Bobby đi lạc

Bobby đi lạc

Tôi gọi điện thoại cho Cá Linh, thăm con gái út vì thấy nó buồn. Công việc khó khăn hơn cô nàng dự đoán, lại ở xa nhà, thiếu bạn. Con nhỏ này giống mẹ ở chỗ ít khi dùng điện thoại để nói chuyện nên con không gọi thăm mẹ thì mẹ gọi thăm con.

“Suýt tí nữa là nhà mình có một con chó để nuôi.”
“Nghĩa là sao? Tại sao lại suýt tí nữa?”

Tôi kể vắn tắt cho Cá Linh nghe. Chủ Nhật qua, như thường lệ tôi và bố cô đi rừng. Hai ngày cuối tuần mỗi ngày chúng tôi đi chừng khoảng năm tiếng đồng hồ.

Tùy theo hướng đi, chỗ chúng tôi dừng lại để nghỉ chân thường là hai trạm. Hôm ấy chúng tôi ngừng ở Sky Top Picnic Area. Tôi ngồi nghỉ không lâu thì có một nhóm ba người, trẻ, Á châu đến ngồi ở bàn bên kia, khá xa. Họ bày fast food ra ăn. Hai người ăn trước, gọi người thứ ba, là một phụ nữ chừng hơn ba mươi. Cô này đến ăn sau vì mãi trông chừng một cậu bé nào đó. Tôi nghe cô gọi Bobby, Bobby, đến đây. Tôi ngồi quay lưng về hướng cậu bé nên nhìn thấy người đàn bà mà không nhìn thấy Bobby. Ăn xong chúng tôi thu dọn và đi tiếp. Ông Tám đi trước, tôi đi sau. Lấn quấn bên chân ông Tám là con chó nhỏ màu trắng. Bobby là tên của con chó này đây, tôi đoán ra. Mặc cho mẹ Bobby kêu réo, Bobby cứ đeo theo ông Tám, ngửi tay ngửi chân, và chạy lon ton dẫn đường. Bobby ngừng chỗ này một chút, chỗ kia một chút, thỉnh thoảng nhấc chân lên tè vào gốc cây này gốc cây kia như để đánh dấu. Khi chạy trước ông Tám, khi chạy sau, khi chạy bên trái, lòn qua bên phải.

Đoạn đường từ Sky Top Picnic Area sang Nature Trail Science Center đang lúc xuống dốc, tương đối dễ đi, cây cối không chằng chịt lắm, có khá nhiều cây thông cao. Mẹ Bobby đi theo vài bước cứ gọi Bobby comeback nhưng nó chẳng buồn đếm xỉa tiếng mẹ gọi mà cứ tung tăng chạy theo ông Tám. Bobby hoàn toàn chẳng chú ý đến tôi đi phía sau. Thỉnh thoảng Bobby chạy ngược hướng về phía tôi, tôi đoán nó sẽ chạy về với mẹ, nhưng không, nó lại đánh vòng, đuổi theo ông Tám. Ai nuôi chó thì cũng biết, cứ trông cái dáng của một con chó con chạy thật nhanh, đuôi cong tai cụp, dễ thương lắm.

Cuối con dốc qua khỏi rừng thông, con đường mòn rẽ tay mặt. Quẹo tay trái sẽ dẫn ra đường lớn. Quẹo một nhánh khác cỡ 45 độ bên trái thì sẽ dẫn về Felt Village. Đến đây tôi vẫn không thấy đám người đi tìm Bobby. Tôi đâm ra lo ngại. Bobby chạy về hướng Felt Village. Nếu nó đi lạc, nó sẽ khó mà tìm lối về, bởi vì nó chỉ là con chó con, chưa phát triển đủ khả năng săn hay đánh hơi đường về. Ông Tám tỉnh bơ dấn bước. Tôi ngồi xuống, đưa tay ra gọi con chó. Bobby Bobby come here. Bobby đã chạy khá xa sang hướng Felt Village nhưng nghe tiếng tôi và không nhìn thấy ông Tám nên chạy ngược lại. Nó không ngừng ở chỗ tôi mà lại chạy quấn bước ông Tám. Tôi nói.

“Mình mang con chó trở lại cho ba người đó đi. Chứ nếu nó đi lạc trong rừng này thì chỉ có chết. Trời lạnh rồi.”
“Chó của người ta thì để người ta lo. Đường mình đi thì đi. Sao lại lo chuyện của người. Chó của họ mà họ chẳng đi tìm, chẳng chạy theo thì thôi.”

Tôi không đồng ý với ông Tám, nhưng không nói gì. Chúng tôi lẳng lặng đi. Bobby tung tăng chạy theo dường như thấy cuộc đi chơi rất thú vị. Thỉnh thoảng tôi bế nó lên vì sợ nó mỏi. Ở cổ Bobby có tấm lắc có số điện thoại số vùng (area code) khác số vùng của tôi cũng như khu vực hiking.

“Có số điện thoại của chủ nó, mình gọi họ đi.” Tôi nói.
“Dù gì cũng phải đến Nature Science Center, đến đó rồi gọi họ đến nhận con chó. Ở đây giữa rừng có gọi họ cũng chẳng biết đường mà đến.”

Bobby bé lắm, nhỏ hơn cả Nora của tôi. Khi tôi bế nó lên tay nó liếm mặt liếm tay tôi, cũng không có vẻ gì đòi xuống đất. Tôi bế nó đi một chút thì thả nó xuống. Nó tung tăng chạy theo ông Tám, thỉnh thoảng ngừng, cào lá, ngửi, đào bới, phục người như rình, tôi kiên nhẫn đứng chờ. Thỉnh thoảng gọi nó nhắc chừng nó đi theo sợ nó lạc vào rừng. Bobby chỉ chạy theo đường mòn chứ không nhào vào bụi rặm như tôi lo ngại. Ông Tám nói, thấy nó khôn chưa, nó biết đường mòn mà.

Từ Picnic Area đến Trail Center đi bộ thong thả chừng một giờ đồng hồ. Tôi đi được nửa giờ thì nghe tiếng gọi la hét um sùm. Một người đàn ông Mỹ có con chó chạy xổng vào rừng. Ông tìm không thấy, kêu réo um sùm. Hỏi chúng tôi có nhìn thấy con chó con màu đen không. Con chó tên Molly. Chó khi vào rừng thường hay xổng chạy mất. Không hiểu tại sao, vì mùi rừng đánh thức bản năng săn bắn hoang dã hay vì nhiều người nhiều chó qua lại trên đường mòn làm tràn ngập khả năng đánh hơi của chó? Một lúc sau tôi nghe có tiếng chân phía sau, nhìn lại thấy hai người có vẻ là vợ chồng rất trẻ có dẫn một con chó loại pitbull cao lớn có dây xích cổ. Tôi nói với hai người.

“Ông bà giữ dùm con chó của ông bà. Phía trước có con chó nhỏ tôi sợ con chó của ông bà quật chết con chó nhỏ ấy.”
“Vâng. Vâng. Không sao đâu, con chó của chúng tôi thân thiện lắm.”
Nói thế nhưng họ cũng giữ chặt dây xích. Bobby nhảy bổ lại sủa con chó pitbull inh ỏi. Hai vợ chồng mỉm cười. Cả hai người đều rất trẻ, tuổi hơn ba mươi. Người chồng cao lớn như dân chơi football.
“Con chó không phải của chúng tôi. Nó bỏ rơi chủ của nó và chạy theo chúng tôi cả tiếng đồng hồ.”
“Thế à? Tôi cứ tưởng con chó là của ông bà.”

Cô vợ đưa dây xích chó cho anh chồng giữ. Cúi xuống bế Bobby lên tay, giọng cô trìu mến.
“Con đi lạc đấy à?”

Cô rút điện thoại ra, gọi số điện thoại đeo trên cổ Bobby, rồi bảo chúng tôi.

“Ông bà có thể đi trước, chúng tôi sẽ lo cho Bobby.” Cô nói.
“Dự tính của ông bà như thế nào?” Tôi hỏi.
“Chúng tôi sẽ mang nó đến Trail Center và chủ của Bobby sẽ đến đón.”

Chúng tôi đi, họ cũng đi. Cô vợ dắt con chó lớn. Anh chồng bế Bobby như bế một đứa con. Trông cái cách họ quán xuyến chuyện con chó tôi thấy cảm động. Hai người rất trẻ, có lòng nhân, thương thú vật. Họ biết ngay họ cần phải làm gì, và chẳng ngại ngần phải làm những công việc nằm ngoài kế hoạch của một ngày Chủ Nhật.  Họ đi rồi tôi tự hỏi mình. Họ mang con chó đến Trail Center, cũng cùng đường với mình, tại sao mình không làm chuyện này.

“Thấy chưa. Họ cũng làm đúng như anh nghĩ.” Ông Tám nói.

Chắc chắn là tôi không bao giờ có thể bỏ Bobby trong rừng. Tôi có nghĩ đến chuyện gọi người chủ của Bobby nhưng bản tính của tôi rất ngại tiếp xúc với người không quen. Tôi sợ, nếu như họ cố tình bỏ Bobby vào rừng vì không muốn nuôi nữa, họ sẽ không trả lời điện thoại, hoặc trả lời mà không nhận đó là con chó của họ. Tôi sẽ làm gì với con chó? Khi tôi bế Bobby lên tay, nó liếm má tôi, tôi đã có ý nghĩ là giữ con chó để nuôi, đúng là một thứ tà tâm.

“Tưởng là có duyên nợ với con chó nhưng té ra không có.” Tôi nói.
“Nợ nhiều hơn duyên.” Ông Tám nói.

Đã nhiều lần tôi nhìn thấy tôi mê mẩn nhìn những con chó nhỏ. Nora sẽ phản ứng như thế nào nếu tôi mang Bobby về. Tôi muốn đi chơi mà không ai trông chừng Nora, nếu có thêm Bobby thì sao. Bốn giờ sáng Nora đánh thức tôi, cho Nora ăn, cho Boyfriend ăn. Rồi tôi phải dẫn Bobby đi đồng. Khi bế Bobby trên tay, một chút xíu là tôi bảo tôi phải thả Bobby xuống đất. Nó chỉ cần hôn tôi vài ba cái là tôi sẽ phải lòng nó và tôi sẽ trở thành một bà già ăn trộm chó.

Kể Cá Linh nghe, một chút điểm tô cho một ngày Chủ Nhật yên lặng.

Ăn, đọc, xem, nghĩ

Ăn gì để không chết? Ăn gì rồi cũng chết!

Thú thật, tôi là người luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chết. Từ nhỏ đến giờ tôi chết hụt mấy lần. Kể từ sau khi vượt biên, ám ảnh về cái chết dường như nặng nề hơn. Tôi biết mạng sống con người mong manh lắm, nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Tuy nhiên không phải lúc nào chết cũng dễ. Có vài người tôi biết mỗi buổi sáng thức giấc vẫn than thầm mình vẫn còn sống à. Tôi cho là sau chuyến vượt biên, mỗi ngày còn sống là một ngày bonus; vì vậy, tôi cố gắng tận hưởng cuộc sống của mình trong giới hạn tôi có thể hưởng thụ. Nghĩ đến cái chết là bởi vì gần đây tôi đọc thấy bản tổng kết của WHO cho biết những món ăn có thể gây ung thư như hot dog, sausage, v. v… Tôi thấy upset tí tí. Tôi không thường ăn hot dog. Năm khi mười họa cả năm ăn hot dog chừng một hai lần, mỗi khi đang đi ngoài đường, đói bụng, thèm ăn mà không muốn vào quán. Lần nào ăn thì tôi cũng rất enjoy. Thêm vào nỗi khó chịu khi biết ăn hot dog có thể gây ung thư, là biết có hai hay ba phần trăm DNA của con người. Ngày xưa, người ta gọi cái xúc xích là hot dog là vì khi phân tích nội dung của xúc xích người ta thấy có thịt chó. Làm sao mà DNA của người lọt vào hot dog, người ta đổ mồ hôi, chảy nước mắt, nhổ nước miếng, hay tệ hơn nữa như tè vào đó? Chẳng lẽ khi người ta băm vằm thịt bằng máy người ta bị rớt ngón tay, cánh tay vào. Hay tệ hơn nữa có người bị giết và thủ tiêu vào trong đó? Tôi ớn quá từ nay không dám ăn hot dog hay sausage nữa. Mà sausage (dồi Ý) nấu theo kiểu Ý, chung với ớt ngọt (bell pepper), củ hành tây, sốt cà, ăn rất ngon nhé. Món này thì cả năm tôi cũng chỉ ăn một hai lần là cùng. Hay là kiêng ăn thịt luôn. Kiêng gì nổi. Hôm thứ Ba đi tập tài chí dù đã ăn trưa, ngang qua cửa hàng hamburger mới mở nướng bằng than bốc mùi thơm phứt tôi đã phải phấn đấu với mình là no rồi đừng có ham ăn mà mau chết.

Đọc gì lúc sau này. Game of Thrones vừa đọc vừa nghe đọc được hơn phân nửa quyển số một. Nghe nguyên bộ Shakespeare về bi kịch hài kịch lịch sử do một giáo sư trường Darthmouth College dạy, nghe hai lần mà chẳng nhớ gì hết vì nghe trong lúc lái xe đi làm, đầu óc lơ đãng. Tò mò đọc về kiếm Excalibur, Arthur, đọc vun vặt mấy quyển sách giáo khoa về văn học, truyện ngắn. Quyển The Story and Its Writer do Ann Charters biên soạn rất hay. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm về cách viết truyện ngắn do chính tác giả nói về tác phẩm của họ thì quyển này rất tuyệt, rất có ích. Dĩ nhiên không ai có thể dạy ai viết, như dạy ai cách làm tình. Đọc và nhận xét có thể rút ra nhiều kinh nghiệm viết có thể dùng cho chính mình. Điều đầu tiên mỗi người viết phải tự hỏi, mình muốn viết cái gì, mình có chuyện gì để kể. Tôi đọc xong quyển Moviemakers’ Master Class, trong đó các nhà đạo diễn “dạy” cách làm phim. Ngạc nhiên dành cho các bạn, có bài dạy của đạo diễn Vương Gia Vệ nói về phim In the Mood for Love. Người ta nói rằng sau khi xem phim này bạn sẽ ngạc nhiên là phim vẫn hay dù không có cốt truyện. Tôi đang đọc quyển sách của David Bellos, “Is That the Fish in Your Ear?” gặp một trang về dịch thơ rất thú vị để lúc khác sẽ nói.

Xem gì mấy tuần nay, nhiều quá không biết đâu mà kể. Đang tò mò về phim thể loại fantasy và kiếm tôi xem bộ phim Merlin. Tối qua xem xong Ex Machina. Phim này cùng thể loại với “Her.” Đối thoại khá trí thức, thứ trí thức của những người làm khoa học kỹ thuật, tôi không hiểu họ thật sự muốn nói gì, những điều họ nói có vẻ khoa học nhưng tôi không biết nó có dựa trên sự thật và nếu có thì bao nhiêu phần trăm hay đó chỉ là chữ to lớn nhưng không có ý nghĩa.

Nghĩ gì? Không nghĩ gì hết. Tôi nhồi nhét đủ thứ linh tinh vụn vặt vào cái đầu nhỏ bé và già cả của tôi. Mọi suy nghĩ cảm nhận đều bị nhận chìm trong một mớ hổ lốn tin tức, chi tiết. Tôi thèm có một thời gian yên tĩnh trong tư tưởng.

Nhất thiên chỉ

Trước nhất là xin cáo lỗi cái tật dốt hay nói chữ. Tôi không biết tiếng Hán Việt nhiều. Mớ tiếng Hán Việt năm thứ nhất Văn Khoa đã trôi theo dòng đời chỉ còn lại dăm ba ngữ vựng nhất nhị tam. Buổi trưa tôi đi dạo một vòng, chụp mấy tấm ảnh, như ngón tay chỉ vào trời xanh.

đỉnh nhà thờ

Đây là ảnh đỉnh nhà thờ Trinity Episcopal Church ở Newark, New Jersey. Hồi xa xưa tôi có dịch một quyển sách, tôi dùng chữ đỉnh nhà thờ, bị bắt lỗi. Nhà thờ làm gì mà có đỉnh, nóc nhà thờ chứ đỉnh cái gì. Thật ra nếu chưa nhìn thấy những nhà thờ như thế này, khó mà hình dung được nhà thờ sao lại có đỉnh.

Khi tôi chụp ảnh này có một người đi ngang, ngược chiều với tôi. Ông ta hỏi chụp cái gì. Chụp ảnh nhà thờ. Tôi nói xong vội vàng bỏ đi vì sợ ông ta nói chuyện với tôi. Ông này tôi biết mặt, tuy không quen, vì gặp ông rất nhiều lần ở Newark. Ông có mặt hầu như khắp nơi. Ngay cả khi tôi đi xem jazz cũng gặp ông. Lần đầu tiên tôi gặp ông ở một chỗ phát thức ăn trưa từ thiện. Ông từ trong đó đi ra với hộp thức ăn trên tay. Nhìn thấy tôi với cái máy chụp ảnh ông hỏi chuyện, tôi trả lời. Ông đi kèm tôi nói chuyện lịch sử của Newark, rằng thời xưa nơi đây chuyên sản xuất rượu lậu, ông tiếp tục hỏi tôi có biết cái này của Newark, cái kia của Newark, hay không. Ông đánh thức cái tự ti của tôi về lịch sử. Lịch sử VN tôi còn ấm ớ thì nói gì lịch sử thành phố tôi làm việc. Nghĩ cũng lạ, tôi ở xứ này hơn ba mươi năm, làm việc nơi này gần ba mươi năm, sao nó vẫn chỉ là nơi tạm bợ, không có gì gắn bó thân thương với tôi. Tôi đứng ngoài nhìn vào hoàn toàn là người ngoại cuộc. Xong rồi ông mời tôi đi nhà thờ của ông. Ông tự xưng là mục sư có nhà thờ ở đâu đó. Da ông mởn hơn người da đen, như thể ông có lai một phần da trắng. Tóc ông thắt bím sợi nhỏ sát vào da đầu. Ông ăn mặc sạch sẽ ăn nói thông minh, nhưng có cái gì đó làm tôi sợ ông, muốn tránh ông. Thứ nhất, nếu ông là mục sư và có công ăn việc làm đàng hoàng, sao lại đi ăn cơm từ thiện. Thứ hai, sao ông có nhiều thì giờ để có mặt khắp nơi ở thành phố này. Có lẽ ông cũng suy nghĩ về tôi như vậy, tôi cũng có mặt khắp nơi những chỗ mà không ai nghĩ là một người phụ nữ Á châu xuất hiện, nhưng nếu ông có suy nghĩ về tôi thì đó là việc của ông, không phải việc của tôi.

Nhà thờ này thuộc loại cổ, xây cất từ năm 1742. Nhà thờ bị hư hại nặng trong chiến tranh Revolutionary War rồi hoàn toàn bị phá hủy năm 1810. Được xây cất lại năm 1857. Đến một lúc nào đó tôi phải tìm hiểu thêm về tôn giáo thí dụ như Episcopal Church thì khác nhau như thế nào với Presbyterian Church.

nhất thiên chỉ

Một nhánh của bụi Burning Bush.

chọc trời

Cái này thì không biết tên là gì.

“Một lần kể lại để rồi thôi”*

*Thơ Tô Thùy Yên, trích trong bài Ta Về

Cái ảnh cậu bé con, Aylan Kurdi, nằm úp mặt trên bờ biển, và cũng ảnh của cậu bé ấy khi cậu được “múc” lên, nằm gọn trong cái lõm của cánh tay người kiểm tra bờ biển, làm nao lòng những trái tim chính trị cứng rắn khô khan nhất. Đủ mềm lòng để họ tiếp nhận người tị nạn. Cậu bé với cái quần màu xanh dương đậm và áo màu đỏ làm tôi nghĩ đến Pinochio, một trong những cậu bé đáng yêu nhất trong cổ tích. Nghĩ đến Pinochio, vì nhờ lòng yêu thương chân thành của ông thợ làm đồ chơi, và của chính Pinochio cùng với phép mầu của Thượng Đế, con búp bê bằng gỗ biến thành người. Pinochio cũng bị chìm thuyền, nhờ là gỗ nên không chết đuối, vào bụng cá, cứu được cha. Aylan bất hạnh, nhỏ bé và bất động như một con búp bê bằng gỗ trôi giạt vào bờ biển. Lòng nhân của loài người đến không kịp để cứu cậu bé, anh của cậu bốn tuổi, mẹ của cậu và còn bao nhiêu người vô danh nữa. Chúa đâu, Phật đâu. Phải chăng “Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người?”

Bài báo đăng trên The New Yorker mở đầu bằng chuyến vượt biển của thuyền nhân người Việt. Tôi nghĩ thế giới đang chú ý đến số phận hẩm hiu của những người lánh nạn sang châu Âu, mình không nên viết bài cái kiểu ăn theo sự chú ý này. Tuy nhiên tôi vẫn thấy xót xa đến độ muốn nhắc lại chuyện xưa. Hay là mượn câu thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên, một lần kể lại để rồi thôi.

Bài báo của Philip Gourevitch nói rằng ước tính có ba người đi thì một người chết. Gia đình tôi đi năm người, chia làm hai đợt, hai người mất tích. Tỉ lệ như thế là hai phần năm, lớn hơn một phần ba. Không phải đợt sóng nào cũng đưa người chìm trong biển vào bờ. Hai người mất tích trong gia đình tôi là cô cháu gái gọi tôi bằng dì với đứa con gái của cô. Chồng cô đi trước cùng lúc với em trai của cô và tôi. Đáng lẽ cô đi cùng chuyến, nhưng chiếc xe đò chở cô và đứa con gái, lúc ấy ba tuổi, bị bể bánh xe hai lần, và bể cả bốn bánh. Cô bị trễ xe nên lỡ chuyến đò. Cô đi chuyến sau, và vài lần sau nữa, cuối cùng, cô đi mãi mãi và không bao giờ đến. Nói thì nghe vô duyên. Không may như Aylan chết vẫn tìm được xác. Gia đình tôi nhiều năm cố tìm kiếm tông tích hai mẹ con cô cháu của tôi. Hằng năm lấy ngày ra đi làm ngày giỗ.

Bài báo nói chiếc ghe của người Việt vượt biên năm 1988 gặp rất nhiều tàu lớn nhưng họ không cứu. Ghe tôi đi năm 1980, sau ba ngày chạy ngon lành, gặp giàn khoan, họ cho thức ăn hộp, nước uống, và chỉ đường đi. Thẳng hướng này, chừng hai ngày hay một ngày rưỡi sẽ đến bờ Mã Lai, chỉ còn một trăm năm mươi hải lý nữa thôi. Chúng tôi không cần thức ăn nước uống vì chẳng ai ăn uống được gì những ngày đầu, ói đến mật xanh mật vàng, và thức ăn nước uống mang theo vẫn còn đầy ăm ắp. Chúng tôi muốn được cứu, được chở vào đất liền bằng tàu lớn vì đêm trước thuyền chúng tôi gặp bão tưởng chìm. Nhưng đời không như là mơ.

Chạy được nửa ngày, hay một ngày, tôi không nhớ hay nói đúng hơn trong cơn say sóng vật vã, tôi không có khái niệm về thời gian, thuyền tôi bị thuyền hải tặc đuổi theo. Ghe nhỏ làm sao chạy thoát thuyền hải tặc vốn là tàu sắt, máy lớn, đánh cá ngoài khơi. Thuyền của hải tặc đâm thẳng vào ghe tôi cốt ý đâm lủng thuyền. Anh tài công của ghe tôi nhanh trí lách lệch chiếc ghe qua một bên. Tàu sắt lúc ấy đã tắt máy, chỉ cái trớn của nó cũng đủ đâm bể cái máy đuôi tôm. Sau khi cướp, bọn hải tặc lùa 22 người Việt đã bị cướp, bắt nhốt từ trước trên tàu của chúng, sang ghe chúng tôi đã có sẵn 79 người. Chiếc ghe loại buôn bán trên sông, dài cũng chỉ chừng 15 mét như chiếc ghe Gourevitch nhắc đến trên báo The New Yorker. Và trên chiếc ghe không máy, chúng tôi 101 người trôi giạt lênh đênh không nhớ là mấy ngày.

Không phải đợt sóng nào cũng đưa ghe hay người chết đuối vào bờ. Có khi thuyền tôi thấy đảo rất gần, tưởng chừng có thể lội nước biển đi bộ vào. Nhưng nhìn thì biết là đảo hoang, vào có sống được không? Vào rồi làm sao ra? Nghĩ như vậy nhưng đâu phải muốn vào là có thể vào. Ghe chúng tôi lại bị cuốn ra ngoài biển khơi. “Ngó trông ra biển mù chong. Thấy người thiên hạ sao không thấy chàng.” Từ trong bờ ngó ra biển thì không thấy chàng mà mình mơ mộng. Ở ngay trên biển ngó chung quanh thì chỉ thấy biển muôn trùng, sóng chập chùng, biển nối vào chân mây. Có lần thấy tàu to, loại tàu chở hàng thương mại to như mấy tòa nhà lầu cao ngất đi ngang, tưởng chừng chỉ quăng cuộn dây là có thể kéo chúng tôi vào bờ nhưng không ai nhìn thấy chúng tôi. Thật ra không ai muốn nhìn thấy chúng tôi. Không phải một chiếc tàu to, mà nhiều chiếc. Hết chiếc này đến chiếc khác. Chúng tôi đi từ thất vọng này đến thất vọng khác. Chúng tôi như một đàn kiến loi nhoi giữa biển khơi trên một chiếc bao diêm. Đám đàn ông bắt đám đàn bà leo lên mui thuyền khóc la vái lạy, với hy vọng họ thấy đàn bà trẻ con họ sẽ cứu. Hừm, người đang cơn tuyệt vọng lúc nào cũng tưởng bở. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao họ không cứu người tị nạn.

Chuyện cậu bé Aylan, cùng với mẹ và anh trai đều chết đuối, khi theo bố lội nước vào bờ, không phải là chuyện mới. Người ta chết đuối khi vào gần đến bờ rất thường xảy ra. Vì sóng lớn, phụ nữ và trẻ em sức yếu bị nhận chìm. Người đàn ông cần phải bảo vệ họ thì không thể bảo vệ nổi. Có khi đang nắm tay con hay cõng con trên vai thì té, vuột tay, sóng cuốn đi. Những cuộc đổ bộ thường vào lúc tối trời, đi chui mà, làm gì dám đổ bộ công khai vào lúc có ánh sáng. Không khéo lại bị tàu của người trong nước kéo ngược ra biển khơi như người Việt tị nạn trước kia.

Người đọc thường tự hỏi, tại sao họ, những người vượt biển không chuẩn bị, như đeo phao, làm thuyền cho thật chắc thật tốt, chẳng hạn. Tại vì đây là những cuộc chạy trốn. Họ ra đi trong lúc giả vờ đi đâu đó, và nếu bị chận lại họ không thể chối cãi nếu tang vật bị bắt gặp. Họ không thể xây cất thuyền, mua thuyền công khai. Họ không biết được chuyến đi ở đâu, bao nhiêu người, lên tàu lúc nào. Những điều người ta bảo với họ nhiều khi chỉ là gian dối. Người đọc mắng thầm, cứ mơ mộng hão, đi tìm ảo vọng của thiên đàng, thật ra phần lớn họ chỉ lo chạy cho thoát khỏi địa ngục trần gian.

Tôi thường nghĩ vượt biên mà còn sống là đại phúc rồi. Chuyến vượt biên thay đổi tôi rất nhiều, biến tôi thành một người rất “neurotic.” Chuyện của tôi không có gì đáng kể. Những chuyện đáng kể đã nằm dưới lòng đại dương. Có lần tôi dịch một bài của Matt Steinglass (hay tên gì đó tôi không nhớ chắc, lười tra cứu lại) anh này phỏng vấn một giáo sư kiêm học giả trẻ ở Hà Nội. Tiếng là phỏng vấn, thật ra anh ta đang viết bài để promote quyển sách của O’Brien được in lại sau một thời gian xuất bản khá lâu. Anh chàng than phiền vì sao người Việt Nam không đọc sách về chiến tranh Việt Nam. Không ai nói thật cho anh hiểu là người Việt Nam sống thở và chết trong chiến tranh, họ chán ngấy chiến tranh rồi. Không có tác phẩm hư cấu nào có thể nói hết được cái bi thảm tàn khốc độc ác của chiến tranh, biết quá rồi đọc rất chán. Chuyện vượt biên cũng vậy. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Nhàm!

Tôi tự hỏi, hình ảnh nào của người Việt vượt biên đã làm động lòng Mã Lai, Phi Luật Tân, Úc, Canada để họ cứu giúp chúng tôi. Những người như tôi khi ra đi rất ngây thơ, có lẽ những người Syria cũng ngây thơ không kém. Họ không biết là nước biển sóng biển đẹp đẽ thơ mộng hùng vĩ như thế cũng có thể tàn bạo lấy đi mạng người, mấy trăm mạng cùng lúc không thương tiếc. Họ chạy trốn cơn tuyệt vọng này để phải đương đầu với cơn tuyệt vọng khác như người Việt đã từng đương đầu. Họ cũng không nghĩ đến sự có mặt của họ sẽ gây tốn kém nhức đầu với nhiều vấn đề cho những người phải nuôi phải chứa họ. Họ chỉ muốn tìm một nơi để sống bình yên, có cơm ăn áo mặc, con cái được đến trường, họ không phải sống trong bom đạn và cái chết. Họ sống trong cái chết bao chung quanh. Họ đi vào chỗ chết để mong tìm cái sống.

Chúa ở đâu? Phật ở đâu? Lòng nhân của con người ở đâu? Họ cần Chúa, Phật, lòng nhân của loài người hơn bao giờ hết.

Thuyền nhân

Ảnh minh họa của Tom Bachtell, trong bài Search and Rescue của The New Yorker

Jazz in the garden 4

Sở dĩ có mấy cái post jazz là gì, rồi jazz trong phim ảnh và văn học là tại vì tôi đi xem Jazz in the garden hằng tuần. Đây là tuần thứ tư, mới xem hồi thứ Năm vừa qua. Tôi đến trễ, không còn chỗ trong bóng mát. Thấy có chỗ trống ngồi vào thì bà cụ bên cạnh nói, người ta bỏ ghế này vì bị cây cột chống lều, và cái máy khuếch đại âm thanh án ngữ. Bạn đọc tha thứ cho những tấm ảnh này. Tôi nhận ra cái shyness của tôi làm tôi trở nên què quặt nhiều mặt. Tôi không dám đứng ra giữa sân để chụp ảnh như những người chụp ảnh. Ngay cả đứng lên để chụp ảnh tại chỗ tôi cũng thấy ngượng ngùng, có cảm tưởng người ta nhìn mình, nhìn cái búi tóc bạc giấu sau cái mũ, nhìn cái lưng đã bắt đầu có dáng hơi còng.
toàn ban nhạc Cocomama
Đây là ban nhạc Cocomama. Ban nhạc có chín người, nhưng người chơi đàn bass bị che khuất sau các nhạc sĩ, ca sĩ, và cái loa. Tôi nghe tiếng bass đệm và đôi khi độc tấu nhưng không thấy người, ban đầu ngỡ là người chơi piano đệm theo bắt chước tiếng bass. (Tại không rành âm nhạc nên muốn tưởng sao thì tưởng) 🙂
quả bầu làm nhạc cụ
Ban nhạc này được giới thiệu là All female Latin Jazz group. Nửa phần đầu họ trình diễn nhạc Cuba. Sau đó họ hát nhạc của Peru và có bài nhạc tiếng Anh. Có lẽ đây là bản nhạc rất phổ biến nên tôi nghe khán giả phía sau lưng tôi hát theo. Vì là nhạc Cuba và châu Mỹ Latin nên họ có vài loại trống. Ảnh này là quả bầu được dùng làm nhạc cụ. Sau lưng người ca sĩ này là một cặp trống có chiều cao đến bụng. Tôi nghĩ thiếu tiếng trống chắc khó truyền đạt âm nhạc châu Mỹ Latin. Tôi rất yêu tiếng trống trong âm nhạc, cố gắng phân biệt tiếng trống của các quốc gia Ả Rập, nghe thì có thể phân biệt nhưng diễn tả bằng ngôn ngữ thì bất khả.
drummer and percussionist
Đây là hai nữ nghệ sĩ đánh trống. Ban nhạc toàn nữ này mang cho tôi cảm giác rất đặc biệt. Khâm phục họ và họ đáng tự hào. Và nhận ra thế giới ngoại quốc có dành chỗ cho nữ giới. Không được rộng rãi như chỗ của nam giới, nhưng họ cũng tạo ra một chỗ đứng cho họ. Cô gái đánh trống này thật là xinh đẹp, và tôi yêu cái mũ đàn ông của cô.
volunteer dancers
Hôm ấy là một ngày mùa hè đẹp tuyệt vời. Không nóng lắm và có gió hiu hiu. Trời xanh với những cụm mây trắng lười biếng bay. Tôi không muốn trở về chỗ làm. Ngồi nghe nhạc và nghĩ đến những câu thơ.

Dẫu rằng người có phụ tôi.
Thì mây vẫn trắng thì trời vẫn xanh.

Được hai câu thì bí rồi nên tiếp tục nghe nhạc. Tôi yêu nhạc vùng Caribbean và tiếng trống kể từ khi tôi nghe bài Kiss The Girl trong The Little Mermaid. Tiếng trống rộn ràng, rạo rực. Những nhà nghệ sĩ của ban nhạc Cocomama, chơi những bản nhạc nhanh vui theo điệu Salsa nên nhiều người ngứa ngáy đôi chân. Khi họ được khuyến khích ra sân khiêu vũ thì họ ra ngay. Đây là những người khiêu vũ với những bước rất đẹp mắt. Cách họ uốn éo di chuyển chứng tỏ có một thời họ làm chủ sàn nhảy nào đó. Nhìn cái lưng của người phụ nữ áo đen và mái tóc cắt ngắn rất khéo tôi có cảm tưởng nàng là người Á châu. Nhảy đẹp lắm.
một cặp khiêu vũ
Đứng chật sân nhưng chỉ toàn là phụ nữ. Khi ông này lên khiêu vũ với bà này, khán giả vỗ tay um sùm. Sau lưng tôi là một ông cụ. ông hát theo ca sĩ và tiếng đàn, giọng trầm hơi khàn, mỗi lần nghe một đoạn nhạc hay ông kêu lên Ô lê, Ô lê, Ô lê, đôi khi ông “hum” (âm thanh ngậm lại trên môi không phát ra thành tiếng) ông sành âm nhạc lắm a.

Tôi hoàn toàn không biết nhạc lẫn lời. Chỉ ngồi đó nghe âm thanh và giai điệu. Khi họ hát những bản nhạc jazz chậm, tôi đoán lời hát chắc phải não nuột lắm, nhưng âm thanh điệu nhạc vẫn dồn dập rộn rã. Nhạc vẫn vui dù lời hát có buồn. Với âm nhạc, một buổi trưa hè như thế này, dù có bị tình phụ thì trời vẫn xanh, mây vẫn trắng, mình vẫn sống nhăn. Tình phụ, đó là sự tưởng tượng của một người ôm mộng làm dzăng sĩ. Chứ tình phụ xảy ra hồi mấy chục năm về trước kia.

Lờ mờ khù khờ

Tối qua, cắm cái ipod vào máy để sạc điện. Đi ngủ nên bỏ quên ipod. Sáng thức dậy thấy ipod trống trơn một màu trắng đục. Bấm nút nào cũng không nhúc nhích. Chẳng biết tôi mày mò làm sao mà khi nó nhúc nhích được nó hiện ra chữ toàn là characters giống tiếng Trung (hay Đại Hàn Nhật Bản gì đó chẳng biết). Vậy thì chỉ cần setting thôi. Nhưng setting ở chỗ nào, làm sao tìm cho ra. Lại lay hoay đi tìm user guide, đọc một hồi chẳng biết tìm cái setting chỗ nào. Phải tìm trên mạng cái user guide có ảnh của mấy cái button, rồi đếm trên menu cái button setting nó nằm ở hàng thứ mấy. Lỉnh kỉnh mấy tiếng đồng hồ mới mang cái ipod về tình trạng cũ có setting bằng tiếng Anh. Muốn viết cái gì bây giờ quên mất cả rồi.

Hệ lụy của tuyết

Đây là lần đầu tiên tôi dùng từ hệ lụy. Tôi đoán đây là chữ ghép từ quan hệ và liên lụy. Vì đoán nên rất có thể sai, xin bạn đọc đến đây hiểu dùm tôi muốn dùng từ hệ lụy theo nghĩa trên.

Bạn thấy nhiều rồi, trên blog này và nhiều blog khác. Tuyết đẹp. Nhưng sau đó là trơn trợt. Người ta ngã gãy tay chân, xương chậu, nằm nhà thương. Một nhân viên của công ty tôi trượt ngã trước công ty đệ đơn thưa, sau đó được đền tiền, nghe nói rất nhiều. Cả chục năm sau vẫn đi khập khiễng chống gậy.

Cái đẹp của tuyết, có khi chụp được vào ảnh, nhiều khi không. Mấy hôm nay trời ấm, sáng qua có sương mù dày đặc. Cái hồ trắng nằm giữa cánh rừng trắng hôm qua vẫn là hồ trắng bị bao phủ bởi lớp sương trắng, dày như lớp thạch, tưởng chừng có thể cắt bằng dao. Xe lửa chạy vụt qua, tôi ngó ngoái lại, thấy cánh rừng đã trở thành màu đen vì tuyết không còn bám trên cây.

Đóa hoa đơn độc
Enter a caption
Khoác áo tuyết
Enter a caption
nẻo tuyết
Enter a caption
Cây tùng đầu ngõ
Enter a caption
Chờ người
Enter a caption
cottage
Enter a caption
Tịch liêu
Enter a caption
soi bóng
Enter a caption
tuyết vẫn còn vương
Enter a caption
hàng tùng cạnh rào
Enter a caption
Vẫn tuyết
Enter a caption
viền quanh
Enter a caption
tùng mâm xôi
Enter a caption

Liên tiếp mấy ngày, tôi đi bộ vào lúc giữa trưa. Những công viên vẫn còn phủ lớp tuyết mỏng, lối đi chưa được dọn sạch, ướt át, bẩn thỉu. Sau khi lớp tuyết trắng tinh khôi phủ cả bề mặt của thành phố tan, tất cả những cái xấu tệ bẩn dần dần lộ ra. Lon nhôm, chai nhựa, bao thuốc, rác đủ loại, tuyết tan thành nước, bụi khói xe, đất nhão biến thành bùn đen bám đầy trên tuyết đóng nham nhở hai bên vệ đường. Ổ gà trên đường sau mùa đông biến thành ổ voi hay ổ khủng long, suốt cả chiều dài con đường, vô số không thể đếm hết.

Vậy đó, mấy hôm tuyết trắng tôi cứ nghĩ đến một đoạn thơ của Nguyễn Bính. Đoạn thơ buồn nói về đám tang của một cô gái trẻ, sợ viết ra bạn đọc không vui. Nhưng đoạn thơ cứ trở đi trở lại mãi trong đầu tôi, nhất là khi tôi nhìn thấy màu đen xỉn của bùn đất ô uế đóng trên tuyết.

Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh
Tơ liễu kéo nhau chạy xuống hồ
Tôi thấy quanh tôi và tất cả
Châu thành Hà Nội chít khăn sô.

Có một chiếc xe màu trắng đục
Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi
Theo sau một cỗ quan tài trắng
Với những bông hoa trắng lạnh người
Theo gót những người khăn áo trắng
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi.

Chép theo trí nhớ, bài thơ được phổ nhạc, tôi nhớ theo ca từ, nên có thể không đúng với nguyên bản. Tôi cũng không chắc là của Nguyễn Bính. Nhớ bài thơ vì cái màu trắng. Mà đám tang ở Tây phương người ta mặc toàn đen.

Trên đường đi bộ, tôi ghé một chợ bán nông phẩm của người Hàn. Chủ nhân cứ nhìn mình với đôi mắt cú vọ vì sợ mình ăn cắp, chẳng kể đó là người Á hay Mỹ, da màu vàng hay màu xanh lá cây hay màu tím ngắt. Tôi mua ba trái táo vàng, và một hộp blue berries. Ra khỏi chợ khoảng chục bước, bên kia đường tôi gặp một người phụ nữ trạc năm mươi, hay trẻ hơn. Bà nhìn tôi, vừa nói vừa chỉ vào mồm. “Bà có gì cho tôi ăn không?” Tôi lắc đầu, đi được dăm bước chợt nhớ ra trong túi xách của mình có thức ăn mới mua. Tôi quay trở lại đưa cho bà quả táo. Bà lắc đầu, nói: “Ưm, tôi không thích táo. Nếu có quả cam thì tốt hơn.” Tôi nghĩ thầm, người Mỹ có câu “a beggar can’t choose” thế mà bà này kèn cựa với mình. Tôi đoán có thể vì táo cứng, và răng bà yếu. Tôi đưa bà hộp blue berries, mặt bà sáng lên.

Tôi đang ở trong trạng thái chẳng suy nghĩ gì được. Cuộc sống bình thường trôi qua, không có gì để kể. Hôm trước thấy ở một blog nào đó có nhắc đến Shadow of the Wind, tôi mượn sách audio về nghe. Quyển sách hấp dẫn nhưng buổi chiều đi làm về tôi cứ ngủ gục, thức dậy thì đã mất mấy chương trong sách. Tôi cũng cố đọc Slaughter House Five của Vonnegut nhưng đầu óc cứ la đà đi hoang. Dự định đọc xong quyển này sẽ đọc Catch-22 và một quyển của Thucydides để có khái niệm người ta viết gì về chiến tranh, nhưng ngó bộ không xong. Tôi có mấy quyển sách đọc dang dở rồi nhảy qua quyển khác. Trong đó có một quyển mới mua là Japanese dolls, và một quyển về phim cua Wes Anderson tha ở thư viện về từ hồi mấy tuần trước gần hết hạn mà chưa đọc xong.

Ha, tôi đi từ tuyết bẩn sang đến sách chưa đọc, lan man quá, xin bạn đừng chấp.

Nhật Ký Lassie – Phần 5

Tác giả: Đặng Đình Túy

Hôm trước bàn về chuyện bản năng mà quên ghi môt sự việc thế này. Vì chuyện sưu tầm phụ hệ trong điều kiện và hoàn cảnh mình là điều bất khả nên khó mà giải thích được hết mọi hành động gọi là thiên tính. Cũng như mọi người, mình không được mẹ dạy bảo nên không biết phát triển những năng khiếu riêng. Đôi khi, đột nhiên, “năng khiếu” ấy được phục sinh ngang xương. Nó xúi mình hành động theo sự chỉ dẫn của nó. Mình như kẻ mù, không hiểu tại sao phải hành động như vậy, chỉ biết là có một thôi thúc máy móc nào đó từ trong mình mà ra. Và mình băn khoăn. Những lúc như vậy mới cảm thấy một nỗi bơ vơ vì không tự giải thích được. Giá có mẹ một bên để vặn hỏi nhỉ. Nhưng nói nhiều thì chỉ tổ bị người khinh thôi, họ sẽ bảo mi là chó thì biết cái quái gì mà lý với sự! Continue reading Nhật Ký Lassie – Phần 5

Nhật Ký Lassie – Phần 4

Tác giả: Đặng Đình Túy

(Ông chủ viết thay cho Lassie một lần)

Hồi thanh xuân tôi tin rằng tới độ tuổi nào đó thì con người sẽ không cần tình yêu nữa. Sai lầm có nhiều nguyên nhân. Với tuổi trẻ tình yêu có nghĩa nhất thiết là tình trai gái. Rất mạnh mẽ. Rất mê đắm. Cường độ cao đến nỗi những thứ tình khác không thể nào sánh kịp. Nó ám ảnh ta từng giờ từng phút, nó còn cao hơn, vút hơn nữa, khi có tình dục chen vào. Không phải tuổi trẻ không có tình gia đình, anh em, bè bạn; cũng có đủ nhưng vì tình yêu thần thánh quá, cao ngất quá nên át mất hấp lực của những thứ tình kia. Chỉ khi nào thất bại rồi thì lúc ấy ta mới chịu đi cầu cứu những thứ tình khác: một người bạn để tâm sự, một cuốn sách hoặc bản nhạc nhằm tự ru ngủ, cây đàn bỏ đóng bụi giờ lôi ra khua vài ngón, nghêu ngao dăm câu, tỉ tê với cô em gái hay bà chị để được vỗ về… Tuổi trẻ vốn rất “đoảng”, dễ quên, dễ qua sông bỏ đò; bà chị, cô em, người bạn chỉ là phương tiện xong rồi thì quên quách đi cho nhẹ. Continue reading Nhật Ký Lassie – Phần 4

Lảm Nhảm Cuối Tuần

Lúc này tôi lười viết nên xin bạn đừng chê vào blog này chẳng có gì đọc cho ra hồn. Tôi thỉnh thoảng tự nhắc mình là mình chỉ viết blog để chơi không nên nghiêm túc bài bản quá sẽ làm mình chán. Nếu viết mà cảm thấy như là một sự bắt buộc thì không nên viết. Nhưng chỉ viết toàn chuyện lăng nhăng nhảm nhí thì viết làm gì. Cái đầu của tôi luôn luôn lẩn quẩn nghĩ xuôi rồi nghĩ ngược với những câu hỏi của mình. Có nhiều đề tài để viết thành một bài có đầu có đuôi đàng hoàng nhưng viết để làm chi? Để đăng báo. Đăng báo để làm chi? Để người ta biết tên mình. Biết tên mình để làm chi? Đến đây tôi không muốn tự hỏi nữa. Lòng vòng thì cũng đưa đến câu thơ của cụ Nguyễn Du. Ba trăm năm sau có còn ai khóc Tố Như không. Khóc để làm gì khi người đã chết rồi? Giá mà viết được để vừa có tiếng vừa có tiền lúc mình còn đang sống như JK Rowling hay Haruki Murakami. Tôi vẫn định bụng sẽ đọc ít nhất là quyển đầu tiên trong bộ Harry Potter nhưng vẫn chưa có dịp. Sách thì nhiều thời gian thì ít quá và mình thì quá lười biếng ham chơi.
1
Tấm ảnh tòa nhà tôi chụp trên đây tôi không biết nó là gì, nhà thờ hay cái vọng canh thời xưa nhưng hình dáng của nó với hàng cột trụ Dorian và đôi tháp nhỏ ở trên cũng dùng những cây cột trụ kiểu Hy lạp làm tôi tò mò. Tôi nhìn thấy nó mỗi ngày đi làm. Tôi biết nó gần tòa nhà federal building tức là không xa lắm ở nơi tôi làm việc. Trưa thứ Sáu tôi thả bộ đi đến đây. Trời không nóng lắm và trời tháng Chín ở đây thường thì nó trong xanh như thế. Giống như một buổi sáng tháng Chín mười năm về trước. Tôi đang làm việc thì thấy mọi người nhốn nháo ùa ra cửa sổ. Tôi cũng ngó ra cửa sổ thì thấy tòa nhà gọi là North Tower đã bị đâm thủng và bốc cháy. Lúc ấy chưa ai biết việc gì xảy ra chỉ nghĩ có thể là một tai nạn. Ông sếp của tôi lúc ấy, bây giờ đã về hưu, từng là sĩ quan Hải quân của Hoa Kỳ trấn an nhân viên bảo làm việc, nhưng dân làm việc nhà nước mà, vẫn nửa làm nửa nhấp nhỏm ngó ra cửa sổ. Rồi cái phi cơ thứ nhì đâm vào tòa nhà hướng Nam. Rồi cả hai tòa nhà xẹp xuống như một chồng pancakes. Tôi đón xe lửa đi về vì không biết diễn tiến sẽ xảy ra như thế nào. Chỉ sợ có gì lại thất lạc chồng con.

2
Đây là ảnh chụp nhà thờ tên là Grace Church. Tôi đã chụp ảnh nhà thờ này trước kia, có lẽ hai năm về trước, lúc ấy trời đầu xuân lạnh nên cửanhà thờ đóng kín. Thấy cửa nhà thờ mở làm lễ Mass từ 11:30 đến 12:30 tôi bước vào xem bên trong. Tôi rất yêu thích cách kiến trúc của những ngôi nhà thờ cổ. Ở hàng ghế ngay cửa vào có một người phụ nữ da đen mặc áo màu hồng của hoa azelas có vẻ đang cầu kinh nên tôi không quấy rầy. Tôi chỉ chăm chú ngắm nhìn bên trong nhà thờ đã dự định rút máy ra chụp ảnh thì người phụ nữ này hỏi tôi có cần giúp gì không. Tôi nhìn bà ngờ ngợ một hồi và nhận ra bà là người làm việc chung tầng lầu với tôi. Bà về hưu và phục vụ cho nhà thờ này. Bà bảo đây là nhà thờ của bà và giải thích là bà đi nhà thờ này. Trò chuyện một hồi tôi ra về hẹn sẽ trở lại để chụp ảnh bên trong nhà thờ sau.
3
Từ hơn một năm nay thỉnh thoảng tôi gặp hai bố con người này trên đường ra xe lửa. Khi cô bé con chưa biết đi thường được bố ràng địu trước ngực. Anh chàng trẻ tuổi này làm việc ở tòa nhà cao tầng bên cạnh, trụ sở của công ty chuyên ngành bảo hiểm y tế sức khỏe, ở đấy có nhận nuôi giữ trẻ cho nhân viên làm việc trong building. Trông hai bố con thật là dễ thương. Tôi thấy sự khác biệt trong chuyện chia sẻ công việc nuôi con giữa bên này và bên nhà (hồi mấy chục năm về trước khi tôi còn ở bên nhà). Không nhiều như ý muốn của các bà nhưng ở bên này đàn ông cũng đảm nhiệm công việc mang con đi gửi nhà trẻ như anh chàng này. Chàng của tôi cũng từng làm như thế. Một người làm việc cho một nhà thầu xây cất trong một buổi họp với tôi đã cho biết anh xin nghĩ để ở nhà nuôi con vì vợ anh không chịu nghĩ làm mà anh thì không thích người khác nuôi con anh. Phụ nữ ở bên này cũng ham mê công danh sự nghiệp lắm, có khi sự đam mê này còn mạnh hơn cả sự đam mê công việc của ông chồng.
4
Chụp hai bố con có xin phép đàng hoàng.
5
Hoa chanh sáng nay đã nở. Tôi không ngửi thấy mùi hương có lẽ vì ít quá và nở đã lâu.