Mèo Jellicle thường nhỏ con
Mèo Jellicle vui vẻ và khôn ngoan
Tiếng chúng nghe vui tai khi chúng kêu gào
Mèo Jellicle có bộ mặt vui vẻ
Mèo Jellicel có đôi mắt đen sáng người
Chúng nó thích luyện tập cách đi đứng thế ngồi cho duyên dáng
Và chờ vầng trăng Jellicle nhô lên.
Đây là một đoạn thơ của T. S. Elliot dựng thành vở nhạc kịch “Cats.” Elliot đặt cho mỗi con mèo ít nhất là hai tên. Jellicle là tên một loại mèo cùng dòng họ với con mèo già Deuteronomy (trưởng bộ lạc mèo) bị âm mưu bắt cóc. Mèo Jellicle chờ trăng lên là mở dạ hội Jellicle. Chắc Boyfriend thuộc dòng họ Jellicle với hai màu trắng đen.
Tôi ngồi lì ba ngày, không ra khỏi nhà, nấu ăn sơ sơ lẹ lẹ, để viết, sáng tác. Ba ngày viết được ba trang, nghe rỗng tuếch, nhạt nhẽo, gom lại không được ba câu đáng giữ. Sáng tác nghiêm túc sao mà khó thế.
Viết nhảm vậy mà vui. Nhảm ở đây là không có chủ đề nghiêm túc, không chú ý đến lỗi chính tả văn phạm, không văn hoa bóng bẩy nghĩ gì viết nấy, chứ không nhảm kiểu tục tằn chửi bới bông lông lung tung. Viết nhảm như cởi dây trói tay của người viết, dù vẫn biết cái viết của mình chẳng có gì đáng đọc.
Thể theo lời giới thiệu của một blogger, tôi lại mượn ở thư viện bản cũ (phim làm ra năm 1962 nhưng được sửa sang nhuận sắc lại vào năm 2005) phim Harakiri do Masaki Kobayashi đạo diễn. Để cả tuần nhưng không dám xem. Tôi đã biết cái đau đớn của người võ sĩ tự sát trong phim, vì đã xem phim bản mới xuất bản năm 2011. Như đã biết cái cay đắng độc đáo của một món ăn nổi tiếng, nay chần chừ không dám lại thưởng thức cũng cái cay đắng ấy nhưng qua cách nấu nướng của một nhà đầu bếp nổi tiếng khác (nhấn mạnh là phim này ra trước phim năm 2011). Đây là một phim rất độc đáo, nói về cái trọng danh dự của những nhà võ sĩ đạo. Họ trọng danh dự ngay cả khi võ sĩ đạo đã hết thời, khi danh dự chỉ còn hão danh. Người Nhật dưới thời võ sĩ đạo dùng kiếm thuật để đạt vinh quang (và cơm áo dĩ nhiên), dùng sinh mạng để bảo vệ danh dự, đổi danh dự để lấy cơm áo cho người thân, bảo vệ thanh danh võ sĩ đạo đến độ vô nhân từ. Cuốn phim của bóng tối và ánh sáng trộn lẫn vào nhau, đầy bi kịch của xung đột, một cá nhân chống lại cả chế độ phong kiến, rất thu hút chẳng kém gì bi kịch của Shakespeare.
Bạn nào thích xem phim của anh em nhà Nolan như Memento, Inception, đã xem phim Interstellar chưa? Nếu chấp nhận những cái biến hóa jumbo-mumbo của phim khoa học giả tưởng, nhập nhằng giữa vô lý và hợp lý, thì phim này xem cũng hay với Matt Damon, Matthew McConaughey, Michael Cain và dĩ nhiên vẻ tươi mát của Anne Hathaway dù cô có cái mồm cá ngão. Bỏ qua chi tiết, chỉ chú trọng đến vài câu hỏi trong phim. Nếu các khoa học gia một ngày nào đó họ phát hiện ra rằng, địa cầu của chúng ta không còn là một nơi có thể trú ngụ được nữa, (hết thức ăn, không khí đầy bụi) thì họ có nên nói thật cho công chúng biết không. Và giữa việc cố gắng cứu giữ quả địa cầu với việc tìm cách đưa người lên một quả địa cầu khác trong một dòng ngân hà khác, thì nên chọn phương cách nào. Nên chọn mẫu người nào. Tôi thích phim này thì ít, thì thích nhạc của phim nhiều hơn, âm thanh trong vũ trụ được tưởng tượng qua tiếng đàn organ trong giáo đường nghe rất dị thường, thậm chí ma quái.
Con mèo hoang, Boyfriend, vẫn đến ăn mỗi ngày. Tối qua tôi mãi đọc hay viết nên cho nó ăn muộn, nhìn ra ngoài thấy nó ngồi chồm hổm ngó vào nhà chờ đợi, trong tuyết giá mùa đông. Tôi có cảm tưởng mặt nó đầy trách móc, sao bà cho con ăn muộn thế. Vẻ mặt nó vẫn rất ngầu, nhưng trong nét dữ dằn của nó tôi lại thấy nó đáng mến. Tối hôm kia, có một con mèo lạ đến, mèo đốm đen nhưng nhiều màu trắng hơn và mặt cũng trắng, nét mặt của con mèo này cũng xinh hơn hiền hơn Boyfriend. Con mèo mới này còn to hơn Nora của tôi chắc của chủ nào nuôi ở gần đây thỉnh thoảng lọt ra ngoài đi chu du thiên hạ. Nora thì hay lắm, hễ nó có vẻ gì khác lạ, nhấp nhổm muốn ra ngoài thì tôi biết có con thú gì đó đang ở ngoài sân. Nora rất sợ Boyfriend có lẽ bị tát vài lần. Boyfriend vì là mèo hoang nên móng sắc bén, còn Nora bị hai cô con gái của tôi cắt móng hết nên khó chống cự. Vả lại nàng béo quá nên kém phần nhanh nhẹn. Lẽ ra phải kể thêm là bởi vì nàng là con gái “nhà giàu” (nhà giàu theo kiểu mèo nhà được nuôi ăn đầy đủ) còn Boyfriend vốn là lãng tử bụi đời đâu có biết thương hương tiếc ngọc là gì. Lại nghĩ đến con mèo lạ mới đến. Nhớ bà chị của tôi nói. Bà này có tính rất hay excited, giọng nói bao giờ cũng như la hét. “Trời ơi, của đâu mà đi nuôi mèo hoang. Càng cho nó ăn nó càng rủ nhau đến ăn. Đừng có cho nó ăn nữa thì nó sẽ không đến nữa.” Tôi có lẽ chẳng sớm thì muộn sẽ biến thành một cat lady, cuộc đời buồn tẻ quá nên tìm vui ở loài mèo. Xem chừng Boyfriend chỉ cần ăn, nhưng tôi thì nhớ cái mặt dữ dằn của nó.
You must be logged in to post a comment.