Cỏ cattail trên đồng khi bị sương giáChơi đùa với bạn trên mặt hồLãng tử cô đơnBa loại chim vịt sống hòa bình trên hồTrái đẹpĐang gắp trái hoangĂn tráiNhìn ai?
Trời cuối thu rồi em ở đâu. Nằm bên đất lạnh chắc em sầu.
Bài thơ Gửi Người Dưới Mộ của Đinh Hùng còn dài nữa. Buồn. Liêu Trai. Bài thơ u ám quá tôi không muốn chép thêm. Nghĩ đến bài thơ này vì trời đã cuối thu, và cũng vì bà chị tôi ở Houston, chị vừa trở thành góa phụ hai tháng nay, đến nhà tôi chơi. Giá mà có thể đổi được chữ em thành chữ anh, để dùng bài thơ tưởng tượng đến tâm sự của chị. Continue reading Rừng tàn thu
Thỉnh thoảng tôi gặp ở blog bạn chụp ảnh chiếc xe đạp được dùng để trang trí. Xe đạp dựng dưới cửa sổ, có lẳng hoa, có ánh sáng và bóng tối, nhất là những chiếc xe đạp ở một góc phố nhỏ miền quê ở châu Âu. Rất đẹp. Đáng yêu. Tôi đi một vòng phố nơi tôi làm việc, chụp ảnh xe đạp, không có cái đáng yêu, nét đẹp thanh nhã đầy nghệ thuật. Thì cuộc đời mà, không phải cái gì mình muốn cũng có được. Thôi thì có gì khoe nấy.
Nhớ một vài câu hát về xe đạp. Xin cho em còn một xe đạp. Xe xinh xinh để em đi học. Từng vòng từng vòng xe. Là vòng đời nhỏ bé. Đạp bằng bàn chân gót đỏ hoe.
Thấy rõ nhé. Ngay cả cái đẹp trong nghệ thuật, thi ca, âm nhạc, người ta cũng chuộng cái trẻ, cái đẹp cái giàu. Chỉ có mấy câu mà người đọc biết ngay đây phải là một cô học trò đẹp, và giàu. Nghèo thì chân lấm bùn, gót nứt nẻ làm sao có gót đỏ hoe.
Không phải nơi tôi ở không có người Việt. Có nhiều nhưng tôi ít gặp (vì ít khi đến chỗ hội hè họp mặt) và không quen (vì kém giao tiếp). Trong bốn ngày ở Houston, tôi gặp rất nhiều người Việt. Ra đường thấy phố xá với rất nhiều cửa hàng của người Việt với những cái tên rất Việt của những năm trước 75 ở Sài Gòn, thí dụ như Phở Đa Kao. Cả đại gia đình của tôi ai cũng nhiều bạn, chỉ có tôi là ít bạn, hầu như không giữ được người bạn nào.
Lễ hóa tang của người anh tôi được chị tôi tổ chức trong chùa. Xong lễ người tham dự được mời ở lại dùng cơm chay. Vì lễ của anh tôi tổ chức cùng với nhiều gia đình khác nên bữa ăn có rất đông người. Toàn là người Việt. Chị tôi trước kia đi dạy học, nên bạn bè của chị nhiều người cũng làm nghề dạy học. Chị nhờ tôi chụp ảnh khách tham dự, nhưng tôi không quen chụp ảnh người nên tôi rất ngượng ngùng. Tôi giơ máy lên chụp chung, đứng xa xa, thì có một cô khách quay mặt đi chỗ khác. Chờ tôi bấm máy xong mới quay mặt lại làm tôi cụt hứng. Tôi chụp vội vàng vài tấm rồi thôi. Tàn tiệc chị tôi mới nhắc nhớ là tôi chụp khách mà không có chị lúc chị ngồi trong bàn tiệc. Giá mà chị nói là nhớ chụp ảnh chị chung với khách thì chắc là tôi không vô ý như thế.
Tôi ngồi chung bàn với vài người bạn của chị. Có một vài người đã hơn bảy mươi. Một chị ngồi đối diện với tôi đi với chồng, ông ấy ăn chay trường đã mấy năm. Hay thật, đàn ông mà không nhậu nhẹt lại ăn chay trường! Nghe nói trước kia ông làm Cảnh Sát. Bà làm nghề dạy, Tiểu học. Trong bữa ăn, tình cờ tôi nhìn thấy bàn tay của bà đeo cùng một ngón tay, ngón áp út, ba chiếc nhẫn hột xoàn. Một chiếc có hột xoàn rất to, loại tròn. Một chiếc gồm nhiều hạt nhỏ. Còn chiếc thứ ba thì tôi không nhớ kiểu. Chỉ nhớ ánh sáng từ cửa sổ chiếu vào ba chiếc nhẫn, hắt vào mắt tôi. Sáng lấp lánh. Tôi không nhớ bàn tay của bà có đẹp hay không, có béo ụ đến cỡ nào. Bà thuộc loại khá béo, mặt mày tô vẽ đủ thứ màu, chân mày đậm, môi đậm màu son đỏ ăn cả buổi vẫn còn màu, mí mắt chuốc mascara dày đậm. Bà nói chuyện vui vẻ, họat bát nhưng dễ thương nhã nhặn, vẫn còn phong cách của nhà giáo. Nghe nói bây giờ bà làm nghề dạy các cô học nail để lấy bằng hành nghề.
Khi ra về, tôi đi chung với chị tôi và hai bà bạn của chị. Không hiểu vì sao câu chuyện lại đi đến chỗ ba chiếc nhẫn kim cương của chị bạn tên Thật. Chắc là tại vì tôi trầm trồ ba chiếc nhẫn to. Chị Thái, bạn chị tôi, lên tiếng.
– Sao tôi chẳng bao giờ nhìn thấy nữ trang của người ta đeo nhỉ? Vào nhà người ta tôi cũng chẳng bao giờ để ý đến bàn ghế đồ đạc cả. Có người cứ than nhà tôi chưng bày sơ sài lắm, chẳng có đồ đạc gì cả. Tôi nghĩ ơ hay, tôi đến thăm có phải để nhìn ngắm đồ đạc của các bà các ông ấy đâu.
– Thì ngồi ở bàn ăn, mình lại ngồi đối diện, chị ấy dùng tay phải gắp thức ăn, nhẫn kim cương đeo ở ngón tay của bàn tay phải, mình nhìn và gắp thức ăn thì mình phải thấy kim cương trên ngón tay thôi. Chị Hậu, một người bạn khác của chị tôi, đáp lời.
Thật đúng như vậy, tôi là người hay quan sát, bản tính của những người đang học đòi viết văn, tôi nhớ nét mặt cách nói chuyện của chị Thật nhưng tôi không nhớ nữ trang trên tai hay trên cổ mà chỉ nhớ ba cái nhẫn kim cương trên ngón tay. Tôi không mê nữ trang. Tôi khá quê mùa cục mịch, tướng không sang nên kim cương càng to thì người ta càng nghĩ là đồ giả. Người sang, đeo đồ giả người ta tưởng thật. Người không sang, đeo đồ thật người ta tưởng giả. Coi như đó là điều may, càng ít ham mê càng giảm hệ lụy.
Chị tôi kể lại. Chị Thật mê kim cương từ hồi còn trẻ. Chị là cô giáo dạy con của chị tôi, cháu Q. Có lần chị than thở, buồn quá, chị mất một món nữ trang. Chị đoán có lẽ chị gói trong một miếng khăn giấy, mở ra mở vào rồi rơi mất trong lúc đi chợ. Mấy tháng sau chị tìm thấy món nữ trang này ở đâu đó trong nhà chị. Cháu Q. nói:
– Sao cô không nói sớm. Tội nghiệp con mấy tháng nay, kể từ hôm cô nói cô đánh rơi món nữ trang, ngày nào con cũng đi chợ mà không nhìn không mua gì cả vì mắt luôn luôn nhìn xuống đất.
Bốn ngày ở Houston, gặp nhiều người Việt, nghe nhiều chuyện vui để kể. Nghĩ cho cùng, có lẽ chúng ta đều mong muốn được chiêm ngưỡng, hay ngưỡng mộ. Có khác gì đâu giữa một người khoe nữ trang với một người khoe nhan sắc, hay khoe ảnh đẹp, khoe trí tuệ, khoe tài năng, khoe nghệ thuật, khoe tư tưởng. Tự trong lòng mỗi chúng ta đều có một khao khát thầm kín được người khác chú ý, yêu quí chúng ta vì một cái gì đó, được thể hiện qua một vật thể hữu hình hay trừu tượng. Có phải thế không?
Hôm trước đi rừng, thấy một người đàn ông đi ngược chiều. Chúng tôi chào hỏi nhau. Ông Mỹ này cao lớn, tóc tai râu ria rậm rạp. Ông nói thật là một ngày đẹp trời tuyệt vời để đi rừng. Ông đi không ba lô không gậy chống không có mang nước uống. Trong tay ông là cái máy ảnh có gắn sẵn lens. Tôi nói máy ảnh của ông tốt quá. Ông cười cám ơn và nói: “Tôi đi tìm chiếc lá cuối cùng.” Thảo nào ông đi có vẻ thơ thới, mắt ngước lên như nhìn trời, nhìn ngọn cây.
Tôi bắt chước ông cũng đi tìm chiếc lá cuối cùng, chụp nhiều tấm nhưng mờ, xấu ỉn. Tấm này cũng chẳng đẹp nhưng may là nó ngay tầm mắt.
Nói đến chiếc lá cuối cùng thì nhớ câu hát. “Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng.” Lại nhớ thiên hạ cãi nhau vì có một ca sĩ đã hát “Đêm chưa qua mà trời sao vội sáng.” Ca sĩ bị chê là thiếu tâm hồn nghệ sĩ, thiếu khả năng hiểu câu thơ nên không phân biệt được nghĩa của hai chữ trong câu, chưa qua hay qua chưa. Chỉ đổi vị trí mà đổi ý của ca từ. Một câu ngầm nghĩa của câu hỏi, đầy bâng khuâng. Còn câu kia đầy tính xác định. Chắc là vì mùa hè, nên mặt trời lên nhanh. Bốn giờ sáng thì vẫn còn là đêm, nhưng đã thấy ánh mặt trời? Hay vì mình thức đêm lẽ ra phải thấy đêm dài, nàng thơ chưa đến mà trời đã sáng?
Tôi gọi điện thoại cho Cá Linh, thăm con gái út vì thấy nó buồn. Công việc khó khăn hơn cô nàng dự đoán, lại ở xa nhà, thiếu bạn. Con nhỏ này giống mẹ ở chỗ ít khi dùng điện thoại để nói chuyện nên con không gọi thăm mẹ thì mẹ gọi thăm con.
“Suýt tí nữa là nhà mình có một con chó để nuôi.” “Nghĩa là sao? Tại sao lại suýt tí nữa?”
Tôi kể vắn tắt cho Cá Linh nghe. Chủ Nhật qua, như thường lệ tôi và bố cô đi rừng. Hai ngày cuối tuần mỗi ngày chúng tôi đi chừng khoảng năm tiếng đồng hồ.
Tùy theo hướng đi, chỗ chúng tôi dừng lại để nghỉ chân thường là hai trạm. Hôm ấy chúng tôi ngừng ở Sky Top Picnic Area. Tôi ngồi nghỉ không lâu thì có một nhóm ba người, trẻ, Á châu đến ngồi ở bàn bên kia, khá xa. Họ bày fast food ra ăn. Hai người ăn trước, gọi người thứ ba, là một phụ nữ chừng hơn ba mươi. Cô này đến ăn sau vì mãi trông chừng một cậu bé nào đó. Tôi nghe cô gọi Bobby, Bobby, đến đây. Tôi ngồi quay lưng về hướng cậu bé nên nhìn thấy người đàn bà mà không nhìn thấy Bobby. Ăn xong chúng tôi thu dọn và đi tiếp. Ông Tám đi trước, tôi đi sau. Lấn quấn bên chân ông Tám là con chó nhỏ màu trắng. Bobby là tên của con chó này đây, tôi đoán ra. Mặc cho mẹ Bobby kêu réo, Bobby cứ đeo theo ông Tám, ngửi tay ngửi chân, và chạy lon ton dẫn đường. Bobby ngừng chỗ này một chút, chỗ kia một chút, thỉnh thoảng nhấc chân lên tè vào gốc cây này gốc cây kia như để đánh dấu. Khi chạy trước ông Tám, khi chạy sau, khi chạy bên trái, lòn qua bên phải.
Đoạn đường từ Sky Top Picnic Area sang Nature Trail Science Center đang lúc xuống dốc, tương đối dễ đi, cây cối không chằng chịt lắm, có khá nhiều cây thông cao. Mẹ Bobby đi theo vài bước cứ gọi Bobby comeback nhưng nó chẳng buồn đếm xỉa tiếng mẹ gọi mà cứ tung tăng chạy theo ông Tám. Bobby hoàn toàn chẳng chú ý đến tôi đi phía sau. Thỉnh thoảng Bobby chạy ngược hướng về phía tôi, tôi đoán nó sẽ chạy về với mẹ, nhưng không, nó lại đánh vòng, đuổi theo ông Tám. Ai nuôi chó thì cũng biết, cứ trông cái dáng của một con chó con chạy thật nhanh, đuôi cong tai cụp, dễ thương lắm.
Cuối con dốc qua khỏi rừng thông, con đường mòn rẽ tay mặt. Quẹo tay trái sẽ dẫn ra đường lớn. Quẹo một nhánh khác cỡ 45 độ bên trái thì sẽ dẫn về Felt Village. Đến đây tôi vẫn không thấy đám người đi tìm Bobby. Tôi đâm ra lo ngại. Bobby chạy về hướng Felt Village. Nếu nó đi lạc, nó sẽ khó mà tìm lối về, bởi vì nó chỉ là con chó con, chưa phát triển đủ khả năng săn hay đánh hơi đường về. Ông Tám tỉnh bơ dấn bước. Tôi ngồi xuống, đưa tay ra gọi con chó. Bobby Bobby come here. Bobby đã chạy khá xa sang hướng Felt Village nhưng nghe tiếng tôi và không nhìn thấy ông Tám nên chạy ngược lại. Nó không ngừng ở chỗ tôi mà lại chạy quấn bước ông Tám. Tôi nói.
“Mình mang con chó trở lại cho ba người đó đi. Chứ nếu nó đi lạc trong rừng này thì chỉ có chết. Trời lạnh rồi.” “Chó của người ta thì để người ta lo. Đường mình đi thì đi. Sao lại lo chuyện của người. Chó của họ mà họ chẳng đi tìm, chẳng chạy theo thì thôi.”
Tôi không đồng ý với ông Tám, nhưng không nói gì. Chúng tôi lẳng lặng đi. Bobby tung tăng chạy theo dường như thấy cuộc đi chơi rất thú vị. Thỉnh thoảng tôi bế nó lên vì sợ nó mỏi. Ở cổ Bobby có tấm lắc có số điện thoại số vùng (area code) khác số vùng của tôi cũng như khu vực hiking.
“Có số điện thoại của chủ nó, mình gọi họ đi.” Tôi nói. “Dù gì cũng phải đến Nature Science Center, đến đó rồi gọi họ đến nhận con chó. Ở đây giữa rừng có gọi họ cũng chẳng biết đường mà đến.”
Bobby bé lắm, nhỏ hơn cả Nora của tôi. Khi tôi bế nó lên tay nó liếm mặt liếm tay tôi, cũng không có vẻ gì đòi xuống đất. Tôi bế nó đi một chút thì thả nó xuống. Nó tung tăng chạy theo ông Tám, thỉnh thoảng ngừng, cào lá, ngửi, đào bới, phục người như rình, tôi kiên nhẫn đứng chờ. Thỉnh thoảng gọi nó nhắc chừng nó đi theo sợ nó lạc vào rừng. Bobby chỉ chạy theo đường mòn chứ không nhào vào bụi rặm như tôi lo ngại. Ông Tám nói, thấy nó khôn chưa, nó biết đường mòn mà.
Từ Picnic Area đến Trail Center đi bộ thong thả chừng một giờ đồng hồ. Tôi đi được nửa giờ thì nghe tiếng gọi la hét um sùm. Một người đàn ông Mỹ có con chó chạy xổng vào rừng. Ông tìm không thấy, kêu réo um sùm. Hỏi chúng tôi có nhìn thấy con chó con màu đen không. Con chó tên Molly. Chó khi vào rừng thường hay xổng chạy mất. Không hiểu tại sao, vì mùi rừng đánh thức bản năng săn bắn hoang dã hay vì nhiều người nhiều chó qua lại trên đường mòn làm tràn ngập khả năng đánh hơi của chó? Một lúc sau tôi nghe có tiếng chân phía sau, nhìn lại thấy hai người có vẻ là vợ chồng rất trẻ có dẫn một con chó loại pitbull cao lớn có dây xích cổ. Tôi nói với hai người.
“Ông bà giữ dùm con chó của ông bà. Phía trước có con chó nhỏ tôi sợ con chó của ông bà quật chết con chó nhỏ ấy.” “Vâng. Vâng. Không sao đâu, con chó của chúng tôi thân thiện lắm.” Nói thế nhưng họ cũng giữ chặt dây xích. Bobby nhảy bổ lại sủa con chó pitbull inh ỏi. Hai vợ chồng mỉm cười. Cả hai người đều rất trẻ, tuổi hơn ba mươi. Người chồng cao lớn như dân chơi football. “Con chó không phải của chúng tôi. Nó bỏ rơi chủ của nó và chạy theo chúng tôi cả tiếng đồng hồ.” “Thế à? Tôi cứ tưởng con chó là của ông bà.”
Cô vợ đưa dây xích chó cho anh chồng giữ. Cúi xuống bế Bobby lên tay, giọng cô trìu mến. “Con đi lạc đấy à?”
Cô rút điện thoại ra, gọi số điện thoại đeo trên cổ Bobby, rồi bảo chúng tôi.
“Ông bà có thể đi trước, chúng tôi sẽ lo cho Bobby.” Cô nói. “Dự tính của ông bà như thế nào?” Tôi hỏi. “Chúng tôi sẽ mang nó đến Trail Center và chủ của Bobby sẽ đến đón.”
Chúng tôi đi, họ cũng đi. Cô vợ dắt con chó lớn. Anh chồng bế Bobby như bế một đứa con. Trông cái cách họ quán xuyến chuyện con chó tôi thấy cảm động. Hai người rất trẻ, có lòng nhân, thương thú vật. Họ biết ngay họ cần phải làm gì, và chẳng ngại ngần phải làm những công việc nằm ngoài kế hoạch của một ngày Chủ Nhật. Họ đi rồi tôi tự hỏi mình. Họ mang con chó đến Trail Center, cũng cùng đường với mình, tại sao mình không làm chuyện này.
“Thấy chưa. Họ cũng làm đúng như anh nghĩ.” Ông Tám nói.
Chắc chắn là tôi không bao giờ có thể bỏ Bobby trong rừng. Tôi có nghĩ đến chuyện gọi người chủ của Bobby nhưng bản tính của tôi rất ngại tiếp xúc với người không quen. Tôi sợ, nếu như họ cố tình bỏ Bobby vào rừng vì không muốn nuôi nữa, họ sẽ không trả lời điện thoại, hoặc trả lời mà không nhận đó là con chó của họ. Tôi sẽ làm gì với con chó? Khi tôi bế Bobby lên tay, nó liếm má tôi, tôi đã có ý nghĩ là giữ con chó để nuôi, đúng là một thứ tà tâm.
“Tưởng là có duyên nợ với con chó nhưng té ra không có.” Tôi nói. “Nợ nhiều hơn duyên.” Ông Tám nói.
Đã nhiều lần tôi nhìn thấy tôi mê mẩn nhìn những con chó nhỏ. Nora sẽ phản ứng như thế nào nếu tôi mang Bobby về. Tôi muốn đi chơi mà không ai trông chừng Nora, nếu có thêm Bobby thì sao. Bốn giờ sáng Nora đánh thức tôi, cho Nora ăn, cho Boyfriend ăn. Rồi tôi phải dẫn Bobby đi đồng. Khi bế Bobby trên tay, một chút xíu là tôi bảo tôi phải thả Bobby xuống đất. Nó chỉ cần hôn tôi vài ba cái là tôi sẽ phải lòng nó và tôi sẽ trở thành một bà già ăn trộm chó.
Kể Cá Linh nghe, một chút điểm tô cho một ngày Chủ Nhật yên lặng.
Thú thật, tôi là người luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chết. Từ nhỏ đến giờ tôi chết hụt mấy lần. Kể từ sau khi vượt biên, ám ảnh về cái chết dường như nặng nề hơn. Tôi biết mạng sống con người mong manh lắm, nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Tuy nhiên không phải lúc nào chết cũng dễ. Có vài người tôi biết mỗi buổi sáng thức giấc vẫn than thầm mình vẫn còn sống à. Tôi cho là sau chuyến vượt biên, mỗi ngày còn sống là một ngày bonus; vì vậy, tôi cố gắng tận hưởng cuộc sống của mình trong giới hạn tôi có thể hưởng thụ. Nghĩ đến cái chết là bởi vì gần đây tôi đọc thấy bản tổng kết của WHO cho biết những món ăn có thể gây ung thư như hot dog, sausage, v. v… Tôi thấy upset tí tí. Tôi không thường ăn hot dog. Năm khi mười họa cả năm ăn hot dog chừng một hai lần, mỗi khi đang đi ngoài đường, đói bụng, thèm ăn mà không muốn vào quán. Lần nào ăn thì tôi cũng rất enjoy. Thêm vào nỗi khó chịu khi biết ăn hot dog có thể gây ung thư, là biết có hai hay ba phần trăm DNA của con người. Ngày xưa, người ta gọi cái xúc xích là hot dog là vì khi phân tích nội dung của xúc xích người ta thấy có thịt chó. Làm sao mà DNA của người lọt vào hot dog, người ta đổ mồ hôi, chảy nước mắt, nhổ nước miếng, hay tệ hơn nữa như tè vào đó? Chẳng lẽ khi người ta băm vằm thịt bằng máy người ta bị rớt ngón tay, cánh tay vào. Hay tệ hơn nữa có người bị giết và thủ tiêu vào trong đó? Tôi ớn quá từ nay không dám ăn hot dog hay sausage nữa. Mà sausage (dồi Ý) nấu theo kiểu Ý, chung với ớt ngọt (bell pepper), củ hành tây, sốt cà, ăn rất ngon nhé. Món này thì cả năm tôi cũng chỉ ăn một hai lần là cùng. Hay là kiêng ăn thịt luôn. Kiêng gì nổi. Hôm thứ Ba đi tập tài chí dù đã ăn trưa, ngang qua cửa hàng hamburger mới mở nướng bằng than bốc mùi thơm phứt tôi đã phải phấn đấu với mình là no rồi đừng có ham ăn mà mau chết.
Đọc gì lúc sau này. Game of Thrones vừa đọc vừa nghe đọc được hơn phân nửa quyển số một. Nghe nguyên bộ Shakespeare về bi kịch hài kịch lịch sử do một giáo sư trường Darthmouth College dạy, nghe hai lần mà chẳng nhớ gì hết vì nghe trong lúc lái xe đi làm, đầu óc lơ đãng. Tò mò đọc về kiếm Excalibur, Arthur, đọc vun vặt mấy quyển sách giáo khoa về văn học, truyện ngắn. Quyển The Story and Its Writer do Ann Charters biên soạn rất hay. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm về cách viết truyện ngắn do chính tác giả nói về tác phẩm của họ thì quyển này rất tuyệt, rất có ích. Dĩ nhiên không ai có thể dạy ai viết, như dạy ai cách làm tình. Đọc và nhận xét có thể rút ra nhiều kinh nghiệm viết có thể dùng cho chính mình. Điều đầu tiên mỗi người viết phải tự hỏi, mình muốn viết cái gì, mình có chuyện gì để kể. Tôi đọc xong quyển Moviemakers’ Master Class, trong đó các nhà đạo diễn “dạy” cách làm phim. Ngạc nhiên dành cho các bạn, có bài dạy của đạo diễn Vương Gia Vệ nói về phim In the Mood for Love. Người ta nói rằng sau khi xem phim này bạn sẽ ngạc nhiên là phim vẫn hay dù không có cốt truyện. Tôi đang đọc quyển sách của David Bellos, “Is That the Fish in Your Ear?” gặp một trang về dịch thơ rất thú vị để lúc khác sẽ nói.
Xem gì mấy tuần nay, nhiều quá không biết đâu mà kể. Đang tò mò về phim thể loại fantasy và kiếm tôi xem bộ phim Merlin. Tối qua xem xong Ex Machina. Phim này cùng thể loại với “Her.” Đối thoại khá trí thức, thứ trí thức của những người làm khoa học kỹ thuật, tôi không hiểu họ thật sự muốn nói gì, những điều họ nói có vẻ khoa học nhưng tôi không biết nó có dựa trên sự thật và nếu có thì bao nhiêu phần trăm hay đó chỉ là chữ to lớn nhưng không có ý nghĩa.
Nghĩ gì? Không nghĩ gì hết. Tôi nhồi nhét đủ thứ linh tinh vụn vặt vào cái đầu nhỏ bé và già cả của tôi. Mọi suy nghĩ cảm nhận đều bị nhận chìm trong một mớ hổ lốn tin tức, chi tiết. Tôi thèm có một thời gian yên tĩnh trong tư tưởng.
Có một đêm trời lạnh, Nora nhảy lên giường của tôi, chen vào giữa, rúc vào trong chăn, dúi đầu vào người tôi. Tôi để yên, chập sau cô nàng ngáy rù rù. Tôi phải che cô nàng, sợ ông Tám trở mình đè lên con mèo, tuy khá béo, nhưng với tôi vẫn bé nhỏ như một đứa trẻ. Tôi nghĩ đến con mèo hoang Boyfriend. Trời lạnh như thế này không biết nó trú ẩn ở đâu.
Nghĩ cho cùng, mọi chuyện xảy ra trên đời như là một sắp xếp tình cờ. Tình cờ mình sinh ra ở đâu, môi trường nào đó, may mắn nào đó mà tồn tại, giàu nghèo, đói no, … . Cũng là kiếp mèo mà một thì sung sướng ấm áp như Nora tin cậy loài người, một đói lạnh như Boyfriend lúc nào cũng sợ hãi trốn chạy. Sáng hôm qua, tôi thấy chén thức ăn tôi mới châm đầy lúc 6 giờ sáng, để Boyfriend có đói thì đến ăn, đã bị một con Racoon ăn sạch sành sanh. Racoon rất dạn và dữ, có thể tấn công loài người, trong khi những con thú khác như ground hog thì hiền lành và nhút nhát hơn. Tôi cũng thấy mấy con blue jay thường hay đến ăn thức ăn còn thừa của Boyfriend.
Buổi sáng trước khi đi làm tôi thường cho Boyfriend ăn, nhưng không muốn thức ăn bị racoon ăn chận. Lại tự hỏi chúng đều là thú vật, tại sao mình cho mèo hoang ăn, cho nai ăn, mà lại không muốn cho racoon ăn? Tại sao có một bà Mỹ nào đó đánh bẫy bắt hết mấy con chim sẻ mỏ cứng đem giết, với lý do chim này giết một loại chim khác có màu lông đẹp, mà không nghĩ bà làm như thế là đi ngược lại với thiên nhiên. Một người đem thức ăn cho sóc và chipmunk nhưng lại đánh bẫy mấy con chuột rừng, sao không nghĩ chuột rừng cũng là thú vật và sóc với chipmunk cũng cùng họ hàng với chuột thôi.
Nhiều khi thuận lòng mình thì ngược lại với thiên nhiên. Tôi đã lỡ cho mèo hoang ăn, tức là tôi cũng đã có phần nào đó làm hư hại khả năng kiếm ăn của con mèo. Nếu một ngày nào đó tôi không thể tiếp tục cho mèo hoang ăn được thì có phải là tôi cũng có phần nào giết hại nó không?
Người ta đang lo chuyện lớn của xã hội; trẻ em bị bỏ rơi giết hại hằng ngày. Tôi già cả bé mọn chỉ có thể nghĩ đến những điều bé mọn chung quanh tôi, như sự no ấm của hai con mèo.
Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy những tấm ảnh chụp tia sáng soi qua rặng cây. Tôi vẫn thầm ước chụp được những tấm ảnh như vậy. Mấy hôm trước, thấy bình minh bên cửa sổ, trời nhiều mây, chụp được tấm này. Tuy còn vụng về nhưng cũng là dịp may không mấy khi gặp được nắng xuyên qua mây.
Trước nhất là xin cáo lỗi cái tật dốt hay nói chữ. Tôi không biết tiếng Hán Việt nhiều. Mớ tiếng Hán Việt năm thứ nhất Văn Khoa đã trôi theo dòng đời chỉ còn lại dăm ba ngữ vựng nhất nhị tam. Buổi trưa tôi đi dạo một vòng, chụp mấy tấm ảnh, như ngón tay chỉ vào trời xanh.
Đây là ảnh đỉnh nhà thờ Trinity Episcopal Church ở Newark, New Jersey. Hồi xa xưa tôi có dịch một quyển sách, tôi dùng chữ đỉnh nhà thờ, bị bắt lỗi. Nhà thờ làm gì mà có đỉnh, nóc nhà thờ chứ đỉnh cái gì. Thật ra nếu chưa nhìn thấy những nhà thờ như thế này, khó mà hình dung được nhà thờ sao lại có đỉnh.
Khi tôi chụp ảnh này có một người đi ngang, ngược chiều với tôi. Ông ta hỏi chụp cái gì. Chụp ảnh nhà thờ. Tôi nói xong vội vàng bỏ đi vì sợ ông ta nói chuyện với tôi. Ông này tôi biết mặt, tuy không quen, vì gặp ông rất nhiều lần ở Newark. Ông có mặt hầu như khắp nơi. Ngay cả khi tôi đi xem jazz cũng gặp ông. Lần đầu tiên tôi gặp ông ở một chỗ phát thức ăn trưa từ thiện. Ông từ trong đó đi ra với hộp thức ăn trên tay. Nhìn thấy tôi với cái máy chụp ảnh ông hỏi chuyện, tôi trả lời. Ông đi kèm tôi nói chuyện lịch sử của Newark, rằng thời xưa nơi đây chuyên sản xuất rượu lậu, ông tiếp tục hỏi tôi có biết cái này của Newark, cái kia của Newark, hay không. Ông đánh thức cái tự ti của tôi về lịch sử. Lịch sử VN tôi còn ấm ớ thì nói gì lịch sử thành phố tôi làm việc. Nghĩ cũng lạ, tôi ở xứ này hơn ba mươi năm, làm việc nơi này gần ba mươi năm, sao nó vẫn chỉ là nơi tạm bợ, không có gì gắn bó thân thương với tôi. Tôi đứng ngoài nhìn vào hoàn toàn là người ngoại cuộc. Xong rồi ông mời tôi đi nhà thờ của ông. Ông tự xưng là mục sư có nhà thờ ở đâu đó. Da ông mởn hơn người da đen, như thể ông có lai một phần da trắng. Tóc ông thắt bím sợi nhỏ sát vào da đầu. Ông ăn mặc sạch sẽ ăn nói thông minh, nhưng có cái gì đó làm tôi sợ ông, muốn tránh ông. Thứ nhất, nếu ông là mục sư và có công ăn việc làm đàng hoàng, sao lại đi ăn cơm từ thiện. Thứ hai, sao ông có nhiều thì giờ để có mặt khắp nơi ở thành phố này. Có lẽ ông cũng suy nghĩ về tôi như vậy, tôi cũng có mặt khắp nơi những chỗ mà không ai nghĩ là một người phụ nữ Á châu xuất hiện, nhưng nếu ông có suy nghĩ về tôi thì đó là việc của ông, không phải việc của tôi.
Nhà thờ này thuộc loại cổ, xây cất từ năm 1742. Nhà thờ bị hư hại nặng trong chiến tranh Revolutionary War rồi hoàn toàn bị phá hủy năm 1810. Được xây cất lại năm 1857. Đến một lúc nào đó tôi phải tìm hiểu thêm về tôn giáo thí dụ như Episcopal Church thì khác nhau như thế nào với Presbyterian Church.
Buổi trưa, tôi đi bộ. Vốn lười vận động, tôi luôn dùng cái máy ảnh như một cách động viên mình. Trời mát có thể đi bên ngoài nhưng xe nhiều băng qua những góc phố tuy có đèn xanh đèn đỏ cũng sợ xe tông phải mình. Có biết bao cái chết ở ngay góc đường lúc chờ đèn xanh đèn đỏ chỉ vì vô ý và hấp tấp. Tôi dùng concourse, cái hành lang nối liền tòa nhà này sang tòa nhà khác, và nhìn thấy người đang lau kính.
“Bà có muốn hành nghề này không?” Sau lưng tôi có tiếng trêu chọc. Không nhìn nhưng tôi biết đó là ai. Ông này làm chung công ty nhưng ông làm về tài chính hay cái gì đó có liên quan đến tài chính. Ông rất hòa nhã, luôn luôn chào hỏi vui vẻ với tất cả mọi người. Ông đã về hưu mấy năm về trước nhưng vẫn được mời làm part time mỗi tuần hai ngày. Bà vợ ông về hưu trước ông, về hưu non, bà đi học ngành thần học và ra làm mục sư. Người Mỹ họ cũng có nhiều cái hay. Về hưu không còn là hết thời nữa. Về hưu chính là cơ hội để theo đuổi những đam mê mình chưa có dịp thực hiện.
“Không, nghề này nguy hiểm lắm.” Hễ lên cao là tôi bị nhột chân. Ngày còn trẻ, tôi phải leo những cây cầu rất cao, có khi là bậc thang, có khi thang chỉ là hai thanh sắt có nối bằng thanh sắt tròn ngắn. Tôi không sợ chiều cao, nhưng vẫn cảm thấy rờn rợn. Thấy người lau kính này tôi lại nghĩ đến phim Người Nhện và phim điệp viên Mission Impossible rồi thấy sức tưởng tượng của những người viết phim viết truyện khá… dóc tổ. Trong phim Cruise leo bằng bao tay có hấp khẩu dính vào cửa kính, lại lỡ sút mất một bao tay. Còn một tay phải bám vào kính, những sợi tơ hấp khẩu phải chịu được sức nặng của một người và cánh tay của người ấy phải chịu được sức nặng toàn thân. Dóc vậy mà vẫn hấp dẫn người xem dính con mắt vào màn ảnh.
Người lau kính kia nghĩ gì khi đang treo lơ lửng giữa không trung như thế? Một sự tự do không bị ai kiểm soát? “Mây che trên đầu và nắng trên vai” và gió vờn lồng lộng chung quanh người? Đi bộ xong về chỗ làm tôi nhận ra quên điều chỉnh máy. Tôi để máy tự động chụp chân dung, có nghĩa the depth of field ngắn, ảnh chụp xa sẽ mờ. Té ra điều này cũng hay, làm người xem có cảm tưởng như ảnh xa lắm. 🙂
Thấy trên mạng mấy hôm nay có nơi người ta kêu ầm lên là đã thấy dáng mùa Thu. Ở đây, liên tiếp mấy hôm liền trời nóng, cỡ chừng 31 độ C. Lâu ngày, tôi quen dần với độ F. Nói độ F. tôi biết nóng cỡ nào nhưng không nhớ con số tương đương với độ C. Bao giờ cũng phải làm toán đổi ra. Nóng liên tiếp mấy hôm, nhưng tuần trước cũng mát liên tiếp mấy hôm. Vậy mà mấy dây creeper đã đổi màu đỏ. Chiều hôm qua đi làm về, thấy trên sân có mấy chiếc lá đỏ rụng trên driveway. Sáng nay trời mát. Gió xôn xao trên đầu ngọn cây. Tôi nghe tiếng chim kêu tao tác vang trời, như thể cả đàn cả lũ chim rủ nhau thiên di. Nắng buổi sáng đã đổi màu, chừng như bảo với tôi thu sắp về rồi đó. Sắp thôi.
Liên tiếp mấy tuần nay, tôi rơi vào cơn lười biếng và hưởng thụ cơn lười biếng đến tận cùng. Chiều đi làm về trời nóng không nấu ăn, chỉ cần khui hộp cá, ăn với bánh mì. Làm thêm món salad với dưa leo, cà chua. Những ngày cuối tuần, tôi không hề bước chân ra khỏi cửa, nằm nhà xem phim. Có một phim không nổi tiếng, tôi mua ở thư viện, loại thải ra, một đồng một cuốn phim, tựa đề là “In the Valley of Elah.” Phim liên hệ đến cuộc chiến ở Iraq, diễn viên là Tommy Lee Jones. Tôi thích diễn viên TMJ, nam tính, thường đóng vai người hùng. Thích diễn viên này từ lúc xem một phim chẳng nhớ tên ông đóng vai cảnh sát đi bắt Harrison Ford bị gài bẫy tội giết người. Trong phim Valley of Elah, ông đóng vai Frank Deerfield cựu MP thời chiến tranh VN đi tìm đứa con, (Mike Deerfield) quân nhân đi đánh trận ở Iraq, trở về Mỹ thì mất tích. Tác giả của truyện là Mark Boal, đã viết phim truyện The Hurt Locker và một cuốn nữa tôi không nhớ tên. Viết về chiến tranh Iraq, Mark Boal viết rất hay. Đáng chú ý hơn cả Tim O’Brien viết về chiến tranh VN. Phim có những câu làm tôi chú ý. Thí dụ như, Frank nói, “người ta không chiến đấu bên nhau (đồng sinh cộng tử) rồi sau đó giết nhau.” Rồi đến Charlize Theron nói, đại khái, “ông lầm rồi, cuộc chiến của ông (VN) là hồi thời xưa còn cuộc chiến này khác lắm.” Tôi thấy cái dở hơi của tôi. Tôi khó mà xem một cuốn phim hay đọc một cuốn sách mà chỉ xem suông, đọc suông, không phân tích tỉ mỉ, so sánh cái nọ cái kia. Nhiều khi tôi chỉ muốn thưởng thức một cuốn sách, một cuồn phim, mà không suy nghĩ gì về nó. Nhưng như là bị ếm, bị trù rủa, tôi cứ xé to xé nhỏ. Tôi không thể xem phim chiến tranh mà không nghĩ đến chiến tranh VN. Cũng như hôm qua thấy ảnh một đứa bé Syria chết đuối, trôi dạt vào bờ biển tôi không thể không nghĩ đến số phận không may của những người vượt biển cùng thời với tôi. Ngày ấy, không có internet, người tị nạn không thường được đọc (và đọc được) báo chí tiếng Anh. Không biết bao nhiêu xác người trôi dạt vào bờ biển Thái, Mã Lai và xa hơn nữa là Phi và Nam Dương? Xót xa!
Có cơ hội để lười biếng tôi tận hưởng cơ hội này. Tôi xem hết một loạt bảy phim (thật ta là tám phim vì cuốn chót được chia thành hai phim) Harry Potter. Dù giới phê bình văn học, nhất là ông Harold Bloom chê văn của bà Rowling, tôi thấy loạt phim này rất hay. Tôi đang tự hỏi liệu tôi có nên đọc loạt truyện Harry Potter. Tôi thấy cuốn cuối cùng dày quá tôi ngán ngẩm. Đa số bạn bè người quen của tôi đều nói hễ đem so truyện với phim, truyện thường hay hơn. Ban đầu tôi cũng đồng quan niệm nhưng bây giờ tôi dần dần đổi ý. Tôi nghĩ, mỗi thứ có cái hay riêng của nó. Bỏ qua những phép màu xuất hiện tiện lợi và dễ dàng cho nhân vật. Rowling viết truyện với plot và structure rất chặt chẽ. Truyện của bà chứa đựng rất nhiều chi tiết lịch sử và huyền thoại, đòi hỏi một sự sưu tầm và biên khảo mất nhiều công. Bà xây dựng nhân vật rất tỉ mỉ, mỗi nhân vật một cá tính với chiều sâu của tâm hồn. Đặc biệt là nhân vật Giáo sư Snape. Cái hay của Rowling là bà giữ được sự chú ý của người đọc cho đến cuối truyện. Suốt mấy cuồn phim Snape biến chuyển từ người tốt sang người xấu sang người tốt. Và cái mối tình thăm thẳm suốt đời của Snape (với cái bộ vó Gothic của ông ta) làm tôi thấy Rowling là một tiểu thuyết gia đại tài, có lẽ tương đương với Kim Dung. Tình bạn, tình yêu, thù hận, độc tài, độc ác, có biết bao nhiêu diễn biến tình cảm trong bộ phim dựa vào truyện của Rowling. Xem phim rồi bây giờ tôi muốn so sánh, bà đã viết như thế nào mà phim làm như thế ấy. Thì giờ eo hẹp mà sách hay nên đọc thì vô cùng vô tận.
Tôi tin rằng đọc cũng có nhân duyên. Tôi đọc On the Road dở dang. Thấy những điều ông ta viết về niềm tin về Phật Giáo và Thiền là một mớ văn vô nghĩa. Một anh nhà văn Mẽo rong chơi lang thang, đọc một ít tư tưởng Zen thấy có những câu khó hiểu gần như trái ngược nhau nên anh cũng spin một phát. Cộng thêm mấy người bạn cũng to mồm với văn chương khó hiểu, họ tạo thành một thứ trường phái Beat Generation. Dĩ nhiên tôi chỉ là một bà già nhà quê chẳng biết gì về văn chương, nhưng tôi cũng có quyền nhận định theo cái kiểu không biết gì của tôi. Nhưng nhân duyên làm sao mà tôi gặp người ta đem bỏ mấy cuốn sách viết về Jack Kerouac. Tôi nhặt sách về đọc lướt vài trang.
“Desolate Angel – A Biography Jack Kerouac, The Beat Generation and America” của Dennis McNally. Thích hay không thích, sách tìm đến mình, hay mình tìm thấy sách. Có sách thì đọc, không thích thì thôi, tôi có thể mang sách đem trả lại chỗ tôi tìm thấy cho người khác đọc. Tôi buông bỏ nhiều lắm rồi, vì đường thì xa, tuổi thì già, sức thì yếu, càng bỏ buông cho nhẹ càng dễ đi. Tôi cũng nhận ra rằng văn không còn là duyên nghiệp với tôi nữa. Vì tôi không còn thèm viết đến độ nếu không viết thì không ngủ được hoặc chết. Dưới đây là một trích đoạn tôi tìm thấy trong quyển sách, trang 195, ấn bản 1990 Delta Books, New York.
“He was, he said, a “jazz poet blowing a long blues in an afternoon jam session on Sunday. I take 242 choruses, ideas vary, roll from chorus to chorus.” A chorus was defined only by the size of his notebook page, and otherwise he simply tried to direct the flow of his mind onto paper, its twists and turns, sketching his senses, sometimes dictating pure sound. Some of the choruses were parody and three – number 52 through 54 – were Garver’s own junked-out talk. Jack’s mind coursed over images of Corso, Burroughs, maps, and rivers, and belief, “in Jesus, Buddha, St. Francis, Avalokitesvara.” He touched on Gerard and doves, baptism and the path of the spiritual seeker: “No direction to go/(but) (in) ward.”
Thấy người ta tô màu đẹp tôi cũng bắt chước. Không phải cứ bắt chước là xong. Tôi download bức tranh của Monet trên trang Wikipedia. Tôi có mua sơn dầu nhưng ngại mở ra dùng chẳng đến đâu bỏ dang dở, nhớp nháp màu sẽ khô hết nên thử bút màu. Kết quả là như vầy:
Tôi thấy người ta chụp ảnh mặt trăng. Tôi cũng dựng tripod và chụp. Kết quả là như vầy.
Well, well. Mấy cái lá của cây sồi trông giống người dơi không? Không hẳn là thất bại, chỉ là chưa thành công 🙂
Buổi sáng tôi đọc báo địa phương, thấy có hai tin quan trọng xảy ra ở Wagnutch, thành phố bên cạnh cách nhà tôi chừng nửa giờ lái xe. Đây là một khu vực của những người giàu có. Tin một cô gái Việt chạy trần truồng ra đường ban đêm, vừa chạy vừa khóc. Vì cô nói tiếng Anh không mấy trôi chảy nên cảnh sát tìm người thông dịch. Cảnh sát đang điều tra và kêu gọi ai có biết thêm chi tiết gì thì gọi đến vào số đặc biệt. Có hai người làm việc trong nhà hàng vào giờ cô gái cáo buộc bị chủ xâm phậm. Chưa có tin chính thức từ Cảnh Sát nhưng phóng viên dọ hỏi chung quanh tìm ra một số chi tiết. Cô gái cáo buộc người chủ nhà hàng Thành Đô 1 tìm cách cưỡng bức cô và có hai người Việt làm chung chứng kiến. Hai người Việt lúc đầu từ chối phỏng vấn nhưng khi Cảnh Sát điều tra thì họ xác nhận điều cô gái khai báo. Phóng viên cũng xác nhận là chủ nhà hàng Thành Đô 1 đang được điều trị ở bệnh viện vì nhiều vết trầy xước do mèo cào.
Tin thứ nhì là một tin giết người. Người quản lý của nhà hàng Cây Liễu Mù trong khu rừng Great Oaks đã trộm cắp tiền của nhà hàng. Qua hình ảnh thu được từ máy thu hình tự động, người ta cho tháo nước hồ nhân tạo để tìm xác nhân viên giúp việc của nhà hàng. Người giúp việc trong nhà hàng đang quét dọn đóng cửa nhà hàng tình cờ đi ngang chỗ cất giữ tiền vào đúng lúc gã quản lý đánh cắp tiền. Vì sợ bị tố cáo nên gã cướp bắt người giúp việc uống rượu say rồi bắt buộc anh ta xuống hồ để anh ta vì say mà chết chìm. Trong phim có hình ảnh của hai con mèo. Máy thu hình đã được tắt nhưng có lẽ mấy con mèo vô tình bật nút máy quay phim.
Tờ báo nói thêm, có vẻ như mèo hoang đang làm lộng ở thành phố Wagnutch. Người ta tìm bắt hai con mèo để đưa vào trại nuôi mèo hoang nhưng chúng biến mất.
@ @ @
Tin cô gái Việt bị gã Tàu xâm phạm tiết hạnh làm tôi thấy buồn. Dù người Việt sống ở nước Mỹ mấy mươi năm, rất nhiều người trở nên giàu có, thế mà không có tổ chức người Việt nào đứng ra giúp đỡ những người Việt nghèo, ít học, kém tiếng Anh về mặt pháp lý. Tôi cũng nghĩ đến việc gắn một ít tờ rơi có hình Nora để xem có ai nhìn thấy con mèo của tôi, à nói nhầm, của con tôi.
Ghi chú: Truyện ngắn này đã đăng trên Gió O, chia thành 2 phần. Tiểu Thư Nora và Chàng Lãng Tử phần 1, phần 2. Tôi thấy dài quá nên cắt thành ra nhiều đoạn với hy vọng độc giả không thấy dài quá mà ngán.
Rồi có một ngày Tiểu Thư bỗng dưng đổi ý. Nàng cảm thấy hối tiếc là đã quá chính chắn, không biết yêu một cái gì đó hay thèm một cái gì đó đến độ say đắm điên cuồng như những con mèo khác. Nàng cảm thấy cuộc sống của nàng quá đầm ấm nên trở thành nhàm chán như một ao nước đọng. Khi Lãng Tử kể những chuyến phiêu lưu, chạy hết tốc lực băng qua đồng cỏ để rượt sóc và nai, Tiểu Thư tự hỏi đồng cỏ là cái gì, hình dáng ra làm sao. Khi Lãng Tử nói về những ngôi nhà cao tầng, những chuyến xe lửa, đi máy bay đến một thành phố khác, qua cầu, băng ngang đường cao tốc, xem người ta ca hát đánh đàn giữa đường phố, Tiểu Thư muốn biết đường cao tốc, nhà cao tầng, thành phố, tất cả những danh từ này rất xa lạ với Tiểu Thưể hình dung ra những điều xa lạ này và vì thế nó trở nên hấp dẫn với nàng.
Lãng Tử nói:
– Những khi sợ hãi tột độ, anh biết cách tàng hình. Anh có thể đứng trước mặt loài người mà họ không nhìn thấy anh.
Khi Tiểu Thư đòi xem chàng biểu diễn cách tàng hình thì Lãng Tử bảo rằng chờ gặp lúc thuận tiện. Tiểu Thư cười, thầm bảo rằng anh này nói khoác. Bây giờ Tiểu Thư rủ rê Lãng Tử đưa nàng đi xem thế giới thì chàng từ chối. Lãng Tử đã bắt đầu thấy yêu cuộc sống dễ dàng này. Muốn ăn, chàng không còn phải đi đào bới thùng rác nữa. Chỉ cần nằm chờ dưới cái bàn thủy tinh trên sàn gỗ, liếm mép liếm mồm ra vẻ đói khát là bà cụ cho chàng ăn. Chỉ cần chàng dậy sớm đứng ca hát nghêu ngao dưới cửa sổ là bà cho chàng ăn. Mãi đến khi cô chủ của Tiểu Thư đi làm ở xa, Tiểu Thư muốn đi tìm cô chủ để thăm cho đỡ nhớ và cũng để biết một đời sống khác với cuộc đời sống nàng đang sống. Một buổi tối, sau khi ăn, Lãng Tử chạy về ổ của chàng để ngủ, Tiểu Thư lén chạy theo.
Lãng Tử sống chung với một bầy mèo hoang ở trên một bãi đất hoang gần tiệm bán gạch men bóng xây tường và nền nhà. Đa số mấy con mèo tụ tập ở đây đã từng có chủ, tuy nhiên chủ nuôi một thời gian đâm chán rồi đuổi chúng ra khỏi nhà. Loài mèo thường rất sợ tiếng động nên chủ chỉ cần không cho ăn, tạo tiếng động lớn, lấy chổi lấy cây đánh dọa vài ba lần là mèo sợ không dám trở về. Sống chung với nhau ở bãi hoang, ban ngày lũ mèo tự đi kiếm ăn, tối tụ tập nhau trò chuyện ca hát, làm tình, chửi bới nhau. Trời nóng khô thì dễ, cứ đụng đâu nằm đó. Trời mưa lạnh thì mỗi con tự tìm chỗ trú và không con nào khai thật chỗ ăn chỗ ngủ của mình. Không muốn Tiểu Thư khám phá ra chỗ ở của mình, cũng không muốn những con mèo hoang khác biết Tiểu Thư và chỗ ở của nàng, và cũng vì Tiểu Thư cương quyết đi theo mùi hương của cô chủ Lãng Tử đồng ý đi với nàng. Lòng thầm nhủ đi được một đoạn đường ngăn ngắn sẽ tìm cách dẫn nàng quay trở lại. Tuy nhiên mưa lớn quá làm trôi mất mùi hương và hai đứa lạc đường. Và bây giờ Tiểu Thư nằm đây, bất động.
@ @ @
Lái xe trở lại vào đến sân nhà hàng, gã da trắng nhìn thấy con mèo trắng đen ngồi gần cửa hầm dẫn vào nhà hàng. Cửa vẫn còn mở toang. Tên bồi bàn người Mễ sau khi bị bắt uống thật say đã chìm dưới lòng hồ nên chẳng còn ai đóng cửa. Gã vào nhà hàng đến chỗ gắn cái máy quay phim tự động. Ban quản trị nhà hàng đã gắn cái máy này mấy tháng trước vì nhà hàng cứ bị mất trộm tiền, nhất là sau một tiệc lớn như đám cưới hay dạ vũ mừng sinh nhật. Con mèo trắng đen nhìn thấy gã đàn ông nhưng không có ý gì sợ hãi muốn bỏ chạy. Dường như nó muốn bảo vệ xác của một con mèo tam thể nằm lấp ló dưới bụi hoa rhododendron. Gã da trắng thấy ghét mấy con mèo hoang này. Gã bước đến gần, chộp cổ con mèo trắng đen. Ông sẽ xé xác mày, gã thầm nghĩ. Con mèo chờn vờn rồi nhảy bổ vào tấn công hắn làm hắn điên tiết. Hắn chụp lấy con mèo dùng hết sức lực vặn cái đầu của con mèo từ trước ra sau. Tiếng xương cổ gãy nghe răng rắc. Cùng với tiếng kêu răng rắc, có tiếng nổ nhỏ bụp bụp, như tiếng pháo lép, con mèo tự nhiên biến mất như một làn khói. Sững sờ. Gã đàn ông xòe hai bàn tay ra nhìn rồi ngơ ngác tìm kiếm chung quanh. Cho là mình mệt mỏi và thần kinh bị căng thẳng quá độ nên nhìn thấy ảo tưởng. Hắn cúi người nắm hai chân sau của con mèo tam thể. Đột nhiên con mèo oằn người nhỏm dậy khi hai chân vẫn còn trong bàn tay của hắn. Đôi mắt mèo đỏ rực như bốc lửa. Kẹp con mèo vào giữa hai chân hắn vặn xiết cố bẽ gãy lưng con mèo. Con mèo tam thể khá béo tốt nên hắn dùng hết sức lực mà con mèo vẫn còn cựa quậy mãnh liệt. Bộp. Bộp. Hai tiếng nổ nhỏ như tiếng mấy cái bọc cao su bị bóp vỡ ra, con mèo tam thể cũng biến mất. Có lẽ tại vì mình không uống thuốc trị thần kinh mấy tuần nay nên mức độ nhìn thấy ảo tưởng càng lúc càng tăng. Bây giờ ma có hiện ra đầy nghĩa địa gã cũng chẳng tin là có thật, tất cả là ảo tưởng phát sinh từ trong đầu của gã. Mấy con quỷ mèo này không thể làm hại mình.
Gã quay trở lại cửa hầm vào bên trong để kiểm soát và phi tang cuồn phim trong máy thu hình tự động. Nhưng chưa đến cửa thì đã thấy hai con mèo ngồi hai bên như canh giữ cửa hầm. Chỉ trong chớp mắt, hai con mèo to lên như hai con sư tử, và nhà hàng teo nhỏ lại. Hắn đứng khựng trố mắt nhìn hai con mèo càng lúc càng to lên như hai căn nhà cao tầng và ngôi nhà hàng càng lúc càng nhỏ nằm giữa hai con mèo như một món đồ chơi. Sau lưng hai con mèo và ngôi nhà hàng bỗng dưng xuất hiện một vầng sáng như một mặt trăng vĩ đại to gấp bốn năm lần hai con mèo. Vầng sáng tỏa ra một màn khói đỏ như lửa cháy. Hai con mèo đứng lên bước tới. Gã da trắng hớp không khí giống như một con cá mắc cạn. Gã quay đầu ù té chạy, lên xe, phóng bạt mạng. Chập sau có tiếng xe thắng rít và một tiếng động lớn như tiếng xe tông vào rào cản trên đường cao tốc. Lửa bốc cháy và sự im lặng trở lại với khu rừng.
Khi Lãng Tử khen Tiểu Thư đẹp, Tiểu Thư tin là chàng nói thật. Ít có cô gái nào đẹp mà không biết là mình đẹp. Nàng biết mình có bộ lông ba màu, trong khi đa số loài mèo lông chỉ có một hay hai màu. Nhưng khi Lãng Tử bảo rằng chàng yêu văn hóa Việt và thích có người yêu Việt thì Tiểu Thư nghi là chàng chỉ muốn cưỡi lên lưng nàng. Gia đình người chủ nuôi Tiểu Thư là người Việt, nhưng điều đó không có nghĩa Tiểu Thư cũng là người Việt, hay nói cho đúng là mèo Việt. Có thể nói ngoài cái bộ lông có chút xíu màu vàng, Tiểu Thư chẳng có chút gì là thuộc về giống da vàng cả. Tiểu thư ăn thức ăn Mỹ, thở không khí Mỹ, kêu theo lối Mỹ, meow meow, chứ không ngao ngao hay meo meo như mèo Việt. Khi một con mèo Mỹ nói yêu văn hóa Việt, thì hãy cảnh giác. Rất có thể chàng mèo mặc bộ áo tuxedo có cái nơ đen trên cổ áo trắng này chỉ muốn được ân ái một con mèo Việt. Ân ái với mèo Việt có khác với ân ái với mèo Mỹ không? Ai mà biết! Mèo nhà Mỹ nhiều khi là giống mèo sang trọng, lông trắng như tuyết, hoặc là loại mèo Xiêm, quí phái kiêu kỳ; một con mèo mả gà đồng trôi sông lạc chợ như Lãng Tử dễ gì chạm vào cành vàng lá ngọc. Lãng Tử cố gắng chinh phục Tiểu Thư bởi vì theo chàng, nàng như một đóa hoa nở gần mặt đất dễ hái hơn.
Tiểu Thư không chút rung động trước những lời tán tỉnh của Lãng Tử. Cô chủ lớn Ách Cơ, từ lúc Tiểu Thư chưa đầy tuổi, đã mang Tiểu Thư đến bác sĩ để đoạn sản. Cũng vì đã đoạn sản nên đầu óc Tiểu Thư rất tỉnh táo, không bị những chất kích thích tố nữ trong người hành hạ làm nàng thèm muốn ái tình. Lãng Tử thì khác, vì là mèo hoang chưa giải phẫu chấm dứt đường tình ái nên Lãng Tử còn mê gái đến phát cuồng. Bất kể nửa đêm hay giữa trưa, lên cơn động tình là Lãng Tử mon men đến nhà nàng tán tỉnh. Không thấy bóng dáng nàng ngoài sân, Lãng Tử đến ngồi dưới chân tường, ngẩng đầu về phía cửa sổ, serenade Tiểu Thư bằng cái giọng của mèo hoang. Lãng Tử chọn một bài hát tiếng Việt:
– […] Rồi hết một mùa đông. Gió bên sông thổi mãi. Qua rồi mùa ân ái. Qua rồi mùa ân ái. Em ngồi trong song cửa. Anh đứng dựa tường hoa. Nhìn nhau mà lệ ứa.[…].
Lãng Tử ngồi chồm hổm, hai chân trước lông trắng toát chống thẳng, đầu ngẩng cao, cái đốm đen trên mặt dường như lan ra to hơn, bộ râu trắng dày mỗi bên có cả sáu chục cọng râu, múa may, cao giọng mèo ngao. Tiểu Thư nhẹ nhàng nhổm dậy, vuơn vai dãn lưng, thật ẻo lã. Thò đầu ra ngoài vuông cửa lưới, nàng nói khẽ:
– Im nào! Ai lại đi kêu gào giữa trưa như thế này, Nghe khiếp quá đi thôi. Đằng ấy hát gì mà chỉ nghe mấy chứ quaaaaa, nhauuuu, muaaaaa, thảo nào loài người chẳng chế nhạo chúng ta hát như mèo gào. Tiểu Thư nhẹ nhàng vuốt má, lau mồm, và dịu dàng xoa lỗ tai của nàng. Điệu đàng và đỏm dáng như những cô thiếu nữ vuốt tóc và xoắn xoắn mấy sợi tóc bay lạc.
– Gì mà chê rậm rề như thế cưng. Các cô mê anh nhất là giọng hát. Đặc biệt là khi anh hát bài tủ của anh. “Memory turn your face to the moonlight…” Chưa hết bài này Lãng Tử tiếp tục sang bài khác. “Did you see the lights. As they fell all around you. Did you hear the music. Serenade from the stars.”
– Thôi, chàng làm ơn để hàng xóm nghỉ ngơi. Không khéo họ lại gọi cảnh sát than phiền chúng ta dùng âm thanh quấy rầy hàng xóm. Anh có serenade cho mấy thì em cũng chẳng bỏ nhà theo anh đâu. Chi bằng anh ở lại đây với em cho rồi. Bà chủ của em xem chừng đã mê anh tít thò lò kia kìa.
– Anh không hiểu vì sao em cứ bám víu vào cái gia đình này. Nhìn thì tưởng cuộc sống của họ êm đềm hạnh phúc lắm, nhưng thật ra tâm hồn của họ khô cạn lắm rồi. Họ sống bao nhiêu năm trời không có tình yêu. Họ là những người không biết yêu thương là gì.
Tiểu Thư nhỏm dậy vuơn vai ngáp.
– Tình yêu là cái gì? Bà chủ cho em ăn một ngày hai lần. Em muốn ngồi vào lòng bà lúc nào cũng được. Cô chủ luôn tìm cách bế em lên tay và em cứ phải né tránh cô nàng vì em không thích bị nhấc lên khỏi mặt đất. Ông chủ thì kiên nhẫn mở cửa cho em, nếu em lưỡng lự đổi ý không ra khỏi cửa thì ông im lặng đứng chờ. Gia đình chủ không cãi nhau đánh nhau, dù ít khi trò chuyện với nhau. Không đánh nhau thì có yêu nhau không? Yêu nhau là phải như thế nào?
– Yêu hả? Yêu thì giống như anh yêu em vậy. Lúc nào cũng muốn có em bên cạnh để nhìn em ngắm em, để được ôm em vào lòng, để em cõng anh lên lưng. Yêu phải được diễn tả bằng hành động.
– Em không cần có một tình yêu giống như tình yêu của anh. Yêu là cách loài người, gia đình chủ của em, nuôi nấng chăm sóc em. Họ đối xử với em rất dịu dàng và luôn nâng niu em.
– Họ nuôi em, săn sóc em, nâng niu em, không phải là vì họ yêu em, mà là họ cố chinh phục tình cảm của em để được em yêu họ.
– Nhưng chinh phục em được em yêu thì họ có lợi gì cơ chứ?
– Chẳng có lợi gì cả, may be là giảm stress thôi, nhưng họ là loài người vì thế họ cần được yêu thương. Càng ngày cuộc sống càng đẩy họ xa nhau, họ ít khi bày tỏ tình cảm với nhau, vì thế được một con mèo bày tỏ lòng yêu thương với họ, họ vui mừng lắm.
– Em không tin là loài người không biết thương yêu. Chỉ có những người không biết bày tỏ tình yêu của họ thôi. Và mỗi người có một cách bày tỏ tình yêu khác nhau. Mình không nhận thấy không có nghĩa là họ không có.
Tiểu Thư nghe Lãng Tử nói thao thao bất tuyệt, trong lòng nghi ngại chẳng biết có nên tin lời chàng ta hay không. Lãng Tử nằm duỗi dài trên sàn gỗ, sưởi ấm dưới ánh nắng chiều. Trông chàng thoải mái dễ chịu như cái sàn gỗ này chính là nhà của chàng.
Trầm giọng, Lãng Tử nói thêm, giọng chàng nghe rù rù như tiếng chim bồ câu kêu trên mái nhà.
– Thấy bà chủ của em không, già nua, quê mùa, trong gia đình này bà là người cần được nhận nhiều cử chỉ yêu thương mà chẳng ai ban phát cho bà. Bởi vậy anh chỉ cần ra công dụ bà một chút là bà xiêu lòng ngay. Bà thức khuya dậy sớm, cứ trông ngóng anh đến để cho anh ăn, để được anh ban phát cho một chút ân tình. Anh biết bà muốn anh đến gần để bà được vuốt ve nựng nịu anh. Bà làm thế để mua chuộc trái tim anh. Anh cẩn thận, mỗi ngày chỉ ban phát cho bà một ít yêu thương. Càng kéo dài sự cút bắt tình yêu, bà càng cho anh ăn nhiều món ngon. Nhưng anh không cần tình yêu của bà. Anh cần tình yêu của em. Thế giới loài người, chủ của em, khô cằn chật hẹp quá. Anh đi nhiều nơi, qua nhiều chỗ lạ, học được nhiều văn hóa, ăn được nhiều món ngon, xem được nhiều cảnh đẹp, nhờ thế anh là người có văn hóa cao, xứng đáng để tự xưng mình là nhà trí thức.
Tiểu Thư nở một nụ cười thật đẹp:
– Xin kính chào nhà trí thức mèo hoang. Tuy ăn nhờ ở đậu vào lòng nhân của người khác nhưng lúc nào cũng cảm thấy mình vênh vang sang trọng.
Lãng Tử quan sát căn nhà của Tiểu Thư rất lâu. Đó là một căn nhà sơn trắng cũ và xấu nhất trong xóm. Trước nhà có một bụi thông ở gần cửa ra vào và một bụi trúc nhỏ ở cuối đường dẫn vào nhà xe. Sau nhà có cái sàn gỗ thấp rất cũ, đóng đầy rêu sắp mục rã, chiều cao cách mặt đất chỉ một bước chân. Trên cái sàn gỗ này có một cái bàn, mặt bàn làm bằng thủy tinh và bốn cái ghế chân sắt lưng dựa bằng lưới nhựa mỏng màu trắng. Màu trắng là lúc mới mua, chứ bây giờ thì nó có một màu xám xỉn xỉn của rêu bám. Cái bàn để đó mà chẳng có ai ngồi. Cạnh cái sàn gỗ là hai ba cái thùng đất để trồng rau thơm, và một cái thùng recycle (chứa chai thủy tinh, chai nhựa, lon nhôm, giấy báo để được chế biến thành sản phẩm tái sử dụng). Trước kia, thùng recycle là loại thùng thấp không có nắp đậy nên thỉnh thoảng tôi nhảy vào thùng lục lọi tìm thức ăn thừa. Bây giờ thành phố bắt phải dùng thùng cao có nắp đậy hẳn hoi. Thùng cao, từ trên sàn gỗ tôi có thể nhảy lên nắp thùng dễ dàng, nhưng nếu lỡ rơi vào trong thùng thì có thể bị giam luôn trong ấy. Hừ! Hừ! Lãng Tử rùng mình sợ hãi cái viễn ảnh bị giam cầm.
Lãng Tử nhìn thấy Tiểu Thư nhiều lần trong nhà này. Có khi nàng nằm dưới bụi thông phía sau cái băng ghế nhỏ, có khi nằm trong bụi trúc, để tránh nóng và để bắt chim. Lúc ấy có một con mèo mướp, lông màu xám nhạt có sọc màu xám đậm cũng hay lởn vởn quanh nhà này và lần nào Tiểu Thư nhìn thấy cũng sửng cồ sẵn sàng tấn công. Lãng Tử cũng nhìn thấy Tiểu Thư nằm ở khung cửa sổ phía trước nhà, lơ đãng nhìn ra đường. Thường khi nàng uyển chuyển yểu điệu ra vào từ khung cửa sổ phía sau. Nói thì thành ra mèo khen mèo dài đuôi nhưng Lãng Tử thích dáng đi của loài mèo, thong thả, nhẹ nhàng, và quí phái. Người không thích mèo có thể cho là mèo có vẻ thâm hiểm luôn luôn rình rập giấu diếm móng vuốt sau bàn tay mềm mại. Nhưng Lãng Tử là loài mèo, thích dáng dấp một con mèo khác phái thì cũng là bình thường thôi.
Ngay bên ngoài cửa sổ là phần nhô ra của cái máy lạnh nhỏ gắn trên tường. Tiểu Thư thường ngồi trên cái máy lạnh, ngắm tuổi xuân của nàng trôi theo đám mây lờ lững bên trên khu rừng nhỏ sát sân sau. Tiểu Thư, như Jenifer Lopez trong phim Shall We Dance, ở bên trong cửa sổ nhìn ra, và Lãng Tử giống như chàng tài tử đẹp trai Richard Gere từ ngoài nhìn vào. Một người dường như tìm kiếm cái gì đó ở cuộc đời bên ngoài để lấp đầy sự trống vắng đơn độc bên trong tâm hồn mình. Một người đứng ngoài nhìn vào thế giới bên trong cố tìm kiếm một sự thân thiết đầm ấm để bôi xóa cảm giác lạc lõng xa lạ trong xã hội mình đang sống. Nhà này có ba bốn người vào ra. Buổi tối có nhiều người thức khuya, ông chủ và cô chủ. Chủ ở đây là chủ nhà chứ Lãng Tử là người sống lang bạt không tôn thờ ai là chủ nhân cả. Tiểu Thư thường xuất hiện ở khung cửa sổ trên lầu, ẩn sau chậu hoa quỳnh rậm lá. Nàng Tiểu Thư này nằm khắp nơi, hầu như bệ cửa sổ nào nàng cũng có thể nằm được. Còn bà chủ thì xuất hiện những giờ bất thường trong đêm khuya.
Sau khi quan sát nàng cẩn thận trong một thời gian, Lãng Tử băng ngang sàn gỗ ở sân sau, tiến sát đến cửa sổ, cất giọng ngọt ngào:
– Hello cưng!
Đúng như dự đoán của chàng, Tiểu Thư sừng sộ, lông cổ nàng dựng đứng, nhe nanh, mồm phát ra tiếng khè khè sssiiìì, sssiiìì, giận dữ. Chàng đã từng nhìn thấy nàng phản ứng với con mèo mướp như vậy và nàng chỉ hung dữ một thời gian ngắn lúc ban đầu thôi. Sau cơn giận dữ thì nàng hay làm ra vẻ dửng dưng. Đã biết thế nên chàng không nao núng.
– Ai là cưng? Ở đâu đến đây, có quen biết không mà cưng với không cưng.
– Thôi mờ Tiểu Thư, lên mặt với anh làm chi?
– Hử? Ai là Tiểu Thư. Chủ tôi gọi tôi là Nora.
– Nora là cái quái gì?
– Cô chủ lớn của tôi, người mang tôi về nhà này nuôi, tự xưng mình là nhà nữ quyền. Nora là tên của một nhân vật trong The Doll House.
– Chà, gia đình này văn vẻ quá heng. Hợp ý với anh lắm đó nhen. Anh thích giới trí thức, giòng họ nhà anh toàn là dân trí thức không à! Gọi em là Tiểu Thư vì nhìn em giống tiểu thư, đài các, có bộ lông mượt mà. Nhìn bộ lông của em là biết nhà này cưng em lắm. Mà nè em ơi, Nora là một phụ nữ không tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân nên cuối cùng bỏ nhà ra đi. Em có muốn bỏ nhà ra đi với anh không?
– Trời trời, gan cùng mình. Tự nhiên dám rủ người ta trốn nhà bỏ đi. Anh thử đưa ra một lý do tốt nhất đáng để tui bỏ nệm ấm chăn êm mà đi với anh.
– Lý do duy nhất là anh yêu em. Yêu vẻ đẹp Việt Nam của em. Và nhất là yêu nền văn hóa Việt Nam. Anh muốn em thuộc về anh suốt đời để anh được làm sở hữu chủ của một vẻ đẹp đài các như nét đẹp của cưng.
Tiểu Thư co hai bàn chân lại dịu dàng dấu cả hai chân dưới ngực, nghiêng đầu dựa lên cửa lưới, mặt hướng vào phía kệ sách, như để tránh ánh sáng chói chang từ bên ngoài. Nàng lim dim nhắm mắt mặc kệ Lãng Tử ngồi dưới chân tường như một chàng Romeo ngóng vọng lên lầu tìm Juliette.
Lãng Tử đến gần liếm nhẹ má Tiểu Thư để lay tỉnh nhưng Tiểu Thư vẫn nằm bất động. Không, nàng không thể chết được. Loài mèo có chín kiếp, nên chết đi có thể sống lại chín lần, nếu biết cách. Tiểu Thư vì sống với loài người từ lúc mới sinh ra đời không được học bí quyết này, vì bí quyết này chỉ được lưu truyền qua loài mèo hoang. Lãng Tử tha miếng thịt gà đến thả gần mũi Tiểu Thư, nàng vẫn không tỉnh dậy. Nàng chết đi thì mình là người có lỗi vì mình là người đã đưa nàng đi giang hồ. Lãng Tử gào lên. Tiếng mèo ngao của chàng vang lồng lộng trong đêm đầy vẻ ai oán. Chính cái tiếng mèo ngao này đã giúp chàng chinh phục Tiểu Thư.
@ @ @
Gã da trắng lao xe vào đêm đen. Sắp ra khỏi khu rừng vắng đến chỗ bắt vào đường cao tốc, gã chợt nhớ ra trong lúc đánh đuổi con mèo gã thấy đôi mắt con mèo lấp lánh ánh sáng màu đỏ. Chẳng lẽ đây là con mèo quỷ, nếu không tại sao mắt nó màu đỏ? Gã tự trấn an, mình chỉ bị căng thẳng thần kinh quá đó thôi. Mèo hoang ấy mà. Thời buổi khoa học này làm gì có chuyện ma quỷ. Chiếc xe chạy vun vút trong đêm, hai bên đường cao tốc là hàng cây tăm tắp đầy bóng tối. Ánh sáng từ đèn xe chỉ đủ soi sáng một khoảng đường gần.
Gã bỗng nhìn thấy hàng chục đôi mắt màu xanh trong bóng tối. Đến gần gã nhận ra đó là những đôi mắt của đàn nai đang băng qua đường. Ánh đèn xe làm đàn nai sợ hãi đến độ bất động. Cần phải thoát khỏi khúc rừng này càng sớm càng tốt, không giảm tốc độ gã lao vào con nai nhỏ nhất. Con nai nhảy hoảng lên nhưng tránh xe không kịp nên bị góc phải của xe đâm trúng, văng vào vệ đường. Cái kính chiếu hậu bên phải bị gãy, rơi xuống mặt đường. Tiếng động khá lớn nên dù ngồi trong xe cửa kính đóng kín gã vẫn nghe thấy tiếng vang. Cũng may đường khuya vắng vẻ không có xe nào chạy ở phía sau hay ngược chiều. Vì va chạm mạnh xe của gã lủi qua làn xe ngược chiều, quay đầu về hướng ngược lại. Thắng xe lại. Gã xuống xe để kiểm soát sự hư hại của xe, và cũng để lấy lại sự bình tĩnh. Bóng đèn xe bị vỡ một bên. Gã lấy khăn tay ra lau trán, áo hắn ướt đẫm mồ hôi, vì sợ hãi.
Mắt đỏ. Mắt đỏ. Không phải mắt mèo màu đỏ, mà là ánh đèn của cái máy camera trong nhà hàng. Đây là lại máy tự động, nhưng gã đã tự tay tắt máy trước khi mở két tiền của nhà hàng. Nhưng tại sao cái máy lại khởi động trở lại?
Hắn lái xe trở lại hướng nhà hàng. Nếu thật sự đúng như hắn nghi ngờ cái máy thu hình hoạt động trở lại thì hắn phải tìm cách lấy cuộn phim và phá hủy tang chứng.
@ @ @
– Đừng bỏ anh một mình. Đừng bỏ anh một mình. Trời lạnh quá. Trời lạnh quá. Sao đành, bỏ anh một mình. Đừng bỏ anh một mình. Đừng bỏ anh một mình. Đường vào nghĩa trang mông mênh. Đừng bỏ anh. Vừa kêu gào, Lãng Tử vừa ngóng nhìn về cái nghĩa trang mộ cổ của người Do Thái. Người ta bảo mèo có họ hàng với quỷ ma nhưng Lãng Tử vẫn thấy sờ sợ dòng họ của chàng. Ngồi chồm hổm bên thân thể chưa lạnh của Tiểu Thư, Lãng Tử ứa nước mắt nhớ lại ngày mới quen.
Bàn làm việc của tôi ngó ra con sông. Dọc theo con sông này có đến ba bốn cái cầu quay. Buổi sáng mặt trời lên, những hôm gió nhiều sóng lấp lánh như ai rải kim cương lên mặt sông, càng nhìn càng lóa, dường như những con sóng nhảy múa nhiều hơn, sóng ánh sáng cứ như ùa vào mắt.
Sáng nay, tôi nhận được cái prompt update. Tôi lờ nó đi, nhưng nó không buông tha, cứ xuất hiện ở giữa trang lúc tôi đang đọc bất cứ cái gì. Cuối cùng tôi update to Window 10. Và trời ạ, tôi khốn khổ với cái window 10 này. Mấy cái software cũ tôi thường dùng bị nó suppress đi đâu mất hết. Tôi muốn dùng máy scan để scan ảnh nhưng không được. Tôi khốn khổ mày mò từ sáng đến giờ. Cuối cùng phải dùng máy của ông Tám để scan. Rồi sau đó phải khóa hết mấy cái features Microsoft muốn dùng personal info. Mất toi cả ngày. Tôi muốn uninstall hết tất cả mấy cái mới download nhưng lại sợ rủi mà nó đã xóa mất mấy cái cũ thì lại thêm mất công. Ai mà bị Microsoft dụ dỗ update Window 10 thì cẩn thận nhen. Đừng để bị giống như tôi.
Tôi vẫn ao ước có một cái macro lens để có thể làm nhòa nét và biến nó thành một bức họa trừu tượng. Thôi thì mơ ước cứ để đó mai mốt tính. Bận quá nên bỏ dang dở nhiều thứ. Tôi vẫn còn muốn viết phần chót loạt bài về hai con mèo Tiểu Thư và Lãng Tử. Tôi chưa hoàn thành bức tranh tô màu. Tôi vẫn còn đọc loạt sách viết về jazz và chưa biết mình muốn viết gì. Đọc nhiều quá nên tôi đã bắt đầu quên những thứ thu thập từ những quyển đầu tiên.
You must be logged in to post a comment.