Nhạc Khánh Trân

Mời các bạn nghe bài hát “Sakura, Nhớ Một Mùa Hoa” do Khánh Trân sáng tác qua giọng hát của ca sĩ Diệu Hiền.

Hôm qua, tôi nghe CD nhạc của Khánh Trân gửi tặng. Tính là nghe một bài buổi sáng một bài buổi chiều, nhưng tôi nghe liên tiếp tám bài, vì hay quá, không muốn ngừng nghe. Tôi gửi email phỏng vấn Khánh Trân nhưng cô từ chối trả lời phỏng vấn. Lý do từ chối rất dễ thương, nhưng thật là rất tiếc cho các độc giả tôi yêu mến muốn biết thêm về Khánh Trân. Khánh Trân nói tự biết khả năng hạn hẹp nên không muốn quảng bá thêm làm gì.

Tôi không có căn bản về nhạc, nên chỉ nghe nhạc Khánh Trân với khả năng của một người nghe nhạc bình thường (layperson). Tôi không thể phân tích rhythm (nhịp điệu), melodies (âm thanh của nhạc), harmony (hài hòa), và tone color (chữ này không biết dịch, nói đại khái là người nghe nhạc thấy vui hay buồn, ấm áp rộn ràng hay lặng lẽ cô đơn).

Đây là một CD rất cuốn hút, người nghe dễ nhận ra đây là một giọng mới. Tôi có cảm tưởng người sáng tác là một người có cuộc sống hạnh phúc, được đời ưu đãi, nên nhạc của cô có giọng vui, lời thơ đẹp trong sáng. Ngay cả bài hát buồn nhất của Khánh Trân, “Sakura, Nhớ Một Mùa Hoa” cũng là một cái buồn dịu dàng, trầm ngâm, mơ màng. Người nghe có thể ứa một giọt nước mắt, nhưng không cảm thấy tuyệt vọng áo não. Cái buồn của bài hát như cái buồn nhẹ nhàng mỗi khi chúng ta nhìn thấy hoa anh đào, đẹp nhưng chóng tàn, cái tinh thần của wabi-sabi.

Hầu như bài nào cũng hay, dễ nghe, dễ tiếp nhận, dễ tiếp tục nghe. Những bài đặc sắc khác là “Em Tóc Ngắn” điệu valse vui tươi, “Dấu chấm tình anh,” hay “Mưa Chiều Viễn Xứ”. Các giọng hát trong CD này (Thúy Huyền, Diệu Hiền, Ngọc Quy, Hương Giang, và Quang Minh) có thể chưa được nhiều người biết đến nhưng cách trình diễn rất đạt, giọng êm ái dễ thương. Có thể nói người nghe tìm thấy dòng nhạc quen thuộc như đã nghe từ trước năm 75 ở miền Nam.

Bonus cho người nghe, và đặc biệt cho người xem. Người mẫu trong bài hát rất đẹp, đó là cô nhạc sĩ trẻ trung của chúng ta. Khánh Trân. Một điểm đặc biệt của Khánh Trân chúng ta nhìn thấy qua các đaọn phim ngắn lồng nhạc là ở nàng toát ra một vẻ đẹp thùy mị, dịu dàng. Một vẻ đẹp vẫn còn phong kín của người Việt Nam. Tôi muốn biết thêm về Khánh Trân lắm, như là con của ai, học ở đâu, làm nghề gì, ai dạy nhạc cho nàng, v. v… Nhưng, rất tiếc. Ai biết gì thêm về nhạc sĩ Khánh Trân xin chia sẻ với Chuyện Bâng Quơ.

Blog của Khánh Trân ở đây –> https://ngohuykhanhtran.wordpress.com/

Xem xong rồi, nếu thích xin mời xem một tác phẩm khác của Khánh Trân, cũng hay tuyệt vời.

Giới thiệu tác phẩm văn thơ và nhạc

tản mạn văn chươngTQBT 67 trong lớp khói màuTQBT 66 Sài GònLữ Quỳnh Mây Trong Mơ

PCH Đất Còn Thơm

DRAN, NGÀY VỀ

tặng anh Đinh Cường

khi trở về chàng đứng ngẩn ngơ
giọt nước mắt rơi trên nền đất cũ
đêm Dran
nhớ tiếng xe thổ mộ
về hướng Kado về phía Lạc Lâm
đêm Dran
nhớ quá tiếng đàn
và giọng hát của bạn bè một thời bạt xứ
đêm Dran
nhớ những mảng màu của một thời tuổi trẻ
chiếc giá vẽ gian nan và năm tháng sương mù
khi trở về
Dran không còn mùa thu
bên kia đèo và nơi kia Đà Lạt
nhớ Schubert và Serenade
chiều rất buồn chiều trên đồi thông
đêm rất buồn đêm ở đường Hoa Hồng
đêm và những bức tranh
vẽ hoài vẫn còn dang dở

khi trở về chàng đứng ngẩn ngơ
giọt nước mắt rơi trên nền đất cũ

Virginia, April 17, 2014

Tác giả: Phạm Cao Hoàng

NTTB Cuối Đêm DàiIMG_0007

Có vài quyển tôi được tặng đã lâu, tôi định bụng đọc xong sẽ giới thiệu chi tiết hơn, tuy nhiên tôi bận quá (và ham chơi lười biếng nữa) vì thế nên chậm giới thiệu. Nhà văn Nguyễn thị Thanh Bình và nhà văn Lữ Quỳnh đã gửi qua tay ông Tám nhân dịp ông Tám chở nhà văn Trần Hoài Thư đi dự đám tang họa sĩ kiêm thi sĩ Đinh Cường. Còn CD nhạc của nhạc sĩ Khánh Trân thì mới nhận được cách đây vài hôm qua đường Bưu Điện.

Xin trân trọng cám ơn nhà văn Trần Hoài Thư với ba tác phẩm, nhà thơ Phạm Cao Hoàng, nhà văn Lữ Quỳnh, nhà văn Nguyễn thị Thanh Bình, nhạc sĩ Khánh Trân. Đặc biệt cám ơn nhà thơ Phạm Cao Hoàng và hiền thê đã tiếp nhận ông Tám ở qua đêm.

Tám sẽ giới thiệu chi tiết hơn sau khi thưởng thức tác phẩm của quí vị.