Vài tấm ảnh ở trường đại học Johns Hopkins

Vòng tròn cắt thành tám miếng

Eight-part Circle (Granite, 1976/1987) Tác giả: Michael Heizer (American, 1944)

Sheila's song

Sheila's song phía sau

Sheila’s Song (1982, Steel). Tác giả: Anthony Caro (English, 1924)

một hành lang ở Johns Hopkins

Một trưa hè, đưa cô con út đi làm ở đại học Johns Hopkins, đi ngang một hành lang sáng sủa, trần nhà là cái vòm hình cung đẹp mắt. Trường có một vườn mỹ thuật triển lãm các hình tượng điêu khắc rất đẹp. Có một kiến trúc bằng thép gọi là Sheila’s Song, bài hát của Sheila, mình nhìn thì đoán là một loại dụng cụ để trình diễn nhạc nhưng chẳng giống kèn hay đàn. Mới nhìn lại tưởng là cái áo ngực.

Hôm nay là ngày nóng nhất của mùa hè. Tưởng đã sang mùa thu nhưng lại nóng khủng khiếp. Nhiệt độ ngoài trời 98 độ F, như thế là tương đương với thân nhiệt của loài người. Về nhà thấy trong nhà 88 độ F, mở quạt, máy lạnh chạy một hồi bây giờ là 85 độ. Ngoài trời vẫn còn 88 độ.

Lười không muốn viết

Lười quá, không muốn làm gì cả. Tôi xin nghỉ một ngày, ở nhà ngủ và xem phim. Xem hai phim Harry Potter, The Prisoner of Azkaban và The Goblet of Fire. Cả hai phim đều hay. Tôi ngạc nhiên thấy có nhiều tài tử nổi tiếng như Robert Pattinson, Emma Thompson và Ralph Fiennes. Xem phim Daisy The Hen Who Dreamed She Could Fly, Fallen Women bộ phim bốn tập của đạo diễn Kenji Mizoguchi, và phim Masquerade – The King of Façade. Phim Daisy tranh đẹp, nội dung không hấp dẫn lắm, nếu xem bằng quan điểm nữ quyền thì có nhiều điều đáng chê. Bộ phim Fallen Women đặc biệt lắm, không thể nói chỉ với một vài câu. Cả bốn phim đều nói về đời sống phụ nữ Nhật Bản, hai cuốn phim nói về thời điểm trước chiến tranh và hai cuốn sau thế chiến thứ hai. Một điểm thú vị là hai phim sau chiến tranh có nhạc jazz trong những buổi khiêu vũ ở quán rượu và nhạc jazz được nghe văng vẳng trong phim. Phim Masquerade rất hay, xem xong tôi muốn xem lại. Cốt truyện giống truyện cổ tích The Prince and the Pauper sau này được Mark Twain viết lại. Một anh kép hát được thuê giả dạng đương kim hoàng đế vì ông hoàng đang lo sợ bị người ta giết . Anh kép hát có lòng nhân từ yêu thương những người phục vụ và quyết định việc triều chính khôn ngoan đứng đắn nên được mọi người yêu mến. Anh kép hát nhập vai hoàng đế trọn vẹn nên có lúc bị đương đầu với câu hỏi, để hoàn thành nhiệm vụ hoàng đế cho trọn vẹn và tốt đẹp anh có nên chiếm lấy ngôi vua không. Phim rất đẹp, không thua gì cái đẹp trong phim của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.

Lười viết nên có mấy tấm hình đăng bạn xem cho vui.

Vàng mấy khoảng cho mặt trời tới đậu

Không phải suối
Không phải sông
Mà ướt đầm mái tóc
Không phải rực vàng
Một màu hoa cúc
Mà đơn sơ áo ướt một đôi vùng
Em tắm biển về biển ướt ở sau lưng
Vàng mấy khoảng cho mặt trời tới đậu
Em đạp xe về
Dáng hiền thục quá
Đơn giản vậy mà sao lòng anh lạ
Nghiêng theo em như thể đóa hoa quỳ
Ôi màu vàng đâu thể dễ phai đi
Màu vàng không phai
Mặt trời vẫn ướt
Nên phương em lẽo đẽo một phương quỳ

Bài thơ “Một Phương Quỳ” của tác giả Từ Thế Mộng.
Nguồn: http://www.gio-o.com/thotinhnam1975.html
Ảnh của Nguyễn thị Hải Hà
Chụp ở Duke Farms, dạo vườn ngày 08-23-2015 với người bạn đồng nghiệp cũ Donna Bodden.

Summertime

Đặt tựa đề của bài này summertime tôi nhớ đến bài hát mà Ella Fitzgerald và Louis Amstrong hát chung. “Summertime, and the livin’ is easy. Fish are jumpin’ and the cotton is high. Oh, your daddy’s rich and your ma is good-lookin’. So hush little baby, Don’t you cry.” Bài hát này của tác giả George Gershwin viết cho vở nhạc kịch Porgy and Bess. Giọng hát của Ella Fitzgerald trong trẻo ngọt ngào và giọng của Louis Amstrong khản đặc nhừa nhựa, hai giọng ca nổi tiếng của nền nhạc jazz. Dịch đơn sơ nghĩa của bài hát là “Mùa hè, cuộc sống dễ chịu. Cá tung mình ra khỏi mặt nước, và những cây bông gòn mọc rất cao. Ồ, bố của cháu giàu có và mẹ cháu xinh đẹp. Nín đi nào bé thơ ơi. Đừng khóc nhé!” Bài hát nói về đời sống của những người da đen làm việc trong đồn điền. Một ngày mùa hè, họ ca ngợi cuộc sống của họ với những thứ thật đơn giản mà họ có.

Mùa hè, có những ngày tôi chẳng muốn làm gì ngoại trừ làm biếng. Tôi thèm được nằm trên bãi cỏ dưới bóng râm nhìn trời nhìn mây, nghe nhạc, hay nghe những ca khúc ngân nga trong đầu.

Tấm ảnh đầu tiên chụp trong ngày cuối cùng của buổi nhạc jazz in the garden. Tôi chụp khoảng không gian trên đầu, nhìn mây trắng vẩn vơ bay mà ngẫm nghĩ đến sự vô thường (và vô tình) của cuộc đời. Ngàn năm mây trắng lửng lơ bay như câu thơ bạch vân thiên tải không du du.

Tấm ảnh thứ hai cái hoa đỏ chụp ở vườn kiến trúc của viện bảo tàng Baltimore. Cái hoa cùng giòng họ với hoa dâm bụt (hibiscus), hay gọi cho văn chương hơn thì là hoa phù dung. Điểm đặc biệt là hoa này rất to, bằng cái đĩa bàn, đường kính của hoa cỡ hai bàn tay ghép lại từ hai ngón tay cái. Hoa này tôi thường thấy bán ở những trại hoa miền Nam New Jersey, ít thấy ở miền trung New Jersey, nơi tôi đang ở. Tên thường gọi của loại hoa to này là Moy Grande Rose Mallow.

Ảnh thứ ba và thứ tư, nếu đặt mình ở vị trí người bên trong, tôi có cảm giác những vầng mây đang bị nhốt tìm cách bay ra khỏi tòa nhà, nếu là người đứng bên ngoài, tôi cho là mây đang soi dáng mình trên những bức tường gương.

Ảnh thứ năm người ta dán giấy hoa loại rẻ tiền trên khung cửa kính. Nhìn xuyên qua những kẻ hở của các mảnh giấy khung cảnh bên ngoài giống như một bức tranh lập thể.

Ảnh thứ sáu, hoa và lá trồng trên tường, nhìn xa giống như một bức tranh một người ôm cái trống có đôi chân thật vạm vỡ.

Ảnh thứ bảy, một chàng trai đi qua khỏi tôi. Cả hai người đều không chú ý đến người chung quanh suýt nữa va vào nhau. Chàng trai đeo headphone, tay ôm guitar vừa đi vừa hát, còn tôi thì mãi suy nghĩ cái gì đó chẳng nhớ.

Ảnh cuối cùng, tôi ngồi nhìn trời mùa hè, nhìn chùm lá xanh đong đưa, không muốn quay về chỗ làm. Chỉ muốn ngủ một giấc.