Hôm qua

Cắm trại
Enter a caption
hoa khô
Enter a caption
ngồi trên ghế
Enter a caption
nhóm lửa ngoài trời
Enter a caption
ngoi ra để thở
Enter a caption
con suối
Enter a caption
trái khô
Enter a caption
ngồi trên bàn
Enter a caption
mềm mại
Enter a caption

Hôm qua trời đẹp, nhiệt độ lên cao nhất trong ngày là 39 độ F (gần 4 độ C) . Tôi đi rừng. Cả tháng nay tôi chẳng đi bộ thấy người bệ rạc. Lúc tôi ra khỏi nhà nhiệt độ chỉ 30 độ F (-1 độ C). Hôm nay dự báo thời tiết trời sẽ ấm, lên đến 49 độ F (khoảng 10 độ C).

Thấy người ta tổ chức cắm trại dành riêng cho hướng đạo sinh nam. Rất đông người, vừa phụ huynh của các hướng đạo sinh, ban tổ chức, ban lãnh đạo, và những người bàng quan (như tôi).

Một số đông cắm trại ven hồ, mặt nước đã đông cứng. Một nhóm ở công viên nơi họ nhóm họp hằng tuần. Tôi thấy có mấy cậu bé đang nhóm lửa. Đây là buổi các cậu bé hướng đạo sinh học cách sống và tồn tại với thiên nhiên trong điều kiện khắc nghiệt. Họ học cách nhóm lửa, nấu ăn, … . Một trong những cái thú vị của mùa đông là ngửi thấy mùi củi cháy. Trời lạnh, mùi củi cháy thơm, làm mình có cảm giác cái hạnh phúc của sự ấm áp đang ở gần, vài bước là đến, vói tay là chạm. Tuyệt lắm. Khó diễn tả.

Hôm qua tôi gặp một nhóm rất đông người hiking (ít ra là ba mươi người). Có nhiều người rất lớn tuổi, trông họ phải hơn bảy mươi. Có bà cụ miệng đã móm, cằm dài, mũi khoặm, trông rất giống bà phù thủy trong phim Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Tuy nhiên trông bà rất hiền và thân thiện hơn, rất nhiều.

Về nhà lúc gần ba giờ chiều, thấy Boyfriend ngồi chễm chệ trên ghế sưởi nắng, bên cạnh nó vẫn còn đống tuyết. Nó chờ cho ăn dù chưa đến giờ. Sáng sớm tôi đã cho nó ăn. Chập sau nó nhảy lên bàn, vẫn chờ được ăn. Rồi nó chui xuống gầm bàn nằm vào trong cái hộp có tấm thảm mỏng. Tôi thấy vậy cho nó ăn sớm. Ăn xong nó đi lên đồi, dạo quanh trên mặt tuyết. Thỉnh thoảng nó bị lún tuyết phóng mình sang chỗ khác, tuyết cứng hơn. Dường như cái lạnh không ảnh hưởng đến nó nhiều. Chập sau nó biến mất, có lẽ trở về một nơi trú ẩn nào đó. Thấy vậy nhưng hễ tôi mở cửa là nó bỏ chạy.

 

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 10

Buổi sáng tôi đọc báo địa phương, thấy có hai tin quan trọng xảy ra ở Wagnutch, thành phố bên cạnh cách nhà tôi chừng nửa giờ lái xe. Đây là một khu vực của những người giàu có. Tin một cô gái Việt chạy trần truồng ra đường ban đêm, vừa chạy vừa khóc. Vì cô nói tiếng Anh không mấy trôi chảy nên cảnh sát tìm người thông dịch. Cảnh sát đang điều tra và kêu gọi ai có biết thêm chi tiết gì thì gọi đến vào số đặc biệt. Có hai người làm việc trong nhà hàng vào giờ cô gái cáo buộc bị chủ xâm phậm. Chưa có tin chính thức từ Cảnh Sát nhưng phóng viên dọ hỏi chung quanh tìm ra một số chi tiết. Cô gái cáo buộc người chủ nhà hàng Thành Đô 1 tìm cách cưỡng bức cô và có hai người Việt làm chung chứng kiến. Hai người Việt lúc đầu từ chối phỏng vấn nhưng khi Cảnh Sát điều tra thì họ xác nhận điều cô gái khai báo. Phóng viên cũng xác nhận là chủ nhà hàng Thành Đô 1 đang được điều trị ở bệnh viện vì nhiều vết trầy xước do mèo cào.

Tin thứ nhì là một tin giết người. Người quản lý của nhà hàng Cây Liễu Mù trong khu rừng Great Oaks đã trộm cắp tiền của nhà hàng. Qua hình ảnh thu được từ máy thu hình tự động, người ta cho tháo nước hồ nhân tạo để tìm xác nhân viên giúp việc của nhà hàng. Người giúp việc trong nhà hàng đang quét dọn đóng cửa nhà hàng tình cờ đi ngang chỗ cất giữ tiền vào đúng lúc gã quản lý đánh cắp tiền. Vì sợ bị tố cáo nên gã cướp bắt người giúp việc uống rượu say rồi bắt buộc anh ta xuống hồ để anh ta vì say mà chết chìm. Trong phim có hình ảnh của hai con mèo. Máy thu hình đã được tắt nhưng có lẽ mấy con mèo vô tình bật nút máy quay phim.

Tờ báo nói thêm, có vẻ như mèo hoang đang làm lộng ở thành phố Wagnutch. Người ta tìm bắt hai con mèo để đưa vào trại nuôi mèo hoang nhưng chúng biến mất.

@ @ @

Tin cô gái Việt bị gã Tàu xâm phạm tiết hạnh làm tôi thấy buồn. Dù người Việt sống ở nước Mỹ mấy mươi năm, rất nhiều người trở nên giàu có, thế mà không có tổ chức người Việt nào đứng ra giúp đỡ những người Việt nghèo, ít học, kém tiếng Anh về mặt pháp lý. Tôi cũng nghĩ đến việc gắn một ít tờ rơi có hình Nora để xem có ai nhìn thấy con mèo của  tôi, à nói nhầm, của con tôi.


Ghi chú: Truyện ngắn này đã đăng trên Gió O, chia thành 2 phần.  Tiểu Thư Nora và Chàng Lãng Tử phần 1, phần 2. Tôi thấy dài quá nên cắt thành ra nhiều đoạn với hy vọng độc giả không thấy dài quá mà ngán.

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 9

Rồi có một ngày Tiểu Thư bỗng dưng đổi ý. Nàng cảm thấy hối tiếc là đã quá chính chắn, không biết yêu một cái gì đó hay thèm một cái gì đó đến độ say đắm điên cuồng như những con mèo khác. Nàng cảm thấy cuộc sống của nàng quá đầm ấm nên trở thành nhàm chán như một ao nước đọng. Khi Lãng Tử kể những chuyến phiêu lưu, chạy hết tốc lực băng qua đồng cỏ để rượt sóc và nai, Tiểu Thư tự hỏi đồng cỏ là cái gì, hình dáng ra làm sao. Khi Lãng Tử nói về những ngôi nhà cao tầng, những chuyến xe lửa, đi máy bay đến một thành phố khác, qua cầu, băng ngang đường cao tốc, xem người ta ca hát đánh đàn giữa đường phố, Tiểu Thư muốn biết đường cao tốc, nhà cao tầng, thành phố, tất cả những danh từ này rất xa lạ với Tiểu Thưể hình dung ra những điều xa lạ này và vì thế nó trở nên hấp dẫn với nàng.

Lãng Tử nói:

– Những khi sợ hãi tột độ, anh biết cách tàng hình. Anh có thể đứng trước mặt loài người mà họ không nhìn thấy anh.

Khi Tiểu Thư đòi xem chàng biểu diễn cách tàng hình thì Lãng Tử bảo rằng chờ gặp lúc thuận tiện. Tiểu Thư cười, thầm bảo rằng anh này nói khoác. Bây giờ Tiểu Thư rủ rê Lãng Tử đưa nàng đi xem thế giới thì chàng từ chối. Lãng Tử đã bắt đầu thấy yêu cuộc sống dễ dàng này. Muốn ăn, chàng không còn phải đi đào bới thùng rác nữa. Chỉ cần nằm chờ dưới cái bàn thủy tinh trên sàn gỗ, liếm mép liếm mồm ra vẻ đói khát là bà cụ cho chàng ăn. Chỉ cần chàng dậy sớm đứng ca hát nghêu ngao dưới cửa sổ là bà cho chàng ăn. Mãi đến khi cô chủ của Tiểu Thư đi làm ở xa, Tiểu Thư muốn đi tìm cô chủ để thăm cho đỡ nhớ và cũng để biết một đời sống khác với cuộc đời sống nàng đang sống. Một buổi tối, sau khi ăn, Lãng Tử chạy về ổ của chàng để ngủ, Tiểu Thư lén chạy theo.

Lãng Tử sống chung với một bầy mèo hoang ở trên một bãi đất hoang gần tiệm bán gạch men bóng xây tường và nền nhà. Đa số mấy con mèo tụ tập ở đây đã từng có chủ, tuy nhiên chủ nuôi một thời gian đâm chán rồi đuổi chúng ra khỏi nhà. Loài mèo thường rất sợ tiếng động nên chủ chỉ cần không cho ăn, tạo tiếng động lớn, lấy chổi lấy cây đánh dọa vài ba lần là mèo sợ không dám trở về. Sống chung với nhau ở bãi hoang, ban ngày lũ mèo tự đi kiếm ăn, tối tụ tập nhau trò chuyện ca hát, làm tình, chửi bới nhau. Trời nóng khô thì dễ, cứ đụng đâu nằm đó. Trời mưa lạnh thì mỗi con tự tìm chỗ trú và không con nào khai thật chỗ ăn chỗ ngủ của mình. Không muốn Tiểu Thư khám phá ra chỗ ở của mình, cũng không muốn những con mèo hoang khác biết Tiểu Thư và chỗ ở của nàng, và cũng vì Tiểu Thư cương quyết đi theo mùi hương của cô chủ Lãng Tử đồng ý đi với nàng. Lòng thầm nhủ đi được một đoạn đường ngăn ngắn sẽ tìm cách dẫn nàng quay trở lại. Tuy nhiên mưa lớn quá làm trôi mất mùi hương và hai đứa lạc đường. Và bây giờ Tiểu Thư nằm đây, bất động.

@ @ @

Lái xe trở lại vào đến sân nhà hàng, gã da trắng nhìn thấy con mèo trắng đen ngồi gần cửa hầm dẫn vào nhà hàng. Cửa vẫn còn mở toang. Tên bồi bàn người Mễ sau khi bị bắt uống thật say đã chìm dưới lòng hồ nên chẳng còn ai đóng cửa. Gã vào nhà hàng đến chỗ gắn cái máy quay phim tự động. Ban quản trị nhà hàng đã gắn cái máy này mấy tháng trước vì nhà hàng cứ bị mất trộm tiền, nhất là sau một tiệc lớn như đám cưới hay dạ vũ mừng sinh nhật. Con mèo trắng đen nhìn thấy gã đàn ông nhưng không có ý gì sợ hãi muốn bỏ chạy. Dường như nó muốn bảo vệ xác của một con mèo tam thể nằm lấp ló dưới bụi hoa rhododendron. Gã da trắng thấy ghét mấy con mèo hoang này. Gã bước đến gần, chộp cổ con mèo trắng đen. Ông sẽ xé xác mày, gã thầm nghĩ. Con mèo chờn vờn rồi nhảy bổ vào tấn công hắn làm hắn điên tiết. Hắn chụp lấy con mèo dùng hết sức lực vặn cái đầu của con mèo từ trước ra sau. Tiếng xương cổ gãy nghe răng rắc. Cùng với tiếng kêu răng rắc, có tiếng nổ nhỏ bụp bụp, như tiếng pháo lép, con mèo tự nhiên biến mất như một làn khói. Sững sờ. Gã đàn ông xòe hai bàn tay ra nhìn rồi ngơ ngác tìm kiếm chung quanh. Cho là mình mệt mỏi và thần kinh bị căng thẳng quá độ nên nhìn thấy ảo tưởng. Hắn cúi người nắm hai chân sau của con mèo tam thể. Đột nhiên con mèo oằn người nhỏm dậy khi hai chân vẫn còn trong bàn tay của hắn. Đôi mắt mèo đỏ rực như bốc lửa. Kẹp con mèo vào giữa hai chân hắn vặn xiết cố bẽ gãy lưng con mèo. Con mèo tam thể khá béo tốt nên hắn dùng hết sức lực mà con mèo vẫn còn cựa quậy mãnh liệt. Bộp. Bộp. Hai tiếng nổ nhỏ như tiếng mấy cái bọc cao su bị bóp vỡ ra, con mèo tam thể cũng biến mất. Có lẽ tại vì mình không uống thuốc trị thần kinh mấy tuần nay nên mức độ nhìn thấy ảo tưởng càng lúc càng tăng. Bây giờ ma có hiện ra đầy nghĩa địa gã cũng chẳng tin là có thật, tất cả là ảo tưởng phát sinh từ trong đầu của gã. Mấy con quỷ mèo này không thể làm hại mình.

Gã quay trở lại cửa hầm vào bên trong để kiểm soát và phi tang cuồn phim trong máy thu hình tự động. Nhưng chưa đến cửa thì đã thấy hai con mèo ngồi hai bên như canh giữ cửa hầm. Chỉ trong chớp mắt, hai con mèo to lên như hai con sư tử, và nhà hàng teo nhỏ lại. Hắn đứng khựng trố mắt nhìn hai con mèo càng lúc càng to lên như hai căn nhà cao tầng và ngôi nhà hàng càng lúc càng nhỏ nằm giữa hai con mèo như một món đồ chơi. Sau lưng hai con mèo và ngôi nhà hàng bỗng dưng xuất hiện một vầng sáng như một mặt trăng vĩ đại to gấp bốn năm lần hai con mèo. Vầng sáng tỏa ra một màn khói đỏ như lửa cháy. Hai con mèo đứng lên bước tới. Gã da trắng hớp không khí giống như một con cá mắc cạn. Gã quay đầu ù té chạy, lên xe, phóng bạt mạng. Chập sau có tiếng xe thắng rít và một tiếng động lớn như tiếng xe tông vào rào cản trên đường cao tốc. Lửa bốc cháy và sự im lặng trở lại với khu rừng.

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 8

Boyfriend aka Lãng Tử
Boyfriend aka Lãng Tử

Khi Lãng Tử khen Tiểu Thư đẹp, Tiểu Thư tin là chàng nói thật. Ít có cô gái nào đẹp mà không biết là mình đẹp. Nàng biết mình có bộ lông ba màu, trong khi đa số loài mèo lông chỉ có một hay hai màu. Nhưng khi Lãng Tử bảo rằng chàng yêu văn hóa Việt và thích có người yêu Việt thì Tiểu Thư nghi là chàng chỉ muốn cưỡi lên lưng nàng. Gia đình người chủ nuôi Tiểu Thư là người Việt, nhưng điều đó không có nghĩa Tiểu Thư cũng là người Việt, hay nói cho đúng là mèo Việt. Có thể nói ngoài cái bộ lông có chút xíu màu vàng, Tiểu Thư chẳng có chút gì là thuộc về giống da vàng cả. Tiểu thư ăn thức ăn Mỹ, thở không khí Mỹ, kêu theo lối Mỹ, meow meow, chứ không ngao ngao hay meo meo như mèo Việt. Khi một con mèo Mỹ nói yêu văn hóa Việt, thì hãy cảnh giác. Rất có thể chàng mèo mặc bộ áo tuxedo có cái nơ đen trên cổ áo trắng này chỉ muốn được ân ái một con mèo Việt. Ân ái với mèo Việt có khác với ân ái với mèo Mỹ không? Ai mà biết! Mèo nhà Mỹ nhiều khi là giống mèo sang trọng, lông trắng như tuyết, hoặc là loại mèo Xiêm, quí phái kiêu kỳ; một con mèo mả gà đồng trôi sông lạc chợ như Lãng Tử dễ gì chạm vào cành vàng lá ngọc. Lãng Tử cố gắng chinh phục Tiểu Thư bởi vì theo chàng, nàng như một đóa hoa nở gần mặt đất dễ hái hơn.

Tiểu Thư không chút rung động trước những lời tán tỉnh của Lãng Tử. Cô chủ lớn Ách Cơ, từ lúc Tiểu Thư chưa đầy tuổi, đã mang Tiểu Thư đến bác sĩ để đoạn sản. Cũng vì đã đoạn sản nên đầu óc Tiểu Thư rất tỉnh táo, không bị những chất kích thích tố nữ trong người hành hạ làm nàng thèm muốn ái tình. Lãng Tử thì khác, vì là mèo hoang chưa giải phẫu chấm dứt đường tình ái nên Lãng Tử còn mê gái đến phát cuồng. Bất kể nửa đêm hay giữa trưa, lên cơn động tình là Lãng Tử mon men đến nhà nàng tán tỉnh. Không thấy bóng dáng nàng ngoài sân, Lãng Tử đến ngồi dưới chân tường, ngẩng đầu về phía cửa sổ, serenade Tiểu Thư bằng cái giọng của mèo hoang. Lãng Tử chọn một bài hát tiếng Việt:
– […] Rồi hết một mùa đông. Gió bên sông thổi mãi. Qua rồi mùa ân ái. Qua rồi mùa ân ái. Em ngồi trong song cửa. Anh đứng dựa tường hoa. Nhìn nhau mà lệ ứa.[…].
Lãng Tử ngồi chồm hổm, hai chân trước lông trắng toát chống thẳng, đầu ngẩng cao, cái đốm đen trên mặt dường như lan ra to hơn, bộ râu trắng dày mỗi bên có cả sáu chục cọng râu, múa may, cao giọng mèo ngao. Tiểu Thư nhẹ nhàng nhổm dậy, vuơn vai dãn lưng, thật ẻo lã. Thò đầu ra ngoài vuông cửa lưới, nàng nói khẽ:
– Im nào! Ai lại đi kêu gào giữa trưa như thế này, Nghe khiếp quá đi thôi. Đằng ấy hát gì mà chỉ nghe mấy chứ quaaaaa, nhauuuu, muaaaaa, thảo nào loài người chẳng chế nhạo chúng ta hát như mèo gào. Tiểu Thư nhẹ nhàng vuốt má, lau mồm, và dịu dàng xoa lỗ tai của nàng. Điệu đàng và đỏm dáng như những cô thiếu nữ vuốt tóc và xoắn xoắn mấy sợi tóc bay lạc.
– Gì mà chê rậm rề như thế cưng. Các cô mê anh nhất là giọng hát. Đặc biệt là khi anh hát bài tủ của anh. “Memory turn your face to the moonlight…” Chưa hết bài này Lãng Tử tiếp tục sang bài khác. “Did you see the lights. As they fell all around you. Did you hear the music. Serenade from the stars.”
– Thôi, chàng làm ơn để hàng xóm nghỉ ngơi. Không khéo họ lại gọi cảnh sát than phiền chúng ta dùng âm thanh quấy rầy hàng xóm. Anh có serenade cho mấy thì em cũng chẳng bỏ nhà theo anh đâu. Chi bằng anh ở lại đây với em cho rồi. Bà chủ của em xem chừng đã mê anh tít thò lò kia kìa.
– Anh không hiểu vì sao em cứ bám víu vào cái gia đình này. Nhìn thì tưởng cuộc sống của họ êm đềm hạnh phúc lắm, nhưng thật ra tâm hồn của họ khô cạn lắm rồi. Họ sống bao nhiêu năm trời không có tình yêu. Họ là những người không biết yêu thương là gì.
Tiểu Thư nhỏm dậy vuơn vai ngáp.
– Tình yêu là cái gì? Bà chủ cho em ăn một ngày hai lần. Em muốn ngồi vào lòng bà lúc nào cũng được. Cô chủ luôn tìm cách bế em lên tay và em cứ phải né tránh cô nàng vì em không thích bị nhấc lên khỏi mặt đất. Ông chủ thì kiên nhẫn mở cửa cho em, nếu em lưỡng lự đổi ý không ra khỏi cửa thì ông im lặng đứng chờ. Gia đình chủ không cãi nhau đánh nhau, dù ít khi trò chuyện với nhau. Không đánh nhau thì có yêu nhau không? Yêu nhau là phải như thế nào?
– Yêu hả? Yêu thì giống như anh yêu em vậy. Lúc nào cũng muốn có em bên cạnh để nhìn em ngắm em, để được ôm em vào lòng, để em cõng anh lên lưng. Yêu phải được diễn tả bằng hành động.
– Em không cần có một tình yêu giống như tình yêu của anh. Yêu là cách loài người, gia đình chủ của em, nuôi nấng chăm sóc em. Họ đối xử với em rất dịu dàng và luôn nâng niu em.
– Họ nuôi em, săn sóc em, nâng niu em, không phải là vì họ yêu em, mà là họ cố chinh phục tình cảm của em để được em yêu họ.
– Nhưng chinh phục em được em yêu thì họ có lợi gì cơ chứ?
– Chẳng có lợi gì cả, may be là giảm stress thôi, nhưng họ là loài người vì thế họ cần được yêu thương. Càng ngày cuộc sống càng đẩy họ xa nhau, họ ít khi bày tỏ tình cảm với nhau, vì thế được một con mèo bày tỏ lòng yêu thương với họ, họ vui mừng lắm.
– Em không tin là loài người không biết thương yêu. Chỉ có những người không biết bày tỏ tình yêu của họ thôi. Và mỗi người có một cách bày tỏ tình yêu khác nhau. Mình không nhận thấy không có nghĩa là họ không có.
Tiểu Thư nghe Lãng Tử nói thao thao bất tuyệt, trong lòng nghi ngại chẳng biết có nên tin lời chàng ta hay không. Lãng Tử nằm duỗi dài trên sàn gỗ, sưởi ấm dưới ánh nắng chiều. Trông chàng thoải mái dễ chịu như cái sàn gỗ này chính là nhà của chàng.
Trầm giọng, Lãng Tử nói thêm, giọng chàng nghe rù rù như tiếng chim bồ câu kêu trên mái nhà.
– Thấy bà chủ của em không, già nua, quê mùa, trong gia đình này bà là người cần được nhận nhiều cử chỉ yêu thương mà chẳng ai ban phát cho bà. Bởi vậy anh chỉ cần ra công dụ bà một chút là bà xiêu lòng ngay. Bà thức khuya dậy sớm, cứ trông ngóng anh đến để cho anh ăn, để được anh ban phát cho một chút ân tình. Anh biết bà muốn anh đến gần để bà được vuốt ve nựng nịu anh. Bà làm thế để mua chuộc trái tim anh. Anh cẩn thận, mỗi ngày chỉ ban phát cho bà một ít yêu thương. Càng kéo dài sự cút bắt tình yêu, bà càng cho anh ăn nhiều món ngon. Nhưng anh không cần tình yêu của bà. Anh cần tình yêu của em. Thế giới loài người, chủ của em, khô cằn chật hẹp quá. Anh đi nhiều nơi, qua nhiều chỗ lạ, học được nhiều văn hóa, ăn được nhiều món ngon, xem được nhiều cảnh đẹp, nhờ thế anh là người có văn hóa cao, xứng đáng để tự xưng mình là nhà trí thức.
Tiểu Thư nở một nụ cười thật đẹp:
– Xin kính chào nhà trí thức mèo hoang. Tuy ăn nhờ ở đậu vào lòng nhân của người khác nhưng lúc nào cũng cảm thấy mình vênh vang sang trọng.

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 7

Lãng Tử quan sát căn nhà của Tiểu Thư rất lâu. Đó là một căn nhà sơn trắng cũ và xấu nhất trong xóm. Trước nhà có một bụi thông ở gần cửa ra vào và một bụi trúc nhỏ ở cuối đường dẫn vào nhà xe. Sau nhà có cái sàn gỗ thấp rất cũ, đóng đầy rêu sắp mục rã, chiều cao cách mặt đất chỉ một bước chân. Trên cái sàn gỗ này có một cái bàn, mặt bàn làm bằng thủy tinh và bốn cái ghế chân sắt lưng dựa bằng lưới nhựa mỏng màu trắng. Màu trắng là lúc mới mua, chứ bây giờ thì nó có một màu xám xỉn xỉn của rêu bám. Cái bàn để đó mà chẳng có ai ngồi. Cạnh cái sàn gỗ là hai ba cái thùng đất để trồng rau thơm, và một cái thùng recycle (chứa chai thủy tinh, chai nhựa, lon nhôm, giấy báo để được chế biến thành sản phẩm tái sử dụng). Trước kia, thùng recycle là loại thùng thấp không có nắp đậy nên thỉnh thoảng tôi nhảy vào thùng lục lọi tìm thức ăn thừa. Bây giờ thành phố bắt phải dùng thùng cao có nắp đậy hẳn hoi. Thùng cao, từ trên sàn gỗ tôi có thể nhảy lên nắp thùng dễ dàng, nhưng nếu lỡ rơi vào trong thùng thì có thể bị giam luôn trong ấy. Hừ! Hừ! Lãng Tử rùng mình sợ hãi cái viễn ảnh bị giam cầm.

Lãng Tử nhìn thấy Tiểu Thư nhiều lần trong nhà này. Có khi nàng nằm dưới bụi thông phía sau cái băng ghế nhỏ, có khi nằm trong bụi trúc, để tránh nóng và để bắt chim. Lúc ấy có một con mèo mướp, lông màu xám nhạt có sọc màu xám đậm cũng hay lởn vởn quanh nhà này và lần nào Tiểu Thư nhìn thấy cũng sửng cồ sẵn sàng tấn công. Lãng Tử cũng nhìn thấy Tiểu Thư nằm ở khung cửa sổ phía trước nhà, lơ đãng nhìn ra đường. Thường khi nàng uyển chuyển yểu điệu ra vào từ khung cửa sổ phía sau. Nói thì thành ra mèo khen mèo dài đuôi nhưng Lãng Tử thích dáng đi của loài mèo, thong thả, nhẹ nhàng, và quí phái. Người không thích mèo có thể cho là mèo có vẻ thâm hiểm luôn luôn rình rập giấu diếm móng vuốt sau bàn tay mềm mại. Nhưng Lãng Tử là loài mèo, thích dáng dấp một con mèo khác phái thì cũng là bình thường thôi.

Ngay bên ngoài cửa sổ là phần nhô ra của cái máy lạnh nhỏ gắn trên tường. Tiểu Thư thường ngồi trên cái máy lạnh, ngắm tuổi xuân của nàng trôi theo đám mây lờ lững bên trên khu rừng nhỏ sát sân sau. Tiểu Thư, như Jenifer Lopez trong phim Shall We Dance, ở bên trong cửa sổ nhìn ra, và Lãng Tử giống như chàng tài tử đẹp trai Richard Gere từ ngoài nhìn vào. Một người dường như tìm kiếm cái gì đó ở cuộc đời bên ngoài để lấp đầy sự trống vắng đơn độc bên trong tâm hồn mình. Một người đứng ngoài nhìn vào thế giới bên trong cố tìm kiếm một sự thân thiết đầm ấm để bôi xóa cảm giác lạc lõng xa lạ trong xã hội mình đang sống. Nhà này có ba bốn người vào ra. Buổi tối có nhiều người thức khuya, ông chủ và cô chủ. Chủ ở đây là chủ nhà chứ Lãng Tử là người sống lang bạt không tôn thờ ai là chủ nhân cả. Tiểu Thư thường xuất hiện ở khung cửa sổ trên lầu, ẩn sau chậu hoa quỳnh rậm lá. Nàng Tiểu Thư này nằm khắp nơi, hầu như bệ cửa sổ nào nàng cũng có thể nằm được. Còn bà chủ thì xuất hiện những giờ bất thường trong đêm khuya.

Sau khi quan sát nàng cẩn thận trong một thời gian, Lãng Tử băng ngang sàn gỗ ở sân sau, tiến sát đến cửa sổ, cất giọng ngọt ngào:
– Hello cưng!
Đúng như dự đoán của chàng, Tiểu Thư sừng sộ, lông cổ nàng dựng đứng, nhe nanh, mồm phát ra tiếng khè khè sssiiìì, sssiiìì, giận dữ. Chàng đã từng nhìn thấy nàng phản ứng với con mèo mướp như vậy và nàng chỉ hung dữ một thời gian ngắn lúc ban đầu thôi. Sau cơn giận dữ thì nàng hay làm ra vẻ dửng dưng. Đã biết thế nên chàng không nao núng.
– Ai là cưng? Ở đâu đến đây, có quen biết không mà cưng với không cưng.
– Thôi mờ Tiểu Thư, lên mặt với anh làm chi?
– Hử? Ai là Tiểu Thư. Chủ tôi gọi tôi là Nora.
– Nora là cái quái gì?
– Cô chủ lớn của tôi, người mang tôi về nhà này nuôi, tự xưng mình là nhà nữ quyền. Nora là tên của một nhân vật trong The Doll House.
– Chà, gia đình này văn vẻ quá heng. Hợp ý với anh lắm đó nhen. Anh thích giới trí thức, giòng họ nhà anh toàn là dân trí thức không à! Gọi em là Tiểu Thư vì nhìn em giống tiểu thư, đài các, có bộ lông mượt mà. Nhìn bộ lông của em là biết nhà này cưng em lắm. Mà nè em ơi, Nora là một phụ nữ không tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân nên cuối cùng bỏ nhà ra đi. Em có muốn bỏ nhà ra đi với anh không?
– Trời trời, gan cùng mình. Tự nhiên dám rủ người ta trốn nhà bỏ đi. Anh thử đưa ra một lý do tốt nhất đáng để tui bỏ nệm ấm chăn êm mà đi với anh.
– Lý do duy nhất là anh yêu em. Yêu vẻ đẹp Việt Nam của em. Và nhất là yêu nền văn hóa Việt Nam. Anh muốn em thuộc về anh suốt đời để anh được làm sở hữu chủ của một vẻ đẹp đài các như nét đẹp của cưng.
Tiểu Thư co hai bàn chân lại dịu dàng dấu cả hai chân dưới ngực, nghiêng đầu dựa lên cửa lưới, mặt hướng vào phía kệ sách, như để tránh ánh sáng chói chang từ bên ngoài. Nàng lim dim nhắm mắt mặc kệ Lãng Tử ngồi dưới chân tường như một chàng Romeo ngóng vọng lên lầu tìm Juliette.

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 6

Lãng Tử đến gần liếm nhẹ má Tiểu Thư để lay tỉnh nhưng Tiểu Thư vẫn nằm bất động. Không, nàng không thể chết được. Loài mèo có chín kiếp, nên chết đi có thể sống lại chín lần, nếu biết cách. Tiểu Thư vì sống với loài người từ lúc mới sinh ra đời không được học bí quyết này, vì bí quyết này chỉ được lưu truyền qua loài mèo hoang. Lãng Tử tha miếng thịt gà đến thả gần mũi Tiểu Thư, nàng vẫn không tỉnh dậy. Nàng chết đi thì mình là người có lỗi vì mình là người đã đưa nàng đi giang hồ. Lãng Tử gào lên. Tiếng mèo ngao của chàng vang lồng lộng trong đêm đầy vẻ ai oán. Chính cái tiếng mèo ngao này đã giúp chàng chinh phục Tiểu Thư.

@ @ @

Gã da trắng lao xe vào đêm đen. Sắp ra khỏi khu rừng vắng đến chỗ bắt vào đường cao tốc, gã chợt nhớ ra trong lúc đánh đuổi con mèo gã thấy đôi mắt con mèo lấp lánh ánh sáng màu đỏ. Chẳng lẽ đây là con mèo quỷ, nếu không tại sao mắt nó màu đỏ? Gã tự trấn an, mình chỉ bị căng thẳng thần kinh quá đó thôi. Mèo hoang ấy mà. Thời buổi khoa học này làm gì có chuyện ma quỷ. Chiếc xe chạy vun vút trong đêm, hai bên đường cao tốc là hàng cây tăm tắp đầy bóng tối. Ánh sáng từ đèn xe chỉ đủ soi sáng một khoảng đường gần.

Gã bỗng nhìn thấy hàng chục đôi mắt màu xanh trong bóng tối. Đến gần gã nhận ra đó là những đôi mắt của đàn nai đang băng qua đường. Ánh đèn xe làm đàn nai sợ hãi đến độ bất động. Cần phải thoát khỏi khúc rừng này càng sớm càng tốt, không giảm tốc độ gã lao vào con nai nhỏ nhất. Con nai nhảy hoảng lên nhưng tránh xe không kịp nên bị góc phải của xe đâm trúng, văng vào vệ đường. Cái kính chiếu hậu bên phải bị gãy, rơi xuống mặt đường. Tiếng động khá lớn nên dù ngồi trong xe cửa kính đóng kín gã vẫn nghe thấy tiếng vang. Cũng may đường khuya vắng vẻ không có xe nào chạy ở phía sau hay ngược chiều. Vì va chạm mạnh xe của gã lủi qua làn xe ngược chiều, quay đầu về hướng ngược lại. Thắng xe lại. Gã xuống xe để kiểm soát sự hư hại của xe, và cũng để lấy lại sự bình tĩnh. Bóng đèn xe bị vỡ một bên. Gã lấy khăn tay ra lau trán, áo hắn ướt đẫm mồ hôi, vì sợ hãi.

Mắt đỏ. Mắt đỏ. Không phải mắt mèo màu đỏ, mà là ánh đèn của cái máy camera trong nhà hàng. Đây là lại máy tự động, nhưng gã đã tự tay tắt máy trước khi mở két tiền của nhà hàng. Nhưng tại sao cái máy lại khởi động trở lại?

Hắn lái xe trở lại hướng nhà hàng. Nếu thật sự đúng như hắn nghi ngờ cái máy thu hình hoạt động trở lại thì hắn phải tìm cách lấy cuộn phim và phá hủy tang chứng.

@ @ @

Đừng bỏ anh một mình. Đừng bỏ anh một mình. Trời lạnh quá. Trời lạnh quá. Sao đành, bỏ anh một mình. Đừng bỏ anh một mình. Đừng bỏ anh một mình. Đường vào nghĩa trang mông mênh. Đừng bỏ anh. Vừa kêu gào, Lãng Tử vừa ngóng nhìn về cái nghĩa trang mộ cổ của người Do Thái. Người ta bảo mèo có họ hàng với quỷ ma nhưng Lãng Tử vẫn thấy sờ sợ dòng họ của chàng. Ngồi chồm hổm bên thân thể chưa lạnh của Tiểu Thư, Lãng Tử ứa nước mắt nhớ lại ngày mới quen.

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 5

Thỉnh thoảng tôi vào phòng Cá Linh đảo mắt tìm Nora. Tôi hy vọng nhìn thấy nó lim dim ngủ ở góc giường, nghe tiếng chân tôi nó sẽ ngẩng đầu lên nhìn. Mặt nó bên trái màu đen bên phải có một vệt trắng, đôi mắt to lóng lánh như hai hòn bi  và ngây thơ như đôi mắt trẻ con. Hai tai nó vểnh lên, nghe ngóng. Tôi vuốt lên mặt giường chỗ Nora nằm lâu ngày lõm xuống vẫn còn dính đầy lông, lòng bâng khuâng.

Vài ngày ngay sau khi Nora biến mất, một buổi sáng lái xe đi làm trên đường 22 tôi nhìn thấy xác một con thú bị xe tông, lông nó màu vàng sậm có đốm đen như màu mèo tam thể. Cần đi cho kịp giờ chuyến xe lửa tôi không tiện quay lại nên buổi chiều về ngang chỗ xác con thú tôi có ý tìm, lòng phập phồng lo sợ đó là Nora. Tuy nhiên khi đến nơi thì thấy người ta đã dọn xác thú rồi. Thường thường, nai bị xe đụng chết, xác bị bỏ đó có khi cả tuần lễ nhưng có lẽ lúc này trời ấm người ta dọn nhanh để tránh xác thú bị sình chương. Có khi tôi ngồi đọc hay viết, nó nằm trên bàn, khoảng trống ở giữa tôi và màn ảnh computer, ngủ ngon lành. Tại sao tôi lại có thể quyến luyến một con mèo, như vậy?

Còn con mèo hoang Boyfriend tại sao không đến để xin ăn nữa? Mỗi chiều đi làm về tôi lại nhìn vào bát thức ăn khô dành cho Boyfriend tôi để dưới gầm bàn picnic ở sàn gỗ sân sau xem nó có vơi đi không. Tôi nhớ cái vẻ lấm lét của Boyfriend, luôn ngó dáo dác giống như một đứa trẻ bụi đời bị đánh đập bạc đãi nên lúc nào cũng chuẩn bị chạy trốn. Hôm kia lục lọi xem ảnh cũ trong computer, tôi thấy có một tấm ảnh Boyfriend đang lục thùng rác nhà tôi. Có lẽ một người nào đó trong nhà đã chụp nên tôi không biết là có tấm ảnh này. Chợt nhớ đã lâu rồi, có một đêm không ngủ được tôi trờ dậy, ngồi vào bàn viết. Nghe tiếng động ở cửa sổ tôi nhìn ra, giật mình nhìn thấy một con mèo ngồi cạnh cửa sổ nhỏ chỗ Nora thường hay ngồi nhìn cuộc đời. Tôi định thần chưa kịp nhìn cho kỹ thì con mèo chạy mất. Có lẽ đó là Boyfriend. Dần dần, Boyfriend bớt sợ hãi. Có một buổi chiều, trời ấm, sau khi ăn, Boyfriend nằm duỗi dài người trên sân, như tận hưởng hơi ấm của mặt đất thấm vào từng sớ thịt trên người nó. Chập sau Boyfriend ngủ say sưa khiến tôi nghĩ nó bắt đầu xem sân sau nhà tôi là đất nhà của nó. Nghĩ đến một ngày nào đó Nora và Boyfriend cùng trở về mang theo vài ba con mèo con tôi thấy vui vui, nhưng điều này không thể nào trở nên hiện thực vì tôi biết con tôi đã mang Nora đến bác sĩ thú y đoạn sản.

Từ khi vắng mặt hai con mèo, chứng mất ngủ của tôi trở nên nặng hơn. Tôi thức giấc lúc nửa đêm, rồi hai giờ sáng, rồi bốn giờ sáng lắng nghe tiếng động quanh nhà như một bà mẹ lo lắng con đi chơi khuya chưa về. Thỉnh thoảng đang ngủ tôi bỗng nghe như có tiếng mèo gào, dường như có hai con mèo đang cắn nhau. Có khi tôi nghe như có tiếng mèo nhảy qua cửa sổ, xuống nền nhà như tiếng Nora thường hay ra vào cửa sổ. Tôi lại lò dò từ từ tầng trên đi xuống tầng dưới, mở đèn ở sân sau để nhìn xem có phải Nora trở về và Boyfriend lại đến tìm thức ăn. Mèo của mình thì nhớ đã đành, tôi lại nhớ cả con mèo hoang thường hay chờ để được cho ăn. Không phải con mèo hoang chờ tôi về, nó chỉ chờ được ăn. Người ta nói rằng loài mèo dù có chủ hẳn hoi cũng có thể la cà sang nhà hàng xóm để được cho ăn thêm. Có lẽ Boyfriend về với chủ của nó hay có người nào đó cho nó thức ăn ngon hơn nên nó không đến nữa? Sự vắng bóng của hai con mèo làm tôi nhận ra trong tâm hồn tôi dường như có một chỗ lõm xuống, in dấu hai con mèo. Nhớ hai con mèo như nhớ hai đứa con đã ra khỏi nhà. Như nhớ một người bạn bỗng dưng bặt tin không biết còn sống hay đã chết. Tôi mong chờ mà không biết mình mong chờ cái gì. Những đứa con ra đi lập nghiệp không có thì giờ quay lại căn nhà xưa, lời thăm hỏi của những người thân quen trong quá khứ?

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 4

Bị ném ra khỏi hầm gạo, Tiểu Thư và Lãng Tử chạy thục mạng. Cố gắng để không lạc nhau, tuy đói và đau, cả hai mừng là mình vẫn còn sống. Trời về khuya dày đặc sương mù. Những giọt sương li ti, bắt đầu thấm ướt lông của hai đứa. Nép mình dưới một bụi cây thấp và rậm rạp sương đọng thành giọt chảy xuống đầu. Đói, lạnh, và khốn khổ. Lãng Tử nhích lại gần Tiểu Thư tìm hơi ấm.

Tiểu Thư gầm gừ:

– Không được lộn xộn nghen.

Lãng Tử nhỏ nhẹ:

– Dựa vào nhau cho ấm thôi. Anh chẳng làm gì đâu.

– Anh hay leo lưng em bắt em cõng em không thích.

Lãng Tử thầm nghĩ, con mèo này kỳ cục. Mình theo đuổi cô ả đã lâu mà thấy cô ả hình như không biết thèm phái nam. Thật là ngược thiên nhiên. Bụng Lãng Tử cồn cào. Chợt, cả hai cùng nhổm dậy. Trong gió thoảng mùi thức ăn. Mùi thịt bò, mùi cá hồi, có cả mùi thịt gà nữa chứ.

Trước mặt hai đứa là một cái hồ mông mênh. Bên kia hồ là một ngôi nhà vẫn còn thấp thoáng ánh đèn mờ mờ trong sương. Không có cách nào khác hơn là chạy vòng theo bờ hồ để đến ngôi nhà. Cả hai chạy thật nhanh, thật lâu, đỡ lạnh nhưng không đỡ đói. Cái đói nhân lên gấp đôi gấp ba lần sau khi ngửi thấy mùi thức ăn. Tưởng tượng tìm thấy thức ăn trong ngôi nhà làm cả hai phấn chấn. Băng qua một nghĩa địa nhỏ chừng hơn chục ngôi mộ, cả hai nấp sau những bia mộ dò xét trước khi tìm cách vào ngôi nhà. Đây là nghĩa địa của những người Do Thái đến vùng lập nghiệp ở vùng này, bây giờ được xem là di tích lịch sử. Ngôi nhà cả hai nhìn thấy từ bên kia bờ hồ thật ra là một nhà hàng Ý có tiếng trong vùng. Nhà hàng không mở cửa nhiều giờ, kín đáo trong vùng khá hoang vắng, không có nhiều khách hàng lắm. Đêm đã khuya, quá giờ đóng cửa nhưng vẫn còn đèn sáng. Tiểu Thư và Lãng Tử mon men chung quanh ngôi nhà hàng. Cửa hầm, nơi giao hàng nhận hàng, mở toang. Giờ này, chẳng còn ai dám bén mảng đến những nơi vắng vẻ như thế này, nhất là bên cạnh nghĩa địa. Mùi thức ăn càng lúc càng rõ dần.

Tiểu Thư và Lãng Tử nhẹ nhàng len theo bậc đá chung quanh cửa hầm và đi vào bóng tối. Từ dưới chân cầu thang nhìn lên, Tiểu Thư nhìn thấy bức tường màu ngà đầy ánh sáng. Bóng người đàn ông hắt trên nền tường như một khúc phim. Người đàn ông mở két tiền, hốt hết tiền cho vào túi. Bất thình lình có một bóng người khác, thấp hơn, mập hơn xuất hiện trên nền tường. Hai bên nói chuyện với nhau, giọng người cao lớn giận dữ quát tháo. Giọng người thấp mập có vẻ phân bua. Nghe toàn những chữ sí sí no no soldi, rubare, uccidere. Tiểu Thư thầm thì hỏi Lãng Tử.

– Họ nói gì thế?

– Em biết nhiều ngôn ngữ lắm mà không hiểu sao?

– Em chỉ biết tiếng Anh và tiếng Việt. Anh đi nhiều nơi mà không biết tiếng này sao?

– Họ nói tiếng gì giống như tiếng Ý. Anh chỉ nghe được chữ yes, no, tiền, ăn cắp, giết.

– Còn thức ăn thì ở đâu?

– Có lẽ còn thừa trên những đĩa thức ăn mà họ chưa dọn rửa.

– Họ làm gì kệ họ, mình kiếm cái gì bỏ bụng đi rồi tính.

– Phải cẩn thận kẻo họ thấy mình thì bất tiện lắm.

Cả hai rón rén lên cầu thang. Mắt vẫn dán vào bóng hai người đàn ông in trên tường. Ở trên đầu cầu thang, Tiểu Thư và Lãng Tử thấy người đàn ông cao lớn cầm cây súng nhỏ trên tay. Đây là một người da trắng tuổi trạc năm mươi. Người kia là một người da sậm, giống như người Mễ, vẻ sợ hãi. Nhìn thấy Tiểu Thư, người da trắng đá một cái rất mạnh, Tiểu Thư văng ra ngoài cửa nằm bất động. Lãng Tử nhanh chân nhảy vụt lên bàn và nhảy vụt lên trên một trong những kèo nhà, lên một cái máy đen treo lơ lửng trên trần nhà. Người da trắng rót rượu đưa cho người da sậm, nói cái gì đó, ra hiệu uống đi. Người da sậm sợ hãi vâng theo uống hết. Rót tiếp. Uống tiếp. Cả chục ly như thế người da sậm đã loạng choạng. Người da trắng bảo anh ta cởi hết quần áo ra. Xong, hất cây súng ra hiệu người da sậm đi ra cửa sau. Lãng Tử loay hoay trên cái máy, vô tình khiến ống kính của cái máy quay theo hướng người da trắng và người da sậm. Máy có ánh đèn đỏ nhấp nháy. Lãng Tử nhảy xuống chạy vào bếp theo mùi thức ăn.

Ngoài sân, Tiểu Thư hồi tỉnh, bò lết vào bụi hoa bên góc tường. Người da trắng chĩa súng bắt người da sậm đi xuống hồ. Nước lên đến bụng người da sậm, đến ngực, đến cổ. Người da sậm liểng xiểng và lè nhè cái gì đó không rõ. Rồi ngã chìm xuống nước. Rất lâu không xuất hiện. Người da trắng quay trở vào ôm quần áo người da sậm ném vào trong hồ.

Hắn ta lái xe đi, không để ý đến hai con mèo. Và cái máy quay hình vẫn còn nhấp nháy cháy đèn.

Lãng Tử xuất hiện, mang theo một miếng xương gà còn thịt. Tiểu Thư nằm im không nhúc nhích.

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 3

Suốt mấy ngày qua Lãng Tử và Tiểu Thư không có một bữa ăn đủ no. Đang mùa mưa nước uống tìm không khó mấy. Một vũng nước bằng bàn tay cũng đủ đỡ khát. Ngày đi đêm nghỉ, ồ không nói nhầm, ngày nghỉ đêm đi, băng rừng lướt bụi, lướt phố vượt xa lộ, hai con mèo không tìm được thức ăn. Mưa làm trôi tất cả mùi hương cũ nên chúng nó hoàn toàn không ngửi ra phương hướng nữa. Bây giờ muốn đi tới thì không biết đi đâu, muốn quay về cũng mất nẻo.

Lúc băng rừng, Tiểu Thư bắt được con rắn lớn hơn chiếc đũa, da vàng. Nàng vật chết con rắn và chia đôi với Lãng Tử. Sau đó Tiểu Thư bắt ốc sên, mối, dế, cào cào ăn đỡ đói. Loại thức ăn này, khi còn ở nhà Tiểu Thư bắt vờn chơi, chơi chán rồi bỏ chứ không ăn. Thậm chí cả chim và chipmunk Tiểu Thư bắt vật chết rồi bỏ. Bây giờ trên đường rong ruổi, đói quá, Tiểu Thư muốn dừng lại ở trong rừng để bắt chim nhưng Lãng Tử không chịu. Thậm chí, Lãng Tử cũng không chịu chường mặt ra ngoài lúc ban ngày, chỉ dám đi ban đêm.

– Ban ngày không đi xa thì cũng phải kiếm thức ăn chứ. Ở trong bóng mát hoài làm sao có thức ăn. Mình có làm gì phạm pháp luật đâu mà trốn chui chốn nhủi thế này. Tiểu Thư cằn nhằn.

Nghe là biết nàng quạu lắm rồi, vì nàng nói trống không, không chịu xưng tên hay xưng em. Người ta bảo dạy vợ từ lúc ban sơ mới về. Nhưng Tiểu Thư chưa là vợ, cũng chưa hẵn là người tình, hai đứa chỉ trốn đi giang hồ chung thôi.

– Đi lạng quạng ra ngoài nắng, loài người thấy mèo hoang như chúng mình nguy hiểm lắm. Loài người, không phải người nào cũng dễ dạy dễ thương như người chủ của em. Đám người này, họ có thể tạt nước sôi vào người mình. Thậm chí bắt mình để ăn thịt nữa.

– Dóc tổ hoài. Ở đây ai mà ăn thịt mèo? Cũng chẳng ai đánh đuổi mình làm gì. Mình có làm gì họ đâu. Thôi đi kiếm cái gì ăn đi.

Lãng Tử nhảy vào một cái thùng rác nhỏ, bươi tứ tung chập sau nhảy ra mang theo một gói nhỏ bằng giấy. Chàng mọp người ăn ngấu nghiến, vừa ăn vừa gầm gừ, vừa ngó dáo dác chuẩn bị vác thức ăn bỏ chạy nếu có người xuất hiện. Trông chàng giống hệt như lúc đầu mới đến nhà Tiểu Thư làm quen. Thỉnh thoảng chàng ngẩng đầu lên nhìn, nhe răng nanh gầm gừ, và liên tục liếm mép. Tuy thế chàng chẳng mời Tiểu Thư cùng ăn. Tiểu Thư tức giận. Khi nàng bắt được con rắn, dù đang rất đói, nàng có thể ăn một lúc cả hai con rắn nhỏ như thế, nhưng nàng vẫn chia đôi thức ăn với chàng. Còn Lãng Tử, vốn quen tật bao nhiêu năm là mèo hoang, thường xuyên đói khát, chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện nhường. Miếng ăn là chuyện cá nhân. Hễ chàng tìm được thức ăn là chàng bảo vệ thức ăn đến cùng.

Tiểu Thư ngồi bên cạnh buồn bã.

– Người gì mà tham ăn và vô tình.

– Hử? Hử? Cưng nói gì? Thì cưng phải nhảy vào trong thùng rác mà tìm thức ăn. Anh vừa mới ăn một cái hot dog có cả ketchup nữa. Ngon tuyệt vời.

– Không. Em không ăn được thức ăn trong thùng rác. Từ nhỏ đến giờ em chưa bao giờ sống hèn hạ như thế. Em chỉ ăn thức ăn dành riêng cho mèo, thỉnh thoảng em được ăn sữa chua, sốt cà, cá tuna, có khi được ăn cả tôm luộc. Em nghe lời dụ dỗ đi theo chàng nên khổ như thế này. Em tưởng anh sẽ bảo bọc nuôi nấng em khi em hầu hạ phục vụ anh.

– Đừng có lắm chuyện. Lãng Tử gắt gỏng. Trên đời mèo này làm gì có chuyện nuôi nấng bảo bọc, mạnh ai nấy kiếm sống, nếu không phải dạy loài người nuôi nấng mình. Ở đây nam nữ bình đẳng mà cưng.

– Thôi anh đưa em về với mấy người chủ của em. Họ tử tế với em, nâng niu nuông chìu em. Anh dụ em theo anh rồi bỏ đói em. Làm sao mà em nhảy vào thùng rác cho được. Mà nhảy vào được thì chưa chắc đã nhảy ra được. Anh xem em bệ vệ như thế này. Tiểu Thư khóc rưng rức.

– Nói vậy mà nói được. Ai dụ em hồi nào, chính em mới là người rủ anh bỏ trốn mà. Chứ anh thì muốn ở lại nhà em. Bà chủ của em rất ngoan, anh huấn luyện bà rất chăm nên bà biết cứ đến giờ cho Tiểu Thư ăn là bà cũng cho anh ăn. Thật ra bà cho anh ăn gấp đôi phần ăn của em. Bà cho em ăn ít vì bà sợ em béo phì. Còn anh thì gầy gò như thế này nên bà cho ăn nhiều để vỗ béo. Giá mà đừng nghe lời em, ở lại thì đâu đến độ bị đói như thế này.

– Thì tại anh nói anh đi khắp năm châu bốn biển làm em muốn biết thế giới bên ngoài nên mới rủ anh đi.

– Thôi, nếu em không chịu lục thức ăn trong thùng rác thì anh sẽ đưa em đến chỗ này. Em có thể bắt chuột được không?

– Chuột nhỏ cỡ con chipmunk thì được. Còn chuột cống to bằng cái đùi thì nó sẽ nuốt em mất.

– Bây giờ thì em nắm đuôi anh, đi trong im lặng, không được khóc. Anh ghét nhất là nước mắt đàn bà.

Tiểu Thư và Lãng Tử chui vào một lỗ dưới chân tường, rơi vào một hầm tối. Nhờ đôi mắt mèo và có bóng đèn nhỏ trên tường nên chúng nhìn thấy lối đi.

– Đây là đâu vậy?

– Hầm của một nhà hàng Tàu không mấy đắt khách. Hễ vào nhà hàng Tàu thì chắc chắn là có chuột.

– Nếu một trong hai bắt được chuột thì chia nhau nhé? Tiểu thư muốn có một hợp đồng với Lãng Tử, dù chỉ là bằng lời.

– Không, em bắt chuột em ăn. Anh không ăn chuột. Ai mà vào nhà hàng để ăn chuột chứ? Lãng Tử gạt phắt đi.

Không ăn chuột thì ăn gì? Tiểu Thư thắc mắc nhưng không muốn hỏi e cãi vã thêm. Từ khi trốn đi với nhau, Lãng Tử ngày càng nạt nộ nàng nhiều hơn. Lãng Tử nghĩ thầm, mấy con mèo được chủ nuôi cho ăn đến béo phì thật là khờ khạo. Nhà hàng Tàu thường có cá chiên. Hễ đầu bếp ngó lơ thì mình ngoạm cá chạy đi. Không dễ gì nhưng không phải là không làm được, nhiều khi còn dễ hơn bắt chuột.

– Em ngồi ở đây, góc này, núp sau mấy bao gạo, dễ nhin thấy chuột và loài người khó nhìn thấy em.

Đói meo và lạnh, Tiểu Thư im lặng nghe ngóng. Tiệm đã vắng khách, chỉ còn lại hai cô gái hầu bàn và hai người rửa chén. Tiểu Thư nghe giọng nói hách dịch dường như là ông chủ:

– Cô xuống hầm lựa bao gạo thơm mang lên đây để chuẩn bị cho ngày mai.  Xuống cầu thang rẽ bên tay trái, ở tận trong cùng của lối đi.

Có một giọng nói khác đàn ông. Giọng người Việt.

– Ở dưới tối lắm, góc đó không có đèn, cô cần có cây đèn pin mới thấy đường. Cô chờ một chút tôi tìm đèn.

Ông chủ gằn giọng:

– Rửa chén cho xong đi để tôi còn đóng cửa. Việc của mình chưa xong là lo việc của người. Cô đi ngay cho tôi.

Người đàn ông rửa bát quay sang nói nhỏ với một người nào đó.

– Cô bé này ở Việt Nam mới sang, còn khờ lắm. Có lẽ cha mẹ không khá lắm nên cô xin chân hầu bàn kiếm thêm tiền. Thằng chủ Tàu này lúc trước mướn mấy cô Tàu không có giấy tờ hợp pháp, cô nào chả cũng làm thịt hết. Mấy cô gái kia không dám thưa kiện…

– Mình tìm cách nào giúp cổ đi, tội nghiệp. Cũng là người Việt với nhau.

– Thẳng chả đuổi mình làm sao?

Cô gái đi xuống hầm, cố tìm bao gạo trong bóng tối. Lối đi rất hẹp, chỉ vừa cho một người đi, xoay trở không dễ dàng. Tiểu Thư lùi vào trong hốc, thu người nhỏ lại. Trong bóng tối Tiểu Thư nhìn thấy dễ dàng, nhưng cô gái mới từ ngoài sáng vào nên mắt chưa điều tiết kịp. Cây đèn bấm nhỏ xíu, gần hết pin lóe ánh sáng vàng vọt. Suýt tí nữa cô soi trúng Tiểu Thư.

Gã đàn ông ở ngay phía sau cô gái. Hắn đè cô gái lên mấy bao gạo chất chồng. Tay trái hắn chặn cổ, khuỷu tay gối lên mái tóc cô gái làm cô đau đớn kêu lên. Gã cao lớn, bề ngang gấp đôi cô gái cao hơn cô một cái đầu. Cô gái vóc dáng nhỏ nhắn, rất trẻ, chừng mười sáu. Tay phải hắn giật mạnh đứt tung cúc quần vải mềm. Cô phải mặc quần vải mềm và áo khoác khi hầu bàn. Dây kéo tụt xuống, cái quần rơi xuống đến mắc cá chân. Cô gái không kịp kêu la, chân hắn đã chèn vào giữa hai chân cô gái. Đã chuẩn bị trước, hắn chỉ mặc có cái quần đùi boxer. Đầu gối hắn ghìm thúc vào bụng cô gái. Cô khóc nức nở, hai tay cố níu kéo cái quần lên như sợ mình lõa lồ thay vì chống cự tên chủ. Hắn thò tay vào móc dương vật, cố bẹt chân cô để nhét dương vật của hắn vào cửa mình cô. Tiếng khóc của cô gái, tiếng vật huỳnh huỵch của tên chủ, làm Tiểu Thư hoảng sợ. Tiểu Thư tìm đường chạy trốn. Nàng nhảy lên đầu gã đàn ông, bị trượt, nàng níu lại. Móng vuốt của Tiểu Thư cào lên đỉnh đầu sói sọi của hắn, rồi cào lên cổ, và lên vai hắn. Trong cơn đau đớn, hắn thét lên, nắm lấy Tiểu Thư ném ra xa. Tiểu Thư vói tay chụp nhằm mũi và mắt hắn trước khi rơi xuống đất. Hắn loạng choạng ngã người xuống đất.

Cô gái thừa dịp, nhảy lên trên người hắn bỏ chạy. Hai người đàn ông nhân viên rửa chén, chạy xuống. Ban đầu họ giả vờ tìm bao gạo và khiêng lên giúp cô vì nặng. Họ hy vọng gã chủ thấy có người sẽ buông tha cô gái. Nhưng gã chủ xem hai người như nơ pa. Hắn định bụng sẽ đuổi luôn một lúc cả ba người sau khi hiếp dâm cô gái. Một trong hai người nhân viên rửa chén trông thấy Lãng Tử đang rình trong bếp chờ ăn cắp cái đầu vịt quay, nên chộp cổ Lãng Tử. Người kia chạy xuống hầm khi đến gần gã chủ nhân đang ôm mặt kêu rên, nhìn thấy Tiểu Thư đang tìm cách chạy ra khỏi hầm, anh ta nắm cổ Tiểu Thư. Sau đó cả hai người ném hai con mèo ra ngoài cửa. Hai người nhân viên rửa chén trở vào đỡ ông chủ dậy mồm liên tục chửi rủa hai con mèo chết toi chết tiệt. Mặt gã chủ đẫm máu, cả hai gọi xe cứu thương. Không khéo móng mèo làm trầy mắt thì gã chủ nhân dám bị mù lắm à.

Tiểu Thư và Lãng Tử cắm đầu chạy thục mạng ngoài kia. Bụng cả hai vẫn còn đang đói meo.

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 2

Kể từ khi Nora biến mất, con mèo Boyfriend cũng không đến nữa. Lúc sau này, tôi cho Boyfriend ăn mỗi ngày hai lần. Hễ cho Nora ăn thì tôi cũng mang thức ăn để ngoài sân cho Boyfriend. Hôm nào tôi quên là Boyfriend kêu gào um sùm. Trời mưa tôi để chén thức ăn dưới gầm bàn để Boyfriend không bị ướt. Có khi mưa lớn Boyfriend không đến. Buổi chiều đi làm về tôi thường để ý tìm con mèo này, coi vậy mà cũng nhớ cái mặt có đốm đen với hai cái răng nanh nhọn hoắc trông rất xấu xí và dữ tợn của nó. Boyfriend cẩn thận lắm, chỉ đứng ở xa xa rình rập. Nó nằm bên hông nhà, hễ nghe tiếng Nora kêu nho nhỏ đòi ăn, và tiếng mở nắp hộp thức ăn thì nó chờ sẵn. Nó ngồi rình từ xa, chỉ sau khi tôi quay vào nhà, cửa đóng rồi nó mới đến ăn. Vừa ăn vừa ngó dáo dác, chuẩn bị chạy.

Có một buổi chiều nắng ấm, Nora nằm ở một góc sân, Boyfriend nằm ở một góc khác xem chừng quen thuộc thoải mái với sân nhà tôi, chẳng ai nhìn ai. Nora nhìn Boyfriend ăn một cách lãnh đạm. Có lần tôi cho thức ăn vào chén của Boyfriend, Nora mon men đến gần, tôi để ngón tay ngang miệng chén và nói. “No. Con!” Nora thong thả đi chỗ khác. Riết rồi nó cũng hiểu được hai thứ tiếng. Tôi có cái tật nói lộn xà ngầu, nghĩ một đàng nói một nẻo, thỉnh thoảng nói tiếng Việt với người Mỹ, và nói tiếng Mỹ với người Việt theo thói quen. Chắc Nora nghe mãi nên quen.

Thỉnh thoảng tôi vào phòng của Cá Linh, với hy vọng nhìn thấy Nora đã về và nằm chờ sẵn. Chỗ nằm của nó vẫn đầy vết lông; trước đó tôi cằn nhằn con tôi, “không khéo lông mèo bám đầy phổi thì chết!” Có lẽ nào Nora đi tìm cô chủ của nó? Từ đây đến Baltimore lái xe nhanh thì cũng bốn tiếng đồng hồ. Một con mèo đánh hơi đi tìm chủ sẽ mất bao nhiêu ngày, bao nhiêu tuần? Qua bao nhiêu rừng, bao nhiêu cầu, bao nhiêu xa lộ, bao nhiêu chướng ngại gian truân. Nora không phải là con mèo khôn ngoan xuất chúng nên tôi không tin nó đi tìm Cá Linh. Tôi định gọi điện thoại hỏi con tôi có thấy con mèo không nhưng hỏi thì nó sẽ biết con mèo mất tích. Tôi chưa muốn nói cho Cá Linh biết sự mất tích này.

Tôi sang nhà hàng xóm hỏi có ai nhìn thấy con mèo Nora của tôi không. Ở đây không ai bắt trộm mèo để ăn thịt. Những loại mèo hiếm quí có thể bị bắt trộm đem bán, nhưng Nora chỉ là con mèo tam thể bình thường chẳng ai trộm làm gì. Và hàng xóm tôi chẳng ai có vẻ dữ tợn hành hạ thú vật để có thể bắt giết con mèo rồi ném xác.

Tôi sang nhà vợ chồng Patti và John hỏi có nhìn thấy Nora không? Nhà này có nuôi một con chó màu nâu đặt tên là Hershey, cùng tên với một loại kẹo chocolat nổi tiếng. Patti nói: “Chẳng nhớ chính xác hôm nào, nhưng tôi thấy Nora nắm đuôi con mèo hoang loại tuxedo, băng qua đường Mountain Parkway để ra đường 22.”

Giữa Nora và Boyfriend dường như không có tình ý mặn mà gì cho lắm, thế mà. Tôi tự hỏi những lúc hai đứa nằm quay lưng lại với nhau trên cái sân sau nhà tôi, chúng đã thầm thì gì với nhau mà cùng một lúc cả hai biến mất.

Còn tiếp

Tiểu Thư và Lãng Tử, phần 1

Một tuần sau khi Cá Linh dọn nhà đến Baltimore làm việc, con mèo biến mất.

Buổi sáng hôm ấy, trước khi đi làm tôi cho con mèo ăn, rồi nhấc cửa sổ lên để Nora có thể ra vào bằng cái cửa lưới nhỏ bất cứ lúc nào nó muốn. Lúc nó mọp người cắm đầu vào tô thức ăn nhai nhỏ nhẹ, tôi vuốt bộ lông mượt mà của nó. “Giờ chỉ còn hai bà cháu mình nghen con.” Nó quay đầu liếm bàn tay tôi, một cử chỉ thân thiện hiếm có, làm tôi cảm động. Người ta thường bảo giống mèo lạnh nhạt kiêu kỳ. Thật ra không phải vậy. Mèo chỉ bày tỏ cử chỉ âu yếm khi nào chỉ có nó với chủ nhân. Khác hẳn với chó lúc nào cũng ồn ào, nhảy chồm lên người chủ hôn hít ướt át sướt mướt, con mèo làm người chủ thấy vinh hạnh mỗi khi được con mèo đặt lòng tin. Phải tin lắm, thân cận lắm nó mới đến gần dựa vào chân. Và khi được mèo hôn lên mũi lên trán chủ nhân thấy hoàn toàn hạnh phúc.

Buổi chiều đi làm về không thấy con mèo quấn bên chân đòi ăn, tôi hơi ngạc nhiên. Tôi lên phòng nhỏ út tìm. Thường ngày con mèo nằm ngủ ở góc giường, đôi khi trong ngăn tủ. Chỉ khi nào nhà có người lạ nó mới trốn dưới gầm giường hay trong tủ đứng (closet). Có lẽ con mèo ra cánh rừng sau nhà. Mùa hè nó vào nhà ngủ rất trễ, thường khi sau mười hai giờ; tuy nhiên nó không bao giờ bỏ bữa ăn. Tôi nấu cơm làm việc nhà, ăn xong rồi đi ngủ sớm. Hai giờ khuya thức giấc tôi sang phòng Cá Linh tìm con mèo lần nữa nhưng nó vẫn chưa vào nhà. Bắt đầu lo lắng, tôi xách đèn pin đi tìm.

Sau nhà tôi là một rẻo rừng. Gọi là rừng thì hơi quá đáng nhưng phải nói là rất nhiều cây cao chừng hai ba chục mét đã ra lá dày đặc. Gai góc vướng víu áo quần tôi. Lia cái đèn bấm qua những gốc cây ngã đã được cưa từng khúc, tôi cố nhìn xuyên qua mảng tối. Bụi hoa honey-suckle tỏa hương ngào ngạt. Đầu tường, sau tường, dưới những bụi rậm, tôi quanh quẩn sau những tảng đá, nhón chân nhìn về phía hồ bơi ở nhà của Steve và Robin, vẫn không tìm thấy Nora. Đạp lên xác lá khô xào xạc, tôi e ngại rắn cắn nên dò dẫm trở vào nhà.

Nora biến mất.

Con mèo, anh chồng, và hai cô vợ

Tôi đọc xong truyện “A Cat, a Man, and Two Women” của Jun’ichiro Tanizaki. Nếu bạn thích “Lady and a little dog” của Anton Chekov thì bạn sẽ thích truyện này. Tanizaki chắc chắn là người thích mèo vì ông biết tất cả thói quen của mèo và đưa vào truyện ngắn những chi tiết về thói quen của mèo một cách rất tỉ mỉ. Không phải ai cũng thích loại truyện này, nó có thể gây nhàm chán vì chỉ nói toàn quan hệ giữa đàn ông với đàn bà, với những khúc mắc tâm lý của nhân vật. Anh chồng, người hiền lành, không mấy giỏi giang anh hùng, được mẹ săn sóc nuôi nấng. Lớn lên được vợ hầu hạ phục vụ. Anh có nuôi con mèo và anh rất yêu nó. Yêu đến độ cô vợ đầu tiên phát ghen. Anh bỏ cô vợ đầu tiên, lấy cô vợ thứ nhì giàu hơn, trẻ hơn. Cô vợ thứ hai cũng ghen với con mèo. Lòng ghen này xảy ra sau khi cô vợ cũ, viết thư cho cô vợ mới, xin được nuôi con mèo. Lá thư được tác giả, rất sành tâm lý phụ nữ, khéo léo gợi lòng ghen của người đàn bà. Cô vợ mới bắt anh chồng phải đem cho con mèo và anh vâng lời. Con mèo về tay người vợ cũ. Cô vợ mới lại ghen vì lo sợ anh chồng sẽ vì con mèo tìm về cô vợ cũ…

Đôi khi tôi tự hỏi, cái hay của một tác giả có phải là, có thể hấp dẫn người đọc bằng những đề tài tầm thường. Đọc truyện này tôi có cảm giác như đọc truyện Tây phương hơn là truyện Nhật, vì nó thể hiện một xã hội quá bình an, hạnh phúc nên chỉ có thể xoay chung quanh chuyện gia đình, những cãi vã vô tận giữa đàn ông với đàn bà.

Thật ra, không phải chỉ có hai người đàn bà, mà là bốn người, nếu tính thêm bà mẹ và con mèo (cái). Bà mẹ là chất xúc tác đưa đến chỗ bỏ người vợ trước và cũng chính bà là người môi giới dẫn đường đến người vợ sau. Thật ra, không chỉ ly dị người vợ trước mà là tống cổ đuổi đi. Con mèo sống với bản năng muốn được ăn ngon, ngủ ấm. Nó đi vào lòng ông chủ và từ đó quấy nhiễu cuộc đời của ông ta với ba người đàn bà; những người đáng lẽ phải được yêu quí hơn con mèo.

Từ khi tôi đọc quyển Dog Man (của Martha Sherrill), phim The Makioka sisters, và tiếp theo là truyện này, tôi thấy cảm phục sự chịu đựng đầy nhẫn nại của phụ nữ Nhật Bản và thương xót cho thân phận của họ. Không biết xã hội Nhật đã tiến triển đến mức nào, và ngày nay cuộc sống của phụ nữ Nhật như thế nào; vài thập niên trước, số phận của họ vẫn còn hoàn toàn phụ thuộc vào người đàn ông, cha hay chồng. Đúng với câu thơ của Mạc  Bạch Cư Dị. Nhân sinh mạc tác phụ nhân thân. Bách niên khổ lạc do tha nhân. (Dịch là: Ở đời chớ làm thân đàn bà. Trăm năm vui khổ do người ta.)

Boyfriend

Nora
Nora aka Tiểu Thư

Không biết bạn thì sao, chứ tôi thì thích được lười biếng. Không có gì tuyệt vời hơn, khi chung quanh mình mọi người đang ngủ, rừng sau nhà lá xanh biếc, trời mát dịu, và tiếng chim reo vang vọng khắp nơi; Và tôi sau mấy tuần lễ bận rộn với chuyện tốt nghiệp đại học của cô út, đi tìm thuê nhà ở tiểu bang khác để cô có thể dọn đến đi làm; hôm nay tôi được lười biếng, ngồi đây thả trí óc đi rong. Cô được đại học John Hopkins nhận vào làm trong phòng thí nghiệm của trường. Hôm qua tôi làm tiệc mừng lễ ra trường cho cô.

Mấy hôm gần đây, có một con mèo lạ màu trắng đen lảng vảng chung quanh nhà tôi. Cá Linh bảo đó là con mèo đực. Có thể lắm, vì Nora là mèo cái nên mèo đực đến tìm. Tuy nhiên Nora đã bị trung tính rồi nên nó nhìn con mèo trắng đen như một kẻ muốn xâm phạm lãnh thổ của nó chứ không như một người tình. Lâu dài rồi hai đứa nó làm bạn có được không? Maybe.

Boyfriend aka Lãng Tử
Boyfriend aka Lãng Tử

Con mèo kêu to lắm, như hú vậy. Tiếng gào của mèo hoang đôi khi nghe rợn cả người. Vì tiếng gào của nó mà tôi muốn đặt cho nó tên Howl hay Allen Ginsberg. Cô út đặt cho nó cái tên gì đó khó nhớ nên cuối cùng hai chúng tôi quyết định gọi con mèo là Boyfriend. Không hẹn mà cả tôi và Cá Linh đều đem thức ăn để ở ngoài sân cho con mèo, dường như trong thâm tâm chúng tôi đều muốn dụ con mèo. Để làm gì? Nuôi thêm một con mèo nữa ư? Cô bạn tôi, hôm qua đến chơi, nghe kể chuyện Boyfriend bảo rằng mèo thường là con nuôi của vài ba gia đình, lê la các nhà khác để ăn xin, ăn chực. Bản năng của con mèo là đòi ăn, chỉ muốn được ăn. Thật không? Có thể lắm. Nora đã béo lắm rồi, nhưng vẫn năn nỉ kèo nài đòi ăn thêm. Cứ nhìn nó chồm lên ghế, khều chân tôi mà thấy thương lắm.

Boyfriend không mấy đẹp trai, nhưng nếu nó muốn tôi cũng sẽ rước nó vào nhà nuôi chung với Nora cho hai đứa có bạn. Nora nhút nhát ít khi lang thang sang nhà hàng xóm. Boyfriend có vẻ mập mạp, có lẽ là con mèo của nhà láng giềng nào đó.

Hồi cuối tuần đi thư viện tôi tha về hai quyển “A Cat, a Man, and Two Women” của Jun’ichiro Tanizaki và “The Sophisticated Cat” do Joyce Carol Oates và Daniel Harlpen tuyển chọn. Bà quản thủ thư viện cười bảo rằng, tuần trước thì chó, bây giờ đến mèo.

Những điều thú vị chung quanh chuyện ăn thịt chó

Cún Bơ của Bảo Bình - Blog Những Dòng Thương Nhớ
Cún Bơ của Bảo Bình – Blog Những Dòng Thương Nhớ.

Người châu Âu, có nhiều đồng cỏ nên chuyên về nuôi bò, cừu, và dê. Chó khỏe, chạy nhanh, khôn ngoan, có thể giúp chủ rất nhiều trong việc lùa đàn thú về trại hay săn tìm những con thú đi lạc. Do nhiều năm tiếp xúc với chủ nhân nên tình cảm thân thiện giữa thú và người phát triển. Đây có thể là nguyên nhân vì sao người phương Tây không ăn thịt chó. Tuy nhiên, ra luật bảo vệ súc vật nói chung, chó nói riêng, người ta chưa chắc đã nhân từ và người ăn thịt chó không hẳn là người dã man. Vài người trong họ hàng nhà tôi, bằng cấp đầy mình, văn minh văn hóa hết mực, tính tình hòa nhã tử tế, thích ăn thịt chó, bảo rằng “nhất trắng, nhì vàng, tam khoang, tứ mực.” Ai đã từng xem phim Điệp Viên 007 chắc còn nhớ ông trùm SPECTRE, tay luôn luôn ôm con mèo nhưng giết người như giết ngóe. Thủ hạ của ông ta nếu không thực hiện nhiệm vụ thành công thì ông hạ thủ chẳng lưu tình.

Cún của gia đình chủ bút Gió O
Cún của gia đình chủ bút Gió O

Từ năm 1986, người Đức cấm bán hay ăn thịt chó. Tuy nhiên, vào những năm có chiến tranh hay thiếu thốn, thịt chó được bán công khai. Từ năm 1898 cho đến năm 1925, The New York Times đăng nhiều tin dân Đức bán và ăn thịt chó[1]. Những bài báo này, làm tôi tự hỏi, liệu đây có phải là một hình thức người Mỹ kỳ thị người Đức vì họ là phe đối nghịch với Hoa Kỳ. Năm 1933 cho đến năm 1938, đảng Nazi cho ban hành bộ luật bảo vệ thú vật soạn thảo rất qui mô. Bộ luật này bao gồm luật sát sanh theo phép Kosher, luật cấm săn bắn, luật chuyên chở thú vật từ nơi này đến nơi khác bằng xe  hay tàu hỏa. Arnol Arluke và Boria Sax cho rằng Nazi soạn bộ luật này với âm mưu sẽ xem loài người như súc vật chứ không xem súc vật như con người.[2] Nếu bạn đọc trang Dog Meat của Wikipedia sẽ thấy những người ăn thịt chó ở Hoa Kỳ, vào thời rất xa xưa, khoảng hơn hai chục năm gần cuối thế kỷ mười chín, và đầu thế kỷ 20, đều là người da đỏ. Người Hoa-kỳ thuở xưa, chiếm đất người da đỏ, tàn sát một số lớn, đẩy số còn lại vào xó rừng, không có điều kiện để nuôi cừu dê bò, nên họ ăn thịt chó. Dễ hiểu thôi.

Cún của face book Lilac Tran. Ngồi sẵn trong nồi đây này.
Cún của face book Lilac Tran. Ngồi sẵn trong nồi đây này.

Ở Hoa Kỳ, chữ dog được dùng để chỉ sausage (thịt dồi, xúc xích). Vào năm 1845 người ta phát hiện trong thịt dồi có pha lẫn thịt chó từ đó phát xuất chữ hot dog. Việc bắt trộm chó không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác, Nhật Bản và Hoa Kỳ chẳng hạn. Những năm người ta dùng phương pháp vivisection mổ động vật có xương sống lúc đang sống để quan sát hoạt động nội tạng của động vật vẫn còn đang tiếp nhận tín hiệu của não bộ, chó thường bị bắt trộm đem bán cho các phòng thí nghiệm. Năm 1891, ở tiểu bang Indiana, môn thuốc dùng để trị bệnh lao phổi là thịt chó.

Người ta có đủ thứ niềm tin để lý luận ăn thịt chó là cần thiết. Người Ba Lan dùng mỡ chó để trị bệnh. Người Trung quốc tin là trong thịt chó có vị thuốc. Mùa Đông ăn thịt chó làm cho người ấm. Ngược lại, người Hàn quốc tin là ăn thịt chó có thể điều tiết nhiệt độ trong người, hoặc giải nhiệt.  Họ ăn thịt chó nhiều nhất vào ba ngày nóng nhất trong năm.

lassie
Lassie – Chó của nhà văn Đặng Đình Túy

Đa số người Nam Hàn không ăn thịt chó, nhưng có một số ít người có quan niệm chọn món ăn là quyền tự do cá nhân. Năm 1984 họ cấm bán thịt chó nhưng không kiểm soát nghiêm ngặt ngoại trừ lúc tổ chức Thế Vận Hội ở Seoul. Tháng 3/2008 một nhóm người vận động đòi được quyền công khai bán thịt chó, mở nhà hàng thịt chó nhưng không được chấp thuận. Loại chó người Nam Hàn nuôi để ăn thịt là loại chó đặc biệt thuộc giống Nureongi hay Hwangu, không phải pet.

hôn nhau – ảnh của Bà Tám

Người miền Bắc Việt Nam ăn thịt chó nhiều hơn người miền Nam. Người ta tin là ăn thịt chó sẽ được cường dương và giải xui nhất là vào dịp cuối năm và cuối tháng âm lịch. Một con chó độ 20 kg có thể bán được 100 Mỹ kim, tương đương với một tháng lương trung bình của công nhân vì thế chó ở VN thường hay bị trộm. Không có tài liệu để kiểm chứng cụ thể, người ta nói rằng giới Công giáo thường hay ăn thịt chó nhất là vào dịp Giáng sinh. Tôi, người viết bài này, nghĩ rằng rất có thể đây là sự biến thể của nghi thức tế lễ từ thời xa xưa của người Celtic sống ở Anh đến Việt Nam theo các nhà truyền giáo. Người ta thường tế lễ bằng dê và cừu, nhưng sang đến Việt Nam thì dê và cừu biến thành nai đồng quê.

Do ảnh hưởng của Phật giáo, Thiền giáo, và Thần đạo, người Nhật không ăn thịt chó. Tuy nhiên, thịt chó rất phổ biến ở Nhật-bản mãi cho đến năm 675 sau Công Nguyên khi hoàng đế Temmu ra lệnh cấm ăn thịt chó từ tháng 4 cho đến tháng 9. Vị Hoàng đế này ra trận thường xuyên, khi đi đánh giặc ông thường mang theo con chó. Ông cho rằng ăn thịt chó sẽ mang sự xui xẻo đến cho ông. Năm 2008 Nhật Bản nhập cảng 5 tấn thịt chó từ Trung quốc trong khi chỉ mua vào 4, 714 tấn thịt bò.

nhìn cái gì
Nhìn cái gì? Ảnh của bà Tám.

Bạn đọc thích xem phim, thế nào cũng biết phim Hachiko. Phim dựa vào câu chuyện có thật và đẹp như huyền thoại. Chủ của Hachiko là giáo sư dạy ở đại học Tokyo. Hằng ngày Hachiko theo chủ ra nhà ga Shibuya đưa ông đi làm và buổi chiều ra nhà ga đón ông về. Ông đột ngột qua đời trong lúc giảng bài (vì thế không về bằng tàu hỏa). Hachiko đợi chủ ở nhà ga hằng ngày cho đến khi qua đời, nhất định không rời nhà ga này dù vợ con của ông giáo sư tìm cách đưa chó về và dời chỗ ở. Phim này về sau được quay lại bởi đạo diễn Lasstrom và diễn viên là Richard Gere. Người ta ngưỡng mộ Hachiko đến độ đúc tượng đồng con chó này. Phim làm tôi tưởng tượng tất cả mọi người đàn ông Nhật đều đẹp trai và yêu chó như Gere vì thế hơi ngỡ ngàng khi thấy người Nhật nhập cảng thịt chó nhiều hơn thịt bò. Sau khi người Nhật đầu hàng vào năm 1945, toàn nước Nhật chỉ còn lại 16 con chó giống Akita. Đây là loại chó săn, mõm ngắn, tai vểnh, lông dày, sống ở miền bắc của Nhật, nơi gọi là xứ tuyết, rất khôn ngoan và trung thành. Vào những năm chiến tranh, thực phẩm khan hiếm, chính quyền và quân đội Nhật kêu gọi toàn dân bán chó, nộp chó, để phục vụ trong chiến tranh. Để thuyết phục người dân, tượng chó Hachiko bị hạ xuống và đem dấu đi. Bộ da chó được dùng làm lớp lót bên trong áo khoác của quân phục. Ai có chó mà không chia sẻ thịt với láng giềng bị xem là ích kỷ. Trong thời gian này chó thường bị ăn trộm hay bắt cóc.[3]

hóng chuyện
Hóng chuyện. Ảnh của bà Tám

Tin một người ăn trộm một con chó hai lần để đem bán cho người ta giết lấy thịt khiến dân cư mạng bàn tán và chia thành hai phái, một bên đòi giết tên trộm, bên kia kêu lên dù gì cũng không thể lấy mạng người để trả thù cho chó. Chó có quý hơn mạng người hay không? Chó không biết nói nên mình không biết câu trả lời của nó. Giữa loài người, dù bạn đứng ở phía nào, nếu là một người có lòng nhân, trả lời câu hỏi này thế nào cũng có chút áy náy xót xa. Dĩ nhiên, tôi không đồng tình với chuyện giết người đòi mạng nhưng trộm chó là một hành động sai lầm cần phải được xét xử bằng pháp luật. Sự giận dữ của đám đông đòi xử tử người trộm chó có thể là một cách biểu lộ là người dân không còn tin tưởng vào pháp luật của nhà cầm quyền đương nhiệm. Mức độ trừng phạt phải xứng đáng với tội phạm pháp nhưng như thế nào thì xứng đáng? Giá một con chó bằng một tháng lương, phạt tiền gấp đôi hay gấp ba cộng thêm phí tổn tòa án? Còn nỗi đau đớn của người bị mất con thú mình nuôi và yêu thương thì phải bồi thường bao nhiêu? Mấy thằng trộm ấy làm gì có tiền mà phạt! Nhà tù ở đâu có nhiều đủ để chứa và nuôi cơm mấy tên trộm chó chứ! Ngay cả ở Hoa Kỳ, tội hành hạ súc vật cũng khó được xử lý theo đúng luật pháp vì không đủ tiền và nhân lực. Xử chuyện người còn không xuể ai hơi sức đâu mà quan tâm đến chuyện chó!

đối diện
đối diện – Ảnh của bà Tám

Không phải chỉ có nước nghèo và người nghèo mới ăn thịt chó. Hàn quốc và Nhật bản là hai nước giàu mạnh về kỹ nghệ, và Nhật có truyền thống văn hóa lễ độ bậc nhất thế giới cũng tiêu thụ thịt chó. Người Mỹ không ăn thịt chó nhưng không có quyền áp đặt lên các quốc gia khác quyền tự do ăn uống. Người Việt ăn thịt chó không phải vì bắt chước người Hàn, người Nhật, hay người Trung. Cũng không phải vì người Tây phương không ăn, mình không ăn. Cái ý tưởng, nuôi chó như nuôi cừu dê heo bò lấy thịt và thịt chó ở Việt Nam sẽ là một trong những món ngon nhất thế giới, là một ý tưởng hay và có thể là một hình thức kinh doanh đắc lợi. Loài người từ bấy lâu nay vẫn quan niệm thú vật sinh ra là để phục vụ con người. Người ta giết gấu lấy lông làm áo khoác, lấy mật làm thuốc, lấy bàn tay làm món ăn quí; giết voi giết tê giác lấy ngà; giết trăn và cá sấu lấy da lấy thịt. Nuôi thú vật hay giết thú vật đều là một kỹ nghệ lớn, chẳng những nuôi sống mà có khi còn đưa loài người đến chỗ giàu có và đầy quyền lực. Ngay cả khi yêu thú vật người ta cũng vô tình hành hạ thú vật, như nhốt chim trong lồng, thiến chó thiến mèo để đoạn sản, thậm chí có người còn thuê bác sĩ thú y rút móng mèo để khỏi cào phá nệm ghế nệm giường. Thương yêu chó nhưng chán thì đem bỏ. Chó bị bỏ thì bị đem vào trại nuôi thú hoang, lâu ngày không người nhận cũng bị đem giết. Ngày xưa người ta xem chó là một cái máy không biết đau, nhưng ngày nay chúng ta thấy chó biết đau và biết buồn khi mất chủ. Chó vắng chủ không buồn ăn. Lâu không gặp, gặp lại vẫn nhận ra chủ. Chó vẫn muốn được sống hoang hơn là bị bắt vào trại nuôi chờ bị giết. Ở trại nuôi thú hoang, những con chó không đẹp không có cơ hội được có người nhận nuôi bị hóa kiếp sớm hơn những con chó đẹp khác. Người ta giết chó thay vì để cho chó sống hoang để tránh trường hợp chó bị bệnh điên và cắn người. Có nghĩa là, chung qui cũng chỉ vì lợi ích của loài người.

Cho chó uống nước - Ảnh của bà Tám.
Cho chó uống nước – Ảnh của bà Tám.

Sau khi ngâm cứu loạt bài về thịt chó này tôi cũng hiểu rõ tôi hơn. Nếu thật sự yêu thú vật thì người ta nên ăn chay. Tôi không ăn chay vì vẫn còn thích ăn thịt. Tôi chưa hề ăn thịt chó nên không biết thịt chó ngon như thế nào. Có được thử món chân lợn giả cầy nhưng không thấy hấp dẫn lắm. Không thể nào biết được, trước khi lâm chung tôi lại không gào thét đòi ăn một miếng thịt chó, giống như một nhân vật ni cô suốt đời ăn chay lại đòi húp một chút nước mắm trước khi qua đời. Với tôi, một chàng trai ôm con chó nhỏ trên tay, hay cúi người rót nước vào cái đĩa cầm trên tay cho chó uống, thấy đáng mến hơn là nhìn thấy những người mặt đỏ lựng hô hào hò hét “dzô, dzô” trước đĩa thịt chó và mắm tôm. Nếu tôi đi ngang một cửa hàng thịt chó, gia vị thơm lừng, và tôi đang đói meo thì có thể tôi sẽ cầm lòng không đậu. Bạn đọc đến đây sẽ cười bảo rằng tôi (một bà già rỗi hơi) là người ba phải, nhiều trang chữ chẳng đưa đến một kết luận nào, hay đứng hẳn về phía nào. Thế viết bài này để làm gì? Để thỏa mãn tính tò mò, để biết vì sao người ta ăn hay không ăn thịt chó. Biết để làm gì. Chẳng làm gì cả. Biết thôi, bộ chẳng đủ hay sao?

Bạn nỡ lòng nào ăn thịt những con chó đáng yêu như thế này!


[1] http://en.wikipedia.org/wiki/Dog_meat

[2] http://en.wikipedia.org/wiki/Animal_rights

[3] Sherrill, Martha, “Dog Man” – An Uncommon Life on a Farwaway Mountain, New York, The Penguin Press.

Để trả lời một câu hỏi – tại sao người Mỹ không ăn thịt chó?

Tại sao người Mỹ không ăn thịt chó?

Người Mỹ, không ăn thịt chó (và mèo) vì họ xem đó là một hành động dã man, và độc ác. Họ xem chó, mèo là bạn, là người thân trong gia đình. Ăn thịt chó (mèo), ở Mỹ và một số nước Tây phương, là một điều cấm kỵ (taboo), một thứ luật vô hình của xã hội mà ai cũng muốn tuân theo nếu không sẽ bị xã hội tẩy chay.

Mấy quyển sách tôi mang về từ thư viện[1] không trực tiếp trả lời cho tôi hai câu hỏi đơn giản, vì sao người Mỹ không ăn thịt chó và có luật cấm ăn thịt chó hay không. Đọc lướt qua những quyển này tôi có cảm tưởng tôi là một người muốn tìm cách giải một bài toán nhân lại gặp sách toán về phương trình vi phân hay đại số tuyến tính. Tìm trên mạng tôi thấy blog của luật sư Matt Pfau. Ông cho biết, có 44 tiểu bang người ta có thể làm thịt chó (một cách nhân đạo), ăn thịt chó, và mời cả láng giềng cùng nhậu. Tuy nhiên, có 6 tiểu bang cấm ăn thịt chó; đó là Virginia, New York, California, Georgia, Michigan và Hawaii. Cùng là ngăn cấm, nhưng cách cấm của mỗi tiểu bang mỗi khác. Virginia cấm giết thú vật nếu không cần thiết, ngoại trừ thú vật dùng trong nông nghiệp. Và chó không phải là thú nông nghiệp. New York bảo rằng giết hay chặt mổ chó (pet) để làm thực phẩm cho người hay súc vật là bất hợp pháp. California cấm giết pet. Georgia cấm bán chó (hay mèo) để ăn thịt. Michigan không thẳng thừng cấm ăn thịt chó nhưng bán thịt chó hay ngựa phải để nhãn hiệu cho minh bạch. Vi phạm sẽ bị tội (misdemeanor). Hawaii ra luật giết hay bán chó (và mèo) cho người ta tiêu thụ là bất hợp pháp. Luật này có hiệu lực cho đến năm 2100.[2]

Năm 1989, hai người gốc Cambodia sống ở miền nam của tiểu bang California bị bắt tội độc ác với thú vật. Họ làm thịt một con chó con loại German Shepherd. Tòa không kết tội hai người này, với lý do, giết chó cũng giống tương tự giết thịt thú vật nuôi trong ngành nông nghiệp. Hội bảo vệ thú vật ra sức vận động, sau đó, California ban hành luật cấm ăn thịt chó hay mèo.  Tiếp theo, luật được nới rộng ra, bao gồm tất cả các loại pet khác. Dân Mỹ có những hội thiếu nhi, thí dụ như hội 4-H, trong đó trẻ em tham gia nuôi thú nông nghiệp như bò, heo, dê, thỏ, v. v… . Đến mùa, các em đem gia súc đi thi lấy giải thưởng. Vì nuôi những con thú nông nghiệp này nhiều năm, các em xem những con thú này như là pet. Các nhà thi hành luật pháp phải làm ngơ khi những con thú, vừa là thú nông nghiệp vừa là pet, này bị đem bán và đưa vào lò sát sinh.[3]

Tuy chỉ có sáu tiểu bang Hoa Kỳ ra luật tương đối rõ ràng, cấm ăn thịt chó (và mèo), người Tây phương có luật bảo vệ súc vật từ xa xưa.

Năm 1822, Richard Martin, người Anh (1754 – 1834), đã vận động đưa ra luật Martin cấm đánh đập, hành hạ, bỏ đói, đối xử tệ với các loại thú dùng trong nông nghiệp như lừa, ngựa, trâu, bò, cừu… Người nào vi phạm sẽ bị phạt năm bảng Anh hoặc là 2 tháng tù.[4] Tuy nhiên luật này không mấy khi được thực hiện nghiêm túc.

Cũng trong năm 1822, New York ban hành luật cấm hành hạ súc vật, tuy nhiên không trừng phạt nặng.

Năm 1835 Cruety to Animal Act được ban hành, cấm đá gà, cá độ, đấu chó.

Năm 1850, Pháp ra luật Loi Grammont cấm đối xử độc ác với gia súc. Luật này gây tranh luật sôi nổi vì người Pháp thích xem đấu bò, do đó họ không biết bò đấu có bị ghép vào thành phần gia súc hay không.

Năm 1876, Anh quốc ban hành Cruelty to Animal Act 1876 cấm hành hạ độc ác, làm thú vật đau đớn, trong những cuộc thí nghiệm khoa học sau khi có một vụ mổ chó (vivisection) lúc còn đang sống để xem sinh hoạt của các bộ phận bên trong cơ thể mà không có thuốc gây mê.

Năm 1966, Tổng-thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson ban hành luật  liên bang Animal Welfare Act 1966 để quản lý tất cả các loại thú được dùng trong thí nghiệm khoa học. Và từ hơn trăm năm trước cho đến bây giờ rất nhiều đạo luật được ban hành để quản lý cuộc sống và làm giảm sự hành hạ của con người đặt lên thú vật.

Vào thế kỷ 17 ảnh hưởng bởi lý thuyết của nhà toán học kiêm triết gia René Descarte, thú vật được xem như những cái máy tự hoạt động, Nicholas Malebranche bảo rằng “Thú vật ăn không biết ngon, kêu la mà không đau, không biết là chúng đang lớn lên, không biết ao ước, chẳng biết sợ hãi, và không hiểu biết gì cả. “[Animals] eat without pleasure, cry without pain, grow without knowing it; they desire nothing, fear nothing, know nothing. — Nicolas Malebranche (1638–1715).[5]

Đến bây giờ, quan niệm của người Tây phương nói chung, và người Mỹ nói riêng, cách đối xử với pet (tôi xin được dùng chữ pet từ đây về sau, không dịch ra là thú nuôi trong nhà làm bạn được yêu mến như người trong gia đình), đã thay đổi rất nhiều, tạo một khoảng cách rất xa với cách đối xử với thú vật của người Việt Nam. Người Mỹ không còn xem thú vật là tài sản của con người nữa. Họ nâng thú vật, nhất là pet, lên địa vị gần với loài người hơn. Pet là bạn, là người đồng hành, người thân trong gia đình, thậm chí là người thừa hưởng của cải khổng lồ sau khi chủ nó qua đời. Để theo kịp cuộc sống và đối phó với sự phức tạp của đời sống con người, người Mỹ đặt ra luật xử sự quan hệ của loài người với thú vật (Animal Law). Khi hai vợ chồng ly dị nhau, ai sẽ là người được nuôi con chó. Cặp vợ chồng John Kennedy, Jr. khi chưa thành vợ chồng, có lúc hục hặc đòi bỏ nhau, báo chí bàn tán um sùm vì cả hai ai cũng dành nuôi con chó. Bà hoàng keo kiệt Hemsley khi chết để lại tài sản kếch sù cho con mèo. Còn lại 44 tiểu bang tuy không có luật rõ ràng là cấm ăn thịt chó nhưng các bạn nhậu chớ vội mừng. Họ có đủ thứ luật lệ về y tế, vệ sinh, thực phẩm để ngăn cấm người ta ăn thịt chó. Ai ăn thịt chó trong nhà, trong rừng, họ không biết thì thôi, chứ nếu họ biết được, và nhất là bạn không phải là người da trắng sinh ra lớn lên là công dân của đất nước này thì họ có đủ cách để làm bạn nhục nhã, tốn kém, khổ sở để bạn cảm thấy thà là không được ăn, dù là món ngon nhất trên đời, còn hơn phải qua cái quá trình xử tội bạn bằng luật pháp của nước này. Thí dụ như, muốn nấu thịt chó bạn phải giết chó, mà giết chó thì phạm vào tội hành hạ súc vật. Bạn có thể bị kết tội không giữ vệ sinh, gây bệnh cho mọi người, hoặc người ta chỉ nghi ngờ vết máu đó là máu người rồi điều tra tới lui thì bạn cũng chết dở, và còn biết bao nhiêu luật địa phương mà chính người địa phương cũng không biết đến.

Tạm ngưng ở đây, lần sau tôi sẽ kể các bạn một vài trường hợp đặc biệt liên quan đến chuyện ăn thịt chó.

[1] “Law 101 – Everthing You Need to Know About the American Legal System” của Jay M. Fienman, “Just A Dog – Understanding Animal Cruelty and Ourselves” của Arnold Arluke, và “The Animal Rights Debate – Abolition or Regulation?” của Gary L. Francione và Robert Garner.

[2] http://pickardparry.com/2015/02/is-it-legal-to-eat-dog/.

[3] Hopkins, Jerry, “Extreme Cuisine – The Weird & Wonderful Foods that People Eat”, Hong Kong, Periplus, 2004,  p. 19.

[4] http://en.wikipedia.org/wiki/Animal_rights.

[5] http://en.wikipedia.org/wiki/Animal_rights.

Thắc mắc chung quanh chuyện thịt chó

Hôm nọ tôi thắc mắc, tại sao người Việt ăn thịt chó. Có người nói vì nghèo. Nghĩ cũng có phần đúng. Người Việt đã trải qua nhiều thảm họa, trong đó có trận đói năm Ất Dậu, người chết đói rất nhiều. Khi thiếu thức ăn, đói trầm trọng thì ăn thịt chó thay thế thịt lợn thịt bò, người ta ăn bất cứ thứ gì có thể ăn được để sinh tồn. Tuy nhiên, tại sao sau khi hết nghèo đói người ta vẫn tiếp tục ăn thịt chó? Vì thịt chó ngon. Sau nhiều năm ăn thịt chó, người ta rút kinh nghiệm, biết chế biến nên món thịt chó ngon và đầy hương vị. Lâu dần, người ta ăn vì quen miệng. Sau đó người ta ăn, có thể, vì nhớ những kỷ niệm đi cùng với món thịt chó như tình bạn nhậu chung quanh bàn tiệc, hay những ân tình chia xẻ với nhau từ lúc hàn vi… Người ta cũng ăn thịt chó vì phong tục của xã hội Việt Nam chấp nhận, cho phép chuyện ăn cũng như mua bán thịt chó (và mèo nữa chứ.) Continue reading Thắc mắc chung quanh chuyện thịt chó

Để tự trả lời vài câu hỏi

Hôm nọ tôi có một số thắc mắc. Tại sao người Mỹ không ăn thịt chó? Có phải họ không ăn vì bị cấm không? Người Mỹ có luật cấm ăn thịt chó hay không? Chuyện không có gì là quan trọng nhưng đã thắc mắc thì tôi tự tìm câu trả lời.

Thường thường, hễ thấy nơi nào có bảng cấm thì biết là nơi ấy có sự vi phạm điều bị cấm. Thí dụ như đi hiking, đi rừng leo núi, trong rừng của địa phương (county park) hay của tiểu bang (state park) thấy có bảng cấm trượt băng trên một cái hồ cạn hay đầm lầy, tôi đoán là mùa đông người ta trượt băng ở đây, đã từng có tai nạn. Những bảng cấm như thế, là để bảo vệ người sử dụng rừng, và cũng để bảo vệ chính quyền. Nếu người ta vi phạm điều cấm, họ không thể kiện tụng chính quyền.

Có khi tôi thấy bảng cấm ngồi ăn trong xe, thường thì gặp bảng cấm này ở chung quanh tiệm fast food. Thấy vậy thì biết người ta có ngồi ăn trong xe.

Nhưng tôi chưa hề thấy bảng cấm bán thịt chó, hay cấm ăn thịt chó. Nghĩ cho cùng, khó mà cấm người Mỹ một điều gì nếu không chính đáng vì họ biết quyền tự do dân chủ dành cho mỗi cá nhân. Người ta bán thịt cừu, thịt bò, thịt heo, thịt gà vịt, cá, ngỗng, thỏ, gà tây, chim cút nhưng không ai bán thịt chó. Tại sao?

Đôi khi tôi tự hỏi người Mỹ có ăn thịt ngựa, thịt trâu không? Những người thích săn bắn chắc là ăn thịt nai. Mình không biết, nhưng thầm lén chắc thế nào cũng có người Mỹ ăn thịt chó. Người Mỹ sang Việt Nam có lẽ cũng có người ăn thịt chó. Chuyện gì cũng có thể xảy ra dưới ánh mặt trời, và kể cả khi không có ánh mặt trời. Ngay cả ăn thịt người thỉnh thoảng báo chí Mỹ cũng đăng, và tiểu thuyết Mỹ cũng có vài quyển nổi tiếng vì nhân vật ăn thịt người (thí dụ như the Silence of the Lambs). Thịt người mà còn có kẻ ăn thì nói gì thịt chó.

Có phải vì nước Mỹ giàu có, họ có nhiều thứ để ăn nên không ăn thịt chó? Họ không ăn vì chê chó bẩn hay là vì họ không đủ sành sỏi nhạy bén để khám phá cái ngon của thịt chó? Người theo đạo Hồi chê con heo bẩn không ăn. Người theo đạo Do Thái không ăn shellfish và một số loại cá. Phải chăng vì phong tục tập quán bắt nguồn từ xa xưa, và người ta sống theo thói quen nên không ăn chó? Chẳng những họ không ăn thịt chó mà họ còn yêu thương chó, mèo như những người bạn nhỏ.

Tôi đọc sơ sơ quyển Law 101 Everything You Need to Know about the American Legal System của Jay M. Feinman không thấy nói gì về luật lệ đối với thú vật, tuy nhiên Wikipedia có một trang nói về Animal Law. Animal Law xuất hiện hầu như cùng lúc với environmental law chỉ chừng ba mươi năm gần đây. Sau khi đọc trang này xong tôi tìm ở thư viện địa phương được hai quyển “The Animal Rights Debate – Abolition or Regulation?” của Gary L. Francione và Robert Garner; và “Just A Dog – Understanding animal cruelty and ourselves” của Arnold Arluke.

Tôi không chắc tôi sẽ tìm được câu trả lời cho những thắc mắc kỳ cục của tôi, tuy nhiên, đây là bước đầu để tìm hiểu về sự khác nhau trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam và Hoa Kỳ. Đặc biệt là món thịt chó.

Bận lòng

Hôm trước đọc trên blog của một bạn, thấy có một người đi ăn trộm chó. Con chó trốn thoát về nhà. Người ấy lại đến bắt trộm chó lần nữa. Lần này thì con chó bị giết làm thịt. Sau đó kết quả là người ăn trộm bị bắt bị đánh. Người ta đòi giết người ăn trộm chó.

Tôi đọc đâu như từ tuần trước, nhưng từ hôm ấy cứ thấy bận tâm. Đăng cái post tầm nhìn từ đầu gối có ảnh hai con chó cũng vì cái bận tâm chuyện con chó đã trốn thoát một lần rồi vẫn bị rơi vào cái chết. Tôi có nhiều câu hỏi nhưng câu trả lời nào cũng dẫn tôi đến chỗ bế tắc. Tôi nhìn thấy sự bất lực của tôi.

Tại sao người Việt ăn thịt chó? Tại sao người Mỹ không ăn thịt chó? Người Mỹ không ăn thịt chó vì xã hội Mỹ không cho phép ăn thịt chó? Có luật nào ở Mỹ cấm ăn thịt chó không? Tôi biết chắc chắn là ở Mỹ, nếu người ta biết được có người giết chó, ăn thịt chó, thậm chí ngược đãi, đánh đập, bỏ đói, để chó bị bẩn sẽ bị rắc rối ngay. Rắc rối cỡ nào, ai sẽ trừng phạt những người này, và mức độ trừng phạt đến cỡ nào thì tôi không biết. Thử dùng Google để tìm hiểu, tôi biết có 44 tiểu bang không cấm ăn thịt chó nhưng tôi không biết tiểu bang nào. Chỉ thấy nói là tiểu bang New York cấm ăn thịt chó. Sống ở Mỹ lâu năm, tôi nghĩ tôi chỉ biết luật giao thông rành hơn các luật khác. Biết rành hơn những thứ luật khác ở đây không có nghĩa là tôi biết hết, biết tường tận. Chỉ biết luật giao thông giới hạn trong việc sử dụng xe thường ngày.

Lúc mới qua Mỹ, đọc báo thấy có người (Mỹ) tức giận mấy con sóc (squirrel) phá hoại cây cối trong vườn đã đặt bẫy sóc. Có người nhìn thấy báo cảnh sát. Thế là người ấy bị kêu ra cảnh sát, ra tòa. Hội bảo vệ thú vật biểu tình trước nhà ông ta, làm xấu hổ. Thấy vậy mình biết là mình không được làm hại cả những con thú hoang chứ đừng nói là chó mà lại là chó của người ta nuôi. Ở Mỹ có chó hoang không? Có chứ. Có người nuôi chó một thời gian, chán ghét, hay vì hoàn cảnh nào đó, mang chó đem bỏ ngoài đường cao tốc. Con chó khôn ngoan ngỡ ngàng bị chủ bỏ rơi, chạy theo xe. Người ta quay được phim đăng lên mạng. Không biết có ai bắt phạt người chủ này hay không nhưng người xem thấy tội nghiệp con chó. Hôm nọ có người dẫn chó đi rừng, thả dây xích, con chó lồng lên chạy như điên, biến mất. Chủ ngơ ngác đi tìm mặt buồn hiu. Nếu tìm không được con chó này sẽ biến thành chó hoang. Có người sẽ gọi báo cảnh sát. Người ta sẽ bắt chó đem đến một chỗ giữ thú hoang. Nếu không người nhận, không người nuôi, rồi thì con chó sẽ bị giết chết (một cách yên thấm chứ không tàn bạo hay ăn thịt.)

Tôi còn nhiều thắc mắc về chuyện ăn thịt chó, nhưng bây giờ phải đi làm. Tôi đã mượn một quyển về luật căn bản người dân nên biết, nhưng không biết có nói gì về súc vật không. Cuối tuần mang sách về mới biết được.

Có mèo

Tôi nhận được lời rủ rê viết về văn chương blog. Rải rác đó đây tôi đọc được nhiều truyện ngắn, biên khảo, thơ trên các blog bạn. Có nhiều bài hay đáng nhớ, đáng chú ý nhưng có thật sự đó là văn chương không còn phải đợi thời gian trả lời. Riêng trên blog tôi thì thật tình không dám nhận là blog văn chương.

Văn chương gì, khi nhà văn lão thành ĐĐT viết về con chó của ông. Và tôi, không là nhà văn nhưng cũng sắp lão thành, (sắp thôi, ngu gì tự nhận là mình già) thì ngày này qua ngày nọ viết về con mèo của tôi.

Thỉnh thoảng, nhìn Nora tôi tự hỏi vì sao mình nuôi nó. Vì con tôi muốn nuôi mèo và tôi chìu ý con tôi? Hay vì tôi phải lòng yêu Nora khi cho nó tạm trú một thời gian trong nhà tôi? Hay vì một lý do nào khác mà tôi không dám nhìn thẳng vào tâm hồn mình, và càng không dám nói ra?

Bạn có thường tự hỏi vì sao bạn thích cái này mà không thích cái kia, mến người này ghét người kia, thấy quyển sách này hay và quyển sách kia dở, người này đẹp và người kia xấu? Bạn dựa vào đâu, dựa vào cái gì để làm tiêu chuẩn cho quan điểm mỹ thuật? Bạn học yêu ghét, đúng sai, đẹp xấu, hay dở từ lúc nào? Từ đâu? Từ ai?

Tôi thường tự hỏi tôi như thế. Tôi tự hỏi là tôi bị tiêm nhiễm từ chung quanh, hay tôi rút những quan điểm này từ trong chính tôi. Lẩm cẩm nhỉ. Biết thế nhưng vẫn không tránh được những ý nghĩ thoáng qua trong đầu có khi không đúng lúc và không đúng chỗ.

Khi Ách Cơ mang Nora về lần đầu, tôi cương quyết không được nuôi. Lúc ấy cô nàng đang học năm cuối Trung học. Ách Cơ gửi con mèo ở nhà bạn. Nhà người bạn cũng nuôi nhiều mèo nên gửi thêm một con chẳng quan hệ gì. Vào đại học, cô nàng thường về nhà, ghé nhà bạn thăm mèo.

Mùa hè khi Cá Linh học lớp 11, Ách Cơ mang Nora về chơi và Cá Linh xin được nuôi Nora. Cô nàng hứa sẽ chăm sóc giữ vệ sinh không làm phiền tôi. Tôi ngần ngừ nhưng cuối cùng tôi nhân nhượng vì chìu con. Có thật tôi chìu Cá Linh không phải vì cái mặc cảm tội lỗi của tôi.

Ngày tôi còn nhỏ nhà tôi có nuôi một con mèo con. Trước nhà tôi có rãnh nước, cạn thôi, nhưng đủ nguy hiểm cho mèo con. Con mèo té xuống rãnh nước. Má tôi vớt nó lên, nó ướt nhẹp. Má tôi quấn nó lại ủ cho ấm, nhưng nó run bần bật và thỉnh thoảng lên cơn kinh phong. Hôm sau thì chết. Má tôi bảo mèo bị ướt, nước vào lỗ tai là chết. Cái chết của con mèo để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Tôi không muốn nghĩ đến, không muốn công nhận là tôi có lỗi trong cái chết của con mèo. Mấy chục năm sau tôi vẫn còn nhớ cái bộ lông ướt và cái xác nhỏ bé của con mèo.

Khoảng thập niên tám mươi, tôi ở Philadelphia, thành phố lớn của tiểu bang Pennsylvania. Buổi chiều đi học về tôi thường thấy một con mèo con màu trắng, lởn vởn gần chân cầu thang, không hiểu tại sao chủ không cho vào phòng. Nó đói và gầy lắm, đòi ăn khóc um sùm. Tôi lấy sữa cho nó uống. Để ý thấy đôi mắt nó có hai màu khác nhau, một bên xanh, một bên vàng (hay nâu, đen, tôi không còn nhớ rõ).  Cho con mèo uống sữa lần thứ hai thì gặp chủ của nó là một anh Mỹ trắng. Hỏi tại sao ông không cho con mèo vào nhà. Hắn nói con mèo này là của người yêu của hắn, đi chơi xa đem gửi. Hỏi tại sao không cho vào nhà hắn nói không thích mèo. Tại vì người yêu gửi nên không tiện từ chối. Hắn hỏi tôi có thích mèo không, tôi nói không nhưng thấy con mèo con đói tội nghiệp. Tôi nhớ đến con mèo con té xuống rãnh, ướt nhẹp ngày xưa. Vài hôm sau hắn mang con mèo đến phòng tôi đưa cho thằng cháu kêu tôi bằng dì cũng đang đi học đại học. Hai dì cháu chia nhau căn chung cư có hai phòng ngủ. Hắn nói dối là tôi xin con mèo. Hắn nói hắn và người yêu của hắn chia tay, bỏ nhau, không ai muốn nuôi con mèo. Nếu mi không nhận tao đem bỏ vào “pound” (chỗ nhận mèo chó bỏ hoang, nếu không ai nuôi họ sẽ giết chúng). Cháu tôi nhận con mèo. Không lâu sau đó ông Tám nhận được việc làm ở New Jersey, tôi theo tiếng gọi trái tim, để con mèo lại vì chung cư ở New Jersey người ta không chấp nhận cho nuôi mèo. Tôi tự biện hộ là tôi không phải là người nhận con mèo vì thế tôi không có trách nhiệm. Con mèo con ấy cuối cùng rồi cũng vào “pound.” Thế là trong phần tội lỗi của tôi lại có thêm một cái chết của mèo.

Thỉnh thoảng những cái chết của mèo này trở lại trong trí nhớ của tôi. Có cái gì đó làm tôi thấy không yên ổn. Nhẹ nhàng nhưng khuấy động.

Có lần tôi đi bộ, nghe tiếng mèo con kêu dưới ống cống. Che ống cống là một cái vỉ sắt rất dày, rất nặng. Vỉ sắt có kẽ hở rộng nên con mèo con bị rơi xuống đó. Tôi không biết làm sao cứu con mèo. Tần ngần mãi rồi bỏ đi. Tôi làm được gì? Gọi 911 cứu mèo ư? Nếu người ta không chê tôi ngớ ngẩn, đến cứu con mèo, rồi bảo tôi phải nuôi mèo thì tôi làm sao? Tôi không muốn nuôi mèo. Vài hôm sau đi ngang chỗ cống ấy ngửi thấy mùi thối. Thêm một cái chết của mèo cộng vào ký ức của tôi. Dù thật ra không phải lỗi của tôi nhưng tôi đã không cố gắng làm một việc thiện. Không làm được việc thiện có là cái ác của mình không?

Khi Cá Linh xin nuôi mèo thì cả ba cái chết của mèo trong quá khứ của tôi trở về. Có lẽ tôi đồng ý để Cá Linh nuôi Nora vì tôi muốn chuộc tội của tôi. Cá Linh vào đại học để Nora lại nhà, tôi nuôi, chăm sóc, quét dọn phân. Mãi rồi Nora trở thành một người bạn nhỏ của tôi. Khi muốn đi chơi, tôi bảo Cá Linh về nhà chăm Nora. Tôi không muốn cho Nora vào chuồng mang đem gửi. Tôi sợ rủi có gì bất trắc Nora xổng chuồng chạy trên đường rồi biến mất. Tôi sợ không biết trả lời thế nào với con tôi. Tôi sợ phải nhìn thấy cái đau buồn của con tôi. Tôi sợ phải nhìn vào quá khứ đã có ba con mèo chết. Tôi sợ phải nghĩ đến làm sao Nora có thể sống còn trên đường phố như những con mèo hoang khác.

Tôi nghĩ mọi quyết định yêu ghét, khen chê, tốt xấu của mình có nhiều yếu tố sâu xa bắt nguồn từ quá khứ, tác động từ bên ngoài và nhiều khi từ bên trong. Chẳng quan trọng với người ngoài nhưng quan trọng với mình. Tưởng là vì người nhưng thật ra là vì mình.

Tôi có nhảm lắm không?

Chuyện Nghe Lóm

Cá Linh, con gái út, tính tình ôn hòa (giống bố) và hợp chuyện với tôi hơn Ách Cơ, cô lớn.  Những khi tôi lái xe đưa cô đi đến nhà bạn hay đến trường chúng tôi nói đủ thứ chuyện, đa số là chuyện phim ảnh và văn học.

Sở thích đọc của hai mẹ con khác nhau nhưng chúng tôi thường trao đổi ý kiến và tôi nghe nhiều hơn nói. Thỉnh thoảng cô kể chuyện bạn bè của cô nhiều chuyện rất tức cười. Tôi nhiều lần cố tìm cách ghi lại vì thấy câu chuyện khá khôi hài, thú vị nhưng viết xong rồi lại bỏ vì tôi không biểu lộ được sự khôi hài. Có lẽ tính tôi nghiêm nghị quá.  Hôm nay tôi lại cố gắng một lần nữa và sẽ không xóa. Chuyện này tôi nghe Cá Linh kể lại và Cá Linh cũng nghe kể do đó không biết chuyện có thật hay không, và nếu có thật thì thật đến mức độ nào.

Cá Linh có một cô bạn tên Alice. Alice học rất giỏi đã được nhận vào trường đại học Cornell. Cô cũng thích phiêu lưu. Mùa hè này cô đi Trung quốc và có đến Việt Nam. Cô cố tìm thịt chó để ăn nhưng không biết chỗ và hỏi ai người ta cũng không chỉ.  Alice đi nhiều nơi. Năm 16 tuổi cô giả mạo chữ ký của bố để đi Phi châu (Ghana) với một tổ chức giúp trẻ em của những người bị nhiễm HIV. Câu chuyện này là một trong những câu chuyện nho nhỏ xảy ra trong chuyến đi Ghana của Alice.

Alice được đưa đến lều nơi cô sẽ tạm trú hai hoặc ba ngày.  Ngày đầu tiên cô được đưa đi thăm safari.  Chiều tối cô được đưa về trại. Trại ở một nơi hoang vắng, có rào và có người canh gác bảo vệ. Mỗi lều có hai người. Alice được ở chung với một bạn gái tên là Sunny.  Buổi chiều khi về đến lều, Alice nhìn thấy một con nhện rất to rằn ri và có màu, con nhện to bằng bàn tay của Alice. Alice là một cô gái gốc Đại Hàn, cao lớn, vóc dáng khỏe mạnh. Cô cao ít ra cũng một mét bảy do đó bàn tay của cô cũng không nhỏ nhắn gì. Con nhện gườm gườm nhìn Alice rồi thong thả bò đi. Alice sợ quá không dám vén cửa lều để vào. Alice gọi Sunny nhờ Sunny kéo zipper mở cửa lều chứ Alice không dám mó tay vào. Sunny thấy cô này khá quái đản nhưng cũng chìu bạn. Alice ngó chung quanh bên trong lều rồi phóng người lộn nhào vào như thể không muốn bước chân lên mặt đất. Sau này Alice giải thích cô làm thế với hy vọng nếu con nhện nằm đâu đó dưới lớp trải trong lều, cô hy vọng trọng lượng của cô kết hợp với tốc độ cái lộn nhào để phóng vào lều của cô sẽ nghiền nát con nhện mà cô không phải nhìn thấy nó.

Hôm sau cả hai dậy sớm và được đưa đi làm việc. Buổi tối về Alice vẫn sợ nhưng miễn cưỡng vào lều. Cô tin chắc là con nhện vẫn còn lẫn tránh đâu đó chung quanh lều chờ đợi cô. Con nhện biết cô sợ nên sẽ tấn công cô.  Đêm trước cô mắc tiểu nhưng nhịn không đi nhà xí. Với Alice đây là một sự chiến đấu âm thầm giữa cô và con nhện. “Nếu tao đi tiểu mày sẽ có cơ hội tấn công tao. Tao cứ nằm lì ở đây mày sẽ không có cơ hội.” Cô thắng con nhện đêm trước bằng cách cầm cự cơn mắc tiểu. Đêm thứ hai cô không nhịn đi nhà xí được vì hôm ấy cô ăn nhiều và thức ăn không hợp với bộ tiêu hóa lẫn bộ bài tiết.  Cô cố gắng nhịn đã lâu cuối cùng phải đánh thức Sunny.

– Sunny! Sunny!

Sunny ngủ say sưa sau một ngày làm việc mệt nhọc ở nhà thương. Alice lay mãi Sunny giật mình chới với.

– Gì thế, cháy nhà hả?

Buổi chiều cả trại được nhắc nhở không nên dùng lửa sợ cháy lều.

– Không phải. Tớ mắc đi cầu. Cậu phải đưa tớ đi.

– Hả, đừng có nói nhăng. Cậu đi một mình. Tớ buồn ngủ lắm.

Nhà cầu đâu có xa xôi gì. Đó là một thứ johnny ở sát cạnh lều của hai cô. Đây là một căn lều có cửa bằng loại dây kéo zipper. Một loại cầu tiêu tạm dã chiến dùng hóa chất và có nước rửa tay.

– Tớ sợ lắm. Con nhện nó biết tớ nó đang chờ ngoài kia. Nhưng tớ mắc đi lắm. Cậu không đưa tớ đi tớ phải ị ra quần mất thôi.

– Thôi thì đi.

Sunny miễn cưỡng trả lời vì nếu Alice bĩnh ra quần thì càng khổ thêm. Cái lều quá nhỏ mà thối hoăng thì chịu sao thấu.

– Cậu lấy đèn bấm đi. Sunny bảo bạn.

– Tớ không có đèn bấm. Alice trả lời.

Sunny lấy đèn bấm soi đường cho Alice. Đến nhà xí, Alice không chịu tự soi đèn. Cầu rất dơ hôi hám nhưng Sunny phải mở cửa lều, soi đèn cho bạn.

– Đừng nhìn tớ cậu cầm đèn nhưng quay mặt ra ngoài.

Lặng thinh trong cơn bực bội và buồn ngủ, Sunny chìu bạn. Alice hai tay túm chặt lưng quần Sunny gần như dúi mặt vào mông bạn, lải nhải vì sợ hãi.

– Ôi tớ sợ quá. Con nhện nó ở gần đâu đây. Nó biết tớ mà. Nó biết tớ mà.

Alice chợt nhận ra nhà xí không có giấy vệ sinh. Bây giờ Sunny phải trở về lều để lấy giấy. Mà Alice thì mồm cứ bài hãi không cho Sunny đi. Dùng dằng mãi cuối cùng Alice mới chịu ngồi đó với cây đèn bấm và Sunny đi về lều lấy giấy vệ sinh.

Sáng hôm sau, Sunny trách nhẹ nhàng. Sao bạn hành động có vẻ vô lý như thế. Alice bảo rằng:  Trên đời tớ có ba cái sợ, sợ đến có thể chết được. Sợ nhện, sợ thất bại, và sợ cái núm vú giả (pacifier).