Vườn Thiền ở Ottawa

Vườn Thiền Nhật Bản ở VBT Lịch Sử Ottawa
Vườn Thiền Nhật Bản nằm ở một góc nhỏ bên ngoài viện bảo tàng Lịch sử của Canada (Canadian Museum of History).

Viện Bảo Tàng Lịch Sử của Canada nằm ở khu vực Gatineau, nói tiếng Pháp là chính nhưng người Canada đa số đều nói thông thạo hai thứ tiếng Anh và Pháp.

vườn Thiền từ trên cao nhìn xuống
Vườn Thiền nhìn từ trên cao xuống, những vòng tròn đồng tâm tượng trưng cho sóng quanh các đảo đá. Những làn sóng này được làm ra bằng một cái cào, chế tạo đặc biệt cho vườn Thiền. Mỗi vườn Thiền có một cái cào riêng.
núi thác suối chảy ra đại dương
Bạn có thể tưởng tượng đây là đỉnh núi, tiếp theo là cái thác, và sau đó là dòng suối chảy ra biển. Biển rộng bất tận nối dài cho đến bên trong viện bảo tàng.
Con đường băng qua đại dương
Đây là con đường băng qua biển (làm bằng sỏi trắng) tượng trưng cho đường đời
con đường ngoằn ngoèo xuyên qua vườn
Từ cuối vườn Thiền người đến xem vườn có thể đi lên con đường đá ngoằn ngoèo lên đến đỉnh núi, thác, suối sông, và biển. Sau đó theo con đường đá mặt phẳng băng qua biển vào đất liền.

Tháng Chín năm 2016 tôi đến xem vườn Thiền ở trong viện Bảo tàng Lịch sử Canada, nằm trong khu vực Gatineau, cạnh thủ đô Ottawa. Vừa bước vào viện Bảo tàng tôi hỏi ngay nhân viên của VBT vườn Thiền ở đâu, đường nào ngắn nhất để đi đến đó. Anh nhân viên trẻ tuổi lịch sự đáp ngay, bà chỉ cần đi thẳng ra cánh cửa này, và vườn Thiền ở ngay đấy, bên ngoài nhưng sát với một cạnh của VBT.

Rất tiếc là ngày hôm ấy rất nóng dù đã gần giữa tháng 9, và tôi đến hơi trễ nên nắng đã lên cao, chói chang, và nhiều bóng tối tỏa ra từ những tòa nhà lân cận. Tôi không khéo chụp ảnh nên không biết làm sao cân bằng giữa ánh sáng gắt gao và bóng tối. Ảnh không được tốt lắm nhưng có gì dùng nấy.

Tôi vốn mê đá, và tất cả những gì liên quan đến đá. Ngay cả nhà (tù) đá tôi cũng muốn xem (nhưng không muốn ở). Hàng rào đá ở Scotland và Ireland tôi cũng muốn xem. Và vườn đá thì tôi đã đi xem ba hay bốn cái. Vườn Thiền Đá Japanese Garden ở San Francisco, Thư viện Huntington, và Moguchi garden ở đâu đó thuộc tiểu bang California, bây giờ quên mất tên. Từ hồi trưa tôi tìm mấy quyển du lịch của chuyến đi California nhưng không thấy, chắc đã bị ông Tám cho vào thùng tái chế hết rồi.

Vườn Thiền này được thiết kế bởi Thiền sư kiêm Kiến Trúc Sư Shunmyo Toshiaki Masuno, theo chủ đề “Wakei no Niwa” có nghĩa là nhận biết và kính trọng lịch sử, văn hóa, và tinh thần của dân tộc Nhật Bản và Canada.

Vài dòng về uất kim hương

Tulip hay uất kim hương được ca ngợi lần đầu tiên từ những dòng thơ của Hafis (1327 – 90) nhà thơ lớn xứ Ba Tư. “Hãy nhìn những đóa uất kim hương, đầy đặn như đôi má của những nàng thiếu nữ, vươn lên giống như những cái cốc đầy màu sắc mời mọc người ta nâng lên môi nhấp từng ngụm rượu.”

Uất kim hương được xem như lời tỏ tình. Truyện xưa kể rằng hoa sinh ra đời bởi một giọt máu: “Chỉ mới đầu mùa xuân, uất kim hương đã nâng lên cái cốc màu đỏ của nó khi Ferhad chết vì tình yêu của Schirin, nhuộm đỏ cả sa mạc với những giọt nước mắt rơi từ trái tim chàng.”

Uất kim hương mọc thẳng, hướng lên trời và được xem là loài hoa của mặt trời. Hoa quay theo hướng mặt trời và khép cánh lại vào lúc hoàng hôn. Uất kim hương không được nhắc đến trong huyền thoại, luôn luôn bị xem là tượng trưng cho vật chất xa hoa của trần thế. Khi gia nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ trong một thời gian ngắn, đã trở nên loại hoa đắt giá nhất trong các loại hoa. Các nhà sultan của Thổ Nhĩ Kỳ, vào thời Osman, đã chọn uất kim hương làm huy hiệu của triều đình. Thế kỷ thứ mười tám, khi lòng ngưỡng mộ hoa uất kim hương ở điểm cao tột độ; lễ hội uất kim hương được tổ chức trong vườn thượng uyển của các vị sultan. Hoa có nhiều loại, được đặt cho những cái tên rất kêu, như “Giấc mơ hạnh phúc”, “Bí mật vĩnh cữu” và “Thần dược tình yêu”.

Loại hoa này được mang đến Vienna (Áo) vào năm 1554 với Ghiselin de Busbeqc. đại sứ Áo vào triều đình Süleyman và vào thời gian này hoa uất kim hương được gọi là tulip. Đại sứ Busbeqc tưởng tên gọi của hoa bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là “tülbend”, nhầm với cái hoa được gắn trên khăn quấn trên đầu màu đỏ của người Thổ Nhĩ Kỳ. Thật ra loài hoa này có tên Ba Tư là “lalé”.

Giới thương gia và học giả là những người đầu tiên đã mang uất kim hương vào Netherlands từ sau năm 1593. Uất kim hương có giá trị (tiền bạc) đến độ người ta có thể đánh đổi nhà cao cửa rộng và những chuyến tàu chở đầy hàng hóa với vài ba củ rễ uất kim hương, xem chúng như là bằng chứng của sự giàu sang. Quan trọng đến độ “ülbend” được Rembrandt mang vào những bức tranh vẽ hoa và tĩnh vật. Khi quốc hội Hòa Lan ấn định giá của hoa uất kim hương vào năm 1637, thị trường uất kim hương bị sụp đổ và nhiều người bị tán gia bại sản. Chẳng ai ngạc nhiên khi uất kim hương trở thành biểu tượng chính của vanitas.

Định nghĩa của vanitas là một bức tranh tĩnh vật, loại tranh của người Hòa lan vào thế kỷ mười bảy, chứa đựng biểu tượng của cái chết hay một sự thay đổi lớn lao, nhắc nhở đến khía cạnh phù du của cuộc đời. Thế kỷ thứ mười bảy, trong tranh vẽ, hoa uất kim hương thường được đặt bên cạnh những cái xương sọ, bị xem là kiêu ngạo và phô trương, thô cứng và lạnh lùng. Loại hoa không có hương thơm này luôn luôn mang một vẻ xa cách. Không được nằm trong danh sách các loại hoa có huyền thoại, hoa cũng không là bạn của các nhà thơ. Thi sĩ không bao giờ mang uất kim hương vào trong đáy trái tim của họ. Tuy nhiên loài hoa “lalé” này đi vào trái tim của thường dân. Giới dân giả xem hoa uất kim hương là biểu tượng của mùa xuân và là biểu tượng của cuộc sống sau khi chết.

u1
u2
u3
u4

Dinh Quốc hội

Sir Wilfred Laurier, được đặt tên cho lâu đài Laurier (Chateau Laurier) là nhà chính khách có tài hùng biện. Ông thuyết phục dân Canada hoàn thành những công trình lớn như chính sách di dân, nông nghiệp, và kỹ nghệ. Và là một trong những người thành lập ra thủ phủ Ottawa lộng lẫy. Tôi không (có cơ hội) nhìn tận mắt bên trong lâu đài. Thấy người ta đến tấp nập, áo quần tươm tất. Có vẻ là nơi hội họp và tiệc tùng của những người giàu có. Google một phát thấy phòng tiếp tân của lâu đài rất to lớn, dĩ nhiên là rất đẹp. Lâu đài này (bên trong đại sảnh đường) nổi tiếng với hàng cột Hy Lạp cổ, phòng khiêu vũ với những trang trí trên trần, trên tường, v.v… . Dẫu tôi vẫn quan niệm chẳng mắc mớ gì phải ca tụng lâu đài của giới nhà giàu nhưng vẫn phải thán phục hễ giàu thì có thể làm ra nhiều cái đẹp. Phía sau lâu đài Laurier là một công viên rất đẹp. Đứng ở đây có thể nhìn thấy cây cầu dẫn qua Viện Bảo Tàng Lịch Sử thuộc địa phận Gatineau.

Ngọn lửa Centennial Flame được thắp sáng lần đầu ngày 31 tháng 12, năm 1966 kỷ niệm 100 năm thành lập liên bang Canada. Lửa được thắp cháy bằng gas, trên mặt nước chảy. Đứng gần ngửi thấy mùi gas nồng nặc. Buổi tối chúng tôi trở lại lâu đài cố ý xem chương trình biểu diễn ánh sáng. Nhưng rất tiếc, chương trình chiếu sáng suốt mùa hè, một trong những điểm thu hút độc đáo nhất của Ottawa đã chấm dứt vào đêm hôm qua. Đành mời các bạn xem ảnh vậy.

Tôi lấn cấn mãi không biết nên gọi là lâu đài hay tòa nhà Quốc hội ở ngay trên đầu con dốc Parliament Hill. Tự hỏi mình dùng chữ “dinh” có được không? Để được vào xem bên trong dinh Quốc hội chúng tôi phải sắp hàng ở một chỗ khác gần đó lấy vé, và hơn một giờ sau mới được hướng dẫn bằng chương trình tiếng Anh. Ông Tám cứ đòi đi chương trình tiếng Pháp mau hơn nhưng tôi không chịu vì (không nghe được tiếng Pháp) làm sao hiểu được những chi tiết người hướng dẫn nói.

Hướng dẫn viên là một cô sinh viên ban Triết, chừng hai mươi hay hai mươi mốt, thuyết trình rất hay. Khỏi phải nói là tôi say mê vô cùng, có cảm tưởng như mình là một học sinh trong phim Harry Potter lần đầu tiên được nhìn thấy trường Hogwarts. Người xem được khuyến khích đi một bên, dọc theo hành lang, bước lên trên những tấm gạch đá cẩm thạch màu xanh biếc láng bóng. Người hướng dẫn nói hãy nhìn những chi tiết chung quanh, trên tường, bạn sẽ thấy rất nhiều chim cú. Cô bảo khi nào xem xong, nhớ nhắc, cô sẽ kể cho chúng tôi nghe một riddle về chim cú. Chim cú là tượng trưng cho những nhà thông thái, hiểu biết về pháp luật (hay pháp thuật).

Chúng tôi phải qua một chặn khám xét rất cẩn thận. Túi xách to lớn, packback quá khổ phải gửi bên ngoài. Tuy nhiên nhìn chung thành phố Ottawa có vẻ thư thả ít lo sợ như thành phố New York và Newark, nhìn ai cũng sợ dân khủng bố. Ở đây đa số chỗ nào cũng được phép chụp ảnh chớ không như chỗ tôi ở, cứ giơ máy ảnh lên là có bảo vệ xông ra trước mặt ngay lập tức.

Bên trong dinh Quốc hội tôi được đưa đến xem phòng họp, và thư viện. Không thể tả được cái giàu sang vĩ đại trong từng chi tiết của tòa nhà. Thư viện với những điêu khắc tỉ mỉ trên gỗ. Khắp nơi là những vòm cao, mái cong, hình búp sen nhọn ribbed arches, tất cả tường, cột, bậc thang, bệ cửa sổ, còn nhiều thứ tôi không biết tên gọi, được xây bằng đá cẩm thạch trắng. Cái giàu sang của bậc vua chúa trưởng giả được phô diễn qua chỗ làm việc hội họp. Họ bảo vệ được sự giàu có và những công trình điêu khắc, kiến trúc của họ nhờ không bị trải qua sự tàn phá chiến tranh. Nền lịch sử của Ottawa không hơn ba trăm năm mà kiến trúc xứ sở của họ vĩ đại qui mô vô cùng. Trong khi lịch sử của ta hơn bốn ngàn năm văn hiến mà gia tài của mẹ để lại cho con chỉ là một sứ xở tang hoang rách nát, tham nhũng vơ vét từng giọt máu của người dân. Thật là chán mớ đời. Ối, xin tha thứ cho tôi, một bà già nhà quê chẳng biết gì mà bày đặt nói leo. Thôi mời bạn xem ảnh, cho vui mắt thôi. Cái giàu cái đẹp của người ta xem một hồi cũng chán.

Thư viện Quốc hội là nơi tồn trữ quá khứ về ngành luật pháp của Canada. Thư viện xây từ năm 1859 cho đến năm 1876 thì xong, nổi tiếng với cách kiến trúc Gothic Revival (Gothic thời Phục hưng). Hơn 600 người thợ cao cấp đã góp phần xây dựng trong các bộ môn điêu khắc gỗ, tạc tượng trên đá, tường đá, đào bới và di chuyển đá tảng, và điêu khắc kim loại. Đã có lần Dinh Quốc hội bị cháy lớn nhưng thư viện thóat được nhờ cánh cửa kim loại khá dày.

High Victorian Gothic architecture là lối kiến trúc với những vòm cung có nhiều đỉnh nhọn, tường làm bằng đá tảng với hình dáng và màu sắc khác nhau, có nhiều hình ảnh điêu khắc rất chi tiết đẹp mắt. Càng nhìn, du khách càng khám phá ra nhiều hình ảnh điêu khắc của quái vật, thú vật, người dị tướng, danh nhân, xuất hiện từ các góc tường. Những hình ảnh này được gọi chung là grotesque. Tôi cứ nghĩ mình lạc vào một cuốn phim nào đó, như Thằng Gù trong nhà thờ Đức Bà hay mới nhất như Harry đi học phép thuật trong trường Hogwarts.

Xong cuộc hướng dẫn, cô “tua gai” hỏi chúng tôi có biết chữ parliament là gì không. Đây là cái câu đố mà có một người đi xem còn nhớ nên nhắc cô cho giải đáp. Parliament (quốc hội) còn có nghĩa là một đàn chim cú. Đó là lý do cô bảo hãy nhìn và tìm ra hình điêu khắc của những con cú trên tường.

 

 

Ngày thứ nhất tiếp theo

Nói chưa hết chuyện nàng chủ nhà vui tính và khó tính nên lôi ra kể tiếp. Nàng nắm cổ tôi và ông Tám để nói chuyện cả tiếng đồng hồ. Hai chúng tôi lễ phép đứng nghe. Nhờ nghe nàng nói mà được khen là nàng rất vui được nói chuyện với những người có học. Trong câu chuyện dông dài từ thị trường nhà cửa đến đời sống các nước nàng đã du lịch (nàng chưa đi Á châu), thỉnh thoảng nàng chêm vào vài câu về cách ở trong bed and breakfast của nàng. Nàng than phiền tụi trẻ vào ở không ngăn nắp gọn gàng. Sau đó lại đưa lên facebook than phiền chê bai đủ thứ. “Không thích thì đừng trở lại tại sao lại mang lên mạng mà kể xấu người ta.” Nàng kể chuyện thằng cháu nào đó một ngày tắm hai lần, kết luận “thật ra người ta không cần phải tắm mỗi ngày như vậy. Chỉ có một vài chỗ cần rửa ráy thôi.” Tôi và ông Tám mỗi sáng thức giấc cũng cẩn thận xếp chăn cho ngay ngắn vén khéo. Còn những cái gối trang trí sang trọng thì mình để sang một bên không đụng đến chúng. Nói chơi cho vui, nhưng nếu ai hỏi thì tôi cũng sẽ giới thiệu chỗ ở này, vì nó rẻ bằng nửa giá của khách sạn. Đây là chỗ dành cho người ban ngày đi chơi, tối về ngủ.

Chợ Byward, phân tích ra thì chữ ward có nghĩa là một khu phố, tương tự như chữ quarter trong chữ Latin Quarter của Paris, xóm hay phố La Tinh, mà chúng tôi đám trẻ con Việt Nam khi mới lớn lên nghe trong bài hát, “hỡi em ‘người xóm học’ sương trắng hè phố đêm.” Còn chữ By là họ của một người đã góp phần tạo dựng thành phố Ottawa từ những ngày mới bắt đầu. Tên của ông là John By.

Trong những cuộc đi chơi, tôi cũng có tìm hiểu chút đỉnh về nơi tôi sắp đến, tuy nhiên bản tính lười và có nhiều thứ chi phối nên tôi không tìm hiểu nhiều. Vả lại không tìm hiểu nghiên cứu trước cũng có cái hay là nó làm mình ngạc nhiên. Tôi cốt ý muốn xem vườn thiền nên không chú ý đến mọi thứ khác, nên Byward market làm tôi ngạc nhiên và thú vị.

Vòng quanh chợ, thấy có nhiều nhà hàng của người Irish. Ngày đầu tiên tôi đến trời khá nóng, người ta đặt bàn và dù bên ngoài nhà hàng, màu sắc rất thu hút, nhiều màu đỏ, màu xanh lá cây. Nhạc sĩ trình diễn trên phố vào buổi tối đã thấy đi lang thang với kèn, đàn, hay trống. Đồ thủ công mỹ nghệ cũng được bán trên hè phố rất nhiều, tơ lụa đầy màu sắc. Đa số người ta dọn hàng khi tắt nắng, có vài cửa hàng mở trễ đến tám chín giờ tối mới thu dọn.

Tôi thấy có một nhà hàng Thái, một nhà hàng Tàu, một vài cửa tiệm bán sushi, hai nhà hàng Việt, nhiều nhà hàng Irish, tiệm café. Rất ít nhà hàng Ý, hay nhà hàng Mỹ. Đi đâu cũng thấy Tim Horton nên tôi và ông Tám vào thử, mới biết nó tương tự như McDonald. Tôi gọi một cái bánh parini thịt bò giống như hamburger nhưng gói trong tấm wrap (bánh mì mỏng như bánh tráng và mềm). Ăn khá ngon. Dù tôi không đụng đến khoai tây chiên (cắt dày và to hơn khoai tây chiên của McDonald) mà tôi no suốt buổi tối.

Beavertails là một cửa tiệm bán bánh, nổi tiếng lâu đủ để được vào sách du lịch của Frommer và có một bài trên Wikipedia. Bánh chiên thì có lẽ cũng na ná như donuts. Tôi đi ngang thấy tiệm lúc nào cũng đông khách, trang trí đẹp, nằm ngay cái góc dễ thấy nên du khách thường bấm một vài tấm ảnh về làm kỷ niệm. Mấy cái tiệm bán fastfood ngó sang một department store có tên là Rideau Centre, nhìn lên mấy cái hành lang trên cao bắt ngang đường phố để giúp người dạo tiệm không phải băng ngang đường. Trên đó nam thanh nữ tú rất nhiều. Điểm đặc biệt ở Ottawa tôi nhận thấy là số người Á châu rất đông. Chiều hôm ấy tôi thấy các cô cậu ăn mặc như tài tử Hàn quốc, rất bắt mắt. Số người lang thang, lôi thôi đi phố nào cũng có  cũng gặp. Tuy họ chẳng xin xỏ nhưng thỉnh thoảng cũng có vài hành động cử chỉ làm mình e dè.

 

Vài tấm ảnh lúc đi chơi Ottawa

vuon-thien-nhat-ban-o-ottawa

Đi Houston vài lần nhưng đó là đi lễ tang giáp năm người anh của ông Tám. Đi Toronto vui nhưng đi vì con và cháu muốn đi. Ottawa là nơi tôi muốn đi, và đi chỉ vì muốn tận mắt nhìn cái vườn thiền Nhật Bản này đây. Không đến độ obsessed (yêu thích đến ám ảnh mê muội) nhưng tôi thích đá từ lâu. Tôi say mê những bức tường đá, nhà đá, hàng rào đá, vườn đá, nên từ lâu thường hay tìm đọc những thứ liên quan đến đá. Nghe tiếng vườn thiền đá của Nhật Bản từ lâu được biết vài nơi ở Hoa Kỳ có vườn đá nhưng rất xa. Trong khi Ottawa chỉ cách nơi tôi ở độ tám giờ lái xe tốc độ trung bình. Rất may là ông Tám cũng muốn đi. Thế là mục đích duy nhất của tôi trong chuyến đi Ottawa được hoàn thành, và dọc đường gió bụi có rất nhiều cái hay ho để xem, nhiều ảnh (xoàng xoàng) để đăng lên blog. Dưới đây là vài tấm khởi đầu. Chắc  phải lâu lâu mới có thì giờ để viết kỹ hơn.

ba-con-ga-tay
Vừa ra khỏi cửa gặp ba con gà lôi (turkeys). Lúc sau này ít thấy gà lôi lởn vởn sân nhà tôi. Hồi mới về gà lôi đi có đàn, gà bố gà mẹ gà con đi thành hàng kêu túc tác inh ỏi. Lâu lâu gặp lại thấy vui.

pho-nui-cay-xanh-troi-thap-that-gan
Tình cờ dừng chân ở trạm này cũng là nơi dừng chân hồi tháng trước lúc đi chơi Toronto. Rặng núi đẹp vô cùng

mau-thu
một chiếc lá thu rơi ở sân cỏ của một trạm dừng chân ở upstate New York. Tưởng rằng đến Ottawa sẽ thấy cây lá đổi màu, nhưng chưa.

pho-nui
Sương mờ đỉnh núi

golden-rods-moc-hoang-ven-duong-cao-toc
ảnh chụp từ trong xe đồng cỏ hoa dại

thap-cao-1000-island-ngay-canh-bien-gioi-canada-va-hoa-ky
Cái tháp này ở gần biên giới Canada và Hoa kỳ. Tháp mang tên địa danh nổi tiếng vì có nhiều dân nhà giàu ở, 1000 islands.

may-lung-chung-nui
Đường cao tốc mù sương trên lưng chừng núi

rang-tung-vien-theo-duong-cao-toc-truoc-tram-dung-chan
Nhìn qua bên kia sườn đèo đồng cỏ phía sau con đường ngoằn ngèo có rặng thông viền theo con đường.

New Jersey là tiểu bang giáp biển, có núi nhưng ở xa. Đến biên giới New York là thấy núi.

Phố núi cao, phố núi trời gần.
Phố núi cây xanh, trời thấp thật gần.

Tôi vẫn thầm mơ ước được quanh xe vào trong một thị trấn nhỏ vùng núi, ở lại qua đêm tận hưởng cái không khí lành lạnh, nhìn trời mờ mờ sương buổi sáng, may ra có tiếng gà rừng gáy, thú rừng kêu hú, lãng mạn chết luôn!