Trên đường đi từ bên hướng Tây của công viên sang hướng Đông tôi đi ngang ngôi nhà Scottish cottage này. Tôi rất yêu thích dáng của những ngôi nhà đá như thế này và luống Uất Kim Hương nở rộ màu sắc rực rỡ càng hấp dẫn tôi hơn. Ngạc nhiên khi thấy một ngôi nhà đẹp như thế này được biến thành một nhà vệ sinh công cộng.
Buổi sáng, trời ấm áp và đẹp, người ta đẩy xe đưa em bé ra bờ hồ ngồi sưởi nắng ngắm hồ. Đây chỉ là một cái hồ nhỏ trong góc Tây của công viên. Tôi sẽ thám hiểm dần dần và nói về cái công viên này trong những bài kế tiếp. Dọc theo bờ Tây của hồ rất nhiều đôi tình nhân, đa số là những vị có tuổi họ đi bộ cho khỏe người. Bởi vì tôi đi ngày thứ Sáu nên đa số chỉ có những người không còn làm việc hay những bà mẹ ở nhà chăm con.
Đây có lẽ là một nhân viên của công viên, chèo thuyền đi quan sát nhặt nhạnh những thứ không nên có ở dưới hồ. Không có khiếu chụp ảnh, cũng không mang theo paranoma lense nên tôi chỉ làm được bằng ấy thôi tuy nhiên đây là một cảnh tượng rất đẹp mắt, chung quanh có những con vịt trời và ibis lượn lờ.
Tôi không biết buổi sáng như thế này (giờ của tôi New Jersey) bạn thường làm gì? Còn tôi thì từ khi thức giấc đến giờ tôi uống chưa xong ly cà phê nó đã nguội ngắt đắng ngòm, chạy từ báo mạng này sang báo mạng khác, đọc lam nham lỡ nhỡ. Có những bài hay nhưng dài đọc lướt qua, tự hứa sẽ đọc lại.
Tôi muốn kể bạn nghe chuyến đi thăm viện bảo tàng Metropolitan Museum of Art của tôi ngày hôm qua nhưng sợ làm bạn chán. Nói đúng ra tôi chỉ đi săn ảnh của mấy món đồ gốm cổ ở Hội An chứ cái viện bảo tàng này nó to lắm xem không hết. Với tôi chuyến đi này lạ vì tôi đi một mình, đó là một cuộc cách mạng cá nhân đấy nhé. Tôi mang giày sneaker, không trang điểm son phấn. Buổi sáng trời hơi lạnh mặc nhiều áo quá nên suốt buổi phải khệ nệ khuân cái áo khoác jean dày cộm nặng trĩu. Cái áo chừng một kí lô, cái máy ảnh, quyển sách Sea Dragons nói về cuộc khai quật đồ gốm dưới đáy biển gần cù lao Chàm, đem theo để đọc trong lúc chờ xe lửa hay subway, chỉ ngần ấy thứ mà sao nó nặng trĩu. Nhớ lại cái truyện ngắn của Tim O’Brien người lính ra trận phải mang biết bao thứ nặng nề đi trong cái nóng nung người.
Hôm qua trời rất đẹp, ấm áp, người ta cởi trần chạy dọc theo bờ hồ của cái hồ trong Central Park. Tôi bị cảm sổ mũi, ho, nhưng vẫn đi. Và dĩ nhiên là tôi thấy mệt. Tôi mệt mỏi như thế này đã năm sáu năm nay, hậu quả của ngồi lì ở bàn viết ít vận động.
Tôi lấy xe lửa từ trạm nhà tôi vào Penn Station ở Newark, New Jersey. Lấy một chuyến xe lửa nữa vào trạm Penn Station ở New York City. Hai chuyến xe lửa này tôi đi không phải trả tiền vì tôi là nhân viên. Ban đầu tôi dự định đi xe bus nhưng đổi ý đi xe điện ngầm vì nhanh hơn và dễ đi hơn. Vì mới đi lần đầu một mình bằng phương tiện chuyên chở công cộng tôi không biết nó sẽ ra sao nhưng tự nhủ mình sống ở xứ này đã mấy chục năm thì chuyện tìm lối đi không phải là nan giải.
Chuyến xe điện ngầm tốn 2 đồng 25 xu. Tôi chỉ hơi lớ ngớ là không biết đi uptown hay downtown tuy biết là mình phải đi chuyến xe điện ngầm C. Tôi hỏi người trực ở cái information booth, một cô Mỹ đen môi dày mồm vẩu, vừa xấu vừa hung dữ. Cô nói như nạt làm tôi nghĩ đến mấy bà mậu dịch quốc doanh ngày xưa. Cùng một tuyến đường có xe điện C và E, tôi hỏi một người đi xe điện họ bảo là phải để ý đừng lên xe E. Tôi biết trạm tôi muốn xuống nhưng trước khi tôi lên xe tôi vẫn hỏi hành khách có đúng tuyến C không. Vẻ lớ ngớ của tôi làm hai cậu bé tội nghiệp nên một cậu cố giải thích nhưng cậu nói lầm bầm vô nghĩa làm tôi có cảm tưởng cậu là một người không bình thường. Một cậu bé khác trạc hai mươi lăm giải thích cặn kẽ hơn. Tôi là người đi xe lửa lâu năm nên tôi có thể đọc bản đồ trên xe lửa. Tuy nhiên tôi cũng cám ơn cậu đã nhẩm đếm bao nhiêu trạm thì sẽ đến trạm tôi muốn xuống. Trước đó cậu hỏi tôi muốn đi đâu. Cảm tưởng, người New York rất friendly (thân thiện, dễ dãi) ngoại trừ cái cô Mỹ đen môi dày răng vẫu, có thể cô là người New Jersey. Dân New York, nhất là giới điện ảnh tivi, hễ có cái gì xấu đều đổ thừa của New Jersey.
Tôi xuống trạm đường 81 ở phía Tây của Central Park. Met (viện bảo tàng) ở bên hướng Đông. Để đến đó tôi phải cắt ngang Central Park và đi bộ chừng nửa mile. Một giờ tôi đi được ba mile. Thế thì nửa mile chỉ tốn mười phút thôi. Tuy nhiên tôi đi đã hơn 20 phút mà không thấy gì cả nên tôi biết là đã lạc hướng. Tôi hỏi một người đang dắt chó thì bà chỉ hướng tôi đi ngược lại. Tôi đi quá chỗ phải rẽ mà không nhận biết vì không có tên đường và tôi ỷ y đã không mang theo bản đồ của Central Park. Tôi đi bộ một lúc với bà dắt chó, bà bảo tôi tuy là viện bảo tàng này bắt người ta phải trả 20 đô là vào cửa, tuy nhiên đây là viện bảo tàng công cộng. Người ta có thể donate nhiều ít tùy ý. Người em trai của bà chỉ trả có hai mươi lăm xu thôi. Bà bảo tôi trả chừng năm đô la hay mười đô la là hợp lý rồi. Bà còn nói thêm nếu bà (là tôi) có nhiều tiền muốn đưa hai chục đô thì cũng tốt thôi. Tôi hỏi mình nói làm sao, nhỡ người ta từ chối đuổi mình ra thì bẽ mặt. Bà bảo cái trick là cứ đưa đúng số tiền mình muốn đưa. Và tôi làm đúng y như lời bà chỉ. Tôi cám ơn cái “tip” của
bà nhưng cũng hồi họp lắm. Hai người đứng trước mặt tôi là hai người ngoại quốc nói tiếng Anh có accent. Họ chỉ đưa hai đô la. Tôi chìa tờ năm đô la với vẻ mặt lạnh lùng vô cảm, không nói không rằng, không hỏi giá. Cô gái lặng lẽ thu tiền không hạch hỏi gì cả và phát cho tôi một cái pin gắn vào áo để biết là đã trả tiền.
Con đường đi xuyên Central Park rất đẹp. Và tôi hy vọng sẽ trở lại đây thường xuyên hơn để viếng công viên này và viết một blog hay một bài tạp ghi chỉ về công viên này thôi.
Ra khỏi Central Park là đến ngay Park Avenue, khúc đường 79. Nhộn nhịp rộn ràng, một vẻ đẹp rất New York, một trong những thành phố có mật độ dân số đông nhất thế giới. Dọc đường đến viện bảo tàng là những gian hàng bán tranh ảnh mỹ thuật, mỗi người mỗi vẻ. Quên nói là ở bên hướng Tây cũng có một viện bảo tàng, viện bảo tàng tự nhiên.
Từ sáng đến giờ tôi chưa ăn gì, và tự nhiên tôi rất thèm một miếng bánh croissant, có mùi bơ thơm ngậy, dọc đường đi tôi để ý tìm nhưng chỉ thấy các quầy hot dog. Tôi mua một ly trà, sỗ mũi làm tôi mất nước nên thấy khát. Ly trà nhỏ giá một đồng. Đáng lẽ là một đồng rưỡi nhưng cô bán hàng là người Á châu thấy tôi cũng Á châu nên lấy một đồng, tôi thì nghĩ cô không tìm ra bạc cắc để thối lại cho tôi.
Không có hàng croissant nhưng có hàng bán chuối nên tôi hỏi mua một quả chuối. Anh bán hàng bảo mua một quả thì năm mươi xu, mua một đồng thì ba quả. Tôi đưa anh một đồng mua một quả nhưng anh chỉ thối lại có hai mươi lăm xu vì anh lơ đãng nói chuyện với một người đồng hương. Tôi cũng lơ đãng bỏ đi nhưng chợt nhớ ra anh còn thiếu tôi hai mươi lăm xu. tôi đổi ý đưa luôn đồng xu và lấy thêm hai quả chuổi. Trước khi vào viện bảo tàng, tôi ngồi trên bậc thềm ăn hết ba quả chuối và uống hết ly trà. Nắng sáng thật rực rỡ và những chiếc xe bus chở đầy du khách lẫn học sinh đổ xuống trước viện bảo tàng. Người ta ăn mặc đủ kiểu, jean, boots, xềnh xoàng như tôi và rất đỏm dáng như các bà khác. Già trẻ lớn bé, đủ giai cấp, từng nhóm đông, cả gia đình, một cặp, và không ít những người đi một mình như tôi. Nhìn ngắm mọi người thật là thú vị.
Tôi lấy bản đồ của viện bảo tàng và định bụng chỉ xem gốm Việt Nam thôi và sẽ trở ra đi dạo Central Park. Có lẽ cơn cảm làm tôi đau nhức khắp người nhưng tôi vẫn cố và tôi thấy người mình đang lên cơn sốt. Và thú thật tôi nhớ Chàng, như con ngựa nhớ thằng nài của mình. Tôi quen lủi thủi đi theo, ai bảo đi đâu làm gì thì tôi làm theo. Được tự do một ngày tôi có cảm giác lười, chỉ muốn vào Central park, kiếm một băng ghế hay một tảng đá nằm dài dưới bóng mát nghe nhạc. Chợt nhớ một câu thơ của e. e. cummings. I carry your heart within my heart.
Like this:
Like Loading...
You must be logged in to post a comment.