Hoa Pensée và Giấc mơ đêm hạ chí

Liên tiếp mấy hôm nay ngày nào cũng mưa và mưa rất to làm tôi nhớ những cơn mưa mùa hè ở Việt Nam khi tôi còn bé. Sài Gòn sau cơn mưa, hàng me già lướt thướt. Hôm kia (June 18, 2017) tôi được mời ăn đám giỗ. Khoảng năm hay sáu giờ trời mưa tầm tã nhưng một lúc sau thì tạnh mưa. Tám giờ tối vẫn còn ánh sáng. Tiệc tàn lúc chín giờ ra về, khi lên xe tôi thấy đom đóm bay lập lòe. Vậy là mùa hè rồi đó.

Hễ nói đến mùa hè không thể không nhớ đến tên một vở kịch của Shakespeare, “A Midsummer Night’s Dream” (Giấc mơ đêm hạ chí). Đây là một vở kịch thơ với rất nhiều nhân vật. Trong phạm vi bài tản mạn ngắn này tôi chỉ muốn nói đến một loài hoa trong vở kịch này. Bạn đọc nào quen thuộc với kịch bản Shakespeare đều biết rằng ông là một người yêu thích công việc làm vườn, trồng cây, và trồng hoa do đó ông luôn nhắc đến tên của rất nhiều loại hoa. Đây là lý do mà những công viên nổi tiếng ở Hoa Kỳ đều có một phần dành riêng cho những loại hoa, cây cỏ hương liệu, thường hay được nhắc tên trong kịch của Shakespeare. Mảnh vườn này được đặt tên là Shakespeare’s Garden, vườn của Shakespeare. Ở trong Central Park có vườn của Shakespeare. Ở trong Brooklyn Botanical Garden, và New York Botanical Garden cũng có vườn của Shakespeare.

Người ta tin rằng, vào giữa đêm hạ chí[i] tiên sẽ xuất hiện và có nhiều chuyện thần tiên sẽ xảy ra. Trong một khu rừng gần Athens (Hy Lạp) trong đêm hạ chí, Puck, một vị elf (tiên) nổi tiếng nghịch ngợm thường quấy phá loài người để mua vui cho ông chủ được Oberon, vua của loài tiên cũng là chủ của Puck,  giao cho trách nhiệm đi tìm một loài hoa đặc biệt, vì Puck có khả năng đi vòng quanh địa cầu trong bốn mươi giờ (chỗ này tôi quên không nhớ chắc chắn con số là bốn giờ hay bốn mươi giờ). Oberon và Titania, hoàng hậu của Oberon, tuy là tiên nhưng chẳng khác gì người trần tục, họ thường hay cãi nhau vì ghen tuông. Titania bảo rằng vua Oberon si mê Hippolyta, nữ hoàng Amazon. Oberon cáo buộc ngược lại là Titania phải lòng Theseus, Hoàng thân (hay Công tước) của Athens. Titania có một cậu bé hầu cận nàng rất yêu mến. Oberon muốn mang cậu bé về làm henchmen (người thay mặt vua ra lệnh xấu như trừng phạt loài người) nhưng Titania nhất quyết không chịu dù có phải đem đổi cả ngai vàng của vua tiên. Oberon thề trả thù.

Oberon kể với Puck, có một đêm ông nhìn thấy Cupid (thần Tình Yêu) giương cung nhắm bắn vào trái tim của một nàng trinh nữ đẹp tuyệt trần nhưng bắn hụt. Mũi tên rơi xuống mặt đất cắm vào một đóa hoa pansy (còn gọi là pensée). Đóa hoa ban đầu màu trắng như sữa, sau khi trúng mũi tên của thần Tình Yêu đổi thành màu tím. Màu của khát vọng. Sau khi trúng tên của Cupid, pensée trở thành loại hoa có phép nhiệm mầu. Lấy mật của hoa này, thoa lên mi mắt của người đang ngủ, dù đó là người trần gian hay là tiên, nam hay nữ, người ấy sẽ yêu đắm đuối, dù là người hay quái vật, người ấy nhìn thấy đầu tiên.

Đây là đoạn thơ nói về hoa pensée trong vở kịch của Shakespeare. Vua tiên Oberon nói:

Yet mark’d I where the bolt of Cupid fell.
It fell upon a little western flower,
Before milk-white, now purple with love’s wound,
And maidens call it love-in-idleness[ii].
Fetch me that flower; the herb I shew’d thee once.
The juice of it on sleeping eyedlids laid
Will make or man or woman madly dote
Upon the next live creature that it sees.
Fetch me this herb, and be thou here again. 

Dịch đại

Ta đánh dấu nơi mũi tên của Cupid rơi
Trên một đóa hoa nhỏ bé ở hướng tây,
Màu trắng sữa, nó biến thành màu tím sau khi bị vết thương tình yêu.
Các cô thiếu nữ gọi nó là hoa tình-yêu-khi-nhàn rỗi.
Hãy mang về cho ta loại hoa này, loại cỏ mà ta đã có lần chỉ cho ngươi xem
Mật hoa thoa lên mí mắt người đang ngủ
Sẽ làm cho người ấy yêu say đắm
Bất cứ người (hay quái vật) nào người ấy nhìn thấy
Hãy tìm loài hoa ấy, và trở lại đây. 

Và kèm theo là vài bức ảnh của hoa pensée tôi chụp trong công viên gần chỗ làm việc. Pensée màu tím là một hình ảnh thơ mộng trong một bài hát Việt.

Chiều nay trong vườn hoa pensée tím đua bay,
Chiều nay anh ơi gió heo may ngừng nơi đây
Hoa tím nơi này,
Chờ anh đã bao ngày
Anh có mơ màu tím chiều nay.

Tôi đi ngủ sớm lúc chưa tám giờ, thức giấc nửa đêm, trong khi chờ giấc ngủ trở lại, tôi viết nhảm bài này. Thấy tôi tản mạn ghê chưa, từ cơn mưa mùa hè, qua kịch Shakespeare, qua hoa pensée. Bây giờ, tôi đi ngủ tiếp.

Tái bút:

8PM 6/22/2017

Tôi viết theo trí nhớ sai lầm. Hạ chí là ngày đầu mùa hè chứ không phải là ngày giữa mùa hè. Xin lỗi!


[i] Hạ chí là ngày chính giữa mùa hè.
[ii] Love-in-idleness là một tên khác của pansy (pensée)

Nhân đọc một bài nói về thơ của Thanh Tâm Tuyền

Ngày còn ở Việt Nam tuy không trẻ lắm nhưng tôi không đủ kiến thức và lịch lãm để đọc thơ Thanh Tâm Tuyền.  Tôi nghe danh ông và biết một hay hai câu nổi tiếng của ông. Biết có nghĩa là nghe nhắc đến nhiều lần nhưng không hiểu, thí dụ như, tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ,” “buồn chết như buồn nôn,” “lệ khóc không rơi ngoài hồn.”  Có một câu trong bài hát mà tôi không biết nó có khác với nguyên văn của câu thơ hay không là “ôi những người khóc lẻ loi một mình.” Còn một câu nữa cũng giống câu này cũng từ một bài hát. “Tôi biết những người khóc lẻ loi. Sầu không nguôi.” Hình như đó là một bài hát của Cung Tiến.

Rồi được đọc một bài nói về thơ Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ viết cho cô con gái tên Th. nhắn nhủ cô Th. nên nghe lại tấu khúc (The Four Seasons) của Vivaldi phần Summer (Hạ khúc) Presto* và nên đọc lại bài thơ của Shakespeare,The Phoenix and the Turtle, và cả bài thơ của Samuel Beckett.

Thú thật khả năng hiểu và cảm nhận về thơ của tôi rất yếu, mà nhà thơ lại đưa ra ba cái ẩn dụ toàn là của ngoại quốc, thì tôi càng mù mịt hơn. Hôm nay không đi làm, tôi lấy ngày nghỉ phép nghỉ luôn một hơi từ hôm nay cho đến hết ngày thứ Hai là ngày lễ Độc lập của Hoa Kỳ. Chàng đi vắng, cô lớn đi chơi, cô út ở nhà một mình mà tôi cưng cô út lắm nên lấy ngày nghỉ ở nhà chơi với con, làm việc vặt trong nhà. Sáng sớm tôi nghe lại bài vĩ cầm Bốn Mùa của Vivaldi đoạn Presto.  Tôi có khoảng chục bài vĩ cầm Bốn Mùa này được trình tấu bởi nhiều người nhiều ban nhạc khác nhau.  Tôi sẽ nói về bài vĩ cầm này sau khi nói về bài thơ của Shakespeare. Nhưng trước nhất là tôi xin thắc mắc về bài thơ của Samuel Beckett. Bài thơ như thế này, bằng tiếng Pháp, mà tôi không biết tiếng Pháp! Bản dịch không phải của tôi, tôi dùng google translation.  Quý vị nào có thể dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh hay tiếng Việt cho tôi thì tôi xin cám ơn nhiều.

Je voudrais que mon amour meure
Et qu’il pleuve sur le cimetière
Et sur les ruelles où je vais
Pleurant celle qui crut m’aimer

Dịch ra tiếng Anh là:

I want my love die.
And it rains on the cemetery.
And on the streets where I.
Crying one who thought love like me.

Dịch ra tiếng Việt là

Tôi muốn tình tôi chết
Và mưa trên bãi tha ma
Và trên những phố nơi tôi
Người than khóc cho những người suy nghĩ giống như yêu tôi.

Dịch đại như thế xin tha thứ bản dịch của tôi chỉ để hiểu nghĩa đen của bài mà thôi.  Ai có thể dịch bài này cứ comment cho tôi tôi xin trang trọng đưa lên blog của tôi.

Je voudrais que mon amour meure
qu’ il pleuve sur le cimetière
et les ruelles où je vais
pleuvant celle qui crut m’aimer
Samuel Beckett

Bản tiếng Anh của chính tác giả:

I would like my love to die
and the rain to be raining on the graveyard
and on me walking the streets
mourning her who thought that she loved me

Xin dịch đại để như sau:

Tôi ước gì tình tôi chết đi
và cơn mưa, mưa rơi trên nghĩa trang
và mưa trên người tôi đang đi trên phố
thương tiếc nàng, người tin rằng đã yêu tôi.

Update: Nhà văn kiêm dịch giả NQT đã gửi cho bản tiếng Anh cũng của Samuel Beckett. Xin post cho các bạn xem.

Bài thơ The Phoenix and the Turtle của Shakespeare làm tôi khốn khổ. Nhưng tôi muốn hiểu nhà thơ Thanh Tâm Tuyền muốn nhắn nhe gì với cô con gái qua bài thơ ông viết trong tù nên tôi lục lọi trên internet.  Shakespeare nổi tiếng tự bao đời nên tìm bài thơ của ông là chuyện dễ dàng nhưng tôi đọc bài thơ muốn chết luôn mà vẫn không hiểu.  Cứ vài ba câu lại có một chữ khó phải tra tự điển.  Có chữ tự điển cũng không có thí dụ như chữ precurrer. Bỏ chữ pre ra đi tìm chữ currer cũng không có.  Đọc hết bài thơ hiểu lõm bõm chỗ được chỗ mất tôi đành phải đọc Wikipedia để hiểu chung chung đại ý bài thơ nói gì. Đây là trang web tôi viếng nhiều nhất, một ngày tôi đọc nó phải vài lần vì cứ mỗi lần đọc một cái gì lạ tôi lại chạy vào đây để tham khảo. Sau đây là phần tóm lược bài thơ Phượng hoàng và chim câu. Turtle ở đây là chim turtle dove một loại chim rất xinh xắn cùng loại với bồ câu.

Đây là một bài thơ ngụ ngôn nói về cuộc hôn nhân lý tưởng. Tuy nhiên, bài thơ này cũng được xem là bài thơ nói về sự liên hệ giữa sự thật và cái đẹp, hay một thứ tình yêu thương làm người ta cảm thấy mãn nguyện.  Trong bài thơ này Shakespeare cũng nhắc đến tên của nhiều loại chim, dựa vào một bài trường thi đã được xuất bản trước của Goeffrey Chaucer có tên là Parliament of Birds hay Quốc Hội của Loài  Đàn Chim, để diễn tả cái chết của đôi tình nhân cũng giống như cái mất mát của một lý tưởng mà người ta chỉ có thể ngậm ngùi than thở.

Tác phẩm này được xem là tác phẩm bí ẩn nhất của Shakespeare do đó có nhiều thuyết diễn dịch khác nhau đến độ trái ngược nhau. Bài thơ có những câu rất đẹp mà tôi có thể hiểu nhưng không có khả năng dịch được như:

Beauty, truth, and rarity
Grace in all simplicity
Here enclos’d in cinders lie.

Xin tạm dịch như thế này:

Vẻ đẹp, sự thật, và sự hiếm quí
Vẻ trang nhã trong tất cả những điều đơn giản
Được bao kín trong than hồng
nằm nơi đây

Chữ grace bao giờ cũng giết tôi, vì tôi không tìm thấy chữ thật sự thích hợp để dịch chữ này. Grace tùy theo ý nghĩa của bài, có khi dùng để chỉ lòng can đảm, đức độ, sự bình tĩnh chấp nhận cơn giông bão của chính trị của thời thế, hay thái độ yên lặng đương đầu với khó khăn.

Bài cũ đăng lại.

*Vivaldi: Violin concerto, in G minor, Op. 8/2, RV 315, “The Four Seasons (Summer)” 3. Presto.

Sửa chữ Quốc Hội của Loài Chim thành Đàn Chim, ngày 22 tháng Chín năm 2017.